Saturday, February 5, 2011

Nguyễn Lý Tưởng -Tình Hình Huế và Thừa Thiên trước Tết Mậu Thân 1968

Tình Hình Huế và Thừa Thiên trước Tết Mậu Thân 1968

Nguyễn Lý Tưởng

Mấy tháng trước Tết Mậu Thân, tình hình ở tỉnh Thừa Thiên có vẻ sôi động. Trong thời gian vận động bầu cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện nhiệm kỳ 1967-1971, tháng 9 và tháng 10. 1967 tôi đã đi nhiều nơi trong tỉnh, qua khắp các quận, tiếp xúc với nhiều anh em nhờ vận động đồng bào ủng hộ cho tôi trong cuộc bầu cử. Nhờ vậy, tôi mới có dịp tìm hiểu về tình hình quân sự ở đây. Tôi nghe anh em nhắc đến một số tên Việt Cộng xuất hiện ở vùng nầy vùng khác.

Tôi có đem chuyện đó nói lại với một số Quận Trưởng tôi quen và nhất là thảo luận với hai ông Nguyễn Minh Truật (phụ trách An Ninh Quân Đội tại Khu 11 Chiến Thuật ở Huê) và ông Đoàn Công Lập (Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên). Căn cứ vào sự xuất hiện của một số cán bộ, bộ đội VC, các cơ quan chuyên môn về an ninh tình báo có thể biết tên các đơn vị VC xuất hiện.

Tại quận Phú Lộc, phía nam tỉnh Thừa Thiên, Việt Cộng xuất hiện quấy phá nhiều nơi, thỉnh thoảng pháo kích vào các đồn, căn cứ của quân đội VNCH trong quận, đánh các trụ sở xã v.v... Sư Đoàn 1 Bộ Binh do tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đã điều động chiến đoàn Dù của Thiếu Tá Đào văn Hùng mở cuộc hành quân trong vùng Phú Lộc nhưng vì VC khéo giấu quân nên không phát hiện được gì. Trong lúc đó tin tình báo cho biết khu rừng thuộc quận Hương Trà (bắc Thừa Thiên) xuất hiện nhiều điện đài. Sư Đoàn 1 cũng cho hành quân vùng sông Bồ, nhưng cũng không có đụng độ. Tuy nhiên trong các cuộc hành quân trong vùng nầy, quân đội ta đã bắt được một số súng ống và dụng cụ giải phẫu chôn giấu của VC. Những dụng cụ nầy hoàn toàn mới.

Ngoài ra còn bắt được những mô hình để nghiên cứu hành quân trong đó VC đã phác họa địa thế gồm thành lũy, hào sâu và chuẩn bị thang leo vô thành. Các dụng cụ y khoa đó, theo nhận xét của bên quân y thì có thể phục vụ cho cấp quân đoàn. Do những dữ kiện đó, nhiều người nghĩ rằng Việt Cộng có thể đánh Huế. Nhưng tướng Ngô Quang Trưởng thì nhận định rằng, VC có thể đánh quận Hương Trà hoặc đánh vào một vị trí quân sự nào đó thuộc bắc Thừa Thiên. Tướng Trưởng không ước tính rằng VC có thể đánh Huế.

Trước Tết Mậu Thân, Sư Đoàn 101 của Hoa Kỳ hành quân bắt được một chuẩn úy Việt Cộng, y khai đang thực tập đánh Huế. Tin Phòng Nhì và An Ninh quân đội cũng cho biết VC có thể đánh Huế. Hai ngày trước Tết, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên là Đoàn Công Lập báo cáo có đặc công Việt Cộng xâm nhập vào thành phố trong dịp Tết.

Khi bày tỏ sự lo lắng của cá nhân tôi và một số người rằng VC có thể đánh vào Huế vào dịp Tết Mậu Thân, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Vùng I Chiến Thuật kiêm Đại Biểu Chính Phủ trong dịp chúc Tết tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ Huế (trước Tết Mậu Thân một hôm) đã cho tôi biết Quân Đoàn có tăng cường phòng thủ Huế hai đơn vị lính nhảy dù thiện chiến. Hai đơn vị nầy đã được tướng Ngô Quang Trưởng bố trí ở quận Quảng Điền cách Huế 15 cây số và ở phía nam phi trường Phú Bài cách Huế 17 cây số. Do đó khi VC tấn công vào thị xã Huế thì hai đơn vị nầy đều ở ngoài thành phố.

Khoảng 20 tháng 12 năm 1967, trước lễ Giáng Sinh mấy hôm, VC đã tấn công vào xã Thủy Phước (làng Công Giáo Phú Cam) thuộc quận Hương Thủy, bên cạnh TP Huế. Chúng đã xâm nhập từ nghĩa địa phía sau núi Ngự Bình và phía chùa Từ Đàm tới (lầu Jerard). Chúng bắn B40 vào làm cho một số người chết và bị thương, một số nhà dân bị cháy. Trước đó vào mùa Xuân 1966, khi có cuộc tranh đấu của Phật Giáo chống "chính phủ Thiệu Kỳ" xảy ra ở Huế (danh từ nầy do nhóm tranh đấu thường dùng) thì có một lực lượng không rõ quân số bao nhiêu vào buổi trưa đã bắn vào Phú Cam cũng từ hướng nầy.

Nhân lễ Giáng Sinh năm 1967, lúc đó tôi là Dân Biểu Hạ Nghị Viện, trở về Huế tham dự lễ với sinh viên. Tôi đã đến Phú Cam nghiên cứu tình hình và thăm các gia đình nạn nhân. Sau đó tôi đã gởi văn thư xin Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh trưởng Thừa Thiên trang bị cho nghĩa quân xã Thủy Phước (Phú Cam) các loại súng lớn như đại liên, súng cối, M.79, M.72 để có hỏa lực mạnh.

Cũng nên nói thêm là trong cuộc tranh đấu của Phật Giáo Huế (TT Thích Trí Quang), đồng bào Phật tử ở Huế đã chịu ảnh hưởng rất lớn của các vị lãnh đạo Phật Giáo tại chùa Từ Đàm, cả những đơn vị quân đội như Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa, Sư Đoàn 1, cảnh sát v.v... cũng tham gia biểu tình chống chính phủ Saigon. Lợi dụng tình hình chia rẽ trong nội bộ quốc gia, VC đã xâm nhập hoạt động và móc nối thành phần sinh viên, học sinh tranh đấu chịu ảnh hưởng của chùa Từ Đàm. Về sau sẽ thấy rõ ảnh hưởng tai hại của các cuộc tranh đấu đó đối với tình hình an ninh của quốc gia như thế nào.

Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người bênh vực cho những người tham gia tranh đấu chống chính quyền Trung Ương năm 1966. Phú Cam lúc đó là một làng hầu hết là dân theo đạo Công Giáo nên họ đứng ngoài cuộc, và tâm lý dân chúng lúc đó rất lo sợ VC chiếm Huế. Tôi đã trình bày với ông Tỉnh Trưởng rằng Phủ Cam rất quan trọng vì nếu VC có đánh vào Huế thì đó là một trong những con đường xâm nhập của họ từ hướng núi xuống. Nhưng ông Tỉnh trưởng quá bận rộn với tình hình quân sự, chính trị lúc đó nên không đáp ứng đề nghị của tôi.

Khi có ai đề cập đến vấn đề VC sẽ đánh Huế thì ông Tỉnh trưởng thường cười và tỏ ra tin tưởng rằng không thể có chuyện đó được. Khi tôi nói chuyện đó với Tướng Ngô Quang Trưởng, ông trả lời rằng ông có đủ lực lượng phòng vệ và đã được quân đoàn tăng cường thêm hai đơn vị lính nhảy dù rồi.

Từ Tòa Đại Biểu Chính Phủ trở ra, tôi được ông Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa cho mượn xe để đi thăm và chúc Tết Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, Chánh đại diện phật Giáo miền Vạn Hạnh, ở tại chùa Thiên Mụ Huế. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ này vào trước Tết Mậu Thân là vì trong chuyến bay từ Saigòn ra Huế trước Tết, tôi cùng đi với anh Nguyễn văn Kim và anh Kim ngồi bên cạnh TT Thích Đôn Hậu trên máy bay. Anh Kim cho tôi biết có TT Thích Đôn Hậu nên tôi đã đổi chỗ cho anh Kim để ngồi nòi chuyện với TT từ Sai gòn ra Huế gần 3 giờ đồng hồ. Sau đó TT mời tôi đến thăm chùa vào dịp tất niên.

Tôi là người thích nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nên những cơ hội may được tiếp xúc với các vị cao danh như TT là điều tôi rất lấy làm vinh hạnh. Trong dịp đến thăm TT tại chùa Thiên Mụ, tôi rất ngạc nhiên về những điều TT nói ra. Tôi cảm thấy TT đã từng gặp gỡ VC tại chùa hay ở đâu đó. Vì TT rất ca tụng tư cách của "bộ đội VC", trong khi đó TT lên án quân đội Mỹ rất nghiêm khắc.

Thượng Tọa Thích Đôn Hậu nói với tôi nguyên văn như sau.


"Quân Mỹ và quân đội Việt Nam đi đến đâu thì phá đến đó, còn bộ đội Giải Phóng Miền Nam đi đến đâu thì không làm rẽ rụng một ngọn lá khoai!" .

Điều đó có đúng hay không thì chỉ sau đó mấy ngày thôi, nhân dân TP Huế cũng đã thấy rõ.

Rời chùa Thiên Mụ, tôi trở về nhà thu xếp đồ đạc và cùng người cháu đi Quảng Trị thăm bà mẹ của tôi hiện còn sống ở quê nhà, cách tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 12 cây số, thuộc xã Triệu Thuận, quận Triệu Phong. Chúng tôi di chuyển bằng xe 2 bánh loại Suzuki của Nhật. Trước khi ra khỏi nhà, tôi đã cất hết giấy tờ, chỉ mang trong người thẻ sinh viên của Đại Học Sai gòn mà thôi. Tôi thường làm như vậy để phòng có chuyện bất trắc giữa đường. Tôi khòng bao giờ mang theo thẻ Dân Biểu khi đi về miền quê ý nghĩ VC sẽ tấn công vào địp Tết cứ đeo đuổi theo tôi mãi trên đường đi. Tôi thật không yên tâm về tình hình và cảm thấy như ở đâu cũng có VC đang trà trộn trong dân chúng hay được che chở trong các gia đình trước đây theo phe tranh đấu chống chính quyền quốc gia. Tôi nghĩ rằng VC sẽ rất thuận lợi khi móc nối được những thành phần nầy.

Ra tới Quảng Trị, tôi ghé vào thăm ông Hoàng Xuân Tửu, cựu Tỉnh Trưởng và hiện là Nghị Sĩ, Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện. Ông Tửu là một người hoạt động cách mạng, hoạt động chính trị, đã từng tổ chức chiến khu và có biệt tài về quân sự và tổ chức tình báo nhân dân. Ông cho tôi biết, trong vòng một tuần nay, ông nhận được nhiều tin tức của các anh em cơ sở Đại Việt Cách Mạng tại tỉnh Quảng Trị cho biết có sự xuất hiện của nhiều đơn vị VC ở trong tỉnh và ước đoán hướng tiến quân của chúng là thị xã Quảng Trị. Từ 1966, sau khi ông Tửu thôi làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị để vào Sai gòn thì đã mấy lần VC tấn công vào thị xã, phá nhà lao giải vây cho đồng bọn. Do đó việc ước tính VC có thể tấn công vào thị xã trong dịp Tết không phải là chuyện vô lý. Ông Hoàng Xuân Tửu cũng cho biết ngay lúc đó, ông sẽ đi gặp Đại Tá Nguyễn Ấm, đương kim Tỉnh Trưởng Quảng Trị để thảo luận kế hoạch phòng thủ thị xã.

Chính quyền ra lệnh cấm trại 100% vào đêm giao thừa và bố trí các góc đường phố, các cao ốc đều có cảnh sát trang bị súng tiểu liên và lựu đạn. Những vị trí quân sự thường ngày đều thay đổi, cho binh sĩ dời địa điểm khỏi chỗ cũ và mai phục ở chỗ khác sẵn sàng chờ địch đến. Đêm 30 Tết, tôi ở tại làng Dương Lộc, cùng anh em nghĩa quân canh phòng cẩn thận. Một số quân nhân về phép vào dịp Tết, trong có Trung úy Dương Dân Sĩ, phụ tá trong văn phòng của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm ở Quân Đoàn I và mấy người khác có mang theo súng cá nhân, tối hôm đó ngủ lại ở nhà tôi.

Làng của tôi. thời 1945-1946 nổi tiếng là chống Cộng, nhiều người bị bắt, bị giết. Trong làng không có người nào theo Việt Minh (từ 1945). Sau khi thành lập chính quyền quốc gia năm 1947, 1948, thời cụ Trần Văn Lý, làm Thủ Hiến Trung Việt, ông Nguyễn văn Mân làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị đã cho lính đóng đồn và cho tổ chức hương vệ, cấp súng cho dân để giữ làng. Từ đó Việt Minh thường đến đánh nhưng trận nào chúng cũng tốn thất nặng. Tôi về thăm và ở lại ban đêm trong làng, rất yên tâm.

Giờ giao thừa tôi nghe đài Sai gòn, đài Huế có phát đi lời chúc Tết đồng bào của tôi. Sau đó tôi nghe đài Hà Nội vì giờ giao thừa của Hà Nội sau Sai gòn một giờ. Sau khi nghe Hồ Chí Minh đọc bài thơ chúc Tết thì nghe tiếng súng nổ ở hướng thị xã Quảng Trị. Qua ngày mồng một Tết, tin tức cho biết VC tấn công vào Quảng Trị sau giờ giao thừa và đã bị thất bại nặng nề. Quân ta đánh bật chúng ra khỏi thành phố ngay và đến chiều hôm sau thì trong tỉnh mới đốt pháo mừng Xuân và mừng chiến thắng. Cuộc hành quân truy kích địch vẫn còn tiếp tục.

Tối mồng một Tết Mậu Thân (30-l-1968), một toán đặc công VC đột nhập vào làng tôi nhưng không có một cuộc đụng độ nào vì anh em nghĩa quân di động, không có vị trí cố định. Chúng vào nhà anh Đương Văn Đoàn, Phụ Tá An Ninh, bắn một loạt đạn AK, nhưng không trúng ai. Trong khi đó anh Đoàn bắn trả một phát súng Colt 45 về hướng có tiếng súng phát ra. Sau đó thấy im lặng, không có động tĩnh gì. Sáng ra, anh em đi tìm dấu vết trên cỏ và phát hiện có vết máu. Từ đó tìm dần ra ruộng và gặp một cái mộ mới. Đào đất lên thì có một xác VC, bị trúng đạn ngay tim. Nạn nhân chỉ mặc quần đùi, được bọc trong một túi nhựa của lính (loại túi ny lon này do Mỹ sản xuất thường thấy bán ở chợ trời Sai gòn).

Trước tình hình sôi động như thế, tôi hô hào anh em trong làng chặt tre, rào làng để phòng thủ theo kiểu "ấp chiến lược". Tôi cùng anh em lên tỉnh để xin tăng cường hỏa lực. ông Tỉnh Trưởng ra lệnh bên tiểu khu cấp cho anh em nhiều lựu đạn, hỏa tiễn M.72, súng phóng lựu M.79, trung liên v.v... Tôi được ông Tỉnh Trưởng cho biết có công điện của Quốc Hội yêu cầu Quân Đoàn I và tỉnh liên lạc mời các Dân Biểu họp khẩn cấp.

Tôi phải ra phi trường Ái Tử cùng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu, Dân Biểu Nguyễn Văn Triền, Dân Biểu Trương Đình Tư. Chúng tôi lên máy bay Mỹ vào Đà Nẵng gặp Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. ở Quảng Trị, chúng tôi nói chuyện với Trung Tướng Lãm ở Đà Nẵng qua điện thoại, được biết VC đã chiếm Huế, Quân Đoàn chỉ liên lạc được với Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng. không có tin tức về Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh Trưởng Thừa Thiên có lẽ đã bị VC bắt hay đang trốn tránh.

Máy bay cất cánh từ phi trường Ái Tử, thời tiết rất xấu, không nhìn thấy gì ở dưới mặt đất. Đến Đà Nẵng, ở lại một đêm tại nhà Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tôi và ông Hoàng Xuân Tửu được Trung Tướng Lãm cho biết tình hình hành quân, những đơn vị còn chiến đấu chưa bị chiếm. Qua điện đài của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, tôi nghe tiếng của Tướng Trưởng xin rút khỏi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tại Mang Cá Huế (Thành Nội).

Nhưng Trung Tướng Lãm trả lời: "Anh cứ ở đó, chờ đợi tôi giải tỏa, sau lưng anh có thằng Đệ (Thiếu Tá Nguyễn Hữu Đệ, quận trưởng Hương Trà) và phía Bao Vinh có Hải Quân Mỹ, ở Quảng Trị quân ta chiến thắng, sẽ có tiếp viện vào, quân Mỹ ở Phú Bài và quân đội Việt Nam ở Hương Thủy, Phú Lộc đang tiến chiếm phía Nam thành phố Huế... Ở Đà Nẵng chúng tôi đánh bật tụi nó la rồi. Quân ta làm chủ tình hình . . . " (Các chứng nhân hiện còn sống chỉ trừ ông Hoàng Xuân Tửu đã chết trong trại tù CS năm 1980 mà thôi).

Tại Đà Nẵng, tôi được ông Đỗ Duy Huỳnh, Trưởng Ty Thông Tin hướng dẫn đến Đài Truyền Hình của quân đội Mỹ ở núi Sơn Chà để trực tiếp kêu gọi đồng bào tổ chức cứu trợ cho Huế. Lúc đó, tôi được tin đồng bào đang chạy về khu nhà thờ Phú Lương gần Phú Bài lên đến 50.000 người. Tôi cũng được ông Võ Lương, Giám Đốc Cảnh Sát Vùng I ở Đà Nẵng dùng máy liên lạc cho tôi nói chuyện với ông Đoàn Công Lập, Trưởng Ty Cảnh Sát Huế để hỏi thăm tin tức, tình hình ở Huế. Qua đó tôi biết được một số bạn bè ở Huế còn sống hay đã bị bắt, bị giết.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại lên máy bay đi Nha Trang vì phải đón các Dân Biểu ở đó. Tại Nha Trang cũng vừa xảy ra một cuộc giao tranh trong thành phố và quân ta cũng đã đánh bật địch quân ra khỏi thành phố ngay trong vòng một hai hôm. Chúng tôi cũng được tin ở Quảng Ngãi, VC bị thảm bại và tổn thất rất nặng. Các nơi đều báo tin chiến thắng, chỉ có Huế là trầm trọng nhất.

Máy bay đến phi trường Tân Sơn Nhất Sai gòn, toàn thành phố đang giới nghiêm, chúng tôi được Cảnh Sát Dã Chiến hộ tống về thẳng Quốc Hội, ở lại đó làm việc liền. Một số Dân biểu không về họp được vì bị kẹt ở địa phương, có người bị bắt như một vị Dân Biểu thiểu số ở Ban Mê Thuột.

Nghe tin phía nam thành phố Huế đã được giải tỏa, chúng tôi vận động một phái đoàn Quốc Hội và Chính Phủ ra thăm và cứu trợ đồng bào. Phái đoàn Trung ương ra Huế gồm có Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Dân Biểu Nguyễn Bá Cẩn, Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, Dân Biểu Phan Huy Đức, Dân Biểu Nguyên Lý-Tưởng và một số Phụ Tá của Phó Tổng Thống v.v... Máy bay ra Đà Nẵng, từ đó dùng trực thăng của Quân Đoàn I ra Phú Bài.

Phó Tổng Thống và phái đoàn vào phòng thuyết trình của căn cứ Mỹ ở phi trường nghe thuyết trình. Lúc bấy giờ quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã giải tỏa được phía Nam sông Hương và chiếm các phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, nhưng trong Thành Nội và vùng Gia Hội, Phú Cam vẫn còn bị VC chiếm. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 vẫn còn đóng ở Mang Cá. Tướng Ngô Quang Trưởng phải dùng máy bay trực thăng đi qua ngã Bao Vinh đề về Phú Bài gặp phái đoàn Trung ương.

Phái đoàn từ Huế đến có Tướng Trưởng, Trung Tá Phan Văn Khoa Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thiếu Tá Lê Thiện Phước, Trưởng Phòng Nhì Sư Đoàn v.v... (Trung Tá Khoa, Tỉnh Trưởng trốn ở trong bệnh viện Huế, khi quân đội ta tiến vào ông bèn chạy qua Tiểu Khu).

Nghe thuyết trình xong, Phó Tổng Thống và Phái Đoàn Sai gòn đến nhà thờ Phú Lương, nơi đó có khoảng trên 50.000 người tỵ nạn từ Huế mới chạy đến. Linh mục Nguyễn Văn Trinh, chánh xứ Phú Lương, đã đón tiếp và cho họ vào tạm trú trong trường học, và trong nhà giáo dân quanh nhà thờ. Thực phẩm và thuốc men thiếu, quán xá khòng có đủ để bán cho dân và giá cả tăng vụt gấp mười, gấp trăm lần. Một chiếc xe Honda hai bánh đem đổi lấy một bao gạo khi chạy loạn. Tôi hướng dẫn Phó Tổng thống đi thăm dân và phát quà tượng trưng cho họ.

Thấy phái đoàn Trung ương đến, dân chúng khóc sướt mướt. Từng ngàn người đứng chen chúc nhau trong mưa lạnh, tranh nhau nhận gạo, tiền và thực phẩm. Quân đội Mỹ và Việt Nam chở thực phẩm, đồ hộp đến chất thành đống như núi, phát cấp tốc cho đồng bào.

Phó Tổng Thống và phái đoàn trở về Đà Nẵng cùng Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, riêng tôi theo Trung Tá Phan Văn Khoa lên Huế. Tướng Trưởng trở lại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở trong Thành Nội. Máy bay chở tôi và Trung Tá Phan Văn Khoa xuống bãi đáp trước Trường Đại Học Sư Phạm Huế, cạnh bờ sông Hương. Thấy máy bay sắp đáp xuống, súng của VC bên Thành Nội bắn qua.

Thiếu Tá Lê Thiện Phước nhanh tay đẩy tôi nhảy xuống một cái hố cá nhân để núp đạn. Tôi và Trung Tá Phan Văn Khoa chạy vào Tiểu Khu bên cạnh Trường Đại Học Sư Phạm. Một cảnh tượng xảy ra, tôi thấy giáo sư Phạm Bình Bách (em Nghị Sĩ Phạm Đình Ái) đang đứng gần đó thì một trái đạn của VC bắn qua, tiếng nổ chát chúa và giáo sư Phạm Đình Bách ngã xuống. ông bị thương và được trực thăng chở vào Đà Nẵng thì chết.

Tôi vào Tiểu Khu Thừa Thiên, gặp Đại Tá Cao Khắc Nhật, Trưởng Phòng hành quân của Quân Đoàn I tăng cường ra Huế, Thiếu Tá Giang, Trưởng Phòng Hành Quân của Tiểu Khu và một số sĩ quan đang làm việc, theo dõi tình hình. Tôi cũng tham gia ý kiến với họ. Sau đó tôi qua Ty Cảnh Sát, tại đây ông Trưởng Ty là Đoàn Công Lập cũng thuyết trình cho tôi biết tình hình trong tỉnh và thuật lại các trận đánh phía Nam thành phố trong những ngày qua. Tôi cũng gặp ông Nguyễn văn Khuyên, Phó Ty Chiêu Hồi Thừa Thiên. Lúc đó Trưởng Ty Chiêu Hồi mới chết nên ông được lên làm quyền Trưởng Ty. ông chở tôi đi từ Huế về quận Hương Thủy bằng xe Honda hai bánh. Trên đường đi, tôi gặp Dân Biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa ở trong đám người chạy loạn. Tôi đến những nơi đồng bào đang trú ngụ như trường Quốc Học, Đồng Khánh, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, trường Thiên Hữu, Tiểu Chủng Viện, trường Jeanne d'arc v.v... để thăm hỏi và tìm người quen. Trong lúc đó khu vực Phú Cam, khu vực Gia Hội, Nam Giao, Vỹ Dạ, Đập Đá, Thành Nội và các vùng quê đều bị Việt Cộng chiếm. Cũng có nơi VC tập trung lực lượng đánh Huế nên nhiều vùng không có du kích VC hoạt động.

1 comment:

Anonymous said...

XIN CHO TÔI SỐ ĐT CỦA GS NGUYỄN LÝ TƯỞNG
TÔI LĂ CON GÁI CỦA CỐ ĐẠI TÁ NGUYỄN HỮU ĐỆ
TÔI HIỆN SỐNG TẠI MILANO
-- email của tôi
thaophuong65@gmail.com
Cell 345 9054196
-- đa tạ