Friday, October 1, 2010

Tuan Phan Tại sao tín đồ PGHH không thờ…Quan Công mà thờ các Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam

Tại sao tín đồ PGHH không thờ…Quan Công mà thờ các Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam, trong đó có Ngài Nguyễn Trung Trực?

Bởi vì Quan Công (tiếng tôn xưng của người Tàu) đơn giản là …anh hùng của dân Tàu Hán, không phải của dân Việt Nam. Ông nầy có tên là Quan Vân Trường “kết nghĩa vườn đào” với Lưu Bị và Trương Phi, được người Tàu ca tụng tấm gương Trung Nghĩa, danh tướng phò phe Lưu Bị chống hai phe Tào Tháo và Tôn Quyền. Tương truyền sau khi chết, ông hiển thánh…. Khi Tàu đô hộ nước ta, chúng buộc dân Việt ta tôn thờ luôn các danh nhân của Tàu như Quan Vân Trường, trong khi đó không thiếu các danh nhân Việt Nam có Trung Hiếu Tiết Nghĩa còn hơn của Tàu!

Đức Hùynh Giáo Chủ dù có dẫn chuyện Tam Quốc làm thí dụ với trường hợp “Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường”, nhưng Ngài lại đề cao và dạy bổn đạo phải noi gương, tôn thờ các vị anh hùng liệt nữ Việt Nam, mà anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là tấm gương Trung Hiếu Tiết Nghĩa vẹn tòan: Tử vì nước còn ghi linh miếu. Thác vì đời thanh sử danh bia”.

Bởi vậy sau khi Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, tín đồ PGHH đều dẹp bỏ bàn thờ Quan Công (gọi là bàn thờ…Ông) cùng một lúc với bàn thờ Thổ Địa, Cửu Thiên Huyền Nữ, miếu Thồ Thần v.v… Trong nghi thức và nội dung cúng lạy của tín đồ PGHH, Ngài Nguyễn Trung Trực ở ngôi vị thứ ba với tôn danh là Quan Thượng Đẳng Đại Thần:

BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT.

Cầm hương xá 3 xá, quì xuống chắp tay đưa lên trán đọc bài Quy-Y:

Nam-mô Ta-Bà Giáo-Chủ Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật (tam niệm).

Nam-Mô Thập Phương Phật.Nam-Mô Thập Phương Pháp. Nam-Mô Thập Phương Tăng.

Nam-Mô Phật-Tổ, Phật-Thầy, Quan Thượng-Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn-thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm-ứng chứng-minh, nay con nguyện cải-hối, ăn-năn, làm lành lánh dữ, quy-y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.

Hàng năm, tín đồ PGHH cùng tòan dân Việt Nam tưởng niệm sự hy sinh oanh liệt của Ngài Nguyễn Trung Trực, bị Thực dân Pháp xử trảm tại Rạch Giá vào ngày 27 tháng 10 Dương lịch năm 1868, nhằm ngày 28 tháng 8 Âm lịch năm Mậu Thìn. Sau đây xin giới thiệu hai bài viết về Ngài Nguyễn Trung Trực sưu tầm từ internet.

Tuấn Aet Phan


Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực …..

Trong cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lăng của Thực dân Pháp nhằm giành lại chủ quyền cho dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt nam vào thế kỷ XIX, tiền nhân chúng ta đã không quản ngại máu xương, gian khổ cùng một lòng quyết đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dày công gầy dựng. Xuyên suốt từ Nam đến Bắc, ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước.

Ngoài Bắc và Trung nổi tiếng có Hùm thiêng Yên thế Hoàng hoa Thám (Đề Thám), có Đinh Công Tráng với Chiến lũy Ba đình, có Nguyễn Thiện Thuật với Chiến khu Bãi sậy, có Phan Đình Phùng với Phong trào Văn thân ….Cùng lúc, ở trong Nam có Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Truơng Công Định, Trần văn Thành, Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương)…Và một trong những tấm gương hy sinh sáng ngời mà chúng ta không thể quên được, đó là Anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Ngài Nguyễn Trung Trực sinh trưởng tại một xóm chài lưới có tên là Xóm Nghề, Bến Lức, Long An, tên thật Nguyễn Văn Chơn. Từ thuở thiếu thời, thường được gọi thân mật là “Cậu Năm Lịch” hoặc “anh chài Lịch” lúc nhỏ Ông rất hiếu động, ham học võ, lớn lên nổi tiếng là trang thanh niên tuấn tú, võ nghệ cao cường, hào khí hun đúc tâm can, thiên khiếu quân sự thăng hoa phát tiết. Gia đình Ngài gốc người miền Trung nguyên quán làng Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau di chuyển vào Nam lập nghiệp, ngụ tại làng Bình Nhựt, huyện Thuận An, phủ Tân An (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), sống bằng nghề chài lưới.

Sinh ra và lớn lên giữa lúc Thực dân Pháp đem quân vào xâm lược Việt nam, Ngài không thể khoanh tay ngồi nhìn cảnh quốc phá gia vong, sanh linh đồ thán nên cùng bạn là Nguyễn Văn Cầm chiêu tập nghĩa binh, áp dụng chiến thuật du kích đánh Pháp và mặc dù với vũ khí thô sơ nhưng đoàn nghiã binh của Ngài đã lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng, làm khiếp đảm quân thù xâm lược.

Trong khí thế chống giặc ngoại xâm của sĩ phu và dân chúng miền Nam, ông Nguyễn Trung Trực đã ráo riết bố trí quân bị, tung ra những trận đánh du kích tại Tân An, vùng đất “mở đường” cho sự nghiệp thiên niên sử xanh của ông về sau. Ðịa bàn hoạt động của lực lượng kháng chiến trong gần ba năm từ 1860 đến 1862 là vùng Tân An, Ðịnh Tường, Biên Hòa. Các địa danh Thủ Thừa, Bến Lức, Bình Trinh, Nhựt Tảo (Tân An); Vũng Gù (Ðịnh Tường ); Tân Uyên, Phước Lý, Long Thành (Biên Hòa) đã khiến tiếng tăm ông lẫy lừng.

Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (25 tháng 2 năm 1861), Nguyễn Trung Trực về Tân An. Lúc này, Pháp đã chiếm Mỹ Tho (tức thành Định Tường thất thủ vào ngày 12 tháng 4 năm 1861) nên thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động.

Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Chiến thuyền Espérance được coi như một “căn cứ nổi” rất lợi hại trên nhiều mặt: đóng vai trò một thành lũy bố phòng; một pháo đài để tấn công và yểm trợ; một phương tiện di động để điều động và vận chuyển binh lính, quân nhu, lại được sử dụng như một đơn vị “dưỡng quân” nữa. Chiến thuyền Espérance đã đóng một vai trò “chiếm đóng” và “bình định” cả một vùng địa phương rộng lớn. Tiểu hạm Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng. Đây là một trong những tàu thuộc hàng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ. Chỉ huy tàu là Parfait - một viên sĩ quan trẻ tuổi. Vì tầm quan trọng về mặt chiến thuật, chiến lược như vậy, cho nên bằng mọi giá, lực lượng nghĩa quân phải phá chiến thuyền ấy cho bằng được.

Quyền quản binh Nguyễn Trung Trực ra lệnh cho phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng và Võ Văn Quang chuẩn bị kế hoạch tấn công tàu chiến Pháp. Hai người này đem binh thuyền dọc theo ven sông, gần chỗ tàu Pháp đậu, cho nghĩa quân núp sẳn hai bên bờ.

Sáng ngày 10/12/1861, sau khi bố trí lực lượng phục kích trên bờ và dụ cho một bộ phận địch rời khỏi tàu, Nguyễn Trung Trực đã cùng 59 nghĩa quân lên 5 chiếc ghe giả làm ghe buôn lúa tiên sát tàu địch. Viên trưởng tàu tưởng là ghe buôn lúa muốn ghé xin phép lưu thông nên nghiêng mình ra cửa sổ tàu và bị nghĩa quân đâm trúng ngực. Tức thì nghĩa quân từ các mui ghe nhày lên công kích tàu. Hơn 150 nghĩa quân, tay cầm gươm giáo, đuốc, trong phút chốc tràng ngập cả tầng trên tàu và đánh xáp lá cà với bọn thủy thủ Pháp.

Võ Văn Quang cùng với 30 nghĩa quân phục kích sẳn ở đây cũng nhảy lên tàu tiếp chiến. Quản Toán là Nguyễn Học, hương thân Hồ Quang lấy búa sắt phá tàu không vỡ nên phóng lửa đốt tàu. Vài phút sau lửa cháy dữ dội, nghĩa quân và thủy thủ trên tàu đều nhảy xuống sông hay tuột xuống ghe rời khỏi tàu Espérance. Do bị tấn công bất ngờ nên thực dân Pháp không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt.

Một ý kiến khác cho rằng trong trận đánh này, ông Nguyễn Trung Trực cho giả làm thuyền đám cưới qua sông rước dâu. Hai ghe ghé sát tàu xin pẹc-mi (giấy phép) di chuyển sang bên kia địa phương để rước dâu. Ðóng vai chú rể là Nguyễn Trung Trực, trong người thủ sẵn một chiếc búa thầu nặng năm cân ta (khoảng 3 ký lô). Nhơn lúc bất ngờ, ông rút búa nện chết tên lính gác tàu mà “chú rể” vừa “múa tay, múa chân” năn nỉ xin giấy đi “cưới vợ”. Bọn lính Pháp trở tay không kịp, không thể sử dụng súng để bắn trả nên bị tiêu diệt gần hết. Nhưng hầu hết là đều chấp nhận ý kiến Nguyễn Trung Trực giả làm thuyền buôn lúa, trong đó có sự đồng thuận của một số người tác giả người Pháp như Paulin Vial, Alfred Schreiner…

Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 5 người trốn thoát (2 lính Pháp và 3 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní).

Cuộc tấn kích của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo là ngọn lửa chăm ngòi cho những cuộc nổi dậy đồng loạt của quân kháng chiến để tấn công đốt phá đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi từ ngày 14 đến 30 tháng 12 năm 1861. Từ Tân An, Cần Giuộc, Gò Công đến Gia Thạnh, Cái Bè, Rạch Gầm. Quân kháng chiến bị thiệt hại nhiều trong chiến dịch tổng tấn công nầy. Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã viết về người anh hùng Nguyễn Trung Trực với chiến công này như sau:

"Lửa hồng Nhật Tảo vang trời đất

Gươm lóe Kiên Giang rúng quỷ thần

Ngẩng cổ anh hùng vang thọ mãi

Cúi đầu thẹn chết lũ phi nhân”

Tin chiến thắng Nhật Tảo bay đi làm nức lòng quân dân cả nước. Vua Tự Đức đã thưởng cho Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, cùng hai mươi người làm cai đội ngân tiền. Còn 4 người bị chết, cấp cho tiền tuất gấp hai và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú hay bác ruột. Những cử nhân, thổ hào ứng nghĩa ở Định Tường cũng đều được thưởng phẩm hàm và ngân tiền.

Năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam kỳ rơi vào tay Pháp, Nguyễn Trung Trực rút về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông ra Bình Định nhậm chứ lãnh binh. Đến giữa năm 1867 lại về Hà Tiên giữ chức Thành thủ úy. Năm này, quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Triều đình đều ông ra Bình Thuận, nhưng ông cưỡng lệnh, ở lại Hòn Chông (Kiên Giang ) tổ chức kháng chiến.

Vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân cùng nhiều người dân yêu nước (có cả hương chức và người Hoa, người Khmer) do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã bí mật, bất ngờ đánh úp đồn Kiên Giang, do quan tư An Sart chỉ huy, tiêu diệt đối phương, trong số đó có 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng và nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền. Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Hai ngày sau (ngày 18 tháng năm 1868), trung tá hải quân A. Léonard Ansart, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm chống đối phương lâu dài.

Quân Pháp cho cô lập hoàn toàn chiến khu và huy động toàn lực tấn công nghĩa binh nên lực lượng của Ngài dần dần suy yếu. Thêm vào đó, hai tên Việt gian là Huỳnh Công Tấn và Đỗ Hữu Phương bày mưu cho Pháp bắt mẹ Ngài và một số đồng bào làm con tin, rồi báo cho Ngài biết nếu không chịu ra hàng, chúng sẽ chặt đầu mẹ Ngài và giết hết dân làng. Biết không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, Ngài tự trói mình ra hàng để cứu mẹ và dân lành vô tội. Quân Pháp nhiều lần chiêu dụ không được nên đem Ngài ra hành quyết tại chợ Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868 (nhằm ngày 28 tháng 8 năm Mậu Thìn). Được tin Ngài thọ tử, Vua Tự Đức cho làm lễ truy điệu và sắc phong Ngài làm Thượng Đẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá) nơi Ngài hiên ngang chịu chết chớ không chịu đầu hàng giặc Pháp.

Với hai chiến công oanh liệt “Hỏa Nhật Tảo thuyền” (12/10/1861), và “Đồ Kiên Giang lũy” (16/06/1868), Nguyễn Trunng Trực đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX như một gương sáng về lòng yêu nước. Câu nói bất hủ của ông: “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam yêu nước chống Tây” như một lời tuyên thệ với non sông đất nước.

Bất chấp sự cấm đoán của kẻ thù, sau khi ông mất, dân chúng đã dựng đền thờ ông tại Rạch Giá, Phú Quốc và cả ở quê hương ông. Hằng năm, vào các ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch tại đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá, nhân dân Kiên Giang tổ chức lễ hội trọng thể, thu hút hàng ngàn người tham dự.


Nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực (1839 – 1868) là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc Long An) và Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang), gần cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ.

I. Cuộc đời:

Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn, từ năm Kỷ Mùi 1859 đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên thầy dạy học của ông đặt tên hiệu cho ông là Trung Trực ( theo Hỏi đáp lịch sử Việt Nam, sách dẫn bên dưới, tr.46)

Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng tức Thăng, mẹ là bà Lê Kim Hồng. Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, tỉnh Long An.) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên.(nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.). Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.

Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.
Năm 1861, nhờ lập được công lao, nên ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo” (Hỏi đáp lịch sử tập 4 , sách dẫn bên dưới, tr.46. Phan Thành Tài trong Nam Bộ - đất và người ghi là “quyền sung quản binh đạo”(Hội Khoa học lịch sử TP. HCM, NXB Trẻ tr. 159) nên còn được gọi là '''Quản Chơn''' hay '''Quản Lịch'''.

Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Lâm Quang Ky, Hoàng Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Học, Hồ Quang v.v…

II. Chiến công:

Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tóm gọn hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ nổi tiếng sau: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch:Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất. Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

2.1 Hỏa hồng Nhật Tảo:

Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (25 tháng 2 năm 1861), Nguyễn Trung Trực về Tân An. Lúc này, Pháp đã chiếm Mỹ Tho (tức thành Định Tường thất thủ vào ngày 12 tháng 4 năm 1861) nên thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động.Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tiểu hạm Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng. Đây là một trong những tàu thuộc hàng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ.

Vào trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng và Võ Văn Quang (theo Hỏi đáp lịch sử, còn Phan Thành Tài ghi tên là Nguyễn Văn Quang) tổ chức cuộc phục kích đốt cháy tàu này. Nguyễn Phan Quang cho biết: Theo tài liệu của Pháp thì trong trận đốt cháy tàu Espérance, Nguyễn Trung Trực đã được sự hướng dẫn, hổ trợ của Trương Định.(Việt Nam thế kỷ 19'', NXB TP. HCM, 2002, tr. 289).

Trận Nhật Tảo có 2 ý kiến khác nhau: thứ nhất ông Trực cho giả làm thuyền đám cưới qua sông, thừa lúc áp sát tàu Espérance rồi đánh úp; thứ hai là ông Trực cho giả làm thuyền buôn lúa, để đánh chìm tàu. Ý kiến sau được nhiều người chấp nhận, trong đó có sự đồng thuận của một số người tác giả người Pháp như Paulin Vial, Alfred Schreiner…

Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 5 người trốn thoát (2 lính Pháp và 3 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní.)
Lúc đó, viên sĩ quan chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait không có mặt, nên sau khi hay tin dữ, Parfait đã ra lệnh đốt cháy nhiều nhà cửa trong thôn Nhật Tảo.Chiến thắng này được triều Nguyễn cho ban thưởng và ghi chép lại trong sử. Còn với Pháp, viên thanh tra bản xứ tại Nam Kỳ tên Paulin Vial gọi đây là:'' “một sự kiện đau đớn” làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong lòng người Pháp”.( theo Paul Vial: “ Les premières années de la Cochinchine, Colonie Francaise”, 2 quyển, Challamet Ainé, Libraire Editeru, Paris, 1874, tr.124). Và Alfred Schreiner gọi chiến thắng Nhật Tảo: “Đấy là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp” (Alfred Schreiner: “ Abrégéde I’histoire D’ An nam”,2è Éd. Sài Gòn, 1906, tr.224)

Ở một trang khác, tác giả nhận định:“Cuộc đốt cháy tàu Espérance là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người Annam "(sách đã dẫn, tr.223)''.

Thật vậy, từ sau chiến thắng trên, hàng loạt cuộc tấn công trên sông liên tiếp diễn ra, như: nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tấn công tàu tuần tiểu Pháp trên vàm sông Bến Lức (tháng 12 năm 1862) và trên Sông Tra (Sông Tra, nay thuộc xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.) vào ngày 16 tháng 12 năm 1862 (có sách ghi ngày 17) gây nhiều thiệt hại cho đối phương''. Paul Vial kể: “Ba chiếc tiểu hạm (Iorcha) đậu trên sông Vaico Đông (tức Vàm Cỏ Đông) nhằm kiểm soát sự lưu thông đường thủy, bị tấn công hết sức dữ dội bởi những nhóm người đông đảo, do họ được cổ vũ bởi trận đốt tàu Espérance… Một trong ba chiếc đó, chiếc tiểu hạm số 3. Viên sĩ quan chỉ huy tàu này đã bị thương.”(sách đã dẫn, tr. 195). Và Georfes Taboulet đã thú nhận: “Cuộc nổi dậy bất ngờ bùng nổ vào ngày 16 tháng 12 năm 1862 (trận Sông Tra), và chẳng mấy chốc lan rộng ra. Ba chiếc tuần tra và nhiều đồn bót bị đánh chiếm, như đồn Rạch Tra, gần Sài Gòn; trong trận đó, viên đại úy Thouroude đã tử trận…''.(Georfes Taboulet:“ La geste Francais en Indochine”, Paris, 1956, tr. 481.)

2.2 Kiếm bạt Kiên Giang:

Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862), Nguyễn Trung Trực rút về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông ra Huế nhậm chức Lãnh binh, đến giữa năm 1867, lại về Hà Tiên giữ chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất này.(Theo biên bản hỏi cung tại khám lón sài Gòn. Có tài liệu nói Nguyễn Trung Trực nhận chức khi ở Tân An, có tài liệu nói ông ra Bình Định nhận chức.)
khi thành Hà Tiên thất thủ ngày 23 tháng 6 năm 1867, ông theo lệnh triều đình rút quân về Bình Thuận mà đưa quân về lập căn cứ ở Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang. Phan Thành Tài cho biết lúc đó ông mới đổi tên thành Nguyễn Trung Trực. sách đã dẫn, tr. 167)

Vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, nghĩa quân cùng nhiều người dân yêu nước (có cả hương chức và người Hoa, người Khmer) do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã bí mật, bất ngờ đánh úp đồn Kiên Giang, do quan tư An Sart chỉ huy, tiêu diệt đối phương, trong số đó có 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng và nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin chủ tỉnh Rạch Giá cùng viên trung úy Gamard bị giết ngay tại trận, George Diirrwell gọi đây là “một sự kiện bi thảm” (un événement tragique).( theo Bulletin de la Société des Etudes Indochine de Saigon”, Sài Gòn, tr.40). Hai ngày sau (ngày 18 tháng năm 1868), trung tá hải quân A. Léonard Ansart, Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Phương mang binh từ Vĩnh Long sang tiếp cứu. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm chống đối phương lâu dài.(2)

Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Lãnh Binh Tấn (tức Huỳnh Văn Tấn, còn được gọi Huỳnh Công Tấn, trước có quen biết ông Trực vì cùng theo Trương Định kháng Pháp. Sau này, Tấn trở thành cộng sự cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến đảo Phú Quốc để bao vây và truy đuổi ông Trực. Phạm Văn Sơn thuật chuyện:

“Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn dọa phải theo và phụ lực với hắn để bao vây bọn ông Trực. Sau hai trận ghê gớm, bọn ông Trực phải trốn vào trong núi. Đội Tấn rượt theo, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp. Cùng đường, bọn ông Trực phải ra hàng...''(Việt sử tân biên'', quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962, tr.198). Có người cho rằng để bảo toàn lực lượng nghĩa quân, nhân dân trên đảo và lòng hiếu với mẹ (Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp), Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp và đã bị đưa về giam ở Sài Gòn.

Pau Vial lại cho rằng: “Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc”.(Paul Vial, sách đã dẫn)
Rất tiếc bản cáo của lãnh binh Tấn gửi cho thống đốc Nam kỳ về "việc bắt Nguyễn Trung trực và Tống binh Cân" đã bị thất lạc từ ngày 23 tháng 5 năm 1950, vì thế sự việc chưa được tường tận. (theo Nguyễn Nghị, ''Nguyễn Trung Trực qua một số tư liệu của Pháp'' cho biết: "Nhiều hồ sơ tương đối quan trọng trong những năm 1860 đến đầu thập niên 1870, đã được ghi là phát hiện mất. Theo một số nhà chuyên môn thì người Pháp khi trở lại Việt Nam đã lấy đi..."(Nam Bộ, xưa và nay, NXB TP. HCM và tạp chí Xưa và Nay, năm 2005, tr.255)

III. Thọ tử:

Pháp phủ dụ Nguyễn Trung Trực qui thuận không được nên vào ngày 27 tháng 10 năm 1868, đô đốc toàn quyền Nam Kỳ G.Ohier cho đưa ông về lại Rạch Giá và đã sai một người khmer trên Tưa (người dân thường gọi ông là Bòn Tưa) đưa ông ra hành hình tại chợ Rạch Giá, hưởng dương khoảng 30 tuổi.
Ðịa điểm hành quyết ngay tại miếng đất đối diện ”chợ nhà lồng” Rạch Giá, lúc bấy giờ còn cây da cổ thụ.
Trên miếng đất thấm máu Nguyễn Trung Trực, người Pháp cho xây lên Nhà Giây Thép, về sau là Ty Bưu Ðiện tỉnh lỵ. Riêng cây da cổ thụ đã bị đốn vào năm 1947.Người ta kể rằng:

''Vào buổi sáng ngày 27 tháng 10năm 1868, nhân dân Tà Niên nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Ông Trực yêu cầu Pháp mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương trước phút "ra đi". Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt ông, đã trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ “thọ”(chữ Hán) màu đỏ tươi thật đẹp cho ông bước đứng giữa. Ông hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào… (theo ''Lược sử Đình Vĩnh Hòa Hiệp'' do Ban Bảo vệ di tích tổ chức biên soạn và ấn hành vào tháng 1 năm 2008: “Từ đầu tháng 6 năm 1867 đến ngày 16 tháng 6 năm 1868, dân làng Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp) đã đùm bọc, chở che nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, để họ chuẩn bị tấn công đồn Kiên Giang.)
Tương truyền, trước khi bị hành quyết Nguyễn Trung Trực đã sang sảng ngâm bài thơ tuyệt mệnh:

Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên, Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai, Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.

Anh hùng gặp phải hồi không đất, Thù hận chang chang chẳng đội trời.

IV.Câu nói lưu danh:

Khi ông bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ lúc đó vừa dụ hàng vừa hăm dọa, ông trả lời: “Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào ngài trừ cho hết cỏ trên mặt đất thì chứng tỏ ngài mới may ra trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở này”. Và trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực còn khẳng khái nhắc lại: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”

-HỀT-

No comments: