Tuesday, August 11, 2009

Đường Mây Trên Đất Hoa - Hòa Thượng Hư Vân

HƯ VÂN LÃO HÒA THƯỢNG
HƯ VÂN LÃO HÒA THƯỢNG

Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hòa Thượng vốn họ Bạch, tên tục là Ngọc Thư, Pháp-danh là An-Từ, tự Ðộ-Luân. Tuyên Hóa là Pháp hiệu do Lão Hòa Thượng Hư-Vân đặt cho khi Ngài được truyền thừa làm truyền nhân đời thứ chín của dòng Quy-Ngưỡng. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu-ngọ (1918), tại tỉnh Kiết-lâm, huyện Song-thành, Ðông Bắc Trung-Hoa, tức Mãn-Châu.

Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái; và Ngài là út.

Thân mẫu Ngài thọ chay truờng, niệm Phật, chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ bà nằm mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài.

Năm 11 tuổi, nhân thấy người chết mà Ngài sớm giác ngộ lẽ vô thường, nên quyết chí xuất gia tu Ðạo. Khi mang chuyện xuất gia bàn với mẹ, bà dạy: "Xuất gia là chuyện tốt lắm, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, cần phát đại Bồ Ðề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn." Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ.

Vì nhận thấy thế giới này còn lớn hơn cả cha mẹ, nên Ngài lạy luôn cả trời, đất, vua, sư trưởng... Ngài biết rằng nếu không có sự giúp đỡ của bậc Thiện tri thức thì không thể tu hành được, Ngài lại lạy cho những người tốt để tỏ lòng biết ơn các việc thiện họ đã làm. Rồi thấy người ác cũng thật đáng thương nên Ngài cũng lạy cho họ, mong nghiệp chướng của họ giảm đi và họ sớm biết hối cải. Mỗi ngày Ngài lại nghĩ thêm người khác để lại; nên về sau, mỗi ngày bất kể thời tiết, Ngài đều đặn lạy 837 lạy vào buổi sáng và 837 lạy vào buổi tối.

Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng tăm hiếu thảo đồn khắp bốn phương, khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).

Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.

Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: "Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!" Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, 1.200 năm về trước.

Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trãi hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Ðại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi; vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: "Như thị, như thị!"; và Ngài cũng đáp lại: "Như thị, như thị!"

Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.

Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.

Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng tỵ nạn, và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, sáng lập ra Phật Giáo Giảng Ðường, chùa Tây Lạc Viên và Từ Hưng Thiền Tự, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.

Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.

Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ Ngài.

Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến; Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.

Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội khác, giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Ðại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.

Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.

Ngài chủ chương rằng tất cả phật tử cần phải đoàn kết laị và nên dung hợp Nam, Bắc tông. Vì thế, nhiều dịp truyền thọ Tam-Ðàn Ðại Giới tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành là do chư Cao Tăng Ðaị thừa và Nguyên Thủy hợp lực chủ trì.

Phật sự trong đời Ngài được phân làm ba lãnh vực:

1. Ðem giáo lý chính thống của Ðức Phật qua phuơng Tây và thành lập ở đây một cộng đồng Tăng-già chánh truyền.

2. Tổ chức và hỗ trợ việc phiên dịch toàn bộ giáo điển Phật giáo sang tiếng Anh cũng như các tiếng khác ở Tây-phương.

3. Quảng bá một nền giáo dục hướng thiện qua việc thành lập các trường Trung-học và Ðại-học.

Bước đầu tiên của kế hoạch thiết lập một cộng đồng Tăng-lữ tại Tây-phuơng đã được hoàn thành năm 1969 khi năm đệ tử trẻ tuổi người Mỹ thọ Cụ-túc giới, trở thành Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.

Năm 1972, Hòa Thượng là Pháp-chủ Giới-đàn Truyền Giới đầu tiên được tổ chức ngoài Á-châu. Trên 200 vị Tăng, Ni từ nhiều nước trên thế giới đã được Ngài truyền Giới.

Giáo huấn căn bản mà Ngài đã dạy cho đời sống tu tập tâm linh của chư Tăng, Ni là:

Dù rét chết, không phan duyên.

Dù đói chết, không van nài.

Dù nghèo chết, không cầu cạnh.

Tùy theo nhân duyên, nhưng không đổi chí hướng.

Không đổi đạo phong, nhưng vẫn thuận theo ngoại cảnh.

Xã mình vì Phật sự.

Cứu người là bổn phận.

Sửa đời là việc Tăng.

Hễ gặp việc gì thấu suốt việc ấy

Hiểu đạo lý gì thì thực hiện lý ấy

Vậy mới truyền thừa mạch huyết Tổ sư tâm truyền.

Năm 1969, Hòa Thượng thành lập Viện Dịch Kinh, một cơ sở chuyên phụ trách việc phiên dịch và in kinh điển Phật-giáo, và đã xuất bản được trên 200 dịch phẩm.

Ngài 7 tháng 6, năm 1995, Ngài thị hiện viên tịch tại Los Angeles, Mỹ Quốc. Sự ra đi của Ngài, giống như mặt trời khuất bóng, khiến ai cũng thương cảm thống thiết.

Với tinh thần quên mình vì người, cả đời Ngài đã tận tụy hy sinh cho chúng sinh. Với lòng từ bi và trí huệ, Ngài đã cảm hóa biết bao nhiêu người đổi ác làm lành, hướng đến con đường thanh tịnh giác ngộ.

Ngài dạy rằng cái bửu bối khiến Ngài có được cái thành tựu của ngày hôm nay chính là lục đại tông chỉ. Và là pháp thượng thừa mà Ngài truyền lại cho các đệ tử để làm kim chỉ nam tu hành thành Phật. Ðó là: Không Tranh, Không Tham, Không Cầu, Không Ích-Kỷ, Không Tự Lợi, và Không Nói Dối.

No comments: