Wednesday, June 23, 2010

Nguyễn Văn Minh -DÒNG HỌ NGÔ ĐÌNH ƯỚC MƠ CHƯA ĐẠT


DÒNG HỌ NGÔ ĐÌNH ƯỚC MƠ CHƯA ĐẠT
THAY LỜI KẾT
Nguyễn Văn Minh


Qua tập hồi ức nhỏ này, chúng tôi hy vọng đã cung cấp được cho quý độc giả một số dữ kiện, tuy nhỏ nhoi, nhưng hoàn toàn trung thực, liên quan đến những biến cố dẫn đến sự sụp đổ của Chế Độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Làm sụp đổ hoàn toàn một sách lược đang phục vụ dân tộc hữu hiệu, phù hợp với tình trạng đất nước. Và tiếp theo đó là hàng chuỗi biến động kéo dài nhiều năm, tạo ra tình trạng bỏ ngõ miền Nam, trong lúc cuộc chiến Quốc-Cộng đang ở trong giai đoạn gay go có tính cách quyết định.


Đón bắt ngay thời cơ. Bắc Việt núp dưới bóng cờ ‘’mặt trận giải phóng miền nam’’, với sự trợ giúp của khối cộng, đưa lực lượng võ trang xâm nhập chiếm cứ nhiều vùng thôn quê, truy diệt các thành phần quốc gia chống cộng ở hạ tầng cơ sở xã ấp. Họ mở nhiều cuộc tấn công tàn bạo gây nhiều tổn thất vật chất và tinh thần cho Quân Đội và nhân dân miền Nam. Trong khi đó, tại Thành Thị cảnh xáo trộn xảy ra mỗi ngày. Tình hình an ninh chung suy đồi đến mức nguy ngập.


Tình trạng chín mất một còn của miền Nam đem đến cho Đồng Minh Hoa Kỳ cơ hội đưa quân vào ‘’cứu gỡ’’ và điều khiển cuộc chiến. Đất nước Việt Nam biến thành võ đài của cuộc đọ sức Tư Bản-Cộng Sản kéo dài gần 12 năm, vì sự tranh giành quyền lợi và ưu thế chiến lược của các siêu cường. Một cuộc đọ sức tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của 58.000 thanh niên Hoa Kỳ, gần 5.000 thanh niên các nước Đồng Minh Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, chưa kể số bị thương tật, Việt Nam Cộng Hòa hơn 220.000 Chiến Sĩ hy sinh chưa kể số bị thương tật, gần 1.500.000 thường dân bị chết và bị thương nặng, nhẹ. Tại miền Bắc, theo sự tiết lộ của tướng Võ nguyên Giáp, tính đến sau trận Tết Mậu Thân (1968) quân đội miền Bắc đã bị thiệt hại 800.000 người, chưa tính đến số bộ đội bị thương và số thường dân bị tử vong và thương tật, số này có tài liệu nói đến con số trên 3.000.000 người. Riêng Hoa Kỳ còn phải gánh chịu 300.000 người thương tật, và chỉ tiêu trung bình mỗi ngày 1.500.000 đô la cho chiến trường Việt Nam vào thời điểm 1972.


Và cuộc đọ sức kinh hoàng này chỉ được chấm dứt, sau khi đất nước Việt Nam nhỏ bé đã phải hứng chịu một số bom đạn nhiều gấp 3 lần rưỡi số bom đạn Hoa Kỳ đã sử dụng trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, và sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam.


Sau khi đọc Bản Phúc Trình của Phái Đoàn Tìm Hiểu Sự Việc của Liên Hiệp Quốc về lời tố cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam của chế độ Ngô Đình Diệm, Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dodd Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã viết thơ yêu cầu Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ cho phổ biến Phúc Trình này. Trong thơ có đoạn viết: ‘’Giờ đây chúng ta lại là nạn nhân của một sự lừa dối khác...’’.


Chính sự lừa dối này và số người nhiều tham vọng nhưng ít lòng yêu nước, tự biến mình thành công cụ của các thế lực ngoại bang, đã đổ xuống trên đầu nhân dân Hoa Kỳ và nhất là nhân dân Việt Nam bất kể tôn giáo, đảng phái, cộng sản hay chống cộng, những thảm họa khủng khiếp kể trên.


Người Việt Nam luôn mang trong mình niềm Tự Hào là một Dân Tộc đã có hơn bốn ngàn năm Văn Hiến, một Dân Tộc có một kho tàng tinh thần vô giá: Luôn tôn trọng Lễ Giáo, Hiền Hòa, yêu chuộng Hòa Bình và lẽ Công Bằng.


Đặt trên nền tảng Tự Hào và Tinh Thần ấy, chúng tôi hy vọng những dữ kiện được ghi lại trong tập sách nhỏ này sẽ được quý độc giả, đặc biệt là quý sử gia, các nhà nghiên cứu đón nhận như những đốm sáng. Đốm sáng tuy rất nhỏ, nhưng chúng tôi tin rằng nó có thể giúp cho công trình tìm kiếm, khám phá những Sự Thật còn bị ẩn giấu, che đậy mà quý vị đang tiến hành, được dễ dàng hơn, bớt được phần nào khổ nhọc. Và từ khám phá ấy quý vị sẽ có những nhận xét, phê phán công bằng, chính xác về:


- Thực chất những biến động được diễn biến dưới nhiều hình thức, được khởi sự từ những ngày tháng cuối cùng của chế độ Đệ I Cộng Hòa và cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975...


- Hậu quả của những biến động ấy.


- Thủ phạm đã gây ra các biến động mở đầu những trang sử Việt Nam được viết bằng máu và nước mắt của hàng triệu con dân Việt Nam, của hàng trăm ngàn thanh niên, cô nhi quả phụ Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh. Và nó còn đem lại cho Hoa Kỳ mối nhục lịch sử: Lần đầu tiên bại trận kể từ khi lập quốc.


Theo thiển ý của chúng tôi, vì chỉ có những nhận xét, phê phán công minh của quý vị, mới có đủ sức mạnh:


- Xua tan màn khói ‘’lừa dối’’ đã che phủ Sự Thật từ bao nhiêu năm qua.


- Hóa giải nỗi oan khiên của bao oan hồn mà hình hài đã bị vùi lấp rải rác khắp nơi, từ thành thị, thôn quê đến núi rừng, sông biển Việt Nam.


- Tái tạo tình đoàn kết ruột thịt giữa mọi người Việt Nam bất kể tôn giáo, tín ngưỡng đảng phái, giai cấp từ Nam chí Bắc.


- Giúp cho các thế hệ mai sau thấy được Sự Thật, tránh được những sai lầm của cha ông, xóa bỏ được những hận thù vô bằng do một âm mưu thâm độc được cả bạn lẫn thù hợp lực tạo ra. Nhờ đó, các thế hệ này có thêm vô tư, sáng suốt, không biến mình thành công cụ cho bất cứ thế lực nào trong khi gánh vác trách nhiệm phục vụ Quê Hương, Dân Tộc hay Tập Thể.


Được như vậy, Dân Tộc Việt Nam mới có được nguồn sức mạnh có khả năng triệt tiêu thủ phạm tạo ra cuộc sống tối tăm, tù hãm, bất công triền miên cho Dân, cho Nước. Tình trạng Nghèo đói, Lạc hậu, Chậm tiến.


Nhờ đó, tương lai Đất Nước mới mong thoát khỏi vòng lệ thuộc, và đồng bào mới được bảo đảm không bị vướng mắc vào những hệ lụy bi thảm một cách oan uổng.


Ước gì con dân Việt Nam ở khắp nơi sớm được thấy ngày Đại Phúc ấy.



NGUYỄN VĂN MINH


Phụ Bản 1


Tổ Chức, Hoạt Động
‘’Đoàn Công Tác Đặc Biệt’’
và Hiệu quả của
‘’Chính Sách Cải Tạo và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ’’.


TỔ CHỨC: Đoàn Công Tác Đặc Biệt gồm 10 nhân viên, kể cả Trưởng Đoàn, chưa kể số cán bộ việt cộng đã chuyển hướng, được tổ chức thành 4 Ban:
- Ban Nghiên Cứu.
- Ban Tuyên Huấn.
- Ban Cải Tạo.
- Ban Quản Trị.


HOẠT ĐỘNG: Đoàn hoạt động theo một phương thức đặc biệt. Kỹ thuật khai thác, chế độ giam giữ cũng đặc biệt. Không giam giữ trong các nhà lao, không cùm, không còng. Không có chế độ sinh hoạt khác biệt giữa cán bộ của Đoàn với cán bộ cộng sản đã chuyển hướng.


Do phương pháp khai thác độc đáo, chế độ nhà tù đặc biệt chưa từng có, chính sách Cải Tạo và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ đã thâu đạt kết quả gây ngạc nhiên cho mọi người.


Các cơ sở việt cộng tại các Tỉnh sau đây lần lượt bị phá vỡ trong một thời gian kỷ lục. (một năm)


Tỉnh đảng bộ Quảng Trị:


- Trần Quang (Quan): Thường vụ tỉnh đảng bộ Quảng Trị.


Đặc biệt, Quang được đảng bộ liên khu ủy 5 điều động phụ trách các lưới điệp báo hoạt động tại các thành phố thuộc liên khu ủy 5. Gồm các Tỉnh, Thành Phố từ Quảng Trị đến Phan Thiết và Cao Nguyên Trung Phần.


Các cán bộ cấp Huyện, Xã, bị phát hiện được giao cho Tỉnh Quảng Trị bắt và xử trí.


Tỉnh đảng bộ Quảng Nam:
- Nguyễn Tấn: Tỉnh ủy viên
- Nguyễn Ngạn: Bí thư huyện ủy miền núi.
- Nguyễn Thuấn: Huyện ủy viên


Danh sách một số cán bộ cấp huyện và xã được giao cho Ty Công An Tỉnh Quảng Nam bắt và xử trí.


Đảng bộ thành ủy Đà Nẵng:
- Hoàng minh Đức: Thành ủy viên
- Một số cán bộ nghiệp đoàn và học sinh vận.


Tỉnh đảng bộ Phú Yên:
- Trần (?)Độc: Bí thư tỉnh ủy Phú Yên.


Tỉnh đảng bộ Long An
- Thường vụ tỉnh ủy Long An, bị bắt trong lúc gặp cán bộ giao liên trong rạp chiếu bóng Đại Nam ở Đường Trần Hưng Đạo.


Tỉnh đảng bộ Thủ Biên:
- Nguyễn văn Lạc: Huyện ủy viên Thủ Biên.
- Nguyễn Năm, tự Năm Hồng: Huyện ủy viên Thủ Đức.


Tỉnh đảng bộ Phước Long:
- Chín Thinh: Bí thư tỉnh ủy Phước Long.


Tỉnh đảng bộ Cần Thơ:


Riêng tại Tỉnh Cần Thơ, Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã đặt trụ sở tại đây một thời gian để truy bắt và hệ thống hóa tổ chức đảng bộ việt cộng Tỉnh này, sau đó giao cho Tỉnh Trưởng, Thiếu Tá Trần Cửu Thiên, tự xử trí. Tổ chức các khóa cải tạo tư tưởng.


Vì Đoàn Công Tác Đặc Biệt với số nhân viên chỉ có 10 người, kể cả Trưởng Đoàn, không đủ khả năng canh giữ, khai thác số cán bộ việt cộng bị phát hiện quá đông, nên tất cả danh sách cán bộ từ cấp huyện trở xuống, nhất là cấp xã phải giao cho các Tỉnh tự xử trí. Số cán bộ cấp Tỉnh bị bắt nhiều hơn số kể trên đây, vì quá nhiều và quá lâu ngày tôi (Dương Văn Hiếu) không nhớ hết.


Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn:


1.- Nguyễn vĩnh Nghiệp tức Sáu Tường: Cán bộ đặc khu ủy Sài Gòn.


Sau 1975 Sáu Tường là ủy viên thường vụ thành ủy thành phố Hồ chí Minh (Sài Gòn), trưởng ban tổ chức phụ trách chính sách đảng, nhưng ít lâu sau bị thất sủng, vì đảng bộ thành ủy cho rằng y đã được Mười Hương cài vào để phá hoại vì y đã cùng ở tù ‘’Mật Vụ Ngô Đình Cẩn-Dương Văn Hiếu’’ với Mười Hương. Mấy năm sau Sáu Tường mới được xác minh ‘’không có vấn đề’’, được phục hồi.


2.- Hàn tường Vũ tức Hai Vũ: Cán bộ đặc khu Sài Gòn. Sau khi việt cộng chiếm miền Nam. Hai Vũ được chọn và đắc cử vào Quốc Hội khóa 8, được phát thẻ 40 năm tuổi đảng, nhưng rồi cũng bị thất sủng. Hai ngày trước khi lên máy bay đi Hà Nội họp phiên đầu tiên của Quốc Hội, y được ban tổ chức gọi lên bảo làm đơn xin rút tên vì khi ở tù Mật Vụ có vấn đề nghi vấn.


3.- Tư Hùng: Cán bộ đặc khu Sài Gòn. Sau vụ đảo chánh 1963, được trả tự do, y tái hoạt động. Trong trận Tết Mậu Thân, y đã lái chiếc xe chở toán biệt động tấn công Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn.


4. - Chi ủy đảng bộ việt cộng trong Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam.


Toàn bộ chi ủy việt cộng hoạt động trong Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu, đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt. Số cán bộ thuộc chi ủy này nắm giữ hầu hết các chức vụ điều hành hoạt động của Tổng Liên Đoàn, vì vậy đã bị ông Trần Quốc Bửu phản ứng rất mãnh liệt.


Sau khi chi ủy cộng sản tại Tổng Liên Đoàn Lao Công bị bắt, ông Trần Quốc Bửu đã gởi thơ cho ông Ngô Đình Nhu. Bức thơ có nội dung đại ý như sau:


Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đã ra lệnh cho Dương Văn Hiếu đến Tổng Liên Đoàn Lao Công ở Đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn, lấy danh nghĩa bắt việt cộng để khủng bố Tổng Liên Đoàn Lao Công. Tuyến có mục đích nói Tổng Liên Đoàn Lao Công dung chứa việt cộng nằm vùng để sách động đình công bãi thị chống Chính Phủ. Vậy giữa Tôi và Tuyến ông Cố Vấn chọn lấy một người mà thôi. Trong thơ ông còn quả quyết, số cán bộ của Tổng Liên Đoàn Lao Công bị bắt đã bị đánh đập tàn nhẫn, máu me đầy cả mặt và ướt cả áo, dân chúng bu quanh xem rất bất mãn.


Sau khi đọc thơ của ông Trần Quốc Bửu, ông Ngô Đình Nhu đã phê: ‘’Bảo Dương Văn Hiếu đừng nghe Trần Kim Tuyến lấy danh nghĩa bắt việt cộng để khủng bố Trần Quốc Bửu. Phải làm bản kiểm thảo sự việc đã xảy ra và phúc trình ngay’’. Bút phê trên đã được văn phòng ông Nhu trích gửi cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung.


Nhận được văn thư của văn phòng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu với trích dẫn bút phê ghi trên, tôi (Hiếu) đã làm một phúc trình dài ghi rõ mọi chi tiết sự việc, liệt kê danh sách 11 nhân viên Tổng Liên Đoàn Lao Công bị bắt đang giữ nhiệm vụ điều hành các Ban thuộc Tổng Liên Đoàn như: Văn phòng, Kiểm tra, Tổ chức, Giám thị v.v... Tất cả số nhân viên này đều nằm trong tổ chức chi ủy đảng bộ việt cộng tại Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam của ông Trần Quốc Bửu. Kèm theo bản tự khai của họ, họ đã công nhận đã hoạt động trong hệ thống tổ chức đảng ủy khu ủy việt cộng Sài Gòn-Chợ Lớn.


Một điểm rắc rối làm cho Bác Sĩ Trần Kim Tuyến bị ông Trần Quốc Bửu tố oan, và ông Ngô Đình Nhu thì lại nghĩ rằng tôi (Hiếu) đã nghe Bác Sĩ Tuyến, lấy cớ bắt việt cộng dằn mặt ông Bửu.


Sự thể xảy ra như vậy là vì trên mặt pháp lý, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung không phải là một cơ quan chính thức giữ phần an ninh của Sài Gòn, nên khi công tác, phải dùng Sự Vụ Lệnh và giấy mời của Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến để mời hoặc bắt giữ các nghi can.


Để giải tỏa sự hiểu lầm giữa Bác Sĩ Tuyến và ông Bửu với Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, ông Cố Vấn Nhu đã chấp thuận đề nghị của tôi (Hiếu), cho lập một Tiểu Ban điều tra nội vụ gồm thành phần như sau:


a.- Đại diện ông Trần Quốc Bửu.


b.- Đại diện Sở Liên Lạc. (Đại Tá Lê Quang Tung)


c.- Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung.


Đến làm việc tại Trại Lê Văn Duyệt. Mười một nhân viên Tổng Liên Đoàn Lao Công được gọi lên đối chất trước Ban Điều Tra và để Đại Diện ông Bửu trực tiếp hỏi các bị can. Kết quả cả 11 can phạm đều thú nhận họ là đảng viên cộng sản của chi ủy đảng bộ hoạt động trong Tổng Liên Đoàn Lao Công. Họ cũng xác nhận không hề bị tra tấn đánh đập gì như ông Bửu đã viết trong thư gửi cho ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.


Biên bản buổi làm việc của Tiểu Ban điều tra được trình cho ông Cố Vấn Nhu và các giới chức liên hệ, đã giải tỏa được sự hiểu lầm của nhiều phía.


5.- Chi ủy việt cộng phụ trách Chợ Bến Thành.


6.- Chi ủy việt cộng phụ trách Bến Tàu Khánh Hội.


7.- Các cơ sở sinh viên hoạt động trong tổ chức hội sinh viên yêu nước, hội ký giả yêu nước. Phần lớn số sinh viên và ký giả chỉ phải dự một khóa cải tạo rồi được trả tự do theo lệnh của Tổng Thống và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.


Lần đầu tiên Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung mời một số Giáo Sư và anh chị em sinh viên các liên quan đến hoạt động trí vận vào Trung Tâm Lê Văn Duyệt. Chúng tôi giới thiệu Chính Sách Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ về hợp tác xây dựng chế độ Dân Chủ, Tự Do ở miền Nam của ông Ngô Đình Cẩn.


Thoạt tiên nghe chúng tôi giới thiệu như vậy, phần đông các anh chị em sinh viên có cử chỉ và thái độ ngạc nhiên, đối phó, tránh né, hỏi lại chúng tôi: Xin cho biết anh chị em bị mời về đây vì tội gì?


Tôi (Hiếu) đã giải thích và mạn đàm với họ, sau đó đưa họ đi tham quan sinh hoạt của Trung Tâm và trò chuyện đến hết giờ hành chánh thì cho tất cả các Giáo Sư và anh chị em sinh viên ra về, sau khi đã ấn định ngày gặp nhau lại tại Trung Tâm.


Điều làm cho họ ngạc nhiên nhất là tại sao đã bị bắt về tội hoạt động cho cộng sản mà không bị giam giữ, lại cho về nhà, rồi lại quy định ngày giờ đến sinh hoạt tại Trung Tâm?


Trong buổi sinh hoạt đầu tiên tôi (Hiếu) yêu cầu một Nữ Giáo Sư hai Trường Gia Long và Đức Trí là chị Bình Minh và một nữ sinh viên tên Hòa, con ông Nguyễn Xuân Quyền, Tổng Giám Đốc Điền Địa Việt Nam Cộng Hòa, cho biết lý do nào đã thúc đẩy các chị hoạt động cho cộng sản? Đề nghị cho biết động cơ chính xuất phát từ tư tưởng, để cùng tranh luận.


Tôi (Hiếu) cũng cho họ biết phương thức sinh hoạt của Trung Tâm là hai bên được tự do đưa ra những đề tài, những vấn đề mà mình thấy cần trao đổi, cần tranh luận.


Thỉnh thoảng để cổ súy cho cuộc tranh luận được sôi nổi, hào hứng, tôi (Hiếu) nói: Các anh chị có lối tranh luận và lý luận một chiều giống hệt như cán bộ, công chức của Mỹ Ngụy, hễ ai ý kiến khác mình thì quy kết tư tưởng người ta là phản động, là cộng sản ngay. Thế là họ cười ầm cả lên và từ đó các Giáo Sư và anh chị em sinh viên rất có cảm tình với Đoàn Công Tác. Các lần trao đổi, thảo luận tiếp theo, tư tưởng các Giáo Sư và anh chị em sinh viên rất cởi mở. Họ rất ngạc nhiên về phương cách làm việc của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung và câu trả lời của tôi là: Đó là chính sách mới của ông Ngô Đình Cẩn, ‘’Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ’’ về hợp tác xây dựng chế độ dân chủ, tự do ở miền Nam.


Mỗi tháng, các Giáo Sư và anh em sinh viên tập hợp tại Trung Tâm Lê Văn Duyệt một lần để sinh hoạt chính trị và tổ chức sinh hoạt văn nghệ hết sức vui vẻ.


Riêng một số gồm 7 Giáo Sư, tôi (Hiếu) đã xin Tổng Thống tiếp kiến họ vào buổi chiều một ngày (tôi không còn nhớ chính xác ngày nào) trong tháng 2.1962. Sau một giờ chuyện vãn rất thân mật, Tổng Thống tiễn họ ra đến sân cỏ trước Dinh còn đứng nói chuyện với họ thêm 30 phút nữa.


Đảng bộ việt cộng liên khu ủy 5.


(gồn các Tỉnh từ Quảng Trị đến Phan Thiết và Cao Nguyên Trung Phần)


1.- Tư Lung: Thường vụ liên khu ủy 5 việt cộng bị bắt năm 1958 tại Đường Cống Quỳnh Sài Gòn. Y là cán bộ cao cấp nhất của việt cộng tại miền Nam bị bắt. Nhiệm vụ của y là chỉ đạo và điều hành các tỉnh đảng bộ thuộc liên khu 5. Mỗi lần đi công tác, y thường đi với một cơ sở tên là Đỗ Hải, cùng với vợ và 2 con nhỏ của Đỗ Hải, dưới hình thức gia đình để làm bình phong, y đóng vai ông nội.


2.- Nguyễn Lâm tự Bé: Trưởng ban điệp báo liên khu 5, chỉ huy ngành điệp báo tại các thành phố, bị bắt tháng 12.1957 tại Sài Gòn.


3.- Trần Quang tức Quan: Thường vụ tỉnh ủy việt cộng Quảng Trị. Y được đảng bộ liên khu 5 điều động về phụ tá cho Nguyễn Lâm tự Bé, hoạt động điệp báo tại các thành phố. Y là trưởng ty công an việt cộng hồi kháng Pháp.


Cục tình báo chiến lược việt cộng tức nha liên lạc (cục trưởng Trần Hiệu)


1.- Trần quốc Hương tức Mười Hương tự Trần ngọc Trí. Trình độ đảng: Khu ủy viên, là chính ủy, đặc phái đại diện cục tình báo chiến lược việt cộng vào Nam trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức ngành tình báo chiến lược và hai nước Miên-Lào. Đồng thời phối hợp với ban địch tình của cục R để chia sẻ tin tức hoạt động hậu địch. Mục đích giúp cho trung ương đảng hoạch định chiến thuật, chiến lược đúng, đối phó với Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.


Nhưng vào các năm 1957-1958, tình hình biến chuyển quá nhanh mà phần bất lợi về phía cộng sản. Ngành tình báo chiến lược và đảng bộ việt cộng liên khu ủy 5 đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đánh phá ác liệt, họ tiến về phía Nam, đánh phá đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và các Tỉnh Nam Phần, gây tổn thất nặng nề cho đảng bộ việt cộng tại miền Nam.


Trước tình hình nguy ngập ấy, Trần quốc Hương quyết định phải trở về Bắc hội diện với trung ương mới báo cáo được tường tận để trung ương có thể đưa ra phương sách đối phó cụ thể và thích hợp. Y chưa kịp đi thì đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt tại Sài Gòn, tháng 6.1958.


2.- Trần tấn Chỉ tức Thư Sinh: Nguyên phó trưởng ban tình báo Hải Phòng, Bắc Việt. Đương sự thuộc loại cán bộ có kinh nghiệm nghề nghiệp cao trong ngành tình báo chiến lược, có trình độ văn hóa cao, lanh lẹ, thông minh. Y được trung ương chọn cho theo học lớp Hoa ngữ để đào tạo cấp tốc một số thông dịch viên cho các cơ quan trung ương hầu đáp ứng nhu cầu mới. Trần tấn Chỉ trở thành cán bộ thông dịch duy nhất của cục trưởng cục tình báo với các cố vấn Trung Cộng.


Sau hiệp định Genèva, Trần Hiệu, cục trưởng chủ trương vét số tiểu tư sản, trí thức, có văn hóa để tung vào miền Nam cho dễ chức nghiệp hóa và hợp với sinh hoạt của Thành phố. Vì vậy Trần tấn Chỉ theo đợt di cư năm 1954 vào Sài Gòn, và đã xin được vào làm việc tại cơ quan USIS của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt năm 1958 trên đường từ Cơ Quan USIS, đi về nhà sau giờ làm việc.


3.- Nguyễn đức Quảng tức Minh Vân: Quân hàm Đại Tá, nguyên là trưởng ban tình báo Hồng-Quảng, được cục tình báo chiến lược trung ương tung vào Nam theo làn sóng di cư năm 1954, Y bị bắt tháng 1.1958, được giải ra Trung Tâm Cải Tạo Tòa Khâm (cơ sở Tòa Khâm sứ Trung Kỳ cũ) ở Huế.


Sau khi chế độ Đệ I Cộng Hòa bị lật đổ, Minh Vân cùng với số ‘’Tù Mật Vụ’’ được giải giao về Nha Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Sài Gòn và được trả tự do giữa năm 1964. Minh Tâm trở về ngành cũ hoạt động, sau khi cộng sản thôn tính miền Nam, y cũng đã phải chịu chung số phận như các ‘’Tù Mật Vụ’’ khác, bị đặt nhiều nghi vấn, bị kiểm thảo và cuối cùng cho về hưu với lý do: ‘’lịch sử chính trị của đương sự có liên can đến ‘’Tù Mật Vụ Ngô Đình Cẩn và Dương Văn Hiếu’’.


4.- Trang công Doanh, tức Đại Tá Văn Quang: Cán bộ kỳ cựu của ngành tình báo chiến lược việt cộng. Đã được tham dự khóa huấn luyện đặc biệt về tình báo tại cục trung ương do các cố vấn Trung Cộng hướng dẫn. Trình độ văn hóa cao, thông minh, lanh lợi, đã được tung vào hoạt động hậu địch thời kháng chiến chống Pháp, đạt thành tích rất cao.


Sau hiệp định Genèva, Đại Tá Văn Quang được trung ương điều vào Sài Gòn theo làn sóng di cư 1954. Cơ sở địa phương có nhiệm vụ tìm phương cách chức nghiệp hóa cho y vào đảng bộ đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Cơ sở này đã xin được cho y vào làm việc trong Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt trên đường đi tới Cơ Quan USOM của Tòa Đại Sứ Mỹ để làm việc.


Đại Tá Văn Quang bị bắt chưa được nửa ngày thì Đại Sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow xin gặp Tổng Thống Diệm và đưa ra lời phản kháng việc Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt giữ nhân viên Tòa Đại Sứ mà không cho biết lý do, đồng thời yêu cầu Tổng Thống cho biết Văn Quang đã phạm tội gì? Và ông ngồi đợi văn phòng Tổng Thống để xin được coi hồ sơ tội trạng của Trang công Doanh tức Văn Quang.


Mặc dù Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đã lập hồ sơ đương sự với đầy đủ tin tức và những lời khai của đồng bọn phát giác về hoạt động tình báo của y, nhưng muốn chứng minh Trang công Doanh, tức Đại Tá Văn Quang đích thực phạm tội hoạt động gián điệp, để Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng những luận điệu xuyên tạc của các phe phái đối lập, của những viên chức mang sẵn ác cảm với Đoàn, bằng lời khai tự thú của y trên giấy trắng mực đen. Phiền một nỗi là y bị cảm cúm chưa khỏi lại thêm cơn sốt vì bệnh hoa liễu hành, nhưng vì hoạt động gián điệp của y đã quá rõ ràng nên khi được tôi (Hiếu) cho gặp những cơ sở đã bị bắt, y tự động xin giấy mực khai báo và nhìn nhận y đã được cục trưởng Trần Hiệu tung vào miền Nam hoạt động gián điệp. Hồ sơ được đưa vào trình Tổng Thống và Đại Sứ Mỹ được thông báo tại chỗ, lý do Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt giữ Trang công Doanh.


Cũng như các đồng bọn. sau ngày đảo chánh 1.11.1963, Trang công Doanh được đưa từ Trung Tâm Cải Tạo Tòa Khâm Huế về Nha Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Sài Gòn và được trả tự do vào giữa năm 1964.


Trở về ngành cũ, Tình Báo Chiến Lược, hoạt động lại rất hăng say. Tuy cũng bị kiểm thảo, nhưng vì nhu cầu công tác lúc bấy giờ, đương sự vẫn được trọng dụng. Khi việt cộng tiến chiếm Cao Mên, Trang công Doanh tức Đại Tá Văn Quang được trung ương chỉ định sang chỉ huy ngành tình báo tại Nam Vang. Nhưng sau khi đã củng cố chính quyền vững mạnh rồi, năm 1980, trung ương đảng cộng sản tiến hành kế hoạch trong sạch đảng, chấn chỉnh nội bộ, củng cố đảng, tất cả các ‘’Tù Mật Vụ Ngô Đình Cẩn-Dương Văn Hiếu’’ đều bị đặt thành vấn đề nghi vấn, thế là Trang công Doanh tức Đại Tá Văn Quang bị cho về hưu non.


5.- Lê thanh Đường: Phái khiển tình báo, tình báo chiến lược, được trung ương tung vào Nam theo đợt di cư 1954, được chức nghiệp hóa nhân viên Nha Tổng Giám Đốc Công Chánh Sài Gòn, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt năm 1959.


6.- Tôn Hoàng: Phái khiển tình báo, tình báo chiến lược Hà Nội, đã hoạt động hậu địch vùng Bắc Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp, vào Nam theo đợt di cư 1954. Y là cựu công chức thời Pháp, thành phần tiểu tư sản, trình độ văn hóa cao, rất thích hợp với những hoạt động tại thành phố. Chức nghiệp hóa Chánh Sự Vụ tại Bộ Tài Chánh, bị bắt tại Sài Gòn năm 1959.


7.- Mạc Ly: Phái khiển tình báo tình báo chiến lược, vào Nam dịp di cư năm 1954. Nguyên trước được bố trí làm cán bộ giao thông trong cụm tình báo chiến lược vùng Bắc Hà Nội, bị bắt năm 1959 tại Sài Gòn.


8.- Dư văn Chất: Nguyên trưởng ban tình báo vùng Bắc Hà Nội, hoạt động hậu địch thời kháng chiến chống Pháp trước năm 1954.


Y đã tham dự rất nhiều trong các âm mưu tiêu diệt các thành phần đảng phái quốc gia ở Hà Nội hồi ông Hồ chí Minh kêu gọi đoàn kết thành lập chính phủ liên hiệp.


Dư văn Chất được Trần Hiệu cục trưởng tình báo chiến lược, việt cộng tung vào Nam theo phong trào di cư 1954 để làm trưởng lưới. Y đã tìm cách chức nghiệp hóa vào làm nhân viên Tổng Nha Công Chánh và Giao Thông, Sở Tràng Tiền Sài Gòn.


Y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt ngày 24.11.1958 tại Sài Gòn giam tại trại Vân Đồn rồi chuyển sang Trung Tâm Cải Tạo Lê Văn Duyệt, sau cùng y được đưa ra Trung Tâm Cải Tạo Tòa Khâm Huế.


Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Tướng Mai Hữu Xuân Tân Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Sài Gòn của chính quyền Dương Văn Minh ra lệnh giải Dư văn Chất và đồng bọn thuộc các ngành tình báo khu 5, tình báo chiến lược, cục 2 quân báo trung ương việt cộng về Tổng Nha Công An Cảnh Sát Sài Gòn. Tại đây, bọn y được trả tự do vào tháng 6 năm 1964.


Được tự do, Dư văn Chất trở ra mật khu nhiều lần và nhận công tác hoạt động lại, y đã tham dự việt cộng tấn công vào Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân cũng như đã hướng dẫn tiền quân việt cộng vào chiếm Sài Gòn ngày 30.4.1975.


Sau 30.4.1975 Dư văn Chất được tuyển chọn giữ chức vụ ủy viên thành ủy đảng bộ thành phố Hồ chí Minh kiêm nhiệm chức trưởng ban tuyên huấn thành ủy.


Nhưng chưa được bao lâu, trong đợt thanh lọc đảng năm 1980, Dư văn Chất đã bị tước luôn cả hai chức vụ thành ủy viên và trưởng ban tuyên huấn thành ủy Hồ chí Minh. Đương sự chỉ còn được giữ lại duy nhất tấm thẻ 40 năm tuổi đảng, với lý do được nêu lên là trong thời gian bị bắt, bị giam giữ, y đã phụ trách tờ Bích Báo ‘’Chuyển Hướng’’ cổ võ cho chánh sách Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ của Mật Vụ Ngô Đình Cẩn.


9.- Bảo Việt: Phái khiển cục tình báo chiến lược, cũng được tung vào Nam dịp di cư 1954, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt tháng 11.1957.


10.- Trịnh thiện Hùng, tự Hát Hét: Nguyên trưởng ban tình báo Nam Định, tốt nghiệp khóa chính trị trường chinh năm 1951-1952, được đưa vào Nam hoạt động. Y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt năm 1958.


11.- Hoàng Thành: Phái khiển cục tình báo chiến lược.


12.- Nguyễn Tam: Phái khiển cục tình báo chiến lược, cấp trưởng ban.


13.- Nguyễn văn Thế: Phái khiển cục tình báo chiến lược.


14.- Hoàng Hồ: Phái khiển cục tình báo chiến lược, chủ nhiệm tuần báo Trinh Thám ở Sài Gòn. (Thời Đệ II Cộng Hòa, Hoàng Hồ là dân biểu Quốc Hội)


15.- Nguyễn văn Hội: Trưởng phòng giao thông cục tình báo chiến lược. Trước năm 1954, y là trưởng ban điệp báo của liên khu ủy 5, sau năm 1954 y được trung ương điều động về làm trưởng phòng giao thông cục tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của hội là tổ chức hệ thống giao thông của cục tình báo chiến lược tại miền Nam và hai nước Miên, Lào.


16.- Nguyễn văn Phận tự Minh: Trung tá, nguyên trung đoàn trưởng thủ biên, tập kết ra Bắc, được chuyển ngành qua cục tình báo chiến lược. Sau khi được dự lớp huấn luyện tình báo, được đưa trở lại miền Nam hoạt động với nhiệm vụ: Tĩnh thì hoạt động tình báo. Động thì chỉ huy lực lượng quân sự vùng Thủ-Biên.


Địa bàn giao thông tình báo chiến lược.


1.- Địa bàn giao thông Quảng Trị.


2.- Địa bàn giao thông Huế.


3.- Địa bàn giao thông bản lề Đà Nẵng.


4.- Địa bàn giao thông Sài Gòn.


Cán bộ giao thông tình báo chiến lược bị bắt


1.- Tư Đặng: Địa bàn bản lề Đà Nẵng.


2.- Bích: Địa bàn Huế.


3.- Tân: Địa bàn Quảng Trị.


4.- Quí tức Độ: Địa bàn Sài Gòn.


Cục 2 quân báo việt cộng.


(Tổ chức quân báo việt cộng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa)


Đại Tá Lê Câu: Chỉ huy cục 2 quân báo việt cộng, căn cứ địa đóng tại vùng núi Tỉnh Pleiku, thuộc Cao Nguyên Trung Phần, có một tiểu đội võ trang bảo vệ, có điện đài để liên lạc với cục trưởng, Đại Tá Lê trọng Nghĩa.


Trước 1954, Lê Cầu là Thiếu Tá quân báo phụ trách các lưới quân báo việt cộng hoạt động trong khu vực liên Tỉnh: Bình-Trị-Thiên-Quảng-Đà, tức là các Tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Đà Nẵng.


Bị bắt năm 1961 khi y đột xuất từ căn cứ về Sài Gòn để thu thập tài liệu tại nhà Phạm bá Lương, Công Cán Ủy Viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ ông Vũ Văn Mẫu làm Ngoại Trưởng. Đương sự bị đưa ra Côn Đảo.


Năm 1975 khi việt cộng đã chiếm được miền Nam, các phạm nhân tại Côn Đảo tôn Đại Tá Lê Câu làm chúa đảo. Ủy ban tiếp quản Sài Gòn tổ chức lễ đón chào Đại Tá Lê Câu từ Côn Đảo trở về Sài Gòn rất trọng thể. Trung ương đảng cử Lê Câu giữ chức tổng thanh tra ngành cảnh sát công an. Được ít năm sau Đại Tá Lê Câu bị thất sủng vì cục bảo vệ đảng thẩm tra quá trình lịch sử chính trị của đương sự đã đặt nhiều nghi vấn về y, vì có liên hệ đến ‘’Tù Mật Vụ Ngô Đình Cẩn-Dương Văn Hiếu’’.


Đại Tá Lê Câu đã bị khai trừ khỏi đảng, tước hết quyền lợi, y phải ngồi và lốp xe tại Đường Trần Quốc Toản Sài Gòn và đi buôn củi để kiếm sống.


Cán bộ thuộc cục 2 quân báo bị bắt.


1.- Đại Tá: Lê Câu, chỉ huy cục 2 quân báo miền Nam. (lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa)


2.- Thiếu Tá: Trần quang Tính, Nguyễn văn Thiện, Trương Thành, cựu trưởng ban.


3.- Trung tá: Lê thiên Tào, Nguyễn Tiến, Trần thị Mỹ tức Đinh thị Vân.


4.- Phái khiển: Trần ngọc Hiền, em Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Trần Ngọc Châu, Tỉnh Trưởng Kiến Hòa.


5.- Đại úy: Tạ Hẵn


6.- Thiếu Úy: Lê hữu Thúy, Trưởng Phòng An Ninh Quân Đội (điệp viên)


7.- Đại Úy (VNCH): Nguyễn văn Nam, nội tuyến.


Thường thì Trung Úy Đạt bên Nha An Ninh Quân Đội An Ninh Quân Đội của Đại Tá Đỗ Mậu, vẫn sang liên lạc với Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung để xin các tài liệu liên quan đến các sĩ quan hoạt động cho việt cộng để theo dõi và xử trí. Vì vậy mà vô tình khi tài liệu đến tay Thiếu Úy Lê hữu Thúy, thì chính y đã thông báo, hoặc báo động bằng một hình thức nào đó như vô tình để cho chạy. Sau khi Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung phát hiện Lê hữu Thúy là một điệp viên của cục 2 quân báo, tôi đã trực tiếp trình Tổng Thống xin phép được bắt y cách kín đáo để điều tra. Kết quả là số sĩ quan như Trung Úy Thịnh làm ở Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu đã cầu cứu bên tình báo chiến lược liên lạc với xứ ủy, xin giao liên dẫn cả gia đình y ra mật khu Bời Lời, vì y sợ Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt.


Riêng Đại Úy Nguyễn văn Nam, đã bị một nữ sĩ quan quân báo mua chuộc, y thị đã mua cho Đại Úy Nam một xe Peugeot 403 mới. Khi Thiếu Úy Lê hữu Thúy bị bắt, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung mới kiểm tra lại tất cả các tin tức tài liệu đã phổ biến cho Trung Úy Đạt và An Ninh Quân Đội, như Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu, Phòng Bản Đồ Bộ Tổng Tham Mưu, một số sĩ quan phục vụ tại Quân Đoàn III, bằng cách nhờ Đại Tá Phước Trưởng Phòng 2 xem lại thì Đại Tá Phước cho biết: Số sĩ quan có tên trong danh sách do Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung gửi tới vì bị tình nghi hoạt động cho tình báo việt cộng, đã đào ngũ hết. Lê hữu Thúy được tra hỏi về số sĩ quan bên Quân Đội đào ngũ có phải do ý thông báo cho họ biết hoạt động cộng sản của họ đã bị bại lộ không? Đương sự nhất mực khai không biết gì hết.


Cũng như vụ bắt chỉ ủy việt cộng ở Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu, vụ bắt Lê hữu Thúy, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đã bị Đại Tá Đỗ Mậu Giám Đốc Nha Quân Đội phản ứng mạnh. Trước hết ông vào gặp Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần, đả kích nặng nề Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung như: Ỷ thế làm phách không coi ai ra gì, bắt cóc cả sĩ quan An Ninh Quân Đội, không chịu hợp tác cho biết Lê hữu Thúy bị bắt vì tội gì v.v... mục đích gây cho ông Thuần ác cảm với Đoàn Công Tác Đặc Biệt để ông Thuần hậu thuẫn cho ông trước Tổng Thống. Sau đó ông vào trình Tổng Thống: Dương Văn Hiếu bắt cóc Thiếu Úy Lê hữu Thúy mà không báo, cũng không cộng tác với Nha An Ninh Quân Đội. Nghe Đại Tá Đỗ Mậu trình bày xong, Tổng Thống nói: Ông Hiếu trước khi bắt Lê hữu Thúy có xin phép tôi. Tôi quên chưa nói cho Đại Tá biết. Nghe nói hắn (Thúy) làm gián điệp cho Hà Nội, Hiếu có trình tôi hồ sơ của Lê hữu Thúy.


Những điều kể trên đây đã được Tổng Thống nói với tôi khi tôi vào trình một số công việc khác.


Từ sau vụ Lê hữu Thúy bị bắt vì sự liên lạc về công tác giữa Nha An Ninh Quân Đội và Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bị cắt đứt hẳn.


Lê hữu Thúy được giải ra Huế để điều tra thêm, vì y có liên hệ đến số cán bộ tình báo đang bị giam tại đó.


Sau ngày 1.11.1963, Lê hữu Thúy được trả tự do, y trở lại tiếp tục hoạt động cho việt cộng.


Năm 1969 Lê hữu Thúy bị bắt cùng với Vũ ngọc Nhạ, cố vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về tội hoạt động cho tình báo chiến lược việt cộng. Lúc đó Lê hữu Thúy đã được Nhạ giới thiệu vào làm Chánh Sự Vụ Bộ Chiêu Hồi.


Bộ phận giao thông đường thủy của cục 2 quân báo việt cộng.


1.- Thiếu Úy: Đặng An, tên thật Trương văn Quí.Thuyền trưởng


2.- Trung Úy: Hà Phượng, thuyền phó. Trần Đáng, Trần Tâm, Trần Di, tổ viên.


Bộ phận giao thông đường thủy gồm 5 thành viên trên đây, dân gốc Phú Yên, làm nghề đánh cá biển, đã qua khóa huấn luyện tại cục 2 về ngành quân báo và giao thông. Các đương sự bị bắt tại bờ biển Đà Nẵng với vũ khí và điện đài.


Từ trước, hai ngành tình báo chiến lược và quân báo của việt cộng vẫn tự hào rằng: Tổ chức điệp báo của họ rất khoa học: ‘’đơn tuyến, chia cách, nhẹ nhõm, bảo mật đến mức tối đa’’, và rằng: Các Cơ Quan An Ninh của Việt Nam Cộng Hòa, nhất là Công An Cảnh Sát không phải là đối tượng của họ.


Vì cao ngạo như thế nên khi các cán bộ chỉ huy hai ngành tình báo chiến lược và quân báo của họ bị bắt, toàn bộ tổ chức tình báo chiến lược của họ bị sụp đổ, kéo theo cả hệ thống đảng bộ liên khu ủy 5 và một phần xứ ủy nam bộ. Phạm Hùng, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban miền nam phải xin triệu tập bộ chính trị để nghe y báo cáo về tình hình miền Nam.


Kết quả, Trần Hiệu cục trưởng cục tình báo chiến lược, tức nha liên lạc, bị hạ tầng công tác với lý do: Yếu kém về kỹ thuật, vụng về, sơ hở về tổ chức nên bị địch phá vỡ, cán bộ bị bắt. Và kể từ cuối năm 1959, Đại Tá Lê trọng Nghĩa kiêm nhiệm luôn cục tình báo chiến lược để sắp xếp tổ chức lại.


Đại Tá Lê trọng Nghĩa là phe cánh của Phạm Hùng, nên nhân cơ hội xảy ra sự kiện màng lưới tình báo chiến lược bị phá, Phạm Hùng với tư cách ủy viên bộ chính trị, trưởng ban đặc trách miền nam, đổ hết lên đầu Trần Hiệu để có cớ hạ tầng công tác y và cho phe cánh của mình là Đại Tá Lê trọng Nghĩa nắm luôn quyền chỉ huy màng lưới tình báo chiến lược.


Nhưng rồi Đại Tá Nghĩa cũng chẳng hơn gì Trần Hiệu, cũng mang bệnh chủ quan, không giữ được sự kín đáo, thận trọng đúng với đòi hỏi nghiệp vụ ‘’tình báo’’. Nhờ vậy mà Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đã phá luôn được mang lưới quân báo của Đại Tá Lê trọng Nghĩa.


Điệp viên Phạm bá Lương bị phát giác.


Trong phần kể về việc đánh phá màng lưới quân báo của việt cộng ở trên, tôi đã nói: Đại Tá Lê Câu, chỉ huy cuộc 2 quân báo, tức tổ chức quân báo của việt cộng hoạt động tại miền Nam, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt khi y đột xuất đến nhà Phạm bá Lương Công Cán Ủy Viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn, thời ông Vũ Văn Mẫu làm Bộ Trưởng để thu thập tài liệu.


Việc khám phá ra Phạm bá Lương là điệp viên của việt cộng diễn tiến như sau:


Đại Tá Lê trọng Nghĩa, cục trưởng cục quân báo trung ương điều động Thiếu Tá Trần Quang Tính vào miền Nam. Trước khi lên đường, Thiếu Tá Tính đến văn phòng cục chào từ biệt Đại Tá Nghĩa và nhận thêm chỉ thị mới.


Trên bàn giấy Đại Tá nghĩa có sẵn bản báo cáo từ miền Nam gửi về kèm theo nguyên bản ‘’Kế Hoạch Kinh Tế Stanley-Vũ Quốc Thúc’’. Đại Tá Nghĩa chỉ vào bản kế hoạch khoe: Cục chúng ta có cơ sở rất quan trọng cung cấp cả kế hoạch Kinh Tế của miền Nam do Bạch Cung yểm trợ. Kế hoạch được các chuyên gia kinh tế của Mỹ do Tiến Sĩ Kinh Tế Stanley được Tòa Bạch Ốc gửi qua giúp Diệm cùng soạn thảo với các chuyên gia kinh tế của miền Nam do Vũ Quốc Thúc hướng dẫn. Vì vậy kế hoạch được gọi là ‘’Kế Hoạch Kinh Tế Stanley-Vũ Quốc Thúc’’.


Thiếu Tá Trần quang Tính vào Nam được ít lâu thì bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt. Đương sự đã báo cáo chi tiết điều mà chính y đã mắt thấy tai nghe lúc đến chào biệt Đại Tá Nghĩa trước khi lên đường vào Nam.


Từ sự kiện này, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đã khẩn cấp điều tra thành phần có trách nhiệm về bản thảo Kế Hoạch Kinh Tế Stanley-Vũ Quốc Thúc. Và tôi tường trình sự việc lên Tổng Thống, đồng thời xin được mật cung cấp hồ sơ các viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa để thẩm tra.


Kết quả cuộc điều tra được biết, Phạm bá Lương Công Cán Ủy Viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa hiện còn một bà mẹ ruột ở Hà Nội, y còn có người bà con thân thuộc là Công Cán Ủy Viên tại Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra Lương và mẹ thường gửi thơ qua Pháp nhờ người quen làm trung gian chuyển thơ từ qua lại thăm hỏi nhau.


Kế hoạch bắt giam Phạm bá Lương:


Nhằm tìm tên phái kiểm trực tiếp chỉ huy Phạm bá Lương, muốn vậy, việc bắt y phải được sắp đặt và giữ tuyệt đối bí mật, không một người nào không có phận sự trong việc bắt giữ kể cả cơ quan quản trị và những người hàng ngày làm việc bên cạnh, cũng như gia đình vợ con y được biết. Vì thế mà ngay Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu cũng không được thông báo về việc này.


Lợi dụng việc Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa mới được chính phủ Thái Lan thông báo, họ sẽ tống xuất một số Việt kiều đang sinh sống tại vùng Đông-Bắc Thái Lan về Việt Nam, vì số Việt kiều này thân cộng, ủng hộ cộng sản Bắc Việt. Tôi liền đề nghị xin Phủ Tổng Thống chỉ thị Bộ Ngoại Giao cử ông Phạm bá Lương Công Cán Ủy Viên, chuyên về Công Pháp Quốc Tế, cùng đi với một viên chức Phủ Tổng Thống, ông Dương Văn Hiếu, qua Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Thái Lan bàn thảo tại chỗ về vấn đề trên và tường trình về Tổng Thống.


Khi Sự Vụ Lệnh, Lộ Trình Thư, giấy máy bay đã đầy đủ, đến ngày giờ lên đường, xe chở ông Dương Văn Hiếu và Phạm bá Lương thay vì ra phi trường thì đi thẳng đến một địa điểm định trước. Cuộc đối thoại bắt đầu vào thẳng vấn đề, Phạm bá Lương bị buộc tội đã gửi bản Kế Hoạch Kinh Tế Stanley-Vũ Quốc Thúc và các tài liệu liên quan đến công tác đối ngoại của Việt Nam Cộng Hòa cho cục 2 quân báo việt cộng tại Hà Nội, và bị cật vấn làm thế nào, qua ai mà y đã gửi được bản Kế Hoạch ra cho Hà Nội.


Qua các cuộc mạn đàm với Phạm bá Lương, tôi giải quyết các thắc mắc, lo lắng sợ hãi, về tương lai, về gia đình để ổn định tâm lý cho đương sự.


Cuối cùng Phạm bá Lương đã thú nhận việc làm nội gián cho cục tình báo việt cộng tại Hà Nội, và đã cung cấp các tài liệu đối ngoại cũng như bản văn Kế Hoạch Kinh Tế Stanley-Vũ Quốc Thúc của Việt Nam Cộng Hòa cho họ.


Đương sự xác nhận việt cộng đã lợi dụng tình cảm mẫu tử của y, móc nối với mẹ ruột y, giúp đỡ vật chất, vận dụng tranh thủ, giáo dục, khống chế thơ tín liên lạc giữa hai mẹ con để buộc y phải cộng tác hoạt động cho chúng. Và xin được cộng tác với Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung để thực hiện kế hoạch bủa lưới phục kích bắt tên phái khiển chỉ đạo công tác y.


Phạm bá Lương trình bày chi tiết về tất cả hoạt động của y với cơ quan điệp báo của việt cộng. Chúng làm việc rất thận trọng và kỹ lưỡng nên việc chuyển tài liệu không có quy định thời gian cán bộ cộng sản tới lấy. Họ đến nhà bất chợt, lấy tài liệu, phổ biến đại cương chỉ thị mới cho Phạm bá Lương rồi đi ngay.


Được yêu cầu tả hình dáng tên cán bộ việt cộng thường đột xuất đến nhà y nhận tài liệu, Phạm bá Lương mô tả: Người dong dỏng, tuổi độ 38-40, mặt rỗ nhẹ vì bị bệnh đậu mùa, giọng nói phát âm Quảng Nam, Lương gọi y là ‘’anh Hai’’.


Thời gian liên lạc nhận tài liệu không hề được quy định, nhưng có những ám hiệu như sau:


- Nếu có tài liệu quan trọng cần chuyển gấp, thì ám tín hiệu duy nhất là: Tấm bảng kẽm hình con chó đóng trước cổng sẽ được bẻ cong ở phía bên mặt, còn nếu bẻ cong bên góc trái, báo hiệu cho biết là có tài liệu sẵn ở trong nhà.


Những ám tín hiệu khác thì dùng cửa sổ trên lầu:


- Đóng cánh cửa bên phải, là dấu báo cho biết có nhân viên An Ninh xuất hiện trong khu phố nhiều lần, có nhân viên theo dõi, bị Cảnh Sát mời, không nên vào nhà, không nên xuất hiện ở khu vực các phố gần nhà y ở.


- Đóng cánh cửa bên trái, là dấu báo cho biết không có giấu hiệu gì nguy hiểm, mọi sự bình thường, có thể vào trong nhà y.


- Trường hợp Phạm bá Lương bị cơ quan An Ninh bắt, thì ám hiệu đặc biệt báo cho cục quân báo biết là: Chữ thập vẽ bằng phấn trắng trên cột đèn điện, phía mặt đường, tại Đường Pétrus Ký, chỗ tiếp giáp với Đường Phan Đình Phùng Sài Gòn.


Đại Tá Lê Cầu chỉ huy cục 2 quân báo việt cộng bị bắt.


Phạm bá Lương nhận tội và xin cộng tác với Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung để bắt ‘’anh Hai’’, cấp chỉ huy trực tiếp của y. Sau khi nghe Lương mô tả vóc dáng và giọng nói của tên phái khiển quân báo đã từng về nhà y lấy tài liệu và chỉ thị cho Lương mục tiêu công tác mới. Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung khẳng định ‘’anh Hai’’ đó chính là Đại Tá Lê Câu, chỉ huy cục 2 quân báo việt cộng tại miền Nam, căn cứ đóng tại vùng núi Pleiku.


Vì Phạm bá Lương là một điệp viên đã chức nghiệp hóa nằm trong Bộ Ngoại Giao, có chức vụ cao, đã cung cấp nhiều tài liệu có giá trị về chiến lược, và những công tác đối ngoại của Việt Nam Cộng Hòa, nên Đại Tá Lê trọng Nghĩa, cục trưởng cục quân báo trung ương chỉ thị cho Đại Tá Lê Câu phải trực tiếp chỉ đảo Lương.


Phạm bá Lương được trả tự do đúng theo kế hoạch định trước. Thời gian giữ y để điều tra, Bộ Ngoại Giao không hay biết. Ngay cả gia đình vợ con y cũng không biết gì.


Kế hoạch dăng bẫy bắt Đại Tá Lê Câu đã 5 tháng trôi qua, y chưa một lần đột xuất về Sài Gòn để đến nhà Lương. Kế hoạch được đem ra mổ xẻ, nhiều giả thuyết được đưa ra duyệt xét. Trọng tâm là tăng cường kiểm soát, kỹ thuật theo dõi phải thay đổi, tập trung công sức hoạt động của cơ quan vào các ngày lễ lớn, đặc biệt là vào lúc tranh tối tranh sáng, vào các ngày nghỉ cuối tuần, vì Lê Câu có thể nghĩ, phần lớn nhân viên An Ninh của ta lơ là, bỏ bê công tác đi ăn chơi hoặc về nhà nghỉ sớm.


Quả thật, hơn một tháng sau khi Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung duyệt xét lại kế hoạch, thì bộ phận theo dõi trên đường phố phát hiện một chiếc xe máy dầu đã chạy qua các phố quanh Đường Phan Đình Phùng, chỗ nhà Phạm bá Lương, nhiều lần, lúc đó vào khoảng hơn 5 giờ chiều ngày thứ bảy. Đúng lúc trời đổ tối đèn trên đường phố vừa bật sáng, một chiếc xe taxi chạy trên đường Pétrus Ký đến góc Pétrus Ký-Phan Đình Phùng thì dừng lại, một người đàn ông từ trong xe mở cửa bước xuống, thả bộ trên vỉa hè Đường Phan Đình Phùng, đi được chừng 200 thước đến khúc đối diện nhà Phạm bá Lương ở bên kia đường, y vừa bước xuống định băng qua đường vào nhà Phạm bá Lương thì nhân viên Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung tiến tới khoác tay dìu y lên xe taxi đi về cơ quan.


Vũ ngọc Nhạ


Vũ ngọc Nhạ là điệp viên thuộc cục tình báo chiến lược, nhưng đến cuối phần này mới được đề cập tới.


Một mặt, vì y đã được cơ quan tình báo chiến lược việt cộng sử dụng trong các hoạt động điệp báo tại những vùng có tình hình đặc biệt từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh Pháp-Việt Minh, cho đến khi bị bắt lần thứ hai, lúc đã lọt được vào đến tận Dinh Độc Lập, với chức vụ Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhờ vào hành động phản đạo, tướng mạo lù đù nhưng lại rất láu cá, mặc dù chẳng được huấn luyện gì về tình báo.


Mặt khác, nhân vật Vũ ngọc Nhạ, sau ngày 30.4.1975, phần tự ‘’đánh bóng’’, phần được đảng ‘’đánh bóng’’ quá lố, đến mức khôi hài. Phong quân hàm thiếu tướng cho y, việc cuộc đời ‘’điệp viên’’ của y thành truyện và còn cho dàn dựng thành phim. Mặc dầu tập truyện được cả một ban biên tập của đảng bố cục và thực hiện dưới cái tên Hữu Mai, nhưng từ đầu đến cuối chỉ là những sự bịa đặt, tưởng tượng, có chỗ ấu trĩ, có nơi rất ngây ngô, với toàn bộ thật trắng trợn.


Vì vậy, tôi thấy cần phải nói rõ hơn về tình hình từng giai đoạn đã đưa đẩy y từ một tên bộ đội trở thành một điệp viên được đưa vào hoạt động tại Hà Nội, rồi Phát Diệm và Sài Gòn, cho đến khi bị bắt lần thứ hai, bị kết án tù chung thân khổ sai, và cuối cùng được trao trả cho Bắc Việt theo thỏa hiệu trao trả tù binh của hiệp định Paris.


Nhưng trước khi nói về lý lịch và hoạt động điệp báo của y, tôi xin được kể một vài điều khôi hài do y, hoặc do nhóm chuyên viên ‘’hóa trang’’ của y tô vẽ cho y, để quý độc giả giải trí ít phút.


Vũ ngọc Nhạ bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt năm 1958. Năm 1961, sau khi chấp nhận chuyển hướng và hợp tác với Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, y được chuyển từ trại cải tạo Tòa Khâm Huế, về Sài Gòn, sống với gia đình và hàng tháng phải trình diện báo cáo công tác với tôi (Hiếu). Vậy mà y dám huênh hoang là đã làm Cố Vấn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ năm 1960.


Vũ ngọc Nhạ khoác lác với nguyệt san thế giới mới của cộng sản như sau:


‘’Năm 1960, một vị Linh Mục đã chuyển tới tay Tổng Thống Diệm một tập tài liệu với bọc ngoài ghi hai chữ ‘’Quốc Sách’’. Chưa đầy một tuần sau, Ngô Đình Nhu đích thân đi mời tác giả tập tài liệu vào Dinh để gặp Tổng Thống’’.


Đọc đoạn báo này, người dân đã sinh sống ở miền Nam thời Đệ I Cộng Hòa, dù chưa một lần trực tiếp tiếp xúc với Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, cũng khó mà nín cười được. Vì ai lại không biết, ông Ngô Đình Nhu đâu phải là con người nhẹ dạ, bồng bột như thế. Dù cho kế hoạch của Nhạ có sâu sắc bao nhiêu đi nữa.


Và Nhạ còn tiếp:


‘’Tôi trở thành quân sư của Tổng Thống từ đấy, ông Nhạ mỉm cười nói, cũng từ đấy trong Dinh Độc Lập, ngoài Ngô Đình Nhu còn có thêm một ông cố vấn nữa: Vũ ngọc Nhạ. Trong Dinh cũng có thêm một con rồng, ngoài con Bạch Long Ngô Đình Diệm, con Thanh Long Ngô Đình Nhu, còn có thêm con Hoàng Long Vũ ngọc Nhạ’’.


Cá nhân Vũ ngọc Nhạ khoác lác là điều dễ hiểu. Điều khó hiểu là sau ngày 30.4.1975, có lẽ còn đang bị chóa mắt vì hào quang chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của nhà nước cộng sản đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết hồi ký mang tên Nhạ, nhan đề ‘’ông cố vấn’’, để tên người viết là Hữu Mai. Cuốn sách nói về những kỳ công của con ‘’rồng vàng’’ Vũ ngọc Nhạ trong hoạt động tình báo chiến lược, tại miền Nam Việt Nam thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa.


Một điểm ‘’ngộ nghĩnh’’ tự tố cáo sự láo khoét của mình (hay là của nhóm thợ hóa trang) là: Trong cuốn hồi ký này Nhạ kể, tài liệu ‘’quốc sách’’ đã được y nhờ ông Lê Văn Dư, Trưởng Ty Công An Thừa Thiên lúc bấy giờ, trình cho ông Ngô Đình Cẩn, và được ông Cẩn chuyển vào Sài Gòn. (Hồi ký của một điệp viên. Trang 60) chứ không phải do một vị Linh Mục như y nói với nguyệt san thế giới mới vừa kể trên đây.


Cuốn truyện được đóng thành phim. Cuộc đời con ‘’rồng vàng’’ tưởng là lên hương từ đó. Không dè chỉ 5 năm sau, năm 1980 cũng như các ‘’đồng chí’’ khác, bị đảng ra soát lại lý lịch chính trị ‘’con rồng vàng’’ đã bị lộ chân tướng là loại ‘’vàng mã’’ (vàng giả làm bằng giấy người ta đem đốt sau khi cúng người chết) chứ không phải vàng thiệt, do chính những cán bộ cộng sản đã cùng ở tù Mật Vụ Ngô Đình Cẩn với Nhạ khai báo với đảng. Không còn đường chối cãi, con ‘’rồng’’ phải tử vận 3 lần mà vẫn không chết. Có lẽ ‘’nợ đời’’ còn quá nặng.


Vũ ngọc Nhạ người Tỉnh Thái Bình, Bắc Việt , gốc Công Giáo. Hồi nhỏ vì nhà nghèo, Nhạ chỉ học qua bậc tiểu học rồi đi làm kiếm sống và tham gia bộ đội Việt Minh khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945.


Tháng 12.1946, chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, chính quyền Việt Minh rút khỏi Hà Nội. Vì nhu cầu nắm bắt địch tình. Trần Hiệu được ủy thác tổ chức cục tình báo chiến lược, tung người vào hoạt động gián điệp trong vùng Pháp chiếm đóng, gọi là vùng hậu địch.


Vũ ngọc Nhạ, là tín đồ Công Giáo, với dáng vẻ bề ngoài nhỏ thó, điệu bộ quê mùa chất phác, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng bên trong, Nhạ lại chứa đựng nhiều chất láu cá, lưu manh, đáp ứng đúng nhu cầu của cơ quan tình báo việt cộng đang cần một mẫu người như thế để hoạt động trong vùng Pháp chiếm đóng. Vì vậy, ít lâu sau, Nhạ khi ấy đang ở trong bộ đội việt cộng, được đưa vào công tác hậu địch tại Hà Nội. Đến khi khu an toàn Phát Diệm được thiết lập, Nhạ lại được rút từ vùng hậu địch Hà Nội đưa về đây.


Để quý độc giả, đặc biệt là độc giả thuộc các thế hệ sau thấy được lý do tại sao ‘’Khu An Toàn Phát Diệm’’ được chính ông Hồ chí Minh chấp thuận cho thành lập mà lại bị việt cộng coi như ‘’vùng địch’’ cần thiết phải tổ chức hoạt động ‘’tình báo gián điệp’’ trong đó. Tôi xin được kể sơ qua về tình hình đã đưa đến việc thiết lập khu an toàn này.


Ngay từ khi mặt trận Việt Minh với chủ tịch là ông Hồ chí Minh cướp được chính quyền, tháng 8 năm 1945. Nhiều người đã nghi ông ta chính là Nguyễn ái Quốc, một cán bộ cộng sản quốc tế, và Việt Minh là đảng cộng sản trá hình, nhưng chưa có bằng chứng gì cụ thể. Đến ngày lễ thụ phong của Đức Cha Lê Hữu Từ, ông Nguyễn mạnh Hà, một thành viên trong phái đoàn chính phủ Hồ chí Minh về Phát Diệm dự lễ. Ông Hà đã cho các Giám Mục và Linh Mục Tổng Đại Diện các Giáo Phận hiện diện biết: ‘’Đích thực chính phủ Việt Minh là cộng sản’’.


Đã được biết chắc chắn bộ mặt thật của ông Hồ chí Minh, ngay sau lễ tấn phong Đức Cha Từ, các Giám Mục và Linh Mục Tổng Đại Diện họp quyết định: Tại tất cả các Giáo Phận trong toàn quốc, nhất loạt thành lập Liên Đoàn Công Giáo đứng ngoài chính quyền, đồng thời tổ chức một bộ phận mang tên ‘’Công Giáo Cứu Quốc’’ nằm trong mặt trận Việt Minh. Hai tổ chức hoạt động song hành để đối phó với cộng sản.


Càng về sau, bộ mặt cộng sản của Việt Minh càng lộ rõ. Sự liên hệ giữa họ với khối Công Giáo, đặc biệt là tại hai Giáo Phận Phát Diệm và Bùi Chu mỗi ngày thêm căng thẳng.


Hạ bán niên 1947, vụ Đức Cha Lê Hữu Từ bị ám sát hụt trong lúc ngài đang chủ trì lễ an táng anh Tống Viết Dung, một cán bộ Công Giáo bị công an việt cộng bắt và tra tấn đến chết, làm tràn ly nước đã quá đầy. Dân chúng hộ tống Đức Cha từ địa điểm hành lễ trở về lại Tòa Giám Mục có chủ tịch ủy ban hành-kháng (hành chánh-kháng chiến) Huyện Kim Sơn, Nguyễn ngọc Ái cùng đi. Đang đi song hàng với Đức Cha, không biết vô tình hay cố ý, y đã lui lại phía sau lưng ngài. Dân chúng tưởng y định thực hiện bằng được mưu đồ ám hại Đức Cha, họ liền xúm lại đánh y chết ngay tại chỗ và bắt giữ một số nhân viên công an.


Trước sự kiện này, ông Hồ chí Minh thấy cần phải tránh tình trạng có thể đưa đến một cuộc đối đầu công khai giữa toàn thể khối Công Giáo với chính quyền của ông, một chính quyền mà ông đang phải tìm cách che giấu bộ mặt thật ‘’cộng sản’’ ông Hồ Chí Minh, một mặt ra lệnh cho chính quyền Tỉnh Ninh Bình đến hòa giải, xin Đức Cha chỉ thị giáo dân tha cho những người bị bắt, đồng thời thông báo: ‘’chủ tịch Hồ chí Minh sẽ gởi phái đoàn cao cấp về trình với Cố Vấn (Đức Cha Từ là Cố Vấn Tối Cao của chính phủ và của riêng ông Hồ chí Minh) một giải pháp có lợi cho cả đôi bên’’.


Cuối tháng 9.1947, chính phủ cử một phái đoàn do Linh Mục Phạm bá Trực, đại biểu quốc hội, quốc vụ khanh, dẫn đầu về Phát Diệm hội kiến với Đức Cha Từ. Linh Mục Trực chuyển trình một văn thư do chủ tịch Hồ chí Minh ký, đề nghị đặt toàn Huyện Kim Sơn gồm 40 xã ấp với dân số khoảng 150.000 người dưới quyền cai trị của Cố Vấn Lê Hữu Từ, Cố Vấn toàn quyền tổ chức. Các cơ quan hành chánh, quân sự... của chính quyền sẽ rút đi hết.


Ông Hồ chí Minh tưởng đó là miếng mồi ngon, đưa ra để xập bẫy vị Cố Vấn của mình. Nhưng Đức Cha Từ đã sáng suốt nhìn thấy mưu mô hiểm độc của họ Hồ. Tuy vậy, vì thấy cần phải có một khu vực khả dĩ làm nơi ẩn tránh an toàn tạm thời cho những thành phần quốc gia đang bị Việt Minh cộng sản truy diệt. Đức Cha lợi dụng ngay âm mưu ấy, thực hiện cho Phát Diệm một khu an toàn bằng cách yêu cầu công khai hóa vấn đề này.


Trước lời yêu cầu ấy, Linh Mục Phạm bá Trực, với quyền quốc vụ khanh, được ông Hồ chí Minh ủy nhiệm toàn quyền, triệu tập chính quyền Huyện Kim Sơn, hành chánh, công an, bộ đội, với sự tham dự của đại diện Công Giáo và Phật Giáo trong huyện, tuyên đọc văn thư của ông Hồ chí Minh giao Quận Kim Sơn cho Cố Vấn Lê Hữu Từ toàn quyền cai trị.


Nhưng khi phát biểu, đại diện Cố Vấn Lê Hữu Từ xin từ chối quyền cai trị toàn Quận Kim Sơn. Ông chỉ xin nhận lãnh trách nhiệm trên một khu vực nhỏ để tượng trưng lòng biết ơn của Đức Cha đối với sự ưu ái đặc biệt chủ tịch Hồ chí Minh đã dành cho ngài với điều kiện. Trong khu vực này, Giám Mục Cố Vấn có toàn quyền tổ chức những cơ cấu cần thiết cho việc an ninh và sinh hoạt. Nhân viên và cán bộ của chính quyền không được xâm nhập khi chưa có phép của Cố Vấn. Khu vực này là Xã Phát Diệm, với diện tích chừng 3 cây số vuông.


Lời yêu cầu này quá khiêm nhượng so với đề nghị do chính ông Hồ chí Minh đưa ra. Vì vậy ông ta đã phải buộc lòng chấp nhận, và ‘’Khu An Toàn Phát Diệm’’ được khai sinh từ đó.


Với hệ thống tổ chức rất chặt chẽ, tinh thần chống cộng sản hết sức hăng say của Liên Đoàn Công Giáo tại hai Giáo Phận Phát Diệm và Bùi Chu, nhiều vụ đụng chạm giữa công an Việt Minh và Lực Lượng Tự Vệ của Liên Đoàn đã xảy ra. Nay lại thua trí Đức Cha Từ, bề ngoài phải bấm bụng chấp nhận cho thành lập một khu vực An Toàn có quyền bất khả xâm phạm đối với chính quyền. Nhưng bề trong, việc hòa hợp với khối Công Giáo là chuyện không thể có. Vì vậy đối với chính quyền của ông Hồ chí Minh, việc phải nắm bắt được tình hình ‘’thực’’ bên trong khu An Toàn, phải biết được thực lực của Liên Đoàn Công Giáo cũng như ý đồ của cấp lãnh đạo khu An Toàn, đã trở thành một nhu cầu lớn lao và cấp thiết. Chính vì nhu cầu và môi trường đặc biệt này mà Vũ ngọc Nhạ được tuyển chọn.


Vũ ngọc Nhạ đang hoạt động trong vùng Hà Nội, được đưa về vùng Huyện Kim Sơn Phát Diệm. Y đã vào khu vực Phát Diệm như một giáo dân bình thường và hoạt động cho cục tình báo chiến lược. Vì biết, sống và hoạt động trong lòng một khu vực mà ngàn người như một, tinh thần chống cộng luôn luôn sôi sục, thì việc bảo mật hành hung là một điều tối hệ trọng. Hơn nữa, cũng nhằm đề phòng Nhạ có thể trở thành điệp viên nhị trùng của khối Công Giáo, Trần Hiệu cục trưởng cục tình báo chiến lược đã trực tiếp điều khiển y.


Nhiệm vụ chính yếu của Nhạ là ‘’chui sâu, trèo cao’’ vào các hoạt động của Giám Mục Lê Hữu Từ và Linh Mục Hoàng Quỳnh, Tủ Lãnh Lực Lượng Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm. Nhưng vì khả năng quá yếu kém, y đã không thực hiện được nhiệm vụ này. Suốt thời gian từ khi khu An Toàn được thiết lập, cho đến khi di cư vào Nam, trong Tổng Bộ Tự Vệ, không ai biết mặt mũi Vũ ngọc Nhạ là tên nào. Ông Phan Khiêm, hiện đang định cư tại Thành Phố Santa Ana, người cận vệ đặc biệt của Linh Mục Hoàng Quỳnh, ngày đêm ở sát cạnh Linh Mục. Khi được hỏi về Vũ ngọc Nhạ, ông cho biết, cho đến khi di cư vào Nam ông chưa hề thấy mặt Nhạ lần nào. Nhạ chỉ thực hiện được nhiệm vụ thứ yếu là theo dõi, thu thập tin tức ở vòng ngoài, liên quan đến hoạt động của Lực Lượng Tự Vệ. Mặc dầu vậy, từ khi Nhạ lọt được vào khu An Toàn, sự thiệt hại về nhân mạng của Lực Lượng Tự Vệ Công Giáo Phát Diệm không ít. Vì những cán bộ của Lực Lượng ra ngoài hoạt động tổ chức, lấy tin tức, đã bị Nhạ báo cho lực lượng việt cộng truy diệt.


Sau khi hiệp định Genéva có hiệp lực, vì đòi hỏi của tình hình mới, Vũ ngọc Nhạ lại được điều vào Nam.


Cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người dân miền Bắc vào miền Nam, xảy ra sau khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, buộc phải ký hiệp định đình chiến với việt cộng tại Genèva ngày 20.7.1954. Theo quy định của hiệp định thì nước Việt Nam tạm thời được chia làm hai phần tại vĩ tuyến thứ 17, do hai chính thể quản trị.


Từ vĩ tuyến 17 trở ra về phía Bắc do chính thể cộng sản quản trị.


Từ vĩ tuyến 17 trở vào về phía Nam do chính thể Quốc Gia quản trị.


Một cuộc tổng tuyển cử để dân chúng hai Miền chọn một chính thể, thống nhất đất nước sẽ được tổ chức vào tháng 7.1956, tức là đúng 2 năm sau ngày hiệp định được ký kết.


Trong thời gian hai năm chờ tổng tuyển cử, kể từ ngày hiệp định được ký kết:


- Dân hai Miền được tự do di chuyển đến miền mình chọn để sinh sống trong vòng 300 ngày.


- Lực lượng vũ trang cũng như công chức, cán bộ các ngành của chính thể nào phải rút về vùng do chính thể ấy quản trị, cũng trong thời gian 300 ngày.


Trong khi hòa hội Genèva đang tiến hành, ngày 7 tháng 5.1954 việt cộng chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Thấy trước được phần nào kết quả hòa hội, giữa tháng 7.1954 trung ương đảng cộng sản Việt Nam họp lần thứ 6. Mục đích của khóa họp này nhằm phân tách tình tình trên thế giới và trong nước để đề ra nhiệm vụ mới, đặt kế hoạch ém quân tại miền Nam, vạch ra những công tác thiết thực cần phải tiến hành sau khi hiệp định Genèva được ký kết.


Khóa họp này đã đề ra đường hướng và nguyên tắc hoạt động cho các cơ sở được gài lại tại miền Nam mà họ gọi là ‘’cách mạng miền Nam’’ như sau:


‘’phải kết hợp chặt chẽ hình thức đấu tranh hợp pháp vào không hợp pháp, nhưng phải lấy hoạt động bí mật hợp pháp là chính. Phải luôn bám sát quần chúng mà hoạt động, chống sự khủng bố của địch, che giấu, giữ gìn lực lượng cách mạng.


- Về hình thức và phương pháp đấu tranh, phải linh hoạt, sáng tạo, khéo kết hợp những khẩu hiệu đấu tranh chính trị, như đòi thi hành hiệp định Genèva đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước v.v... gắn chặt với khẩu hiệu đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ’’.


Sau khi hiệp định Genèva được ký kết, tháng 9.1954 bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam lại họp để phân tích tình hình, đã bổ xung vào chỉ thị nêu trên mấy điểm như sau:


- Đòi thi hành đầy đủ hiệp định Genèva.


- Đòi không được khủng bố, đàn áp nhân dân và trả thù những người kháng chiến cũ.


- Không được lấy lại ruộng đất đã được cộng sản chia cho dân chúng.


- Phương pháp đấu tranh vẫn là phải nắm lấy cơ sở pháp lý của hiệp định Genèva mà lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị cách hợp pháp’’.


Nhằm đáp ứng đòi hỏi phải duy trì tính chất cuộc đấu tranh chính trị theo đường lối được chỉ dẫn trong các chỉ thị trên đây. Đồng thời phải tìm mọi cách làm giảm thiểu đến mức tối đa khả năng chống cộng của khối dân chúng miền Bắc đang ồ ạt chạy trốn cộng sản di cư vào miền Nam. Vì khối dân này là một lực lượng chống cộng nguy hiểm và hữu hiệu mà họ sẽ phải đương đầu trong cuộc đấu tranh tại miền Nam sau này. Cục tình báo chiến lược của việt cộng đã huy động ngay một lực lượng gồm những điệp viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, hoặc đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động hậu địch, như quý độc giả đã thấy trong tóm tắt lý lịch của các điệp viên bị bắt ghi trên. Họ cho số điệp viên này trà trộn trong dân chúng theo làn sống di cư, vào thiết lập màng lưới tình báo hoạt động tại miền Nam.


Vũ ngọc Nhạ, đang âm thầm hoạt động hậu địch trong khu Phát Diệm, tuy không được huấn luyện đặc biệt về tình báo, nhưng thời gian này y đã tỏ ra đắc lực trong công tác săn nhặt tin tức, lại rất thích hợp với sắc thái đặc biệt của khối dân di cư mà 80% là người Công Giáo. Con người y hội đủ các đòi hỏi cần thiết của một gián điệp hoạt động hậu địch trong bối cảnh chính trị và xã hội miền Nam lúc ấy. Ngoài yếu tố vừa kể, cục tình báo chiến lược của việt cộng còn tin tưởng rằng, dưới lớp vỏ bọc ‘’Dân Công Giáo Phát Diệm di cư’’ thì không cơ quan An Ninh nào ở miền Nam có thể phát hiện được hoạt động gián điệp của y. Họ đã thành lập một cụm tình báo đặc biệt mang bí số A22 giao cho y điều khiển, theo khối giáo dân Phát Diệm di cư vào miền Nam năm 1954. Cụm tình báo này hoạt động biệt lập dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần quốc Hương, chính ủy cục tình báo chiến lược của việt cộng, người đặc trách chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức ngành tình báo chiến lược tại miền Nam và hai nước Miên-Lào như tôi đã kể ở trên.


Vào đến miền Nam, Nhạ được cơ sở việt cộng tại Sài Gòn chức nghiệp hóa tại Tổng Nha Giao Thông Công Chánh. Trong cuộc sống hàng ngày, ở sở làm cũng như ở gia đình, lúc nào y cũng tỏ ra là một con chiên ngoan đạo, một công chức cần mẫn, gương mẫu, sống đời sống có vẻ thanh bạch. Với tướng mạo lù khù, một nếp sống có vẻ đạo đức, thật thà chất phác, y đã chiếm được lòng tin của Linh Mục Nguyễn Đức Nhuận, Cha Sở Họ Phú Nhuận Bắc và do sự giới thiệu của Linh Mục Nhuận mà y được Linh Mục Phạm Quỳnh tin dùng.


Lợi dụng sự đi lại với hai vị Linh Mục này, cộng với sự ngẫu nhiên rất thuận lợi y gặp được là Linh Mục Hoàng Quỳnh có một người cháu ruột trùng tên với y. Dân di cư Phát Diệm, nhiều người không biết mặt anh Nhạ cháu Cha Quỳnh, nên khi nghe tên Nhạ thì nghĩ đó là cháu của ngài. Nhờ thế mà y gây được sự tín nhiệm với nhiều người xung quanh, tạo nên một vỏ bọc khá kín đáo và vững chắc cho những hoạt động điệp báo của y. Nhưng y cũng không lọt được qua mắt Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung và đã bị bắt năm 1958 như tôi đã kể trên.


Sau khi nền Đệ I Cộng Hòa bị lật đổ, Vũ ngọc Nhạ cùng đồng bọn từng bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt, được trả tự do. Chúng liền tái lập màng lưới và hoạt động tình báo trở lại.


Khi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, thời gian chuẩn bị ra ứng cử Tổng Thống, Nhạ biết Trung Tướng Thiệu sẽ rất cần được khối Công Giáo hậu thuẫn. Y liền tìm cách sang tai cho ông Nguyễn Văn Hướng, Thủ Lãnh Đảng Đại Việt đang được Trung Tướng Thiệu trọng dụng, rằng y rất tán thành đường lối chống cộng của Trung Tướng Thiệu và sẽ đề nghị Cha Hoàng Quỳnh đưa cả khối Công Giáo ủng hộ ông bất cứ khi nào ông cần. Đây chỉ là một đòn tháu cáy của Vũ ngọc Nhạ, vì thời gian này ai cũng biết không riêng khối Công Giáo, mà tất cả những lực lượng, tổ chức chống cộng và cả người Mỹ, đều ủng hộ liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, vì thành tích ổn định tình hình của hai ông này, sau mấy năm miền Nam bị xáo trộn triền miên.


Rất tiếc là ông Hướng đã không thấy rõ điều đó và đã tin vào Nhạ.


Khi Trung Tướng Thiệu lên ngôi Tổng Thống, ông đã nghe lời ông Nguyễn Văn Hướng đề nghị, đem Nhạ vào làm Cố Vấn cho ông. Lợi dụng cương vị này, y cùng với ông Hướng đã gây ảnh hưởng với Tổng Thống Thiệu, đưa số người của y: Huỳnh văn Trọng, Nguyễn xuân Hòe, Vũ hữu Ruật vào Phủ Tổng Thống. Người phụ trách về chính trị, người về ngoại giao, người về hành chánh kinh tế.


Từ khi được ‘’xổ lồng’’, nhân viên Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bị bắt giam, thải hồi. Nhạ tưởng không còn ai biết đến tung tích làm gián điệp cho cộng sản của y nữa, nhưng y đã lầm. Sau khi đưa nốt hai bộ hạ đắc lực nữa trong cụm tình báo của y là:


- Lê hữu Thúy vào làm Chánh Sự Vụ tại Bộ Chiêu Hồi. (điệp viên nằm vùng trong Nha An Ninh Quân Đội, thời Đại Tá Đỗ Mậu)


- Hoàng Hồ: Vào Quốc Hội Đệ II Cộng Hòa, thì mạng lưới bủa vây đã thắt lại, vét gọn cụm tình báo chiến lược A22 của thủ trưởng Vũ ngọc Nhạ. (gián điệp hoạt động tình báo trong giới báo chí, chủ nhiệm tờ tuần báo Trinh Thám, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt)


Ngày 28.11.1969, Tòa Án Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật kết án Nhạ khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Nhạ được trao trả cho Bắc Việt trong đợt trao trả tù binh tháng 5 năm 1973, theo thỏa thuận trong hiệp định Paris’’.


Chính sách Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ không chỉ nhằm đem những người đang kháng chiến vì lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc ra khỏi hàng ngũ cộng sản mà thôi. Nó còn có kế sách đáp ứng đầy đủ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất cho những người hưởng ứng cũng như những người không hưởng ứng nó.


Với những người hưởng ứng chính sách, thực sự dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản, nếu là cán bộ chuyên ngành, được tuyển dụng vào ngành Công An Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa theo ngạch trật của ngành Cảnh Sát, tương đương với cấp bậc từ Trung Úy đến Thiếu Tá. Như Nguyễn Đình Chơn, được trả cấp bậc Thiếu Tá và được bổ nhậm chức vụ Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Gia Định. Nguyễn Văn Mão, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn Đà Nẵng, tương đương cấp Đại Úy. Lê Đình Khôi, Lê Khắc Lự, Trịnh Thiện Hùng, Nguyễn Văn Thế, Lã Thị Thơ, Tôn Hoàng, Mạc Ly v.v... đều được trả cấp bậc theo khả năng chuyên môn và chức vụ được giao phó.


Ngoài ra, một số đông cán bộ việt cộng thuộc các ngành, đảng bộ, được giới thiệu làm việc tại các công ty, xí nghiệp tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Riêng số đảng viên cộng sản cơ sở trong các tổ chức, phong trào quần chúng, thương mại, số này rất đông, sau khi chuyển hướng đều được cho về sinh hoạt theo nghề cũ một cách bình thường.


Đặc biệt với giáo chức, sinh viên, học sinh, sau khi chuyển hướng đều được giúp đỡ cho đi tu nghiệp tại ngoại quốc, được ưu tiên giới thiệu xin học bổng của các quốc gia thân hữu với Việt Nam Cộng Hòa.


Qua trường hợp Vũ ngọc Nhạ được ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, người đã từng bắt nhốt Nhạ, thuật lại trên đây, và một điều mà mọi người đều đã biết: Vũ ngọc Nhạ đã có thời gian lọt vào Dinh Độc Lập với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vậy thì tại sao cơ quan tuyên truyền của nhà nước cộng sản không lấy bối cảnh thực ấy bố cục cho cuốn tiểu thuyết gián điệp ‘’ông cố vấn’’ và dàn dựng thành phim, mà Vũ ngọc Nhạ lại cứ phải là Cố Vấn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm?



NGUYỄN VĂN MINH



Phụ bản 2
Tác phẩm dự thảo
Bội Phản Hay Chân Chính


Bằng tác phẩm này tôi muốn nói với Đảng
với người thân và bè bạn
với người yêu và kẻ ghét
Nói thay cho người đã chết và cho cả người còn sống.


XIN GỞI


- Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng
- Các đồng chí Ủy viên Ban Bí Thư Trung Ương Đảng
- Các Ban:
Tổ chức và chính sách Trung Ương và Thành Ủy TP. HCM
Lịch sử Đảng -nt-
Bảo vệ Đảng -nt-
Tuyên Huấn -nt-
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Cục Hai Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Cục Bảo Vệ và Chính Sách -nt-
Cục Bảo Vệ và Chính Sách Quân khu 7
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên và Quảng Trị
Ban Thường vụ Thành ủy Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng
Ban Lịch sử Đảng tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị
Ban Lịch sử Đảng thành phố Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Lịch sử Đảng tỉnh Thủ Biên cũ
Những người có tên trong tác phẩm này.
Thân nhân những người đã khuất có tên trong tác phẩm


TRẦN QUỐC HƯƠNG


TPHCM, ngày 1 tháng 9 năm 1992 Kính gửi: anh Hai Tân fó bí thư Thành ủy và anh Tư Sang f bí thư trực


Như anh biết trong KC chống Mỹ có hai loại tù một do i e. g điều tra ngụy (CA.ANqđ) bắt có sổ sách hồ sơ, một loại do mật vụ bắt cóc o giấy tờ giam ở những nơi... do Mỹ trả tiền 1$/ngày cho một người để cho ngụy khai thác cung cách thủ đoạn khác hẳn nhau về góc độ an ninh thì thủ đoạn mật vụ thật hiểm độc hơn C.A nhiều, chả thế tên Lê Văn Dư fó đoàn công tác đặc biệt miền Trung (mật vụ Cẩn) sau 75 đã khai, với các nhà chức trách ta là: chúng tôi đánh gá các ch/s (mật vụ) của ô. Cẩn đã có hiệu quả lớn, chỉ trong vóng gần 2 năm (58-60) đã fá tan tổ chức T/B chiến lược miền bắc và làm tê liệt mấy ban tỉnh ủy đã bắt và thuần hóa mấy ngàn (khoảng 5000) cán bộ, đảng viên cơ sở kháng chiến... từ cơ sở đến từng các cấp trong đảng trí thức có công nông có, cán bộ CA, TB có, cán bộ đảng đoàn thể có, một nhóm anh em tù mật vụ họp nhau viết 1 cuốn tiểu thuyết về loại tù hàng đầu....


Địa chỉ: Dư văn Chất 450 Nguyễn thị Minh Khai. Q3. TP. HCH (lầu 5....


(lá thư này viết tay và chụp lại, còn dài xin ngưng ở đây)



NGUYỄN VĂN MINH



Phụ bản 3
Dụ Số 10


Dụ số 10 được đăng trong Công Báo Việt Nam số 33 ngày 19 tháng 8 năm 1950. Toàn văn như sau:


DỤ
DỤ số 10 ngày mồng 6 tháng tám năm 1950 quy định thể lệ lập hội.


ĐỨC BẢO ĐẠI, QUỐC TRƯỞNG


Chiếu Dụ số 4 ngày mồng 1 tháng bảy năm 1949 tổ chức và điều hành các cơ quan công quyền Việt Nam.
Chiếu Dụ số 2 ngày 1 tháng bảy năm 1949 tổ chức quy chế các công sở.
Chiếu Sắc Lệnh số 1-QT ngày mồng 5 tháng giêng năm 1950 thu hồi Sắc Lệnh số 1-CP ngày mồng 1 tháng bảy năm 1949.
Chiếu Sắc Lệnh số 35-QT ngày 27 tháng tư năm 1950 thu hồi Sắc Lệnh số 6-QT ngày 21 tháng giêng năm 1950.
Chiếu Sắc Lệnh 37-QT ngày mồng 6 tháng năm năm 1950 ấn định thành phần chính phủ.
Chiếu các luật lệ hiện hành về việc lập hội
Chiếu đề nghị của Thủ Tướng Chính Phủ.
Sau khi Hội Đồng Tổng Trưởng đã thảo luận.


DỤ


CHƯƠNG THỨ NHẤT


NGUYÊN TẮC


Điều thứ 1: Hội là hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.


Muốn có hiệu lực thì hội nào cũng phải hợp với nguyên tắc chung của pháp luật về khế ước và nghĩa vụ.


Điều thứ 2: Các hội mục đích phi pháp hay trái phong tục đều vô hiệu lực cả.


Điều thứ 3: Hội viên của hội lập vô thời hạn hay có thời hạn nhất định vẫn có quyền ra hội bất cứ lúc nào, sau khi đã nộp và tiền góp thuộc về năm xin ra hội.


CHƯƠNG THỨ HAI


CÁC HỘI ĐƯỢC PHÉP THÀNH LẬP


Điều thứ 4: Những hội nói ở điều thứ nhất Đạo Dụ này phải được Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ ra nghị định cho phép thành lập sau khi hỏi ý kiến các thủ hiến, theo như các thể lệ định ở Dụ này mới được hoạt động.


Nếu hội chỉ hoạt động trong phạm vi một phần Việt Nam thì Thủ Hiến chiếu ủy nhiệm của Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ mà ra Nghị Định cho phép thành lập, sau khi cho phép, Thủ Hiến phải trình Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ tri chiếu.


Riêng đối với các hội thanh niên và thể thao, Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên Thể Thao được sử dụng những thẩm quyền dành cho Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ nhưng phải ý hiệp với Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ.


Điều thứ 5: Những hội được phép thành lập đều có tư cách pháp nhân theo thể lệ Dụ này.


Điều thứ 6: Hội sở của hội ở địa hạt Tỉnh nào thì những người sáng lập phải đệ đơn cho ông Tỉnh Trưởng Tỉnh ấy, nếu ở các Thành Phố thì đơn đó Thị Trưởng thu nhận, ở Sài Gòn-Chợ Lớn thì đơn đó Quận Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn thu nhận.


Người sáng lập hội phải đã 21 tuổi (tính theo dương lịch) không can án khinh tội và trọng tội.


Đơn xin phép phải đính theo 3 bản điều lệ và bản tư pháp lý lịch của người sáng lập hội.


Trong điều lệ phải kê rõ các khoản sau này:


1.- Mục đích của hội.


2.- Tên hiệu của hội


3.- Hội sở.


4.- Hạn điều ước.


5.- Thể lệ vào hội, ra hội và trục xuất khỏi hội.


6.- Nghĩa vụ và quyền lợi của hội viên.


7.- Tài sản của hội.


8.- Thể lệ về động sản và bất động sản của hội.


9.- Họ, tên, tuổi các người sáng lập.


10.- Thể lệ về việc cử và bãi những người quản trị và quyền hạn của các người ấy.


11.- Duyên cớ giải tán hội.


12.- Thể lệ thanh toán và quy dụng tài sản của hội.


Điều thứ 7: (Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ), nếu hội hoạt động trong toàn quốc hoặc ngoài địa hạt một phần Việt Nam (hay Thủ Hiến), nếu hội chỉ hoạt động trong địa hạt một phần Việt Nam, có quyền bác khước đi không cho phép lập hội mà không cần phải nói lý do.


Phép cho rồi có thể bãi đi trái điều lệ hay vì lý do trị an.


Việc bãi bỏ do chức vụ có quyền cho phép lập hội quyết định và phải theo thủ tục tương tự như khi cho phép thành lập.


Điều thứ 8: Hạn trong một tháng kể từ ngày nhận được nghị định cho phép, nhân viên trong Ban Trị Sự phải đăng trong Công Báo Việt Nam hay hành chánh tập san trong các phần Việt Nam một bản báo cáo nói rõ ngày được phép thành lập hội, Nghị Định do chức vụ nào ký, danh hiệu, mục đích của hội và hội sở.


Điều thứ 9: Phàm thay đổi khoản gì trong điều lệ thì hạn trong một tháng phải xin phép theo thể thức như khi xin phép thành lập hội và những sự thay đổi ấy chỉ có giá trị sau khi đã được chuẩn y.


Điều thứ 10: Nếu có gì thay đổi trong việc trị sự của hội thì hạn trong một tháng phải trình cho Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Quận Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn để chiếu hệ thống cai trị tường trình Thủ Hiến và Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ biết. Khi nhận được tờ khai, các nhà chức trách phải phát biên lai cho đương sự.


Những tờ khai ấy phải nói rõ:


1.- Những sự thay đổi trong nhân viên Ban Trị Sự hay Giám Đốc.


2.- Những chi nhánh, doanh sở mới lập.


3.- Những sự thay đổi địa chỉ hội sở.


4.- Những việc mua bán bất động sản theo thể lệ nói ở điều thứ 14 Dụ này và phải đính theo tờ trình một bản phác tả và kê giá mua, giá bán những bất động sản ấy.


Điều thứ 11: Những sự thay đổi nói ở điều thứ 10 chỉ có giá trị đối với đệ tam nhân kể từ ngày khai trình với nhà chức trách và khi đã báo cáo theo như thể thức định ở điều thứ 8.


Điều thứ 12: Những sự thay đổi trong việc trị sự và những điều thay đổi điều lệ phải biên rõ vào một quyển sổ để trụ sở của hội và phải biên rõ ngày khai và ngày duyệt y những sự thay đổi ấy.


Các nhà chức trách hành chánh, tư pháp có quyền đến trụ sở đòi hỏi xem quyển sổ ấy.


Quyển sổ ấy phải do Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Quận Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn hoặc những người được các vị ấy ủy nhiệm đánh số trang và ký tên, đóng dấu ở trang đầu, trang cuối.


Các tư nhân cũng có thể xin xem tại Thủ Hiến Phủ, các Tòa Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng và Quận Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn những điều lệ, tờ khai và tất cả các điều thay đổi của hội hay xin phép trích lục nhưng phải chịu tiền phí tổn về phát trích lục.


Điều 13: Các hội chính trị và các hội đồng nghiệp ái hữu, mỗi năm, trong tuần lễ sau khi họp đại hội đồng thường niên, phải theo hệ thống cai trị gửi cho Thủ Hiến sở tại để chuyển lên Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ hai bản danh sách các hội viên và hai bản kê tình hình tài chính và tự rõ các căn nguyên cùng việc sử dụng tiền tài của hội.


Điều 14: Không hội nào được quyền nhận tiền trợ cấp của chính phủ, của các quỹ địa phương, quỹ hàng tỉnh và quỹ hàng xã, trừ những hội khoa học, mỹ nghệ, tiêu khiển, từ thiện, thanh niên và thể thao.


Các hội đều có quyền thu và sử dụng tiền góp của hội viên và quyền thưa kiện tại tòa án.


Ngoài ra, các hội chỉ có quyền chiếm hữu, tạo mãi, quản trị, đứng làm sở hữu chủ những bất động sản thật cần thiết để đạt mục đích của hội.


Những người có liên quan và công tố viên có quyền xin tòa án hủy bỏ những việc tạo mãi bất động sản trái với điều này. Bất đồng sản ấy sẽ đem bán đấu giá và được bao nhiêu tiền sẽ xung vào quỹ hội.


Điều thứ 15: Các hội có thể lập ra trong một thời hạn vĩnh viễn hay tạm thời.


Nếu là thời hạn tạm thời thì trong điều lệ phải nói rõ đến thời kỳ nào hợp đồng của hội sẽ hết hạn.


Có thể định rằng khi nào mục đích của hội đã đạt được rồi thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực.


Điều thứ 16: Không cứ là trong điều lệ của hội định về hợp đồng của hội lâu chóng thế nào, phàm có đa số hội viên quyết định giải tán, hội sẽ giải tán.


Tuy nhiên, trong điều lệ của hội có thể buộc rằng sự quyết định ấy phải do đa số hội viên như thế nào hoặc do cả hội viên đồng tình mới được.


Điều 17: Phàm đã mãn thời kỳ định trong điều lệ hoặc đạt mục đích của hội rồi thì hội giải tán như thường.


Khi nào số hội viên giảm xuống dưới số ít nhất đã định trong điều lệ hay là chỉ còn có một hội viên thì tự nhiên chiếu luật, hội sẽ đình chỉ trước thời kỳ đã định.


Điều thứ 18: Điều lệ của hội có thể bắt buộc người vào hội phải có tư cách riêng thế nào hay là phải do một tiểu hội đồng hoặc do toàn thể hội viên hay ít nhất hai phần ba hội viên chuẩn hứa trước mới được.


Điều thứ 19: Điều lệ có thể định rõ các khoản trục xuất hội viên và cách thức thi hành việc ấy.


Cứ lý thì quyền trục xuất ấy là quyền của đa số hội viên.


Điều thứ 20: Điều lệ định rõ nghĩa vụ cùng quyền lợi của các hội viên.


Người nào đã vào hội thì bắt buộc phải tuân theo điều lệ của hội.


Điều thứ 21: Không hội viên nào được quyền lợi riêng về tài sản của hội trong thời kỳ đương còn hội.


Điều thứ 22: Phàm hội là một pháp nhân có những quyền lợi khác với quyền lợi của từng hội viên một.


Hội có tài sản riêng và có thể có hành vi mọi việc về bộ luật đã định trong điều lệ để quản lý tài sản ấy.


Sự thi hành nghĩa vụ của hội có thể trách cứ ở tất cả các tài sản của hội.


Điều thứ 23: Phàm chủ trương trị sự quản lý cùng thay mặt cho hội, thì do một hay nhiều hội viên của hội đã giao cho quyền tổng đại lý đối với đệ tam nhân.


Trong điều lệ có thể tăng hay giảm quyền hạn ấy.


Điều thứ 24: Người nào đã do trong hội giao quyền đại lý thì trước khi hết hạn có thể xin từ được, nhưng thuộc về việc dân sự người ấy vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc làm trong khi quản lý.


Khi người đại lý chết thì do những người thừa kế người ấy phải chịu trách nhiệm về các công việc quản lý của người ấy đã làm cho đến ngày chết.


Điều thứ 25: Đại hội đồng có quyền tuyệt đối trong hội.Đại hội đồng do những người thay mặt hội đứng chiêu tập.


Sự chiêu tập ấy cứ theo như khi đã định trong điều lệ cùng là khi một phần chia tư trong hội viên thỉnh cầu mà làm.


Điều thứ 26: Đại hội đồng sẽ định đoạt về việc nhận hội viên vào hội hay trục xuất hội viên khỏi hội, cử các người thay mặt hội, kiểm soát việc làm của họ và có thể bãi nhiệm vụ họ nếu có duyên cớ chính đáng.


Đại hội đồng xét xử mọi việc không thuộc về các cơ quan khác của hội.


Điều thứ 27: Hội viên nào cũng có quyền bỏ phiếu như nhau trong kỳ đại hội đồng.


Các việc hội nghị do đa số hội viên có mặt quyết định.


Điều thứ 28: Số tiền góp phải định rõ trong điều lệ không định rõ thì các hội viên đều đóng góp như nhau để chi về các khoản cần tiêu theo mục đích của hội và để giả nợ.


Điều 29: Các hội viên ra hội hoặc bị trục xuất thì mất cả quyền lợi về tài sản của hội.


Điều thứ 30: Sau khi hội đã thành lập, Ban Trị Sự phải trình chiếu nhà đương chức sở tại và Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ hay Thủ Hiến, theo hệ thống cai trị, bản nội quy của hội và nếu sau này có điều gì sửa đổi cũng phải trình chiếu những sự sửa đổi ấy.


Điều thứ 31: Các hội đã được thành lập phải hoạt động theo đúng mục đích của hội đã tự trong điều lệ. Khi nào xét ra một hội đã quả thị trực tiếp hay gián tiếp theo những mục đích khác với mục đích trong điều lệ thì hội sẽ bị giải tán và các hội viên, nhân viên Ban Trị Sự có thể bị truy tố tại tòa án.


Điều 32: Những hội không được phép thành lập thì coi như không có và tất cả những hoạt động của hội đều coi như vô hiệu lực và hội sở của hội ấy thuộc quản hạt Tòa Án Tỉnh ấy có quyền giải tán.


Người nào cũng có quyền trình tòa án để xin giải tán những hội không được phép thành lập.


Điều thứ 33: Những hội viên sáng lập, những hội viên giám đốc và quản trị các hội không được phép thành lập hay đã được phép nhưng sau lại bị giải tán, mà vẫn cứ hoạt động hay là tự tiện tái lập trái phép, hay đã hoạt động ra ngoài mục đích định trong điều lệ hội để đạt mục đích trái phép hay trái phong tục sẽ bị phạt từ 50 đồng đến 500 đồng và phạt giam từ 6 ngày đến 6 tháng.


Hội viên thường sẽ bị phạt giam từ 6 ngày đến 2 tháng và phạt bạc từ 50 đồng đến 200 đồng hay trong hai thứ phạt ấy phải chịu một.


Những người dung túng cho họp các hội không được phép thành lập hay đã bị giải tán cũng có thể bị phạt như trên.


Tòa án khi truy tố sẽ ra lệnh giải tán hội.


Những hội viên sáng lập, những nhân viên trong ban trị sự phạm vào điều thứ 8, 9, 10, 11, 12, 13 và hoạt động ngoài mục đích của hội đã định trong điều lệ sẽ bị phạt từ 50 đồng đến 200 đồng nếu tái phạm có thể bị phạt gấp đôi.



CHƯƠNG THỨ BA


HỘI ĐƯỢC CÔNG NHẬN CÓ ÍCH LỢI CHUNG


Điều thứ 34: Những hội đã được thành lập theo thể lệ Dụ này có thể được công nhận là hội có ích lợi chung bằng sắc lệnh của Quốc Trưởng do Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ đề nghị và sau khi hỏi ý kiến Hội Đồng Tổng Trưởng.


Điều thứ 35: Đơn xin công nhận có ích lợi chung phải do những người được đại hội đồng ủy nhiệm ký đệ.


Điều thứ 36: Đơn ấy phải kèm theo những theo những bản sau này:


1.- 1 Bản Nghị Định cho phép hội thành lập.


2.- 1 Bản trình rõ căn do lập hội, sự tiến đạt của hội và mục đích ích lợi chung của hội.


3.- 2 Bản điều lệ.


4.- 1 Bản kê hội sở, các chi nhánh, các doanh sở của hội cùng địa chỉ.


5.- 1 Bản kê các sáng lập hội viên, nhân viên trong Ban Trị Sự có ghi rõ tên tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch, cùng sinh trú quán.


6.- 1 Bản kê khai tình hình tài chính của hội về 2 năm sau cùng.


7.- 1 Bản kê khai các bất động sản, động sản và trái khoản của hội.


8.- 1 Bản trích lục biên bản của đại hội đồng cho phép làm đơn xin chính phủ công nhận là hội có ích chung.


Các bản nói ở điều này phải do những người ký đơn đoan nhận là đúng.


Điều thứ 37: Đơn phải đệ trình Quận Trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn, Thị Trưởng, Tỉnh Trưởng sở quan.


Các viên chức ấy sẽ hỏi ý kiến Hội Đồng Thị Xã hoặc Hội Đồng hàng Tỉnh, nếu có, rồi đệ hồ sơ lên Thủ Hiến. Thủ Hiến sẽ chuyển đệ lên Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ và kèm theo một tờ tường trình nói rõ ý kiến của mình. Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ sẽ khởi nghị dự thảo sắc lệnh đệ trình Quốc Trưởng quyết định tại Hội Đồng Tổng Trưởng.


Điều thứ 38: Hội được công nhận có ích chung có thể hành vi mọi việc về hộ luật mà điều lệ không cấm, nhưng hội chỉ có quyền chiếm hữu và tạo mãi các bất động sản cần thiết cho mục đích của hội thôi. Tiền lưu trữ của hội phải đặt lãi bằng phiếu ký danh quốc thải.


Hội có thể thâu nhận những tài sản mà hội được người ta tặng lúc sinh thời hay sau khi quá cố, nhưng phải do nghị định Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ cho phép.


Nếu trong những tặng vật có những bất động sản xét ra không cần thiết về việc hoạt động của hội thì các bất động sản ấy sẽ phải phát mại theo cách thức và thời hạn định trong nghị định cho phép thâu nhận ấy. Phát mại được bao nhiêu sẽ sung vào quỹ hội.


Hội không được nhận các của tặng vật bằng động sản hay bất động sản với điều kiện là người tặng vật vẫn được giữ quyền hưởng dụng.


Điều thứ 39: Những quy tắc ở các điều thứ 8, 9, 10, 11, 12, 30 và 38 ở Dụ này đều thi hành cho cả hội được công nhận có ích lợi chung.



CHƯƠNG THỨ TƯ


ĐIỀU KHOẢN CHUNG ÁP DỤNG CHO HỘI ĐƯỢC PHÉP THÀNH LẬP VÀ HỘI ĐƯỢC CÔNG NHẬN CÓ ÍCH CHUNG


Điều thứ 40: Khi hội tự ý giải tán, theo điều lệ mà giải tán, hoặc bị tòa án hay chính phủ giải tán thì tài sản của hội sẽ được thanh toán và quy dụng theo như điều lệ hội và nếu điều lệ hội không nói rõ thì việc thanh toán và quy dụng ấy sẽ do đại hội đồng định đoạt.


Điều thứ 41: Nếu điều lệ hội không định việc thanh toán và quy định tài sản khi giải tán hội khi đại hội đồng quyết định tự ý giải tán mà không định việc thanh toán và quy dụng tài sản của hội, thì tòa án chiếu lời tư của các công tố viên có quyền cử một người quản tài.


Trong thời hạn do tòa án quyết định, người quản tài sẽ chiêu tập đại hội đồng để quyết định một thanh toán và quy dụng tài sản hội.


Nếu vì duyên cớ gì không chiêu tập được đại hội đồng thì người quản tài xin tòa án quyết định việc thanh toán và quy dụng tài sản của hội.


Điều thứ 42: Khi đại hội đồng quyết định về việc thanh toán và quy dụng tài sản hội thì đại hội đồng không có quyền chia cho hội viên một phần nào lấy trong tài sản của hội quá phần hội viên đã góp vào hội mà được thu hồi theo điều lệ.



CHƯƠNG THỨ NĂM


TỔNG TẮC


Điều thứ 43: Những luật lệ nào trái với Đạo Dụ này và nhất là Đạo Dụ số 73 ngày mồng 5 tháng bẩy năm 1945 về việc lập nghiệp đoàn đều bãi bỏ đi cả.


Nghiệp Đoàn nào đã thành lập rồi, phải tạm ngưng hoạt động và trong thời hạn là một tháng, kể từ ngày ban bố Dụ này Ban Quản Trị của các Nghiệp Đoàn ấy, sẽ phải chiếu các thể thức lập hội do Đạo Dụ này ấn định mà hợp pháp hóa hội đó, nếu không sẽ coi như giải tán.


Điều thứ 44: Chế độ đặc biệt cho các Hội Truyền Giáo Thiên Chúa và Gia-tô và các Hoa Kiều Lý Sự Hội sẽ ấn định sau.


Điều thứ 45: Dụ này sẽ đăng vào Công Báo và mang thi hành như Quốc Pháp.


Làm tại Vichy, ngày mồng 6 tháng tám năm 1950.
BẢO ĐẠI
Phó Thự
T.L. Thủ Tướng chính phủ đi công cán
Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp
Xử Lý Thường Vụ
NGUYỄN KHẮC VỆ



Phụ bản 4


MỘT THỜI VANG BÓNG


HÀ VĨNH PHƯƠNG


Thuở thiếu thời, tôi nghe nói đến thanh danh Người. Là bạn đồng liêu, cha tôi biết rõ và đề cao đức độ ngay thẳng, thanh liêm, trọng dân thương nước của Người. Mới hơn 30 tuổi. Người hiên ngang từ chức Thượng Thư Bộ Lại, không chịu làm bình phong cho một thể chế hữu danh vô thực.


Tôi giáp mặt Người lần đầu tiên tại Phi Trường Nice, chiều 16.6.1954. Tháp tùng Người hôm ấy từ Paris đến chỉ có bào đệ Ngô Đình Luyện. Trên cương vị Chánh Văn Phòng của Thủ Tướng Bửu Lộc, tôi có nhiệm vụ đón tiếp hướng dẫn Người đến yết kiến Quốc Trưởng Bảo Đại lúc ấy ‘’đóng đô’’ ở Cannes. Người được tấn phong Thủ Tướng với toàn quyền dân sự và quân sự sau cuộc hội kiến ấy.


Đến ngày Song Thất 07.07.1954, tôi ở lại cạnh Người tại Dinh Gia Long, nhận lễ bàn giao chức Chưởng giữa nguyên Thủ Tướng và Tân Thủ Tướng Chính Phủ. Người ngỏ ý giữ tôi ở lại chức vụ cũ, tuy được minh chứng tin cậy như vậy, tôi kính cẩn xin từ nhượng. Người thông cảm lý do tôi trình bày, sau này còn chứng tỏ không chấp nệ tôi về sự xử trí có phần táo bạo như thế.


Ba năm sau, trong lúc giữ chức Chưởng Ấn kiêm Đệ Nhất Tham Vụ cạnh Đại Sứ Ngô Đình Luyện ở Luân Đôn tôi nhận lệnh hồi hương diện trình Tổng Thống vào đầu tháng 8 năm 1957. Đại Sứ Luyện kín đáo cho tôi hay như vậy là Tổng Thống chấp thuận ủy tôi làm Đổng Lý Văn Phòng theo đề cử của Đại Sứ Luyện.


Trong lần yết kiến tại Dinh Độc Lập ngày 20.8.1957 Người giải thích sự quan trọng kết giao, hợp tác với Cộng Hòa Lên Bang Đức, một quốc gia đang vùng dậy về phát triển kinh tế và chỉ thị tôi chuẩn bị trở lại Âu Châu thiết lập Đại Sứ Quán ở Tây Đức. Tất nhiên tôi không dám tỏ bày ngạc nhiên gì cả trước quyết định bất ngờ ấy. Tôi được ủy nhiệm công tác này vì trước đó tôi đã từ Luân Đôn sang Boon thương lượng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.


Từ đó, Đại Diện Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa cạnh Chính Phủ Liên Bang Đức sáu năm tròn, năm 1961, kiêm nhiệm thêm Đại Diện Việt Nam Cộng Hòa trong Hội Đồng Thống Đốc cơ quan Nguyên Tử Năng Cuộc, và năm sau (1962) đồng thời Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Dan Mạch, Na Uy và Thụy Điển.


Cuối tháng 8 năm 1963, tôi lại được lệnh diện trình Tổng Thống và đây là lần cuối cùng.


Tiếp tôi ở Dinh Gia Long, Người cho biết, chấp thuận đề nghị của Giáo Sư Bửu Hội, tôi được cử làm phụ tá Giáo Sư, Đặc Phái Viên của Tổng Thống cạnh Liên Hiệp Quốc, vì lẽ Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khóa XVIII đã ghi vấn đề Phật Giáo vào chương trình nghị sự, dưới đề mục ‘’Vi phạm nhân quyền’’. Thu thập xong đầy đủ tài liệu liên quan đến vấn đề Phật Giáo, tôi phải lên đường đến Nữu Ước trước ngày Đại Hội Liên Hiệp Quốc Khai Mạc (18.9.1963) vì Đại Sứ Bửu Hội còn lãnh nhận một số công tác ngoại giao trước khi đến Nữu Ước với một Phái Bộ do Đại Sứ đề cử.


Trước ngày lên đường đêm 7.9.1963, tôi nhận điện thoại tại nhà mẹ tôi ở Đường Kỳ Đồng chuyển lệnh yết kiến Tổng Thống. Lúc ấy đã quá 10 giờ đêm, tôi dùng xích lô đến Dinh Gia Long (và gặp khó khăn ở cổng chính với lính phòng vệ vì chưa ai đến đây công vụ mà lại đi xích lô). Tổng Thống tiếp tôi trong phòng ngủ đơn giản của Người (cũng là nơi Người thường làm việc ngoài những cuộc tiếp kiến chính thức). Tôi thoáng nhìn quanh, thấy một giường sắt bình thường và một bàn thờ nhỏ có chân dung Cụ Ngô Đình Khả. Người vẫn còn bận âu phục trắng với cà vạt đậm, ngồi trên một chiếc ghế bành da phai màu, trước một bàn gỗ tròn trên ấy có một bình trà và vài cái tách, bên cạnh một chồng hồ sơ. (Tôi còn nhớ mãi chi tiết ấy vì đấy là minh chứng của cách sống thanh bạch của Người, trước sau vẫn không thay đổi nếp sống giản dị dù ở cương vị Quốc Trưởng) Người mời tôi ngồi đối diện, ra lệnh cho sĩ quan hầu cận lánh đi, ân cần hỏi xem tôi đã nhận đủ tài liệu về công tác ở Liên Hiệp Quốc hay chưa. Người vạch rõ cho tôi biết nguyên nhân chính yếu của vấn đề Phật Giáo đặng tôi an tường mọi khía cạnh của vấn đề. Rồi người bảo tôi ra ban công ở ngay cửa vào phòng để hóng mát (trong phòng không có máy lạnh và cũng không đặt quạt máy).


Trong đêm thanh vắng, từ Dinh Gia Long nhìn xuống con Đường Gia Long rất yên tĩnh, tuy Sài Gòn lúc ấy xôn xao về nhiều tin đảo chính. Người ngồi đó, trầm lặng trên ghế xích đu, nói với tôi ngồi bên cạnh: ‘’...Anh biết không tui còn ngồi đây thì yên tĩnh như rứa đó. Tui mà không còn tui nữa thì nước mình rồi bị thảm họa Thập Nhị Sứ Quân’’.


Người trầm tư yên lặng với những ý nghĩ của riêng mình. Riêng tôi, không dám và không biết nói gì ở địa vị nhỏ bé phận mình. Câu cuối cùng của Người khi tôi xin cáo từ để kịp đáp phi cơ rời Sài Gòn 12 giờ khuya đêm ấy là:


‘’Chúc anh lên đường may mắn thành công’’


Không đầy hai tháng sau, đây sẽ là di chúc của Người lại cho tôi...


Trên đường về lại nhà mẹ tôi, tâm thần băn khoăn tự hỏi không biết mình có đủ khả năng gánh vác trọng trách Tổng Thống tín nhiệm không.


Từ giã mẹ tôi, tôi ra sạn bay Tân Sơn Nhất ngay khuya ấy. (Bà Ngô Đình Nhu cũng rời Sài Gòn trên chuyến phi cơ ấy, có chồng bà cùng đông quan khách tiễn chào và nhiều phóng viên báo chí. Tôi nhìn thấy từ xa, không được gặp mặt vì bà lên phi cơ ở phía trước dành cho khách hạng nhất, tôi phía sau dành cho hạng du lịch).


Dừng chân ở Paris ngày sau để gặp gia đình từ Boon qua, tôi đến Nữu Ước chiều 9.9.1963. Nhìn thấy phóng viên báo chí và truyền thanh đang chờ đợi, tôi linh cảm thấy công tác tế nhị và phức tạp sắp tới, vì phải ‘’đơn thân độc mã’’ đương đầu từ đây với một dư luận chống đối mạnh mẽ Việt Nam Cộng Hòa. Chiến lược là do Tổng Thống vạch định, cấp chiến thuật về phần tôi là phải uyển chuyển chèo chống làm sao giảm bớt phần nào cao độ ác cảm trong dư luận ngoại quốc đối với Việt Nam Cộng Hòa. Về vấn đề Phật Giáo, tôi ngắn ngủi tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng trình bày minh bạch thực hiện trạng vấn đề tự do tín ngưỡng ở trong nước, sẽ không che đậy bất cứ điều gì, nhưng cũng không nề hà vạch rõ âm mưu lật đổ chính quyền nước tôi vì lý do chính trị thiển cận xuất phát từ những mâu thuẫn giữa ngoại viện và quyền tự chủ của một quốc gia nhược tiểu.


Quan Sát Viên Thường Trực Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc đã tự ý rời bỏ nhiệm sở về Washington trước ngày tôi đến Nữu Ước, vì lẽ dễ hiểu ‘’lựa gió phất cờ’’ để bảo đảm tương lai bản thân. Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Thủ Đô Hoa Kỳ cũng đã từ chức và buộc tội gắt gao chính quyền do mình đại diện suốt mười năm. Cuối tháng 8 năm ấy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa xin giải nhiệm rồi cạo đầu sang Ấn Độ hành hương. Xử Lý Thường Vụ Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc lúc ấy là Tô Ngọc Thạch (cựu đồng nghiệp của tôi ở Đại Sứ Quán Paris mười năm về trước) đã tận tình giúp đỡ tôi mọi mặt. Hơn ba mươi năm đã qua, tôi vẫn ghi nhớ mãi đức hạnh của người bạn đường quân tử như Tô Ngọc Thạch (mãi đến năm 1995 chúng tôi mới nối lại được liên lạc với nhau).


Đại Hội Liên Hiệp Quốc khai mạc sáng 18.9.1963, nhưng đến chiều hôm sau tôi mới được mời gặp Đại Diện 14 nước Á Phi ở Liên Hiệp Quốc theo lời tôi yêu cầu, mục đích trình bày rõ ràng vấn đề Phật Giáo. Nhớ mãi chiều hôm ấy, lủi thủi một mình đến gặp nhóm Đại Sứ tôi không quen biết cũng chưa được giới thiệu với một ai. Tham dự phiên họp ở một phòng hội nghị tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, tôi có ngay cảm giác là một ‘’tội nhân’’ trước một tòa án mà các thẩm phán đều đinh ninh rằng bị cáo là chính phạm. Tôi được mời vào phòng họp trong một bầu không khí nghiêm trang lạnh lùng, không một ai chào hỏi tôi. Chủ tọa phiên họp là Đại Sứ Thường Trực Ceylan (Siri Lanka hiện nay), ông ta trao lời cho tôi ngay.


Tôi vẫn giữ bình tĩnh, trình bày khiêm tốn lập trường Việt Nam Cộng Hòa bằng cách đề cao nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và quốc thể của mọi quốc gia, bất phân cường nhược. Trong khung cảnh đấu tranh quyết liệt giữ vững độc lập, bảo vệ tự do, vấn đề ‘’vi phạm nhân quyền’’ đã được dùng làm bình phong che đậy một âm mưu lật đổ chính quyền, dưới sự điều động và yểm trợ của ngoại bang. Tôi cũng nói rõ rằng, sinh trưởng trong một gia đình Phật Tử từ mười thế hệ, nếu tôi có chút hoài nghi là tự do tín ngưỡng không được chính quyền tôn trọng đối với Phật Giáo, lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi đại diện chính quyền ấy để biện bạch bất cứ điều gì trước dư luận quốc tế. Không một lời bình luận hay câu hỏi nào được nêu lên sau khi tôi kết thúc thuyết trình. Chủ tọa phiên họp tỏ lời cảm tạ, tôi ra về để họ thảo luận với nhau. Sau này, tôi được biết Phái Bộ Maroc cạnh Liên Hiệp Quốc được chỉ thị và đã thuyết phục các nước Phi Châu cựu thuộc địa Pháp ‘’xem vấn đề Phật Giáo’’ là một vấn đề nội bộ Việt Nam, Liên Hiệp Quốc không có năng cách can thiệp. Đây là thành quả công trình vận động của Giáo Sư Bửu Hội trên cương vị Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Maroc, Sénégal và Côte d’Ivoire.


Vào thời điểm này, Giáo Sư Bửu Hội đã đến Nữu Ước cầm đầu Phái Bộ Việt Nam Cộng Hòa gồm có: Trần Văn Dĩnh từ Đại Sứ Quán ở Washington đến, Bửu Kính từ Đại Sứ Quán ở Rabat (Maroc), Nguyễn Duy Toản từ Đại Sứ Quán ở Dakar (Sénégal), Tô Ngọc Thạch ở nhiệm sở Nữu Ước và tôi, Tổng Thơ Ký. Giáo Sư Bửu Hội tích cực tiếp xúc với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant, và những nhân vật chính yếu trong Liên Hiệp Quốc, trong số ấy có Đại Sứ Adlai Stevenson, Đại Diện Thường Trực Hoa Kỳ. Công tác cung cấp tin tức cho báo chí do Tô Ngọc Thạch và tôi phụ trách. Đại Sứ Bửu Hội liên lạc trực tiếp với Tổng Thống Phủ qua viễn thông mật điện do tôi đảm nhận. Trong mọi tiếp xúc ở Nữu Ước, các thành viên Phái Bộ kể cả Đại Sứ Trưởng Đoàn đều phải dùng xe taxi. Phái Bộ không có công xa.


Cuối tháng chín, Tổng Thống chấp thuận đề nghị của Đại Sứ Bửu Hội mời một Phái Bộ Liên Hiệp Quốc đến viếng Việt Nam Cộng Hòa để nhận xét thực trạng về tự do tín ngưỡng. Sau khi thỏa thuận với Đại Sứ Vénézuéla, Carlos Sosa Rodriguez, Chủ Tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc U Thant về nội dung văn kiện Việt Nam Cộng Hòa chính thức gởi lời mời Liên Hiệp Quốc nói trên, tuy Việt Nam Cộng Hòa không phải là quốc gia hội viên, việc này đặt một tiền lệ trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, ngày 4.10.1963 Đại Sứ Bửu Hội trao cho Chỉ Tịch Đại Hội Liên Hiệp Quốc một thông điệp. Ba ngày sau, Đại Sứ Bửu Hội công bố thông điệp ấy và giải thích lập trường của Việt Nam Cộng Hòa là không che đậy gì cả trước dư luận quốc tế về tự do tín ngưỡng ở trong nước. Ngày hôm sau (8.10.1963), Đại Hội Liên Hiệp Quốc chấp thuận đình hoãn thảo luận ‘’Vấn đề Phật Giáo’’ cho đến khi nhận được phúc trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc. Ngày 11.10.1963 thành phần Phái Bộ được Chủ Tịch Đại Hội công bố, gồm Đại Diện các nước: Afganistan (Trưởng Đoàn), Brésil, Ceylan, Costa Rica, Dahomey, Maroc và Népal. Tối 21.10.1963, nhân danh Chính Phủ, tôi tiễn chào Phái Bộ lên đường đi Sài Gòn.


Đến ngày 24.10.1963, Phái Bộ có mặt đầy đủ tại Sài Gòn và bắt tay ngay vào việc. Phái Bộ được các giới hữu trách dành mọi tiện nghi viếng thăm những nơi xét cần và tự do tiếp xúc với các Đại Diện Phật Giáo cùng mọi giới liên quan. (Những sự kiện ấy sau này được Phái Bộ xác nhận trong Phúc Trình tổng kết tháng 12.1963). Trong lúc Phái Bộ còn lưu tại Sài Gòn thì đảo chánh bùng nổ trưa ngày 1.11.1963. Vì lý do dễ hiểu là sáng kiến của Giáo Sư Bửu Hội, với sự chấp thuận sáng suốt của Tổng Thống, đã ngăn chận âm mưu vận động Liên Hiệp Quốc kết án Việt Nam Cộng Hòa để dọn đường trước dư luận quốc tế cho mưu đồ lật đổ chính quyền pháp định không còn được cường quốc đồng minh chấp thuận quốc sách và chiến lược của mình. Người ta không khỏi không biết trước rằng Phái Bộ Liên Hiệp Quốc sẽ nhận xét (và sẽ đi đến kết luận) là không có minh chứng gì xác đáng về Phật Giáo bị kỳ thị hay đàn áp, đảo chánh vì thế được ‘’cấp phép’’ thực hiện sớm hơn mưu hoạch dự liệu tại chỗ.


Vào lối 4 giờ sáng 1.11.1963 ở Nữu Ước (lúc ấy độ 17 giờ ở Sài Gòn) Tô Ngọc Thạch công tác ở Los Angeles với bà Ngô Đình Nhu, gọi điện thoại báo cho tôi tin đảo chánh. Tôi liền đến ngay Phòng Thông Tin Báo Chí Liên Hiệp Quốc vào lúc chưa bừng sáng để theo dõi tin tức vì tất nhiên không còn liên lạc với Tổng Thống Phủ ở Sài Gòn được nữa. Túc trực ở Liên Hiệp Quốc cho đến sáng ngày ngày sau, tôi nhận được hung tin Tổng Thống bị sát hại.


Nhớ lại hình ảnh Người vĩnh biệt chào tôi trước khi lên đường, hình dung lại lần tiếp kiến đêm 7.9.1963 với lời nói tiên tri của người, tôi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra trong những ngày kế tiếp như sau này đã được lịch sử minh chứng.


Trở lại Liên Hiệp Quốc, ngày 13.12.1963, chủ Tịch Đại Hội thuyết trình rằng vụ đảo chánh Việt Nam Cộng Hòa, các nước Á Phi đã đề xướng ghi vấn đề vi phạm nhân quyền vào chương trình nghị sự, nay đề nghị Đại Hội thông qua điểm ấy, không thảo luận, không biểu quyết. Đại Hội chấp y như thế. Vấn đề Phật Giáo được kết thúc trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc.


Cuối tháng 10.1963 Giáo Sư Bữu Hội có mặt ở Việt Nam để khánh thành Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử ở Đà Lạt do Người sáng lập. Trở lại Liên Hiệp Quốc đầu tháng 12, Người ủy tôi thu xếp hoàn tất mọi việc về sứ nhiệm ở Liên Hiệp Quốc và chuyển toàn bộ tài liệu về nước. Giải nhiệm Đặc Phái Bộ Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc ngày 20.12.1963, Người từ giã Nữu Ước về Pháp, tôi sẽ không bao giờ nữa gặp lại Người.


Về phần tôi, bàn giao lại nhiệm sở Quan Sát Viên Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc cho Tô Ngọc Thạch, tôi báo điện cho Bộ Ngoại Giao đã hoàn tất nhiệm vụ và rời Nữu Ước đêm 26.12.1963. Ngay đầu năm sau, tôi từ chức ngành Ngoại Giao chuyển bước sang một giai đoạn khác, hoàn toàn vô định về tương lai bản thân, song chẳng luyến tiếc gì về quá khứ của mình.


Trên ba thập niên đã qua theo mây gió. Nhiều ký ức đã vàng úa như lá rụng chiều thu. Với đôi dòng này, tôi mong ướp khô được vài ba lá thu kia để tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Giáo Sư Bửu Hội, mà tôi được phục vụ trong tình thương quý Quê Hương, tuy chỉ một thời đoạn ngắn ngủi một thập niên.


Hồi tưởng công đức hai Người, đọc lại thơ Vân Nương, tuy diễn tả tạm tình phát xuất từ một bi cảnh khác, nhưng vẫn hòa nhịp với ký ức của riêng tôi:


Mấy chục năm trời thoáng một giây/Hỡi ôi! Hạc đã vút chân mây


Bao la trời đất mà hoang vắng/Thắm lạnh hồn đơn ngọn gió lùa...


Kết thúc hồi ký này, tôi ghi thêm hai câu tuyệt vời ý nghĩa từ bản ‘’Hịch Bình Ngô Đại Cáo’’ của Nguyễn Trãi:


Dầu cường nhược có lúc khác nhau. Song hào kiệt lúc nào cũng có...


Hà Vĩnh Phương
25.4.1996



NGUYỄN VĂN MINH


Phụ bản 5
Thượng Viện Hoa Kỳ
Ủy Ban Tư Pháp
Ngày 17 tháng 2 năm 1964


Ngài James O. Eastland,
Chủ Tịch Tiểu Ban Nội Vụ Thượng Viện
Hoa Thịnh Đốn


Thưa Ngài Chủ Tịch,


Vào đầu tháng 9 năm ngoái, vào lúc cao độ của cuộc khủng hoảng Phật Giáo, 16 quốc gia đệ trình bản tuyên cáo lên Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, kết án chính phủ Việt Nam đã vi phạm trầm trọng về nhân quyền. Để trả lời, Chính Phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mời Liên Hiệp Quốc gửi một Ủy Ban đến tìm hiểu sự thật và cam kết đã hợp tác chặt chẽ với Ủy Ban. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận lời mời và ngày 11 tháng 10 một Ủy Ban đã được thành lập gồm Đại Diện các Quốc Gia: Afghanistan, Brazil, Costa Rica, Dahomey, Morocco, Ceylan và Népal.


Phúc trình của Ủy Ban về Việt Nam, dù rằng được ấn hành trong nội bộ của Liên Hiệp Quốc vào ngày 9 tháng 12, nhưng chỉ được phổ biến một cách hạn chế cho báo chí. Sự thật bản phúc trình này chỉ được báo chí biết đến hơn hai tuần lễ sau khi được ấn hành do một vài bình luận gia biết được vấn đề.


Theo tôi nghĩ bản phúc trình này có những điểm đáng lưu tâm và tôi đề nghị Tiểu Ban Nội Vụ Thượng Viện ấn hành để các Thượng Nghị Sĩ hiểu rõ vấn đề.


Đây là bản phúc trình bao gồm những lời khai và tài liệu, nhưng không hề có những nhận xét hay kết luận của Ủy Ban, tôi tin rằng bất cứ ai sau khi đọc cũng có thể đưa ra lời kết luận về lời cáo buộc ‘’Phật Giáo đã bị đàn áp’’, mà thật ra chỉ là một sự thổi phồng đầy ác ý, và tuyên truyền gian trá.


Tôi cũng lưu tâm quý vị liên hệ sự kiện này với cuộc phỏng vấn của NCWC News Agency vào ngày 20 tháng 12 với Đại Sứ Fernando Volio Jimerez của Costa Rica, một trong những người đã kiến nghị thành lập Ủy Ban Liên Hiệp Quốc và cũng là một thành viên của Ủy Ban Tìm Hiểu Sự Thật.


Tôi trích dẫn lời ông Volio:


‘’Cá nhân tôi nghĩ rằng không hề có chính sách kỳ thị, đàn áp, ngược đãi đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Lời khai về những sự việc này thường chỉ là những tin đồn vô vô cnă cứ hoặc đã được thổi phồng hay phóng đại.


Khi một nhân chứng cố gắng đưa ra những bằng chứng cụ thể, nhưng những sự việc mà nhân chứng viện dẫn chỉ có tính cách cá thể, chứ không phải là chính sách của chính phủ đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo’’.


Sau khi đọc bản phúc trình của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc, tôi đã liên lạc với Đại Sứ Volio để hiểu tường tận cảm nghĩ của ông.


Đại Sứ Volio nói với tôi rằng, nếu dựa trên những tin tức đã xuất hiện trên báo chí thế giới, ông đã sửa soạn và sẵn sàng bỏ phiếu lên án chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng khi Ông Ngô Đình Diệm gửi thư mời Liên Hiệp Quốc cử Phái Đoàn đến Việt Nam quan sát, Ông đã nghĩ rằng lời mời này phải được chấp nhận trước khi Liên Hiệp Quốc ghi vào nghị trình thảo luận.


Đại Sứ Volio cũng nói rằng, sau hai tuần lễ tích cực điều tra tại Việt Nam, Ông đã đi đến kết luận: Lời cáo buộc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đối với chính quyền của ông Ngô Đình Diệm đã không thể tồn tại, ông nghĩ rằng với những bằng chứng thu thập được đã chứng tỏ rằng không hề có vấn đề kỳ thị tôn giáo hoặc xâm phạm quyền tự do tôn giáo.


Đại Sứ Volio nói rằng Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã cộng tác chặt chẽ với Ủy Ban, cho phép Ủy Ban đi bất cứ nơi nào mà Ủy Ban thấy rằng cần thiết. Ông viện dẫn lời tuyên bố của Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao và cho rằng lời tuyên bố này đã đem lại cho Ông một cảm nghĩ đặc biệt: ‘’Chính Phủ có thể không hoàn hảo, cũng như các viên chức trong Chính Phủ không phải là những ông thánh. Chúng tôi sẽ lắng nghe những ý kiến của Qúy Vị và sẽ cố gắng sửa đổi những khuyết điểm’’. Đại Sứ Volio nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban đã có thể điều tra tại chỗ về những cáo buộc rằng một chính phủ hội viên đã vi phạm nhân quyền. Đại Sứ Volio cũng nói rằng, với lời mời và sự hướng dẫn trong suốc cuộc điều tra, đã cho Ông cảm nghĩ rằng Chính Phủ Ngô Đình Diệm sẵn sàng sửa đổi những sai lầm, nếu có, và tin tưởng vào sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng.


Bản phúc trình không đưa ra một kết luận nào, một vài lời khai trong bản phúc trình nêu lên những nghi vấn về tính cách xác thực về sự tự nguyện tự thiêu để bảo vệ Phật pháp. Phúc trình của Ủy Ban đã đề cập đến lời khai của một tăng sĩ 19 tuổi khai với Ủy Ban rằng tăng sĩ này được tuyển mộ bởi một ‘’tiểu đội hiến thân tự thiêu’’. Tăng sĩ này khai rằng đã được cho biết rằng Đại Lão Hòa Thượng Giáo Chủ Phật Giáo đã bị giết, và rằng hàng trăm tín đồ Phật Giáo đã bị cho đi ‘’mò tôm’’ tại Sông Sài Gòn, và rằng nhiều ni cô đã bị mổ bụng giết chết, và rằng Chùa Xã Lợi đã bị thiêu đốt. Tăng sĩ này cũng khai rằng đã được yêu cầu tự nguyện tự thiêu để bảo vệ Phật pháp, được bảo đảm rằng trước khi tự thiêu sẽ được cho uống thuốc để không bị đau đớn khi tự thiêu và ký vào ba bức thư đã được soạn sẵn. Tăng ni này đã bị Cảnh Sát bắt trước khi hành động man rợ này xẩy ra.


Ủy Ban cũng đã phỏng vấn một số những nhà lãnh đạo Phật Giáo và những lãnh đạo thanh niên mà theo phúc trình thì đã bị giết. Không thể tìm thấy những bằng chứng những bản tin của các báo chí nói rằng một số tu sĩ Phật Giáo đã bị ném từ trên gác xuống trong cuộc bố ráp Chùa Xá Lợi.


Theo ý tôi, điều cần phải nói thêm rằng nhân dân Hoa Kỳ một lần nữa đã bị một vài tờ báo thông tin một cách sai lạc về tình hình quốc ngoại mà nhân dân Hoa Kỳ hằng lưu tâm đến.


Chúng ta được thông tin rằng Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã có những hành động đàn áp, rằng những tu sĩ vô tội đã bị thúc đẩy tự thiêu để phản kháng. Ngược lại, việc đàn áp đã không xẩy ra một cách trầm trọng và đó chỉ là một sự khích động mang màu sắc chính trị.


Ủy Ban đã không đi sâu vào động cơ chính trị dẫn đến sự khích động của Phật Giáo. Nhưng tôi nghĩ rằng câu trả lời cho vấn đề này chính là câu trả lời của Thượng Tọa Thích Trí Quang người lãnh đạo cuộc tranh đấu (hiện đang tỵ nạn tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn) với Miss Marguerite Higgins: ‘’Chúng tôi chỉ có thể dàn xếp với miền Bắc sau khi đã lật đổ Diệm và Nhu’’.


Phần lớn những cuộc biểu tình phản đối của tín đồ Phật Giáo đã không thực hiện được theo ý muốn và chính đó là điều mà tín đồ Phật Giáo bị khích động.


Một vấn đề liên quan đến việc phát hành phúc trình này là vì nó liên quan đến vấn đề an ninh quốc nội.


Báo chí Hoa Kỳ hãnh diện về truyền thống toàn hảo và khách quan của mình. Thật vậy, có lẽ không quốc gia nào trên thế giới lương tâm của nhà báo được vinh hạnh như vậy hoặc ở đó những cuộc đua tài của các nhà báo đáng được quốc gia tán thưởng. Nhưng đáng tiếc, đã có một số tình hình liên quan đến chính sách đối ngoại ở đó nhân dân Hoa Kỳ, Quốc Hội và ngay cả chính quyền đã bị dẫn dắt một cách sai lầm bởi những báo cáo thiếu chính xác của một số báo chí.


Báo chí Hoa Kỳ trong thời chiến tranh đã bóng gió loan tin Mihailovich là người đáng được cộng tác và rằng Tito là một nhà lãnh đạo quốc gia vĩ đại. Kết cuộc là sự phản bội của Mihailovich và đã áp đặt một chế độ cộng sản tại Yugoslavia.


Trong thời kỳ hậu chiến một vào trong số những tờ báo này nói với chúng ta rằng: Tưởng chỉ là một bù nhìn và cộng sản Trung Quốc chỉ là những kẻ cải cách điền địa, và kết cuộc của một chính sách lầm lẫn đã đưa đến là lục địa Trung Hoa đã bị nhuộm đỏ.


Lần cuối đây có những tờ báo nói với nhân dân Hoa Kỳ rằng: Castro không phải là cộng sản mà là con người có bản chất giữa Robin Hood và Thomas Jefferson, và cuối cùng kết quả là một chính thể cộng sản đã hình thành tại Cuba.


Giờ đây chúng ta lại là nạn nhân của một sự lừa dối khác, hậu quả là Chính Phủ của Ông Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt và một tình trạng rối loạn đã diễn ra sẽ làm cho việc chống cộng trở nên khó khăn hơn.


Quốc Hội cũng như nhân dân Hoa Kỳ đã quá lệ thuộc vào những tin tức do báo chí loan tải. Ngay cả những viên chức chính quyền dù rằng nắm trong tay những nguồn tin tức đặc biệt cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những tin tức đọc trong báo. Do đó, thực tế báo chí giữ vai trò làm chính sách.


Tôi tin rằng, thật là hữu dụng nếu nhân viên báo chí tự hỏi những hậu quả trầm trọng mà báo chí đã làm để hướng dẫn một cách sai lầm chúng ta trong những tình hình như vậy.


Đồng thời, tôi hy vọng rằng mỗi một thành viên Thượng Viện sẽ bỏ thời gian để đọc bản phúc trình và đưa ra những nhận xét của riêng mình.


Chân Thành cảm tạ.


Thomas J. Dodd
Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ



NGUYỄN VĂN MINH



Phụ bản 6


LƯỢC ĐỒ MỘT CUỘC CẢI TỔ CƠ CẤU XÃ HỘI


1.- CĂN BẢN CỦA LÝ THUYẾT XÃ HỘI NHÂN VỊ


TÔN TRỌNG NHÂN CÁCH VÀ THIẾT LẬP ÍCH LỢI CHUNG


Hai nguyên tắc không thể tách biệt này, chính cũng là những nguyên tắc tự nhiên, di sản ngàn xưa của nhân loại. Điều hòa được tự do cốt yếu của con người với quyền lợi của đoàn thể thì sẽ giải quyết được vấn đề xã hội. Hai nguyên tắc ấy thực hiện trong lịch sử không được quân bình, một phần lớn do ở quan niệm tuyệt đối của phái tự do tư bản và phái tập sản đối với quyền sở hữu. Cần phải cải hóa quan niệm ấy để nhân cách được tôn trọng, đồng thời hạnh phúc chung được thành tựu. Một khi quan niệm về quyền sở hữu đã được cải tổ thì cơ cấu của cả một nền văn minh sẽ phải biến hóa theo.


2.- PHẢI PHÂN BIỆT QUYỀN SỞ HỮU RA LÀM HAI LOẠI


Đối với con người là cứu cánh của xã hội và đối với xã hội là khuôn khổ cần thiết của con người, các tài sản của trần thế phải chia làm hai loại: Tài sản để tiêu thụ (biens de consommation) và tài sản để sản xuất (biens de production)


a.- Tài Sản Để Tiêu Thụ: Do tự mình làm ra, cá nhân hay gia đình có đủ quyền quản lý và sử dụng, để sinh sống cho đầy đủ và cho xứng đáng với địa vị của mình. Đó là lĩnh vực thiết yếu cho sự sinh sống cho đầy đủ và cho xứng đáng với địa vị của mình. Đó là lĩnh vực thiết yếu cho sự sinh sống tư và tự do của con người và của gia đình. Chính phủ có quyền kiểm soát và đánh thuế, miễn là cái quyền hạn này đừng đi đến sự thủ tiêu trực tiếp hay gián tiếp các khả năng dành dụm tài sản của cá nhân hay của gia đình. Ngoài bổn phận pháp chế đối với xã hội, chủ nhân loại tài sản này vẫn còn có bổn phận từ thiện đối với kẻ thiếu thốn hơn mình. Trong phạm vi ấy, quyền tự do quản lý và sử dụng thứ tài sản này có ích cho bản tính con người, và nếu có lạm dụng đi nữa, thì cũng không sinh hỗn loạn kinh tế, như khi lạm dụng tài sản để sản xuất.


b.- Tài Sản Để Sản Xuất: Là thứ tài sản có dư thừa, sau khi đã thỏa mãn nhu cầu sinh sống xứng đáng của mình rồi. Chủ quyền tài sản này, một mặt phải quân bình với quyền lợi của các cấp lao động cộng tác, một mặt phải ăn khớp với nhu cầu toàn dân. Vì vậy việc sản xuất, quyền quản lý và quyền sử dụng lợi tức của hạng tài sản xuất, quyền quản lý và quyền sử dụng lợi tức của hạng tài sản này phải phụ thuộc định hướng kinh tế của quốc gia và phục tùng công lý xã hội giữa vốn và sự làm việc (lao động). Như thế mỗi một phần tử của toàn dân có đủ tự do cốt yếu và đủ điều kiện vật chất cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng con người và xứng đáng với thiên chức siêu việt của con người, mà đồng thời cũng không làm tê liệt phát triển kinh tế.


3.- PHẢI TỔ CHỨC KINH TẾ VÀ PHÂN PHỐI LỢI TỨC CỦA


QUỐC GIA CHO CÔNG BẰNG


A.- ĐỐI VỚI CÔNG CỘNG


Phải tổ chức kinh tế và các cơ quan điều khiển kinh tế để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt và sinh hóa của nhân dân, mà không đi quá tầm con người (taille de I’homme), không đi quá tiết điệu sinh sống của con người (rythme vital), không thủ tiêu tự do cốt yếu cần thiết của con người và cho tiến triển kinh tế.


Phải tổ chức theo nguyên tắc: Địa phương phân lực, địa phương phân quyền, và theo hệ thống hướng thượng, từ cấp dưới mà lên, từ gia đình, xứ, khu đến nước, từ xí nghiệp lên đại nghiệp, công nghiệp và ngành công nghiệp.


1.- Tổ chức khuôn khổ kinh tế: Nhằm đích thỏa mãn nhu cầu của toàn dân cho nên phải tổ chức kinh tế biệt khu (Écommie de secteurs)


a.- Khu Vực Sơ Đẳng: Gồm những tài sản cần yếu để sinh sống (biens essentiels) lúa gạo, vải bo, vật liệu làm nhà, thuốc men. Khu vực này là khu vực ưu tiên an toàn liên đới công cộng, có thể chương trình hóa.


b.- Khu Vực Phụ Thuộc: Gồm những tài sản tiện nghi (biens de confort). Khu vực này được tự do.


c.- Khu Vực Tam Đẳng: Gồm những tài sản phi phàm (biens de depassement). Khu vực này do sáng kiến cá nhân.


2.- Tổ chức cơ quan điều khiển kinh tế: Để tránh nạn tiêu diệt tự do cốt yếu cần thiết của con người và để cho kinh tế đuợc phát triển phải phân phối điều khiển, kiểm soát, trọng tài và nghiên cứu kinh tế giữa các nghiệp đoàn và đơn vị lãnh thổ trước khi lên cấp trung ương.


a.- Tổ chức nghiệp đoàn: Chủ xưởng và nhân công. Ưu thế về phía đơn vị lãnh thổ trên nghiệp đoàn.


b.- Tổ chức lãnh thổ: Theo điều kiện địa dư, nhân khẩu, kinh tế và các đơn vị hành chánh địa phương từ dưới mà lên.


Làng
Phường
Xứ, Thành
Khu
Nước


c.- Tổ chức trung ương chính quyền: Theo chính thể đại nghị gồm đại biểu các đoàn thể cử ra và đại biểu chính trị do phổ thông đầu phiếu.


B.- ĐỐI VỚI SỰ LÀM VIỆC


Phải tổ chức một hệ thống phân phối lợi tức và phân phối trách nhiệm quản lý: Cho hợp với Công Lý xã hội, hợp với hạnh phúc chung và với tiến triển kinh tế.


Người nào chỉ đậu vốn mà không làm việc, thì đối với lợi tức và đối với quyền quản lý không còn được ưu thế.


Tư bản thụ động (capital passif): Tiền bạc, dầu ở đâu mà đến, và dầu là của tư hay là của chính phủ, tiền bạc tự nó không sinh sản gì được. Có sinh lợi là do sức lao động mà ra. Cho nên vốn tư bản thụ động phải phục tùng sự làm việc (lao động). Và trong việc phân phối lợi tức hay trong quyền quản lý, sự làm việc, sự làm việc (lao động) được ưu đãi hơn tiền bạc.


1.- Phân phối lợi tức theo công bằng: Nhằm đích làm cho khối lao động vô sản được hưởng quyền sở hữu cơ bản để có thể tiến lên cấp lao động hội viên.


a.- Thuế nạp cho chính phủ.


b.- Quỹ liên đới để giúp những đồng bào bất lực không thể làm việc được.


c.- Thù công cho vốn và sự làm việc. Phải phân biệt các thứ vốn và các hạng lao động.


Vốn:


- Thực vốn (capital réel) như một xưởng có đủ nề nếp.


- Vốn thụ động (capital passif) món tiền cho vay để lấy lãi không có làm việc.


Lao động:


- Lao động sáng tạo (travailleurs créateurs) giám đốc, phát minh gia.


- Lao động hội viên (travailleurs associés)


- Lao động tạm thời (travailleurs passagers, salarités)


2.- Phân phối quyền quản lý (congestion) giữa những người đảm đương trách nhiệm thật sự: Nhằm đích giúp phái lao động có điều kiện văn hóa và kỹ thuật để lãnh trách nhiệm điều khiển xí nghiệp và kinh tế toàn quốc.


a.- Tư bản sáng lập.


b.- Tư bản hội viên sáng tạo.


c.- Lao động sáng tạo.


d.- Lao động hội viên.



PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC


XÃ HỘI (tức là tạp chí Xã Hội) không phải là một cơ quan thuần thúy kiến thức, kiến thứ để kiến thức.


XÃ HỘI muốn là: Một đoàn thể chủ trương hoạt động để cùng nhau cố gắng thiết lập hạnh phúc chung.


Bản lược đồ mà XÃ HỘI giới thiệu với các bạn, là lược đồ một giả thuyết để hoạt động, và trong lược đồ ầy, các thực tại kinh tế, xã hội, vật chất và thiêng liêng, các thực tại của những cơ cấu, những lực lượng, những chương trình và những kế hoạch đều phải chính lý, hướng đến một thế quân bình không phải bất động bất biến, mà là một thế quân bình động lực và linh hoạt, nhằm đích đưa tất cả toàn dân đồng một loạt tiến đến một chế độ văn minh hoàn thiện hơn.


Mọi hoạt động muốn có hiệu quả thì cần phải dựa vào một kiến thức minh xác và thực tại. Cho nên XÃ HỘI chú trọng một cách đặc biệt việc nghiên cứu và điều tra, để được biết rõ các biểu tượng, các giai đoạn của văn minh và các tiết điệu của tiến triển sản xuất trong các khu vực hoạt động của nước nhà.


Một lý thuyết kinh tế, chủ trương thỏa mãn nhu cầu toàn dân cần phải căn cứ trên sự hiểu biết các mức sống thực tế và phức tạp của quần chúng. Một chủ thuyết chủ trương phân phối các lãnh thổ cho điều hòa với sự sống của toàn dân, phải căn cứ theo những chủ đề địa dư, nhân khẩu và tiến triển kỹ thuật hiện hữu trong nước.


Vì vậy phương pháp làm việc của XÃ HỘI có ba giai đoạn:


- Thứ nhất là nghiên cứu và điều tra.


- Thứ đến là rút ở thực tại những tài liệu khả dĩ thành lập một lý thuyết.


- Giai đoạn thứ ba là lúc đem lý thuyết ấy ra thực hành.


Và đồng thời trong lúc áp dụng lý thuyết vào thực tế, thì chúng ta lại trở lại nghiên cứu và điều tra chính những điều đang thực hành để sửa chữa và bồi bổ cho lý thuyết được hoàn bị hơn, để rồi lại đem ra thực hành cho ăn nhịp với trạng huống xã hội luôn luôn biến hóa không ngừng.


Thực hành ở đâu?


- Thực hành trong những phần đất mà hiện thời chúng ta có thể thực hành được, chẳng hạn như trong địa hạt nghiệp đoàn, cải cách điền thổ, phổ thông đầu phiếu v.v... Dầu thế nào chăng nữa, một khi chúng ta đã có một lược đồ hoạt động, một phương pháp làm việc và nhất là một ý chí hành động, thì chúng ta sẽ nhận biết rõ ràng mục đích, vị trí và tương quan của các hoạt động của chúng ta, tuy bề ngoài rời rạc, nhưng thực ra, nó ăn khớp với nội dung của một cuộc vận động để thực hiện bước đường đồng tiến của nhân loại (montée humaine universelle).


- Và biết đâu? Không dám nói là anh hùng để tạo thời thế, nhưng chúng ta tin chắc rằng những hoạt động cương quyết và hữu cơ có thể tạo nên những cơ quan hoạt động.


(Trích Tạp Chí Xã Hội, số ra mắt ngày 8.12.1952)


Sách Báo Trích Dẫn


- Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại-Tập I. Phạm Văn Lưu-Center for Vietnammese Studies P.O. Box 1497 Collingwo od-Vic.3066 Australia.


- Ngô Đình Diệm Và Nỗ Lực Hòa Bình Giang Dở. Nguyễn Văn Châu-Nguyễn Vy Khanh chuyển ngữ Xuân Thu-California 1989.


- Công Và Tội-Nguyễn Trân-Xuân Thu-California 1992.


- Nhân Chứng Một Chế Độ-Huỳnh Văn Lang. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ P.O. Box 2301 Westminster, CA 92683.


- Con Rồng Việt Nam-Cựu Hoàng Bảo Đại. Xuân Thu Publishing. P.O. Box 97 Los Alamitos, CA 90720.


- Việt Nam Nhân Chứng. Trần Văn Đôn. Xuân Thu Publising.P.O. Box 97 Los Alamitos, Ca 90720.


- Nhật Ký Đỗ Thọ. Tổng phát hành Đồng Nai. Sài Gòn 1970.


- Bội Phản Hay Chân Chính. Dư văn Chất chấp bút. Không được phát hành.


- Đoàn Mật Vụ Ngô Đình Cẩn. Văn Phan. Nhà xuất bản công an nhân dân-Hà Nội 1996.


- Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước. Văn tiến Dũng. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội 1996.


- Đặc San Tiếng Sông Hương. 6730 Stuchter St. Dallas, TX 75230. Số kỷ niện 100 năm Trường Quốc Học Huế (1896-1996)


- Nguyệt San Ngày Nay.


- Our Vietnam Nightmare-Marguerite Higgins Harper& Row-New York. N.Y.10016


- Vietnam’s War. Vũ Văn Cương alias Tâm. Bruswick Publishing Co.Lawrenceville VA 23868.


- The Year Of The Hare. F.X.Winters.University of Georgia Press-Athens, Georgia 32602


- Our Endless War.Trần Văn Đôn. Presidio Press-Novato, CA 94947.


- Les Relationa Américano-Vietnamiennes-Tom I. Trần Minh Tiết-Nouvelles Edition Latines. Paris 1971.



NGUYỄN VĂN MINH

No comments: