Sunday, January 31, 2010

Kỉ niệm về Cồn Dầu

Kỉ niệm về Cồn Dầu
VietCatholic News
Tôi không sinh ra tại Cồn Dầu, nhưng Cồn Dầu rất quen thuộc với tôi.

Hình như Cậu thứ bảy của tôi là Linh Mục Việt Nam đầu tiên đến nhận Giáo Xứ này, và Ông làm Cha chánh xứ nơi ấy mấy mươi năm, cho đến ngày luống tuổi phải về hưu.

Từ ngày còn rất nhỏ tôi đã thường xuyên đi về Cồn Dầu. Tất cả người dân Cồn Dầu là con chiên xóm Đạo của Cậu tôi. Họ biết chúng tôi rất rỏ.

Ngày Ba Mẹ tôi còn sống, ngày Tết, ngày Lễ đều phải về thăm Cậu. Rồi đến chúng tôi, cũng đều phải rủ nhau qua lại nơi ấy thường xuyên.

Đường đi về xóm Đạo ấy, luôn luôn cách trở bởi phải qua một con đò. Đò ngày còn nhỏ, nhỏ lắm, chỉ một ít người đi, nên đò thoăn thoắc qua, thoăn thoắc lại để đưa người qua lại bến đò.

Bến sông quê ta nơi nào cũng có cây đa, chỉ cần thấy bóng dáng cây đa là tôi biết mình sắp đến bến đò. Và cũng nhờ bóng mát cây đa ấy mà người chờ đò không mấy nóng lòng, khi đứng dưới tàn bóng đa để nhận những làn gió mát trong lành từ gió sông thổi vào.

Không đếm được bao nhiêu lần tôi đã qua lại con sông ấy? Người chèo đò cũng quen mặt, mà dân làng cũng biết rỏ về chúng tôi. Cậu tôi sống với họ quá nhiều năm, đến nổi họ biết tất cả anh em của Cậu tôi. Và cho đến hàng cháu như tôi đây, họ đều biết là con của người con nào trong gia đình của Ông Bà Ngoại tôi.

Những ngày Ba Mẹ đưa đi, rồi những ngày đi học cấp hai, cấp ba, cho đến những năm có chồng, có con, cũng bến Đò Xu ấy, con đò mỗi ngày một lớn hơn, qua đò không còn lội bộ vào làng, mà có thể đưa xe lên đò để khỏi đi bộ thật xa mới đến Nhà Thờ.

Tuy đi xe vào làng nhanh hơn, nhưng mất cái thú chào hỏi của người làng.

- Về thăm Cậu hả?
- Con mới về hả?
- Con của Cô tám phải không?
- Ba Mẹ nó mất hồi nó còn bé tý, nay đã ra như thế này!
- Con có việc làm chưa?
- Chị dâu con hả? Người ở đâu vậy?
- Chồng con đây sao?
- Mau quá, tụi nó lớn khôn hết rồi!

Không bao giờ mà chúng tôi đi qua, không phải trả lời câu nào, cho đến gần hết làng mới thấy bóng dáng Nhà Thờ.

Rồi thật nhiều năm xa quê hương, ngày về bến đò đã khác xưa, bên lỡ bên bồi cây đa cũ không còn nữa.. Họ cất lên một chòi tranh cho người trú mưa trú nắng chờ đò, rồi thay đổi hằng năm mỗi khi mùa bão lụt lại về.

Bây giờ thì đường vào làng không còn “độc lộ” nữa, dân làng đã bỏ công bỏ sức, đắp đê đắp đập cho làng một con đường thứ hai, không cần phải qua sông lụy đò. Đường khởi đầu cho xe hai bánh, nhưng dần dần xe hơi đã chạy được vào làng.

Tất cả những công trình ấy đều có bàn tay đóng góp thật nhiều của Cậu tôi. Mà cho dù tiến bộ có nhanh như thế nào, thì các khách lạ vào làng, hay bà con, con cháu của Cậu tôi mỗi khi vào làng đều đã được theo dõi từ xa.

Tuổi đời có chồng chất, khuôn mặt có đổi thay thì họ vẫn nhận ra mà hỏi:

- Đi đâu lâu quá mới về thăm Cậu đó hả?

Và cho dù không nhận ra được ai, tôi vẫn không quên câu trả lời:

- Dạ, con mới về.

Tình người dân làng ấy là thế, họ đạo hạnh và rất yêu quý vị Linh Mục thân thương đã sống với họ suốt chiều dọc bốn thế hệ của họ đi qua. Đời Ông, đời Con, đời Cháu, đời Chắt của họ. Cậu tôi không bỏ sót một gia đình nào. Ông nhớ và biết tâm tính từng con chiên của Cậu.

Rồi năm ông 80 tuổi, Giáo Hội mới cho ông về hưu. Ông từ gĩa những gì gần gũi, gắn bó và thân thương nhất của cuộc đời Ông để về hưu dưỡng trong nhà Ông Bà Ngoại tôi là làng An Ngãi cách đó không bao xa cũng là một làng rặt người Công Giáo.

Vài năm sau Cậu tôi bị bịnh nhồi máu cơ tim mà qua đời. Trước ngày Cậu mất 3 ngày, giáo dân Cồn Dầu thuê một chiếc xe năm mươi chỗ và một số honda lên thăm Cậu, ông biết trước nên đã nhờ con cháu rửa cho Ông một số hình chân dung, ông tặng cho mỗi người một tấm, thậm chí nhờ chuyển luôn cho người hôm đó không đến được và nói:

- Cha sẽ chết vào tuần Chay Thánh này, hãy cầu nguyện cho cha, cha tặng mỗi nhà một tấm hình để làm kỷ niệm, nhớ sống cho tốt và cầu nguyện cho cha, rồi Chúa sẽ cho cha phù hộ cho các con.

Lời nói như trối trăn ấy, làm người dân Cồn Dầu hôm ấy khóc sướt mướt. Họ bịn rịn mãi mới từ giã Ông mà lên xe về lại Cồn Dầu. Để rồi hai hôm sau đúng vào tối thứ Hai Tuần Chay Thánh, Ông đi về với Chúa.

Rồi năm nào cũng thế, họ kéo nhau về nhà Ông Bà Ngoại tôi tham dự đám Giỗ Cha Sở của họ.

Năm vừa rồi, 2009 họ xin dòng tộc nhà tôi, cho họ được làm giỗ Cậu tôi ngay tại Giáo Xứ Cồn Dầu, sau ba năm nhường cho dòng họ nhà tôi cáng đáng ngày Giỗ của Cậu.

Tôi được tin cũng từ Sài Gòn về tham dự.

Họ làm một đám Giỗ thật lớn và long trọng, có Đức Cha và rất nhiều các cha trong Giáo Phận về tham dự. Trong sự yêu thương dạt dào của họ với người Cậu quá cố của tôi, chúng tôi chỉ biết khóc mà nhận tấm lòng của họ.

Hình ảnh người cha già bạc trắng mái đầu vẫn ở trong tâm trí họ như tấm hình họ sang thật lớn treo bên góc Nhà Thờ để nhắc nhở giáo dân Cồn Dầu luôn khắc dạ ghi tâm.

Trong buổi tiệc gặp gỡ, tôi gặp được rất nhiều người thân quen, hỏi thăm về dự án nhà nước đòi giải tỏa trắng Giáo Xứ Cồn Dầu?

Họ đồng lòng trả lời: “Không bao giờ họ đồng ý bỏ làng, bỏ Nhà Thờ ra đi, sống chết họ vẫn bám lấy mảnh đất này. Biết bao nhiêu thế hệ của họ, đã sống với vài công ruộng, vài sào đất hoa màu sống thanh thản cho đến ngày nay.

Nay sao lại bỏ quê Cha, đất Tổ đi sinh sống nơi khác?

Họ mạnh mẽ từ chối sự đền bù phi lý của nhà nước, và lấy làm bất mãn vài ba người trong số giáo dân của họ muốn đứng về phe chính quyền.

Họ còn nói: Nếu Cha già còn sống, Cha già cũng không chấp thuận sự tước đoạt Giáo Xứ của Cha già như thế đâu.

Gần đây tin dữ từ VietCatholic đưa về, tôi không biết Giáo dân của Cậu tôi có được bình yên không? Nhìn cánh đồng hoa màu xanh mơm mởm của người dân hiền lành nơi ấy, mà không hiểu tham vọng của các đề án ấy sẽ đem lại hạnh phúc đến cho ai?

- Cho dân nghèo?

- Hay cho những kẻ dư tiền bạc không có chổ cất giữ?

Kẻ chưa có hạnh phúc sao không để họ tự tạo hạnh phúc cho riêng mình. Mà kẻ dư đầy tiền bạc sung sướng nhà nước còn phải cất công đi tìm hạnh phúc thêm cho họ?

- Quản lý như thế đã chặc chẽ chưa?

- Đã quan tâm sâu sắc đến đời sống ấm no, hạnh phúc của dân lành chưa?

Sao dân lành nơi đâu cũng than thở, buồn đau, sự mất đất, mất nhà, sự đói kém mất mùa, dịch bệnh, nhiễm bệnh. Sự tham ô, cửa quyền, sự thâm lạm, cắt xén …

Sao không làm một đề án thật lớn để gấp rút sửa đổi điều ấy? để truy thu lại những thất thoát không nhỏ của dân lành?

Mà lại tạo điều kiện cho bọn tham ô, cắt xén, hợp thức hóa được nguồn tài sản to lớn đã trộm cắp?

Hãy nhìn thật kỹ, thật rõ ràng, nơi đâu có giải tỏa, có di dời, có khu dân cư mới, khu đô thị sầm uất mới, là có những tên tham nhũng hợp pháp bỏ tiền ra mua trước tiên.

Bọn gian bao giờ cũng hợp pháp, mà dân lành thì cứ phải kêu oan.

(Sài Gòn những ngày cuối năm Kỷ Sửu, nhớ Xóm Đạo Cồn Dầu)
Hoa

No comments: