Wednesday, July 15, 2009

Biến động Miền Trung 1966-Nguyễn Thừa Du- Trần Thụy Ly

medium_NV-090714-CO DU THUY LY.jpg













Ông Nguyễn Thừa Du, nằm trên giường,
và ông Trần Thụy Ly tại dưỡng đường Helping Hands
ở quận Cam-California chiều ngày 10 Tháng Bảy, 2009.


Biến động Miền Trung 1966:
Chuyện hai chiến hữu bên bờ đối đầu sống chết

LTS: Sau biến cố 1 Tháng Mười Một, năm 1963 quân đội đảo chánh lật đổ nền Ðệ Nhất Cộng Hòa dẫn tới cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ Ngô Ðình Nhu, cục diện chính trị miền Nam thay đổi liên miên với hàng loạt các cuộc chỉnh lý. Năm 1966, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nắm chức chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương; Phật Giáo miền Trung xuống đường chống các tướng lãnh cầm đầu chính phủ Sài Gòn và yêu cầu phải tiến hành bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Tại Ðà Nẵng, một số đơn vị quân đội ly khai theo Phật Giáo, trong đó có Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân do Ðại Úy Nguyễn Thừa Du chỉ huy. Chính phủ Sài Gòn điều động quân đội và cảnh sát ra Ðà Nẵng “dẹp loạn”, trong số đó có Ðại Úy Trần Thụy Ly thuộc binh chủng Lôi Hổ.

Ông Du và ông Ly vốn là bạn. Cuộc đối đầu có thể dẫn tới mạng vong giữa hai người chiến hữu cùng một chiến tuyến chống Cộng.

Bốn mươi bốn năm sau, nghe tin bạn lâm trọng bệnh đang nằm tại dưỡng đường Helping Hands ở quận Cam, California, ông Trần Thụy Ly từ Virginia bay vội về thăm ông Nguyễn Thừa Du. Cả hai ông nay đã ở tuổi 70, riêng ông Du trên giường bệnh “thanh thản về cái gì đến sẽ đến.”

Cuộc phỏng vấn sau đây do Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt thực hiện ngay bên giường bệnh của ông Nguyễn Thừa Du chiều ngày 10 Tháng Bảy, 2009.



-ÐQAThái: Thưa ông Du, động lực nào khiến ông ly khai chống lại chính phủ Sài Gòn?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Nhận định của tôi lúc đó, tôi thấy chính quyền trung ương có nhiều chính sách không hợp lý, bất công, không được lòng dân.

-ÐQAThái: Xin ông đơn cử một thí dụ về chính sách mà ông cho là không được lòng dân của chính phủ Sài Gòn?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Thực ra, trong cả lực lượng ly khai, Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân chỉ đóng vai trò nhỏ thôi. Thoạt đầu, tôi chỉ ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Ông Thi là ông thầy của tôi trong quân đội và là một vị tướng lãnh có tài đức.

-ÐQAThái: Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân do ông làm tiểu đoàn trưởng, từ cấp sĩ quan, hạ sĩ quan xuống đến binh sĩ có cùng đồng lòng với ông chống chính phủ trung ương, hay chỉ vì kỷ luật quân đội mà phải theo lệnh cấp chỉ huy?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Ðơn vị do tôi chỉ huy rất kỷ luật. Tôi ra lệnh gì tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều nghe lời. Họ xem lệnh của tôi đã được sàng lọc và đã được sự đồng ý của cấp trên.

-ÐQAThái: Cấp trên mà ông đề cập tới lúc đó là ai và ai trực tiếp móc nối ông tham gia lực lượng ly khai?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Người trực tiếp móc nối tôi là Ðại Tá Ðàm Quang Yêu, đặc khu trưởng Ðặc Khu Quảng Nam. Nhưng phải nói là ảnh hưởng của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi rất lớn với tôi.

-ÐQAThái: Ngoài Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, những đơn vị nào đã tham gia lực lượng ly khai, thưa ông?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi nhớ còn có Trung Ðoàn 51 biệt lập của Bộ Binh đóng ở Quảng Nam. Lúc bấy giờ là Tháng Ba năm 1966, theo lệnh của Ðại Tá Ðàm Quang Yêu, đặc khu trưởng Ðặc Khu Quảng Nam, tiểu đoàn của tôi từ Hội An được điều vào Ðà Nẵng và được tăng phái một thiết đoàn thiết vận xa M113 cùng một pháo đội 105 ly. Tất cả đều dưới quyền chỉ huy của tôi và vào Ðà Nẵng để tham gia lực lượng chống chính phủ. Trên đường từ Hội An vào Ðà Nẵng, khi chúng tôi đến cầu Cẩm Lệ thì một trực thăng đáp xuống ngay bên đường, mang theo một đại tá Mỹ thuộc Sư Ðoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Vị đại tá này mời tôi lên trực thăng để đi ra Phước Tường, nơi đặt bộ chỉ huy sư đoàn, để gặp Trung Tướng Lewis Walt, tư lệnh sư đoàn. Tôi từ chối vì tôi cho rằng Tướng Walt hai sao cấp bậc nhỏ quá để thương lượng.

Sau khi vị đại tá Mỹ lên trực thăng bay về bộ tư lệnh, tôi ra lệnh cho một chiếc GMC chở một toán quân thăm dò vượt cầu Cẩm Lệ. Ngay lập tức, hai chiếc phóng pháo cơ Skyrider từ trên không nã hỏa tiễn vào chiếc GMC, nhưng đạn bắn không trúng. Tôi ra lệnh chiếc xe quay về bên này cầu.

Ngay sau đó, một chiếc trực thăng lại đáp xuống và một vị tướng hai sao Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bước ra yêu cầu muốn gặp tôi. Ông này là tư lệnh phó sư đoàn. Ông mời tôi lên máy bay về bộ chỉ huy gặp Tướng Walt. Lần này, tôi nhận lời với điều kiện mang theo hai trung sĩ cận vệ.

Tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, Tướng Walt nói chuyện với tôi và ông tổng lãnh sự Mỹ tại Ðà Nẵng là người thông dịch. Tướng Walt đề nghị tôi rút quân về Hội An và đừng tham gia lực lượng chống chính phủ. Tôi nhận lời để hoãn binh. Nhưng sau khi trực thăng đưa tôi về lại với các đơn vị do tôi chỉ huy lúc đó vẫn còn đóng tại cầu Cẩm Lệ, ngay đêm hôm ấy, tôi ra lệnh chuyển quân vào Ðà Nẵng. Cuộc hành quân trót lọt vì dọc đường đi, quân ly khai đã kiểm soát hoàn toàn tình hình.

-ÐQAThái: Vào tới Ðà Nẵng, đơn vị của ông có gặp sức kháng cự của quân chính phủ đồn trú tại đây không?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Vào tới Ðà Nẵng, tôi ra lệnh cho binh sĩ bắn súng chỉ thiên và đặt chất nổ tại một số khu phố chỉ nhằm gây hoảng loạn tinh thần quân chính phủ. Chúng tôi lần lượt chiếm được Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, Ðài Phát Thanh, Trung Tâm Truyền Tin, Ty Cảnh Sát, Quân Vụ Thị Trấn, Ty Ngân Khố. Rất may là không xảy ra đụng độ giữa đôi bên. Trước đó, quân ly khai đã chiếm đèo Hải Vân để ngăn viện binh của quân Sư Ðoàn I Bộ binh từ Huế kéo vào giải vây Ðà Nẵng.

ÐQAThái: Trong suốt thời gian biến động miền Trung, đã xảy ra trận đụng độ nào giữa lực lượng ly khai và quân của chính phủ trung ương?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Có, nhưng không lớn lắm. Ðó là trận đụng độ ở Bồ Bồ miền biển Ðà Nẵng. Ở đó có một làng Công Giáo lớn lắm. Trận đụng độ đó chỉ có tích cách địa phương.

-ÐQAThái: Riêng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đã đụng trận nào với quân chính phủ từ Sài Gòn ra chưa ạ?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Chưa.

-ÐQAThái: Xin hỏi, ông thứ lỗi cho, ông theo tôn giáo nào?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi là người Công Giáo theo đạo của vợ. Năm 1968, tôi lấy vợ và rửa tội tại nhà thờ Ðức Bà ở Sài Gòn.

-ÐQAThái: Biến động miền Trung là do Phật Giáo chủ xướng; ông là một người Công Giáo - dù theo đạo của vợ, vậy thì hành động ly khai của ông hẳn là không mang mầu sắc tôn giáo mà chỉ vì quan điểm chính trị?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Ðúng vậy. Tôi không hề bị ảnh hưởng của tôn giáo khi tham gia lực lượng ly khai. Tôi chỉ làm theo lẽ phải.

-ÐQAThái: Câu này xin hỏi ông Trần Thụy Ly, hoàn cảnh nào, đơn vị Lôi Hổ do ông chỉ huy lại được điều động ra để dẹp cuộc biến động miền Trung?

-Ông Trần Thụy Ly: Lúc bấy giờ, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ cần một người hiểu biết về địa thế và tình hình Ðà Nẵng, tôi được ông Lê Thành - một sĩ quan Không Quân và là người rất thân cận với Thiếu Tướng Kỳ - giới thiệu tôi với ông Kỳ. Tôi đem đơn vị ra Ðà Nẵng, thoạt đầu là lệnh của ông Kỳ, nhưng sau tôi nhận lệnh trực tiếp của Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.

-ÐQAThái: Thưa ông Du, quân đội xưa nay vẫn có truyền thống kỷ luật và không làm chính trị. Ông tham gia lực lượng ly khai chống chính phủ trung ương, lúc bấy giờ ông có nghĩ hành động của ông có thể đẩy đất nước rơi vào nội chiến?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi có nghĩ như thế. Như tôi đã nói, lúc đầu tôi ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi và các ông tướng ngoài miền Trung. Nhưng sau này, có nhiều điều xảy ra trong nội bộ khiến tôi thấy không được. Chính vì vậy tôi phải tìm con đường giải thoát cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

-ÐQAThái: Những điều xảy ra trong nội bộ đó là gì ạ?

-Ông Nguyễn Thừa Du: Thí dụ tại Chùa Tỉnh Hội Ðà Nẵng, lúc ấy đơn vị tôi đóng ở đó, tôi thấy dưới bàn thờ Phật có rất nhiều thuốc Tây. Thuốc Tây mà để trong chùa là có mục đích gì rồi. Lúc đó tôi lẳng lặng không nói gì nhưng thấy nguy hiểm quá nên tôi phải ra lệnh cho tiểu đoàn rút ra khỏi chùa.

Trong đơn vị tôi có một trung úy tên là Tôn Thất Trực. Dù là trung úy, nhưng nếu tôi làm gì mà không có ý kiến của ông Trực thì cũng mệt lắm. Lúc bấy giờ tôi báo với ông Trực là tôi ra lệnh rút quân, nhưng không nói rõ lý do mà chỉ nói là đóng toàn bộ tiểu đoàn trong chùa, ngộ nhỡ quân chính phủ bao vây thì không có đường rút. Tôi bảo ông Trực cứ đóng trong chùa, còn tôi rút bộ chỉ huy tiểu đoàn ra ngoài đóng tại sân vận động Ðà Nẵng.

Chính thời điểm đó tôi tiếp xúc với Ðại Úy Trần Thụy Ly. Sau đó tôi bàn với một số anh em trong tiểu đoàn và khẳng định ý định về với chính phủ trung ương là hoàn toàn vì quan điểm chứ không hề bị mua chuộc bằng tiền bạc gì hết. Ðể tiến hành việc đó, tôi tổ chức ngay tại sân vận động ngày thành lập tiểu đoàn và tôi đề nghị thăng cấp cho ông Tôn Thất Trực lên đại úy giả định, rồi đưa ông Trực vào Quảng Nam làm tiểu đoàn phó cho Tiểu Ðoàn 309. Vì tình hình lúc đó, muốn tiến hành việc về với trung ương thì phải bứng ông Trực đi.

- ÐQAThái: Tại sao phải bứng ông Trực khỏi Ðà Nẵng?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Vì ông ấy là phe quân nhân bên Phật Giáo. Sau khi đưa ông Trực vào Quảng Nam , tôi nói với phía anh em quân chính phủ là tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì trung ương muốn.

- ÐQAThái: Ý ông muốn nói đến ông Trần Thụy Ly?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ông Ly là vai chính nói chuyện với tôi.

- ÐQAThái: Phải chăng lúc đó toàn bộ thành bộ Ðà Nẵng nằm trong sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ðúng như thế.

- ÐQAThái: Thưa ông Ly, trước khi xẩy ra biến động miền Trung, ông và ông Du có quen biết nhau không?

- Ông Trần Thụy Ly: Trước năm 1965, chúng tôi đã là bạn với nhau rồi. Chính vì tình bạn đó, tôi đã thuyết phục được anh Du rời bỏ lực lượng ly khai. Nếu lúc đó anh Du không về với chính phủ thì thành phố Ðà Nẵng sẽ nát vì đụng độ giữa đôi bên. Tình hình lúc đó, tiểu đoàn của anh Du súng ống đầy đủ, còn phía quân chính phủ có Thủy Quân Lục Chiến, có Nhẩy Dù, có Thiết Giáp. Nếu đụng trận, hai bên sẽ chết rất nhiều và Ðà Nẵng sẽ tan tành. Phải nói rằng, người có công nhiều nhất là Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan, vì chính ông Loan ra lệnh cho tôi ra nói chuyện với anh Du.

- ÐQAThái: Trong lúc đôi bên súng ống gờm nhau như vậy, làm sao ông tiếp xúc được với ông Du?

- Ông Trần Thụy Ly: Tình hình lúc đó tế nhị lắm, tôi không dám gặp anh Du. Nhưng may mắn anh Du có một người em ruột tên là Nguyễn Thế Phồn, cũng trong quân đội nhưng mang cấp bậc nhỏ. Qua chú Phồn, tôi mới biết anh Du vẫn nhắc đến tôi. Vì thế, tôi nhờ chú Phồn làm trung gian để tôi gặp anh Du tại Ðà Nẵng. Tôi đóng giả làm một anh lính biệt kích để tìm gặp anh Du. Và sau cả một tháng trao đổi, khi tình hình chín muồi, anh Du ý thức được vấn đề thì tôi mới đề nghị thẳng với anh Du về với trung ương.

- ÐQAThái: Nếu ông Ly không tiếp xúc và đề nghị, thì ông có về với chính phủ không, thưa ông Du?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Không có ông Ly thì tôi cũng về với chính phủ. Vì tôi thấy phe ly khai không đúng. Nhất là tôi thấy một số nhà sư vừa mới xuống tóc đã là đại đức rồi, và nhiều đêm tôi thấy các ông ấy lúi húi ăn thịt gà.

- ÐQAThái: Nói như vậy, ông có hàm ý những vị tu hành đó không phải là các vị sư thật mà là giả mạo?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Họ xuất phát từ phía bên kia, xâm nhập vào hàng ngũ ly khai.

- ÐQAThái: Bên kia là phía Cộng Sản, ý ông muốn nói vậy?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ðúng.

- ÐQAThái: Ðó là một sự giả đoán hay ông có bằng chứng cụ thể?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ðó là bằng chứng cụ thể, vì không có một chùa nào lại chấp nhận cho mấy đại đức ăn thịt gà.

- ÐQAThái: Xin hỏi lại ông, rằng ông nói là năm 1968 ông rửa tội tại Nhà Thờ Ðức Bà. Vậy khi xảy ra biến động miền Trung năm 1966, ông có phải là một người theo Phật Giáo không?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Lúc đó tôi theo đạo thờ Ông Bà.

- ÐQAThái: Người chỉ huy cao cấp nhất trong lực lượng chống chính phủ là ai ạ, thưa ông Du?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Là Ðại Tá Ðàm Quang Yêu.

- ÐQAThái: Ông có còn nhớ những đơn vị nào trấn giữ Ðà Nẵng lúc bấy giờ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Thật sự đó là một đám “quân hồi vô phèng.” Chỉ có Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân là đơn vị chính quy thôi, còn những đơn vị kia thì góp nhặt mỗi nơi một ít.

- ÐQAThái: Cho phép tôi được nhắc lại một câu hỏi ngay từ đầu, những chính sách nào của chính phủ Sài Gòn mà ông cho là bất công, không được lòng dân?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Lúc đó, câu hỏi này đối với tôi hơi cao siêu. Vì tôi chưa ý thức nhiều về chính trị.

- ÐQAThái: Khi tham gia lực lượng ly khai, ông bao nhiêu tuổi ạ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Lúc đó tôi 30 tuổi.

- ÐQAThái: Nhưng cũng phải có một lý do nào thật cụ thể, thật đặc biệt để ông chống lại chính phủ chứ ạ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Nhìn lại giai đoạn lịch sử đó, tôi thấy tất cả những cuộc chống đối, xuống đường, chẳng qua là nhờ khéo biết kêu gọi thôi.

- ÐQAThái: Theo nhận xét của ông thì Ðại Tá Ðàm Quang Yêu có phải là người biết khéo kêu gọi không ạ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ðại Tá Ðàm Quang Yêu là một người rất đạo đức. Ông không phải là Phật Giáo, không phải là Công Giáo. Ông là người hướng dẫn được phong trào đó.

- ÐQAThái: Ðại Tá Ðàm Quang Yêu đã đưa ra những lý lẽ nào để thuyết phục Ðại Úy Nguyễn Thừa Du tham gia lực lượng ly khai chống chính phủ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Sự thật thì chưa bao giờ ông Yêu kêu gọi tôi gia nhập lực lượng ly khai. Tôi tự ý hành động như vậy.

- ÐQAThái: Ông đã tỏ hành động nào để chứng minh thiện chí về với chính phủ trung ương?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi đã ra lệnh giải tỏa phi trường Ðà Nẵng để máy bay chở quân từ Sài Gòn xuống giải tỏa Ðà Nẵng. Lúc bấy giờ là Tháng Năm. Lực lượng từ Sài Gòn ra gồm có một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một tiểu đoàn Nhẩy Dù, một biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến. Tất cả đều do Ðại Tá Trần Minh Công chỉ huy. Nhờ lệnh của tôi nên các đơn vị của Sài Gòn lần lượt trám chỗ những đơn vị của quân ly khai đóng dọc từ phi trường vào thành phố.

- ÐQAThái: Khi ông quay về với chính phủ, ông được đối xử ra sao ạ?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi được đối xử rất đàng hoàng.

- ÐQAThái: Sau biến cố 1965, số phận Ðại Tá Ðàm Quang Yêu ra sao và có bao giờ ông gặp Ðại Tá Yêu không?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Ông Yêu bị kỷ luật quân đội, nhưng nhẹ thôi, hình như bị kỷ luật có mấy chục ngày. Mỗi lần gặp tôi ngoài đường, ông ta rất lạnh nhạt với tôi và có lần còn nhổ bãi nước bọt xuống đất.

- ÐQAThái: Năm 1965, chiến cuộc đang leo thang với sự gia tăng các cuộc tấn công của Cộng Sản tại miền Nam; biến động miền Trung gây nguy cơ có thể xẩy ra đụng đầu giữa các lực lượng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, giữa một bên là quân ly khai và một bên là quân chính phủ; ông Du và ông Ly lúc đó có nghĩ rằng, “ngư ông đắc lợi” là Cộng Sản?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Nhận định đó thì quá đúng, nhưng lúc đó tôi chưa ý thức được.

- Ông Trần Thụy Ly: Cá nhân tôi có nghĩ tới và khi gặp anh Du ở Ðà Nẵng, tôi có nói với anh Du rằng, chúng mình là quân nhân chuyên nghiệp phục vụ đất nước chống Cộng Sản, mà tình hình như thế này thì chỉ làm lợi cho Cộng Sản mà thôi.

- ÐQAThái: Thưa ông Du, ở tuổi ngoài 70 và đang đau bệnh, ngay giờ phút này, tâm trạng của ông ra sao, sau gần nửa thế kỷ nhắc lại chuyện xưa với người chiến hữu mà suýt nữa thì hai ông đối đầu sống chết với nhau bằng súng đạn?

- Ông Nguyễn Thừa Du: Tôi cảm động lắm. Khi bác sĩ nói rõ về bệnh tình của tôi và cho biết là họ bó tay, tôi chấp nhận thôi. Buổi gặp này, tôi cũng muốn cho anh em Biệt Ðộng Quân hiểu tại sao tôi về với chính phủ trung ương và tôi không phải là loại người bỏ anh em để đào thoát.

- Ông Trần Thụy Ly: Ngồi cạnh anh Du bên giường bệnh, biết bạn mình sắp ra đi, anh Du cũng biết như thế; nhưng thấy bạn mình bình thản chờ đợi cái gì đến sẽ đến và xem đó là kiếp nhân sinh có sống thì phải có chết, tôi yên tâm lắm. Giờ phút này (nắm tay ông Du), “Thôi mày, nếu mày có mệnh hệ nào thì mày đi trước dọn chỗ cho chúng tao, chúng tao cũng sẽ theo mày.”

- ÐQAThái: Câu chót xin phỏng vấn ông Du và ông Ly, với lớp con cháu, lớp em, hai ông có tâm tình gì muốn nói trong giây phút hết sức cảm động này?

- Ông Trần Thụy Ly: Không phải riêng tôi, mà cả khối người Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đang sống tại hải ngoại, đều mong muốn thế hệ trẻ sẽ thành công trong công cuộc giải trừ chế độ Cộng Sản để xây dựng lại đất nước.

- Ông Nguyễn Thừa Du: Tất cả những điều Ly nói đều nằm trong ý tưởng của tôi.

- ÐQAThái: Chân thành cám ơn ông Nguyễn Thừa Du và ông Trần Thụy Ly đã dành cho chúng tôi vinh hạnh được nghe câu chuyện của hai ông.




No comments: