Saturday, July 10, 2010

Trần Trung Chính-Biến động miền Trung

Biến động miền Trung

Trần Trung Chính

Biến động miền Trung năm 1966 là một sự kiện lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó một số quân nhân và viên chức địa phương của vùng miền Bắc Trung Nguyên Trung phần bao gồm tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam (kể cả thị xã Đà Nẵng, lúc đó mang danh xưng là đặc khu Quảng Đà ) đã nghe theo lời xúi dại của một số lãnh tụ Phật Giáo địa phương mưu toan cướp chính quyền để khuynh đảo chính trường Việt Nam Cộng Hòa.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Phúc Liên Thành vừa mới xuất bản quyển sách mô tả những dữ kiện khởi đầu từ biến cố biến động miền Trung (xảy ra phần lớn tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên ) năm 1966 cho đến khi ông rời khỏi chức vụ Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên vào năm 1974. Ngay lập tức đã có một số tín đồ của tầng lớp tăng lữ Bình Trị Thiên lên tiếng phản bác, tôi không sử dụng nhóm chữ “tín đồ Phật Giáo” vì những phật tử ở các địa phương khác không có lên tiếng bênh vực cho các hành vi chính trị của các tăng lữ Bình Trị Thiên..

Tôi có đọc những trao đổi qua lại trên “net” của các ông quan năm Trần văn Thưởng (Khóa 17 trường VBQGDalat ), Phạm hoài Việt, Bảo Quốc Kiếm (bút hiệu của ông Trương Khôi)…v…v…nhưng tôi không đánh giá cao các lời phản bác của các vị này, vì tất cả họ đều là phật tử người Huế và Thừa Thiên thì dĩ nhiên họ phải bênh vực một cách mù quáng những người mà họ gọi là “thầy” của họ để tung hỏa mù hầu chạy tội “tay sai cộng tác với Việt Cộng” của các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu …mà thôi.

Những lời chỉ trích của nhóm Chấn Hưng Phật Giáo ở hải ngoại và một số huynh trưởng tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Huế như Lê Công Cầu, như Trần Kiêm Đoàn cũng chỉ có tính cách “đệ tử” bênh “sư phụ”, đối với tôi hoàn toàn vì lý do cảm tính, không đủ tư cách để được liệt vào sử liệu hay hồ sơ truy tố về mặt pháp lý – nếu có.

Tôi gọi là “cảm tính” vì họ cho rằng ông Liên Thành hành xử như ông đã kể ra trong quyển sách BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG là có hại cho Phật Giáo, trong khi là một Phật Tử Quốc Gia, tôi chỉ thấy ông Liên Thành không hề “đặt điều nói xấu Phật Giáo” mà ông chỉ nói đến những hành động xấu xa có thực của một số tăng lữ trong địa phương Bình Trị Thiên mà thôi. Chuyện kể của ông Liên Thành đặt trên nền tảng quyền lợi quốc gia và an ninh của dân chúng Thừa Thiên - Huế. Ai cũng biết Phật Giáo bao gồm Phật, Pháp và Tăng, ông Liên Thành không hề chống phá hay bài xích giáo lý hay triết thuyết Phật giáo, ông cũng không lạm bàn đến các pháp môn tu tập của các vị tăng, việc ông nói trong quyển sách BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG là nói đến những hoạt động liên quan đến việc đời, liên quan đến chính trị của một số tăng lữ Huế - Bình Trị Thiên thì làm sao gọi là chống Phật giáo ? Cách lập luận như các ông Bảo Quốc Kiếm, quan năm Trần văn Thưởng, Phạm hoài Việt là cách ăn nói hồ đồ vì nhà sư Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ… không phải là đại diện cho tập thể tầng lớp tăng lữ của Phật Giáo Việt Nam.

Theo sự ghi nhận của tôi, nhóm Chấn Hưng Phật Giáo, quan năm Trần văn Thưởng, Phạm hoài Việt, Bảo Quốc Kiếm (có nhóm Giao Điểm đứng hậu thuẫn đàng sau ) đang ra sức bênh vực cho nhà sư Thích Đôn Hậu nhiều hơn nhà sư Thích Trí Quang vì một số lý do sau :

1/. Nhà sư Thích Đôn Hậu đã qua đời từ lâu nên cho dù bị buộc tội hay bênh vực, ông ta cũng không thể lên tiếng được.
2/. Nhà sư Thích Đôn Hậu sau năm 1975 chống lại sự kềm chế của chính quyền Việt Cộng, nên nhóm bênh vực vin vào đó để cho rằng ông Đôn Hậu cũng chống Cộng trước 1975.
3/. Nhóm bênh vực cho tầng lớp tăng lữ Bình Trị Thiên hoạt động có lợi cho Việt Cộng cũng đều là các đệ tử người Bình Trị Thiên nên không thể biết các hoạt động của nhà sư Thích Trí Quang tại Sài Gòn. Trong khi các hoạt động của nhà sư Thích Đôn Hậu tại Huế và Quảng Trị - Thừa Thiên chỉ là một phần của sách lược hoạt động của nhà sư Thích Trí Quang.

Do đó ngay cả quyển sách BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG của ông Liên Thành cũng không thể kể ra các sự kiện liên quan đến biến động miền Trung, vì ngoài phạm vi hoạt động của ông cũng như vượt quá tầm trách nhiệm và chức năng của ông

Khi biến cố Phật giáo xuống đường năm 1966, tôi đang học đệ tam trường trung học Chu Văn An – Sài Gòn, nhà ở giữa 2 chùa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, nên biết khá rõ về những sự kiện này tại Sài Gòn. Thời điểm đó, Thượng Tọa Thích Tâm Châu trong cương vị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo PGVN Thống Nhất tuyên bố không tán thành các nhà sư gốc miền Trung (lúc đó chưa có giáo hội Ấn Quang) xách động quần chúng xuống đường vì tất cả những xáo trộn nói trên chỉ có lợi cho Cộng Sản.

Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã bị các nhà sư gốc miền Trung đe dọa và gây áp lực phải từ chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo để họ lên nắm quyền và lũng đoạn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam . Theo tôi được biết, người đe dọa trực tiếp đến tính mạng của Thượng Tọa Thích Tâm Châu thời bấy giờ là một người tu xuất gốc Huế, tục danh là Bùi Ngọc Đường (hiện sống ở miền Nam Cali, và cũng là một tay trụ cột quan trọng của nhóm Giao Điểm cùng với một nhà tu xuất gốc Huế khác là Trần quang Thuận, cũng như nhóm Về Nguồn + Nhóm Thân Hữu Già Lam…đều là hậu thân của các tăng lữ gốc Bình Trị Thiên ).

Thượng Tọa Thích Tâm Châu lánh mặt và không từ chức nên nhóm các nhà sư gốc miền Trung phải tách riêng để thành lập Giáo Hội Ấn Quang ! ( Xin xem Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu xuất bản năm 1993)

Từ năm 1961, khi lên nắm chính quyền tại Hoa Kỳ, chính quyền Kennedy đã bị Hồ chí Minh và Cộng Sản Quốc Tế lừa bịp nên đã có một chính lược sai lầm về chiến cuộc tại Việt Nam. Mao Trạch Đông và Lâm Bưu rất cay đắng về sự tham chiến của Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên, vì Bắc Hàn đã dùng chiến tranh quy ước để xâm lăng Nam Hàn, Hoa Kỳ có lý do chính đáng để đem quân can thiệp dưới ngọn cờ của Liên Hiệp Quốc đã đẩy lui quân Bắc Hàn lùi qua sông Áp Lục, sau đó Mao gửi thêm 1 triệu chí nguyện quân Trung Cộng do Thống Chế Bành Đức Hoài chỉ huy, mà cũng không đẩy lui được quân đội Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo ra khỏi Hàn Quốc. Mặc dù Hoa Kỳ không sử dụng võ khí nguyên tử, nhưng chiến thuật “nhân hải” (biển người) của Mao Trạch Đông và Lâm Bưu cũng chịu không nổi với hỏa lực quy ước của quân lực Hoa Kỳ.

Do đó, theo chỉ thị của Trung Cộng, Hồ chí Minh và CSBV mới thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa nhưng khoác dưới vỏ bọc “chiến tranh nổi dậy”. Vì tưởng Cộng Sản Bắc Việt không dám xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa (như Bắc Hàn đã xâm lăng Nam Hàn) nên Tổng Thống Kennedy và ban tham mưu chính trị của ông quan niệm rằng phải dân chủ hóa Việt Nam Cộng Hòa như Mỹ thì “chiến tranh nổi dậy” sẽ không còn chỗ đứng. Những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thời 1961-1962 cũng rất ít người biết tại sao người Mỹ lại khai sinh ra cái gọi là “chiến tranh chống nổi dậy”. Sự mâu thuẫn giữa chính quyền Kennedy và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng lớn, đưa đến việc Hoa Kỳ muốn thay thế ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Lý do gần nhất mà người Mỹ có thể “bứng” anh em ông Diệm – Nhu ra khỏi chính trường là tạo ra khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, và cũng vì cách xử lý vụng về của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên chế độ của ông bị đảo chánh và ngay bản thân 2 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cũng bị sát hại.

Nhà sư Thích Trí Quang lại tự đánh giá quá cao về vai trò của Phật giáo (và của cá nhân ông ta) trong vụ chính biến 1963 nên ông ta đã có những quyết định chủ quan sai lầm trong việc tranh thủ quyền lực chính trị của Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn sau 01 tháng 11 năm 1963 đến 30 tháng 4 năm 1975.

Nhà sư Thích Trí Quang đã THỬ lật đổ nhiều chính phủ của VNCH thời 1964-1965 khi ông ta cho rằng mưu toan tái sinh Đảng Cần Lao hay hoặc ông ta cho rằng đó là chính phủ của Ngô Đình Diệm mà không có Diệm, Thủ Tướng Trần Văn Hương là người muốn tách bạch chính trị và tôn giáo ra riêng biệt, bị Thích Trí Quang quậy phá (vì các lãnh tụ tôn giáo như Thích Trí Quang không được can thiệp vào sự lựa chọn người trong Nội Các Chính Phủ) phải từ chức

Giai đoạn chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Khánh là giai đoạn mà giáo dân Công Giáo và phật tử xuống đường đánh nhau đổ máu, một phần vì tham vọng cá nhân của Trung Tướng Nguyễn Khánh (ông này lập Hiến Chương Vũng Tàu , và tự tôn xưng mình là Chủ Tịch Việt Nam Cộng Hòa – chắc là để muốn coi mình ngang vai vế với Hồ chí Minh đang là Chủ Tịch của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), phần khác nhà sư Thích Trí Quang coi chính phủ Nguyễn Khánh là chính phủ của Diệm mà không có Diệm (vì xưa kia, tướng Nguyễn Khánh là con nuôi của Tổng Thống Diệm và lại là người Công Giáo !)
Tuy chống đối Thủ Tướng Nguyễn Khánh, nhà sư Thích Trí Quang đã áp lực chính phủ Nguyễn Khánh làm lợi cho ông ta một số việc :

1/ Xử tử được ông Ngô Đình Cẩn – em trai của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có thời được gọi là lãnh chúa miền Trung. Đồng thời xử tử được ông Phan Quang Đông – một viên chức tình báo điều khiển màng lưới xâm nhập Bắc Việt, nhiệm vụ ông Phan Quang Đông không dính líu ăn nhập gì đến chuyện đàn áp Phật giáo ở Huế, cho nên không những ông Liên Thành kết tội nhà sư Thích Trí Quang hoạt động cho Cộng Sản mà tất cả các giới chức tình báo và phản gián cũng đều có kết luận như vậy. Nên nhớ là vào năm 1964, ông Liên Thành vừa mới ra trường và chưa gia nhập lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia.

2/ Chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Khánh có Tổng Trưởng Nội Vụ là ông Hà Thúc Ký – một người Huế, Đảng Trưởng Đại Việt Cách Mạng Đảng. Ông Hà Thúc Ký vừa bị áp lực của nhà sư Thích Trí Quang vừa bị mua chuộc bằng tiền bạc, nên chính tay ông Hà Thúc Ký đã ký giấy thả Đại Tá Lê Câu và Mười Hướng (về sau lên tới cấp bậc Trung Tướng ) – là 2 tay tình báo của CSBV xâm nhập phá hoại miền Nam. Hai người này bị bắt trước 1963 do cơ sở Mật Vụ Miền Trung của ông Dương Văn Hiếu lãnh đạo.

Khi hay tin 2 lãnh đạo quan trong của Việt Cộng được ông Tổng Trưởng Nội Vụ Hà Thúc Ký ký giấy thả ra, Thủ Tướng Nguyễn Khánh rất tức giận, ông Khánh có ý định đem ông Hà Thúc Ký ra tòa truy tố về tội phản quốc. Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng lúc bấy giờ là Luật Sư Nghiêm Xuân Hồng – một thủ lãnh của Duy Dân Quốc Dân Đảng, mới can ngăn Thủ Tướng Nguyễn Khánh và dàn xếp để ông Hà Thúc Ký nạp đơn xin từ chức.

Ngay sau khi ông Hà Thúc Ký rời chức vụ, ông Nguyễn Hòa Hiệp – Kỳ Bộ Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, nguyên Sư Trưởng Đệ Tam Sư Đoàn Quốc Dân Đảng thời kỳ 1945-1946 lên thay thế.

Khi viết ra những sự kiện này, tôi dư biết một số lớn những đảng viên của Đại Việt Cách Mạng Đảng phản đối cho là tôi bịa đặt vu oan cho thần tượng Đại Lão Đồng Chí Đảng Trưởng Hà Thúc Ký, nhưng tôi chỉ nêu ra đây một số chi tiết mà các quý vị đảng viên đảng Đại Việt có thể kiểm chứng : khi ông Hà Thúc Ký làm Tổng Trưởng Nội Vụ, 2 người phụ tá của ông là Luật Sư Phạm Nam Sách và giáo sư Nguyễn văn Canh. Luật Sư Phạm Nam Sách sống ở Chula Vista một thành phố kề cận San Diego, Luật Sư Phạm Nam sách qua đời từ năm 2000 vì bệnh tim. Giáo Sư Nguyễn Văn Canh hiện cư ngụ tại thành phố Palo Alto, giáo sư Nguyễn văn Canh có thể nói hay không nói lý do ông Hà Thúc Ký từ chức Tổng Trưởng Nội Vụ mặc dù ông biết rõ nguyên nhân, chuyện ông không nói cũng dễ hiểu và thông cảm cho ông. Luật Sư Nghiêm Xuân Hồng sống ở Nam Cali và cũng qua đời trước cả Luật Sư Phạm Nam Sách. Nhưng cựu Thủ Tướng Nguyễn Khánh thì vẫn còn sống, nếu tôi nhớ không lầm thì tướng Nguyễn Khánh cư ngụ tại Sacramento.

Ông Hà Thúc Ký thì mới qua đời hồi năm ngoái 2009, đọc tiểu sử thì thấy nói là ông từ chức vì bất đồng quan điểm với Thủ Tướng Nguyễn Khánh, nhưng nếu có đảng viên hậu duệ hay người ngoài Đảng Đại Việt cắc cớ hỏi tại sao bất đồng quan điểm mà lại nhận lời làm Tổng Trưởng Nội Vụ và xin cho biết ông Hà Thúc Ký bất đồng quan điểm với Thủ Tướng Nguyễn Khánh về vấn đề gì ? Có lẽ người viết tiểu sử của ông Hà Thúc Ký sẽ trả lời là họ không biết !!! (ngu hay sao mà nói ).

Quý vị cũng có thể kiểm chứng sự việc ông Hà Thúc Ký thả 2 thủ lãnh tình báo của Việt Cộng qua 2 nhân vật đã từng làm việc trong ngành An Ninh và Phản Gián hiện còn sống, đó là cựu Trung Tá Nguyễn Hữu Hải – nguyên trưởng E Cảnh Sát Đặc Biệt của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Quân Khu 2 và cựu Trung Tá Nguyễn Mâu – nguyên Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Cựu Trung Tá Nguyễn Hữu Hải hiện sống ở Nam Cali, còn cựu Trung Tá Nguyễn Mâu hiện đang sống tại San Jose.

Đại Tá Phạm Ngọc Thảo là nhân vật chủ chốt tổ chức và điều động các lực lượng quân sự để lật đổ chính phủ Nguyễn Khánh, các nhân vật nổi danh một thời như Trung Tướng Dương Văn Đức, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, Đại Tá Bùi Dinh, Đại Tá Huỳnh Văn Tồn, Đại Tá Nhan Minh Trang, Trung Tá Lê Hoàng Thao…đã tham dự những cuộc binh biến có mỹ danh là “biểu dương lực lượng” vì “thất bại đảo chánh”, nhưng mọi người đều hiểu họ không phải là người chủ chốt. Cho nên họ bị buộc phải rời quân ngũ về “đuổi gà cho vợ “, có người xoay qua đi thầu cho Mỹ, có người thất chí chửi đời, thỉnh thoảng vác cu ra đái bậy trước Dinh Độc Lập như Trung Tướng Dương Văn Đức mà 2 ông Thiệu - Kỳ không nỡ trừng phạt.

Về cái chết của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, một nhân chứng có biết về cái chết này là cựu Phó Tỉnh Trưởng Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Nhơn – khóa 6 Đốc Sự Hành Chánh, hiện cư ngụ tại thành phố San Jose cho biết : vào năm 1965, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị An Ninh Quân Đội bắt tại Hố Nai rồi được giải giao về Tòa Tỉnh Trưởng Biên Hòa, trên mặt chỉ có một vết xước có máu chứ không bị thương tích gì. Tỉnh Trưởng Biên Hòa thời bấy giờ là Đại tá Trần Văn Hai của Nhảy Dù ( chứ không phải là Đại tá Trần Văn Hai của Biệt Động Quân, về sau lên làm Tổng Giám Đốc CSQG rồi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7, tuẫn tiết vào ngày 30-4-75 ) báo cáo trực tiếp cho Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan – Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội thời bấy giờ. Đại Tá Loan nói sẽ đem trực thăng xuống bốc Đại Tá Thảo về Sài Gòn.. Trong khi chờ đợi trực thăng, Đại Tá Trần Văn Hai đứng trò chuyện tự nhiên với Đại tá Phạm Ngọc Thảo như 2 người bạn lâu ngày gặp nhau chứ không phải như một cai tù chờ chuyển giao một phạm nhân, vì Đại tá Phạm Ngọc Thảo vẫn mặc quân phục và không bị còng tay gì cả.

Chừng 20 phút sau, một chiếc trực thăng H-34 đáp xuống bãi đáp, từ xa một người đi vào, đến gần thì đó là một Trung Úy đến chào 2 vị Đại Tá và mời Đại tá Phạm Ngọc Thảo lên máy bay. Đại Tá Trần Văn Hai đứng tại sân nhìn cho đến khi Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bước hẳn vào bên trong và chiếc trực thăng cất cánh, rồi quay lại nói với ông Nguyễn Văn Nhơn : “ Thằng Loan nó ngồi trong máy bay vì nó mới nói với tôi đích thân nó sẽ bay lên Biên Hòa, chắc là nó lánh mặt để tránh cho tôi trình trạng khó xử với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo”.

Cả 2 người quay vào văn phòng làm việc tiếp tục, chừng 30 phút sau, cả ông Nguyễn Văn Nhơn và Đại Tá Trần Văn Hai đều được nghe loan báo trên đài phát thanh Sài Gòn là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đã qua đời vì mất quá nhiều máu trong lúc bị thương khi bị bắt. Đại Tá Trần Văn Hai nói nhỏ với ông Nguyễn Văn Nhơn trong phòng riêng : “ Vậy là thằng Loan thủ tiêu Đại Tá Thảo ngay trên không trung để trừ hậu họa, chớ hồi nẫy trước khi lên máy bay, ông Thảo có bị thương gì đâu ”. Cái chết của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo cũng không có y chứng của bác sỹ luật y (Việt Cộng gọi là bác sĩ pháp y) nên không biết Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị bắn bằng loại vũ khí gì và bị bắn vào chỗ nào trên cơ thể. Sau đó, có tin vịt trời được tung ra là Thiếu Tá Hùng Sùi “bóp dái” Phạm Ngọc Thảo đến chết đề tra hỏi tin tức. Đây là loại tin tức khó tin cậy mà không có thực, được tung ra để đánh lạc hướng những nhà báo tò mò.

Cùng lúc với sự xuống đường chống đối chính phủ Nguyễn Khánh, một phòng trào có danh xưng sặc mùi Việt Cộng được các nhân sĩ Phật Giáo thành lập ở Huế, đó là Phong Trào Nhân Dân Cứu Quốc do bác sĩ Lê Khắc Quyến và kỹ sư Tôn Thất Hanh đứng đầu. Sau khi chính phủ Nguyễn Khánh đổ vỡ , chính quyền được trao lại cho các chính khách dân sự trong đó Kỹ Sư Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng, Thủ Tướng là Bác Sĩ Phan Huy Quát – một lãnh tụ của Đại Việt Quan Lại (gốc miền Bắc). Một cơ chế có vai trò tương tự như Quốc Hội có danh xưng là Thượng Hội Đồng Quốc Gia nằm ngang hàng với Quốc Trưởng và Thủ Tướng Chính Phủ, rất nhiều tay chân của nhà sư Trí Quang đã nằm trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia này.

Trong chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia là Trung Tá Phạm Văn Liễu (về sau vinh thăng Đại Tá ). Thời điểm này, quân Cộng Sản Bắc Việt đã xâm nhập vào Nam rất đông, thành lập các sư đoàn chuyên nghiệp và mở các trận đánh vận động chiến chiếm cứ nhiều cứ điểm quan trọng. Dân Sài Gòn biết đến các chiến địa Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, Ben Hét, Plei Me, Plei Ku, Toumorong, Kontum, Ba Gia, Thạch Trụ, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh…trong thời điểm này vì nơi đây đã xảy ra những trận đánh đẫm máu, số thương vong rất lớn về phía quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nhận thấy, cần phải có sự tham chiến trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ để chận đứng đà chiến thắng của Cộng quân, Thủ Tướng Chính Phủ là Bác Sĩ Phan Huy Quát đã ký văn thư thỏa thuận cho quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng vào đầu năm 1965. Việc làm của Bác Sĩ Phan Huy Quát đã bị Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thượng Hội Đồng Quốc Gia phản đối vì họ cho rằng nếu quân đội Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp thì chính nghĩa chống Cộng sẽ bị xuyên tạc và chủ quyền quốc gia sẽ bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Là người quốc gia đã từng đối đầu với Việt Cộng từ hồi 1949-1950, bác sĩ Phan Huy Quát cho rằng việc cấp bách tức thời là phải ngăn chận sự tiến quân của quân đội Bắc Việt trước đã, rồi nếu có bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ cũng còn hơn là bị Cộng Sản khống chế rồi bị tiêu diệt.

Không thuyết phục được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và những ông trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia tay chân của nhà sư Thích Trí Quang, nửa đêm ngày 18 tháng 6 năm 1965, bác sĩ Phan Huy Quát gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu quân đội chọn người ra nắm chính quyền vì một mình ông không thể điều hành được chính phủ trong khi đất nước sắp rơi vào tay quân Cộng Sản. Sau khi nhận được coup điện thoại của bác sĩ Phan Huy Quát, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu liền triệu tập khẩn cấp Hội Đồng Tướng Lãnh họp ngay tại Bộ Tổng Tham Mưu vào lúc rạng sáng ngày 19-6-1965, và ngay sáng ngày 19 tháng 6 năm 1965 , nội các chiến tranh dưới danh xưng Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch, các Tổng Trưởng được gọi là các Ủy Viên, các phó Thủ Tướng được gọi là Tổng Ủy Viên. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu được Hội Đồng Tướng Lãnh bầu vào chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.

Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ không tổ chức đảo chánh để nắm binh quyền, cho nên từ ngày 19 tháng 6 năm 1967 trở về sau, chính phủ VNCH chọn ngày 19 tháng 6 hàng năm để Kỷ Niệm NGÀY QUÂN LỰC – là kỷ niệm ngày mà Quân Lực VNCH đứng ra nhận lãnh trách nhiệm điều hành đất nước. Như vậy, những kẻ hiện nay bênh vực cho nhà sư Thích Trí Quang, cứ gọi bọn quân phiệt Thiệu - Kỳ là độc tài, là những kẻ không hề biết lịch sử một cách trung thực như nó đã diễn ra trong thực tế, mà bọn họ chỉ biết lịch sử qua sự tuyên truyền khích động của nhà sư Thích Trí Quang và đồng bọn…

Bác Sĩ Phan Huy Quát khi trao quyền lại cho quân đội, ông không hề bàn thảo với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, việc làm của Bác Sĩ Phan Huy Quát làm Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và các ông trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia hụt hẫng , vì không còn Thủ Tướng Phan Huy Quát cũng có nghĩa là không còn Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và dĩ nhiên chẳng còn Thượng Hội Đồng Quốc Gia !! Như thế, người phá vỡ âm mưu tranh đoạt quyền lực chính trị của nhà sư Thích Trí Quang là Bác Sĩ Phan Huy Quát chứ không phải là các tướng Thiệu – Kỳ như nhóm Phật Giáo Ấn Quang hay la lối om xòm.

Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Chính Phủ) vẫn duy trì Đại tá Phạm Văn Liễu làm Tổng Giám Đốc CSQG. Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư Lệnh Vùng I ( bao gồm 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi) nhưng tướng Nguyễn Chánh Thi không muốn quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở vùng giới tuyến vì ông sợ chiến cuộc sẽ leo thang đến thành phố Huế, khổ nỗi tướng Nguyễn Chánh Thi lại không có khả năng ngăn chận các đại đơn vị cùng vũ khí nặng của quân Cộng Sản Bắc Việt đang xâm nhập vào vùng phi quân sự (về sau chiến tranh quá ác liệt nên không còn ai gọi vùng này là vùng phi quân sự, nữa mà gọi là VÙNG HỎA TUYẾN ! ) và sau lưng dãy Trường Sơn qua ngả A-Sao, A-Lưới. Đó là lý do ông bị chính quyền Sài Gòn cách chức Tư Lệnh Quân Đoàn I và Tư Lệnh Quân Khu I.

Nhóm các nhà sư Bình Trị Thiên lợi dụng việc này để đòi hỏi duy trì Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi ở chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Tư Lệnh Quân Khu I. Nhà sư Trí Quang đã THÁCH chính quyền Sài Gòn không được cử các tướng khác ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, một người Công Giáo từ Sài Gòn ra Đà Nẵng nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I. Từ Đà Nẵng, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao dùng trực thăng bay ra Huế, phi cơ của ông đáp ngay tại sân cột cờ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao bước vào phòng họp của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh để nghe thuyết trình. Thời gian ngắn sau đó, tướng Cao bước ra khỏi Bộ Tư Lệnh và lên phi cơ để bay trở lại Đà Nẵng. Khi phi cơ của tướng Cao vừa lên cao cỡ 5-6 thước thì Thiếu Úy Nguyễn Đại Thức đứng dưới đất rút súng lục bắn vào phi cơ đang bốc lên cao, xạ thủ đại liên của chiếc trực thăng chở Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao bắn hạ Thiếu Úy Nguyễn Đại Thức ngay tại sân cờ của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Tuy Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao không hề hấn gì, nhưng nhà sư Thích Trí Quang đã làm cho tướng Cao quá sợ : khi về đến Đà Nẵng, tướng Cao nhảy vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 24 của quân đội Hoa Kỳ để xin tỵ nạn. Tướng Cao điện vào Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn xin từ chức.

Khi thành phố Huế bắt đầu lộn xộn vì tướng Nguyễn Chánh Thi bị bãi nhiệm, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ yêu cầu Đại Tá Phạm Văn Liễu – Tổng Giám Đốc CSQG ra lệnh cho Cảnh Sát Huế - Thừa Thiên vãn hồi trật tự. Đại Tá Phạm Văn Liễu nói ông không thể làm được việc này vì ông là đàn em tướng Nguyển Chánh Thi trong cuộc binh biến ngày 11 tháng 11 năm 1960, rồi cả 2 cùng chạy sang Cambodia.

Đại tá Phạm Văn Liễu xin từ chức và Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương chỉ định Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, thời điểm 1966, đang là Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, kiêm nhiệm luôn chức vụ Tổng Giám Đốc CSQG, thay thế Đại Tá Phạm Văn Liễu.

Bộ Tổng Tham Mưu cử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, một người Huế, phật tử, nguyên cựu Tư Lệnh Sư Đoàn I ra thay thế tướng Huỳnh Văn Cao. Tuy nhiên, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân cũng không dám “đụng” tới mấy ông “thầy chùa”, ông cứ đóng tại Đà Nẵng và không dám ra Huế để dẹp loạn trong khi tình ngoài Huế càng ngày càng tồi tệ (Xin xem lại quyển BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG của tác giả Liên Thành ). Rồi tướng Nguyễn Văn Chuân cũng bay vào Sài Gòn xin từ nhiệm. Trung Tướng Tôn Thất Đính tình nguyện xin ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I, tướng Đính hứa với Thiếu Tướng Kỳ là ông lấy uy tín cá nhân để dàn xếp ổn thỏa. Tưởng sao, tướng Đính ra Huế được vài hôm, thì ông theo phe của Trí Quang luôn.

Hội Đồng Tướng Lãnh nhóm họp liên miên, nhưng không một ông tướng nào muốn ra vùng I làm Tư Lệnh cả. Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương rất phân vân không biết phải làm sao. Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan không có họp Hội Đồng Tướng Lãnh vì ông không phải là tướng. Nhưng khi tướng Kỳ kể lại sự việc trong Hội Đồng Tướng Lãnh, Đại Tá Loan chỉ nói với tướng Kỳ một câu ngắn ngủi : “Để tao!”. Và ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan làm Tư Lệnh Dẹp Loạn Miền Trung.

Tôi bỏ qua giai đoạn Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan bình định Đặc Khu Quảng Đà vì công tác chính của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan là bình định tình hình đang hỗn loạn tại thành phố Huế. Trước khi Cảnh Sát và Quân Đội từ Sài Gòn ra Huế dẹp loạn, các thủ lãnh sinh viên đấu tranh lên diễn đàn tại các giảng đường Đại Học đã THÁCH THỨC chính quyền Thiệu – Kỳ sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng, nếu đem quân ra Huế, tôi dự đoán là nhà sư Thích Trí Quang đã mớm lời cho họ .

Bọn này theo lệnh của Thích Trí Quang đã thành lập những đoàn thể có tên nghe rất “kêu” như là “ Đoàn Phật Tử quyết tử để bảo vệ Đạo pháp “ , “ Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức “…v…v… Tuy nhiên theo như ông Liên Thành mô tả thì khi hay tin Cảnh Sát Dã Chiến đem bàn thờ vào lề đường để có chỗ thông suốt cho Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân “hành quân” thì các lãnh tụ này trốn vào bưng hết cả, Cảnh Sát chỉ bắt được “tép riu” mà thôi.

Mặc dù không bắt được các tay sách động sinh viên hoạt động dưới trướng của nhà sư Thích Trí Quang, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã bắt được “ con cá lớn ” Thích Trí Quang. Theo như ông Liên Thành mô tả, Thích Trí Quang tự nhiên vác xác ra tuyệt thực tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ nên Đại Tá Loan ra tay bắt giữ Thích Trí Quang ngay lập tức vì Tòa Đại Biểu là cơ sở của chính quyền. Có lẽ do sự chủ quan của nhà sư Thích Trí Quang đánh giá thấp con người của Đại tá Loan, vì các tướng như Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận – Tư Lệnh Sư Đoàn I, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tướng Tôn Thất Đính…đều “sợ” nhà sư Thích Trí Quang. Nhưng nhà sư Thích Trí Quang chỉ biết ta mà không biết người, đâu có ngờ một người cấp bậc nhỏ mà lại dám “chơi liều” trong khi rất nhiều ông tướng không dám hành động gì cả. Nếu nhà sư Thích Trí Quang cứ ngồi trong chùa Từ Đàm không đi ra ngoài thì muốn bắt nhà sư Thích Trí Quang cũng không phải là chuyện dễ dàng và nhanh chóng đến như vậy .

Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan dùng trực thăng đem nhà sư Thích Trí Quang từ Huế bay vào Đà Nẵng, khi bay qua đèo Hải Vân, Đại Tá Loan chỉ mặt nhà sư Thích Trí Quang mà nói (tôi lập lại nguyên văn) : “ ĐM. mày Trí Quang, mày là thằng Việt Cộng, tao đạp mày xuống biển bây giờ ”. Nhà sư Thích Trí Quang chới với vì không ngờ thằng cha Đại Tá bắc kỳ nói giọng lai Huế này đã “chơi liều” bắt giữ mình mà nay lại dám” chơi bạo và chơi dữ” nữa là thủ tiêu mình bằng cách đạp mình xuống biển, nhưng ánh mắt tràn đầy sát khí của Đại Tá Loan mới làm Thích Trí Quang hoảng sợ chứ ông ta không sợ vì lời nói. Nhà sư Thích Trí Quang quỳ xuống sàn phi cơ lạy Đại Tá Loan lia lịa, cùng lúc đó một số vị Trung Tá và Thiếu Tá trong đoàn tùy tùng của Đại Tá Loan đứng ra can ngăn, Đại tá Loan mới trở về chỗ ngồi. Khi tới Đà Nẵng, nhà sư Thích Trí Quang được chuyển lên một phi cơ vận tải C-47 của KQVN bay vào Sài Gòn để rồi bị nhốt tại Nha An Ninh Quân Đội (góc đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Bỉnh Khiêm) chứ không bị nhốt tại Tổng Nha Cảnh Sát đường Võ Tánh.

Chắc chắn sẽ có người hỏi,cỡ tuổi nhỏ như tôi làm sao biết chuyện này ?. Xin trả lời ngay là tôi may mắn được quen biết với Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, vị dân biểu Quốc Hội Lập Hiến năm 1966-1967, sau này là dân biểu Quốc Hội Lập Pháp đơn vị Long Xuyên – An Giang nhiệm kỳ 1971-1975. Thời điểm 1965- 1966, Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu đang làm Luật Sư Cố Vấn cho ông Trần Quốc Bửu – Chủ Tịch Tổng Công Đoàn Lao Công Việt Nam. Thân phụ Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan là một viên chức hành chánh làm việc trong Tổng Công Đoàn Lao Công Việt Nam, ông đã kể những việc làm của Đại tá Loan cho ông Trần Quốc Bửu và Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu biết. Vào năm 1993, tôi gặp lại cựu Trung Tá Nguyễn Mâu tại San José và đem câu chuyện này hỏi cựu Trung Tá Nguyễn Mâu, cựu Trung Tá Nguyễn Mâu xác minh được 2 việc :

1. Thời điểm biến loạn miền Trung năm 1966, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ còn ngần ngại chưa dám dùng biện pháp mạnh, chính Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan tình nguyện ra miền Trung để dẹp loạn trong khi ông mới chỉ làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát một thời gian ngắn (sau khi Đại tá Phạm Văn Liễu từ chức )
2. Chuyện Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đòi đạp nhà sư Thích Trí Quang xuống biển là chuyện có thật chứ không phải là chuyện đóng kịch để hù dọa. ( nhà sư Thích Trí Quang không phải là con cừu non nên không thể hù dọa được) .
Phát biểu về chuyện tha mạng nhà sư Thích Trí Quang, Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu cho rằng : “ Đại tá Nguyễn Ngọc Loan đánh giá nhà sư Thích Trí Quang là một người gây rối nhưng chưa đạt đến mức độ tối nguy hiểm và có thể kiểm soát được . Nếu nhà sư Thích Trí Quang được Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đánh giá là phần tử tối nguy hiểm và không thể kiểm soát được ( như Đại tá Phạm Ngọc Thảo chả hạn ) thì ông đã trừ khử diệt mối họa như ông đã từng làm với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo rồi”. Ông Trần Quốc Bửu cũng đồng tình với nhận định này.

Trường hợp nhà sư Thích Trí Quang bị Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan bắt giữ làm tôi liên tưởng đến Saddam Hussein hồi năm 2003 : trong khi đại sứ của Irak tại Liên Hiệp Quốc khuyến cáo ông Saddam phải nên nhượng bộ những yêu sách của chính phủ Bush để tránh chiến tranh thì Saddam vẫn cứ ngang ngược không chấp nhận những yêu sách của chính phủ Mỹ. Saddam hoàn toàn tin tưởng vào sự phủ quyết của 3 nước Pháp – Nga – Trung Hoa (chỉ cần 1 cũng đủ, huống chi đồng minh của Saddam có tới 3 !!!) , nhưng Saddam không hỏi 3 ông bạn đồng minh có quyền phủ quyết một chuyện rất quan trọng là nếu Hoa Kỳ ngang nhiên tấn công Irak thì 3 nước Nga – Pháp - Trung Hoa có trợ giúp viện binh ngăn cản Hoa Kỳ hay không ? Nếu có hỏi, tôi dự đoán 3 ông bạn đồng minh có quyền phủ quyết chắc chắn sẽ trả lời là không, và Irak phải tự lo liệu lấy vì Hoa Kỳ đâu có xâm lăng nước Nga, nước Pháp, nước Trung Hoa thì làm sao binh lực của 3 nước này tiến đánh Hoa Kỳ được !

Vì không hỏi, nên khi Hoa Kỳ “bypass” không cần họp bàn ở Hội Đồng Bảo An LHQ mà vẫn đem 180,000 binh sĩ tấn công Irak thì ông Saddam đành phải…chịu “chết”. Nhà sư Thích Trí Quang cũng vậy, vì không THỬ đặt mình vào trong trường hợp xấu nhất, nên khi bị rơi vào tình trạng xấu nhất, ông không biết phải hành xử thế nào cho hợp thời hợp cách. Kết quả là ông bị khống chế và vô hiệu hóa các hoạt động chống đối chính phủ VNCH.

Quan năm Trần Văn Thưởng có hỏi ông Liên Thành là tài cán gì mà mới có Trung Úy mà đã làm đến Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, phải chăng dựa hơi vào Đảng Đại Việt để tranh đoạt và duy trì quyền lực ? Tôi không biết ông Liên Thành có trả lời quan năm Trần văn Thưởng hay không, nhưng tôi đoán là không vì đây là một câu hỏi ngớ ngẩn và ngu xuẩn (imbecile and stupid question) . Ngớ ngẩn và ngu xuẩn vì quan năm Trần văn Thưởng là cái thá gì mà dám đặt câu hỏi như vậy, những người có thẩm quyền và tư cách để đặt câu hỏi như vậy là các vị chỉ huy trưởng cao cấp nhất trong ngành Cảnh Sát như Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, người kế nhiệm là Đại tá Trần Văn Hai, kế tiếp là Thiếu Tướng Trần Thanh Phong, rồi sau đó là Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình thì lại chẳng bao giờ đặt câu hỏi , dễ hiểu là vì nếu ông Liên Thành không có khả năng cầm đầu ngành Cảnh Sát tỉnh Thừa Thiên thì các “xếp lớn “ trong ngành Cảnh Sát cách chức ông Liên Thành ngay chứ cần gì phải lèm bèm đặt câu hỏi vớ vẩn như vậy !!

Trong khi đi học tại Trường Chính Trị Kinh Doanh Dalat, trong môn học có tên là Động Thái Tổ Chức (Behavior Organization) , giáo sư Phó Bá Long có đưa ra một thí nghiệm sinh học như sau : người ta cho 2 con côn trùng là con ong và con ruồi vào một bình thủy tinh trong suốt và to lớn nhưng miệng bình thì nhỏ xíu và dài gấp 5 lần bình thường tính theo tỷ lệ, rồi dốc ngược bình thủy tinh này lại – nghĩa là miệng bình nhỏ xíu và dài thì xuống dưới và đáy bình kín mít thì ở phía trên. Trong cả ngàn lần thí nghiệm thì con ruồi luôn luôn bò ra trước và con ong thì vẫn bay hoài trong bình không làm sao ra được. Giáo sư Phó Bá Long nói : con ong có khả năng “quang hướng động” cho nên nó bay theo hướng mặt trời để đi tìm phấn hoa đem về tổ để tạo “mật”, trong khi nó không biết rằng giữa nó và nguồn sáng bây giờ có một bức vách thủy tinh ngăn trở mà nó không vượt qua được. Con ruồi cũng bay về phía nguồn sáng, nhưng thấy vài lần đụng vách thủy tinh không ra ngoài được, con ruồi bò lần lần ra phía miệng bình chứ không bay nữa, và kết quả là con ruồi luôn luôn ra ngoài bình thủy tinh trước. Giáo sư Phó Bá Long kết luận : con ong vì quá tự tin và cố chấp vào khả năng thiên khiếu của mình nên cứ ở mãi trong bình, còn con ruồi sau vài lần trở ngại nó đã biết THỬ phương cách khác nên đã giải quyết được nhu cầu mà nó cần.

Nhà sư Thích Trí Quang bị thất bại trong biến động miền Trung năm 1966 có lẽ vì 4 lý do sau đây :

1/ Ông xem thường Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, vì so với các ông Tướng khác, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan không có chiến tích gì ghê gớm cả, lại càng không có thành tích chính trị nào đáng kể. Trường hợp này cũng giống như Quan Vân Trường coi thường Lục Tốn là một thằng con nít, cho nên Quan Vân Trường không phòng bị cẩn thận, bị Lục Tốn đánh cho liểng xiểng phải bỏ mạng tại mặt trận Kinh Châu thời Tam Quốc Chí bên Tàu – thế kỷ thứ 3 sau Thiên Chúa Giáng Sinh.
2/ Sự thất bại của các tướng Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Văn Chuân, Tôn Thất Đính…trong việc ổn định tình hình tại miền Trung vào năm 1966 khiến Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan phải THỬ một phương cách khác để giải quyết vấn đề (như trường hợp thí nghiệm sinh học mà tôi vừa nêu ở đoạn trên), và ông đã giải quyết được nhu cầu mà chính quyền Sài Gòn mong muốn.
3/ Nếu ai đã đọc Tam Quốc Chí của La Quán Trung thì đều thích thú khi thấy Khổng Minh Gia Cát Lượng trong tay chỉ có vài trăm quân, lại bị Tư Mã Ý vây hãm trong thành, nhưng Khổng Minh cho mở cửa thành lính chầu 2 bên , ông ngồi giữa cười cười mà Tư Mã Ý không dám đột nhập, sau cùng phải rút quân. Kim Thánh Thán, một nhà bình luận văn học đời nhà Thanh, phê rằng vì Khổng Minh biết rõ Tư Mã Ý là người đa mưu cẩn thận nên mới mở cửa thành; chứ nếu tướng vây thành lúc bấy giờ không phải là Tư Mã Ý mà là Hứa Chử hay Trương Phi thì không xong ( Tư Mã Ý là tướng rất cẩn thận, ông ta sợ Khổng Minh phục binh nên không dám vào, chứ ông ta đâu biết rằng Khổng Minh lúc bấy giờ chỉ có vài trăm quân. Còn Hứa Chử với Trương Phi thì khỏi cần, có biết phục binh tới vạn quân thì 2 ông tướng này cũng không “care” ) . Nhà sư Thích Trí Quang thất bại vì sử dụng kế của Khổng Minh đối phó với Tư Mã Ý đem ra xài lại với Hứa Chử và Trương Phi !!!
4/ Nhà sư Thích Trí Quang đánh giá sai phương cách ứng xử của Tư Lệnh Dẹp Loạn Miền Trung, ông ta nghĩ rằng Cảnh Sát và Quân Đội Sài Gòn (nhất là Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân ) sẽ đạp đổ bàn thờ Phật và nếu điều này xảy ra quần chúng sẽ xuống đường còn hơn hồi 1963 chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm nữa. Nhưng Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đâu có ngu tới mức như vậy. Theo như ông Liên Thành mô tả, Cảnh Sát Dã Chiến, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân chỉ bưng bàn thờ di chuyển vào lề đường để có chỗ cho quân xa, xe cộ di chuyển thôi chứ không hề có bất cứ bàn thờ Phật nào bị đạp đổ hết cả. Kết luận : “ Làm tướng mà đánh giá sai phản ứng của địch quân thì đánh trăm trận phải thua cả trăm trận !!!” (Chú thich của người viết bài : Tôi đảo ngược câu nói của Tôn Tử “Biết mình, biết người, trăm trận đều thắng” chứ thật ra đã làm tướng mà nếu ước lượng sai phản ứng của địch quân thì ngay trong trận đầu đã bị chết hay bị bắt làm tù binh rồi, không có tới trận thứ hai để mà đánh, nói gì đến trận chiến thứ một trăm !!! )

Tháng 6 năm 1978, tôi từ Sài Gòn ra Quảng Trị, mưu tính dùng đường 9 Nam Lào theo bọn con buôn đi Savanakhet để rồi vượt sông Mékong qua Thái Lan. Dự tính không thành vì cả nhóm 6 người bị bắt ngay tại Khe Sanh, bị giải giao về nhà lao Thừa Phủ tại Huế và tháng 8 năm 1978 bị chuyển lên Trại Bình Điền để “lao động cải tạo”. Tháng 2/ 1979, quân Trung Cộng tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc để dạy cho Việt Cộng một bài học (theo cách nói của Đặng Tiểu Bình), nhận thấy sắp có một cuộc chôn sống các “tù nhân cải tạo” như hồi Tết Mậu Thân – nếu quân Trung Cộng đang trên đường tiến vào Hà Nội, tôi và một người bạn người miền Nam lại trốn trại nhưng cả 2 đều bị bắt lại và bị nhốt trong nhà kỷ luật trong 2 năm. Tới tháng 5/1979, vì có gây gổ xích mích với công an quản giáo đội mộc, anh Hồ Minh Lữ bị nhốt trong nhà kỷ luật một tuần lễ.

Trước khi bị nhốt trong nhà kỷ luật, tôi và anh Hồ Minh Lữ không hề quen biết nhau, anh Hồ Minh Lữ cho biết anh là cựu huynh trưởng “Gia Đình Phật Tử” tại Huế và cũng là sĩ quan cấp bậc Thiếu Úy trong ngành Cảnh Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên. Anh Lữ kể cho tôi nghe một kỷ niệm cay đắng về nhà sư Thích Trí Quang như sau : “ khoảng đầu năm 1973, tôi có dịp vào Sài Gòn để học tập về Hiệp Định Paris 1973 vừa mới ký kết, tôi ghé chùa Ấn Quang để thăm “ôn” Trí Quang (chú thích của người viết bài này : người Huế gọi người mà họ kính trọng bằng đặc ngữ “ ÔN ” ). Sau khi chào kính và hỏi thăm sức khỏe cũng như tình hình sinh hoạt ngoài Huế, “ôn” Trí Quang có đưa cho tôi một bức thư và bảo tôi đọc, đó là bức thư của Thượng Tọa Thích Tâm Châu gửi cho Thượng Tọa Thích Trí Quang . Ý chính của bức thư này là Thượng Tọa Tâm Châu kêu gọi Thượng Tọa Trí Quang hãy dẹp bỏ những tị hiềm và xích mích trong nội bộ Phật Giáo trước kia, để cùng nhau hợp tác đối phó với Cộng Sản sau khi Hiệp Định Paris được ký kết…. Đọc xong, tôi trả lại bức thư và hỏi “ôn” Trí Quang : “ý kiến của ôn như thế nào ? ”.
Nhìn thẳng vào mắt tôi, “ôn” Trí Quang gằn giọng , nói : “ Thằng Tâm Châu phải đem đầu Thiệu – Kỳ đến đây thì mới nói chuyện hợp tác ”

Anh Hồ Minh Lữ kể tiếp : “ Nghe đến câu nói của “ôn” Trí Quang như vậy, tôi hỡi ơi, tôi không ngờ là một người tu hành mà lại nói được một câu trần tục đầy tính sân si đến cùng cực như vậy. Ôn Trí Quang, một người thầy mà tôi tôn sùng kính trọng biết bao, trước đây tôi coi như một thần tượng thì nay đã sụp đổ hoàn toàn. Là một phật tử tại Huế, tôi rất có thiên kiến không đúng về Thượng Tọa Thích Tâm Châu như dư luận phật tử tại Huế đã và đang có, chẳng hạn : ông Tâm Châu là tay sai của Thiệu – Kỳ chống phá Giáo Hội Ấn Quang, ông Tâm Châu ăn tiền của Mỹ không đứng về phe Phật Giáo Dân Tộc..v…v.

Nhưng chính mắt tôi đã được đọc thư của Thượng Tọa Tâm Châu chứ không phải nghe người khác nói lại,, tôi nhận ra rằng chính Thượng Tọa Tâm Châu mới là người quốc gia chân chính, còn ông thầy của mình thì chẳng ra gì. Tuy vậy, tôi không nói gì với “ôn” Trí Quang về sự suy nghĩ của tôi, nhưng xin cáo từ để còn phải nghỉ ngơi mai còn đi họp công vụ. Tôi lặng lẽ ra về nhưng lòng tự hứa là không bao giờ gặp lại ôn Trí Quang nữa”.

Sau khi ra khỏi nhà kỷ luật vào tháng 6 năm 1981, anh Hồ Minh Lữ đã được trả về với gia đình trước đó vài tháng nên tôi không gặp lại anh. Mãi đến tháng 6 năm 1984 tôi mới trở lại Sài Gòn và tháng 12 năm 1987 tôi vượt thoát khỏi Việt Nam đến Thái Lan. Tôi cũng không rõ là anh Hồ Minh Lữ có đến Hoa Kỳ theo diện HO hay không, nhưng nghe phong phanh là anh ở vùng Los Angeles.

Thời điểm 1979, tôi tin là anh Hồ Minh Lữ nói đúng vì anh chẳng có lý do gì để đi đặt điều nói xấu về ông thầy của mình . Đến Hoa Kỳ năm 1989, tưởng như chuyện anh Hồ Minh Lữ kể cho tôi nghe rơi vào quên lãng, nhưng đến năm 1993 Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nói với tôi là Hòa Thượng Thích Tâm Châu có in quyển Bạch Thư trong đó có nhắc đến lá thư mà Hòa Thượng Tâm Châu gửi cho Thượng Tọa Thích Trí Quang. Lúc đó tôi càng tin cậy anh Hồ Minh Lữ nhiều hơn nữa bởi vì từ thời điểm 1973 cho đến 1979, hầu như không ai biết Thượng Tọa Tâm Châu có viết thư gửi Thượng Tọa Trí Quang. Dĩ nhiên Thượng Tọa Thích Tâm Châu không thể biết nhà sư Thích Trí Quang đã đáp ứng lá thư của mình như thế nào.

Người khôn ngoan là người biết học kinh nghiệm của người khác, kể cả kinh nghiệm thành công lẫn kinh nghiệm thất bại. Động từ “học” mà tôi dùng ở đây, theo Anh – Mỹ là động từ “learn” chứ không phải là động từ “study” (nói theo kiểu người Việt của mình thì cần phải “học” và “rút tỉa được kinh nghiệm” chứ không phải “học” để khoe bằng cấp Ph.D., để khoe tên các Đại Học danh tiếng như những khoa bảng VN vẫn thường hay làm).

Muốn “rút tỉa được kinh nghiệm” thì phải luôn luôn biết THỬ, biết THÁCH THỨC, biết THÁCH ĐỐ và phải vượt qua được những THỬ THÁCH do chính ta và những người ngoại cuộc đặt ra ; nếu chỉ biết THỬ, chỉ biết THÁCH mà lại không vượt qua nổi THỬ THÁCH thì chắc chắn sẽ thất bại (như nhà sư Thích Trí Quang đã thất bại )
Xin cảm ơn tất cả quý vị đã quan tâm và tôn thì giờ quý báu để đọc đến hết đoản văn này


San Jose ngày 4 tháng 6 năm 2010
Trần Trung Chính

***
Thư Ngỏ của Liên Thành về Các Nạn Nhân Trong Biến Cố Mậu Thân 1968 Tại Thửa Thiên –Huế
Công lý cho Mậu Thân 1968
Liên Thành
Thông cáo của Ủy Ban Truy Tố Tội Ác Đảng Cộng Sản VN.
Nhân Chứng, Nạn Nhân Tội Ác Việt Gian Cộng Sản Tết Mậu Thân 68.
Video:Bùi Dương Liêm-Liên Thành: truy tố tội ác đảng CSVN:
1/ http://www.youtube. com/watch? v=6mwwa8FDEjw
2/ http://www.youtube. com/watch? v=5Doaq3vIz_ Q
3/ http://www.youtube. com/watch? v=L6N_I1Yl0qA
Audio=>Liên Thành trả lời phỏng vấn SBS radio -16-07-2009
Video=> Bùi Dương Liêm phỏng vấn Liên Thành

Video VC thảm sát đồng bào vô tội trong Tết Mậu Thân-1968
http://www.youtube. com/watch? v=-FCsJ7lhidE

No comments: