ĐỐI THOẠI VỀ ĐẤT HỒ BA GIANG CỦA THÁI HÀ” - UBND QUẬN ĐỐNG ĐA NHẠO BÁNG NGÔN NGỮ VIỆT – Phần 1
Ngày 22/9/2009, Nhà thờ Thái Hà nhận được giấy mời của UBND Quận Đống Đa gửi Linh mục Vũ Khởi Phụng, chính xứ Nhà thờ Thái Hà lên UBND Quận Đống Đa vào 2giờ 30 chiều 24/9 để “Đối thoại” về việc Giáo xứ khiếu nại đất Hồ Ba Giang của Giáo xứ đang bị một đơn vị không rõ danh tính vào rào lại và đóng cọc thi công.
Được mời lên để “Đối thoại” với cơ quan chính quyền.
Nhận được Giấy mời đối thoại, nhiều giáo dân ngỡ ngàng: Không hiểu sao, bây giờ UBND Quận lại tử tế mời Thái Hà lên để “Đối thoại” nhỉ? Không giống các lần trước, cứ quyết định là xong? Chắc sau thời gian học tập “Đạo đức Hồ Chí Minh” vừa qua cũng như qua đợt phát động phong trào “40 năm học tập di chúc Hồ Chí Minh” các cán bộ Quận Đống Đa đã có thay đổi, biết tôn trọng nhân dân hơn?
Đơn gửi đi từ 18/4/2009, đơn tiếp theo gửi từ đầu tháng 6/2009. Ngày 16/6/2009, Thanh tra Quận Đống Đa đã tổ chức một màn kịch khá vụng về tại UBND Quận đối với Thái Hà, một buổi làm xiếc mà chúng tôi đã có dịp phản ánh.
Ngày 25/6/2009, Nhà thờ Thái Hà đã có đơn khiếu nại về thành phần đoàn Thanh tra, Đoàn Thanh tra làm việc không nghiêm túc, không độc lập và Trưởng Thanh tra Quận Đào Trường Sơn không đủ khả năng làm việc công tâm….
Vậy rồi cứ dài cổ chờ đợi. Theo Luật khiếu nại:
Điều 36: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Và như vậy, cũng theo Luật, thì trong thời hạn (30 ngày đối với giải quyết khiếu nại lần đầu và 45 ngày đối với giải quyết khiếu nại lần hai), người có thẩm quyền không ra quyết định giải quyết thì phải bị xem xét kỷ luật.
Chắc rằng Quận Đống Đa, Thủ đô Hà Nội không phải là “vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn” như luật định, vì Nhà thờ Thái Hà đến Quận Đống Đa chỉ khoảng 1,5km thôi. Nhưng lá đơn khiếu nại cuối cùng đã gửi đi 3 tháng mới có hồi âm còn lá đơn đầu tiên đã quá 5 tháng.
Vậy nên bà con vùng sâu, vùng xa lưu ý: Nếu có đơn khiếu nại gửi đến UBND Quận Đống Đa, thì cứ nhân lên theo quãng đường đó mà chờ đợi. Chẳng hạn, nếu bà con nào ở TPHCM muốn khiếu nại thì sau khi gửi đơn cứ tính như sau mà chờ: 1730 km:1,5km x5 tháng = 5.767 tháng = 481 năm hãy hi vọng được hồi âm. Đó là chưa nói đến việc giải quyết đâu nhé, chờ giải quyết được thì còn… khuya.
Nhưng dù sao thì cơ quan công quyền đã có để ý đến tiếng kêu của mình, bà con Thái Hà phấn khởi, mà lần này lại được mời lên để “Đối thoại” hẳn hoi.
Phương thức đón tiếp người khiếu nại ở Quận Đống Đa
Ngay từ trưa 24/9/2009, nhiều người qua đường Tôn Đức Thắng khá ngạc nhiên vì sự thay đổi trước cửa UBND Quận. Hàng rào sắt được dựng hai bên cửa, hai xe cảnh sát chặn hai đầu, cảnh sát các loại tầng tầng, lớp lớp từ trong UBND ra ngoài cổng và bố trí dày đặc trên đường.
Đặc biệt, hôm nay UBND Quận lại huy động các loại dân phòng, bảo về, gậy gộc, áo mũ và trang bị đủ các loại màu sắc. Xuất hiện thêm nhiều người đứng bên ngoài đường, không mặc đồng phục, hầu hết đeo kính đen nhìn đoàn người đi lại chăm chú, gườm gườm… Bên kia đường, nhiều người nhốn nháo, áo quần đủ màu sắc đứng chờ đợi, nhìn giống hình ảnh “quần chúng tự phát… tiền” hôm nào ở Thái Hà.
Hàng loạt máy quay phim, chụp hình được bố trí dày đặc từ các tầng nhà, góc sân, nhiều cán bộ cảnh sát với đầy đủ quân phục, mang máy quay, máy ảnh chĩa về phía cửa ra vào…
Hầu hết công dân dù mang theo giấy hẹn đóng dấu đỏ chót vào UBND Quận, đều được chỉ dẫn quay đầu xe vì hôm nay UBND Quận nghỉ làm việc. Nhiều người nhìn thấy quang cảnh ấy ra về nói với nhau: “Hình như cơ quan Quận đã chuyển đi nơi khác để cơ quan Công an dân phòng hoặc bên điện ảnh về đóng phim tại đây thì phải”?
Quả là hiếm có cuộc đón tiếp nào với những người khiếu nại được sự chuẩn bị chu đáo đến thế ở cơ quan công quyền Việt Nam. Nhìn cảnh này, bà con dân oan lưu trú lâu ngày ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng và khắp nơi chắc hẳn cứ tưởng là trong mơ. Nếu được trực tiếp chứng kiến chắc họ sẽ có mơ ước “Sau một đêm ngủ dậy được trở thành giáo dân Thái Hà”?
Trong Nhà thờ, giáo dân tập trung đông đúc làm giờ Chầu Thánh Thể, tạ ơn Thiên Chúa ban ơn phúc cho giáo dân, cầu xin Thiên Chúa cho Nhà cầm quyền được sáng suốt, biết thể hiện rõ ràng cách làm việc trong một “Nhà nước pháp quyền”.
Tại trước cửa Nhà thờ Thái Hà, các phó nháy, các nhà quay phim chuyên nghiệp được bố trí hầu hết ở các góc, các chốt tuần tra, sẵn sàng, căng thẳng nhìn về phía cửa Nhà thờ.
Tại UBND Quận, đến gần 2h 30 thì các phó nhòm, công an hầu hết vào vị trí chờ đợi khá sốt ruột, máy quay, máy ảnh được chỉnh lại chu đáo. Chợt một chiếc ô tô dừng lại trước cửa UBND Quận, có 9 người gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân bước xuống để vào UBND Quận.
Các cảnh sát đứng tưng hửng đứng nhìn vì số cảnh sát, dân phòng hôm nay bảo vệ đoàn khiếu nại có con số chắc gấp vài ba chục lần số linh mục, giáo dân. Phó nháy, phó nhòm buông máy, một số hăng hái quay thật kỹ hình ảnh mấy linh mục, giáo dân hiền hòa, tươi cười bước vào cửa công quyền vì riêng số máy quay, máy ảnh ở đây cũng đã gấp vài lần số giáo dân và linh mục đến họp.
Quả là sự đón tiếp trọng thị. Hẳn có những nguyên thủ quốc gia trên thế giới chưa chắc đã được đông đảo cảnh sát, phóng viên háo hức tiếp đón nhiệt tình như vậy.
Cũng có nhiều người đứng quan sát và cười thầm: Hôm nay các cấp, các ngành chính quyền đã huy động cả Đại Trọng pháo để bắn chim sẻ. Chả là họ rút kinh nghiệm hôm 16/6/2009, trời mưa dữ dội (đến nỗi hầm đường bộ hiện đại nhất VN khai trương được 1 giờ sau đã ngập) nhưng hàng mấy trăm giáo dân vẫn đội mưa đi ra Quận với biểu ngữ trên tay “Phản đối chiếm đất Nhà Thờ Thái Hà lần 2” “Stop Boxit” và luôn miệng đồng thanh hô vang “Quan tham trả đất Thái Hà” là cả đoạn đường đông đúc càng đông đúc hơn bởi những người đi đường hiếu kỳ. Khi đoàn giáo dân đến cửa UBND Quận thì công an, nhà báo mới cuống cuồng chạy đến thả hàng rào sắt, bố trí cảnh sát… hết sức lộn xộn càng làm cho không khí căng thẳng và đông đúc, cuồng nhiệt hơn.
Vì vậy chắc hôm nay các cấp đã đề ra biện pháp đón tiếp chu đáo này, các báo chí, đài truyền hình chắc mẩm phen này tha hồ quay các cảnh để cho bà con thế giới thưởng lãm kèm những lời bình luận ngược “Giáo dân gây rối trật tự công cộng…”
Nhưng hôm nay, tất cả mấy trăm giáo dân, có hàng chục người từ Thạch Bích và các xứ xa xôi đến đã ở Nhà thờ Chầu Thánh Thể.
(Còn tiếp)
Hà Nội, Ngày 25/9/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh
ĐỐI THOẠI VỀ ĐẤT HỒ BA GIANG CỦA THÁI HÀ” - UBND QUẬN ĐỐNG ĐA NHẠO BÁNG NGÔN NGỮ VIỆT – Phần 2
Đón tiếp và thủ tục
Đoàn linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà được tổ chức “đón tiếp” chu đáo và rầm rộ là vậy nhưng khi bước qua cổng UBND quận thì như bị dội gáo nước lạnh. Hàng loạt máy ảnh, máy quay từ khắp mọi ngóc ngách của ủy ban, từ trên ban công… nhăm nhăm chĩa vào đoàn Thái Hà, không bỏ qua bất cứ cử chỉ nào.
Tại cổng UBND, ngoài đội ngũ công an chìm nổi, dân phòng… còn có nhiều khuôn mặt đeo kính đen bặm trợn. Chúng tôi nhận ra một gương mặt quen thuộc: ông Đào Trường Sơn - Trưởng Thanh tra Quận Đống Đa. Ông Sơn chặn đoàn lại với gương mặt hằm hằm.
Từ phía đón tiếp có nhiều thứ quá thừa, chỉ thiếu duy nhất một thứ: Nụ cười.
Ngược lại, mấy linh mục, tu sĩ và giáo dân chẳng có gì ngoài một chiếc máy chụp hình, một máy quay phim và dư thừa những nụ cười luôn nở.
Đoàn vào đến sân, các cán bộ của dân chặn lại, hỏi: “Giấy ủy nhiệm của ông Vũ Khởi Phụng đâu”? Cả đoàn dừng lại, linh mục Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong giải thích: “Chúng tôi đồng trách nhiệm, linh mục Phụng chỉ là đứng đơn, khi giải quyết công việc liên quan đến giáo xứ thì chúng tôi vẫn linh mục và giáo dân cùng đi, chẳng có giấy ủy quyền nào mà vẫn làm việc từ trước đến nay”.
Ông Đào Trường Sơn cộc lốc: “Trước khác, hôm nay khác”.
Đoàn đành đứng ngoài chờ các cán bộ lên xuống, đi lại, trao đổi… một lúc sau nắng quá đành vào gara ô tô của UBND Quận trú tạm.
Đứng lâu quá mỏi chân, một vài người đành kê dép ngồi bệt xuống đất nghỉ. Được ngồi bên cạnh hai chiếc xe biển xanh, một nhãn hiệu Mercedes số đẹp 31A -1818 cũng đã thấy sang chán.
Nhìn biển số xe, mấy cha con hỏi nhau: “Việc cấp biển số được nhà nước tuyên bố thực hiện bằng cách bắt thăm ngẫu nhiên, mà sao UBND Quận Đống Đa rút thăm tài tình thế nhỉ? Chắc khi nào có xe ô tô phải nhờ mấy bác mát tay bắt thăm hộ thôi”. Tất cả cùng cười.
Dù không có giấy ủy quyền, nhưng lẽ nào UBND quận đã mất công bố trí công phu như vậy mà đoàn Thái Hà lại về thì còn đâu diễn viên. Vì vậy nên một lúc sau Bà Trần Thị Việt Yên, Chánh Văn phòng xuống đề nghị một người viết giấy chịu trách nhiệm để lên làm việc.
Các cha định viết giấy nhưng nhìn quanh chẳng thấy chỗ nào, định kê dép xuống đất viết, thì bà Yên bảo: “À không, nếu đồng ý, mời các vị lên trên phòng họp để viết”.
Thấy bà Yên có nở một nụ cười, nụ cười hiếm hoi từ miệng người cán bộ quận kể từ khi bước vào đây, tôi giơ máy ảnh lên định chụp lại hình ảnh đẹp quý báu bất ngờ đó. Đột nhiên ông Đào Trường Sơn vụt qua khe hở giữa bà Yên và các linh mục đang đứng trước mặt xô lại: “Anh không được chụp ảnh tôi”.
Tôi đáp: “Bình tĩnh đi ông cán bộ của dân, tôi chụp nụ cười hiếm hoi này thôi”. Tu sĩ Nguyễn Văn Tặng nhắc nhở “Anh nên lịch sự một chút, sao lại chạy tạt ngang trước mặt phụ nữ khi người ta đang nói chuyện như vậy?”
Cả đoàn kéo nhau lên phòng họp.
Trong phòng “đối thoại”
Trên đường theo bà Trần Thị Việt Yên, Chánh văn phòng Ủy Ban lên tầng hai để họp, tôi hỏi: “Chị Yên ơi, ở đây cán bộ khi gặp dân sao mặt cứ hầm hầm như sắp đánh nhau đến nơi như anh Sơn là có vấn đề gì hả chị”? Bà Yên nói: “Không có vấn đề gì đâu anh ạ” Tôi hỏi lại: “Nếu cán bộ gặp dân mà cứ thế này, thì chắc chị phải đề nghị quận xem xét lại cách tuyển cán bộ ở quận này, hoặc cho học thêm một lớp pháp lệnh công chức đi chị ạ”. Bà Yên chỉ cười rất tươi mà không nói là có tiếp thu hoặc có ý kiến gì thì đã vào đến phòng họp.
Qua mấy phòng làm việc trống không, bước vào phòng họp của UBND quận Đống Đa, mấy cha con mới hiểu là chỉ có chín người thì lọt thỏm giữa đoàn cán bộ đông đúc đã chờ sẵn, nhất là cánh quay phim, chụp hình. Tất cả đã ngồi đợi đoàn từ lâu. Quả là cán bộ Quận này cũng chu đáo về mặt thời gian và quân số thật.
Một cán bộ ngồi sẵn, đứng lên yêu cầu các linh mục xuất trình giấy ủy quyền, dù ông chưa giới thiệu tên mình. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong xin được biết quý danh để tiện trao đổi, khi đó mới biết được tên ông cán bộ này là Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch Quận, chủ trì buổi họp hôm nay.
Ngay từ khi vào đến phòng họp, trên miệng ông Phó Chủ tịch Quận này luôn miệng là “Chúng tôi làm theo luật, luật quy định…” làm chúng tôi, những thường dân thấy choáng, ngỡ ông là luật sư hoặc chánh án. Tôi định thần nhìn kỹ, nhớ lại…
À, hóa ra đây là ông Trần Việt Trung khá nổi tiếng, ông đã được để nghị kiểm điểm ở vụ việc công trình nhà 17 tầng Đào Duy Anh sai phạm trong quá trình xây dựng mà ông là Phó chủ tịch Quận có trách nhiệm lớn, công trình này sau đó xin nộp 1,7 tỷ đồng khắc phục mà vẫn không được chấp nhận đành ngậm ngùi cắt bỏ 2 tầng.
Tranh cãi chính của cuộc họp: Giấy ủy quyền và cách lập biên bản
Ngay từ khi vào cuộc họp được phát biểu ý kiến đầu tiên, tôi có ý kiến như sau: “Chúng tôi là linh mục, giáo dân Thái Hà được thay mặt Chính xứ và mọi người lên đây vì như các ông các bà đều biết trong Giáo hội Công giáo, tất cả tài sản là của chung, nhất là giáo dân có vai trò chính, vì linh mục, tu sĩ chỉ ở một thời gian rồi đi. Vì vậy chúng tôi được đại diện giáo dân lên đây.
Điều đầu tiên khi gặp cán bộ, chúng tôi phê phán anh Đào Trường Sơn khi gặp chúng tôi với vẻ mặt hầm hầm như thế là không phải cán bộ của dân. Cán bộ của dân phải tươi vui khi gặp dân, phải kính trọng, lễ phép với dân. Đó là những điều mà trong Pháp lệnh Công chức, trong Đạo đức Hồ Chí Minh có nói rất rõ…” Ông Trung gạt ngay, đây chúng tôi chưa bàn về nội dung.
Kể từ đó, đến 4h15p chiều, cả hội trường mấy chục con người chỉ ngồi nghe hai bên tranh luận về việc giấy ủy quyền và biên bản nên cuộc họp không thể bắt đầu. Bên chính quyền yêu cầu bên Thái Hà phải có ủy quyền của linh mục Vũ Khởi Phụng mới có thể làm việc nếu không thì không đúng luật.
Sau quá trình giải thích khá mất công của các linh mục, giáo dân rằng chúng tôi đồng trách nhiệm, linh mục Vũ Khởi Phụng chỉ là người đại diện và ở đây đã có linh mục Phó Bề trên Nguyễn Văn Thật thay Bề trên Vũ Khởi Phụng, rằng chúng tôi làm việc nhiều cơ quan thành phố, quận đều thế cả… Nhưng ông Trung vẫn nhất định buộc phải viết “Giấy cam đoan đủ thẩm quyền làm việc”.
Lại tranh cãi mất nhiều thời gian. Cuối cùng linh mục Thật bảo rằng: “Nếu không đồng ý để Phó Bề trên làm việc, thì ghi vào giấy để chúng tôi về”.
Tôi đề nghị được ý kiến: “Xin hỏi cuộc họp này do chị Trần Thị Việt Yên thừa lệnh Chủ tịch UBND Quận ký giấy mời, chúng tôi đến đây để “đối thoại” theo giấy mời đó, nhưng lên đây thì gặp ông Trung chủ tọa mà không có Chủ tịch, vậy ông Trung có giấy ủy quyền của ông Học, Chủ tịch Quận ký không? Nếu không, sao bắt Phó Bề trên chúng tôi phải có ủy quyền của Bề trên? Vì nguyên tắc, ai mời thì người đó phải tiếp, nếu không thì phải có ủy quyền”.
Ông Trung giải thích “Tôi có đủ thẩm quyền, chúng tôi có phân công với nhau…” Lạ thật, ông này chỉ nghĩ mỗi ủy ban của ông ta mới có phân công giữa chánh, phó thì không cần ủy quyền, còn các nơi khác thì không được?
Cuối cùng thì cũng không cần ủy quyền.
Nhưng vấn đề biên bản thì lại khác, ông Trung nhất định không cho bên Thái Hà sau khi “đối thoại” mang biên bản buổi “đối thoại” đó về, ông chỉ một mực “Chúng tôi làm theo quy định của pháp luật”.
Mất rất nhiều công sức tranh cãi về việc này. Chúng tôi nói rằng Pháp luật không cấm việc bên đối thoại sau khi lập biên bản được nhận một bản bao giờ, đã là biên bản thì hai bên phải có. Ông Trung vẫn khăng khăng “biên bản này được lưu vào hồ sơ mà không cấp cho bên đối thoại”. Chỉ có thế.
Sau một hồi tranh luận căng thẳng, chúng tôi đề nghị lập thành biên bản, một lưu hồ sơ, một mang về báo cáo giáo dân, nhưng ông nhất định không cho. Cuối cùng ông Trung nói: “Luật quy định là như thế, nhưng chúng tôi căn cứ vào quá trình hợp tác trong quá trình đối thoại ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, mang tính chất khách quan, mang tính chất dân chủ… thì chúng tôi có thể photo cho một bản”.
Lại quá trình tranh cãi về bản photo, giáo dân nhất định không chịu bản photo, hoặc photo hai bản rồi ký, hoặc sau khi photo ông Trung ký xác nhận là sao đúng bản chính… nhưng ông không chịu.
Tôi hỏi: “Ông Trung nói việc không cấp biên bản là căn cứ pháp luật. Vậy pháp luật nào, điều nào không cho phép lập biên bản làm hai bản? Điều nào quy định khi đối thoại chỉ có một bên được cầm biên bản mà thôi? Điều nào quy định rằng nếu có tinh thần hợp tác mang tính xây dựng… thì ông ra ơn cho một bản”? Thật là lạ lùng với quận Đống Đa trong cách “làm việc theo pháp luật”. Pháp luật gì mà phụ thuộc vào thái độ phụ thuộc và ý thích của một bên “đối thoại”, nếu thấy các anh ngoan thì tôi ra ơn cho một bản photocopy, nếu không thì thôi.
Tôi phản đối việc đó, yêu cầu căn cứ các văn bản pháp luật, điều nào cấm, điều nào không cấm.
Nhưng vẫn là nước đổ lá khoai, ông Trung nhất định không nghe. Cuối cùng thì ông chấp nhận sao cho bên Thái Hà một bản.
Đến lúc đó mới hiểu cách “làm việc theo pháp luật” của ông Trung, Phó chủ tịch Quận Đống Đa. Chúng tôi cũng không hiểu cái mà ông Trung gọi là Pháp luật mà ông làm theo, đó là thứ pháp luật gì.
(Còn tiếp)
Hà Nội, Ngày 27/9/2009
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
“ĐỐI THOẠI VỀ ĐẤT HỒ BA GIANG CỦA THÁI HÀ” - UBND QUẬN ĐỐNG ĐA NHẠO BÁNG NGÔN NGỮ VIỆT – Phần 3
“Đối thoại” của Quận Đống Đa, sự nhạo báng ngôn ngữ
Xong phần thủ tục ban đầu thì đã 4h15 phút chiều, bắt đầu bước vào phần nội dung chính của buổi họp là “Đối thoại”.
Ông Đào Trường Sơn giới thiệu phía UBND tham dự cuộc “đối thoại”. Điều hài hước là ông ta cứ coi như tất cả linh mục, giáo dân chúng tôi cũng đều là đảng viên cộng sản như ông hết nên giới thiệu “đồng chí Phó Chủ tịch, đồng chí trưởng phòng nọ, đồng chí chuyên viên kia” rất vô tư. Chúng tôi mỉm cười bấm bụng ngồi nghe.
Ông Trung bắt đầu bằng câu hỏi: “Tôi hỏi các ông có bằng chứng nào để cung cấp cho chúng tôi không?” Ông hỏi đi hỏi lại mấy lần điều này rất riết róng, không cho ai có ý kiến khác ngoài câu hỏi của ông.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong phát biểu: “Chúng tôi có chứng cứ, tuy nhiên, chúng tôi đã có văn bản khiếu nại nhưng chưa được trả lời rõ ràng nên chúng tôi chưa cung cấp chứng cứ”. Ông Trung luôn mồm “Tôi nhắc lại, tôi nhắc lại một lần nữa…”
Giáo dân tên Long nói: “Chúng tôi khiếu nại với chính quyền các cấp về việc có một đơn vị nào đó vào chiếm đất của Thái Hà chúng tôi, hôm nay, các ông có mời họ lên đây không?”. PCT Trung nói rằng “chúng tôi thấy không cần thiết” và hỏi lại câu hỏi đầu tiên về chứng cớ…
Tôi có ý kiến: “Buổi làm việc hôm nay giấy mời ghi là đối thoại, vậy thì đây không phải là buổi hỏi cung. Vì vậy ông Trung không nên áp đặt theo ý mình.
Vấn đề chúng tôi cần biết là giấy mời lên “Đối thoại”, nhưng lên đây thì UBND Quận cho chúng tôi biết là để giải quyết đơn khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà về khu đất Hồ Ba Giang.
Về khu đất này, chúng tôi đã có 3 lá đơn khiếu nại, đầu tiên ngày 18/4/2009, cách đây 5 tháng, lần hai vào đầu tháng 6 và lần 3 cách đây 3 tháng, ngày 25/6/2009.
Vậy ông Trung vừa nói là làm việc theo pháp luật, mà theo pháp luật thì đơn khiếu nại phải giải quyết sau 30 ngày, lâu nhất không quá 45 ngày. Hôm nay, các ông mới mời chúng tôi lên đây là để tổ chức đối thoại, giải quyết…
Vậy các ông định giải quết theo lá đơn nào ở đây? Vì lá đơn thứ 3 có nội dung khiếu nại đoàn Thanh tra UBND Quận Đống Đa lập đã không có khả năng làm việc độc lập, công tâm…” Nhưng cho đến hôm nay, chúng tôi chưa có được bất cứ văn bản trả lời nào. Điều đó đã đúng Luật khiếu nại, tố cáo chưa?”
Ông Trung trả lời chung chung là: chúng tôi mời lên đối thoại giải quyết đất Hồ Ba Giang. Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ tại các cơ quan… và chúng tôi sẽ có kết luận, có trả lời… Rồi ông đọc vanh vách một số điều mà có nhắm mắt lại chúng tôi cũng đọc được, vì đã rất nhàm chán như luận điệu của các báo chí, văn bản trước đây: “Theo các chủ trương về đất đai năm 1960, ông Vũ Ngọc Bích đã bàn giao đất Nhà thờ Thái Hà sang nhà nước quản lý…”.
Chúng tôi yêu cầu: “Ông nói là đã nghiên cứu văn bản của linh mục Vũ Ngọc Bích đã “bàn giao sang nhà nước quản lý” đất đai và tài sản của Nhà thờ Thái Hà?
Linh mục Vũ Ngọc Bích có đủ thẩm quyền bàn giao đất đai tài sản của Nhà thờ hay không? Bàn giao cho ai, ai nhận, và để làm gì?
Việc bàn giao đó có đúng các quy định pháp luật thời kỳ đó hay không? Vì văn bản Hiến pháp và Pháp luật VN từ Hiến pháp 1946 đến nay đều ghi rõ: “Cơ sở thờ tự được luật pháp bảo hộ” và đất đai nhà thờ không nằm trong diện cải tạo XHCN, cải tạo nhà cửa nào hết.
Vậy đề nghị chính quyền cấp cho chúng tôi xem những cơ sở văn bản các ông đã có, đã dùng làm căn cứ?
Một vấn đề nữa cần lưu ý: là “quản lý” hoàn toàn không đồng nghĩa với “quyền sử dụng” và “quyền sở hữu”.
Đất đai, tài nguyên, lãnh thổ… tất cả đều được và phải được nhà nước quản lý, kể cả tội phạm, vì đó là nhiệm vụ của nhà nước. Nhưng không có nghĩa là nhà nước tự tiện sử dụng trái văn bản pháp luật đã quy định. Chẳng hạn, con người nhà nước quản lý bằng hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Chiếc xe máy quản lý bằng hồ sơ, biển số, chứng nhận đăng ký, nhà đất nhà nước quản lý bằng sổ đỏ, sổ hồng…
Ông thử chỉ cho tôi xem có khu vực đất đai nào, đoạn lãnh thổ và tài sản nào mà nhà nước không quản lý hay không?
Ngay cả nhà ông, nhà nước cũng quản lý bằng sổ đỏ, bằng hồ sơ địa chính… vậy nhà nước vào đuổi ông ra ngoài để cho người khác ở mà không ý kiến, không đền bù thì có được không?
Ngay cả vợ tôi nhà nước cũng “quản lý” bằng hộ khẩu, bằng căn cước, nhưng không có nghĩa là nhà nước có thể cho người vào nhà tôi “sử dụng” vợ tôi.
Nếu các ông cho rằng đồng nghĩa từ “quản lý” là “sử dụng” “sở hữu” thì tại đây, tôi đề nghị với các ông ghi lại vào giấy cho tôi để tôi còn đề nghị với bên Từ điển tiếng Việt họ chỉnh sửa, bổ sung lại nghĩa của từ này.
Chúng tôi đồng ý việc nhà nước quản lý, nhưng đề nghị chính quyền làm rõ là quyền sử dụng và sở hữu đất đai, tài sản đó của chúng tôi ở đâu? Với cơ sở nào mà đất của Nhà thờ Thái Hà chúng tôi lại bị lấy đi giao cho người khác sử dụng?
Tất cả những điều này ông Trung chủ tọa không trả lời, giải thích hay cung cấp.
Nhà thờ yêu cầu xem xét văn bản báo cáo 387 của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã khẳng định: “Đất Hồ Ba Giang của Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà”. Ông Trung nói rằng: “Chúng tôi không bình luận về văn bản đó” (?). Quả là bó tay. Thậm chí ông còn nói một câu rất hài: “Kết luận của Đoàn Thanh tra liên ngành của Thành phố Hà Nội trước đây mục đích là khu đất Xí nghiệp may Chiến thắng”?
À thì ra vậy. Chắc hồi đó họ chưa được chỉ thị “làm phép” nốt đất Hồ Ba Giang? Vì thế mà có những chỗ nhỡ viết đúng sự thật? Bây giờ ông muốn lấy tiếp đất Hồ Ba Giang nên ông phủ nhận kết quả đó?
Rất tiếc cho ông là Đoàn Thanh tra liên ngành của Thành phố làm việc về đất đai Thái Hà, trong đó có những dữ liệu và đã thể hiện trong báo cáo xác định rõ: “đất Hồ Ba Giang của Dòng Chúa Cứu thế”.
Ông nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của chúng tôi” Tôi hỏi lại “Vậy đoàn thanh tra liên ngành ăn lương nhà nước là tiền của dân, chịu trách nhiệm với công việc của mình trước pháp luật không”? Nhưng ông đánh bài … lờ.
Đôi lúc ông Đào Trường Sơn làm công tác trật tự, cho người này nói, người kia không… ngay lập tức tôi phản đối: “Đề nghị anh Sơn không can thiệp, anh không phải là chủ tọa, anh không có quyền” để buộc ông ta ngồi im.
Cuộc họp hôm nay không thấy xuất hiện nhân vật bí mật, tóc xoăn mà ông Sơn bảo tên là Minh, nhân viên Ủy ban vào chỉ đạo ông Sơn và cuộc họp một cách lộ liễu, nhưng thỉnh thoảng khi gay cấn, một phụ nữ lại ghé tai ông Trung thầm thì…
Sau khi đề cập đến chứng cứ không được trả lời, đoàn Thái Hà nêu câu hỏi, ông Trung chỉ nói: “Chúng tôi đã xem xét các vấn đề các ông đưa ra trong quá trình trước đây”. Chỉ có thế, hoàn toàn không trả lời hoặc chứng minh bất cứ điều gì bên Thái Hà đề nghị trong cuộc gọi là “đối thoại” này. Hỏi điều gì ông cũng chỉ một câu: “Tôi nhắc lại, tôi trả lời là tôi… đã trả lời”.
Bỗng nhiên, các nhà quay phim, chụp hình chuyển chỗ từ phía ông Trung sang phía đối diện ông Trung. Người phụ nữ kia đến ghé tai nói nhỏ với ông Trung điều gì bí mật, và ông Trung rút ra văn bản viết sẵn… đọc kết luận.
Ngay lập tức, các phóng viên, quay phim, truyền hình nhộn nhạo chạy lại chĩa máy quay ghi từng lời ông Trung đọc theo bản giấy đã viết sẵn. Tự nhiên, chúng tôi thấy buồn cười cho cái chương trình đã cài đặt sẵn rất bài bản này.
Ông Trung cứ thế đọc, bất chấp thái độ của người “đối thoại” phản ứng ra sao. Khi ông đọc đến đoạn: “Vì vậy, việc linh mục Vũ Khởi Phụng đòi lại đất Thái Hà…” thì tôi đọc trước và rất to “Là không có cơ sở” thì cũng như cái cassete, ông Trung đọc lại “là không có cơ sở” đúng y chang. Cả đoàn chúng tôi và một số người cười như nắc nẻ. Hài hước thay.
Chúng tôi nghĩ rằng, nếu các phóng viên đưa đoạn phim đắt giá này lên Truyền hình thì thật là vui.
Nhìn cái cách ông Trung đọc, người ta liên tưởng đến những việc liên quan lãnh thổ thiêng liêng của đất nước thường được quay lại trên truyền hình mỗi khi có chuyện Trung Quốc gây hấn lấn chiếm biển đông: “Chúng tôi có đầy đủ cơ sở, bằng chứng”… và chỉ có thế.
Chỉ khác một điều: Với lãnh thổ thiêng liêng của cha ông, họ chỉ quay lại đoạn băng đó trên truyền hình, thế rồi thôi. Còn với đất của Giáo dân Thái Hà, thì đằng sau đoạn băng đó sẽ là công an, chó, dùi cui, xe cộ và phương tiện hùng hổ chiếm bằng được.
Toàn thể linh mục, giáo dân phản đối quyết liệt. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Bé còn phát biểu: “Tôi nghĩ là đêm qua ông mất ngủ nên mới viết ra cái kết luận này”. Còn Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thì “khâm phục”: “Ngài đã bỏ qua tất cả chứng cứ, nội dung chúng tôi đưa ra để ngay lập tức đọc kết luận có sẵn, vậy thì Ngài có bộ óc siêu đẳng, chúng tôi lạy Ngài.
Lẽ ra, Ngài nên để vài hôm rồi hãy nêu kết luận thế này cho có vẻ khách quan thì hơn”.
Nhưng ông Trung đã tuyên bố giải tán cuộc họp, không hề nhắc đến lập biên bản. Lúc đó là 5h30. Như vậy, quá trình gọi là “đối thoại” kể cả việc ông Trung hỏi đi hỏi lại, kể cả thời gian ông đọc văn bản kết luận và những ý kiến phản đối, tất cả chỉ có 1 giờ 15 phút.
Tôi có ý kiến cuối cùng: “Tôi cực lực phản đối quyết định áp đặt bỏ qua chứng cứ, ý kiến của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, hôm nay có bao nhiêu người có mặt trong buổi này, dù các anh làm nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo, thì tôi tin có bấy nhiêu người đồng cảm với sự bị áp đặt của chúng tôi hôm nay”. Tất cả hội trường im lặng.
Khi bắt tay ông Trần Việt Trung ra về tôi nói với ông trước tất cả mọi người: “Chào anh, tôi nghĩ rằng nếu anh còn có lương tâm, thì tôi tin đêm nay anh sẽ không ngủ”. Nhưng ông vẫn nở được một nụ cười, có lẽ đây là nụ cười mãn nguyện khi hoàn thành nhiệm vụ?
Nhìn nụ cười của ông, tôi biết là tôi nhầm, nếu ông có lương tâm, chắc những nhà đầu tư nhà Số 9 Đào Duy Anh đã không phải chấp nhận cắt bỏ đi hai tầng nhà với biết bao tiền của dù đã xin nộp 1,7 tỷ đồng mà ông vẫn nhơn nhơn nhắc dạy mọi người là “phải làm theo luật”.
Đó là kết quả, hay cách làm việc tất yếu của quá trình “đối thoại” với chính quyền Quận Đống Đa do một Phó Chủ tịch điều hành. Đây cũng là bài học về cách làm việc cho các nơi muốn áp đặt quan điểm, ý chí hoặc ý đồ của mình cho đối phương dựa trên một ngôn từ rất đẹp đẽ “ĐỐI THOẠI”.
Đó cũng là cách nhạo báng ngôn ngữ Việt Nam trong quá trình các cán bộ, chính quyền nhiều nơi và báo chí đã sử dụng.
Đã có nhiều ví dụ về vấn đề này vừa qua, chẳng hạn như: Tàu Trung Quốc bắn đuổi ngư dân Việt Nam trên biển VN = Tàu lạ. Dịch tả = Tiêu chảy cấp; phản đối Trung Quốc, bày tỏ lòng yêu nước = Xâm phạm an ninh Quốc gia, Quản lý = Sở hữu, sử dụng…
Và bây giờ là Đối thoại = Áp đặt một chiều bằng quyền lực, không chấp nhận ý kiến của người đối thoại.
Đối thoại: ngôn từ dễ nghe, nhưng chứa nhiều âm mưu?
Theo định nghĩa của từ điển Việt Nam, thì đối thoại có nghĩa là: “nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau, “(Hai vật cùng loại) ở vị trí ngay trước mặt nhau, thành thế cân xứng, bàn bạc. Thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm…”
Tuyệt đối trong các từ điển, không có bất cứ từ nào được định nghĩa là “Sự áp đặt ý kiến của bên này với bên khác, hoặc là từ dùng để chỉ cách thực hiện một âm mưu nào đó”.
Tuy nhiên, trong toàn bộ cuộc “đối thoại” chúng tôi được tham dự trên đây giữa UBND quận Đống Đa, thì tất cả những định nghĩa trên là chuyện vớ vẩn. Hoàn toàn không có chuyện như những lời lẽ “tốt đẹp” của ông Phó Chủ tịch Quận Đống Đa đã nói rất nhiều rằng đây là cuộc đối thoại “tôn trọng, dân chủ, lắng nghe, đối thoại, nghiên cứu, và khách quan cùng nhiều mỹ từ khác nữa”… Nhưng, cuối cùng thì cái kim đã lòi ra từ trong cái bọc khá kỹ. Biểu hiện là từ cách đón tiếp, bố trí, hạch hỏi, nội dung và kết luận đối với đoàn của Thái Hà hôm 24/9/2009.
Biểu hiện rõ nét hơn nữa là cái kết luận được ông viết sẵn từ nhà mang theo đến giờ là đọc vanh vách.
Điều đó khiến chúng tôi phải nghi ngờ từ điển Việt Nam, hoặc có thể với chính quyền Đống Đa và một số nơi khác, các định nghĩa ngôn ngữ Việt Nam đã được thay đổi? Tôi đã phải nói với ông Trung, Phó Chủ tịch Quận Đống Đa rằng: “Nếu buổi hôm nay mà các ông nói là “đối thoại”, thì ông đã nhục mạ, xuyên tạc và bôi xấu ý nghĩa hai chữ đó”. Nhưng ông ta vẫn nín thinh.
Thực chất mà nói, buổi gọi là “đối thoại” này, UBND Quận Đống Đa không chỉ nhạo báng ngôn ngữ Việt Nam, mà còn là sự nhục mạ đối với cộng đồng dân chúng, tôn giáo ở Thái Hà. Đồng thời là sự coi thường, coi khinh với cả một đội quân cán bộ đông đúc, báo chí, phóng viên và những người nếu còn có liêm sỉ trong phòng họp hôm đó, nhưng không một ai trong số đó dám lên tiếng?
Vì sao họ phải im lặng?
Tôi đã nghe trên báo chí rằng đến năm 2020, 100%cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý đều có bằng Tiến sỹ. Tôi cũng mong điều đó lắm, vì ông Trung này chắc cũng thuộc diện Thành Ủy quản lý. Hi vọng rằng đến khi đó, ông và những người như ông sẽ đủ trình độ ngôn ngữ để không “hiểu nhầm” các từ “quản lý, sử dụng, sở hữu, chuyển nhượng, bàn giao, đối thoại, áp đặt…” như hiện nay họ đang cứ nhầm lẫn mà dù có nói kiểu gì họ cũng không thể hiểu được. Phải chăng, đây là điển hình của hậu quả bệnh thành tích, chạy bằng, trong giáo dục những năm qua đang phát tác?
Bài học đã cũ nhưng vẫn đầy tính thời sự
Thực tế mấy chục năm qua, quá trình đối thoại đã dần dần thay thế đối đầu trên thế giới, đó là tín hiệu của Hòa Bình đáng khuyến khích. Ở Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình, công lý vẫn luôn mong muốn một con đường hiểu biết lẫn nhau theo phương châm “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.
Nhưng đừng ai ảo tưởng những điều không bao giờ có thật, không bao giờ xảy ra.
Qua cuộc “Đối thoại” này có thể rút ra những bài học, tuy đã cũ:
- Muốn đối thoại thật sự hai bên phải tôn trọng nhau. Nếu một bên dựa vào quyền lực, súng đạn, bạo lực cùng với tư tưởng tiêu diệt bên tay không, thì đừng hi vọng vào sự đối thoại, mà chỉ có van xin.
- Muốn có thể đối thoại thật sự, thì mỗi bên cần một thiện ý và sự chân thành nhất định. Khi đã dùng những âm mưu, thủ đoạn trong quá trình “đối thoại” thì sự “đối thoại” đó chỉ có nghĩa là thực hiện một âm mưu.
- Muốn đi theo con đường đối thoại, thì đối tượng mình cùng ngồi để đối thoại phải là một đối tượng biết đứng trên chính nghĩa, công lý và sự thật. Không ai có thể đối thoại với những thế lực đen tối bất chấp nhân tâm mà có kết quả đối thoại đi theo hướng đúng lương tâm, công lý. Những thành quả đạt được nếu có, cũng chỉ là những sự hoa mỹ ẩn giấu đằng sau đó là những sự thật không mấy ai muốn có.
Chúng tôi đã từng nghe nhiều người, dùng đến từ “đối thoại” như một cứu cánh để giải thích cho những hành động khó hiểu, che dấu đi sự khiếp hãi hoặc sự thỏa hiệp nào đó với cái xấu, cái ác.
Nhiều người đã cả tin theo sự bóng bẩy của ngôn từ này.
Nhưng kết quả của “quá trình đối thoại” của họ như thế nào thì dần dần đã được thực tế chứng minh.
Buổi đối thoại này cũng là bài học cho những ai còn cố níu lấy chiêu bài đối thoại, để che dấu thân phận của “Những con chim đang ẩn mình… chờ chết”.
Ra khỏi cửa UBND Quận Đống Đa, các giáo dân đứng chờ sẵn chào đón đoàn. Khi nghe kể sơ qua về cuộc “đối thoại”, một giáo dân bức xúc: “Không thể đối thoại, đừng đối đầu, nhưng phải đối mặt, anh ạ”
Đúng vậy, cần phải đối mặt, đối mặt với sự thật, công lý thì may ra xã hội mới có cơ hội phát triển, giáo hội mới có cơ hội khẳng định chính mình.
Hà Nội, Ngày 28/9/2009
No comments:
Post a Comment