Thursday, June 4, 2009

Only Religions Count in Vietnam’: Thich Tri Quang and the VN WAR- JAMES McALLISTER

‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Tri Quang and the Vietnam War

JAMES McALLISTER

“ Chỉ có tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam ” :

Thích Trí Quang và Chiến tranh Việt Nam

Trần Ngọc Cư (dịch)

Tóm tắt

Qua thời gian lâu dài, Thích Trí Quang vẫn là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Học giả bên cánh hữu thì cho rằng Trí Quang chắc chắn là tay sai cộng sản hoạt động theo chỉ thị của Hà Nội. Học giả bên cánh tả thì lí luận rằng Trí Quang là một lãnh đạo tôn giáo ôn hoà dấn thân cho dân chủ và quyết tâm đòi chấm dứt chiến cuộc nhanh chóng. Bài viết này cho rằng cả hai lối lí giải ấy đều không có tính thuyết phục. Như nhiều giới chức Hoa Kì đã kết luận đúng đắn ngay trong thời gian cuộc chiến còn diễn ra, không ai có bằng chứng vững chắc để nói được rằng Trí Quang là một công cụ của cộng sản hay chí ít là có thiện cảm với những mục tiêu của Hà Nội hay Mặt trận Dân tộc Gỉải phóng Miền Nam (MTDTGPMN). Nếu căn cứ vào những bằng chứng được lưu trữ qua các cuộc đàm thoại của Trí Quang với giới chức Mĩ thì rõ ràng là, Trí Quang thực sự có thái độ chống cộng mạnh mẽ và hoàn toàn chấp nhận việc Mĩ dùng sức mạnh quân sự đối với Bắc Việt và Trung Quốc. Yếu tố chính dẫn đến xung đột giữa phong trào Phật giáo và chính quyền Johnson là việc Trí Quang quả quyết rằng các chế độ quân sự tiếp theo Ngô Đình Diệm có thái độ thù nghịch với Phật giáo và thiếu khả năng đưa cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản đến một kết thúc thắng lợi.

Khó có thể xem nhẹ vai trò quan trọng của Thích Trí Quang trong việc tìm hiểu quá trình diễn biến của Chiến tranh Việt Nam. Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình phản kháng của Phật giáo tháng Năm 1963, Trí Quang đã đóng một vai chủ yếu trong việc sách động và duy trì cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài, một cuộc khủng hoảng cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Diệm vào tháng Mười Một 1963. Không chịu trở về với vị trí bên lề của trường chính trị sau khi Diệm và người em là Ngô Đình Nhu bị giết, Trí Quang tiếp tục vận dụng ảnh hưởng to lớn của mình lên sinh mệnh chính trị của Miền Nam bằng cách ban bố hay từ chối hậu thuẫn của mình cho nhiều chế độ quân nhân khác nhau, những chế độ đã điều hành quốc gia từ 1964 đến 1966.

Với khả năng hiển nhiên, bằng cách huy động cả Phật tử lẫn sinh viên tranh đấu, Trí Quang có thể đưa Miền Nam vào tình trạng vô chính phủ, chính quyền Johnson và chính phủ Miền Nam không còn lựa chọn nào khác hơn là nhìn nhận quyền lực và ảnh hưởng đáng sợ của ông. Được công nhận rộng rãi là lực tác động tinh thần và trí thức chủ yếu đằng sau phong trào tranh đấu Phật giáo, Trí Quang đã châm ngòi một loạt phản kháng mãnh liệt, một cao trào đã thực sự giành quyền kiểm soát vài thành thị miền Nam vào mùa xuân 1966. Mặc dù cả Trí Quang lẫn phong trào Phật giáo rộng lớn không trụ được như một thế lực chính trị hùng hậu sau cuộc khủng hoảng 1966, nhưng ít, nếu có, cá nhân nào ở Miền Nam có được ảnh hưởng to lớn hơn ông trên diễn biến của cuộc chiến Việt Nam trong thời kì từ 1963 đến 1966. Đáng tiếc là, các sử gia đương thời vẫn chỉ biết được rất ít ỏi về những mục tiêu và động lực chính trị của Trí Quang trong giai đoạn nghiêm trọng này của Chiến tranh Việt Nam. Cũng như nhiều yếu nhân khác ở Miền Nam, những nhân vật chính trị và tôn giáo như Trí Quang rõ ràng là ít được giới sử gia về quan hệ đối ngoại của Mĩ quan tâm; những sử gia này vẫn tiếp tục dành sự chú ý ưu tiên cho tiến trình hoạch định chính sách tại Washington, chiến lược quân sự hay những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh qua các cuộc đàm phán. Như George Herring đã nhận xét từ lâu : “Sự tương tác giữa người Mĩ và người Miền Nam Việt Nam là một trong những lãnh vực ít triển khai nhất trong kho tư liệu ngày một nở rộ về Chiến tranh Việt Nam. Người ta càng viết nhiều về cuộc chiến bao nhiêu, thì người Miền Nam càng nổi cộm vì sự vắng mặt của họ trong các sử sách bấy nhiêu, và cho đến nay hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về những quan hệ của họ với Hoa Kì ” (1). Sự thiếu quan tâm của giới học giả dành cho Trí Quang và cho mối quan hệ của ông với các giới chức Mĩ là điều đặc biệt đáng tiếc bởi vì chắc chắn không thiếu gì các nguồn tư liệu trực tiếp (primary sources) để các sử gia nghiên cứu. Các giới chức Mĩ thường xuyên gặp gỡ Trí Quang suốt những năm 1964 – 1966 ; những cuộc đàm thoại này đủ cung ứng một cái nhìn toàn diện về những tín lí của ông đối với hàng loạt vấn đề. Mặc dù Trí Quang trên một số mặt nào đó vẫn còn là một nhân vật mà giới sử gia khó nắm bắt, nhưng những tương tác giữa ông và giới chức Mĩ có thể cung ứng một nguồn tư liệu không thể thiếu và chưa được sử dụng đúng mức cho việc tìm hiểu cả phong trào Phật giáo lẫn sự thất bại chính trị to lớn của Mĩ tại Miền Nam (2).

Trí Quang là một nhân vật gây nhiều tranh cãi vào thời cao điểm của Chiến tranh Việt Nam, và hơn 40 năm sau ông vẫn còn như thế. Gần đây, một số sử gia đã duyệt xét lại nhân vật Trí Quang và phong trào Phật giáo và đã đi đến những kết luận rất khác nhau về mục tiêu và động lực của nhà sư này. Trong một bài viết khá sôi nổi công bố năm 2004, Mark Moyar cho rằng Trí Quang “ hoặc đã liên minh với Cộng sản, hoặc nếu không thì cũng nuôi hoang tưởng ông có thể chặn đứng Cộng sản mà không cần đến một chính quyền mạnh, thân Mĩ ” (3). Luận điểm đầu [tức Trí Quang liên minh với Cộng sản] rõ ràng là điều mà Moyar tin là gần với sự thật hơn. Trong cáo buộc cho rằng Trí Quang là tay sai Cộng sản, Moyar viết : “ Nhìn chung, chứng liệu (evidence) đã yểm trợ cho quan điểm này, mặc dù không có bằng chứng tuyệt đối (absolute proof) ” (4). Khi đưa ra luận điểm này, mặc dù với một hồ sơ tài liệu có thực chất hơn, Moyar cũng chưa hẳn đã khai mở được điều gì mới lạ cho sử học bởi vì các kí giả trong trong thời Chiến tranh Việt Nam như Marguerite Higgins, Richard Critchfield và Robert Shaplen cũng từng đưa ra luận điểm này khi họ viết về cuộc chiến (5). Tuy nhiên, như chính Moyar cũng nhìn nhận, các quan chức của chính phủ Mĩ, những người có đủ mọi lí do tự lợi (self-interested) để kết luận Trí Quang là Cộng sản, lại trước sau như một đã bác bỏ cách đánh giá này. Như các nhà phân tích của CIA đã kết luận tháng Chín 1964 : “ Không một ai trong số nhiều người Việt thù ghét Trí Quang, những kẻ chỉ chờ cơ hội để bôi nhọ ông, hay thậm chí những kẻ hoài nghi về động lực chính trị của ông, có thể đưa ra bằng chứng vững chắc về bất cứ liên kết nào hiện có giữa ông và Cộng sản (6) ”. Giới tình báo Mĩ và Sứ quán Mĩ ở Sài gòn không bao giờ do dự trong cách đánh giá của họ về những động lực chính trị của Trí Quang, ngay cả vào thời cao điểm của cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1966, mặc dù các viên chức quan trọng như Henry Cabot Lodge và Maxwell Taylor về sau này lại chấp nhận luận điểm của Moyar một cách trễ tràng và thiếu bằng chứng. Vào thời đó và cả ngay bây giờ, người ta vẫn có nhiều lí lẽ rất thuyết phục để phản bác luận cứ cho rằng Trí Quang cố tình làm tay sai cho Cộng sản hay thậm chí trên bình diện trí thức đã có thiện cảm với chương trình chính trị của MTDTGPMN. Sự thể về sau này Trí Quang bị chế độ Cộng sản hành hạ và phải sống trong tình trạng quản thúc ở Việt Nam thời hậu chiến chỉ là một trong nhiều lí do để hoài nghi luận điểm của Higgins/Moyar (7).

Quan điểm phê phán Trí Quang của Moyar bị chi phối bởi sự hậu thuẫn mạnh mẽ mà ông ta dành cho những người Miền Nam quyết tâm chống Cộng và chống MTDTGPMN. Một hình ảnh anh hùng và khả ái hơn nhiều của Trí Quang có thể được tìm thấy trong cuốn sách của Robert Topmiller, The Lotus Unleashed : The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966 (Hoa sen tự do : Phong trào Hoà bình Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam, 1964-1966). Vốn có nhiều thiện cảm với Trí Quang và thường chỉ trích gay gắt việc Mĩ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, Topmiller tin rằng mục tiêu chính của cánh Trí Quang trong phong trào Phật giáo là “ thành lập một chính phủ dân sự bằng các cuộc tuyển cử tự do với ý định mời MTDTGPMN tham gia một chính phủ trung lập ” (8). Theo cách mô tả của Topmiller, sự va chạm giữa chính quyền Johnson và Trí Quang phần lớn có gốc rễ trong những viễn kiến và thế giới quan xung khắc nhau. Phía Phật giáo và Trí Quang quyết theo đuổi hoà bình, dân chủ và muốn thương thuyết để tức thời chấm dứt cuộc chiến. Vì chính quyền Johnson chống lại quan điểm của phe Phật giáo về cuộc chiến, theo Topmiller, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trí Quang và người Mĩ rốt cuộc đã không đội trời chung. Mặc dù chắc chắn có nhiều điều đáng tiếp thu từ cách tường thuật của Topmiller về phong trào Phật giáo, nhưng tiểu sử Thích Trí Quang và mối quan hệ giữa ông và Hoa Kì còn nhiều chỗ phức tạp hơn những điều sử gia này muốn nói. Đặc biệt ở phần bàn về Thích Trí Quang trong thời gian trước khủng hoảng 1966, Topmiller hoàn toàn không đếm xỉa đến những chứng liệu (documentary evidence) đi ngược luận điểm của ông (9). Từ tường thuật của Topmiller, người ta không thể ngờ được rằng Trí Quang thường rất thân Mỹ và chống Cộng gay gắt, hoàn toàn không quan tâm đến những nguyên tắc phổ quát về dân chủ và tự do ngôn luận, và cực kì hiếu chiến trong quan điểm về phương sách điều hành cuộc chiến. Mặc dù hẳn nhiên là có một phong trào Phật giáo đối kháng quan trọng ở Miền Nam, nhưng người ta lại hoàn toàn sai lạc khi cho rằng “hoà bình” là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trí Quang. Trí Quang hiếm khi có luận điệu bênh vực cho một Miền Nam trung lập hay cổ vũ cho việc theo đuổi bất cứ một cuộc đàm phán nào với MTDTGPMN trước khi Hoa Kì và VNCH nắm được thế thắng trên chiến trường. Chắc chắn là, cả Trí Quang lẫn phong trào Phật giáo nói chung đôi khi có bày tỏ thái độ chống Mĩ và/hoặc hậu thuẫn một giải pháp trung lập rất mơ hồ cho cuộc chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cái hình ảnh quá giản lược về Trí Quang như một nhà dân chủ, dấn thân cho hoà bình với quyết tâm chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng hay, là luận cứ không thể đứng vững cũng như cái hình ảnh một Trí Quang tay sai của Cộng sản vậy. Trí Quang chẳng phải là một người Cộng sản, mà cũng chẳng phải là một người tranh đấu vì dân chủ và hoà bình. Ông là một nhân vật bị chính trị hoá cao độ, một người nhìn hầu hết mọi vụ việc ở Miền Nam Việt Nam qua lăng kính của một cuộc xung đột cơ bản tôn giáo giữa Phật giáo và Công giáo. Trí Quang cho rằng: “Ngay cả người Công giáo tốt cũng khó được lòng dân” (10). Dù đúng dù sai, Trí Quang đã chống lại nhiều chính phủ liên tiếp ở Miền Nam vì những lí do ít liên quan hoặc chẳng liên quan gì đến việc cố tình phá hoại nỗ lực chiến tranh, như giả thuyết của Moyar, hay liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh và thiết lập một chế độ dân chủ dân sự, như luận cứ của Topmiller. Trong khi các quan chức Mĩ muốn có một chính phủ ổn định ở Miền Nam trên hết và trước hết, thì Trí Quang lại muốn thấy một chế độ “cách mạng”, một chế độ mà ông định nghĩa là thực sự không còn ảnh hưởng của người Công giáo, tàn dư của Diệm hay Cần Lao. Tất nhiên, vấn đề chính ở đây là, Trí Quang thường hàm ý chỉ có một mình ông mới có thẩm quyền quyết định tính chính đáng (legitimacy) của các chế độ ở Miền Nam, cũng như quyền giải nhiệm những chế độ này nếu chúng không thoả mãn những đòi hỏi cuả ông. Xung đột giữa Trí Quang và chính quyền Johnson một phần lớn là vì Trí Quang muốn trở thành một nhân vật duy nhất có quyền lựa chọn lãnh đạo cho chính trường Miền Nam, chứ không phải vì quan hệ với Cộng sản, hay vì có khuynh hướng trung lập hay vì thiếu nhiệt tình chống cộng, như một số người đã gán ghép cho ông.

Thích Trí Quang và hậu quả cuả việc lật đổ Diệm

Những người hoạch định chính sách Mĩ ít khi bận tâm về vai trò chính trị của Phật giáo ở Miền Nam trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tháng Năm 1963, cuộc khủng hoảng rốt cuộc đã đưa đến việc lật đổ Ngô Đình Diệm vào cuối năm đó. Mặc dù các quan chức Mĩ không nghĩ rằng Phật giáo sẽ lặng lẽ trở về với vai trò phi chính trị mà Phật giáo đã giữ dưới chế độ Diệm, nhưng ít có dấu hiệu gì chứng tỏ người Mĩ quan ngại về khả năng xung đột với phong trào Phật giáo trong tương lai. Việc chính bản thân Trí Quang lãnh đạo một phong trào hầu như là nổi dậy chống chính quyền Miền Nam chưa đầy ba năm sau khi ông ta được phép tị nạn trong Toà Đại sứ Hoa Kì ở Sài gòn là điều người Mĩ không thể tưởng tượng nỗi. Dù sao đi nữa, bất chấp những lí do tự lợi khi cho Trí Quang tị nạn, chính quyền Kennedy và Đại sứ Henry Cabot Lodge Jr. cũng đã tự mình đứng hẳn về phiá Phật giáo trong cuộc tranh đấu của họ chống lại chế độ Diệm. Chính bản thân Trí Quang đã rõ ràng bày tỏ sự biết ơn của ông đối với hậu thuẫn của Mĩ. Trong thư riêng gửi cho Lodge để xin tị nạn trong sứ quán Mĩ, Trí Quang viết ông hi vọng “ đất nước của tự do ” sẽ không giao nộp ông cho chính phủ Diệm, “ nhất là khi Hoa Kỳ đang giúp nhân dân chúng tôi gìn giữ tự do ” (11). Chỉ ba tuần lễ sau cuộc đảo chánh thành công, ông hoan nghênh việc người Mĩ tiếp tục can thiệp vào nội tình Miền Nam với tất cả hăng say, không một chút e dè. Trong khi phân ưu về cái chết của Tổng thống Kennedy, Trí Quang nói với một viên chức Toà Đại sứ Mĩ rằng Hoa Kì “phải tiếp tục sử dụng và gia tăng ảnh hưởng tốt đẹp của mình để ngăn ngừa khả năng có thêm đảo chánh hay chế độ Diệm hồi sinh và để, nếu cần, bảo vệ nhân dân Việt Nam khỏi những lạm quyền của chính phủ họ”. Khi được giải thích một phát biểu như thế có thể dấy lên nỗi sợ hãi chính đáng về chủ nghĩa thực dân Mĩ, Trí Quang cho rằng Hoa Kì không nên lo sợ những luận điệu như thế bởi vì “ nhân dân sẽ thực sự cảm thấy an ninh hơn khi biết Hoa Kì hành động như một người bảo hộ ” (12).

Mặc dù Trí Quang không lo ngại gì về chủ nghĩa thực dân Mĩ vào tháng Mười Một 1963, nhưng từ đầu ông đã bận tâm về bản chất của chế độ Miền Nam, cái chế độ vừa thay chế độ Diệm. Thật ra, tất cả nguyên nhân căng thẳng trong tương lai giữa Trí Quang và chính phủ Mĩ đã có sẵn từ ban đầu. Chính quyền Johnson kì vọng rằng cuộc đảo chánh lật đổ Diệm sẽ dẫn đến sự đoàn kết quốc gia rộng rãi hơn và mang lại một chính phủ ổn định có khả năng theo đuổi cuộc chiến hữu hiệu hơn trước. Chỉ nội cái việc nghiêm khắc duyệt xét bản chất của chế độ Diệm, đừng nói chi đến việc thanh lọc bộ máy hành chính và quân sự, trên cơ bản sẽ mâu thuẫn với mục tiêu ổn định bởi vì hầu như mọi viên chức trong chính phủ và quân đội Miền Nam trong một cách nào đó đều có thể mang nhãn hiệu là tàn dư của Diệm (a former Diemist). Hoặc vì xác tín hoặc vì nhu cầu chiến thuật, chính quyền Johnson bác bỏ ý kiến cho rằng chính phủ Miền Nam cần được cải tổ triệt để hoặc cần phải thanh lọc nhân viên. Nhưng, Trí Quang không bao giờ chấp nhận quan niệm cho rằng cuộc xung đột tôn giáo và điều ông cho là cuộc đàn áp Phật giáo bởi bàn tay của người Công giáo là một vấn đề được giải quyết dứt khoát bằng việc lật đổ Diệm-Nhu. Mặc dù tuyên bố rằng ông sẽ thẩm định chính phủ mới trên cơ sở thành thích hoạt động, nhưng Trí Quang lo ngại rằng bản thân nhiều thành viên trong nhóm âm mưu đảo chánh vốn là người của Diệm. Ông lí giải rằng sở dĩ họ tham gia đảo chánh “ bởi vì họ sợ Diệm và Nhu làm mất lòng Hoa Kì hơn là vì chính bản thân họ tin rằng chế độ cũ cơ bản là sai trái ” (13). Khoảng tháng Mười Hai 1963, Trí Quang đã bày tỏ với một số viên chức Hoa Kì rằng ông sẽ hoan nghênh một cuộc đảo chính nữa nếu biến cố này có thể lật đổ Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ, một nhân vật quan trọng trong chế độ Diệm (14).

Không có gì chứng tỏ rằng Trí Quang đã đóng bất cứ một vai trò nào trong cuộc đảo chánh lật đổ Tướng Dương Văn Minh vào tháng Giêng 1964. Một số sử gia, như George McT. Kahin và Robert Topmiller, lí luận rằng Minh bị lật đổ bởi vì ông có những mưu toan chấm dứt chiến tranh và có ý định sẵn sàng chấp nhận một Miền Nam trung lập hoá. Cả Kahin lẫn Topmiller tin rằng chí ít Minh cũng nhận được hậu thuẫn ngấm ngầm của giới lãnh đạo Phật giáo trong việc tìm một lối ra khỏi cuộc chiến ngày một lan rộng tại Việt Nam (15). Quan điểm này có vài mức độ khả tín vì người đứng đầu cuộc đảo chính, Tướng Nguyễn Khánh, lúc bấy giờ đã tuyên bố rằng ông thực hiện cuộc đảo chánh chính vì ông lo ngại Minh và một số tướng lãnh khác có thái độ thân Pháp và nghiêng về chủ trương một Việt Nam trung lập. Tuy nhiên, lối lí giải này có vấn đề là, ít ai tưởng tượng được rằng Minh đã tích cực theo đuổi một giải pháp trung lập để chấm dứt cuộc chiến. Như David Kaiser đã nhận xét đúng đắn, cho đến nay người ta vẫn chưa thấy xuất hiện chứng liệu vững chắc hậu thuẫn cho những lí lẽ mà Nguyễn Khánh đưa ra, rằng Minh đang liên minh với Pháp để tiến tới một giải pháp trung lập cho Việt Nam (16).

Mặc dù cái gọi là cuộc xung đột giữa Tướng Khánh diều hâu và Tướng Minh Phật tử chủ hòa rất có thể chỉ là một cuộc xung đột có tính huyền thoại, nhưng vào đầu năm 1964, quan điểm của cá nhân Trí Quang về bản chất cuộc chiến tại Việt Nam thì gần gũi với quan điểm được công bố của Tướng Khánh hơn là gần gũi với quan điểm trung lập được rêu rao là của Tướng Minh. Trong các cuộc đàm luận với một số viên chức Mĩ vào đầu năm 1964, Trí Quang quan tâm nhiều về việc điều hành cuộc chiến có hiệu quả hơn là quan tâm đến việc chấm dứt chiến tranh. Mặc dù thoạt đầu ông chống lại quan niệm cho rằng cần phải có các vị tuyên úy trong quân đội Miền Nam, nhưng vào thời điểm này Trí Quang lại nghĩ rằng quân đội cần đến các tuyên úy Phật giáo và Công giáo để nâng cao “tinh thần chống Cộng” của binh lính (17). Cũng như Khánh và những tướng lãnh chủ chiến thân cận với Khánh, Trí Quang rất quan ngại về những nỗ lực được cho là của nước Pháp muốn tái khẳng định quyền lực ở trong vùng. Thật vậy, không một nhà lãnh đạo Việt Nam nào trước sau như một bày tỏ sự thù nghịch đối với ảnh hưởng của Pháp mãnh liệt như Trí Quang. Ông nói với các viên chức Mĩ, nếu Pháp trở lại Việt Nam, điều này sẽ dẫn đến “cái chết của chính cá nhân ông cũng như dẫn đến sự trỗi dậy của Công giáo, gây phương hại cho Phật giáo Việt Nam” (18). Sau cùng, bất chấp ý nghĩa quan trọng hiển nhiên của tinh thần bất bạo động trong tín lí Phật giáo, Trí Quang ủng hộ một đường lối quân sự mạnh mẽ. Trong một buổi đàm luận với J.D. Rosenthal của Toà Đại sứ Mĩ ở Sài gòn vào tháng Tư 1964, “Trí Quang chủ động nói rằng ông sẽ chấp nhận ý kiến cho quân vượt qua biên giới, tiến vào lãnh thổ Lào để cắt đứt đường tiếp tế của Việt Cộng, và ông cũng rất hồ hởi về trận dội bom ban đêm đầu tiên của Không quân Việt Nam nhắm vào các căn cứ VC. Tôi hỏi ông nghĩ gì về khả năng tấn công Bắc Việt, thì ông nói ông ủng hộ việc đó nếu cuộc tấn công có thể được thực hiện mà không lôi kéo Nga hay Trung Cộng vào cuộc chiến ” (19).

Cũng dễ hiểu là các giới chức Hoa Kì lo ngại về nhiều khía cạnh của tình hình Việt Nam vào đầu năm 1964, nhưng họ không mảy may lo ngại khả năng phong trào Phật giáo có thể chuyển qua một chiều hướng thiên trung lập và chống Mĩ. Trong một phân tích quan trọng về tình hình Phật giáo từ khi chế độ Diệm sụp đổ, Đại sứ quán Mĩ kết luận rằng tất cả các lãnh đạo Phật giáo cấp cao đều có khuynh hướng thân Mĩ và rằng dù đến một lúc nào đó phong trào có bị giới lãnh đạo “cơ hội chủ nghĩa” chi phối, thì những mục tiêu của phe Phật giáo và của Hoa Kì vẫn còn tương hợp vì cả hai phía đều sợ trung lập và sợ sự thống trị của cộng sản (20). Dấu hiệu đầu tiên về sự xung đột giữa Trí Quang và Hoa Kì loé lên là do các vụ án xử Ngô Đình Cẩn, em trai của Diệm, người đã cai trị Miền Trung bằng bàn tay sắt, và Thiếu tá Đặng Sỹ, một sĩ quan quân đội đã ra lệnh nổ súng vào các Phật tử biểu tình tháng Năm 1963. Vì sợ rằng người Công giáo Mĩ và dư luận thế giới phản đối chế độ mới nếu chế độ này có vẻ như đang tiến hành cùng một dạng thức đàn áp tôn giáo mà Diệm đã thực hiện trước đó, Lodge muốn Khánh phải tự kiềm chế và xoa dịu những cuồng nộ chừng nào hay chừng ấy. Chẳng lạ gì, chính phủ Khánh cũng sợ mang tiếng là quá dung túng người chế độ Diệm và không chịu lắng nghe những kêu đòi công lí cuả phe Phật giáo. Rõ ràng là, chính vì sự kiện cả Cẩn và Thiếu tá Đặng Sỹ đã gây tội ác trên căn cứ địa Miền Trung của ông và ở thành phố Huế mà Trí Quang đã bác bỏ bản án khoan hồng. Khi khuyến cáo Lodge uy tín của ông đại sứ sẽ bị tổn thương nếu dân chúng biết được ông chống đối việc xử tử Cẩn, Trí Quang cho rằng việc xử tử Cẩn là điều cần thiết để chứng tỏ rằng “đám người cũ của Diệm” không còn quyền lực. Trong một cuộc gặp gỡ Lodge vào tháng Tư 1964, Trí Quang cảnh báo rằng cuộc chiến đấu chống cộng và hậu thuẫn của Phật giáo dành cho Hoa Kì sẽ bị suy giảm nếu Cẩn không bị hành quyết (21).

Giới chức Mĩ rất quan ngại về việc Trí Quang chống đối chế độ Khánh, nhưng họ để ngoài tai những báo cáo cho rằng hành động chống đối này phát xuất từ những móc nối mờ ám với cộng sản. Tháng Năm 1964, Lodge gửi về Washington một báo cáo từ một nguồn tin cho rằng phong trào Phật giáo đang bị cộng sản lợi dụng nhằm kích động tình cảm chống Mĩ trên khắp Miền Nam. Mặc dù ca ngợi nguồn tin của mình là một người trong quá khứ đã từng đưa tin “cực kì chính xác”, nhưng Lodge vẫn thận trọng ghi lại ý kiến riêng là ông cảm thấy bản báo cáo này đã “nói quá đáng” (22). Lodge và nhiều viên chức khác e ngại rằng Trí Quang “có tiềm năng của một người gây rối loạn” (a potential troublemaker) và lo lắng khi thấy Trí Quang tỏ ra chống Công giáo hăng say hơn chống cộng ; nhưng điều này chưa hẳn có nghĩa là những bất đồng với Trí Quang tiêu biểu cho những vấn đề có tầm mức nghiêm trọng (23). Lodge rất lạc quan về quan hệ của Mĩ với phe Phật giáo sau một bữa ăn rất thân mật với Trí Quang và các chức sắc hàng đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vào cuối tháng Năm 1964. Mặc dù Trí Quang vẫn là một nhân vật chính trị có tiềm năng nguy hiểm, nhưng Lodge nghĩ rằng Trí Quang vẫn còn biết ơn Hoa Kì đã cứu mạng và còn chấp nhận ảnh hưởng của Mĩ. Trong một cách thế gần như là một nỗ lực nhằm trấn an viên đại sứ Mĩ, một cách thế mà một chính trị gia lão luyện như Lodge chắc phải biết, Trí Quang và các lãnh đạo khác của Phật giáo nói rõ rằng mặc dù quan điểm thân Mĩ của họ là thành thật, nhưng “người Mĩ đừng kì vọng họ có thể bộc lộ công khai, vì làm như thế có nghĩa là làm hỏng vai trò tôn giáo cuả họ” (24). Thật vậy, Trí Quang lí giải với một số viên chức Mĩ vào cuối tháng Năm 1964 rằng việc một vài phần tử trong báo giới nước ngoài chụp mũ ông cộng sản là một điều có lợi, vì nó giúp ông “ hoạt động hữu hiệu hơn trong nỗ lực âm thầm chống lại ảnh hưởng của Việt Cộng trong giới tín đồ đã biết rất rõ bản thân ông không phải là cộng sản ” (25). Trí Quang vẫn không chịu làm hoà với chính phủ Nguyễn Khánh, một chính phủ mà ông cho là chưa thật sự cách mạng vì nó không chịu mạnh tay đối với tàn dư của chế độ Diệm. Nhưng mặt khác, Trí Quang lại rất thoải mái với giọng điệu ngày một hiếu chiến về một cuộc “bắc tiến” mà Khánh và các tướng lãnh hô hào vào mùa hè 1964. Dù nhìn nhận rằng một nhà lãnh đạo Phật giáo mà cổ vũ bạo lực là điều bất thường, nhưng Trí Quang vẫn bênh vực “ những biện pháp quân sự mạnh mẽ ” vì ông cho rằng “ nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài ở mức độ hiện nay con số tổn thất nhân mạng sẽ cao hơn so với sự thiệt hại do một trận đánh chớp nhoáng hơn dù trong khoảnh khắc có thể đẫm máu hơn ” (26=. Khi Mỹ cho máy bay tấn công Miền Bắc tháng Tám 1964, Trí Quang nói với một viên chức Toà Đại sứ rằng hàng lãnh đạo Phật giáo cũng như “nhân dân” đều tán thành những cuộc tấn công đó vì sử dụng biện pháp quân sự mạnh mẽ có nghĩa là biểu lộ “quyết tâm” của chúng ta (27).

Dù ông ủng hộ hành động quân sự chống lại Bắc Việt, nhưng chẳng bao lâu Trí Quang trở thành chướng ngại lớn nhất cho chính quyền Johnson trên bước đường tiến tới việc điều hành cuộc chiến quyết liệt hơn. Ngay sau đợt Mĩ dội bom Miền Bắc, Tướng Khánh tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ, một sắc lệnh cho phép chính phủ ông dùng công an để kiểm soát toàn diện mọi sinh hoạt chính trị. Phản ứng ban đầu của Trí Quang đối với sắc lệnh này là ủng hộ, nhưng ông lại sợ Khánh “ không đủ khôn ngoan hoặc đủ mạnh để thực thi sắc lệnh mới một cách hữu hiệu ”. Theo ý ông, dân chúng chỉ ủng hộ quyền hành mới của Khánh nếu viên tướng này chịu sử dụng nó để nhiên hậu thực thi “cuộc cách mạng” và triệt hạ toàn bộ dư đảng Cần Lao và giới thân cận chế độ Diệm (28). Liền sau khi Khánh ban hành bản hiến pháp mới, gọi là Hiến chương Vũng Tàu, Trí Quang đi đến kết luận dứt khoát là Khánh không muốn thực hiện cuộc “cách mạng”. Nếu Khánh không chịu tự nguyện làm điều phải làm, Trí Quang thông báo cho Toà Đại sứ Mĩ biết, Phật tử không còn con đường nào khác hơn là lao mình vào một cuộc vận động “bất hợp tác”, điều này có nghĩa là buộc Khánh phải lựa chọn dứt khoát giữa một bên là giới Phật tử và bên kia các sĩ quan quân đội mà Trí Quang cho là đảng viên Cần Lao hoặc Đại Việt. Bởi vì nhìn từ bên ngoài không có sự khác biệt giữa bị cộng sản hay bị Cần Lao đàn áp, Trí Quang cảnh báo, đồng bào Phật tử sẽ rút lui khỏi cuộc chiến đấu chống cộng và phó mặc cho người Mĩ và người Công giáo đánh giặc một mình nếu Khánh không thanh lọc chính phủ của ông ta (29).

Nếu những nhà hoạch định chính sách Hoa Kì có mối hoài nghi nào về sức mạnh của Trí Quang trong việc khuynh loát tình hình chính trị Miền Nam, thì những hoài nghi đó chắc chắn bị xua tan bởi những cuộc phản kháng và biểu tình bạo động bộc phát trong nhiều thành thị Việt Nam vào cuối tháng Tám 1964. Ảnh hưởng của Trí Quang lên nội dung của những cuộc phản kháng này thật là rõ nét bởi vì một trong những mối bất bình chính được những người biểu tình bày tỏ là, họ nhận thấy có quá nhiều người thân cận với Diệm trước đây trong chính phủ hiện tại. Giới chức Mĩ muốn Khánh hành động quyết liệt để vãn hồi trật tự ở Sài Gòn và nhiều thành phố khác, nhưng thay vì như vậy Khánh lại quyết định gần như đặt tương lai của chế độ ông vào trong tay Trí Quang và phe Phật giáo. Trước sự vô cùng sửng sốt của Toà Đại sứ Mĩ và giới lãnh đạo quân sự Miền Nam, Khánh không muốn liều lĩnh đương đầu một mất một còn với Trí Quang. Theo quan điểm của Trung tướng Trần Thiện Khiêm, những đòi hỏi của Trí Quang được dân chúng tin theo quá nhiều khiến Khánh không thể làm ngơ : “ Khánh cảm thấy không còn lựa chọn nào hơn là phải chấp nhận, vì thanh thế của Trí Quang lớn đến nỗi ông không những có thể sách động dân chúng chống chính phủ mà còn tác động lên hiệu năng của toàn quân ” (30).

Các giới chức Hoa Kỳ thường xuyên tiếp xúc với Trí Quang suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và nhiều lần cố gắng một cách vô ích nhằm thuyết phục ông ta từ bỏ cuộc đối đầu công khai. Khác với lúc xảy ra cuộc khủng hoảng 1963, bây giờ các quan chức Hoa Kì nhận thấy gần như không có bằng chứng cụ thể để bênh vực những ta thán của phe Phật giáo là họ bị chính phủ Khánh đàn áp. Đợt phản kháng và biểu tình tái diễn chẳng bao lâu sau vụ Mĩ dội bom Bắc Việt, điều mà chính Trí Quang đã cổ vũ trước đây, bị nhiều giới chức Mĩ coi như thiển cận và là một hành vi phản bội. Các giới chức Mĩ cho rằng tình hình Miền Nam nguy ngập đến nỗi mọi bất đồng giữa Phật giáo và Công giáo cần phải đặt dưới ưu tiên của cuộc chiến đấu chống lại “kẻ thù chung” là Việt Cộng và Bắc Việt. Ngược lại, Trí Quang cho rằng giai đoạn đầu tiên và cần thiết của cuộc chiến đấu đòi hỏi phải thanh lọc triệt để Chính phủ VNCH trước khi có thể đạt được bất cứ tiến bộ nào trong nỗ lực chống lại cộng sản và những người ủng hộ CS. Mặc dù Trí Quang không đạt được mục tiêu thanh lọc hoàn toàn và triệt để mọi phần tử bị cho là người của chế độ Diệm ra khỏi Chính phủ VNCH, nhưng chính quyền Khánh bị tê liệt và người ta không còn biết rõ ai là kẻ đang thực sự kiểm soát công việc chính phủ ở Sài Gòn.

Quá bối rối trước tình hình hỗn loạn ở Miền Nam, các nhà phân tích CIA bèn khởi động một nỗ lực nghiêm túc nhất nhằm xác định thực chất các mục tiêu và ý định của Trí Quang. Khỏi cần phải nói, việc đánh giá lại những động lực chính trị của Trí Quang không làm cho người Mĩ yên tâm lắm. Trong hai bản tường trình rất dài, Trí Quang được mô tả là một kẻ mị dân, cực kì chống Công giáo, một người theo chủ nghĩa quốc gia cuồng tín, và một kẻ vĩ cuồng (megalomaniac) với mục tiêu tối hậu là thành lập ở Miền Nam một chế độ thần quyền Phật giáo (31). Nhân viên CIA còn tin rằng cuối cùng Trí Quang sẽ đòi trục xuất các lực lượng Mĩ ra khỏi Việt Nam và rằng ông ủng hộ một dạng thức trung lập nào đó, mặc dù họ nói thêm rằng quan niệm trung lập của ông khác xa với chủ nghĩa trung lập của De Gaulle. Mặc dù những báo cáo này có vẻ báo động và những đánh giá của CIA chắc chắn có mục đích gia tăng mối quan tâm nghiêm túc, nhưng những nhà phân tích này vẫn bác bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang hoặc là một cán bộ cộng sản hoặc là có thiện cảm với cuộc chống đối vũ trang tại Miền Nam. Sau khi đánh giá kĩ lưỡng các bằng chứng do nhiều người chỉ trích Trí Quang đưa ra, CIA kết luận rằng không có bất cứ bằng chứng vững chắc nào để xác nhận giá trị của những luận cứ cho rằng ông ta chịu ảnh hưởng của cộng sản. Nhìn vào bản chất cá tính của Trí Quang, nhân viên CIA kết luận: “ Khó mà tưởng tượng được Trí Quang chịu làm 'tay sai' cho bất cứ ai, dù đó là Hà Nội, Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa ” (32). Vì bất cứ một nỗ lực nào nhằm triệt hạ Trí Quang khỏi sân khấu chính trị Việt Nam sẽ gặp thất bại thảm hại, CIA kết luận rằng ông ta là một “thực tế” không thể bỏ qua được vì “ bất cứ một chế độ chống cộng nào ở Miền Nam muốn có cơ may tồn tại đều phải được Trí Quang ủng hộ hay chí ít, chấp nhận ” (33).

Sau khi cuộc khủng hoảng chính trị tháng Tám 1964 lắng dịu, Trí Quang đã làm một ngoại lệ là trấn an các viên chức Toà Đại sứ rằng ông không chống đối việc Mĩ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ Miền Nam. Fredrik Logevall cho rằng : “ [Trí] Quang và các phần tử tranh đấu Phật giáo khác cũng phản đối sự gia tăng liên tục ảnh hưởng của Mĩ ở Miền Nam và họ càng ngày càng công khai chống lại việc đó trong nửa năm sau của 1964 ” (34). Nhưng, một nhận xét như vậy về Trí Quang lại tương phản với quan điểm ông ta luôn luôn bày tỏ với nhiều viên chức Toà Đại sứ trong thời gian từ tháng Chín đến tháng Mười Một 1964. Theo Trí Quang, việc đả kích Chính phủ VNCH là hoàn toàn chính đáng, nhưng ông cho rằng các đoàn thể Phật tử phải tránh chỉ trích Hoa Kì “ bởi vì viện trợ Mĩ tuyệt đối cần thiết cho cuộc chiến đấu chống cộng ” (35). Khi một thanh niên Phật giáo bị bắt vì phân phát tài liệu chống Mĩ vào đầu tháng Chín, Trí Quang bèn cố gắng thuyết phục người Mĩ không nên quảng diễn sai lầm về hành vi đó. Trí Quang lí giải : “ Tín đồ Phật giáo nhất định là không chống Mĩ; trái lại, họ rất tin tưởng thành tâm thiện chí của người Mĩ ở Việt Nam, nếu đem so sánh với sự ngờ vực sâu xa của họ đối với người Pháp và người Anh, và họ hoàn toàn nhận chân được sự cần thiết phải duy trì hậu thuẫn của Mĩ ở nơi đây ” (36). Trí Quang cũng thanh minh với giới chức Mĩ rằng họ không nên quan tâm về một loạt bài bình luận trên tạp chí Hải Triều Âm của Phật giáo, những bình luận mang luận điệu cổ vũ một đường lối trung lập đặt MTDTGPMN ngang hàng với Chính phủ VNCH. Theo lời Trí Quang, tác giả loạt bài bình luận sau đó đã bị giải nhiệm vì bài viết thiếu chất lượng của ông đã khiến phong trào Phật giáo bị hiểu lầm là đi theo trung lập (37).

Trí Quang bày tỏ quan điểm với viên chức Mĩ về vấn đề “trung lập” vào tháng Chín 1964, và theo giả thuyết của CIA, quan điểm của ông khác hẳn chế độ trung lập do Pháp đưa ra. Trí Quang tin rằng “ thuần tuý trung lập tự thân không nhất thiết là xấu ” nhưng ông chống lại bất cứ chế độ trung lập nào cho phép ảnh hưởng của Pháp trở lại trên đất nước Việt Nam (38). Hơn nữa, ông cho rằng các giới chức Mĩ cần phải nhìn nhận có nhiều loại trung lập khác nhau. Chế độ trung lập yếu ớt của Căm-pu-chia là tệ hại vì nó bị cộng sản lợi dụng, trong khi chế độ trung lập tại Ai Cập lại “ thẳng tay dập tắt đám cộng sản địa phương ” (39). Trí Quang cũng nhấn mạnh ông không ủng hộ những lời kêu gọi trung lập hiện nay của một số Phật tử. Khi người Mĩ bày tỏ mối bất bình với bản dự thảo do Đại đức Thích Quảng Liên đưa ra, kêu gọi các lực lượng Mĩ lẫn Việt Cộng phải rút khỏi Miền Nam, Trí Quang bèn trấn an họ rằng Quảng Liên đã được chỉ thị huỷ bỏ dự án đó và rằng ông ta có nguy cơ mất luôn chức vị trong phong trào nếu ông không chịu (40).

Chắc chắn các sử gia Chiến tranh Việt Nam thường bị cám dỗ coi sự trỗi dậy trở lại của phong trào Phật giáo vào tháng Tám – tháng Chín năm 1964 như là một phong trào hoà bình mới được khai sinh để phản đối chiến tranh và vai trò của Mĩ ở Miền Nam. Tuy nhiên, người viết sử cũng nên chống lại cám dỗ này, đặc biệt là nếu quan điểm của Trí Quang được trình bày để làm chỗ dựa chính cho luận điểm này. Kể từ khi Trí Quang ra khỏi Toà Đại sứ Mĩ tháng Mười Một 1963, mục tiêu đả kích chủ yếu của ông, trước sau như một, là vai trò quá nổi bật của người chế độ Diệm trong Chính phủ VNCH và sự thiếu quyết tâm của chế độ mới trong việc thanh lọc những phần tử này. Mũi tập trung vào các vấn đề quốc nội này cũng tiếp tục nổi bật trong những bài diễn văn hiếm hoi của ông trước công chúng. Trong một diễn từ tại Chùa Từ Đàm vào ngày 1 tháng Mười, cũng như trong một thư ngỏ gửi Phật tử đăng tải hôm sau trên báo Lập Trường, Trí Quang thậm chí không hề nhắc đến cuộc chiến đang xảy ra (41). Nếu có một người nào đọc bài diễn văn và bức thư ngỏ của Trí Quang mà không mảy may hay biết gì về Chiến tranh Việt Nam, người đó sẽ kết luận chắc nịch rằng cuộc xung đột đang xảy ra chỉ là một cuộc nội chiến giữa một bên là tín đồ Phật giáo và bên kia được gọi là bọn Cần Lao áp bức. Người Mĩ, Việt Cộng và Bắc Việt thậm chí không giữ được những vai phụ biên (peripheral players) trong các phát biểu quan điểm công khai của Trí Quang.

Khi Trí Quang bàn chuyện với các giới chức Hoa Kì trong giai đoạn này về chiến tranh và tình hình quốc tế, quan điểm trước sau như một của ông vẫn là chống cộng và thân Mĩ. Trong một phát biểu mà chắc nhiều người phản chiến cũng biểu đồng tình, Trí Quang đã trấn an giới chức Hoa Kì rằng bản thân ông và tín đồ Phật giáo không bao giờ bài Mĩ, “ mặc dù đôi khi họ phản đối một số chính sách nhất định nếu xét thấy những chính sách đó sai lầm hay thiếu khôn ngoan ” (42). Tháng Mười 1964, Trí Quang cam đoan với giới chức Hoa Kì rằng bản thân ông và phong trào Phật giáo từ nay sẽ dồn hết tâm trí vào sự nghiệp chống cộng. Với viễn cảnh đầy hứa hẹn về một chính phủ dân chủ hơn và sự thất bại của Hiến chương Vũng Tàu của Khánh, Trí Quang tin rằng Phật tử từ nay có thể “ hướng nỗ lực chính vào việc chống cộng ” (43). Mối quan ngại của Trí Quang về chủ nghĩa cộng sản vượt cả ra ngoài biên giới Việt Nam. Sau khi Trung Quốc có bom nguyên tử, Trí Quang nghĩ rằng tín đồ Phật giáo cần phải “ hoạt động trên trường quốc tế nhằm hỗ trợ cho việc tạo sức đề kháng của Phật giáo chống lại sự bành trướng của cộng sản tại Đông Nam Á ” (44). Theo ông, khả năng về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đòi hỏi phải “ tăng cường gấp bội khả năng chiến tranh quy ước của Mĩ cũng như gia tăng sức mạnh tự vệ của chính các nước châu Á nhằm chống lại sự bành trướng và xâm nhập của Trung Quốc ”. Đối với Trí Quang, mối quan tâm về Trung Quốc nghiêm trọng đến nỗi ông muốn xuất ngoại để nói với Phật tử các nước khác về “ sự cần thiết phải duy trì sự hiện diện của Mĩ ở châu Á ” (45). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như khoảng tháng Mười Một năm 1964, giới chức Hoa Kì vẫn rất hài lòng với tư duy và ý kiến chính trị của phong trào Phật giáo : “ thái độ của giới Phật tử khá thuận lợi và sự cần thiết của sự hiện diện của Mĩ ở Việt Nam và ở những nước châu Á khác được họ nhìn nhận ” (46).

Tuy nhiên, sự đằm thắm tương đối trong quan hệ của Mĩ đối với Trí Quang sau cuộc khủng hoảng tháng Tám chỉ là một sự lắng dịu tạm thời trước khi nổ ra một cơn bão tố thậm chí mãnh liệt hơn. Bề ngoài, Trí Quang và phong trào Phật giáo tỏ vẻ hoan nghênh sự chuyển tiếp sang một chế độ dân sự mới, nhưng chẳng mấy chốc sự thể trở nên hiển nhiên là, một số phần tử trong phong trào Phật giáo quay ra phản đối vị thủ tướng mới, Trần Văn Hương. Sự xuất hiện nhanh chóng phong trào chống đối Hương làm cho người Mĩ tưng hửng vì trong quá khứ Hương là người đã sớm lớn tiếng chỉ trích chế độ Diệm. Vào ngày 30 tháng Mười chính Trí Quang cũng đã bày tỏ với người Mĩ sự hậu thuẩn của ông dành cho Hương, nhưng chưa được một ngày sau đó ông thay đổi ý kiến, nói rằng bây giờ ông đồng ý với những kẻ cho rằng Hương “ quá già nua, thiếu khả năng, không có chương trình hành động rõ ràng và bị bọn chính khách xôi thịt vây quanh ”(47). Việc Hương nhấn mạnh các trọng điểm như vãn hồi trật tự xã hội và đặt tôn giáo ra ngoài chính trị và học đường cũng đổ thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh của Phật giáo nhắm vào chế độ ông. Vào cuối tháng Mười Một 1964, phong trào Phật giáo ở Sài Gòn cổ vũ những cuộc biểu tình nhằm buộc Hương từ chức thủ tướng.

Phong trào Phật giáo thường được các sử gia coi như là bị phân hóa giữa một cánh ôn hoà do Thích Tâm Châu lãnh đạo và một cánh triệt để hơn do Trí Quang cầm đầu. Tuy nhiên, cuộc tranh đấu chống chế độ Hương cho thấy rõ rằng phân loại như thế là sai trật. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính Tâm Châu là người đóng vai trò tiên phong trong việc sách động sinh viên và tín đồ chống lại Hương. Trong khi các cuộc biểu tình diễn ra sôi sục ở Sài Gòn, địa bàn nằm dưới ảnh hưởng của Tâm Châu, thì chẳng có cuộc xuống đường nào diễn ra trên cứ địa của Trí Quang tại Huế. Trí Quang giải thích rõ với giới chức Hoa Kì ông không ủng hộ hành động chống Hương công khai vào giai đoạn này. Hơn một lần Trí Quang cũng nói rằng Tâm Châu đã sai lầm khi tự để những thế lực bên ngoài giật dây trong việc kêu gọi dân chúng biểu tình (48). Thật vậy, suốt trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, giới chức Hoa Kì vẫn tiếp tục tin tưởng Trí Quang thật sự không muốn đẩy thêm một cuộc khủng hoảng chính phủ nữa và họ có phần hi vọng ông sẽ đóng vai một lực tiết chế đối với Tâm Châu và phong trào Phật giáo nói chung (49). Tuy nhiên, giữa Trí Quang và Tâm Châu dù có bất cứ dị biệt nào vào lúc khởi đầu của cuộc vận động chống Hương đi nữa, những dị biệt này cũng chưa đủ lớn để giới chức Mĩ có thể li gián hai nhà sư. Cương quyết đòi hỏi Hương phải từ chức, Trí Quang và Tâm Châu bắt đầu một cuộc tuyệt thực chung ngày 12 tháng Chạp.

Những người hoạch định chính sách Mĩ ủng hộ Hương hết mình trong cuộc đối đầu với phe Phật giáo. Đại sứ Maxwell Taylor không tin rằng phe Phật giáo đưa ra được kêu nài nào chính đáng nhắm vào chính phủ Hương và ông ta nghĩ rằng điều rất quan trọng là chính phủ Nam Việt Nam phải có lập trường cứng rắn đối với những nhóm phản đối “ thiểu số nhưng to tiếng ” (50). Mặc dù trong thực tế cả Trí Quang và Tâm Châu đều bày tỏ ý muốn thương thuyết để giải quyết những bất đồng với chế độ Hương cũng như muốn nhờ Hoa Kì làm trung gian để giải quyết cuộc xung đột, nhưng Taylor không muốn gặp hai nhà sư này hay làm trung gian hoà giải giữa phe Phật giáo và chế độ Hương. Taylor còn phản bác ý kiến nhờ Lodge gửi một lá thư cho Trí Quang hay đưa ra hứa hẹn Mĩ sẽ viện trợ kinh tế rồi giao cho phe Phật giáo kiểm soát (51). Lập trường không khoan nhượng của Taylor nhắm vào Trí Quang và phong trào Phật giáo chắc chắn là một lập trường có thể bênh vực được, nhưng nó cũng chắc chắn sẽ làm cho cuộc khủng hoảng kéo dài thêm. Phe Phật giáo và Taylor có một kẻ thù chung [là Tướng Khánh] sau khi Khánh bãi bỏ Thượng Hội Đồng vào ngày 20 tháng Chạp 1964, nhưng Taylor không thiết tha theo đuổi một đường lối có lẽ đã khai thác được mối ngờ vực lâu ngày của Trí Quang đối với Khánh (52).

Loại chế độ chính trị nào mà Trí Quang muốn thấy cầm quyền ở Miền Nam thì cũng không rõ ràng cho lắm. Có khi, ông gợi ý chỉ cần thay Hương bằng một nhân vật có thiện cảm hơn với Phật giáo như Phan Huy Quát chẳng hạn thì phong trào Phật giáo sẽ chấm dứt những cuộc chống đối. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ với giới chức Hoa Kì rằng ông sẵn sàng ủng hộ một chính phủ thậm chí độc tài hơn miễn là chính phủ đó “ thật sự cách mạng ” (53). Nếu một chế độ như thế chịu đặt Đảng Cần Lao ra ngoài vòng pháp luật, Trí Quang sẵn sàng chấp nhận việc chế độ ấy có đủ toàn quyền cấm chỉ đình công, giới hạn tự do ngôn luận và tiết chế các đảng phái chính trị, những đảng mà theo ông phải có “ mục tiêu chống cộng và lí tưởng chống trung lập rõ ràng dứt khoát ” (54). Mặc dù Trí Quang hiển nhiên không thu hút đủ hậu thuẫn để thay đổi sâu rộng Chính phủ VNCH, nhưng ông đã có thể vận động kết liễu chính phủ Hương vào cuối tháng Giêng bằng cách dành hậu thuẫn Phật giáo cho Khánh. Những người làm chính sách Mĩ đã bị sốc khi thấy rằng lại một lần nữa Trí Quang có thể đóng vai một kẻ chọn lựa lãnh tụ (kingmaker) cho sân khấu chính trị Miền Nam. Vì đã hoàn toàn gắn chặt uy tín của Hoa Kì vào việc phải duy trì một chính phủ dân sự, các nhà phân tích CIA ngày càng quan ngại về tương lai của việc điều hành quốc gia ở Miền Nam. Đòn bẩy chính trị của Mĩ đã bị yếu đi nhiều lắm rồi, và CIA kết luận phe Phật giáo “ đủ mạnh để vô hiệu hoá bất cứ dàn xếp chính trị nào mà lãnh đạo của họ quyết tâm chống đối ” (55).

Sau vụ đảo chánh, cũng dễ hiểu thôi, các nhà phân tích của Mĩ lại trở về với câu hỏi, liệu những nỗ lực của Trí Quang có bị thúc đẩy do cảm tình hay móc nối với cộng sản hay không ? Sử gia Moyar cho rằng Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn ngày càng nghiêng về luận cứ cho rằng phong trào Phật giáo bị cộng sản xúi giục :

Viên chức Toà Đại sứ vẫn tin tưởng rằng hầu hết các vị lãnh đạo chóp bu của Phật giáo đều có tinh thần chống cộng, nhưng càng ngày càng có thêm nhiều viên chức nghi ngờ rằng chí ít Trí Quang cũng đang cộng tác với Cộng sản. Các chuyên gia Toà Đại sứ nhất trí rằng những lãnh đạo Phật giáo cấp thấp hơn, đặc biệt là những người thân cận với Trí Quang, đang liên minh với Việt Cộng (56).

Để chứng minh cho sự đánh giá này, Moyar chỉ viện dẫn một chứng liệu duy nhất, tiếc rằng tư liệu ấy lại không phải như vậy. Đó là điện văn ngày 31 tháng giêng, đánh đi từ Toà Đại sứ, do nhân viên Toà Đại sứ và những viên chức tình báo – những người thường xuyên tiếp xúc với Trí Quang và phong trào Phật giáo – cùng biên soạn, nhưng chính Taylor đích thân chuẩn y bức điện bằng cách nói rằng nó cũng phản ánh quan điểm của các viên chức cấp cao. Sau khi nhìn nhận mọi cách thế theo đó các hoạt động của phong trào Phật giáo đã làm tổn hại nghiêm trọng cho sự nghiệp chống cộng, các viên chức Toà Đại sứ nhấn mạnh dứt khoát rằng vào lúc này họ “ không chia sẻ quan điểm cho rằng các lãnh đạo Phật giáo cố tình đứng về phe Cộng sản hay rằng những mục tiêu của họ bao gồm việc cố tình tạo ra một tình thế trong đó cộng sản sẽ giành được quyền kiểm soát chính trị ở Miền Nam Việt Nam… Nói tóm lại, giả thuyết các lãnh đạo của GHPGVNTN hoạt động cho cộng sản không đáng tin bằng cách lí giải thích rằng họ hoạt động cho chính họ, sử dụng những phương tiện vô trách nhiệm nhằm theo đuổi mục đích của mình, và điều này có thể bị Cộng sản khai thác lợi dụng ” (57). Tuy rất lo ngại về chiến thuật và ý tưởng của vài người trong đám thân cận với Trí Quang và Tâm Châu, các viên chức toà đại sứ nhất định không “ đồng ý ” rằng điều này có nghĩa là họ liên minh với Việt Cộng. Chắc chắn Toà Đại sứ Mĩ ở Sài gòn thực sự nghĩ rằng cộng sản đang gia tăng nỗ lực xâm nhập hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo, nhưng điểm quan trọng họ nêu ra ở đây là không một tin đồn nào về việc móc nối VC được coi là có bằng chứng, và toà đại sứ lặp lại kết luận là cộng sản không chi phối được chính sách của GHPGVNTN (58). Sau cùng, điều khá lí thú về quan điểm của Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn là chính Toà Đại sứ lại lo lắng về một chính phủ có nhiều nhân vật thân cận với Tâm Châu, vị sư thường được coi là chống cộng hơn [Trí Quang], hơn là lo lắng về một chính phủ mà thành viên là người thân cận với Trí Quang.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mĩ ở Washington hoàn toàn chuẩn y quan điểm của Toà Đại sứ ở Sài gòn. Khi kí giả Marguerite Higgins đăng một bài trên báo The Washington Star cảnh báo rằng chính quyền Johnson cần phải thức tỉnh đối với Trí Quang và điều mà nhà báo gọi là những âm mưu của ông ta với cộng sản, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk chỉ thị người đứng đầu Đoàn Công tác Việt Nam (the Vietnam Working Group / VWG) trả lời riêng với Higgins. Thomas Corcoran, Giám đốc VWG, nhận định nghiêm chỉnh rằng không có chuyện các nhân viên tình báo biết chắc Trí Quang có móc nối Cộng sản và cũng không có chuyện dữ liệu này phần nào đang bị những người làm chính sách ở Washington ém nhẹm. Đích xác dựa vào ý kiến của các nhân viên nói tiếng Việt của toà đại sứ, Corcoran lí luận rằng không ai có thể đưa ra bất cứ một nhận xét tối hậu hay dứt khoát nào về mục tiêu và động lực chính trị của Trí Quang. Mặc dù một số lời nói và việc làm của phong trào Phật giáo có thể vô tình làm lợi cho cộng sản, Corcoran ghi nhận rằng “ họ cũng làm được nhiều việc nhằm chống lại và chặn đứng âm mưu của cộng sản nhằm nới rộng quyền kiểm soát lên đầu dân chúng Việt Nam ” (59).

Sau khi Hương mất ghế thủ tướng chính phủ, Trí Quang tìm cách trấn an Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn rằng những nỗ lực của ông không phản ánh của một tinh thần cơ bản chống Mĩ. Trả lời phỏng vấn của những tờ báo tiếng Anh ở Sài Gòn, Trí Quang nhìn nhận có sự phẩn uất của phía Phật giáo đối với Đại sứ Taylor và đối với sự hậu thuẫn trung thành mà Mĩ dành cho Hương, nhưng ông cũng biện luận rằng người Phật tử không thể có tinh thần bài Mĩ : “ Không có chuyện chống Mĩ. Người ta chỉ có thể chống Mĩ nếu người ta theo Cộng sản hay theo chủ nghĩa sô-vanh. Vì Phật giáo không phải là cộng sản và cũng không phải là sô-vanh, nên không có chủ trương chống Mĩ ” (60). Trong các đàm đạo riêng tư với nhiều viên chức toà đại sứ, Trí Quang cố truyền đạt đại ý rằng ông vẫn còn là một đồng minh vững chắc của chính phủ Hoa Kì và rằng ông rất buồn phiền vì hành động cực đoan của vài người cộng sự trong phong trào Phật giáo. Mặc dù, cũng dễ hiểu là, người Mĩ đang thất vọng về tình hình Việt Nam, nhưng Trí Quang không tin là Hoa Kì có thể hay phải chấp nhận khả năng thất bại. Trong khi lặp lại một ý kiến trước đây của ông rằng có loại trung lập chấp nhận được và có loại trung lập không thể chấp nhận được cho Việt Nam, Trí Quang lí giải với các viên chức Mĩ rằng “ Sự hiện diện của Hoa Kì vẫn còn rất cần thiết ở Việt Nam nhằm chặn đứng một cuộc xâm chiếm của cộng sản. Vẫn còn hi vọng chiến thắng ; Hoa Kì không được nản lòng và bỏ cuộc. Nhưng Hoa Kì phải có tư tưởng của kẻ chiến thắng và chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình trong nỗ lực chiến tranh ” (61).

Nhưng, điều mà Trí Quang coi là trách nhiệm của chính bản thân ông trong nỗ lực chiến tranh là gì thì vẫn rất khó nhận ra. Vào đầu tháng Hai 1965, theo tường trình của CIA, Trí Quang đã nói rằng “ ông sẽ lấy làm rất sung sướng để hoạt động trong những chương trình chống cộng có phạm vi rộng lớn… quân đội và người Mĩ có thể chiến đấu trên chiến trường nhưng người Phật tử sẽ theo đuổi chiến tranh tâm lí, trận chiến mà ông cho là quan trọng hơn quân sự rất nhiều ” (62). Mặc dù có nhiều lí do để thắc mắc Trí Quang đã chân thật đến mức độ nào khi diễn tả nhiệt tình chống cộng, nhưng những nhà hoạch định chính sách Mĩ hình như không bao giờ quan tâm khai thác năng lực phong phú của Trí Quang theo chiều hướng này. Sự thiếu quan tâm này được giải thích phần nào là do sự thiếu tin tưởng mà giới chức Hoa Kì dành cho Trí Quang và do mối lo sợ rằng những chương trình chống cộng của ông có thể gây trở ngại cho các mục tiêu của Hoa Kì hay Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, rõ ràng là các viên chức Mĩ đã chấp nhận quan điểm cho rằng những nỗ lực chống cộng của Trí Quang có thể thành công cao độ nếu ông không bị coi như một kẻ hoàn toàn liên minh với chính phủ Hoa Kì.

Việc Trí Quang bày tỏ ước muốn hoạt động độc lập đằng sau hậu trường cũng có thể là một cách hợp lí hoá qua loa cho sự không hoạt động gì cả, nhưng thực tình mà nói, ông cũng đã ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mĩ vào mùa xuân năm 1965. Vào khoảng tháng Hai 1965 giới chức Hoa Kì tỏ ra rất lo ngại rằng phong trào Phật giáo sẽ công khai chấp nhận đề nghị chấm dứt chiến tranh thông qua một sự dàn xếp bằng đàm phán với MTDTGPMN. Những lo ngại này bỗng trở thành hiện thực vào cuối tháng khi Thích Quảng Liên công bố một tuyên ngôn kêu gọi các lực lượng của MTDTGPMN và Mĩ cùng rút ra khỏi Miền Nam. Quảng Liên, một nhà sư nổi tiếng từng học ở Đại học Yale, đã đưa vào trong bản tuyên ngôn những lời tri ân về viện trợ Mĩ trong quá khứ, nhưng những tuyên bố như thế không thế nào thay đổi sự báo động của Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn về một lời kêu gọi mà họ cho là ngây thơ và nguy hiểm (63). Liền sau khi bắt đầu chiến dịch dội bom Rolling Thunder (Sấm Động) đánh vào Miền Bắc, giới chức Mĩ lo ngại rằng lời kêu gọi một cuộc dàn xếp bằng đàm phán của phong trào Phật giáo sẽ gây trở ngại cho khả năng điều hành cuộc chiến.

Trí Quang hoàn toàn chia sẻ mối quan ngại của toà đại sứ về những hoạt động của phong trào hoà bình Thích Quảng Liên. Điều có ý nghĩa là, khi được một viên chức toà đại sứ hỏi là liệu đề xuất của ông có được hậu thuẫn của giới lãnh đạo Phật giáo hay không, Quảng Liên chỉ trả lời bản tuyên ngôn được sự ủng hộ của Tâm Châu, nhà sư thường được cho là “ôn hoà”. Quảng Liên không nói rõ là nó có được sự hậu thuẫn của nhà sư “cực đoan” Trí Quang hay không và Quảng Liên phát biểu như thế cũng phải thôi vì Trí Quang cực lực phản đối một lời kêu gọi đàm phán tức khắc (64). Thực vậy, Trí Quang ủng hộ hết mình chiến dịch Rolling Thunder và hơn thế nữa còn cổ vũ nới rộng phạm vi chiến dịch. Theo quan điểm của ông, “ Chúng ta phải tiếp tục những vụ oanh kích trên Miền Bắc như một phần cần thiết của cuộc tấn công quân sự - ngoại giao. Những cuộc oanh kích này không nhất thiết chỉ giới hạn trong việc trả đũa những vụ VC tấn công vào căn cứ và nhân viên của Mĩ, vì nếu chỉ làm như thế thì sẽ có hại cho tinh thần chiến đấu của người Việt Nam, những cuộc oanh kích này phải được sử dụng để trả đũa chiến dịch chung của VC nhằm chống phá Miền Nam và chống phá chính nhân dân ” (65). Nếu những hành động quân sự của Mĩ có đáng phê phán chăng, Trí Quang chỉ nhận thấy chúng có vấn đề ở chỗ là không đi tới nơi tới chốn. Dùng một loại ngôn từ và lí luận mà các nhà chiến lược Mĩ có thể hiểu trọn vẹn, Trí Quang cho rằng chiến dịch dội bom lên Miền Bắc phải “ được tập trung trong một thời gian ngắn và với cường độ gia tăng nhanh chóng để buộc Bắc Việt có phản ứng càng sớm càng tốt và để tránh việc cho cộng sản có đủ thời gian chuẩn bị về mặt tâm lí và quân sự ” (66). J. D. Rosenthal, viên chức toà đại sứ Mĩ gần gũi nhất với Trí Quang trong suốt giai đoạn này, vô cùng ngạc nhiên về việc ông đã có thể dẹp qua một bên bất cứ nỗi dằn vặt nào trong đức tin liên quan tới chiến dịch Rolling Thunder. Thật vậy, theo Rosenthal, “ Chẳng những không có một e ngại luân lí và đức lí nào về những trận dội bom của Mĩ, ông lại tỏ vẻ lo lắng rằng cơ hội do những vụ oanh tạc này mang lại sẽ bị lãng phí vì chúng không đạt đến mức độ ác liệt cần thiết ” (67).

Việc Trí Quang công khai tán thành chiến dịch Rolling Thunder lẽ ra có thể chống đỡ phần nào cho lập trường của Mĩ vào thời điểm nó bị chỉ trích gay gắt bởi một quần chúng quá lo ngại về những hệ quả của một chiến dịch dội bom rộng lớn trên Miền Bắc. Bộ Ngoại giao Mĩ cho rằng nếu toà đại sứ có thể yêu cầu Trí Quang công bố lập trường của ông cho đông đảo quần chúng, đó sẽ là một điều “ rất đáng mong ước ” (68). Tuy nhiên, vấn đề là, cả Trí Quang lẫn Toà Đại sứ Mĩ đều không chia sẻ quan điểm cho rằng nếu ông công khai ủng hộ các cuộc oanh tạc thì đó hiển nhiên là điều rất đáng mong ước. Như Trí Quang lí giải với nhiều viên chức ở toà đại sứ, không ai có thể kì vọng một vị lãnh đạo tinh thần lại công khai hậu thuẫn tiến trình bạo lực của một hành động quân sự. Sau khi nghe Trí Quang giải thích lập trường của mình, Rosenthal không phản đối quyết định của ông và “ trấn an ông chúng ta thông cảm lập trường ấy ” (69). Việc Trí Quang không chịu công khai ủng hộ chiến dịch Rolling Thunder chắc chắn không có nghĩa là lập trường của ông không phù hợp hay không có ích cho nỗ lực của Mĩ tại Việt Nam. Hoạt động trong hậu trường, Trí Quang đã góp phần đảm bảo rằng tuyên ngôn hoà bình của Thích Quảng Liên sẽ không có ảnh hưởng rộng lớn. Chưa được ba tuần sau khi Quảng Liên công bố lời kêu gọi hoà bình, phong trào của ông phải chấm dứt, một phần do chính quyền đàn áp và một phần vì những nỗ lực của Trí Quang nhằm đảm bảo lời kêu gọi đó không được phong trào Phật giáo tán thành. Chính Trí Quang không có một ngần ngại nào về việc dùng bàn tay đàn áp của chính quyền để bẻ gãy phong trào hoà bình. Khi chính phủ VNCH đề nghị trục xuất ba thành viên của phong trào hoà bình ra Miền Bắc như một cách trừng phạt họ, ông cho rằng đó là một ý kiến “ tuyệt vời ” (70). Trong một cuộc đàm luận một tháng sau đó với Thủ tướng Phan Huy Quát, theo tin tiết lộ, Trí Quang đã nói với vị thủ tướng rằng lẽ ra Quảng Liên phải bị bắt giữ và phong trào hoà bình của ông ấy phải bị xử lí nghiêm khắc như tất cả các phong trào hoà bình khác (71).

Quan hệ của Mĩ với phong trào Phật giáo chưa bao giờ tích cực như trong mùa Xuân 1965. Trí Quang và một số Phật tử khác từ lâu đã tiến cử Phan Huy Quát vào một vai trò lãnh đạo trong chính phủ và việc bổ nhiệm ông vào chức vụ thủ tướng đã thực sự chấm dứt sự chống đối của Phật giáo nhắm vào chính phủ. Rất hài lòng với thành phần chính phủ VNCH, Trí Quang cuối cùng đã quay sang chiến dịch chống cộng mà ông mãi hứa hẹn từ lâu. Vì lí do VC gia tăng hoạt động ở Miền Trung, phe Phật giáo phải tăng cường những biện pháp chống lại sự xâm nhập của cộng sản vào hàng ngũ của họ và tránh tham dự các cuộc biểu tình do Việt Cộng đỡ đầu (72). Nhiều viên chức Toà Đại sứ có ấn tượng sâu sắc với tinh thần chống cộng được biểu dương bởi các sinh viên trong Đoàn Sinh viên Phật tử (73). Theo tường trình của các phân tích gia CIA, “ nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo đã từng bước âm thầm bày tỏ một thái độ chống cộng cứng rắn hơn ”(74). Cái tâm trạng não nề về sức mạnh Phật giáo đã trùm lên các nhà hoạch định chính sách Mĩ vào tháng Giêng giờ đây được thay thế bằng một thái độ lạc quan dè dặt về khả năng cộng tác với giới Phật giáo. Trong khi nhìn nhận rằng việc cộng tác với Phật giáo trong một cuộc vận động chống cộng có thể đặt ra một số rủi ro nhất định, Phó Giám đốc Kế hoạch của CIA, Richard Helms, đề nghị rằng Hoa Kì phải chơi một “ ván bài vừa phải ” và âm thầm hậu thuẫn phe Phật giáo nhiều hơn nữa(75).

Sự hợp tác mật thiết hơn nữa giữa Hoa Kì và Trí Quang mà Helms mường tượng trong trí đã không thành tựu. Trí Quang tiếp tục phát biểu càng ngày càng nhiều tư tưởng diều hâu về cuộc chiến trong các cuộc gặp riêng với giới chức Hoa Kì, nhưng những hiểm hoạ trong khả năng cộng tác chặt chẽ hơn nữa với ông được phơi bày rõ nét trong một lá thư ông gửi cho Henry Cabot Lodge vào tháng Năm 1965. Trí Quang ít khi liên hệ với giới chức Mĩ qua thư từ chính thức và rõ ràng là lá thư này tiêu biểu cho một nỗ lực diễn đạt những tâm tư sâu kín nhất của ông về tình hình Việt Nam. Điều đáng tiếc là, những suy nghĩ được diễn tả trong thư tiết lộ rằng cuộc xung đột tôn giáo ở Việt Nam vẫn là quan tâm hàng đầu của Tri Quang. Theo cách nhìn của ông, người Công giáo không phải là những người thực tâm chống cộng trong khi người Phật giáo thì cho rằng chính sách của Mĩ có khuynh hướng ưu đãi đạo Công giáo. Người Mĩ bị dân chúng coi là không khác gì người Pháp trong việc “ dùng người Công giáo để tiêu diệt Phật tử ”. Nếu Hoa Kì muốn khỏi bại trận, họ không còn cách nào khác hơn là phải đảo ngược chính sách của mình và chủ trương một chính sách cách mạng, một chính sách mà nội dung cơ bản, theo Trí Quang, là “ các phần tử Công giáo Cần Lao ác ôn và bè lũ Đại Việt phản động phải bị loại trừ ” (76). Khỏi cần phải nói, những người hoạch định chính sách Hoa Kì lấy làm kinh hoàng trước những cảm nghĩ mà Trí Quang biểu lộ trong thư. Như vậy, chẳng bao giờ có được một cơ may dù mong manh nhất để Hoa Kì thoả thuận với Trí Quang và theo đuổi một chiến lược chính trị đặt cơ sở trên ưu tiên hàng đầu là bài trừ Công giáo ở Miền Nam. Vì không nhất trí về bản chất đích thực của cuộc xung đột ở Miền Nam, cả hai bên gặp phải những giới hạn thực tế trên mức độ có thể hợp tác với nhau.

Quyết định của các tướng lãnh Miền Nam trong việc giải nhiệm Thủ tướng Quát năm 1965 đã đưa đến một sự thay đổi đáng lưu ý trong mối quan hệ của Trí Quang với Hoa Kì. Sự thay đổi này gần như không có gì liên quan đến việc chống đối những kế hoạch leo thang chiến tranh của Mĩ hay chống đối trên nguyên tắc sự chấm dứt chính phủ dân sự ở Sài Gòn. Cũng như bản thân của các tướng lãnh, Trí Quang thường chỉ trích Quát về việc ông ta điều hành cuộc chiến thiếu hăng say (77). Thật vậy, Trí Quang tiếp tục cổ vũ những đường lối quân sự nằm quá tầm dự kiến của những người làm chính sách Hoa Kì. Mãi đến tận tháng Bảy 1965, Trí Quang còn nói với các giới chức Hoa Kì rằng ông ủng hộ một cuộc đổ bộ liên quân [Việt-Mĩ] lên Miền Bắc và ông còn nghĩ rằng chính quyền Johnson cần phải triệt hạ khả năng hạt nhân của Trung Quốc (78). Sau khi tiếp xúc với các người Mĩ vận động hoà bình trong Tổ chức Hoà giải (Fellowship of Reconciliation), Trí Quang nói với các viên chức toà đại sứ rằng ông thấy những người ấy “ tuyệt đối chẳng biết gì ” và ông đã cho họ biết chiến tranh ở thời điểm này là cần thiết cho nhân dân Việt Nam(79). Trí Quang cũng không mấy bận tâm về việc làm trái nguyên tắc chính quyền dân sự. Như đã từng phát biểu trong quá khứ, Trí Quang tin rằng một chế độ quân nhân có thể dễ thực thi những biện pháp cách mạng và dễ áp dụng kỹ luật cần thiết cho việc điều hành cuộc chiến hiệu quả hơn (80).

Những chỉ trích của Trí Quang nhắm vào tân chính phủ đặt cơ sở trên một yếu tố đơn giản, một yếu tố dễ tiên đoán nếu người ta chịu nghiên cứu quá khứ của ông, đó là việc chỉ định Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng [Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, ND]. Thiệu, một tín đồ Công giáo, từ lâu đối với Trí Quang đã là biểu tượng chính cho sự ngoan cố của chính phủ VNCH không chịu dứt khoát với chế độ Công giáo trị của thời Diệm. Trước đó, Trí Quang đã nuôi hi vọng Tướng Nguyễn Chánh Thi, một người nổi tiếng thân Phật giáo, sẽ được chọn vào chức vụ mà Thiệu vừa nắm giữ. Sau khi kể hết những điều mà ông cho là tội ác chống Phật giáo của Thiệu trong quá khứ, Trí Quang nói với các viên chức Hoa Kì rằng ông tin rằng Thiệu là tay sai của CIA được dựng lên “ nhằm đảm bảo một chính phủ sẵn sàng đáp ứng mọi tham vọng của Mĩ một khi chúng ta đã gửi đến nửa triệu quân sang đây ” (81). Tuy vậy, mặc dù giọng điệu chống đối chế độ mới của Trí Quang rất giống với giọng điệu ông sử dụng trong quá khứ, hành động của ông bây giờ được tự chế hơn nhiều. Thật vậy, giai đoạn từ tháng Sáu 1965 cho đến cuộc khủng hoảng Phật giáo tháng Ba 1966 rõ ràng là thời gian ổn định nhất trong thời kì tiếp theo sau chế độ Diệm.

Cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966 và sự thất bại của Mĩ tại Việt Nam

Nếu Trí Quang là một điệp viên cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam, thì thật chẳng cường điệu chút nào khi cho rằng Bắc Việt đã thực hiện được “ một trong những kì công vận dụng tài tình nhất và hiệu quả nhất hoạt động bí mật trong lịch sử ” (82). Các nhà phân tích tình báo Mĩ ở Sài Gòn và Washington đã nhiều lần xem xét khả năng này để rồi luôn luôn phải kết luận rằng chứng liệu tìm thấy không biện hộ cho lời cáo buộc. Các nhà phân tích này không hề nhắm mắt làm ngơ đối với những sai lầm của Trí Quang cũng như đối với những cản trở ông tạo ra trên con đường dẫn đến một chính phủ VNCH ổn định có khả năng điều hành cuộc chiến hữu hiệu. Mặc dù người ta không bao giờ có đủ chứng cớ để phản bác luận cứ cho rằng Trí Quang chỉ lừa bịp các nhà phân tích Mĩ bằng những tư tưởng chống cộng diều hâu của ông, nhưng cũng nên nhớ rằng các đối tượng nghe ông nói không phải là những người chủ hoà cả tin hay các trí thức hàn lâm đầy lí tưởng, nhưng là những nhà phân tích tình báo dày dạn với quyết tâm giành thắng lợi trong chiến cuộc Việt Nam như John Negroponte và George Carver. Như Carver ghi nhận, ý kiến cho rằng Trí Quang chỉ đưa ra những tư tưởng chống cộng và chủ chiến để lấy lòng các viên chức Mĩ “ không có khả năng thuyết phục chút nào đối với bất cứ ai đã trực tiếp thảo luận những vấn đề ấy với ông ” (83).

Đương nhiên là, những nỗ lực của Trí Quang cũng chẳng đóng góp được gì cho sự nghiệp chống cộng và, bất chấp mọi ý định của ông, những can thiệp của ông vào sinh hoạt chính trị Miền Nam thường thường rốt cuộc chỉ có lợi cho những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN. Các nhà phân tích Mĩ nhiều lần nhìn nhận thực tế phũ phàng này, nhưng họ coi vấn đề này như một sai lầm trí tuệ về phía Trí Quang, một sai lầm có gốc rễ trong cá tính, hơn là một mưu đồ có ý thức. Những can thiệp thường xuyên vào chính sự và những lời kêu gọi đòi hỏi một “ cuộc cách mạng xã hội ” mơ hồ của ông vốn đã không phù hợp với mục tiêu của Mĩ về ổn định chính trị và xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tình báo Mĩ chắc chắn đã nhìn nhận rằng luận cứ của ông không hẳn là thiếu chính đáng hay sai lầm ; nghĩa là, Mĩ và VNCH không thể thắng được cuộc chiến trừ phi chính phủ Miền Nam phản ánh được nguyện vọng của nhân dân và quy tụ được quần chúng để chống lại MTDTGPMN. Trí Quang chắc chắn không đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, hay thậm chí đa số Phật tử, nhưng rõ ràng là ông đại diện cho một lực lượng chính trị hùng hậu và có tổ chức. Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, các nhà phân tích tình báo Mĩ vẫn chưa tìm được cách chuyển hướng hành động của Trí Quang đi theo những đường lối xây dựng hơn, nhưng họ cũng loại bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang hay phong trào Phật giáo do ông lãnh đạo cần phải cho qua một bên, không cần đếm xỉa đến.

Bẽ bàng là, chính Henry Cabot Lodge lại là người lãnh trách nhiệm chính trong việc thay đổi đường lối của Mĩ đối với Trí Quang trong cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966. Với vai trò là kẻ bao che Trí Quang khỏi bàn tay của Diệm trong cuộc khủng hoảng 1963, Lodge được Phật tử coi là một nhân vật thân Phật giáo, cũng dễ hiểu thôi. Lodge bắt đầu phê phán gay gắt những sách động bài Công giáo của Trí Quang trong các vụ án xử Thiếu tá Đặng Sĩ và Ngô Đình Cẩn, nhưng mãi đến tận tháng Ba 1965, ông vẫn khuyên chính quyền Johnson đừng từ bỏ khối tín đồ Phật giáo vì họ có vai trò rất quan trọng ở Miền Nam (84). Tuy vậy, trong suốt cuộc khủng hoảng Phật giáo 1966, Lodge lại quay ra ủng hộ lập trường của Chính phủ VNCH cương quyết đối đầu với phong trào tranh đấu Phật giáo. Lodge hoàn toàn ủng hộ quyết định của Kỳ cách chức tư lệnh Vùng I của Tướng Nguyễn Chánh Thi mặc dù Thi được coi là rất được lòng quần chúng Phật tử. Trong khi nhìn nhận ông không thể trưng ra chứng cớ, Lodge vẫn chấp nhận ý kiến cho rằng Trí Quang và một số nhân vật Phật giáo khác đang cố tình phục vụ những mục tiêu của cộng sản và MTDTGPMN (85). Trong suốt cuộc khủng hoảng lần này, Lodge nhất mực chủ chiến và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ VNCH nhằm đè bẹp phe Phật tử tranh đấu.

Chắc chắn là, Lodge nhận được một số hậu thuẫn ở Washington dành cho lập trường cứng rắn của ông đối với Trí Quang. Maxwell Taylor, người mà nhiệm kì đại sứ tại Sài Gòn bị đánh dấu nhiều lần bởi các cuộc khủng hoảng chính phủ do phe Phật giáo gây ra, cho rằng Lodge cần phải chuyển đến các nhà lãnh đạo Chính phủ VNCH “ nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng phải triệt hạ Trí Quang như một thế lực chính trị ”. Taylor đã từng bác bỏ ý kiến cho rằng Trí Quang là người của Cộng sản trong thời gian ông ta còn là đại sứ ở Miền Nam, nhưng bây giờ ông ta cho rằng Lodge và Chính phủ VNCH “ phải triển khai một kế hoạch nhằm vạch trần Trí Quang trước công luận Việt Nam và cộng đồng quốc tế như là một tên phiến loạn được cộng sản hậu thuẫn với chủ tâm tiêu diệt chính phủ không - cộng sản tại Sài Gòn nhằm phục vụ lợi ích của VC và Hà Nội ” (86). Mặc dù chính sách của Hoa Kì trước cuộc khủng hoảng Phật giáo đặt cơ sở trên quan niệm cho rằng Trí Quang là kẻ gây rối nhưng không phải là Cộng sản, nhưng bây giờ Lodge lại đặt hẳn chính sách ngoại giao Mĩ trên ý kiến cho rằng Trí Quang gần như là một bộ phận khắng khít trong nỗ lực phá hoại của cộng sản. Quan điểm chính trị của Trí Quang trong suốt cuộc khủng hoảng cơ bản không có gì thay đổi so với quan điểm ông vốn có trước đó, nhưng Lodge dứt khoát không còn coi ông như một nhà hoạt động chính trị chính đáng. Trong một điện văn gửi Washington tháng Tư 1966, ông nói “ Chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng giới lãnh đạo Phật giáo là những kẻ thù nghịch của chúng ta ” (87). Thảm kịch của chính sách Mĩ trong vụ khủng hoảng Phật giáo là nhiều viên chức trong chính quyền Johnson đã phản bác chính lập trường mà Lodge cổ vũ, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu. Bộ Ngoại giao nhiều lần đặt nghi vấn về những quyết định và giả định của Lodge suốt cuộc khủng hoảng này. Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk đích thân yêu cầu Lodge đừng chuẩn y những luận điệu quy kết những nhà lãnh đạo Phật giáo là cộng sản bởi vì những luận điệu này vẫn không đưa ra được bằng chứng về sự móc nối và bởi vì một đường lối như vậy sẽ gặp phải sự phẫn nộ của nhiều lãnh đạo Phật giáo, những người có thể được chứng minh là không cộng sản (88). Sau khi nghe Cy Sulzberger của báo New York Times nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Cộng trong nỗ lực điều khiển phong trào tranh đấu Phật giáo, Robert Komer đã nói Sulzberger rằng ông “ thấy rất ít bằng chứng vững chắc khẳng định VC đã thực sự điều khiển vụ binh biến Huế-Đà Nẵng. Chắc chắn là, có nhiều báo cáo ở các cấp thấp nói về những nỗ lực xâm nhập hàng ngũ tranh đấu của cộng sản và mọi người đều tin VC đã cố gắng làm việc đó, nhưng tôi không thể đưa ra cho ông ấy bằng chứng vững chắc nếu bằng chứng ấy không hề hiện hữu ” (89). Komer lấy làm tiếc là Lodge đã đưa ra cho Sulzberger và nhiều kí giả khác một lối giải thích về cuộc khủng hoảng Phật giáo hoàn toàn sai lạc và không được nhiều quan chức khác tán thành. Theo quan điểm riêng của Komer, chính quyền Johnson cần phải đặt vụ khủng hoảng Phật giáo trong một tầm nhìn xa rộng và cần phải “trấn an những người hoảng hốt ” : “ Trí Quang và nhiều người khác nhất định là không cố tình làm cho người Mĩ phải rời bỏ Việt Nam. Chúng tôi cũng không hề thấy những Phật tử bất đồng chính kiến cũng là những người chủ trương trung lập, hay muốn thương thuyết với VC. Họ biết như chính phủ VNCH đang biết, làm như thế tức là phó thác sinh mạng của mình cho VC. Nói đúng ra, cái điều mà những người bất đồng chính kiến này theo đuổi (và họ nhiều lần nói cho chúng tôi biết) bằng cách biểu tình, bằng biểu ngữ chống Mĩ và thậm chí bằng tự thiêu, là tạo sức ép và gây lúng túng khiến Hoa Kì phải ủng hộ họ thay vì hậu thuẫn cho Kỳ ” (90).

Bản đánh giá tình hình của Komer nhận được sự đồng ý rộng rãi trong giới chức chính quyền Johnson. Thomas Hughes, Giám đốc Phòng Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao (INR), gửi đi một bản phân tích dài dòng về tình trạng bế tắc giữa phe Phật giáo và Chính phủ VNCH trong tháng Ba, trong đó thậm chí ông không hề ám chỉ dù gián tiếp là phe Phật giáo bị chi phối bởi tinh thần chống Mĩ, bởi ý muốn trung lập, hay chấm dứt chiến tranh bằng bất cứ mọi giá. Cội nguồn của cuộc khủng hoảng, theo lí luận của Hughes, được tìm thấy trong những “ mối bất bình đối với tập đoàn lãnh đạo Thiệu-Kỳ, một chế độ mà phe Phật giáo cho là chuyển động quá chậm chạp và miễn cưỡng trong việc hợp pháp hoá tình trạng của nó, như tổ chức tuyển cử quốc gia, và giao quyền điều khiển chính phủ lại cho giới chức dân cử--nói chung, chế độ này đã đi ngược chứ không đẩy mạnh cuộc cách mạng 1963 ” (91). Đường lối cơ bản để đối phó cuộc khủng hoảng Phật giáo do CIA đề xuất rất phù hợp với đường lối mà Phòng Tình báo và Nghiên cứu (INR) đưa ra. Trong nhiều tham luận dài dòng nhưng sâu sắc, George Carver bác bỏ toàn bộ quan niệm cho rằng người Mĩ nhất định sẽ thất bại trong cuộc chiến nếu phe Phật giáo tranh đấu lên nắm chính quyền tại Miền Nam. Mặc dù nhìn nhận sẽ có những vấn đề ngắn hạn do một chiến thắng của phe Phật giáo đặt ra cho nỗ lực chiến tranh hiện nay, Carver tin rằng sự tương hợp của các mục tiêu của Mĩ và của phe Phật giáo vẫn còn tồn tại. Carver không hề nghĩ là nên trao quyền bính cho Trí Quang hay những Phật tử đấu tranh khác, nhưng ông cho rằng không có sự ủng hộ tích cực của giới Phật giáo thì chính sách của Mĩ không thể nào thành công được. Thật vậy, Carver mạnh dạn hàm ý rằng quyền lợi của Mĩ có thể được phục vụ tốt hơn nhờ một chiến thắng của phe Phật giáo vì “ một chính phủ trong đó quần chúng Phật tử có một tiếng nói ưu thế sẽ tạo được điểm hội tụ cho chủ nghĩa quốc gia đang vươn dậy, một chủ nghĩa nhiên hậu có thể cung ứng cho toàn bộ cơ chế quốc gia chủ nghĩa và phi cộng sản một nền móng vững chắc hơn cơ chế hiện nay đang có được ” (92). Lí luận cơ bản của Carver không có gì độc đáo ; từ lâu Trí Quang vẫn lập luận rằng Chính phủ VNCH không thể nào chiến thắng MTDTGPMN và Bắc Việt trừ phi nó có một nền móng vững chải hơn và được lòng dân hơn. Một liên minh gồm Bộ Ngọai giao, CIA, và Robert Komer có bề ngoài rất hùng hậu, nhưng chính Lodge mới thật là người đạo diễn “cuộc hí trường” vì ông là nhân vật duy nhất gặp gỡ và thảo luận thường xuyên với Kỳ và Thiệu. Tuy thỉnh thoảng Lodge cũng lắng nghe những quan ngại của Bộ Ngoại giao về cách ông đối phó cuộc khủng hoảng, nhưng ông chỉ tiếp thu một cách khiên cưỡng. Sau mỗi cuộc khủng hoảng do Trí Quang châm ngòi trước đây, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kì luôn tìm cách tái lập quan hệ tốt đẹp với Phật giáo vì lí do hiển nhiên là phe Phật giáo không thể bị triệt tiêu khỏi bài toán đi tìm phương cách xây dựng một xã hội không - cộng sản khả dĩ đứng vững ở Miền Nam. Tuy nhiên, đối với Lodge, không còn con đường hoà giải với Trí Quang hay phe Phật giáo tranh đấu thậm chí sau khi họ đã bị quân Chính phủ VNCH đè bẹp tháng Sáu 1966. Khi Bộ Ngoại giao bày tỏ niềm thất vọng vì không có ứng viên nào từ phong trào tranh đấu Phật giáo ra tranh cử Quốc hội Lập hiến mới, mà việc triệu tập của nó vốn là một nhượng bộ quan trọng do lực lượng đối lập giành được, Lodge trả lời rằng phe Phật giáo tranh đấu không phải là một “ tổ chức đối lập trung trực ” và rằng ông chống lại mọi nỗ lực có mục đích khuyến khích họ tham dự sinh hoạt chính trị (93). Hầu như Trí Quang và phe Phật giáo tranh đấu đứng ngoài sinh hoạt chính trị Miền Nam cho đến ngày VNCH không còn tồn tại. Mark Moyar tin rằng việc Chính phủ VNCH dùng vũ lực vào mùa Xuân 1966 đã chứng minh rằng “ phe Phật giáo tranh đấu có thể bị dẹp bỏ mà không hề phương hại đến nỗ lực điều hành cuộc chiến ” (94). Có lẽ là thế, nhưng vẫn còn một lối lí giải khác là, cuộc khủng hoảng chỉ chứng minh được rằng phe Phật giáo có thể bị chính phủ dùng quân lực để đánh bại, điều này cơ bản không có ai ngờ vực. Còn liệu chính quyền Johnson và Trí Quang lẽ ra có thể đã xây dựng được một mối quan hệ phong phú, một quan hệ khả dĩ vận dụng được sức mạnh của phong trào Phật giáo để chống lại Bắc Việt và MTDTGPMN, thì điều này vẫn không rõ ràng, và chắc chắn có nhiều lí do để hoài nghi rằng một quan hệ đối tác như thế hoặc là có thể xảy ra hoặc là đáng mong muốn. Tuy nhiên, có một điều hình như ít ai đem ra tranh luận là việc triệt tiêu Trí Quang và phong trào Phật giáo năm 1966 đã giảm thiểu hơn nữa những viễn ảnh vốn đã mong manh về một chế độ không - cộng sản được lòng dân xuất hiện ở Miền Nam.

JAMES McALLISTER

nguồn: www.diendan.org

Nguyên tác tiếng Anh : "Only Religions Count in Vietnam :Thich Tri Quang and the Vietnam War," tạp chí Modern Asian Studies 42, 4 (2008), pp. 751–782

có thẻ đọc trên Viêt Studies

Chú thích


(1) George Herring, “ ‘Peoples Quite Apart’: Americans, South Vietnamese, and the War in Vietnam,” Diplomatic History, 14 (1990), p. 1. [“‘Hai dân tộc cách vời’: người Mĩ, người Nam Việt Nam, và Chiến tranh Việt Nam,” Lịch sử Ngoại giao, 14 (1990), tr.1.]

(2) Tôi ngờ rằng một phần lí do các sử gia chưa quan tâm đến Trí Quang và phe Phật giáo nhiều hơn là vì bộ sưu tập [các văn thư của Bộ Ngoại giao] Foreign Relations of the United States (FRUS) / Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kì chỉ chứa đựng một vài cuộc đàm thoại giữa Trí Quang và Toà Đại sứ ở Sài Gòn, trong đó không có một bản đánh giá nào của CIA về mục tiêu và động lực của ông. Người ta không bao giờ biết được có bao nhiêu tư liệu hiện hữu trong các văn khố Hoa Kì nếu chỉ dựa vào chút quan tâm ít ỏi dành cho Trí Quang và phong trào Phật giáo trong bộ FRUS.

(3) Mark Moyar, Political Monks : The Militant Buddhist Movement During the Vietnam War [“ Sư chính trị : Phong trào Phật giáo Tranh đấu trong Chiến tranh Việt Nam”], Modern Asian Studies, 38 (2004), tr. 749–784.

(4) Moyar, Political Monks, tr. 756. Moyar cũng đưa ra những luận cứ này trong một cuốn sách vừa xuất bản Triumph Forsaken : The Vietnam War, 1954–1965 [Chiến thắng bỏ đi: Chiến tranh Việt Nam, 1954-1965] (New York : Cambridge University Press, 2006), tr. 216–218. Mặc dù tôi có nhiều bất đồng với Moyar liên quan đến Trí Quang, tất cả những nhà nghiên cứu về cuộc chiến cần phải nghiêm túc nắm bắt công trình nghiên cứu rộng rãi và việc đánh giá có tính xét lại về nhiều yếu tố của Chiến tranh Việt Nam của ông.

(5) Marguerite Higgins là người cổ xuý mạnh mẽ nhất luận điểm cho rằng Trí Quang là một công cụ của Cộng sản. Xem Our Vietnam Nightmare [Cơn ác mộng Việt Nam của chúng ta] (New York : Harper & Row, 1965). Xem thêm Richard Critchfield, The Long Crusade: Political Subversion in the Vietnam War [Thánh chiến Trường kì: Phá hoại chính trị trong Chiến tranh Việt Nam] (New York: Harcourt, Brace & World, 1968); và Robert Shaplen, The Lost Revolution [Cuộc cách mạng thất bại] (New York: Harper & Row, 1965). Mặc dù Moyar trích một số bằng chứng từ các sử liệu miền Bắc về cuộc chiến, những sử liệu cho rằng cộng sản đã xâm nhập được phong trào Phật giáo, nhưng không có dấu hiệu gì để quy kết trực tiếp hoặc gián tiếp Trí Quang làm tay sai cho Cộng sản. Những bằng chứng như thế cũng chẳng làm cho giới chức Mĩ thời bấy giờ bị sốc, vì họ vốn đã nhìn nhận cộng sản mưu toan xâm nhập và tạo ảnh hưởng lên phong trào PG. Xem Moyar, Triumph Forsaken, tr. 217.

(6) Bản ghi nhớ của CIA : CIA Memorandum, “ Tri Quang and the Buddhist Catholic Discord in South Vietnam [Trí Quang và mối bất hoà Phật giáo - Công giáo ở Miền Nam Việt Nam], September 19, 1964, Lyndon B. Johnson Library (từ đây về sau viết tắt là LBJL), National Security Files (từ đây về sau NSF), Vietnam Country Files (từ đây về sau VNCF), box 9,vol. 18; và Saigon Embassy to State Department [Toà ĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao], January 31, 1965, National Archives II (từ đây về sau NA II), RG 59, Central Files, POL 13–6, box 2931.

(7) Sau khi Sài Gòn thất thủ, số phận Trí Quang không được rõ cho lắm, nhưng những gì người ta nghe biết thì không hậu thuẫn cho luận điểm của Moyar. Moyar cho rằng sau chiến thiến thắng của Bắc Việt Trí Quang được cộng sản ban thưởng vì âm mưu lật đổ VNCH : “ Khi Cộng sản chiếm được Miền Nam năm 1975, họ cho ông một công việc ở Huế và ông không hề lên tiếng phản đối chế độ mới, trong khi họ đưa đi tù những nhiều nhà sư khác, những nhà sư có một thành tích hoạt động chính trị ”. Có nhiều vấn đề nghiêm trọng khi chấp nhận lối đánh giá này. Một là, Moyar nói xuất xứ nguồn tin này là tờ Washington Post, ngày 2-11-1983, nhưng trong thực tế không có bài nào liên quan đến Trí Quang trong báo này vào ngày ấy. Rât có thể, Moyar muốn trích dẫn một ý kiến của H. Joachim Maitre trong bài “When Washington Ditched Diem” xuất hiện trên Wall Street Journal cùng ngày. Ý kiến cho rằng Trí Quang được Cộng sản tưởng thưởng nhờ vai trò của ông trong thập niên 1960 không có sức thuyết phục cho lắm vì chính Maitre đã viết : “ Trí Quang được bổ về làm việc ở Sở Vệ sinh thành phố Huế ”. Một chức vụ ở sở vệ sinh Huế chắc chắn có vẻ là một hình phạt hơn là một tưởng thưởng, nhất là khi ta xét về vai trò rất quan trọng mà Moyar và Maitre cho rằng Trí Quang đã đóng trong chiến thắng của cộng sản. Như Moyar nhận xét trong Triumph Forsaken, sau chiến tranh chế độ Bắc Việt đã phục chức cho nhiều cán bộ nằm vùng, nhưng chế độ không bao giờ nhìn nhận Trí Quang là cán bộ của họ. Hầu hết tất cả tin tức khác tường trình về số phận của Trí Quang đều vẽ ra một chân dung ảm đạm. Chẳng hạn, trong một chuyện đăng năm 1979 trên New York Times, James Sterba tường trình một trong những đệ tử của Trí Quang kể lại rằng ông “ đã trở thành một người tàn phế da bọc xương trong một năm rưỡi biệt giam tại khám Chí Hoà ”. Xin đọc James Sterba, “ Ordeal of a Famed Buddhist in Ho Chi Minh City Related / Sự đọa đày của một nhà sư nổi tiếng, được kể lại,” New York Times, ngày 14-7-1979, A2. Sau cùng, Robert Topmiller, một sử gia từng đi Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn một số Phật tử trong thập niên 1990, tường thuật rằng ngay cả hiện nay Trí Quang vẫn còn bị quản thúc ở chùa Ấn Quang tại Thành phố Hồ Chí Minh. Xin đọc Robert Topmiller, “Vietnamese Buddhism in the 1990’s / Phật giáo Việt Nam trong thập niên 1990,” Trang nhà Quảng Đức.

Nhiều chứng liệu tương tự đưa đến một kết luận giản dị hơn : Thích Trí Quang chắc không phải là một cán bộ cộng sản và Hà Nội đã coi ông như một nhân vật độc lập, một nhân vật có tiềm năng đe doạ quyền thống trị của họ như ông từng là mối nguy cho giới cai trị Miền Nam trong thập niên 1960.

(8) Robert Topmiller, The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam,1964–1966 [Hoa sen tự do: Phong trào Phật giáo Hoà Bình ở Miền Nam Việt Nam, 1964-1966](Lexington, KY: The University of Kentucky Press, 2002,) tr. viii.

(9) Chẳng hạn, không một cuộc đàm thoại nào giữa Trí Quang và Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn trích dẫn trong bài này xuất hiện trong sách của Topmiller. Hình như Topmiller đã không hề tham khảo bất cứ tài liệu nào ở Hồ sơ Chính (Central Files) tại Văn khố Quốc gia II (NAII), tại đây hầu hết các cuộc đàm thoại đó được lưu giữ. Mặc dù các cuộc phỏng vấn mà Topmiller thực hiện với giới trí thức đại học và giới Phật tử là vô giá, nhưng rất đáng tiếc là nhiều luận điểm quan trọng mà ông đưa ra chỉ được hỗ trợ bằng các cuộc phỏng vấn có tính lịch sử truyền khẩu hơn là có văn kiện hẳn hoi.

(10) Toà ĐS Mĩ Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, April 6, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2925. Câu tóm tắt đặc sắc nhất về nguyên tắc chủ đạo của Trí Quang có thể tìm thấy trong một bài phỏng vấn ông dành cho kí giả Robert Shaplen năm 1969. “ Đảng phái chính trị như thế không có nghĩa lí gì cả…Chỉ có tôn giáo mới thật đáng kể ở Việt Nam, và Tổng thống Nixon phải thích nghi với nhận thức này ”. Robert Shaplen, The Road From War [Con đường ra khỏi Chiến tranh] (New York: Harper & Row, 1970) tr. 271.

(11) Thư của ông có thể được tìm thấy trong hồ sơ Toà Đại sứ Mĩ Sài Gòn gửi Bộ trưởng Ngoại giao hiện nằm tại Thư Viện John F. Kennedy : Saigon to Secretary, September 2, 1963, John F. Kennedy Library (từ đây về sau JFKL), National Security File (NSF), box 199, State cables 9/1/1963–9/10/1963. Điều đáng để ý là, Thích Trí Quang không muốn đi tị nạn chính trị ở Ấn Độ vì “ tính cách trung lập của nước này ”.

(12) TĐS Mĩ Sài Gòn gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, November 27, 1963, LBJL, NSF, VNCF, box 1, vol. 1; và Saigon to State Department [TĐS Mĩ Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao], NAII, RG59, POL13–6, box 2931. Paul Kattenburg, Giám đốc Đoàn Công tác Việt Nam (VWG) và là người gặp Trí Quang liền sau cuộc đảo chánh 1963, nói rằng ông đặc biệt ngạc nhiên khi Trí Quang nhấn mạnh Hoa Kì phải dùng quyền lực của mình đối với Chính phủ Miền Nam : Paul Kattenburg to Melvin Manfull, December 31, 1963, NA II, RG 59, VWG Subject Files, box 1, ORG 1.

(13) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, November 11, 1963, JFKL, NSF, box 202, State Cables 11/6/1963–11/15/1963.

(14) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, December 17, 1963, LBJL, NSF, VNCF, box 1, vol. 2.

(15) Xem George McT. Kahin, Intervention : How America Became Involved in Vietnam [Can thiệp: Con đường Mĩ dính líu tới Việt Nam] (New York: Anchor Books, 1987), tr. 182–202; và Topmiller, The Lotus Unleashed, tr. 15–16.

(16) Xem David Kaiser, American Tragedy : Kennedy, Johnson, and the Origins of the War [Thảm kịch của Mĩ: Kennedy, Johnson và Nguồn gốc Chiến tranh] (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2000), tr. 297–298. Nhiều viên chức Hoa Kì liên tục yêu cầu Khánh trưng bằng chứng về những cáo buộc mà ông dành cho Minh, nhưng họ không bao giờ nhận được một mảy may chứng cớ hậu thuẫn cho những cáo buộc ấy.

(17) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, January 17, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 1, vol. 2.

(18) Toà lãnh sự Mĩ ở Huế gửi Toà đại sứ ở Sài Gòn : Hue to Saigon, February 19, 1964, NA II, RG 59, POL VIET S, box 2924.

(19) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, April 6, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2925.

(20) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, “Recent Buddhist Developments,” [Những diễn biến mới đây của Phong trào Phật giáo], March 26, 1964, LBJL.

(21) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, April 25, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 3, vol. 7.

(22) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, May 7, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 4, vol. 8. CIA cũng báo cáo rằng những tin tức về điều gọi là liên can của Trí Quang với trung lập và cộng sản ‘vẫn không được chứng minh”, theo Bản ghi nhớ Tình báo của CIA, “ Đánh giá vấn đề tôn giáo ở Miền Nam Việt Nam ” : CIA Intelligence Memorandum, “An Assessment of the Religious Problem in South Vietnam,” LBJL, NSF, VNCF, box 4, vol. 9.

(23) Theo Bản ghi nhớ của một Phiên họp : Memorandum of a Meeting, May 11, 1964, Foreign Relations of the United States (từ đây về sau FRUS), 1964–1968, vol. 1, tr. 305.

(24) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, May 25, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 5, vol. 10.

(25) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, June 1, 1964, NA II, RG 59, POL 6 VIET S, box 2929.

(26) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, June 11, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2926.

(27) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, August 10, 1964, NA II, RG 59, POL 27 VIET S, box 2945.

(28) Như trên.

(29) Bạn đọc có thể theo dõi vụ việc Trí Quang phản đối Khánh ghi lại trong văn thư của TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, August 23, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7, vol. 16 ; Saigon to Secretary, August 23, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7, vol. 16 ; và trong một loạt các cuộc đàm thoại ghi lại trong văn thư Toà ĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, August 26, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 2933.

(30) Hội thoại trực tuyến với Tướng Westmoreland : Telecon with General Westmoreland, August 25, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7, vol. 16.

(31) Điện văn tin tình báo của CIA, “Bản phân tích về khả năng liên hệ với Cộng sản, về cá tính và mục tiêu chính trị của Trí Quang” : CIA Intelligence Information Cable, “An Analysis of Thich Tri Quang’s Possible Communist Affiliations, Personality, and Goals,” August 28, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7, vol. 16 ; và Bản ghi nhớ của CIA, “ Trí Quang và mối bất hoà Phật giáo - Công giáo ở Miền Nam Việt Nam ”: CIA Memorandum, “ Tri Quang and the Buddhist Catholic Discord in South Vietnam,” September 19, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9, vol. 18.

(32) “Bản Phân tích về Trí Quang”: “Analysis of Tri Quang,” August 28, 1964. Bản Phân tích ngày 19 tháng Chín không mạnh mẽ bằng bản phân tích trước đó vì nó chỉ lí luận rằng Trí Quang “chắc không phải là cán bộ cộng sản”. Mặc dù ghi nhận rằng CIA bác bỏ những đánh giá [cho rằng Trí Quang có quan hệ cộng sản], nhưng Moyar lại viết: “Một số viên chức cấp cao Mĩ giờ đây lại nằm trong số người cho rằng Trí Quang là cán bộ cộng sản”. Bản báo cáo ngày 19 tháng Chín có nói rằng một số “quan sát viên Mĩ thạo tin nghiêng về quan điểm này”, nhưng tôi không tìm ra bất cứ một chứng liệu nào cho biết chính xác “ai là viên chức cấp cao” chia sẻ quan điểm này. Xem Moyar, “Political Monks” (Những nhà sư Chính trị), tr.760.

(33) “Trí Quang và mối bất hoà Phật giáo - Công giáo”: “Tri Quang and Buddhist Catholic Discord,” September 19, 1964.

(34) Fredrik Logevall, Choosing War : The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam [Chọn lấy chiến tranh : cơ may hòa bình đã mất và việc leo thang chiến tranh tại Việt Nam] (Berkeley: University of California Press, 1999), tr. 240.

(35) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, September 2, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2926.

(36) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, September 9, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 2933.

(37) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, September 16, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2926.

(38) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, September 9, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 2933.

(39) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, September 16, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2926.

(40) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, September 28, 1964, NA II, RG 59, POL 15–7 VIET S, box 2937.

(41) Cả bài diễn văn lẫn lá thư có thể được tìm thấy trong văn thư của TĐS Mĩ ở Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, October 16, 1964, NA II, RG 59, POL VIET S, box 2924.

(42) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, September 28, 1964, NA II, RG 59, POL 15–7 VIET S, box 2937.

(43) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, October 23, 1964, NA II, RG 59, POL 27 VIET S, box 2948.

(44) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, November 2, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 293.

(45) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, November 5, 1964, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2926.

(46) “Bản đánh giá hiện nay về tình hình chính trị ở Miền Nam Việt Nam” của Toán Công tác Việt Nam : “Current Estimate of Political Situation in South Vietnam”, November 25, 1964, NA II, RG 59, VWG Subject Files, box 5, POL 1: Vietnam/Other Areas.

(47) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, November 2, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 293.

(48) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, November 17, 1964, NA II, RG 59, POL1 US VIET S, box 2878; and Saigon to State Department, November 27, 1964, NA II, RG 59, POL 15 VIET S, box 2933.

(49) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, December 1, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 10, vol. 23. Cách tường thuật của Moyar trong Triumph Forsaken [Chiến thắng bỏ đi] hàm ý Trí Quang từ ban đầu đã ủng hộ việc chống đối Hương, nhưng đây không phải là quan điểm của Toà Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn. Xem Moyar, Triumph Forsaken, tr.334.

(50) Bản ghi nhớ sơ thảo cuộc đàm thoại giữa Taylor và Đại sứ Trần Thiện Khiêm : Draft Memorandum of Conversation between Taylor and Ambassador Khiem, December 2, 1964, NA II, RG 59, VWG Subject Files, box 5, POL-1, Memoranda of Conversation.

(51) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, December 16, 1964, FRUS, 1964–68, vol. 1, tr. 1000–1009.

(52) Trí Quang bày tỏ với nhiều viên chức Hoa Kì rằng ông sẵn sàng vận động chống lại Khánh nếu Hương thỏa mãn những điều kiện của phía Phật giáo. Xem văn thư của TĐS Mĩ gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, December 24, 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 11, vol. 24.

(53) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, January 5, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.

(54) Điện văn tin tình báo CIA : CIA Intelligence Information cable, January 10, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12, vol. 26.

(55) CIA, “SNIE 53–65: Short-Term Prospects in South Vietnam [Dự kiến ngắn hạn tại Miền Nam Việt Nam],” February 4, 1965, Estimative Products on Vietnam 1948–1975 [Kết quả đánh giá về tình hình Việt Nam 1948-1975] (Washington, DC: GPO, 2005).

(56) Moyar, Political Monks, [“Sư chính trị”] tr. 773.

(57) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, January 31, 1965, NA II, RG 59, POL 13–6 VIET S, box 2931.

(58) Theo nguồn tư liệu ở trên. Chính Trí Quang cũng nhìn nhận Việt Cộng chắc có xâm nhập các cấp thấp của tổ chức [GHPGVNTN], nhưng ông vạch rõ VC cũng xâm nhập mọi tổ chức khác trên khắp cả nước. Xem TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, February 4, 1965, POL 2 VIET S, box 2927.

(59) Corcoran gửi Higgins : Corcoran to Higgins, February 18, 1965, NA II, RG 59, POL 13–6 VIET S, box 2931.

(60) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to Department of State, “Interview by Tri Quang in English-Language Dailies” [Trí Quang trả lời phỏng vấn trên những nhật báo tiếng Anh], February 3, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 13, vol. 27. Hẳn nhiên, người đọc không thể hiểu lời phát biểu của Trí Quang theo nghĩa đen bởi vì đôi khi phong trào Phật giáo cũng có xiển dương tinh thần chống Mĩ. Nội dung mà chắc hẳn ông muốn chuyên chở là, những biểu lộ cảm tính này chỉ có ý nghĩa chiến thuật chứ không phải là lối diễn đạt cơ bản bày tỏ quan điểm của Phật giáo đối với Hoa Kì.

(61) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, February 4, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.

(62) Điện văn tin tình báo CIA: CIA Intelligence Cable, February 2, 1965, Declassified Documents Reference System, [Hệ tham khảo các Hồ sơ Giải mật],1976070100060.

(63) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, March 4, 1965, NA II, RG 59, POL 27 VIET S, box 2953.

(64) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, March 1, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.

(65) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, March 3, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.

(66) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, March 22, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 15, vol. 31.

(67) Theo tư liệu đã dẫn ở trên. Dù ghi nhận lời kêu gọi oanh kích của Trí Quang, nhưng Moyar lí luận trong Political Monks (Sư Chính trị) rằng “có bằng chứng trực tiếp nói rằng lời cố vấn này chỉ là một công cụ nhằm duy trì ân huệ của Hoa Kì để cho phe Phật giáo tranh đấu có thể tiếp tục những hoạt động phá hoại của họ” (tr. 779). Đáng tiếc là, bằng chứng trực tiếp ấy chỉ là một câu trích từ chuyên gia chống nổi dậy người Anh Robert Thompson: “Trí Quang nói với Tướng Taylor rằng ông ủng hộ việc dội bom Miền Bắc, rồi sau đó ông đến thẳng với người Pháp để phân bua rằng ông làm vậy chỉ để ru ngủ những ngờ vực của Taylor nhằm rảnh tay đẩy mạnh chiến dịch bí mật đòi hoà bình bằng mọi giá—hay nói đúng ra, bằng cái giá mà cộng sản đưa ra.” Xuất xứ của lời trích dẫn này chắc chắn là rất mù mờ; Moyar trích dẫn từ cuốn The Long Charade (Trò vờ vĩnh lâu dài) của Critchfield, nhưng nó cũng xuất hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 1965 của Higgins, Our Vietnam Nightmare (Cơn ác mộng Việt Nam của chúng ta), tr. 285-286. Cả Higgins lẫn Critchfield đều không cho biết Thompson đã đưa ra phát biểu này ở đâu và vào lúc nào. Nội cái ý kiến cho rằng Trí Quang chịu tiết lộ một quan điểm như thế tự nó là một điều đáng nghi ngờ, nhưng ý kiến cho rằng ông chịu chọn mặt gửi vàng mà tiết lộ quan điểm của mình với “người Pháp” là điều ít ai tin được vì trước sau như một Trí Quang luôn giữ lập trường cực kì chống Pháp. Tóm lại, không cách chi có thể coi trích dẫn Thompson như một bằng chứng nghiêm túc liên quan đến động lực chính trị của Trí Quang.

(68) Bộ ngoại giao gửi Toà Đại sứ ở Sài Gòn : State Department to Saigon, March 2, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 14, vol. 30.

(69) Như trên.

(70) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, March 19, 1965, NA II, RG 59, POL 2 VIET S, box 2927.

(71) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao : Saigon to State Department, May 6, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 17, vol. 34.

(72) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, April 7, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.

(73) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Saigon to Secretary, April 12, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.

(74) CIA, “Tình hình Miền Nam Việt Nam” : CIA, “The Situation in South Vietnam,” April 7, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 16, vol. 32.

(75) Bản ghi nhớ gửi Giám đốc Tình báo Trung ương : Memorandum for Director of Central Intelligence, “CIA Proposals for Limited Covert Civilian Political Action in Vietnam,” [Đề xuất hoạt động dân sự vụ bí mật và có giới hạn ở Việt Nam], March 31, 1965, LBJL, McCone’s 12 Points, box 194.

(76) Thư Trí Quang gửi Lodge : Tri Quang to Lodge, May 13, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 17, vol. 34.

(77) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, May 6, 1965, LBJL, NSF, VN CF, box 17, vol. 34.

(78) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, July 21, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 20, vol. 37.

(79) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ Ngoại giao: Saigon to State Department, July 10, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 20, vol. 37.

(80) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, June 12, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 18, vol. 35.

(81) TĐS Mĩ Saigon gửi Bộ trưởng Ngoại giao: Saigon to Secretary, June 22, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 19, vol. 36.

(82) Moyar, Triumph Forsaken, tr. 218.

(83) Carver gửi McNaughton : Carver to McNaughton, “Consequences of a Buddhist Political Victory in South Vietnam,” [Những hệ quả do một thắng lợi chính trị của phe Phật giáo ở Miền Nam] VN LBJL, NSF, VNCF, box 63, 1 EE (4) Post-Tet Political Activity [Sinh hoạt chính trị sau Tết Mậu Thân].

(84) Bản ghi nhớ của Lodge : Memorandum by Lodge, “Recommendations Regarding Vietnam,” [Những đề xuất liên quan Việt Nam] March 8, 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, pp. 415–420.

(85) Lodge, Điện tín hàng tuần : Lodge Weekly Telegram, March 23, 1966, FRUS, 1964–1968, vol. 4, pp. 225–229.

(86) Maxwell Taylor, “Comments on the Present Situation in South Vietnam,” [Bình luận về tình hình hiện nay tại Miền Nam Việt Nam] April 8, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 29, vol. 50.

(87) Lodge gửi Bộ trưởng Ngoại giao : Lodge to Secretary, April 8, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 29, vol. 50.

(88) Rusk gửi Lodge: Rusk to Lodge, April 6, 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 46, NODIS, vol. 3.

(89) Bản ghi nhớ của Komer gửi Bill Moyers : Komer Memorandum to Bill Moyers, June 3, 1966, LBJL, Files of Robert Komer, box 4, Moyer/Christian Folder. Như Komer đã nhận xét một cách tiếc rẻ, Sulzberger chắc đã tiếp thu những quan điểm này từ [Đại sứ] Lodge và Phó Đại sứ William Porter.

(90) Komer gửi Bill Moyers : Komer to Bill Moyers, June 2, 1966, LBJL, Files of Robert Komer, box 3, White House Chronological Folder March–December 1966. Phần nhấn mạnh là của nguyên bản.

(91) Hughes gửi Rusk : Hughes to Rusk, March 19, 1966, “GVN Crisis Hardening But Compromise Seems Possible,” [Cuộc khủng hoảng CPVNCH ngày càng gay gắt nhưng có vẻ có khả năng đi tới tương nhượng] FRUS, 1964–1968, vol. 4, pp. 292–293.

(92) Carver, “Những hệ quả do một chiến thắng chính trị của Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam” và Bản ghi nhớ tình báo của CIA, “Thích Trí Quang và những mục tiêu chính trị của Phật giáo tại Miền Nam Việt Nam”, LBJL, NSF, VNCF, box 30, vol. 51. Trích dẫn lấy từ tài liệu thứ hai. Carver không được ghi là tác giả tài liệu này, nhưng rõ ràng là ông ta đã đóng góp những ý chính.

(93) Lodge gửi William Bundy : Lodge to William Bundy, July 26, 1966, LBJL, NSF, VNCF, box 34, vol. 56.

(94) Moyar, Political Monks, [Sư chính trị], tr. 784.

Xuan xua Tet nay voi nhung tro choi dan gian co truyen



No comments: