Tội Ác của VC: "Thảm Sát Mậu Thân 1968"
Mậu Thân Ở Huế
Nguyễn Lý Tưởng
Những hành động dã man của Việt-Cộng
1. Tại Phú Cam, khi VC tiến vào làng này, lực lượng nghĩa quân ở đây chiến đấu rất hăng say. Nhưng quân số VC quá đông, cấp tiểu đoàn, nên anh em nghĩa quân giấu súng và chạy lẫn lộn trong dân chúng. Việt Cộng đã vào nhà thờ bắt tất cả các người đàn ông, thanh niên đem đi.
Có hơn 300 người đã bị bắt trong đó có Lê Hữu Bôi, Lê Hữu Bá... hai người nầy từ Nam Giao chạy về Phú Cam hy vọng nơi đây không có VC. Họ đã trốn trong nhà thờ để tránh bom đạn. Những người Phú Cam bị bắt, bị giết tập thể tại khe Đá Mài thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc quận Nam Hòa, Thừa Thiên. Xác chết nằm dưới khe, thịt thối rữa bị nước cuốn trôi đi, chỉ còn sọ và xương lẫn lộn.
Tháng 10-1969, sau gần hai năm mới tìm được chỗ đó. Thân nhân đến nhận các dấu vết như thẻ căn cước bọc nhựa, quần áo, đồ dùng, tràng hạt, tượng ảnh. Trong số các di vật nầy có thẻ căn cước của Lê Hữu Bôi (Bôi là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sai gòn, năm 1963 nổi tiếng qua phong trào tranh đấu của Phật tử chống TT. Ngô Đình Diệm).
Có những em học sinh bị bắt trong nhà thờ Phủ Cam, cũng bị giết chết tập thể bằng đại liên, bằng mìn tại Khe Đá Mài như Bùi Kha (16 tuổi), Phan Minh (16 tuổi), Nguyễn Duyệt (17 tuổi) v.v.. Đại úy Trung, khóa 16 Đàlạt, sĩ quan liên lạc của SĐ 101 Dù Mỹ bị kẹt ở Phú Cam. Ông trốn ra được và cùng lực lượng quân đội ta trở lại tái chiếm Phú Cam đã bị tử trận.
2. Tại Thành Nội và Gia Hội là nơi Cộng Sản chiếm đóng rất lâu, nhiều người bị bắt, bị đem ra xét xử. Cộng Sản đã lập ra tổ chức Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình đưa giáo sư Lê Văn Hảo (Đại Học Văn Khoa Huê) lên làm Chủ Tịch và Thượng Tọa Thích Đôn Hậu (Chánh Đại Diện Miền Vạn Hạnh) và Bà Nguyễn Đình Chi (Nguyên Hiệu Trưởng Trường Đồng Khánh Huê) làm Phó Chủ Tịch.
Nguy hiểm nhất là bọn theo phong trào tranh đấu chống chính quyền VNCH năm 1966 như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên Y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên Sư Phạm), Trần Quang Long (sinh viên Sư Phạm), Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân (sinh viên) v.v...
Khi quân đội Chính Phủ ở Sài gòn ra Huế tái lập trật tự vào mùa hè 1966, bọn chúng chạy vào chiến khu theo Việt Cộng, nay trở lại Huế, dẫn VC đi lùng bắt bạn bè, những sinh viên ở trong các chính đảng quốc gia chống Cộng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng và những anh em công chức, cán bộ, cảnh sát, sĩ quan v.v... bị kẹt lại trong khu vực VC kiểm soát. Chúng lập tòa án nhân dân để xét xử họ trả thù những người trước đây đã chống lại chúng.
Trước Tết Mậu Thân mấy tháng, Lê văn Hảo đã bị Cảnh Sát Thừa Thiên bắt giam vì lý do đã phát hành báo bí mật tuyên truyền chống Mỹ, chống chiến tranh và ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng sau đó y đã làm đơn nhận lỗi và xin khoan hồng, đồng thời giáo sư Lâm Ngọc Huỳnh, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa cũng đã vận động xin chính quyền VNCH tại tỉnh Thừa Thiên khoan hồng cho y nên ông Đoàn Công Lập, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên đã trả tự do cho y.
Sau khi quân đội VNCH tái chiếm Thành Nội Huế, Lê văn Hảo chạy theo Việt Cộng ra Hà Nội và trở lại Huế năm 1975, được cho làm ở Ty Thông Tin Văn Hóa. Nhân cơ hội được Cộng Sản cho đi Úc, Lê Văn Hảo đã xin tỵ nạn chính trị, hiện y đang sống ở Pháp. Trả lời cuộc phỏng vấn của Đài BBC, y đã xác nhận việc Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và đồng bọn đã lập tòa án nhân dân trong Tết Mậu Thân để xét xử sinh viên và những người quốc gia ở Huế là đúng. Y nói y không tham gia tòa án đó.
Việt Cộng đã bắt được ông Nguyễn văn Đãi (Phụ Tá Đại Biểu Chính Phủ), ông Bảo Lộc (Phó Tỉnh Trưởng) tại tư gia. Riêng ông Lê Đình Thương, Phó Thị Trưởng Huế, không chịu ra đầu hàng, khi VC tấn công vào, ông tự tử bằng lựu đạn.
Nghị Sĩ Trần Điền, Chủ Tịch ủy Ban Canh Nông Thượng Nghị Viện, một trong những vị lãnh đạo cao cấp của Hướng Đạo VN, đã từng làm Tỉnh Trưởng Quáng Trị, làm giáo sư ở Huế, đã bị bắt và bị chôn sống.
Thiếu Tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba) Huế, trốn trong nhà đã ba bốn ngày. VC vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Kháng không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà khiến ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man và kinh hoàng.
Ông Trần Ngọc Lộ, Bí Thư Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM) Quận Phú Vang, người lập ra môn phái võ Thần Quyền ở Huế, bị bắt cùng với vợ của ông, đã bị chúng giết để lại bầy con dại bơ vơ. Anh Trần Mậu Tý, thuộc Đặc Khu Sinh Viên ĐVCM ở Huế bị bắt và tra tấn dã man cho đến chết.
Con số đảng viên ĐVCM chết tại Huế trong Tết Mậu Thân lên đến trên 300 người, trước 1975, tôi có giữ danh sách đó, sau vì hoàn cảnh phải thủ tiêu, nay đang sưu tầm lại. Bên VN Quốc Dân Đảng, có Giáo sư Phạm Đức Phác, ông Lê Ngọc Kỳ v.v... là những đảng viên cao cấp cũng bị VC giết chết trong Tết Mậu Thân.
VC đã tàn sát cả nhà bà Từ Thị Như Tùng và chồng là Trung Tá Nguyễn Tuấn, chỉ huy Thiết Giáp ở Gò Vấp, chỉ có một em bé may mắn sống sót hiện ở Mỹ. Ngày 9 tháng 2, 1968, tiểu đoàn K.8 của Việt Cộng tấn công vào làng Dương Lộc, nghĩa quân và dân làng chiến đấu quyết liệt, VC thiệt hại nặng. Sau khi nghĩa quân rút ra khỏi làng, VC đã bắt Linh Mục Lê văn Hộ và em Nguyễn Tiếp mới 13 tuổi, giúp lễ cho cha. Chúng đã chôn sống Linh Mục và em Tiếp tại vùng Chợ Cạn (Triệu Phong). Tại Phú Vang, VC vào trường La San bắt ba sư huynh và chôn sống với đồng bào vô tội VC cũng bắt Linh mục Bửu Đồng đi và sau đó đã giết ngài.
3. Những mồ chôn tập thể tại chùa áo Vàng (đường Võ Tánh), tại Sân Trường Gia Hội, phường Phú Cát hoặc vùng Phú Vang, Phú Thứ v.v... hàng trăm nạn nhân bị chôn trong những mồ chôn tập thể, nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc vào sọ, bị bắn bằng súng hay bị chôn sống, tay bị trói bằng giây điện hay giây tre v v. .
Ba bác sĩ Alterkoster, Discher và Krainick, người Tây Đức, giảng dạy tại Đại Học Y Khoa Huế cũng bị VC giết trong Tết Mậu Thân vì cho là CIA. ông Võ Thành Minh (người thổi sáo kêu gọi hòa bình ở Genève, 1954), Tết Mậu Thân 1968, ông đang ở trong từ đường cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự Huế bị VC bắt và đề nghị ông đứng ra làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của VC. Ông từ chối, bị bắt lên núi, và bị chúng giết. Những nơi khác ngoài Huế mà chúng tôi được biết, cũng không kém phần dã man, như ở quận Hoài Nhơn, VC đã tàn sát 200 người một lúc trong đó có cả em bé 12, 13 tuổi, có các cụ già v.v... vì tất cả những người nầy đã cùng ông Nguyễn Giảng (ĐVCM) chống lại chúng, không chịu đầu hàng. Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm, nhưng bia đá nầy đã bị VC phá sau 30-4-1975.
Đi tìm xác các nạn nhân
Theo con số tổn thất về nhân mạng được chính quyền VNCH công bố, tại Huế có khoảng 6000 người chết trong đó về phía quân đội VNCH có 384 người chết và 1800 người bị thương, về phía Mỹ có 147 chết và 857 người bị thương. Con số nầy đã được các sách vở, báo chí thời đó ghi lại. Riêng cá nhân tôi trong thời gian làm Dân Biểu và hoạt động cho Hội Nạn Nhân CS trong Tết Mậu Thân tại Huế và Thừa Thiên, chúng tôi ghi nhận được 4000 gia đình có thân nhân chết, có khai báo tên tuổi để xin trợ cấp. Thiệt hại ở các tỉnh khác, tôi không rõ.
Nhưng có lẽ không nơi nào trên toàn lãnh thổ VNCH có số tổn thất cao hơn Huế được, vì Huế đã bị VC chiếm giữ trong thời gian quá lâu.
Sau Tết Mậu Thân ít lâu, tình hình Huế và Thừa Thiên trở nên yên tĩnh, kế hoạch bình định phát triển rất tốt Một số các gia đình nạn nhân bỗng nhiên được người chết về báo mộng và họ bắt đầu đi tìm, nhờ đồng bào bí mật hướng dẫn nên họ đã tìm ra các nạn nhân. Sau đó chính quyền Huế đã mở các cuộc hành quân tìm xác nạn nhân và đã tìm được ở những nơi xa như Phú Vang, Phú Thứ v v những hầm chôn tập thể. Những nơi trong thành phố đã được phát hiện rất sớm, khoảng trong vòng một tuần sau khi VC bị đẩy ra khỏi thành phố. Nhưng những nơi xa, có nơi vài ba tháng, có nơi gần hai năm sau mới tìm được như tại Khe Đá Mài mà chúng tôi đã nói trên đây.
Năm 1968 và 1969, có một ủy Ban đi tìm xác đã làm việc tích cực và họ cũng đã vào Sài gòn thuyết trình và trưng bày bằng chứng tại Quốc Hội (Hạ Nghị Viện). Theo tôi được biết ông Võ văn Bằng, nghị viên ở Thừa Thiên đã từng tham gia các đoàn người đi tìm xác nạn nhân năm 1968 hiện đang có mặt ở quận Cam, Nam Cali. Những buổi lễ tưởng niệm và an táng các nạn nhân tại Huế được tổ chức nhiều lần: Tại núi Ba Vành vào mùa hè 1968 và tại núi Ba Tầng (Ngự Bình) vào tháng 10. 1969. Những nơi đó đã được xây dựng thành di tích, trồng cây, dựng bia v v Ngày nay VC đã cho lệnh phá các di tích đó để cho hậu thế không còn nhắc nhở đến nữa.
Viết về Mậu Thân 1968, có lẽ phải đến cả cuốn sách dày. Đây chỉ là một vài điều nhỏ gợi nhớ mà thôi. Ước mong những người trong cuộc, còn nhớ nhiều, biết nhiều sẽ đóng góp thêm, lên tiếng bổ túc cho chúng tôi...
Tết Mậu Thân là bài học cho người quốc gia, cho các thế hệ mai sau. Khi chúng tôi đứng trước một mồ chôn tập thể ở Huế, chúng tôi thấy trong đó có đủ mọi hạng người, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, địa phương hay thành phần xã hội. Tất cả đều là nạn nhân của Cộng Sản, cùng chôn chung một hố. Khi thân nhân đến nhận xác đem đi rồi, chỉ còn lại máu nạn nhân thấm vào đất. Và không ai phân biệt được trong hố đất đó, đâu là máu của người Công Giáo hay Phật tử, đâu là máu của quân nhân hay sinh viên học sinh, đâu là máu của cán bộ đảng nầy hay đảng nọ. Tất cả chỉ là máu của người quốc gia, nạn nhân CS mà thôi.
Năm 1975, khi bước chân vào nhà tù Cộng Sản, chúng tôi cũng gặp đủ mọi hạng người, thuộc đủ mọi tôn giáo, mọi thành phần xã hội. Nhà tù cũng chẳng khác chi cái mồ chôn nạn nhân VC trong Tết Mậu Thân. Khi đất nước rơi vào tay Cộng Sản thì mọi người không phân biệt tôn giáo, đảng phái đều là nạn nhân của CS hết. Đó là bài học rất đắt giá cho tất cả chúng ta. (het)
No comments:
Post a Comment