Ông Trời – Thượng Đế dưới cái nhìn của người Việt Nam
Thanh Quang, CSsR
Nội dung
I. Dẫn nhập
II. Ông Trời dưới cái nhìn của người Việt Nam.
1. Có Ông Trời hay không?
2. Một cái nhìn tiệm tiến. Một cảm nhận về Ông Trời xuất phát từ đáy sâu tâm hồn.
a. Một cái nhìn tiệm tiến
* Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người: Tín ngưỡng phồn thực.
* Tín ngưỡng sùng bái con người.
b. Một cảm nhận về Ông Trời xuất phát từ đáy sâu tâm hồn.
3. Ông Trời là ai? Người Việt Nam hiểu về Ông Trời như thế nào ?
4. Trở về nguồn: Ông Trời
a. Lập bàn thờ Thông Thiên.
b. Tế Nam Giao.
c. Lễ cổ truyền của người Việt Nam.
5. Ông Trời và mối tương quan giữa Ông Trời và con người.
a. Tương quan như một nhân vị.
b. Tương quan giữa Đấng Tạo Hoá và con người đầy giới hạn.
6. Vài nhận định về cái nhìn của người Việt Nam đối với Ông Trời.
III. Kết luận
I. Dẫn nhập
Dường như dấu ấn về “Ai đó” đã in sâu vào tâm khảm của mọi người ở mọi thời. Trải qua mọi thời và mọi nơi, dấu ấn ấy không phai nhoà trong tâm thức mọi người thuộc mọi dân tộc. “Ai đó” ấy được hiện lộ dưới nhiều tên gọi, dưới nhiều hình thức và dưới nhiều phương diện khác nhau. Kinh nghiệm về cuộc hành trình lịch sử cho thấy, nhân loại không ngừng đặt câu hỏi về Ai đó. Ai đó ấy có khi được gọi là Thiên Chúa, có khi được gọi là Thượng Đế, có khi được gọi là Đấng Siêu Việt, Đấng Tạo Hoá, Đấng Tối Cao. Phải chăng Đấng ấy cũng được gọi là Ông Trời, đúng theo cách gọi bình dân nhưng cũng rất kính trọng của người dân Việt Nam? Đấng ấy tuy rất linh thiêng, cao cả, xa xôi, quyền uy nhưng đồng thời cũng rất đời thường, thấp hèn, gần gũi, yêu thương. Đấng ấy tuy rất im lặng nhưng cũng nói rất nhiều với con người qua từng cảnh vật, biến cố, sự kiện trong cuộc sống. Đấng ấy tuy rất vô hình nhưng đồng thời cũng rất hữu hình. Hữu hình cho đến nỗi người Việt Nam gọi Đấng ấy là Ông Trời.
Nếu như nhân loại nói chung, không ngừng tìm kiếm và muốn trở về nguồn cội của mình là Đấng Tạo Hoá, thì người Việt Nam nói riêng cũng hằng khao khát, trông đợi và mong mỏi đạt cho được một thực tại khác, vượt lên trên thực tại trần thế này. Thực tại “khác” ấy thì linh thiêng, trường cửu, vô giới hạn. Tác giả Dominique Morin đã quả quyết: “Có một điều chắc chắn là con người luôn luôn nuôi ý tưởng về một thực tại thần linh - Thượng Đế.”[1] Phải chăng người Việt Nam luôn nuôi một ý tưởng về một thực tại thần linh - Ông Trời, Thượng Đế ? Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu “Cái nhìn của người Việt Nam về Ông Trời - Thượng Đế. ”
II. Ông Trời dưới cái nhìn của người Việt Nam:
* Ngôn từ: Trời.
Theo từ điển tiếng Việt thì: “Trời là vị thần làm chủ vạn vật” [2]
Ngay từ cách viết từ Trời bằng Hán Nôm người xưa đã tự ý tôn vinh Trời:
. Trời là Thiên (chữ Hán Việt): Chữ Thiên là chữ Nhất ở trên chữ Đại.
. Trời được ghép bởi chữ Thiên ở trên chữ Thượng.
Đấng ấy được kính trọng, tôn vinh và được coi là Đấng cao cả hơn trời đất, hơn muôn loài muôn vật.
Để có thể xác định cách rõ ràng hơn, chúng ta xem xét kỹ một lần rằng, đối với người Việt Nam có hay không có một Ông Trời?
1. Có Ông Trời hay không?
Ngay từ khởi đầu của cuộc sống, người Việt Nam dường như có một cảm nhận sâu sắc về Đấng Tạo Hoá: Qua cảnh vật thiên nhiên, qua trật tự vũ trụ - là một trong năm con đường nhận biết Thượng Đế mà Thánh Tôma Aquinô đã chỉ ra - qua các sự kiện, biến cố xảy ra, qua việc nhận ra dấu chỉ ân huệ của Ơn Trên; qua mọi phương diện của đời sống. Chắc hẳn phải có một cảm nhận, một xác quyết, một xác tín mạnh mẽ mà người Việt Nam ta mới có câu:
“Non kia ai đắp mà cao
Sông kia ai bới, ai đào mà sâu.”
Kinh nghiệm bản thân cho con người thấy chắc chắn điều này, không phải do con người mà có “non cao” hay “sông sâu”. Với sức giới hạn của con người (là đắp, bới, đào) thì không thể nào có được dãy núi Trường Sơn cao chon von, hay sông Cửu Long rộng mênh mông. Vậy những công trình vĩ đại ấy có được là do ai? Từ “Ai” ở đây được nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh và ám chỉ về một éấng nào đó rất quyền năng, đầy sức mạnh, cao cả vô cùng, khôn dò khôn thấu, Thượng Trí vô song. Đấng ấy là Đấng nào nếu không phải là Đấng Siêu Việt, Đấng Tạo Hoá hay gọi theo kiểu bình dân là Ông Trời. Hoá ra, một cách nào đó trực tiếp hay gián tiếp, người Việt Nam đã xác định minh nhiên rằng: Có ông trời. Một cách nào đó, cái nhìn của người Việt Nam trùng khớp với cái nhìn tinh tế của Socrate, một triết gia lớn thời thượng cổ: “Anh chỉ cần ngắm nhìn công trình của thần thánh, cũng đủ tỏ lòng kính cẩn,… Đấng đã an bài và bảo tồn vũ trụ, ta sẽ thấy Ngài thực hiện những công trình vĩ đại hơn hết, nhưng chính Ngài ta không thấy được…”[3].
Nếu chúng ta được học về văn hoá Việt Nam, thì sẽ thấy được nét độc đáo của người Việt Nam là nữ tính, hoà tính, vui vẻ, tâm hồn luôn rộng mở. Nhờ hoà tính, người Việt Nam luôn sống chan hoà với Trời đất, với cảnh vật thiên nhiên. Trên thì có Trời (Thiên), giữa thì có người (nhân), dưới thì có đất (địa). Cấu trúc “Thiên - nhân - địa” như tạo nên “kiềng ba chân” thật vững chãi. Nhờ có tâm hồn rộng mở, người Việt Nam sớm có cảm nhận sâu sắc và dễ đón nhận thần linh, Ông Trời, Thượng Đế. Linh mục Cadiere nhận xét: “ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt Nam”. Còn linh mục Nguyễn Thế Thoại thì quả quyết: “Ý niệm tôn giáo truyền thống nhất của chúng ta là thờ Trời” [4]. Một lần nữa, ta có thể xác quyết rằng, người Việt Nam đã tin nhận là có Ông Trời, đồng thời tôn vinh như Đấng có quyền năng, Siêu Việt. Việc tôn vinh ấy được thể hiện qua việc thờ phụng Ngài bằng cả tấm lòng thành.
2. Một cái nhìn tiệm tiến. Một cảm nhận từ đáy sâu tâm hồn:
a. Một cái nhìn tiệm tiến.
Với tất cả hoà tính và tâm hồn rộng mở, người Việt Nam có cái nhìn rất thoáng rộng và kỳ lạ so với nhiều dân tộc trên thế giới. Người Việt Nam luôn luôn nhìn Trời đất, thiên nhiên, vũ trụ vạn vật dưới cái nhìn rất linh thiêng. Dường như trong từng sự vật đều chứa “chất thiêng liêng” trong đó. Chính vì thế nơi người Việt Nam nảy sinh nhiều tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn: Tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng sùng bái con người và mức cao nhất là tín ngưỡng thờ Trời. Điều này cho ta thấy, người Việt Nam không đơn thuần là sống với những cái cụ thể hữu hình đầy giới hạn, hay bằng lòng với những gì đã có mang đầy tính hạn chế, nhưng còn sống với những giá trị vượt lên trên cuộc sống trần thế. Giá trị ấy mang tính linh thiêng. Giá trị ấy mang tính ưu việt. Giá trị ấy mang tính cao cả và siêu việt. Chính giá trị ấy có tác dụng lấp đầy giới hạn và khiếm khuyết của con người. Hoá ra tâm hồn người Việt Nam là thế: Rất tinh tế, rất chan hoà, rất mở rộng, rất cao vời, rất hướng thượng. Người Việt Nam không dừng lại ở đời sống giới hạn này, nhưng những muốn vươn tới và đạt cho được đời sống linh thiêng siêu vời. Có một tác giả nhận định: “Người Việt Nam tắm mình trong không khí tôn giáo. Họ có thể đặt mâm cúng bái ở bất cứ chỗ nào trong nhà, ngoài đường hay cả ở đền, am, miếu, nhà thờ,… có thể tin đủ loại ma quỷ, thần thánh. Họ đa thần theo một nghĩa nào đó. Dưới con mắt họ, tất cả đều như nhau, đều linh thiêng cả - nếu như điều cầu xin được toại nguyện, nếu như tâm linh tôn giáo được thoả mãn”[5]
Ngay từ thời cổ, người Việt Nam đã nhận ra yếu tố linh thiêng và gửi gắm nó vào trong sự vật tự nhiên, bình thường. Yếu tố linh thiêng ấy như là nguyên lý của sự sống, là động lực thúc đẩy sự luân chuyển của vạn vật vũ trụ. Chúng ta sẽ rõ hơn khi tìm về tín ngưỡng dân gian.
* Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người: Tín ngưỡng phồn thực.
Tự nhiên, sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người tuy lộ ra trước mắt cụ thể, nhưng vẫn chứa chất điều gì đó rất bí ẩn. Nó mang sức mạnh siêu nhiên vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chính vì vậy, người Việt Nam đã sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực: “Ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng biểu hiện: Thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ bản thân hành vi giao phối” [6]. Ta thấy các loại tín ngưỡng này được phổ biến ở các nền văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước.
Ta thấy rằng, tất cả những gì vượt quá trí hiểu, vượt quá khả năng sức lực của con người và khó lý giải tận ngọn nguồn, thì người Việt Nam đều tôn lên thành những thần thánh. Do sống trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nên người Việt Nam có sự gắn bó với tự nhiên cách lâu dài và bền chặt. Người Việt Nam đã coi những hiện tượng tự nhiên như thần thánh. Từ đó dẫn đến tình trạng đa thần: “Ban đầu hoàn toàn là các Bà: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước. Về sau một phần do ý thức được sự đối lập âm dương mà xuất hiện Ông Trời” [7]. Ta cũng thấy có những thần sông, thần suối, thần không gian (Ngũ Hành Nương Nương); thần thời gian (Thập Nhị Hành Khiển); các thần động vật và thực vật như: thần hổ, thần chim đại bàng, thần cá sấu, thần lúa, thần nông…
Như vậy ngay từ buổi sơ khai, người Việt Nam đã cưu mang trong mình “chất tôn giáo”, “chất tín ngưỡng”, “chất linh thiêng” của thần thánh, của Đấng Siêu Việt. Cho dẫu hành động diễn tả niềm tin hay việc thờ phượng còn thô kệch, còn đặt nơi những sự vật tự nhiên, bình thường, ta vẫn thấy nó như là bước chuẩn bị, bước khai mở đáng chân trọng và giữ gìn, để tiến đến mức độ tín ngưỡng cao nhất: Đó là thờ Trời, thờ Đấng có tên là Thượng Đế.
Ta lại thấy ở nơi người Việt Nam có loại tín ngưỡng ở mức độ cao hơn: Tín ngưỡng sùng bái con người.
* Tín ngưỡng sùng bái con người:
Người Việt Nam tin rằng, linh hồn con người là bất tử. Chính vì tin linh hồn bất tử nên người Việt Nam cho rằng, con người chết là về nơi “chín suối” hưởng phúc cực lạc. Vì vậy, ông bà ta có câu: “Sống gửi, thác về”. Người ta sống chỉ là tạm thời, chết đi mới là cuộc trở về nơi trường cửu, vĩnh hằng. Ông bà tổ tiên nếu đã chết thì trở về nơi “chín suối” ấy, nhưng cũng có thể trở lại với con cháu để phù hộ, chở che. Đó cũng là niềm tin của người Việt Nam. Niềm tin ấy đã tạo cơ sở để hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hay còn gọi là đạo Ông Bà. Việc thờ kính ông bà tổ tiên rất đơn giản: Có thể là cúng gì?, khấn vái, lạy, tạ ơn và cầu xin.
Như chúng ta đã đề cập đến, người Việt Nam có nhãn quan rất độc đáo và đặc sắc về giới linh thiêng (khác với dân tộc khác). Nếu không nói quá, thì người Việt Nam đều nhìn mọi s? vật, hiện tượng dưới cái nhìn linh thiêng. Khi người ta sống đó, cũng mang “chất linh thiêng” và đặc biệt khi chết con người thực sự trở nên thần thánh. Và như thế, người Việt Nam đã sùng bái con người. Cho đến nay, đạo Ông Bà vẫn tồn tại.
ở mức độ rộng lớn hơn khuôn khổ thờ Ông Bà tổ tiên trong gia đình, thì người Việt Nam còn sùng bái thần Thành Hoàng (tức những người có công với làng nước và được tôn phong lên bậc thần thánh). Ngoài ra còn có thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh,… Những người này có những huyền thoại lưu danh sử thế.
Chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét về tín ngưỡng dân gian Việt Nam: Khởi đầu cuộc sống, người Việt Nam đã có cái nhìn sâu thẳm và linh thiêng về sự vật hiện tượng. Cái nhìn ấy vượt lên trên cái nhìn hình tượng bên ngoài, điều dú cho thấy tâm hồn thênh thang đầy tính tôn giáo của niềm tin người Việt Nam. Nó như là sự chuẩn bị để dẫn người Việt Nam đến niềm tin vào Ông Trời - Thượng Đế.
Chúng ta thấy rằng, tín ngưỡng Việt Nam mang đậm nét của sự tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên, vũ trụ; mang đậm nét nguyên lý âm dương ( thờ Trời - Đất, chim - thú, tiờn - rồng, sông - núi,…); mang đậm nét hoà tính, nữ tớnh (đạo Mẫu, các nữ thần,…); tín ngưỡng Việt Nam cũng mang tính đa thần, tính cộng đồng; đặc biệt mang tính dân chủ, nghĩa là muốn nói lên quyền lợi và trách nhiệm của cả thần linh lẫn con người. Con người thì có trách nhi?m thờ cúng, cầu xin, còn thần thì có nhiệm vụ phù hộ nâng đỡ con người. Nếu thần linh sai lỗi thì con người có quyền kiện đến nơi để thần linh sửa sai! (Câu truyện cổ tích Cóc Kiện Trời chứng minh cho ta thấy điều đó) [8].
Tín ngưỡng Việt Nam đi dần từng bước, từng bước từ mức độ thấp đến mức độ cao và đi đến nguồn cội của sự sống, nguồn cội của thụ tạo, tức Ông Trời. Người Việt Nam đã nhận ra dấu chỉ linh thiêng của Ông Trời, nhưng lúc đầu chưa biết diễn tả việc thờ phượng thế nào và ở đâu nên đã đặt ở sự vật này hay hiện tượng kia một cách rất bình thường, đôi khi rất tầm thường. Chẳng hạn như tín ngưỡng phồn thực, tức thờ bộ phận sinh dục nam nữ, tượng trưng cho nguyên lý sự sống, sự sinh sôi nảy nở, đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và ở mức độ cao hơn nữa là tín ngưỡng sùng bái con người, tức thờ Ông Bà tổ tiên, thần Thành Hoàng. Và đặc biệt hơn cả, tín ngưỡng ấy là ở mức độ cao nhất là việc thờ Trời - Đấng Tạo Hoá của người Việt Nam. Cụ thể cho việc thờ phượng Ông Trời được diễn tả qua hành vi ở Tế Đàn Nam Giao của vua chúa và dân chúng Việt Nam. Điều này sẽ được chúng ta làm rõ hơn trong những phần tiếp theo.
b. Một cảm nhận từ đáy sâu tâm hồn:
Con người ta sống ở giữa trời đất, vũ trụ mênh mông bao la, chắc hẳn không thể không một lần ngước mắt lên trời và thốt lên: Ôi! Thật cao cả! Thật siêu việt! Thật lạ lùng! Ai đã tạo nên cảnh hùng vĩ này? Tôi có mặt trong vũ trụ này là do ai? Chắc chắn, khi đưa ra những nghi vấn này, con người ta phần nào đã có cảm nhận về Đấng Tạo Hoá. Cảm nhận ấy cứ ngày càng rõ nét khi người ta không ngừng đi tìm cho mình những câu trả lời thích đáng, rõ ràng, người Việt Nam ta cũng luôn ở trong tâm trạng của những người luôn đặt nghi vấn và đi tìm Đấng Tạo Hoá, hay ít ra cũng có thái độ kính phục trước những kỳ công vĩ đại của Ngài. Linh mục Cadiere kh?ng định: “ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn nhân dân Việt Nam”. “Cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã thấm nhiễm mạnh mẽ ý thức tôn giáo của người dân An Nam” [9]. Không phải tự nhiên mà linh mục Cadiere có được những kh?ng định đó. Chắc chắn Cadiere đã từng chứng kiến bầu khí cũng như khung cảnh người Việt Nam kinh ngạc, bái phục trước sức mạnh, quyền năng cao cả của Ông Trời, hay thấy được niềm tin, cảm nhận sâu xa xuất phát từ đáy sâu tâm hồn người Việt Nam, được diễn tả qua hành vi tế lễ Ông Trời. Tác giả Cadiere nhận xét tiếp: “Trong nghi lễ tế Nam Giao, việc thờ tự mang một vẻ long trọng, oai nghiêm xứng với sự cao cả của Đấng người ta tôn sùng, phản ánh sự thuần khiết trong niềm tin vào Đấng ấy, nói lên những tâm tình sâu xa mà ngài khơI dậy trong tâm h?n người an nam”[10].
Chúng ta cũng thấy sự cảm nhận tự đáy sâu tâm hồn về Ông Trời của người Việt Nam, được bộc lộ cách rõ ràng và cụ thể trong ngôn ngữ thường ngày. Chẳng hạn, khi tỏ sự ngạc nhiên, người Việt Nam thường nói: “Trời ơi!”. Thật vậy dường như ta Thấy tiếng “Trời” luôn được thốt ra từ miệng người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Tiếng ấy thật thân thương, thật gần gũi. Tiếng ấy khiến ta như thể mường tượng ra rằng, Ông Trời luôn gần gũi, sát kề người Việt trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể can thiệp, giúp đỡ, cảm thông và chia sẻ. Khi buồn chán hay tỏ ra trách cứ, người Việt Nam thường nói: “Trời hỡi, Trời!”, “ Trời ơi có thấu chăng Trời!”. Khi cầu xin thì nói: “Lạy Trời, xin cho con tôi được khỏi bệnh,…”. Hay là:
“ Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…” (ca dao)
Còn khi được ơn, người ta nói:
“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau.”
Được ơn Trời, ấy là lúc tâm hồn người Việt Nam tỏ ra phấn khởi, hân hoan, vui mừng và không ngớt cám ơn Trời. Cảm nhận sâu sa ấy còn được thể hiện ở việc: Ông Trời là người chứng giám cho con người… “Có Trời làm chứng… tôi không có lỗi trong vụ này!” Hoặc Ông Trời là người thưởng phạt công minh, không kẻ nào có thể thoát khỏi con mắt siêu vời của Ông Trời. Vì vậy, khi mỉa mai hay chê cười kẻ phạm tội, người Việt Nam thường nói: “Đấy chưa Ông Trời có mắt mà!”. Hay khi khuyên người ta có thể tránh được sự trừng phạt ấy thì nói:
“Đi đâu cho khỏi lưới Trời.
ở đâu cho hợp mệnh Trời thì êm.” (cao dao)
Dường như Ông Trời không còn xa lạ gì nữa đối với người Việt Nam. Ông Trời đã đi vào trong từng chi tiết của cuộc sống họ. Ta có thể nói rằng, chuyện gì người ta cũng nại đến Ông Trời, dù đó là thành công hay thất bại, được hay mất, vui hay buồn, thưởng hay phạt, xin ơn hay tạ ơn. Một lần nữa, chúng ta có thể nói mạnh mẽ rằng: Người Việt Nam luôn có một cảm nhận sâu sắc từ đáy sâu tâm hồn về Ông Trời. Cảm nh?n ấy như giúp Ngu?i Việt Nam sống mạnh mẽ, hồn nhiên, sống thăng hoa và sống trọn vẹn con người của mình. Chính sự cảm nhận từ đáy sâu tâm hồn của người Việt về Ông Trời đã làm cho chính mình, cho tâm hồn mình thanh thoát và vươn cao, vươn cao đến tận Đấng Siêu Việt, Đấng Tạo Hoá. Tác giả Cadiere đã cho chúng ta một nhận xét thật độc đáo: “Cảm nhận về Ông Trời đã quá ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Cảm nhận này hiển hiện ph? bi?n thụng thường trong ngôn ngữ và một cách một quá hồn nhiên”[11].
3. Ông Trời là ai? Người Việt Nam hiểu về Ông Trời như thế nào ?
Dưới cái nhìn của người Việt Nam thì Ông Trời là ai? Rõ ràng câu trả lời sẽ được tổng hợp từ sự cảm nhận, tâm thức, lối sống, nghi thức thờ Trời và ngôn ngữ bình dân của người Việt Nam.
Từ điển tiếng việt cho ta thấy: Ông Trời là Đấng thần linh làm chủ vạn vật. Đây cũng là câu trả lời của người Việt Nam về Ông Trời. Ông Trời chính là Đấng Cao Cả, vĩ đại, siêu việt, quyền năng, Đấng Tạo Hoá, trường tồn, vĩnh cửu, Đấng đáng được tôn thờ. Tác giả Nguyễn Thế Thoại trưng dẫn lời của linh mục Cadiere như sau: Đối với người Việt Nam, “ Trời coi như nguyên lý các hiện tượng thời tiết và nhân cách hoá. Trời coi như Đấng toàn năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của con người”[12]. Trời là Đấng tác tạo muôn vật và làm chủ chúng. Chính Ông Trời đã “đắp non cao”, đã “đào sông sâu”:
“Non kia ai đắp mà cao
Sông kia ai bới đào mà sâu”.
Chính Ông Trời là Đấng tác tạo: “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Nước non là nước non Trời”, “Trời cho ai nấy hưởng, Trời kêu ai nấy dạ”. Cảm phục và kính sợ ông Trời trước những kỳ công vĩ đại, các vua quan ngày xưa, khi tế lễ Trời ở Đàn Nam Giao, đã thốt lên những lời này: “Ôi Trời mênh mông vô biên! Ôi đất sâu thẳm êm đềm! Ân huệ các Ngài lớn lao như thiên địa! Công đức sinh thành của các Ngài sao ngợi khen cho xiết!”[13]. Ông Trời cao cả là thế, mênh mông là thế, vô biên là thế, sâu thẳm êm đềm là thế, sinh thành và ban ân huệ là thế! Những điều ấy hoàn toàn thuộc về Ông Trời. Chính Ông Trời đã khiến cho mọi người cho dù ở cương vị nào cũng đều cảm phục và kính sợ. Đến đây, chúng ta có thể dẫn chứng lời nhận xét của L.Cadiere: “Cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã thấm nhiễm mạnh mẽ ý thức tôn giáo của người Việt, ngôn ngữ bình dân cũng cung cấp nhiều chứng từ về niềm tin và quyền lực của Trời. Người ta cầu khẩn Trời như là một chứng nhân, nại đến Trời như một quan án, chạy đến Trời như một vị cứu tinh. Trời thấy và biết, phán xét và trừng phạt. Trời nhân từ và yêu thương. Trời tác sinh và bảo vệ,… trời làm chủ vận mệnh con người”[14].
Thật vậy, dưới cái nhìn của người Việt Nam, thì Ông Trời quá cao cả, siêu việt, vĩ đại, nhưng đồng thời cũng rất gần gũi, thấp hèn, nhỏ bé để có thể đụng chạm và cúi xuống trên con người. Ông Trời gần gũi thân thương cho đến nỗi người ta gọi những ông vua là Thiên tử, tức là con của Trời. Ông Trời được người ta coi như là cha của ông vua. Và như thế, Ông Trời cũng là ông, là cha của bàn dân thiên hạ. Đây quả là cách gọi quá gần gũi thõn thương của người Việt Nam đối với Đấng Siêu Việt. Ông Trời có quyền năng tối cao vì Ông Trời là Đấng Tạo Hoá, Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật. Ông làm chủ trên muôn loài. Đây quả là cái nhìn sâu xa của người Việt Nam. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, với sức giới hạn, yếu đuối, mong manh, con người không thể làm ra mưa nắng, núi non, biển cả, sông ngòi, con người, muôn thú,… Tất cả là do Trời và thuộc về Trời. Ngay cả những cái tưởng chừng như của con người, do con người làm ra thì cuối cùng, người Việt Nam cũng hiểu ra đó không phải do mình mà do Trời và thuộc về Trời:
“ Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy”. (Ca dao)
Nhờ Trời mới có thóc đầy. Bản Thân con người chỉ biết làm, còn kết quả lại do Trời. Vì “Trời cho ai nấy hưởng”, “Trời kêu ai nấy dạ”. Kinh nghiệm ngàn đời vẫn còn khắc ghi trong lòng người Việt Nam, để rồi thế hệ trước nhắc nhở cho thế hệ sau: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Những khởi sự, những tính toán, những kế hoạch do con người vạch ra để nhắm đến hữu ích nào đó, kết quả nào đó, đều không do con người mà do Trời. Đó là niềm tin của người Việt Nam. Niềm tin ấy không được đặt để ở đâu khác, mà là nơi Ông Trời. Người Việt Nam thật là tuyệt vời. Nếu ai đó nói rằng người Việt Nam vô thần hay vô đạo, thì người ấy quả là không hiểu biết chút gì về người Việt Nam. Trong khi trong thực tế, “Người Việt Nam đắm mình trong không khí tôn giáo”, tràn trề niềm tin vào Ông Trời. Chúng ta nghe tác giả Huy Thông nhận định: “Lòng tin vào Trời không chỉ phổ cập trong dân gian mà còn trở thành nghi lễ quốc gia. Các vua chúa nước ta lập éi?n “Kính Thiên”, xây chùa “Thiên Hựu” để kính Trời, thờ Trời”[15]. Ta cũng thấy niềm tin ấy có ? nơi nh?ng anh hùng dân tộc. Người có ý chí quật cường, anh hùng hào kiệt như Lý Thường Kiệt cũng thể hiện niềm xác tín vào Ông Trời:
“Nước Nam sông núi vua Nam ở
Sách Trời phân giới định rạch ròi
Giặc dữ vì sao sang xâm phạm
Tan tành lập tức bay chờ coi” (Lý Thường Kiệt - “Nam quốc sơn hà”).
Đối với người Việt Nam, Ông Trời thật cao cả, thật quyền năng. Nhưng không chỉ có thế, Ông Trời cũng được xem như Đấng ban ơn, đem lại thật nhiều ân huệ cho con người, như một quan án để đem lại sự thật và công bằng, như Đấng đầy nhân từ và yêu thương, để chăm lo cho con người trong từng chi tiết của cuộc sống. Ông Trời như Đấng hằng ban ơn cho kẻ kêu cầu: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…”. Thế mới thấy được Ông Trời cao cả, quyền năng và con người nhỏ bé, yếu đuối, giới hạn làm sao! Thế mới hay Ông Trời là Đấng ban ơn và con người là kẻ nhận ơn. Kẻ nhận ơn chỉ còn biết cảm phục, tạ ơn, tin yêu và kính thờ. Đó cũng là chất sống tâm linh đầy sống động của người Việt Nam vậy.
Ông Trời cũng được xem như vị quan án thấy và biết, phán xét và trừng phạt, đồng thời đem lại lẽ phải và công bình cho con người. Chính vì thế, khi gặp chuyện chẳng hay, người Việt Nam thường than vãn để Ông Trời thấu tỏ và đoái đến:
“Trời sao Trời ở chẳng cân,
Người ăn không hết, kẻ lần không ra”. (Ca dao)
Câu trên như lời than vãn, như lời trách khéo, đồng thời cũng là lời kêu xin để Ông Trời thương đến thân phận mình đang trong cảnh cơ hàn, bần cùng. Chắc hẳn lúc này, người Việt Nam tin rằng, Ông Trời sẽ đoái đến mình và xét xử cách công minh để đem lại sự công bằng, để ai cũng có cái ăn, ai cũng có cái mặc hầu có sự an vui và hạnh phúc. Quả vậy, đúng là “Trời bao la, mà đi vào từng chi tiết cực nhỏ. Trời cao cả, mà không thấp hèn nào không đoái tới”[16. ]Ông Trời đi vào từng chi tiết nhỏ của cuộc sống, đoái thương đến mọi kẻ thấp hèn. Đó cũng là lúc Ông Trời tỏ lộ lòng nhân từ và yêu thương, đồng thời ra tay nâng đỡ mọi chúng sinh. Chính vì vậy, người Việt Nam mới có câu “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Câu này thể hiện niềm tin sâu sắc của người Việt Nam vào Ông Trời. Ông Trời là nguồn cuội của chính mình. Ông Trời sinh ra mình thì chắc chắn sẽ dưỡng nuôi, bao bọc, chở che, nâng đỡ. Niềm tin ấy nói lên Ông Trời là Đấng quan phòng hằng yêu thương loài thọ tạo. Đến đây ta có thể nói rằng: Người Việt Nam đã thấm đượm chất Tin Mừng, đúng như Chúa Giêsu đã nói: đến như con chim sẻ kia mà cũn được Thiên Chúa dưỡng nuôi, huống chi là anh em. Chúng ta thật sự vui sướng và hô lên: người Việt Nam thật tuyệt vời!
Chính vì xác tín về Ông Trời, hiểu rõ Ông Trời là ai và hiểu rõ Ông như thế nào, đồng thời cảm nghiệm sâu sắc về Ông Trời mà người Việt Nam những muốn và khao khát trở về nguồn. Nguồn cội ấy chính là Ông Trời?
4. Trở về nguồn: Ông Trời.
Cuộc trở về nguồn được thể hiện rõ nét nơi tâm tình, hành vi thờ phượng Ông Trời của người Việt Nam. Những tâm tình, hành vi ấy được cụ thể hoá nơi các hình thức, nghi thức thờ Trời như: Bàn thờ thông Thiên, Tế Nam Giao và những tâm tình thờ phượng được thể hiện qua cỏc cách bình dân khác.
Như chúng ta đã xác định với nhau ngay từ đầu rằng, tâm hồn người Việt Nam thật thênh thang, rộng mở, phơi phới. Họ không dừng lại ở sự vật, hiện tượng cụ thể mà vượt lên trên chúng. Họ nhìn chúng dưới cái nhìn linh thiêng. Từ đó, người Việt Nam khám phá ra nguồn cội của mình và những muốn khao khát trở về nguồn là chính Ông Trời.
Người Việt Nam trở về nguồn bằng nhiều cách:
a. Lập bàn thờ Thông Thiên:
Bàn thờ này thật đơn giản, nhỏ bé. Nó được đặt ở trước sân nhà. Người ta có thể đặt lên đó bình bông, bát nhang, ly nước. Lễ tế Trời thật đơn sơ cộng thêm tấm lòng thành. Thế cũng đủ để hai tâm hồn Trời và người gặp nhau, đủ để con người trở về nguồn cội của mình. Sáng chiều, người ta đứng trước bàn thờ để vái bốn phương và thầm thì trò chuyện hay dâng lời khấn xin Ông Trời cho gia đình an vui, ấm êm, thuận hoà, làm ăn tốt đẹp,… Chúng ta không thể quên câu ca dao, muốn diễn tả niềm tin sâu đậm của người Việt Nam:
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
Mỗi lần nghi thức thờ Trời đơn sơ ấy diễn ra, là lúc con người được giao hoà với Trời cách cụ thể nhất, sống động nhất và tâm hồn con người như được bay lên tận Trời cao. Cảnh tượng ấy thật là tốt đẹp, cao quý biết bao! Trời - đất - con người như được hoà quyện vào nhau để tạo “Nên Một”. Đó cũng là lúc con người được trở về nguồn cách đích thực vậy.
b. Tế Nam Giao:
Việc thờ Trời, tế Trời của người Việt Nam rõ nét, cao cả và lớn lao hơn cả phải kể đến Tế Nam Giao ở kinh thành Huế. “Tế Nam Giao biểu lộ long trọng niềm tin vào Đấng Tối Cao, là hành vi thờ tự cao cả nhất của người An Nam. Trong nghi lễ Tế Nam Giao, việc thờ tự mang một vẻ long trọng, oai nghiêm xứng với sự cao cả của Đấng người ta tôn sùng, phản ánh sự thuần khiết trong niềm tin vào Đấng ấy, nói lên những tâm tình sâu xa mà Ngài khơi dậy trong tâm hồn người An Nam”.[17]
Theo nhận định của linh mục Cadiere thì việc thờ tự, Tế Nam Giao mang vẻ long trọng, oai nghiêm. Nó không long trọng oai nghiêm sao được khi chính vị vua (Thiên Tử) đứng ra tổ chức và tế lễ. Bởi lẽ “Vua chỉ biết mệnh Trời… Mỗi năm một lần, vua phải ngự đến dàn Nam Giao, là tế đàn hình tròn xây ở phía nam cung thành (Huế) để tế Trời, vì Trời là gốc sinh thành vạn vật”.[18]
Đến đây, chúng ta xác định lại với nhau: chúng ta không tìm hiểu điều gì khác ngoài cái nhìn, tâm thức, niềm tin và việc thờ Trời của người Việt Nam. Vì tin ở Ông Trời, người ta mới xây tế đàn Nam Giao để làm nghi thức thờ phượng. Trong nghi thức ấy, người ta có thể dâng của lễ, ca tụng, ngợi khen, chúc tụng, tôn vinh Đấng Tạo Hoá; cầu xin, khấn nguyện cho dân nước được an vui, ấm no, hạnh phúc. Chúng ta thử đi một vòng để thấy rõ hơn việc tế Nam Giao.
Trước tiên, vua là người đại diện toàn dân, thực hiện trực tiếp việc tế Trời, thờ Trời. Của lễ vua dâng lễ tế Trời bao gồm: nghé, tơ lụa, ngọc, rượu, hoa quả, thức ăn, trầm hương. Linh mục Cadiere cho chúng ta biết: “12 tấm lụa hạng nhất dâng cúng Trời, có màu xanh; bài vị thần cũng màu xanh và mang dòng chữ đỏ: “Hiệu Thiên Thượng Đế” [19]. Lồng vào việc dâng lễ vật là việc vua dâng những lời ca tụng, ngợi khen, tạ ơn, khấn xin. Chẳng hạn, lúc dâng trầm hương, vua nói: “Kính cẩn vâng lệnh Trời và lợi dụng thời buổi thuận tiện, nhân lễ tế lừng hương và nhất hạng này, chúng tử thành kính dâng lên phẩm vật theo tiếng trống oai nghiêm xin chư thần vui lòng đến chứng giám tâm thành tôn kính!”[20]. Hoặc khi dâng ngọc và lụa, vua nói: “Ôi Trời mênh mông vô biên! Ôi đất sâu thẳm êm đềm! Ân huệ các Ngài lớn lao như thiên địa! Công đức sinh thành của các Ngài sao ngợi khen cho xiết! Chúng tử xin thành kính dâng lên các của quý giá này, mặc dầu các Ngài chẳng nói gì cho thiên hạ kêu khấn, ngõ hầu nhờ luôn xứng đáng với uỷ nhiệm lớn lao của các Ngài, chúng tử được các Ngài ban hạnh phúc, thịnh vượng và bình an!”[21]. Lời ngợi khen, khấn xin ấy thật tuyệt vời. Chúng ta cũng thấy, khi dâng rượu, vua không quên dâng lời nguyện xin: “Khấn xin chư thần trong ánh quang rực rỡ, ban phát dồi dào ân huệ và sự chở che cùng mang lại phồn vinh to lớn”[22].
Những lời ca tụng ngợi khen, cảm tạ, khấn xin trên thật tha thiết, tâm thành, yêu mến của kẻ tin đối với Ông Trời, Thượng Đế. Chính vì tin, họ mới ca tụng, ngợi khen, cảm tạ. Chính vì tin, họ mới khấn xin với tư cách là những con người giới hạn, yếu đuối. Ta có thể nói rằng, tế Nam Giao chính là cuộc tuyên xưng niềm tin vĩ đại nhất của người Việt Nam đối với Ông Trời. ở đây, chúng ta không còn hiểu theo nghĩa nghi th?c n?a mà hi?u theo nghia của sự sống, lẽ sống, tương quan, yêu mến, nên một và cuộc trở về nguồn đích thực. Sự sống của Ông Trời được thông chia cho con người để con người sống và hiện diện trên trái đất này. Đó chẳng phải là ân huệ lớn lao mà Ông Trời ban cho con người sao? ở Tế Nam Giao, người ta cũng thấy lẽ sống của con người được thể hiện. Lẽ sống là lẽ sống của con người có tâm hồn hướng thượng. Họ sống ở dưới đất nhưng tâm hồn như bay bổng để được liên kết với Ông Trời - là nguồn cội của mình. Nơi tế Nam Giao, ta cũng thấy sự tương quan sâu đậm giữa Ông Trời và con người được thể hiện. Tương quan ấy là tương quan mật thiết, gần gũi chứ không phải hời hợt xa lạ. Con người không đơn độc một mình mà có Ông Trời sống với. Ta có thể nói mạnh rằng, con người không thể sống nếu không có Ông Trời. Vì Ông Trời là sự sống, lẽ sống, là Đấng tác thành vạn vật hằng yêu mến con người. Tế Nam Giao cũng chứng tỏ cho ta thấy đâu là tình yêu đích thực. Tình yêu ấy không được đặt ở đâu khác mà được đặt nơi Ông Trời và con người, con người và Ông Trời. Có lẽ người Việt Nam nhận ra được điều này, vì Ông Trời đã yêu mến mình trước, nên để đáp lại, con người cũng thể hiện tình yêu mến đối với Ông Trời bằng nghi thức long trọng này. Thật vậy, tế Nam Giao như là một cuộc nên một: Con người được nên một với Ông Trời. Đây chính là một cuộc trở về đích thực.
c. Lễ cổ truyền của người Việt Nam:
Chúng ta cũng thấy, trong các ngày lễ cổ truyền của người Việt Nam, có mang “dáng dấp” của cuộc trở về nguồn cội của mình là Ông Trời. Chẳng hạn, trong ngày Tết cổ truyền, người Việt Nam thường sống mật thiết, chan hoà với Ông Trời qua lời tạ ơn. Trong những ngày này, người ta thường tế Trời, vái Trời và khấn xin cho gia đình sang năm mới được an khang, thịnh vượng và mọi người được sống trong mạnh khoẻ, an vui, hạnh phúc. Linh mục Alexandre de Roes đã mô tả việc tế Trời năm mới của vua chúa nước ta thời xưa như sau: “Đầu năm vua chúa An Nam và quân quốc cả nước ra đi giao tế với Thượng Đế. Đến khi vua chúa đã tế với Thượng Đế đoạn, thì đại thần cùng thiên hạ mới lạy vua chúa trước mặt dân, đoạn ai nấy đi về nhà mà lạy cha mẹ và kẻ bề trên mình, tức ông bà ông vải”[23]. Qua dẫn chứng trên, ta thấy, Ông Trời - Thượng Đế - luôn là ưu tiên số một của người Việt Nam. Người Việt Nam biết sống, biết suy xét, biết suy nghĩ có trước có sau, có trên có dưới, có cao có thấp. Họ biết đâu là Đấng Tạo Hoá và đâu là kẻ thụ tạo, đâu là Đấng Cao Cả và đâu là kẻ thấp hèn, đâu là Đấng trên hết và đâu là kẻ rốt hết, đâu là Đấng Siêu Việt và đâu là kẻ phàm trần. Từ đó họ biết cách xử sự cho phải lẽ, biết sống cho tròn bổn phận và trách nhiệm hầu sinh nhiều hữu ích cho cuộc sống. Nhờ biết sống tình nghĩa với Thượng Đế, người Việt Nam như trang bị cho mình những chất liệu cần thiết cho cuộc hành trình trở về nguồn là chính Ông Trời.
5. Ông Trời và mối tương quan giữa Ông Trời và con người:
Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên thì dưới cái nhìn của người Việt Nam, Ông Trời luôn là Đấng đáng được tôn thờ, yêu mến, Đấng quyền năng siêu vời. Họ cũng coi Ông Trời như Đấng bề trên; như người cha, người mẹ. Họ coi Ông Trời như người bạn hết sức thân thương gần gũi, luôn cảm thông chia sẻ, nâng đỡ và chở che họ.
a. Tương quan như một nhân vị:
Người Việt Nam coi Ông Trời như một ngôi vị có thể đối thoại cách trực tiếp. Trong cách xưng hô, người Việt Nam gọi Ông Trời cách rất thân mật, không khách sáo, không cầu kỳ, không chút e ngại. Chẳng hạn họ nói: “Trời ơi!”, “Trời hỡi Trời”, “Lạy Trời…”. “Lạy Ông…”
“Lạy Ông nắng lên
Cho trẻ nó chơi
Cho già bắt rận
Cho tôi đi cày…” (Ca dao).
Khi nói đến đối thoại là ta nói đến tương quan hai chiều. Con người kêu lên, gọi tên Ông Trời để chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Chắc chắn khi ấy, Ông Trời cũng lắng nghe và đáp lại bằng sự thấu suốt, cảm thông và giúp đỡ. Chẳng hạn Ông Trời sẽ cảm thông và nâng đỡ lời than vãn của kẻ chịu sự bất công:
“Trời ơi có thấu chăng Trời
Công ta vun xới cho người hái hoa”. (Ca dao).
Ông Trời cũng được coi như Đấng Bề Trên. Trong khi đó, con người là kẻ bề dưới. Người Việt Nam coi mình là bề dưới và coi Ông Trời là bề trên, tức là thấy giới hạn của mình và muốn khép mình trong khuôn khổ của người thụ ơn, thụ lệnh, thụ ý Ông Trời. Chẳng hạn vua phải thực thi mệnh Trời (vì là Thiên Tử); hay câu cầu nguyện của vua khi dâng ngọc và lụa ở tế Nam Giao “… ngõ hầu nhờ luôn xứng đáng với uỷ nhi?m lớn lao của các ngài…”, hoặc chúng ta cũng thấy câu ca dao sau đây thể hiện rõ kẻ bề dưới phải thực thi ý của Bề Trên:
“Đi đâu cho khỏi lưới Trời
ở đâu cho hợp mệnh Trời thì êm” (Ca dao).
Một khi thực thi ý Trời, mệnh Trời thì người ta sẽ được an vui, hạnh phúc và thành công lớn. Điều này được chứng tỏ qua lời bình của tác giả Nguyễn Thế Thoại, cũng như trong chính lời xác tín của Nguyễn Trãi: “Hiểu thấu lẽ Trời thì những người từng thành đạt lớn lao như Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi đều cho rằng mình làm theo ý Trời, kiên trì theo ý Trời cho thành công”… “Bởi Trời muốn thử lòng, để trao mệnh lớn, nên ta càng gắng chí, quyết vượt gian nguy,…”[24]
* Tương quan giữa Ông Trời và người Việt Nam cũng được xem như là tương quan giữa cha với con (như được nói rõ trong tế Nam Giao), tương quan như bè bạn với nhau cách rất thân tình và thắm thiết. Tương quan ấy không còn có khoảng cách nữa, không còn câu nệ nữa. Tương quan ấy mang tính dân chủ rõ rệt! Ta hãy nghe tác giả Trần Ngọc Thêm nhận định khi nói về đặc điểm khái quát về tín ngưỡng Việt Nam: “Quyền lợi và trách nhiệm hai chiều giữa thần linh với con người: con người có trách nhiệm thờ cúng thần linh và ngược lại, thần linh (Ông Trời) có trách nhiệm phù hộ độ trì cho con người” [25]. Thấy Trời có lỗi hay có điều gì không hài lòng, bất cứ ai cũng có thể chất vấn Trời, còn Ông Trời phải trả lời có lý do chính đáng và xưng hô “mày - tao” như hai người bạn thân thiện:
“Bắc thang lên hỏi Ông Trời
Sao không thí bỏ cho tôi tí chồng?
Ông Trời ngoảnh mặt lại trông
Mày hay kén chọn Ông không cho mày!” ( Ca dao) [26]
b. Tương quan giữa Đấng Tạo Hoá và con người đầy giới hạn:
Dưới cái nhìn của người VIệt Nam thì Ông Trời như là Đấng hằng thi ân, giáng phúc, còn con người như kẻ đón nhận. Ông Trời như người trao ban, con người như kẻ thiếu thốn và xin ơn: “Chúng tử xin các Ngài ban hạnh phúc, thịnh vượng và bình an!”. Hoặc là với lời khấn tha thiết hầu làm động lòng trắc ẩn của Ông Trời: “Khấn xin chư thần trong ánh quang rực rỡ, ban phát dồi dào ân huệ và sự chở che cùng mang lại phồn vinh to lớn”[27]. Thật là sự biểu lộ niềm tin quá sâu sắc của người Việt Nam. Niềm tin ấy mạnh cho đến nỗi, thúc đẩy họ đi vào trong mối tương quan mật thiết, chặt chẽ với Ông Trời bằng cả tấm lòng thành.
Ông Trời như người đồng cảm và con người như kẻ chia sẻ. Ông Trời như người chở che, bênh đỡ, bao bọc, và con người như kẻ núp bóng, tựa nương. Những lúc vui hay buồn, sung sướng hay đau khổ, hạnh phúc hay bất hạnh, hy vọng hay thất vọng,… người ta đều có thể ngước mắt lên Trời để thầm thì to nhỏ tâm sự, để Ông Trời có thể cảm thông chia sẻ, gánh bớt nỗi phiền muộn và ban phát những ân huệ cần thiết. Nhờ đó, con người có thể tiếp tục vui sống và tiếp tục cuộc hành trình đời người. Vì thế bất cứ chuyện gì, dù to hay nhỏ, người ta đều có thể chạy đến để nại đến Ông Trời: “Người ta cầu khẩn Trời như là một chứng nhân, nại đến Trời như là một vị quan án, chạy đến Trời như một vị cứu tinh. Trời thấy và biết, nhân từ và yêu thương. Trời tái sinh, bảo vệ…”[28]. Thật vậy người Việt Nam coi Ông Trời như một người cha, người mẹ luôn lo lắng, quan tâm chăm sóc chu đáo cho con cái, và chắc chắn còn hơn người cha, người mẹ nữa. Một chuyện dù nhỏ người ta cũng chạy đến Ông Trời. Thế mới rõ đời sống tâm linh thật phong phú, thật sâu sắc của người Việt Nam.
Cuối cùng, một vấn đề nữa chúng ta không thể không nói đến, đó là: Người Việt Nam coi Ông Trời như là Đấng Trường tồn, vĩnh cửu, còn con người như là kẻ giới hạn, mong manh, qua đi. Chính vì thế, con người không ngớt liên kết, tương giao và khấn xin với Trời để xin Trời khoả lấp giới hạn mong manh, chóng tàn của mình, hầu làm cho con người mỗi ngày thêm hoàn thiện hơn. Nhờ vậy, con người có thể hợp nhất, nên một và đạt đến cội nguồn của mình là chính Ông Trời.
6. Vài nhận định về cái nhìn của người Việt Nam đối với Ông Trời:
Ông Trời có vị trí và tầm quan trọng lớn lao trong đời sống người Việt Nam.
Ta có thể nói rằng, Ông Trời có vị trí và tầm quan trọng số một trong đời sống tâm linh người Việt Nam. Thật thế, trải qua bao thế hệ, tiếng “Trời” vẫn mãi vang vọng trong tâm thức, nơi tâm khảm người Việt Nam. Chắc hẳn, người ta chỉ cần kêu lên tiếng “Trời” thì cũng đủ để làm vơi đi nỗi ưu sầu phiền muộn và thay vào đó là niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Không phải gượng ép để chúng ta có thể đưa ra câu hỏi này: Phải chăng người Việt Nam đã kinh qua tất cả những con đường (ngũ đạo) nhận biết Thiên Chúa mà Thánh Tôma Aquinô đã đưa ra? Đúng thế! Bởi lẽ không chỉ dựa những chứng cứ mắt thấy, tai nghe mà người Việt Nam còn sống sâu sắc và có trực giác, cảm nhận, tâm thức, lương tâm, hồn hướng thượng xuất phát từ đáy sâu tâm hồn. Chính vì vậy, người Việt Nam là một trong những dân tộc có đời sống tâm linh thật sâu sắc. Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy người Việt Nam luôn đi tìm cội nguồn của mình hay nói đúng hơn là trở về cội nguồn của mình. Có thể nói, người Việt Nam đi từ ông bà tổ tiên đến tận Ông Trời, là nguồn cội cuối cùng. Người Việt Nam cũng thấy giới hạn của chính mình và vạn vật trong vũ trụ, nên không đặt để bảo đảm đời sống mình nơi trần gian này, mà đặt để nơi thế giới linh thiêng, thế giới siêu việt, thế giới của Ông Trời, Thượng Đế. Thế giới ấy vượt lên trên thế giới hữu hạn này:
“Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng?”
Hoặc là:
“Thấy anh hay chữ
Em hỏi thử đôi lời
Thuở tạo thiên lập địa
Ông Trời tròn ai xây?”
Chúng ta còn thấy, khi nhìn cảnh vật thiên nhiên, những kỳ công vĩ đại của đất trời này, người Việt Nam đã nhận ra ngay đó không phải do bàn tay con người làm ra, mà chính là do Đấng Tạo Hoá. Chính Ông Trời, Thượng Đế mới là Đấng tác tạo muôn loài muôn vật và vũ trụ bao la này:
“Nước non là nước non Trời
Ai cắt được nước, ai dời được non?” (Ca dao)
Dưới cái nhìn của người Việt Nam thì Ông Trời vẫn luôn là Đấng cao cả, vĩ đại, siêu việt, tạo hoá, trường tồn, thưởng phạt, công minh, yêu thương, hướng dẫn và dưỡng nuôi, gần gũi và chở che con người. Ông Trời hướng dẫn con người không chỉ sống đời sống luân lý như ăn ngay ở lành, mà còn hướng dẫn họ luôn đi trong cuộc hành trình trở về nguồn đích thực là chính Ngài. Ông Trời còn là Đấng dưỡng nuôi con người, vì vậy ông bà ta mới có câu “Trời sinh, Trời dưỡng”. Bởi thế trong mọi lãnh vực của đời sống, nhất là trong việc làm ăn, trong kế sinh nhai, người Việt Nam thường kêu cầu đến Trời để được mưa thuận gió hoà, thu hoạch mùa màng dồi dào, mọi sự tốt lành. Chính vì vậy người Việt Nam ta có lễ cầu mùa:
“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau.” (Ca dao)
Thật vậy, dưới cái nhìn của người Việt Nam, Ông Trời đi vào từng chi tiết của cuộc sống, từng ngóc ngách của cuộc đời con người. “Trời bao la mà đi vào từng chi tiết cực nhỏ. Trời cao cả mà không thấp hèn nào không đoái tới”[29].
Trải qua hàng ngàn năm, người Việt Nam mãi “nâng cấp” mức độ niềm tin của mình lên: từ việc đặt để sự linh thiêng nơi sự vật này, hiện tượng nọ (như tín ngưỡng phồn thực, sùng bái tự nhiên, sùng bái con người) đến việc đặt cả niềm tin của mình vào Ông Trời. Chúng ta thấy rõ nhất việc sống và tuyên xưng niềm tin này là việc khấn vái Trời ở bàn thờ thông Thiên, hay nghi thức thờ phượng Trời ở tế Nam Giao. Quả vậy, đó là niềm tin mạnh mẽ và cao cả. Chính việc tế Trời ấy đã diễn tả tâm hồn hướng thượng của người Việt Nam. Tuy họ sống dưới đất nhưng hình như trái tim đã thuộc về Ông Trời, Thượng Đế. Chúng ta có thể mạnh dạn quả quyết điều này: Ông Trời không thể thiếu được trong đời sống người Việt Nam. Niềm tin ấy vẫn còn đó. Dấu ấn về Ông Trời vẫn còn đó, dấu ấn ấy không thể xoá nhoà trong cái nhìn, trong tâm thức, trong niềm xác tín của người Việt Nam. Tiếng “Trời” vẫn luôn vang lên nơi cửa miệng người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Đó không phải là tiếng sáo rỗng, vô ý thức, mà là tiếng có ý thức, biểu lộ niềm xác tín vào Ông Trời xuất phát từ đáy sâu tâm hồn người Việt Nam.
III. Kết luận:
Người Việt Nam luôn mở rộng tâm hồn để sống chan hoà với con người, với thiên nhiên, với vũ trụ vạn vật. Họ luôn sống trong ý thức của người có niềm xác tín “dưới thì có đất, trên cao thì có Trời”. Người Việt Nam luôn sống trong mối tương quan hữu cơ: Thiên - Địa - Nhân. Trải qua ngàn đời, mối tương quan ấy vẫn không hề chuyển lay. Thiên - Ông Trời mới là đích điểm để người Việt Nam hướng đến và đạt cho được “chất linh thiêng”, hoàn thiện và sung mãn. Nếu như con người trên thế giới nói chung hằng khao khát tìm về với chân – thiện - mỹ, tìm về với Đấng Siêu Việt thì người Việt Nam cũng hằng nuôi dưỡng niềm khát khao mãnh liệt tìm về với cội nguồn của mình là Đấng Tạo Hoá, Ông Trời, Thượng Đế. Cho dẫu cuộc tìm về với cội nguồn của người Việt Nam còn được diễn tả ở hình thức này hay hình thức khác, ở cách biểu lộ này hay kiểu biểu lộ khác, thì chung cục cũng toát lên niềm xác tín, đời sống tâm linh sâu sắc, và như thể đạt được cội nguồn ấy ngay tại thế này. Điều này cho phép ta quả quyết rằng, dưới cái nhìn của người Việt Nam thì Ông Trời là trên hết, là cao cả, là siêu việt, là Đấng Tạo Hoá. Đấng ấy đáng được tôn thờ và yêu mến. Thật vậy, Ông Trời không thể thiếu được trong đ?i sống người Việt Nam trên mọi bình diện của cuộc sống. Chúng ta có thể mượn lời nhận xét đơn thành và chân thật của linh mục L.Cadiere, để như là một đúc kết cho việc tìm hiểu “Cái nhìn của người Việt Nam về Ông Trời: “Dân An Nam rất sâu sắc về tôn giáo. Tín ngưỡng của họ trong sáng. Và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với cùng một Đấng Toàn năng mà chính tôi (tức linh mục Cadiere) đang thờ kính và gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà tạo hoá vốn ấn dấu vào tâm khảm nhân sinh”[30].
Trước khi viết những dòng cuối cùng của bài viết nhỏ mọn này, người viết xin nói lên đôi dòng suy nghĩ có tính riêng tư, thiển cận. Dấu ấn rõ nét về Ông Trời - Thượng Đế - vẫn in đậm trong tâm khảm của người Việt Nam. Dấu ấn ấy cần được khơi lên mạnh mẽ và sáng rõ hơn nữa để chiếu toả nhân gian. Vậy ai sẽ là người góp phần nhỏ bé vào việc khơi lên mạnh mẽ dấu ấn ấy? Có lẽ trong số đó có mỗi người Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân chúng ta. Chúng ta được huấn luyện để biết cách khơi lên niềm hy vọng, niềm tin tưởng, tình yêu thương của con người đối với Thiên Chúa. Chính vì thế, nhiệm vụ cao cả và lớn lao của mỗi người Kitô hữu Việt Nam chúng ta ngày nay là không ngừng khơi lên cái nhìn, tâm thức của người Việt Nam về Ông Trời cách mạnh mẽ, hướng đến việc giúp họ nhận ra chân lý, nhận ra Ông Trời đích thực là Thượng Đế, là Thiên Chúa tình yêu. Đấng đem lại hạnh phúc đích thực và ơn cứu độ trường cửu cho muôn dân.
Thanh Quang, CSsR
Tài liệu tham khảo
1. Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, Tủ sách chuyên đề, NXB Cerf, 1989.
2. Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển minh hoạ, NXB. TPHCM, 1991.
3. Nguyễn Thế Thoại, Tôn giáo học và các tôn giáo lớn ở Việt Nam.
4. Trần Minh Hiển, Về tôn giáo, TI, NXB. Khoa học xã hội, 1994.
5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB. TPHCM, 1987.
6. Nguyễn Trọng Viễn, lịch sử Triết học Phương Tây.
7. Leopold Cadiere, Tế đàn Nam Giao, Le sacrifice du Nam Giao, NXB. Đà Nẵng, 1995.
8. Leopold Cadiere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt Nam, NXB. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1997.
9. Huy Thông, Nét tương đồng giữa văn hoá Công Giáo và văn hoá Việt Nam, Toạ đàm về văn hoá Công Giáo Việt Nam (Hội éồng Giám mục Việt Nam, Uỷ Ban giáo dân).
10. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB. Bốn phương, 1951.
11. Alexandre de Rodes, Phép giảng tám ngày, tủ sách Đại kết TPHCM. 1993
12. Toan ánh, Nếp cũ, Làng xóm Việt Nam, NXB. TPHCM, 1999.
13. Phan Kim Huê, Lễ tục Việt Nam xưa và nay, NXB. Thanh niên, 2000.
14. Thanh Lê, Văn hoá với đời sống xã hội, NXB. KHXH, Hà Nội,1998.
15. Nhiều tác giả, Toạ đàm về chữ hiếu, Tôn kính tổ tiên, Toà Tổng Giám mục Huế.
Phần chú thích, trích dẫn
1. Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, Tủ sách chuyên đề, NXB.Cerf, 1989, tr 19.
2. Thanh Nghị, Việt Nam Tân Từ Điển minh họa, NXB.TpHCM, tr 1427.
3. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học Tây Phương, tr 16.
4. Nguyễn Thế Thoại, Tôn giáo học và các tôn giáo lớn ở Việt Nam, tr 246.
5. Trần Minh Hiển, Về tôn giáo, TI, NXB.KHXH, 1994, tr 91.
6. Trần ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB.TpHCM, 1997, tr 272.
7. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr 273.
8. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr 287-289.
9. Leopold Cadiere, Tế Nam Giao, Le sacrifice du Nam Giao, NXB. Đà Nẵng, 1995, tr 83.
10. L.Cadiere, Sđd, tr 84.
11. L.Cadiere, Sđd, tr 23.
12. Nguyễn Thế Thoại, Sđd, tr 246.
13. L.Cadiere, Sđd, tr 110.
14. L.Cadiere, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt Nam, NXB. Văn hóa và thông tin, Hà Nội, 1997, tr 105.
15. Huy Thông, Nét tương đồng giữa văn hóa Công Giáo và văn hóa Việt Nam, Tọa đàm một số vấn đề về văn hóa Công giáo Việt Nam, Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Ủy Ban giáo dân.
16. Nguyễn Thế Thoại, Sđd, tr 248.
17. L.Cadiere, Sđd, tr 84.
18. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn Phương, 1951, tr 215.
19. L.Cadiere, Sđd, tr 95.
20. L.Cadiere, Sđd, tr 108.
21. L.Cadiere, Sđd, tr tr 110.
22. L.Cadiere, Sđd, tr tr 120.
23. Alexandre de Rodes, Phép giảng tám ngày, Tủ sách đại kết TpHCM, 1993, tr 21.
24. Nguyễn Thế Thoại, Sđd, tr 252.
25. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr 289.
26. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr 289.
27. L.Cadiere, Sđd, tr 120.
28. L.Cadiere, Sđd, tr 105.
29. Nguyễn Thế Thoại, Sđd, tr 248.
30. L.Cadiere, Sđd, tr 136.
Thanh Quang, CSsR
No comments:
Post a Comment