Kim Âu
Đọc “Biến Động Miền Trung”
“Biến Động Miền Trung” là một tập hồi ký hay nói đúng hơn là một bản báo cáo về những sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc bạo loạn ở Huế. Cuốn sách này không phải là một tác phẩm văn học, thậm chí nó mới chỉ là một phần hồi ức về những việc mà người viết (Thiếu Tá Liên Thành) đã làm, đã đối phó, đã đọc hàng nghìn bản báo cáo về lực lượng của đối phương với những âm mưu gây biến loạn để cộng sản dễ tràn ngập, tiến chiếm Huế.
Người viết (nói đúng hơn) là người kể chuyện là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa thuộc lực lượng bảo vệ Huế. Vai trò của ông đi từ một cấp sĩ quan nhỏ (Thiếu Uý Chi Khu Phó Quận Nam Hòa vừa là Liên Đại Đội Trưởng.) nhờ vào lòng trung thành với chế độ nên bất ngờ được Trung Tá Phan Văn Khoa,Tỉnh Trưởng giao cho chức vụ Phó TT phụ trách CSĐB, từ đó (ngày 6- 6 -1966) qua thành qủa những công việc mà ông phải đối diện, phải làm vì trách nhiệm trước tiên là tái lập uy quyền quốc gia tại Thừa Thiên-Huế; người viết được nâng lên đến chức Trưởng Ty CSQG tại Thừa Thiên-Huế, dưới quyền có hơn 5300 nhân viên các ban ngành, trải rộng trên một địa bàn gồm 10 quận vùng nông thôn toàn tỉnhThừa Thiên và 3 quận nội thành Huế.
Vì thế những sự kiện mà ông Liên Thành chọn lựa đề viết ra có một độ khả tín cao nhất. Thậm chí những nhận biết của ông về một số nhân vật và sự kiện chính thật gần với tính chất của những sử liệu. Chúng ta đã biết những sự kiện xáo trộn và cuộc biến loạn nổ ra ở Huế bắt nguồn từ việc một số kẻ đội lốt tu hành (nhóm Ấn Quang) để nguỵ trang cho những hành vi phản quốc lớp vỏ đấu tranh vì đạo pháp lãnh đạo thực hiện.
Nhìn vào những việc làm của họ, cố tình gây rối suốt thời gian chính quyền VNCH còn tồn tại cho đến khi Cộng sản cưỡng chiếm miền nam, cuộc đấu tranh đó mới tự động chấm dứt .
Sau 30/4/1975, nhóm Ấn Quang do ông TT Trí Quang lãnh đạo đã tổ chức mừng giải phóng và coi thắng lợi của VC là thắng lợi của Phật Giáọ Nhưng đến năm 1976, Hà Nội giải thể Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhóm TT Trí Quang cũng bị loại theo.Trong cuộc lục soát chùa Ấn Quang của lực lượng an ninh CS vào đêm 6/4/1977, các Hòa thượng Huyền Quang, Thiện Minh, Quảng Độ và một số tăng sĩ đã bị bắt, nhưng công an không đụng đến ông TT Trí Quang. (Ông chỉ bị quản thúc tại chỗ và mọi việc liên lạc giữa ông với người ngoài không có gì khó khăn lắm.)
Trước lịch sử, vai trò của nhóm Ấn Quang (Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất - khối Ấn Quang) mà TT Trí Quang giữ chức Chánh thư ký Viện Tăng Thống đã có kết luận. Trước khi “Biến Động Miền Trung” ra đời hầu như những công dân VNCH đều đã hiểu về vai trò của nhóm Ấn Quang. Đó không là nghi án mà đó chính là một sự thực được trả lời bằng những ưu đãi của Cộng Sản dành cho Đôn Hậu.
“Biến Động Miền Trung” không phải là một cuốn sách lịch sử.Tuy nhiên để biết rõ tình tiết về những hoạt động của những tên tay sai cộng sản đội lốt tu hành thì “Biến Động Miền Trung” góp phần soi rọi đến tận cùng con người và sự việc của bọn phản tặc này trong cả thời kỳ biến loạn miền Trung và chín năm sau đó. Bởi thế chúng ta không ngạc nhiên khi tác phẩm “Biến Động Miền Trung” ra đời lập tức được “săn sóc kỹ lưỡng” bởi những phần tử có óc cực đoan tôn giáo, cuồng tín. Thậm chí đã có những đảng phái quốc gia còn họp lại ra thông cáo nhằm ngăn chặn ông Liên Thành ra mắt sách.
Vô hình chung việc làm đó lại khiến cho tác phẩm “Biến Động Miền Trung” trở thành nổi tiếng, được đề cập đến nhiều hơn và được nhiều người tò mò tìm đọc và nghiên cứu hơn.
Tôi là một người hoàn toàn không biết gì về vụ thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế. Thời gian đó chúng tôi đã ở trong tù tại Bắc Việt. Năm 1994 đến Hoa Kỳ chúng tôi mới có điều kiện để đọc lại những gì mà các tác gỉa Việt Nam và ngoại quốc viết về sự việc này. Đến khi nhận được tác phẩm này do ông Liên Thành đồng ý chuyển qua cho đăng tải, chúng tôi mới có một cái nhìn đầy đủ, rõ ràng hơn bộ mặt thật của những kẻ đội lốt tu hành để làm hại đất nước và dân tộc.
Trên diễn dàn có kẻ bảo sao ông Liên Thành nhớ dai quá. Họ hoàn toàn không hiểu trong gần chín năm tiếp cận với những cái tên, thành bại mất còn của cá nhân ông và vận mệnh đất Huế tất nhiên khắc sâu vào ký ức của ông những nét không thể phai mờ. Nhưng hành trang quan trọng nhất mà ông có là hơn hai ngàn nhân viên của ông đang hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ đã góp phần tạo nên tác phẩm “Biến Động Miền Trung”, và đó là bằng chứng bất khả tư nghị, là chiến công, thành tích của ông Liên Thành và LLCSQG Huế trên con đường phụng sự tổ quốc và dân tộc.
34 năm sau 1975, “Biến Động Miền Trung” mới ra đời, ông Liên Thành đã chuẩn bị hết sức cẩn thận. Ông viết đủ và đúng về Trí Quang và Đôn Hậu chứ không thêm gì nhiều hơn những điều người ta đã biết, đã phán định về vai trò của các nhân vật này trong dòng sử mệnh của dân tộc.
Bản án làm tay sai cho cộng sản, phá rối, tiếp tay cho thế lực phản chi ến và cộng sản để đánh xụp chính quyền VNCH của khối Ấn Quang đã trở thành lịch sử từ lâu.
Chụp cho Liên Thành cái mũ đánh phá Phật giáo quả là một hành vi thiếu đạo đức, không khôn ngoan của những bộ óc cực đoan tôn giáo. Hành động ngăn chặn việc quảng bá “Biến Động Miền Trung”, biểu lộ sự hèn nhát của những thế lực đã gây tội ác với dân tộc Việt Nam, ngoài ra những thế lực này còn nhắn nhủ răn đe những sử gia trong tương lai chớ có đụng đến những tên ác sư của họ.
Chúng tôi cũng là một người sùng ngưỡng triết lý Phật gia nhưng đọc “Biến Động Miền Trung” chúng tôi không hề thấy có sự phỉ báng nào nhằm vào Phật giáo. “Biến Động Miền Trung” chỉ giúp người đọc tiếp cận những sự kiện và con người gây ra biến loạn một cách chi tiết và cụ thể hơn.
Đồi với chúng tôi nhiều kẻ khoác áo tu hành chẳng qua chỉ là mượn lớp áo để sinh sống, làm giàu, làm chính trị, thực hiện những mưu đồ, tham vọng cá nhân và tổ chức, lực lượng của họ.
Chúng tôi chấp nhận tính giáo hóa của các triết thuyết tôn giáo nhưng bác bỏ việc làm nô lệ cho tôn giáo.
Có môt người trẻ tuổi cho rằng động đến Đôn Hậu là Liên Thành đánh phá Phật giáo.
Thật ấu trĩ! Chẳng lẽ chỉ trích George Bush, Barrack Obama là đánh phá Hoa Kỳ. Bức thư như vậy mà dám để luân lưu trên mạng quả là không biết điều tu sỉ. Ông Bảo quốc Kiếm đã viết về ông Liên Thành đến hồi thứ 35, tất cả đều phổ biến trên mạng. Tiếc thay cái tựa đã không thuyết phục nổi chúng tôi đọc tiếp; mặc dù chúng tôi rất muốn biết thêm một góc nhìn khác. Có người như ông tiến sĩ tâm thần Trần Kiêm Đoàn khơi khơi cho ông Liên Thành thuộc nhóm “Phù Ngô Phục Hận”. Đúng là hết chuyện, tự bôi bác chính cái bằng tiến sĩ của mình bằng một cái tên tuồng cải lương rất là võ hiệp, kỳ tình, lâm ly, bi đát. Phục hận cho hai anh em TT Ngô đình Diệm để phù ai đây?!?...
Một cuốn hồi ký chứa đựng nhiều chi tiết về những dữ kiện lịch sử như “Biến Động Miền Trung” đòi hỏi người viết phải có độ khả tín cao nhất. Xét về phương diện này không còn gì phải bàn khi Liên Thành là người nằm ngay trung tâm của cuộc biến loạn, là người dẹp loạn, là người đứng đầu CSQG cho đến cuối tháng 12-1974, mọi quyết định của ông ta đều mang tính chất mất còn, hoặc tồn tại hoặc tiêu vong; ổn định hay hỗn loạn.
Sau Mậu thân 1968, chiến tranh sôi động, ác liệt hơn. Năm 1972 Quảng Trị lọt vào tay giặc Cộng nhưng HUẾ vẫn đứng vững, an ninh trật tự vẫn ổn định. Điều đó chứng tỏ CSQG Huế đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, góp phần cùng các lực lượng quân sự, hành chánh VNCH giữ gìn và bảo vệ an ninh lãnh thổ tại điạ phương.* BCH /CSQG Thừa Thiên-Huế là đơn vị CSQG lớn nhất toàn quốc. Tổng số khoảng 5300 nhân viên CSQG, chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ của 10 quận nông thôn, gồm 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên, và 3 quận 1, 2, 3 thị xã Huế)
Muốn biết độ khả tín của Liên Thành chúng ta không phải tìm đâu xa mà ngay trong tác phẩm:
- Lần thứ nhất 26-5-1970, vì vụ bắt giam Thích Như Ý chùa Trà Am. Liên Thành đã bị triệu tập ra Phú Bài để BTL bắt đem vào Sài Gòn luôn nhưng ông đã thoát.
TRÍCH
Sau khi tôi chào Thiếu Tướng Tư Lệnh và các sĩ quan trong phái đoàn, Thiếu Tuớng Tư lệnh nói với tôi:
- Vì không có thì giờ, nên Thiếu Tướng gặp em ở đây, dịp khác Thiếu Tướng sẽ thăm BCH, bây giờ em trình bày cặn kẽ vụ chùa Trà Am cho Thiếu Tướng và phái đoàn rõ.
Tôi hiểu ngay đây là một cuộc điều tra, và thân phận của tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ trong cơn lốc chính trị giữa hai luồng áp suất mạnh: Phật giáo và Chính phủ trung ương, vì Thích như Ý là anh ruột của Ngài Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Tổng thư Ký Viện Hoá Đạo Phật Giáo Án Quang tại Sàigòn.
Tôi bắt đầu trình bày từng chi tiết một, diễn biến vụ chùa Trà Am:
1- Khởi đầu, cơ quan Tình báo quân đội Hoa Kỳ (CID), ban kiểm thính, báo cho tôi biết có điện đài Việt cộng phát tuyến nhiều lần tại chùa Trà Am.
Sau đó CID lại chuyển tiếp cho tôi 4 bức không ảnh do phi cơ thám thính của CID chụp được, phát giác một toán 3 tên Việt cộng có võ trang đang đứng sau nhà hậu trai của Chùa Trà Am.
2- Tôi chỉ thị cho phòng CSĐB đặt trạm theo dõi gần chùa Trà Am, và sau đó khám phá một số cơ sở nội thành Việt cộng vào ra ngôi chùa. Số cơ sở này chúng tôi đã biết từ trước, vì hiện đang nằm trong một vài chiến dịch xâm nhập của phòng CSĐB.
3- Trước ngày 18-5-1970, nguồn tin nội tuyến từ trong lực lượng “Học Sinh, Sinh Viên, Giải Phóng thành Phố Huế” của Việt cộng báo tin: “Sẽ có một phiên họp quan trọng tại Chùa Trà Am vào tối ngày 18-5-1970”
4- Vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 19-5-1970, bao vây chùa Trà Am và bắt giữ một nữ cán bộ an ninh thành, tên Lê Thị Út, sáu cơ sở Việt cộng trong đó Thích Như Ý.
5- Sau khi thẩm vấn, tất cả người này đều nhìn nhận họ hoạt động cho cơ quan An ninh Thành Ủy Huế và mục đích của buổi họp này là lên kế hoạch, đặt chất nổ một vài địa điểm trong thành phố như : Ty Bưu Điện, Ty Ngân Khố, Toà Hành Chánh Tỉnh và 2 rạp chiếu bóng Tân Tân, và Châu Tinh.
6- Tang vật tịch thu được gồm có: một số tài liệu quan trọng, trong đó có bản Nghị Quyết mới nhất của Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó theo hướng dẫn của nữ cán bộ Lê Thị Út, thuộc cơ quan An Ninh Thành ủy Huế, Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng phòng CSĐB đã tịch thâu được khoảng 6kg chất nổ TNT và 8 ngòi nổ chậm, tại vùng nghĩa trang gần núi Ngự Bình, mà y thị chuyển từ mật khu về Chùa Trà Am, và sau đó đem cất dấu tại địa điểm trên, chờ họp xong chỉ cho năm cơ sở kia đến lấy để thi hành công tác phá hoại.
Ngoài ra, vì khu chùa quá rộng không thể tìm được điện đài họ cất dấu ở đâu……..
Sáu năm sau, 1976 tôi gặp lại viên Cố vấn tại Hoa Kỳ, hỏi lại chuyện xưa thì hắn thong thả kể cho tôi nghe:
- Ngày đó họ có ý định gọi anh về Phú Bài và bắt giữ anh đem vào Sàigòn ngay để điều tra, và một trong bốn sĩ quan của BTL đi theo ông Tướng sẽ thay thế anh, nhưng sau khi nghe anh thuyết trình, họ thấy không có lý do nào để bắt anh, vì thế mà họ ra về tay không. Người giúp anh hôm đó chính là anh, chúng tôi rất lo cho anh, nhưng chỉ giúp anh một phần nào thôi. Còn việc anh vào nằm bệnh viện, thứ nhất là để anh phục hồi sức khoẻ, thứ hai là để bảo vệ anh, có vậy thôi. Tôi tạm dừng ngang đây vì chuyện hắn kể tôi không thể kiểm chứng làm sao biết đúng hay không……
HẾT TRÍCH
Vụ thứ hai là cuộc biểu tình 14/8/1970 chống lại Đại Tá Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng thành phố Huế và Trung Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Vùng I, ra lệnh cho BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, trả tự do cho đám cơ sở kinh tài Việt cộng do Giáo sư Lê Đình Cai phát động.
TRÍCH
Ngày 16/08/1970, một phái đoàn điều tra đặc biệt của Bộ Tư Lệnh CSQG tại Sàigòn, do Đại Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối CSĐB cầm đầu, bay ra BCH/CSQG Khu I tại Đà Nẵng, gặp Trung Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG/ Vùng I, và sau đó ra Huế gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng, và tôi. (Đại Tá Nguyễn Mâu hiện định cư tại Hoa Kỳ). Mục đích của phái đoàn điều tra đặc biệt của Bộ Tư Lệnh CSQG là:
1- BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế bắt giữ Nguyễn Xin, Nguyễn Hải, Lê Hữu Trí và đồng bọn có thật sự đúng bọn chúng là cán bộ cộng sản của tổ chức kinh tài thuộc cơ quan Thành ủy Huế hay không.
2- Nguyên nhân nào Đại Tá Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng thành phố Huế và Trung Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Vùng I, ra lệnh cho BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, trả tự do cho đám cơ sở kinh tài Việt cộng đó.
3- Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên-Huế có xúi dục, đứng sau lưng vụ biểu tình chống lại Đại Tá Tỉnh Trưởng hay không.
…………..
Sau khi đã gặp Trung Tá Chỉ Huy Trưởng SCQG Vùng I, Đại Tá Tỉnh Trưởng, tôi là người cuối cùng. Tôi tiếp Đại Tá Nguyễn Mâu tại văn phòng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, tôi còn nhớ rõ Đại Tá Mâu đã nói với tôi:
- Vụ kinh tài Việt cộng em đã hành động đúng, còn việc ông Tỉnh Trưởng ra lệnh trả tự do cho đám kinh tài Việt cộng, đó là quyền hạn của ông ta, ông ta là Tổng Thống tại địa phương này. Điều quan trọng là lực lượng Cảnh Sát đã thi hành đúng đắn lệnh của ông Tỉnh Trưởng. Riêng vụ biểu tình phản đối ông Tỉnh Trưởng em hoàn toàn không can dự trong vụ này, Đại Tá đã giải thích với ông Tỉnh Trưởng rồi. Huế là một khối lửa đang cháy ngầm, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bùng cháy lớn. Tình hình nội chính ở đây thật khó. Cố gắng lên.
Tôi cám ơn Đại Tá Mâu và nghĩ thầm “Cố gắng cũng đã đuối sức và hụt hơi rồi, biết còn nổi nữa không ”.
HẾT TRÍCH
Lần thứ ba vụ Thích ChơnThể tự thiêu, Liên Thành lại đụng, lại gặp trở ngại, rắc rối với ông Tỉnh trưởng thượng cấp của mình và BTL laị phải hỏi thăm sức khỏe ông
TRÍCH
Khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, Đại tá Lê văn Thân đi thanh tra quận trở về, tôi gặp ông tại văn phòng Tòa hành chánh tỉnh, ông hỏi tôi câu đầu tiên:
- Tại sao chú không cứu Đại Đức? Chú muốn có chết chóc trong thành phố này hay sao? Tại sao không cứu ông ta, thật là vô nhân đạo.
Thật tình mà nói, sức chịu đựng nhiều lúc cũng ở một mức tối đa nào đó, tôi không còn chiụ đựng được nữa nhưng tôi vẫn trả lời ông trong tinh thần kỷ luật của quân đội:
- Trình Đại tá, chiều hôm qua tôi đã có trình với Đại tá đầy đủ mọi tin tức liên hệ đến vụ này, nhưng không được Đại Tá lưu ý. Nếu chiều này chúng tôi cứu Chơn Thể thì tình hình sẽ nổ lớn và trầm trọng hơn, vì bọn Việt cộng nằm vùng trong Phật giáo tạo dựng màn kịch này, với mục đích chính là dùng lực lượng CSQG châm ngòi nổ, để cho bọn chúng phát độâng phong trào quần chúng đấu tranh. Tôi nói tiếp :
- Vâng, Đại tá nói đúng, đúng là vô nhân đạo, là bất nhân, nhưng tôi và lực lượng CSQG thà mang tiếng là bất nhân, nhưng chúng tôi không thể bất trung, bất nghĩa với Tổ quốc và đồng bào Huế. Thích Chơn Thể là Việt cộng nằm vùng, hắn là cơ sở của đảng cộng sản, của cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế, hắn nằm trong tổ Tôn giáo vận, hắn có một năm tuổi đảng, hắn tự thiêu cho mưu đồ của bọn Cộng sản thì tại sao phải cứu?
Đại tá Tỉnh trưởng ngắt lời tôi và nhẹ nhàng hơn:
- Thôi được, mọi chuyện đã lỡ rồi (???), vậy xác ông ta bây giờ ở đâu?
- Vẫn còn nằm tại công viên Đồng Khánh, vô thừa nhận. Giáo hội cũng không, và cũng chẳng có chùa nào nhận đem về chôn cất.
- Sao chú không cho nhân viên đem thi hài ông ta vào bệnh viện?
Tôi vẫn giữ quyết định ngay từ đầu đối với Thích Chơn Thể: “Thấy chết không cứu” và bây giờ “thấy xác không chôn”:
- Trình Đại tá, tôi đã cho lệnh Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quận III, liên lạc với bệnh viện trung ương Huế, cho xe đến chở thi hài, chúng tôi không chở thi hài ông ta được, bọn chúng sẽ phao vu Cảnh Sát cướp xác của Đại Đức Thích Chơn Thể đem đi thủ tiêu.
Tôi rời khỏi văn phòng Đại tá Tỉnh trưởng khoảng 7 giờ chiều, có chút buồn phiền và chán nản. vừa ngồi vào ghế xe tôi tự nói với mình:
- Chống cộng củ. . . khoai. . .
Ngày hôm sau, khi tôi cùng với Đại úy Trần văn Tý Đại đội trưởng 102, chỉ huy một đơn vị CSDC và CSĐB đang Hành Quân vùng Đồng Xuyên, Mỹ Xá, thuộc quận Quảng Điền, để khui một hầm bí mật của Việt cộng thì Đại Úy Trần văn Trinh, Trung tâm trưởng trung tâm Hành Quân Cảnh lực gọi tôi:
- Tango, Tango, ông nghe tôi rõ không?
- Tôi nghe anh rõ lắm, nói đi.
- Thẩm quyền về gấp BCH, Thiếu Tướng Tư Lệnh (Thiếu Tướng Trần Thanh Phong) gọi thẩm quyền.
- Nhận rõ, nhưng ít nhất phải một giờ sau mới trở về được, xa lắm.
- Thẩm quyền từ từ, tôi đã trình với Thiếu Tướng Tư Lệnh rồi.
Khoảng gần 12giờ trưa, tôi có mặt tại BCH, và gọi điện thoại Thiếu Tướng Tư Lệnh ngay.
- Trình Thiếu Tướng Tư Lệnh, em Liên Thành, Chỉ huy trưởng Thừa Thiên-Huế đầu máy.
- Không có gì quan trọng đâu Liên Thành, Thiếu Tướng muốn biết tình hình ngoài đó như thế nào rồi sau vụ tự thiêu, nội vụ ra sao? Tại sao không cứu ông ta?
Tôi trình bày từng chi tiết một với Thiếu Tướng Tư Lệnh và câu kết luận là:
- Trình Thiếu tướng, đây là quyết định và hành động đúng của BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế, nếu hôm qua em cho lực lượng can thiệp vào vụ tự thiêu này, có lẽ tình hình sẽ trầm trọng và khó giải quyết hơn.
- Thiếu Tướng hiểu rõ, tình hình ngoài đó khó khăn lắm, mọi chuyện em phải cẩn thận, cần gì thì gọi cho Thiếu Tướng ngay.
Khoảng gần một tháng sau, khi tình hình lắng dịu, tôi cho lệnh bắt giữ sáu tên sát nhân trong vụ Thích Chơn Thể tự thiêu..........
HẾT TRÍCH
Lần thứ tư khi tiến hành “CHIẾN DỊCH BÌNH MINH”. Liên Thành lại phải đối phó với một áp lực lớn từ các ông bà dân biểu và dư luận báo chí từ Sài Gòn.
TRÍCH
Quý vị Dân Biểu các ông là ai ?
Tình hình chiến sự tại chiến trường Huế mỗi ngày mỗi lạc quan hơn, phần thắng nghiêng hẳn về phía Quân lực VNCH. Thành phố Huế từ sau ngày 15/5/1972, ngày Thiếu úy Hiệp, Trung đội trưởng cùng Trung đội Trinh sát của ông ta nhảy trực thăng ngay trên đầu địch, đánh bật cộng quân ra khỏi cao điểm Bastogne, Huế không còn bị địch pháo kích nữa.
Ngày 19 tháng 5/1972, một phái đoàn dân biểu của Quốc hội VNCH từ Saigòn ra thăm chiến trường Trị Thiên-Huế.
Gọi là phái đoàn cho có vẻ long trọng, thật ra chỉ có 4 vị Dân biểu thuộc thành phần đối lập với chính phủ, những Dân biểu thuộc khối Ấn Quang, hai trong bốn người đó là đệ tử thân tín của “Thầy” Thiện Siêu, của chùa Từ Đàm. Trước đây họ đắc cử Dân biểu đơn vị Thừa Thiên-Huế cũng nhờ thầy lo cho, trong 4 người đó có nữ Dân biểu Kiều Mộng Thu, mà báo chí Sàigòn thường gọi là “ Kiều lá đổ ”.
Họ đến Huế sau khi thăm xã giao Đại Tá Tỉnh Trưởng Tôn Thất Khiên, bốn vị dân biểu yêu cầu Đại tá Tỉnh Trưởng lệnh cho Cảnh sát, để họ vào trại tạm giam thăm số tù nhân vừa bị bắt trong chiến dịch Bình Minh.
Tôi được Trung úy Tế, Chánh văn phòng của Đại tá Tỉnh trưởng chuyển lệnh Đại tá tiếp phái đoàn Dân biểu và tùy nghi hướng dẫn phái đoàn thăm viếng tù nhân.
Đại tá Tỉnh trưởng là người ở vị trí và cương vị của một ông quan đầu tỉnh, của một người cai trị dân, là cương vị của một người làm chính trị và ngoại giao, phải mềm dẻo, xã giao với phái đoàn Dân biểu Quốc hội, nhất là những vị này thuộc khối đối lập trong Quốc hội VNCH. Nhưng tôi ở trong cương vị của một người chịu trách nhiệm về an ninh tình báo, thì thật tình, cho dù có lệnh của Đại tá Tỉnh trưởng, tôi vẫn không thể thoả mãn những yêu cầu của phái đoàn Dân biểu bởi lẽ :
- Tôi hiểu rõ mục đích và ngụ ý của cuộc thăm viếng gọi là ''Thăm viếng chiến trường trị Thiên-Huế'', nhưng thực chất là thăm viếng tù nhân của chiến dịch Bình Minh, để thông tin, để tạo niềm tin cho một số cơ sở nằm vùng Việt cộng, đã bị bắt, đừng khai báo gì, và cũng để có thể xin bảo lãnh số cơ sở nào đó, theo lời yêu cầu của Thích Thiện Siêu.
Nếu họ làm được những yêu cầu của Thích Thiện Siêu, đương nhiên nhiệm kỳ bầu cử kế tiếp họ sẽ được Thích Thiện Siêu yểm trợ để tái đắc cử.
Thực chất là vậy, họ viếng thăm chiến trường Trị Thiên-Huế chẳng phải vì gian lao, cực nhọc của các chiến sĩ đang ngày đêm xả thân bảo vệ Trị Thiên-Huế, trước làn sóng xâm lăng của bọn cộng sản.
Sao họ không thăm viếng chiến trường, ủy lạo anh em binh sĩ, sao không vào thăm Quân y viện Nguyễn Tri Phương, để thấy tận mắt những chiến sĩ Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Binh sĩ Sư đoàn I BB đang quằn quại đau đớn trên giường bệnh, những người đó đã hy sinh một phần thân thể, và cả cuộc đời cho đất nước, cho dân tộc, mà họ lại ra Huế chỉ để đi thăm những kẻ hoạt động cho địch, đang mưu toan Tổng nổi dậy, biến Huế thành một Mậu Thân lần thứ hai, đã bị lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế bắt giữ.
Tóm lại, họ chỉ vì muốn được hổ trợ của quý Thầy, để có được những lá phiếu của đồng bào Phật tử Huế cho nhiệm kỳ Dân biểu kế tiếp của họ mà thôi. Nói ra thì thật đau lòng, nhưng đó là một sự thật - Hành động của họ thật đáng buồn, đáng phỉ nhổ !
Khoảng 3 giờ chiều ngày 19/5/1972, tôi tiếp phái đoàn 4 vị Dân biểu. Theo lẽ thông thường, tôi thuyết trình tình hình địch, tình hình bạn v .v. . , nhưng tôi không làm chuyện đó, lởi lẽ tôi đã biết rõ mục đích của họ, và nói thật lòng, họ không đáng và không xứng, để tôi phải thuyết trình mọi việc.
Sau khi phái đoàn an vị, nữ Dân biểu vào đề ngay:
- Chúng tôi đã gặp Đại Tá Tỉnh trưởng sáng nay, và đã được Đại tá chấp thuận, mong rằng Thiếu Tá Trưởng ty cho chúng tôi được thăm viếng một số đồng bào đã bị Thiếu tá bắt giữ trong những ngày vừa qua, và đây là danh sách những người mà chúng tôi muốn gặp và trực tiếp nói chuyện với họ – Vừa nói vừa đưa cho tôi một danh sách dài.
Tôi nhìn vào danh sách có khoảng 20 người gồm có:
Bửu Chỉ, Sinh viên, Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư Canh nông, Hoàng thị Thọ, học sinh, Nguyễn khoa Phẩm, chủ tịch Hội đồng Tỉnh Thừa Thiên, Lê Phước Á, giáo sư, Lê Quang Nguyện, Nghị viên Hội đồng Tỉnh, v.v. . . Tôi mỉm cười giao lại bản danh sách cho nữ Dân biểu Kiều Mộng Thu và nói:
- Thưa bà và quý vị Dân Biểu, tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của quý vị được, bởi lẽ những người này là cơ sở nội thành của Trung tá cộng sản Hoàng Kim Loan, hơn nữa, họ đang ở trong thời gian thẩm vấn không thể gặp gỡ thăm viếng họ được.
Cả 4 Dân biểu đều đổi sắc mặt và có chút giận dữ trên nét mặt của họ.
Ông Dân Biểu người Huế hỏi lại tôi:
- Ông Trưởng ty nói chi? Chúng tôi là Dân biểu, những người đại diện cho dân, chúng tôi có quyền thăm viếng những người dân lành vô tội bị ông bắt bớ bừa bãi.
- Vâng đúng quý vị là Dân biểu, quý vị có quyền đó, và nhiều quyền nữa, ngay cả quyền bất khả xâm phạm, và quyền vu khống nhân viên công lực. Ông Dân biểu có bằng chứng nào buộc tội chúng tôi bắt bớ dân lành vô tội? Trong bản danh sách bà Nữ Dân biểu vừa đưa cho tôi xem, tất cả những người đó là cơ sở nội thành quan trọng của tên trung tá Việt cộng Hoàng Kim Loan.
- Chúng tôi muốn xem hồ sơ những người đó.
- Xin lỗi tôi không thể để ông Dân biểu xem những hồ sơ đó được, ông Dân Biểu không có quyền.
- Anh cho lệnh Cảnh sát bắt bớ dân lành từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, nhốt vào trại giam cả hơn một ngàn người thật là quá đáng, chuyện này chúng tôi sẽ đưa ra Quốc hội, và có thể tôi sẽ đề nghị cắt giảm ngân sách của bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, ông Trưởng ty cứ chờ xem.
- Vâng tôi chờ, nhưng đó là chuyện của ông Dân Biểu và BTL Cảnh sát, chẳng liên quan gì đến tôi.
- Thật là một Trưởng ty Cảnh sát du đãng, không xem luật pháp ra gì.
Thật tình đã quá mức chịu đựng của tôi, nhưng tôi vẫn bình tĩnh trả lời ông ta:
- Ông Dân biểu gọi tôi là Trưởng ty Cảnh sát du đãng vẫn chưa đúng, phải gọi tôi là Trưởng ty Trùm du đãng thì đúng hơn, vì du đãng không trị được du đãng mà phải là trùm du đãng mới trị được du đãng.
- Khẩu hiệu của các anh là:“Cảnh sát là bạn dân”.Bạn dân cái gì mà bắt nhốt dân hằng loạt ?
- Ông Tư Lệnh của chúng tôi Đại Tá Nguyễn Khắc Bình đã có giải thích khẩu hiệu đó rồi: “Cảnh Sát là bạn dân, nhưng chỉ bạn của dân lương thiện mà thôi ”. Nếu ông Dân biểu còn giữ thái độ nóng nảy không lịch sự, tôi buộc lòng không tiếp ông được nữa, và xin mời ông ra ngoài, tôi chỉ tiếp ba vị này mà thôi.
Nữ Dân biểu Kiều Mộng Thu thấy tình hình quá gây cấn, vội can:
- Thôi, thôi, bỏ qua đi, Liên Thành em cho chị và ba vị đây vào thăm họ một lúc thôi, mọi chuyện xong ngay, xem như chẳng có gì xảy ra.
Tôi vẫn giữ nguyên quyết định lúc đầu:
- Thưa bà Dân Biểu, không thể được, sau khi thẩm vấn xong, quý vị muốn thăm bất cứ khi nào bao lâu cũng được.
Ông Dân biểu hỏi tôi:
- Vậy thì bao lâu?
- Tùy theo họ, tùy theo sự hợp tác của họ với nhân viên thẩm vấn.
- Nói như vậy thì cũng bằng không.
Có lẽ ông Dân biểu này quá giận, nên đã không kiểm soát nổi hành động và lời nói của mình, nên ông tiếp tục hỏi tôi một câu hết sức không thông minh chút nào:
- Nếu bây giờ chúng tôi qua thẳng Trung Tâm Thẩm Vấn , lính gác và ông có cho chúng tôi vào không?
Tôi bây giờ thật sự đã hết kiên nhẫn với ông Dân biểu này, tôi nói bằng giọng từ tốn, nhưng chắc nịch :
- Tôi nhắc lại với ông Dân biểu, Huế thật sự chưa yên, đang trong tình trạng chiến tranh, kẻ nào mưu toan hoặc có hành động xâm nhập cơ quan công quyền, nhất là Trung tâm thẩm vấn, nơi đang giam giữ tù nhân Việt cộng tôi sẽ cho lệnh lính gác bắn hạ ngay, ông Dân biểu nghe rõ chưa?
Hai ngày sau, ông Dân biểu họp báo tại Sàigòn, báo chí thân hữu của ông ta đăng tải lung tung, nào là Thừa Thiên Huế có 2 Tỉnh trưởng, ngoài Đại Tá Tôn Thất Khiên còn có Tỉnh Trưởng Liên Thành, nào là Trưởng ty Cảnh sát vô kỷ luật, hành động phạm pháp bắt người bừa bãi, BTL Cảnh sát phải cất chức Trưởng ty Liên Thành truy tố ra tòa, đòi cắt ngân khoản của lực lượng CSQG .....
Cũng may, Tư lệnh của tôi Đại Tá Nguyễn Khắc Bình, ông là người mà không một ai có thể che dấu sự thật trước mặt được - Hơn nữa, đây là chuyện ông đã nắm vững tường tận.
Một người nếu không có khả năng chuyên nghiệp, thì làm sao có thể một lúc kiêm luôn ba chức vụ tối hệ trọng của quốc gia, đó là Tư Lệnh CSQG, Đặc ủy Trưởng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, và Tổng thư ký Hội đồng An ninh và Tình Báo Quốc Gia. Còn ông Dân biểu là người đã mang tai tiếng nhiều (xin đừng lộn với tiếng tăm), làm sao vu khống tôi trước mặt Đại Tá Nguyễn khắc Bình được.
Sau hàng loạt bài báo của ông Dân biểu, tôi sẵn sàng chờ đợi bàn giao để trở về đơn vị tác chiến. Nhưng ngày qua ngày, Huế bình yên và tôi .....cũng bình yên.
Tôi sở dĩ không nêu tên vị Dân biểu đó ra đây, vì hiện ông cũng đã lớn tuổi, cũng đang định cư tại nước ngoài, vì tôn trọng tuổi già không muốn gợi lại kỷ niệm buồn giữa ông và tôi. (tôi với ông chỉ là cá nhân, đúng hơn, phải nói giữa ông với đất nước). Hiện tại ông cũng như bao nhiêu người, phải bỏ nước ra đi lưu lạc xứ người, chắc ông cũng đã có nhiều suy nghĩ vì những hành động “nối giáo cho giặc” khi xưa, nếu thật sự ông là người quốc gia chân chính - Nỗi buồn to lớn nhất trong đời của tôi và ngay của ông là nỗi buồn mất nước, mang thân phận lưu vong xứ người cũng đã quá đủ, không cần nhắc thêm nữa. Nhưng cũng phải xin có một kết luận chung : Dù bạn hay thù, dù vô tình hay cố ý, dù vì bất cứ mục đích nào, những kẻ cầm dao đâm sau lưng, bao giờ cũng đáng bị nguyền rủa hơn bất cứ loại người nào khác ....
HẾT TRÍCH
Qua bốn vụ trên, chúng ta thấy rõ mọi quyết định của ông Liên Thành đều có thể dẫn tới thân bại danh liệt, lâm vòng tù tội, nhẹ thì cách chức. Liên Thành không có quyền sai vì ông ta là người đứng đầu CSQG tại Huế, ông có 5300 bộ óc giúp ông hoàn thành nhiệm vụ. Và LL CSQG HUẾ đã hoàn thành xuất sắc công tác cho đến khi Liên Thành rời Huế.
Nhưng lần thứ năm thì ông Liên Thành không vượt qua áp lực. Việc ông Liên Thành rời Huế theo chúng tôi cũng là một ưu đãi của sô phận, “Tái ông thất mã”.
Vào tháng 12 năm 1974, ông Liên Thành đã thẳng tay giải tán cuộc biều tình chống tham nhũng khởI đầu tạI Huế do linh mục Trần hữu Thanh tổ chức. Kết qủa ông cò mẫn cán Liên Thành bị cách chức phải bàn giao lại chức vụ cho Trung Tá Hoàng Thế Khanh rồi chuyển về BTLCSQG tại Sài Gòn để rồi sáng 30 – 4 – 1975 Liên Thành rời khỏi đất nước bằng một con tàu nhỏ cùng với năm người Hoa Kỳ trong đó có ba cố vấn của ông.
Điều đó cho thấy tổ chức chính quyền của VNCH không cho phép ông làm bậy, vượt quá tầm kiểm soát của BTLCSQG. Dư luận và cơ quan lập pháp cũng không để ông Liên Thành tuỳ tiện.
Gần chín năm ngồi ở cương vị của ông Liên Thành là một gánh nặng và cũng là niềm vinh quang của ông. Tiều sử Liên Thành cho thấy ông là một người con của đất Huế, sinh ra ở Huế, học hành, trưởng thành tại Huế, gia nhập quân ngũ là cầm súng để chiến đấu bảo vệ Huế. Từng nhịp đâp của con tim, từng hơi thở của Liên Thành đều có Huế.
34 năm tỵ nạn, lưu vong trên xứ người, tấm lòng ông vẫn hướng về Huế. Vì yêu Huế, yêu quê hương bản quán của chính ông, một người đã nhìn thấy rõ nguyên nhân và hậu qủa về những thảm nạn của quê hương mình trong quá khứ phải nói lên, viết lên những gì bản thân ông đã kinh qua để những người dân xứ Huế mai sau tránh khỏi những va vấp, nông nổi nguy hại của sự cuồng tín.
Ông Liên Thành không phải là một chính trị gia, nếu là chính trị gia ông sẽ không xuất bản cuốn hồi ký nhiều va chạm này. Ông Liên Thành không phải là một cựu nguyên thủ hay cựu tướng để có nhu cầu viết hồi ký biện minh với lịch sử.
Hơn ba mươi năm suy tư và chuẩn bị, ông cho ra đời “Biến Động Miền Trung” không ngoài mục đích trả lại sự thật cho lịch sử vì chính ông là người trong cuộc, là người tường tận những diễn tiến. Vì ngay cả những vị Đại Tá từng đứng đầu Huế chưa hẳn đã thông suốt những phần vụ chuyên môn mà ông Liên Thành đã thực hiện.
Cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 vẫn còn hằn nét trong tâm khảm ông, đã nuôi dưỡng ký ức sâu đậm của ông về Huế. Chủ nghĩa cộng sản khai sinh và gắn liền với những cuộc tắm máu ghê rợn còn hơn phát xít Đức và quân phiệt Nhật. Ngày nay bọn cộng sản Việt Nam vẫn không nhìn nhận tội ác đã phạm của chúng đối với dân Huế và dân tộc Việt Nam mà còn đắc ý coi Cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 là một chiến công.
Tìm một người nào khả tín hơn ông Liên Thành, thấu hiểu những chi tiết của thời kỳ tao loạn ở miền Trung chắc hẳn là không bao giờ có. Thượng cấp của ông là cựu tướng Nguyễn Khắc Bình đã biểu lộ sự đồng tình với tác phẩm này. Những người có khả năng cung cấp thêm chi tiết bổ sung cho “Biến Động Miền Trung” đều là những sĩ quan cảnh sát trong khối CSĐB tại Huế.
1- Chỉ huy Phó : Thiếu tá Trương văn Vinh
2- Phụ tá ngành CSĐB : Thiếu tá Trương công Ân
3- Trưởng Phòng Hành quân :Thiếu tá Đoàn Đích
4- CHT/ quận Phong Điền : Thiếu tá Nguyễn thế Hiển.
5- CHT/ quận Quảng Điền : Thiếu tá Trần Đức Túc
6- CHT/ quận Nam Hoà :Thiếu Tá Dương Phước Tấn
7- CHT/ quận Vinh Lộc :Thiếu Tá Tôn Thất Trang
8- Trưởng phòng Tư Pháp: Thiếu tá Nguyễn văn Ngôn.
Chẳng lẽ ông Bảo Quốc Kiếm, ông Trần Kiêm Đoàn có độ khả tín hơn ông Liên Thành?
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân là những tên đao phủ thì chỉ chối tội. Vậy thì ai là thủ phạm đã gây ra “Cuộc thàm sát Mậu Thân”?
Câu hỏi này đã được Hoàng Kim Loan cán bộ phái khiển của CTBCL Cộng Sản trả lời với cung từ được làm rất cẩn thận. Chúng tôi đã hỏi về vấn đề thẩm cung Hoàng Kim Loan và được cho biết, tất cả các cuộc thẩm cung đều có người của phía Hoa Kỳ hiện diện 24/24. Họ không can thiệp vào vấn đề thẩm cung, khi cần hỏi điều gì thì họ chuyển câu hỏi sang phía những người làm công tác thẩm vấn. Đồng thời phía Hoa Kỳ cũng sở hữu toàn bộ cung từ của điệp viên Hoàng Kim Loan.
Sau khi BCHCSQG Huế hoàn tất cung từ, theo yêu cầu của ông Hồ anh Triết vốn là Phụ Tá Đặc Biệt [Cảnh Sát Đặc Biệt] của Bộ chỉ Huy CSQG Vùng I trước khi đi giữ chức Trưởng Ty CSQG tỉnh Quảng Ngãi mượn Hoàng Kim Loan từ BCH/Thừa Thiên cho BCHCSQG Quảng Ngãi thẩm cung Hoàng Kim Loan về một số vấn đề liên quan (với tư cách Phụ Tá Đặc Biệt mới mượn được). Ông Liên Thành đã chuyển điệp viên Hoàng Kim Loan cho CSQG Quảng Ngãi làm việc một thời gian. Hiện nay ông Hồ Anh Triết đang cư ngụ tại Houston, Texas.
Tóm lại “Biến Động Miền Trung” là một tác phẩm chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử bất khả tư nghị vì trong hơn 1/3 thế kỷ, tác gỉa đã khổ công gọi hàng chục ngàn cú điện thoại để thẩm định lại tỏ tường từng sự việc với hơn hai ngàn cựu nhân viên CSQG tùng sự tại Huế đang có mặt tại Hoa Kỳ.
Liên Thành còn sống đến ngày hôm nay là nhờ vào việc bị cách chức. Nếu còn tiếp tục làm việc ở Huế cho đến giai đoạn cuối cùng, có lẽ chúng ta không bao giờ có tác phẩm “Biến Động Miền Trung”.
Chúng tôi chỉ mới tiếp xúc với tác gỉa Liên Thành cách đây không lâu. Cảm nhận sự thật qua những gì ông dàn trải trên trang giấy, chúng tôi tìm cách liên lạc với ông. Qua những cuộc chuyện trò chúng tôi càng hiểu rõ giá trị của “Biến Động Miền Trung”.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu người nào còn quan tâm về lịch sử Việt Nam thì nên tìm đọc “Biến Động Miền Trung” bởi tác phẩm này có thể đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu sự thật về một giai đọan của lịch sử.
Kim Âu
Quý vị có thể vào trang web www.chinhnghia.com để đọc toàn bộ tác phẩm này.
Cuốn hồi ký này tổng cộng có 17 chương ( không kể chương phụ trang hình ảnh):
1. MIỀN TRUNG VÀ THỪA THIÊN - HUẾ SAU NGÀY 1-11-1963 (trang 1-20)
2. Giai Đoạn 1966 Khởi loạn. Bàn Thờ Phật xuống đường. (trang 21-62)
3.Huế, Mậu Thân 1968 địa ngục có thật (trang 63-94)
4.CUỘC TẮM MÁU RÙNG RỢN NHẤT TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM TẠI HUẾ MẬU THÂN 1968 của Hồ Chí Minh và bè lũ Cộng sản Việt Nam.) (trang 95-122)
5.Trở lại vụ thảm sát Mậu Thân 1968, tại Quận I (Quận Thành Nội) (trang 123-134)
6.Thống kê số nạn nhân đã bị Việt cộng giết hại, mất tích, trong Tết Mậu Thân tại Huế : (trang 135-155).
7.Mậu Thân 1968, Việt Cộng thắng hay bại ? (trang 155-166).
8.1971 Đại Đức Thích Chơn Thể tự thiêu Cúng dường “Đạo pháp lâm nguy” Lễ Phật Đản, rằm tháng tư năm 1971(trang 167-194).
9.CHỐNG BẦU CỬ TỔNG THỐNG NHIỆM KỲ II – 1971(trang 195-214)
10.HUẾ, MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972 (trang 215-224)
11.Hoàng Kim Loan, hắn là ai ? (trang 225-238)
12.CHIẾN DỊCH BÌNH MINH (239 – 256)
13.THẨM VẤN HOÀNG KIM LOAN (257-285)
14.LỜI KHAI CỦA HOÀNG KIM LOAN Về những đối tượng hắn đã móc nối 285-349
15.Tổ chức Kinh tài của cơ quan Thành ủy Việt cộng tại Huế. (351-384)
16.TRẬN CHIẾN TÌNH BÁO (385 – 427)
17.Đoạn Kết 428 – 452
18.PHỤ TRANG HÌNH ẢNH 453 – 466
VÀI GHI CHÚ QUAN TRỌNG
* 4 giờ 54 phút sáng ngày 6-5-1972, Trung Tá Việt công Hoàng Kim Loan, Thành Ủy viên Thành Ủy Huế - Bị Lực Lượng Đặc Nhiệm BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế bắt sống tại Vỹ Dạ.
*Trong cuốn No More Vietnam, Nixon cho biết là Trí Quang đã bị Pháp bắt 2 lần trước năm 1954 vì hoạt động cho Việt Minh. TT Trí Quang không hề dấu diếm mục tiêu của ông khi ông tuyên bố Giáo hội Phật giáo thích hợp với chế độ CS (He was a disciple of Thich-Tri Đo, the leader of the Communist dominated Budhist Church in North Vietnam, and had once said that Budhism was entirely compatible with communism).
* Được hỏi ông Đôn Hậu tham gia trong lực lượng Liên Minh Dân chủ, Dân tộc, Hoà bình với vai trò Phó chủ tịch, và sau đó thoát ly ra Hà Nội, có phải vì bị ép buộc hay không?
Hoàng Kim Loan trả lời:
- Lực lượng này đã được thành lập trước khi chúng tôi tấn công và có mặt tại thành phố Huế, theo chỉ thị của Bộ chính trị Trung ương đảng.Công điện của bộ Chính trị gởi đi đề ngày : 21 tháng 1 năm 1968, gởi cho Phạm Hùng, Võ Chí Công, Trần văn Quang, thuộc Trung ương Cục Miền Nam, Khu ủy Khu 5, và Khu ủy Trị-Thiên có nội dung:
''Bộ Chính trị chủ trương thành lập Mặt trận thứ hai lấy tên là ‘Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình’ nhằm phân hoá địch đến mức cao nhất, tranh thủ và tập hợp những lực lượng, những cá nhân chống Mỹ và Thiệu-Kỳ, tranh thủ các tầng lớp trung gian ở đô thị, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi ở ngoài nước”.
Không có vấn đề ép buộc ông Đôn Hậu vào tổ chức này, cá nhân tôi trước Tết Mậu Thân đã tiếp xúc với ông ta tại chùa Linh Mụ, bàn thảo với ông ta rất kỹ về vấn đề này, và đã được ông nhận lời, đồng thời tôi cũng báo cho ông biết, theo chỉ thị, tôi sẽ đưa ông ra Bắc để giữ vai trò trong Chủ Tịch Đoàn của Lực Lượng Giải Phóng Miền Nam và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam, thì xẩy ra trận đánh Mậu Thân 1968, vì thế kế hoạch đưa ông ta ra Bắc phải hoãn lại cho đến khi trận đánh kết thúc chúng tôi mới đưa ông ta ra Bắc, hơn nữa ông ta là cơ sở của tôi trước 1963 trong vai trò Tôn Giáo Vận thì làm gì có chuyện ép buộc.
* Và cuối cùng, xin những ai còn thắc mắc về cá nhân ông Đôn Hậu, một cơ sở nằm vùng của Cộng sản, trong Phật giáo, với chức vụ Chánh Đại diện Phật Giáo Ấn Quang miền Vạn Hạnh, thì xin vui lòng đọc lời phát biểu của ông ta với dân biểu VNCH Nguyễn Lý Tưởng, trước Tết Mậu Thân 1968, trong lần thăm viếng xã giao của Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng tại chùa Linh Mụ, ông Đôn Hậu đã so sánh quân lực VNCH và quân đội Cộng sản, nguyên văn như sau:
'' Quân Mỹ và quân đội Việt Nam đi đến đâu thì phá đến đó, còn Bộ đội Giải Phóng Miền Nam đi đến đâu thì không làm rơi rụng một ngọn lá khoai ''.
Ông Đôn Hậu nói rất đúng: ''Bộ đội giải phóng miền Nam của ông Đôn Hậu đi đến đâu thì không làm rơi rụng một ngọn lá khoai'', nhưng khi đi đến Huế vào Mậu Thân 1968, chỉ làm rơi rụng 5327 thân xác đồng bào Huế mà thôi.
Thật là bất công và thất lễ đối với những Anh hùng liệt sĩ Dân, Quân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh mạng sống trên chiến trường Trị Thiên Huế vào Mậu Thân 1968 để bảo vệ mạng sống của đồng bào trong cơn lửa đạn, trong đó có cả thân nhân của ông Đôn Hậu.
Ông Đôn Hậu đã xúc phạm nặng nề đến danh dự của tập thể QLVNCH khi ông phê phán : “Người lính VNCH đi đến đâu thì phá phách đến đó”.
Kim Âu
No comments:
Post a Comment