Tuesday, September 22, 2009

Chuyện Người Mục Tử Phêrô Nguyễn Văn Đức

Chuyện Người Mục Tử Phêrô Nguyễn Văn Đức

JB.Nguyễn Hữu Vinh



Chúa dạy: “Ta đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ (M. 20:28 ).

Image Active

Xin Chúa đoái thương vị Mục Tử của Chúa: Cha Phêrô Nguyễn Văn Đức địa phận Vinh




Những sự việc khởi đầu sự đổi mới tư duy ở một vùng quê

Image Active

Cha Đức thăm giáo dân xây dựng Nhà thờ tháng 8/1992

Xin kể lại vài câu chuyện nhỏ, nếu vào thời buổi này là chuyện quá bình thường, nhưng thời điểm của gần 20 năm trước đây ở quê tôi, đó là những chuyện không hề nhỏ.

Nhậm chức vào cuối năm, đầu năm mới Ngài đi thăm cán bộ UBND các cấp và “tặng” cho mỗi người một cuốn “Lịch phụng vụ Công giáo”.

1- Một hôm, một cán bộ Công an Thị xã đến nhà xứ, quen như với cha xứ cũ anh ta không báo trước, không giới thiệu và cứ thế vào phòng khách ngồi rồi nói với chú giúp việc “cho gặp linh mục”.

Chú giúp việc vào báo với Ngài, Ngài vẫn ngồi đọc sách và nguyện ngắm từ 1h30 đến 3 giờ chiều – đó là thói quen của Ngài hàng ngày – Khi giờ đọc sách của Ngài đã xong, Ngài bước ra phòng khách, viên công an lên tiếng:

- Tôi chờ cụ cả gần 2 tiếng đồng hồ, cụ không thèm ra là sao?
- Anh là ai, chờ tôi làm gì, anh có hẹn trước đâu?- Tôi là công an Thị xã, tôi xuống làm việc với cụ mà cụ không ra để làm việc là thế nào?
- Anh là công an à, giấy tờ của anh đâu? Thẻ công an của anh đâu?

Viên công an ngẩn mặt một lúc nhìn Ngài như từ trên trời rơi xuống, dù rất bực bội vì chưa khi nào đến nhà thờ, nhà xứ mà bị hạch hỏi thế bao giờ, nhưng vẫn phải đưa giấy chứng minh công an. Sau khi xem xong, Ngài chậm rãi giải thích:

- Anh là công an, xuống làm việc với dân, anh phải báo trước, hẹn giờ thì người ta mới có bố trí thời gian làm việc với anh được. Khi đến chỗ mới gặp dân, anh phải đưa giấy tờ chứng minh là công an dân mới tin và làm việc. Ngộ nhỡ có thằng bé chăn trâu nào chạy vào đây bảo “Tôi là công an” thì tôi cũng phải ngồi tiếp chuyện à? Một điều nữa là khi làm việc với dân phải biết “kính trọng, lễ phép”, đừng có hống hách như vừa rồi, nghe chưa?

Viên công an tím mặt, nhưng từ đó trở đi anh ta ít tùy tiện vào nhà thờ những khi có lễ lạt, rước xách hoặc vào bất cứ lúc nào như trước. Trước đó, nhác thấy bóng công an thì dân mắt xanh mắt vàng khiếp sợ, muốn hạch ai thì hạch, muốn đưa ai lên đồn thì chỉ cần ra lệnh miệng là xong, nhưng từ đó mọi chuyện đã thay đổi.

Câu chuyện đó đã trở thành đề tài bàn tán cho giáo dân ngay từ đầu khi Ngài về Văn Hạnh nhậm chức quản Hạt về sự thẳng thắn và mạnh mẽ của Ngài.

2- Tháng Hoa năm ấy, Ngài dự định tổ chức một đám rước kiệu Đức Mẹ từ họ lẻ cách hơn 1km về Nhà thờ xứ vì lâu lắm ở xứ này không có cuộc rước nào hoành tráng như lòng người giáo dân mong đợi. Giáo dân nô nức sắm đèn, kiệu hoa và chuẩn bị công phu cho cuộc rước.

Bỗng nhiên có công văn của UBND Thị xã gửi đến: Không cho phép xứ Văn Hạnh tổ chức rước từ họ lẻ về nhà xứ. Nhận được văn bản, chiều Chúa nhật hôm đó, trước thánh lễ cả mấy ngàn giáo dân, Ngài đọc lên và nói: “Bà con thấy người ra văn bản này có hỗn không? Họ có quyền gì mà “Cấm” giáo dân tổ chức rước? Vì vậy, bà con chuẩn bị chu đáo, nếu không cấm, ta rước từ họ lẻ như đã định. Nhưng nếu cấm, ta sẽ rước từ Thị xã (cách 5km) về đây, mỗi nhà đáng làm một chiếc đèn thì nay làm hai chiếc”.

Giáo dân nghe vậy thì hưởng ứng nhiệt thành và hào hứng chuẩn bị, một mặt nghe ngóng xem cha xứ sẽ giải quyết như thế nào việc này.

Khi biết không thể “bắt nạt” được vị linh mục già này, khi thấy tinh thần giáo dân càng ngày càng nô nức và hứng khởi, UBND Thị xã mới báo cáo và Tỉnh xuống làm việc với Ngài. Cán bộ hỏi: “Sao cụ chuẩn bị lễ lạt, rước xách to thế mà không báo cáo?” Ngài trả lời: “Báo cáo cái gì? lễ này năm nào chẳng có, đầu năm tôi đưa các cấp chính quyền mỗi ông một quyển lịch Công giáo thì để chơi à? Lẽ ra là đầy tớ của dân, các ông phải chú ý biết xem dân đang thế nào, chuẩn bị làm gì để giúp đỡ họ chứ? Chúng tôi tự lo được nên không phải báo cáo. Khi nào chúng tôi cần các cấp chính quyền giúp ổn định trật tự cho cuộc rước hay lễ lạt lớn, chúng tôi mới báo cáo chứ”?

Biết tình hình căng, mấy cán bộ đành phải đánh bài chuồn và dặn trước khi về: “Vậy cụ chỉ rước như kế hoạch đã định trước nhé, đừng rước từ Thị xã về nó phức tạp”.

Vậy là cuộc rước hoành tráng mở đầu cho những cuộc lễ, cuộc rước không phải cấp phép của quê tôi từ đó mà ra đời.

3- Về quản xứ được một thời gian, một họ lẻ trong xứ làm giấy tờ xin phép được xây dựng lại nhà thờ. Qua các cửa từ xã, Thị xã rồi lên đến Tỉnh với một thời gian không ngắn, đi lại không biết bao nhiêu lần. Không chỉ khó xin cấp giấy phép mà còn kích thước, cao, rộng, dài… phải là một quá trình gian khổ. Việc cấp phép hồi đó chẳng theo tiêu chuẩn xây dựng nào mà hoàn toàn phụ thuộc ý thích cán bộ có quyền.

Sau một thời gian được Tỉnh cấp giấy phép như sau: “Cho phép Họ… xây dựng nhà thờ trên nền cũ, kích thước dài 22m, rộng 12m, cao 17 mét tính từ đỉnh Thánh giá trở xuống”.

Nhân một hôm ông trưởng ban Tôn giáo tỉnh xuống nhà xứ, Ngài chỉ vào bản vẽ phối cảnh nhà thờ và hỏi: “Ông xem hình thức nhà thờ như vậy có đẹp không”? ông TBTG Tỉnh trả lời: “Hình thức thế là đẹp, nhưng nhìn nó hơi vuông”. Ngài đủng đỉnh “Nhiều người cũng chê là không hợp lý về kiến trúc giữa các chiều, nhưng tôi nói với họ là lên Tỉnh mà hỏi, nhà thờ này đẹp hay xấu là lỗi của Tỉnh”. Ông TBTG giáo nói: “Sao cụ lại chỉ là lỗi ở Tỉnh?” Ngài trả lời: “Giấy phép xây dựng ông không căn cứ số giáo dân mà định theo tiêu chuẩn diện tích, còn muốn làm dài thì phải bớt rộng, nhưng các ông ấn định luôn kích thức thì nó chẳng vuông sao”? Ông TBTG Tỉnh im lặng và từ đó, các nhà thờ khác khi được cấp giấy phép chỉ ấn định diện tích và chiều cao Thánh Giá mà thôi. Chẳng là vì sợ Thánh giá cao quá lại vượt công trình nào đó thì… ảnh hưởng.

Sau khi khởi công công trình được mấy hôm thì UBND Thị xã cho người xuống đo đạc móng và về ra lệnh: “Đình chỉ xây dựng vì sai giấy phép”. Giáo dân tá hỏa báo cáo với cha xứ. Ngài cho gọi tôi vào giải thích, tôi chỉ rõ kích thước xây dựng theo bản vẽ đã trình được duyệt là căn cứ tim đến tim, còn khi họ đo là đo kích thước đào móng nên không đúng, khi xây dựng xong thì đảm bảo đúng các tiêu chuẩn đã cho phép.

Chiều hôm đó, trước Thánh lễ, Ngài nói: “Bà con yên tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công, đúng kỹ thuật bản vẽ. Nếu có ai hỏi thì bảo về hỏi cha xứ, cấm không ai được làm việc riêng với cán bộ thay mặt tôi. Cấm luôn chuyện tiếp cán bộ bừa bãi, đút lót, hối lộ làm hỏng cán bộ. Những người nào không có trách nhiệm đến kiếm ăn thì đuổi ra khỏi công trình”. UBND Thị xã lại báo cáo Tỉnh, Tỉnh xuống hỏi Ngài, Ngài bảo: “Công trình thì Tỉnh cho phép, làm đúng mà Thị xã lại ra lệnh dừng, vậy có bao giờ con to hơn cha không. Tôi đề nghị các ông không được mời hoặc làm khó bất cứ hành giáo nào của tôi, tôi chịu trách nhiệm về mọi việc, họ chỉ là thừa hành, muốn mời họ phải có ý kiến của tôi”?

Vậy là bà con lại tiếp tục thi công, và từ đó không thấy cán bộ xuống hỏi thăm hoặc rình mò nhiều như trước nữa.

Kể từ đó, việc xây dựng công trình tôn giáo đã dần dần được dễ dàng hơn, không còn phải làm vụng trộm như trước.

4- Với công trình công ích, Ngài là một mục tử biết lo lắng cho giáo dân và nhân dân. Ngài cho xây lại giếng nước, quãng trường… Một lần UBND định mở con đường qua xứ, nhưng chẳng có đền bù đất đai cũng chẳng có họp hành thống nhất. Đến ngày cho dân quân xuống chỉ định chặt tre, mở đường mỗi bên mấy mét theo ý mình. Một số dân cầm dao kháng cự ngay, cả nhóm dân quân được điều động từ nơi khác đến không ai dám chặt cây cối mở đường, đành rút về. Ngài chỉ im lặng

Hôm sau, chính quyền phải đến nhờ Ngài giúp đỡ. Ngài đồng ý kêu gọi bà con với tinh thần hi sinh để mở đường dân sinh cho làng xóm được văn minh. Ngay sáng chủ nhật, từ ông già bà lão đến trẻ em từng gia đình đã tự chặt cây, giải phóng trong phần đất nhà mình, con đường được mở ra nhanh chóng và hoàn toàn an bình, tự nguyện.

Một cuộc đời hi sinh và phục vụ

Kể lại các câu chuyện này của một thời đã qua, để nhớ đến một giai đoạn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Đức đã phục vụ gần 8 vạn giáo dân Hạt Văn Hạnh ngày xưa và cụ thể là cả vạn giáo dân mấy xứ lân cận trong những năm tháng đầy khó khăn và chúng ta hiểu về Ngài, một linh mục đầy tình yêu thương với đàn chiên.

Cuộc đời Ngài đã chịu nhiều đớn đau, nhiều vất vả và những năm tháng cải tạo, quản chế như những “phần tử phản cách mạng”. Nhưng, thực tế đã cho thấy ở Ngài, chỉ có một tinh thần hi sinh và chịu đựng khó khăn.

Những nơi Ngài phục vụ, giáo dân luôn tin tưởng, mến yêu và kính phục Ngài. Không chỉ có thể, ngay cả chính quyền cũng hết sức tôn trọng và kính phục Ngài qua nhiều sự việc Ngài đã làm vì nhân dân.

Phục vụ một lượng giáo dân hàng vạn người, nhưng trong các xứ, họ, Ngài thuộc hầu hết nhiều đặc tính, hoàn cảnh cũng như những vấn đề mỗi giáo dân đang gặp, đang khó khăn để giải quyết giúp họ. Chính những điều đó đã giúp giáo dân đặt lòng tin mạnh mẽ vào Ngài. Giáo dân các xứ xung quanh Văn Hạnh, không thể quên được những giai đoạn mà cứ tối đến, từng đoàn giáo dân đầy các ngõ xóm, các con đường kéo về nhà thờ để được nghe Ngài giảng dạy, cắt nghĩa và kể những câu chuyện hóm hỉnh của mình.

Chính vì sự hiểu biết, sự dấn thân và hiểu rõ từng hoàn cảnh giáo dân, cũng như sự làm việc công minh chính đại, Ngài đã thu hút được sự yêu mến của giáo dân Ngài chăm sóc.

Cũng chính vì sự hiểu biết kết hợp sự mạnh dạn và hợp lý, Ngài đã dần dần nâng đỡ giáo dân những nơi Ngài chăm sóc được vững vàng hơn trong niềm tin, đặc biệt là có tư duy đổi mới, sống theo pháp luật và hiểu được mình có quyền gì.

Chính sự hiểu biết đó đã làm cho giáo dân mạnh mẽ hơn trong các công việc và cuộc sống, tự tin hơn, không còn những mặc cảm của những công dân hạng hai trong xã hội.

Chỉ phục vụ giáo xứ chúng tôi có ba năm, năm 1994 vâng lệnh bề trên, Ngài về quản hạt Chính tòa Xã Đoài rồi về xứ Vĩnh Hòa quản xứ khi tuổi đã cao, sức đã yếu.

Năm ngoái về thăm Ngài, tôi bước vào ngôi nhà xứ Vĩnh Hòa thinh vắng, lặng lẽ. Ngài đang ngồi ăn cơm một mình, một con chó khá to nằm bên cạnh, cứ ăn một miếng Ngài lại xúc đổ cho nó một miếng.

Nhìn quang cảnh thanh vắng lặng lẽ của một linh mục một thời vui vẻ, khỏe khoắn nhanh nhẹn, hóm hỉnh và hình ảnh lặng lẽ của Ngài trong ngôi nhà xứ hôm đó, tôi nghĩ mãi về sự hi sinh lớn lao của đời Linh mục. Họ đúng là những chủ chăn, những thợ gặt đơn thuần, không đòi hỏi gì sự hưởng thụ, chỉ một sự hi sinh cho đến trọn đời.

Image Active

LM.Đức cầu nguyện cho Giáo dân Tam Tòa ngày 1/8/2009

Mới đây, khi đàn chiên Tam Tòa đau đớn và tan tác, Ngài dù sức đã quá yếu nhưng vẫn gượng dậy để góp lời cầu nguyện cho giáo dân cách xa Ngài 250 km.

Những nơi có bước chân của Ngài đến phục vụ, tinh thần đoàn kết, hi sinh của giáo dân lên cao, đời sống đạo đức mạnh mẽ và sâu sắc. Những người đã quen biết Ngài đã không tiếc lời ca ngợi một vị linh mục suốt đời sống đạo đức và hi sinh.

Cuộc đời của Ngài chứng minh trọn vẹn cho mục đích cuộc sống của đời linh mục: “Ta đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ (M. 20:28 ).

Ngài đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản như đã hoàn thành xong một cuộc đời tận hiến với sứ mệnh nặng nề nhưng hình ảnh của vị linh mục trọn đời hi sinh vẫn luôn mãi đọng lại trong mỗi giáo dân Giáo phận Vinh kiên cường.

Ngày hôm nay, Ngài đã về với Chúa, từ nơi xa xôi con chiên mọn này xin gửi về Ngài lời biết ơn sâu sắc, nỗi đau đớn vô bờ bến và sự cảm phục lớn lao với một bậc chân tu, một con người bước đi theo các môn đệ của Thầy và đã hiến trọn mạng sống vì đoàn chiên.

Xin Chúa đoái thương, đưa Ngài sớm về hưởng Nhan thánh Chúa. Xin Ngài cũng cầu bầu cho chúng con đang trên bước đường dương thế lắm chông gai, nhiều thử thách được giữ trọn vẹn hai tiếng “Xin vâng”.

Hà Nội, Ngày lễ Đức Mẹ Sầu bi 20/9/2009

J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments: