Friday, January 8, 2010

Đồng chiêm ơi! Về rồi ta thấy gì? ngày 08-01-2010

Đồng chiêm ơi! Về rồi ta thấy gì?
VietCatholic News (08 Jan 2010 16:59)
ĐỒNG CHIÊM - Sáng ngày 6/1 vừa qua như chúng ta đã biết về cảnh đau thương tang tóc của anh chị em giáo xứ
Đồng Chiêm bị nhà cầm quyền Hà Nội đánh đập cách giã man, hơn thế nữa khi Thánh Giá là biểu tượng cao quý nhất của niềm tin người Kitô hữu bị triệt hạ trên Núi Thờ, làm ai khi biết đến không khỏi đau xót, não lòng. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi lên đường về hiệp thông với Đồng Chiêm.

Những hình ảnh mới nhất từ Đồng Chiêm hôm nay

Chúng tôi thấy có nhiều cảnh sát giao thông xuất hiện bất thường khi về Đồng Chiêm

Sáng nay 8/1 lúc 10h chúng tôi lên đường về Đồng Chiêm cùng hai linh mục dòng Chúa Cứu Thế là Cha Giuse Đậu Tiến Đức và Cha Fx Nguyễn Kim Phùng. Một quảng đường từ Hà Nội về Đồng Chiêm khoảng 60km nhưng chúng tôi đã gặp nhiều CSGT đứng đường và chặn xe chúng tôi tiến về Đồng Chiêm mà trước đây chưa từng thấy. Điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy qua mấy lần chặn xe của CSGT là làm việc sai nhiệm vụ và quyền hạn theo thông tư 27/2009 của Bộ Công an đó là: “CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra khi phát hiện được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ…và nếu có trường hợp khác khi thực hiện phải có lệnh bằng văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự”.

Nhưng trên thực tế những chú công an này đã chặn xe một cách tùy tiện khi được hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời hết sức ngây thơ “Anh thông cảm cho vì đó là lệnh của cấp trên” với sự kiện này tôi nhớ lại đêm ngày 6/1 sau khi xảy ra biến cố Đồng Chiêm dường như khắp thu đô Hà Nội được cấp báo nên đi đâu cũng thấy công an dân phòng và an ninh thăm dò, rinh mò cách bất thường. Có phải công an xuất hiện nhiều như thế nhằm mục đích để trấn áp giáo dân lên đường về với Đồng Chiêm chăng? Nhưng! Hành động của công an Hà Nội làm điều đó thật vô nghĩa vì người dân Công Giáo lên đường về Đồng Chiêm để hiệp thông cầu nguyện cho anh em mình đang chịu cảnh đau thương là điều tốt lành, không trái pháp luật. Chúng tôi đã đến được Đồng Chiêm và mọi người cũng sẽ lên được Núi Thờ.

Chúng tôi thấy người dân Đồng Chiêm khao khát niềm hiệp thông

Khi chúng tôi đặt chân đến Đồng Chiêm cũng lúc đồng hồ điểm 12h trưa. Điều đập vào mắt chúng tôi trước tiên là những bạn trẻ đơn sơn và hiền lành đứng cạnh bờ đê đang ngước nhìn lên Núi Thờ đang suy ngẫm điều gì trong lòng không hay biết, các em đang nghĩ về cảnh kinh hoàng vừa mới xảy ra cách đây 3 ngày ư? Cảnh mà những người da vàng máu đỏ là những công an, cảnh sát cơ động Hà Nội đã tàn nhẫn đánh đập người cô bác, chú gì, hay người hàng xóm hiền lành cạnh nhà các em? Hay các em đang ngắm lại cây Thánh Giá trước đây mấy ngày sao giờ không còn nữa? Điều đó tôi cảm nhận được qua con mắt trong sáng với vẻ hồn nhiên đầy ưu tư của các em. Đột nhiên các em ngoảnh lại chúng tôi và quây quần nơi hai vị linh mục đã đi vào lòng các em những kỷ niệm. Rồi hay tin chúng tôi đến thăm nhiều giáo dân quanh đâu đó cũng vội vã ra chào đón.. Họ hanh phúc vô cùng vì sau những hoạn nan họ được an ủi. Họ khao khát có người đến viếng thăm họ, họ khao khát có ngườì đến để chia sớt những nỗi buồn tang thương họ đang chịu khi anh em minh bị đánh đập và Chúa mình bị xúc phạm. Còn hạnh phúc gì bằng khi người biết sẻ chia cùng người? Ước mong niềm khao khát hiệp thông của họ sẽ được mọi người khắp muôn phương hướng lòng.

Chúng tôi thấy đức tin mãnh mẽ nơi giáo dân Đồng Chiêm

Thánh Giá Chúa đã bị triệt hạ nơi Núi Thờ, anh chị em họ bị đánh đập. Niềm tin vào Chúa nơi đây đang bị o ép bởi nhà cầm quyền cộng sản nhưng Đức Tin của anh chị em xứ Đồng Chiêm không hề lung lay, nhưng họ lại càng thêm kiên định và vững mạnh hơn nhiều. Lịch sử đã chứng minh điều không thể phủ nhận: nơi nào bị bách hại thì nơi ấy niềm tin lại càng sắt son. Mấy ngày qua mặc dù họ đau buồn vô cùng nhưng điều ta thấy là dưới chân Núi Thờ đã có một bàn thờ Thánh Giá được lập nên và ba ngày qua, từ sáng sớm cho đến khi đêm về, anh chị em Đồng Chiêm lại hội tụ về đây cùng nhau đọc kinh cầu nguyện và suy ngắm đường Thánh Giá. Các em thiếu nhi thì lũ lượt kéo nhau lên Núi Thờ.

Điều làm tôi cảm động và khâm phục lòng tin và sức mạnh nơi các em, ngọn núi ấy quá là cheo leo và hiểm trở, vậy mà các em đã không ngại khó để lên được nơi chính điểm đã chôn cây Thánh Giá. Khi được hỏi các em leo lên núi làm gì vây? Các em trả lời ngay và trên tay cầm một hòn đá: “Chúng em lên nhặt thịt Chúa” Thịt Chúa của các em đây chính những miếng đá bê tông đã làm nên cây Thánh Giá và Thánh Giá này đã bị cộng sản Việt Nam đập vỡ ra từng miếng nhỏ và giờ đây các em đang đi tìm. Phải chăng! Các em Đồng Chiêm đã có những hành động Đức Tin trỗi vượt như thế vì các em yêu Thánh Giá và yêu sự sống? khả năng này chính Thiên Chúa đã ban tặng cho những ai thuộc về dân của Người, như trong bài giảng thánh lễ hôm nay của Lm Đậu Tiến Đức: "Thánh giá chính là sự sống, là tình yêu, ai xúc phạm đến Thánh Giá chính là xúc phậm đến sự sống của nhân loại…”

Đức tin của anh chị em Đồng Chiêm được biểu hiện rõ hơn khi tôi thấy một Thánh Lễ bất chợt của chiều ngày thứ sáu, vậy mà số lượng người rất đông đến dự. Tôi không ngờ được trong bối cảnh như thế tại Đồng Chiêm.

Chúng tôi thấy được những cây Thánh Giá mới tại Đồng Chiêm

Hì hục!chúng tôi leo lên Núi Thờ, tôi bất ngờ nhìn thấy cây Thánh Giá bằng gỗ to nhất được đặt ở vị trí đỉnh núi đã được bắt bằng những bóng típ điện, nhìn xuống núi cách đỉnh không xa là hai cây Thánh Giá bằng gỗ cũng được mọc lên. Xung quanh câu chuyện về cây Thánh giá này là Điện đã bị cắt vào ban đêm hai ngày qua tại Đồng Chiêm và khu vực cận kề.

Cây Thánh Giá tôi thấy tại Đồng Chiêm không chỉ đơn thuần bằng gỗ mà thôi nhưng còn một cây Thánh Giá là đời sống Đức Tin nơi mỗi người Đồng Chiêm đã được Chúa dựng sẵn và họ đang xây mỗi ngày. Tôi cũng muốn nhắc lại lời trong bài giảng Thánh Lễ hiệp thông hôm nay của Lm Đậu Tiến Đức: "Anh chị em hãy cố gắng xây cây Thánh Giá của đời mình ngày càng cao vút tới trời cao và lúc đó sẽ được gần Thiên Chúa hơn, cây Thánh Giá này sẽ không có một thế lực nào phá được.”

Đang còn nhiều điều tôi thấy được khi về Đồng Chiêm nhưng không thể nói hết trong bài này, hy vọng khi mỗi người về với Đồng Chiêm sẽ cảm nghiệm được cách sâu xa hơn và sẽ thấy được nhiều điều huyền diệu hơn.

Lạy Chúa xin thương dến chúng con Giáo Hội Việt Nam đang phait trải qua những đường Thánh giá mới trên đường đời.

Hà Nội 8/1/2010
Joseph Nguyễn Văn Thống

Thánh giá Đồng Chiêm: Cơn thử thách khắc nghiệt với tín hữu Kitô
VietCatholic News (08 Jan 2010 16:31)
HÀ NỘI - Việc chính quyền Hà Nội tấn công giáo dân, đập phá cây Thánh giá trên Núi Thờ thuộc Giáo xứ Đồng Chiêm, Tổng Giáo phận Hà Nội đêm 6/1/2010 xảy ra hết sức bất ngờ đối với hầu hết giáo hữu, tu sĩ, linh mục, và hàng giáo phẩm Việt Nam. Bất ngờ không phải ở quy mô, thiệt hại về vật chất hoặc những giáo dân bị đánh tàn bạo. Nhưng, bất ngờ nhất là ở chỗ: Chính quyền đã chính thức đánh thẳng và triệt hạ biểu tượng linh thánh nhất của Công giáo.

Không còn là một sự kiện riêng lẻ hoặc tranh chấp về tài sản, đất đai

Kể từ khi thành lập Nhà nước VN Dân chủ Cộng hòa đến nay, có lẽ đây là lần đầu tiên theo tôi được biết, chính quyền trực tiếp đập phá không thương tiếc cây Thánh giá của người Công giáo một cách ngang nhiên.

Việc này nói lên điều gì?

Khác với những lần tranh chấp, đòi lại đất đai, tài sản trước đây của tất cả các giáo xứ, giáo họ trên khắp đất nước này, sự chú ý của giáo dân và truyền thông quốc tế không nóng lên từng giờ như sự kiện này. Trong khi những tài sản khác của Giáo hội đã bị mất vào tay nhà nước Cộng sản Việt Nam không chỉ là cây Thánh giá chỉ đáng mấy triệu đồng tiền Việt (khoảng mấy trăm đôla Mỹ) mà là cả hàng ngàn tỷ đồng hoặc những khối tài sản khổng lồ.

Đơn giản chỉ vì đó là cây Thánh Giá, biểu tượng thiêng liêng nhất của người Kitô hữu từ xưa đến nay.

Chắc không cần phải nói thêm lời nào về ý nghĩa thiêng liêng của cây Thánh giá đối với người tín hữu, chỉ cần nhớ lại rằng, xưa kia, trong thời bách hại tàn khốc, bước qua Thánh Giá, các tín hữu không chỉ có thể bảo toàn mạng sống của mình, mà còn được thưởng nữa. Thế nhưng, hàng trăm ngàn người đã bỏ mình, chấp nhận cái chết đau đớn, nhục nhã với thế gian để được vinh quang trước Thiên Chúa chỉ vì không chấp nhận “quá khóa”. Chính vì vậy mà ngày nay, hàng trăm Thánh tử đạo Việt Nam đã được vinh danh oai hùng, lẫm liệt.

Cũng vì hiểu được ý nghĩa của cây Thánh Giá đối với tín hữu mà ngay từ những thời cộng sản sắt máu nhất trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, chưa bao giờ có hành động nhục mạ, đập phá cây Thánh Giá ngang nhiên như vừa thấy dù đã có hàng trăm, hàng ngàn cơ sở của Giáo hội đã bị chiếm cướp.

Hãy vào bệnh viện Saint Paul (Xanh Pôn) trên đường Nguyễn Thái Học, tài sản của Dòng Saint Paul, hoặc bệnh viên Đống Đa, Hà Nội là tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, giữa bao nhiêu nhếch nhác, bẩn thỉu thì vẫn còn cây Thánh Giá đứng lặng lẽ nơi đó. Hoặc hãy đến Đại học Đà Lạt, nơi đó vốn là cơ sở của Công giáo, khi chính quyền CSVN chiếm giữ, cây Thánh giá đó họ không dám đập đi mà chỉ bọc lại thành một “ngôi sao màu đỏ”. (Có nhiều câu chuyện vẫn còn đang âm ỉ truyền lại đến hôm nay về những hậu quả cho những người đã định đập phá những cây Thánh Giá này)

Qua những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam liên quan đến các vụ việc đối Giáo hội Công giáo thời gian qua, nhìn lại người ta thấy điều gì?

Từ vụ chiếm cướp Tòa Khâm sứ, đất đai tài sản của Giáo xứ Thái Hà đã được giải quyết bằng cảnh sát, dùi cui, chó nghiệp vụ và muôn vàn phương tiện khác nhau để nhanh chóng làm “vườn hoang” trong sự bất bình ngày càng tăng của tín hữu và bộc lộ sự thật trước nhân dân. Đến vụ Loan Lý, Tam Tòa, Dòng Thánh Phaolo Vĩnh Long, 32 Bis Nguyễn Thị Diệu của Dòng Nữ tử Bác ái rồi Giáo Hoàng học viện… liên quan đến đất đai tài sản của từng giáo xứ, giáo phận, nhà cầm quyền đều dựa trên những luận cứ không có cơ sở pháp lý nào phù hợp cho việc chiếm cướp.

Nhưng dù sao, thì đó cũng là tài sản nhìn thấy, có giá trị vật chất to lớn, dễ bán, dễ chia hoặc khi không chiếm cướp được thì đánh con bài “bốc xôi làng đãi kẻ ăn xin”. Những việc đó có thể giải thích rằng đó là những tài sản vật chất quá lớn mà nếu trả lại đàng hoàng, hẳn sẽ kéo theo những hệ lụy mà những món nợ đó không dễ đàng dể trả.

Việc tiếp theo là xúc phạm và tháo dỡ tượng Đức Mẹ ở Bàu Sen, xứ Chày thuộc Tỉnh Quảng Bình, thì sự việc đã có chiều hướng khác. Bởi vì đơn giản là với trùng điệp núi non vùng Phong Nha, Kẻ Bàng thì việc đặt một bức tượng Đức mẹ trên mỏm đá cạnh nghĩa trang, trước mặt Nhà thờ Bàu Sen có nhiều lắm cũng chỉ tốn chưa đến 1m2 đất chỉ là hạt cát trên sa mạc, nhưng cảnh quan trở nên đẹp đẽ hơn nhiều. Vậy mà nhà cầm quyền đã chi hơn cả tỉ đồng để triệt hạ bằng được.

Tiến thêm một bước nữa, đến Thánh Giá trên đỉnh Núi Thờ của Giáo xứ Đồng Chiêm xa xôi, đặt trên một mỏm núi lởm chởm đá tai mèo là nghĩa địa của các hài nhi là đât đai của Giáo xứ sử dụng hơn 100 năm nay. Nơi vùng chiêm trũng xa xôi này, hẳn chẳng ảnh hưởng đến bất cứ một ai ngoài việc đó là biểu tượng của Thiên Chúa bên cạnh các hài nhi xấu số được chở che và an ủi.

Nhưng, cả đội quân cả ngàn người, hàng mấy trăm cảnh sát với hơi cay, chất nổ, lựu đạn, mìn, chó và các loại phương tiện hết sức hùng hậu, khát máu và tốn kém để triệt hạ phá tan bằng được trong đêm. Không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho hành động này.

Dù không muốn hoặc không dám nghĩ đến, người ta cũng phải hiểu rằng chính quyền nhắm vào đánh phá cây Thánh Giá này chỉ vì nó là biểu tượng của Công giáo.

Thánh giá là dấu chỉ tuyệt vời, là một biểu tượng của Tình yêu thương Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại bằng cách đã hiến cả máu con một mình trên đó để cứu chuộc. Vì vậy, xúc phạm vào Thánh Giá, chính là sự phỉ nhổ vào Đấng cứu chuộc thế gian. Bởi như Thánh Phaolo tông đồ đã khẳng định: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” ( x.Rm 8,35 ).

Như vậy, có thể nói rằng, những việc liên tiếp xảy ra đối với Giáo hội Công giáo thời gian qua, đó là một quá trình, một “đường hướng” không phải ngẫu nhiên.

Chưa có thời nào, chưa có thể chế nào mà việc xúc phạm biểu tượng thiêng liêng của một tôn giáo được thực hiện cách công khai bằng bạo lực như vậy. Chế độ Taliban ở Apganistan trước đây đã phạm một sai lầm chết người khi đập bỏ, bắn phá vào những tượng Phật cổ. Theo nhà trung gian đàm phán hoà bình của Liên Hợp Quốc ở Afghanistan, Francesc Sattar thì việc phá huỷ 2 bức tượng Phật cùng với hàng nghìn bức tượng khác trong các viện bảo tàng đã “cô lập Taliban khỏi cộng đồng quốc tế”.

Quả nhiên, chế độ Taliban đã bị cả thế giới lên án và cuối cùng đã sụp đổ nhanh chóng.

Khi tôn giáo bị xúc phạm nặng nề

Khi một tín ngưỡng bị ngang nhiên xúc phạm và chà đạp chính biểu tượng thiêng liêng nhất, thì tự đáy lòng mọi tín hữu hiểu điều gì đã xảy ra.

Để nói đến những hậu quả của việc xúc phạm đến biểu tượng tôn giáo, hãy nhìn sang các nước khác để nhận thấy bài học từ họ. Chì vì một bức tranh biếm họa mà người Hồi giáo cho là xúc phạm đến đấng Mohamet đã đem đến “làn sóng biểu tình bạo lực liên quan tới tranh biếm họa đấng tiên tri Muhammad của người Hồi giáo là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu” (Thủ tướng Đan Mạch 7/2/2006). Hàng loạt đại sứ bị triệu hồi, những cuộc biểu tình liên miên, những cuộc đốt phá các đại sứ ở các nước, nhiều vụ bạo động xảy ra liên tiếp đến nỗi sứ quán một số nước không dám ra khỏi nhà, sứ quan Đan Mạch và Nauy đã bị phóng hỏa…

Những sự việc đó, báo chí VN đưa tin nhanh nhảu, lẽ nào nhà cầm quyền không đọc đến báo chí bao giờ để lấy cho mình một bài học?

Hay chỉ bởi nhà cầm quyền biết rằng người công giáo vốn hiền lành nhẫn nhục, như bầy cừu non nên muốn làm gì họ cũng chịu? Chắc chắn họ đã nhầm và đó là sự nhầm lẫn chết người.

Chính vì thế, không có gì là lạ khi sức nóng của vụ việc đang tăng từng giờ trong lòng mỗi giáo dân, tu sĩ, linh mục và hàng Giáo phẩm Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Bởi với người Công giáo, nếu không nhìn nhận, không nhận biết Thánh Giá là biểu tượng cao quý nhất của mình, thì đó chưa phải là một tín hữu chân chính.

Cơn giận của lòng dân và “Mầu nhiệm - Hiệp thông – Sứ vụ”

Đến lúc này, mọi con tim tín hữu, mọi niềm tin của người công giáo đã bị thử thách khắc nghiệt. Con sóng lòng tín hữu đã dâng cao nỗi uất nghẹn và căm hờn bởi những hành động vô đạo đức này và những phản ứng tức thời đã bật lên.

Không phải ngẫu nhiên, mà ngay lập tức, hàng Giám mục Giáo Tỉnh Hà Nội đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Tổng Giám mục Hà Nội trong sự kiện này, điều mà trước đây chưa bao giờ có một cách mạnh mẽ như vậy.

Cũng không phải ngẫu nhiên, mà các hãng thông tấn lớn trên thế giới chú ý đặc biệt sự kiện này và loan tải rộng rãi dù có bị ngăn trở, cấm cản.

Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa mới khai mạc, ở đó Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định cho mình sứ mạng mới: “Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ”. Như vậy việc hiệp thông của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong mọi sự kiện, mọi biến cố liên quan đế Giáo hội Công giáo là một sứ mạng đã được xác định rất rõ ràng.

Chính vì lẽ đó, không có gì khó hiểu khi sự hiệp thông nhanh chóng của mọi thành phần trong Giáo hội, nhất là Giáo tỉnh Hà Nội đối với biến cố hết sức đau đớn này.

Bởi chưng, nếu không có sự hiệp thông trong toàn Giáo hội Công giáo khi Thánh Giá đã bị xúc phạm đập phá ngang nhiên và trắng trợn, thì khi đó có nghĩa là đã có một sự “Mầu nhiệm” xảy ra. Đó là sự “mầu nhiệm” về những “thành công” của chính quyền Cộng sản Việt Nam đối với Giáo hội Công giáo.

Hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra với Giáo hội Việt Nam sau sự kiện này.

Là một tín hữu, chúng ta cầu xin cùng Thiên Chúa mở lượng từ bi, ghé mắt nhìn đến Giáo Hội Việt Nam và cộng đồng dân Chúa trong cơn hoạn nạn này. Chúng ta cũng cầu xin cho Giáo hội Việt Nam hoàn thành sứ mạng khó khăn mà Thiên Chúa đã trao phó.

Hà Nội, Ngày 8/1/2010
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tâm sự của một bạn trẻ miền Bắc trước những vụ đàn áp tôn giáo
VietCatholic News (08 Jan 2010 10:35)
Thưa qúi Cha:

Con vô cùng bức xúc và cảm thấy đau lòng vô cùng khi nghe tin thánh giá Chúa Kitô tại Đồng Chiêm bị đập nát. Con là người Công giáo và con nghĩ nên có một lời tâm sựchia sẻ cùng các cha để tỏ lòng hiệp thông.

Thực ra con cũng không phải là người thấy chuyện lạ tai là ùa vào hoà nhịp. Nhưng trong 2 năm qua con học tại Hà Nội con đã chứng kiến bao điều mà có lẽ con chỉ nghĩ có trong các câu chuyện của ông và bố con kể lại. Và bây giờ nó hiện lên trước mắt con, và con cũng lãnh nhận hạnh phúc đó như cha ông con đã từng chứng kiến và kinh nghiệm về những hành vi chà đạp và khủng bố tôn giáo.

Tuy vậy, có điều con thắc mắc và suy nghĩ hoài đó là tại quê con: từ chuyện Thái hà đến Toà Khâm sứ, giáo dân không có biết rõ một cách tưòng tận và cũng chẳng có một lời cầu nguyện hiệp thông cùng anh em đồng đạo. Có chăng tại lúc cao điểm tại Thái Hà thì xứ chúng con mới được biết qua (những người biết rõ chỉ là các anh em tầm trung niên trở lên do thói quen nghe đài chân lý mà thôi). Giờ đây khi thánh giá chúa bị xúc phạm nặng nền tại sao các chủ chăn địa phưong biết mà còn chần trừ không hiệp thông chứ.

Con không có ý trách các cha nhưng rõ ràng nếu như làm thế là chưa có được sự hiệp thông đầy đủ trong Giáo hội, vẫn còn tính hơn thiệt trong đời sống đạo. Thực ra con không có hiểu điều đó vì từ ngày xưa bố con và các cha dạy: giáo hội của Chúa không có tính hơn thiệt, Giáo hội không có chịu phụ thuộc vào các chính sách này nọ, Giáo hội đi đường thẳng là loan truyền lời chúa cho mọi, trong mọi hoàn cảnh và cho dù máu các thánh có thể tiếp tục chảy ra vì chỉ có thế con ngưòi mới đuợc hưởng hạnh phúc đích thực.

Thưa cha có một điều là: Những điều kỳ diệu lại xảy ra con thấy bản thân con sống đạo tốt hơn, bạn bè con biết ngày xưa hay bỏ lễ chúa nhật nay đạo đức hơn, họ bắt đầu hoà vào dòng người để sẵn sàng cầu nguyện và sẵn sàng hy sinh hơn, họ nói về đạo theo đúng nghĩa hơn.

Con nghĩ rằng Chúa muôn Giáo hội Việt Nam bắt đầu rao truyền lời Chúa trong đau khổ. Để người dân hiểu ra rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi họ. Để họ hiểu rằng hình ảnh đạo đã bị nhà cầm quyền bóp méo từ trong lịch sử. Cám ơn Chúa vì có nhiều người qua đó biết đạo Chúa rõ hơn và con nghĩ Chúa đang dọn đường để cho con cháu họ sau này lãnh nhận Tin Mừng.

Chúc quý cha mạnh khoẻ, bình an và sống tốt trong chức vụ chủ chiên mà Chúa đã chọn.
Thanh Tùng

Vành khăn tang cho quê hương đất nước và ngàn năm lịch sử Thăng Long
VietCatholic News (08 Jan 2010 10:17)
Sáng ngày mùng 6-1-2010 Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền triệt hạ và đập phá.

Trong thông cáo gửi mọi thành phần trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, Linh Mục Lê Trọng Cung, Chánh văn phòng Tòa Tổng Giám Mục cho biết vào lúc 2 giờ sáng ngày mùng 6 tháng giêng năm 2010 các lực lượng vũ trang chính quyền vào khoảng 600 đến 1.000 người gồm dân quân tự vệ, công an, và cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay, đã phong tỏa các giáo xứ Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm, chặn lại tất cả các lối đi vào khu vực Núi Thờ. Họ bắt đầu triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên núi này. Trước hành động phạm thánh như vậy, giáo dân Đồng Chiêm đã kêu gọi họ ngưng ngay những hành vi xúc phạm đó. Thế nhưng giáo dân đã bị cảnh sát ném lựu đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó có hai người bị thương nặng hiện đang còn phải nằm bệnh viện để điều trị.

Tòa Tổng Giám Mục vô cùng đau buồn vì các hành vi thô bạo phạm thánh trên đây của chính quyền. Vì xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến Chúa Kitô. Xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm tới biểu tượng thánh thiêng nhất của đức tin Kitô Giáo và các Giáo Hội. Đánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương thế tự vệ là một hành động đã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con người và là hành vi thô bạo đáng bị lên án.

Trong tình hiệp thông Tòa Tổng Giám Mục mời gọi mọi thành phần dân Chúa tích cực cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm được vững vàng chia sẻ Thập Giá Chúa Kitô, và cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng dân chủ và văn minh, cho những giá trị thiêng liêng được tôn trọng và các quyền con người được bảo vệ.

Ngay chiều ngày mùng 6 tháng Giêng sau buổi tĩnh tâm các Cha Quản Hạt và các Linh Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội đã về Đồng Chiêm để thăm hỏi Cha Xứ và giáo dân cũng như an ủi các nạn nhân bị hành hung và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm. Giáo dân toàn giáo xứ đã chít khăn tang trắng bầy tỏ đau buồn vì vụ xúc phạm tới Thánh Giá Chúa Kitô và các hành động thô bạo dã man của chính quyền đối với tín hữu.

Núi Thờ cũng còn gọi là núi Chẽ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm kể từ ngày thành lập hơn 100 năm nay. Dân vùng Đồng Chiêm có thói quen chôn cất các thai nhi bị xẩy, các hài nhi chết sau khi sinh và các trẻ em sơ sinh mấy tháng tuổi bị chết trên núi này, mà dân chúng gọi là Núi Thờ. Chung quanh Núi Thờ là nơi chôn cất người lớn, đặc biệt là những người vô gia cư trong các năm 1945-1946.

Ngày mùng 8-1-2010 nhân dịp họp tổng kết năm 2009 và định hướng cho công tác mục vụ của Giáo Tỉnh trong năm 2010, các Giám Mục trong Giáo Tỉnh đã gửi thư tới Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt để bầy tỏ tình hiệp thông và liên đới của 10 giáo phận trong Giáo Tỉnh với Đức Cha và Tổng Giáo Phận Hà Nội và đặc biệt với cộng đoàn tín hữu giáo xứ Đồng Chiêm.

Các Giám Mục ghi nhận hai sự kiện Thánh Giá bị triệt hạ, một số giáo dân bị đánh đập như mẫu số chung đã được chính quyền sử dụng để giải quyết những vụ mâu thuẫn như Tam Tòa và Bầu Sen của giáo phận Vinh, và Loan Lý của giáo phận Huế. Các Giám Muc Giáo Tỉnh miền Bắc tự hỏi phải chăng đó là chủ trương của Nhà Nước đối với các tranh chấp liên hệ tới các tôn giáo. Và các vị xin Đức Tổng Giám Mục đề xuất với giới hữu trách chính quyền hai điểm:

Thứ nhất xét lại Luật về đất đai, như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bầy tỏ trong bản ”Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” ngày 25 tháng 9 năm 2008. Thứ hai, cần chọn những giải pháp ít gây tổn thất lòng người hơn, khi giải quyết những tranh chấp.

Các Giám Mục khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam luôn mong ước góp phần xây dựng môt đại gia đình Việt Nam, trong đó mọi thành viên cùng chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Vì thật ra đó cũng chính là mục tiêu chung của mọi thể chế chính trị trên khắp thế giới.

Trong cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 11-12-2009, Chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết đã long trọng tuyên bố: ”Nhà Nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân và luôn coi đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc... với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện phát triển thuận lợi”.

Thế nhưng tất cả những gì đã xẩy ra từ vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Bầu Sen, Loan Lý và nhiều nơi khác đó đây trong nước, kể cả vụ Chùa Bát Nhã Phước Huệ, giờ đây lại đến Đồng Chiêm, đều chứng minh ngược lại.

Chúng chứng minh cho thấy Nhà Nước Việt Nam cưỡng chiếm đất đai của các tôn giáo và của dân để chia chác làm giầu, đập phá mồ mả của nhân dân, thuê các nhóm cao bồi du đãng và xì ke ma túy để trấn áp hành hung các tín hữu và cả các Linh Mục và Tăng Ni. Đó là chưa kể tới các vụ đàn áp các sinh viên và các thành phần yêu nước phản đối việc nhượng đất, nhượng biển, để cho Trung Quốc tự do khai thác tài nguyên quốc gia và chiếm các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như biết bao nhiêu chuyện mờ ám khác nữa đang biến Việt Nam thành một tỉnh xa của Trung Quốc.

Trong bối cảnh này của đất nước và các chuẩn bị tốn kém mừng Thăng Long 1.000 năm, vành khăn tang của giáo dân Đồng Chiêm không phải chỉ diễn tả nỗi đớn đau cho Thánh Giá Chúa và đức tin Kitô bị xúc phạm, mà cũng là cho quê hương đất nước và ngàn năm lịch sử Thăng Long nữa!

Radio Vatican (8-1-2010)
Linh Tiến Khải



No comments: