Friday, June 12, 2009

Tài liệu CS-Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965-1973)

tài liệu CS

Vấn đề hòa bình trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1965-1973)


Phong trào đòi hòa bình của Phật giáo miền Nam (1965-1973) đã góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc của nhân dân miền Nam. Bằng những hoạt động phong phú, đặc biệt là với lý luận đanh thép và hành động quyết liệt, phong trào đấu tranh đòi hòa bình của Phật giáo đã từ trong Giáo hội ra ngoài quần chúng tín đồ, cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế, góp phần tạo ra một sức ép chính trị, thúc ép Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Cảnh Sát Sài gòn tấn công quần chúng Phật tử biểu tình
Trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đầu năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh bằng việc tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam. Trước quy mô và cường độ chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt, Phật giáo miền Nam đã đặt vấn đề đòi hòa bình thành một mục tiêu quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp phục vụ Dân tộc và Đạo pháp. Đối với Phật giáo thì “sự can thiệp thô bạo của Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho những chính phủ tay sai..., phản lại quyền dân tộc tự quyết và những quyền căn bản của nhân dân Việt Nam.
Hoa Kỳ đã tàn sát nhân dân cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam, phá đổ nền văn minh dân tộc Việt Nam và làm băng hoại xã hội Việt Nam đến cùng cực. Đa số nông dân, nhất là Phật tử tại nông thôn phải thống khổ trong khi đó một thiểu số tướng tá và thương gia làm ăn phát đạt nhờ chiến tranh đã sống quá xa hoa trên xương máu đồng bào..., chiến tranh không chấp nhận được bởi nền độc lập dân chủ và tự do không bao giờ thực hiện được ở Nam Việt Nam, chừng nào người Mỹ còn kiểm soát Nam Việt Nam, cuộc chiến không phải là cuộc chiến giữa miền Nam và miền Bắc, mà giữa Mỹ và nhân dân Việt Nam”(1).

Mở đầu cuộc vận động hòa bình, ngày 12-12-1965, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức công bô thông điệp hòa bình. Cũng trong năm này, phong trào “tranh đấu bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc” do Thượng tọa Thích Quảng Liên chủ trương đã bị chính quyền Sài Gòn gán cho là thân Cộng, và bị giải tán, sau đó Thích Quảng Liên đã bị buộc lưu vong sang Thái Lan.
Từ năm 1966, Phật giáo đã mở nhiều chiến dịch vận động hòa bình cả ở trong và ngoài nước. Ở trong nước, các thông điệp quan trọng của giới lãnh đạo Phật giáo đều đặt vấn đề hòa bình cho Việt Nam như là một mục tiêu cấp thiết. Ở nước ngoài, ngày 3-6-1966, trong dịp thăm Hoa Kỳ theo lời mời của các tổ chức hòa bình Mỹ, Thượng tọa Thích Nhất Hạnh tuyên bố chủ trương 5 điểm của Phật giáo:
1. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phải từ chức.
2. Quân đội Mỹ phải rút lui.
3. Ngưng oanh tạc Bắc Việt.
4. Phải giúp lập chính thể dân chủ.
5. Phải tái thiết miền Nam không điều kiện(2).
Nhân dân Sài gòn xuống đường biểu tình đòi độc lập
Cũng cần thấy rằng ở vào thời điểm đầu tiên của cuộc vận động hòa bình, đã có nhiều Tăng Ni, Phật tử biến mình thành những ngọn đuốc để đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh VIệt Nam. Nổi bật nhất là Phật tử Nhất Chi Mai, tự thiêu ngày 16-5-1967, tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn.
Trong thư gởi Chính phủ Mỹ qua Tổng thống Johnson, Nhất Chi Mai lên án tội ác chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam: “Bao nhiêu sáo ngữ 'bảo vệ tự do và hạnh phúc' cho Việt Nam mà quý ngài dùng làm chiêu bài bấy lâu nay, đã qua lỗi thời và lố bịch.
Bao nhiêu tấn bom đạn, bạc tiền của quý ngài đã trút lên đầu dân tộc tôi, để tàn phá thân xác và tinh thần quốc gia của họ. Bao nhiêu người Việt Nam có lòng với quốc gia dân tộc thì bị quý ngài đàn ap và hãm hại?
Bao nhiêu người Mỹ sáng suốt, nhân đạo và dũng cảm dám chỉ trích sự lầm lạc của quý ngài, thì bị kết án lưu đày”(3).
Nhất Chi Mai khẳng định sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là không tránh khỏi: “Quý ngài có biết người Việt chúng tôi, hầu hết trong thâm tâm của họ, họ chán ghét người Mỹ đã mang chiến tranh đau khổ đến cho xứ sở của họ lắm rồi không?
Tăng Ni Phật tử phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm

Càng leo thang chiến tranh, càng đổ nhiều nhân lực và tài lực tại đây, các ngài chỉ thất bại chua cay thôi. Sự vụng về của quý ngài làm cho quý ngài mất hết chính nghĩa”(4).
Và “để cứu nguy cho hàng triệu sinh mạng người Việt Nam, người Hoa Kỳ và danh dự của đại cường Hiệp Chủng Quốc”, trong thư này, Nhất Chi Mai đề nghị 4 giải pháp:
1. Ngưng oanh tạc Bắc Việt và Nam Việt Nam.
2. Từ từ rút binh, giao cho người Việt Nam định đoạt số phận họ.
3. Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử. Người Việt Nam, nếu được tự do thực sự, họ đủ khôn ngoan để lựa chọn chế độ nào tự do và hạnh phúc.
4. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam tái thiết xứ sở họ, đã tan nát vì bom đạn của quý ngài”(5).
Từ diễn đàn quốc tế cho đến cuộc tự thiêu vì hòa bình Việt Nam của Nhất Chi Mai cho thấy ngay từ đầu của cuộc chiến tranh (khi Nhà Trắng đưa quân viễn chinh Mỹ và quân đội đồng minh của Mỹ xâm lược miền Nam; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc), Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã không mơ hồ về bản chất của cuộc chiến do Mỹ gây ra. Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã cực lực lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, đòi Mỹ rút quân, đòi độc lập dân tộc, đòi các quyền dân chủ cho nhân dân miền Nam, gạt bỏ các chính quyền tay sai và buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra.

Để đạt được hòa bình, theo giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam, điều cần thiết là phải chấp nhận sự dị biệt về chính kiến. Quyết định của Đại hội Phật giáo (Ấn Quang) toàn quốc nhiệm kỳ III tại chùa Ấn Quang, từ ngày 18 đến ngày 21-8-1968, cũng như những lời tuyên bố của lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang trong cuộc họp báo ngày 21-8-1968 cho thấy giới Phật giáo không phản đối sự hiện diện của những ý thức hệ dị biệt, tức là mặc nhiên chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cộng đồng quốc gia: “Đai hội chủ trương một sự đoàn kết chân thành và thiết thực vì sự tồn vong và hạnh phúc của dân tộc vượt trên mọi dị biệt ý thức hệ, chính kiến và tín ngưỡng... Đại hội không phản đối quyền tự do hoạt động theo chính kiến dị biệt của mọi đoàn thể trong quốc gia căn cứ trên nghĩa đồng bào và quyền lợi dân tộc”(6). Trả lời ký giả trong cuộc họp báo, lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang tuyên bố: “Nếu có hòa bình thì điều mà Phật giáo mong muốn phải là một nền hòa bình hợp tình, hợp lý, một thứ hòa bình mà quyền tự do tín ngưỡng và mọi xu hướng chính trị phải được tôn trọng”(7).
Bất chấp chính quyền Sài Gòn cho việc tán thành hòa bình và trung lập là một tội phạm, răn đe đối với những ai chủ trương thành lập chính quyền liên hiệp ở miền Nam, như ngày 3-11-1969, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tại Vũng Tàu: “Bất cứ ai chủ trương trung lập cho Nam Việt Nam trong giai đoạn này là ngu xuẩn”(8). Theo Nguyễn Văn Thiệu thì trung lập là “bấp bênh và sẽ đưa quốc gia trôi nổi đi như một chiếc lá vàng giữa gió, như con cá lội giữa dòng không biết theo về đâu, hoặc giả như khúc củi khô trôi bồng bềnh rồi có ngày giạt ra biển ca mà mục nát” (Tuyên bố tại Đà Lạt, 6-11-1969)(9). “Những ai đòi hỏi hòa bình ngay tức khắc là mị dân, là cộng sản nằm vùng” (Tuyên bố ngày 25-8-1970, tại Vũng Tàu)(10); cuộc đấu tranh vì hòa bình Việt Nam của Phật giáo vẫn tiếp tục diễn ra rộng khắp ở các đô thị miền Nam. Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo (Ấn Quang) tuyên bố: “Người Việt Nam không làm tay sai cho nước ngoài; chúng ta là người Việt Nam, chúng ta chỉ chăm lo công việc của bản thân chúng ta thôi”. Theo Thượng tọa Thiện Hoa: “Tất cả các bên tham gia chiến tranh ở Việt Nam đều phải được tham dự các cuộc nói chuyện hòa bình”(11).
Ngày 25-1-1969, nhân lễ Phật Thích Ca thành đạo, tại Sài Gòn, hàng vạn Phật tử rước Xá lợi Phật từ chùa Phổ Minh về chùa Ấn Quang. Cuộc rước đã biến thành cuộc biểu tình đòi hòa bình. Tăng Ni, Phật tử đã trương lên những khẩu hiệu: “Chúng tôi muốn hòa bình!”, “Hãy trả lại độc lâp cho chúng tôi!”, “Hòa bình, độc lập dân tộc muôn năm!”, “Phản đối âm mưu kéo dài chiến tranh!”, “Phải thương thuyết nghiêm chỉnh!”. Cứ mỗi lần khẩu hiệu được hô lên thì đoàn người đáp lại bằng hai tiếng: Hòa bình! Hòa bình!(12).
Tiếp theo, trong Thông điệp Phật đản 1969, giới lãnh đạo Phật giáo bày tỏ lập trường ủng hộ và mong muốn các bên tham chiến nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và kêu gọi “toàn thể Phật tử nhất tâm thành ý gạt bo mọi tỵ hiềm chia rẽ để trở thành sức mạnh gây tin tưởng trong đồng bào và hoàn thành sứ mạng cao cả trên”(13).
Ngay cả khi chính quyền Sài Gòn trong cái thế “chẳng đặng đừng” chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, những người Phật tử Việt Nam cho rằng muốn có hòa bình phải thay đổi chính quyền Thiệu – Kỳ, bởi họ không tin rằng Thiệu – Kỳ có thiện chí trong việc đàm phán tại bàn hội nghị. Tiêu biểu cho lập luận này là lời kêu gọi của Chủ tịch Hội Phật giáo Việt kiều hải ngoại: “Chính quyền Thiệu – Kỳ – Hương phản đối kịch liệt việc ngưng ném bom miền Bắc, đã dùng những mánh khóe gian trá để làm trì hoãn cuộc thương lượng ở Paris, đã và đang đàn áp dã man để bop nghẹt tiếng nói hòa bình của quần chúng..., chính quyền đó chứng minh rõ ràng trước mắt mọi người rằng họ không muốn hòa bình và không thể nào có hòa bình với họ. Chính quyền đó chẳng đại diện cho ai cả, bởi vì nhân dân và nhất là Phật tử chưa bao giờ thừa nhận họ... Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự vãn hồi hòa bình ở Việt Nam, thay đổi chính quyền Sài Gòn là việc tối cần thiết; một chính quyền mới để thực hiện nguyện vọng hòa bình tha thiết của dân tộc, sẽ mở cuộc đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ và với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về việc ngưng bắn, việc triệt thoái quân đội ngoại quốc, và việc thành lập chính phủ liên hiệp tại miên Nam Việt Nam”(14).
Chương trình vận động hòa bình của Phật giáo miền Nam trong những năm 1970, 1971 được nâng lên một bước mới. Ngày 31-12-1969, vụ thảm sát ở Mỹ Lai được xét xử tại Mỹ, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã ủy quyền cho luật sư Paul Harking, đại diện cho Giáo hội, để biện hộ cho nạn nhân trước tòa án”(15).

Sau cuộc đảo chính lật đổ Sihanouk ngày 18-3-1970 do Mỹ giật dây, chính phủ tay sai, phản động thân Mỹ do Lon Nol cầm đầu thành lập. Theo kế sách của Mỹ, chính quyền Lon Nol tiến hành khủng bố, tàn sát Việt kiều, cưỡng bức Việt kiều hồi hương. Trong một kháng thư của Ủy ban Bảo vệ Việt kiều tại Campuchia thuộc Giáo hội Phật giáo Ấn Quang, giới lãnh đao Phật giáo cho rằng “việc chính phủ Cao Mên tàn sát và cưỡng đoạt tài sản Việt kiều, ở đây, không những làm cho người Việt Nam chúng ta đau xót, uất ức, mà dư luận quốc tế cũng phải chấn động”, và xem “hành động này đồng nghĩa với sự trục xuất toàn bộ Việt kiều khỏi Cao Mên không có lý do chính đáng, trái với công pháp quốc tế”(16).
Trước thực trạng đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không những không tìm cách giải quyết mà còn đồng lõa trước việc tập đoàn Lon Nol tàn sát Việt kiều ở Campuchia bằng việc “gởi vũ khí giúp Chính phủ Lon Nol..., cho quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến vào lãnh thổ Cao Mên,... phong tỏa toàn bộ duyên hải quốc gia này, đổ bộ ở Sihanoukville và tiến quân đến thủ đô Nam Vang”(17) nhằm cứu chính quyền bù nhìn Lon Nol khỏi sụp đổ. Trong một kháng thư gởi chính quyền Sài Gòn ngày 4-6-1970, Thượng tọa Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Quốc tế Phật giáo Thuyền học tại Hoa Kỳ, lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là kẻ tiếp tay cho chính quyền Lon Nol tàn sát Việt kiều và kẻ phá hoại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam: “Là công dân Việt Nam, tôi không thể nào làm ngơ trước cảnh hơn nửa triệu đồng bào Việt Nam bị đe dọa tàn sát ở đất Miên, và kịch liệt phản đối thái độ im lặng, thúc thủ của chính quyền Việt Nam (tức chính quyền Thiệu – Lê Cung) đối với vấn đề ấy”(18) và “thiết nghĩ rằng chính phủ là của dân và để bảo vệ dân, nếu chính phủ ấy không bảo vệ được dân, kể cả những kiều bào hải ngoại thì chính phủ ấy không còn là của dân nữa và không được dân ủng hộ nữa”(19). Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận sự tồn tại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Nổi bật nhất là “Giải pháp sáu điểm để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam” do Đoàn đại biểu Phật giáo Ấn Quang công bố tại Đại hội Phật giáo thế giới ở Kyoto (Nhật Bản) ngày 20-10-1970.
“Điều thứ 1. Các bên lâm chiến bắt đầu từ ngày hôm nay xuống thang chiến tranh dần dần để đi tới một cuộc ngưng bắn toàn diện vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 Tết Tân Hợi...
Điều thứ 2. Tổ chức Liên Hiệp Quốc phải cấp thời chỉ định một số quốc gia trung lập như Pháp, Ấn, Hồi, Thụy Điển, v.v... để thành lập một Ủy hội quốc tế kiểm soát cho cuộc ngưng bắn này. Một chuyên viên quân sự của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và một chuyên viên quân sự của Chính phủ lâm thời Cách mạng miền Nam sẽ được tham gia đại diện vào trong Ủy hội này.
Điều thứ 3. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải phóng thích các tù nhân chính trị như sinh viên, trí thức, tu sĩ và tất cả những người đương bị giam giữ vì đã tranh đấu cho hòa bình và quyền tự chủ của quốc gia.
Điều thứ 4. Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt tình trạng thối nát, độc tài và bất lực hiện tại ở miền Nam Việt Nam bằng cách phải để cho người Việt tự do lựa chọn một chính quyền có thể đại diện cho đa số quần chúng có bản chất hòa giải dân tộc, không liên kết và có đầy đủ khả năng để:
a) Thương thuyết với Chính phủ Hoa Kỳ về thời biểu triệt thoái toàn thể quân lực Hoa Kỳ ở Việt Nam và về những liên hệ ngoại giao, văn hóa, kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
b) Thương thuyết với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam về những thể thức tổ chức tổng tuyển cử để đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị ở Việt Nam. Một cuộc bầu cử thực sự tự do dưới sự giám sát quốc tế, trong đó mọi người dân bất cứ khuynh hướng chính trị nào đều có thể tham dự.
Điều thứ 5. Các Chính phủ Hoa Kỳ, Liên bang Xô-viết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia liên hệ khác cộng tác với nhau để chấm dứt những nỗi khổ đau của người Việt bằng cách ủng hộ đề nghị này do chính người Việt đưa ra.
Điều thứ 6. Các phía lâm chiến tại Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các giáo hội tôn giáo và cac nhà nhân bản kịp thời hành động để thúc đẩy các quốc gia có trách nhiệm về chiến tranh Việt Nam chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Campuchia và Lào”(19).
Phân tích những đề nghị trên đây của Phật giáo Ấn Quang, chúng ta thấy nổi lên ba vấn đề cơ bản:
Một là, Phật giáo tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là thối nát, độc tài; không hội đủ những điều kiện cần thiết để đại diện cho nhân dân miền Nam.
Hai là, khi đề nghị “một chính quyền có thể đại diện cho đa số quần chúng có bản chất hòa giải dân tộc, không liên kết và có đầy đủ khả năng” để thương thuyết với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho thấy Phật giáo không những bất tín nhiệm chính quyền Sài Gòn mà còn xếp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở một vị trí bình đẳng với chính quyền lâm thời được bầu ra để cùng nhau thương thuyết đi đến việc lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Ba là, giải pháp đặt vấn đề Mỹ phải rút quân, nhưng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có mặt trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam.
Đề nghị của Phật giáo Ấn Quang đã gây một tiếng vang ở diễn đàn Hội nghị Kyoto. Theo báo “Sài Gòn mới”, ngày 26-10-1970, đề nghị của Phật giáo Ấn Quang được Hội nghị Quốc tế Phật giáo ở Kyoto dùng làm nền tảng trong bản quyết nghị “kêu gọi rút quân ngoại nhập, và lập chính phủ có “căn bản rộng rãi” ơ Sài Gòn”(20). Bản Quyết nghị 10 điểm về Việt Nam của Hội nghị Quốc tế Phật giáo ở Kyoto, trong đó có đoạn viết: “Hoa Kỳ rút lui sự hỗ trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà bản chất là quân nhân để cho dân chúng Việt Nam dễ dàng bầu lên một chính quyền dân sự thực sự đại diện”(21).
Khách quan mà nói, đề nghị sáu điểm của Phật giáo Ấn Quang công bố tại Đại hội Phật giáo thế giới ở Kyoto (Nhật Bản), ngày 20-10-1970, đã tán thành một số mục tiêu cơ bản mà phong trào cách mạng miền Nam đang hướng tới: Mỹ rút quân, loại trừ chính quyền tay sai Sài Gòn, thành lập chính phủ không liên kết, thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Điêu này góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Cũng trong kế hoạch chống chiến tranh, đòi hòa bình cho Việt Nam, ngày 29-12-1970, Đại hội Sinh viên Phật tử miền Nam Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt. Đại hội đã ra Tuyên ngôn lên án chính sách gây chiến của Mỹ, vạch trần bản chất tay sai của chính quyền Sài Gòn, đòi Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn khẳng định:
“Nguyên nhân cuộc chiến tranh Việt Nam là do Chính phủ Mỹ gây ra, nhà cầm quyền hiện hữu không đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam mà do chính quyền Mỹ dựng lên.
Toàn bộ quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ phải tức khắc rút quân vô điều kiện ra khỏi miền Nam, giải tán toàn bộ phương tiện chiến tranh, căn cứ quân sự ở miền Nam.
Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay sự ủng hộ nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam, chấm dứt viện trợ quân sự, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự định đoạt lấy vận mạng của mình mà không bị bất cứ một hình thức can thiệp nào từ bên ngoài vào.
Chính phủ Mỹ phải triệt để tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam”(22).
Tuyên ngôn của Đại hội Sinh viên Phật tử miền Nam Việt Nam tại Đà Lạt ngày 29-12-1970 thể hiện cụ thể chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Tuyên ngôn hàm chứa những nội dung cơ bản mà phái đoàn ta đưa ra tại bàn Hội nghị Paris, đòi Mỹ phải chấp nhận. Nó đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo miền Nam.
Sang năm 1971, cuộc đấu tranh cho hòa bình Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử vẫn được tiếp tục.
Nổi bật nhất là vào ngày 9-5-1971, Đại đức Thích Chơn Thể, Tăng sĩ chùa Tường Vân (Huế) tự thiêu đòi hòa bình tại Công trường Quách Thị Trang (công viên trước Trường Hai Bà Trưng – Huế hiện nay). Trong thư gửi Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ ngày 9-5-1971, Đại đức Thích Chơn Thể viết:
“Dân tộc chúng tôi đã chết chóc qua nhiều. Máu dân Việt đã chảy thành sông, xương dân Việt đã chất thành núi.
Vậy, trước giờ chết của tôi, tôi kêu gọi các ngài:
1. Rút quân ra khỏi Việt Nam.
2. Trả lại quyền tự do cho dân Việt tự lo liệu để sớm hòa bình thống nhất đất nước.
Vậy, hôm nay tôi đốt thân này để kêu gọi hòa bình thật sự do người Việt Nam lo liệu lấy, cùng yêu cầu nhân dân và đồng bào Mỹ hãy kêu gọi chồng, con trở về xứ sở...”(23).
Cũng ngày 9-5-1971, tại thị xã Cam Lộ, Quảng Trị, Ni cô Tịnh Nhuần tự thiêu để cầu nguyện hòa bình. Cùng ngày, hơn hai vạn tín đồ Phật giáo và sinh viên, học sinh Huế xuống đường, đòi hòa bình, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 28-7-1971, Đại hội Sinh viên, Học sinh miền Nam Việt Nam kỳ V được tổ chức tại Huế. Sinh viên Đại học Vạn Hạnh là một trong bốn đoàn đại biểu sinh viên các trường đại học miền Nam tham gia Đại hội. Ngoài ra còn có sự tham gia của các nghiệp đoàn, các đoàn thể nhân dân, như: Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình Thừa Thiên – Huế, Phong trào chống bầu cử gian lận, Phong trào Dân tộc tự quyết Thừa Thiên – Huế, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống Đà Năng và các nghiệp đoàn xích-lô, taxi, vận tải, đại diện tiểu thương và có cả các Đoàn sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử. Nét nổi bật của đại hội này là tại diễn đàn, Đại hội đã công khai phổ biến và ủng hộ Tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra tại phiên họp lần thứ 119 tại hội nghị Paris.
Sau Đại hội, sinh viên, học sinh đã phân tán đi các chợ, các khu dân cư để tuyên truyền nghị quyết của đại hội. Các khẩu hiệu: “Còn Thiệu còn chiến tranh”, “American go home”, “Chống Thiệu là chống chiến tranh”, “Cương quyết tẩy chay quân sự học đường”,... được viết bằng sơn khắp nơi trong thành phố. Tổng hội Sinh viên Huế đã in 5.000 bản Tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để phổ biến trong nhân dân.
Tại Sài Gòn, ngày 2-8-1971, “Phong trào Phu nữ đòi quyền sống” thành lập và ra mắt tại chùa Ấn Quang. Ni sư Huỳnh Liên tham gia và giữ chức vụ cố vấn, trụ sở đặt tại tịnh xá Ngọc Phương. Phong trào ra tuyên ngôn đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập chính phủ thật sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống với những mục tiêu đấu tranh như đã đề cập diễn ra rộng khắp các đô thị miền Nam.
vỞ Đà Nẵng, ngày 24-8-1971, hơn 10.000 học sinh và các giới đồng bào, trong đó có đông đảo tín đồ Phật giáo xuống đường đấu tranh hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu”, “Đả đảo chính sách đan áp khủng bố”. Hưởng ứng cuộc đấu tranh này, liên tiếp những ngày sau đó, đông đảo đồng bào, một số thương binh ở Đà Nẵng cũng xuống đường đấu tranh đòi quân Mỹ phải rút về nước, đòi Thiệu phải từ chức và đòi Mỹ – Thiệu phải chấm dứt khủng bố, chấm dứt chiến tranh. Phong trào lên cao, có lúc thu hút tới 40.000 người tham gia.
Trong khi ở Đà Nẵng, phong trào nhân dân chống Mỹ – Thiệu đang diễn ra sôi nổi, thì ngày 1-9, tại Sài Gòn hơn 15.000 đồng bào cùng đông đảo học sinh, sinh viên đã xuống đường đưa tang sinh viên Phạm Hạnh bị giết hại. Quần chúng đã biến đám tang thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng chống Mỹ – Thiệu, chống chiến tranh, đòi độc lập hòa bình. Đoàn biểu tình giương cao các khẩu hiệu: “Đế quốc Mỹ cút về nước”, “Thiệu là chiến tranh”, “Bunker cút về nước”..., chính quyền Sài Gòn hoảng hốt đưa cảnh sát đến đàn áp, nhưng quần chúng đã chống lại quyết liệt. Bât chấp sự khủng bố của địch, ngày 7-10, hơn 1.000 sinh viên Đại học Vạn Hạnh đã bãi khóa để chống lại chính sách “quân sự hóa học đường”.
Trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đô thị miền Nam, trong đó có phong trao Phật giáo, Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình và dân chủ ra đời ở Sài Gòn ngày 2-5-1971. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị miền Nam, ngày 29-9-1971, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang thành lập Ủy ban Nhân dân tranh thủ hòa bình và dân chủ. Ngày 1-10-1971, Ủy ban này họp báo tại chùa Ấn Quang cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và vận động nhân dân không đi bỏ phiếu vào ngày 3-10-1971.
Sang năm 1972, phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam của Phật giáo vẫn tiếp tục diễn ra với những yêu cầu đã được đặt ra. Ngày 17-5-1972, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang gởi thư cho các trưởng phái đoàn Hội nghị Paris, yêu cầu cứu xét ngưng chiến nhân ngày lê Phật đản 2516 (28-7-1972), kêu gọi các bộ tư lệnh các phe lâm chiến Việt Nam về việc bảo tồn các danh lam thắng cảnh và các cơ sở tôn giáo.
Bị thua đau ở miền Nam, Mỹ tiến hành cuộc ném bom dữ dội vào hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng vào những ngày cuối cùng của năm 1972 hòng ép ta nhân nhượng trên bàn đàm phán. Trước âm mưu và hành động mới của Mỹ, Đại hội Phật giáo Ấn Quang tổ chức từ ngày 18 đến 22-12-1972, đã ra tuyên bố phản đối My ném bom Hà Nội và Hải Phòng; đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh; chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chấm dứt kỳ thị tôn giáo.
Điều cần lưu ý là trong phong trào vận động hòa bình của Phật giáo dù dưới hình thức là tuyên ngôn, kháng nghị, biểu tình hoặc tự thiêu, ... Phật giáo đều lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn và đứng về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: “Người ta chỉ thấy các chiến dịch của Phật giáo đả đảo chính phủ và người Mỹ, chứ không thấy một cuộc công khai đả đảo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mà phe chống Cộng cho là nguồn gốc của cuộc chiến hiện nay”(24).
Phong trào đòi hòa bình của Phật giáo miền Nam (1965-1973) đã góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc của nhân dân miền Nam. Bằng những hoạt động phong phú, đặc biệt là với lý luận đanh thép và hành động quyết liệt, phong trào đấu tranh đòi hòa bình của Phật giáo đã từ trong Giáo hội ra ngoài quần chúng tín đồ, cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế, góp phần tạo ra một sức ép chính trị, thúc ép Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân ta tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

LÊ CUNG(PGS. TS Sử học, ĐHSP, Đại học Huế)

1) Sứ mạng chính trị của Ấn Quang (bản viết tay) của nhóm Nghiên cứu, trắc nghiệm thuộc Văn phòng Phụ tá Chính trị, Văn hóa Phủ Tổng thống, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4316, tr.3.

(2) Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Phật học viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn, 1974, 443.

(3) Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập I, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.194.

(4) Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr.194.

(5) Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr.443.

(6), (7) Hoàng Xuân Hào, Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay (Luận án Tiến sĩ Luật khoa), tập II, Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, 1972, tr.409.

(8) Báo Chánh đạo, ngày 5-11-1968.

(9) Báo Chánh đạo, ngày 7-11-1969.

(10) Báo Chánh đạo, ngày 26-8-1970.

(11) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, tập V, NXB KHXH, Hà Nội, 1978, tr.199.

(12) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.259.

(13) Hoàng Xuân Hào, Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay, Sđd, tr.122.

(14) Trần Văn Giàu, Sđd, tr.201-202.

(15) Vân Thanh, Sđd, tr.486.

(16) Văn thư số 005, ngày 23-5-1970 của Ủy ban Bảo vệ Việt kiều ở Cam Bốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gởi Nguyễn Văn Thiệu, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4315, tr.1.

(17) Văn thư số 005, ngày 23-5-1970 của Ủy ban Bảo vệ Việt kiều ở Cam Bốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gởi Nguyễn Văn Thiệu, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4315, tr.2.

(18) Thích Thiên Ân. Văn thư gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ II CH-4315.

(19) Văn thư số 005, ngày 23-5-1970, tài liệu đã dẫn, tr.1.

(20) Giải pháp 6 điểm về hòa bình của Phật giáo Ấn Quang do Thượng tọa Thích Thiện Minh công bố tại Kyoto ngày 20-10-1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐII CH-4316.

(21) Phiếu trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 7-11-1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4316.

(22) Hoàng Xuân Hào, Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay, Sđd, tr.128.

(23) Việt Cường, Quá trình hoạt động và đóng góp của sinh viên Phật tử Sài Gòn, Tin tưởng, số ra mắt Ban Chấp hành 71 – 72 (không ghi số trang).

(24) Thành đoàn Huế, Những sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh đô thị của thanh niên, sinh viên, học sinh Huế (1954-1975), 1989, tr.75-76.

(25) Hoàng Xuân Hào. Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay, Sđd, tr.410.

No comments: