Sunday, June 7, 2009

Nhân vật Võ Đình Cường

Ghi Chú: Nhận thấy bài viết này có những dữ kiện lịch sử để tham khảo chúng với các tài liệu khác, xin đính kèm .. với mọi dè dặt.





Nhân vật Võ Đình Cường


Tuần qua, khi chúng tôi cho phổ biến bài "Những bí ẩn đàng sau" nói về chiến thuật của Nhóm Thân Hữu Già Lam là "trá hàng", đưa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thường gọi là Giáo Hội Ấn Quang, sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước để xâm chiếm dần và thống lãnh giáo hội này (!!!), chúng tôi có nhắc đến một số nhân vật nổi bật trong đó có Võ Đình Cường, một cán bộ cộng sản nằm vùng, đã "cầm tinh" Thích Trí Quang, thì được tin Võ Đình Cường đã qua đời tại Sài Gòn hôm 6.3.2008, hưởng thọ 91 tuổi.

Quả thật, trong các biến động do Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang gây ra tại miền Nam từ 1963 - 1975, có khi đẩm máu, để giành quyền thống lãnh Phật Giáo và tiến tới thống lãnh đất nước, đa số dân chúng miền Nam chỉ biết đến ba nhân vật xách động nổi tiếng là Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh và Thích Hộ Giác. Ít ai biết đến vai trò của Võ Đình Cướng, Ủy Viên Tuyên Vận của Tỉnh Ủy Thừa Thiên, trong việc xử dụng con bài Thích Trí Quang để gây ra những biến động này.

Hai tờ báo điện tử của Phật Giáo Nhà Nước ở trong nước là Phật Tử Việt Nam và Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã ca tụng Võ Đình Cường hết lời. Trong bài "Vĩnh biệt tác giả "Ánh Đạo Vàng" đăng trên báo Phật Tử Việt Nam ngày 9.3.2008, Hữu Tâm đã viết:

"Cư sĩ Võ Đình Cường đã mất vào ngày 6/3/2008 thọ 91 tuổi. Cây đại thụ của Gia đình Phật tử Việt Nam đã ngã xuống. Một nhân sĩ trí thức hàng đầu của Phật giáo Việt Nam thời nay đã từ trần. Cư sĩ có công đồng sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã về với cõi Niết bàn; Tác giả "Ánh Đạo Vàng" đã về miền cực lạc ... " Trong khi đó báo Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã đăng "Lời tưởng niệm cư sĩ Võ Đình Cường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" trong đó nói:

"Bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, báo Phật ân đức, hơn 90 năm hiện hữu cõi trần, hơn hai phần ba cuộc đời cống hiến cho đạo pháp, phục vụ nhân sinh, cư sĩ không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc."

Báo ngoại vi của Đảng ca tụng "thành tích" của một đảng viên là chuyện bình thường. Nhưng nhà văn Kiêm Đạt ở Los Angeles, biết rất rõ những chuyện tồi tệ mà Võ Đình Cường đã làm, cũng đã viết bài "Những kỷ niệm với anh Võ Đình Cường" đăng trên báo Phật Tử Việt Nam ca tụng công trình vĩ đại của Võ Đình Cường trong việc xây dựng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đó là chuyện không bình thường. Nhân sự ra đi của Võ Đình Cường, chúng tôi xin trình bày qua các hoạt động tôn giáo vận của một tên cán bộ cộng sản nằm vùng, nấp dưới chiêu bài Phật Giáo để hoạt động, với ước mong giúp một số tín đồ Phật Giáo đã đặt câu hỏi "Tại sao Phật Giáo mình lung tung vậy?" có thể tìm ra câu trả lời. Tài liệu này cũng cho thấy Việt Cộng đã "cộng sản hóa" Phật Giáo ở Thừa Thiên và một số tỉnh ở miền Trung như thế nào.

HAI TỔ CHỨC XUNG KÍCH

Trước khi nói về Võ Đình Cường, chúng tôi xin nói qua về hai tổ chức đã được Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang xử dụng làm lực lượng xung khích để đánh phá miền Nam trước 1975 với mục tiêu cướp chính quyền, đó là nhóm Gia Đình Phật Tử của Võ Đình Cường và nhóm Đoàn Thanh Niên Phật Tử của Hoàng Nguyên Nhuận, bút hiệu là Hoàng Văn Giàu.

1.- Gia Đình Phật Tử

Theo lệnh của chính quyền thuộc địa Pháp, năm 1944 Bác Sĩ Lê Đình Thám đã thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ ở Huế. Võ Đình Cường là một Huynh Trưởng trong tổ chức này. Sau khi Pháp tái chiếm Huế và dân chúng bắt đầu hồi cư, năm 1947 bộ chỉ huy của Việt Minh ở Thừa Thiên đã giao cho Võ Đình cường trở lại Huế tái lập Gia Đình Phật Hóa Phổ làm cơ sở hoạt động của Việt Minh tại nội thành cũng như vùng ngoại ô. Đến năm 1951, tổ chức này được đổi thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Vì được tổ chức và hoạt động dười sự chỉ đạo của Tỉnh Ủy Thừa Thiên và sau này của cả Khu Ủy Trị - Thiên - Huế, nên Gia Đình Phật tử đã được tổ chức rất quy củ và có phương pháp, gây khó khăn không ít cho VNCH. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi trình bày trong phần sau.

2.- Đoàn Thanh Niên Phật Tử

Đoàn Sinh Viên Phật Tử được Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Tổng Hội Phật Giáo, thành lập năm 1963 và giao cho Hoàng Văn Giàu chỉ huy và cô Thái Kim Lan làm Tổng Thư Ký. Những thành phần nồng cốt của nhóm này gồm có Vĩnh Tùng, Vĩnh Kha, Huỳnh Ngọc Ghênh, Nguyễn Thế Côn, Trần Xuân Kiêm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Tôn, v.v. Tuy nhiên, đây là một tổ chức rất ô hợp và có nhiều nghi vấn.

Từ năm 1964 đến 1966 Đoàn Thanh Niên Phật Tử được xử dụng như một lực lượng chống chiến tranh và đòi thành lập một chính phủ Phật Giáo do Giáo Hội Ấn Quang lãnh đạo và Trần Quang Thuận làm Thủ Tướng. Nhóm này là lực lượng nòng cốt chống Tướng Nguyễn Khánh, Thủ Tướng Trần Văn Hương, ủng hộ chính phủ Phan Huy Quát và nổi lên cướp chính quyền ở Huế và Đà Nẵng năm 1966. Vĩnh Kha đứng ra làm Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế và lãnh đạo sinh viên đấu tranh. Nguyễn Đắc Xuân thành lập "Đoàn Phật Tử quyết tử", tức "Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức" để chống lại quân đội VNCH, v.v.

Sau khi bị dẹp tan tại miền Trung, nhóm này đã chạy vào Sài Gòn, ẩn núp trong Trung Tâm Phật Giáo Quảng Đức của Thích Thiện Minh ở số 294 đường Công Lý, Saigon, để tiếp tục hoạt động. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân và Trần Triệu Luật đi vào chiến khu. Trong cuộc hành quân đêm 25.2.1969, cơ quan an ninh đã bắt Thích Thiện Minh và toàn bộ nhóm này. Thích Thiện Minh bị truy tố ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận. Hoàng Văn Giàu Giàu và một số thanh niên khác đã bị bắt giam, sau đó bị đưa đi nhập ngũ và sung vào Sư Đoàn 21 ở Chương Thiện.

Sau đó, Hoàng Văn Giàu lấy tư cách là Vụ Trưởng Sinh Viên Phật Tử Vụ giải tán Đoàn Sinh Viên Phật Tử, viện lý do Đoàn đã bị các sinh viên trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thao túng, đặc biệt là Trần Văn Long. Năm 1970, Hoàng Văn Giàu được biệt phái về Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị.

Mặc dầu đã bị bắt trong cuộc lục xét chùa Từ Đàm đêm 20.8.1963 và tại Trung Tâm Phật Giáo Quảng Đức đêm 25.2.1969, nhưng với những "thành tích" nói trên, nhiều người nghi Hoàng Văn Giàu là điệp viên của cơ quan tình báo VNCH hay CIA. Hồi đó, hai nhà tranh đấu của Phật Giáo là Lê Tuyên và Ngô Văn Bằng cũng như hai tờ Công Luận và Tin Sáng ở Sài Gòn đã tố cáo Hoàng Văn Giàu là giáo gian. Việt Cộng hình như cũng nghi như vậy nên sau 30.4.1975, họ chẳng những không xài Hoàng Văn Giàu mà còn tìm cách khủng bố. Từ khi qua Úc, Hoàng văn Giàu đã lập trang nhà Chuyển Luân và viết nhiều bài khoác lác, xuyên tạc biến cố Phật Giáo ở Huế năm 1963 và tôn mình như là lãnh tụ số 1 trong công cuộc đấu tranh của Phật Giáo, nhưng không bao giờ dám nói những sự thật về mình. Hiện nay Hoàng Văn Giàu đang đi theo đường lối của nhóm Giao Điểm. VÀI NÉT VỀ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Báo chí Phật Giáo Nhà Nước nói khá nhiều về "thành tích phục vụ Phật Giáo" của Võ Đình Cường, nhưng lại không nói gì đến tông tích của ông ta, ngay cả ngày sinh và nơi sinh. Điều này cho thấy tông tích của Võ Đình Cường có nhiều mờ ám nên không tiện nói ra.

Võ Đình Cường sinh năm 1917 tại Sịa, xã Thạch Bình, Quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Học lực trung học đệ nhất cấp, làm giáo viên trường Bồ Đề ở Huế và xuất bản sách báo Phật Giáo.

1.- Gia nhập Đảng Cộng Sản Như chúng tôi đã nói trong bài trước, trong hồ sơ tình báo của VNCH do Pháp để lại có ghi Đại Đức Thích Minh Châu và Võ Đình Cường đã gia nhập đảng Cộng Sản năm 1943. Năm 1954 Võ Đình Cường được đưa vào làm thành viên của Tỉnh Ủy Thừa Thiên với chức vụ Ủy Viên Tuyên Vận và đã bị bắt năm 1955 vơi hầu hết các Tỉnh Ủy Viên khác, trừ tên Bí Thư Tỉnh Ủy. Nhưng nhờ sự can thiệp của Thích Trí Quang với lý do Võ Đình Cường là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, ông Ngô Đình Cẩn đã ra lệnh thả Võ Đình Cường ra. 2.- Tham gia Gia Đình Phật Tử Báo Phật Giáo Nhà Nước đều nói rằng Võ Đình cường là một trong những thành phần sáng lập Gia Đình Phật Tử ở Thừa Thiên - Huế, nhưng sự thật không phải như thế. Như chúng tôi đã nói, trước năm 1930, Phật Giáo Việt Nam không hề có hiệp hội nào, chứ đừng nói giáo hội. Nhờ chính sách "Phật Giáo hóa Việt Nam" của Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương, để vô hiệu hóa các cuộc đấu tranh chống Pháp, từ năm 1931 Pháp đã ra lệnh cho các viên chức cao cấp của chính quyền đứng ra thành lập các hiệp hội Phật Giáo ở Nam, Trung và Bắc. Từ đó Phật Giáo Việt Nam mới bắt đầu có hiệp hội và dựa vào sự yểm trợ của Pháp để phát triển. Tại Trung Kỳ, Pháp đã đưa Bác Sĩ Lê Đình Thám từ Quảng Nam ra Huế lập Hội An Nam Phật Học năm 1932 và ông là Hội Trưởng đầu tiên. Vua Bảo Đại và Tam Tôn Cung nhận làm Hội Chủ Vinh Dự của hội. Năm 1934, ông đã cùng với Thượng Tọa Thích Mật Khế đứng ra lập Trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm. Năm 1940 ông thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Năm 1944 ông lập tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Bài hát chính thức của Gia Đính Phật Hóa Phổ là bài "Hoa Sen Trắng" với lời bằng tiếng Pháp, mở đầu như sau: "Reangeon nous, mes amis, pour chanter gaiement en choeur, Portons tous vers Bouddha..."

Võ Đình Cường, mới gia nhập Đảng CSVN năm 1943, đã len lỏi vào làm một trong các huynh trưởng của tổ chức này. Võ Đình Cường không hề là một trong những thành viên sáng lập Gia Đình Phật Hóa Phổ.

3.- Chuyện cuốn "Ánh Đạo Vàng"

Khi nói đến Võ Đình Cường, các Phật tử ở Huế thường nhắc đến cuốn "Ánh Đạo Vàng" do Võ Đình Cường viết và coi đó là một tác phẩm có nội dung sung tích về Phật Giáo. Trong bài "Vĩnh biệt tác giả "Ánh Đạo Vàng" đăng trên trang nhà Phật Tử Việt Nam ngày 9.3.2008, Hữu Tâm đã viết:

"Chúng tôi biết Cư sĩ Võ Đình Cường qua tác phẩm "Ánh Đạo Vàng" do ông viết về cuộc đời Đức Phật (Thái tử Tất Đạt Đa). Tuổi trẻ chúng tôi lúc ấy đọc một số cuốn sách viết về Đức Phật nhưng "Ánh Đạo Vàng" lôi cuốn chúng tôi bởi lối viết rất hay và Thái tử Tất Đạt Đa trong đó không bị thần thánh hóa mà gần gũi với tôi và bạn bè qua tính khoan dung, hòa hợp, lanh lợi thông minh, hình ảnh của Thái Tử là hình mẫu chúng tôi mơ ước.

"Biết chúng tôi yêu quý nhân vật Tất Đạt Đa, thầy dạy chúng tôi lúc ấy cho biết tác giả "Ánh Đạo Vàng" là người có học vấn uyên thâm, có lý tưởng và đạo đức trong sáng, rất gần gũi với tuổi trẻ. Chúng tôi quý mến Ông từ tác phẩm do Ông viết, từ lời ngợi ca tin tưởng của Thầy..."

Sự thật như thế nào? Thật ra, Võ Đình Cường đã viết cuốn "Ánh Đạo Vàng" lấy ý từ cuốn "Light of Asia" của Sir Edwin Armold biên soạn nói về cuộc đời Đức Phật. Cuốn này đã được cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch ra tiếng Việt bằng thơ lục bát với đầu đề "Yến sáng Á Châu" và được Phật Học Tùng Thư ấn hành. Do đó cuốn "Ánh Đạo Vàng" của Võ Đình Cường chỉ là một công trình sao chép!

BIẾN THÀNH CÔNG CỤ CỦA ĐẢNG Năm 1945, khi Việt Minh mới cướp chính quyền, hầu hết các tăng sĩ và Phật tử nòng cốt trong Hội An Nam Phật Học, trong đó Võ Đình Cường, đã tham gia ngay "Hội Phật Giáo Cứu Quốc" của Việt Minh ở Huế do Thích Mật Thể làm Chủ Tịch. Về sau, Thích Mật Thể đi vào chiến khu. Cuối năm 1946, Bác Sĩ Lê Đình Thám tản cư về Liên Khu V và từ năm 1947 đến 1949 ông được Việt Minh cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ. 1.- Dùng cơ sở Phật Giáo làm cơ sở hoạt động của Việt Minh Năm 1947, sau khi Pháp tái chiếm và ổn định tình hình ở Huế, Hội An Nam Phật Học hoạt động trở lại và đặt trụ sở tại số 1b đường Nguyễn Hoàng, Huế. Việt Minh đã giao cho Võ Đình Cường và Phan Cảnh Tú trở về vận động tái lập Gia Đình Phật Hóa Phổ để làm cơ sở hoạt động của Việt Minh. Tổ chức này đã mượn trụ sở Hội An Nam Phật Học làm nơi sinh hoạt tạm thời. Ngày Chúa nhật 18.1.1948, Võ Đình Cường chính thức làm lễ ra mắt tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ mới tại chùa Từ Đàm. Tham dự trong lễ ra mắt này người ta còn thấy những Phật tử nhiệt thành sau đây: Tống Hồ Cầm, Hoàng Thị Kim Cúc, Cao Chánh Hựu, Văn Đình Hy, Đặng Tống, Lê Văn Dũng, Phan Cảnh Tuân, Phan Xuân Sanh, v.v. Những người này về sau đều nằm trong Ban Cố Vấn Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử và Võ Đình Cường trở thành người lãnh đạo. Chúng ta hãy nghe nhà văn Kiêm Đạt, người đã từng tham gia vào tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ của Võ Đình Cường mô tả lại giai đoạn này: "Vào những ngày cuối hè năm 1947, khi kinh thành Huế bắt đầu hồi cư, tôi từ thôn Liễu Hạ, huyện Hương Trà chuẩn bị trở lại học ở trường Trung Học Khải Định (Quốc Học), thì nhận được văn thư của Gia Đình Phật Hoá Phổ, do anh Võ Đình Cường ký, mời tham dự Khóa Huấn luyện Huynh Trưởng. "Khoá học trong 4 ngày, tại trường Tiểu học Thanh Long (Abattoir), trên đường về hướng Bao Vinh - Thanh Hà. Khoá học quy tụ 47 anh chị em Huynh trưởng của sáu huyện tỉnh Thừa Thiên. Tôi gặp Cao Chánh Hựu lần đầu tiên tham dự khóa này... "Ổn định nơi ăn chốn ở xong, tôi tham gia hoạt động GĐPT Gia Thiện, chùa Ông, cạnh Diệu Đế. Những Huynh trưởng chính là: Văn Đình Hy, Nguyễn Đắc An, Nguyễn Khoa Dzánh, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Lương thị Đào, Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, Đỗ Kim Bảng và tôi. "Nhà anh Cường hồi đó ở đầu cầu Thanh Long. Anh vừa kết hôn với chi Cam. Giáo lý do "chú" Minh Châu (Ghi chú: Thích Minh Châu, một đảng viên Đảng CSVN) đảm nhiệm. Ở gần chùa Ông, nên anh Cường thường đến lễ Phật, nhưng chính yếu là quan sát sinh hoạt của chúng tôi về các bộ môn: Giáo lý, Hoạt động thanh niên, Trò chơi, Văn nghệ, Xã hội... Theo Anh, những môn đó hoà quyện lẫn nhau thật nhuần nhuyễn..." "Anh Cường lại là chủ bút báo Tiến Hoá của nhóm Nguyễn Hữu Ba, Phạm Đăng Trí, Lê Khắc Quyến, Vũ Hân, Nguyễn Khoa Huân, Tôn Thất Dương Kỵ. Trên nguyệt san Tiến Hoá, ngay số đầu đã cho in vở kịch "Mùa Gặt Ác" của anh. "Vở kịch nói về sinh hoạt khó khăn của Gia Đình Phật Hoá Phổ vùng nông thôn, sống trong khói lửa. Vở kịch được dựng trên sân khấu của hội quán Quảng Tri, đường Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng), khán giả đông nghẹt, chưa từng thấy ở Huế. Theo nhà phê bình Bửu Kế thì "Thật sống động và hiện thực, khi Mùa Gặt Ác đã gây nên cơn bão chống chiến tranh xâm lược" (Pháp)." Năm 1951, Đại Hội Gia Đình Phật Hòa Phổ đã quyết định đổi tên thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Một cộng tác viên đắc lực của Võ Đình Cường là Tống Hồ Cầm. Anh này làm nhà in nên đã giúp Võ Đình Cường kinh tài bằng cách in các sách về Phật Giáo và kinh. Về sau in cả truyền đơn chống Pháp và "chống Mỹ cứu nước". Ngoài Gia Đình Phật Tử, Võ Đình Cường đã xây dựng khá nhiều Chi Hội và Khuôn Hội Phật Giáo ở Huế và Thừa Thiên để làm cơ hoạt động cho Cộng Sản. Cơ sở chính mà tổ chức này dựa vào để hoạt động là chùa Từ Đàm và Thích Trí Quang. Rút kinh nghiệm mô thức của Võ Đình Cường ở Huế, Đảng CSVN đã cho thành lập tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên các Khuôn Hội và Gia Đình Phật Tử để làm cơ sở hoạt động cho các cán bộ nằm vùng. Cơ quan an ninh của VNCH biết rất rõ hoạt động của các tổ chức này, nhưng mỗi làn động đến đều bị tố cáo là đàn áp Phật Giáo. Thí dụ năm 1962, khi cơ quan an ninh bắt các cán bộ cộng sản hoạt động trong các cơ sở Phật Giáo ở Phú Yên, ngày 20.2.1962, Giáo Hội Tăng Già Trung Phần đã gởi đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm một văn thư, trong đó có đoạn nói: "Tại PHÚ YÊN: Lợi dụng quyền hành sẵn có, các cấp Chính Quyền hạ tầng dọa nạt khủng bố, bắt bớ giam cầm các ban viên Trị Sự và các Phật Tử chúng tôi tại các Xã thuộc Quận Đồng Xuân, Tuy Hòa, Tuy An v.v... Luận điệu được tung ra là tổ chức Phật Giáo là tổ chức Cộng Sản, người nào theo Phật Giáo là phản quốc. Từ những bắt bớ, giam cầm, hành hung đến những vụ thủ tiêu âm thầm đem lại..." Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các nhà lãnh đạo Phật Giáo vẫn can thiệp một cách tích cực mỗi lần các cán bộ cộng sản năm vùng bị bắt hay bị giết trong các cuộc hành quân. Thí dụ ngày 1.8.1964, một phái đoàn Phật Giáo do Thượng Tọa Thích Thiện Minh cầm đầu đã đến gặp Thủ Tướng Nguyễn Khánh và đưa ra các hồ sơ về các vụ Phật Giáo bị đàn áp ở Duy Xuyên, đốt nhà ở Tuy Phước, giết hại Phật tử ở An Thạch, v.v. Nhiều lần, vì nhu cầu an ninh, cơ quan công an của VNCH đã bắt Võ Đình Cường và tịch thu nhà in nơi anh ta in các tài liệu tuyên truyền cho Việt Cộng, nhưng sau khi có sự can thiệp của Thượng Tọa Thích Trí Quang và một số cao tăng khác, cơ quan an ninh đành phải thả ra. Nấp dưới cái dù Phật giáo, các cán bộ cộng sản nằm vùng đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. 2.- Sứ mạng trong Tết Mậu Thân Vì Võ Đình Cường là Ủy Viên Tuyên Vận của Tỉnh Ủy Thừa Thiên, nên trong vụ tấn công Tết Mậu Thân, Cường được giao nhiệm vụ tổ chức quần chúng biểu tình ủng hộ "Giải Phóng". Tại Huế, mặc dầu đã tổ chức các Chi Hội, Khuôn Hội và Gia Đình Phật Tử khắp nơi, nhưng Võ Đình Cường thấy rằng huy động quần chúng ở đây đi biểu tình rất khó. Vì thế, với sự đồng ý của Khu Ủy Trị - Thiên - Huế, Võ Đình Cường quyết định lấy lực lượng quần chúng ở Sịa, nơi sinh quán của Cường, làm lực lượng nồng cốt, nơi đây Cường cũng đã cho tổ chức các Khuôn Hội và Gia Đình Phật Tử rất chặt chẽ. Khi Cộng quân bắt đầu chiếm Huế, Cường đã tập trung được khoảng 1.300 người ở Sịa và trong Quận Quảng Điền định đưa lên Huế biểu tình. Cường chia làm hai toán, một toán khoảng 300 người đi theo đường số 1, còn khoảng 1.000 người đi theo đường Thành Phước. Bộ đội địa phương đã chiếm Phổ Lại, Đức Trọng, vùng An Gia, Thạch Bình, Thu Lễ và bao vây quận lỵ Quảng Điền. Một đơn vị đã đóng chốt ở cầu Kẻm, khai thông quảng đường Phù Ốc - Sịa để Cường có thể "xuất quân". Nhưng sau đó Bộ Tư Lệnh Quân Khu Trị - Thiên - Huế cho biết chưa làm chủ được hoàn toàn tình hình trong thành phố Huế, nên phải tạm ngưng việc đưa quần chúng vào Huế biểu tình. 3.- "Cầm tinh" Thích trí Quang Nắm "quân" trong tay, Võ Đình Cường không coi Thích Trí Quang ra gì, vì khi muốn làm chuyện gì, Thích Trí Quang đều phải nhờ đến Cường mới có thực hiện được. Ông hoàn toàn bị nhóm Võ Đình Cường bao vây. Khi cơ quan chính quyền hay đoàn thể muốn lấy ý kiến hay thương lượng vấn đề gì với Thích Trí Quang cũng như khi các ký giả muốn gặp ông, Võ Đình Cường đều kiểm soát trước và quyết định cho gặp hay không. Có lần chúng tôi muốn phỏng vấn Thích Trí Quang, Võ Đình Cường nói rằng muốn biết chuyện gì cứ hỏi anh ta là đủ. Chúng tôi nói muốn nghe trực tiếp quan điểm của Thích Trí Quang, Võ Đình Cường nói: "Thích Trí Quang thì cũng phải qua đây". Trong bài trước, chúng tôi đã kể: Vào đầu tháng 4 năm 1975, khi Đà Nẵng vừa bị mất, nhóm Trần Kim Tuyến và Nguyễn Cao Kỳ đã họp với các nhóm khác tổ chức lật đổ Tổng Thống Thiệu và thành lập một chính phủ "ba thành phần". Thượng Tọa Thích Trí Quang đã đồng ý. Nhưng khi Võ Đình Cường đại diện Thích Trí Quang đến họp, đã đòi phải tuyên bố trung lập và Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam ngay, Ông Trần Kim tuyến nói Thầy Trí Quang đã đồng ý thành lập chính phủ "ba thành phần", Võ Đình Cường trả lời ngay: "Tôi là người quyết định chứ không phải Thích Trí Quang." BƯỚC QUA GIAI ĐOẠN MỚI Sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN vẫn dùng Võ Đình Cường để nắm khối Phật Giáo. Theo bảng liệt kê thành tích của Võ Đình Cường do Giáo Hội Nhà Nước công bố, Võ Đình Cường đã giữ những chức vụ sau đây: - Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương GHPGVN, - Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. - Cố Vấn Phân Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Ương GHPGVN. - Tổng Biên Tập báo Giác Ngộ. - Tổng Biên Tập tạp chí Văn Hóa Phật Giáo GHPGVN. Bản liệt kê không viết một chữ nào về các hoạt động của Võ Đình Cường trước 30.4.1975. Khi được Mặt Trận Tổ Quốc giao cho làm Tổng Biên Tập tạp chí Giác Ngộ, Võ Đình Cường đã dùng tờ báo này công kích các tăng sĩ chống lại sự khống chế Phật Giáo của chính quyền, tấn công các tăng sĩ chống lại việc đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang gia nhập vào Giáo Hội Nhà Nước. Tăng sĩ bị lên án nặng nhất trong vụ này là Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Về sau, tở Giác Ngộ trở thành cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Năm 1992, Võ Đình Cường được Đảng cho về hưu trí và đưa Thượng Tọa Thích Trí Quảng, một đảng viên đảng CSVN khác, người Củ Chi, lên làm Tổng Biên Tập thay Cường cho đến nay. Sau khi về hưu, năm 2004, Bộ Thông Tin và Văn Hóa đã cho Võ Đình Cường đứng ra làm Tổng Biên Tập tờ Văn Hóa Phật Giáo. Đám tang của Võ Đình Cường, pháp danh Nguyên Hùng, đã được Giáo Hội Nhà Nước tổ chức rất long trọng. Trong tạp chí Bông Sen số 18, Trần Tâm Nguyên (tức Lý Khôi Việt) đã cho biết trong tang lễ của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Nhà Nước, qua đời tại Hà Nội trong tháng 1 năm 1994, Saigon có gởi một phái đoàn 26 người đến dự, trong đó có Võ Đình Cường. Trần Tam Nguyên có hỏi một người bạn "chuyên viên về Phật Giáo" Saigon: "Tại sao có anh Cường mà không có Thầy Trí Quảng?". Anh nầy cười và đáp: "Điều này có nghĩa Thầy Trí Quảng không có uy tín bằng hay không được tin cậy bằng anh Cường, dưới con mắt của Nhà Nước". CHƯA CÓ GIẢI PHÁP Với Đảng CSVN, Võ Đình Cướng là người đã hoàn thành kế hoạch tôn giáo vận tại miền Trung một cách xuất sắc. Tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, các Khuôn Hội và Gia Đình Phật Tử đã được thành lập để làm cơ sở hoạt động cho các cán bộ cộng sản nằm vùng một cách an toàn. Cơ quan an ninh VNCH biết rất rõ, nhưng không làm gì được vì đã có lệnh "không được đụng đến tôn giáo". Trong lãnh vực này, Võ Đình Cường đã đặt quyền lợi của Đảng CSVN lên trên quyền lợi của Phật Giáo và coi Phật Giáo chỉ là công cụ. Về phía Phật Giáo, đa số các tăng sĩ trong các vùng nói trên cũng đã đứng về phía Việt Cộng. Mỗi khi có một cán bộ nằm vùng bị bắt, họ thường hô lên Phật Giáo bị đàn áp và đòi buộc chính quyền phải thả ra ngay. Sau khi bị đánh bại vào năm 1966, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã đứng hẵn về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ra các tuyên ngôn yểm trợ các đòi hỏi của Mặt Trận với sự tin tưởng rằng nếu Việt Cộng chiếm được miền Nam, Giáo Hội sẽ có một chỗ đứng vinh quang hơn. Trong lễ bế mạc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội ngày 7.11.1981, Hoà Thượng Trí Thủ, nguyên Viện Trưởng Viện Hoá Đạo của Giáo Hội Ấn Quang, có gởi cho Trường Chính, Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, một bức thư trong đó đã xác nhận: "Suốt ba muơi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở hoạt động của cách mạng, nhiều tăng sĩ tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước..." Trong cuộc meeting "Mừng giải phóng" ngày 15.5.1975. Hòa Thượng Mãn Giác đã đọc một bài diễn văn rất thống thiết, trong đó xác nhận: "Cuộc đấu tranh của Phật Giáo cho nền thống nhất tổ quốc cùng là một với cuộc đấu tranh vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ..."

Trong cuộc gặp gỡ Hòa Thượng Huyền Quang tại Hà Hội chiều 2.4.2003, Thủ Tướng Phan Văn Khải xác nhận: "Phật giáo Việt Nam đã từng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước." Nhưng các tính toán của nhóm Phật Giáo miền Trung hoàn toàn sai lầm. Sau khi chiếm được miền Nam, Việt Cộng chẳng những không dung nạp Giáo Hội Ấn Quang mà còn gọi đó là "Phật Giáo phản động"!

Hiện nay, Đảng CSVN vẫn còn tiếp tục xử dụng các Khuôn Hội và Gia Đình Phật Tử để nắm Phật Giáo. Tài liệu thống kê cho biết tại Thừa Thiên -Huế, năm 1987-1988 chỉ có 54 Khuôn Hội nay đã tăng lên 435 Khuôn Hội. Ở 145 xã phường có 80/96 chùa, tự viện có Gia Đình Phật Tử và hơn 10.000 người tham gia trong đó có 1036 huynh trưởng,

Việc xử dụng tôn giáo như một công cụ phục vụ các mưu đồ chính trị đã đưa Phật Giáo Việt Nam qua những cuộc khủng hoảng liên tục. Muốn tìm một lối thoát, phải tách rời chính trị ra khỏi tôn giáo: Làm sao để trong nước Phật Giáo không còn bị nhà cầm quyền thống trị và ở bên ngoài không bị CIA dùng làm công cụ. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Ấn Quang cũng như Nhóm Thân Hữu Già Lam cũng phải từ bỏ tham vọng chính tri của mình và trở về vơí con đường mà Đức Phật đã khai sáng. Nhưng trong hiện tại, chẳng ai chịu bỏ ý đồ xử dụng Phật Giáo như một lá bài nên vấn đề trở thành không có giải pháp.

Khi một tôn giáo bị nhiều tổ chức tranh nhau dùng làm con bài chính trị thì không thể có sự thống nhất và sinh hoạt yên ổn được.




VÕ ĐÌNH CƯỜNG
Pháp danh Nguyên Hùng
(1918-2008)

Huynh trưởng Võ Đình Cường
(hình chụp ngày anh 90 tuổi)

VÕ ĐÌNH CƯỜNG
Pháp danh Nguyên Hùng
(1918-2008)

Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG sinh năm Mậu Ngọ (1918) tại Thạch Bình, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; xuất thân trong một gia đình thâm tín Đạo Phật, Cư sĩ đã thọ Tam quy ngũ giới với Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam,[PSN/9.03.2008/SAIGON] Huynh trưởng Võ Đình Cường - pháp danh Nguyên Hùng - Một trong những người anh lớn của Gia đình Phật tử Việt Nam, đã từ trần vào lúc 18h00, ngày 06/03/2008, nhằm ngày 29/01 Mậu Tý tại tư gia, hưởng thọ 91 tuổi.

Linh cữu được quàn tại tư gia, 314/5 đường Điện Biên Phủ Quận 10 Tp. Hồ Chí Minh. Lễ viếng được bắt đầu từ lúc 14h ngày 7/3/2008. Lễ tưởng niệm của GĐPT tổ chức lúc 21 giờ ngày 13/03/2008. Lễ truy niệm được cử hành vào lúc 6h00 ngày 14/03/2008, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh.

Tiểu sử Cư sĩ Võ Đình Cường
01.04.2008 17:56


Cư sĩ, nhân sĩ trí thức
VÕ ĐÌNH CƯỜNG
Pháp danh Nguyên Hùng
(1918-2008)

- Ủy viên Hội đồng Trị sự G.H.P.G.VN,
- Nguyên Ủy viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam,
- Nguyên Trưởng ban Văn hóa Trung ương G.H.P.G.V.N,
- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam,
- Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Phật Giáo,
- Nguyên Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ,
- Sáng lập viên Gia đình Phật tử Việt Nam,
- Nguyên Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam (1951-1981),
- Cố vấn Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương GHPGVN

Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG sinh năm Mậu Ngọ (1918) tại Thạch Bình, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; xuất thân trong một gia đình thâm tín Đạo Phật, Cư sĩ đã thọ Tam quy ngũ giới với Cố trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, đây chính là nền tảng cho Cư sĩ cống hiến cuộc đời phụng sự Đạo pháp và Dân Tộc. Kể từ đây Cư sĩ dành tất cả tâm sức của mình cho sự nghiệp gầy dựng, phát triển và hướng dẫn giáo dục cho Gia đình Phật tử Việt Nam từ những năm 1947.

A. CUỘC ĐỜI CỦA CƯ SĨ GẮN LIỀN VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Mùa thu năm 1940, Cư sĩ tham gia Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục do cố Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập gồm những thanh niên trí thức yêu nước, có một niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng giải thoát của Đạo Phật để giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức.

Vào năm 1944, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, Cư sĩ là thành viên tham gia tích cực nhất bên cạnh Bác sĩ. Tuy nhiên, cuối năm 1946, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác sĩ trở về quê nhà Quảng Nam rồi sau đó ra Hà Nội. Kể từ đó, Cư sĩ là người tiếp nối giáo dục tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Vào năm 1951, Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, đã đổi danh xưng Gia đình Phật Hóa Phổ thành Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPT.VN), và bầu Cư sĩ làm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam, vượt qua bao sóng gió, phát triển khắp ba miền đất nước.

Vào thượng tuần tháng 5 năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc gồm 6 tập đoàn Phật giáo khắp ba miền Bắc - Trung - Nam tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, Cư sĩ được Đại Hội cử làm Ủy viên Thanh niên. Với trọng trách được giao, Cư sĩ đã đem hết trí tuệ và công sức chu toàn nhiệm vụ một cách xuất sắc, xứng đáng với sự tín nhiệm của Giáo hội giao phó. Có thể nói, Cư sĩ là người tràn đầy nhiệt huyết, giàu tâm đạo, đem hết ý chí và năng lực để phục vụ cho tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật Tử.

Với cương vị Ủy viên Thanh niên và Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tổng hội Phật giáo, Cư sĩ đã khéo léo kết hợp, quy tụ một số Huynh Trưởng cốt cán, có năng lực và giàu tâm huyết như các anh: Lê Cao Phan, Phan Canh Tuân, Nguyên Xuân Quyền, Lê Cảnh Đạm, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, chị Hoàng Thị Kim Cúc..., tổ chức các khóa trại huấn luyện mà quan trọng nhất là trại Kim Cang vào trung tuần tháng 5 năm 1951, nhằm đào tạo Huynh Trưởng nòng cốt cho ba miền Bắc - Trung - Nam.
Mùa hè năm 1952, Cư sĩ thành lập một Ban quản trại lưu động để huấn luyện và đào tạo Huynh Trưởng các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt..., làm hạt nhân phát triển.

No comments: