Tuesday, August 4, 2009

Công An và Xã Hội Đen Đàn Áp Giáo Dân Oan và Linh Mục Công Giáo


Audio

Xã Hội Đen là Ai?

**Ghi Chú Xem hình dưới đây những tên lưu manh tay mang băng rô đỏ, đứng chung với đám công an chờ hành hung giáo dân oan được ghi lại bằng hình ảnh không chối cải được. Nếu chúng không là công an trá hình, hay bọn con cháu cán bộ không học hành chỉ đi hành nghề như cha nó là đánh giết người không cần duyên cớ. Chúng làm có hệ thống là thâu hết các máy chụp hình quay phim để không còn chứng tích nào ghi lại hình ảnh bọn chúng đánh dân oan. Khi chúng bị phóng viên phỏng vấn thì chúng đặt điều nói láo để che dấu tội ác của chúng.
Chúng là bọn cướp nước hại dân.




“Xã hội đen” tại Việt Nam, một thực trạng cần tìm hiểu

Hà Giang, thông tín viên RFA
2009-08-04

Trong tuần lễ vừa qua, nhiều giáo dân và Linh mục Tam Tòa đã bị côn đồ ngang nhiên hành hung một cách man rợ và tàn nhẫn, trước cái nhìn thản nhiên của công an cũng như chính quyền địa phương.Sự kiên này không chỉ đã làm dâng trào một làn sóng ngạc nhiên, và sau đó, bất bình của người Việt khắp nơi trong và ngòai nước, mà còn làm nổi bật một hiện tượng ngày càng trở nên trầm trọng trong xã hội Việt Nam.

Đó là việc nhà cầm quyền Hà Nội dung túng, hay sử dụng côn đồ để khủng bố, đàn áp người dân, hay ít nhất họ cũng chấp thuận để tình hình có vẻ là vô luật pháp như thế xẩy ra.

Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, Hà Giang tìm hiểu và tường trình đến quý thính giả tình trạng mà nhiều người cho là đang có nguy cơ trở thành quốc nạn, đó là sự hòanh hành của xã hội đen...
“Xã hội đen”…

“Xã hội đen” là cụm từ chỉ thế giới ngầm, cấu kết bởi các thế lực bí mật trong bóng tối của một xã hội. Cụm từ này xuất phát do các phim bộ Hồng Kông nhập cảng rầm rộ vào Việt Nam trong những thập niên cuối thế kỷ trước, sau đó được sử dụng nhiều và đến nay đã nghiễm nhiên trở thành một danh từ kép phổ biến bởi sự hiện diện của nó dưới hình thức này hay hình thức khác trong xã hội.

Mức độ hòanh hành của xã hội đen tại VN được đánh giá bằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của cụm từ này trong bản tin của báo chí quốc nội, cũng như các cơ quan truyền thông quốc tế như đài RFA, BBC và VOA.

Vì là tội phạm có tổ chức, có cạnh tranh địa bàn làm ăn, cạnh tranh bảo kê, cạnh tranh ảnh hưởng v.v... nên giữa các băng đảng xã hội đen thường xuyên có sự thanh toán lẫn nhau, hay được các thế lực kinh tế/xã hội, hợp pháp lẫn không hợp pháp, thuê muớn để làm như vậy.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của xã hội đen được người dân quan tâm một phần, thì một nguy cơ khác còn khiến dư luận quan ngại hơn gấp trăm lần, đó là sự kiện công an đứng nhìn, để mặc cho côn đồ đánh đập, khủng bố dân chúng, là những người mà trên nguyên tắc họ có trách nhiệm phải bảo vệ.

Những người ấy có thể là dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp nhà, cướp đất, những người bất đồng chính kiến, hay những nhà đấu tranh cho dân chủ.
…Được bảo kê

Trong mấy năm vừa qua, tình hình này ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Gần đây nhất, thành phần “xã hội đen” thậm chí đã công khai ra tay hành hung và đàn áp tín đồ phật giáo tại chùa Bát Nhã, cũng như giáo dân, và những vị linh mục tại giáo xứ Tam Tòa, trứơc sự chứng kiến mà không can thiệp của công an.

Một nữ giáo dân sống tại Đồng Hới, đã bị đánh và lăng nhục trong vụ đàn áp giáo xứ Tam Tòa tuần qua, chia xẻ trong một cuộc nói chuyện với đài ACTD:

“Em nghĩ việc đánh dân có công an ạ. Cả dân và cả công an ạ! Em cũng đang suy nghĩ: Nếu như là dân thì cũng phải có ai đó và các cấp chính quyền phải tuyên truyền, phải nói cái gì đó, chứ nếu như không có ai bao che cho họ thì họ cũng không rảnh rỗi để đi làm những việc đó.

Em được biết tội gây rối đi tù rất là nặng, có thể đi tù từ 5 năm đến 15 năm lận. Không ai đi gây rối như thế nếu như không có người nào đốc thúc, hoặc là không có người nào ở đàng sau để bao che cho họ thì họ không có gan để gây rối đâu. Em nghĩ là có sắp xếp rồi chứ không phải dân thường họ vào họ đánh vô cớ như vậy.”

Cũng trong một cuộc nói chuyện với đài ACTD về việc tu viện Bát Nhã bị đàn áp, thầy Pháp Hội, một trong những giáo thọ, giảng dạy pháp môn Làng Mai tại đây cho biết, là thanh niên xã hội đen đã xông vào chùa, quăng đồ đạc của người xuất gia, phá cả bếp nấu ăn của các thầy.

“Có khỏang hơn hai trăm người ở do phía bên kia họ kéo vào họ đòi đập phá và kéo các thầy ra khỏi chùa. Sáng ngày hôm qua thì họ kéo rất là nhiều người vào, trong đó có cả các thanh niên xã hội đen, vào quăng hết đồ đạc của các vị tập sự và xuất gia ra khỏi khu nhà “Tâm Ban Đầu”.

Và họ cũng đập phá cả bếp của các thầy. Đồ ăn của các thầy đang nấu sẵn thì họ quăng ra ngoài luôn. Xoong, nồi, chảo, quần áo rồi gối ngồi thiền.”

Sự kiện công an nhà nứơc dung dưỡng, hay bao che, không lọai trừ việc trực tiếp sử dụng “xã hội đen”, không phải chỉ mới xẩy ra trong vài tháng mới đây.

Hồi tháng 6 năm ngóai, bà Nguyễn Thị Hơn, một giáo dân xứ Kẻ Mui, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã kể lại cho phóng viên Mặc Lâm của đài chúng tôi trường hợp giáo dân ở đây bị đàn áp khi đi khiếu kiện đòi đất cho giáo xứ. Bà nói:

“Đòi đất thì từ năm 1993 đến giờ đây chứ. Huyện thì từ bữa nớ gì họ không nói chi cả rồi tỉnh về. Rồi họ lại thuê bọn xã hội đen để đập dân. Không biết sao nhưng mà khi đánh thì công an đứng đó, nhưng mà không can thiệp. Có dân ra báo công an thì công an cũng nói nhủ cả nên bi chừ không biết xử ra răng!”
Vì sao phải cần đến côn đồ?

Nắm đầy đủ quyền lực và võ khí trong tay, công an muốn hành hung hay đánh đập những người dân không có phương tiện tự vệ, thì chỉ là việc dễ như trở bàn tay, vậy thì tại sao họ phải lại phải dùng đến đám côn đồ hay xã hội đen?

Theo một người dân theo dõi sự kiện Tam Tòa thì lý do là vì nhà nước Hà Nội muốn giải quyết cho xong những tồn đọng về sở hữu đất đai của tôn giáo, nhưng không thể giải quyết cho công bình ổn thỏa vì thế họ đã chọn giải pháp đàn áp khủng bố cho giáo dân sợ hãi nản lòng mà bỏ cuộc.

Nhưng dùng lực lượng võ trang chính thống mà đàn áp dân thì lại sợ mang tiếng với thế giới, vì thế họ phải muợn tay xã hội đen để thực hiện ý đồ. Người dân này khẳng định rằng đây là kế sách của nhà nước, là chỉ thị của cấp trên:

“Trong vấn đề Tam Tòa vừa rồi, có hai nhóm côn đồ: Một là công an sai thành phần côn đồ này giả thành giáo dân, hòa chung trong dòng người đó, và khi mà công an chận hoặc xịt bụi cay, thì đám côn đồ số một mà công an sai họ hòa vào trong dòng giáo dân dùng đá ném lại công an, để cho công an có dịp đàn áp tại vì người giáo dân chân chính thì không dùng đá dùng gậy, vì cương lĩnh của họ là tập trung cầu nguyện.

Nhóm côn đồ thứ hai là côn đồ ra mặt đánh các cha. Côn đồ thứ hai là côn đồ ra mặt rình rập các vị chủ chăn và những người có vẻ là đi đầu, thì đám côn đồ thứ hai đánh, chúng ta đã thấy được là bao nhiêu nạn nhân. Nó rất rõ ràng, và nó đã có kế sách. Đây là kế sách chúng ta rất hiểu rõ, nó không có văn bản, nó không có cái gì cả mà đây là chỉ thị!”

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, một nạn nhân đã từng bị công an cho xã hội đen khủng bố, bằng cách ném phân vào nhà 14 lần, giải thích thêm là công an và xã hội đen có quan hệ khắng khít, và làm việc với nhau dưới hai hình thức:

“Thứ nhất, công an sử dụng 1 số xã hội đen như là "đặc tình", để giúp thu thập thông tin, nắm địa bàn..., và cũng để sai bảo làm những việc mà công an muốn ném đá dấu tay. Đây là quan hệ "công việc" được cấp trên đồng ý một cách chính thức.

Thứ hai, công an nhận tiền của xã hội đen như một thứ thuế "bảo kê", và ngỏanh mặt làm ngơ cho họ làm những điều phạm pháp, miễn là họ phải nộp "thuế" cho đủ. Thuế của xã hội đen là một nguồn thu nhập phụ, nhưng vô cùng lớn của công an, lớn gấp bội lương chính thức.”

Cũng theo nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, những hành vi ném đá dấu tay này của chính quyền thật ra cũng chẳng bịt được mắt ai. Người dân ai cũng biết xã hội đen được xem như là một cánh tay nối dài của công an. Bà nói:

“Đây chính là một lực lượng công an trá hình! Xã hội đen chủ yếu là những thành phần nợ án, côn đồ, coi như là bọn đầu gấu đấy, nghĩa là do công an nó điều khiển, thí dụ như bọn nghiện hút, rồi bọn lẽ ra mày phải đi tù, mày phải đi tập trung cai nghiện, thế mà tập trung cai nghiện thì dân nghiện nó nói là còn khổ hơn là đi tù, bởi vì phải nộp tiền cho công an thì mới được...

Và những trường hợp nợ án thì công an cho nó ở nhà, thế là nó vẫn cứ lăng quăng ở ngòai vòng pháp luật. Nhưng mà hễ cứ có việc gì là công an bấm đèn xanh thì mày phải nhẩy vào cuộc. Mày nhẩy vào thì chúng tao vừa trả tiền thuê mày, đồng thời lại không bị áp lực phải vào nằm nhà đá. Đại khái nó là như thế.”
Gieo rắc sợ hãi

Trước tình cảnh này đời sống của một số người dân ở Việt Nam bị bao trùm trong một màn sợ hãi tột độ, không biết nương tựa vào đâu. Nếu không bị công an uy hiếp đàn áp, thì cũng bị “xã hội đen” hăm dọa, hành hung trước cái nhìn thản nhiên khó hiểu của công an và sự im lặng không truy xét của chính quyền.

Cô Hương, con gái của dân oan Nguyễn Thị Huần, người đang bị giam giữ tại Hỏa Lò vì đi khiếu kiện đòi đất, vừa cho chúng tôi biết hôm nay là mẹ cô mới bị quản tù dùng tù hình sự treo cổ để tra tấn và đánh hộc máu mồm.

Qua câu chuyện, cô Hương cho biết cô năm nay 23 tuổi, là con một gia đình dân oan và đã sống lôi thôi lếch thếch ở ngòai đường để theo mẹ đi đòi đất từ lúc lên 6 tuổi. Cô Hương tâm sự là từ bé đã sống trong sự sợ hãi triền miên. Trước đây thì sợ công an, nhưng gần đây thì sợ thêm cả xã hội đen nữa:

“Lúc nào con cũng sống trong một cảm giác sợ hãi. Công an họ hiện hữu trong đầu óc con tư khi con còn 6 tuổi cách đây đã 18 năm. Con sợ vô cùng, tâm lý con lúc nào cũng sợ mặc dù con không làm điều gì sai.

Họ (công an) không ra mặt nhưng mà họ đánh mẹ con làm cho mẹ con gẫy xương má chẳng hạn, làm cho mẹ con gẫy mu bàn chân, nhưng mà không biết đấy là công an hay là do xã hội đen người ta cố tình trà trộn để người ta đánh mẹ con ấy ạ.

Con thì ngày xưa khi mà con 12 tuổi, con cũng bị một số người gọi là người dân mà người ta đi bán hàng cùng người ta đánh con bị thương tích 7%, mà con không biết đằng sau họ là những ai, những ai bảo lãnh bảo kê cho thì con không biết ạ.

Mẹ con cũng bị cái cô Thọ bán nước ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng đánh và cầm nước cầm chai vừa giựt tóc mẹ con xuống đánh ạ. Ở đấy có công an bộ, nhưng công an ấy không can thiệp, không giúp đỡ mà chỉ đứng nhìn thôi.”

LM Đinh Xuân Minh bàn về nguyên nhân và hậu quả của hiện trạng này:

“Trong biến cố vừa qua, chúng ta thấy rằng công an với bọn côn đồ đứng chung với nhau một chỗ, và hai bên giúp đỡ nhau và hỗ trợ nhau. Tại sao ở trong nước có quá nhiều côn đồ như vậy? Nhìn quả thì biết cây, một chế độ xấu xa thì nó tạo nên những con người như vậy .”

Chúng tôi xin muợn những lời sau đây của tác giả có bút hiệu Đồng Hới ở quốc nội trong bài viết “Những Mầm Cây Độc” để thay cho lời kết: “Với hàng trăm thanh niên dùng gậy gộc tấn công từ giáo dân đến linh mục, từ phụ nữ đến người già, nhà nước Việt Nam đang chơi một trò đu dây cực kỳ nham hiểm nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm cho xã hội.

Sử dụng những người dân do họ tuyển để đánh đập những người dân khác, tuy nhà nước tránh được tiếng là họ dùng các lực lượng vũ trang chính thống nhưng ai cũng biết là lực lượng này do chính nhà nước Việt Nam đẻ ra để trấn áp, hành hung người dân khác.

Nó nguy hiểm ở nó chỗ tạo cho người dân được dùng bạo lực một cách công khai dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước. Nó chứng minh rằng ở Việt Nam luật pháp không hề tồn tại…”

Câu Chuyện Hàng Tuần đến đây xin tạm kết thúc, Hà Giang hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới!

No comments: