Tuesday, October 6, 2009

VGCS Ủi Xập Trường Khiết Tâm Đà Nẳng vào Ngày Mưa Bão 28-09- 2009

VGCS Ủi Xập Trường Khiết Tâm Đà Nẳng
vào Ngày Mưa Bão 28-09- 2009

Kịch bản của Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý đã không diễn lại tại An Hải

Trường Khiết Tâm trước 1975

Tin tức về cơn bão số 9 vẫn còn tràn ngập trên báo chí, số người thiệt mạng và sự thiệt hại lan rộng khắp miền trung. Nhưng với giáo dân An Hải dù gia đình vẫn có ít nhiều thiệt hại, nhưng họ không còn nhớ có một cơn bão như vậy đã thổi qua đây, bởi vì có một cơn bão còn lớn hơn nhiều lần đang làm họ lo lắng : đêm 28 và ngày 29 tháng 9 năm 2009 ngôi trường Khiết Tâm của giáo xứ bất ngờ bị đập phá

Đứng để canh thức

Và kể từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10, giáo dân bỏ công ăn việc làm, gác lại việc gia đình để canh thức cho giáo xứ. Những người ngoại đạo như tôi không hiểu lắm về hai từ canh thức, trong tiếng Việt có lẽ chỉ có giáo hội công giáo dùng ngôn từ này : CANH THỨC. Có sách chép rằng : người ta canh thức vì biết kẻ trộm sẽ đến nhà mình, mà không biết giờ nào. Khi người ta yêu mến một ai đó thì cõi lòng luôn canh thức chờ đợi. Một người mẹ, một người vợ cũng làm như vậy với người thân của mình

Ngồi cũng canh thức ( tối 4/10)

Mà nằm cũng canh thức ( tối 4/10)

Giáo dân An Hải canh thức để bảo vệ nhà Chúa, nơi họ quý hơn nhà riêng của mình. Nơi đó không cho họ tiền tài vật chất nhưng cho họ bình an trong tâm hồn và niềm vui sống nơi trần gian.

Hãy nhìn vào hình ảnh những giáo dân đang canh thức. Họ là ai ? Đó là một bác xe ôm, một anh sửa xe máy, một chị bán hàng rong, một bà bán nước mía, một cụ già chưa biết chữ quốc ngữ nhưng lòng quyết tâm bảo vệ nhà Chúa của họ thì thật đáng quý trọng, đáng yêu mến. Không ai phân công, không ai tổ chức, mà lúc nào cũng có vài chục giáo dân có mặt để giữ nguyên hiện trường. Dạo qua nhà thờ vào tối chúa nhật (4/10/2009) tôi thấy có hàng trăm giáo dân ngủ lại trong khuôn viên nhà thờ và trên đống đổ nát của ngôi trường dù trời mưa lất phất

Cũng thật cảm động khi có nhiều lương dân đồng thuận với giáo dân. Họ là ai, không rõ. Nhưng bao giờ cũng mang đến nhiều lời động viên chia sẻ, cũng có khi là vài thùng mì tôm, một giỏ bánh mì, mấy hộp cà phê, vài bao thuốc lá, một túi áo mưa. Chưa thấy có ai phản đối việc làm của giáo dân. Không có “ quần chúng tự phát ”, cũng không có bạo lực cách mạng, những thứ đó không có đất sống tại đây. Một vài cán bộ của chính quyền đến phân tích hơn thiệt, bị giáo dân mời đi ngay lập tức

Cũng thật mừng khi không thấy những hình ảnh phản cảm như tại Thái Hà, Tam Toà và Loan Lý. Không có hàng rào cảnh sát cơ động với dùi cui và chó nghiệp vụ đối diện với giáo dân hiền lành tay không tấc sắt. Ở đây chỉ có vài chú thanh niên xung kích vừa đứng chơi vừa tán gẫu. Kịch bản tồi của Loan Lý không có đất để diễn hay chính quyền địa phương đã nhanh chóng rút kinh nghiệm ? Cũng có thể vẫn còn đó những diễn viên tốt không muốn diễn lại vở kịch tồi

Cuộc thương lượng giữa giáo xứ và chính quyền thành phố được nối lại từ chiều ngày 5 tháng 10, tình hình tạm thời lắng dịu. Nghe nói chính quyền bước đầu đã lắng nghe tiếng nói của giáo xứ và bà con lương giáo Đà Nẵng nghĩ rằng : kịch bản của Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý đã không diễn lại tại An Hải

Nhưng hãy canh thức !

V.L

Một cư dân của thành phố Đà Nẵng

Ai đã ra lệnh đập phá trường Khiết Tâm của giáo xứ An Hải khi cơn bão số 9 đang ập vào Đà Nẵng ?

Chiều ngày 28 tháng 9 năm 2009 người dân thành phố Đà Nẵng đã nhận ra những dấu hiệu ban đầu của cơn bão số 9, gió càng lúc càng lớn kèm theo những cơn mưa rát mặt. Không giống mọi cư dân bên bờ sông Hàn, vị linh mục chánh xứ của An Hải là cha Trần Minh Việt phải đến làm việc về quy hoạch đất đai theo giấy mời của UBND quận Sơn Trà. Khi bóng đêm ập xuống, thành phố mất điện, gió giật từng cơn, nhà nhà đều đóng kín cửa, mọi người căng mắt chờ đợi cơn bão dữ, chỉ mong giảm thiểu sự thiệt hại là mừng rồi . Đến khoảng hơn 8 giờ tối (28/9/2009) một số người trong hội đồng mục vụ giáo xứ nhận được tin báo : “ có xe múc ủi sập cổng trường “ nhưng vì trời đang mưa bão lớn, mọi người đều lo tránh bão nên không có mặt tại hiện trường .

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau (29/9/2009) khi cơn bão đang hoành hoành dữ dội các sơ dòng Phao – lô bên cạnh trường phát hiện có 2 xe múc đang ủi sập trường. một xe đang múc tầng một dãy nhà phía đông, một xe đang múc tầng một dãy nhà phía tây sát nhà thờ. Lúc đó, bên ngoài đường Nguyễn Công Trứ, một lực lượng tay cầm dùi cui, đứng rất đông từ ngã năm đường Ngô Quyền đến ngã ba đường Trần hưng Đạo, hỗ trợ cho công việc phá trường Khiết Tâm, những người này đã dùng dây thép cột cứng cổng nhà thờ. Trong lúc mọi việc đang diễn ra người ta thấy có mặt các quan chức phường An hải Bắc quận Sơn Trà

Đến khoảng 9 giờ sáng (29/09/2009) , tại sân nhà thờ có khoảng 5 giáo dân vào được theo cổng sau, họ đề nghị Cha sở cho giật chuông để gọi giáo dân đến hiện trường. Nhưng Cha sở không cho giật chuông vì ngoài trời mưa bão đang lớn và Cha sở cho rằng có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hòa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau!

Mặc dầu Cha sở không cho giật chuông, nhưng sau 9 giờ, rất nhiều giáo dân đến nhà thờ, có giáo dân đến để giúp nhà thờ chống bão, có giáo dân đến vì nghe thông tin việc đập phá trường, số giáo dân tập trung ngày càng đông. Hầu hết đều bị chận lại ở hai đầu đường Nguyễn Công Trứ nhưng họ vẫn cố len lỏi đến sân nhà thờ. Khoảng 12 giờ trưa (29/09/2009) , số giáo dân có mặt tại sân nhà thờ và dọc đường Nguyễn Công Trứ lên khoảng trên 100 người. Quá bức xúc trước hành động của lực lượng đập phá trường Khiết Tâm mà giáo dân cho là ngang ngược, họ thống nhất vào giật chuông để kêu gọi thêm nhiều giáo dân khác đến, đồng thời để đánh động bà con lương dân thuộc khu vực An Thị, nghe tiếng chuông bất thường của nhà thờ, rủ nhau đến chứng kiến sự việc ( An thị là khu vực lương dân có nhiều người là cựu học sinh trường Khiết Tâm). Sau khi nghe tiếng chuông nhà thờ, lực lượng đập phá và hỗ trợ việc đập phá trường Khiết Tâm, kể cả 2 chiếc xe múc đã rút lui khỏi hiện trường.

Sáng ngày 30/09/2009, sau khi bão số 9 tan, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh chưng hững khi biết trường Khiết Tâm (tên gọi hiện nay là Tiểu La ) bị đập phá ngay trong ngày mưa bão lớn, họ không thể hiểu nỗi tại sao có hành động khó hiểu như thế! Nhiều giáo viên phải len lỏi giữa đống đổ nát để tìm sổ sách chưa kịp lấy đi.

Giáo xứ An Hải thuộc giáo phận Đà Nẵng có lịch sử hơn 50 năm. Bên cạnh nhà thờ của giáo xứ có một ngôi trường do giáo hội và giáo dân lập nên lấy tên là Khiết Tâm, sau ngày giải phóng 1975 nhà nước đổi tên là Tiểu La. Trong thời điểm hiện nay, học sinh đã chuyển đến học tại địa điểm mới, phần đất của nhà thờ và ngôi trường nói trên thuộc diện quy hoạch khu thương mại quốc tế nằm ngay bên bờ đông sông Hàn. Việc quy hoạch giải toả giáo xứ đang trong quá trình bàn bạc và cũng chưa có điều tiếng gì xấu.

Vậy mà không hiểu vì lẽ gì, vì sự chỉ đạo của ai mà ngay trong đêm cơn bão số 9 tràn vào Đà Nẵng và các tỉnh miền trung, người ta lại lợi dụng mưa to gió giật, đêm tối mất điện để làm sập ngôi trường của giáo xứ An Hải một cách bất ngờ và thần tốc

Nhưng công lý đã lên tiếng, hành động điên rồ đó đã bị giáo dân An Hải chặn đứng kịp thời. Ngôi trường bị hư hại nặng nhưng chưa sụp đổ hoàn toàn, dấu vết vẫn còn nguyên vẹn. Kịch bản bất ngờ, thần tốc của chính quyền các cấp tại thành phố Đà Nẵng đã thất bại. Sự việc chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng người dân Đà Nẵng tự hỏi : Ai đã ra lệnh đập phá trường học khi cơn bão số 9 đang ập vào Đà Nẵng ?


VQL - Đà Nẵng


Click the image to open in full size.

Click the image to open in full size.

Click the image to open in full size.

Click the image to open in full size.

No comments: