Mậu Thân,
Nỗi đau không dứt của
Lê Hàn Sinh ~ Với người dân Huế, khi nhắc đến hai chữ Mậu Thân gần như nó không còn gắn liền theo thứ tự của mười hai con giáp, mà, là một tiếng gọi đặc biệt, tượng trưng cho một cuộc tàn sát man rợ.
Thủ tiêu, ám sát, chôn sống, giết người bằng mã tấu, bang bộng cuốc phang vào hậu đầu, trói bang giây thép gai. Cụ thể là ở khu phố 4 Gia Hội (sau khi chiếm Huế Cộng sản chia thành phố ra làm bốn khu) với tên thợ nề vô học tên Bé được giữ chức chủ tịch khu phố. Mọi sinh sát nằm trong tay y. ác lượng nạn nhân của bọn này lên tới hàng trăm. Vì tư thù cá nhân, chúng giết cả những thường dân vô tội.
Cái chết của bà Trầm ở đường Mạc Đỉnh Chi (đường Ngự Viên) là một thí dụ. Bà bị thị Gái bắn bằng súng AK ngay tại nhà. Gái nguyên là Việt cộng nằm vùng chuyên đi giúp việc quanh các nhà ở phường Phú Cát, quận 2. Tuy là đi giúp việc nhưng lúc nào áo quần cũng bảnh bao, tóc búi kiểu Lào. Gái vì dây dưa với chồng bà Trâm nên bị bà này mắng chửi thậm từ và hình như cũng có đánh đập gì đó nên giờ Gái trả thù món nợ tình ngày trước.
Cũng cần nói thêm về tên Bé thợ nề. Không ai biết xuất xứ của hắn. Y hành nghề một cách độc lập, rất lương tâm; làm từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều, không nghỉ trưa, ăn uống thế nào cũng được, tiền công không đòi cao hơn kẻ khác. Do vậy, người này làm xong lại giới thiệu cho bạn bè. Cứ thế mà Bé âm thầm điều tra nắm rõ ai làm gì ở đâu cơ quan nào... để báo cáo cho tổ chức. Nhờ thế, khi Việt cộng vào là chúng đã có một danh sách khá đủ thành phần mà chúng cho là quan trọng để thanh toán ngay sáng mồng một tết, không cần phải gọi ra trình diện tại trường Gia Hội.
Người đi bắt và bắn chết không ai khác hơn tên Linh, người Quảng Ngãi làm nghề thầy bói, khoác áo Việt Nam Quốc Dân Đảng Thừa Thiên. Thời gian bầu cử tổng thống lúc ông Vũ Hồng Khanh về Huế vận động chính y là người ngồi cùng xe bên cạnh ông Khanh. Nghe đâu y cũng là cộng tác viên cho cảnh sát đặc biệt Thừa Thiên ? Sáng mồng một hắn bận complet màu đà (bộ hắn vẫn thường mặc) tới nhà tìm tôi nhưng không gặp. Cho tới nay tôi vẫn không hiểu tại sao mà ông Rớt (có bà vợ bán bún bò ngon nhất Huế) ở trên đường Nguyễn Du lại bị bọn Linh bắn chết. (Người chung quanh nghi ông làm cộng tác viên cho cảnh sát và nghe đâu ông xin được chết gần gia đình nên chúng bắn ông tại nhà).
Mãi cho đến ngày 20 tháng giêng bọn chúng mới bắt đầu làm mạnh, nghĩa là ra lệnh trình diện dân hai rồi giữ lại thủ tiêu luôn.
Trên đường Gia Hội (tức đường Chi Lăng) bọn chúng bắt giết anh Lê Văn Cư, nguyên là Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Vùng I và anh Phú (em vợ anh Cư), quận trưởng Quận II. Cả hai bị ban cùng một dân. Cũng trên đường này anh Dự - hình như đang làm trưởng ty cảnh sát Phan Rang về thăm nhà- cũng bị bắt giết. Võ Nguyên Pha, nhà ở ngay sau lưng chùa Diệu Đế, nghe đâu đã trốn sang bên hữu ngạn rồi lại sét ruột vì vợ con trở về để lãnh bản án tử hình.
Câu chuyện cái chết của anh Từ Tôn Kháng, thiếu tá Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn Thừa Thiên, không biết thực hư đến mức nào. Nghe đâu Cộng sản bao vây nhà anh, tra khảo bắt chị Kháng chỉ chỗ ẩn của chồng nếu không thì phải chết. Anh Kháng nằm núp trên máng nước, đành phải xuống (Có người bảo chị đã chỉ chỗ ẩn của chồng ? Hoàn cảnh này dù có xẩy ra thì tôi nghĩ cũng không nên buộc tội chị).
Ở đường Võ Tánh có anh Vĩnh sĩ quan cảnh sát bị bắn chết ngay nhà, mấy năm sau tôi vẫn thấy ngôi mộ đất vẫn còn nam ngay trước cổng nhà. Nhà anh Vĩnh nằm ngay cạnh chùa áo Vàng, nơi Cộng sản làm trụ sở trình điện cho các công viên chức và sĩ quan quân đội cộng hoà, nên không trốn vào đâu được. Gần đó, có anh Hồ Đắc Cam, làm công nhân nhà đèn Huế, bị bắn vì có tên trong Đại Việt Quốc Dân Đảng. Điều đáng buồn là anh Cam bị anh Kim Phát, cũng đảng viên Đại Việt, khai ra. Của đáng tội Cộng sản biết Kim Phát là người Đại Việt nên bắt anh phải khai những người trong tổ chức. Anh đến nhà tôi đầu tiên nhưng tôi không có nhà. Sau đó Kim Phát cũng chịu chung số phận như bạn bè.
Đường Bạch Đằng có anh Hiền, một lão tướng bóng đá trong hội S.E.P.H. của Huế thời thập niên 40. Anh chẳng liên hệ gì với chính quyền thế mà bị giết. Người ta đoán anh bị bắn vì trước đó đã tạt tai một thằng bé gần nhà .Tên này sau khi Cộng sản vào tham gia thanh niên khu phố nên có dịp trả thù.
Không ít người chết vì không hiểu cộng sản, tưởng cộng tác với chúng là được tha. Điển hình là ông Soạn làm chủ tịch phường Phú Cát quận II và hai anh em song sanh tên Lan (con ông Sâm cho mượn đồ đưa đám tang trên đường Chi Lăng); một trong hai người này làm cảnh sát.
Theo nằm vùng cộng sản nhận định, nhóm tiểu thương chợ Đông Ba là lực lượng yểm trợ mạnh nhất trong cuộc đấu tranh Phật giáo ở Huế vào các năm 1963 và 1966. Vì thế để lấy lòng nhóm này chúng lôi anh Phú ra giết. Anh Phú có phần hùn đấu thuế chợ Đông Ba nên vẫn hay ra thu thuế bạn hàng. Tưởng thế, nhưng cái chết của Phú chẳng gây phản ứng nào nơi nhóm tiểu thương.
Cho đến giờ này, 30 năm trôi qua, tôi vẫn không quên hình ảnh đầy thương cảm của Nguyễn Ngọc Lộ và Nguyễn Thiết. Hai anh bị chôn sống ngay con đường nhỏ rẽ vào trường Trung học Gia Hội sau khi cả hai bị đánh bang bọng cuốc vào sau đầu. Lúc bới xác hai anh tôi có mặt và thấy hai chiếc sọ bị lủng lỗ phía sau). Mà đâu chỉ chết hai anh. Chị Lộ và hình như với ba cháu hai gái một trai cũng bị giết tại nhà ở xã Phú Lưu. Thật may mắn, qua dò la tôi biết một đứa con trai của anh chị còn sống sót, hiện đang có máy bơm nước vào ruộng thuê để lấy tiền sinh nhai. Anh chị Lộ và anh Thiết chết là vì nghề dạy võ Thất sơn thần quyền mà Cộng sản cho là một bộ phận ngoại vi của Đại Việt Quốc Dân Đảng Thừa Thiên và Thị bộ Huế. Sau thời gian cải tạo về tôi cố dò la tông tích thằng con sống sót của anh chị Lộ để nhờ cháu chỉ hộ nơi an nghỉ của bố mẹ và bác Thiết. Khi cải táng tại mé sông phía Bãi Dâu chính tôi có mãi và bỏ đất xuống quan tài.
Nhưng vì thời gian và tuổi tác khiến tôi không nhớ được địa điểm xưa nữa. Và ý nguyện đó tới nay vẫn chưa thực liên được.
Tôi không thể quên được Mậu Thân, vì biết bao bạn bè đồng đội thân thương đã đau đớn lìa đời với không một mảnh gỗ che thân, không một giọt nước mắt tiếc thương, không một nén hương phân ưu tưởng niệm, không một mảnh vải quấn lên đầu người thân. Riêng hai anh Lộ và Thiết có với tôi một liên hệ thiết thân hơn tình huynh đệ ruột thịt. Tôi không cùng trong một tổ chức và không phải là đệ tử của môn phái Thất sơn thần quyền của hai anh.
Tôi biết hai anh trong một lần gặp gỡ để thực hiện một phóng sự về môn phái võ quyền khi tôi làm nghề viết báo. Anh Lộ đã tỏ ra rất chơn chất đôn hậu, mặc dầu anh rất nổi tiếng với hàng ngàn đệ tử, trong đó có cả những sĩ quan cấp tá quân lực Cộng hoà xin đầu sư. Thế mà anh không hề kiêu căng cũng không chút đề cao cái tôi thành công của mình. Tôi có cảm tình với anh từ độ ấy.
Một ray rút ám ảnh tôi mãi. Sáng mồng một khi biết được Cộng sản đột nhập thành phố, tôi liền nhảy sang căn lầu của người hàng xóm, chỉ cách nhà tôi một bức thành mỏng. Nhìn xuống, tôi thấy hai anh em Lộ bận complet mầu đen, bộ đồ vẫn mặc khi đến thăm tôi mỗi năm dịp tết. Nhưng lúc đó ai dám tin ai ! Tôi nghe Lộ hỏi vợ tôi "Anh đi đâu rồi, VC vào thành phố tràn đìa cả rồi, nói với anh tìm cách trốn cho kỹ chứ bắt được anh là rồi đời đó nghe chị" . Rồi cả hai leo lên xe Honda (hay Yamaha) chạy xuống phía cầu Đông Ba. Bồng một loạt đại AK rít lên. Tôi tưởng hai anh đã đi rồi.
Sau một tháng lẩn trốn trở về mới nghe hàng xóm kể lại loạt đạn đó không gây hề hấn gì cho hai anh cả. Song không hiểu sao hai anh đã lọt vào Gia Hội và trở thành nạn nhân của Cộng sản lúc đó đang ra công lùng bắt người ở vùng này.
Thật vô phúc cho anh Trần Văn Nớp, trưởng phòng hành chánh ty cảnh sát Thừa Thiên. Sau bao nhiêu ngày ẩn núp dưới hầm ở đường Bạch Đằng phía dưới cầu Đông Ba, quá nôn nóng và tưởng cộng sản đã rút nên trồi lên để bị giết tức tưởi. Số là giờ phút chót cộng sản phải nấn ná án ngự khu vực này để bộ đội chúng rút về phía Tiên Nộn. Trễ chừng vài phút nữa thì anh Nộn đâu đến nỗi
Bên hẻm cau Đông Ba thì có anh Chảy, một thanh niên nghe đâu vừa ra trường Thủ Đức, phải chết vì thiếu kinh nghiệm về cộng sản. Khi có lệnh gọi những người đã trình diện lần hai ra trình diện lần ba ở trường trung học Gia Hội thì Chảy đang đi cầu. Mọi người đi trình diện đã đi qua nhà anh khá lâu, thế mà Chảy cầu xong lại vừa chạy vừa cài nút quần gọi mọi người đợi anh với. Và thế là Chảy đi luôn ! Anh để lại một người yêu đã bỏ trầu đợi ra năm cưới. Anh Chảy là con trai độc nhất của chú Bang In chủ nhân tiệm chụp ảnh tiếng tăm ở Huế thời 1940-50, và cũng là chủ nhân tiệm ăn Quốc Tế Huế.
Không xa nhà anh Chảy là nhà anh Lô, gần 50 tuổi, người tàu Hải Nam sinh tại Huế, anh rể của Chảy, làm phát ngân Ty ngân khố. Một người hiền lành, thật thà chân chất cả đời không biết súng đạn mà vẫn bị giết oan khuất.
Trên đường Võ Tánh từ quán bánh khoái nổi tiếng Huế đi xuống một đoạn chừng 5, 7 chục thước Việt cộng lại bắt được anh Jean Kỳ, đảng viên lão thành một hệ phái Quốc Dân Đảng. Anh Kỳ có lối sống nghệ sĩ, ngang bướng không sợ ai. Năm 1946 không biết làm sao mà thoát được vụ cộng sản tàn sát hàng trăm thanh niên trí thức ở các làng vùng Sịa. Nhưng lần này thì không thoát nữa. Dòng họ anh ở làng Quảng Điền nổi tiếng chống cộng Anh Kỳ có một người em ruột làm trung tá hiện ở Mỹ
Tại đình làng Thế Lại, nằm cuối đường Bạch Đằng, anh Vĩnh, nhân viên cảnh sát Thừa Thiên, bị bắn. Một cảnh sát hành chánh khác, anh Thiện ở đường Nguyễn Du,
cũng bi bắn. Trong Thành Nội cộng sản bắt được anh Liên, sĩ quan cảnh sát đã từng giữ chức Trưởng ty cảnh sát Quảng Trị và là một đảng viên Đại Việt. Bảy năm sau nhờ có người địa phương chỉ chị Liên mò mẫm tìm được xác chồng chôn chồng với chín bạn khác ở chân núi.
Tễ là một người bạn đồng nghiệp vui tính sống bất cần đời, đã từng giữ chức Trưởng phòng hành chính Ty cảnh sát Thừa Thiên cũng bị bắn. Nhà anh ở trong cửa An Hoà hay Chánh Tây gì đó. Việt cộng bắt anh ban đêm, đem bắn bỏ xác vắt ngang đường rầy xe lửa phía trên đường Thống Nhất. Sau mấy ngày vất vả vợ con tìm thấy xác đem về chôn cất.
Ngược lên đường Cường Để tôi lại mất đi một bạn đồng nghiệp rất ư hiền từ mẫu mực, anh Võ Văn Tửu. Anh Tửu làm Phó thẩm sát viên cảnh sát và được giữ chức đồn trưởng đồn ga Huế. Anh cũng là một đảng viên Đại Việt nhiệt thành. Anh bị bắn cạnh nhà vào khoảng mồng mười tết. Mấy ngày trước tết, tôi và anh còn nhâm nhi cà phê ở vỉa hè ga Huế. Nào ngờ lần gặp đó là lần cuối. Một người bạn khác ở thôn Vỹ là Tiên, sĩ quan cảnh sát ngày trước phục vụ trong ngành hiến binh, cũng bị hành quyết. Tôi tưởng anh thoát, vì nhà anh ở gần Đập Đá, chỉ cần ra phía sau nhà lao xuống sông lặn một hơi là thoát vùng tạm chiếm !
Trần Mậu Tý, người con trai (có lẽ duy nhất) của ông Trần Mậu Trinh, nguyên tri phủ ở miền ngoài và là người nổi tiếng diệt cộng sản thời kỳ Nghệ Tĩnh nổi dậy, bị cộng sản tìm bắt vì món nợ của cha đem chôn sống ở làng Hoà Đa cùng với một số người khác. Nhà vợ con của Kỷ ở lò trâu Hò Lâu phía bên kia Đập Đá.
Ngoài ra có anh Thương, tốt nghiệp Quốc gia hành chánh, cố thoát chạy bằng xe Honda từ nhà anh trên đường Lý Thường Kiệt về trung tâm Quận 3, nhưng đã bị bắn gục trên đường.
Và còn bác Trần Điền, đã một thời làm Tỉnh trưởng Quảng Trị, sau đó làm Thượng nghị sĩ và là đảng viên Đại Việt, bị bắt tại gia gần trường Thiên Hữu, sau đó bị bắt đi với số đông người khác. Hình như tất cả chấm dứt cuộc đời ở khe Đá Mài.
Trong biến cố Mậu Thân nơi vùng Bãi Dâu đã xảy ra một câu chuyện hy hữu. Hai thằng bạn học cùng lớp là Hân và Bằng. Bằng vì bất mãn Quốc gia quay ra vùng xôi đậu. Mậu Thân Bằng trở về với tư cách là một bộ đội trong Tỉnh đội Thừa Thiên. Hân ở nhà tham gia Đại Việt.
Không biết bị tên nằm vùng nào chỉ điểm mà Hân bị bắt ngay ngày mồng một. Hân được giao cho một bộ đội đem đi bắn, mà người đó không ai khác hơn là Bằng. Hân những tưởng có hy vọng thoát thân nhờ vào tình bằng hữu của Bằng. Nhưng không, Bằng thi hành mệnh lệnh Đảng một cách nhẹ nhàng. Trước khi bắn hắn nói với Hân: "Tao không làm chi khác hơn là phải bắn mi. Tuy nhiên tao sẽ cho mi một cái bao ni lông và tao sẽ bọc cái mặt mi lại để sau này gia đình mi dễ nhận ra mi. Tình bạn bè thân thiết chỉ có thế thôi ! "
Tôi tuổi già, trí nhớ lại nhạt nhoà đi sau bao năm tù đầy nên giờ chỉ còn nhớ được dăm ba người thân cận trong số trên dưới 3000 nạn nhân đã nằm xuống một cách oan nghiệt.
Chắc chắn phải có một lẦn về lại thăm nơi cố xứ đau thương này để thắp trên những ngôi mộ của những người bạn một nén hương. Tôi hy vọng trong cõi chết linh thiêng các bạn bè cũng thấu hiểu và thông cảm cho sự kém trí nhớ của tôi.
No comments:
Post a Comment