Saturday, August 1, 2009

Gương Can Đảm Của Giáo Dân Đông Yên tháng Chạp năm 1969

Gương Can Đảm Của Giáo Dân Đông Yên



Đông Yên là một xứ đạo Công giáo nằm ven bờ biển, về đạo thuộc Giáo phận Vinh, về đời thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh [1]. Giáo dân Đông Yên tuy quê mùa [2] nhưng rất sốt sắng trong đời sống kinh nguyện nói chung và trong lòng sùng kính Đức Mẹ nói riêng [3]. Đứng trước sự đàn áp tôn giáo kiểu sắt đá của chính quyền cộng sản từ thập niên 50 đến giữa thập niên 80, giáo dân Đông Yên đã tỏ ra can đảm phi thường trong việc bảo vệ Đạo của mình [4]. Câu chuyện dưới đây là một trong những bằng chứng cụ thể của lòng can đảm bất khuất đó. Những giáo dân ở Đông Yên trước đây cũng như những giáo dân ở Đốc Sơ, Nguyệt Biều, rồi An Truyền sau này, khi họ can đảm đứng lên ủng hộ và bảo vệ vị chủ chăn của họ là Cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, tất cả chẳng qua viết tiếp những trang sử xanh, trên đó truyền thống đức tin anh hùng của người giáo dân Công giáo Việt Nam không ngừng in đậm dấu son kể từ ngày Đạo Chúa được rao giảng trên đất nước Lạc Hồng. Xin được phép nhắc lại rằng giáo dân chiếm đại đa số trong số 130.000 vị tử đạo Việt Nam chưa được phong hiển thánh cũng như trong số 117 vị tử đạo đã được phong.

1

Câu chuyện bắt đầu từ tháng Chạp năm 1969. Xứ đạo Đông Yên lúc đó có khoảng 1.500 giáo dân với một linh mục duy nhất là Cha Vũ Đình Giáo. Số là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cũng như nhiều nơi khác, thường mời Cha Giáo cũng như mọi linh mục khác trong giáo phận đi họp hội nghị Mặt trận để nghe thuyết trình về chính sách này đường lối nọ của Đảng, của chính quyền. Ủy ban mới tới hai lần đều bị ngài từ chối. Cho là ngài có thái độ chống đối, lần thứ ba chính quyền Cộng sản không mời nữa nhưng tống giấy triệu tập ngài lên ty công an tỉnh. Được tin này, giáo dân Đông Yên nhất quyết không để cho ngài đi vì họ có lý để nghĩ rằng một khi ngài ra ngoài ty công an, ngài sẽ bị nhốt hoặc bắt đi luôn. Giáo dân không muốn xứ đạo của mình không có linh mục. Thế là giáo dân tụ tập xung quanh nhà xứ, canh giữ không cho chính quyền vào đưa ngài đi.

2

Thấy giáo dân tỏ ra quá đồng lòng và kiên quyết, nên để áp đảo tinh thần của họ, ngay từ đầu chính quyền đã huy động cả một lực lượng trên 3.000 gồm công an cũng như cán bộ của nhiều cơ quan ban ngành khác từ xã, huyện, đến tỉnh: cứ 1 giáo dân phải đối phó với 2 hoặc 3 nhân viên của chính quyền. Ngoài ra còn có cả một sư đoàn của quân đội cộng sản chực sẵn ngoài bờ biển để tiếp ứng khi cần. Trong tháng đầu 3.000 nhân viên chính quyền chủ yếu dùng lời lẽ hoặc thuyết phục hoặc đe doạ giáo dân. Nhưng giáo dân vẫn một mực không chịu mở vòng vây cho chính quyền vào đưa Cha Giáo đi.

Điều này khiến chính quyền cộng sản nghi ngờ rằng Cha Giáo không chỉ thuần tuý kháng lệnh triệu tập mà có thể trong nhà xứ còn chứa chấp gì khác, biết đâu có thể là gián điệp hay biệt kích của chính quyền miền Nam Cộng hòa hay thậm chí cả lính Mỹ. Giáo dân cam đoan trong nhà xứ không có gì khác, họ thuần tuý chỉ bảo vệ cha xứ, không muốn chính quyền bắt ngài đi, chỉ có thế thôi, nhưng chính quyền cộng sản với bản tính đa nghi hơn cả Tào Tháo, với chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót”, đời nào đi tin người dân. Nên từ tháng thứ hai trở đi, lực lượng của chính quyền chủ yếu mỗi ngày hai lần dùng sức mạnh xô đẩy, lôi kéo hòng phá vòng đai bảo vệ của giáo dân để xông vào nhà xứ. Nhưng cứ mỗi lần lực lượng chính quyền xông đến phá vòng vây thì giáo dân không những cố cản lại, mà còn đồng thanh, từ trẻ tới già, kêu to Tên cực trọng (tức tên Chúa). Kêu to Tên cực trọng khiến giáo dân lại hăng thêm, còn công an cán bộ của nhà nước nghe vậy thì hoảng sợ lùi lại. Cũng nên biết thêm rằng chính quyền còn bí mật lồng cả một đội đặc công vào trong 3.000 nhân viên nói trên để dễ bề hành động. Có lần ở một khâu của vòng vây sao đó khiến một viên đặc công xoay xở lọt qua được. Xông thẳng ngay tới cửa trước nhà xứ, anh ta dùng sức mạnh đập bể kính cửa hòng mở khóa vào nhà. Nhưng không hiểu sao các mảnh kính bể tự nhiên bắn ngược trở lại, cắm phập vào người anh ta, khiến anh ta ngã xuống chết ngay tại chỗ! Một số đồng đội của anh ta vừa mới len vào sau, thấy vậy liền xông đến lôi xác anh ta chạy đi. Ở những chỗ khác của vòng vây giáo dân đang giằng co với nhân viên chính quyền chỉ thấy chớp choáng bỗng nhiên từ phía sau họ chạy ra một tốp người kéo theo một người khác liền tưởng rằng có một số nhân viên chính quyền đã vào được nhà xứ bắt được Cha Giáo đem ra. Hoảng quá, nhiều giáo dân bỏ vị trí rượt theo để giành lại cha xứ của mình. Vòng đai bảo vệ của giáo dân sắp lỏng lẻo tới nơi. May thay Cha Giáo đã trở tay kịp thời. Ngài luôn có khoảng 4, 5 em nhỏ (từ 13 đến 14 tuổi) túc trực ở trong nhà xứ nên đã sai một hai em chạy ra gọi giật họ trở lại là Cha vẫn còn ở trong, chưa hề bị bắt.

Cứ thế kéo dài suốt ba tháng từ ngày đưa hơn 3.000 nhân viên của nó về Đông Yên, chính quyền cộng sản vẫn không phá được vòng đai bảo vệ của giáo dân. Một đàng hoàn cảnh không còn như thời Cải cách Ruộng đất nên chính quyền không thể công khai dùng súng đạn bắn vào cả một tập thể xứ đạo để xông vào nhà xứ. Đàng khác chẳng lẽ cả một chính quyền lại đi thua giáo dân của một xứ đạo, không làm sao cướp được cha xứ ra khỏi tay họ; nếu chuyện này để lộ ra sẽ khích lệ nhân dân ở các nơi khác noi gương giáo dân Đông Yên không phục tùng chính quyền nữa thì rắc rối. Vì thế tháng 03-1970 trung ương Đảng cộng sản có lệnh xuống phải bí mật dùng hỏa lực tiêu diệt hết người Công giáo Đông Yên, xóa sổ họ đạo này hoàn toàn, rồi dàn cảnh đổ tội là do Mỹ pháo kích hay thả bom [5]. Trung ương giao cho quân đội và công an phối hợp với nhau mà thi hành mệnh lệnh. Về phía quân đội người đứng đầu chịu trách nhiệm thi hành là đại tá Vũ Duy Hán, người Đô Lương, về phía công an là viên trưởng phòng phản gián của ty công an Hà Tĩnh. Phe chính quyền tập trung đủ thứ hỏa lực từ các tiểu đội trung cao, đại cao, tên lửa, cho đến các khẩu pháo cao xạ được bí mật vận chuyển đến và bố trí trên các đồi trọc xung quanh Đông Yên. Một kế hoạch phối hợp hỏa lực được vạch ra cụ thể và tập dượt trước trước ngày ra tay [6]. Trong lúc đó giáo dân Đông Yên vẫn kiên cường canh giữ quanh nhà xứ mà không hề hay biết trong vài ba đêm nữa họ có thể bị súng đạn của chính quyền bao vây và giết sạch.

Vào đêm mà chính quyền đã quyết định ra tay, khi lệnh khai hỏa ban ra, thì tự nhiên súng lại không nổ được. Điều kỳ diệu này không thể giải thích được trừ phi đó là phép lạ từ Trời cao. Phe chính quyền cũng khá ngạc nhiên nhưng vẫn cố nghĩ là do sự trục trặc kỹ thuật nào đó. Sau khi rà xét lại súng ống và phối hợp tập dượt cẩn thận hơn, đúng một tuần sau, vào khoảng 2g sáng, lệnh khai hỏa lại được ban ra. Nhưng vẫn y như lần trước, không hiểu sao súng cũng không nổ. Trước sự kiện kỳ lạ xảy ra tới hai lần này, ngay cả đại tá Hán cũng phải run sợ nhận rằng rõ ràng có bàn tay vô hình nào đó nhưng hết sức linh thiêng, đầy quyền phép can thiệp. Còn có chút ý thức tôn giáo, ông ta liền lập tức đào ngũ, bỏ về nhà, thà chấp nhận bị chính quyền kỷ luật còn hơn ở lại đó mà cưỡng lại phép Trời đã lộ ra nhãn tiền. Chính quyền cộng sản khi được báo cáo sự kiện kỳ lạ này cũng không dám cưỡng ép nhân viên mình tiếp tục thi hành kế hoạch thủ tiêu Đông Yên nên ra lệnh rút lui. Vì sợ lộ cái kế hoạch tàn ác và thâm độc đó, chính quyền cũng không dám đưa những người như đại tá Hán ra xét xử công khai mà chỉ bãi chức cho về làm dân thường. Tuy nhiên vì không muốn hoàn toàn mất mặt, chính quyền cộng sản cố tìm một cách khác dù cách này thì phải hạ mình, hạ giọng xuống một chút. Đó là tuy không dám bắt Cha Giáo nữa nhưng chính quyền thuyết phục Đức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức [7], Giám mục chính tòa của Giáo phận Vinh lúc đó, can thiệp đổi ngài đi một xứ đạo khác, đưa một cha khác về. Đức cha Đức cũng không phải tay vừa, lợi dụng chỗ núng thế của chính quyền liền ra điều kiện ngược lại là muốn đưa Cha Giáo đi khỏi Đông Yên thì cũng được, nhưng phải chấp nhận cho Cha Nguyễn Đăng Điền về đó, mà không phải là một linh mục nào khác, vì chỉ có một mình Cha Điền lúc đó là chưa có nhiệm sở. Cha Điền chịu chức cũng đã được bốn năm năm, nhưng chính quyền vẫn bắt ngài ở Tòa Giám mục Xã Đoài, ngăn cản không cho phép ngài đi xứ, vì biết rõ ngài cũng là loại linh mục có tinh thần chống đối, tuy cách khôn khéo. Thật là “tránh vỏ dưa đạp vỏ dừa”, nhưng hết cách chính quyền đành phải nhượng bộ.

Về phía giáo dân Đông Yên, khi thấy chính quyền cộng sản ra lệnh cho nhân viên của nó rút lui, liền mừng rỡ cảm tạ Chúa và bảo nhau rằng: “Phen này quả là choa [8] thắng Đảng”. Mãi về sau này giáo dân mới biết được âm mưu tàn độc của chính quyền muốn thủ tiêu toàn bộ xứ đạo Đông Yên lúc đó. Họ càng thêm cảm tạ Chúa và tin rằng Chúa đã làm phép lạ cứu họ nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, Đấng họ rất mực sùng kính.

Phaolô Trần


[1] Mãi cho đến sau khi chiếm miền Nam 1975 thì chính quyền cộng sản mới gộp Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thành một tỉnh tức Thanh Nghệ Tĩnh.

[2] Ví dụ như vào lúc câu chuyện kể đây xảy ra thì đàn ông con trai Đông Yên cũng vẫn còn mặc váy (mà tiếng địa phương gọi là “mấn”) như đàn bà con gái.

[3] Ngay cả trẻ em khi đi xưng tội cũng thường được cha giải tội ra việc đền tội là lần cả chục tràng hạt Mân Côi. Các em hoàn toàn vui vẻ làm theo. Giáo dân Đông Yên mỗi lần chầu Thánh Thể để đền tạ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ thường chầu liên tục cả ba bốn giờ liền.

[4] Trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và với Mỹ, giáo dân Đông Yên kiên quyết từ chối đi dân công hay đi bộ đội cho chính quyền cộng sản, lý do đơn giản vì đó là làm việc cho một tổ chức vô thần phá đạo.

[5] Lối “ném đá giấu tay” này chính quyền cộng sản dùng rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh. Áp dụng cho cả nhân sự lẫn cơ sở tôn giáo, ví dụ như Nhà thờ chánh tòa Xã Đòai, nhà thờ Cầu Rầm ở Vinh, nhà thờ Tam Tòa ở Đồng Hới đều bị chính quyền bố trí súng phòng không bên trong hoặc bên cạnh để máy bay Mỹ cho là nơi ẩn núp của bộ đội cộng sản mà dội bom phá sập. Lối ném đá giấu tay này mang công dụng “một mũi tên giết hai con chim”, giống y như Hoà thượng Thích Quảng Độ đã nhận xét sau đây khi kể lại những trường hợp tương tự xảy ra cho các ngôi chùa Phật giáo: “Lại nữa, xét thấy những ngôi chùa lịch sử danh tiếng, điển hình như chùa Thiên Trù (chùa Hương – chùa ngoài)…, chùa Quỳnh Lâm…, cộng sản thấy sau này, khi đã thành công, khó mà tự mình ra tay phá được vì sẽ có ảnh hưởng rất lớn, chi bằng mượn tay quân Pháp cho tiện. Cộng sản bèn đưa quân lính đến đóng tại các chùa đó, treo cờ đỏ sao vàng lên, máy bay thám thính của Pháp đến, thấy có cờ Việt Minh liền báo cho oanh tạc cơ đến bỏ bom (dĩ nhiên là Việt Minh đã rút trước rồi), thế là chùa tan nát! Trong trường hợp này cũng lại một mũi tên bắt hai con chim: một mặt kích động lòng căm thù của nhân dân, lên án giặc Pháp phá chùa và kêu gọi toàn dân hết lòng đánh Pháp; mặt khác, sau này, khi thành công rồi khỏi phải phá để tránh tiếng cộng sản phá chùa lịch sử danh tiếng!” (Bản Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng CSVN đối với Dân tộc và Phật giáo Việt Nam: viết tháng 1-1992).

[6] Dĩ nhiên vào lúc đêm khuya mới là thời điểm ra tay tốt nhất.

[7] Đức Cha Trần Hữu Đức từ trần ngày 5-1-1971 sau khi làm Giám mục Giáo phận Vinh 20 năm.

[8] “Choa” hay “nhà choa” là tiếng địa phương mà người nói dùng như đại danh từ danh xưng ngôi thứ nhất số nhiều.


No comments: