ĐÁNH CẮP LÒNG THƯƠNG HẠI !
Lm. Anmai, C.Ss.R.
Là con người, đứng trước nổi khổ của anh chị em đồng loại ai ai cũng dủ lòng thương. Không ít thì nhiều, kẻ góp công, người góp của hầu mong xoa dịu phần nào nỗi đau mà anh chị em đồng loại đang gánh chịu. Khi lòng thương hại được chung chia, kẻ cho người nhận đều cảm thấy vui nhưng sẽ rất buồn khi lòng thương hại bị đánh cắp.
Một buổi chiều, lê bước trên con đường của bệnh viện 115. Chẳng hiểu sao đám đông lại tụ tập ngay trước cổng bệnh viện. Ghé con mắt nhìn đám đông ấy thì ra là một đứa bé bị mắc bệnh não úng thủy đang nằm co quắp trên chiếc xe đẩy. Ngồi cạnh đứa bé là một người phụ nữ. Chẳng biết được người ấy là mẹ hay cũng chỉ là một người kiếm chác trên cái thân phận bất hạnh ấy.
Thoạt đầu, nhiều người xúm vào nhìn vì cũng thấy chạnh chạnh lòng thương nhưng một lát sau đó, chẳng ai bảo ai mọi người đã quay đi. Thì ra là sau khi nhìn cũng như hỏi thăm gia cảnh thì mọi người đều nhận ra đây chẳng qua là cái trò kinh doanh lòng thương hại. Đứa bé tội nghiệp kia lẽ ra được cha mẹ hay thân nhân để ở nhà chăm sóc chứ ai mà cam lòng làm cho nó một chiếc xe đẩy có mái che để đi xin lòng thương hại một cách chuyên nghiệp như thế! Nhìn vào chiếc xe, nhìn vào cách ngụy trang thì người đi đường sẽ nhận ra đây chỉ là một trò kỳ quái mà con người tạo ra để kinh doanh lòng thương xót chứ không phải là một hoàn cảnh cơ nhỡ đang cần sự giúp đỡ.
Cũng chiều hôm đấy, ở Viện Tim, nơi không xa bệnh viện 115 cũng diễn ra một cảnh tượng không khác cảnh tượng ở 115 là mấy! Nhiều người đang chờ người thân trong ca phẫu thuật bỗng dưng có một người la toáng lên là bệnh viện gì mà “bất nhân thất đức” khi thấy người nghèo không đủ tiền thì không cho nhập viện. Đứng trước cảnh đời như thế, chẳng ai bảo ai, mỗi người, kẻ năm trăm người một triệu chung chia với phận kẻ không may. Cầm xong số tiền vừa gom góp, tưởng “bệnh nhân” làm thủ tục nhập viện ai dè họ biến mất một cách nhanh chóng giữa đám đông.
Tối hôm ấy, ở phòng cấp cứu khoa nội tim mạch của Viện Tim lại tái diễn hình ảnh ấy. Ông chồng lê bước dìu bà vợ trong cơn đau đớn chìa tay cho mọi người thấy bà làm thủ tục xuất viện mà thiếu tiền. Thế là mọi người chạnh lòng thương kẻ hai trăm người ít chục gom đưa cho hai vợ chồng kém số. Tiền vừa thu xong thì bỗng dưng bà vợ khỏe trở lại và không còn lê bước như trước khi xin tiền nữa. Cả hai lặng lẽ ra đi trước những cơn tiếc nguồi nguội của những người vừa chìa tay ra để dủ lòng thương xót.
Mới đây thôi, có một người đàn ông có vết lở loét ở chân thường xuyên nằm lăn trước cổng chợ để xin tiền, đây cũng là trò kinh doanh lòng thương hại hay nói đúng hơn là đánh cắp lòng thương xót của mọi người. Người đàn ông này thường xuất hiện vào chủ nhật hằng tuần tại chợ Đồng An, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương.
Sáng sớm, người đàn ông này được một thanh niên chở bằng xe máy đến cổng Khu công nghiệp Đồng An (cạnh chợ Đồng An). Sau ít phút sửa soạn, ông ta đã hóa thân thành một người có bộ dạng “đáng thương” với chiếc khăn ô vuông quấn trên đầu, bắp tay, bắp chân được quấn một lớp băng trắng bôi thứ thuốc đỏ tựa như máu.
Lòng bàn chân người đàn ông này được trét lên một lớp keo và bôi một thứ bột màu đỏ tạo ra vết thương lở loét khiến ai nhìn cũng thấy tội nghiệp. Đang đứng trong một con hẻm, ông ta bất ngờ nằm xuống, trườn từ từ đến trước cổng chợ Đồng An.
Ông ta đặt một cái xô trước mặt, phía trong có vài tờ tiền lẻ rồi bắt đầu rên rỉ thảm thương. Nhiều người đi chợ đã xuýt xoa thương cảm cho người đàn ông “khốn khổ” này, họ không ngần ngại móc ví, rút tiền bỏ vào xô. Khi mặt trời đứng bóng, nắng chiếu thẳng xuống mặt đường nóng ran, ông ta cầm xô tiền vào trong chợ bám chân từng người và kêu van thảm thiết hơn.
Đến gần trưa, ông ta trườn vào một con hẻm hướng về Khu công nghiệp Đồng An. Nhìn lui nhìn tới không có người qua lại ông liền bật dậy, tay cầm chiếc nạng gỗ tìm đến một gốc cây để đếm tiền. Một lát sau, ông ta móc chiếc điện thoại trong túi ra gọi và một lát sau đó, người thanh niên buổi sáng xuất hiện chở thêm một người đàn ông trung niên đến. Cả ba cùng nói chuyện rồi nhảy lên xe máy đi. Họ là băng nhóm của những người đánh cắp lòng thương hại của mọi người.
Những hình ảnh, những kiểu mẫu đánh cắp lòng thương xót như vậy hết sức tai hại. Những người thường hay chia sẻ tình thương với người bất hạnh sẽ phải chùn tay lại trước những hoàn cảnh đáng thương vì lẽ không biết mình chung chia với hoàn cảnh này thật hay là giả.
Chỉ tội nghiệp cho những hoàn cảnh đáng thương thật bị bỏ rơi bởi lẽ người ta quá ngao ngán với những người, với những nhóm người chuyên gia bày trò để kinh doanh lòng thương hại hay đánh cắp lòng thương hại của con người.
No comments:
Post a Comment