JB. Lộc Hà
VINH - Tối thứ Bảy ngày 01/8/2009, giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho hai linh mục và các giáo dân bị đánh đập dã man tại Tam Tòa. Mở đầu thánh lễ, cha Phạm Quang Long, chánh xứ Mỹ Dụ, nói: "Anh chị em rất thân mến, đây là một buổi tối rất đặc biệt khi chúng ta cùng với 178 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của hơn 170 linh mục trong giáo phận, đồng loạt dâng thánh lễ cầu nguyện cho hai linh mục và các giáo dân bị đánh đập dã man tại Đồng Hới, Quảng Bình. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu khẳng định 'Ai đến với Tôi không hề phải đói; ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ!'. Là Kito hữu, chúng ta khao khát Thiên Chúa; là con người, chúng ta khao khát công lý, khao khát sự thật. Nguyện xin Thiên Chúa đáp ứng các khát vọng của chúng ta."
Xem hình ảnhTrước thánh lễ, cộng đoàn nghe Thông Cáo số 4 của Tòa Giám Mục Xã Đoài, xem lại đoạn băng video về cảnh giáo dân Tam Tòa bị đán áp, hình ảnh đầy thương tích của cha Ngô Thế Bính và các nạn nhân, nghe phỏng vấn các nhân chứng biến cố Tam Tòa, và nghe đài RFA phóng vấn cha Phạm Đình Phùng, chánh văn phòng Tòa Giám Mục. Cộng đoàn còn được nghe ông Nguyễn Đức Thắng, chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, tường trình về buổi làm việc với UBND xã Hưng Châu chiều thứ Bảy.
Không khí trong giáo xứ bắt đầu nóng lên, khi vào đầu giờ chiều thứ Bảy, UBND xã mời ông Nguyễn Đức Thắng đến 'bàn một số nội dung cần thiết'. Ông Thắng cho biết:
"Khi tôi đến thì đã có 13 người chờ sẵn để 'làm việc' với tôi. Trong đó 10 người thuộc xã Hưng Châu: gồm chủ tịch và phó chủ tịch xã, bí thư và phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch mặt trận, cùng một số ban ngành khác. Ngoài ra còn có 3 người ở huyện Hưng Nguyên là các ông chủ tịch mặt trận, trưởng bộ phận tôn giáo và công an tôn giáo huyện.
“Họ cáo buộc giáo xứ phạm pháp khi treo hai tấm băng rôn ‘CẦU NGUYỆN CHO GIÁO DÂN TAM TÒA BỊ CÔNG AN QUẢNG BÌNH ĐÁNH ĐẬ̣P VÀ BẮT GIỮ’. Họ cũng đề cập đến việc giáo xứ xây dựng cơ sở vật chất mà không xin phép và việc phát thanh các bản tin về sự kiện Tam Tòa bằng loa công suất lớn.
“Lập luận của họ là: theo báo chí và truyền hình, Đức Cha đã ký kết với chính quyền tỉnh Quảng Bình (có dấu của Tòa Giám Mục chiếu trên TV), việc làm của giáo dân là vi phạm pháp luật, và công an không đánh đập giáo dân... Khi treo biểu ngữ nói ‘công an Quảng Bình đánh đập giáo dân’ thì có nghĩa là lên án nhà nước và chính phủ sai trái, bởi vì công an được nhà nước chỉ đạo. Và họ yêu cầu giáo xứ phải tháo băng rôn xuống. Có ý kiến khác cho rằng sự việc xảy ra ở Quảng Bình, không liên quan gì đến chúng ta ở đây, địa phương ở đây rất tốt với tôn giáo, vậy giáo xứ không được làm như thế mà gây mất đoàn kết lương giáo”.
Tôi trả lời họ rằng: “Chúng tôi chỉ thấy dấu và chữ ký của Đức Cha, chứ nội dung thì không thấy chiếu lên TV. Hơn nữa, năm 2005 thì giáo phận Vinh mới tiếp nhận giáo xứ Tam Tòa, trong khi đó năm 1997 chính quyền đã quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích chiến tranh mà không thông qua Tòa Giám Mục Huế, là chủ sở hữu.
“Chúng tôi chỉ nói ‘công an Quảng Bình đánh đập giáo dân’ chứ không nói nhà nước, còn các ông hiểu thế nào là tùy các ông. Các giáo xứ khác còn treo những băng rôn với lời lẽ mạnh hơn nữa! Đạo chúng tôi là đạo hiệp thông và hiệp nhất, cho nên việc đánh đập giáo dân là xúc phạm đến chúng tôi, chúng tôi rất muốn tập trung người đi vô Tam Tòa.
“Việc tháo băng rôn xuống thì không thể được, vì theo như cha quản xứ chúng tôi nói là sẽ treo cho đến khi vụ việc trong Tam Tòa giải quyết ổn thỏa. Nói rằng địa phương ở đây rất tốt với tôn giáo, thì sao các ông lại mời tôi lên đây làm gì? Ngày Chúa nhật vừa rồi chúng tôi đi dự lễ ở nhà thờ Cầu Rầm, có tất cả 5 giáo xứ trong 3 huyện. Sau thánh lễ, chúng tôi tuần hành qua quảng trường Hồ Chí Minh, qua tỉnh ủy, công an tỉnh, rồi đi về cầu nguyện ở giáo xứ Yên Đại, mà không thấy chính quyền phản đối gì cả. Về việc xây dựng cơ sở vật chất: chúng tôi chuyển nhà trường cũ về phía sau nhà thờ, làm các công trình phụ như nhà vệ sinh, phòng để đồ, để xe. Chả lẽ làm nhà vệ sinh mà phải xin phép sao?"
Giảng trong thánh lễ, cha Phạm Quang Long đề cập đến những đói khát của con người. Người ta phải đương đầu với nhiều cơn khát: khát được tôn trọng, khát lời động viên, khát hy vọng, khát niềm tin, đói công lý, đói sự thật, và sau cùng là đói khát Thiên Chúa.
Nói về khát vọng công lý và sự thật, cha Long nhấn mạnh: “Chúng ta sống trong một điều kiện thông tin bị bưng bít thế nào đó, mà chúng ta không thể tiếp cận với thực tại khách quan. Cả nước có khoảng 700 tờ báo thì chỉ có một tổng biên tập. Nếu anh chị em đọc 10 tờ báo thì cũng thấy viết hoàn toàn như nhau, chỉ khác tác giả mà thôi.
“Thông tin ở trên các phương tiện truyền thông đã được chỉ đạo và đổi trắng thay đen. Điển hình là vụ Thái Hà và Tam Tòa, đến nỗi Tòa Giám Mục phải ra thông báo rằng ‘Thông tin về Tam trên báo đài nhà nước và của Quảng Bình là không đúng sự thật’. Giáo dân ở Thái Hà, ở An Bằng, ở Sơn La và nhất là ở Tam Tòa bị đối xử bất công và bị đàn áp. Tại sao nhà thờ của mình, đất của mình mà mình đến đó thì bị kết án là vi phạm pháp luật?”
Và ngài kết thúc bài giảng bằng lời kình của mẹ Teresa Calcutta:
“Lạy Chúa Giêsu,
Xin hãy giải thoát con,
Khỏi ham muốn được yêu,
Khỏi ham muốn được ca tụng,
Khỏi ham muốn được vinh danh,
Khỏi ham muốn được ca ngợi,
Khỏi ham muốn được yêu thích hơn,
Khỏi ham muốn được bàn hỏi,
Khỏi ham muốn được chấp thuận,
Khỏi ham muốn được nhiều người biết tới,
Khỏi lo sợ bị hạ nhục,
Khỏi lo sợ bị khinh khi,
Khỏi lo sợ bị khiển trách,
Khỏi lo sợ bị vu khống,
Khỏi lo sợ bị quên lãng,
Khỏi lo sợ bị đối xử bất công,
Khỏi lo sợ bị diễu cợt,
Khỏi lo sợ bị nghi ngờ.”Sau thánh lễ là đến mục thắp nến cầu nguyện. Có 4 lời nguyện do cha chủ sự xướng lên:
- Cầu cho các linh mục và giáo dân bị Tam Tòa bị bách hại, xin Chúa nâng đỡ và đổ tràn Thần Khí giúp họ sống kiên nhẫn và yêu thương và luôn luôn xử sự như những chứng nhân địch thực của Tin Mừng.
- Cầu cho Đức Giám mục Phaolo, các linh mục và toàn thể giáo dân trong giáo phận hiệp nhất với nhau, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.
- Cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia và nhà cầm quyền Quảng Bình biết nhận ra sự thật, biết xây dựng hòa bình và tôn trọng tự do tôn giáo.
- Cầu cho hòa bình và công lý được hiển hiện trên quê hương đất nước Việt Nam, để mọi người được hưởng một nên hòa bình đích thực.
Giữa các lời nguyện, cộng đoàn lặp lại điệp khúc “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, cho Việt Nam qua phút nguy nan.” Bài hát này được cha xứ Mỹ Dụ giải thích rằng: cho dù ngày nay chúng ta không có chiến tranh, nhưng máu của các linh mục và giáo dân đã đổ ra tại Tam Tòa, và vẫn còn đó đấu tranh tâm lý, đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Ánh nến lung linh cùng với lời kinh tha thiết làm xúc động lòng người.
Tuyên Nguyễn
Giáo xứ Cồn Cả và Giáo xứ Vĩnh Giang dâng lễ cầu nguyện cho các nạn nhân Tam Toà
VietCatholic News (02 Aug 2009 16:03)
VINH - Sáng nay ngày 02 tháng 08 năm 2009: Đúng 7h sáng, gần 6 ngàn giáo dân hai giáo xứ Cồn Cả và Vĩnh Giang tập trung về nhà thờ giáo họ Đập Đanh (xứ Cồn Cả) để hiệp ý cùng với 177 giáo xứ trong Giáo Phận dâng lễ cầu nguyện cho các nạn nhân Tam Toà.
Xem hình ảnhTrước thánh lễ Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính nhắc lại cho giáo dân biết những sự thật về vụ Tam Toà: Lịch sử Giáo xứ Tam Toà, biển cố ngày 20 tháng 07 vừa qua, những thông cáo của Toà Giám Mục Giáo Phận Vinh, đặc biệt là các giáo dân và linh mục bị bọn côn đồ đánh trước sự bảo kê của công an …Cha xứ cũng cho biết Ngài đã trực tiếp thăm Cha Nguyễn Thế Bính đang nằm dưỡng thương tại bệnh viện Đa khoa Toà Giám Mục.
Sau đó, toàn thể giáo dân hướng về Đức Mẹ với những lời kêu cầu tha thiết qua bài hát được tải trừ trên trang Wed dcctvn.net xuống để cầu cho Giáo Phận và cho Tam Toà, với nội dung như sau:
Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, con xin dâng Giáo Phận cho Mẹ. Ôi ! Mẹ Maria ! Ôi ! Mẹ, Mẹ Giáo Phận Vinh, xin dâng Mẹ đoàn chiên xứ Tam Toà.
Xin Mẹ luôn giữ gìn qua cơn nguy khốn, cho đoàn con vững lòng tin tưởng trong cậy. Xin Mẹ ban sức mạnh đức tin kiên vững, ban bình an và ban ý chí kiên cường.
Cho đoàn con Giáo Phận luôn luôn hiệp nhất trong tình yêu Chúa là Thiên Chúa nhân từ, cho đoàn con Giáo Phận hiên ngang theo Chúa để ngày mai được vui hưởng phúc thiên đàng.
3. Xin Mẹ thương những người ra tay bắt bớ biết nhận ra đâu là công lý, sự thật, cho Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, xây dựng nên Việt Nam đất nước thanh bình.
Qua Mẹ tới Chúa. Kết thúc bài hát dâng lên Mẹ, đoàn rước nhập lễ bắt đầu. Mọi người hướng tâm hồn lên Chúa với tâm tình sốt sáng.
Bài chia sẻ hôm nay, Cha Quản xứ đề cập đến những vấn đề sau đây:
- Nêu lên những bất công của xã hội thời Chúa Giêsu cũng như nhiều bất công trong xã hội ngày hôm nay, nhất là sự đàn áp, bắt bớ đánh đập các giáo dân và linh mục tại Quảng Bình.
- Mẫu gương lãnh đạo của Thầy Giêsu: Khi dân chúng đói của ăn vật chất, Ngài đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho họ ăn no. Khi dân chúng đói khát tinh thần, Ngài đã cho họ ăn Lời của Ngài. Đặt biệt, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh bị nghiền nát để cho dân chúng được ăn. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết đi để cho đoàn chiên được sống và sống dòi dào.
- Mẫu gương hy sinh theo gương Thầy Giêsu của Cha Phaolô Nguyễn Đình Phú và Phêrô Nguyễn Thế Bính.
- Lịch sử Giáo hội Công giáo dầu có bị bắt bớ nhưng vẫn luôn tồn tại và phát triển vì: Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các kitô hữu.
- Kêu gọi giáo dân hiệp thông trong cầu nguyện và giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần đối với những người bị bắt bớ đánh đập nhất là mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ đối với các nạn nhân Tam Toà.
Cuối bài giảng, Cha quản xứ nhắc nhở giáo dân phải sống đạo tốt, tin tưởng cậy trông vào Chúa thì chúng ta không còn lo sợ gì dầu bị bắt bớ, đánh đập vì Chúa Giêsu đã nói: người ta chỉ giết được phần xác chứ không giết được linh hồn; người ta chỉ giết được phần xác, chứ không thể giết được phần hồn, không thể giết được niềm tin của chúng ta.
Kết thúc thánh lễ toàn thể cộng đoàn hợp ý hát kinh hoà bình của Thánh Phanxicô.
Mọi người ra về nhưng trong thâm tâm vẫn hướng về Tam Toà, hướng về các nạn nhân và các linh mục bị đánh đập và bắt bớ để tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân cũng như cho “những người ra tay bắt bớ biết nhận ra đâu là công lý, sự thật, cho Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, xây dựng nên Việt Nam đất nước thanh bình”.
PV Cồn Cả
Giáo xứ Phú Vinh thuộc giáo phận Vinh thắp nến cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa
VietCatholic News (02 Aug 2009 16:01)
VINH - Hưởng ứng lời mời gọi tha thiết của Bề trên Giáo phận là hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa, chúng con, giáo xứ Phú Vinh tổ chức đêm cầu nguyện cho các linh mục, anh em giáo xứ Tam Tòa bị CA Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn.
Xem hình ảnhVào lúc 7h 45 tối ngày 01/8/2009, cuộc rước nến bắt đầu khởi hành từ các giáo họ của mình. Giáo họ Phú Vinh và Làng Vườn lại xuất phát cuộc rước từ nhà thờ xứ ra cầu Kênh Vách Bắc để tiếp nối với đoàn rước của bốn giáo họ: Phú Tăng, Gia Mỹ, Thọ Vực và Dạ Sơn. Các giáo họ tiếp nối đôi nhau làm thành hai hàng dài hơn 2km. Đoàn rước cứ từ tiến bước về trung tâm xứ đường trong tiếng hát, lời kinh hòa lẫn những ánh nến lung linh. Những ai chứng kiến cuộc rước đều thốt lên rằng: Đoàn rước đông thế, dài thế mà vẫn trang nghiêm, sốt sắng!
Khi đoàn rước đã tiến về đông đủ trước tượng đài Đức Mẹ, Cha quản xứ, các thầy, các xơ và đại diện các ban ngành trong xứ lần lượt lên cắm ngọn nến của mình vào Thánh giá lớn đã làm sẵn. Và thế là đêm cầu nguyện cho Công lý, sự thật và hòa bình được ngự trị trên đất Tam Tòa bắt đầu.
Trong biển nến lung linh sáng, mọi người tham dự sốt sắng cất cao lời kinh tiếng hát xen lẫn với những lời nguyện tha thiết và cảm động dâng lên Chúa, khấn xin Ngài dủ lòng thương các linh mục, những giáo dân Tam Tòa bị CA Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn. Xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các Đấng bậc trong Giáo phận để các ngài lãnh đạo dân Chúa trong lúc gặp khó khăn, thử thách này. Xin Chúa soi lòng mở trí để các nhà cầm quyền CSVN biết tôn trọng công lý, sự thật, sự tự do và hòa bình để hết mọi người trong đất nước Việt Nam được sống trong an vui và hạnh phúc.
Đêm cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa đã khép lại với nhiều cảm động. Cảm động vì tình liên đới, tình hiệp thông của bà con giáo dân đối với anh chị em Tam Tòa đang bị bách hại. Cảm động vì tính đoàn kết một lòng một ý trong lúc Giáo phận gặp cảnh đau thương. Cảm động vì Đức tin của giáo dân được thể hiện cách mạnh mẽ trong biến cố đau thương này…Với những việc làm dù nhỏ bé của Cha quản xứ, các ban ngành và bà con giáo xứ mong được Chúa thương chấp nhận.
PV Phú Vinh
Giáo dân Xã Đoài xuống đường tuần hành và cầu nguyện cho Tam Tòa
VietCatholic News (02 Aug 2009 15:56)
NGHỆ AN- Sáng nay, chúa nhật 2/8, từ khoảng 8000 giáo dân Xã Đoài đã xuống đường tuần hành và cầu nguyện cho Tam Toà.
Xem hình ảnhCác giáo họ Tân Yên, Trung hậu, Ngọc Thành, Bùi Chu, cách xa nhà thờ Xã Đoài 2 km, đã chỉnh tế hàng ngũ, cờ biển rợp trời xuống đường tiến về nhà thờ Xã Đoài từ lúc 5 h 30.
Các đoàn mang theo cờ Hội Thánh và các biểu ngữ kêu gọi cầu nguyện cho Tam Toà. mọi người gặp nhau ở ngã tư Xã Đoài rồi tất cả cùng tiến về nhà thờ Xã Đoài, cách đó 1 km để cùng tham dự thánh lễ.
Đoàn tuần hành diễn ra trật tự, nghiêm trang, không gặp bất cứ một trở ngại nào. Nhiều người hai bên đường cũng hiệp thông với các nguyện vọng của giáo dân Xã Đoài.
Thánh lễ do cha Antôn Phạm Đình Phùng- Thư ký-Chánh Văn phòng TGM chủ tế. Ngài mời gọi cộng đoàn tích cực hiệp thông với những gian nan, thử thách, đau khổ mà chính quyền đanh đổ lên đầu giáo xứ Tam Toà.
Cuộc tuần hành và cầu nguyện này diễn ra trong chương trình hiệp thông của toàn thể giáo phận Vinh. Được biết sáng nay 118 giáo xứ của giáo phận cũng tuần hành và/hoặc cầu nguyện như vậy.
Một giáo dân cho biết, sắp tới, sẽ có những chương trình hiệp thông rộng lớn và mạnh mẽ hơn để chia sẻ những bất công và đau khổ mà giáo dân Tam Toà đang phải gánh chịu
No comments:
Post a Comment