Cái Chết Của Anh Toma Nguyễn Năm – Giáo Xứ Cồn Dầu
Tháng Bảy 11, 2010
“…Họ bắt anh quỳ xuống, đạp đầu anh xuống đám đất bùn đến gần như ngộp thở. Vì tay bị còng ngoặc ra sau lưng, không thể đỡ đòn, nên những cú đá, cú đấm đều trúng vào những chổ hiểm trước ngực, trên mặt và hai thái dương….”
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Năm (còn được gọi là Nguyễn Thành Năm) ngày 3 tháng 7 tại giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng. Chính quyền thì lấp liếm bảo là anh bị đột quỵ hoặc nhịn ăn mà chết. Gia đình anh và giáo dân Cồn Dầu biết rất rỏ lý do tại sao anh chết nhưng không ai dám nói ra vì tai ương đang chờ đón bất cứ ai nói lên sự thật khi chính quyền đã ra lệnh phải tuyệt đối bảo mật trong cái chết đau đớn này.
Anh Năm là một giáo dân 43 tuổi, khỏe mạnh, nhiệt thành với việc đạo, việc đời. Anh đã tình nguyện tham gia đội trợ tang để lo việc tẩm liệm và đẩy xe tang trong đám tang của bà cụ Hồ Nhu hôm mồng 4 tháng 5, 2010, khi chính quyền ra tay đàn áp dã man giáo dân Cồn Dầu. Hôm ấy trong lúc hổn lọan, anh bị công an đánh một dùi cui vào đầu chảy máu và sưng vù (có video đính kèm) nhưng anh may mắn thoát được vòng vây. Sau ngày đẫm máu ấy, anh bị gọi lên công an nhiều lần để thẩm vấn và điều tra về vai trò của anh trong đám tang, cũng như buộc anh phải nhận tội đánh lại công an và tố cáo những giáo dân khác. Lần nào anh cũng bị đánh đập tàn nhẫn. Đến nỗi anh đã nhiều lần trăn trối với vợ con rằng nếu cứ tiếp tục chắc anh không sống nổi. Hai lần cuối cùng anh quyết định lẩn trốn không lên trình diện.
Tối thứ năm, mồng 1 tháng 7, mười giờ đêm nghe tiếng chó sủa và tiếng người lạ trước cổng, biết công an đang đến, anh lẻn trốn ra ngả sau lần mò leo lên gác nhà một người quen ở làng Trung Lương bên cạnh. Một người trong gia đình này đã gọi điện thoại báo cho du kích. Một du kích ở thôn Cẩm Chánh tên là Huyệt (còn gọi là Huyệt Đề) đã lập tức dẫn một số đồng bọn đến vây bắt anh. Anh bỏ chạy, nhưng bị bắt, bị còng tay và trận đòn thù bắt đầu. Họ bắt anh quỳ xuống, đạp đầu anh xuống đám đất bùn đến gần như ngộp thở. Vì tay bị còng ngoặc ra sau lưng, không thể đỡ đòn, nên những cú đá, cú đấm đều trúng vào những chổ hiểm trước ngực, trên mặt và hai thái dương. Vợ anh nghe tin chạy xuống năn nỉ, khóc lóc và quỳ lạy xin tha cho anh, nhưng họ bảo phải chờ công an huyện đến giải quyết. Quá nửa đêm, công an huyện đến, sau một hồi hỏi tội và đánh cho anh một trận nữa, thấy anh bầm dập quá, 3 giờ sáng họ đồng ý thả anh về để ngày mai lên trình diện. Vợ con anh đưa anh về nhà. Biết không thể qua khỏi, anh trăn trối con cái lại cho vợ. Trưa ngày thứ bảy, anh qua nhà mẹ anh bên cạnh, và tại đây anh nôn ra toàn máu và bùn đất cùng với cỏ dại. Anh đã tắt thở lúc 1 giờ chiều ngày 3 tháng 7, trong tay người mẹ già 83 tuổi, để lại vợ và 3 đứa con.
Ngay khi nghe tin anh Năm mất, chính quyền đã huy động rất đông công an canh giữ nghiêm ngặt xác anh, chung quanh tang gia và mọi ngã đường trong giáo xứ Cồn Dầu, không cho tập trung viếng xác, cầu nguyện như thói quen giáo xứ vẫn làm cho người mới qua đời. Chính quyền yêu cầu khám nghiệm tử thi, nhưng tang gia xin cho anh được chết bình yên vì thân xác anh đã tan nát quá rồi. Họ yêu cầu liêm xác anh trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Không ai được quay phim chụp hình hoặc báo tin về cái chết của anh cũng như lý do cho bất cứ ai. Một số bà con giáo dân đã lạnh người khi nhìn thấy những vết thương tím bầm trên bụng, trên ngực, trên hai thái dương anh, lúc họ thay quần áo để tẩm liệm cho anh. Da thịt từ khuỷ tay xuống đến cổ tay anh đều trầy trụa và rướm máu vì bị lôi đi đang lúc bị còng. Máu vẫn tiếp tục trào ra hai lỗ tai và miệng mũi anh khi đặt anh vào áo quan.
Đám tang anh được tổ chức vào ngày thứ ba, mồng 6 tháng 7, năm 2010. Nghĩa địa của giáo xứ ở Cồn Dầu đã bị cấm, nên anh được đưa đi chôn cất tại nghĩa địa mới ở một xã miền núi (Hòa Sơn), cách Cồn Dầu 30 cây số. Đưa tiển anh chỉ có một số bà con ruột thịt (được cho phép) và rất đông công an chìm nổi đi theo áp tải đề phòng bất trắc. Còn nổi đau nào xót xa hơn cảnh tre khóc măng của người mẹ già bên mộ phần đứa con chết thảm. Mới hai tháng trước đây, anh chỉ vì tiển đưa một một người đồng đạo đến nơi an nghỉ cuối cùng mà bị vu oan giáng họa. Nay anh nằm đó, một mình giữa đất trời xa lạ. Làng quê anh, người ta chuẩn bị san bằng để làm khu du lịch. Xứ đạo anh tan nát sau cái ngày tháng năm hoa máu ấy. Đồng đạo của anh, kẻ bị cầm tù, người bị kêu lên kêu xuống công an để điều tra, theo dỏi. Tám giáo dân vẫn còn bị giam giữ từ ngày ấy, thân nhân chưa một lần gặp mặt, không biết còn sống hay đã chết rũ tù với những trận đòn bức cung như anh vừa hứng chịu. Không ai gióng lên được một tiếng chuông để đòi cho họ được một chút công lý. Vì họ chỉ là những nông dân, thanh niên thấp cổ bé miệng như anh.
Xin thắp một nén hương cho người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang….
Tôma Nguyễn Năm: Chết vì chấn thương ngực, bụng và sọ não?
Monday, July 12, 2010
Ðám tang anh Tôma Nguyễn Năm được tổ chức vào ngày Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010 và chôn cất tại nghĩa địa mới ở một xã miền núi (Hòa Sơn), cách Cồn Dầu 30 cây số. “Ðưa tiễn anh chỉ có một số bà con ruột thịt (được cho phép) và rất đông công an chìm nổi đi theo áp tải đề phòng bất trắc.”
Một người dân Cồn Dầu (http://www.chuacuuthe.com/?p=5884) khi chứng kiến lúc khâm liệm anh Tôma Nguyễn Năm, đã mô tả:
“Bà con giáo dân đã lạnh người khi nhìn thấy những vết thương tím bầm trên bụng, trên ngực, trên hai thái dương anh, lúc họ thay quần áo để tẩn liệm cho anh. Da thịt từ khuỷu tay xuống đến cổ tay anh đều trầy trụa và rướm máu vì bị lôi đi đang lúc bị còng. Máu vẫn tiếp tục trào ra hai lỗ tai và miệng mũi anh khi đặt anh vào áo quan.”
Trần Hữu Ðức, nhân viên Ðội Quản Lý Trật Tự Du Lịch Biển ở thành phố Ðà Nẵng, đã bị đánh nứt sọ, máu chảy ra ở lỗ tai đang được thân nhân săn sóc ở bệnh viện. (Hình: Dân Trí)
Tất nhiên, nhà cầm quyền Ðà Nẵng “họ yêu cầu liệm xác anh trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Không ai được quay phim chụp hình hoặc báo tin về cái chết của anh cũng như lý do cho bất cứ ai,” theo bản tin của Dòng Chúa Cứu Thế.
Ông Ngô Khôi, trưởng Ban Tôn Giáo thành phố Ðà Nẵng nói với đài BBC trong cuộc phỏng vấn phát thanh ngày 7 tháng 7, 2010 là ông Năm chết vì bị “đột quị.” Anh Năm trở về nhà sau nhiều ngày bị công an giam giữ, thẩm vấn, với rất nhiều vết tích bầm giập khắp thân thể, chết lúc 1 giờ 30 chiều ngày Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010. Anh là một trong những người trong ban trợ tang giáo xứ Cồn Dầu, góp phần chôn cất cụ bà Maria Ðặng Thị Tân ngày 4 tháng 5, 2010 vừa qua. Gia đình cụ bà Tân làm theo ý nguyện của cụ là chôn cất cụ tại nghĩa trang của giáo xứ, nơi nhà cầm quyền thành phố Ðà nẵng cưỡng chế đất. Ngoài 6 giáo dân đang bị giam giữ điều tra, không ai được gặp mặt, từ đó anh Năm cũng đã bị công an bắt điều tra.
Bất cứ ai có một chút kiến thức về y khoa cũng đều biết rằng:
Ðối với cách chấn thương nặng vùng ngực do bị vật tày tác động với lực mạnh sẽ làm tràn máu màng phổi nhiều, tràn khí màng phổi áp lực dương, lắc lư trung thất, chèn ép tim, chấn thương cơ tim, dập phổi, vỡ động mạch chủ, vỡ thực quản, tổn thương khí phế quản, vỡ cơ hoành... đe dọa mạng sống nạn nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Dấu hiệu lâm sàng thể hiện bên ngoài là nạn nhân khạc ra máu, đau ngực, khó thở.
Chấn thương bụng kín gây chảy máu trong do gan, lách, thận hay tạng sau phúc mạc bị tổn thương. Nhìn vị trí tổn thương bên ngoài có thể đoán được khả năng tổn thương bên trong. Ví dụ: Chấn thương ở hạ sườn phải hoặc trái nghĩ đến tổn thương gan hoặc lách. Chấn thương vùng lưng, hông gợi ý đến tổn thương thận... Dấu hiệu lâm sàng thể hiện bên ngoài của chấn thương bụng là nạn nhân có triệu chứng ói (nôn) ra máu hoặc tiểu ra máu.
Theo TS. BS. Lâm Việt Trung (bệnh viện Chợ Rẫy), các chấn thương bụng thường gặp là: Vỡ lách, vỡ gan, vỡ ruột non, đại tràng, dạ dày, vết thương thấu bụng, vết thương hậu môn, tầng sinh môn. Một trong những dấu hiệu lâm sàng để nhận biết nạn nhân bị chấn thương vỡ nội tạng là nôn ra máu.
Vào ngày 23 tháng 6, 2009, cũng tại thành phố Ðà Nẵng, anh Trần Hữu Ðức - nhân viên Ðội Quản Lý Trật Tự Du Lịch Biển, thấy một nhóm thanh niên đang chơi bóng ở khu vực cấm trên bãi biển Phạm Văn Ðồng, anh Ðức đến nhắc nhở thì liền bị một thanh niên rút đòn tre đập vào đầu (http://dantri.com.vn/c25/s20-333210/danh-nguoi-nut-hop-so-vi-bi-cam-da-bong.htm). Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bá, trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, bệnh viện Ðà Nẵng, cho biết: kết quả chụp CT cho thấy anh Ðức bị nứt xương sọ vùng chẩm, xuất hiện máu chảy ra ở lỗ tai...
Theo giáo trình điện tử Tai Mũi Họng (Bài 6), chảy máu lỗ tai là dấu hiệu thường kèm theo chấn thương sọ não. “Sau khi bị tai nạn, bệnh nhân đau nhói trong tai, ù tai tiếng trầm và nghe kém kiểu truyền âm. Chảy máu tai tùy mức độ chấn thương; có thể chảy rất nhiều trong chấn thương vỡ xương đá, nhưng cũng có thể không chảy hoặc chảy rất ít trong các chấn thương trực tiếp khác.”
Trang Y Học Quân Y mô tả: “Xương đá nằm sâu trong họp sọ nên thường là chấn thương kín, nhưng có thể thông với bên ngoài qua hòm nhĩ.” Nguyên nhân gây vỡ xương đá là: Do bị ngã, tai nạn xe, tai nạn lao động, bị giập đầu vào tường, máy... hay do bị đánh bằng vật cứng vào vùng chẩm, thái dương, có khi kèm theo vỡ họp sọ. Triệu chứng biểu hiện bên ngoài cho thấy nạn nhân bị chảy máu tai (máu rỉ hoặc đọng ở ống tai ngoài, máu màu đỏ, đông thành cục gặp trong vỡ dọc).
Ts.Bs. Ðồng Văn Hệ (Bệnh viện Việt Ðức -http://www.vietduchospital.edu.vn/news_detail.asp?ID=2&CID=2&IDN=5947) khẳng định một trong những dấu hiệu để nhận biết chấn thương sọ não là: “Nạn nhân có tụ máu hay bầm giập da đầu. Chảy máu tai, máu mũi.”
Giáo trình của Hội Gây Mê Hồi Sức Việt Nam cũng khẳng định: “Chảy máu mũi, chảy máu tai” là dấu hiệu của chấn thương sọ não.
Một người đàn ông “43 tuổi, khỏe mạnh, nhiệt thành với việc đạo, việc đời” thì không thể tự mình đi ăn bùn với cỏ để phải liên tục nôn ra, càng không thể tự nhiên lăn đùng ra mà chết được. Dù không khám nghiệm tử thi, căn cứ vào những dấu vết để lại trên tử thi, những triệu chứng lâm sàng bên ngoài, người ta có quyền nghi ngờ nguyên nhân tử vong chính là do chấn thương nặng vùng ngực, bụng và chấn thương sọ não.
Việc báo chí trong nước thông tin người nhà anh Tôma Nguyễn Năm đã từ chối khám nghiệm tử thi làm cho người biết chuyện không khỏi bất ngờ và liên hệ ngay tới vụ án “Hiệu trưởng mua dâm” ở Hà Giang tuần qua cũng đã có diễn biến tương tự là hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hằng bất ngờ có đơn từ chối luật sư.
Theo VTC News (http://vtc.vn/2-253594/xa-hoi/uan-khuc-nu-sinh-vu-hieu-truong-mua-giam-tu-choi-luat-su.htm), luật sư bào chữa cho Thúy và Hằng và người nhà của bị cáo cũng liên tục nhận được những lời đề nghị “khiếm nhã” để mua chuộc. Khi thấy không mua chuộc được thì chuyển sang lời lẽ đe dọa, lăng mạ bậy bạ cá nhân từ các số máy “lạ.” “Hầu hết các cuộc điện thoại ‘khủng bố’ đến vào lúc đêm khuya và đầu giờ sáng.”
Sau cuộc tranh giành quan tài bà cụ Hồ Nhu giữa giáo dân Cồn Dầu và nhà nước địa phương (ngày 1 tháng 5, 2010), hiện giờ 8 giáo dân Cồn Dầu vẫn còn ở trong tù mà thân nhân chưa một lần được gặp mặt, không biết tình trạng của họ thế nào.
Một blogger lên mạng viết (trích nguyên văn): Ðừng nói Cồn Dầu, thôn sát bên cạnh như Mân Quang (Hòa Quý, HV, ÐN) phôn về hỏi thăm tình hình cũng nghe: Hỏi vô ích, ai cũng biết mà không ai dám nói đâu! Nói ra rồi khó sống với NBT!? Dân Mân Quang đang bị NBT chơi trò “tự diễn biến”: Cả làng được quy hoạch là khu “đô thị mới,” dân làng được phát tờ khai ruộng vườn, nhà, hoa màu... để c/q đền bù (25 triệu VNÐ/1 sào ruộng). Có nhiều chuyện lạ ở đây:
- Giấy kê khai người dân chỉ được quyền điền tên và ký vào, phần còn lại c/q lo (Giống kiểu đánh cho nhận tội, nhận tội rồi cũng bị đánh vì... có tội).
-Một số người không có ruộng, mướn ruộng sản xuất, nay c/q cho họ được hưởng quyền chủ sở hữu 1 phần ruộng, phần còn lại cán bộ c/q lấy chứ không phải chủ ruộng (được hưởng tiền đền bù từ trên trời rơi xuống).
Họ trở thành “quần chúng tự phát” bất đắc dĩ “đánh nhau” với người chủ cho mướn ruộng bị mất ruộng - thường là bà con thân thuộc trong họ - tạo ra cảnh nồi da nấu thịt. Còn chính quyền vô can, đứng ngoài vỗ tay: “Mâu thuẫn cá nhân, chúng tôi không giải quyết!” Hiện giờ trong làng, không khí nghi kỵ, thù hằn đang bao trùm. Bà con trong họ mà nhìn nhau như kẻ thù. Ngay cả “qctp” bất đắt dĩ cũng nghi lẫn nhau: Người này được c/q “cho” nhiều, kẻ kia ít v.v...
Hôm nay là 7 ngày kể từ ngày anh Tôma Nguyễn Năm nằm yên dưới lòng đất lạnh. Dù thời gian trôi qua bao lâu đi nữa, cái chết bất thường đầy khuất tất của anh Tôma Nguyễn Năm vẫn mãi mãi ám ảnh lương tâm những người còn sống. Xứ đạo Cồn Dầu rồi đây sẽ trở thành khu du lịch với đầy đủ mọi ngón ăn chơi sang trọng, sắc màu rực rỡ, đèn đuốc sáng choang, âm nhạc xập xình, tiền vô như nước. Nhưng liệu những du khách đến nơi này có vui vẻ để hưởng thụ hay là cảm thấy rùng mình lạnh dọc sống lưng khi biết rằng để có chỗ cho họ được “ăn chơi nhảy múa” thì mảnh đất dưới chân họ đã thấm giẫm máu và nước mắt người vô tội?
Tạ Phong Tần
ông an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010-07-04
Tin từ Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng cho hay một người dân trong đội trợ tang của Giáo xứ vừa bị công an Đà Nẵng đánh chết vào trưa thứ bảy mùng 3 tháng 7.
Quỳnh Như hỏi chuyện một vài người dân địa phương về tin này. Mời quý thính giả theo dõi…
Nạn nhân là ông Nguyễn Năm, một thành viên trong đội trợ tang của Giáo xứ Cồn Dầu, bị nhiều công an đuổi đánh và khi được đưa về nhà thì đã trối trăn rồi chết vào khoảng trưa thứ bảy mùng 3 tháng 7 này.
Ông Năm có trong số những người đã từng bị công an Cồn Dầu hành hung trong đám tang cụ Hồ Nhu. Cụ bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Tân, một giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu, được gia đình mong an táng tại Nghĩa trang Cồn Dầu, nhưng chính quyền Đà Nẵng ra lệnh cho công an ngăn cản. Gia đình cụ Nhu và người dân ấp Cồn dầu nhất quyết đem chôn ở nghĩa trang đó.
Công an Cồn Dầu bao vây ngăn chặn, đàn áp và hành hung rất dữ dội những người tham dự lễ tang của bà cụ, bắt về đồn trên 60 người, sau đó thả về nhiều người nhưng còn giữ lại 11 người. Tuy nhiên công an lại tiếp tục lùng bắt những người dự tang mà đã chống lại công an. Nhiều người bị gọi lên đồn, bị đánh đập để hỏi cung, dân ấp đều bị hăm dọa và được dặn là không được liên lạc điện thoại với nước ngoài. Nhiều số điện thoại mà chúng tôi gọi được trước đây, nay đều bị cắt, với lời tổng đài nói là tạm thời khóa hay không liên lạc được. Tuy nhiên vẫn có những người nói lên sự thật dù rất e sợ.
Hỏi chuyện người dân Cồn Dầu về sự kiện liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Năm, hầu hết đều hoang mang, sợ sệt:
"Hiện tại bây giờ theo em nghĩ, bây giờ người dân rất sợ sệt, cho nên tất cả mọi tin tức sẽ không ai nói ra hết, chắc chắn là sẽ không ai nói cho chị nghe một điều gì đâu, họ sẽ không dám nói một điều gì đâu. Bây giờ người ta theo dõi rất chặt chẽ, và theo dõi tất cả các tin từ các Đài phát cho nên họ rất sợ."
Hỏi một phụ nữ: Chị có biết việc ông Nguyễn Năm chết không?
Cô trả lời: Biết đó. Nhưng mà sợ lắm không dám nói đâu.
Một phụ nữ ở tại địa phương cho biết ông Năm bị công an gọi làm việc cách đây mấy hôm, ông bỏ trốn, nhưng đã bị tìm ra.
"À, anh này mới chết bữa hôm qua."
Quỳnh Như: Mà tại sao anh bị chết vậy chị?
Một người dân địa phương: Cũng nghe nói không thôi. Không biết mần răng mà chết, mà giở áo ra thấy ngực bị bầm, tay cũng bị bầm…(không nghe rõ)… Bữa đó có bị công an bắt, nghe nói vừa còng tay là ổng xỉu liền, rồi thả ra mà hỏng biết sao... Trước đó hai, ba bữa công an có gởi giấy mời ảnh lên làm việc mà ảnh không đi. Cho nên cuối bữa đó ảnh sợ mới trốn lên nhà họ,… bị phát hiện báo với công an…. ổng ở trên nóc nhà hay hành lang gì đó, công an xuống, vừa xiềng cái là ổng xỉu, thả ra.
Chiều qua ổng mới chết mà. Em cũng nghe qua hai, ba người họ kể rứa, nhưng mà ổng có than với gia đình ổng là kêu cái kêu chi, kiểu ni thì ổng chết chứ ổng không sống nổi. Chẳng biết mần răng…còn cái việc nhà Họ chẳng biết nữa. Ổng đi trốn ở nhà Họ, hỏng biết răng mà ổng lên nhà Họ ổng nằm. Ổng sợ cái chi hỏng biết mà ổng trốn trên nhà Họ đó – nhà Họ chứ hỏng phải nhà ổng. Cái rồi họ báo với công an. Trước đây họ gởi giấy mời ổng hai, ba lần mà ổng không đi họp…cái rồi họ xiềng ổng thì ổng xỉu liền vậy đó. Mà nghe nói cởi áo ra thấy bầm, tay cũng bầm, hỏng biết chuyện chi sao em biết được. Nghe nói Bác sĩ bảo khám tử thi thì gia đình họ không cho khám. Mà trước khi chết ổng mửa ra bùn, ra máu chi nữa. Lổ tai cũng ra máu nữa.
Người dân cũng cho biết người em họ của ông Nguyễn Năm là ông Đào, người đã từng được Công an Cồn Dầu đã mời lên làm việc cùng với ông Nguyễn Năm, đã tổ chức đám tang cho anh họ, xin giáo dân cầu nguyện cho ông Năm. Ông Đào bị công an địa phương hạch hỏi, sợ bị chung số phận như người anh họ nên ngã ra bất tỉnh và được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu, hiện chưa rõ sức khỏe ra sao.
Công an tấn công xe tang, cướp quan tài ở Cồn Dầu
RFA 04.05.2010
Lúc 1 giờ trưa thứ ba đoàn xe tang chở người an táng ở nghĩa trang Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng đã bị công an và cảnh sát cơ động tấn công, cướp quan tài.
Nguồn tin đáng tin cậy từ trong nước loan tin này, cho biết thêm mọi người đưa đám cụ bà Hồ Nhu đều bị đánh đập nặng nề, quan tài đã bị công an đưa đi, có thể để phải chôn cất tại một nghĩa trang khác do Nhà nước chỉ định.
Nguồn tin cho hay lúc trưa thứ ba có tới 62 người bị thương nằm la liệt tại hiện trường. Hiện giờ, tối và đêm thứ ba, các lực lượng an ninh đang tiếp tục lùng bắt những người bị nghi là sách động đòi hỏi an táng người quá cố tại nghĩa trang xứ đạo Cồn Dầu, thuộc khu vực Nhà nước muốn giải toả nhưng gặp sự chống đối của người dân địa phương. Một số người đã bị đánh đập và bắt đi.
No comments:
Post a Comment