21. Lê Thị Huệ: Suốt đời ông làm việc và đụng chạm với người Tây Phương, ông có thể cho biết đâu là cách ứng xử hay nhất của người Việt Nam đối với Tây Phương ?
Võ Văn Ái : Cách ứng xử hay nhất là đối thoại, trao đổi và học tập. Khiêm cung học tập. Làm được ba việc này cần sự chân thành, cầu thị và phục thiện. Nhưng trước hết mình phải là mình thì mới không rơi vào sự vay mượn, bắt chước, đóng tuồng. Mình phải là mình trong kiến thức Đông phương và hiểu biết Tây phương. Cơ bản của cách ứng xử là đồng hòa. Không là đồng hóa hay bị đồng hóa.
22. Lê Thị Huệ: Tôi rất qúi trọng thái độ tự tin và dấn thân của con người trí thức Võ Văn Ái trên các diễn đàn quốc tế. Nhân đây tôi muốn kính trao tặng ông một đóa hồng ngưỡng mộ. Nếu có thể nói với những trí thức trẻ Việt Nam về việc làm thế nào để có được một thái độ tự tin khi ra giữa đấu trường quốc tế, ông sẽ nói cho họ những điều gì
Võ Văn Ái : Nguy cơ đất nước ta ngày nay là người Cộng sản tiêu diệt thế hệ chuyển tiếp. Chúng ta đang mất thế hệ chuyển tiếp. Thường khi tre già măng mọc như tục ngữ ví von. Thế hệ già qua đời, thế hệ trẻ tiếp nối. Tiếp nối bằng cái học và kinh nghiệm của lớp trước. Nhưng chủ nghĩa và chế độ Cộng sản làm băng hoại văn hóa và xã hội Việt Nam. Nhiều năm qua có số người ảo tượng rằng “lớp già ngu muội cộng sản chết đi, lớp trẻ sẽ khá hơn”.
Thế nhưng vấn đề là chủ nghĩa cộng sản tha hóa con người đang ngự trị. Bao lâu chủ nghĩa ấy còn, con người mới không thể xuất hiện. Một nhà báo Mỹ của tờ Time sau khi viếng Việt Nam nhận ra nền Văn hóa Vị kỷ manh nha trong nước, mà ông gọi là Me Culture. Cái nhà của tôi… việc làm của tôi… xe con của tôi… Tôi, tôi, tôi… cái gì cũng tôi đến đánh mất xóm giềng, đất nước, tiền đồ dân tộc. Một xã hội sống trong sợ hãi chỉ đẻ ra chủ nghĩa Kim tiền, chụp giật và chạy gạo. Còn thần trí đâu lo chuyện quê hương, xứ sở ?
Thế hệ trẻ ngày nay sống trong sợ hãi và làm tiền. Ai đây lo kế tục chuyện nước ? Tôi nói ta mất một thế hệ chuyển tiếp là như vậy. Nguy lắm. Hiển nhiên mấy ông già chết đi, người trẻ sẽ tiếp thay. Nhưng chúng sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, nhưng không phục vụ dân đen.
Chị bảo tôi “nói với những trí thức trẻ Việt Nam” là kẹt đấy. Kẹt vì Cộng sản bắt người ta học tập hoài. Mình có nói gì chẳng ai nghe, chẳng ai tin đâu, dù nói nhỏ nhẹ, nói theo ý hướng nào. Gần đây tôi có đọc một tài liệu mật của đảng Cộng sản chỉ thị các phương thức đàn áp giới trẻ và sinh viên. Chúng ta cần suy nghĩ mấy câu bất hủ sau đây :
“Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ. Nếu không thể làm cho người dân yêu mến thì cũng phải tuyệt đối duy trì nỗi sợ hãi để họ không bao giờ có đủ ý chí mà nổi loạn.
“Phải giữ cho cái gọi là: “phong trào dân chủ đối lập” không thể trở thành phong trào đúng nghĩa, không thể bén rễ và lan rộng. Phải làm sao để nó chỉ là hoạt động manh mún, rời rạc, tự phát của các cá nhân đơn lẻ; làm cho có nhiều “lãnh tụ” mà ít hoặc không có quần chúng; có nhiều “nhân sĩ trí thức” mà ít hoặc không có một tổ chức nào có thực lực; có nhiêù những hoạt động lãng mạn hời hợi có tính phô trương – mà người dân có biết đến cũng chỉ mỉm cười ý nhị - chứ ít hoặc khộng có những hoạt động thiết thực có tầm mức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội; [làm cho] có thật nhiều những hoạt động “chống cộng cực đoan” có tính chất phá hoại từ bên trong, gây phản cảm đối với người dân lao động, thậm chí làm cho những gia đình cách mạng và đội ngũ cựu chiến binh phẫn nộ…
“Phải chủ động trong việc nâng cao dân trí để làm bàn đạp mà phát triển kinh tế, nhưng lại phải lèo lái “dân trí cao” không đồng nghĩa với “ý thức dân chủ cao”.
“Phải làm sao cho giáo dục bậc đại học được cải thiện nhưng (…) khao khát tiền bạc và công danh, mạo hiểm và sáng tạo trong kinh doanh, cầu tiến trong sự nghiệp riêng, tôn thờ Bill Gates và chủ nghĩa tiêu thụ - nhưng đồng thời cũng tuyệt đối thờ ơ với những lý tưởng và hoài bão cải biến xã hội, xa lạ với những tư tưởng trừu tượng viễn vông, tìm kiếm những giải pháp cá nhân thay cho ý thức công dân, và đặc biệt là tránh xa âm mưu thay đổi chế độ. (…) Làm sao để trong mỗi tổ chức dân sự đều có chân rết của ta. Các tổ chưc trung gian như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội phụ nữ, các Hội cựu chiến binh, các Câu lạc bộ hưu trí … phải phát huy vai trò tối đa trong việc trung hoà những nhân tố nguy hiểm, điều hoà những xung đột nếu có giữa nhà nước và xã hội, giảm thiểu sự bất mãn của dân chúng… Làm sao để xã hội dân sự vẫn được mở rộng nhưng theo hướng có kiểm soát của chúng ta, chứ không trở thành mối đe doạ.
“Quan trọng hơn cả là chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi – dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức – nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng. (…) Chúng ta phải biết dùng mồi để nhử, đánh vào thói tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của người đời, vừa phải làm sao để tinh thần thực dụng và chủ nghĩa mánh mung chụp giật trở thành bản tính của dân tộc - vốn đã rã rời về ý chí, tan vỡ về niềm tin, chán ngán các loại ý thức hệ; nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn những cái van để dân chúng có chỗ giải toả ẩn ức”.
Đáng chú ý là câu này :
“Một kết quả bất ngờ mà cũng là một kinh nghiệm quí trên mặt trận tuyên truyền nhồi sọ: việc chúng ta bắt ép sinh viên phải học tập chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những kết quả ngoài mong ước. Thành công của chúng ta không phải đã đạt được mục đích ban đầu là làm cho thế hệ trẻ tôn thờ thứ chủ nghĩa mà ngay cả chúng ta cũng không tin. Ngược lại, thành công của chúng ta là đã làm cho thế hệ trẻ chán ngán đến tận cổ khi phải học mãi một thứ ý thức hệ lỗi thời, bị nhồi nhét đến phản cảm những tư tưởng cũ kỹ. Nhờ vậy chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn với lý tưởng và hoài bão mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và ích kỷ hơn bao giờ hết”.
Nếu đâu đó còn những người trẻ ý thức muốn nghe, tôi khuyên họ tái tạo quả trứng Mẹ Âu Cơ và hãy đứng về phía Quả trứng.
Mệnh đề một là họp nhau lại “Một Trăm Người Việt” ban đầu để làm mới Nước Việt.
Mệnh đề thứ hai, tôi lập lại khẩu hiệu của nhà văn Haruki Murakami người Nhật. Murakami quan niệm con người mỏng manh như quả trứng cần được bảo vệ. Chế độ, chủ thuyết, cường quyền như bức tường ngăn chắn kiêu hãnh. Lắm khi những bất công trong đời khiến ta phẫn nộ muốn vất trứng vào tường phản đối. Trứng vất vào tường thì ăn thua gì ? Tường mãi mãi lì lợm, kiên cố. Nhưng nhân loại phải đứng về phe quả trứng ! Chớ dựa lưng vào tường.
23. Lê Thị Huệ: Có cảm tưởng một Thi Vũ nhà thơ là chính ông hơn là một nhà tranh đấu Võ Văn Ái. Bài thơ nào là bài ưng ý nhất của Thi Vũ ?
Võ Văn Ái : Tranh đấu là đụng chạm. Đụng chạm tự ái, đụng chạm ý tưởng người khác. Tất có phản ứng, chửi bới, bôi nhọ, vu hãm. Đâu đó Nerhu viết rằng đi vào chính trường là đi vào giống tố, nhưng Nerhu bỏ đạo trường đi vào chính trường chấp nhận bão giông.
Làm thơ ít đụng chạm. Người ta có chê cũng không hằn học đến phải kê dao vào cổ. Viết không đúng hay đụng chạm đến hoa, mây, trăng, chim, rừng… mình khó biết phản ứng các vị này như thế nào, mà họ có phản ứng cuồng nộ chắc cũng không đến nỗi giết mình như loài người.
Tôi cảm tưởng do phản ứng của người khác dội lên khiến cho Thi Vũ và Võ Văn Ái trở thành khác nhau. Tự thân tôi, Thi vũ hay Võ Văn Ái vẫn là một, không sai khác từ ăn, ngủ, tọa thiền, đọc sách, ngắm trăng, ngó triêu dương, nhìn hoa, tranh, hay khi giao tiếp. Ngày tôi làm tạp chí Quê Mẹ ở Paris, nhiều cô nhiều cậu viết thư chỉ muốn gặp Thi Vũ, nhưng không muốn gặp Võ Văn Ái. Trong hoạt động, thì nhiều người chỉ muốn gặp Võ Văn Ái. Nhưng sau khi gặp để dụ tôi vào đảng, mặt trận hay phong trào họ không thành, đa số trong họ liền quay lưng và bắt đầu chống đối, tiếng bấc tiếng chì. Người Việt thích kéo bè kết đảng hơn tập họp làm việc chung.
Không thể trả lời bài thơ nào ưng ý nhất. Tôi chắc chị sẽ khó trả lời được câu hỏi chị ưng ý cháu nào nhất trong nhà ? Mỗi đứa con một thai nghén, một sắc thái, một âu yếm. Thơ cũng thế.
Tuy nhiên có ba bài thơ tiêu biểu vì nhận các phản ứng bất thường. Bài Kẻ lạ trong tập Hoa Nắng do An Tiêm xuất bản ở Saigon năm 1966 mà chị đã cho đăng trên Gió O. Một hôm tôi nhận được thư của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan dạy ở Viện Thần học Pie X Giáo Hoàng Chủng Viện trên Đà Lạt viết rằng : Hôm nay khai giảng khóa thần học tôi đọc bài thơ Kẻ Lạ của anh và giảng cho các chủng sinh nghe.
Một bài khác, cũng được phản ứng lạ lùng của một thanh niên ở Nhatrang mà tôi quên tên, viết thư sang Paris cho tôi nói rằng : buồn đi trên phố vào hiệu sách thấy Tuyển tập Thi Nhạc Họa Phật giáo do nhà Lá Bối xuất bản năm 1967, đọc bài thơ Thi Vũ nên bỏ ý định tự tử. Bài thơ ngắn ấy như sau :
Thanh
chân đôi gầy thế giới
đường trắng khóm mây hồng
trời cao xanh
và thanh
mùa xuân vui
và lành
trong lòng thanh
con chim bé
hót mặt trời
lá nõn
hoa thơm
Bài thứ ba tuy chẳng ai phản ứng, nhưng nó nối kết tôi với quê hương Việt Nam dù tôi sống ở nước ngoài lâu hơn sống trong nước. Lẽ ra tôi phải thành một ông tây da vàng rồi. Nhưng sợi dây kia như cuốn rún chưa lìa khiến tôi cứ phải long đong với quê cũ. Bài này là một trong 108 bài trong tập thơ Rằm sáng tác ở Herradura, Tây Ban Nha năm 1973 (chưa xuất bản). Thời gian ấy tôi chiêm nghiệm thơ Việt Nam cô đọng và ngắn nhất thế giới.
Thơ ngắn nhất trong thế giới khởi đầu là thất ngôn tứ tuyệt của Tàu, 28 chữ. Ngắn hơn nữa là ngũ ngôn tứ tuyệt, 20 chữ. Ngắn nhất và được thế giới công nhận cho tới nay là thể Haiku của Nhật, 17 chữ.
Thế nhưng thể lục bát Việt Nam chỉ 14 chữ. Ta đọc thấy trong kho tàng ca dao, trong Kiều những hai câu lục bát hay nhất. Người bình dân thơ mộng, chân chất hay thi hào khi bắt chớp tứ thơ, ghi chụp hình ảnh, tung mở suy tư… họ thể hiện ngắn gọn, sinh động, sung mãn trong 14 chữ mà thôi. Con người bước vào cuộc nhân sinh bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính. Mỗi ngày chúng ta thở 21.000 lần. Nhưng lần thứ nhất, lần đầu, hơi thở đầu dẫn dắc sự sống ra đi. Mỗi hơi thở là một câu lục bát 14 chữ. Những câu Kiều hay ca dao đẹp nhất, nhớ nhất, lưu luyến nhất trong trí ta bao giờ cũng chỉ hai câu.
Chỉ khi nào cần kể chuyện, trình bày một tình tự, một ước mơ, xét đoán, người làm thơ mới vượt ra ngoài sự sống - là hơi thở - kéo dài thành nhiều hơi thở kể chuyện đời, chuyện nước non, tình tự như một trường ca. Sự thế hiện đổi ra cuộc trình bày. Thơ 14 chữ bộc lộ sức sống trọn vẹn, cách sống, thế sống như một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được khép kín.
Ở các thời đại an bình, tâm tư tự tại, tinh thần minh mẫn, thơ ngắn và cô đúc. Tình nồng nhưng đã nén, khí mạnh đã được dằn. Mỗi chữ nổ tung giữa lòng người đọc, lời viết bớt ồn ào. Đó là chất vàng ròng trong thơ. Hai chiều sâu rộng đứng xuống thơ như đôi chân chim mảnh mai viết trên cát trắng những tín hiệu giải tích hư vô.
Vào thời loạn ly, thơ thường nhiều và dài. Con người cần bộc lộ những cay đắng, uất hờn. Người làm thơ đi xa con tim ưu ái xuống hạ lưu biến động của mười ngón tay. Viên than hồng vô ngôn đã tro bạt thành đống chữ lạnh lùng.
Bài thơ nói trên tôi viết như sau :
Nước
Con chim
hót
một tràng sông
Nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa
Tôi cũng tâm đắc với việc Gió O chọn bài “Xa nhà được tin Mẹ mất” của tôi đưa vào mục Một Bài Thơ Hay . Mất Mẹ là biến động khủng khiếp kinh hồn trong đời tôi năm 1983. Bài thơ ấy nói đủ sức chấn động, đồng thời ghi trọn hành trình đời tôi qua câu “Đem thân chống bão vớt người trầm luân”. Chống bão là cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trên trường quốc tế, và vớt người trần luân là việc xướng xuất con “Tàu Đảo Ánh sáng” ra vớt Người Vượt Biển trên Biển Đông từ năm 1978.
Sự xót xa không được sống như nguyện trong đời sống sáng tác thơ văn nghệ thuật đã được nguôi ngoai phần nào với sự cứu vớt những người lâm lụỵ trên biển cả, và công cuộc vận động trả tự do cho người tù Cải tạo đạt hiệu quả lớn từ giữa thập niên 80.
Cuộc họp báo đầu tiên tại Paris vào ngày 29.5.1978 nói lên thảm trạng tù ngục Việt Nam, mà chúng tôi gọi là “Bắc hoá chế độ tù ngục ở Miền Nam” (La Nordmalisation des Prisons au Sud Vietnam) đã được 60 ký giả truyền thông, truyền hình, báo chí quốc tế tham dự. Báo chí, truyền thông ủng hộ bao nhiêu cho Hà Nội trước 1975, thì cuộc họp báo này là cuộc phản công chuyển hoá lương tri nhân loại trở về bảo vệ nhân dân thầm lặng không cộng sản trong nước. Cuộc họp báo tháng 5.1978 rồi chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” đi vớt Người Vượt Biển vào tháng 11 cùng năm là sự chiến thắng lần đầu trên trường quốc tế của phe dân tộc sau 33 năm bị Cộng sản Hà Nội khuynh loát.
Một việc gây vang động không kém, là sự kiện Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam[7] kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng trước LHQ ở New York ngày 29.4.1985 với một hồ sơ 500 trang chưa hề được kết tập từ sau năm 1975. Vụ kiện xẩy ra ngay vào lúc Hà Nội tổ chức rầm rộ ăn mừng 10 năm chiến thắng, lần đầu mời 200 nhà báo quốc tế về tham dự. Báo chí trong thế giới đã rầm rộ nói lên sự kiện vi phạm nhân quyền như một lời đáp đanh thép trước những yến tiệc linh đình của Hà Nội mặc nhân dân khốn khó, bị áp bức, mặc hàng triệu người thất thơ thất thểu trên các vùng Kinh tế mới, mặc sáu mươi lăm nghìn người bị thảm sát và tám trăm nghìn tù nhân chết mòn trong các trại Cải tạo .
Hồ sơ 500 trang đệ nạp tại LHQ ở Nữu Ước ngày 29.4.1985 kiện Nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm Nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam trong suốt 10 năm 1975 – 1985 trên các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, xã hội, kinh tế. Báo chí, truyền thông quốc tế đã loan tải rộng rãi, đưa tới việc Quốc hội Châu Âu ra Quyết nghị đầu tiên tố cáo Hà Nội năm 1986.
Nhân vụ kiện nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng tại LHQ ở New York ngày 29.4.1985, nhiều báo chí Hoa Kỳ, như Wall Srteet Journal, Newsweek, v.v… đã phỏng vấn tôi. Trên đây là bải phỏng vấn đăng trên tuần báo Neewsweek
Cuối năm 1988, nhà cầm quyền Hà Nội đã xử án tử hình ông Trần Văn Lương và hai Thượng toạ Phật giáo Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (tức Lê Mạnh Thát), Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ liền mở cuộc vận động quốc tế cấp tốc trong vòng 13 ngày phá án tử hình, và đã được thế giới đáp ứng qua sự hỗ trợ của các vị Tổng thống, Thủ tướng, Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO và các Công đoàn ở Âu châu, v.v… Tôi đã lên Bắc Âu gặp Thủ tướng Thuỵ Điển nhờ can thiệp, vì Thuỵ Điển là nước bằng hữu thiết cốt của Hà Nội. Thủ tướng phái ngay Ngoại trưởng Thuỵ Điển về Hà Nội giải cứu. Trên đây là bức thư hồi đáp của Thủ tướng Ingvar Carlsson cho biết hai Thượng toạ Phật giáo đã được phá án tử hình.
Tuần báo Express tại Paris công bố danh sách đầu tiên in trên tạp chí Quê Mẹ tên 130 Văn Nghệ sĩ Miến Nam bị Cộng sản cầm tù vào tháng 6 năm 1978
Trước đó vào cuối năm 1978, tôi nhớ mãi như in trong những ngày vận động cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” đi vớt Người Vượt Biển, đài Truyền hình Hoà Lan sang Paris phỏng vấn tôi. Ký giả là người phe tả thuộc đảng viên đảng Xã hội. Phe tả trong thế giới, nhất là tại Châu Âu, thời bấy giờ không mặn mà lắm với Người Vượt Biển. Họ cho Người Vượt Biển là “tay sai của đế quốc Mỹ”, là “những tội phạm chiến tranh”. Vì vậy anh ký giả hỏi tôi : “Vì sao lại cứu vớt những kẻ làm tay sai cho Mỹ” ? Đại loại như thế. Tôi hỏi ngược anh ta : “Đang đi bên bờ các con lạch (Gracht) ở Amsterdam, anh thấy một người chết đuối, anh nhảy xuống cứu ngay, hay hỏi xem kẻ ấy thuộc phe tả, phe hữu rồi anh mới ra tay ?”. Rồi tôi giải thích trong cuộc phỏng vấn người ra đi không chỉ riêng thành phần quan lại, những người cộng tác với Hoa Kỳ, mà còn đông đảo thành phần nông dân, thợ thuyền, những kẻ bần hàn không chịu nổi chế độ độc tài bất nhân nên họ ra đi tìm tự do. Có nhiều trường hợp cha mẹ nghèo khó không đủ tiền nên đành gửi con cái ra đi mong cầu cho tương lai chúng sáng sủa.
Cuối năm ấy (1978) chương trình phỏng vấn được trình chiếu bên Hoà Lan. Câu trả lời với hình tượng người chết đuối trên con lạch thành phố Amsterdam gây xúc động dân chúng Hoà Lan, nên được dân chúng yêu cầu chiếu lại 3 lần trước lễ Giáng sinh. Trong vòng một tuần lễ, mươi ngày, dân chúng Hoà Lan gửi tiền ủng hộ Con Tàu tám (8) triệu Phật lăng. Họ gọi điện mời tôi sang Amsterdam nhận tiền, tôi đã cùng đi với Nhà văn nữ Claudie Broyelle, nhà báo Olivier Todd, bác sĩ Bernard Kouchner trong Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam.
Chiến dịch Cứu Sống Người Vượt Biển được thành công và quốc tế hoá kể từ sự kiện Hoà Lan này. Tại Pháp, đảng Cộng sản Pháp chới với trước chiến dịch của chúng tôi, liển tung màn quyền tiền ủng hộ Hà Nội “băng bó vết thương chiến tranh”. Họ in bích chương lớn 2 thước trên 3 thước dán khắp nước Pháp. Sau một tháng họ thu được năm trăm nghìn Phật lăng. Trong cùng tháng ấy, Uỷ ban của chúng tôi thu được ba triệu Phật lăng.
Cơ sở Quê Mẹ và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam mở cuộc vận động Chống Hải tặc Thái trên Biển Đông hãm hiếp phụ nữ tị nạn đầu thập niên 1980. Trên đây là điện tín của Ông Lane Kirkland, Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO gửi cho tôi viết rằng : “Chia sẽ mối quan tâm của bạn về những phụ nữ còn sống sót không thể nào tiếp tục bị truy bức sau thảm trạng trên đảo Kokra và vụ xét xử bọn hải tặc Thái cần tiến hành stop Bộ Ngoại giao vừa cho chúng tôi biết Hoa Kỳ đã tài trợ một tàu tuần tiễu do Cao uỷ Tị nạn điều hành để ngăn chận bọn hải tặc stop Dù sự đó chưa đủ vẫn là bước tiến quan trọng stop Chúng tôi tiếp tục theo sát và chờ đợi tin tức mà bạn đã nhắc trong khẩn điện vừa qua stop Thân ái, Lane Kirkland Chủ tịch AFL-CIO.
Thoạt đầu khi xướng xuất con tàu đi vớt người, bản thân tôi chỉ nghĩ đến công tác gây động quốc tế lưu tâm tới thảm cảnh Người Vượt Biển. Chẳng hy vọng gì có một con tàu thực hữu đi vớt người. Nào ngờ Pháp, Hoà Lan các nước Châu Âu rồi khắp thế giới chấn động ra tay hỗ trợ. Khi có tiền trong tay, thì việc thuê tàu trở nên kẹt lối. Ông George Meany, Chủ tịch Công đoàn AFL-CIO, hứa với tôi sẽ giúp tàu đi vớt người. Tiếc thay phe tả của Pháp trong Uỷ ban của chúng tôi không khứng. Các người này bảo không nên để Mỹ nhúng tay vào ?! Vì vậy chúng tội phải đi khảo giá thuê tàu tại Pháp. Năm hãng vui vẻ nhận lời cho thuê. Đến khi có tiền, thì cả năm hãng đều khăng khăng khước từ, viện dẫn đủ lý do, nào tàu phải sơn phết lại, nào tàu còn sửa chữa, v.v… Điều tra mới biết công đoàn hàng hải Pháp nằm trong tay đảng Cộng sản nên bị áp lực không cho chúng tôi thuê.
Trong cơn tuyệt vọng, thì một đêm vào lúc 3 giờ sáng, một bà độc giả tạp chí Quê Mẹ ở Nouméa bên đảo Nouvelle Calédonie (thuộc Pháp) gọi sang nói : Đọc Quê Mẹ thấy các ông gặp khó khăn thuê tàu. Tàu Đảo Ánh Sáng của chồng tôi vừa hết hạn cho thuê, nếu ông muốn có thể dùng tàu này đi vớt người. Chúng tôi mừng hú vía. Sáng hôm sau chúng tôi cử người bay sang Nouméa ký hợp đồng thuê tàu. Mọi sự giải quyết êm thắm.
Con tàu Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Uỷ ban Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam thả neo ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển từ năm 1979
Do sự kiện Con Tàu này, đài BBC Anh ngữ đã sang Paris phỏng vấn tôi lý do vớt Người Vượt Biển rồi cộng tác với Cơ sở Quê Mẹ làm bộ phim “Spirit of Asia” dưới sự đạo diễn của David Attenborough bao gồm 7 quốc gia Châu Á, mà Việt Nam là một. Bộ phim nhấn mạnh đến văn hoá Việt Nam trước sức tấn công tàn diệt của chủ nghĩa Cộng sản, và đã được 27 nước trong thế giới thuê chiếu. Lại một dịp quốc tế hoá văn hoá Việt Nam.
24. Lê Thị Huệ: Vào những năm 1980 tôi đã từng mua báo Quê Mẹ vì hai điều, rất thích graphic design của tờ báo, và để đọc những bài viết của Thi Vũ, để thưởng thức cách dụng ngôn của một nhà thơ trí thức sống lâu năm ở nước ngoài. Ông có nhận xét gì về Tiếng Việt trong kinh nghiệm sáng tác thơ và kinh nghiệm viết của mình ?
Võ Văn Ái : Từ nhỏ tôi có ước vọng làm đẹp và sang tiếng Việt qua một phong triều văn học mới để nối tiếp nền văn học tiền nhân và tiền chiến. Bây giờ tôi không còn ước vọng ấy. Vì bất khả. Người văn nghệ sĩ có cá tính riêng, ít ai muốn đi vào luồng. Những phong triều văn học mở ra không do ý chí của ai, mà do nhu cầu phát biểu của thời thế và sự đưa đẩy của nhân sinh. Thường khi tư tưởng đi trước, thúc đẩy văn học hoặc ngược lại văn học phát sinh tư tưởng.
Tuy nhiên ý thức làm mới chữ nghĩa Việt Nam tôi vẫn đeo đuổi và thể hiện qua các bài viết. Thực ra không phải làm mới, mà nhu cầu viết thúc đẩy chữ phải bắt cho được cái thần ngôn ngữ, chữ là động tác lột thần, hiện hình đúng lúc, hoá thân theo từng tâm cảnh để diễn tả sống động sự kiện, tránh các kiểu cách khuôn phép, sáo mòn, vang rỗng.
Tiếng Việt ngày nay không còn là tiếng Việt nguy nga, thuần túy, khi ta đọc sách báo trong và ngoài nước. Tiếng Việt bây giờ rất Tây. Đọc mà cứ tưởng đó là một bài dịch ngoại ngữ vụng về. Nhan nhản trên truyền thanh, truyền hình, báo chí, những từ ngữ dùng sai, những câu văn bất thành cú, những lỗi ngớ ngẩn, thô bạo. Tôi chỉ lấy một thí dụ là chữ bởi rất Tây đang lan tràn trong cách viết của người Việt. Ảnh hưởng hoặc dịch từ chữ par trong tiếng Pháp hay by trong tiếng Anh, người ta viết tiếng Việt như ông Tây. Hãy vào Internet bất cứ ngày nào lấy ra vài ví dụ như sau :
Một Trang nhà trong nước và một Trang nhà ngoài nước viết : Đăng bởi vantuyen.net on tháng sáu 21,2009 ; Thu thập bởi Trần Hữu Dũng. Tại sao không viết vantuyen.net on đăng tháng sáu 21,2009 hoặc Trần Hữu Dũng thu tập ?
Đêm 20.8.1968 xe tăng Liên xô vẫn tiến vào Praha theo sau bởi hơn 165 nghìn quân của khối Warsava. Tại sao không viết : Đêm 20.8.1968 xe tăng Liên xô tiến vào Praha với hơn 165 nghìn quân thuộc khối Warsava ?
Tài liệu đã được giải mật bởi cơ quan CIA. Tại sao không viết : Tài liệu đã được CIA giải mật.
Những người đã bị bắt bởi Đại tá Thi. Tại sao không viết : Những người đã bị Đại tá Thi bắt ?
Hiệp ước được ký ở Moscow bởi Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop và người tương nhiệm phía Nga, Vyacheslav Molotov. Tại sao không viết : Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop ký Hiệp ước ở Moscow với người tương nhiệm phía Nga, Vyacheslav Molotov ?
Bản quyền bởi 1961 Pantheon Books; Trích dẫn bởi James Hillman. Tại sao không viết : Bản quyền Pantheon Books, 1961 ; Trích theo James Hillman ?
Vân vân và vân vân…
Đầu thế kỷ XX va chạm nền văn hóa Tây phương, đặc biệt là Pháp, các nhà văn nhà thơ đột phá và sáng tạo chữ Việt rỡ ràng. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… những Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tuân… làm nên dòng văn học vàng ròng chữ nghĩa. Tiếp theo một khoảng thời gian ngắn của cuộc kháng chiến giành độc lập từ 1945 đến 1949, chữ nghĩa lại chuyển mình, đưa ra những bài thơ mới, đẹp, rung động tâm hồn kiểu Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, v.v... Rồi tắt ngúm theo nền văn học chủ nghĩa xã hội nghèo nàn đầu thập niên 50, khi Đảng Lao Động lấy lại tên Cộng sản, và sau khóa học rèn cán chỉnh quân cùng phong trào tự phê. Nền văn học này chỉ đẻ tuyền một thứ văn chương công nông binh, văn chương trại lính. Văn học Việt suy tàn.
Sự nghèo nàn chữ nghĩa làm tăm tối suy tư và tư tưởng người Việt. Từ đó ảnh hưởng đến lối sống, nếp sống của người Việt. Nói tóm là văn hóa, văn hiến. Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng văn hóa lớn. Trọng trách của người cầm bút càng lớn hơn.
25. Lê Thị Huệ: Ông đã từng tuyển chọn và giới thiệu 40 Năm Thơ Miền Nam ? Ông nghĩ thế nào về thơ Việt Nam ? Đâu là nét nổi bật của thi ca Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Đúng là tôi khởi sự bộ “Bốn mươi năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985” mà tôi gọi là Thi tưởng và Thi tuyển. Qua bộ này tôi muốn bắt cái thần của ngôn ngữ Việt giữa thời tao loạn, thời khủng hoảng văn hóa. Dự trù bốn tập, nhưng mới phát hành một tập.
Hình bìa Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945 - 1985
Nghĩ về Thơ Việt Nam, tôi nhận xét sơ bộ trong Lời Tựa :
“Thi ca là nền tảng của tư tưởng. Tư tưởng được hệ thống hóa thành triết học. Triết học Việt Nam là lĩnh vực chưa được khai phá quy mô, còn mơ hồ trong nhiều giả định.
“Phải từ nguồn thi ca bắt mạch tư tưởng Việt. Cho tới nay, việc này ít người ra công. Tất cả còn ở trong giai đoạn phát hiện. Nhiều thức giả đã dày công phát hiện kho tàng thi ca cổ mười thế kỷ trước, cùng với kho tàng thi ca bình dân. Riêng nền thi ca tiền chiến, coi như có nhiều công trình đánh giá kỹ càng, đặc biệt với Hoài Thanh. Rồi im bặt tiến trình thi ca Việt hơn bốn mươi năm qua, kể từ cuộc kháng chiến toàn quốc giành độc lập mùa thu năm 1945 (…) Trong bốn mươi năm ấy, tôi nhận ra bốn lần thi ca chuyển động theo thời cuộc và theo từng dòng vận hành lịch sử. Giai đoạn 1945-1954, thi ca mang màu sắc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Giai đoạn 1954-1963, có sự rộ nở và chuyển mình trong tư thái cá thể tự do của số lớn thi sĩ ở phía Nam vĩ tuyến 17, đối lập với thi ca tập thể mang màu sắc chính luận và tuyên truyền ở miền Bắc. Giai đoạn 1963-1975 ảnh hưởng tư tưởng khai phóng của Thiền Phật giáo, thi ca bước vào thi thái mới với nét riêng độc đáo. Giai đoạn 1975-1985, cuộc đổi đời mà kỳ thật là khổ nạn vừa chưa từng, vừa kinh khiếp, làm thi ca thêm một lần quằn quại, sau nỗi quằn quại chiến tranh”.
26. Lê Thị Huệ: Cá nhân tôi vẫn nghĩ là về mặt thi ca, thơ Việt nam ngất ngưỡng cao ngạo và tuyệt tác không thua bất cứ nền thi ca nào trên thế giới, ông có chia sẻ với tôi chút nào về ý kiến đầy kiêu hãnh này không ?
Võ Văn Ái : Nhờ thi sĩ cư ngụ trái đất, mà tất cả mọi nền thi ca nhân loại ngất ngưỡng và tuyệt tác. Ai nắm được cái thần ngôn ngữ nước mình, tất chân nhận ra thi ca mượt mà, diễm lệ chẳng thua ai.
Thử lấy vài ví dụ. Câu thơ Chiều mưa trên bãi nước sông đầy của Huy Cận sẽ rạo rực tâm tư ta như tìm thấy bến đậu giữa hư không, nếu ta từng trải qua thời thơ ấu sống bên con hói ở làng quê, mỗi chiều thấy nước sông dâng khi mưa tới. Mưa và sông một buổi chiều quê hoá hiện thành hình ảnh thơ ngút ngàn, dù chữ khắp câu thơ chẳng có chi kiều diễm. Thế mà chữ đã hà hơi làm nên khí hậu. Khí hậu là không gian, con người là thời gian. Thời gian chảy trôi đâu khi không có không gian ? Đó gọi là khí hậu, sự thăng hoa của Không và Thời giữa niềm phiếu diễu thi ca.
Cũng thế, Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya hoặc Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng của Huy Cận; Hư vô bóng khói trên đầu hạnh / Cành biếc run run chân ý nhi của Xuân Diệu; Ô hay vàng rơi cây ngô đồng / Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông… của Bích Khê; Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ hoặc Khách xa gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng của Hàn Mặc Tử; Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà của Nguyễn Xuân Sanh tả một dĩa trái cây, v.v… đều có cái đẹp như thế, miễn người đọc phải được sống trong đất nước ấy, giữa lòng ngôn ngữ ấy, theo những bóng thơ chập chờn bao quyện ngày đêm.
Còn như câu thơ Từng con mắt gỗ hoen màu lệ của Vũ Hoàng Chương thì chỉ có người Việt may ra mới hiểu để thấy cái đẹp lạ thi sĩ vừa khám phá, thăng hoa. Mắt hoen lệ là chuyện thường tình. Nhưng sao lại là mắt gỗ ? Người đàn bà đẹp, người đàn ông đau khổ vẫn là đôi mắt ướt chờ lệ tuôn ? Nhưng mắt ở đây không là mắt người, mà là mắt của vật vô tri giác : Mắt của đôi chân đèn sáp bằng gỗ để trên bàn thờ. Người thợ mộc tiện chân đèn ấy bằng nhiều khoen, mỗi khoen là một mắt gỗ. Sáp chảy xuống chân đèn như những giọt lệ lăn. Từ thực tại âm thầm nơi bóng tối chập chùng bỗng óng ảnh lên thi ca, nơi người thi sĩ tạo dựng thành muôn nghìn thế giới gọi mời theo những cuộc ú tim.
Hẳn nhiên chị nhận xét đúng về nền thi ca Việt ngất ngưỡng trên bầu trời tuyệt tác. Thi ca như người đàn bà đẹp, như hoa đẹp. Mỗi cái đẹp có những lưu luyến riêng, không cái nào giống cái nào ngoại trừ sự rạo rực.
27. Lê Thị Huệ: Nói về tập Tùy bút “Gọi Thầm Giữa Paris”, ông thích tập tùy bút này nhiều không ? Với tôi, tôi phải dùng từ: Tuyệt ! Gió-O đã giới thiệu nhiều bài lên đây.
Võ Văn Ái : Cám ơn chị có biệt nhãn với “Gọi thầm giữa Paris”. Đó là một đoạn đời rất vui, đầy thơ mộng và đầy tính chiến đấu ở Paris, khi tôi chủ trương tạp chí Quê Mẹ đồng thời với việc lăn xả vào môi trường thế giới để bảo vệ Quyền làm người Việt Nam và bảo vệ văn hóa Việt đang bị nền văn hóa Mác-Lê uy hiếp.
28. Lê Thị Huệ: Chúng ta đang thiết lập một nền sáng tác bên ngoài Việt Nam. Mà những tác phẩm như "Gọi Thầm Giữa Paris" là một đóng góp tuyệt vời. Chúng ta không chỉ viết về những kinh nghiệm và đời sống bên ngoài Việt Nam, chúng ta còn thiết lập một loại ngôn ngữ sinh ra và được nuôi dưỡng từ bên ngoài Việt Nam. Ông có dịp sinh họat với nhiều cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, ông có nhận xét gì về việc ngôn ngữ Việt được dưỡng nuôi bên ngoài Việt Nam này ?
Hình bìa Gọi Thầm Giữa Paris
Võ Văn Ái : Đúng là có một nền văn học hải ngoại, một loại ngôn ngữ ngoại biên và thoát vượt, quay mặt với nền văn học minh họa trong nước. Các nhà văn nhà thơ trong nước do bị Đảng cầm quyền chỉ huy nên mất tính sáng tạo hồn nhiên. Mỗi tờ giấy của họ là một định mệnh, mỗi dòng viết là một a tòng. Người viết như con đồng chờ nhập vai, người viết đã lìa hồn trên quản bút, nhắm mắt cho độc ác giết mòn lòng nhân hậu, cúi đầu cho cực đoan đập nát cõi hồn nhiên.
Ở hải ngoại thì không thế. Ngoại trừ nền văn chương chống Cộng, đáp trả, nên bị động và lâm lụy theo nền văn học đấu tố, chửi bới, hành hình - một nền văn học sổ đen và chỉ điểm của cộng sản. Trái lại, người viết nói chung ở hải ngọai thoát vượt bối cảnh bế tắt, luân hiểm nơi cố thổ. Nhờ tiếp cận thênh thang với nền văn học thế giới nên khai mở những phương trời diệu vợi mà người trong nước không có.
Hiển nhiên địa lý không phân chia văn học Việt thành nội ngoại. Nhưng vấn đề nằm ở khí hậu. Khí hậu văn, khí hậu thơ ở hải ngoại đang mở ra dòng văn học mới có tính nhắc nhở và hóa giải nội tâm con người Việt. Chủ lưu của nền văn học này khởi phát từ Nỗi Nhớ nguyên trinh về Bản lai diện mục con người và quê hương Việt.
Mới đây, viết tựa cho cuốn sách của một tác giả ở hải ngoại, nhà văn Vũ Hoàng Thư, tôi đưa ra ý nghĩ : ”Nền văn học hải ngoại sinh từ ”Đạo Nhớ”. Thiếu nỗi nhớ, kẻ chết không còn cơ sống lại trong lòng người, quê hương tuyệt tích. Từ nhớ mà quê hương hiện hữu trong tim hay nơi ngoại cảnh khác, người chết được sống đời qua những thế hệ sau. Nỗi nhớ là sự tái sinh những con sông, rặng núi, mái tranh, làng mạc, tình người... Những ai mất quê hương mới thấy mối liên thủ kỳ diệu của nỗi nhớ. Người Âu Mỹ tự do đi đâu cũng được, nên chẳng quan tâm đến nỗi nhớ, biến nỗi nhớ thành đạo. Chỉ khi ai đó bị cấm về lại cố hương, lúc ấy sự thảng thốt hình thành, họ mới lấy nhớ làm đạo, như con đường về lại vùng cố thổ nơi họ cắt rốn chôn nhau”.
Nhờ nền văn học hải ngoại, biết đâu quê hương sẽ không thức tỉnh để học nhớ, khiến cho quê hương không mất quê hương trên quê hương ở thời đại vong tính - Thời Đại Của Những Kẻ Giết Người.
29. Lê Thị Huệ: Với nhà thơ Nh. Tay Ngàn, trong lời giới thiệu về bài thơ Thành Phố Chim Hồng, ông viết: “Khí hậu siêu linh muôn trượng riêng biệt của Nhĩ . Chỉ nói khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, Nh. Tay Ngàn đã tạo dựng cho ngôn ngữ của mình một phong cách, và cho từ ngữ Việt những dụng cụ thăm dò cõi vô thức. Từ ngữ ở đây không là chữ nghĩa mà là một từ trường lời đang giải hoặc mê lộ của biện thuyết nói năng vô lối, hay vái chúc tung hô. Những con chữ đã được …” Anh có thể nói thêm về lời giới thiệu Nh. Tay Ngàn này được không ? Lời giới thiệu như là một cánh cửa mở sinh lộ thơ của Nh. Tay Ngàn. Đọc một lời giới thiệu như thế này tôi thấy mê tiếng Việt và thi ca Việt Nam quá chừng chừng. Nh Tay Ngàn là một nhà thơ quan trọng của nền thi ca Việt Nam. Ông làm ơn nói thêm về Nh. Tay Ngàn và tầm mức của thơ Nh. Tay Ngàn đi.
Hình bìa Ai Đã Chết Một Mình Chim Xanh Khóc do NH. Tay Ngàn vẽ, và thủ bút trang đầu
Võ Văn Ái : Nh. Tay Ngàn là một biểu tượng của nền văn chương Việt hải ngoại, làm cho văn học Việt Nam thêm giàu có, đại biểu cho tính chất ngoại biên và thoát vượt.
Việt Nam là tộc Việt ở phương Nam. Tự nghĩa của chữ Việt là vượt. Vượt trong nghĩa đen và nghĩa bóng. Vượt khỏi sự uy hiếp của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán xuống phương Nam, rồi xuống tiếp phương Nam một lần nữa vào thế kỷ XVI khi cuộc khủng hoảng văn hóa và chính trị xẩy ra thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong văn hóa và tư tưởng thì biết bao lần chúng ta đã thoát vượt để thâu tóm và dung hóa các nền văn hóa nước ngoài. Phật, Khổng, Lão rồi tới hai trào lưu Tây phương thực dân và cộng sản. Những nền văn hóa ấy tuyệt vời ở nước họ, trừ Cộng sản, song khi tới Việt Nam nó biến thành nền văn hóa nô dịch để đồng hóa con dân nước Việt.
Nh. Tay Ngàn là du học sinh đến Pháp giữa thập niên 60. Thế nhưng Nhĩ, tên thật của Nh. Tay Ngàn là Nguyễn Văn Nhĩ, đã thoát vượt Tự Lực Văn Đoàn và khí hậu chiến tranh trên quê hương tạo nên dòng văn học mới. Ở đây các khái niệm Tây phương bị quét sạch, lộ hé một con người quằn quại đang lắng sâu xuống đáy tầng vô thức tìm lại chân diện mục của mình. Tôi nói các khái niệm Tây phương, vì cuộc chiến tranh Việt Nam là tình trạng lưỡng đầu xung khắc của Tây phương đế quốc và Tây phương cộng sản. Nh. Tay Ngàn thoát sinh từ ngọn lửa rực cháy của khổ nạn Việt Nam, biến quản bút thành dấu ấn ngẫu hứng tự nhiên của cảm xúc làm nên xung lực tham dự với đất trời.
Buồn thay cho thời đại chỉ biết trân trọng liệt sĩ và các đài chiến sĩ trận vong. Ít ai trân qúy người sống. Người sống bị băm thây thường trực bằng dao, súng, mìn, chông, vu cáo và nhà tù. Bằng lời nói độc, xấu mồm, lắm khi hóa trang sau tấm màn ý thức hệ hay tôn giáo cao cả, nhưng nhầy nhụa sái thuốc phiện. Vào lúc ấy, thì người viết ở hải ngoại bắt đầu tập thở để đương đầu với thế cuộc, tái tạo những rung động, khát khao, thương nhớ, ước mơ.
Bi kịch của Nh. Tay Ngàn là thảm kịch của tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Suốt đời Nhĩ ao ước được in một tập thơ, nhưng trong chuyến viếng thăm cố hương độc nhất đầu thập niên 70, cầm tập thơ về Saigon trao cho Mai Thảo ở tạp chí Văn, trao cho Phạm Công Thiện ở đại học Vạn Hạnh - những người có phương tiện nhất để giới thiệu hay phát hành. Nhưng vô vọng. Trở lại Pháp, Nh. Tay Ngàn bị đưa vào nhà thương điên ở Villejuif. Xuất viện ít lâu, Nhĩ chết cô quạnh trên căn gát trọ số 16 đường Jean Ferrandi, Paris quận 6. Hai ba ngày sau bà chủ nhà mới phát hiện. Mấy câu tôi viết giới thiệu bài thơ “Thành phố Chim hồng” của Nh. Tay Ngàn đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris năm 1999, rồi được Gió O đăng lại sau này, đã nói đủ về Nh. Tay Ngàn mà cũng là về những nhà văn, nhà thơ bị quên lãng hay bị chà đạp ở hải ngoại :
“Nh. Tay Ngàn là một trường hợp lạ kỳ, đột xuất, trong nền văn học đương đại Việt Nam. Mai kia các tác phẩm thơ và truyện ngắn của Nhĩ được xuất bản đàng hoàng, Nhĩ sẽ có một chiếu riêng không ai tranh lấn. Bởi chưa ai sống qua và thở hít khí hậu siêu linh muôn trượng riêng biệt của Nhĩ. Chỉ nói khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, Nh. Tay Ngàn đã tạo dựng cho cá nhân mình một phong cách, và cho từ ngữ Việt những dụng cụ thăm dò cõi vô thức. Từ ngữ nói đây không là chữ nghĩa, mà là một từ trường lời đang giải hoặc mê lộ của biện thuyết nói năng vô lối, hay vái chúc tung hô. Những con chữ đã được chân không hóa thành hoa văn trên bia ký của nền trời. Ai là người dám thoát ly cảnh văn học chợ trời, đứng thẳng trên bình nguyên, nhìn xuyên đám mây trôi để giải mã cái khảm khắc chiếu rọi từ thân phận dùng thi văn ngoi vượt khỏi trầm luân”.
Văn thơ Nh. Tay Ngàn là sự chuyển hóa đương đại của dòng tiều thuyết chí quái đời Tấn, truyền kỳ đời Đường, và cũng là dòng hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La tinh ngày nay. Ấy là so sánh cho dễ hình dung. Chứ thực tế Nh. Tay Ngàn khai phá con đường siêu thực Việt Nam. Tôi còn giữ toàn bộ sáng tác thơ văn trên bốn nghìn trang viết của Nh. Tay Ngàn, không biết ngày nào mới có phương tiện xuất bản !
[7] Ban cố vấn của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam gồm có : Marc Blondel (Chủ tịch Công đoàn Lực lượng Thợ thuyền Pháp), Vladimir Boukovski (Nhà văn Nga), Bill Bradley (Thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ), Lary Diamond (Giáo sư Viện Nghiên cứu Hoover, Đại học Stanford), Milovan Djilas (Nhà văn Nam Tư), David Kilgour ( Thượng Nghị sĩ Quốc hội Canada), Paul Goma (Nhà văn Rumania), Charles D. Gray (Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO), Orrin G. Hatch (Thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ), Eugène Ionesco (Kịch tác gia, Viện sĩ Hàn lâm viện Pháp), Lane Kirkland (Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO), Stephen Nedzynski (Công đoàn Ba Lan), Douglas Pike (Giáo sư Đại học Berkeley), Leonid Pliouchtch (Nhà toán học, Ly khai Ukraine), Chris Smith (Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ) Jean-François Revel (Triết gia Pháp)
(còn tiếp 2 kỳ nữa)
(kỳ tới: Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người, Con Tàu Đảo Ánh Sáng, tờ Quê Mẹ, nhà thơ Thi Vũ, kinh nghiệm viết tiếng Việt lúc xa xứ lâu ngày, các câu hỏi về những vấn đề và kinh nghiệm của trí thức lưu vong trí thức hải ngoại, các câu hỏi về trí thức Tả Việt Kiều Yêu Nước thời 1960 như nhóm Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp...)
30. Lê Thị Huệ: Ông có một lối kiến trúc tiếng Việt rất bản sắc. Tôi nghĩ lối chơi chữ trong các bài viết của ông biểu lộ cá tính trí thức, cầu kỳ, cô đọng, động não, nhưng vẫn có cái lôi cuốn của bay bướm tình cảm của Tiếng Việt. Ông có một thần tượng tiếng Việt nào không ? Ông có dùng một thần tượng tiếng Việt nào để theo đấy làm nơi so đối không ?
Võ Văn Ái : Tôi chưa bao giờ có thần tượng. Thuở nhỏ có ý thích riêng văn Nguyễn Tuân. Sau này, chấn động mới với phương ngữ Nam bộ qua Lê Xuyên trong Chú Tư Cầu. Thế mới biết ngôn ngữ nước ta giàu biết bao, nhưng chiến tranh huynh đệ quá dài hãm hại sự phát triển ngôn ngữ và văn học. Với Lê Xuyên, ngôn ngữ Việt rộ nở tới Cà Mau, không còn khoanh vùng nơi miền Bắc với mẫu mực Tự Lực Văn Đoàn.
Từ nhỏ tới lớn chỉ có một ý chí không ngừng là làm mới ngôn ngữ Việt. Tôi quan niệm mỗi nhà văn phải là cái rồng mình cho ngôn ngữ sống dậy. Làm sao cho ngôn ngữ bắt kịp cái thơ mộng của đất trời, đồng thời bắt kịp tư tưởng để con người đứng vào vị trí môi giới với vũ trụ.
31. Lê Thị Huệ: Ông là một trong vài người hiếm hoi, mà khi đọc bài ông, tôi bắt gặp những từ ông chế ra rất cầu kỳ trí thức, nhưng lại đắc địa và toát ra vẻ đẹp của sự cầu kỳ trí thức. Chẳng hạn trong bài thơ ông giới thiệu Bùi Giáng ông gọi thơ Bùi Giáng là "Một Triều Thơ Luân Sinh", phải là một độc giả cầu kỳ trí thức mới thích nổi sự chơi chữ "luân sinh". Nhưng cũng chính trong bài viết này, ông lại có những đoạn rất sáng tạo cảm xúc : "Các nhà thơ tiền chiến lập công đầu thi hoá ngôn ngữ Viêt. Thơ phơi phới những niềm chiều, nỗi nhớ, những tình vang ý thiết, những nhú người khua động bình minh" . “Tình vang ý thiết” là cái gì mà lần đầu tiên đọc thấy… Ông có chủ tâm làm một cuộc cách mạng nào trong cách viết Việt không? Cá nhân tôi thấy "văn chương" vẫn được người Việt Nam ghiền, là lối viết bay bướm lòng vòng chủ lời hơn ý, duy cảm hơn duy trí, là lối viết bỏ lơ và không hảo phần trí lực. Nên khi bắt đầu cầm bút tôi đã muốn “hạ thấp xuống một tông” lối viết “duy lời duy cảm” này trong tôi (muốn thì muốn vậy, nhưng ...). Đến khi gặp được cách viết của ông Thi Vũ trên tờ Quê Mẹ, tôi thấy như gặp được một lối viết tâm đắc với mình. Tôi học hỏi được trong các tác phẩm của ông những cấu trúc tiếng Việt rất sáng tạo, thoả mãn nhu cầu trí thức cầu kỳ, thoả mãn được nhu cầu thông suốt tiếng Việt. Điều mà ở những nhà trí thức khác tôi thấy hoặc là họ mang nguyên con cấu trúc của ngoại quốc chuyển sang tiếng Việt, hoặc là họ thiếu phần "sống", thiếu mùi định mệnh bị cuốn hút lăn lộn trong ngôn ngữ Việt để chuyển hoá trí thức mình.
Võ Văn Ái : Chữ luân sinh là một bước tiến về suy tưởng trong tôi trên lĩnh vực Phật học. Đạo Phật thường dùng chữ luân hồi để diễn tả sự tái sinh của con người trong cõi trầm luân khi chưa được giải thoát giác ngộ. Luân hồi như thế là một vòng tròn không dứt. Năm 13 tuổi nằm trong tù đọc các bộ kinh Phật, tôi bắt đầu quan niệm khác. Tôi nghĩ rằng trong đời con người, hay thông qua nhiều kiếp, con người luôn có sự tiến bộ dù ít dù nhiều tùy theo năng lực tự giác hay học hỏi tìm tòi. Thế thì chúng ta chuyển hóa theo vòng tròn xoáy ốc hướng thượng. Chúng ta thoắt sinh từ cõi này sang cõi khác càng lúc càng tiến bộ, càng lúc càng giải thoát, trên phạm vi một đời người hay trải qua nhiều kiếp sống như niềm tin người Phật giáo. Phương chi tôi quan niệm tái sinh là tái sinh trong từng khoảnh khắc ngay trong cuộc đời mình. Nên tôi chặt đứt vòng tròn cố định của luân hồi chuyển sang sức sống có tiến bộ có tầng cấp, có viễn trình hướng thượng của luân sinh.
Thơ Bùi Giáng không theo dòng, mà là từng cơn hải triều đột phá, luân sinh miên viễn. Triều thơ Việt Nam năm thế kỷ qua có ba thời bung phá về chữ nghĩa, mạch thơ và ý tưởng : triều thơ Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, triều thơ Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII, và triều thơ Bùi Giáng ở thế kỷ XX.
Chị nhận xét đúng khi “thấy "văn chương" vẫn được người Việt Nam ghiền, là lối viết bay bướm lòng vòng chủ lời hơn ý, duy cảm hơn duy trí”. Ca cải lương điển hình đại quan cho nhận xét này, những lời chữ suông sẻ, hay ho, tròn trịa hấp dẫn, lôi cuốn ta không vì ý nghĩa mà nhờ điệu nhạc réo rắc dụ dỗ ta trầm đắm đến tha hóa lúc nào không hay. Chuộng cái hoa hòe, nhẹ phần bản chất, vì vậy tư tưởng Việt khó định hình ? Muốn biết một bài văn đứng vững hay không, hẵng dịch ra ngoại ngữ Anh, Pháp... là biết ngay. Những bài văn “gọi là hay” nhờ bay bướm, lả lướt, đê mê của các tác giả Việt khi dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, sẽ lòi ngay cái hỏng và sự vô nghĩa của bài viết. Viết không thể là đánh phấn bôi son.
Tôi không “chủ tâm làm một cuộc cách mạng trong cách viết”. Vì viết là sống. Sống là thức tỉnh tâm linh, từ đó sáng tạo hiện ra, bắt nguồn cho các nền văn hóa đa dạng mà văn chương là sự chuyển mình.
32. Lê Thị Huệ: Ông biết bao nhiêu tiếng ? Ông có cảm tưởng như thế nào khi tôi nói văn hóa của tiếng Việt ở vài phương diện nào đó đã gây nên những hạn chế trong việc sáng tạo nên một tác phẩm có tính quốc tế từ bấy lâu nay. Muốn nuôi dưỡng một tác phẩm có tầm vóc quốc tế, văn hóa tiếng Việt phải có những cú tống đạp trong lòng ngôn ngữ nó. Tôi thấy ở những bài viết của Thi Vũ có những cú tống đạp này
Võ Văn Ái : Tôi biết một số ngoại ngữ nhưng không giỏi : Pháp, Anh, Đức, Trung văn, Phạn ngữ.
Theo tôi, những hạn chế trong việc sáng tạo nên một tác phẩm có tính quốc tế là cái nhìn và viễn kiến. Người Việt có quá nhiều mặc cảm, một thứ mặc cảm vửa tự tôn vừa tự ti. Cái gì mình cũng nhất, nhưng khi đối diện với người ngoại quốc thì lại hết sức qụy lụy, nịnh hót, sợ hãi. Người Việt thiếu tự tin lại ít cầu học. Hẳn nhiên không phải là mọi người Việt, nhưng nói chung, đa số chỉ cầu học để thi đậu làm quan, chứ không để thâm nhập kiến thức hầu tìm dò phát kiến. Đây là hệ quả của cái học Tống Nho truyền thừa bao nhiêu thế hệ (“Anh chưa thi đổ thì chưa động phòng” !!). Đa số mê thành đạt nhưng không kiên trì. Thích bắt chước hơn sáng tạo. Không có tinh thần bảo bọc, quý trọng nhau giữa người cùng nòi giống. Với những đức tính đại ngã, tự thị và quy chiếu về mình (egocentrique) như thế làm sao hòa đồng với nhân loại để đạt tính quốc tế trong sinh hoạt hay sáng tác ?!
Chị nói đúng, cần “những cú tống đạp trong lòng ngôn ngữ”, mà ngôn ngữ là tư tưởng. Thoát vượt trí năng và giác quan, đưa trực giác cảm nhận tới trực giác ngôn ngữ, trực giác hình tượng, mới mong đạt tới nền văn học thế giới.
33. Lê Thị Huệ:”Trưa tòa soạn hư ảo. Mấy phiến lá đung đưa trăm chiếc phất trần. Nắng vẫn cứ gay. Mùi hoa Lụa nồng hơi phả vào khứu giác, gợn từng tiền kiếp bồi hồi. Hoa Lụa chắc cùng loài với hoa thiên lý, chỉ khác ở màu. Từng chùm đơn trắng nõn, hé giữa vùng lá ngọc giây leo. Thoạt mới nhú là những thỏi màu hồng ngự, bỗng nở toe trắng sứ, nhẫn giữa lòng một hạt bạch ngọc tỏa hương ngát dịu. Bởi đó mới có tên hoa Lụa. Không nồng ngợp dạ lý hương, không ngát trầm hoa lài, hoa bưởi, không đậm rực hoa phấn tím. Hoa Lụa thoang thoảng nhẹ nhàng mà quyến rũ, dành để cho những người lưu xứ ? Chẳng sặc sỡ ngỡ ngàng. Không nồng nàn bải hoải. Màu hoa Lụa lẳng trốn vào không gian lục mát, lôi tầm mắt ta yên ả tan dần vào kỷ niệm xưa, hương hoa Lụa không kêu mời vồn vã mà chỉ gợi lên nỗi nhớ” Đây là một đọan văn mà tôi nghĩ chúng nguyên thủy (original) từ cách nhận xét về bối cảnh không gian, cho đến lối sáng tạo chữ nghĩa. Trong sáng tác, điều nào gây hào hứng và là điểm tựa cho công việc sáng tác của ông trước ? Một mạch văn hấp dẫn, hay một bối cảnh hoặc một ý tưởng cần có bản văn để phô bày ?
Võ Văn Ái : Sáng tác là nhìn và thấy. Thấy qua diễn đạt. Nhiều người nhìn trâng nhưng chẳng thấy. Con mắt đối diện với núi, sinh ra ý thức về núi, kéo theo hàng loạt nhận thức về núi có tính dẫn đạo về tướng và tính của núi. Cũng thế đối với 4 giác quan khác, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm mùi vị, mũi bắt mùi hương, tay chạm sờ hình thể. Lại còn cầu nối của ý thức thứ sáu nữa. Tâm lý học Phật giáo đẩy xa tới thức thứ tám gọi là A lại da thức.
Cho nên không có gì trước cũng chẳng có gì sau. Tất cả xẩy ra cùng lúc, trực giác cảm nhận đưa tới trực ngộ ngôn ngữ, trực ngộ hình tượng, biến thành dòng biểu thị là thơ, văn, họa, nhạc, đạo. Con mắt đâu thấy mắt nó ? Nhưng va chạm với cảnh giới bên ngoài sinh ra cái biết, cái thấy, khơi sáng tâm hồn và bắt nguồn sáng tạo. Và sáng tạo là chặt đứt mọi ý tưởng hữu hạn, đau khổ và tự ngã độc tôn. Sáng tạo là chiều thứ năm của trực giác người quan sát thêm vào không gian bốn chiều của Einstein (ba chiều vật lý và một chiều thời gian).
34. Lê Thị Huệ: Còn dưới đây là một đoạn khác mà tôi nghĩ thế hệ những người như Thi Vũ, Võ Đình đã mở ra một cánh cổng Trí Thức cho giới sáng tác Việt Nam hải ngoại :
“Tuổi trẻ vừa lớn lên, đã phải thoái vị, để ru mình vào cơn mê ngủ, hoặc ngồi nói huyên thuyên. Ngủ hay nói huyên thuyên đều là trạng thái của sự vong thân. Con người thôi làm chủ những buổi trưa, thôi làm chủ cây đào, dòng sông, thôi làm chủ một rặng hương, đôi mắt hay một bàn tay. Đời đong đưa vô định. Đời lập đi lập lại những trưa mất, chiều xế, đêm phai. Khiến ngày mở ra xấp lại hoài hòai những cánh cửa bình minh bại trận.
“Nửa trưa hay nửa khuya thì cũng thế. Nỗi mệt nhọc ngang nhau, cơn ngủ mời mọc. Cứ như tuyên lệnh: Người thức hay không thức ? Sau đó, người đi vào nỗi cô đơn của cơn thức, hay lặng câm nhọc nhằn theo thỏi chết trơ đầy mộng.
“Riêng đêm giao thừa con người không ngủ. Điều lạ của năm. Phải chăng đó là giây phút vượt biên từ năm này sang năm khác ? Từ vừng sống này sang đỉnh sống khác ? Thời điểm chẳng ai muốn bị vứt lại nơi chốn cũ càng, qúa khứ, phai úa. Mọi người vượt lên trong đêm nắm lấy đêm lay hỏi về vận mệnh một Ngày.” “Thỏi chết trơ đầy mộng” ! Không thể không bị lôi cuốn bởi hấp lực của nhóm chữ này. Thưa ông, đây có phải là vì ưu tư từ trong qúa trình suy tưởng để sáng tạo nên liên tưởng này? Hay trong một phút giây tuyệt đường tiếng Việt đã khiến ông nẩy bật ra khúc liên tưởng “Thỏi chết trơ đầy mộng”này ? Tại sao lại gọi là “Thỏi chết trơ đầy mộng” ?
Võ Văn Ái : Chị rất tinh tế khi nhận thức “trong một phút giây tuyệt đường tiếng Việt mới bật ra khúc liên tưởng”. Phải tuyệt đường tiếng Việt, ngôn ngữ Việt mới ló ra tiếp viện, sinh sôi nẩy nở. Viết là tuyệt lộ trong suy tư, bơ vơ trong ngôn ngữ. Người viết luôn ở trạng thái bị trấn áp, bao vây, bị đẩy tới chân tường. Cực kỳ tuyệt vọng. Bỗng sinh lộ hoát nhiên mở ra. Như hai viên đá câm nín, ù lì, trì trệ, chợt đánh vào nhau mà tóe lửa. Ánh sáng của sáng tạo nếu không nói là sáng thế. Từ một thế giới sản sinh ra muôn nghìn thế giới. Từ một con người sản sinh ra muôn vạn giống dân.
Có câu chuyện Thiền ứng vào nhận xét của chị. Một thiền sinh cheo leo trên vực thẳm, miệng cắn vào một cành cây làm nơi cứu tử. Vị thiền sư đưa ra công án (xem chú thích số 2), bắt phải trả lời thì mới đạt đạo. Làm sao đây ? Mở miệng đáp sẽ đạt đạo, nhưng mở miệng là rơi vào hố thẳm chết tươi. Không trả lời tất không thành đạo ! Giác ngộ trong đạo hay sáng tác trong văn học nghệ thuật là trả lời câu hỏi của vị thiền sư khi ở vị thế cheo leo, vô vọng kia. Hẳn nhiên lời đáp không có một, mà tùy thuộc tâm tưởng của mỗi người. Dĩ cùng tắc biến, biến tắc thông. Phải dám đi đến tận cùng địa ngục thiên đường mới mở ra.
Sống chết đan xen nhau. Sống là đi về cái chết. Chết là ngồm ngoàm cái sống. Biết vậy, nhưng con người vẫn cứ sống ngờ ngờ không ý thức, như một « thỏi chết trơ ». May thay còn tràn đầy mộng mị để sống qua ngày. « Thỏi chết trơ đầy mộng » là trạng thái giao thời chờ đợi tái sinh, tùy thuộc mộng mê hay mộng tỉnh, tức vai trò giác ngộ. Giác ngộ là lìa xa vô minh. Ta không thể giúp con ngựa hết khát nước, nhưng ta có thể dẫn con ngựa tới suối nước. Đó là vai trò của giác ngộ.
35. Lê Thị Huệ: Phải là trí thức hải ngoại đọc những sáng tác như “Chiếc Vòng” của Võ Đình mới thấy được cái trí thức Việt bùng vỡ và nghẹn họng ra bên ngoài Việt Nam như thế nào. Phải là trí thức hải ngoại đọc đọan văn trên của Thi Vũ, mới chiêm nghiệm được chỗ đứng của Lưu Vong và cái “giá trị riêng một người” phân định mong manh như thế nào. Nhân đây, tôi muốn hỏi ông một câu hỏi hơi đời thường. Là nếu chúng tôi thấy về cái sự “không” Đông Phương Nhà Phật của ông không thể giúp chúng tôi tiến thân trong một xã hội cần chúng tôi “huyên thuyên” “selling yourself” như trong những cuộc “interview for job” ở Mỹ chẳng hạn, thì câu trả lời của ông sẽ như thế nào ? Hơn 70 tuổi rồi mà ông vẫn còn là một trí thức dấn thân, tranh đấu cho nhân quyền thế giới. Tôi ngồi đây trong căn phòng đầy đủ tiện nghi ở nước Mỹ, đọc những câu văn thơ mộng của ông trong bài tản mạn “Người Em” của ông, tôi thấy ông bàn về sự “Không” ấy như một người nào khác chứ không phải là Nhà Tranh Đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái đang ăn thua đủ trên các đấu trường quốc tế . Ông đã khiêu vũ với đời sống như thế nào để có thể tránh những cú té “identity crisis”: “Đông là Đông. Tây là Tây. Đông Tây không bao giờ hòa hợp” ?
Võ Văn Ái : Đông là Đông, Tây là Tây, câu nói của Rudyard Kipling ở thế kỷ XIX. Như trên tôi nhận định, ở vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta đang sống trong một thời đại mà Đông phương không còn là Đông phương và Tây phương cũng không hẳn là Tây phương. Cho nên theo hình tượng chị nêu ra, cuộc khiêu vũ với đời sống của tôi đang là cuộc luân vũ vô cùng hào hứng mà ở đó mọi hệ lụy trở thành những thách đố kỳ thú. Khi con người thôi sợ hãi hắn làm chủ nhân ông cuộc sống nếu không là thượng đế của đời hắn.
Chị đang ngồi uống trà trước mặt tôi. Chị thấy gì thần trí tôi ? Chị thấy gì cái đầu suy tưởng của tôi, khi tôi cử điệu như mọi người : rót nước sôi vào bình, chuyên trà sang chén, đưa nhẹ bàn tay mời uống… Thế nhưng cử điệu, cung cách pha trà, châm trà, rót nước, mời thỉnh... là sự hoá hiện và thu tóm những nghìn năm văn hoá trà - Trà đạo. Đâu là thơ mộng trà, đâu là từng lăn ngụm hớp qua thớ cổ trên thân xác ê dề ? Hai là hai ? Hay hai là một ? Tương liên như lóng nắng thổi xanh vào lá, hồng đậm một cành hoa ? Hoá ra cái nhìn ta, suy tưởng ta phân hai những thể thống nhất trong đời. Cành hoa đẹp là thể thống nhất của đất trơ, mầm mộc nhuốm các mùa màng qua lại.
Chữ không Đông phương nhà Phật mà chị đề cập không phải là sự chối từ hay quay lưng của một từ phủ định đối chọi với sự khẳng định : không/có, có/không. Không của nhà Phật (tiếng Phạn là Śūnya), là không có tự tính, mang nghĩa mọi vật tồn tại không có tự thể, thực thể, thực ngã, tức tính không của các pháp (svabhāvaśūnya). Mọi sự mọi vật đều do duyên sinh kết hợp mà thành.
Khi nói nước là không, điều này mang nghĩa nước không có tự thể. Vì nước là hợp chất của một phần dưỡng khí và hai phần hydrô (H2O). Thử lấy thêm cái bàn làm ví dụ. Thực thể cái bàn ở đâu ? cái gì gọi là cái bàn ?, nếu không là sự kết hợp của gỗ, của cưa, đục và người thợ mộc khéo tay. Hiểu được như thế, yếu tính của chữ không đâu phủ nhận cái bàn, không cho cái bàn hiện hữu, mà là tự tính và tự thể cái bàn không có thật. Bàn là toàn thể một tương quan. Cho nên, bàn vẫn hiện hữu do sự kết hợp, tương duyên của nhiều thành tố. Từ ví dụ cái bàn, mà suy ra con người, xã hội, trái đất, vũ trụ. Nắm bắt được chân lý duyên sinh, tương duyên tương sinh, thì con người và xã hội hòa hài nhau lắm chứ, liên hệ, kết dính, tương quan nhau lắm chứ.
“Chúng tôi cần “huyên thuyên”, “selling yourself” như trong những cuộc “interview for job” ở Mỹ” như chị nói, thì sinh thức Không/ Śūnya của nhà Phật giúp chị thêm tỉnh táo, tự tin, tương dự để hoàn thành bất cứ “interview for job” khó khăn, bức thiết đến thế nào. Ông chủ for job kia sẽ mất chân đứng thị uy mà hoát nhiên hoá thành con chuột dưới móng mèo của chị. Tôi đã áp dụng ý thức Không/ Śūnya này trong cuộc đời hành hoạt quốc tế cho Việt Nam của tôi gần năm mươi năm qua. Nhờ vậy tôi bước tới, chẳng thối lui. Tôi chuyển hoá.
Trên đây là một vài bài báo tiêu biểu trong hàng trăm bài viết về hoạt động truyền thông quốc tế của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ : nhật báo The Advertiser, Úc châu, 2.10.1986, viết về chuyến đi vận động cho Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi là phái đoàn người Việt đầu tiên vào điều trần Quốc hội Úc; nhật báo La Croix, Paris, 12.11.1993, viết về Tôn giáo là lực luợng đối lập khả tín nhất tại Việt Nam; nhật báo Le Monde, Paris, 27.5.2000 viết về Bạch Thư của chúng tôi chống việc Chính phủ Pháp tiếp đón Lê Khả Phiêu; nhật báo Le Devoir, Canada, 29.4.1995, tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội và Đảng Cộng sản gây chiến với nhân dân Việt.
Từ nhận thức tự tính mọi sự là Không/ Śūnya, không cố định, bất biến, nên ta có thể chuyển hóa mọi sự, biến khổ đau thành hạnh phúc, nô lệ thành tự do, độc tài thành dân chủ. Tôi từng giải thích Ý thức Không/ Śūnya này ở một chương sách trong “Nguyễn Trãi, Sinh thức và Hành động”.
36. Lê Thị Huệ: Trong vài bài “tạp ghi” của ông, tôi để ý ông thường đặt những dấu hỏi ở cuối câu . Một lối viết mà giới trí thức dễ lấy làm tâm đắc. Với tôi, trí thức thường o ép tôi vào cái hóc xó của trạng thái lửng lơ, không lối thoát. Nhưng khi quan sát ông, tôi thấy ông đã chọn làm một Phật Tử Đấu Tranh. Ông có thấy chút nào tranh chấp giữa “Con Người Trí Thức Vốn Hay Lơ Ngơ” / với một “Con Người Đời Thường Vốn Cần Cụ Thể” như thế nào ? Cái cõi “trí ảo” chuộng suy tưởng và cái “đời thực” sống là chiến đấu ở trong con người ông có bao giờ xung động không ? Ông có những nguyên tắc chọn lựa cụ thể nào ? Tôn giáo ư ? Hay thường là do “hư vô xô đẩy” vào những ngả rẽ ? Tôi hỏi câu này với ý thức rõ rệt rằng ông là một Trí Thức Phật Tử nhưng vẫn muốn nghe một câu trả lời nào đó từ ông .
Võ Văn Ái : Có những dấu hỏi đi tìm câu trả lời. Nhưng cũng có những dấu hỏi tự nó đã là lời đáp. Hỏi mà chơi. Cái thắc mắc của chị đối với tôi qua một số câu hỏi do chị đứng từ vị trí nhị nguyên, phân đôi cuộc thế, phân đôi đời người, một bên “trí ảo”, một bên “đời thật”. Trong khi ấy, cuộc đời giản dị hơn nhiều, hai mặt một đồng tiền vẫn là một giá trị của đồng tiền. Bên trên hay bên dưới dòng nước chảy vẫn là con sông chuyển vận mây trời, trăng gió về biển khơi. Thời ông Vương Dương Minh bên Tàu đã biết chuyện tri hành hợp nhất rồi, phải không ? Với tôi, từ suy tưởng đến hành động, tôi phát khởi với tinh thần bất nhị. Bất nhị là cốt lõi của Phật giáo. Bất nhị là hóa giải mọi đối lập. Phật tử là người chiến đấu hằng ngày để gạt trừ vô minh cho chính mình và cho người khác. Hiện sinh đau khổ của loài người đến từ hai thứ vô minh : không biết mình tha hóa tách rời với Phật tính (tính giác ngộ), và không biết Phật tính hiện hữu trong hết thảy chúng sinh/loài người. Đạo Phật giải quyết vô minh bằng đại trí (trí tuệ Bát Nhã) và đại bi (lòng từ). Đại trí cắt đứt tự ngã độc tôn bên trong, và Đại bi chiếu rọi bên ngoài thành lợi ích chúng sinh. Cả hai hợp đồng thành giác ngộ. Không có chuyện lo riêng cho bản thân mình mà chẳng nghĩ tới người khác.
Muốn thay đổi thế giới mà không khởi sự thay đổi từ mình là điều vô khả, nếu không nói là không tưởng.
Hiểu nghĩa con người Phật tử như thế, “tranh chấp giữa “Con Người Trí Thức Vốn Hay Lơ Ngơ” / với một “Con Người Đời Thường Vốn Cần Cụ Thể” như chị thắc mắc sẽ tan biến. “Cái cõi “trí ảo” chuộng suy tưởng và cái “đời thực” sống là chiến đấu ở trong con người” cũng mất dạng, không có xung đột.
Tôn giáo trong ý nghĩa Đông phương, đặc biệt đối với Phật giáo, chẳng có chi siêu hình, trừu trượng, theo nghĩa thần học Tây phương. Tôn giáo là sống trọn vẹn cuộc đời mình như một tồn tại toàn diện mới mẻ và giúp người khác phục hồi cái toàn diện của họ.
37. Ông có thể cho một vài nhận xét thú vị nào của riêng ông, về cấu trúc tiếng Pháp và tiếng Tàu và mối liên hệ của nó đến tiếng Việt ?
Võ Văn Ái : Trả lời câu hỏi gồm 31 chữ này cần viết một cuốn sách dày mới có thể hồi đáp nghiêm chỉnh. Trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn, tôi tạm thời nêu ra vài ý nghĩ lan man :
- Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire/Grammar, Trương Vĩnh Ký gọi là “sách mẹo”, Tàu dịch là Văn pháp) cho tới nay vẫn chưa định hình, thống nhất, vì có nhiều trường phái đối chọi nhau. Tất cả các sách ngữ pháp tiếng Việt khởi đầu đều dựa vào ngữ pháp tiếng Pháp làm chuẩn. Phải chăng do nhược thức thuộc Pháp ? hoặc cho Âu châu là trung tâm của nhân loại trên vấn đề học thuật, kể cả ngữ pháp ? Cho tiếng Âu châu là hoàn hảo nhất ? Tàu cũng dùng “văn phạm” Châu Âu làm chuẩn mực giải thích tiếng Hán với cuốn Mã Thị Văn thông. Tương tự như ở ta với cuốn Việt Nam Văn phạm của ông Trần Trọng Kim. Ở tiếng Tàu văn nói (bạch thoại) và văn viết (văn ngôn) khác nhau, có lẽ vì vậy họ dịch Grammaire là Văn pháp. Trong tiếng Việt văn viết như văn nói, nên các nhà ngôn ngữ học mới thống nhất gọi là Ngữ văn.
- Ngôn ngữ không chỉ là âm thanh phát ra mà còn có nghĩa. 70% vốn tử vựng tiếng Việt là các từ Hán Việt. Cho nên việc bỏ tiếng Hán, tiếng Nôm để sử dụng tiếng quốc ngữ La tinh là một thiệt thòi lớn trên phương diện ngữ nghĩa và tư tưởng dân tộc. Người ta bảo học chữ Hán khó hơn chữ quốc ngữ. Nhưng tại Mỹ, những học sinh không học được cách đánh vần (dyslexia), người ta đã dạy tiếng Anh bằng chữ Hán. Và các nhà ngữ học Mỹ cho tiếng Hán là một hệ thống ngôn ngữ ưu việt.
- Tiếng Việt không có đại danh từ (pronom/pronoun) như tiếng Pháp và tiếng Tàu mang tính bình đẳng khi xưng mình với người. Đại danh từ trong tiếng Pháp hay Anh là : je, tu, il, nous, vous, ils. Tương đương với tiếng Tàu là : ngã, nễ, tha, ngã môn, nễ môn, tha môn. Chẳng hiểu thời các vua Hùng chúng ta gọi nhau như thế nào, chứ bên Tàu thời Nghiêu, Thuấn, vua tôi nói với nhau vẫn xưng vua bằng nhữ (mầy), tự xưng mình là trẫm (ta), đến thời Tần Thủy Hoàng mới giành chữ trẫm (ta) cho riêng vua, nên người thường không còn dám dùng chữ trẫm để xưng ta nữa.
Chúng ta không có đại danh từ (cần hiểu chữ đại nghĩa là thay, chứ không phải lớn, bự) nên gọi nhau bằng đủ thứ chữ phức tạp gây khó khăn cho người ngoại quốc học tiếng Việt, như ông, bà, bác, chú, cháu, con, em, cô, dì, mợ, cụ, v.v… Minh bạch và dễ thương đấy. Nhưng có khi trở thành kiểu cách, quan cách, phân biệt, kỳ thị nhau ? Chữ cụ là tiếng tôn vinh giới quan lại hay già lão, nhưng ở Huế gọi cụ kéo xe thì lại hạ thấp xuống thứ bậc bình dân.
- Áp dụng article (mạo tự) trong tiếng Pháp, một số nhà làm « văn phạm » dùng các chữ con, cái, để phân biệt giống đực, giống cái. Nhưng tiếng Việt không hẳn thế : Con đặt trên danh tự để chỉ động vật (con chim, con voi, con gà). Cái đặt trên danh tự chỉ vật thể do người ta làm ra (cái cầu, cái nhà, cái bàn). Chữ con có tính động, chữ cái thì không cử động. Ví dụ con chim, con tàu, con dao… ngay bộ phân sinh dục phái nam cũng gọi con c.. Trái lại thì cái bàn, cái ghế, cái nhà… bộ phận sinh dục đàn bà cũng là cái l.. Ngoài ra có chữ nhà vốn là một chữ tĩnh, không cử động, nhưng khi ghép với một chữ khác lại thành sinh động, yêu thương, như nhà văn, nhà thơ, nhà tôi…
Đâu phải phân loại giống cái giống đực nên dùng chữ con, cái như tiếng Pháp le, la đâu. Khi nói chiếc lá, cuốn sách, sợi tóc, suối tóc, lóng tay, thì hẳn các chữ chiếc, cuốn, sợi, suối, lóng… không thể trở thành mạo tự như trong tiếng Pháp ?
- Người ta bảo tiếng Việt đơn âm. Nhưng không hẳn thế, có khi vẫn hợp hai, ba, bốn chữ mới thành nghĩa, như luýnh quýnh loáng quáng, mồ hôi, máng xối…
- Tiếng Pháp cũng như tiếng Tàu lấy việc chính là chủ yếu, tiếng Việt thì trình bày theo trình tự thời gian. Ví dụ ta hỏi con cái đi đâu về đó, nói theo tiếng Pháp các cháu sẽ trả lời : Je viens de l’école /Con từ trường trở về. Tức việc trở về là chính. Nhưng tiếng Việt sẽ nói Con đi học về, vì việc học có trước rồi học xong mới về.
-Theo thuyết tương đối của Einstein, thời gian chỉ là chiều thứ tư của không gian. Nhưng trong các ngôn ngữ thì thời gian quan trọng hơn không gian. Các động từ trong tiếng Pháp được chia ra các thì (thời gian) rất chặt chẽ. Ngoài ba thì quá khứ, hiện tại, vị lai còn các thì phụ, tất cả là 18 thì. Các nhà làm « văn phạm » tiếng Việt muốn áp dụng như tiếng Pháp nên dùng ba chữ đã, đang, sẽ để chia thì quá khứ, hiện tại, vị lai. Thực tế tiếng Việt chưa hẳn như vậy. Khi ta nói : Tôi đã vượt biển sang Mỹ năm 1975, là nói về một việc đã xong trong quá khứ. Nhưng khi nói : Báo Gió-O đã lên trang, thì đã nói về chuyện hiện tại. Chữ đang diễn tả hiện tại nhưng cũng nói tới quá khứ và vị lai : Tôi đang đi thăm thành phố New York, là nói cái hiện tại. Tuần trước tôi đang làm vườn thì chị Huệ đến thăm, vậy đang là quá khứ. Xin báo trước khi tôi đang làm vườn thì chớ ghé thăm, đang ở đây chỉ thì vị lai. Chữ sẽ cũng vậy : Tuần sau tôi sẽ sang Paris chơi, là chỉ định việc tương lai. Tôi sẽ đi Los ngay, sẽ chỉ thì hiện tại. Nếu tôi trễ chuyến bay thì sẽ không tới kịp cuộc hẹn, sẽ trở thành dự tính trong quá khứ.
- Nhân nói chữ nếu trên đây dùng cho câu giả định, thì ta thấy trên ba nghìn câu Kiều cụ Nguyễn Du không hề dùng chữ nếu, mà chỉ dùng chữ dầu hay dẫu : Dầu khi lá thắm chỉ hồng / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng / Dẫu bằng xương trắng quê người quản đâu. Vậy thời cụ Nguyễn Du không có chữ nếu, hay là… ?
- Tại sao nói ngồi trên ghế nhưng lại nói ngồi dưới đất thay vì ngồi trên đất ? Dưới đất là dưới mặt đất, trong lòng đất ? Từ đây nhận ra điều người Pháp và người Tàu hướng theo vùng địa lý, còn ta thì quy định từ xuất phát điểm, từ mình mà đi. Người Tàu, người Pháp nói vào sân khấu (entrer en scène / entrer sur la scène), ta thì nói ra sân khấu. Người Pháp, người Tàu nói lên Paris, xuống Marseille, thưởng Bắc Kinh, hạ Giang Nam. Ta thì nói vô Saigon, ra Huế, chứ không nói lên Huế, xuống Saigon.
- Người Pháp và người Việt nhìn thực thể trước, ngoại dáng sau : con ngựa trắng, le cheval blanc. Người Tàu trái lại nhận rõ ngoại dáng rồi mới đi vào thực thể : bạch mã.
Cà kê dê ngỗng còn dài. Xin hẹn dịp khác nói thêm…
38. Lê Thị Huệ: Ông có thể nói một điều gì đó về nhóm sinh viên Miền Nam du học ở Pháp nhưng sau đó theo Cọng Sản thời 1960 như nhóm Nguyễn Ngọc Giao … Vai trò của nhóm Tả này trong thứ “tâm lý chiến”, vận động quần chúng chống lại phe Quốc Gia trong chiến tranh Quốc Cọng Nam Bắc 1954-1975 như thế nào ?
Võ Văn Ái : Hai lý do làm cho giới sinh viên du học miền Nam tại Pháp rơi vào tay Cộng sản Việt. Thứ nhất, đa số sinh viên thuộc thành phần giàu có, con ông cháu cha. Không có tiền bạc đút lót, không có thế lực quen biết hỗ trợ ắt khó xin thông hành du học. Chưa nói việc du học tốn kém từ di chuyển đến lưu trú. Gia đình không khá giả không thể cho con đi du học. Thành phần giàu có, con ông cháu cha, sống ở thành thị, xa lìa quần chúng nghèo khó, ít có ý thức quốc gia, dân tộc. Đến Pháp đi theo hai lối, hoặc ăn chơi, phè phỡn, hoặc bị kích động tinh thần yêu nước từ phe Việt Kiều Cộng sản vào thời gian đầu còn bơ vơ, nhớ nhà nhớ nước.
Hồi tôi đến Pháp, ngoài giờ theo đại học, thường vào thư viện để học bài, vừa được sưởi ấm, vừa yên tĩnh, vừa có sách mượn. Chỉ ba ngày sau, là có sinh viên đến hỏi han : Anh mới qua ? Học ngành gì ? Nhà ở đâu ? Có gặp khó khăn gì không ? Cần gì anh cho biết tôi giúp đỡ ? Lạ nước lạ cái mà gặp được người Việt hiếm hoi, ân cần nơi đất khách, thử hỏi ai không chạnh lòng, không muốn kết thân ? Tử hỏi han, chỉ dẫn đường đi nước bước về các thủ tục nhập học, ăn uống, kiếm nhà trọ… người tiếp xúc mời tôi ra quán nước, về nhà trọ… vài ngày sau đưa tôi gặp gỡ một số bạn khác bàn chuyện nước non. Thế là người du học sinh chân ướt chân ráo đã lọt ngay vào các tổ sinh hoạt của Cộng sản. Tất cả những sinh viên du học mới đến Pháp, tối đa một tuần đến mười ngày liền nhận được báo tuyên truyền của Hội Liên Hiệp Việt Kiều (Cộng sản). Thử hỏi người sinh viên 17, 18 tuổi, ngơ ngác giữa đất khách bảo sao không lọt vào vòng tay “thân ái” của người đồng hương - mẹ mìn ?
Lý do thứ hai, là nhân viên Sứ quán Việt Nam Cộng hòa bao gồm những quan chức hành chánh khệ nệ, xa lạ chẳng có chút thân ái, cảm tình tiếp cận giới sinh viên. Quốc gia là một từ mang ý nghĩa “mạnh ai nấy sống”, ít thấy đơm thành ý thức, hay phát triển thành vũ khí vận động hay nuôi dưỡng tinh thần. Vô hình trung đẩy đa số khối sinh viên du học vào tay tuyên truyền cộng sản. Phải hiểu “Cộng sản” ở Pháp chủ yếu là tinh thần yêu nước được kích động thành phong trào hậu thuẫn cuộc “kháng chiến giành độc lập dân tộc”, chứ nội hàm chưa phải là người cán bộ tôn thờ chủ thuyết Mác-Lê. Qua sinh hoạt mới dần dần được xích hóa.
Đó là nội bộ đời sống của người sinh viên du học. Hoàn cảnh khách quan còn đổ dầu vào lửa. Đó là phe tả tại Pháp, đặc biệt Đảng Cộng sản Pháp, mở một lối tiếp cận thân tình và bình dân thông qua các lễ hội hằng năm, thân ái với dân các nước thuộc địa hơn là phe hữu quá xa cách, trưởng giả, nhiều khi trịch thượng, thực dân.
Thoạt đầu là sinh viên, sau tốt nghiệp thành giới thức giả tham dự vào đời sống xã hội, học thuật Pháp. Tư tưởng thiên Hà Nội của giới Việt Kiều trí thức hiển nhiên ảnh hưởng đến dư luận Pháp hay quốc tế. Vô hình trung giới này đại biểu cho Việt Nam. Đối diện là phe Quốc gia trở thành thiểu số mờ nhạt, bị động.
Phải chờ năm 1975, với phong trào Người Vượt Biển rầm rộ một vài năm sau đó, tình hình mới đảo ngược, đem lại sự thất thế hầu như tan rã của giới Việt Kiều thân Cộng trong tổ chức nội bộ cũng như trong công luận. Nhưng chủ yếu việc này đến từ sự thất thế và bất nhân của chế độ độc tài toàn trị trong nước, cộng thêm sức quật dậy của phong trào đấu tranh cho nhân quyền mới mẻ và xung kích chưa hề có trước đây.
Bài xã luận trên nhật báo Le Monde ở Paris viết về hiện tình giới ly khai Việt Nam do Cơ sở Quê Mẹ cung cấp tư liệu nhân Thượng đỉnh Pháp thoại lần thứ 7 tại Hà Nội, tháng 11.1997.
Trên đây là hai bản tin của Đức tấn xã (DPA) và Mỹ liên xã (AP) cùng với nhiều hãng thông tấn quốc tế khác, như AFP, Reuters… loan báo cuộc vận động của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam yêu cầu Tổng thống Pháp Jacques Chirac bênh vực cho nhân quyền và tù nhân vì lương thức khi đến chủ toạ Thượng đỉnh Pháp thoại (Francophonie) lần thứ 7 tại Hà Nội.
Lời kêu gọi của Cơ sở Quê Mẹ và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam yêu cầu Tổng thống Pháp Jacques Chirac can thiệp cho nhân quyền và tù nhân vì lương thức khi đến chủ toạ Thượng đỉnh Pháp thoại (Francophonie) lần thứ 7 tại Hà Nội. Lời kêu gọi này được đang ¼ trang nhật báo Le Monde với chữ ký của hàng trăm trí thức, học giả, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo, diễn viên điện ảnh… Pháp và Việt, gây động dư luận Pháp và quốc tế, biến cuộc tuyên truyền phô trương của Hà Nội khi tổ chức hội nghị quốc tế thành đích nhắm cho thế giới nhìn về thảm trạng nhân quyền Việt Nam
39. Lê Thị Huệ: Ông nghĩ tại sao họ lại từ phe Quốc Gia mà rồi theo phò phe Cọng Sản. Biết là mốt của trí thức thời đó là Tả, nhưng họ là người trong nước bước ra, đáng lẽ họ phải “nhạy cảm” với cuộc chiến Việt Nam hơn, đáng lẽ họ phải “khó xử” với chính họ hơn. Chọn lựa theo phe Tả lúc đó là một chọn lựa qúa ư dễ dàng. Tại sao những người trí thức như họ lại có những thái độ chính trị “trớt quớt” dễ và nhanh như thế? Để bây giờ nhìn lại mới thấy sự u tối của những người đã theo phò Cọng Sản trước đây
Võ Văn Ái : Do quan sát lớp người ra đi năm 75 nên chị thắc mắc. Bởi lớp người này phân định hắc bạch giữa quốc gia và cộng sản. Song lớp người ra hải ngoại trước 75. Đặc biệt giới sinh viên du học thì khác.
Trí thức là ai, là gì ? Đã có sự chênh lệch giữa kiến thức học đường với kiến thức nhân loại hay nhân văn. Trí thức được gọi tên ở nước ta gán cho giới có học, có bằng cấp. Nhưng người có học, có bằng cấp chưa hẳn là giới đại biểu cho lương tri hay lương tâm thời đại. Cuối thập niên 40 ra khỏi tù, tôi bị tống xuất khỏi thành phố Huế, rời trường trung học Khải Định lên học trường trung học Yersin ở Đà Lạt. Tôi ngạc nhiên thấy hai giới học sinh Khải Định và Yersin cách biệt trời vực trong suy nghĩ hay tâm tưởng về đất nước, dân tộc. Ngay tại Huế, giới học sinh trường Khải Định (sau này đổi thành Quốc học) đã khác rất xa với giới học sinh trường Dòng Pellerin về ý thức dân tộc. Tuy hai trường cách nhau chừng một, hai cây số. Tôi chứng kiến việc này vì sau khi bị bắt lần thứ nhất, gia đình tôi không cho học trường Khải Định “lộn xộn” mà bắt lên học trường Dòng Pellerin. Học sinh Yersin ở Đà Lạt, quy tụ giới con nhà giàu hay thế lực, chỉ biết học và ăn chơi, nhảy đầm, nghỉ hè. Chuyện đất nước truân chuyên, thuộc Pháp hay không chẳng ai ưu tư đặt thành vấn đề.
Trong tâm cảnh như thế, làm sao giới học sinh này nghĩ tới chuyện so sánh hay chọn lựa giữa quốc gia hay cộng sản ? Đa số lớp học sinh này kết thúc cuộc học hành ở Pháp. Sang đến Pháp, do phía cộng sản Việt có tổ chức, nên số lớn giới học sinh này mới tiếp cận chuyện nước non. Tuyên truyền cộng sản cũng chỉ đặt vấn đề độc lập dân tộc làm lá chắn tập họp quần chúng. Kêu gọi lòng yêu nước, kháng chiến chống Pháp giành độc lập, thử hỏi ai không đáp ứng.
Hồi nhỏ ở miền Trung, tôi từng chứng kiến lính Tây say rượu hát hò đập phá hàng quán, nơi làng xóm chúng bật quẹt lửa vào mái tranh đốt nhà, bắt người còng đi vì nghi ngờ Việt Minh, hay hãm hiếp phụ nữ. Trước thảm cảnh ấy, tôi có thể theo Pháp không ? Người kháng chiến được huấn luyện để biết vì sao mình cầm súng chiến đấu, vì sao mình bảo vệ xóm làng, vì sao ăn, vì sao ngủ, quần chúng nhân dân là ai ? Trong khi ấy phe quốc gia lơ là với công tác ý thức hóa quần chúng. Giới lãnh đạo quốc gia chỉ ỷ y vào tiền, vào đồng Phật lăng hay Đô la, vào lá bài ngoại bang, nhưng xa lạ với quần chúng. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, điều hành một Nhà nước chống Cộng, thế mà cuối thập niên 60 khi cuộc chiến lên cao đỉnh, thì việc vận động quần chúng chỉ là ưu tư thứ tư của ông ấy. Vận động quần chúng đứng sau ba ưu tiên quân sự, bình định, kinh tế. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, vận động quần chúng phải là ưu tiên một, tức vấn đề ý thức hóa và đoàn ngũ hóa quần chúng. Ông Thiệu, ông Kỳ chỉ trông chờ vào triệu, tỉ Đô la Mỹ. Họ không tin, không thương, không trông nhờ vào quần chúng nhân dân. Mỹ cúp viện trợ, họ ngưng chống Cộng và chạy ra nước ngoài trước mọi người. Họ không là Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ.
Vấn đề trầm trọng hiện nay, là người chống Cộng hay không-Cộng-sản đang làm gì cho một giải pháp thay thế, khi thấy rõ cái yếu, cái ngu, cái ác độc và thất bại trong việc thăng tiến nhân sinh của người Cộng sản ?
40. Lê Thị Huệ: Bây giờ nghiệm lại phong trào trí thức Tả của thập niên 1960, ông có một kết luận đặc biệt nào về trường hợp này ?
Võ Văn Ái : Không phải là từ thập niên 60, mà là từ đầu thế kỷ XX, đa số trí thức Việt đã a tòng theo hai lối suy tưởng và hành động thuần túy Tây phương : Tây phương đế quốc và Tây phương cộng sản. Ít ai có tinh thần dung hóa cái học của Tây phương để phát triển nền văn hiến Việt. Chúng ta sản sinh hàng loạt những ông vua Tự Đức từ triều Nguyễn tới triều Hồ. Chúng ta thiếu một đại sĩ phu như Minh Trị Thiên Hoàng.
Bạn bè tôi có nhiều người chạy theo phe Tả. Do biết rõ họ, nên tôi nghĩ chỉ là vấn đề phù thịnh, nếu không nói là tìm một chỗ đứng cho bản thân - LÀM QUAN. Làm quan phe tả hay làm quan phe hữu đều quan liêu như nhau. Dù người làm quan là ông bác sĩ, ông kỹ sư, ông luật sư… họ là Ông Cơ hội - những kẻ cầm cờ chạy hiệu. Tôi chỉ trách họ sao trước kia rốt ráo đến cực đoan trong đấu tranh khi hùa theo phe tả, nhưng ngày nay nhận chân những sai lầm chết người của phe tả, họ lại im lặng, tê liệt, mất mọi khả năng, khí thế quyết liệt để chống lại cái xấu, cái ác ? Hóa ra ước muốn “làm quan” trong con người trí thức Việt vẫn hấp dẫn hơn lý tưởng cứu nguy dân tộc hay cứu người.
Tôi nhớ cuộc điện đàm khá dài giữa tôi với giáo sư Hoàng Xuân Hãn sau ngày 30.4 năm 1975. Trước kia chúng tôi vẫn thường qua lại, gặp gỡ, trao đổi, khi chuyện học thuật, lúc chuyện nước non. Điện đàm với nhau chỉ là chuyện vội vã hay lấy hẹn. Hôm ấy trao đổi tình hình đất nước xong, ông Hãn khuyên tôi nên đến gặp ông Nguyễn Ngọc Giao mà tôi chưa hề quen biết. Tuy biết tên ông như lãnh tụ Việt Kiều Cộng sản, thời hòa hội Paris ông ta làm thông dịch viên cho Phái đoàn Hà Nội. Hôm ấy tôi trả lời ông Hãn rằng: "Ông Giao bây giờ là quan, dân đến gặp quan bất tiện lắm bác ạ".
Rất nên đọc lại tập sách mỏng « Một vài Ký vãng về Hội nghị Đà Lạt » của ông Hoàng Xuân Hãn để suy gẫm về người trí thức Việt vào buổi giao thời. Đặc biệt phần ông Hãn kể lại cuộc tiếp xúc lần đầu với ông Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Ông Hãn là bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim của vua Bảo Đại, nhưng toàn bô nội các chẳng biết gì về Việt Minh (xem « Một Cơn Gió bụi » của Trần Trọng Kim). Những người trí thức có học vị, bằng cấp, nhưng lại ngơ ngác trước nhóm thiểu số Việt Minh chuyên nghiệp trên trường chính trị. Thời ấy ông Hãn đã thấy thảm nạn « đảng tranh » nguy biến cho dân và nước khi thổ lộ tâm can mong muốn ông Hồ giải quyết. Song cuộc xích hoá Việt Nam là ưu tiên một của ông Hồ cộng với sự thiếu lão luyện chính trị của các đảng phái quốc gia thời 1945 đã đưa đất nước vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khiến dân tộc điêu linh tới ngày nay.
Quan điểm thiên Hồ của thế hệ trí thức Hoàng Xuân Hản xuất phát từ hai thứ lý luận. Một thuộc luận điểm chính thống lịch sử, và một thuộc ưu tiên lịch sử. Lớp nhà nho Bắc hà thưở trước và giới trí thức ngày nay lớp ông Hãn xem rằng người thu phục giang san là kẻ chính thống. Trước kia là vua Gia Long, nay là vua Hồ. Còn ưu tiên lịch sử là luận điểm của số đông trí thức Việt có tinh thần dân tộc vào thời điểm 1945. Họ không chấp nhận Cộng sản, nhưng họ nghĩ phải ưu tiên đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập trước, khi có độc lập sẽ tính tới chuyện Cộng sản. Thế nhưng bài học lịch sử cho thấy chẳng bào giờ việc tính sau thành tựu. Vì tiên quyết phải qỉai quyết triệt để việc cơ bản từ đầu. Bao nhiêu trí thức ngậm đắng nuốt cay sau ngày Cộng sản thành công, nhưng lúc ấy đã trễ : những Nguyễn Mạnh Tường ngoài Bắc, những Nguyễn Văn Trấn trong Nam… với trùng trùng những trí thức khác kể không hết tên.
Một trường hợp khác tôi gặp tại Pháp là ông trí thức Nguyễn Mạnh Hà. Nói ông là Cộng sản thì không đúng, vì ông không có thẻ đảng, ông lại thuộc giới Công giáo cấp tiến. Tuy vợ ông là một phụ nữ Pháp con một lãnh tụ Cộng sản Pháp nổi danh bạn với ông Hồ, bà nói tiếng Việt (giọng Bắc) tuyệt hảo. Nhưng nói ông không Cộng sản thì cũng không đúng hẳn. Bởi hành động chính trị của ông làm lợi cho phe Cộng sản. Dấu ngoặc cần mở ở đây là kiểu chụp mũ Cộng sản ngày nay là điều vô lối. Thực tế cho thấy có rất nhiều người không – Cộng sản nhưng họ hành hoạt có lợi lớn - hơn cả đảng viên Cộng sản - cho phe Cộng sản.
Do được một bạn công giáo cho tá túc thời gian tôi gặp khó khi mới qua Pháp, và qua trung gian bạn này tôi có dịp gặp ông Nguyễn Mạnh Hà, một bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh đầu tiên ở Hà Nội. Ông là người thực tâm yêu nước, chống thực dân, dù ông dân Pháp. Gặp ông tôi biết thêm về cá nhân ông Bảo Đại vì hai người là đồng môn những năm 30. Tôi tỏ lòng mến mộ, nhưng khi thấy giao thiệp chính trị của ông thiên Hà Nội, nên tôi tránh. Thế nhưng hai năm sau, một hôm ông leo tám tầng thang gác lên tận nóc phòng trọ gặp tôi. Người ông cao to đẫy đà, nhìn ông mồ hôi nhễ nhãi, nhịp thở gấp mà thương hại. Lần ấy ông mời tôi làm chủ biên một tờ báo vận động chính trị trung lập hoá Việt Nam, nhằm tránh cuộc tranh chấp bạo động giữa hai miền Nam Bắc. Thoạt nghe hấp dẫn. Song trong buổi họp các người cộng tác bước đầu, tôi cảm thấy bất an với khuynh hướng Hà Nội chen vào nên tôi từ khước.
Tám năm sau, ông Hà vận động cho lá bài Trần Văn Hữu với ông Bảo Đại đỡ đầu mong thoả hiệp giai đoạn với Hà Nội. Ông Hà lại đến tiếp xúc mời tôi tham gia. Nhưng tôi tránh. Thời khoảng 65, 66 này, tôi cũng được ông Trần Văn Khê cùng người thân cận của ông nay đã mất là bà Mộng Trung đến tiếp xúc nhiều lần, lôi kéo tôi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tôi từ chối.
Đấy, những mẫu người trí thức như các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Văn Khê đưa lên bàn mổ tả - hữu e khó đưa tới một kết luận minh bạch. Dù rằng giới trí thức thuộc thế hệ ba ông này làm lợi cho Cộng sản hơn cả những đảng viên Cộng sản nhờ cái thế không cộng sản của họ trong thế giới Tây phương hay trong cộng đồng học thuật.
Thực tế mà nói, tả - hữu chỉ làm bốc cháy những con thiêu thân là quần chúng. Còn những kẻ bên trên, kẻ lãnh tụ, tả - hữu chỉ là một màn xì phé.
41. Lê Thị Huệ: Theo ông với một trí thức, điều gì cần thiết hơn, sự độc lập hay đỉnh cao của khóai lạc hiểu biết ?
Võ Văn Ái : Cần cả hai mới thành trí thức. Muốn độc lập cần có sự hiểu biết thực tại, tất kiến thức. Có kiến thức mà khư khư giữ cho mình, không chia sẻ, khác chi trọc phú chôn vàng giữ của. Tư bản ngày nay cũng đã xa lánh tục cổ hủ chôn vàng. Có của phải biết đầu tư. Đầu tư cho ai, là chọn lựa mà người trí thức phải làm.
42. Lê Thị Huệ: Tại sao trí thức lại thường bị lôi cuốn đi theo Tả ?
Võ Văn Ái : Ở Pháp ngày nay người ta gọi các ông lãnh tụ hay trí thức phe tả “la gauche caviar”, tạm dịch là “phe Tả phú ông”. Không phải phe tả đấu tranh, bần hàn thuộc giới công nhân những năm 30, mà là phe tả thượng lưu, thành đạt, không phải “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” của giới Tây thuộc địa ở nước ta, mà là giới tả ngày nay ăn nhậu tự nhiên, phè phỡn chẳng khác chi giới tư bản, uống sâm banh ăn trứng cá tầm (esturgeon/sturgeon) đắt tiền caviar.
Ngày nay ở Pháp và Châu Âu quan niệm tả - hữu đã mất lằn ranh, không còn trọng lượng như xưa, bị vắt sạch ý nghĩa rồi.
Ở đây chúng tôi tự hào mà nói chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” (Tàu Đảo Ánh Sáng) mà chúng tôi xướng xuất cuối năm 1978 đã góp công vào việc thay đổi nhân sinh quan của phe tả nói riêng ở Pháp, Âu châu và Hoa Kỳ nói chung. Trước năm 1975 cho tới 1978, không thể tưởng tượng chuyện bất cứ trí thức phe tả nào có thể chống đối Hà Nội, hoặc ủng hộ những người không thuộc phe cánh họ. Phe tả cho là hữu, là phản động, những ai không thuộc cánh tả mình. Thế mà gần 200 nhân vật thuộc phe tả Pháp, Âu châu, Hoa Kỳ, những người đại biểu uy danh như Jean Paul Sartre, Alain Geismar, André Glucksmann, Claudie Broyelle, Michel Rocard, Leonel Jospin, Olivier Todd, Bernard Kouchner, Cohn Bendit, Susan Sontag, Leonid Pliouchtch, Bukovski, Maximov, Souvarine, v.v… là những trí thức đại tả, đa số là các lãnh tụ phong trào Sinh viên Sorbonne 68, rất nhiều thành phần cực tả Mao-ít, nay thành trụ cột cứu sống Người Vượt Biển, là những người của Miền Nam Chống Cộng !
Bích chương kêu gọi ủng hộ cho chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” cuối năm 1978, trụ sở đặt tại toà soạn Quê Mẹ, thị xã Gennevilliers ở ngoại ô bắc Paris, được đăng tải một trang miễn phí trên tất cả các nhật báo và tuần báo Pháp có số lượng hằng triệu ấn bản, như Paris Match, Télé 7 Jours, Express, Le Point, Le Monde, Figaro, Le Matin, v.v…
(bấm vào để xem phóng ảnh lớn)
Hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế ký tên dưới Lời Kêu gọi “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển, được in bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, Ý, Đức, Trung văn được đăng tải trên báo chí thế giới gây chấn động thành phong trào Cứu Người Vượt Biển, đồng thời thành lời tố cáo chế độ độc tài toàn trị cộng sản đàn áp dân lành tại Việt Nam. Con tàu Đảo Ánh Sáng tại Pháp đã đẻ ra những Con Tàu đi vớt Người Vượt Biển tại Na Uy, Đức, Ý…
Hãnh diện hơn nữa từ cuộc khuynh đảo phe tả thông qua chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” này, hình ảnh Người Vượt Biển được rửa sạch trước công luận thế giới. Trước kia và trước đó, hình ảnh Miền Nam bị đánh đồng với “đế quốc hiếu chiến Mỹ”, những người ra đi sau 75 bị quy kết như những kẻ “tôi phạm chiến tranh”, “tay sai đế quốc Mỹ”. Nay với cuộc vận động hoá giải của cơ sở Quê Mẹ trên trường quốc tế, Người Vượt Biển trở thành thông điệp của tự do, kẻ chống độc tài.
Trước năm 1975, số cử tri tại Pháp bầu cho Đảng Cộng sản Pháp trên 20%, tại các nước Âu châu khác cũng thế, đặc biệt Ý. Thế mà phong trào Người Vượt Biễn đã ảnh hưởng công luận Châu Âu làm cho mười năm sau, số cử tri tại Pháp bầu cho đảng Cộng sản sút xuống 10%, rồi 5%, v.v… Sự kiện này đồng loạt xẩy ra tại các nước Châu Âu.
Hai bộ óc nhưng đối nghịch của học giới Pháp là Raymond Aron và Jean Paul Sartre cùng ký tên ủng hộ chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam”, cùng vào điện Elysées kiến nghị Tổng thống Giscard d’Estaing, hãy hỗ trợ cho chiến dịch này, rồi trước báo chí, truyền thông, truyền hình bắt tay nhau thân ái, kết thúc 24 năm thù nghịch đối đầu của hai bộ não nước Pháp. Cánh tả Pháp đã thán lên : nhờ các bạn Việt Nam, nhờ Con Tàu mà Aron-Sartre hoà giải. Một sự biến trong học thuật và chính trị tại Pháp và thế giới, vì tác phẩm của hai người ảnh hưởng toàn cầu. Đấy, những con người nhỏ nhoi, bần hàn, bị áp bức nước Việt đã chuyển hoá Tây phương.
Ảnh hưởng lây và thấp xuống nhiều bực, cánh tả Việt Kiều tại Pháp tiêu điều, tan vỡ thảm thê.
Theo nguyên tắc, trí thức là người có nhiều hiểu biết lại nhạy cảm. Vào những năm 30, lý tưởng phe tả hấp dẫn ở tính nhân loại, hòa đồng với người bị bức hiếp, nghèo hèn. Bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Liên xô giỏi gia công làm nên cái mốt tả khuynh thời thượng. Trong khi ấy, phe hữu vừa bảo thủ, lạc hậu, vừa vị kỷ, xa lánh khối dân đen lam lũ ở nước mình và tại các xứ thuộc địa. Người có ăn học hẳn nhiên thấm đẫm lòng nhân đạo, nên dễ theo phe tả. Tuy nhiên từ những năm 30 ấy, đã có những trí thức tỉnh ngộ rất sớm. Hai ví dụ điển hình là André Souvarine, thư ký của Staline, ly khai vào những năm này. Nhà văn André Gide nổi danh của Pháp sau một thời ca tụng Liên xô đã viết cuốn “Retour de l‘URSS” phơi bày sự thất vọng-43. Lê Thị Huệ: Nói về Nhất Hạnh, hình như ông có thời gian rất thân với Thích Nhất Hạnh ?
Võ Văn Ái : Vâng, chúng tôi ăn chung mâm, ở chung nhà, cùng chung hoạt động trên thế giới cho hòa bình Việt Nam - nền hòa bình dân tộc không cộng sản – từ năm 1966 đến 1970. Nhưng chúng tôi biết và quen nhau từ đầu thập niên 50 ở Đà Lạt. Thời ấy tôi dạy tại trường Trung học tư thục Tuệ Quang ở Cây số 4 do thầy Thiện Tấn, là anh trai của ông, làm hiệu trưởng.
Bi kịch của Nhất Hạnh là suốt đời ông đi tìm đệ tử, nhưng không tìm con người tự do.
Ông là người hiền lành, tình cảm, nhiều thi tính, tuy độc tài ngầm, bị tham vọng và thanh danh làm hỏng. Phải chăng đời không nương chìu khi còn bé nên biến ông thành con người không giải thoát, nếu không nói là con người hằn thù (l’homme de ressentiment). Tôi đoán thế do nhận xét hai sự kiện. Một là ông rất thương mẹ, nhưng lại chủ tâm biến mẹ thành thánh mẫu trong giới tay chân thân cận. Chắc có gì bí ẩn trong gia đình thuở thiếu thời chăng ? Việc thứ hai xẩy ra vào cuối thập niên 40, thời ông là học tăng tại chùa Bảo quốc, Huế. Chẳng biết phạm lỗi gì rất nặng, nên bị đuổi ra khỏi chùa. Cố Hoà thượng T.T. gửi thư đến các chùa từ miền Trung vào tới Nam ra lệnh cấm không được chứa chấp ông. Thế nhưng ông vẫn giữ bộ áo tăng sĩ, không ra đời. Tôi nghĩ những hành động đi riêng sau này của ông đối với Phật giáo Việt, phải chăng là một cách “trả thù” sự ép chế trước kia ?
Giữa lúc chiến tranh ngút ngàn năm 1966, ông rũ tôi lập một “Giáo hội Trẻ” chống lại “các ông già” trong nước. Tôi khuyên ông không nên, phải lo giải quyết chuyện chiến tranh trước đã. Kéo dây động rừng sẽ làm tan nát Phật giáo vào lúc Cộng sản Bắc Việt uy hiếp miền Nam. Nên chuyện bỏ qua.
44. Lê Thị Huệ: Who is Nhất Hạnh ? Xin lỗi tôi phải dùng tiếng Anh ở đây để phản ảnh vai trò bệ vệ quốc tế của Thích Nhất Hạnh
Võ Văn Ái : Ông là một nhà thơ, một nhà văn. Nghệ sĩ tính của ông mạnh hơn tính đạo sĩ. Đạo sĩ chỉ là khía cạnh trình diễn cải lương của ông ấy.
45. Lê Thị Huệ: Vụ xung đột giữa ông và ông Nhất Hạnh, ông có nghĩ là đời sống đã không công bằng với ông và với ông Nhất Hạnh ?
Võ Văn Ái : Có những lúc chúng tôi thấy cùng nhau đồng hành về một hướng trên quan điểm Phật giáo và dân tộc. Rồi đến lúc, cũng từ quan điểm Phật giáo và dân tộc, tôi không thể đồng hành với ông ấy nữa. Giản dị thế thôi. Tôi chia tay ông đầu năm 1970, sau 6 năm chia sẻ ngọt bùi. Không có xung đột. Đường ai nấy đi, tôi sòng phẳng và nói thẳng lý do với ông khi chia tay. Ông ấy biết rõ hơn ai về sự trao đổi lần cuối này vào một đêm tháng giêng năm 1970. Bài thơ đánh dấu sự chia tay ấy là bài “Nhật ký băng sa mạc Bắc Mỹ Châu” (đại khái thế, không chắc tôi nhớ đúng các chữ trong đề bài) đăng trên Tạp chí Văn ở Saigon năm ấy. Đọc lên chẳng ai biết chuyện riêng giữa chúng tôi đâu. Mặt khác tôi chưa hề công khai hóa việc này, ngoại trừ bức thư xin từ chức tôi gửi về Viện Hoá Đạo trong nước. Vì vậy tôi nói không có xung đột. Tuy nội tâm tôi khủng hoảng dữ dội. Trên phạm vi tư tưởng, tôi bị khủng hoảng hai lần. Năm 1955, tôi phát hiện người Cộng sản phục vụ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh chứ không tranh đấu cho dân tộc. Lần này, 1970, niềm tin của tôi vào giới Tăng lữ bị khủng hoảng mà Nhất Hạnh là đại biểu.
Cuộc chia tay giữa bằng hữu, bỏ đạo này theo đạo khác, chọn ý thức hệ này bỏ ý thức hệ kia là hành trình tự giác hay chọn lựa từng đời người. Chuyện bình thường. Vợ chồng khắn khít còn ly dị kia mà. Gần đây, nhân chuyến ông về Việt Nam, hai chúng tôi có lúc trở nên như to chuyện là vì các đệ tử cuồng tín của ông ấy do không hiểu nguồn cơn nên vọng động. Họ không hiểu rằng, từ năm 1970, Nhất Hạnh là đám mây đen đã bay mất trong đời tôi. Do không hiểu có người gán cho tôi hai chữ « phản thầy ». Tôi không hề là đệ tử của Nhất Hạnh thì sao gọi « phản thầy ». Mà phản gì ? Bất đồng ý kiến thì chia tay như thường xẩy trong xã hội dân chủ. Đã lâu, tôi không còn nghĩ tới ông ấy. Tuy nhiên sự biến bất ngờ xẩy ra khi ông và bà Phượng rời phi trường Charles de Gaulle lên đường về Hà Nội. Bỗng dưng bà Phượng, tức Chân Không, tuyên bố một câu xanh rờn với hãng thông tấn AFP liên quan tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) khiến tôi phải phản ứng. Lời tuyên bố của bà Chân Không được bản tin AFP phát hành chiều ngày 11.1.2005 có đoạn viết rằng : "Nhà sư (tức Sư Ông Thích Nhất Hạnh) không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội đang bị chính quyền cấm không cho hoạt động từ năm 1981, vì Giáo hội này từ khước sự kiểm soát và điều khiển của Đảng Cộng sản. Hơn một năm trước đây, Công an Việt Nam đã mở cuộc đàn áp sâu rộng Giáo hội này, hàng giáo phẩm bị bắt quản chế và hàng trăm ngôi chùa bị phong tỏa. Khi được hỏi vì sao một số phong trào tôn giáo bị cấm đoán tại Việt Nam, Sư cô Chân Không trả lời : "Vì một số các Giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ (sic). Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả".
Hai ngày sau tại Hà Nội, ông Nhất Hạnh tuyên bố trên báo Nhân Dân phát hành ngày 13.1.2005, rằng : "Ông đã từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về "vấn đề tôn giáo ở Việt Nam". Ông kể, ông đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ rằng : "Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam".
nguồn ảnh: vnexpress.net
Sư Ông Nhất Hạnh, Giáo chủ Làng Mai, trong các chuyến về thăm và được Hà Nội cho phép tự đo thuyết giảng từ Bắc chí Nam qua các năm 2005, 2007, 2008
Phản ứng tôi thông qua thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dây dưa tới chuyến đi Việt Nam của ông Nhất Hạnh cùng 100 Tăng thân Làng Mai. Trước đó tôi không có ý định nhắc tới phái đoàn của ông. Dù tôi biết rất rõ Hà Nội đang sử dụng lá bài Tuệ Sỹ - Lê Mạnh Thát trong nước, ngoài nước là lá bài Nhất Hạnh để được rút tên khỏi danh sách CPC (Countries of Particular Concern, danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo) mà chiếu theo Đạo luật 1998 của Quốc hội Hoa Kỳ các nước nằm trong danh sách này sẽ bị chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chánh.
Năm 1977, trên tạp chí Quê Mẹ lần đầu tiên chúng tôi đề cập tới ông Nhất Hạnh và bà Cao Ngọc Phượng qua vụ con tàu đi vớt người vượt biển mà ông bà thực hiện một cách vô trách nhiệm tại Singapore. Lên tiếng vì thảm cảnh người Vượt Biển lúc bấy giờ, chứ chẳng vì chuyện cá nhân. Tạp chí Quê Mẹ phản ảnh sự vụ sau khi hai tờ báo lớn Straits Times ở Singapore và New York Times ở Nữu Ước khui ra trước tiên. Nguyên tổ chức Hội nghị Thế giới cho Tôn giáo và Hoà bình (World Conference on Religion and Peace) bỏ ra sáu mươi nghìn Mỹ kim giao cho ông Nhất Hạnh tổ chức việc cứu người vượt biển Đông với chức vụ Giám đốc Điều hành, bà Phượng làm phụ tá. Tổ chức này có phòng ốc làm trụ sở ở Singapore, nhưng hai ông bà lại đi thuê villa ở riêng. Thay vì đi vớt người, thì hai ông bà thuê một chiếc tàu cũ bệ rạc không còn khả năng ra khơi, nên chỉ nằm tấp bờ. Bà Phượng đưa những người đã nhập trại tiếp cư ở Thái Lan lên tàu ấy cho có màu sắc “vớt người tị nạn”. Theo New York Times các người tị nạn ở Thái phải trả một khoảng tiền cho bà Phượng mới được đưa lên tàu. Tàu lại không có khả năng tới các quốc gia tị nạn thứ ba. Việc lôi thôi xẩy ra từ đó. Người tị nạn ngày ngày dưới sức nóng nhiệt đới ngồi trên bong nghe thơ Nhất Hạnh hay kinh tụng theo giáo phái Làng Mai (lúc ấy còn gọi là Làng Hồng) phát ra từ máy. Nhưng chờ mãi chẳng thấy tương lai định cư về đâu nên họ sinh ra bất mãn. Tôi còn trong tay bản phúc trình 28 trang của ông Homer Jack, Tổng thư ký Hội nghị Thế giới cho Tôn giáo và Hoà bình phúc trình việc bê bối và lấy quyết định cách chức hai ông bà Nhất Hạnh và Phượng đồng thời tống xuất họ khỏi Singapore. Sau này, có số người hiểu lầm rằng tôi tranh giành con tàu của ông ta. Họ đâu biết rằng con tàu chưa hình thành đã thất bại của ông Nhất Hạnh xẩy ra giữa năm 1977. Con Tàu Đảo Ánh Sáng do cơ sở Quê Mẹ xướng xuất vào cuối năm 1978 là sự biểu tỏ đồng tình của lương tâm thời đại, với sự tham dự của gần 200 nhân sĩ quốc tế. Từ con tàu của chúng tôi đẻ ra hàng loạt tàu đi vớt người khác ở Đức, ở Ý, ở Na Uy…
Nhìn lại việc này, tôi thấy Quê Mẹ công khai hóa sự vụ là đúng, bởi liên quan tới sinh tử của phong trào Người Vượt Biển vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng ấy, cũng như cung cách làm việc tài tử cố hữu và vô trách nhiệm của hai người. Tuy nhiên loạt bài viết trên Quê Mẹ gây sốc cho giới Phật tử. Một số Phật tử quan niệm rằng cư sĩ (tôi) không được “phạm thượng” động tới Tăng sĩ là ông Nhất Hạnh. Thế nhưng cơ sở và tạp chí Quê Mẹ do tôi chủ trương không thuộc bất cứ đảng phái hay tôn giáo nào, kể cả Phật giáo, dù tôi là Phật tử. Một cơ quan ngôn luận phải làm đúng chức năng thông tin và hướng dẫn dư luận. Sau cuộc chia tay ông Nhất Hạnh, năm 1970, tôi đã làm đơn gửi Viện Hóa Đạo trong nước từ nhiệm tất cả mọi chức vụ trong giáo hội, mãi cho tới hai mươi hai năm sau, năm 1992, do Hoà thượng Thích Huyền Quang thúc đẩy tôi mới trở về với Giáo hội Phật giáo.
Tuy nhiên, nếu vấn đề cần đặt lại, có thể là cách viết loạt bài thời ấy. Loạt bài này do ông nhà báo HTA của tòa soạn viết theo sự quyết định của Chủ biên Tin quốc tế là ông TN. Ký giả này xưa làm báo ở Saigon, nên cung cách viết cũng là cung cách viết của nền báo chí Saigon thượng vàng hạ cám trước kia. Đành rằng tôi trách nhiệm trong vai trò Chủ nhiệm, Chủ bút. Song phải nói thời gian khổ sở ấy, tôi vừa cáng đáng điều hành nhà in, vừa làm thợ chạy máy. Mỗi ngày lao động 18, 19 giờ nên không đọc hết các bài vở để nhuận chính.
Sự khó khăn ở nhà in của tôi gián tiếp đến từ bà Phượng. Khoảng năm 1968 do thiếu nhân sự ở Văn phòng Phật giáo, bà Phượng gửi một nhân viên từ Saigon sang Paris giúp tôi. Do tin cẩn tôi không đặt vấn đề lý lịch. Mãi sau này, đầu thập niên 70 khi tôi thành lập nhà in làm kế nuôi thân và nuôi mộng làm báo văn hóa, làm nhà xuất bản. Nhân viên này theo tôi, vì anh bảo xưa anh là thợ in ở Saigon. Mua xong nhà in mới biết anh chẳng biết tí ti nghề nghiệp, khiến tôi phải tự học như một khổ ách trong đời. Đến khi nhà in bắt đầu chạy việc, thì một đêm anh ta phá hoại máy in mới mua, phá luôn máy cắt xén, là hai bộ phận cơ bản của một nhà in nhỏ. Rồi bỏ đi. Lúc ấy chúng tôi mới vỡ lẽ, hóa ra anh là người của bên kia, lâu nay nằm vùng trong cơ sở chúng tôi để bắn phát đạn cuối cùng vào lúc chúng tôi kiệt quệ. Do đó mà tôi trở thành thợ in bất đắc dĩ. Nói dài dòng như thế để hiểu rằng, tôi đã tin cậy vào Chủ biên Tin quốc tế TN và anh nhà báo nọ. Nên không xem lại bài viết để chỉnh đốn lời văn. Tuy sự kiện đưa ra đúng như sự thật.
46. Lê Thị Huệ: Có một điều tế nhị nhiều người không muốn nói, nhưng tôi nghĩ với những vấn đề của trí thức, nó chẳng phải là một điều gì ghê gớm. Có phải ông Nhất Hạnh muốn cách mạng Phật Giáo Việt Nam, có phải ông Nhất Hạnh đã yêu bà Chân Không và thăng hoa tình yêu ấy khi muốn Phật Giáo Việt Nam chấp nhận chuyện sư có vợ con. Với tôi, đây là một điều tốt cho tôn giáo của ông ấy. Tôi không phản đối điều này. Liệu có một sự thật nào đó trong câu chuyện này, hay đây chỉ là một lời đồn lừa dối
Võ Văn Ái : Nói rằng ông Nhất Hạnh muốn cách mạng Phật giáo Việt Nam thì không đúng. Đại sư Thái Hư mới là người xứng danh và là nhân vật lịch sử của Phật giáo từ những năm đầu Dân quốc thế kỷ XX ở Trung quốc, khởi xướng cuộc tân vận động của Phật giáo cận đại và hiện đại. Trước Dân quốc, Tăng sĩ bị xã hội khinh rẻ vì thiếu học, chỉ lo việc cúng kiến, mê tín, nên Đại sư Thái Hư gióng lên cuộc cách mạng Phật giáo trên ba lĩnh vực cơ bản là Cách mạng Giáo lý – Cách mạng Giáo chế - Cách mạng Giáo sản trong hoàn cảnh bế tắc và tiêu trầm của Phật giáo Trung quốc. Tư tưởng cách mạng này vượt biên cương chi phối toàn thể sinh hoạt Phật giáo từ Á sang Âu Mỹ. Nhờ những chuyến đi thuyết pháp của Đại sư Thái Hư mà các Hội Học Phật được thiết lập khắp Âu Mỹ Á đầu thế kỷ XX.
Tại Việt Nam, Cư sĩ Lê Đình Thám cùng các Đại sư Phước Huệ, Trí Độ, v.v… do đọc sách của Thái Hư mà phát động Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ thập niên 20 đầu thế kỷ XX lan truyền khắp Nam, Trung, Băc kỳ. Sự xuất hiện uy dũng của Phật giáo Việt Nam hai thập niên 50, 60, là thành quả của phong trào Chấn hưng Phật giáo gợi hứng từ công trình, công đức và công hạnh kỳ vĩ của Thái Hư Đại sư.
Bản thân ông Nhất Hạnh có một số phát kiến canh tân Phật giáo sau thời gian du học ở Mỹ. Tôi nghĩ ông chịu ít nhiều ảnh hưởng từ giáo phái Tin Lành và thần học Paul Tillich trong các phát kiến của ông. Tôi từng viết bài ca ngợi cuốn sách “Hiện đại hóa Phật giáo” của ông trên tạp san Hải Triều Âm ở Saigon giữa thập niên 60. Trái lại, Bùi Giáng thì chê Nhất Hạnh về cuốn sách này trong “Đi vào Cõi Thơ” do Ca Dao ấn hành, Saigon năm 1969, ở trang 63 như sau : “Nhất Hạnh có nguồn thơ chứa chan. Chúng ta không hiểu vì lẽ gì nguồn thơ đó lại không đủ sức ngăn cản ông, khiến ông hì hục hiện đại hóa Phật Giáo Uyên Nguyên. Trường hợp Nhất Hạnh là trường hợp một thi sỹ thiên tài bị vướng phải cạm bẫy của triết học Tây phương”.
Từ năm 64, 65 tại Saigon, ông thiết lập dòng Tiếp Hiện cho phép người tu lập gia đình, phát triển trong giới Phật tử thuộc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ở Phú Thọ Hoà. Trong giới thân cận ông có một người không đồng ý là Nhất Chi Mai, tức cô giáo Phan Thị Mai tự thiêu cho Hòa bình năm 1966. Tôi còn giữ bức thư thủ bút của cô ấy về sự bất đồng này. Ông Nhất Hạnh dự tính công khai dòng Tiếp Hiện qua một cuộc họp báo ở Saigon, đưa Phạm Công Thiện làm người đầu đàn phát huy Dòng mới (thời gian này Phạm Công Thiện là Đại đức Thích Nguyên Tánh). Nhưng Phạm Công Thiện bỏ rơi cuộc họp báo rồi sau đi du học Mỹ, nên việc không thành. Khoảng năm 1967, thời ông đón bà Cao Ngọc Phuợng ở Việt Nam ra cùng sang ở Tokyo, nói là đi nghiên cứu “kinh tế hậu chiến”, ông viết thư cho tôi kèm cương lĩnh và giới luật Dòng Tiếp Hiện mong tôi tham gia thực hiện và phát triển dòng tu mới. Nhưng tôi không trả lời.
Thực tế là vào giai đoạn giữa thập niên 60, ngoài Nhất Hạnh, tôi biết vài vị Tăng vai vế có khuynh hướng phát động phong trào Tân Tăng Nhật Bản tại Saigon, như cố Hoà thượng TMG là một. Nhưng sau vài thử nghiệm họ gặp phản ứng chống đối quá lớn của quần chúng Phật tử, nên phong trào vụt tắt. Sau này nhờ hoàn cảnh khách quan ở nước ngoài dễ phát triển hơn trong khung cảnh Làng Mai ở Pháp.
Về giới Tân Tăng cho phép lấy vợ, thì Nhật Bản là nước tiên phong và có truyền thống từ thế kỷ XIII. Đọc truyện Kinkakuji của Yukio Mishima sẽ thấy bối cảnh của đời sống Tân Tăng này.
Đại sư Thân Loan (Shiran, 1173-1262) tổ khai sáng Tịnh độ Chân tông Nhật bản (Jōdo-shinshū / Shin Buddhism), sau khi làm đệ tử ngài Pháp Nhiên (Hōnen) được Thầy cho phép lấy Ni cô Huệ Tín làm vợ, khởi nguồn cho chế độ Tăng lấy vợ của phái Chân tông Nhật bản.
Hơn mười năm trước tôi đến thăm chùa Higashi Honganji (Đông Bản Nguyện tự) ở cố đô Kyoto là bản sơn của phái này. Vị sư dẫn tôi đi thăm chùa giải thích rằng : “Thấp thoáng sau lưng các vị Sư có bóng người đàn bà. Tại sao không công khai hóa mà cứ giấu giấu diếm diếm ?”. Rồi ông thuật cho tôi nghe việc ra đời của phái Tân Tăng của ngài Thân Loan. Chuyến thăm ấy tôi còn chú ý tổ chức Nhân quyền của Tịnh độ Chân tông ngay trong ngôi bản tự này. Có đến 450 nhân viên túc trực. Họ lo cho nhân quyền của giới cùng đinh Burakumin Nhật bản, khoảng 3 triệu người sống trong cảnh kỳ thị xã hội. Ban ngày các sư đi làm lụng như người thường (cư sĩ) trong các công xưởng, văn phòng hay quán ăn. Về chùa khi lễ lượt mới mặc y áo tăng sĩ.
Cuối thập niên 60, trong mấy năm dài chúng tôi chung sống với nhau dưới mái nhà làm trụ sở Phật giáo ở số 11, rue de Vénus, thị xã Maisons-Alfort, ngoại ô Nam Paris. Thời ấy, ông Nhất Hạnh và bà Cao Ngọc Phượng (sau này cạo đầu xuất gia lấy tên Chân Không) sống đời sống đôi cặp tự do, không giấu diếm, tuy ông không cổi áo công khai hóa ngoài xã hội. Cùng sống với chúng tôi lúc ấy có 7 vị Tăng và 6 cư sĩ. Sau này 5 trong số 7 vị Tăng này đã hoàn tục (một vị hiện sống ở Paris và một vị nay ở Saigon).
Kinh Phật dạy y pháp bất y nhân, nghĩa là y vào Pháp Phật mà học và tu, đừng nệ tới con người. Người bình dân cũng nói ai tu nấy chứng. Quan điểm tôi, việc lấy vợ hay không chẳng quan trọng cho bằng đức hạnh, trình độ tu chứng và nỗ lực cứu đời.
47. Lê Thị Huệ: Đạo Bụt của ông Nhất Hạnh, ông nghĩ sao ?
Võ Văn Ái : Ông Nhất Hạnh có công giới thiệu đạo Phật theo giáo phái Làng Mai của ông ấy cho giới thị dân Âu Mỹ. Những người mà đời sống bị thúc bách, đè nén thường xuyên vì công ăn việc làm hay đời sống bon chen ở các thị trấn. Nên họ bị Stress. Các khóa tu học cuối tuần của đạo Bụt cấm dùng điện thoại, không được xem Tivi, bắt hít thở trong không khí miền quê hay rừng núi, vừa đi vừa hít thở thiền hành, tập cười, tập ôm nhau thân ái (Thiền Ôm) khi có nhu cầu, làm cho con người thư giản, làm an dịu thân tâm. Một lối tu tập Yoga. Song tiến xa hơn vào đời sống tâm linh của đạo Phật, thì dường như Đạo Bụt không thành công. Tôi gặp một số bạn Tây phương thích thú theo học giáo phái Làng Mai nhưng bỏ nửa chừng để quay sang đường lối tu tập Phật giáo Tây Tạng. Đạo Bụt của ông dịu dàng, thiên về tự kỷ ám thị hơn là khai mở chân tâm. Đánh một tiếng chuông mỉm miệng cười, dán những câu thơ / kệ trong phòng tắm, phòng ngủ, trẻ em đi học về ôm mẹ nói “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm”, v.v… có cái gì rất Pavlov, không tự nhiên. Chứng tỏ phương pháp này xuất phát từ những con người sống quá lâu trong dồn nén, ẩn ức, bất bình thế sự, không thỏa mãn tình dục.
Trong truyền thống tu học Phật giáo của giới xuất gia từ nghìn xưa thì các bộ Luật Sa di và Sa di ni nghiêm túc, trang nghiêm, cẩn trọng và có phương pháp hơn nhiều.
Đạo là thông lưu không trở ngại. Thiền là hành động tự nhiên hơn sự giải thích bằng ngôn ngữ hay cử điệu. Một cái vỗ vai với người bạn, một ánh mắt đối với mẹ sẽ ý nhị và làm thay những câu nói hay cử động cải lương kia.
Ngay việc sử dụng chữ Bụt thay cho chữ Phật thường dụng trong quần chúng Việt Nam qua nhiều thế kỷ, tôi thấy như có gì trình diễn, cải lương, lập dị hơn là một thay đổi có tính bản thể.
Sự thất bại của đạo Bụt thấy rõ ở các nước Á châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam. Mười mấy năm trước, chuyến đi thuyết trình của ông Nhất Hạnh tại Nhật thất bại nên ông không còn trở lại. Hai Thượng toạ Hộ Tùng Nghĩa Tình và Hoàn Sơn Chiếu Hùng mà tôi gặp tại Tâm Quang Viện ở Tokyo, thành viên Phật giáo Quốc tế Hiệp lực và ở trong ban tổ chức chuyến đi một tháng cho ông Nhất Hạnh nói với tôi như thế. Hỏi lý do, hai vị bảo rằng người Nhật không chấp nhận lối Pháp đàm và cách trình bày về Phật giáo của ông Nhất Hạnh. Loại “Thiền ôm hít thô sơ” chạm trán với dòng Thiền thâm hậu Nhật Bản vốn có truyền thống tu chứng thành nếp văn hoá tâm linh cao cả, ắt phải tiêu ma. Cho nên đạo Bụt của ông Nhất Hạnh chỉ thành công phần nào tại các nước phương Tây cho giới thị dân và giới cựu quân nhân Mỹ có vấn đề tâm thần sau cuộc chiến khủng khiếp tại Việt Nam.
Đó là nói chuyện trong thế giới. Trở về cố hương, Huế là pháo đài của ông Nhất Hạnh, chùa Từ Hiếu là sở hữu kế thừa của ông. Trước chuyến về Việt Nam lần đầu năm 2005, đa số Phật tử Huế xem ông là thần tượng, nếu không là Bụt sống. Họ xem Làng Mai như cõi Tịnh độ. Thế nhưng hành xử của ông khi được tiếp xúc, cùng với cung cách giáo phái Làng Mai đã thất bại nặng nề tại Huế. Tôi chợt nhớ lời phê bình của Bùi Giáng nhắc tới lúc nãy. Một Tăng sĩ ở Huế viết thư cho tôi có câu : “Chư Tăng ở Huế rất náo nức và hả dạ ngày Thầy Nhất Hạnh mới trở về. Nhưng nay khi Thầy Nhất Hạnh ra đi thì ai nấy đều ê chề, oán hận thấu trời xanh, mà không nói được nên lời”. Chuyến đầu về Huế năm 2005 hàng bao nhiêu nghìn Phật tử đón rước, thế nhưng mấy lần sau rất tiêu điều theo lời thuật của Phật tử Huế. Phải chăng đạo Bụt và người dạy đạo Bụt thích hợp với một số thị dân Âu Mỹ, nhưng không hợp với tạng người Việt ?
Sự mơ mộng hão huyền của ông còn thấy qua lời ông khuyên Tổng thống George W. Bush ngày quân khủng bố Al Qaida đánh sập hai cao ốc Twin Towers ở New York (11.9.2001). Ông lên tiếng trên truyền thông báo chí khuyên Tổng thống Bush đi gặp Ben Laden, hai bên hãy lắng nghe nhau để giải quyết việc đời theo cái điệu “Hiểu và Thương” của giáo phái Làng Mai ! Nội bộ những tín đồ Làng Mai còn chưa “hiểu và thương” nhau, nói chi những người ở xa vạn dặm ? Ở đây tôi không muốn đào sâu việc trước ba nghìn người chết thảm thương trong vụ Twin Towers ở New York, ông Nhất Hạnh chẳng quặn lòng, lại nhân dịp ấy đưa những con số khổng lồ mấy trăm nghìn dân Bến Tre bị chết vì không quân Hoa Kỳ oanh tạc ! Cộng đồng người Việt Tị nạn đã phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ vụ tuyên bố tuỳ hứng này.
Ông Nhất Hạnh giải quyết “chính trị thế giới” hay “đạo lý thế giới” như vậy quả là “tuyệt tác”. Song không kém phần ngây thơ nếu không nói lẩm cẩm. Giá dụ cách thế ấy là chìa khoá cho nhân loại đại đồng, hẳn trái đất đã là Thiên đường hay Niết Bàn từ bao đời, Chúa Jesus, đức Phật, Khổng Khưu, Lão Tử… chắc đã lấy hưu non từ lâu ?
Tôi bỗng nhớ lời Mai Thảo phê bình cuốn sách “Nói với Tuổi Hai mươi” [8] của Nhất Hạnh trên tạp chí Nghệ Thuật. Cuốn sách gây sôi nổi một thời trong giới trẻ ở Saigon, mà mục tiêu nhằm đánh phủ đầu Phạm Công Thiện với ý thức nổi loạn chống thế hệ cha anh làm cho đất nước điêu linh hai mươi năm trường, mà họ Phạm viết trong sách “Ý thức Mới trong Văn nghệ và Triết học”. Ông Nhất Hạnh khuyên Tuổi Hai Mươi “ Thương nhau, chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau, chúng ta sẽ làm nên lịch sử”. Mai Thảo phê thứ triết lý ấy khác chi nói “sau cơn mưa trời sẽ nắng” ! Còn Bùi Giáng thì phản ứng bằng bài viết “Nói với tuổi Chín mươi”.
48. Lê Thị Huệ: Ông Nhất Hạnh là người Việt đầu tiên thành công trong việc mang Phật Giáo Việt Nam ra cùng thế giới ? Ông có đồng ý với điểm này không ?
Võ Văn Ái : Vâng, trong số hàng trăm Tăng Ni Việt ra hải ngoại hoạt động tôn giáo hơn ba chục năm qua, thì ông Nhất Hạnh và bà Thanh Hải Vô thượng sư coi như nổi tiếng nhất trên thế giới.
Một nhận xét mà tôi thường suy nghĩ vẫn chưa tìm ra lời đáp, là khi các nhà tôn giáo lớn Ấn Độ (Vivekananda, Krishmanurti…), Trung quốc (Thái Hư Đại sư…), Nhật Bản (Suzuki, và rất nhiều Thiền sự được gửi ra nước ngoài), Tây Tạng (Đức Dalai Lama) sang phương Tây hoạt động, họ góp công nói lên niềm tin phương Đông họ theo đuổi, vén mở các điều Tây phương còn mù mờ. Những điều Tây phương cần thông tỏ cho việc tỉ giảo và hoà đồng. Không bao giờ các vị này móc nối các tín ngưỡng Tây phương vào pha trộn với giáo lý của họ.
Trái lại, ông Nhất Hạnh cũng như bà Thanh Hải Vô thượng sư thì luôn nỗ lực ghép đức Phật vào với Chúa Jesus để truyền đạo. Một nỗ lực hoà đồng tôn giáo ? Muốn lôi cuốn tín đồ đạo khác thần phục mình ? Muốn làm Giáo chủ cả hai tôn giáo ?
49. Lê Thị Huệ: Là một trí thức ngang ngửa với Nhất Hạnh, đã từng là bạn của Nhất Hạnh, ông cho tôi hỏi một câu, sự thành công, cái hấp lực của ông Nhất Hạnh nằm ở đâu, ở điều ông ấy viết hay như một nhà thơ, hoặc ở lời ông ấy giảng hay như một ông thầy chùa.
Võ Văn Ái : Sự thành công đặc biệt của ông ấy kết hợp giữa tài văn thơ với bộ áo ông thầy tu. Cổi bộ áo thấy tu ra, ông sẽ không thành Krishmanurti. Chuyện tuy phụ nhưng thành yếu tố chủ yếu cho sự thành đạt của ông ta, đó là âm hưởng của cuộc nổi dậy Phật giáo năm 1963 cộng với sự vang động chiến tranh Việt Nam trong lòng thế giới.
Mặt khác, hiện nay, từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI nhân loại lâm cuộc khủng hoảng văn hóa và tinh thần rất lớn. Con người khao khát một niềm tin, chờ đợi một niềm tin. Ai dám đứng ra chỉ đường dẫn lối, mang lại một niềm tin, tất con người nối đuôi đi theo. Ở Mỹ chắc chị nhớ phong trào ông Guru Rajneesh, người Ấn độ, chứ ? Đã có thời ông ta lôi kéo hàng chục hàng trăm nghìn người theo ông tu học, kể cả giới thượng lưu bác sĩ, kỹ sư, luật gia… nối đuôi xe Limousine đến học đạo với ông... Cho tới ngày ông ta bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, phong trào mới chấm dứt.
Nói gì đâu xa, cách đây không lâu, tôi có những bạn bác sĩ, kỹ sư, thương gia… bỗng một sớm bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà cửa đi theo bà Thanh Hải Vô Thượng sư. Mỗi lần bà này thuyết pháp có cả chục nghìn người đi nghe. Nghe nói người ta xin uống nước tắm của bà ấy ?! Đến khi bà để tóc, ăn mặc thời trang, lấy chồng, mà tín đồ vẫn cứ mê. Tôi có người bạn bác sĩ fan của bà ở Dallas nói với tôi rằng mỗi khi gặp khó khăn ông chỉ niệm danh hiệu bà là mọi sự qua khỏi. Đấy, niềm tin của con người. Tôi có dịp xem trên truyền hình Pháp về một phái thờ đá, thờ búp bê bên Mỹ. Xem ra cũng bộn tín đồ.
Cái chính hiện nay là con người khao khát một niềm tin, chờ đợi một niềm tin, và con người còn vô minh. Chị đóng kịch giỏi chị sẽ tha hồ thu hút tín đồ làm nạn nhân. Chị đạo cao đức trọng, chị sẽ cứu vớt hàng hà sa số chúng sinh.
50. Lê Thị Huệ: Ỷ Lan, một người khá đặc biệt gây tò mò cho người Việt Hải Ngoại khi cô xuất hiện cạnh Võ Văn Ái. Ông có thể cho biết ông đã gặp người thiếu nữ "tóc vàng sợi nhỏ " ấy thế nào ?
Võ Văn Ái : Cuối năm 1967 tôi được mời đi thuyết trình qua một số thành phố tại Anh quốc nói về lập trường hoà bình của Phật giáo Việt Nam, một nền hoà bình không Cộng sản. Tại cố đô York, sau khi cuộc thuyết trình kết thúc một cô sinh viên đến hỏi tôi : Tôi muốn về Việt Nam một năm giúp cho người dân Việt trong bất cứ vấn đề gì, ông có thể giúp tôi về Việt Nam không ? Tôi trả lời đại khái là về Việt Nam phức tạp lắm do tình hình chiến tranh. Cô vào các làng quê là nơi người dân cần sự giúp đỡ, có thể sẽ bị người ta nghi ngờ cô là người của CIA, khó cho cô thực hiện thiện chí của mình. Cô hỏi lại : Thế thì tôi có thể làm gì hữu ích cho hoà bình Việt Nam ? Ở nước Anh, sinh viên có quyền lấy một năm nghỉ đi nghiên cứu (sabbatical year), tôi có thể giúp ông một năm. Tôi đề nghị cô qua Paris làm thư ký cho Văn phòng Phật giáo do tôi điều hành trong nhiệm vụ thông tin quốc tế về vấn đề Việt Nam và Phật giáo.
Thư của tổ chức Quaker mời đến nghe tôi thuyết trình, trên đây tổ chức tại thành phố Bradford, 25.9.1967
Mùa thu năm 1968, khi năm học kết thúc, cô Penelope Faulkner, sau này lấy tên Ỷ Lan, sang Paris làm thư ký ở Văn phòng Hội Phật tử Việt Kiều Hải ngoại, là hội do tôi thành lập năm 1963 và có 11 chi bộ tại các nước Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Cam Bốt và Hoa Kỳ. Tổ chức Quaker nước Anh tài trợ cho cô một năm kinh phí. Trước khi sang Paris, cô đi làm công cho một hãng sản xuất Chocolat ở York để lấy tiền mua vé tàu.
Khởi sự như thế với dự tính giúp việc một năm không lương. Không ngờ chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt, tình hình quốc tế với sự phát triển của phe phản chiến do Liên Xô điều động, cộng thêm cảm tình đặc biệt cô dành cho văn hoá Việt, Ỷ Lan quyết định ở lại Pháp làm việc không lương. Và không ăn một đồng lương nào từ đó đến nay. Cô bỏ đại học Cambridge, ghi tên vào Trường Đông phương Sinh ngữ ở Paris vừa đi học vừa giúp chúng tôi.
Ỷ Lan qua các cuộc thuyết trình trong Cộng đồng Người Việt ở hải ngoại
Trong một câu hỏi trước đây tôi kể chuyện khó khăn tại nhà in vì sự phá hoại của một người bà Cao Ngọc Phượng gửi từ Saigon qua giúp chúng tôi. Sau này anh ta (CB/PTN) phá hoại toàn bộ máy móc nhà in rồi bỏ đi với tính toán là chúng tôi sẽ sạt nghiệp nơi xứ lạ quê người. Ỷ Lan đã tận tâm giúp chúng tôi trong cơn nguy khó, cô cũng xông xáo học nghề, đứng máy, lao tâm lao lực với chúng tôi để vực dậy một nhà in bị phá hoại. Tiền mua nhà in và máy móc phải vay nợ các bà phú gia người Việt ở Paris tiền lãi 4 phân mỗi tháng ! Do vô sản, nên các ngân hàng không cho chúng tôi vay.
51. Lê Thị Huệ: Ông có thể khai triển rõ hơn về phe phản chiến do Liên Xô điều động ?
Võ Văn Ái : Trong thế giới có những phong trào này phong trào kia phát động. Nhìn từ ngoài là sự tự phát, nhưng từ cơ bản đa số do các khuynh hướng chính trị hay đảng phái giật dây. Phong trào phản chiến hay phong trào hòa bình hồi đó cũng vậy. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam thời ấy, Hà Nội được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn, nên Liên Xô thông qua các đảng Cộng sản địa phương ở Âu châu phát động rầm rộ một phong trào rộng lớn ủng hộ cho « Hoà bình Việt Nam ». Nói là hoà bình Việt Nam, nhưng kỳ thực là ủng hộ cuộc chiến tranh do Hà Nội chủ suý. Phe Cộng sản quốc tế bỏ tiền mua các cơ quan truyền thông, báo chí, kích động các phong trào quần chúng, đặc biệt giới sinh viên đại học xuống đường kêu gọi “Hoà bình chống Mỹ”.
Đối diện với phong trào hoà bình lớn rộng thiên Hà Nội này, Việt Nam Cộng hòa bỏ ngỏ sân chơi cho phe cộng sản. Chúng tôi là tổ chức Việt Nam không cộng sản duy nhất lúc bấy giờ thông tin cho thế giới được biết thực tại Việt Nam không như Hà Nội tuyên truyền rằng chỉ có hai phe đen trắng. Một bên là « toàn dân » tranh đấu giành độc lập, hoà bình, mà Mặt trận Giải phòng Miền Nam là phong trào tự phát của « nhân dân miền Nam » ; một bên là đế quốc Mỹ xâm lược.
Nếu tôi không tình cờ đến thuyết trình tại York, thì có thể Ỷ Lan đã thành một Jane Fonda Anh quốc. Từ đó suy ra, phe dân tộc đã mất biếu bao bạn bè quốc tế có thể giúp đỡ cho việc đề cao lý tưởng tự do, nhân quyền, dân chủ?!
Công tác vận động quốc tế của chúng tôi lúc bấy giờ là nói lên chủ trương hoà bình không Cộng sản (không theo Hà Nội) của Phật giáo và nhân dân miền Nam. Có thể nói thành quả hoạt động của chúng tôi đã chận đứng việc Hà Nội và Liên Xô thu tóm và biến tướng tất cả mọi phong trào ủng hộ Việt Nam trên thế giới trở thành công cụ cho cộng sản. Do đó, phong trào Hoà bình thế giới đã phân đôi, một phe ủng hộ cho Miền Nam, một phe theo Hà Nội. Vì vậy Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Miền Nam phản ứng mãnh liệt chống phá chúng tôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình gặp mặt các tổ chức Hoà bình Âu Mỹ tại Nam Tư (lúc này Mặt trận chưa có cơ sở ở Tây Âu) bà ta vu cáo tôi là « nhân viên CIA » (sic) để các tổ chức này xa lánh tôi. Từ đó, các cuộc biểu tình hay thuyết trình cho Việt Nam tại Châu Âu, Hà Nội và Mặt trận tìm cách ly gián để ban tổ chức không mời chúng tôi. Nhưng họ đã thất bại vì đa số các tổ chức hoà bình trong thế giới không theo cộng sản. Mặt khác một số các tổ chức này đã biết hoạt động tôi từ trước nên không mất lòng tin.
Năm 1966, lần đầu tiên có cuộc Hội nghị các phong trào Hoà bình cho Việt Nam tại Stockholm ở Thuỵ Điển. Khi phái đoàn Hà Nội và Mặt trận được mời, thì họ bảo nếu có Võ Văn Ái họ sẽ không dự.
Đó là tính chất độc tài của Hà Nội trên trường quốc tế. Tôi cũng từng chứng kiến tính chất độc tài đảng trị ấy ngay giữa người Việt với nhau tại Paris tự do. Nhớ mãi Tết năm ấy đi xem buổi trình diễn của họ ở hội trường Maubert. Vừa in xong báo “Tin Tưởng” Tết của hội Phật giáo chúng tôi, tôi mang theo 3 tập để tặng cho các bạn sẽ gặp. Nhưng khi vào cửa bọn họ tịch thu 3 tờ báo ngay tức khắc với thái độ muốn hành hung vì đồ cho tôi mang tài liệu phản động, mặc tôi giải thích, phản đối thế nào ! Đáng chú ý là sự kiện này xẩy ra vào lúc Hà Nội vung vít tung chiêu bài “hoà hợp hoà giải” thông qua Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhằm thu hút những người Việt chân thật.
Cư xử tàn nhẫn với báo chí, văn nghệ sĩ ở hải ngoại thập niên 60 như thế. Nhưng khi cần lợi dụng hay bóc lột văn nghệ sĩ, họ vẫn “tự nhiên như người Hà Nội”. Thành ngữ này do dân miền Nam đặt ra, phản ứng chính sách “vào, vơ, vét, về” của cán bộ, bộ đội miền Bắc sau năm 1975. Tôi nhớ đến trường hợp của danh hoạ Lê Phổ.
Anh Lê Phổ thuộc lớp hoạ sĩ đàn anh theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành lập năm 1925 do Hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, mở đầu cho nền hội hoạ tân thời Việt Nam. Đầu thập niên 30 anh sang Pháp dự Đấu xảo Mỹ thuật Đông Dương rồi ở luôn không về. Năm 1984 nhân đến thăm anh Lê Phổ, tôi viết bài “Hoạ sĩ Lê Phổ, Người vẽ Nắng” đăng trên Giai phẩm Quê Mẹ Xuân Giáp Tý (sau này Gió-O cho đăng lại). Bài này gây chấn động giới Việt kiều tại Pháp, vì ai cũng tưởng anh ấy mất từ lâu. Mấy năm sau bài viết này, Hà Nội gửi một hoạ sĩ sang gặp thăm anh Lê Phổ. Họ tiếp cận thân nhân anh ấy còn ở Hà Nội thúc đẩy liên lạc với anh, rồi sang Paris thăm anh. Từ từ cho người trong chính quyền đến xin anh tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia ở Hà Nội. Anh Lê Phổ gọi điện thoại hỏi ý kiến tôi. Tranh Lê Phổ từ nhiều thập niên nổi tiếng ở Pháp, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Thời ấy anh cho tôi biết mỗi năm anh chỉ vẽ chừng 20 bức, vì tuổi cao, sức khoẻ yếu. Vẽ xong bức nào là các Galeries Mỹ đến chở đi ngay. Tuỳ theo kích thước, giá tranh mỗi bức bán từ 20 đến 40 nghìn Mỹ kim. Lâu sau có dịp thăm nhau tôi hỏi vụ tặng tranh đi đến đâu. Anh bảo nhà nước Việt Nam còn độc tài và vi phạm nhân quyền nên anh không muốn tặng. Tuy nhiên anh dặn gia đình ngày nào Việt Nam thanh bình, dân chủ sẽ gửi về tặng 20 bức.
Đấy, khi cần thủ lợi, người Cộng sản tiếp cận, chăm lo, thoa vuốt đủ điều. Nhưng chính sách bóp nghẹt tự do sáng tạo, xài xể hay đàn áp văn nghệ sĩ, trí thức vẫn không thay. Trong bài báo nói trên, anh Lê Phổ cho biết năm 1946 lúc Phạm Văn Đồng sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, anh rất hăm hở, phấn khởi trước khí thế giành độc lập, tự do cho nước nhà. Dù còn hàn vi, anh Lê Phổ đã hội họp anh em tại xưởng vẽ của anh, với các bạn như Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Mạnh Đôn, Trần Hữu Tước …, mời Phạm Văn Đồng đến dùng cơm tâm sự để cùng nhau hợp tác cứu quê hương. Nhưng anh đã thất vọng lánh xa, khi tin từ Hà Nội sang cho biết Việt Minh chẳng yêu nước gì đâu, nhóm ông Hồ và Cộng sản giết người, thanh toán phe quốc gia rất dữ. Chỉ riêng bạn đồng song của anh là hoạ sĩ Mai Thứ bị lừa theo giúp Hà Nội. Mãi sau này mới mở mắt thì đã muộn.
52. Lê Thị Huệ: Có một Nguyễn Thái Học và Cô Giang đi làm cách mạng đã đi vào huyền thọai trong đất nước Việt Nam. Và bây giờ tôi đang thấy có một một đôi tài tử khác là Võ Văn Ái và Ỷ Lan lao theo một cuộc đấu tranh Nhân Quyền cao đẹp trên chính trường quốc tế ở bên ngòai Việt Nam. Có vẻ như cô Ỷ Lan là một đồng chí cùng với ông đi đấu tranh Nhân Quyền trong thời gian qua. Một cặp đôi tình nhân chính trị khá đẹp, Võ Văn Ái và Ỷ Lan. Ở ngoài nhìn vô thấy đẹp nhưng liệu người trong cuộc có thể tiết lộ đẹp ở những điểm nào trong cuộc tình chính trị ấy ?
Võ Văn Ái : Người bên trong là tôi thấy rằng trong thời gian chiến tranh hai thập niên 60, 70, phe quốc gia đã thua phe cộng sản trong việc vận động công luận quốc tế, vận động các nhà báo, nhà văn, sinh viên, giáo sư, trí thức, nhân sĩ Âu Mỹ, biến họ thành bạn bè quốc tế phục vụ cho lá bài cộng sản Hà Nội.
Ỷ Lan là người bạn quốc tế không mắc mưu ấy. Chị dâng trọn thanh xuân và đời chị cung hiến cho Việt Nam tự do, mà chẳng hề đòi hỏi tiền bạc, quyền lợi hay bất cứ điều kiện chi. Nào khác chị phục vụ cho chính quê hương chị. Sự tham gia này là biểu tượng thành công của phe dân tộc chúng ta. Nếu cộng động người Việt hải ngoại gia tăng những trường hợp Ỷ Lan như thế, tôi nghĩ đây sẽ là một yếu tố giúp thêm cho vận nước mau tới hồi thái lai. Ít nhất cũng trên phương diện vận động quốc tế và giữ lửa người đồng bào.
Tôi nhận xét đi đến đâu người Việt cũng thương mến và quý trọng Ỷ Lan, họ tự hỗ thẹn không làm gì khi một người ngoại quốc xum lo cho nước Việt. Họ cho chuyện tôi tranh đấu là việc tự nhiên, họ chẳng lý tới bao nhiêu. Song Ỷ Lan, là một kỳ công, tuyệt tác. Đây là yếu tố giữ lửa đấu tranh mà cộng đồng người Việt hải ngoại không nên khinh suất.
Suốt ba mươi bốn năm qua cùng với Cộng đồng Người Việt Tị nạn, Ỷ Lan, một người ngoại quốc đứng ở tuyến tiền tiêu tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam, từ chiến dịch « Một Chiếc Tàu cho Việt Nam » năm 1978, đến vụ kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền tại LHQ ở New York năm 1985, và hàng nghìn động thủ khác… Người ngoại quốc ấy đứng trong bóng tối bao nhiêu năm dài, kiên nhẫn làm việc nhỏ ở văn phòng, lái xe đưa đón hàng nghìn lượt người tị nạn đến Pháp đi làm giấy tờ hội nhập hay hội họp, suốt bao năm ròng cùng với chúng tôi đứng trong xưởng in tối, lạnh, không lò sưởi đến ba, bốn giờ sáng ở Gennevilliers, vùng ngoại ô Paris, sắp chữ chì (typo) các bản in và chạy máy để cứu sống một tập thể tị nạn, kiên nhẫn học tiếng Việt hầu chia sẻ với đa số Người Vượt Biển không nói tiếng Pháp. Chị tập viết tiếng Việt, trở thành nhà văn Việt với tập truyện « Quê Nhà » in tới lần thứ 9. Tập truyện này là một thành công đóng góp vào nền văn chương Việt hải ngoại mà lại do người ngoại quốc viết. Quê Nhà gồm 19 truyện chị viết và đọc trên đài BBC phát thanh về Việt Nam giữa thập niên 80, thập miên địa ngục của người Việt trong nước, mang lại những tia hy vọng và niềm tin cho biết bao người ở mọi tầng lớp nhân dân cùng khốn, cũng như những người tù trong các Trại Cải tạo. Sau này tù nhân chính trị được trả tự do ra nước ngoài và các vị HO cho chúng tôi biết sự thật này.
Bìa sách Quê Nhà của Ỷ Lan, in lần thứ 9
Đặc biệt vào giai đoạn nhà in của chúng tôi ở Gennevilliers bị tịch biên gia sản vào năm 1982 vì lo cho con tàu đi vớt Người Vượt Biển nên bỏ bê công ăn việc làm, Ỷ Lan đã chung chịu khổ nạn, đói cơm với chúng tôi. Chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” bị Hà Nội bêu riếu phá hoại, lạ thay một số người gọi là “quốc gia” cũng chỉ trích, gièm pha, phá hoại. Một ký giả gọi là “quốc gia” ở Paris cùng với nhóm ông ta phao tin và “cung cấp tài liệu” cho tạp chí cực hữu Minute viết bài vu cáo tôi “lấy tiền con tàu bỏ túi”. Bọn người vu cáo không biết rằng tôi chỉ là người phát động chiến dịch và phụ trách việc vận động truyền thông quốc tế, các bạn Pháp trong Uỷ ban mới là người nắm giữ tiền bạc, thủ quỹ (Chủ tịch Uỷ ban là Nhà văn nữ Claudie Broyelle, Thủ quỹ là bà François Gautier) Báo “chống cộng” Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ viết bài “Con Tàu Ma” bôi nhọ. Tất cả đều “cầu nguyện” theo cách họ cho Con Tàu không thể ra đời ! Chúng tôi phải nỗ lực hết mình để con tàu xuất hiện trên biển Đông. Vì vậy, tất cả thợ thầy trong nhà in cùng với tập thể Quê Mẹ lăn xả ngày đêm cho chiến dịch, nên bỏ bê khách hàng. Khi truy tố báo Minute vu cáo vô bằng ra toà án Paris, chúng tôi phải mất nhiều tháng ròng để dịch các tư liệu, làm kết toán các chương mục, từ chương mục Con Tàu, chương mục Nhà in đến chương mục riêng trình toà. Không tả hết những phiến toái, khó khăn. Chúng tôi đã thắng kiện, dù theo điệu con kiến kiện của khoai. Vì tuần báo cực hữu Minute rất giàu, còn chúng tôi chỉ là « người nô lệ da vàng » sống vô gia cư thác vô địa táng.
Trích Quê Mẹ, Giai phẩm Xuân Quý Hợi, 1983, về việc Nhà in VOV bị tịch biên gia sản theo lệnh Toà án Thương mại Hạt Haut-de-Seine, mà theo Uỷ viên Tài chánh của nhà nước Pháp đến kiểm soát sổ sách chi thu, chương mục để tìm nguyên nhân phá sản có gian lận không, thì Phúc trình cho biết do “mọi hoạt động của ông Võ Văn Ái đã cung hiến cho công tác tranh đấu cho Nhân quyền, và đặc biệt cho vấn đề cứu trợ những người tị nạn Việt Nam”.
May cho chúng tôi, các bằng hữu quốc tế cùng với nhà toán học Ukraina Leonid Pliouchtch đứng ra thành lập “Hội Những Người Bạn Quê Mẹ” quyên góp tiền bạc giúp chúng tôi có phương tiện tiếp tục cuộc đấu tranh. Lời kêu gọi đã được báo chí trong thế giới, kể cả tạp chí The New York Review of Books, đăng tải cứu nguy.
Nhà toán học (Ukraine) Leonid Pliouchtch đã cùng với 165 bằng hữu quốc tế đứng ra thành lập “Hội Những Người Bạn Quê Mẹ” (Association Les Amis Que Me) để cứu nguy cho Quê Mẹ có phương tiện tiếp tục cuộc đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam. Các bằng hữu này bao gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, giáo sư đại học, giải Nobel… như Samuel Beckett, Czeslaw Milosz, Alain Besanson, Vladimir Boukowsky, Pierre Daix, Pierre Emmanuel, Alain Geismar, André Glucksmann, Petro Grigorenco, Ionesco, Vladimir Iankelewitch, Lane Kirkland, , Arthur Koestler, Edgar Morin, Iris Murdoch, Susan Sontag … Trên đây là Tạp chí New York Rewiew of Books ở Hoa Kỳ giúp đăng Lời kêu gọi.
Từ 1968 trở về sau, bao lần lâm nạn, Ỷ Lan luôn đứng cạnh chúng tôi. Cho nên khi chị hỏi rằng « ở ngoài nhìn vô thấy đẹp nhưng liệu người trong cuộc… », thì chúng tôi, những kẻ trong cuộc chung đụng hằng ngày còn thấy đẹp một cách diệu kỳ. Bởi chúng tôi chứng kiến hằng ngày, không phải chốc lát qua một buổi thuyết trình, phỏng vấn, biểu tình. Cái đẹp của tình người chân chất, tình quốc tế vô vụ lợi, tình chiến đấu cao cả. Một vẻ đẹp lý tưởng dưới bất cứ góc nhìn nào.
53. Tôi không thể nào không thốt lên câu này: Ỷ Lan đứng cạnh Thi Vũ làm cho một ông Võ Văn Ái Nhân Quyền thành một ông Thi Vũ Đào Hoa. Ông có là một người đào hoa với phụ nữ ?
Võ Văn Ái : Không hiểu chị dùng chữ đào hoa theo nghĩa nào ? Chữ thường dụng trong từ điển, đào hoa chỉ người được phụ nữ yêu mến, thì tôi được cái may mắn ấy. Tuy nhiên đâu riêng phái nữ, phái nam cũng có người bao dung thương mến tôi. Ngoại trừ sự thù ghét của phái nam cộng sản.
Còn hiểu đào hoa theo nghĩa biến dạng nào khác thì không.
Nhân dân, Quân Đội Nhân dân cùng các báo chí Cộng sản viết hằng trăm bài vu khống, mạ lị tôi từ cuối thập niên 1970 cho tới nay
Bài viết cho Wall Street Journal số ra ngày 7.5.2009 về nhân quyền Việt Nam nhân dịp Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội đến Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve phúc trình theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review)
Bài viết “Độc thoại Nhân quyền” trên báo VG ở Na Uy phê phán việc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Na Uy, qua đó Hà Nội đánh lừa các nước Tây phương trong những cuộc gọi là “Đối thgoại Nhân quyền” liên chính phủ. Bài viết này đã được Thứ tưởng Ngoại giao Na Uy hồi đáp cũng trên mặt báo VG nhằm trấn an nỗ lực của chính phủ Na Uy luôn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam.
54. Hai người thành một đôi đi tranh đấu Nhân Quyền cho Phật Giáo Việt Nam. Thành quả quốc tế nào ông nghĩ đấy là công lao nhờ Ỷ Lan nâng đỡ mà Võ Văn Ái mới đạt được như thế trên chính trường quốc tế ?
Võ Văn Ái : Xin sửa lại hai chúng tôi đi tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam, chứ không là « nhân quyền cho Phật giáo Việt Nam » như chị nói. Việt Nam hay Phật giáo, tôi đã trả lời chị qua câu hỏi thứ 10.
Ỷ Lan là người phụ tá đắc lực, thông minh, tài ba và vô cùng tận tâm của tôi và cơ sở Quê Mẹ. Thành quả của chúng tôi là bình đẳng và đồng đẳng phân công hợp tác trong tình nghĩa quốc tế. Hoa và hương của đoá hoa, cái nào nâng đỡ cái nào ? Hay chỉ là một ? - trong sự phụng hiến vẹn toàn cho nhân sinh.
55. Lê Thị Huệ: Tại sao 3 người Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh, Phạm Duy được đưa về Việt Nam cùng một thời điểm. Có tin đồn là hai ông Nhất Hạnh và Đạt Lai Lạt Ma làm cho CIA ? CIA dùng các ông tôn giáo vào những mục tiêu chính trị của họ. Mà với tôi thi` CIA hay không CIA thì chả có gì lạ. Nếu cái lý thuyết cả ba người Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh, Phạm Duy cùng được CIA sử dụng thì ông có thấy “truyện” kiếm hiệp của Kim Dung làm sao hay hơn cốt “chuyện” này được. Câu hỏi này của tôi hơi lộng ngôn, ông có thể trả lời cách nào cũng được
Võ Văn Ái : Truyện Kim Dung hay hơn chứ, nhờ tài ba người viết, nhờ kết cấu và nghĩa lý câu chuyện, nhờ kiến thức rốt ráo về y học, võ thuật, lịch sử và dự báo tương lai của cái xứ có trên một tỉ người. Khái niệm hắc bạch phân minh, bạn thù phân biệt bị Kim Dung đánh đổ, tức ông đánh đổ từ nền móng tư duy Cộng sản tha hoá. Vô Chiêu của Kim Dung là suy tưởng độc đáo trong văn học thập niên 60. Thời kỳ tâm tưởng thế giới bị chìm đắm hoang vu trong bi kịch nhân loại lưỡng cực phân tranh (dichotomy). Thời của vong thức nhị nguyên (dualism) ngự trị trên đỉnh đầu nhân loại.
Còn ba người chị nhắc tên chỉ là cơ hội đưa đẩy của thế cuộc cộng với sự diễn dở. Nó là một màn “Múa Rối Nước” hiểu theo nghĩa đen.
Nếu có CIA thì CIA cũng chỉ là lý do ngoại tại. Trong đời sống tương quan tương sinh của thế giới và con người, các ảnh hưởng qua lại là việc đương nhiên. Giỏi của người hành động là làm sao cho các ảnh hưởng qua lại mang lợi ích cho xã hội loài người thay vì tàn sát con người.
Ông Nguyễn Cao Kỳ là một phi công, nhưng Việt Nam không phải phi trường. Tính chất vung vít của ông ấy ngày xưa như thế nào trên chính trường cải lương, hát bộ ở Saigon không còn là chuyện lạ.
Ông Phạm Duy là nhạc sĩ, ông ấy cần sân khấu, cần hát và cần có người nghe. Nghệ sĩ nào không thế. Hải ngoại không muốn nghe ông hát nữa, thì ông về Việt Nam tìm người nghe. Thời trước tôi ngây thơ nghĩ rằng văn nghệ sĩ, các nhà làm chính trị, là người lãnh đạo quần chúng, hướng dẫn quần chúng những lúc xã hội hay đất nước gặp cơn nguy biến. Nên thập niên 70 nghe tin ông đến Mỹ, tôi mừng và viết thư cho ông ấy, đại ý nói rằng : Anh Duy ơi, tinh thần người hải ngoại hoang mang, sa sút, anh hãy hát lên cho mọi người hưng phấn. Ông hồi âm : “Tinh thần moi lúc này xuống tận bùn đen”. Lâu sau sang Paris, ông đến thăm tôi và thẳng thắn nói không mặc cảm : “Moi bây giờ chỉ dollariser thôi” (Tôi chỉ lo việc kiếm tiền). Trong chuyến đi tôi tổ chức cho ông hát Ngục Ca tại tám nước Châu Âu năm 1982, nhân trao đổi về Trường ca Con đường Cái quan và bài hát Mẹ Việt Nam, ông thổ lộ với tôi rằng năm 74 ở Saigon ông đã phác thảo Trường ca Trường Sơn để tôn vinh ông Hồ Chí Minh !
Còn ông Nhất Hạnh nặng nợ với đạo Bụt của giáo phái ông, nên ông không xem chuyện cứu chúng sinh là chính. Ông sính làm Thầy, làm Tổ, và rất mê làm Bụt. Đây là chỗ khác với hai bậc Cao tăng ở Việt Nam - Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ . Mỗi người theo đuổi một cái Nghiệp trong đời, Nghiệp cho bản thân hay Nghiệp cho tha nhân.
Giống các quốc gia Âu Mỹ, cả ba người Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nhất Hạnh đều xem Việt Nam như một thị trường.
56. Lê Thị Huệ: Chỉ nhân đây muốn hỏi ông một điều, tôi thấy thế giới này bị tan tành và chậm lụt bởi các nhóm Tôn Giáo ghê quá. Làm sao ông có thể thuyết phục tôi là tôn giáo mang lại cho trái đất niềm hạnh phúc và sự tiến bộ.
Võ Văn Ái : Chị nói “các nhóm tôn giáo” tức muốn đánh đồng mọi tôn giáo, cho rằng mọi tôn giáo có chung phạm trù. Thực tế không phải vậy. Sự tiếp cận con người và tâm linh mỗi tôn giáo mỗi khác. Bối cảnh xã hội và văn hóa nơi phát xuất ra các tôn giáo cũng khác nhau. Nhưng dù sao đại quan có hai nhánh tôn giáo thần quyền, và phi thần quyền.
Đúng phải viết Tông giáo. Do húy kỵ tên các vua chúa triều Nguyễn, nên chữ tông đọc trại ra tôn. Tông giáo là từ người Nhật dùng để dịch chữ religion của Tây phương. Tông là môi giới giữa hai thực thể. Chữ tổ tông ta thường nói, thì tổ là đầu tiên, tông là cầu nối tiếp theo. Religion / Tông giáo của Tây phương là cơ sở nồi liền con người với Thượng đế (vật chủ). Cho nên Tông giáo chỉ cho thần giáo.
Phật giáo không là tôn giáo hiểu theo ngữ nghĩa Tây phương. Phật giáo không thần quyền. Phật không là Thượng đế, mà chỉ là đạo sư chỉ đường giải phóng nhân sinh ra khỏi vô minh, đau khổ, phát huy trí năng thành Trí tuệ Bát Nhã nhằm thực hiện cuộc giải phóng tối hậu - Giác ngộ. Hình tượng thường được nhắc nhở để giải thích Phật giáo : Chân lý là mặt trăng, Phật là ngón tay chỉ nẻo mặt trăng cho nhân sinh. Chớ đánh lầm ngón tay với mặt trăng.
Thiển kiến tôi, cái xấu, cái sai lầm cho đến cái ác của tôn giáo là do tín đồ của tôn giáo ấy gây tạo ra.
“Làm sao ông có thể thuyết phục tôi là tôn giáo mang lại cho trái đất niềm hạnh phúc và sự tiến bộ ?” - Thưa chị, thuyết phục là tuyên truyền, truyền giáo, cải đạo. Không ai thuyết phục được ai trên trái đất này. Con người đáo để chẳng vừa đâu. Đa số họ giả vờ đấy thôi. Mặt khác, mỗi người tự tìm lấy cho mình con đường giải phóng khỏi nhân sinh khổ lụy để thăng tiến đời sống tinh thần, tâm linh, trí tuệ siêu việt. Khi con người chí thành, không đạo đức giả, mọi sự tốt đẹp nẩy nở. Nói về kiến giải tâm linh, hẳn nhiên có nhiều cấp độ hay phương pháp. Tỉ như đứng trước một con bệnh, các y sĩ cho những toa thuốc khác nhau. Song trong các toa thuốc này duy nhất sẽ có một thần dược. Vấn đề là chọn cho ra thần dược.
Truyền thống Hy Lạp dạy lý luận, Thiên chúa giáo dạy phải tin gì. Đây là tình trạng lưỡng đầu muôn thuở. Thiền Phật giáo quét sạch tất cả mọi khái niệm.
Tôn giáo Tây phương chủ súy thần quyền. Đông phương gọi tôn giáo là Đạo, tức con đường. Nơi rừng rậm, đất hoang, chưa có con đường thì đôi chân con người phát quang mà đi. Lâu thành đường.
Như trên tôi đã phát biểu một cách đơn thuần, rằng : “Đạo, như đạo Phật, là hiện thực sống trọn vẹn cuộc đời mình như một tồn tại toàn diện mới mẻ và giúp người khác phục hồi cái toàn diện của họ”.
Thông qua tôn giáo, con người xã hội hoà nhập như nhiên để gột rửa sự vong tính. Tin hay không là quyền-thượng-đế-của-chị.
Tiếp cận tôn giáo phần nào như tiếp cận thi ca. Thử lấy một câu thơ trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh để suy gẫm. Cùng với Màu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ, đây là một trong những bài thơ đẹp lạ của Nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm gồm Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, mang tham vọng “Trí thức – Sáng tạo – Đạo đức, nối liền nguồn gốc xưa với những ước vọng nay” không được tiếp đón nồng hậu vì xuất hiện vào thời tao loạn Thế chiến thứ hai rồi cận kề cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945.
Bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh bị chê là “bí hiểm, hủ nút, nội dung rỗng tuếch theo điệu Dadaïsme, Surréalisme của Pháp”. Hủ nút hay không, bí hiểm hay không còn tuỳ ở trình độ thẩm thấu thơ của người đọc thơ . Đang lúc có nhiều người yêu thích hay được đọc nhan nhản những bài thơ Đường luật chỉnh tề trên báo chí, hiển nhiên người đọc thấy xa lạ với Buồn Xưa nên ít ai muốn ghé mắt.
Đọc câu tôi trích trước đây : “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh, ta cảm được gì ? Trước tiên là nhịp thơ cuồn cuộn của sông biển theo viễn trình nơi lòng dĩa vốn lũng đọng. Nhịp sông biển (hải hà) tưởng tuyến tính như sông trôi, bỗng quay vòng hướng mùa đi từng nhịp bốn : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hoá ra cái ta tưởng là thầm lặng, tĩnh mịch và co kín của đáy dĩa vẫn mang sức chuyển động theo cung điệu mùa màng. Mùa thả vào đấy từng đợt quả thơm mùi vị đất trời. Một dĩa trái cây thay đổi xuyên năm. Không đơn điệu, buồn chán như bức tranh tĩnh vật.
Tả một dĩa trái cây thay đổi theo mùa như cuộc nhân sinh tươi thắm, vồn vã dâng người, thế là khéo. Thấy và hiểu câu thơ như vậy khiến ta thêm yêu thơ, muốn đi vào thơ nắm bắt những ý nhị hàm tồn còn dung dưỡng.
Tôn giáo cũng vậy. Thoạt tưởng kỳ bí, cao kỳ, xa cách với cuộc đời náo nhiệt. Nhưng khi biết rằng tôn giáo tiếp giáp với hơi thở tồn sinh đưa ta tới những bến bờ không tạm bợ, làm sáng rỡ hồn tâm, hẳn ta sẽ thấy tôn giáo thực hữu, cần thiết như những bài thơ kia kéo ta ra khỏi chốn phù trầm.
Lê Thị Huệ: Cám ơn nhà thơ Thi Vũ, nhà Tranh Đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái đã đặc biệt dành cho gio-o cuộc phỏng vấn lịch sử và độc đáo này
1.11.2009
[8] Lá Bối, Saigon, 1966. Sách này ông Nhất Hạnh công khai đánh phủ đầu Phạm Công Thiện, một nỗ lực mô phạm nhằm ngăn chận dòng văn và cách sống nổi loạn của tuổi trẻ phủ nhận thế hệ cha anh của họ Phạm thông qua cuốn sách gối đầu của tuổi trẻ bấy giờ. Đó là cuốn “Ý thức Mới trong Văn nghệ và Triết học”. Sau này ông Từ Mẫn, Giám đốc nhà Lá Bối (tức cơ sở xuất bản của ông Nhất Hạnh), cho tái bản đã bị ông Nhất Hạnh rầy la.
No comments:
Post a Comment