Wednesday, February 16, 2011

Hoàng Hải Thủy -VIỆT CỘNG NẰM VÙNG . Hoàng Phủ Ngọc Tường và Huỳnh Bá Thành

VIỆT CỘNG NẰM VÙNG .
Hoàng Hải Thủy
Người chuyển bài : Thụy Vi

Ảnh riêng của gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường: cảnh một cuộc họp do bọn Hoàng Phủ Ngọc Tường tổ chức để chống đối chính quyền Quốc Gia VNCH. Trong ảnh, HP Ngọc Tường – com-lê, ca-vát – đứng trước micro. Bên phải HP Ngọc Tường – người mang kính đen, sơ-mi ca-vát – hai tay chắp trước bụng, đứng hiền khô là “Ðại diện Ty Cảnh Sát Thừa Thiên đến dự kiến.”

Mời quí vị đọc hai bài về hai anh Việt Cộng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Huỳnh Bá Thành. Tôi tìm được hai bài này trên Internet. Tôi sẽ không bình loạn gì nhiều về hai bài này và về hai anh Việt Cộng Nằm Vùng này. Ðọc hai bài này, tôi chắc có nhiều vị sẽ có cảm nghĩ như tôi: tôi cay dắng khi đọc những lời phét lác của hai anh VC nằm vùng, tôi tiếc vì chính phủ của tôi những năm trước năm 1975 đã đối xử quá “nhẹ tay” với những tên Việt Cộng.
o O o

Bài do Việt Cộng viết đăng trên Internet:

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong một lần soạn lại sách vở tư liệu gia đình, đã phát hiện ra trong một thùng đựng ảnh cũ của gia đình bức ảnh Thầy giáo Siêu hình học Trường Quốc Học Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường đang diễn thuyết trong một cuộc đấu tranh, với câu khẩu hiệu rất “ác chiến” sau lưng “CHÚNG TÔI THÁCH ÐỐ MỌI SỰ ÐÀN ÁP CỦA THIỆU – KỲ”.

Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Thấy bức ảnh giá trị, Mỹ Dạ bèn đem ảnh ra phố scan lại rồi phóng to treo đầu giường anh Tường nằm. Trong ảnh có rất nhiều sinh viên và “cán bộ phong trào” đứng cạnh anh Tường. Thấy có một người mặc sơ-mi trắng, thắt cà vạt. Tôi hỏi anh Tường:

“Người này là ai ?”
Tường trả lời:
“Ðó là một vị đại diện bên Ty Cảnh Sát cử sang để “theo dõi” cuộc mít –tinh.”

Mới hay, chính quyền Thừa Thiên Huế những ngày đó cũng rất ngại lực lượng sinh viên xuống đường, nên họ đã không ra tay đàn áp cuộc “xuống đường”, mà chỉ “theo dõi” !

Theo nhà thơ Trần Hữu Lục, thời kỳ đó có nhiều “tổ chức” sinh viên Huế độc lập với nhau xuống đường đấu tranh. Ngô Kha cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là “Nhóm Thanh niên chống Xa hoa Phóng đãng” và “Quán bạn”, tham gia xuất bản tờ tin “Lực lượng” kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ.

Họ luôn bám trụ ở Trụ sở Tổng hội Sinh viên, 22 Trương Ðịnh, Huế, để phát động đấu tranh. Họ xuất bản tập san “Tự quyết”, thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Ngô Kha làm chủ tịch, tổ chức triển lãm Tội Ác của Mỹ tại Huế.

Có một nhóm sinh viên yêu nước khác gọi là NHÓM VIỆT, hoạt động công khai Những năm 1967, 1968, đang là sinh viên đại học, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Lê Văn Ngăn, Trịnh Công Sơn… đã ra tờ báo Thân Hữu ( ÐHSP Huế, 1967), Sinh viên Huế (1968) do Trần Hữu Lục làm chủ biên.

Nhóm Việt sau Mậu Thân 1968 vẫn hoạt động công khai bằng cách phối hợp làm trang văn nghệ cho tạp chí Ðối Diện, luôn chủ trương tìm về nguồn cội dân tộc, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản. Ðến năm 1975, Nhóm Việt mới giải tán.

Hoàng Phủ Ngọc Tường hăng hái làm chủ bút, phóng viên, biên tập viên của nhiều tờ báo như Dân (Tiếng nói đấu tranh của Trí thức Huế), Tiếng nói sinh viên, Việt Nam, Cứu lấy quê hương (Liên minh Huế).

Tất cả các nhóm sinh viên xuống đường đều do cách mạng chỉ đạo. Họ đấu tranh bằng thơ và bằng cả những đêm không ngủ:

“Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe / Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy... (Thái Ngọc San);

Bị bắt vô tù, họ vẫn sục sôi:

“Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa (Võ Quê)…

Bị địch đàn áp, bắt bớ, bị lộ, nhiều trí thức sinh viên Huế đã “lên xanh” và trở thành những cây bút xuất sắc của cách mạng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Ðắc Xuân, Trần Vàng Sao…

Nhìn tấm ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường đứng dõng dạc kêu gọi đấu tranh đòi hoà bình, chống Thiệu – Kỳ ngay giữa đường phố Huế ban ngày ta hình dung được phần nào sự “quyết tử”, sự “dấn thân” của một thế hệ trí thức sinh viên Huế xuống đường đấu tranh vì hoà bình và độc lập của dân tộc.

Ngưng trích.
Ðây là lời phản hồi của một người đọc bài viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Người gửi ngày 14/01/2010:

Hai anh văn nô Rọ Mõm dìu HP Ngọc Tường – bại liệt –
đến dự đám tang bà mẹ vợ của HP Ngọc Tường.

Cái ảnh này và bài viết này không biểu lộ “khí phách của sinh viên Huế “ mà biểu lộ “sự tự do dân chủ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa..” Chính quyền Quốc Gia VNCH tôn trọng quyền phát biểu của mọi người dân, mọi tổ chức. Hãy nhìn cuộc sống của nhân dân Bắc Việt so với nhân dân Nam Việt, xã hội Bắc Hàn so với xã hội Nam Hàn, Ðông Ðức so với Tây Ðức để hiểu vì sao Bắc Việt, Bắc Hàn và Ðông Ðức không có những cuộc nhân dân biểu tình. VN chúng ta hiện nay, kể từ ngày bọn cộng sản cưỡng chiếm miền Nam và cả nước nằm gọn trong tay bọn chúng thì cuộc sống của nhân dân VN so với các nước chung quanh như Thái, Sing, Mã.. v..v cách biệt ra sao? Vậy mà “khí thế sinh viên Huế nói riêng và khí thế sinh viên cả nước nói chung” sao không thấy bùng lên tranh đấu, mặc dù họ là lực lượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, từ lương thực, điều kiện học tập, và nhất là những giáo điều ngụy biện và dối trá mà hằng ngày họ phải nhồi nhét vào đầu cho dù họ biết rõ hơn ai hết đó là những lời dối trá? Tại sao?

Tôi nhìn bức ảnh bọn HP Ngọc Tường tổ chức mét-tinh công khai chống chính phủ mà tiếc nuối cho sinh viên VN, họ đã đánh mất của dân tộc này một cơ hội quý báu để phát huy dân chủ. Tiếc là vì họ đã bị những tên cộng sản quỷ quyệt như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Ðắc Xuân, Võ Quế.. v..v.. lừa gạt.

Với cùng một hình ảnh nhưng cách nhìn và cảm nghĩ của mỗi người mỗi khác, chỉ có cách nhìn và cảm nghĩ sao cho phù hợp với lẽ phải, với sự thật mới là quan trọng.

o O o
Đây là bài viết về bọn Hoàng Phủ Ngọc Tường của ông Liên Thành, tác giả tác phẩm Biến Ðộng Miền Trung:

Bằng vào một số chứng cớ tôi xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ tọa phiên tòa án Nhân Dân, của chính quyền Cách Mạng (Việt Cộng), và ra lệnh sát hại 204 người tại trường học Gia Hội thuộc Quận II, thị xã Huế trong Tết Mậu Thân 1968 .

1- Hơn một trăm lời khai của thân nhân những nạn nhân tại trường học Gia Hội đều nói rõ khi thân nhân họ bị bắt dẫn đến trường Gia Hội, họ đi theo và họ có mặt trong phiên toà tãi đó. Một số xác nhận người ngồi xử tội thân nhân họ là ông giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, họ đã biết mặt ông này trong thời gian Phật giáo tranh đấu ở Huế năm 1966..

2- Ðặc biệt là lời khai của một quả phụ, vợ của một Chuẩn úy thuộc Sư Ðoàn I BB, bà kể khi chồng bà bị bắt giam trong trường Gia Hội, bà đem thức ăn và áo quần đến cho chồng, ông nói với bà:

“Em đừng sợ, người ngồi xử là ông thầy cũ của anh, thầy Tường dạy anh ở trường Quốc Học.”

3- Bửu Chỉ, một sinh viên tranh đấu nằm vùng tại Huế, bị lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế bắt trong chiến dịch Bình Minh vào mùa hè 1972, chính Bửu Chỉ khai và xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì phiên toà án nhân dân tại trường Gia Hội năm Mậu Thân.

Sau 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải sống những ngày khổ nhục, oán hận vì chính mắt y khi nhìn thấy tên đồng chí trẻ của y là Bửu Chỉ đang nằm với vợ của y là nữ đồng chí Lâm thị Mỹ Dạ.

4- CTHÐ Bỏ, không trích.

5- Và cuối cùng là lời khai của Thành ủy viên Việt Cộng Hoàng Kim Loan, bị bắt vào mùa hè 1972 khai rằng chính y, và thành uỷ viên Hoàng Lanh đề cử Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì phiên tòa tại trường Gia Hội vào năm Mậu Thân 1968. Cũng chính y và Hoàng Lanh có mặt trong phiên xử đó,

6- Trong hồi ký “Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập”, do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2002, Hoàng Phủ Ngọc Tường xác nhận y ở trong Ban Tham Mưu cánh Bắc sông Hương. Mặt trận này là vùng Quận 1 và Quận 2 Thành phố Huế .

( .. .. .. )

Giờ đây HP Ngọc Tường bị bại liệt. Y phải ngồi xe lăn, và cõi chết đã gần kề, Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể chối tội y đã giết đồng bào với chính lương tâm của y, y cũng khơng thể quên được những hình ảnh bi thảm của cuộc tàn sát ghê rợn, đẫm máu do chính y gây ra cho đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Trong phần đời ngắn còn lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường phải sống những ngày đêm u ám, sợ hãi, y sợ hồn ma, bóng quỉ, y sợ oan hồn của những kẻ đã bị y thảm sát 40 năm trước. Bởi thế cho nên tên sát nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường làm thơ:

Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi!
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió rên ngoài hành lang.

Và :

Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi …



Trích “BIẾN ÐỘNG MIỀN TRUNG” (trang 106 – 113) của Tác giả Liên Thành’
o O o

Ðây là Lời Phét Lác viết về tên Huỳnh Bá Thành, tên VC nằm vùng ở Sài Gòn. Bài đăng trên Tuần báo Công An Nhân Dân.

HUỲNH BÁ THÀNH

Trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, quân Ngụy tuy đã tan rã về tư tưởng nhưng vẫn còn một vài đơn vị chưa buông súng. Trong đó có đơn vị Biệt Ðộng Quân đóng chốt giữ cầu Sài Gòn.

Huỳnh Bá Thành: “Ðại Uý Trường Sơn” trong tiểu thuyết “Lệnh Truy Nã.”

Có một yêu cầu rất quan trọng của ta là không để địch phá cầu Sài Gòn, vì đây là tuyến đường cực kỳ quan trọng để một mũi chính của đại quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn.

Sáng 28/4/1975, đồng chí Huỳnh Bá Thành được nhà báo Cung Văn (Nguyễn Vạn Hồng) báo cáo là quân Dù đang chống trả khá quyết liệt ở khu vực cầu Sài Gòn với lực lượng du kích của Thủ Ðức. Nhà báo Cung Văn bị thương. Ðồng chí Huỳnh Bá Thành tìm cách liên lạc với Phan Xuân Huy để tác động Dương Văn Minh ra lệnh cho quân Ngụy không được phá cầu Sài Gòn.

Phan Xuân Huy là một dân biểu đối lập trong chế độ Sài Gòn, nhưng cũng là một trí thức yêu nước, có mối quan hệ thân thích với Dương Văn Minh. Ông Phan Xuân Huy là con rể của Dương Văn Minh (chồng người con gái nuôi của Dương Văn Minh).

Sáng 29/4/1975, đồng chí Huỳnh Bá Thành nhắn Phan Xuân Huy đến Tòa soạn Báo Ðiện Tín và nói:

“Ở số 3 (Dinh Hoa Lan của Dương Văn Minh ở số 3 đường Trần Quý Cáp, nay là đường Võ Văn Tần) có người đề nghị giựt sập cầu Sài Gòn. Anh phải đến ngay đó để chặn lại. Ðây là lệnh”. Phan Xuân Huy lập tức lái xe đến Dinh Hoa Lan.

Phan Xuân Huy kể lại, lúc đó ông lái xe ra cầu Sài Gòn ngay. Gặp Thiếu tá Biệt Ðộng Quân tên là Chỉnh. Phan Xuân Huy nói với Chỉnh (vốn là bạn học cũ):

“Không nên giựt mìn làm sập cầu Sài Gòn vì phá cầu thì lấy đường đâu cho quân ta từ Long Khánh, Phan Thiết rút về Sài Gòn? Tôi chưa hề nghe nói Tổng thống (Dương Văn Minh) ra lệnh giựt sập cầu Sài Gòn. Coi chừng mắc mưu mấy ông Việt Cộng”.

Cũng trong thời điểm này, quân ta – ( Quân Bắc Cộng. CTHÐ viết thêm) – đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Tình thế cách mạng trên đà thắng lợi như chẻ tre. Lực lượng tại chỗ dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã nhất tề nổi dậy và sẵn sàng nổi dậy. Quân Ngụy tan rã. Trước tình thế đó, cùng với sự tác động của cơ sở binh vận, Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn đã ra lệnh cho các đơn vị không được nổ súng.

Trong tình thế đó, cộng với sự tác động của Phan Xuân Huy, Thiếu Tá Chỉnh làm thinh, quay ra tập hợp quân. Thấy có vẻ êm, Phan Xuân Huy quay xe ra về.

Cầu Sài Gòn vẫn nguyên vẹn.
Góp phần vào thắng lợi cuối cùng

Cuối tháng 3/1975, sau các chiến thắng của ta ở Tây Nguyên và Quảng Trị, lãnh đạo T4 đã chỉ đạo cụ thể cho các đồng chí cốt cán của Cụm A10 phải bám sát chủ trương của ta thông qua Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Ðài phát thanh Giải phóng để hành động.

Vốn thâm nhập được vào nhóm chính trị thân cận của Dương Văn Minh từ năm 1970-1971, trong vai là một nhà báo trong lực lượng đối lập, đồng chí Huỳnh Bá Thành đã tiếp cận được với Dương Văn Minh. Hàng ngày đồng chí ra vào Dinh Hoa Lan cùng với Lý Quý Chung, một dân biểu đối lập trong chế độ Sài Gòn và cũng là một trong những nhân vật thân tín của Dương Văn Minh. Ngày 25/4/1975, nhóm Dương Văn Minh ra tuyên cáo đòi Trần Văn Hương từ chức và trao quyền cho Dương Văn Minh. Cuộc tấn phong cho Hương bị thất bại.

Cuối cùng, Quốc Hội Bù Nhìn Sài Gòn phải biểu quyết đưa Dương Văn Minh lên làm “Tổng thống” thay Trần Văn Hương. Tuy vậy, Trần Văn Hương vẫn nấn ná cho đến 17 giờ ngày 28/4/1975 mới đọc diễn văn thoái vị trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Cuộc trao quyền này rất lèo tèo, nhạt nhẽo vì ta đã tác động các tổ chức, đoàn thể không tham gia.

Trong khi đó, ta có nhiều hướng nhắm vào mục tiêu Dương Văn Minh để ép ông này tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chỉ riêng trong lực lượng điệp báo của Ban An ninh T4 đã có ba hướng cùng thực hiện việc này. Một cơ sở của cụm điệp báo của đồng chí Ðỗ Thạnh, vốn là đấu thủ quần vợt thường xuyên của Dương Văn Minh; một hướng khác do cơ sở của ta đã tác động đến những nhà tu hành có uy tín gọi điện thoại cho Dương Văn Minh và một hướng khác là tác động trực tiếp của đồng chí Huỳnh Bá Thành.

9h30 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ðúng 11h30 theo giờ Sài Gòn, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Ðộc Lập, báo hiệu thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cần khẳng định rằng, trong điều kiện quân và dân ta tổng tiến công và nổi dậy đã làm chủ hoàn toàn tình thế thì việc Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện là tất yếu. Việc các lực lượng tại chỗ của ta tác động thêm để Dương Văn Minh đầu hàng cũng là một yếu tố đáng chú ý, dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh nhanh chóng và thành phố Sài Gòn được giữ nguyên vẹn. Bởi vì có một điều dễ dàng nhận thấy là chính quân và dân ta đã thực hiện nghiêm lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiếm giữ và tiếp quản chứ không nổ súng bắn phá các mục tiêu.

Trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc, có một phần nhỏ chiến công nhưng rất đáng tự hào của các cán bộ điệp báo an ninh A10.

Ngưng trích.

CTHÐ: Chúng nó thắng, chúng nó nói phét.
Tôi ở phe Thua, tôi đau, tôi tiếc, tôi nhục.
40 năm kể từ ngày ấy, tôi đau, tôi tiếc, tôi nhục suốt những tháng năm còn lại của đời tôi.

No comments: