Lời Phát Biểu Trong Lễ Giỗ Thứ 48
của Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Hãy xem cuộc sống thanh đạm của Ngô Tổng Thống khi đi kinh lý
thăm dân. Vị lãnh đạo quốc gia VNCH nghỉ giấc trưa trên một tấm phên tre đổ nát. Ai nhìn thấy cũng rưng rưng nước mắt..
THANH HÙNG
Kính thưa Quý vị quan khách
Kính thưa toàn thể quý vị.
Thưa các bạn trẻ thân mến.
Trước hết tôi xin cám ơn ông Nguyễn Ngọc Tiên, chủ tịch Ban Đại Diện CĐVNBC cũng như ban tổ chức cho phép tôi được chia sẻ vài lời khiêm tốn trong buổi lễ tưởng niệm cố Tổng Thống (T.Th.) Ngô Đình Diệm cùng toàn thể các chiến sĩ đã bỏ mình vì lý tưởng dành độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam chúng ta.
Kính thưa tòan thể quý vị.
Như quý vị đã biết: Biến cố đau thương ngày 1-11-1963 đã được rất nhiều sách báo, tài liệu, phim ảnh, nhất là trong khỏang thời gian hơn 20 năm qua, chính phủ Hoa Kỳ đã giải mật rất nhiều, nên chúng ta đều đã biết rõ. Tuy nhiên có một điều hầu như chúng ta lãng quên hay không để ý, đó là ngay sau khi Đại sứ Cabot Lodge trình Ủy Nhiệm Thư lên T. Th. Ngô Đình Diệm, ông ta liền đến gặp khâm sứ Tòa Thánh Vatican tại Saigòn, để nhờ vị khâm sứ này làm trung gian nói với Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục bốn đề nghị của chính quyền Kenedy như sau:
1.- T.Th. Ngô Đình Diệm nhường hải cảng Cam-Ranh cho Hoa Kỳ 99 năm.
2.- T.Th. Ngô Đình Diệm chấp thuận cho Hoa Kỳ đưa 200.000 quân bộ binh vào Nam Việt-Nam.
3.- T.Th. Ngô Đình Diệm đặt Bộ Quốc Phòng của VNCH dưới quyền chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ.
4.- T.Th. Ngô Đình Diệm đưa ông cố vấn Ngô Đình Nhu đi nước ngoài.
Khi nghe Ông Lodge đề nghị bốn điểm trên đây, vị khâm sứ mỉm cười và thầm nghĩ: Không khi nào T.Th. Ngô Đình Diệm chấp nhận những đề nghị này, nên vị khâm sứ liền thăm dò bằng cách nhờ Đức Giám Mục (ĐGM) Hoàng Văn Đòan đang coi sóc giáo phận Qui-Nhơn, vị giám mục này vừa thân với khâm sứ, lại thân với Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Ngô Đình Thục, đến để trình bày với ĐTGM Ngô-Đình-Thục xem sự thể như thến nào. Sau khi nghe ĐGM Hoàng Văn Đoàn trình bày, ĐTGM Ngô-Đình-Thục liền trả lời:
1.- Chính Phủ VNCH do em tôi lãnh đạo, và ngay cả toàn dân Việt-Nam không được phép bán một mẩu đất nào trên lãnh thổ Việt-Nam cho ngoại bang. Vì đây là đất của TỔ QUỐC, là đất đã từng thấm nhuần mồ hôi, nước mắt ngay cả máu xương của ông cha chúng ta cùng các chiến sĩ đã từng đổ ra để chúng ta có được giang sơn gấm vóc như ngày nay.
2.- Nếu chúng ta chấp nhận cho Hoa Kỳ đem quân vào miền Nam Việt-Nam, Việt Cộng có cớ để tuyên truyền là họ phải mở rộng chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Như thế chúng ta sẽ mất chính nghĩa rồi chúng ta sẽ thua, mà hiện nay chúng ta đang thắng.
3.- Đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta, chúng ta phải tự quyết định, phải tự đương đầu với phương Bắc. Chúng ta không cúi đầu làm tay sai cho một thế lực nào.
4.- Khi Tổng Thống Kenedy bước vào nhà trắng, ông ta cũng tìm cách đưa em ruột ông ta là Robert Kenedy vào nội các của ông ta qua chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp.
Sau đó, ĐGM Hoàng Văn Đoàn vào Sàigòn trình bày cho vị khâm sứ Tòa Thánh Vatican biết sự thể. Dĩ nhiên vị khâm sứ thông báo cho ông Cabot Lodge. Vì thế cuộc chính biến đau thương ngày 1-11-1963 đã xẩy ra do vị Tổng Thống siêu cường bậc nhất thế giới là John Kenedy Jr., nhưng ông ta thiếu bản lãnh, nhu nhược không dám quyết, phải dùng trò ném đá giấu tay, là để cho người phụ tá của ông ta là Harriman, (một người từng có sẵn ác cảm với T.Th. Ngô Đình Diệm về chính sách Trung Lập ở Lào rất có lợi cho Việt Cộng) gửi điện văn cho ông Lodge để quyết định số phận của Đệ I Cộng Hòa VN nói chung, và số phận gia đình Ngô Đình nói riêng.
Đến đây, chắc một vài bạn trẻ thắc mắc: Tại sao ông Lodge không nói thẳng với T.Th. Ngô Đình Diệm mà lại nói với vị khâm sứ Tòa Thánh Vatican . Rồi vị khâm sứ này sao không nói thẳng với T.Th. Ngô Đình Diệm mà lại nói với ĐTGM Ngô-Đình-Thục làm gì?
Xin thưa:
- Nếu ông Lodge nói thẳng bốn điều kiện trên với T.Th. Ngô Đình Diệm, Tổng Thống sẽ bác hết ngay tức khắc.
- Khâm sứ Tòa Thánh Vatican bấy giờ là trưởng ngoại giao đoàn tại Sàigòn. Hơn nữa, uy tín và ảnh hưởng của Vatican rất lớn đối với T.Th. Ngô Đình Diệm.
- Ông Lodge biết rằng: TGM Ngô-Đình-Thục rất ảnh hưởng trên T.Th. Ngô Đình Diệm.
Vì ông Lodge quá biết: T.Th. Ngô Đình Diệm là con chiên rất ngoan đạo. Thêm vào đó, dù là tín hữu Công Giáo, nhưng T. Th. Ngô Đình Diệm rất nặng về luân lý Khổng Mạnh. Cho nên Ông Lodge đến gặp khâm sứ Tòa Thánh Vatican nhờ vị này nói với ĐTGM Ngô Đình Thục. Đó là con đường ngoại giao ông ta cần thăm dò trước...
Kể từ năm 1962, Hoa Kỳ không còn ủng hộ T.Th. Ngô Đình Diệm nữa vì Tổng Thống luôn nắm chủ quyền quốc gia trong tay, không chịu khuất phục trước mọi áp lực của Hoa Kỳ, nên CIA cùng Việt Cộng phối hợp với nhau mở chiến dịch tuyên truyền rằng: Chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ gia đình trị, độc tài, kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo. v. v.. !!?
I.- Gia ĐìnhTrị:
1.- Để chứng tỏ T.Th. Ngô Đình Diệm gia đình trị hay không? Chúng ta nghe ông Ngô Đình Nhu trả lời bọn sinh viên Việt Cộng năm 1960 tai Paris như sau:
- Như ông bạn anh vừa hỏi tôi: Chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ gia đình trị?
Giả thử anh là Thủ tướng Ngô Đình Diệm về nước năm 1954, khi thực dân Pháp còn tiếp tục khuyến khích các phần tử thân Pháp lật đổ chính quyền, cũng như yểm trợ, xúi giục nhiều phiến quân có thành tích bất hảo như thổ phỉ đánh phá quân đội quốc gia, trước cảnh dầu sôi lửa bỏng do các phần tử đối nghịch tạo nên, rắp tâm tiêu diệt anh, nếu phải chọn cộng sự viên sẵn sàng chết sống có nhau vì đại cuộc, giữa hai người đồng tài, đồng sức, đồng chí hướng, một bên không là thân bằng quyến thuộc, một bên là cật ruột, anh có cảm thấy gần như không cách chi anh không hành sử như Tổng Thống Ngô Đình Diệm chăng?...
Khi được tin hai anh em T.Th. Ngô Đình Diệm bị thảm sát, Tổng Thống Trung Hoa Quốc Gia Tưởng Giới Thạch đã thốt lên: ''Cả 100 năm nữa Việt-Nam mới có Ngô Đình Diệm thứ hai. Biết đến bao giờ Việt-Nam mới sản sinh ra được Ngô Đình Nhu thứ hai! Ông ta là Khổng Minh của Việt-Nam''.
2.- Ông Bà Ngô Đình Nhu lộng quyền:
Ngoài những tuyên truyền vu khống, bọn CIA cùng Việt Cộng còn vu khống: ''Vợ chồng Nhu lộng hành, hắn nắm toàn quyền, Ngô Đình Diệm chỉ là bù nhìn''.
Chúng ta nghe qua hai mẩu chuyện nhỏ sau đây:
a.- Ông Ngô Đình Nhu
* Khoảng gần cuối năm 1961, ông Ngô Đình Nhu mang hồ sơ vào trình Tổng Thống việc gì đó, Tổng Thống mới đọc được chừng hai trang, Tổng Thống nổi nóng quẳng tập hồ sơ xuống đất, quát:
-Làm ăn thế này à ?
Trung Úy Lê Châu Lộc nghe thấy vội quay lại, cúi xuống nhặt tập hô sơ lên.
Tổng Thống gắt:
-Không phải việc của mi. Để cho nó làm.
Ông Ngô Đình Nhu nhặt lên rồi chưa kịp bước ra. Tổng Thống quát tiếp:
- Còn đứng đó làm gì. Đem về làm lại.
* Trong cuộc hội luận giữa Giáo Sư Tôn Thất Thiện, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh và cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc trên đài SBTN. Giáo Sư Tôn Thất Thiện nói:
- Nhiều lúc ông Nhu bực ông Cụ (Tổng Thống) lắm, nhưng không dám nói. Nhiều lần ông Nhu nói với tôi: "Các ông đối lập đi! Tôi sẽ đứng về phía các ông.Tôi bực chính phủ này lắm rồi"
b.- Bà Ngô Đình Nhu:
* Có lần bà Ngô Đình Nhu vào trình Tổng Thống việc gì đó. Vì thấy cửa phòng của Tổng Thống đang mở sẵn, bà ta bước vào. Tổng Thống ném cái gạt tàn thuốc vào bà ta rồi quát:
-Mụ vào sao không báo trước. Đi ra !
Bà Nhu vừa bước ra vừa khóc.
* Năm 1962, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson đại diện Tổng Thống John Kenedy, cầm đầu sang thăm Việt-Nam. Phái đoàn đến dinh Gia Long chào thăm Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm.
Đến chiều, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ thăm đáp lễ phái đoàn. Theo sau là bà Ngô Đình Nhu cũng được đi. Trong khi Tổng Thống và Phó Tổng Thống Lyndon Johnson đàm luận, bà Nhu tiếp chuyện bà Lyndon Johnson và các bà khác.
Khi ra về, xe của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi trước, bà Nhu liền theo sau. Sĩ quan nghi lễ phủ Tổng Thống chặn xe của bà Nhu lại nói:
- Xin bà Cố Vấn chậm lại vài phút.
Bà Nhu cự nự:
- Tại sao không cho tôi về. Tôi được phép tháp tùng Tổng Thống mà.
Sĩ quan nghi lễ giải thích:
- Thưa bà Cố Vấn, chúng tôi biết, nhưng bà không phải vợ của Tổng Thống, nên theo nghi lễ, bà Cố Vấn phải về sau Tổng Thống ít nhất là 5 phút. Chúng tôi chỉ thi hành theo nghi lễ.
Khi về đến dinh Gia Long, bà Nhu oà lên khóc và mách chồng. Ông Nhu rất thương vợ, nhưng lại rất sợ ông anh (Tổng Thống) vừa khó tính vừa nóng như lửa, nên chẳng biết làm gì an ủi vợ chỉ nói: ''Bỏ qua cho vui vẻ'' rồi mồi thuốc hút. Thấy vậy bà Nhu càng tức thêm liền sang trình Tổng Thống, vừa khóc vừa nói:
- Lúc ra về, sĩ quan nghi lễ của Tổng Thống làm nhục em.
Tổng Thống liền cho gọi sĩ quan tùy viên và nghi lễ lên hỏi. Sau khi được họ trình bày mạch lạc, Tổng Thống nói:
- Chuyện có đáng gì đâu. Thôi! Thím về nghỉ.
Đến tối, Tổng Thống sang phòng ông bà Ngô Đình Nhu cười nói:
- Chúng nó nói đúng. Thôi! Bỏ qua.
*Về phần bà Ngô Đình Nhu: Đệ Nhất Phu Nhân KHÔNG ngai!!??
Như chúng ta đã biết: Trong suốt chín năm dưới thời Đệ I Cộng Hòa, bà Nhu đã làm được việc gì giúp Tổng Thống Ngô Đình Diệm chống lại Cộng Sản và xây dựng miền Nam Việt-Nam.Bà đã nhận được đặc ân nào do Tổng Thốg ban, ngoại trừ 6.000 đồng Việt Nam bà ta xin Tổng Thống để mua nữ trang đeo khi bà phải tiếp phu nhân Phó TT Lyndon Johnson vào năm 1962 hay ngoại giao đoàn khi bà đón tiếp. Nhưng CIA cùng Việt Cộng tuyên truyền bà Nhu tham nhũng và kinh tài giàu nhất Nam Việt-Nam thời đó. Họ cũng không tiếc lời nguyền rủa bà Nhu là con đàn bà lăng loàn. Độc ác thay! Họ còn bịa chuyện Tổng Thống và bà Nhu ''ăn nằm'' với nhau. Vì thế ngay sau khi Tổng Thống bị thảm sát, những sĩ quan qùy viên của ngài như: Đại Úy Lê Công Hoàn, Đại Úy Nguyễn Cửu Đắc... bị nhiều nhân viên thân tín của Tướng Dương Văn Minh thẩm vấn gắt gao về chuyện ''hoang tưởng'' này, đến nỗi những sĩ quan này phải ký giấy xác nhận ''chuyện đó'' hoàn toàn không có. Nói đến đây chúng tôi sực nhớ lại lời một thượng sĩ quân cảnh (xin được giấu tên, hiện đang sống tại Úc) nói: ''Khi xác Tổng Thống được đem xuống căn phòng sau Bộ Tổng Tham Mưu, tôi thấy rất rõ: ''Trung Tướng Dương Văn Minh cởi... (không dám nói ra) để xem... của Tổng Thống''.
Thế rồi khi Hoà Thượng Thích Quảng Đưc tự thiêu, bà Nhu đã biết chắc chắn trước rằng: đây là hành động CIA cùng Việt Cộng chủ động ''bi kịch'' này, nên bà ta đã tuyên bố đây là hành động ''nướng sư''. Sự việc này gây bất mãn rất nhiều người và gây bất lợi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc đó. Nhưng lời tuyên bố đó của bà Nhu đến nay đã thành sự thực.
Hình ảnh bọn Cộng Sản thâm độc đứng đầu là Nguyễn Công Hoan, trước khi tưới xăng đốt sống Hoà Thượng Thích Quảng Đưc , bọn chúng có thể đã tiêm
thuốc làm tê cứng các gân cốt H.T., nên khi ngọn lửa bốc lên bao trùm ông ta như ngọn hỏa diệm sơn, H.T. vẫn ngồi như không có chuyện gì xẩy ra, cho đến lúc lửa gần tàn, H.T. ngả người xuống trong tư thế ngồi như ban đầu. Tiếc thay, ít người biết được khúc phim này trước kia đã bị CIA cắt bớt, nhưng nay mới được giải mật đầy đủ. Hiện nay khúc phim này được đưa lên nhiều websites.
Từ ngày chế độ Đệ I Cộng Hòa sụp đổ cho đến ngày 24-4-2011, ngày bà Nhu qua đời, bà ta đã sống như thế nào và cuộc sống của bà ta ra sao chắc quý vị đều biết rõ, mặc dầu bà ta rất ảnh huởng Tây phương.
Nhiều người mong chờ quyển hồi ký của bà Ngô Đình Nhu do LS Trương Phú Thứ sẽ phát hành trong nay mai, sẽ tiết lộ nhiều điều bí ẩn và khúc mắc dưới thời Đệ I Cộng Hòa. Nhưng có người lại lập luận rằng: ''Những điều mong đợi đó sẽ không có trong quyển hồi ký của bà Nhu đâu, vì sau 48 năm lưu vong với tràn đầy khổ lụy, nhưng bà lại sống một cuộc sống can đảm chịu đựng, hy sinh như chúng ta đã thấy, vì thế bà Nhu sẽ viết dưới một góc cạnh khác''. Chúng ta hãy chờ xem.
3.- Ông Ngô Đình Cẩn
Trường hợp ông Ngô Đình Cẩn, chúng ta nên đọc qua mấy hàng sau đây:
''Trần Quốc Hương tự Mười Hương, người chỉ huy Tình Báo Chiến Lược của Hà-Nội tại miền Nam và hai nước Miên, Lào. Ông ta bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt của ông Ngô Đình Cẩn bắt năm 1958. Sau khi chế độ Đệ I VNCH bị những tướng tá đánh thuê cho Hoa Kỳ lật đổ, và do sự móc nối của Thiếu tá Việt Cộng Dương Văn Nhật (em ruột Dương Văn Minh) móc nối, Mười Hương được Hà-Nội qua trung gian tướng Mai Hữu Xuân và trả cho hai tướng Minh - Xuân 50.000 dollars (theo tài liệu của VC là 5.000.000$ VN), nên Mười Hương được trả về Hà-Nội. Tiếp theo là các cán bộ tình báo, điệp viên cao cấp của Việt Cộng đều được Hà-Nội bỏ tiền ra chuộc, nhất là khi ông Hà Thúc Ký giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ, ông thả hàng loạt các cán bộ trên. Sau khi được thả, người được Hà-Nội gọi ra Bắc, người rút vào mật khu hoạt động tiếp.''
cựu cán bộ tình báo (từ trái sang):
Vũ Chính, Phạm Xuân Ẩn,
Trần Quốc Hương (Mười Hương),
Trần Hiệu, Lê Hữu Thuý, Đặng Trần Đức (Ba Quốc).
Trong loạt bài viết về Mười Hương, dưới nhan đề ''Tướng Tình Báo Chiến Lược'' đăng trên tờ Thanh Niên, số 300 ra ngày 26-11-2002 đăng lời ông Mười Hương nói về ông Ngô Đình Cẩn như sau:
''Những năm 1960, tôi đã từng có cảm giác cô đơn lạnh lùng khi phong trào đi xuống. Thế nhưng hồi ấy cũng không đen tối bằng những năm 1957-1959 sau này... ''.
Ông bảo:
"Chúng ta chê thằng Cẩn rằng nó đi guốc mộc, miệng nhai trầu bỏm bẻm...chê như vậy không đúng đâu. Thằng Cẩn nó giỏi lắm, cao trí lắm. Nó biết hết đường đi nước bước của chúng tả
Theo sự tiết lộ của vg Văn Tiến Dũng, đại tướng Việt Cộng trong quyển Đại Thắng Mùa Xuân thì 95% nhân viên và cơ sở nằm vùng của Việt Cộng tại miền Nam đã bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt của ông Ngô Đình Cẩn bắt giữ. Chỉ từ tháng Bẩy năm 1955 đến tháng Hai năm 1956 Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã bắt giữ 93.362 đảng viên và cán bộ nằm vùng để lại. Lê Duẫn phải bỏ chạy ra Bắc. Hai tên trùm điệp báo và quân báo là Mười Hương và Lê Câu bị tóm gọn, các cơ sở từ Quảng Trị đến Cà Mâu bị phá vỡ. v. v...
Theo như cụ Quách Tòng Đức, cựu Đổng Lý Văn Phòng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm suốt chín năm, năm nay cụ đã 94 tuổi cho biết: Mặc dầu là cố vấn phủ Tổng Thống hay cố vấn chỉ đạo miền Trung, hai vị này chẳng có một văn thư nào do Tổng Thống ký ban hành cả, nhất là ông Ngô Đình Cẩn, không có lương, không có văn phòng riêng. Hai ông hầu như không bao giờ tháp tùng Tổng Thống đi kinh lý hay xuất hiện bên cạnh Tổng Thống trong những dịp lễ lớn; hai ông rất ít xuất hiện trước công chúng hoặc huênh hoang nơi này nơi khác. Riêng ông Ngô Đình Cẩn luôn mặc quần áo bà ba, đầu đội khăn xếp. Thỉnh thoảng phải đi đâu xa, ông ta dùng xe Jeep quân đội; không bao giờ dùng xe hơi sang trọng.
Riêng về phần Tổng Thống, khi bị thảm sát, trong túi áo của Tổng Thống chỉ còn nửa bao thuốc Basto và cỗ tràng hạt. Suốt chín năm lãnh đạo miền Nam VN, Tổng Thống dành dụm được 2.800.000$ Việt-Nam. Tổng Thống gửi linh mục Nguyễn Văn Toán dòng Chúa Cứu Thế. Ước nguyện của Tổng Thống vào những năm tháng cuối đời, Tổng Thống sẽ vào ẩn mình trong tu viện này để dọn mình chết.
Khi biết chính xác Tổng Thống không còn nữa, linh mục Nguyễn Văn Toán vội vàng đem 2.800.000$ VN nộp cho Dương Văn Minh ngay. Ngoài số tiền trên, Tổng Thống không có mái nhà riêng, dù chỉ một túp lều hoặc một chiếc xe đạp cũ.
Còn ông Ngô Đình Nhu, vào những năm sau này, các bạn thân của ông ta như: ông Cao Xuân Vỹ và các bạn hồi còn ở Pháp gom tiền mua tặng ông bà Ngô Đình Nhu một căn nhà nhỏ hai tầng ở Đà-Lạt. Vì là nhà cũ nên cần sửa chữa. Đang sửa lại hết tiền nên phải ngừng lại. Thế rồi biến cố 1-11-1963 ập đến căn nhà đó thuộc đám tướng tá đánh thuê cho Hoa Kỳ.
4.- Kỹ sư Ngô Đinh Luyện.
Ông Luyện từng là bạn học rất thân và rất lâu với cựu Hoàng Bảo Đại tại Pháp. Ông Luyện du học và sống ở Pháp rất lâu, nên ông ta quen biết rất nhiều các chính khách bên Châu Âu. Ông Luyện lại có năng khiếu về ngoại giao. Dưới thời Đệ I Cộng Hòa ông Luyện là Đại Sứ VNCH tại Luân Đôn.
Khoảng tháng 8 năm 1963, ông Luyện được T. Th. Ngô Đình Diệm cử sang Vatican yết kiến Đức Giáo Hoàng Phao Lô VI để trình bày sự thật về biến cố Phật giáo. Nhưng tiếc thay! Tòa Thánh Vatican lúc ấy phần cũng bị báo cáo thiếu trung thực, phần lại bị chính quyền Kenedy qua tay Cabot Lodge mưu lược rào cản, nên ông Luyện không được GH Phao Lô VI tiếp kiến. Thế rồi khi biến cố 1-11-1963 xẩy ra, lúc ấy Vatican rất hối tiếc nhưng đã quá muộn.
Còn về cuộc sống của ông Luyện và gia đình ông ta như thế nào sau ngày 1-11-1963, chắc quý vị đã biết rõ, nhất là những vị nào đã đọc quyển: ''Nhớ Lại Những Ngày Ở Bên Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm'' của Cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ.
Với những người như thế, tại sao T. Th. Ngô Đình Diệm lại không dùng?
II.- Chế độ độc tài:
Khi chấp nhận lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại về nước lập chính phủ, Ông Ngô Đình Diệm đã mời một số chính khách hay bạn rất thân vào nội các, điển hình như Bác sĩ H. vào chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Nhưng BS này đòi chức Tổng Trưởng Quốc Phòng. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm không thể thỏa mãn đòi hỏi này, nên BS H. bất mãn quay ra chống đối. Như quý vị quá biết, vào thời gian đầu về nước lập chính phủ, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm gặp quá nhiều khó khăn, nên ngoài cương vị Thủ Tướng, Ông Ngô Đình Diệm phải kiêm luôn chức Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Nội Vụ mới đương đầu với tình thế lúc đó.
Sau ngày 1-11-1963, BS H. đã được cất nhắc lên chức Đệ I Phó Thủ Tướng. Nhưng chỉ vài tháng sau BS Đệ I Phó Thủ Tướng này cũng chạy có cờ.
Ngoài ra, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cũng mời rất nhiều người nữa như: KS. S., BS. Đ., LS. Th., ngay cả thầy giáo H. v.v. vào nội các. Nhưng những vị này thấy thực dân Pháp lúc đó còn tiếp tục khuyến khích các phần tử thân Pháp lật đổ chính quyền, cũng như yểm trợ, xúi giục nhiều phiến quân có thành tích bất hảo như thổ phỉ đánh phá quân đội quốc gia, nhất là phiến loạn Bình Xuyên hăm dọa, nên các vị này sợ quá xin từ chức, mặc dầu Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tốn biết bao thời giờ công sức để thuyết phục họ ở lại, nhưng không kết quả
Thế rồi sau năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ổn định tình thế và thống nhất quân đội, các vị trên không được trọng dụng nữa nên bất mãn.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sau ngày 1-11-1963, tất cả các vị này cùng các tướng tá thay nhau trên chính trường miền Nam Việt-Nam, nhưng họ đã làm được gì? Nhất là họ đã ngồi trên ghế được mấy tháng? Thậm chí BS Q. một con bài rất được lòng Hoa Kỳ, họ đã từng ép T.T. Ngô Đình Diệm phải trao cho BS. Q. chức Thủ Tướng, nhưng T.T. Ngô Đình Diệm không chịu. Thế rồi vào khoảng giữa năm 1965, vị BS. Q. này đã được giữ chức Thủ Tướng miền Nam Việt-Nam, nhưng chỉ khoảng ba tháng sau, ông ta lại vội từ chức và trả lại cho quân đội.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong khoảng thời gian BS. Q. giữ chức Thủ Tướng, Hoa Kỳ đã ngang nhiên đưa Thủy Quân Lục Chiến của họ vào miền Nam Việt Nam mà không cần sự chấp thuận của chính quyền miền Nam Việt-Nam.
Qua những sự kiện như trên, chúng ta có thể kết luận T.Th. Ngô Đình Diệm là nhà độc tài không? Hay nói theo sử gia Hoàng Ngọc Thành: ''Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền mạnh... hay chính quyền chuyên chế độc tài nửa vời''
III.- Kỳ thị tôn giáo.
1.- Phật giáo
a- Chùa Xá Lợi
Ngay từ những năm đầu của chế độ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã áp dụng một chính sách đặt biệt đối với Phật giáo. Tại Sàigòn Tổng Thống thường giúp đỡ tài chánh khích lệ Hội Phật học do cư sĩ Mai Thọ Truyền làm Hội Trưởng, đặc biệt là xây chùa Xá Lợi với mục đích duy nhất là dùng làm nơi nghiên cứu, học hỏi giáo lý, mở rộng kiến thức, củng cố niềm tin nơi tín đồ Phật giáo. Chùa Xá Lợi được xây cất năm 1958 với kinh phí 2.000.000$ Việt-Nam được trích ra từ quỹ Xã Hội của Phủ Tổng Thống và trao cho ông Mai Thọ Truyền chủ trì việc xây cất với mục đích phát triển và kiện toàn tổ chức Phật giáo.
b. Chuà VĨNH NGHIÊM
Khoảng năm 1959-1960, Thượng tọa Thích Tâm Giác và bà Đức Âm xin mua đất xây Chùa. Khu đất này thuộc Bộ tài chánh, nhưng Bộ tài chánh không dám quyết định. Khi trình lên Tổng Thống, Tổng Thống nói: ''Làm chùa thì cho ngay đi!''.
Sau đó họ mua được khu đất hơn một mẫu tây sát đầu cầu Công Lý với giá tượng trưng 1$ Việt-Nam. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, ngôi chùa này được xây mang tên Vĩnh Nghiêm.
c- Chùa Từ Đàm
Riêng chùa Từ Đàm do Thích Trí Quang trụ trì, ông Ngô Đình Cẩn giúp đỡ đặc biệt, nhất là phương diện tài chính, vật liệu, dụng cụ cần thiết do chính tay ông Cẩn hay qua các ông Đại Biểu Chính Phủ hoặc các Tỉnh Trưởng sở tại. Ngoài ra, khi nhà thầu củi Thăng Long trên đường Phan Bội Châu, Huế, đã trúng thầu khai thác củi trong kế hoạch khai hoang mật khu Hoa Mỹ của Việt Cộng, thuộc quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, ông Cẩn còn đặt điều kiện với nhà thầu củi Thăng Long phải cung cấp cho chùa Từ Đàm mỗi tháng 30.000$. Vì thế chùa Từ Đàm càng ngày càng phát triển về mọi mặt.
Một điều rất đặc biệt, để có vật liệu đúc chuông cho một số chùa mới xây, ông Cẩn yêu cầu Đại Đội Quân Cụ Quân Khu II bằng mọi cách, cung cấp vỏ đạn cho Th.T. Trí Quang. Công việc này thật khó, vì lúc ấy Hoa Kỳ chỉ mới cung cấp súng đạn cho quân đội Việt-Nam trong công tác huấn luyện nhưng rất hạn chế, kèm theo nhiều thể thức kiểm soát hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, hai người đứng đầu công tác này là Trung Úy Ngô Văn Điều và Thượng Sĩ Nguyễn Hiệp (đều là nggười Công Giáo) đã tìm mọi cách thực hiện lời yêu cầu của ông Ngô Đình Cẩn.
Được chính quyền tích cực giúp đỡ, Phật giáo miền Trung phát triển mạnh; xây thêm nhiều cơ sở, chùa miếu mới. Thêm vào đó, sự qua lại giữa ông Cẩn và Th.T. Trí Quang rất thường, nhất là vào những dịp LỄ, TÊT. Nên từ đó, uy tín tăng sĩ chùa Từ Đàm, đặc biệt là Th.T. Trí Quang, càng ngày càng nổi bật trong giới Phật giáo. Vì thế ông ta mặc nhiên được coi như đại diện chính thức cho cả khối Phật giáo miền Trung với chính quyền. Uy tín của ông ta vượt trội hẳn trên các tăng sĩ khác.
Ngoài ra còn khoảng 4.000 ngôi chùa khác được xây thêm dưới chế độ Đệ I Cộng Hòa.
Ngoài những ưu đãi như trên, Tổng Thống còn có kế hoạch lâu dài, khuyến khích Phật tử đi du học. Nhất là Tổng Thống giúp đỡ và phê chuẩn thành lập ''Hội Phật Giáo Thống Nhất'' toàn quốc.
Sau khi Phật giáo đã có tổ chức thống nhất, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại khuyến khích, cung cấp tài chánh cho các tăng sĩ đi du học, hầu nâng cao trình độ cho hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Việt-Nam
Vào khoảng cuối tháng 8 năm 1963, Tổng Thống đến thăm ngôi chùa nữ tại Phú Lâm do sư bà Diệu Huệ chủ trì. Trong khi đàm đạo, nhiều sư nữ đã oà lên khóc, vì họ biết từ trước đến giờ, Tổng Thống đã từng nâng đỡ Phật giáo rất nhiều, nay nhiều kẻ lại quay lưng lại. Cuộc nói chuyện vừa dứt, một tăng sĩ tiến tới chào Tổng Thống.
Tổng Thống hỏi:
- Thầy về khi mô?
- Thưa Tổng Thống, con về được gần ba tháng. Hôm về anh em chúng con (không nói rõ bao nhiêu người) đã đến trình diện Tổng Thống.
- Học có được không?
- Dạ thưa, được. Nhờ lòng ưu ái của Tổng Thống cho đi du học, chúng con đã cố gắng theo kịp các bạn cùng khóa.
- Tiền bạc có đủ không?
- Dạ, cám ơn Tổng Thống. Nhờ lòng ưu ái của Tổng Thống thương cho quá đầy đủ.
- Học về rồi phải đem những kiến thức đã học được áp dụng vô tổ chức của mình, từ tổ chức đến việc đào tạo cán bộ. Tôi nghĩ bên Phật giáo nên chủ trương như bên Công Giáo, nghĩa là phải đi tu từ 9, 10 tuổi đến 30 tuổi mới thành linh mục. Có như thế mới chọn lựa kỹ càng cả về đạo đức và học vấn. Bên Công Giáo lúc sau ni có thâu nhận thanh niên vào học lên linh mục sau khi đã đậu tú tài. Nhưng cách đó xem ra chọn lựa không được kỹ càng bằng lớp bắt đầu đi tu từ nhỏ.
Nói đến đây Tổng Thống bảo vị tăng sĩ:
-Thôi! Cố gắng làm việc tử tế.
Năm 1959, sau khi đắc cử nhiệm kỳ II mới được ba ngày, Tổng Thống âm thầm đến thăm các chùa tại Saìgòn và những vùng phụ cận để cám ơn các thầy đã ủng hộ ngài thắng cử. Tại một ngôi chùa nọ, khi đón tiếp Tổng Thống, thượng tọa trụ trì vui đùa trách Tổng Thống:
- Tổng Thống có chuyện vui không cho anh em chúng tôi biết để cùng chung vui với Tổng Thống.
Tổng Thống trả lời:
- Có chuyện chi vui mà tôi dấu các thầy mô?
- Dạ, thưa Tổng Thống, qua tăng đoàn Tích Lan, chúng tôi được biết, Tổng Thống đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma một số tiền lớn.
Nghe vậy, Tổng Thống hơi đỏ mặt, ngồi lặng thinh một lúc rồi nói:
- Vì là một việc tế nhị, tôi không muốn cho ai biết, chứ không phải có ý dấu các thầy. Tôi nhận được giải thưởng Leadership Magsaysay 10.000 đô la. Tôi không có nhu cầu chi. Gặp lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo và là biểu tượng của tinh thần tranh đấu bất khuất để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tôn giáo, bảo vệ dân tộc ngài, đang gặp hoạn nạn, phải sống lưu vong, cần nhiều sự giúp đỡ. Tôi thấy mình có bổn phận phải giúp ngài. Tôi nhờ Thủ Tướng Nerhu chuyển số tiền này cho ngài, nhưng ông ta khước từ, có lẽ ông ngại mất lòng Trung Cộng, nên tôi phải tìm đường khác để chuyển số tiền này cho ngài.
Các thầy cũng biết, mình đang phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa vô thần rất tàn bạo. Chỉ có niềm tin tôn giáo mới đủ sức mạnh chống lại được chủ nghĩa tai hại này. Vì thế, đối với việc phát huy, củng cố, bảo vệ niềm tin tôn giáo, bất câu là tôn giáo nào, mình cũng có bổn phận khuyến khích và giúp đỡ.
Sau đó Tổng Thống đi bắt tay các thầy, ngài thấy Đại Đức Thích Quảng Liên, liền hỏi:
- Thầy về khi mô?
- Dạ, thưa con mới về, chưa kịp vào chào Tổng Thống.
- Không sao. Khi mô thầy muốn vô, nói sĩ quan tùy viên sắp xếp cho vô.
2.- Công Giáo.
Kể từ ngày Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về chấp chánh đến nay, chẳng thấy bằng chứng nào TT Ngô Đình Diệm cho Công giáo một miếng đất, một số tiền nào để xây Nhà Thờ hay dòng tu. Nhất là chưa thấy một tu sĩ Công Giáo nào được Tổng Thống cho đi du học với học bổng được cung cấp đầy đủ. Ngược lại, có vài va chạm giữa Công Giáo với Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà chúng tôi không đủ thời giờ để nêu lên. Tuy nhiên chúng tôi cố gắng tóm lược vài trường hợp sau:
a.- Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn lấy lại khu vườn cao su Phú Thọ mà trước đây thực dân Pháp đã tặng địa phận Sàigòn, để làm tài sản cho quốc gia. Tổng Thống lập luận rằng: ''Khu đất đó là đất của nước Việt-Nam, chứ không phải của thực dân Pháp; họ không được phép lấy đất của mình cho bất cứ tổ chức nào hay cá nhân nào.''
Sự việc trên làm TGM Sàigòn rất khó chịu. Vì thế linh mục Nguyễn Văn Vàng đã chỉ trích chính phủ trên tòa giảng trong nhà thờ Đức Bà, Sàigòn.
b- Dưới thời Pháp thuộc và qua các chính phủ dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại, Giáo Hội Công Giáo được mở các chủng viện để đào tạo linh mục, tu sĩ. Chương trình giảng dạy không phải chịu sự kiểm soát của chính phủ.
Đến thời Đệ I Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Đạo Dụ số 54/7, xóa bỏ quy chế này. Đạo Dụ ấn định: ''Không ai được mở trường tư mà không có giấy phép của chính phủ. Các trường được phép mở phải chịu sự kiểm soát của chình phủ về nhân viên, chương trình giảng dạy.''
Việc ban hành Đạo Dụ này đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong giới Công Giáo. Đầu năm 1957 Hội Đồng Giám Mục VN, trong đó có cả ĐGM Ngô Đình Thục, họp ra thông cáo chiếu điều 17 Hiến Pháp, lên án Đạo Dụ 54/7 là vi phạm tự do tín ngưỡng và yêu cầu xóa bỏ tất cả những điều khoản liên quan đến chủng viện.
Vì thế một số linh mục đến nhờ Ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Quang Trình dẫn vào gặp Tổng Thống. Trước khi vào, nhiều linh mục huyênh hoang rằng: ''Lần này tôi sẽ nói toẹt ra hết. Tôi không nể nữa đâu''. Nhưng khi vào, các vị đều cúi mặt hoặc quay đi không dám nhìn Tổng Thống.
Khi được Tổng Thống giải thích, các linh mục nhìn ra mục đích của Đạo Dụ là tạo sự hòa đồng các tôn giáo, gây tình đoàn kết toàn dân, nhằm bẳo vệ quyền lợi tối thượng của đất nước.
Thế rồi, Tổng Thống quay sang trách khéo Ông Bộ Trưởng Nguyễn Quang Trình:
- Họ không hiểu, ông Bộ Trưởng phải giải thích cho họ. Có vậy cũng đòi vào gặp tổng thống.
Rồi Tổng Thống đứng dậy đi vào.
Sau đó Đạo Dụ được giới Công giáo nghiêm chỉnh thi hành.
3.- Cao Đài.
Trong một lần Tổng Thống tiếp phái đoàn Cao Đài đến thăm xã giao, ngài nói: ''Tôi kính trọng quý ngài. Một số linh mục Công Giáo đến gặp tôi xin phép được xổ số Tômbola để có tiền xây nhà thờ. Tôi nói: Cao Đài họ có Tombola đâu, sao tôi thấy họ cất thêm thánh thất mới đều đều''. Rồi ngài chua chát kết luận: ''Cứ Tombola! Tombola mới xây được nhà thờ!''
IV.- Đàn áp Phật giáo.
Vào khoảng cuối tháng Tám năm 1963, chính trường miền Nam Việt Nam rất sôi động do nhóm ''Tông Phái'' Thích Trí Quang xách động. Do lời đề nghị của Giáo Sư Bửu Hội, Tổng Thống Ngô Đình Diệm mời Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cử Phái Đoàn sang điều tra và còn hứa với phái đoàn là chính phủ VNCH sẽ hợp tác chặt chẽ và tạo mọi điều kiện dễ dàng trong khi Phái Đoàn thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra Phái Đòan hoàn tòan được tự do muốn đi nơi nào hoặc muốn gặp bất cứ ai đều được thoải mái làm việc. Vì thế Trưởng Phái Đoàn Đặc Nhiệm của VNCH tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư mời đề ngày 4.10.1963 có lời mời như sau:
''Tôi được lệnh của Chính Phủ tôi, qua Ngài và ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, gửi lời mời các đại diện của một số các quốc gia hội viên Liên Hiệp quốc đến viếng thăm Việt-Nam trong những ngày gần đây để nhận xét tường tận thực trạng sự liên hệ giữa chính phủ và Cộng Đồng Phật giáo Việt-Nam.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cảm tạ Ngài nếu được Ngài tận tình giúp đỡ.''
Sau khi nhận được thư mời trên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã cử một Phái Đoàn gồm quý vị đại diện các nước hội viên sau đây: Afghanistan, Đại Sứ Abdul Rama Pazhwak; Brasil, Đại Sứ Sergio Correa da Costa; Tích-Lan, Đại Sứ Sénérat Gunewardene; Costa Rica, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez; Dahomey, Đại Sứ Louis Ignacio-Pinto; Ma-rốc, Đại Sứ Ahmed Taibi Bahima; Nepal, Đại Sứ Matrika Prasad Koiralá. Ông Abdul Rama Pazhwak, Đại Sứ của Afghanistan là Trưởng Phái Đoàn.
Phái Đoàn đến Sàigòn vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 24-10-1963 và được ông Phạm Đăng Lâm, Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao và các viên chức khác trong bộ đón tiếp. Trước sự hiện diện của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước, ông Trưởng Phái Đoàn Abdul Rama Pazhwak nhấn mạnh: ''Chúng tôi đến đây với ý chí muốn biết rõ sự thật và tường trình các sự việc.''...
Sau khi Phái Đoàn vừa hoàn tất nhiệm vụ thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát. Vì thế Bản Phúc Trình của Phái Đoàn đệ trình Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 9-12-1963 chịu ảnh hưởng của Chính quyền Hoa Kỳ do sự chi phối của đảng Dân Chủ qua bàn tay phù thủy của Cabot Lodge đã được dấu kín (chỉ rất giới hạn và rất kín), coi như bị ém nhẹm. Đến nay bản Phúc Trình điều tra đã được giải mật. Qua bản Phúc Trình này, Thượng Nghị Sĩ Thomas J.Dodd, Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, qua thư đề ngày 17 tháng Hai năm 1964 gửi Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét:
“Đây là Bản Phúc Trình bao gồm những lời khai và tài liệu, nhưng không hề có những nhận xét hay kết luận của Phái Đoàn, tôi tin rằng bất cứ ai sau khi đọc Bản Phúc Trình này cũng có thể đy7a ra kết luận về lời cáo buộc“Phật giáo bị đàn áp”, “thật ra chỉ là sự thổi phồng đầy ác ý, và tuyên truyền man trá''.
Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica
Còn Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica nhận định như sau:
''Cá nhân tôi nghĩ rằng không hề có chính sách kỳ thị, đàn áp, ngược đãi đối với Phật giáo trên căn bản tôn giáo. Lời khai về những sự việc này thường chỉ là những tin đồn vô căn cứ hoặc được thổi phồng hay phóng đại''
Đại Sứ Fernando Volio Jimenez nói tiếp:
''Nếu dựa trên những tin tức đã xuất hiện trên báo chí thế giới, tôi đã sửa soạn và sẵn sàng bỏ phiếu lên án chính quyền Ngô Đình Diệm...
Nhưng sau hai tuần lễ tích cực điều tra tại Việt-Nam, tôi nghĩ rằng: với những bằng chứng đã thu thập được đã chứng tỏ rằng không hề có vấn đề kỳ thị tôn giáo hoặc xâm phạm quyền tự do tôn giáo...
Chính phủ Ngô Đình Diệm đã cộng tác chặt chẽ với chúng tôi, cho phép chúng tôi đi bất cứ nơi nào chúng tôi muốn đi, lấy lời khai bất cứ cá nhân nào chúng tôi thấy cần thiết.
Tôi cũng nhận được lời tuyên bố của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao rằng: ''Chính phủ có thể không toàn hảo, cũng như các viên chức trong chính phủ không phải là những ông thánh. Chúng tôi sẽ lắng nghe những ý kiến của quý vị và sẽ cố gắng sửa đổi những khuyết điểm''.
Đại sứ Fernando Volio Jimenez lại nói tiếp:
''Với lời mời và sự hướng dẫn trong suốt cuộc điều tra, đã cho tôi cảm nghĩ rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sẵn sàng sửa đổi những sai lầm nếu có, và tin tưởng vào sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng.”
Thomas J. Dodd, 1907-1971
Dựa trên căn bản của Bản Phúc Trình, Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dodd đã đề cập đến vấn đề tự thiêu như sau:
“Phúc trình của Phái Đoàn đề cập đến lời khai của một tăng sĩ 19 tuổi khai với Phái Đoàn rằng tăng sĩ này được tuyển mộ bởi một “tiểu đội hiến thân tự thiêu”. Tăng sĩ này khai rằng “Đại Lão Hòa Thượng Giáo Chủ Phật Giáo đã bị giết”, và rằng “hàng trăm tín đồ Phật giáo đã cho đi “mò tôm” tại sông Sàigòn, và rằng “nhiều ni cô đã bị mổ bụng giết chết”, và rằng “Chùa Xá Lợi đã bị đốt”. Tăng sĩ này cũng khai rằng “đã được yêu cầu tự nguyện tự thiêu để bảo vệ Phật Pháp”, và được bảo đảm rằng “trước khi tự thiêu sẽ được uống những viên thuốc để không bị đau đớn khi tự thiêu, và ký vào ba bức thư đã được soạn sẵn”. Tăng sĩ này đã bị cảnh sát bắt trước khi hành động man rợ này xảy ra”.
“Phái đoàn cũng đã phỏng vấn một số những nhà lãnh đạo Phật giáo về những lãnh đạo thanh niên mà theo Bản Phúc Trình họ đã bị giết. Không thể tìm thấy những bằng chứng hoặc kiểm chứng những bản tin của các báo cáo nói rằng một số tu sĩ Phật giáo bị ném từ trên gác xuống trong cuộc bố ráp chùa Xá Lợi.”
Phái Đoàn không đi sâu vào động cơ chính trị dẫn đến sự khích động của ''tổ chức Thích Trí Quang''. Nhưng câu trả lời của ông Thích Trí Quang với cô ký giả Maguerite Higgins rằng: ''Chúng tôi chỉ có thể dàn xếp với miền Bắc sau khi đã lật đổ Diệm và Nhu''.( Saigon on June 2, 1964 )
Khi Bản Phúc Trình của Phái Đoàn điều tra của LHQ được giải mật, nhiều người ''chạy tội'' tuyên truyền rằng: ''Bọn Diệm Nhu dùng mỹ nhân kế và đô la mua chuộc Phái Đoàn điều tra của LHQ.'' Họ có biết không, khi Phái Đoàn điều tra của LHQ còn đang ở Saigòn, hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị giết rồi thì làm sao còn mua chuộc được.
Trần Văn Trà
Tên VGCS Trần Văn Trà. MTGPMN, và Dương Văn Minh
tại Dinh Độc Lập tối ngày 2/5/1975
V.- Chống Cộng:
1- Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Thượng Tướng Việt Cộng Trần Văn Trà lúc đó là Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sàigòn, ông ta lập mưu bắt TGM Nguyễn Văn Thuận một cách êm thắm bằng cách ông ta gửi một thư mời đến TGM Nguyễn Văn Bình và TGM Nguyễn Văn Thuận vào Dinh Độc Lập họp. Khi hai vị sửa soạn ra đi, TGM Nguyễn Văn Thuận nói với TGM Nguyễn Văn Bình rằng: ''Khi đi hai cha con mình cùng đi; nhưng khi về chỉ một mình cha về thôi.''. Nghe thấy thế, TGM Nguyễn Văn Bình nói: ''Sao Đức Cha lại nói vậy''.
Thế rồi hai vị vào Dinh Độc Lập họp. Trong khi đi qua hành lang để đến phòng họp, TGM Bình đi trước, TGM Thuận đi sau. Ngay lúc đó, một tên công an chận TGM Thuận và nói: ''Anh đi lối này'', rồi hắn lôi TGM Thuận đi mất luôn.
Sau khoảng 30 phút, TGM Bình chỉ thấy ông tướng Trà nói chuyện vu vơ, thấy vậy TGM Bình hỏi:
- Thưa Thượng Tướng, còn chuyện gì cần nữa không?
Tướng Trà trả lời:
- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Đức Cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.
- Như cụ thấy, chế độ này là Chế Độ Cộng Sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Đình Diệm, chúng nó chống Cách Mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.
Tưởng cũng nên nói thêm, vào khoảng giữa tháng Năm năm 1975, TGM Nguyễn Văn Thuận đến thăm dòng Đồng Công tại Thủ Đức, sau khi dâng lễ, ngài thân mật nói chuyện để khích lệ, an ủi các tu sĩ, và cũng như một lời báo trước, ngài nói:
“Chưa có giám mục Việt Nam nào vào tù cộng sản. Tôi sẽ là người đầu tiên. Các cha và các thầy nhớ cầu nguyện cho tôi.”
2- Đảng CSVN vẫn còn cay cú về chuyện chế độ Ngô Đình Diệm đã quét sạch gần như toàn bộ hệ thống nằm vùng và tình báo của họ. Do đó, các văn công Việt Cộng đã được lệnh viết rất nhiều bài mô tả chế độ Ngô Đình Diệm là ác ôn, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo… Nhóm tiếp tay cho họ dĩ nhiên được hoan nghênh và yểm trợ tích cực.
Cuốn “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của nhóm Đỗ Mậu và cuốn “Giáo Sĩ Thừa Sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam” của Cao Huy Thuần đã được nhà cầm quyền CSVN cho in lại và phổ biến rộng rãi trong nước, một số được đưa ra hải ngoại. Mới đây, các cơ quan truyền thông hải ngoại đã phát hiện: Bùi Hồng Quang, một trong những người chủ trương tạp chí Giao Điểm, đã được Cục An Ninh Xã Hội thuộc Tổng Cục An Ninh ở trong nước cho phép in tạp chí Giao Điểm ở trong nước và cấp Giấy phép mang số 1020/A41 (P4) ngày 20.12.2007 cho đưa ra nước ngoài với mục đích được ghi rõ là “tuyên truyền vận động đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta”.
Các báo chí và websites ở trong nước cũng đã và đang phổ biến nhiều bài của nhóm chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở trong nước cũng như hải ngoại, chẳng hạn như các bài sau đây: Bất Ngờ, Sinh Viên Huế 1963 -Hồi Ức của Nguyễn Đắc Xuân, Mùa Phật Đản Đẫm Máu 63 của Vũ Ngự Chiêu, Cuộc Cách Mạng 1-11-1963 của Hoành Linh Đỗ Mậu, Ngựa Non Háu Đá của Trần Đình Hoàng, Nhân Dân Miền Nam Hân Hoan Chào Mừng Cách Mạng 1/11/63 của Chuyển Luân, Kenedy là Người Đằng Sau Cái Chết Của Ngô Đình Diệm của Nguyễn Văn, Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963 của Lê Cung, v.v.
Nhìn chung, chúng ta thấy Đảng CSVN vẫn tiếp tục dùng nhóm ‘‘Tông Phái’’ Thích Trí Quang quá khích làm công cụ đánh phá như trước năm 1975.
Kính thưa tòan thể quý vị.
Nói đến đây, chúng tôi nhớ lại lời nhà triết học Aristote như sau: ''Nếu chúng ta không biết nguyên nhân gây nên, tức chúng ta không biết được sự thật''.
Vậy, nguyên nhân nào đã đưa đến cái chết tức tưởi cho anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, liên lụy đến cả miền Nam Việt-Nam mà nhiều người lầm tưởng rằng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm: Kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo; gia đình trị; độc tài. Hay chỉ vì Tổng Thổng Ngô Đình Diệm luôn luôn nắm quyền tự quyết quốc dân Việt-Nam trong tay và nâng cao chính nghĩa quốc gia trên hết. v.v. mà hệ lụy như ông Ngô Đình Nhu đã tiên đoán từ năm1962 rằng: ''Nếu chế độ này sụp đổ, Bắc Việt sẽ chiếm miền Nam, và khi Bắc Việt đã chiếm được miền Nam rồi, Trung Cộng sẽ chiếm trọn Việt-Nam, yếu tố còn lại chỉ thời gian''. Hoặc như ông Cabot Lodge đã thuật lại trong công điện gởi cho Bộ Ngoại Giao lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, ông ta kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông ta như sau: “Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân đội. Nếu tôi ra đi, Quân đội sẽ nắm chính quyền. CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”
Vậy “CIA và USIS này’’ là những ai? Phải chăng họ là “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa”(lời của Tổng Thống Lyndon Johnson) cùng với giới trí thức hoặc chính khách miền Nam . Trong số những người này có nhiều người thật xứng đáng với danh đại trí thức hay uyên thâm. Họ không những được nể trọng ngay ở trong nước mà còn cả ở các nước Âu Mỹ. Chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng nể trọng và gọi họ là ''Ngài''. Tiếc thay! Họ là bậc uyên thâm, đại trí thức, nhưng lại thiếu tri thức. Vì thiếu tri thức hay không có tri thức nên họ không còn biết dân tộc ta đã bị Tầu đô hộ cả ngàn năm, rồi lại bị thực dân Pháp cai trị gần 100 năm. Đất nước Việt-Nam thân yêu của chúng ta mới dành lại độc lập từ năm 1954. Thế mà CIA và USIS này cùng với trí thức, đại trí thức, uyên thâm lại làm tay sai cho ngoại bang lần nữa. Sự thiếu tri thức của họ được thể hiện một cách không tri thức vào những ngày đất nước nói chung và Đệ I Cộng Hòa nói riêng đang gặp đầy khó khăn. Thế rồi, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, họ nghĩ rằng, họ cũng đã đóng góp vào việc lật đổ chế độ Đệ I Cộng Hòa; vì thế họ tìm đến ve vãn Tướng Dương Văn Minh để xin được ghế.. (?) .. Nhưng buồn thay, sự ước mong đó của nhà đại trí thức, uyên thâm này không thành. Tiếp theo, vào những năm kế tiếp họ mang cái ''uyên thâm'' của họ làm lợi cho cái gọi là Mặt Trận Gìải Phóng Miền Nam . Rồi gần đến ngày mất nước 30-4-1975, họ lại thể hiện cái vốn đại trí thức nhưng không tri thức của họ tiếp tay với Tổng Thống của Thích Trí Quang dâng miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản.
(LTS Tài liệu về chiến tranh VN liên quan đến các ác thế lực quốc tế nhúng tay vào máu lửa chưa được giải mật. Trong Chương trình History Chanel của Hoa kỳ, có làm tường trình với các bình luận xuyên tạc về Miền Nam VNCH, và bỏ sót nhiều chi tiết quan trọng . Tập đoàn Việt gian CS âm mưu đến các thư viện Hoa kỳ dùng lý do trao đổi văn hóa, thâu lại những sách tiếng việt của Miền Nam VNCH . Thay thế vào đó những tài liệu giả, sai trái bóp méo sự thật hy vọng là chúng sẽ xóa đi tội ác của chúng. )
No comments:
Post a Comment