LTS- chúng tôi chưa kiểm chứng được sự trung thực của tài liệu này, xin xem đây là tài liệu tham khảo. theo như ông Liên Thành thì ông Phan Quang Đông chấp nhận 'tội" do bọn chúng vu oan để bảo vệ cho danh tánh những người còn hoạt động 'trong lòng địch'. Việc giết ông Phan quang Đông và ông Đại tá Lê hữu Tung đẻ bẽ gãy lực lượng gián điệp/phản gián VNCH. của Trân trọng
Vụ tử hình ông Phan Quang Đông sau 01/11/63
Nhân có sự trao đổi, phản bác về vụ tử hình ông Phan Quang Đông trong sách "Biến Động Miền Trung"(tác giả Liên Thành), tác giả Liên Thành cho rằng đây là vụ kết án oan đối với ông Phan Quang Đông còn một số khác thì cho rằng Phan Quang Đông … đã phạm tội ác dưới chế độ họ Ngô.Chúng tôi xin cung cấp độc giả gần xa thêm một số chi tiết về vụ xử tử hình
độc nhất vô nhị đối với một tay trung thần của nhà Ngô qua 2 bản tin của Báo Chính Luận về vấn đề này và Bản Khẩu Cung của Phan Quang Đông .
Ông là viên chức VNCH duy nhất bị kết án tử hình sau 01-11-1963.
Cuộc Cách Mạng ngày 1-11-1963 đã đưa đến cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu. Sau cái chết của hai anh em họ Ngô là một loạt báo thù các cộng tác viên thân tín của gia đình họ Ngô. Một trong những nạn nhân của cuộc thanh trừng này là ông Giuse Phan Quang Đông. Năm đó ông làm trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia -Huế. Theo ông Đỗ Mậu thì chính Phan Quang Đông là người đã cho tay chân bộ hạ hành hạ tra tấn các nạn nhân trong các vụ án "Gián Điệp Miền Trung", "Gián Điệp cho Pháp", và "Cộng Sản Nằm Vùng".
Sau khi bị giam và bị xét xử, lúc 2 giờ 30 phút chiều Thứ Bảy Tuần Thánh 28-3-1964, tòa tuyên án tử hình ông Giuse Phan Quang Đông, vì các tội gọi là “Mật Vụ Nhu- Diệm, đàn áp Phật Giáo, thủ tiêu, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo Quí Thầy , tín đồ Phật Giáo, cướp bóc và sát hại nhân dân”.
Khi biện lý đọc xong bản án, viên lục sự hỏi ông Đông:
- Tình trạng tâm hồn anh lúc này ra sao?
Ông Đông bình tĩnh trả lời:
- Tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi là người Công Giáo. Tôi chỉ sợ tòa án lương tâm tôi và tòa án Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà thôi. Nhưng hai tòa án này không kết tội tôi!
Một giờ sau khi lãnh nhận bản án tử hình, trở lại nhà giam trung ương của tỉnh Thừa Thiên, ông Đông lấy giấy viết lá thư vĩnh biệt hiền thê dấu ái tên Margarita Thúy Toan như sau : “Tòa án cách mạng vừa kết án tử cho anh. Anh cố gắng cầm nước mắt để viết cho em những hàng chữ cuối cùng này, vì ngày còn lại cuộc đời anh nơi dương thế có thể đếm được trên các đầu ngón tay.
Anh chỉ nghĩ đến duy nhất một mình em. Trong 5 tháng tù đày, hình ảnh em là suối nguồn mang niềm an ủi đến cho anh. Giờ đây đứng trước cái chết gần kề, anh giữ lại âu lo cho riêng mình và nguyện cầu cùng THIÊN CHÚA, Đức Mẹ MARIA ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm và được hàn huyên lần cuối. Em yêu dấu, quả thực, không gì mạnh hơn tình yêu. Tình yêu xóa tan nỗi lo sợ cái chết gần kề. Tình yêu chiến thắng tất cả. Mấy tháng nay, anh cầu nguyện thật nhiều cùng Chúa và Mẹ Ngài, cùng Thánh Cả GIUSE và thánh nữ Margarita. Xin Các Ngài phù hộ chúng ta”.
Trong phần tiếp của lá thư vĩnh biệt vợ hiền, ông Đông dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA đã cho mình biết trước giờ chết, điều mà ông vẫn cầu xin Chúa tránh cho mình khỏi cái chết bất ưng, chết mà không dịp dọn mình và ăn năn đền tội. Giờ đây ông có đủ giờ để chuẩn bị tâm hồn bước vào thế giới bên kia. Ông an lòng với cái chết của mình, nhưng điều làm cho ông đau đớn nhất, chính là việc ra đi gây đau khổ cho vợ. Vợ ông phải chịu bao nhục nhã vì miệng lưỡi người đời độc ác, kết tội ông, gán cho ông không biết bao nhiêu tội ác mà ông không phạm. Chỉ có người duy nhất hiểu ông và không kết tội ông, chính là vợ ông. Ông cũng nghĩ đến tương lai của hai đứa con yêu dấu. Không biết rồi đây, khi lớn lên chúng nghĩ gì về người cha của chúng, người cha quá say mê việc chính trị, đến nỗi phải rước họa vào thân và gieo tang tóc cho gia đình. Rút kinh nghiệm bản thân, ông Đông khuyên vợ: “Em hãy cố gắng giáo huấn hai con biết khôn ngoan dung hòa giữa lý tưởng và thực tế, biết đặt Đức Tin nơi trung tâm cuộc sống, còn lại các hoạt động xã hội và chính trị chỉ là phụ thuộc”.
Trở lại bản án tử hình, ông Đông viết cho vợ: “Anh nhận thấy Chúa và Mẹ Ngài yêu thương anh biết bao. Hôm Thứ Năm Tuần Thánh, ngày đầu tiên anh phải ra tòa, cũng là ngày trong tuần tám ngày kính Thánh Cả GIUSE, Bổn Mạng gia đình mình”. Và hôm qua, Thứ Sáu Tuần Thánh, lần thứ hai anh phải ra tòa, anh thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì ơn huệ bị gọi ra trước tòa án vào đúng ngày Chúa bị kết án”. Và hôm nay, Thứ Bảy Tuần Thánh, là ngày anh lãnh nhận bản án tử hình. Đâu có gì an ủi hơn phải không em? Đức Chúa GIÊSU ngã quỵ dưới sức nặng của Thánh Giá, và anh cũng ngã quỵ dưới sức nặng của Thánh Giá. Nguyện xin THIÊN CHÚA gìn giữ em thánh thiện và trong sạch bên cạnh hai con chúng ta”.
Lời cuối của lá thư vĩnh biệt là lời lẽ thống thiết của người chồng trẻ, ra đi để lại nỗi khổ cho vợ góa với hai đứa con thơ. Nhưng tờ thư đã không bao giờ kết thúc.
Ngày 6-5-1964, dưới áp lực của Quí Thầy và Hoa Kỳ (Henry Cabot Lodge, …), Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho thành lập Tòa Án Quân sự tại Huế đem Phan Quang Đông ra xử bắn. Với tội danh: Mật Vụ Nhu, Diệm, đàn áp Phật Giáo, thủ tiêu, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo Quí Thầy và tín đồ Phật Giáo. Ông đã bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Vận Động Bảo Long tại Huế.
Những người dân Huế nào quan tâm đến chính trị đều biết mối giao du thân mật giữa ông Ngô Đình Cẩn và ông Thích Trí Quang. Hầu như mỗi tuần họ đều đến thăm viếng, đàm đạo với nhau. Thế nhưng sau khi thành công lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Thích Trí Quang đã áp lực Tướng Nguyễn Khánh nhất định không được phép ký lệnh ân xá tử hình Ngô Đình Cẩn, mặc dầu nạn nhân đang bị bại liệt do chứng tiểu đường trầm trọng. Quí Thầy, Hoa Kỳ (Henry Cabot Lodge, …), và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng muốn tiêu diệt dư đảng Cần Lao và các tay chân trung thành của chế độ họ Ngô. Bà chị vợ của Phan Quang Đông đích thân đến lạy lục “Thầy” Trí Quang xin can thiệp cho Phan Quang Đông thoát khỏi án tử hình do Tòa Án Cách Mạng xử thì Trí Quang đã lạnh lùng khước từ : “Tôi là người tu hành, không dính líu đến chính trị!”.
Phan Quang Đông quê quán Nghệ An, có cha mẹ bị cộng sản đấu tố cho đến chết trong Cải Cách Ruộng Đất, nên nuôi mối thâm thù tận xương tủy đối với cộng sản. Để rửa mối thù cho cha mẹ, Phan Quang Đông tình nguyện hợp tác với ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn trong công tác gửi biệt kích xâm nhập Miền Bắc để tổ chức xây dựng hạ tầng cơ sở trong lòng địch. Phan Quang Đông không hề dính líu đến vấn đề an ninh, tình báo ở Miền Nam nên không thể quy cho anh là một phần tử ác ôn (?) đàn áp Phật giáo như sự cáo buộc của các nhà sư tranh đấu ở Huế. Thế nhưng Phan Quang Đông đã bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng xử tử hình tại sân vận động Huế do áp lực của “quý Thầy”. Tướng Đỗ Cao Trí là người biết rõ trách nhiệm công tác của Phan Quang Đông, không dính dáng gì đến an ninh nội địa Miền Trung, nhưng vì sợ “Các Thầy” nên không can thiệp, để mặc cho Phan Quang Đông bị xử tử (theo tác giả Liên Thành).
Theo Tin Chính Luận 7-5-64
[[Nguồn tin (gần như chính xác) của Việt Tấn Xã cho biết: Quốc Trưởng đã bác đơn xin ân xá
Theo đúng tinh thần đạo luật 28-2 đã được ban hành
Chủ Nhật này Cẩn sẽ bị chém đầu?
*Vụ đàn áp Phật tử trước đài phát thanh Huế lúc nào mới xử? Xử ở đâu?
SÀIGÒN 5-5 (VTX).- Nguồn tin có thẩm quyền cho biết sáng nay, Trung Tướng Dương Văn Minh, Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa đã bác đơn xin ân xá của các tử tội Phan Quang Ðông và Ngô Ðình Cẩn.
Phan Quang Ðông sinh năm 1928 tại Hà Tĩnh, do Tòa Án Cách Mạng ngày 28-3-1964 tại Huế xử phạt tử hình về tội mưu sát, bắt giam người trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế quốc gia.
Ngô Ðình Cẩn sinh năm 1911 tại Huế, do Tòa Án Cách Mạng ngày 22-4-1964 tại Sàigòn xử phạt tử hình về tội cố sát, mưu sát, bắt giam người trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế quốc gia.
Theo sự trù liệu của các sắc luật tổ chức Tòa Án Cách Mạng 4-64 ngày 28-2-1964, các tử tội sẽ bị hành xử chậm lắm là 5 ngày sau khi đơn ân xá bị bác.
Trên đây là nguyên văn bản tin của Việt Tấn Xã, cơ quan thông tấn và tiếng nói gần như chính thức của chính quyền. Theo đúng luật, thì 5 ngày sau khi quốc trưởng bác đơn, (nghĩa là tới ngày Chủ Nhật 10-5-1964) Phan Quang Ðông và Ngô Ðình Cẩn sẽ bị hành quyết.
Cho tới nay, chưa có một nguồn tin chính thức nào về ngày và nơi xử vụ đàn áp Phật tử trước đài phát thanh Huế]].
Theo Tin Chính Luận 8-5-64
[[Sắc lệnh bác đơn xin ân xá của Ðông và Cẩn
SÀIGÒN (VTX).- Sáng 5-5-64, Trung Tướng Dương Văn Minh, Quốc Trưởng VNCH đã ký một ngày hai sắc lệnh số 0006-QT/SL và số 0007-QT/SL bác đơn xin ân xá của Phan Quang Ðông (đề ngày 28-3-64) và của Ngô Ðình Cẩn (đề ngày 23-4-64), nguyên văn như sau:
Sắc lệnh số 0006-QT/SL
Ðiều Thứ Nhất.- Nay bác đơn xin ân xá của Phan Quang Ðông sinh năm 1928 tại Hà Tĩnh, do Tòa Án Cách Mạng ngày 28-3-64 tại Huế xử phạt tử hình về tội mưu sát, bắt giam trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế quốc gia.
Ðiều Thứ Hai.- Thủ tướng Chánh phủ thi hành sắc lệnh này.
Sắc lệnh số 0007-QT/SL
Ðiều Thứ Nhất.- Nay bác đơn xin ân xá của Ngô Ðình Cẩn sinh năm 1911 tại Huế, do Tòa Án Cách Mạng ngày 22-4-64 tại Sàigòn xử phạt tử hình về tội cố sát, mưu sát, bắt giam trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế quốc gia.
Ðiều Thứ Hai.- Thủ tướng Chánh phủ thi hành sắc lệnh này.
Trong số báo ra ngày hôm qua, căn cứ vào bản tin chính thức công bố trên bản tin của cơ quan Việt Tấn Xã, chúng tôi loan về việc Trung Tướng Quốc Trưởng đã bác đơn xin ân xá của hai tử tội Phan Quang Ðông và Ngô Ðình Cẩn.
Trước đây mấy hôm còn có tin đăng trên nhiều báo nói rằng Hội Ðồng Ân Xá (có báo lại nói là Hội Ðồng Thẩm Phán, Hội Ðồng Tư Pháp Tối Cao) đã bác đơn xin ân xá của hai tử tội nói trên. Tin này không hề được xác nhận mà cũng không hề bị đính chính.
Nay thì đã có tin chính thức đăng tải văn kiện chính thức về vấn đề bác đơn xin ân xá.
Trong vòng vài ba ngày nữa đây tử tội sẽ bị chặt đầu, nhưng vụ án xét xử chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm như thế là đã kết thúc phần quan trọng nhất. Tòa Án Cách Mạng khi lên án tử hình Ngô Ðình Cẩn, đã căn cứ vào luật công bình mà bắt Ngô Ðình Cẩn phải đền tội một cách xứng đáng. Sau đó Quốc Trưởng bác đơn xin ân xá của tử tội là cũng đã thể theo lòng dân; muốn thấy kẻ có tội thì phải đền tội xứng đáng, làm gương cho hậu thế soi chung]].
KHẨU CUNG PHAN QUANG ĐÔNG
Năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba, ngày ba mươi tháng 12 hồi chín giờ
Chúng tôi Trần Văn Cư, Chủ sự phòng Cảnh Sát, Nha Cảnh Sát Quốc Gia Miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần, Tư Pháp Cảnh Lại có ông Nguyễn-văn-Mão giúp việc thư ký có hỏi cung tên :
Phan Quang Đông
Hiện can: cán bộ Việt-Cộng lộn sòng trong hàng ngủ Quốc Gia.
Hỏi về lý lịch, “bị can” đã khai:
Vấn đáp: Tôi tên là Phan-quang-Đông, 37 tuổi quốc tịch Việt-Nam con của ông Phan Quang Cù ( chết ) và bà Đậu-thị-Ba, sanh chánh quán : Lê Định, Hương Sơn Tỉnh Hà-Tĩnh, hiện trú ngụ tại 9 đường Lê Lợi, Huế nghề nghiệp : Công chức Sỉ quan đồng hóa Sở Nghiên cứu Chính trị, học lực tương đương Tú tài, công giáo, đảng viên Cần Lao Nhân Vị* từ năm 1955, gia cảnh: vợ là Nguyễn thị Thúy Toan và 1 con, anh em: Phan quang Mai, Phan quang Khuê, Phan quang Quê hiện cùng với mẹ ở Bắc Việt, tiền án: không.
Hỏi về qúa trình họat động, bị can khai:
Vấn đáp: Từ 1939 đến 1944, tôi là học sinh trường Saint Baptiste de la Salle Nha Trang, Năm 1944-45, Tôi học trường Chính-Hóa, Vinh. Sau 9/3/45 tôi ở nhà. Thời Việt Minh, tôi gia nhập giải phóng quân đến năm 1946, giải ngủ vì lý do sức khỏe. Từ 9/1946 đến 1950, tôi tiếp tục học tại trường Hùynh Thúc Kháng, Hà Tĩnh (Vùng Việt Minh). Từ 1950 đến 1953, tôi dạy học tại trường Tư Thục Công giáo Thiên Khải đường Nghệ An, tháng 12/1953 tôi cùng các tên Phan Quang Điều, Phan Đình Phúc và Phan Quang Chính trốn qua Lào.
- Từ tháng tư 54 đến tháng 9/54 tôi về Sàigon, học trường sinh viên sỉ quan Thủ Đức rồi đào ngủ.
- tháng 2/55, tôi vào làm cho Sở nghiên cứu Chính trị của Bác sỉ Tuyến và đựơc ông nầy chọn đi học khóa Tình báo Phi Luật Tân, đến 6/55 mản khóa, trở về sở Nghiên cứu phụ trách việc dịch các bản tin Việt ra Pháp
- Từ 3/56 đến 10/56 tôi làm Trưởng Ban Phỏng vấn di cư vượt tuyến tại Quảng Trị và từ 10/56 đến 7/57, tổ chức tình báo tìm hiểu họat động VC từ Đông Hà vào Quảng Nam liên hệ với Nha Công An Trung Phần thu thập tin tức VC gởi về cho Sở Nghiên cứu Sàigon.
- Từ 7/57, tổ chức người vượt tuyến để lấy tin tức VC, tháng 10/57 Sở Nghiên cứu chỉ thị cho tôi thành lập Trung Tâm Tiếp Cư tại Huế họat động đến 9/63 thì Trung Tâm nầy gỉai tán.
- Tháng 5/61 được lệnh xây dựng Trung Tâm Kiểm Thính Huế họat động cho đến ngày tôi bị bắt
Hỏi khi ra đi bị can giao phó người mẹ cho ai và từ ngày vào Nam đã nhận tin tức gia đình như thế nào bị can khai:
Vấn đáp: Khi ra đi tôi có giao mẹ tôi cho lại mấy người em trông nom về tin tức gia đình tôi biết qua bưu thiếp của những người ở vùng VC vào cho hay
Hỏi về sự liên hệ giữa bị can với 3 tên xuất thú bị can khai:
Vấn đáp: Tôi với ba tên ấy đều có bà con với nhau : tôi gọi Phan Quang Điều bằng chú, Phan Bình Phúc bằng anh con ông Bác, Phan Văn Chính bằng chú (Phan Văn Hóa chú của Phan Văn Chính, tôi gọi bằng Ông) việc vào Nam vì trong vòng bà con nên có bàn định với nhau .
Hỏi về hành trình xuất thú và lý do chọn hành trình ấy bị can khai:
Vấn đáp: Khỏan 12/53 tôi cùng 3 tên nói trên vượt biên giới Lào Việt, gặp một đơn vị quân đội Liên Hiệp Pháp đưa chúng tôi về Savannakhet và Vientiane giao cho phòng II khai thác về tình hình Việt Cộng, sau chừng 1 tháng ông Phan Văn Hóa, thân sinh của Phan Văn Chính lúc ấy làm ở Comrep Lào, bảo lảnh chúng tôi về. Chúng tôi chọn hành trình nầy vì tin tưởng ở sự giúp đở của ông Phan Văn Hóa. Ông Hóa sau về làm Tỉnh trưởng Pleiku vào khỏang 1957, đã chết trong một tai nạn xe hơi.
Hỏi về việc đã vận động cho bị can và tên kia nhập hoc trường sinh viên Sĩ quan Thủ Đức và tại sao khi về Sàigon lại phân tán, cũng không cùng học một khóa Thủ Đức bị can khai:
Vấn đáp : Thời gian tôi ở Lào, nhờ có ông Phan Văn Hóa làm ở Comrep vận động cho chúng tôi về học Sĩ quan Thủ Đức Sàigon. Chúng tôi làm đơn nhờ ông Hóa xin cho chúng tôi về Sàigon trừ Phan Văn Chính thì về sau. Tất cả chúng tôi đồng xin học một khóa, nhưng khi về Sàigon Phan Quang Điều và Phan Bình Phúc bị đau không học được sau lên Đà Lạt học . Phan Quang Điều hiện là Trung Úy An Ninh Quân Đội, Phan Bình Phúc Trung úy Công Binh còn Phan Văn Chính khỏan 1957 mới đi Mỹ học Không quân hiện là Thiếu Úy .
Hỏi khi dự định đào ngủ đã bắt liên lạc với bác sĩ Tuyến chưa và đào ngủ với dụng ý gì bị can khai:
Vấn đáp: Sau khi hiệp định Genève ký kết tình trạng trong quân đội hơi phức tạp và lại như đa số người công giáo di cư, tôi muốn tham gia những họat động ủng hộ ông Ngô Đình Diệm nên tôi đào ngủ. Với Bác sĩ Tuyến, tôi chỉ biết qua giới thiệu của ông Đỗ La Lam. Ông Đỗ La Lam khi ở vùng VC, chủ bút tờ Tiến Hành, cơ quan ngôn luận của Liên đòan Công giáo Nghệ Tĩnh Bình vào năm khỏan 1951 làm ở tờ báo Xã Hội của ông Nhu .
Khi ở Lào nhờ tờ báo nầy tôi mới biết ông Lam và khi về Sàigon tôi có trực tiếp đến gặp ông ấy
Hỏi về trường hợp hợp tác với Bác sĩ Tuyến bị can đã khai:
Vấn đáp: Từ 7/55 đến 3/56 tôi làm việc tại Sở Nghiên Cứu Sàigon phụ trách dịch những bản tin bằng Việt ngữ ra Pháp. Từ3/56 đến 7/56 tôi được chỉ định làm ban thẩm vấn di cư tại Quảng Trị trụ sở đặc tại Ty CA . Thành phần ban nầy gồm 2 nhân viên của Nha Tổng Giám Đốc CS và CA và hai nhân viên của Sở Nghiên Cứu. Nhiệm vụ ban nầy là thẩm vấn những người di cư vượt tuyến.
Từ 7/56 đến 10/56, tôi về Sàigon tường trình công việc và làm việc tại đây. Từ 10/56 đến 1/57 tôi nhận chỉ thị của Bác sĩ Tuyến ra nghiên cứu tổ chức Tình báo tìm hiểu họat động của VC từ Đông Hà vào Quảng Nam đến tháng 1/57 Bác sĩ Tuyến ra lệnh đình chỉ công việc ấy lại.
Từ 3/57 đến 5/67 tôi được chỉ thị liên lạc với Nha Công An Trung phần để lấy tin gởi về Sở Nghiên Cứu Chính Trị Sàigon.
Từ 7/57 tôi được chỉ thị tổ chức người vượt tuyến để lấy tin tức Việt Cộng tại vùng giới tuyến, hàng tháng tổ chức được phụ cấp 40.000 $,công việc nầy đến tháng 3/61 thì chấm dứt. Tháng 10/59 tôi được chỉ định thành lập Trung tâm tiếp cư để tiếp đón và thẩm vấn sơ khởi những người vượt tuyến. Đến tháng 9/63 thì Trung tâm nầy giải tán vì người vượt tuyến thưa dần, mỗi tháng Trung tâm tiếp cư được phụ cấp 60.000 $ .
Khỏan tháng 5/61 Sở Nghiên cứu chỉ thị cho tôi xây dựng Trung Tâm Kiểm Thính, có nhiệm vụ theo dõi các di chuyển và họat đông quân sự VC tại Lào và miền Nam, xây cất Trung tâm nầy phí tổn trên 3 triệu đồng do ông Tôn Thất Hường đứng tên và ông Trần Tuyên Cáo, thực hiện kinh phí do Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết đài thọ .
Hỏi về trường hợp hợp tác với Ngô Đình Cẩn, bị can khai:
Vấn đáp: Linh mục Cao Văn Luận biết rỏ gia tộc tôi từ khi tôi vào ở Hà Tĩnh. Thời gian tôi vào Sàigon có gặp cả ông Phan Văn Hóa nên biết rỏ chúng tôi. Khỏang tháng 3/57, sau khi được chỉ thị liên lạc với Nha Công An Trung Phần như đã khai trên tôi nhờ sự tiến dẫn của linh mục Cao Văn Luận nên được các ông Ngô Đình Cẩn để có phần dể dàng làm việc và tiến thân trong tươnglai
Hỏi về việc nhận lệnh của Ngô Đình Cẩn để khai thác vụ gọi là gián điệp Pháp bị can đã làm như thế nào, bị can khai.
Vấn đáp: Khỏan 8/57 Ô. Hồ Đắc Trọng tìm gặp tôi bảo lên Ô. Cẩn để ông ấy giao tôi một vụ gọi là gián điệp Pháp và ông Vũ Đình Ban đang phụ trách. Ông Cẩn không giao cho tôi một hồ sơ tài liệu nào mà chỉ nói rằng ngòai nầy đã bắt ông Tống Văn Đen khai thác chưa có kết qủa, tôi phải làm gấp cho có hồ sơ gởi vào Sàigon. Tôi lại được nghe các ông Lê Khắc Duyệt, Trần Văn Hương và Hồ Đắc Trọng cho biết thêm là ông Nguyễn Đắc Phương, làm kinh tài cho gián điệp Pháp nhảy lầu tự tử. Ông ấy liên lạc với Pháp ở Lào và Pháp Nhà Đèn Huế. Vụ ông Nguyễn Đắc Phương bị bắt và bị thẩm vấn do ông Vũ Đình Ban và Dương Văn Hiếu phụ trách .
Sau khi lảnh chỉ thị Ô. Cẩn tôi sang lầu Hòa Bình gặp Ô. Tống Văn Đen, ông ấy bị câu lưu và khai thác từ 9-10 ngày rồi nhưng chưa khai báo gì, thuyết phục không được, tôi nghỉ tới việc bố trí một cuộc thủ tiêu giả tạo để áp đảo tinh thần Ô. Tống Văn Đen, vì qúa sợ, Ô. Tống Văn Đen, khai có nhận làm gián điệp cho Pháp có nhận thư của hai tên Pháp ở Nhà Đèn Huế, giao lại cho hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến. Tôi cho ông Đen làm tờ khai xong, vào gặp Ô. Cẩn để trình bày về kết qủa khai thác . Ông Cẩn lộ vẻ vui mừng, chỉ thị bắt hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến vào, bảo tôi “hai người đó làm kinh tài, khai thác cho đươc”.
Do đó Ty Cảnh Sát Huế phụ trách việc bắt và khám nhà hai ông Thí và Yến, nhưng không bắt gặp được một tài liệu gì về họat động gián điệp của họ cả.
Bằng vào lời khai của ông Đen, tôi hỏi ông Thí có nhận thơ hai người Pháp ở Nhà Đèn do ông Đen đưa lại không, ông Thí phủ nhận. Tôi dùng biện pháp mạnh như tra điện, cho uống nước dơ do Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế đảm nhận liên tiếp trong 1 tuần, cuối cùng Ô. Thí nhìn nhận có nhận thơ của hai người Pháp ở Nhà Đèn Huế, và làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp, và còn khai thác mấy ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm ở Đà Nẵng. Có lẻ vì bị đau quá nên ông ấy khai tên những người quen biết. Tôi cho làm bản khai xong trình lên cho ông Cẩn .
Riêng ông Yến cũng bị bắt một lần với ông Thí do Nha An Ninh Quân Đội nhận hàng đầu khỏang 1,2 tháng gì đó, kết qủa khai thác như thế nào không rỏ, thì ông Yến đưa sang cho tôi làm tại lầu Hòa Bình. Tôi căn cứ vào lời khai ông Thí để thẩm vấn, ông Yến không chịu nhìn nhận gì hết, tôi phải dùng đến những biện pháp mạnh, như ngó đèn 500Watt, tra điện trong mấy ngày, ông Yến mới chịu nhận có làm gián điệp cho Pháp. Tôi giao cho Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế hướng dẫn cho Ô. Yến làm bản khai, căn cứ theo lời khai của ông Thí, cũng như ông Thí trong thời gian lấy lời khai ông Yến cũng phải chịu những cực hình.
Ngay sau khi ông Thí khai ba người là các ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm, đối với ông Chương và ông Nhiệm tôi đặt gỉa thuyết làm kinh tài, còn riêng ông Võ Văn Quế là một cựu nhân viên Công An Pháp chuyên môn về tình báo tôi nghỉ rằng trong tổ chức kinh tài có cả tình báo nữa; nên tôi bảo nhân viên, không những khai thác về kinh tài mà còn chú trọng khai thác về tình báo nữa. Bằng vào lời khai của các nạn nhân trên kết hợp với sự suy nghỉ của tôi, tôi hệ thống hóa thành tổ chức kinh tài và gián điệp Pháp, xin chỉ thị của ông Cẩn để lần lượt bắt một số người gồm đủ các giới, quân nhân, công chức thương gia. Những người nầy bị bắt, vì tra đánh qúa sức không chịu đựng được, nên mới khai những người mình quen biết, do đó con số người dính líu vào vụ gọi là gián điệp Pháp, càng ngày càng tăng bao trùm hết các tỉnh ở Trung phần và Sàigon. Đi đôi với tổ chức gọi là gián điệp Pháp nầy là một cơ sở kinh tài mà sau đó tôi buộc các nạn nhân phải nạp tiền; tổng số tiền tôi thu được lên đến bốn triệu năm trăm ba mươi bảy ngàn. Những người bị bắt trong cái tổ chức gọi là kinh tài và gián điệp Pháp lên đến trên 50 người.
Tôi công nhận vụ gián điệp Pháp mà tôi lập hồ sơ là một vụ gỉa tạo nhằm mục đích tống tiền và triệt hạ một số Sĩ quan, công chức bất phân tôn gíao.
Nói về những hậu qủa khốc hại của vụ gián điệp Pháp gỉa tạo, bị can khai.
Vấn đáp: Vụ gián điệp Pháp giả tạo nầy đã làm cho ba người phải thiệt mạng là các ông Nguyễn Đắc Phương, Võ Côn, Trần Bá Nam một số người vô tội bị đánh đập tra tấn đến thành thương tật hoặc bức họ đến nổi phải tự vận (nhưng may cứu sống kịp) một số nạn nhân phải chịu tù đày, vong gia bại sản, đời sống ê chề điêu đứng một số lớn công chức vô cớ bị hàm oan
Hỏi về hồ sơ tiền kinh tài bị can có lạm dụng một sốn lớn đã xử dụng vào việc riêng thế nào bị can khai:
Vấn đáp: Số tiền kinh tài tôi không có lạm dụng, tôi đã chỉ dùng vào các việc như : trả tiền mua sắm vật liệu và dụng cụ văn phòng, trả tiền ăn cho các nạn nhân bị giữ tại trung tâm trừ các công chức, sửa xe cộ, phụ cấp cho nhân viên đi công tác v.v…Tất cả các việc chi tiêu trên đây đều có giấy tờ chứng minh, nhưng bây giờ tôi đã thiêu hủy sau ngày 1/11/63 cùng một lần với hồ sơ vụ gián điệp Pháp, vụ 11/11/60, 27/2/62 và các vụ VC.
Trên mục đích tiến thân, bị can đã thụ hưởng gì với quá trình phục vụ bên Ngô Đình Cẩn, bị can đã khai:
Vấn đáp: Tôi không được hưởng thụ một ân huệ gì trong suốt thời gian phục vụ với Ngô Đình Cẩn, ngay cả gia đình tôi cũng vậy, sở dĩ sau nầy tôi với ông Cẩn vì nghỉ đến thủy chung dù sao tôi cũng là người đã làm việc với ông ta, hơn nữa cũng nhận có sự mâu thuẩn giữa Ô. Cẩn và bác sĩ Tuyến ở Sàigon
Hỏi về việc làm vừa qua trong vụ gọi là gián điệp Pháp bị can thấy thế nào, bị can khai:
Vấn đáp: Tôi công nhận trong thời gian qua, trong vụ án gián điệp Pháp gỉa tạo tôi đã gây ra bao nhiêu là tội ác như :
- Vu khống, hảm hại một số người vô tội, bức họ đến tự vận chết
- Dùng cực hình tra tấn nạn nhân các nạn nhân đến thành thương tật
- Tống tiền các nạn nhân làm cho họ phải vong gia bại sản
- Triệt hạ một số quân nhân, công chức bất phân tôn giáo
- Gây đau thương tang tóc cho biết bao nhiêu gia đình
Hỏi bị can còn muốn khai thêm gì nữa không
Vấn đáp: Thưa tôi không khai thêm gì nữa
Khẩu cung nầy đã được lập xong hồi mười sáu giờ ngày tháng như trên gồm có chín trang đã được trao cho Phan Quang Đông đọc lại nhận đúng y cung, và bằng long ký tên dưới đây với chúng tôi
BẢN SAO
VIỆT NAM CỘNG HÒA
-------
NHA CẢNH SÁT QUỐC GIA VN
Huế, Ngày 8 tháng 5 năm 1964
TRUNG NGUYÊN TRUNG PHẦN
------------ --------- --
Số : 95/CSQG/ĐS/ GIÁM ĐỐC NHA CẢNH SÁT QUỐC GIA
MIỀN BẮC TRUNG NGUYÊN TRUNG PHẦN
------------ --------
Kính gởi Ông: TỔNG GIÁM ĐỐC CẢNH SÁT QUỐC GIA (KHỐI CẢNH SÁT) SÀIGON
TRÍCH YẾU : Vụ án gỉa tạo gián điệp Pháp do Phan Quang Đông tay sai đắc lực Ngô Đình Cẩn đã hòanh hành từ 1957 đến 1963
THAM CHIẾU : Qúy chuyển văn số 083 / TCSQG / TA ngày 29.1.64 và mật văn số 11182/TCSQG/ CSTP/5 ngày 14-4-64
------------ --------- ---
Thừa thiệp các mật văn dẩn thượng, nha tôi xin kính phúc trình Qúy Tổng Nha rỏ kết qủa điều tra về vụ gỉa tạo gián điệp Pháp do Phan Quang Đông trùm mật vụ của Ngô Đình Cẩn đã hòanh hành từ 1957 đến 1963.
Vụ án gỉa tạo nầy phát sinh vào khỏang đầu năm 1957, bởi sự tranh chấp quyền lợi giữa bà Cả Lễ (chị Ngô Đình Cẩn tên là Ngô Đình Thị Hòang) và ông Nguyễn Đắc Phương, thầu khóan ở Huế trong việc đấu thầu sửa chữa Điện Thái Hòa (Thành nội) Huế .
Sở dĩ ông Nguyễn Đắc Phương trúng thầu hồi đó là do sự chủ quan của ông Ngô Đình Cẩn tưởng không ai còn dám tranh thầu với bà Cả Lễ, nên không ra lệnh bố trí để bà nầy được trúng thầu.
Vì vậy khi được tin bà Cả mất mối lợi quan trong, Ngô Đình Cẩn liền dùng uy quyền bao quát của y hồi đó ra lệnh bắt giữ ông Nguyễn Đắc Phương về tội đã liên lạc buôn thuốc phiện lậu làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp. Sở dĩ Cẩn viện lý do để buộc tội ông Phương vì ông nầy đã mua gỗ của một Pháp kiều ở Đông Hà (Quảng Trị) để dùng trong công tác vừa thầu được.
Để pháp lý hóa việc bắt giữ nầy, ngày 12-5-57 Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Trần Văn Hương, một trong những tay chân thân tín của y, lúc bấy giờ giữ chức Cảnh sát trưởng thành phố Huế, trình Biện lý cuộc xin án lệnh sóat nhà ông Phương và bắt giam ông nầy luôn.
Mặt khác Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Vũ Đình Ban lúc đó làm tại Nha Học Chánh Trung Việt và giao cho tên nầy phụ trách thẩm vấn Nguyễn Đắc Phương. Sở dĩ có sự chỉ định nầy là vì Ngô Đình Cẩn căn cứ vào thành tích lắm thủ đọan của Vũ đình Ban lúc đó còn làm Trưởng ty Công an VC tại Bình Thuận. Chính tên nầy đã được VC giao công tác gỉa tạo một vụ án gián điệp Pháp tại nhà thờ “Kim Chua” với mục đích triệt hạ và sát hại giới trí thức có tư trưởng Quốc gia chống đối ngụy quyền VC hồi ấy.
Riêng Trần Văn Hương phụ trách sắp đặt nhân viên tìm địa điểm làm việc và chu cấp phương tiện cho Vũ Đình Ban trong việc thẩm vấn
Ban đầu ông Nguyễn Đắc Phương bị giữ tại phòng Công an Lưu động của Lê Hóac, sau chuyển qua giữ tại lầu Canh Nông (Thành nội) Huế
Dưới quyền Vũ Đình Ban Một số nhân viên Cảnh sát và Công an sau đây được Trần Văn Hương biệt phái ;
- Lê Văn Dư, nhân viên công an lưu động của Lê Hóac
- Phan Văn Huệ
- Nguyễn Văn Châu, nhân viên Nha Công An Trung Việt
- Nguyễn Văn Lộc (tức Lộc Xồi), nhân viên Ty Cảnh Sát Huế
- Nguyễn Văn Long, nhân viên Ty Cảnh Sát Huế phụ trách An Ninh
- Hùynh Niêm -
- Võ Đại Nong -
- Trần Văn Quang -
Vì không chịu đựng nỗi sự tra tấn quá dã man của Vũ Đình Ban và nội bọn sau 4,5 hôm ông Nguyễn Đắc Phương phải nhận liều có buôn thuốc phiện lậu, liên lạc với 1 Pháp kiều tại Đông Hà, Đồng thời cũng khai luôn làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp, do sự hướng dẫn gian ngoan của bọn nầy ông Phương đã làm khai xuất một hệ thống gián điệp Pháp tưởng tượng có liên lạc từ Seno ( Lào ) về Huế, đến tận Sàigon và qua cả Tân Gia Ba, trong đó có liên hệ đến vài người Việt Nam, trong số có ông Tống Văn Đen thầu khóan, Nguyễn Cao Khanh và Hòang Yến nhân viên Sở Thủy Điện Huế
Nhưng vào ngày 16-5-57 trong khi đứng khai chưa hết phần tổng quát thì ông Nguyền Đắc Phương chết. Cái chết nầy có phần mờ ám; bè lũ mật vụ hồi đó phao tin rằng ông Phương đã nhảy từ lầu Canh Nông xuống sân để tự sát. Nhưng dự luận cho rằng ông Phương đã bị tra tấn đến chết, và đã bị bọn tay sai của ông Ngô Đình Cẩn đem quăng xác từ lầu xuống để phi tang tránh trách nhiệm.
Để trấn áp mọi dư luận và cũng để chứng tỏ vụ gián điệp có thật, Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Vũ Đình Ban tiếp tục khai thác vụ nầy bằng cách bắt giữ thầu khóan Tống Văn Đèn (ngày 29-6-57) mà theo lời khai của Nguyễn Đắc Phương đã tham gia tổ chức gian điệp Pháp tại miền Trung.
Bị câu lưu tại lầu Hòa Bình (Thành nội), ông Tống Văn Đen tuy chịu mọi cực hình, khủng bố, dọa nạt, vẫn khăng khăng không chịu nhận tội làm gián điệp mà bọn Vũ Đình Ban,Dương Văn Hiếu, Trần Văn Hương, Phan Khanh và Lê Văn Dư thay phiên nhau tra tấn và gán cho.
Cái chết của Nguyễn Đắc Phương đã gây dự luận không hay đối với Vũ Đình Ban. Nên Ngô Đình Cẩn ra lệnh Vũ đình Ban giao lại nội vụ gián điệp cho Phan Quang Đông, nhân viên Nha Nghiên Cứu Chính Trị ở Sàigon biệt phái ra Huế. Tên nầy đã trực tiếp gặp Ngô Đình Cẩn nhận chỉ thị thẩm vấn Tống Văn Đen, làm sao cho có đủ tài liệu để gởi vào Sàigon bổ túc hồ sơ của tên Armagnao lúc bấy giờ bị câu lưu tại Nha Công An Nam Việt .
Tuy biết vụ nầy gỉa tạo, nhưng Phan Văn Đông vì muốn lập công với Ngô Đình Cẩn, nên đã bố trí với sự phụ giúp của Dương Văn Hiếu, Lê Văn Dư, Phan Khanh, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Trí và Bùi Kế, một cuộc thủ tiêu gỉa tạo để áp đảo tinh thần của ông Tống Văn Đen, làm ông nầy vì qúa khiếp sợ và cũng không chịu nỗi sự tra tấn, tàn bạo, đã khai bừa có làm liên lạc cho tổ chức gián điệp Pháp. Ngòai ra do sự hướng dẫn của bọn nầy, ông Đen có khai có nhận thư từ của các Pháp kiều sở Thủy Điện Huế để giao cho hai ông Phan Văn Thí (Chủ hiệu Đức Sinh) và Nguyễn Văn Yến (Chủ hiệu hảng Morin)
Ngày 13-4-57 Phan Quang Đông trình Ngô Đình Cẩn kết qủa khai thác Tống Văn Đen đồng thời được Cẩn ra lệnh bắt câu lưu hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến để xét hỏi và việc hai ông nầy đã làm kinh tài cho Pháp và Cẩn buộc Đông phải làm cho được.
Cũng như các nạn nhân trước, ông Phan Văn Thí lúc đầu không nhận, nhưng sau một thời gian bị các cực hình khổ nhục (tra điện, đổ nước vào mũi, ăn xà phòng, nhìn ánh đèn 500W .v.v..) không thể chịu đựng nỗi, đành phải nhận làm cho tổ chức gián điệp Pháp với chức vụ Trưởng ban kinh tài Trung Phần, kiêm miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần, do ông Nguyễn Văn Yến làm phó trưởng ban kiêm miền Nam Trung Phần. Do đó, về hệ thống kinh tài miền Bắc ông Thí đã khai do sự hướng dẫn của Phan Quang Đông và nội bọn, như sau :
- Quảng Trị:
- Ngô Đa Mỹ, thương gia
- Ngô Khôn Hà
- Huế:
- Châu Đình Chương , thương gia
- Võ Văn Quế cựu công chức công an
- Đà Nẵng:
- Nguyễn Văn Nhiệm thương gia
- Bành Hiệp Nguyên -
Riêng ông Nguyễn Văn Yến cũng như Phan Văn Thí vì bị tra tấn quá tàn nhẫn nên cũng đã nhận liều chức vụ đã bị gán ép đồng thời cũng khai một số cơ sở kinh tài gỉa tạo ở các Tỉnh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần , như sau :
- Quảng Ngãi:
- Bùi Công Thuận, thầu khóan
- Du Hau ( không bắt )
- Qui Nhơn:
- Trần Văn Thăng, thương gia
- Phan Kiêm ( không bắt )
- Nha Trang:
- Quách Chuyên , thợ vàng
- Phan Thiết:
- Phạm Bờ ( không bắt )
Do đó các thương gia và thầu khóan trên đều lần lượt bị Phan Quang Đông và bè lũ bắt giữ từ 1957 đến 1960 và không một người nào chịu nỗi sự tra tấn đến phải thú nhận đã nhận tiền của hai ông Thí và Yến để họat động kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp .
Vào khoản đầu năm 1958, Phan Quang Đông đã nhận chỉ thị của Ngô Đình Cẩn phải thu hồi số tiền kinh tài ấy để nộp cho “ đòan thể ” và chi phí cho ban thẩm vấn .
Sau khi giải thích cho các nạn nhân trên là số vốn của Pháp phải nộp lại cho Chính phủ và buộc họ phải làm một tờ tình nguyện xin nạp tiền mà chúng gọi là chính sách “ cởi áo thực dân ”. Kết quả Phan Quang Đông đã thu được các số tiền sau đây :
Đợt I:
Ô. Châu Đình Chương nạp 250.000$00
Trần Tuyên Cáo - 220.000$00
Phan Văn Thí - 1.500.000$00
Nguyễn Văn Nhiệm - 200.000$00
Trần Văn Thăng - 150.000$00
Võ Văn Quế - 100.000$.00
Ngô Đa Mỹ - 500.000$00
Bùi Công Thuận - 200.000$00
Đợt II
Ô. Ngô Đình Lan - 300.000$00
Võ Văn Quế - 150.000$00
Phan Hòang - 300.000$00
Bùi Công Thuận - 197.000$00
Nguyễn Văn Liên - 200.000$00
Nguyễn Văn Nhiệm - 100.000$00
Tống Văn Đen - 60.000$00
Bành Hiệp Nguyên - 40.000$00
Lê Văn Châu - 100.000$00
____________ ___
Cọng 4.597.000$00
Tổng số thu được bốn triệu năm trăm chín mươi bảy ngàn đồng ( 4.597.000$00 ) để nạp cho Ngô Đình Cẩn 2 triệu, còn lại 2.597.000$00 đương sự chi hỉ cho ban thẩm vấn của y .
xx x
Ngòai ra Phan Quang Đông có đưa lời phát giáo của hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến trong đó có khai ông Võ Văn Quế nguyên nhân viên Công an liên bang Pháp ở Huế, đã đặt gỉa thuyết rằng trong tổ chức kinh tài gián điệp còn có tổ chức tình báo nữa, nên Đông đã ra lệnh cho nhân viên thuộc hạ của y khai thác cho được cơ sở tình báo .
Do đó sau khi liên tiếp bị tra tấn hành hạ đủ mọi cách các ông Phan Văn Thí, Nguyễn Văn Yến và Châu Đình Chương lần lượt khai xuất riêng ông Võ Văn Quế ban đầu cương quyết từ chối không chịu khai nhưng sau một thời gian bị các biện pháp cứng rắn đến năm 1960 mới chịu để cho chúng hướng dẫn cung khai. (sau đó ông Võ Văn Quế cắt gân máu ở tay tự tử được chở đi bệnh viện cứu sống)
Phan Quang Đông đã bằng vào các lời khai trên, hệ thống hóa thành 1 tổ chức gián điệp Pháp, hoạt động từ Đông Hà vào đến Phan Thiết, y liền trình Ngô Đình Cẩn và lần lượt câu lưu tất cả những nạn nhân vào khỏang 50 người gồm có các thành phần quân nhân, công chức, thương gia và thường dân.
- Quảng Trị:
Ô. Nguyễn Cao Hưởng, công chức hành chánh Tỉnh
Nguyễn Văn Chiêu, giáo viên tiểu học
Lê Viết Sư, thường dân
Nguyễn Dung, nhân viên Công an
- Thừa Thiên
Ô. Trần Bá Nam, thương gia
Võ Văn Quế, cựu nhân viên Công an
Phan Văn Nghĩa, cựu thông ngôn quân đội Pháp
Trần Ngọc Liên, nhân viên Công an
Phạm Văn Khôi -
Nguyễn Văn Long -
Nguyễn Văn Tùng -
Đào Văn Minh, thường dân
Nguyễn Cửu Hựu, chủ tịch hội đồng
Hương Chính phường Phú Hòa Huế
Nguyễn Văn Tích, thợ may
Phan Hòang, thường dân
Ưng Dụng -
- Đà Nẵng:
Ô. Nguyễn Trường Sinh, thương gia
Nguyễn Trường Nguyên, thương gia
Tôn Thất Đôn, nhân viên Công an
- Quảng Nam:
Ô. Lê Hữu Chất, nhân viên tòa hành chánh Tỉnh
- Quảng Ngãi :
Ô. Nguyễn Xuân Giáo, nhân viên Công an
- Bình Định :
Ô. Võ Côn, chánh văn phòng Tòa hành chánh Tỉnh
Lê Quang Sóc, nhân viên Công an
Lê Lưu Di
Nguyễn Thượng Đông, quận trưởng hành chánh
Trần Tuyên Cáo, thầu khóan
Đặng Hữu Tiến, thương gia
- Tuy Hòa :
Ô. Đòan Đình Thuyết, nhân viên Công an
- Nha Trang :
Ô. Đoàn Văn Chân, nhân viên Công an
Võ Triều -
Nguyễn Mừng, thương gia
Trần Đình Lang, thương gia
- Phan Thiết :
Ô. Lê Miên, nhân viên Công an
Một số sĩ quan quân đội VNCH do cơ quan An ninh quân đội bắt trong thời gian ấy cũng được giao cho Phan Quang Đông giam giữ và thẩm vấn :
Ô. Trần Đình Hùng, Đại úy
Đỗ Duy Kỳ, Trung úy
Vĩnh Nhơn, -
Nguyễn Hòa -
Trần Minh Vọng, Trung sĩ
Ngòai ra Phan Quang Đông còn bắt giữ một số người có Pháp tịch ở Sàigon, tra vấn ép buộc có tham gia họat đông cho gián điệp Pháp tại Sàigon, như ;
- Bùi Đắc Lữ, cựu Đại úy Pháp
- Hồ Trọng Khôi, cựu nhân viên Công an Huế
- Nguyễn Thêm -
- Nguyễn Trọng -
Số nầy đã bi Phan Quang Đông truy tố trước tòa án quân sự vào khỏang đầu năm 1959 và bị kết án từ 2 đến 5 năm, nhưng sau đó đều được “ khoan hồng ” và trục xuất ra khỏi Việt Nam .
Một số khác lại bị bắt đưa về Huế giam giữ như các ông :
- Trương Hồ Báu, cựu Đại úy quân đội Pháp
- Nguyễn Nhân, thường dân
- Nguyễn Hữu Đức, thường dân
- Đỗ Tràng Độ, công chức (hiện ở Mỹ)
và cũng bị tra khảo đánh đập đến nỗi ông Trương Hồ Báu không chịu đựng được, phải nhận liều là giữ chức trưởng ban gián điệp Thành phố Sàigon- Chợ Lớn và do sự hướng dẫn của bè lũ Phan Quang Đông, khai xuất một hệ thống gián điệp Pháp giả tạo tại Sàigon-Chợ Lớn.
Tất cả các nạn nhân trên, Phan Quang Đông hoặc đã nhờ cơ quan chính quyền bắt, hoặc tổ chức cho nhân viên bắt cóc giữa ban ngày, đưa về tận địa điểm giam cầm bí mật (ban đầu ở nhà vôi Long thọ, sau đến Mang Cá nhỏ) dung cực hình tra tấn tàn bạo, khủng bố tinh thần, để sau cùng hướng dẫn họ khai trình một bản thú nhận tội lỗi đã họat động cho tổ chức gián điệp Pháp và một bản khai đầy đủ chi tiết trong tổ chức gián điệp trên mà chúng đã sắp đặt sẵn .
Vì sự tra tấn quá dã man độc ác, mà sức người không thể chịu đựng nỗi, nên hầu hết các nạn nhân dù can đảm đến đâu cũng đành bất lực và phải nhận tất cả các tội lỗi mà bè lũ Phan Quang Đông đã gán cho.
Hậu qủa của sự tra tấn ấy, đã làm một số nạn nhân như ông Trần Bá Nam (bị bắt vào khỏang tháng 5/1958) và Võ Côn (ngày 4/9/1958) đã phải chết trong các trại giam (ông Trần Bá Nam ở nhà vôi Long thọ, ông Võ Côn ở Mang Cá nhỏ).
Một số khác khi được trở về, phải mang các chứng bệnh như gan, lá lách, phổi v.v…..
Trước khi được trả tự do, tất cả các nạn nhân đều phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật không đựợc tiết lộ việc cung khai và giam giữ, nếu không sẽ bị thủ tiêu, nhưng một số thương gia và quân nhân đã tìm mọi cách để chứng minh sự oan ức của họ bằng cách gởi đơn khiếu nại vào “Tổng Thống phủ” và các cấp chỉ huy quân sự.
Sự kiện trên đã gây dư luận sôi nỗi và vì có thể có ảnh hưởng tai hại đến địa vị và uy tín cá nhân của y đối với Ngô đình Cẩn, nên Phan Quang Đông đã xin Cẩn đình chỉ vụ bắt giữ thêm số người có tên trong danh sách gián điệp gỉa tạo của y, mà theo chương trình sẽ lần lượt bị bắt giữ.
Vì vậy ông Võ Văn Quế (hiện ở California) là nạn nhân cuối cùng rời khỏi trại giam Mang Cá nhỏ vào khỏang đầu năm 1963.
Hầu hết số thương gia và một số thường dân sau các phiên tòa xử Phan Quang Đông tại Huế (ngày 26,27,28/3/ 64) và Ngô Đình Cẩn tại Sàigon từ ngày 16 đến 22 / 4 /64 đã đựợc Tòa án Cách mạng truyền hai tên nầy bồi thường tất cả các sự thiệt hại trong thời gian bị giam giữ.
Riêng một số công chức thuộc các tòa Hành chánh và Nha Cảnh sát Quốc gia Miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần phóng thích vào khoảng 1961 đã được tiếp tục phục vụ tại nhiệm sở củ một thời gian sau ngày được trả tự do .
Một số khác, phóng thích khoảng 1962, mãi sau ngày Cách mạng 1/11/63 thành công, mới được Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Sàigon cho phục hồi nguyên ngạch, nhưng đến nay bộ Nội Vụ vẫn chưa ra quyết định hủy bỏ Nghị định tạm cách chức các đương sự của chế độ củ (xin tham chiếu các mật văn số 9692,1503, 1702, 1233, 1044, 3384/CSQG/ HC/A ngày 28 /12 / 63, 16, 20, 21, 27 và 28/4/1964 của Nha tôi). Các nhân viên nầy tuy hiện đang phục vụ tại Nha Cảnh Sát Quốc Gia Miền Bắc TNTP, nhưng chưa được hưởng lương bổng từ ngày được lệnh nhận việc (30/11/63 và 9/12/63) trong khi các sĩ quan bị bắt trình trên đã được bộ Quốc Phòng cho tái ngũ với cấp bậc củ đồng thời được truy lảnh tất cả quyền lợi lương bổng từ ngày bị ngưng chức .
xx x
Sau đây là thành phần Mật vụ phụ trách án gián điệp Miền Trung do Phan Quang Đông điều khiển:
- Chủ sở : Phan Quang Đông
- Phó Chủ sở : Lê Duy Cần, Đại úy quân đội VNCH
Bộ phận Văn Phòng
- Lê Bá Huấn, nhân viên Ty Công an Thừa Thiên biệt phái (sau do Nguyễn Châu, nhân viên Tòa Hành chánh Thừa Thiên thay thế)
- Trần Đình Sứ, nhân viên Tòa Hành chánh Thừa Thiên biệt phái
- Nguyễn Quang Hân, nhân viên Ty Công an Thừa Thiên biệt phái
- Đinh Ngọc Hòa, nhân viên Nha Công an Huế biệt phái
Bộ phận thẩm vấn
- Trần Đình Sứ
- Nguyễn Văn Trí, phụ trách thẩm vấn, chuyên dùng biện pháp mạnh (nhân viên Cảnh sát Huế biệt phái)
- Nguyễn Văn Cương, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
- Nguyễn Hửu Nùng - nt -
- Bùi Kế, phụ trách cung tiêu, chuyên dựng cung, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
- Nguyễn Ngọc Huyên, phụ trách thẩm vấn (Ty Cảnh sát Thừa Thiên biệt phái )
- Lê Bá Huấn - nt -
- Nguyễn Vinh Thiết - nt -
- Nguyễn Đình Thung - nt -
- Nguyễn Hoan - nt -
- Nguyễn Bình, nhân viên Nha Cảnh sát Huế biệt phái
- Phan Thanh Bình - nt -
- Cao Đăng Quế - nt -
Bộ phận An ninh
- Nguyễn Chánh, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
- Trần Ngữ - nt -
- Phan Văn Vọng - nt -
- Đòan Đình Gioang - nt -
- Nguyễn Văn Đức, nhân viên Ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên biệt phái
Bộ phận tài xế
- Hồ Ngọc Hiệp, nhân viên Nha Cảnh sát Quốc gia Huế biệt phái
- Nguyễn Văn Mầu, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
- Nguyễn Sơn Khuyến, nhân viên Nha Cảnh sát Huế biệt phái
Ngòai ra có bộ phận điện đài để liên lạc với bác sĩ Trần Kim Tuyến ở Sàigon do một số Bảo an viên Tỉnh Thừa Thiên biệt phái
Tại Trung tâm Mang Cá nhỏ, còn có một trung độ Bảo an do Thượng sĩ Nguyên chỉ huy, có trách nhiệm giữ an ninh chung cho các nạn nhân vụ gián điệp
Trong khỏan đầu năm 1963, bộ phận Mật vụ của Phan Quang Đông tuy đã được lệnh Ngô Đình Cẩn giải tán, nhưng Đông chỉ trả các nhân viên biệt phái về nhiệm sở củ khỏang 6 /63 mà thôi .
Phan Quang Đông cùng 1 số tay sai đắc lực thân tín đã bị bắt giữ sau ngày Cách mạng 1/11/63
Y danh đã bị Tòa án Cách mạng kêu án tử hình sau phiên tòa xữ tại Huế
Vậy xin kính trình qúy Tổng Nha thẩm hành.
Ngày 6-5-1964, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho thành lập Tòa Án Quân sự tại Huế đem Phan Quang Đông ra xử bắn.
Tham Khảo:
1) Biến Cố 1-11: Từ Đảo Chánh đến Tù Đày: hồi ký của các chứng nhân lịch sử: Thi - Đông, Sửu - Đán, Hương - Cầm, Tương - Vinh / Soạn giả Trần Tương -Xuân Thu - 1986
2)"Chín Năm Máu Lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm", Nguyệt Đàm, Sài Gòn 1964.
3)Bản Tin Báo Chính Luận
4) Bản Khẩu Cung của Phan Quang Đông (Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I)
5)"Biến Động Miền Trung", tác giả Liên Thành, trang 10-11
6)"Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi", Hồi Ký Hoàng Linh Đổ Mậu, trang 532-535
7) " Hai Mươi Năm Qua 1945-1964 Việc Từng Ngày ", tác giả Đoàn Thêm
8) "Dòng họ Ngô Đình - Ước Mơ Chưa Đạt", tác giả Nguyễn Văn Minh - tháng02-2004
9) "Công và Tội", Nguyễn Trân - Xuân Thu 1992.
10) "Đoàn Mật Vụ của Ngô Đình Cẩn", tác giả Văn Phan - Hà Nội 1996.
11) và các sách báo tham khảo khác
L/S Trịnh Quốc Thiên (tác giả giữ bản quyền) trinhquocthien@ gmail.com
1) tác giả "Những Biến Cố Mất Lãnh Thổ - Lãnh Hải của VN từ 939-2002",
xuất bản tháng 04/2002. Tác phẩm đã đoạt giải Biên Khảo 2008 của Hội Y
Sĩ Quốc Tế - Việt Nam Tự Do, trao giải tại TP San José ngày 09 tháng
08 năm 2008.
2) Tác giả "Chính Biến 1-11-1963 và Tổng Thống Ngô Đình Diệm", xuất
bản tháng 03/2009.
3) Chủ toạ đoàn & thuyết trình viên của Hội Thảo Lịch Sử & Truyền
Thông "Tưởng Niệm 40 năm Tết Mậu Thân" tại trung tâm Việt Nam - TP
Lubbock-Texas, 03/2008.
4) Chủ biên nhóm "Lịch Sử Việt" với nhiều bài viết về lịch sử VN.
5) Tác giả bài viết "Vụ Hành Quyết ông Ngô Đình Cẩn 1964" đã đăng trên các báo vào năm 2006
LS Trịnh Quốc Thiên
-----------------------------
http://my.opera.com/nguoivietquocgia/blog/show.dml/2165510
Chuyện chưa ai nói -- Biến động Miền Trung phần 1
Những ngày kế tiếp, dưới áp lực của Quí Thầy, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho thành lập Tòa Án Quân sự tại Huế đem Ông Phan Quang Đông ra xử. Với tội danh: Mật Vụ Nhu, Diệm. đàn áp Phật Giáo, thủ tiêu, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo Quí Thầy và tín đồ Phật Giáo. Với tội danh bị vu cáo này, toà tuyên án tử hình Phan Quang Đông. Và Ông đã bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Vận Động Bảo Long tại Huế. Đồng ý khi bước chân vào nghề Tình báo, nghề của một Điệp Viên, sinh nghề tử nghiệp đó là chuyện thường tình khi bị sa vào tay địch. Nhưng đau đớn và nghiệt ngã là địch đã dùng những người Quốc Gia, dùng súng của những người cùng chiến tuyến chống Cộng Sản, bắn những phát đạn vào thân thể ông. Nỗi oan khiên ngút tận trời xanh, chỉ có Ông biết, chiến hữu của Ông biết, trời biết, đất biết, hồn thiêng sông núi biết và..Tổ Quốc Ghi Công. Những người ngồi xử ông Phan Quang Đông, từ Chánh Án, Chánh Thẩm, Công Tố là những Sĩ Quan, là những viên chức cao cấp hành chánh của Chính Phủ miền Nam Việt Nam. Giờ này họ còn hay đã mất, tại quê nhà hay hải ngoại, có ai hối hận không, khi đem Ông Phan Quang Đông một cấp Chỉ huy thượng đẳng của cơ quan Điệp Báo miền Nam hoạt động ngoài Bắc ra xử bắn. Các ông đã quá hèn hạ sợ mất lon, mất chức, bán rẻ lòng lương thiện tối thiểu, cúi đầu theo lệnh những tên Việt Cộng nằm vùng trong Phật Giáo như Đôn Hậu, Trí Quang và sau lưng là Hoàng Kim Loan, là Cục 2 Quân Báo và Nha Liên Lạc tức Cục Tình Báo Chiến Lược của Hà Nội.
Sau ngày 1-11-1963, hệ thống tình báo hữu hiệu của miền Nam đối đầu với 2 cơ quan Cục Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Hà Nội hoàn toàn bị sụp đổ. Cơ quan Tình Báo phụ trách miền Bắc của ông Phan Quang Đông và Đoàn các Công Tác Đặc Biệt phụ trách an ninh miền Nam của Ông Dương Văn Hiếu bị địch dùng bàn tay người quốc gia: Hội Đồng Cách Mạng đánh phá tan tành, kẻ bị bắt tù đày, kẻ bị sa thải. Tất cả đều mang tội danh Mật Vụ của Nhu, Diệm đàn áp Phật Giáo..
Thử nhìn lại một vài thành quả công tác của hai cơ quan này, để thấy có phải họ là Mật Vụ đàn áp Phật Giáo hay không: Vụ nhân dân Quỳnh Lưu Tỉnh Nghệ An nổi dậy chống chính quyền miền Bắc năm 1956, kế hoạch và hành động đều do ông Phan Quang Đông và những Điệp viên ông gởi ra miền Bắc thực hiện. Còn nhiều những điệp vụ khác nữa, mà mãi đến nay tuy thời gian tính cũng đã quá lâu, nhưng vẫn không thể tiết lộ.
No comments:
Post a Comment