Tuesday, December 11, 2012

Báo CS đưa Nguyễn Mạnh Hùng lên -Để không kẹt giữa hai cường quốc


Để không kẹt giữa hai cường quốc

"Các nước Đông Nam Á chỉ có đoàn kết lại với nhau, nếu không không muốn bị kẹt vào tranh chấp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc." - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ).

LTS: Phóng viên Tuanvietnam tiếp tục cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia lâu năm về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ và chính trị Đông Á. Chủ đề phần này là vị thế của ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới.
'Cháy nhà hàng xóm cứ bình chân như vại'
Ông có nhận xét gì về câu chuyện của ASEAN trong năm nay, từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 ở Phnom Penh, đến Thượng đỉnh Đông Á vừa rồi? Được biết, mấy năm qua, không chỉ trong nội bộ ASEAN mà cả bên ngoài, người ta đã cổ súy cho một ASEAN là trung tâm của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, chỉ có một nước bên ngoài mang 'củ cà rốt' tài chính cho một thành viên, thế lại cái hội này tự nhiên "lủng xủng, loảng xoảng' cả lên.
Cái đó là sự bình thường xảy ra trong quan hệ quốc tế thôi. Nếu ở vị trí Trung Quốc, thiếu gì nước cũng sẽ hành động như vậy.
Còn đối với ASEAN, vẫn có hai xu hướng chính. Một là nghĩ đến quyền lợi thiển cận. Hai là nghĩ đến lợi ích lâu dài thì phải đoàn kết hơn, biết hy sinh hơn vì lợi ích của cả khối.
Như người ta vẫn nói ASEAN như bó đũa, nếu bó lại thì khó bẻ, chứ tách ra thì bẻ từng chiếc dễ như không.
Bản thân Campuchia cũng từng có những trải nghiệm đau đớn như thế nào, khi thời Khmer Đỏ nhận viện trợ của Trung Quốc, ông nhỉ?
Nhưng anh nào mới vào cuộc chơi bài chẳng nghĩ mình được. Nếu người ta không cho mình thắng những ván đầu thì làm sao mình dám đánh bài? Rồi ai chả nghĩ rằng "mấy thằng cha trước thua là do ngớ ngẩn, chứ tôi khôn hơn nhiều, sức mấy mà thua". Hay "tôi chơi, tôi làm bạn với tất cả cơ mà, chứ có riêng gì Trung Quốc đâu".
Theo ông có thực sự nhất thiết là các nước Đông Nam Á chỉ có đoàn kết lại với nhau mới tồn tại và phát triển được không?
Tất nhiên, nếu Đông Nam Á không muốn bị kẹt vào tranh chấp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Thời chiến tranh lạnh, khu vực này đã bị chia rẽ và trở nên quá nóng rồi còn gì.
Bây giờ, nếu hai nước này đánh nhau, chắc chắn Đông Nam Á sẽ tiếp tục là bãi chiến trường. Còn nếu họ không đánh nhau, khu vực này cũng không hết phiền, bởi lại bị chia rẽ, chả có quyền tự quyết gì cả.
Vì vậy, muốn tự mình làm lực lượng độc lập, có quyền tự quyết nhất định, thì chỉ có cách đoàn kết với nhau thôi. Có điều, tôi nhìn qua mấy hội nghị vừa rồi, thấy hình như toàn "chơi mảnh" không à. Tức là cháy nhà hàng xóm cứ bình chân như vại.
Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng của cộng đồng ASEAN?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng(giữa). Ảnh:
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng(giữa). Ảnh: Trường Sơn
Nhiều người cứ có cách nhìn bi quan về ASEAN, chứ tôi thấy nhìn cả tiến trình hình thành cho tới nay, cũng có kết quả đấy chứ.
Từ lúc chả là cái gì cả, rồi đến nay tạo ra bao nhiêu là diễn đàn cho khắp nơi người ta đến, người ta nói về toàn những chuyện lớn. Rõ ràng là ASEAN cũng tạo ra được cái gì đó.
Nhưng học võ mãi, khi ra thí võ, mới thấy mình còn non nớt quá. Qua ba vụ gần đây nhất là vụ Scarborough của Phillippines, vụ Thượng đỉnh ASEAN hồi đầu năm, và vụ Thượng đỉnh Đông Á vừa rồi, chúng ta thấy rõ sự thiếu đoàn kết và thực lực yếu của ASEAN.
Indoniesia và Việt Nam cần bắt tay
Vừa rồi, có một bài tham luận của một học giả Việt Nam nói về kinh nghiệm của cộng đồng châu Âu đối với cộng đồng ASEAN. Ý kiến của ông về gợi ý này?
Hai cộng đồng khác nhau nhiều lắm.
Thứ nhất, cộng đồng châu Âu được hỗ trợ bởi Liên minh Bắc Đại Tây dương (NATO), và có một nước mạnh bên ngoài là Mỹ hỗ trợ. Đó là yếu tố bên ngoài.
Thứ hai, về yếu tố bên trong, họ cùng có mối lo chung - đó là Nga Xô. Vì vậy, họ đoàn kết trong một mối lo chung. Còn đối với ASEAN, trước nguy cơ Trung Quốc, có nước lo, nước không lo.
Thứ ba, họ có lãnh đạo dẫn dắt là hai nước lớn nhất là Đức và Pháp, cùng nhau phối hợp kéo cái cộng đồng này đi lên.
Thế nhưng, điều nhiều người ít để ý rằng sự hội nhập châu Âu kéo dài lắm. Khối NATO thành lập năm 1949, mà mãi đến những năm '90 họ mới ra được chính sách ngoại giao chung, rồi tiền tệ chung, mà tiền tệ chung bây giờ cũng rắc rối.
Tuy lâu, nhưng cộng đồng vẫn ra được vì các nước châu Âu có một cái lợi chung là cùng một nền văn hóa. Còn văn hóa của ASEAN lung tung lắm, hoặc nói theo cách ngoại giao là đa dạng văn hóa. Ảnh hưởng Hồi, ảnh hưởng Phật, ảnh hưởng Ấn Độ, ảnh hưởng Khổng giáo... nhiều lắm.
Cuối cùng, là châu Âu cùng chế độ chính trị. Họ đã bị trục trặc mãi, cho đến khi ba nước không có dân chủ là Chế độ Quân nhân Hy Lạp, Chế độ Độc tài của Franco ở Tây Ban Nha và Chế độ Độc tài Salazar ở Bồ Đào Nha bị đổ, tiến trình hội nhập mới nhanh.
Còn với ASEAN, chế độ chính trị khác biệt nên khó tin cậy nhau, mà khó tin cậy nhau thì khó hội nhập lắm. Bởi khi hội nhập là phải hy sinh một phần quyền lợi quốc gia của mình, mà đã không tin cậy nhau làm sao hy sinh quyền lợi cho nhau được.
Chính vì vậy khó có thể lấy hình mẫu của Cộng đồng châu Âu cho ASEAN được. Có chăng, chỉ dùng trường hợp của Cộng đồng châu Âu để phân tích bài học cho ASEAN thì còn được.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng(giữa). Ảnh:
Các nước Đông Nam Á chỉ có đoàn kết lại với nhau, nếu không không muốn bị kẹt vào tranh chấp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.Ảnh minh họa
Với tất cả những phân tích ở trên, Giáo sư có nghĩ là cái mốc 2015 cho một cộng đồng ASEAN là một cái mốc mang tính tượng trưng, nhiều hơn thực tiễn?
Ý anh bảo là duy ý chí, là ảo tưởng? Nhưng họ đã đặt ra mục tiêu đó chắc cũng có ý gì đó chứ.
Hay là họ cho rằng với một tập hợp các nước nho nhỏ, nếu không đặt ra một cái đích xa quá, sợ nhiều nước lại nản, rồi tản mát ra hết?
Tôi nghĩ đây là cái mốc để khuyến khích, không được thì lại điều chỉnh, lo gì (cười). Đây cũng là một cách.
Ông so sánh ASEAN như bó đũa. Tức là nếu muốn có những nước có khả năng dẫn dắt, như Pháp và Đức đối với cộng đồng châu Âu, thì cũng như trong bó đũa chọn cột cờ? Liệu Indonesia có là một quốc gia có vai trò này?
Vai trò của Indonesia quan trọng lắm, bởi quốc gia này lớn nhất. Tuy nỗ lực ngoại giao con thoi của họ, sau thất bại của Phnom Penh của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, chưa đạt như mong muốn, họ cũng đã thể hiện được ý thức và vai trò trách nhiệm với cộng đồng của họ.
Tôi nghĩ cái khả thi nhất cho khu vực này là hai nước lớn hợp tác với nhau, và có thể làm được nhiều thứ. Đó là Indonesia và Việt Nam.
Khổ nỗi là nhiều năm nay Việt Nam phải tập trung nỗ lực vào các vấn đề nội bộ của mình, không chỉ là vấn đề kinh tế, mà giải quyết vẫn chưa xong.
Cũng có thể vậy, mà cũng có thể do sự khác biệt về thể chế. Indonesia họ khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự lắm, và nhờ đó họ vượt qua được sự trì trệ do thiếu minh bạch, tham nhũng và hạn chế được lợi ích nhóm.
Vâng, đành chờ đợi và hy vọng. Xin cám ơn ông.
 
Theo Huỳnh Phan
Tuần Việt Nam
Để không kẹt giữa hai cường quốc Để không kẹt giữa hai cường quốc10 811792

No comments: