Sunday, January 8, 2012

DR. Mehm Tin Mon- Phật Học và Khoa Học



  Phật Học và Khoa Học

NOVEMBER 05, 2011



KELAS ABHIDHAMMA BAGI PEMULA
---------------------------------------------
Pengajar : DR. Mehm Tin Mon Saddhamma Jotikadhama, Ph.D.
[Professor, International Theravada Buddhist Missionary University]
President of the Central Buddhist Association of Universities and Institutes in Yangon
...

  Tiến Sĩ Mehm Tin Mon là giảng sư môn Vi Diệu Pháp tại trường Đại Học Phật Học Quốc Tế Theravāda tại Yangon, Miến Điện. Ông được sinh viên yêu thương và mến mộ vì tâm từ, kiến thức và kinh nghiệm thiền tập. Ông sanh ra ở một làng nhỏ thuộc sắc tộc Mon tại Miến năm 1934. Năm 1951, ông tốt nghiệp trung học với số điểm khá cao và đồng thời thi đậu vào trường Đại Học Yangon xuất sắc về môn toán. Năm 1953, ông đậu thủ khoa môn Toán và Hóa Học trong kỳ thi sơ cấp tại đại học. Trong kỳ thi Cử Nhân Khoa Học năm 1955, ông đứng đầu ba môn Toán, Lý, Hóa, và nhận huy chương vàng ở trường đại học này. Ông được nhận huy chương vàng và học bổng ở đại học Mowatkyin. Năm 1956, trong kỳ thi cử nhân ở Đại Học Oswelay, ông đoạt huy chương vàng và đoạt giải danh dự môn Toán. Năm 1957, ông sang tiểu bang Illinois tại Mĩ du học với học bổng tiểu bang do chính phủ Miến tài trợ.  Năm 1958, ông nhận bằng Cao Học và năm 1960 bằng Tiến Sĩ tại trường đại học ở tiểu bang Illinois. Ông cũng là thành viên danh dự của cộng đồng Philambaoxilon và Shimashi. 
Trong suốt 36 năm (kể từ 1956 đến 1992), ông phục vụ cho đất nước Miến Điện của ông với tư cách là một giảng viên và trưởng khoa Hóa Học ở một vài học viện và sau cùng là giảng sư Hóa Học tại đại học Molamnhai. Trong suốt thời gian phục vụ cho tiểu bang, ông đứng đầu hội Phật Giáo thuộc Học Viện Y Khoa, Hội Phật Giáo tại Đại Học Viện Sư Phạm và Hội Phật Giáo taị đại học Molamnhai. Ông cũng làm thư ký và rồi viện trưởng Trung Tâm Phật Giáo ở một số học viện và đại học ở Yangon từ năm 1983 đến năm 1986.  Ông còn hoàn tất công tác xây một toà nhà 2 tầng khá khang trang tại đại học Molamnhai dành làm nơi thờ xá lợi Phật và dành cho các học bổng tôn giáo. Tiến sĩ Mehm Tin Mon còn đứng đầu kỳ thi Phật Học Căn Bản, kỳ thi Phật
Học Vi Diệu Pháp và kỳ thi Thanh Tịnh Đạo Vishudhimagga do ban tôn giáo Miến Điện tổ chức hàng năm. Ông còn là tác giả của hơn 30 cuốn sách về giáo dục và Phật học. Ông đi khắp đất nước Miến Điện để giảng dạy Phật học và những khóa học ngắn hạn về Vi Diệu Pháp. Vì những cống hiến nổi bật của ông trong công cuộc truyền bá Phật Pháp, ông được chọn làm cố vấn tại Viện Tôn Giáo vào tháng 8 năm 1993, và được chính phủ Miến trao tặng danh hiệu Sadhammajotikadhaja năm 1994.
    Sau đây là cuộc phỏng vấn ngắn với Tiến Sĩ Meh Tin Mon. Xin được phép dịch sang tiếng Việt như sau:

    Trước tiên, tôi xin bày tỏ niềm vui được đón bạn đến học tại trường Đại Học Phật Học quốc Tế Theravāda này và tôi tin là bạn tìm được nguồn cảm hứng trong việc học hỏi Phật Pháp. Giờ đây tôi xin được trả lời câu hỏi của bạn.  Câu hỏi của bạn là: “Là một cựu giảng viên đại học ngành Hóa Học, điều gì đã làm cho tôi trở thành một thiền sư và giảng viên bộ môn Vi Diệu Pháp?”
Câu trả lời của tôi là: vì tôi nhận ra rằng Phật Pháp là môn học khá lý thú và rằng Phật Pháp chỉ cho chúng ta một lối sống đúng đắn. Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống lợi lạc là cái mà moị người hằng hoài mong. Chúng ta cần biết mình phải sống như thế nào. Và tôi phát hiện ra rằng lời Đức Phật dạy rất khoa học và có thể đem áp dụng rộng rãi trong toàn vũ trụ.
Bạn có thể thắc mắc vì sao tôn giáo lại mang tính khoa học? Trong qúa trình tìm kiếm một con đường để thóat khỏi già, bịnh, chết và tái sanh; trong qúa trình tìm kiếm một thứ hạnh phúc vĩnh cửu của Niết Bàn, Đức Phật đã hành thiền. (Chắc bạn cũng biết rằng tâm của chúng ta có một năng lực thật là mạnh mẽ và chính cái tâm này điều khiển mọi hành vi, lời nói và những suy nghĩ của chúng ta. Như thế, tâm đóng một vai trò rất quan trọng và do vậy, một khi ta có thể điều khiển được cái tâm của mình, ta sẽ điều khiển được mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của chính mình.) Vì vậy, Đức Phật tìm cách điều khiển cái tâm của Ngài. Qúa trình điều khiển tâm gồm 3 giai đoạn:
Giai đọan thứ nhất là rèn luyện giới đức hay nói cách khác là sống có đạo đức. Rèn luyện giới đức là giữ giới không giết hoặc gây tổn thương đến bất cứ sanh mạng nào và mở rộng lòng từ bi của bạn đến với muôn loài vv… Làm như thế, chúng ta có thể tránh những hành động và lời nói bất thiện gây đau khổ cho mình và người.
Giai đọan thứ hai là trau dồi tâm định. Chúng ta đã học khoa học và biết rằng khi năng lượng được gom tụ lại, nó có một năng lực rất mạnh mẽ. Nếu ta có thể hội tụ các tia nắng mặt trời vào một mảnh kính cỡ lòng bàn tay, sức nóng mặt trời hội tụ nơi mảnh kính này có thể làm cháy gỗ, cháy giấy hay cháy da thịt ta. Tương tự như thế, nếu chúng ta có thể gom tâm về một điểm, tức trụ tâm hay định tâm; thì chắc chắn rằng cái tâm sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ và chính Đức Phật đã khám phá ra điều này. Ta có thể định tâm bằng cách hành thiền định. Bạn có thể hành thiền bằng cách chú tâm vào hơi thở, tức chú tâm ghi nhận hơi thở vào và hơi thở ra, chú tâm vào nơi mà hơi thở tiếp xúc với đầu mũi. Hành thiền như thế, dần dà bạncó thể làm cho tâm mình trụ nơi hơi thở tiếp xúc với đầu mũi liên tục trong suốt một tiếng đồng hồ. Có thể định tâm trong suốt một tiếng đồng hồ như thế là bạn đã đạt đến giai đọan nhập định mà tiếng Pali gọi là “jhāna” tức là đắc thiền.
Trong thiền định, hay nói cách khác là thiền vắng lặng hoặc thiền chỉ, có 5 tầng thiền gồm: tầng thiền thứ nhất, tầng thiền thứ hai, tầng thiền thứ ba, tầng thiền thứ tư và tầng thiền thứ năm. Khi đắc thiền, tâm của bạn an trụ trên đề mục hành thiền (như nơi mà hơi thở tiếp xúc với đầu mũi chẳng hạn) trong một tiếng, hai tiếng, một ngày, hai ngày. Và nếu việc hành thiền tiến triển tốt, đẹp bạn có thể định tâm trong suốt thời gian 7 ngày, kinh nghiệm một cảm giác thật thư thái mà không cần ăn uống gì cả.
Đức Phật cũng khám phá ra rằng có những ô nhiễm nơi tâm như tham, sân, si... Những ô nhiễm này thiêu đốt tâm ta và làm ta đau khổ. Tham lam là tham ái muốn nhìn thấy những gì đẹp đẽ, muốn được nghe những âm thanh êm tai, muốn ngửi mùi thơm, muốn nếm vị ngon và muốn tận hưởng những xúc chạm êm ái. Con người cố gắng tạo ra của cải vật chất chỉ vì tham muốn được tận hưởng những thứ này. Sân hận làm cho tâm ta ưu sầu, đau khổ. Khi giận, ta nóng nảy, ta cảm thấy tâm can như bị đốt cháy. Lo lắng, buồn bực, hờn dỗi, buồn bã, tuyệt vọng đều là những biểu hiện của tâm sân. Vì tham, sân, ta đau khổ. Một khi mà tham lam, sân hận được loại trừ, tâm ta không còn bị bức xúc, kích động, chộn rôn; và khi đó tâm ta trở nên tĩnh lặng, bình yên,và thanh tịnh. Khi tâm không còn bị chao đảo, kích động bởi những ô nhiễm nơi tâm, thì hỷ lạc phát sinh. 
Hỷ lạc là một trạng thái an lạc của tâm, một thứ hạnh phúc hơn hẳn những thứ vui của ngũ trần và bạn có thể tận hưởng loại hạnh phúc tuyệt diệu này ngay trong kiếp sống này nếu bạn cố gắng rèn luyện tâm, cố gắng trau dồi sự định tâm. Khi có sự định tâm, tâm bạn trở nên mạnh mẽ và bạn kinh nghiệm ánh sáng. Hành thiền càng cao, sức định càng mạnh thì ánh sáng toả ra càng mạnh mẽ. Sức định càng mạnh, thì bạn có thể nhìn đề mục rõ ràng hơn, và bạn còn có thể nhìn thấy những điều mà mắt thường không thể thấy. Ví dụ như bạn có thể nhìn thấy những đồ vật được cất dấu trong một cái hộp đóng kín, bạn có thể nhìn thấy những sự việc xảy ra ở những nơi rất xa xôi. Chẳng hạn như đang ngồi tại trường Đại Học Phật Học Quốc Tế Theravāda, với sức định này bạn có thể thấy những người ở trong nhà và những người đi trên đường trong thành phố Yangon này. Bạn cũng có thể dùng sức định này để nhìn thấy các bộ phận ở bên trong cơ thể của chính bạn như phần thịt dưới da, gân, xương, động mạnh, tủy, gan phổi, tim, ruột … Và rồi tập trung quan sát bên trong cơ thể lần nữa, bạn sẽ phát hiện ra rằng thân này là do những phần tử nhỏ tạo thành. Và rồi bạn thấy có đến triệu triệu, vô số những phần tử vật chất nhỏ li ti trong cơ thể của bạn. Trong khoa học, ta nói rằng vật chất là do những phần tử vật chất tạo thành, những phần tử vật chất này là do những những đơn vị nguyên tử (atom) tạo thành và những nguyên tử là do những phần tử nhỏ hơn bao gồm những hạt proton, neutron và hạt điện tử âm electron tạo thành. Theo khoa học, proton, neutron và electron là thành phần vật chất nhỏ nhất. Chính sự khám phá này giúp các nhà khoa học thu thập rất nhiều dữ kiện về các hạt điện tử và rồi đem ứng dụng vào ngành điện tử vi tính, thông tin kỹ thuật và phát minh ra vệ tinh nhân tạo để thông tin liên lạc trên toàn cầu. 
Đức Phật không có những dụng cụ khoa học tối tân gì cả, Ngài chỉ có tâm định, vốn tối tân hơn những dụng cụ khoa học kỹ thuật. Bằng những dụng cụ khoa học tối tân, bạn vẫn không thể phân tích tâm, không thể thấy được tâm. Ngày nay, các nhà khoa học và tâm lý học vẫn không thể hiểu được cái tâm. Dầu các nhà tâm lý học có cùng quan điểm với Đức Phật là cái tâm tiềm tàng một năng lực mạnh mẽ nhất trên thế giới, nhưng họ vẫn không hiểu một tí gì về tâm. Không hiểu tâm, họ cho rằng bộ não vận hành như cái tâm; tuy nhiên điều này không chính xác. 
Đức Phật đã nhìn thấy tâm. Bộ não không phải là tâm. Bộ não là do những phần tử vật chất tạo thành. Bộ não hoạt động như một chiếc máy vi tính siêu việt nhất nhưng nó không phải là tâm. Cũng giống như cái máy vi tính được vận hành bởi người điều khiển, chính cái tâm điều khiển và vận hành bộ não. Và một khi bạn có thể điều khiển cái tâm của mình, bạn có thể có được một số năng lực thần thông như bay trên không trung, lặn trong lòng đất, đi trên mặt nước… và những phép thần thông thế tục này vượt quá sự hiểu biết và lý giải của khoa học.
Nhờ năng lực thần thông, bạn không cần máy móc gì mà vẫn có thể bay trên không trung.  Nhờ sức định của tâm, bạn có thể có thiên nhãn thông nhìn thấy mọi thứ ở trên trái đất, ở cảnh trời và ở 4 cảnh khổ. Nhờ sức định của tâm, bạn cũng có thể có thiên nhĩ thông nghe được những âm thanh thật nhỏ từ xa. Ta không thể nào lý giải được những năng lực thần thông (do sức định của tâm tạo ra) nếu dựa vào lý thuyết rằng mọi suy nghĩ… là do bộ não vận hành. Bộ não không thể nào tạo ra được những phép thần thông như thế, nhưng cái tâm có thể làm được những điều này. 
Nếu bạn có thể quan sát các bộ phận trong cơ thể của bạn một cách tận tường, bạn sẽ phát hiện ra rằng toàn bộ cơ thể của bạn là do những phần tử vật chất căn bản thật nhỏ (tiếng Pali gọi là kalapa) tạo thành. Khi phân tích những đơn vị vật chất căn bản kalapa này, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng có kích thước tương tự như hạt điện tử âm (electron). Đức Phật đã nhìn thấy những kalapa. Đức Phật đã có thể quan sát cơ thể này thật thấu đáo, ở mức độ vô cùng chi tiết, bằng chính tâm lực của Ngài! Hơn thế nữa, Ngài nói rằng những kalapa này vẫn chưa phải là những phần tử nhỏ nhất tạo thành vật chất, vì chúng vẫn còn được tạo thành bởi 4 yếu tố vật chất chính: pathavī, āpo, tejo và vāyo thường được gọi nôm na là Đất, Nước, Lửa, Gió. 4 yếu tố vật chất này không có hình tướng. Pathavī là yếu tố vật chất có đặc tính dãn nở, co duỗi mang tính chất cứng và mềm. Āpo có đặc tính dính hút, nó làm cho các phần tử vật chất rời rạc dính lại với nhau để tạo thành những tế bào, và cho ta một ý niệm về cơ thể. Vậy yếu tố āpo mà Đức Phật mô tả trông giống như lực ly tâm hay từ trường của các hạt điện tử âm vì chúng ta biết rằng những hạt điện tử âm electron tạo ra một từ lực liên kết hạt proton và electron để tạo thành nguyên tử (atom). Yếu tố tejo với tính chất nóng lạnh tương ứng với nhiệt năng (heat energy); và yếu tố vāyo với tính chất kéo đẩy và nâng đỡ tương ứng với cơ năng (potential energy) và động năng (genetic energy) trong vật lý. 
Nhờ sự dính hút mà những thành phần vật chất có thể kết hợp với nhau thành nguyên tử atom. Khi những phần tử nhỏ kết hợp với nhau, chúng tạo nên những thành phần vật chất lớn hơn, tạo thành cái mà ta gọi là ‘tế bào’, ‘bộ phận trong cơ thể’ . Vậy ‘cơ thể’ là do những thành phần vật chất căn bản Đất, Nước, Lửa, Gió tạo thành. Những đơn vị nhỏ nhất như proton, neutron và electron mà các khoa học gia đã phát hiện ra là do bốn yếu tố vật chất căn bản Đất, Nước, Lửa, Gió tạo thành.
Giai đọan thứ ba là phát triển Trí tuệ. Như tôi đã giải thích lần trước, khi tâm định tĩnh, ánh sáng phát sinh; và khi tâm định tĩnh, ta thấy được những bộ phận bên trong cơ thể của mình. Và nếu ta có thể phát triển Chánh Định nhìn thấy các bộ phận bên trong cơ thể của mình; nếu ta có thể thấy 4 thành phần vật chất căn bản, thì ta cũng có thể thấy cái tâm của mình. 
Đức Phật nói mỗi người chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tương ứng với sáu đối tượng bên ngoài là: cảnh vật, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Khi sáu đối tượng bên ngoài tiếp xúc với sáu căn, tâm liên tục khởi sinh để thâu nhận đối tượng. Bằng sức định, ta có thể thấy tâm ta khởi sinh như thế.
Đức Phật còn có thể chia chẽ tâm thành những thành phần nhỏ hơn. Đức Phật nói rằng “tâm” bao gồm tâm vương và tâm sở. Khi tâm sinh khởi, những tâm sở cũng đồng sinh khởi với tâm vương. Tâm vương và những tâm sở đồng sinh, đồng diệt. Có đến 52 tâm sở, trong đó có 13 tâm sở giúp ta nhận biết đối tượng tiếp xúc. Chẳng hạn như Xúc là một tâm sở giúp ta nhận biết đối tượng vật chất ấy nóng lạnh, cứng mềm, hay giúp ta nhận biết cảm thọ buồn, vui... Tưởng là tâm sở giúp ta nhận ra đối tượng đã gặp qua thưở trước… Nhất tâm (ekaggatta) là tâm sở sinh khởi khi có sự định tâm. Ngoài ra có 14 tâm sở bất thiện bao gồm 3 tâm sở: tham, sân và si. Tham, sân và si dẫn đầu mọi tâm sở bất thiện; chúng làm tâm ta trở nên độc ác, xấu xa và đem đến cho ta nhiều phiền muộn.
Đức Phật nói bao lâu mà bạn vẫn còn bị tham, sân và si khống chế; bấy lâu bạn vẫn chưa có được loại hạnh phúc thực sự. Cho dù bạn có bao nhiêu tiền đi nữa, cho dù bạn có địa vị cao đến đâu đi nữa, bạn vẫn không thực sự hạnh phúc, trừ khi bạn có thể lọai trừ những tâm sở bất thiện này. 
Vì si, tức vô minh, mà ta không biết gì về Tứ Đại, tức 4 thành phần vật chất căn bản tạo nên vạn vật vô tình và hữu tình. Theo khoa học, mọi vật dù là vô tình hay hữu tình như cây cối, nhà cửa, sinh vật hay con người, đều do nguyên tử và những phần tử nhỏ hơn nguyên tử tạo thành. Khoa học cho biết những proton và những hạt điện tử electron liên tục di chuyển, thay đổi. Với sức định, ta kinh nghiệm những phần tử vật chất nhỏ li ti liên tục thay đổi, sinh diệt ở một tốc độ cực nhanh. Thay đổi, sinh diệt liên tục là vô thường, và cái gì vô thường đều mang đặc tính không toại nguyện, đau khổ. Do vậy nên Đức Phật nói rằng tâm và vật chất có bản chất không bền vững và đau khổ.
Nếu có một cái gì luôn bị hành hạ bởi sự tàn lụi; nếu có một cái gì bị huỷ diệt liên tục, không theo ý của ta; thì cái đó chẳng thể gọi là ‘tôi’, là ‘bạn’, là ‘của tôi’, ‘của bạn’ được. Vì các thành phần vật chất nơi ‘thân’ này liên tục khởi sinh và hoại diệt; vì tâm vương và tâm sở liên tục khởi sinh và hoại diệt theo đường lối riêng của chúng; cho nên nói: chẳng có ai hiện hữu, chẳng có linh hồn hiện hữu; cho nên nói: vật chất và tâm là ‘vô ngã’.
Vậy mọi thứ trên đời này đều mang bản chất vô thường, khổ và vô ngã; đều bị áp chế bởi bản chất vô thường, khổ và vô ngã. Không nhận thức được điều này, người ta cho rằng người này là bạn tôi, là vợ tôi, con tôi, đây là tài sản của tôi... Và vì một cái ‘tôi’ như thế, người ta trở nên ích kỷ. Họ cố gắng đem về cho họ tiền tài vật chất một cách ích kỷ và khi con người chỉ biết nghĩ về bản thân của mình, họ không còn sự cảm thông đối với người khác. Tất cả những điều bất thiện trên thế gian đều bắt nguồn từ tham, sân, si. Vì vô minh nên người ta ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Vì ích kỷ, người ta làm những điều bất thiện như trộm cắp, giết chóc, hãm hiếp kẻ khác. Vậy do tham, sân và si mà những bất thiện phát sinh. 
Tham lam, luyến ái là nguyên nhân chính của mọi đau khổ trên thế gian. Vì tham, người ta đi tìm tài sản, địa vị; cho rằng với đồng tiền kiếm được họ sẽ có hạnh phúc, được hưởng thụ mọi lạc thú. Nhưng trong thực tế, dù có hưởng thụ bạn vẫn thấy mình không mấy hạnh phúc hơn trước; vì lẽ mọi thứ mà bạn đã thưởng thức qua một hoặc hai lần rồi sẽ trở nên nhàm chán. Lòng tham luôn thúc đẩy bạn tìm kiếm những thú vui mới lạ khác. Cho dù bạn có bao nhiêu của cải đi nữa, bạn vẫn muốn có nhiều hơn nữa. Chính lòng tham thúc ép bạn làm việc nhiều để bạn có nhiều của cải hơn; để rồi bạn có thể hưởng thụ nhiều thú vui khác trên đời. Cho đến một ngày, bạn phát hiện ra rằng: bạn chẳng thể nào thỏa mãn được lòng tham nơi bạn; bởi lẽ càng hưởng thụ nhiều lạc thú, tham vọng nơi bạn càng cao ví như một người uống nhiều nước muối càng cảm thấy khát. Nếu như bạn muốn thoả mãn những tham vọng của mình, bạn sẽ vật vã suốt cả cuộc đời để rồi nhận ra rằng: bạn thực sự không có hạnh phúc! Đức Phật nói rằng những ai không biết sống tri túc, hài lòng với những gì mình có thì họ sẽ không hề có hạnh phúc. Vậy biết sống tri túc là một thứ của cải lớn nhất trong đời. 

Tôi đã kinh nghiệm qua điều này khi du học ở Mỹ, tại đại học Illinois. Trong thời gian ở đó, khi nhà trường thưởng cho tôi 3,000 đô, tôi mua được một chìếc xe cũ nhưng vẫn còn tương đối tốt. Rồi trong thời gian nghỉ hè, tôi lái xe đưa bạn bè đi du lịch vòng quanh nước Mỹ. Lái xe trong vùng quê Colorado vắng xe, vào buổi trưa nóng nực đến 100 độ F, chúng tôi cảm thấy buồn chán nên chúng tôi liên tục mở radio từ đài này sang đài khác. Vẫn thấy chán, bạn tôi bảo tôi lái nhanh hơn. Tôi đạp ga, tăng tốc độ từ 65 lên 70 rồi 80 dặm 1 giờ và rồi bạn tôi hốt hoảng bảo tôi đừng dậm ga thêm nữa. Tôi giữ tốc độ 80 dặm 1 giờ và sau nửa tiếng chúng tôi lại cảm thấy chán, bạn tôi lại đề nghị tôi tăng tốc độ và tôi nhấn ga đến 90 dặm 1 giờ, bạn tôi hốt hoảng bảo tôi đừng nhấn ga thêm nữa, rồi chúng tôi lại cảm thấy chán. Chiếc xe dường như chẳng tiến thêm chút nào và tôi lại tăng tốc độ đến 100 dặm 1 giờ. Bạn thấy đó, cho dù bạn lái xe nhanh đến đâu, bạn vẫn cảm thấy buồn chán. 
Ở đời cũng vậy, dù cho bạn hưởng thụ những lạc thú nhiều đến đâu; chẳng mấy chốc là bạn lại cảm thấy nó vô vị và nhạt nhẽo. Những hạnh phúc này chỉ là những hạnh phúc ngắn ngủi, tạm bợ. Sau những phút giây bạn có cảm giác như là bạn hạnh phúc, cái hạnh phúc đó đã không còn và cơn thèm khát những thú vui khác lại trổi lên do sự thúc đẩy của lòng tham và thói quen muốn được hưởng thụ... Cho nên nếu bạn cố gắng thỏa mãn tâm tham, bạn sẽ phải khổ sở. Làm lụng vất vả bạn có được nhiều tiền; bạn mua nhà, xe cộ những vật dụng sang trọng... Khi có được những thứ của cải này rồi, bạn lại lo lắng làm sao để gìn giữ của cải của mình, vậy bạn lại làm khổ chính mình lần nữa. Và cho dù bạn có cố gắng gìn giữ của cải đến đâu, chúng cũng có thể bị mất, bị hư hoại và tách rời khỏi bạn. Nơi gia đình bạn chẳng hạn, khi mọi người có mặt đầy đủ và hòa thuận với nhau, bạn cảm thấy cuộc sống gia đình thật hạnh phúc. Nhưng nếu cha mẹ bạn cãi cọ nhau, cả gia đình không còn hạnh phúc. Hoặc khi một người trong nhà bịnh nặng nằm bịnh viện, cả gia đình lo lắng. Và rồi khi ai đó trong gia đình qua đời, bạn sẽ cảm thấy đau khổ mất mát thật nhiều. 
Vì đâu đau khổ xảy ra? Vì tham ái, quyến luyến. Cuộc sống hiện tại này không tuân theo ý ta muốn. Có những lúc, bạn không thể tránh chung sống với người mình không ưa thích, quí mến. Những lúc khác, bạn phải xa lìa ngưòi thân yêu; và bạn không thể tránh được điều này. Bạn đau khổ khi người thân qua đời là vì bạn gắn bó, quyến luyến với ngưòi đó. Thông thường, dù biết rằng có nhiều người qua đời trong ngày; nhưng điều đó cũng không làm chúng ta bận tâm vì chúng ta không không có mối liên hệ khắn khít với họ. Đức Phật nói rằng nếu bạn tham đắm, khao khát và quyến luyến, bạn sẽ không thật sự hạnh phúc. 
Vì vậy, cách duy nhất để có loại hạnh phúc thật sự, loại hạnh phúc vĩnh viễn, là dọn sạch tham, sân, si trong tâm của bạn. Đức Phật chỉ ra con đường. Ngài dạy chúng ta giữ giới, không làm điều bất thiện để loại trừ tham, sân, si thô thiển. Ngài khuyên chúng ta duy trì việc giữ giới, vì ngay khi giữ giới là ta đã có hạnh phúc rồi, một loại hạnh phúc không bị tham, sân và si hành hạ. Giữ giới, bạn trở nên thánh thiện hơn, bạn thánh thiện hơn là vì những tâm sở bất thiện đã vắng bóng trong bạn. Do những tâm sở bất thiện vắng bóng trong bạn, bạn hạnh phúc hơn. Và rồi, bạn có thể tiến thêm một bước nữa là trau dồi tâm định. Nếu bạn có thể phát triển định tâm, tâm bạn sẽ trở nên trong sạch và do đó bạn lại tự mình chiêm nghiệm
một thứ hạnh phúc khác cao hơn và bạn lại trở nên thánh thiện hơn nữa. Đức Phật lại nói rằng bạn có thể tiến xa hơn bằng cách hành thiền Minh Sát. Hành thiền Minh Sát để hiểu được cái tạo nên ‘thân’ và ‘tâm’ này, hiểu được bản chất thật sự của vật chất và tâm vốn hiện hữu nơi thân - tâm của bạn. Thiền Minh Sát còn để phát triển trí tuệ, loại trí tuệ có thể tạm thời và rồi vĩnh viễn xóa tan màn vô minh trong tâm bạn. Vào lúc mà vô minh bị loại trừ, thì tham và sân cũng bị loại trừ. Khi tham, sân và si hoàn toàn bị loại trừ, tâm của bạn trở nên trong sạch và vĩnh viễn không còn bị ô nhiễm nữa. Khi ấy, bạn kinh nghiệm được một thứ hạnh phúc tối thượng gọi là Niết Bàn.
Đức Phật cũng nói khi mà bạn chưa thể loại trừ vĩnh viễn tham, sân và si trong tâm, bạn sẽ vẫn phải tiếp tục tái sinh. Nói về tái sinh, chúng ta cần biết rằng có những kiếp sống đã qua trong quá khứ và những kiếp sống sẽ sinh khởi trong tương lai. Một số người sống đó đây trên thế giới có thể nhớ được kiếp trước của mình. Bác sĩ Een Stevenson (?) đã làm những cuộc nghiên cứu nghiêm túc về đề tài này. Bác sĩ Stevenson là giảng sư môn Tâm Lý Học tại Mĩ, và tôi nhớ rằng ông dạy ở đại học Virginia. Ông đã nghiên cứu hơn 7,000 trường hợp những đứa trẻ có thể nhớ lại kiếp qúa khứ; và công cuộc điều tra của ông đã chứng minh những điều mà những đứa trẻ này nói là sự thật. Dường như cho đến nay, ông đã xuất bản hơn 10 quyển sách về đề tài này. 
Chúng ta cũng biết đến những ngưòi có những năng lực tâm linh đặc biệt, chẳng hạn như bác sĩ Koplapo (?) ở Mỹ. Bà là bác sĩ khoa thần kinh và bà tham gia làm việc trong một hội giúp đỡ những người già cô đơn. Khi tôi ở Mỹ, tôi có biết đến những người già nhưng vẫn phải tự săn sóc lấy chính mình. Và khi người bạn đời của họ mất đi, chỉ còn lại một mình, họ cảm thấy rất cô đơn. Họ chẳng được ai chăm sóc vì con cái đều làm việc ở xa. Họ phải tự đi mua thực phẩm, giặt giũ… Cho nên mỗi khi ngã bịnh, họ chẳng có ai bên cạnh chăm sóc, và họ cảm thấy chán nản, buồn bã, thất vọng. Bác sĩ Koplapo (?) và những người làm việc trong hội cố gắng giúp đỡ những người già cô đơn này về nhu cầu thuốc men, y tế và giấy tờ. Từ đó, những người làm việc trong hội nghiễm nhiên trở thành ân nhân của họ. Khi những người già cô đơn qua đời, nhiều người trong số họ trở thành chư thiên. 
Như Đức Phật đã nói: có những chư thiên sống quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thể thấy họ. Tuy nhiên, khi ta định tâm (chẳng hạn như khi nhập định trong các tầng thiền), ta có thể thấy được những chư thiên quanh ta. Bác Sĩ  Koplapo (?) có một năng lực tâm linh đặc biệt, từ lúc nhỏ bà có thể nhìn thấy những người này. Do vậy, khi những người già cô đơn mà bà đã từng giúp đỡ qua đời và thành chư thiên, họ lập tức đến gặp bác sĩ Koplapo (?)  và tỏ lòng cám ơn. Bà bảo họ viết lên giấy, ghi ngày tháng và ký tên. Sau khi gom góp những tờ giấy do những người trước kia là những người già cô đơn viết lại, bà mở cuộc gặp gỡ các phóng viên nhà báo và đưa cho họ những mảnh giấy viết này để họ có thể đối chiếu với chữ viết và chữ ký của những người này trước khi chết. Điều này chứng minh rằng có những kiếp sống liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Tôi thiết nghĩ chúng ta nên nói về đề tài ‘nghiệp và quả của nghiệp’. Đây cũng là một học thuyết quan trọng trong Phật Giáo. Nghiệp (trong tiếng Pali gọi là kamma) là di sản của tâm. Từ tâm, do tâm mà ta tạo nghiệp qua thân, khẩu và ý. Từ tâm, do tâm mà tác ý thiện và bất thiện sinh khởi. Và hành động thiện hay bất thiện có thể trổ quả ngay trong kiếp sống này. Điều này thật dễ hiểu và dễ thấy; chẳng hạn như học giỏi sẽ đỗ đạt cao, nói lời thô lỗ cộc cằn sẽ gây bất hòa, chia rẽ.
Nhưng cái mà phần đông chúng ta vẫn chưa được biết là: tâm vừa khởi sinh thì ngay tức khắc bị hoại diệt; tuy nhiên, trưóc khi tâm tan biến nó để lại những di sản nghiệp ở dạng năng lượng tiềm tàng trong luồng tâm thức của chúng ta. Căn cứ theo khoa học, ta biết rằng năng lượng dùng để tạo ra hành động; năng lượng tự nó không thể bị tiêu hủy hay do ai tạo ra. Chúng ta tiêu thụ năng lượng trong khi hoạt động và năng lượng có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác, như sức nóng chẳng hạn.
Hãy nhìn một cái cây: cây trổ quả, trong quả có hạt, và hạt có khả năng mọc lên một cây mới trong tương lai; và do vậy, loài cây cứ tiếp tục mọc lên trên trái đất. Tương tự như thế, cái tâm sau khi ra lệnh làm một hành động, nó lưu lại di sản của nó trong luồng tâm của chúng ta ví như hạt của cây. Ta biết rằng hạt có thể được cất giữ trong một hũ kín đến cả ngàn năm mà vẫn không mọc thành cây; nhưng khi ta gieo hạt giống xuống đất và tưới nước, hạt giống sẽ nảy mầm. Tương tự như thế, nghiệp tiềm ẩn (potential kamma) duy trì trong luồng tâm thức của chúng ta trong một thời gian dài, có khi dài đến nhiều kiếp sống. Đơn giản là vì mỗi khi cái tâm tự hủy diệt và tan biến, nó sẽ chuyển giao di sản nghiệp của nó cho cái tâm kế tiếp.
Khi cái tâm kế tiếp tan biến, nó cũng để lại di sản nghiệp của nó cho cái tâm kế tiếp nữa. Và cứ thế, di sản nghiệp được chuyển giao từ tâm này đến tâm khác và được lưu trữ trong luồng tâm thức của chúng ta. 
Mỗi khắc trong cuộc sống của chúng ta, tâm liên tục sinh diệt; và di sản nghiệp liên tục chuyển giao từ tâm này đến tâm khác. Chẳng có một sự gián đoạn ngừng nghỉ nào trong luồng tâm thức của chúng ta. Tương tự như thế, khi ta chết, cái tâm cuối cùng mà ta gọi là ‘tử tâm’ tan biến và tất cả di sản nghiệp trong kiếp sống đó sẽ được chuyển đến tâm tái sanh của kiếp sống kế tiếp. Di sản nghiệp đeo theo chúng ta từ kiếp này đến kiếp khác, chờ khi hội đủ điều kiện chúng sẽ trổ quả cũng như hạt giống được gieo vào đất. Cũng có những nghiệp sẽ trổ quả ngay trong kiếp hiện tại; và do đó chúng ta chứng kiến người làm điều xấu lãnh hậu quả xấu và người làm điều tốt lãnh quả tốt. Cũng có những thiện nghiệp trong các kiếp quá khứ trổ quả trong kiếp hiện tại, do vậy người làm việc thiện trong hiện tại gặp được những điều lành do quả của thiện nghiệp đã làm trong hiện tại và cả trong quá khứ. Cho nên nói: nghiệp trổ quả dưới nhiều hình thức khác nhau. Và rồi cũng do nghiệp mà cuộc sống chúng ta không chấm dứt lúc chết. Di sản nghiệp tự nó tạo ra kiếp sống mới và do đó chúng ta lại phải tái sanh sau khi chết đi. Nhưng khoa học cho rằng chết là hết, rằng không còn một kiếp sống nào nữa sau cái chết. Khoa học chỉ biết đến vật chất và năng lượng, tức là chỉ biết đến những gì thuộc về thân thể của con người; khoa học không biết gì về tâm của con người. 
Trong trường hợp khác, những người vô minh cho rằng cuộc đời này tươi đẹp hoan lạc; và vì vậy, lòng tham thúc dục họ muốn được tái sanh lần nữa. Ví như hạt giống nào sinh ra cây đó, loại cây nào mọc lên là do hạt giống của nó quyết định; tương tự như thế, kiếp sống tương lai là do nghiệp qúa khứ tạo ra: ta gieo nhân nào thì ta nhận quả đó. Tạo ra ác nghiệp ta phải gánh lấy đau khổ, chẳng hạn như phải tái sanh vào 4 cảnh khổ làm A-Tu-La, thú, ma quỉ hoặc rơi vào Địa Ngục. Kiếp sống nơi Địa Ngục hoặc kiếp ma quỉ sẽ kéo dài đến chừng nào mà năng lực của nghiệp tái sanh của kiếp sống này chấm dứt. Khi nghiệp lực này cạn, kiếp sống này chấm dứt; để rồi một kiếp sống mới lại bắt đầu. Trong Phật Giáo, không có một địa ngục vĩnh cửu.
Khi ta thực hiện một hành động thiện, có đến hàng triệu triệu thiện nghiệp cùng góp phần; vậy khi thiện nghiệp này có cơ hội trổ quả, ta sẽ hưởng được một kiếp sống hạnh phúc, gặp nhiều thuận lợi may mắn. Căn cứ vào lý nghiệp báo này, hay nói cách khác là luật Nhân Quả, chúng ta phải tránh làm việc ác và tích cực làm nhiều việc thiện. Điều này rất quan trọng, vì nếu mọi người hiểu luật Nghiệp Báo, Nhân Quả, họ sẽ nỗ lực làm nhiều điều thiện lành, và do đó thế giới sẽ an vui, hạnh phúc. Chúng ta có thể quyết định vận mạng cho chính mình: nếu ta muốn tìm gặp những may mắn, tốt đẹp trong vòng luân hồi, ta phải cố gắng vun bồi thiện nghiệp càng nhiều càng tốt.
Và sau cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng Đức Phật đã tìm ra nguyên nhân của mọi đau khổ trong đời sống của chúng ta. Có ba nguyên nhân chính, đó là: tham, sân và si. 
‘Tham’ tức ham muốn thưởng thức những lạc thú và quyến luyến, níu kéo những lạc thú này. ‘Si’ hay ‘vô minh’ là không biết về 4 sự thật tuyệt đối gồm: vật chất, tâm vương, tâm sở và Niết Bàn và không biết luật Nhân Quả. Tham, sân, si là nguyên nhân sâu xa của mọi đau khổ, nguồn gốc của mọi hành động bất thiện trên đời. Vậy để sống hạnh phúc, chúng ta phải loại bỏ cho được tham, sân, si; và cách duy nhất để loại bỏ tham, sân, si là đi theo con đường Trung Đạo, tức là rèn luyện giới đức, trau dồi tâm định và phát triển trí tuệ. Nhờ giữ giới, ta có thể chế ngự những bất thiện tâm ở một mức độ nào đó và có thể tận hưởng hạnh phúc ngay lúc đó do ta có giới đức trong sạch. Để trau dồi tâm định, chúng ta phải hành
thiền. Cho dù áp dụng phương pháp hành thiền đơn giản nhất như chánh niệm qua hơi thở, nếu như bạn có thể định tâm trên hơi thở vào và hơi thở ra, bạn có thể giữ tâm trong sạch ngay lúc đó. Và nếu bạn tiếp tục rèn luyện tâm như thế, sức định tăng dần cho đến khi bạn đạt đến nhập định, tức là đắc thiền. Đến giai đoạn này, những ô nhiễm như tham, sân, si… không sinh khởi nơi tâm bạn và vì vậy bạn tận hưởng một niềm an lạc, hạnh phúc tuyệt vời; và bạn phát hiện ra rằng: hạnh phúc này cao hơn hẳn những lạc thú trần gian. 
Ta hưởng thụ những lạc thú trần gian là do lòng tham và sự si mê. Đức Phật nói tham lam và si mê là ngọn lửa nóng. Vậy nên nói: thú vui ở cõi đời này không phải là hạnh phúc thật sự, chúng chỉ là những hạnh phúc tạm bợ, chúng không thể đem đến cho ta nhũng hạnh phúc dài lâu. Khi đắc thiền, ta hưởng niềm an lạc tuyệt vời và hơn thế nữa tâm ta có một năng lực mạnh mẽ, và do đó chúng ta sẽ thấy mọi vật trong bóng đêm ngay cả khi nhắm mắt. Ta cũng có thể nhìn thấy những nơi thật xa, có thể nhìn thấu vào bên trong cơ thể. 
Khi trí tuệ phát triển, nếu chú tâm quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy thực tướng sinh và diệt của tâm và vật chất với tốc độ cực nhanh. Khi tận mắt chứng kiến vật chất và tâm, chứng kiến những chất liệu tạo thành cái gọi là ‘con người’ này liên tục sinh diệt, không bền vững và quá đỗi vô thường; ta hiểu cái gì vô thường, không bền vững đều không thể gọi là hạnh phúc. Cái gì vô thường phải được hiểu là đau khổ. Thấy được bản chất sinh diệt liên tục của vật chất và tâm, bạn phát hiện ra rằng: không có một thực thể nào, một cá nhân, một linh hồn nào tồn tại vĩnh cửu. Vì lẽ đó, Đức Phật nói: chẳng có tôi, chẳng có ai cả mà chỉ có vật chất và tâm liên tục sinh và diệt. Kinh nghiệm được những điều này, chúng ta sẽ có Chánh Kiến về vô ngã, hiểu biết đúng đắn rằng: không hề có một con người, không có ‘tôi’ hiện hữu.
Một khi loại bỏ quan niệm sai lầm về một cái tôi hiện hữu, bạn sẽ không mấy quan tâm về bản ngã, về một cái ‘tôi’ nữa. Khi đó bạn sẽ thôi không còn tìm kiếm những lạc thú để làm ‘tôi’ thỏa mãn, làm ‘tôi’ hài lòng; và bạn sẽ có được một thứ hạnh phúc của lòng vị tha, quên mình, không ích kỷ. Tấm lòng vị tha, không ích kỷ quả thật là cao thượng! Vậy hành thiền Minh Sát là chúng ta đang tự mình tìm hiểu bản chất của thân và tâm. Càng hiểu rõ hơn về thân và tâm này, bạn càng nới lỏng dần lòng luyến ái, quyến luyến chính bản thân bạn; để rồi, bạn giải phóng chính bạn ra khỏi mọi rối rắm và níu kéo của lạc thú trần gian, của những kiếp sống mới.
Nhờ hành thiền Minh Sát, bạn hiểu được bản chất vô thường, khổ và vô ngã nơi tâm và vật chất. Nhờ hành thiền Minh Sát, bạn nhận ra chân lý cao thượng về sự khổ. Bạn cũng thấy tham ái và vô minh là nguyên nhân của đau khổ. Tham ái và vô minh là nguyên nhân tạo ra đau khổ trong kiếp hiện tại và phôi thai những kiếp sống mới trong tương lai. Bạn cũng nhận ra là: đau khổ không còn khi vô minh và tham ái không còn. Nếu ta có thể loại trừ vô minh và tham ái, nguồn gốc của mọi đau khổ, thì đau khổ tự nó cũng bị loại trừ. Khi đau khổ không còn, thì chỉ còn lại một niềm an lạc vô biên trong luồng tâm thức mà Đức Phật gọi là hạnh phúc Niết Bàn, một loại hạnh phúc cao hơn những lạc thú trần gian và những an lạc trong khi nhập định. Bạn cũng nhận ra là giữ giới, trau dồi tâm định và phát triển trí tuệ là con đường đưa đến hạnh phúc và tận diệt mọi đau khổ. Vậy nhờ vun bồi thiện nghiệp và tham thiền mà bạn hiểu được Tứ Diệu Đế: bạn hiểu chân lý về sự khổ, bạn hiểu chân lý về nguyên nhân của đau khổ, bạn hiểu chân lý về sự tận diệt khổ và bạn hiểu chân lý về con đường (Giới -Định -Tuệ) dẫn đến sự tận diệt mọi đau khổ. Đi theo con đường Giới Định Tuệ, chúng ta có thể chấm dứt mọi đau khổ và tận hưởng một loại hạnh phúc cao thượng tuyệt đối. Do đó, để thanh lọc tâm, để tìm gặp loại hạnh phúc thực sự, chúng ta cần nỗ lực làm việc thiện và nỗ lực tránh làm điều bất thiện. Chúng ta hãy tận lực phát triển và vun bồi Giới-Định-Tuệ cho đến khi ta đạt đến thành công.

1 comment:

Anonymous said...

"Trên đây là "Thiền Tiểu Thừa", dù sao cũng là những bước chuẩn bị rất quan trọng để tiến tới "Thiền Đại Thừa" rồi mới tới "Thiền Tối Thượng Thừa" hay "Thiền Phật Thừa"...".

"Đạo" không có "Đạo cong,đạo thẳng", nhưng "đường đi" có "đường vòng", "đường thẳng tắt", tùy túc nghiệp, duyên và căn cơ..., nếu đủ duyên chịu "đi thẳng" thì "không đi đâu", chỉ "đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền", "lấy chỗ nào là đi với đến", chỉ sợ không "thấy đạo".

"Chí đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa". Dốt!

Trân trọng!
Tay chơi Hà Nội.