Đức Đạt Lai Lạt Ma tố giác âm mưu ám sát của Trung Quốc
Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng nhân ngày mồng một Tết cổ truyền Losar của người Tây Tạng tại Dharamsala (Ấn Độ), ngày 22/02/2012.
REUTERS/Stringer
Hôm qua, 14/05/2012, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong tiết lộ, đã bị một số nữ điệp viên của Bắc Kinh tìm cách đầu độc. Chính quyền Trung Quốc cải chính lời tố cáo này và cho rằng họ đã có nhiều cơ hội nếu thật sự muốn giết Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một nguồn tin thông thạo nói với Asia News là « chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho ngài trường thọ ».
Ngày hôm qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Anh Quốc nhận giải thưởng Templeton và đã được thủ tướng Anh, David Cameron đón tiếp với « tư cách riêng ». Nhân dịp này, trả lời phỏng vấn báo Sunday Telegraph, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong tiết lộ có một vài phụ nữ Trung Quốc tìm cách sát hại ngài bằng thuốc độc. Theo đó, những người này giả làm phật tử đến gần ngài, để xin ban phước lành. Nhân vật được người dân Tây Tạng tôn vinh như một vị Phật sống và được cộng đồng thế giới kính trọng chỉ đích danh thủ phạm là chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ngài được thông tin này từ Tây Tạng và tin này là sự thật : một số nữ điệp viên Trung Quốc sử dụng phương thức tẩm thuốc độc lên tóc và khăn choàng của họ để đầu độc người đặt bàn tay lên đầu họ.
Theo Asia News, giới thân cận của Khôi nguyên Nobel hòa bình 1989 chưa kiểm chứng được bản báo cáo từ Tây Tạng, nhưng đã tăng cường lực lượng cận vệ và biện pháp an ninh. Tuy nhiên, họ thừa nhận do Đức Đạt Lai Lạt Ma có nhiều cuộc thuyết pháp và tiếp xúc với phật tử nên công việc bảo vệ khó chu toàn.
Về phần Trung Quốc, trong phản ứng được công bố hôm qua 14/05/2012 đã phản bác lời cáo buộc này. Nhật báo Global Times, ấn bản tiếng Anh của tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo bình luận : « Trung Quốc không muốn giết Đạt Lai Lạt Ma, nếu muốn thì chúng ta đã không chờ lâu đến như vậy. Mặc khác, giết ông ấy không có lợi gì, chưa kể là Trung Quốc không bao giờ giết đối lập lưu vong ». Tác giả bài bình luận khẳng định « nếu Đạt Lai Lạt Ma là người Mỹ, Do Thái, người Nga thì có lẽ không sống yên ổn tới ngày nay ».
Một ngày sau khi lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hội kiến với thủ tướng Anh Quốc, bộ ngoại giao Trung Quốc mới công bố lời phản đối.
Tại Á châu, chính phủ Nhật cũng bất chấp phản ứng của Bắc Kinh về sự kiện Tokyo đón tiếp hội nghị của tổ chức Duy Ngô Nhĩ Tân Cương lưu vong diễn ra suốt tuần này.
No comments:
Post a Comment