Sunday, December 27, 2009

LM Nguyễn Văn Vàng Trại tập trung A-20 ở Xuân Phước

Linh Mục Nguyễn Văn Vàng qua đời tháng 4-1985 ngay trong xà lim số 6-Trại tập trung A-20 ở Xuân Phước

Saigon29/04/1985; cải tạo




Đêm Noel trong xà lim số 6-
Vũ Ánh

Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội: Giuse Ngô Quang Kiệt về dâng lễ và chúc mừng Noel tại xứ Mường Cắt, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

NgoQKiet-XuMuong.jpg picture by nhacyeuem
NQK-XuMuong.jpg picture by nhacyeuem


Ngày 29-4-1984, tôi được chuyển sang xà lim số 6 trại A-20 ở chung với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, linh hồn của một vụ nổi dậy do ngài và người em chủ trương năm 1976. Tôi hoàn toàn không hiểu lý do của việc chuyển xà lim cá nhân này. Ðây cũng là ngày mà tôi đánh dấu 3 năm bị cùm hai chân và có giai đoạn cả hai tay trong xà lim số 5. Phải nói là tôi bị gông thì đúng hơn. Nếu quý vị được nhìn thấy những tội phạm của thời phong kiến bị gông như thế nào thì chúng tôi bị gông như thế nấy. Chỉ có khác là nhà tù Cộng sản không gông cổ mà thôi.
Linh Mục Vàng, một nhà giảng đạo lỗi lạc của dòng Chúa Cứu Thế, sau khi bị lên án chung thân khổ sai sau vụ và em ruột ngài là Linh Mục Hiệu bị xử tử, đã bị đưa lưu đầy tại trại A-20 Xuân Phước. Khi tôi đã nằm cùm trong biệt giam trong phòng số 5 được 2 năm thì một hôm Linh Mục Nguyễn Văn Vàng lúc ấy từ trại lao động bị đưa vào xà lim số 6, bên cạnh xà lim tôi bị giam.
Khi còn ở ngoài trại lao động, ngài là đối tượng theo dõi của đám an ninh trại giam, nhất cử nhất động đều không qua mắt được một giàn ăng ten dầy đặc vây quanh vị tu sĩ công giáo này. Bọn an ninh trại nói thẳng ra rằng nếu chúng bắt gặp bất cứ tù nhân nào liên hệ với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, sẽ cùm ngay.
Tôi là một Phật tử, nhưng mối liên hệ với Cha Vàng khá thân thiết và chúng tôi thường đàm đạo với nhau vào mỗi ngày sau giờ cơm chiều trước khi điểm số để vào buồng giam, không chấp lệnh của trại. Có lẽ đây là lý do bọn an ninh trại đưa tôi đi “nghỉ mát” trước và 2 năm sau họ đưa Cha Vàng và một vài anh em nữa vào những chiếc hộp nhỏ ở ngay say nhà bếp của trại A. Trại tập trung A-20 ở Xuân Phước thường được chúng tôi gọi là trại trừng giới (danh từ có từ thời Pháp thuộc để chỉ những trại có quy chế trừng trị tù nhân khắt khe). Cục Quản Lý Trại Giam của Cộng Sản thì gọi những loại trại này là Trại Kiên Giam.


Những người dây dựng trại Xuân Phước là ai? Cái oái oăm của lịch sử mà chúng tôi gặp phải chính là ở chỗ: Trại tù này lại do chính bàn tay của những người từng được di tản tới Guam trước ngày 30-4-1975, sau đó lại biểu tình đòi trở về lại Việt Nam bằng tầu Việt Nam Thương Tín, tạo dựng lên. Lúc chúng tôi được chuyển trại về đây thì có một số vẫn chưa được trả tự do. Chạy nạn Cộng Sản tới Guam , rồi vì những lý do riêng biệt hầu hết là vì gia đình còn kẹt lại, trong cơn hoang mang và đau khổ tột độ, tình cảm che lấp lý trí và bị kích động, họ đòi quay trở về với lý do xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Nhưng người Cộng Sản thừa hiểu, những người tị nạn này quay trở về chỉ vì có người còn vợ con, có người còn mẹ già không có người săn sóc, có người hoảng loạn bỏ lại vợ mới cưới, người tình đằng sau. Cho nên, Cộng Sản mở một cuộc đón tiếp để quay phim chụp hình và sau đó đẩy tất cả đàn ông vào khu rừng Xuân Phước và bị buộc phải xây dựng nhà tù này để chính quyền Cộng Sản giam giữ chính những đồng đội của mình. Tôi đã có rất nhiều dịp tiếp xúc với họ, nên hiểu được tấm lòng của họ và thấy họ đáng thương quý hơn là đáng trách. Một sĩ quan xưng là quản gia cho tướng Nguyễn Cao Kỳ tâm sự với tôi: “Cậu tính coi, lúc đó vì hoang mang đi gấp không kịp lôi vợ con và bà mẹ già theo. Ðến Guam, cứ nghĩ đến họ, làm sao nuốt nổi miếng cơm chứ. Tôi biết nhiều người không thể thông cảm được lý do tôi trở về, trong đó có thể có cả vợ con tôi nữa, nhưng đành chịu vậy. Cho nên dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn nạn như thế này, tôi vẫn thấy lương tâm yên ổn hơn”.
Tôi không có ý định nói chi tiết về vụ này mà muốn trở lại cái đêm Noel trong xà lim số 6. Xà lim là tiếng dịch theo âm Việt Nam của “cellule” (tiếng Pháp), xuất hiện trong văn chương và báo chí từ thời Pháp thuộc. Thực ra nếu tra tự điển tiếng Anh Việt hay Pháp Việt, chữ cell hay cellule đều có nghĩa là “tế bào”. Trong các trại tù của những quốc gia theo chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa cộng sản, hoặc các quốc gia dân chủ tự do, những “tế bào” vẫn được hiểu là những phòng biệt giam cá nhân để trừng phạt những tù nhân nguy hiểm. Những phòng biệt giam cá nhân này thường được xây dựng theo một tiêu chuẩn giống nhau: Không gian nhỏ hẹp của chúng phải đáp ứng được nhu cầu trừng phạt cả thể xác lẫn tinh thần người tù. Riêng tại các trại cải tạo do người Cộng Sản dựng lên, những phòng biệt giam cá nhân được gọi bằng một nhóm từ “nhà kỷ luật”. Trại A ở A-20 Xuân Phước có một dãy 10 phòng biệt giam cá nhân, mỗi phòng như vậy giống như một cái hộp với bề rộng 3 thước, dài 3 thước, cao 6 thước, xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt sắt, kín mít chỉ có một lỗ tò vò nhỏ ở cánh cửa trước để cho vệ binh kiểm soát tù nhân ở bên trong. Ở phía trong mỗi xà lim cá nhân, có hai bệ nằm song song, cách nhau bằng một khoảng hẹp khoảng nửa thước. Người tù nằm trên bệ quay mặt ra phía cửa hai chân bị cùm chặt bằng một cùm sắt (trong hình), có nhiều trường hợp bị cùm cả hai chân hai tay.
Nhưng cùm như thế nào? Có phải là cùm bằng còng số 8 như ta thấy cảnh sát Mỹ còng tay phạm nhân để giải giao về sở cảnh sát không? Thưa không phải như vậy! Làm gì chúng tôi lại được ưu đãi đó. Loại còng trong những xà lim mà tôi trải qua suốt 5 năm liên tiếp tại A-20 trong rừng Xuân Phước là “cùm Omega”. Tại sao lại gọi loại cùm này bằng cái tên của một hiệu đồng hồ rất nổi tiếng là đồng hồ Omega. Hai cái vòng sắt để khóa hai chân người có hình thù giống y chang logo của đồng hồ Omega (minh họa của Bùi Ánh). Khi bị còng trong xà lim, người tù cải tạo bị đẩy ngồi lên bệ nằm, duỗi thẳng hai chân. Viên cán bộ an ninh trại giam sai một trật tự lấy ra một lô vòng sắt hình ký hiệu omega ra và ướm thử vào cổ chân người tù. Nếu đám an ninh trại giam không có ý định trừng phạt nặng tù nhân cải tạo thì họ ra lệnh cho trật tự lấy hai vòng omega vừa vặn với cổ chân người tù cải tạo. Ngược lại nếu họ muốn trừng phạt nặng và muốn làm nhiễm độc thối chân người tù, họ tra vào cổ chân tù cải trạo hai vòng omega nhỏ hơn vòng cổ chân rồi đóng mạnh xuống. Khi cổ chân người tù lọt vào được chiếc vòng omega, nó đã làm trầy trụa một phần hay nhiều phần cổ chân người tù. Sau đó, họ tra vào bên dưới một cây sắt dài qua những bốn lỗ tròn ở hai vòng omega, một đầu cây sắt ăn sâu vào mặt tường trong, đầu phía ngoài của thanh sắt được xỏ qua một chốt được gắn thật sâu xuống cạnh bên ngoài của bệ nằm. Một cây sắt khác ngắn hơn, một đầu được uốn tròn, đầu kia của cây sắt này được đánh dẹp và khoan một lỗ nhỏ. Khi hai thanh sắt này được khóa chặt với nhau thì một đầu của cây sắt dọc sẽ xuyên qua một lỗ nhỏ tường phái trước, thò ra ngoài ra ngoài một đoạn. Chỉ việc tra một cái khóa vào đầu phía ngoài ấy của thanh sắt dọc là tất cả hệ thống trên sẽ tạo thành một cái cùm thật chặt khó lòng một người tù nào có thể mở khóa vì mấu chốt để tháo cùm là ổ khóa bên ngoài. Phải mở được ổ khóa bên ngoài thì mới mở được cùm.
Có bốn mức cùm dành cho một tù cải tạo khi họ bị biệt giam ở trại Xuân Phước:

Mức độ 1: Cùm một chân phải,

mức độ 2: Cùm một chân trái,

mức độ 3: Cùm hai chân,

mức độ 4: Cùm hai chân hai tay.

Tôi đã trải qua mức độ 4 trong 8 tháng liên tiếp, sau đó giảm xuống mức độ ba, rồi lại tăng lên mức độ 4 trước khi giảm xuống mức độ 3, 2 rồi 1. Khi còn bị cùm mức độ 4, ngoài hai bữa ăn và ban đêm, tôi được tháo cùm 2 tay, thời gian còn lại lúc nào tôi cũng phải ngồi cong như con tôm luộc vì kiểu cùm độc ác này. Sở dĩ tôi được giảm xuống mức độ 3 rồi trở lại mức độ 4 chỉ vì một sự kiện: Sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế để thả tôi ra. Khi hai thành viên của Hội này là bà Frederick Fuchs (người Bỉ) và ông Pierre Carreaux (cựu chiến binh người Pháp) từ Belgique bay qua Bangkok với một danh sách 14 ký giả, phóng viên bị trả thù bởi chế độ mới tại Việt Nam và đòi đến Hà Nội để được gặp mặt những người này. Chỉ có bà Fuchs là được vào Hà Nội, nhưng bà chỉ được nhận hồ sơ can thiệp và được phép thăm bà mẹ tôi tại Saigon chứ không được đến trại A-20 gặp mặt tôi. Khi bà Fuchs đòi chiếu khán ở Bangkok để vào Hà Nội trùng vào thời điểm tôi được tháo cùm hai tay và thời gian bà Fuchs rời Hà Nội trùng thời gian tôi bị trở lại mức cùm số 4.

Trước khi tôi được tháo cùm hưởng ân huệ ở mức độ 2, thì một phái đoàn do Hoàng Thanh hướng dẫn từ Hà Nội vào “thăm” A-20. Ông ta lôi một lô những người tù cải tao đang nằm trong biệt giam tại trại A cũng như B ở A-20 ra thẩm cung. Tôi được một trong những thẩm vấn viên cho xem bản sao những lá thư can thiệp đòi thả tôi, và 13 ký giả khác trong đó có kèm theo cả những lá thư của bằng hữu và đồng nghiệp với tôi ở Pháp, trong đó có thư của ông Trần Văn Ngô tức ký giả Từ Nguyên, một cựu phóng viên của Việt Tấn Xã thuộc lớp đàn anh chúng tôi. Sau đó anh ta nói thẳng với tôi:

“Bọn mày thấy đấy, mấy thằng Tây này kể cả mấy thằng ký giả Việt gian chạy trốn tổ quốc không thể đánh tháo chúng mày được. Khôn hồn thì chịu cải tạo để không bị chết trong cùm. Suốt đời chúng mày sẽ không ra khỏi cái thung lũng này được đâu. Ân Xá Quốc Tế hả, còn khuya bọn nó mới làm gì được chúng tao”.

Tôi không trách gì việc can thiệp này mà lại còn vui là đằng khác, bởi vì nó củng cố cho tôi một niềm tin và thấy được tấm lòng hào sảng của bạn bè đồng nghiệp ra được nước ngoài. Tôi thành thật tri ân họ.
Những ngày tiếp theo, tôi bị nâng cùm ở mức độ 4 và bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn bằng một nửa so với các anh em bên ngoài, nghĩa là chỉ còn mỗi bữa ăn 150 grams. Nếu tính chi ly ra thì 150 grams thực phẩm mỗi ngày gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày. Ăn mặn và uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Trong tù mà bị thận thì kể như tàn đời. Cho nên ăn lúc đó trở thành ít quan trọng hơn dù lúc đó chúng tôi đã là lũ ma đói. Cái khát triền miên đã che đi cái đói. Nếu tôi muốn ăn muốn ăn được khẩu phần dành cho người đang bị trừng phạt phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt cái mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì. Tôi không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Tôi nghĩ chỉ có cách nhịn, nhưng càng đói lả đi thì mồ hôi ra như tắm, một tình trạng hết sức nguy hiểm. Cha Vàng thấy tôi lả đi, ngài đập cửa báo cáo nhưng đám cán bộ của nhà kỷ luật im lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra. Buổi trưa hôm đó, cha Vàng nẩy ra một ý kiến. Ngài nói:

“Anh không thể tránh ăn mãi như thế. Nếu chúa che chở cho mình, phù cũng không chết. Bố tự trách không nghĩ ra việc hy sinh nửa ca nước của bố cho anh. Khoai mì ít ngấm nước muối hơn. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn”.

Tôi khước từ:

“Bố (trong tù chúng tôi đều gọi tất cả các tu sĩ của các đạo giáo là bố hết) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu”.

Ông cười:

“Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được”

. Tôi chọc ngài cho bớt căng thẳng:

“Thế bố đã thử chưa mà khi đi giảng đạo có lúc bố nói về hạnh phúc lứa đôi”.

Cả hai chúng tôi đều cười vang. Cha Vàng nói:

Ê này, để bố nói cho anh nghe chuyện này. Bố dù là linh mục thì cũng là người, con tim cũng rung động như mọi người khác, nhiều lúc bố cũng muốn thử. Những lúc như thế mình phải tranh đấu với chính bản thân mình ghê lắm để đừng vượt rào đi ăn tình. Ðiều này cũng cần can đảm mới làm được. Tín đồ kính trọng người tu hành là kính trong sự can đảm ấy, kính trọng sự vượt qua để phụng sự, chứ nếu giống như thường tình thì nói gì nữa”.
Vâng thưa quý vị, giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt. Vào tuần lễ thứ tư của cuộc trừng phạt, như một phép lạ, viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Tù nhân mang cơm cho nhà kỷ luật cũng không phải là Hùng đen mà là Tuấn “sún” ở đội tù hình sự. Thông thường, khi vào phát khẩu phần cho nhà kỷ luật, viên cán bộ trực trại thường mở xà lim có tù nhân “bị gởi” (tù nhân bị ăn chế độ trừng phạt) trước. Nhưng lần này thấy các xà lim được lần lượt mở từ 1 cho đến 9 (số hên?) Xà lim 10 không có “khách”.

Ðến xà lim số 6, cha Vàng đưa hai chiếc bát nhựa và hai ca đựng nước ra trong khi viên cán bộ đích thân mở khóa tay cho tôi. Viên cán bộ này mặc đồ công an không lon lá gì cả nên không biết cấp bậc anh ta. Phát khoai xong, thấy Tuấn “sún” múc một vá nước muối, viên cán bộ nói ngay:

“Ít muối thôi, chan đẫm vào, làm sao người ta ăn được”.

Ðến phần nước, khi thấy Tuấn “sún” múc đầy cả hai ca, tôi hiểu rằng hôm đó tên cán bộ trực trại có việc gì đó không mở trại kỷ luật được, nên nhờ bạn thay thế. Vì làm thế nên anh chàng này không còn nhớ hoặc không thèm nhớ là trong trại có tù nhân phải ăn khẩu phần dành cho chế độ trừng phạt. Phát xà lim số 9 xong, lại thấy có tiếng chìa khóa mở cửa xà lim số 6 của tôi. Tôi đinh ninh rằng họ quay lại để lấy bớt phần nước nên tôi vội vàng cầm ca nước uống hết. Nhưng không, Tuấn “sún” xách thùng nước đứng ở cửa phòng hỏi:

“Có gì đựng thêm nước không”.

Tôi nói:

Có”

và đưa ca nước ra. Tuấn “sún” đổ đầy hai ca nước, rồi lại hỏi:

“Còn đồ đựng nước khác không?”

Cả hai chúng tôi lắc đầu. Viên cán bộ xen vào:

“Ðổ vào thau cơm cho họ, chiều hay mai lấy ra”.
Hình phạt dành cho tôi chấm dứt vào đầu tháng 11. Tôi đoán hết lý do này đến lý do khán khiến chúng chấm dứt sự trừng phạt đối với tôi. Nhưng cha Vàng nhận định:

“Nếu cần phải giết chúng ta, chúng đã tùng xẻo mình ngay từ lúc đầu. Ðoán làm gì cho mệt…”
Cuối tháng 11, cả hai chúng tôi đều được mở cùm cho ra đi tắm, lần đầu tiên sau 3 năm biệt giam. Khi được mở cùm, tôi đứng lên không nổi vì hai chân dường như cứng lại. Cha Vàng cũng nằm trong tình trạng ấy, nhưng ngài mới bị biệt giam hơn một năm nên còn lết được. Chúng tôi bám lấy nhau theo hướng dẫn của trật tự đi ra ngoài giếng được đào bên cạnh một ao cá ngay sau nhà kỷ luật. Thời tiết tháng 11 ở vùng tiền sơn Tuy Hòa đã lạnh lắm rồi. Tôi còn có được một cái áo lạnh tự may bằng cách phá một chiếc chăn len của một bạn tù cho từ năm 1980. Khi được cho chiếc chăn len này, tôi nghĩ ngay đến chuyện may thành chiếc áo giống như áo trấn thủ. Trò may vá trong các trại tù cũng là một thú tiêu khiển và giết thời giờ. Chúng dùng những cộng sắt để làm kim và chỉ thì bằng những sợi rút ra từ những chiếc áo hay quần may bằng bao cát. Chính ở những trò may vá này, chúng tôi học được một bài học: Cùng thì tắc biến. Trước những trò đàn áp, những mưu chước thô bạo quản thúc con người trong các nhà tù cộng sản, vẫn có rất nhiều người vượt qua được cơn khốn khó do bản năng sống còn của họ rất mạnh. Cứ thử nghĩ một người nếu ăn bất cứ con vật gì mà họ bắt được kể cả rít núi, cỏ kiểng, ăn sống cả loại khoai mì H-34 có nhiều chất độc trên đất Hoa Kỳ này, thì chỉ có nước vào nhà thương sớm. Nhưng thời gian dưới các nhà tù Cộng Sản bệnh không có thuốc, ăn bậy bạ mà các tù nhân cải tạo ít bị hề hấn gì. Tôi nghĩ một cách chủ quan rằng chỉ có phép lạ hay bản năng tự tồn của người khi bị đẩy vào cùng quẫn mạnh, mới giúp cho một người tù sống được và có ngày trở về. Một số bạn tù của tôi sau này hay nói đến chuyện sống vì tinh thần, lúc đầu tôi chỉ coi là chuyện vui, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy cũng có phần chí lý. Khi một người tù chấp nhận phần xấu nhất về mình, sẽ bất chấp những đòn thù. Vì một người biết chấp nhận phần xấu nhất về mình trong hoàn cảnh lưu đầy, sẽ chẳng còn gì phải suy nghĩ về hiện tại lẫn tương lai, ngày về. Lúc đó nếu Việt cộng có bắn mình một viên vào ngực, có lẽ điều đó được coi là ân huệ hơn là kéo dài cuộc sống của những người tù theo cách nửa sống, nửa chết như thế. Cho nên, người cộng sản có thể tính được nhiều trò đàn áp, hành hạ con người, nhưng không tính được điều liên quan đến bản năng và tinh thần của con người.
Khi chúng tôi ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim. Còn tắm táp gì trong điều kiện thời tiết này. Thấy Cha Vàng run lên bần bật vì gió lạnh. Ngài lại chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù, nên tôi cởi chiếc áo trấn thủ và nói:

“Bố đưa chiếc áo len con, bố mặc chiếc áo của con vào ngay. Bố phong phanh thế, cảm lạnh bây giờ. Bố nhớ rằng ở đây không có thuốc, mặc chiếc áo này của con đi, bố đưa áo len cho con”.

Ông nhất định không chịu, nhưng cuối cùng tôi vẫn lột chiếc áo len của cha Vàng ra và mặc chiếc áo trấn thủ mang bằng chăn len hai lớp của tôi, tôi mặc chiếc áo len của ông. Dĩ nhiên chúng tôi chẳng tắm táp gì được cả, ngồi núp vào bức tường che giếng nước để tránh gió. Cha Vàng ít run rẩy hơn. Ngài đứng dậy và vung tay cử động. Tôi làm theo ngài. Tôi có cảm tưởng cứ mỗi lần vung tay cử động theo kiểu Dịch Cân Kinh thì chúng tôi choáng váng có thể chúi về trước, nhưng đồng thời cũng cảm thấy bớt lạnh. Viên cán bộ trực trại dặn chúng tôi:

“Các anh tắm thì tắm, không muốn thì thôi. Nếu không thì ngồi đây phơi nắng (ở Xuân Phước, mùa Ðông thường không thấy mặt trời). Cấm không được liên hệ với ai”.

Nói xong, anh ta bỏ đi.
Nói thì nói vậy, nhưng các anh em trong nhà bếp đều là anh em sĩ quan cải tạo, nên cũng tìm cách tiếp tế cho chúng tôi vài miếng cơm cháy, mấy tán đường. L.S, một người Việt gốc hoa, một tỷ phú, vua máy cày trước 30-4-1975 bị đẩy lên trại này sau khi lãnh cái án 20 năm tù sau đợt đánh tư sản mại bản lần thứ nhất, đang được cắt cử coi vườn rau cải. Ông ta từ vườn rau đi khơi khơi, không lén lút gì, đến thẳng chỗ chúng tôi, đưa một gói bánh trong đó có ít bánh bisquit lạt và ít đường tán, và thiết thực hơn là khoảng 10 viên thuốc B1. L.S nói:

Ngộ biếu, bánh đường ăn hết ở ngoài này đi, đừng mang vào chúng nó sẽ tịch thu. Thuốc B1 cần cho các nị lắm á. Cứ ăn từ từ, đừng có lo, nhà nước ‘no’ hết ”.

Xong ông ta bỏ đi.

Nhóm người Việt gốc Hoa sống trong trại rất đầy đủ, nhưng đối với chúng tôi, lúc nào họ cũng cư xử đàng hoàng. Những tin tức từ bên ngoài được đem vào trại của họ khá chính xác. A-20 là trại trừng giới nhưng quà thăm nuôi hàng tháng của họ chất đầy chỗ nằm. Mỗi lần thăm gặp họ ở với gia đình cả ngày ở ngoài nhà thăm nuôi cũng được, nếu họ muốn. Nhưng ít khi nào họ hành động như vậy. Môi trường ở A-20 là môi trường tế nhị. Những doanh nhân này đầu óc rất thực tế: Có tiền mua tiên cũng được huống chi đám cán bộ trại giam vốn cũng đói rách. Cái giá của việc khơi khơi đến tiếp tế cho chúng tôi ít ra cũng phải trả bằng 6 tháng biệt giam, nếu bị bắt gặp. Nhưng 6 tháng biệt giam chỉ tương đương với 2 cặp lạp xưởng. Ông là người tù duy nhất ở trong trại có thể trả cái giá ấy bằng lạp xưởng hay nửa bao thuốc lá ba số 5 thay vì vào biệt giam. LS biết chắc rằng buổi tối hôm ấy, tên trật tự (bị án chung thân vì tội cướp có súng) sẽ xuống gọi LS ra cửa sổ buồng giam và xin hai ặp lạp xưởng cho cán bộ nấu xôi. Cho nên, LS đi đâu một lúc rồi ông ta trở lại với cái điếu cày, diêm và nói:

“Thuốc nào này say lắm, cẩn thận. Ðừng mang diêm vào biệt giam”.

Hút xong thuốc lào, chờ cơn “phê” nhạt dần, tôi chợt nẩy ra ý kiến

: “Bố ơi mình giấu 2 bi (tiếng lóng của hai điếu) để đêm Noel hút”.

Tôi quận nhúm thuốc còn lại cho thật nhỏ vào bao nhựa đựng 10 viên B1 và nhét vào gấu quần. Cái gấu quần là chỗ hôi thối của những người tù 3 năm không được tắm, chắc không có ai muốn sờ đến nên có thể an toàn. Biệt giam là nơi cấm hết mọi thứ kể cả thuốc hút nên chúng tôi phải hành động như vậy. Và quả thật, trước khi mang chúng tôi vào lại xà lim, trật tự Hùng đen chỉ khám sơ sơ. Tôi và Cha Vàng đã thắng.
Nhưng vào đến xà lim, sau khi xỏ chân vào cùm, nghĩ lại tôi mới thấy thất vọng: lửa ở đâu mà hút. Thảo luận mãi, Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Tôi lại chọc vị tu sĩ Công giáo rất hùng biện này:

“Bố con mình đang ở thời kỳ đất sét mà bố nghĩ đến phương pháp của thời kỳ đồ đá”.

Cha Vàng cười:

“Mày chỉ tầm xàm. Ðứng đắn đấy. Ðêm Noel mình sẽ hút thuốc lào, bố cáo cách rồi”.

Sau đó cha Vàng giảng giải cho tôi cách lấy lửa “thời kỳ đồ đá”. Vị tu sĩ nói như giảng đạo:

Này nhé, con có biết rằng nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đồi sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa. Những tia lửa đó rớt xuống đám lá khô dễ bắt lửa và họ thổi cháy thành ngọn lửa”.

Chà Vàng nói:

chỉ cần một thanh vỏ tre và áo mục”.

Tôi hỏi Cha Vàng:

“áo mục thì có sẵn, nhưng thanh vỏ tre?”

Cha Vàng cười

: “Bố giao nhiệm vụ cho mày nếu bị kêu đi thẩm cung, thế nào trước Noel chúng cũng gọi chúng ta ra tra vấn và khám xà lim, một biện pháp an ninh trước những ngày lễ trọng…

Do kinh nghiệm, cha Vàng nói đúng. Năm ngày trước Noel, trời có nắng, những tia nắng hiếm hoi xuyên qua cửa tò vò vào phòng giam. Ngài vội lấy chiếc áo tù bằng vải thô vá chằng vá đụp, xé hai mảnh nhỏ. Ngài nói:

“Ðây là cái áo bố đã giặt rất sạch trước khi vào đây, để làm con cúi lấy lửa khi cần. Xé nó ra phơi cho thật khô. Cuộn lại cho chặt thành một cuộn bằng ngón tay cái. Dùng móng tay đánh tơi một đầu, đánh thật tơi cho đến khi sợi vải ở đầu con cúi xuất hiện một lớp bông. Dùng miếng vỏ tre thật mỏng luồn nó vào cái khe hẹp để gắn quai dép lốp rồi kéo cho đến khi thanh tre nóng bỏng. Hơi nóng của bột tre dính trên mặt bông của con cúi, lửa sẽ ngún và thổi nhè nhẹ vết lửa sẽ loang ra, chỉ cần thổi nhẹ là lửa sẽ bật lên”.
Nghe Cha Vàng nói tôi tưởng là ngài nói chuyện thần thoại. Nhưng do vẫn nghĩ đến phép lạ, nên tôi nghe theo lời ngài. Tôi nghĩ đây là một trò vui và cũng là dịp tự thử thách mình. Ðúng như dự đoán, trước Noel 1984 ba ngày, lần lượt chúng tôi bị kêu ra ngoài thẩm cung và xà lim bị khám xét rất kỹ. Nhưng họ vẫn không phát giác ra được mấy điếu thuốc lào và thuốc B1 tôi giấu trong lai quần. Có lẽ do người hôi thối quá nên, anh cán bộ nào cũng sợ mó vào quần áo tôi. Chỉ còn thanh tre mỏng. Tôi nghĩ ra một kế nên báo cáo cán bộ cho xin một thanh tre mỏng mang vào xà lim để làm dồ cạo lưỡi. Viên cán bộ hỏi tôi

: “Lưỡi anh làm sao?”

Tôi nói:

“Ðóng bợn ba năm rồi không được cạo, nên xin cán bộ”

. Anh ta không nghi ngờ gì cả nên gật đầu:

Nhưng tre ở đâu ra?”

Tôi nói ngay

: “Ở nhà bếp chắc có”.

Anh cán bộ gọi trật tự Hùng đen:

“Xuống nhà bếp bảo họ cho tôi một vỏ tre cạo lưỡi cho anh này”.

Tôi lại gặp may lần nữa. Mấy anh em nhà bếp tưởng làm cây cạo lưỡi cho cán bộ nên họ làm rất kỹ và tôi có một thanh cạo lưỡi bằng vỏ tre khô dài khoảng 2 gang tay.
Sau khi trở lại xà lim, tôi bắt đầu thực tập ngay. Tháo một quai dép lốp ra, tôi luồn thanh tre vào và dùng hai tay kéo cưa. Thấy nóng thật, tôi ra sức kéo mạnh. Cha Vàng vội can:

“Kéo từ, thở ra hít vào đều, ít ra cũng một tiếng đồng hồ”.

Tôi lại chọc cha Vàng:

Bố ơi, mình dang ở thời kỳ đồ đất mà kéo như thế này, chắc phải ăn 5 phần khoai mì may ra mới bù lại được. Ðồ đất dễ vỡ lắm!”

'Vị linh mục cười hiền lành:

“Thôi dừng có nói nữa, anh nói nhiều xì hơi còn sức đâu mà kéo”

.Trong khi tôi đánh vật với chiếc dép và thanh tre, thì Cha Vàng móc trong tay nải lấy hai miếng vải đã phơi khô ra và làm thành một con cúi. Ông chà một đầu con cúi xuống sàn rồi lấy móng tay út lúc đó đã dài như móng tay của mấy bà người Tàu bó chân, khẩy khẩy cả tiếng đồng hồ vào những thớ vải lúc đó đã hơi bung ra. Ðến khi thấy mệt, mồ hôi ra như tắm, tôi nói với Cha Vàng:

“Con chịu thua rồi bố ơi, mệt quá”.

Cha Vàng khuyến khích:

“Ðừng ngừng, tiếp tục để bố thử coi

”. Tôi tiếp tục kéo. Bột tre đã văng ra có thể nhìn thấy trên sàn. Khi Cha Vàng lựa thế đưa cúi vào thì tôi gia tăng tốc độ. Cha Vàng reo lên:

“Hơi ngún rồi tại, chưa bén than vì anh kéo chưa đủ đô”.

Quả thật tôi cũng thấy một chút khói bốc lên. Ngày hôm sau, chúng tôi lại thử, một cuộc chạy đua tiếp sức của hai người. Ðể con cúi vải xuống sàn, tôi và Cha Vàng thay phiên nhau kéo, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” đã đến. Ðầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra, trang sử của mấy ngàn năm trước được lật lại. Cha Vàng tiếp tục thổi nhẹ để nuôi dưỡng ngọn lửa. Và khi đã ngủi thấy mùi khét của vải, ngài thổi hơi mạnh. Ngọn than hồng lan rộng ra hơn và cuối cùng chỉ cần một hơi nhẹ, ngọn lửa bùng lên. Vị tu sĩ nhìn con cúi vải có than hồng giống như một điếu thuốc lá mới được đốt lên, rồi cười vang:

“Mình thắng”.

Ngài lục trong tay nải một miếng giấy châm vào cúi vải, ngọn lửa lan sang đóm giấy. Xong, cha nắm chặt tay tôi giơ lên cao như một võ sĩ được trọng tài nắm tay giơ cao sau khi đấm địch thủ do ván.
Chúng tôi ngồi nghỉ một lát, sau đó Cha Vàng nói:

“Chúng ta đã học xong bài học lúc bố đã ngoài 50, còn con đã 33 tuổi. Nhưng tự bố, bố thấy chúng ta xứng đáng với bài học ấy. Ðó là kiên trì đạt mục tiêu trong hoàn cảnh khó khăn nhất”.

Ðúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, chúng tôi đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và ngậm nước. Hút như thế, miệng mình chính là cái điếu, và cũng có tiếng kêu, cũng chếnh choáng say như khi hút bằng điếu cày. Chỉ có điều khác với hút thuốc lào bằng điếu cày: Sau khi hút phải nhổ nước đi. Trong hoàn cảnh tôi và Cha Vàng lúc đó thì hơi tiếc vì chúng tôi thiếu nước uống kinh niên.
Kể từ ngày sống cùng một xà lim với Cha Nguyễn Văn Vàng, tôi học được nhiều điều. Trong suốt thời gian này, ngài giảng cho tôi bộ Tân Ước. Dù tôi là một Phật tử, nhưng nghe một nhà truyền đạo Công giáo chuyên môn giảng kinh, nên bộ Tân Ước đã củng cố những lập luận sau này của tôi rất nhiều. Quan trọng hơn hết, đó chính là kỷ niệm với một tu sĩ mà tôi kính trọng.
Tháng 4-1985, Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá yếu. Có lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Tôi đập cửa kêu cấp cứu suốt ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y sĩ vào khám bệnh, thì mọi việc có vẻ quá muộn. Hai viên trụ sinh không đủ khả năng làm Cha Vàng tỉnh lại. Vào đúng lúc cả hai chúng tôi đều cảm nhận được mùa Giáng Sinh đã trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách chúng tôi xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá và u tịch. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng qua đời ngay trong xà lim số 6. Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với tôi là làm sao có được bánh thánh lúc ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con chiên duy nhất trước ngài lúc đó lại là một Phật tử như tôi. Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.

Vũ Ánh


GHPGVNTN rối ren 33 cau hoi cho VÕ VĂN ÁI-27.08.2008

Tình hình phức tạp và rối ren nội bộ của GHPGVNTN

33 cau hoi cho VÕ VĂN ÁI-27.08.2008

Chất vấn ông Võ Văn Ái

* PSN - 27.08.2008 - Thích Viên Giáo

Đúng ngày 22-8-2008 (nhằm ngày 22-7 âm lịch Mậu Tý), là Lễ Chung Thất của cố Hòa thượng Thích Huyền Quang, Tăng thống GHPGVNTN. Vì tình hình phức tạp và rối ren nội bộ của giáo hội này (nhiều hơn là từ bên ngoài), có những thay đổi bất thường trong việc tổ chức ngày Lễ Chung Thất mà đúng ra, theo truyền thống Phật giáo, cần đúng ngày.

Nhưng theo các văn kiện phổ biến từ cuối tháng 7-2008, VPII Viện Hóa Đạo tại hải ngoại lại tổ chức Lễ Chung Thất Đức Tăng Thống vào ngày 17-8-2008 (sớm hơn 5 ngày) và trong dịp này sẽ công bố Chúc Thư, Giáo Chỉ của Ngài đồng thời làm Lễ Suy Tôn (một hay nhiều vị nào đó). VPII VHĐ cũng tuyên bố rằng đã được sự “ủy nhiệm” của GHPGVNTN để tổ chức buổi lễ nói trên. Thế nhưng, khi bị một vài Thầy chất vấn vì sao VPII VHĐ lại tổ chức trước VPI, và có phải những văn kiện nào ký tên Hòa thượng Huyền Quang được tuyên bố trước Lễ Chung Thất (chính thức – ngày 22-8-2008) đều là “tài liệu giả” (theo xác định của ông Võ Văn Ái (VVA) trong Tcbc ngày 22-7-2008), thì VPII VHĐ hoảng hốt, tìm cách giải thích, bằng cách ngụy tạo những văn kiện và sự kiện không có thật.

Giáo hội Thống nhất (GHTN) ở trong nước ban đầu cũng dự trù tổ chức đúng ngày, nhưng cuối cùng, do “áp lực” của VPII VHĐ tại hải ngoại mà đành phải làm lễ sớm hơn 5 ngày, tức vào ngày 17-8-2008 tại Việt Nam, lúc đó tại Hoa Kỳ còn trong ngày 16-8-2008. Ngày 17-8-2008 là ngày cuối cùng mà nếu GHTN trong nước không chịu tổ chức Lễ Chung Thất thì VPII VHĐ khó ăn nói với mọi người về lý do tại sao tổ chức sớm hơn trong nước và lại tự cho mình thẩm quyền công bố Chúc Thư và Giáo Chỉ nào đó của cố Hòa thượng Thích Huyền Quang trước cả Hội Đồng Lưỡng Viện trong nước. Thế nên, để hợp thức hóa sự sai trái của VPII VHĐ (mà ông VVA hầu như nắm toàn quyền), GHTN đã kịp thời ra Quyết Định số 31 vào ngày 16-8-2008, “ủy nhiệm” VPII VHĐ tổ chức Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân và công bố Chúc Thư, Giáo Chỉ của cố HT. Thích Huyền Quang. Có lẽ Quyết Định này cũng chỉ là quyết định “ma” được ông VVA đẻ ra nhằm ứng phó tình hình bị đổ bể sự gian manh dối trá của mình chứ GHTN trong nước cũng chẳng biết ất giáp gì. Ai cũng thấy sự “ủy nhiệm” này không cần thiết, vì VPII qua Tỳ kheo Giác Đẳng đã công bố là được GHPGVNTN “ủy nhiệm” từ cuối tháng 7-2008 rồi. Nói như thế có nghĩa là cả hai văn phòng VHĐ I và II đều dối trá một cách trắng trợn và quá xem thường sự hiểu biết của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Dù Quyết Định 31 là thật hay giả, do VPI hay VPII chế ra, đều cho thấy sự không trung thực (nếu không muốn nói thẳng là nói gian, nói dối) của những người đương nhiệm điều hành. Nếu Quyết Định 31 thực sự do VHĐ trong nước đưa ra, không lẽ suốt một tháng qua VHĐ không biết là VPII đã phổ biến tin tức về Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân ngày 17-8-2008 đã được GH ủy nhiệm hay sao! Không biết thì quá vô lý và quá tắc trách! Còn như đã biết mà vẫn ra Quyết Định 31 thì quả là một hành xử vô minh, vô cùng sỉ nhục đối với giác linh cố HT. Thích Huyền Quang cũng như sự hy sinh của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đối với sự sống còn của GHPGVNTN. Còn nếu VHĐ biết rằng ông VVA đã tiếm danh GHTN để tạo ra Quyết Định 31 mà vẫn im lặng, không chất vấn, không sa thải phát ngôn nhân này thì toàn thể VHĐ không xứng đáng để lãnh đạo GH, không xứng đáng để được gọi là “Thích tử”, là những bậc xuất gia đức hạnh đại diện Đức Phật!

Tôi thấy xấu hổ và đau lòng khi GHTN mà tôi tôn kính từ nhiều năm qua mà nay ra nông nỗi này. Tôi không hiểu sao quý Ngài lãnh đạo GHTN cả trong lẫn ngoài nước lại dễ dãi, vô tâm, phó mặc cho một người thế tục thao túng, nắm hết quyền hành của GH từ mười năm qua! Đây là một pháp nạn lớn của GH, quý Ngài không thấy, không biết hay sao?


Bao nhiêu bài viết góp ý, xây dựng, trình bày thực hư, phải trái, vạch rõ những sai lầm của ông VVA và những người đồng lõa như HT. Thích Chánh Lạc, TT. Thích Viên Lý, TT. Thích Giác Đẳng, TT. Thích Thiện Tâm… không lẽ GHTN nhắm mắt bịt tai không đọc, không từng một lần suy nghiệm, không từng một lần tự vấn lương tâm? Vậy thì sao có thể gọi là “lãnh đạo”! Vậy thì làm sao gọi là “cang cường, bất khuất, vô úy”! Vô úy đâu phải chỉ là không sợ bị công an kêu đi “làm việc”, hạch sách, bắt bỏ tù! Mà vô úy còn là sự can đảm chấp nhận sự sai lầm và thiếu trách nhiệm của chính mình đối với GH và đối Phật giáo Việt Nam! Vô úy cũng còn là sự uy dũng đón nhận những tấn công chỉ trích, xuyên tạc, vu khống của kẻ gian ác để công khai bày tỏ sự thật, dù sự thật này sẽ khiến mình không còn địa vị danh tiếng như trước! Nếu quý Ngài không lên tiếng cho lẽ phải, cho sự thật, cho sự quang minh của GHTN thì lịch sử sẽ ghi tội quý Ngài rất rõ ràng, từng vị một. Đừng bao giờ tưởng rằng mọi việc ở đời chỉ liên quan đến ngày hôm nay mà chỉ biết chăm lo danh vọng địa vị hão huyền cho cá nhân. Lịch sử sẽ không tha thứ sự nhu nhược kém hèn và dối trá điêu ngoa của ai vô tâm, vô tình, vô trí trước sự suy tàn của GH và của Phật giáo VN.

Nhiều vị tôn đức và Phật tử đã viết để trình bày sự thật, vạch trần sự gian dối của ông VVA, nhưng GHTN trong nước không chịu lắng nghe. Quí Ngài không nghe nhưng không có nghĩa rằng sự gian dối nơi con người ấy được khỏa lấp, lãng quên đâu! Ở trong nước quí Ngài nghe sự khoa đại về các dân biểu, chính khách, tổ chức quốc tế… từ ông VVA nên tưởng đâu ông này là nhân vật quan trọng, danh tiếng lắm, nhưng kỳ thực, hầu hết thành phần trí thức và quần chúng Phật tử ở ngoài nước có coi ông này ra gì đâu. Nhất là ở ngay tại Pháp quốc là nơi ông VVA lập nghiệp (ác), nơi mà cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế hoạt động, không ai tin tưởng và thậm chí không muốn nghe hay đọc bất cứ điều gì từ “phát ngôn nhân” này cả, đến nỗi ông phải chạy qua Mỹ để làm ăn bằng cách bòn rút máu xương của VPII Viện Hóa Đạo qua những người tham quyền cố vị ù lì.

Dù vậy, nọc độc gian dối và xảo quyệt của ông vẫn tiếp tục phun ra, làm dơ lây cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản với sự tiếp tay của một số người nhẹ dạ hoặc cố ý làm ngơ để phá nát cơ đồ Phật giáo. Thế nên, tôi chỉ xin tóm lược một số vấn đề để đặt thẳng với ông VVA mà cũng đặt ra với VPII VHĐ (mà ông là thành viên chủ yếu biến các thành viên khác thành những người giúp việc dễ sai bảo), xin ông lần lượt giải thích rõ ràng, công khai trước quần chúng, bằng Thông cáo Báo chí của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, để làm sáng tỏ con người của ông cũng như con đường sai lầm của VPII Viện Hóa Đạo đã đẩy GHTN vào vực thẳm như thế nào. Nếu ông VVA không trả lời thỏa đáng những câu hỏi này, GHTN nên nhìn lại, xét lại, may ra còn kịp thời gian quay đầu mà thấy con đường sáng của tiền nhân, của Lịch Đại Tổ Sư và Thánh Tử Đạo.

Các câu hỏi sau đây chỉ là dựa vào các bài viết mà chư tôn đức và các cư sĩ Phật tử đã từng nêu ra trước đây mà không thấy VHĐ trong và ngoài nước trả lời. Việc mới trước, cũ sau.



BỊA ĐẶT SỰ ỦY NHIỆM CÔNG BỐ CHÚC THƯ, GIÁO CHỈ

1) Có phải VPII VHĐ đã tiếm danh GHTN trong nước, tự “ủy nhiệm” tổ chức Lễ Chung Thất và công bố Chúc Thư và Giáo Chỉ Đức Tăng Thống vào ngày 17-8-2008 tại Chùa Pháp Luân, Texas? Nếu thực sự có sự ủy nhiệm vậy văn thư nào chứng minh có sự ủy nhiệm đó trước ngày 23-7-2008 là ngày HT. Thích Hộ Giác ký Thông Tư và Thư Mời tham dự Lễ Chung Thất này?


2) Khi bị vạch trần âm mưu “tự ủy nhiệm” này, có phải ông VVA và VPII VHĐ đã sáng chế ra Quyết Định số 31, nói là do Hội Đồng Lưỡng Viện trong nước ban hành ngày 16-8-2008 hay không? Nếu thực sự có Quyết Định 31, vậy văn kiện này đâu mà không thấy đăng với ấn ký và bút tích của HT. Viện trưởng? Có phải là đang còn dùng kỹ thuật vi tính để lắp ráp con dấu và chữ ký nên chưa kịp phổ biến?


3) Nếu Quyết Định số 31 ký ngày 16-8-2008 có thực thì nó có chút giá trị nào đối với Lễ Chung Thất tại Chùa Pháp Luân không? Vì Quyết Định này chỉ mới có vào ngày 16-8-2008 trong khi chương trình và nội dung buổi lễ đã được phổ biến từ ngày 23-7-2008 qua Thông Tư và Thư Mời của HT. Thích Hộ Giác?


4) Ông VVA trích dẫn Quyết Định 31 ngày 16-8-2008, nói rằng “do những áp lực ngoại tại ngăn cấm không cho Phái đoàn Giáo hội về Tu viện Nguyên Thiều tổ chức lễ Chung Thất Đức cố Đệ tứ Tăng Thống nên HĐLV lấy quyết định tổ chức tại Saigon và cùng thời gian với VPII VHĐ (17-8-2008)”. Vậy có phải VPII là chính yếu, cao hơn và quan trọng hơn VPI hay không? Hay chỉ vì “áp lực” của VPII khiến VPI phải “khâm tuân” tổ chức sớm hơn dự trù để tránh tiếng vô lễ và vô lý của VPII?



CHÚC THƯ VÀ CÁC GIÁO CHỈ, THÔNG BẠCH

5) Nếu không bị “áp lực” nào cả, Hội đồng Lưỡng viện sẽ tổ chức lễ Chung Thất tại Tu viện Nguyên Thiều sau lễ Chung Thất do VPII tổ chức tại Chùa Pháp Luân 5 ngày. Vậy khi VPII công bố Chúc Thư và Giáo Chỉ tại Chùa Pháp Luân thì có phải là đọc “tài liệu giả” tiếm danh Đức cố Đệ tứ Tăng Thống như lời ông VVA khẳng định trong Tcbc ngày 22-7-2008 hay không?


6) Chúc Thư của Đức Tăng Thống ký ngày 17-01-2005 có thật hay không? Sao không thấy PTTPGQT đăng nguyên vẹn Chúc Thư này mà chỉ thấy bút tích ký tên và con dấu của Đức Tăng Thống? Có phải là VPII chỉ nhận được bút tích ký tên và con dấu của Đức Tăng Thống từ trong nước chụp lại (scan) và gửi ra, còn phần nội dung Chúc Thư thì tùy VPII soạn thảo hoặc dựa vào bản chính mà sửa đổi tùy ý?


7) Trong Thông cáo Báo chí ngày 20-8-2008, ông VVA cho biết có 3 Chúc Thư “giả” và một bản Chúc Thư do VPII công bố (bản này chưa có thể xác định là bản “thật” vì giữa 4 bản không có gì khác biệt về bút tích ký tên và con dấu của Đức Tăng Thống – bút tích mực xanh và con dấu mực đỏ do ông VVA phổ biến được tách riêng khỏi nội dung Chúc Thư nên không chứng minh được bản Chúc Thư do VPII công bố là Chúc Thư “thật”). Ông tạm đặt tên cho 3 Chúc Thư “giả” là bản A, B và C; tôi tạm đặt tên cho bản của VPII công bố là bản D. Ông VVA nói “Ba bản Chúc Thư giả A, B và C, đều ‘nhất trí’ ở hai điểm…”: một là gạt bỏ HT Thích Quảng Độ ra khỏi chức vụ hiện hành và chức vụ do Đức Tăng Thống ủy thác (nơi bản D); hai là “công cử TT. Thích Tuệ Sỹ lên chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo”. Nếu ông dựa vào số lần được “ủy nhiệm” hay “công cử” trong 4 văn bản nói trên mà cho rằng có sự âm mưu đưa TT. Thích Tuệ Sỹ lên thì ông quá hàm hồ, quá sai một cách đầy ác ý, ngậm máu phun người! Bởi vì trong 4 bản Chúc Thư lưu hành, có 3 bản (A, B và C) “công cử” TT. Thích Tuệ Sỹ làm Viện trưởng VHĐ (theo cách ông VVA cố tình phân tích và gợi ý cho người ta hiểu sai về TT. Thích Tuệ Sỹ), trong đó cũng có 2 bản (A và C) “công cử” HT. Thích Thiện Hạnh (làm Tăng Thống và Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống), nhưng lại cũng có đến 3 bản (B, C và D) “nhất trí” đặc biệt lưu tâm “duy trì và phát huy hơn nữa” PTTPGQT do ông VVA làm Giám đốc! Những chức vụ ủy thác hay công cử TT. Thích Tuệ Sỹ sẽ không thể xảy ra, vì theo Hiến Chương, Đức Tăng Thống không có quyền ủy thác hay công cử Viện trưởng VHĐ (mà cho dù Đức Tăng Thống có ân cần dặn dò cái ý đó đi nữa, TT. Thích Tuệ Sỹ cũng sẽ không bao giờ đón nhận một chức vụ đi tắt ngang không hợp Hiến chương giáo hội). Nhưng khen ngợi PTTPGQT “hoạt động hiệu quả từ nhiều năm qua” và huấn thị “nay cố duy trì và phát huy hơn nữa” thì rõ ràng là có âm mưu mượn Chúc Thư của Đức Tăng Thống để củng cố vị thế của PTTPGQT đối với giáo hội, phải vậy không ông VVA? Các Chúc Thư giả vì vậy có phải là trò ma mãnh của ông trước nhất là để “hù” HT. Viện trưởng là có một âm mưu lật đổ Ngài, thứ hai là để “vu oan giá họa” cho TT. Thích Tuệ Sỹ, và quan trọng nhất là đề cao chính ông hay không?


8) Chẳng qua ông VVA sợ một ngày nào vô thường xảy ra, HT. Viện trưởng về cõi Phật, vị Phó Viện trưởng VHĐ là TT. Thích Tuệ Sỹ lên thay thế (đúng theo Hiến Chương) thì ông VVA sẽ khó làm việc (vì không thể dùng danh lợi để mua chuộc bậc trượng phu cứng cỏi và thanh liêm như TT. Thích Tuệ Sỹ) nên từ năm 2003, sau Đại Hội Bất Thường tại Tu viện Nguyên Thiều, ông VVA đã tìm mọi cách để loại trừ TT. Thích Tuệ Sỹ ra khỏi giáo hội. Đó là lý do có sự xuyên tạc, chụp mũ TT. Thích Tuệ Sỹ một cách tàn bạo và tiểu nhân của ông VVA và các vị đồng lõa trong VPII suốt nhiều năm qua. Mà cho đến giờ phút này, trong Tcbc hàm hồ mượn Chúc Thư giả để tố giác TT. Thích Tuệ Sỹ, ông VVA và VPII vẫn chưa có một chứng cớ hay dữ liệu nào để chứng minh TT. Thích Tuệ Sỹ “đầu hàng CS”, hoặc có tham vọng tranh ngôi vị Viện trưởng. Phải không ông VVA? Nếu không phải, ông hãy đưa bằng chứng về những cái gọi là “âm mưu” của TT. Thích Tuệ Sỹ? Không có bằng chứng thì những gì ông và mấy người đồng lõa của VPII dùng “hết sức bình sinh” tố giác, ầm ĩ tấn công TT. Thích Tuệ Sỹ từ nhiều năm qua đều chỉ là phản ảnh của nỗi hoảng sợ và lo âu thấp hèn của một bầy quạ đối với chúa sơn lâm mà thôi. Giáo chỉ số 2, số 9, số 10, cũng như Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ số 9 đều thoát thai từ sự hoảng sợ này mà ra, phải không ông VVA?


9) Cũng trong Tcbc ngày 20-8-2008, ông VVA nói rằng “’Nhóm Thân Hữu Già Lam’ và nhóm ‘Về Nguồn’ ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu…” vận động từ 5 năm qua để TT. Thích Tuệ Sỹ được lên chức Viện trưởng VHĐ. Lại nói đó là “mục tiêu Bộ Công an vận động ráo riết cho Thượng tọa sớm đoạt chức này”. Bằng chứng đâu, hãy trưng dẫn! Không trưng dẫn được thì chỉ là sự vu khống rẻ tiền chỉ thấy ở những kẻ thấp bé tiểu nhân, suy bụng ta ra bụng người.


10) Tại sao cái gì thuộc tình báo, phản gián, công an, tài liệu mật của Bộ nội vụ (CSVN)… ông VVA đều nói là mình biết và đưa ra những nhận định có vẻ một trăm phần trăm có thực? Có phải ông là nhị trùng, vừa hoạt động cho Pháp hoặc Mỹ, lại vừa cho CSVN? Nếu không phải đặc tình (tình báo đặc biệt) thì vì lý do nào, ông có được tài liệu “mật” từ trước đến nay (theo những công bố của ông)? Tại sao ông biết các Chúc Thư giả (bản C) là “bản được cơ quan phản gián của Bộ Công an dùng để tung ra ngày 17.8”? Nếu không được CSVN cung cấp tài liệu vậy chỉ là suy đoán thôi sao? Suy đoán mà sao lại nói như thật để rồi từ những suy đoán này, tạo ra bao nhiêu khủng hoảng về giáo chỉ, thông bạch phá nát sự hòa hợp của Tăng Ni và cư sĩ thuộc GHPGVNTN trong và ngoài nước?


11) Chúc Thư C là do cơ quan phản gián Bộ Công An tung ra hay cũng là của chính ông VVA sai thuộc hạ từ Việt Nam đưa ra? Sự thâm độc và nham hiểm này được cáo giác trước bởi chư tôn đức tại Canada và Úc đối với các Chúc Thư giả A và B (nghĩ rằng do từ một nguồn ở QM, Paris), nên cuối cùng, ông VVA đành chịu “khổ nhục kế”, dùng ngay chính Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế của mình để ra TCBC về Lễ Chung Thất tại Chùa Giác Hoa, đồng thời xảo quyệt tạo cớ để kết tội kẻ khác. Trình tự tạo chúc thư giả để thăm dò và tấn công đối phương của ông VVA và các đồng lõa diễn ra như sau: 1) Bản A, cố tình lộ liễu vụng về, hoàn toàn không giống Chúc Thư D (sẽ được công bố như là Chúc Thư Thật), cố ý đưa tên TT. Thích Tuệ Sỹ vào để hại vị này đồng thời hăm dọa HT. Viện trưởng về việc mất chức; 2) Bản B, gần giống Chúc Thư D một chút, cũng cố ý đưa tên TT. Thích Tuệ Sỹ vào và gạt tên HT. Viện trưởng ra; 3) Bản C, gần giống nhất, dùng chính Tcbc của PTTPGQT, cũng đưa tên TT. Thích Tuệ Sỹ vào, gạt bỏ HT. Viện trưởng ra. HT. Viện trưởng mà đọc được 3 Chúc Thư giả A, B và C sẽ hoảng hốt giao khoán cho ông VVA mau mau ra Chúc Thư D tùy ý sửa đổi thế nào cũng được, miễn là bảo vệ Ngài, bảo vệ lưỡng viện là được rồi, phải không ông VVA?


12) Trong Tcbc ngày 20-8-2008, ông VVA nói là cơ quan phản gián của công an CSVN đã “tiếm danh” PTTPGQT, tung ra Tcbc 5 giờ trước Tcbc “thật”. Nhưng đọc và đối chiếu hai bản Tcbc này, người ta có cảm giác như cũng chỉ một tác giả. Tcbc gọi là “giả” có vẻ như là một bản thật để chuẩn bị đăng, nhưng vì lý do nào đó, đã dùng nó để một lần nữa, tung thêm một Chúc Thư giả khác trước khi công bố Chúc Thư “thật”. Chỉ nói rằng Tcbc kia là “giả” mà chẳng có lời nào giải thích, làm sao biết giả? Giả và thật khác nhau chỗ nào mà sao giọng văn của hai Tcbc thật khó phân biệt?


13) Trong Tcbc cùng ngày 20-8-2008, ông VVA nói Tcbc “giả” của công an viết còn “chi tiết hơn thông cáo báo chí thật”, “Dù tin thất thiệt về Chúc thư GIẢ theo bản C, nhưng miêu tả các vụ phong tỏa và đàn áp lại rất chính xác”, rồi ông lại mời “bạn đọc cùng thưởng thức lối dối gạt số dzách của Công an. Khi cần sử dụng ngôn ngữ tố cộng, công an cũng rất “nghiệp vụ” và vượt xa các phong trào Chống Cộng.” Cách nói của ông VVA ở đây, trong vai trò “phát ngôn nhân” VHĐ, phổ biến trên một Tcbc thuộc cơ quan truyền thông của Giáo hội, lại dùng thứ ngôn ngữ “chợ trời ở Chợ Lớn” để nói với quần chúng hay sao! “Số dzách” là gì, có trong từ điển chuyên khoa của Việt Nam hay không? Dùng tiếng “chợ trời” ở đây có phải ông VVA quá xem thường người đọc hay không? Và có phải là quá xem nhẹ vai trò “phát ngôn nhân” VHĐ mà ông đảm nhận hay không? Lại nói “công an cũng rất ‘nghiệp vụ’ và vượt xa các phong trào Chống Cộng” có phải là tự mai mỉa PTTPGQT, châm biếm các phong trào tố cộng và chống Cộng tại hải ngoại hay không? Ở phát biểu này, một là ông chê những người chống Cộng không miêu tả chi tiết, thật và chính xác về chuyện đàn áp như công an, hai là ông tự tố giác rằng tố cộng rất “nghiệp vụ” (giống như chính ông, HT. Thích Chánh Lạc, TT. Thích Viên Lý và TT. Thích Giác Đẳng) chưa chắc là chống Cộng thật, có khi lại chính là cộng sản, phải không ông VVA?


14) Trong tập “Kỷ Yếu Đức Đệ Tứ Tăng Thống” do PTTPGQT xuất bản nhân Lễ Chung Thất Ngài tổ chức tại Chùa Pháp Luân, trang II và III có đăng Chúc Thư (bản đánh máy) của Đức Tăng Thống. Cuối Chúc Thư có chú thích của PTTPGQT rằng “Chúc Thư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang viết ngày 17.01.2005 - Bản chính có thủ bút gồm 2 trang chụp lại.” Người đọc tìm hết cuốn Kỷ Yếu vẫn không thấy có trang nào đăng thủ bút của Đức Tăng Thống cả. Bản thủ bút là chính mà không đăng, chỉ đăng bản đánh máy không thôi thì có khác gì những Chúc Thư mà ông VVA gọi là “giả” kia? Phải chăng nội dung Chúc Thư bằng thủ bút của Đức Tăng Thống có những điều không tiện công bố với công luận, hay là PTTPGQT đang còn dành thời gian để học giả nét chữ của Ngài mà sửa đổi Chúc Thư cho phù hợp với bản sao đã phổ biến? Còn nếu nói rằng thủ bút chỉ là những giòng cuối ghi ngày tháng và ký tên thôi, vậy thì phần nội dung ở trên ông VVA và VPII muốn ghi gì lại chẳng được? Có gì bảo đảm là Chúc Thư thật!?


15) Nếu Chúc Thư của Đức Tăng Thống ký ngày 17-01-2005 là có thật, vậy ở điều 4 có ghi: “Văn phòng II Viện Hóa Đạo - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại các Châu đã hình thành và hoạt động kỷ cương, nền nếp từ 12 năm qua. Xin chư Liệt vị đặc biệt lưu tâm để trong ngoài hòa hiệp gây trợ duyên cho đạo Phật Việt Nam góp mặt cùng thế giới trong công cuộc tịnh hóa nhân gian, xây dựng hòa bình trước bao khuynh hướng bạo động.” Điều 4 này chứng tỏ cho đến đầu năm 2005, Đức Tăng thống vẫn công nhận và tin tưởng Giáo Hội PGVNTN tại Hoa Kỳ và các Châu, cũng như lạc quan về việc “trong ngoài hòa hiệp” tức là sinh hoạt giữa VHĐ trong nước với các giáo hội ngoài nước; thế sao chỉ 10 tháng sau là Ngài đã ký Giáo Chỉ số 2, loại bỏ quá bán thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo trong nước, rồi 2 năm sau lại ban Giáo Chỉ số 9, giải tán hết giáo hội tại Hoa Kỳ và các Châu? Giáo chỉ số 02 có thật hay không? Giáo chỉ số 2 quan trọng như vậy sao không thấy công bố với bút tích và ấn ký của Đức Tăng Thống?


16) Có thư mời họp hay biên bản nào ghi nhận một Đại hội Khoáng Đại hay Bất thường của Hội Đồng lưỡng viện xảy ra vào tháng 11-2005, với thành phần tham dự là những ai, ký tên, để tiến đến việc đệ trình Quyết Định thỉnh cầu Đức Tăng thống chuẩn y và ban hành Giáo chỉ số 2 hay không? Hay Giáo chỉ này chỉ là sự tiếm danh, bịa đặt của ông VVA và các đồng lõa?


17) Cũng chính Giáo chỉ số 2 này, vừa cung thỉnh 10 vị Hòa thượng tại hải ngoại vào Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống (như HT. Thích Tâm Châu, HT. Thích Mãn Giác, HT. Thích Thuyền Ấn, HT. Thích Thắng Hoan, HT. Thích Minh Tâm, HT. Thích Như Huệ, HT. Thích Trí Chơn, HT. Thích Chơn Thành…) thì hai năm sau đã ban hành Giáo chỉ số 9, giải tán, bất tín nhiệm hết những vị này (ngoại trừ HT. Thích Mãn Giác đã viên tịch và 2 vị “chí thành khâm tuân” hiệu lệnh của ông VVA là HT. Thích Hộ Giác và Thích Chánh Lạc). Giáo chỉ số 9 sai lầm, bất minh, vô tình như thế không thể nào được Đức Tăng Thống chuẩn y. Vậy ai là người ráp con dấu và chữ ký của Ngài vào văn kiện ấy? Sự ráp nối ấn ký của Ngài được tìm thấy rõ ràng (như hướng dẫn của Diệu Trang Nghiêm) nếu dùng Photoshop để mở Giáo chỉ số 9 (PDF) đăng tải trên Quê Mẹ (PTTPGQT). Ông VVA không làm việc ráp nối ấn ký của Đức Tăng Thống để tạo ra Giáo chỉ số 2 và số 9 phá nát GHPGVNTN thì là ai?


18) Giáo chỉ số 01/VTT/GC/TT, do Đức Tăng Thống ký ngày 20-02-2008, suy cử HT. Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng Thống có thực hay không, sao không thấy PTTPGQT đăng tải mà chỉ thấy trích đoạn? Tại sao không công bố rõ ràng với ấn ký của Đức Tăng Thống? Nếu vì đây là giáo chỉ “thật” của nội bộ giáo hội nên không cần phổ biến ấn ký của Tăng Thống vậy sao Giáo chỉ số 9 và 10, cũng như các Quyết Định của VHĐ trước đây đều đăng nguyên vẹn nội dung và chữ ký, con dấu? Có phải vì giả nên cần phải chứng minh không?


19) Giáo chỉ số 01 đã ký từ lâu sao lại đợi đến khi Đức Tăng Thống viên tịch mới đem ra công bố, phải chăng có điều gì khúc mắc?


20) Giáo chỉ số 01 có bị mất hiệu lực vì quá xa thời gian chuẩn y và ban hành, lại không theo đúng chỉ thị của Đức Tăng Thống là tiến hành lễ suy tôn vào dịp Phật Đản 2008 hay không?


21) Nếu Giáo chỉ số 01 mà có giá trị vô thời hạn, lúc nào đem ra đọc và ban hành cũng được, không cần phải tuân theo thời gian qui định, vậy trong trường hợp sau khi Đức Tăng Thống chuẩn y vài tháng, người được chuẩn y thay đổi đường hướng lập trường, phá hòa hiệp tăng, phá giới hoặc phạm luật hình sự đối với luật pháp thế gian, bỏ đạo hoặc hoàn tục, không lẽ VHĐ cũng đem ra ban hành?


22) Nếu Giáo chỉ đã chuẩn y mà không ban hành phải chăng có sự đổi ý của Đức Tăng Thống đối với đương sự? Hay là Ngài đã chuẩn y và ban hành nhưng lại có sự kềm giữ, bất khâm tuân của những người trong Hội đồng Lưỡng viện trong nước, hay của VPII VHĐ?


23) Tại sao Giáo chỉ số 2 ban hành ngày 29-11-2005, Giáo chỉ số 9 ban hành ngày 08-9-2007, Giáo chỉ số 10 ban hành ngày 02-12-2007, mà Giáo chỉ số 01 lại ban hành ngày 20-02-2008? Nếu Giáo chỉ số 01 thực sự do Đức Tăng Thống chuẩn y và ban hành, có phải Ngài ngầm nói cho mọi người biết rằng Ngài chưa từng chuẩn y và ban hành bất cứ một giáo chỉ nào khác trước đó? Vậy, giáo chỉ số 2, số 9 và 10 đều tiếm danh Đức Tăng Thống, phải không ông VVA?


24) Các giáo chỉ lưu nhiệm xuất hiện vào giờ chót trong 3 Đại hội Khoáng Đại của GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ (1996, 2000, 2004) có thật không hay chỉ là văn kiện “cứu nguy” của ông VVA nhằm giữ lại địa vị của những người tham quyền cố vị như HT. Thích Chánh Lạc (Phó chủ tịch muôn năm), TT. Thích Viên Lý (Tổng thư ký muôn năm – đã trải qua 16 năm, nay tiếp tục trên lộ trình “vô thời hạn” theo Giáo chỉ số 9)? Nếu các giáo chỉ này có thật, chúng mang số mấy, có ấn ký của Viện Hóa Đạo hay Viện Tăng Thống hay không?


25) Trong Tcbc ngày 10-11-2004, ông VVA hết lời ca ngợi “Lễ hội GĐPT Việt Nam Trên Thế Giới” được tổ chức tại Bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ vào các ngày 07, 08 và 09 tháng 11, 2004 thành công viên mãn. Ngoài sự tài trợ rất nhiệt tình của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN Hải ngoại còn có sự trực tiếp tham dự chứng minh của “Thượng tọa Thích Viên Lý, Phó Tổng Thư ký Viện Hóa Ðạo kiêm Tổng Thư Ký Hội Ðiều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Thượng tọa Thích Như Ðiển, Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và cũng là Phương trượng chùa Viên Giác tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ấn Ðộ, và Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo. Kết thúc Ðại hội ở Bồ Ðề Ðạo tràng hôm thứ ba 9.11.2004, Gia đình Phật tử Việt Nam Trên Thế giới đã ra hai bản Quyết Nghị...” (trích Tcbc nói trên). Thế nhưng, đến Tcbc ngày 04-04-2007, ông VVA lại mượn ấn ký của HT. Viện trưởng, ra Thông bạch số 04/VHĐ/TB/VT, không công nhận tổ chức GĐPTVN Trên Thế Giới, và làm bộ không hay biết gì về sự ra đời của tổ chức này cả, với lời lẽ “ngây thơ” như sau: “Tuy nhiên gần đây bỗng xuất hiện một danh xưng mới có tên là ‘Gia Đình Phật tử Việt Nam Trên Thế giới’ gây thắc mắc dư luận. Để tránh mọi ngộ nhận có thể xẩy ra, tôi xin thông bạch để Chư tôn giáo phẩm các cấp Giáo hội trong và ngoài nuớc liễu tri, rằng Giáo hội không có tổ chức nào mang danh xưng nói trên.. Do đó, Giáo hội không chịu trách nhiệm bất cứ hành vi hay sinh hoạt nào của tổ chức này khi có sự lợi dụng liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam”. Khi thì ca tụng hết lời, khi thì tảng lờ không hay biết, đó là thái độ của hạng người nào trong xã hội? Nếu trước đây ủng hộ nhưng nay hết ủng hộ thì cứ nói thẳng lý do, sao lại ra Thông Bạch với lời lẽ như không hề hay biết một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự chuyển mình của tổ chức GĐPTVN-một đứa con trung kiên của giáo hội--vào tháng 11-2004 nói trên!



ÔNG VÕ VĂN ÁI VÔ LỄ VỚI TĂNG NI

26) Trong Đại hội Thường niên kỳ I, nhiệm kỳ IV của GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ tại Chùa Phật Pháp, Florida vào các ngày 7, 8 và 9 tháng 10 năm 2005, ông VVA đã vận động chư tôn đức và cư sĩ tham dự đóng góp khoảng $20,000 mỹ kim (hai mươi nghìn đô la Mỹ) để thực hiện tập tài liệu “30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đấu tranh cho Tự do Tôn giáo và Nhân quyền”. Tiền đã đóng dư ngoài mong đợi, nhưng từ ngày nhận tiền bỏ túi riêng cho đến nay, chưa thấy ông VVA cho xuất bản tập tài liệu ấy. Đây có phải là hành vi lường gạt, gian dối và bất kính đối với Tăng Ni một cách trắng trợn không? Số tiền đóng góp đó nay ở đâu sao không thấy hoàn trả, cũng không thấy thông báo gì về tập tài liệu? Hành vi lường gạt, “ăn cướp” giữa ban ngày như vậy một mình ông VVA chịu trách nhiệm hay là cả VPII VHĐ cùng liên đới? Nếu VPII vô can trong việc này sao lại im lặng để cho vị “phát ngôn nhân cao quý hữu công” của VHĐ lường gạt Tăng Ni và các thành viên cư sĩ khác của giáo hội!


27) Trong email của ông VVA gửi cho một số thành viên GHTN, tựa đề: “Ngao ngán cho những người viết bài này”, gửi ngày thứ Bảy, 26-01-2008, lúc 11:27 am, ông gọi chư Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại tổ chức Ngày Về Nguồn là “Nhóm Về Nguồn Mác-Lê-Hồ,” lại chửi hai Thầy Thích Nguyên Tạng và Thích Giác Tín là “ăn cơm mới nói chuyện cũ rất thâm độc và xỏ lá”! Ông VVA trả lời có hay không?


28) Trong bài viết (có thâu âm và phát thanh) tựa đề “Phật Giáo Thời Cộng Sản và Những Liên Hệ Gây Động Loạn và Mâu Thuẫn”, đăng trên Quê Mẹ ngày 14-01-2008, ông VVA đã gọi chư tôn đức Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, Hội Thân Hữu Già Lam và chư tôn đức không tán đồng Giáo Chỉ số 9 bằng những tiếng rất vô lễ, phàm tục, như “Các nhà sư và cư sĩ rối nước”, “hành tích đi đêm ăn vụng”, “gian hàng biến thành chùa viện”, “bọn này”, “bầy lâu la”, “đểu cáng”, v.v… Bài này vẫn còn đăng trên trang lưới Quê Mẹ, phổ biến một vài websites cùng lập trường phá hoại Phật giáo khác. Ông VVA có dám công khai phủ nhận là ông không nói hay không?


29) Ông VVA có nói và bút tích còn sờ sờ nơi bài viết đó, vậy tại sao trong cuộc hội thảo của VPII Viện Hóa Đạo hôm thứ Bảy 23-02-2008 tại nhà hàng Regent West, Santa Ana, Nam California, khi ông Nguyễn Thanh Huy chất vấn ông về việc ông VVA vô lễ với chư Tăng thì ông lại trả lời: “Nếu anh tìm ra được một lời nào, câu nào, chỗ nào mà tôi xúc phạm đến chư Tăng thì tôi xin lạy anh hai lạy”. Ông Nguyễn Thanh Huy liền xin phép cho mở cuốn CD có thâu âm bài nói chuyện trên thì những cò mồi của ông VVA nhao nhao phản đối, và TT. Thích Viên Lý nói là hết giờ cho ông Nguyễn Thanh Huy (chưa được 3 phút theo qui định cho mỗi người, trong khi bà ĐBK, chuyên gia biểu tình phá rối các chùa Phật giáo thì lại được nói huyên thuyên 15 phút!). TT. Thích Viên Lý thiên vị và sợ hãi sự thực một cách trắng trợn trước quần chúng. Còn ông VVA, nếu là người có ăn học thì dám nói dám chịu, sao lại chối bai bải, không dám nhìn nhận những gì mình nói và làm? Đây có phải là hành xử của người trí thức, có văn hóa hay không?


30) Trong Tcbc ngày 26-9-2007, ông VVA kết án một số tôn đức là “thỏa hiệp với cộng sản”, nói rằng “Họ gọi kêu tu học, văn hoá, giáo dục... thuần túy, nhưng kỳ thực là đang trá hàng và trá hình bằng thứ tư tưởng cà lăm của những kẻ xin làm tôi đòi cho chế độ phi dân tộc, phi đạo lý, là chế độ Cộng sản.” Yêu cầu ông VVA trưng dẫn bất cứ một câu nói hay câu viết nào nói lên cái ý “kêu gọi tu học, văn hóa, giáo dục… thuần túy” và “đang trá hàng và trá hình” cũng như “xin làm tôi đòi cho chế độ” của Tăng Ni! Không có bằng chứng nào cả mà chỉ suy luận theo thành kiến của mình rồi cho rằng Tăng Ni thế này thế kia, thì có phải là ông cố tình xuyên tạc, vu khống, miệt thị Tăng bảo hay không!


31) Cũng trong Tcbc ngày 26-9-2007, ông VVA viết “Tại hải ngoại, người ta chứng kiến một số Tăng Ni, Phật tử huyên truyền cho việc hợp tác với nhà cầm quyền Cộng sản theo chỉ thị của Nhóm Thân hữu Già Lam trong nước. Luận điểm của họ là : "Tranh đấu 30 năm qua được gì ? Chỉ như húc đầu vào tường mà thôi ! Nay phải thỏa hiệp với Nhà nước để có thể xây dựng chùa chiền "như bên Công giáo xây dựng Nhà thờ", để có thể "đào tạo nhân sự, Tăng Ni"". Yêu cầu ông VVA hãy đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy có sự hình thành một tổ chức “trong nước” tên là “Nhóm Thân Hữu Già Lam”? Những câu nói, câu viết nào của “một số Tăng Ni” tại hải ngoại cho thấy là làm “theo chỉ thị của Nhóm Thân hữu Già Lam trong nước”? Những chứng liệu nào đưa ông đến kết luận rằng “Luận điểm của họ là…” thế này thế kia?


32) Tcbc cùng ngày 26-9-2007, ông VVA trách cứ TT. Thích Tuệ Sỹ và Gs. Lê Mạnh Thát là im lặng để cho học trò đánh phá GHPGVNTN. Lời lẽ lên án đầy sân si, mang tính cách “thô lỗ, thiếu văn hóa” của ông (qua nhiều bài viết và phát ngôn có chứng minh rõ ràng) để gán cho chư Tăng. Ông viết “Đáng buồn và khó hiểu, vì sao hai ngài có thể điềm nhiên tọa thị để cho nhóm đệ tử của hai ngài, còn mặc áo tu hay đã ra đời, mở chiến dịch đánh phá GHPGVNTN, đánh phá chư huynh đệ pháp lữ hay người đồng đạo một cách sỗ sàng, thô lỗ, thiếu văn hóa ? Nhất là tỏ lời bất kính và hỗn láo với hàng giáo phẩm lãnh đạo trong nước?” Bằng chứng nào cho thấy các vị Tăng và cư sĩ học trò của hai vị này “mở chiến dịch đánh phá GHPGVNTN” và đâu là tính cách “sỗ sàng, thô lỗ, thiếu văn hóa”? Đâu là những lời “bất kính và hỗn láo với hàng giáo phẩm lãnh đạo trong nước”, ông VVA hãy trưng ra? Không có bằng chứng nhưng ông vẫn cố tình nói càng như vậy để hủy báng Tăng bảo thì có xứng là người con Phật hay không? Có xứng là người có văn hóa hay không?


33) Trong Tcbc mới nhất, ngày 25-8-2008, tựa đề “Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Thông bạch không công nhận các tổ chức Phật giáo tiếm danh GHPGVNTN tại Canada, Úc châu và Âu châu”, ông VVA lên án chư tôn đức Tăng Ni thuộc GHPGVNTN tại châu Âu, châu Úc, Canada và Hoa Kỳ là “bắt cá hai tay hay lập lờ đánh lận con đen”. Ông VVA hãy trả lời có hay không?


Nếu “phát ngôn nhân” Viện Hóa Đạo là ông VVA đã từng vô lễ với những người xuất gia (một trong ba ngôi báu – Tam Bảo), với tập thể Tăng-già (bao gồm những vị thánh tăng và bồ-tát hóa thân mà mắt thường không biết được), mà Viện Hóa Đạo vẫn không lên tiếng khuyên can, cũng chưa một lần ngỏ lời xin lỗi, sám hối, thì chính Viện Hóa Đạo, trực tiếp là VPII, cũng đồng thuận với ông VVA, khinh thường thập phương Tăng; từ chỗ khinh thường, đã tạo ra những tội lỗi to lớn, trầm trọng trong việc phá sự hòa hợp của Tăng. Trọng tội này không có công đức nào có thể chuộc hết. Đơn cử vài điểm còn ghi trên các Tcbc, CD và băng phát thanh chứ phải nêu hết những lời ông VVA thóa mạ, chửi bới chư Tăng thì vô số, không sao làm được.

Trên đây là 33 câu hỏi, tóm lược hàng ngàn vấn nạn của nhiều Tăng Ni và Phật tử khác ở khắp nơi kể từ khi Giáo chỉ số 2, số 9 và Thông bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ số 9 ban hành. Nếu ông VVA và VPII VHĐ không trả lời thỏa đáng những câu hỏi này, xin quý vị Tăng Ni và Phật tử đừng tin, đừng nghe, đừng đọc bất cứ điều gì từ họ.


Sự thực trước sau gì cũng hiển lộ, bởi vì lớp sơn ngụy trá, dối gian, sẽ không thể tồn tại lâu dài trên cuộc sống này, nhất là trong sinh hoạt của Phật giáo, vốn là một tập thể lấy giáo lý NHƯ THỰC của Đức Thế Tôn làm kim chỉ nam, làm ngọn đuốc soi sáng cho lộ trình hướng về giải thoát và giác ngộ.


26-8-2008
Thích Viên Giáo

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TI PARIS NGÀY 2.11.2007

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trả lời chung về một số thắc mắc sau khi Giáo chỉ số 9 của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành - Bản Phúc trình Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi từ Huế nói về nhóm Thân hữu Già Lam

Gần đây, một số bạn đọc gửi điện thư hoặc điện thoại về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hỏi thăm về Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành hôm 8.9.2007 và Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố hôm 25.9.2007.

Các câu hỏi xoáy quanh một hai cụm từ gây thắc mắc như "giải tán" các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên các châu lục ; tính cách vĩnh viễn của Văn phòng II Viện Hóa Đạo khi cho biết thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo hoạt động "vô thời hạn" ; hoặc vì sao Giáo chỉ ban hành mà một, hai thành viên của Giáo hội ở hải ngoại lại đăng tải thư phản đối qua các kênh truyền thông đại chúng như Hòa thượng Thích Thắng Hoan chẳng hạn.

Hôm qua, chúng tôi lại nhận điện thư của một độc giả tại California viết rằng : "Tôi vô cùng sửng sốt và xúc động đọc trên một tờ báo tại đây viết rằng : "Trong khi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã chính thức tan vỡ (sic), với các văn bản ký tên các cấp cao nhất, trong đó quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn quốc tế” và chính thức giải tán các cơ chế địa phương ở hải ngoại, bản văn Tâm Thư Ngỏ (sic) phổ biến hôm Thứ Ba 30-10-2007 từ Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng Thủ Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới, với ngôn ngữ hàn gắn lại các mảnh vỡ (sic) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất". Tôi vô cùng lo lắng cho sự tan vỡ của một Gíao hội đấu tranh bền bỉ bao nhiêu năm qua. Vậy xin Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế giải thích."

Nhân dịp này, chúng tôi xin được trả lời chung như sau :

Chúng tôi không rõ mẩu tin trên đây in ở báo nào ? Nhưng cách loan tin như vậy chứng tỏ báo này không hiểu biết gì về Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nói riêng. Không thể nào vô trách nhiệm để loan một điều không thật như "Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã chính thức tan vỡ", "quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn qúôc tế” và chính thức giải tán các cơ chế địa phương ở hải ngoại".

GHPGVNTN "tan vỡ" hồi nào ? "Chính thức giải tán" các cơ chế địa phương ở hải ngoại hồi nào ? và ở đâu ?

Khi viết "quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn quốc tế”, thì xin hãy trưng bằng cớ "nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp" có tên gì ? Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang có nói như thế không ?

Trong Giáo chỉ số 9 ban hành ngày 8.9.2007, Đức Tăng thống đưa ra 7 nhận định về vị trí và tình hình đạo Phật Việt Nam hai nghìn năm qua. Có hai nhận định ứng với lời viết sơ sài, có chủ ý, của tờ báo dẫn thượng. Đó là nhận định thứ 3 và thứ 6. Nhân định thứ 3 viết rằng :

"Nhận định rằng vì nhiều lý do nội tại hay khách quan, vô tình hay cố ý, một số chư Tăng, Phật tử rời bỏ con đường cao rộng của Chánh pháp, đem thân phục vụ thế quyền làm biến tướng Bát chánh đạo và làm nghiêng ngửa Giáo hội".

Và nhận định thứ 6 viết rằng :

"Nhận định rằng đồng thời với cuộc đàn áp trong nước nhằm tiêu diệt GHPGVNTN, một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế".

Nhận định thứ 3 nhắm vào hiện tượng một số chư Tăng và Phật tử, vì lý do này hay lý do khác, tham gia vào Giáo hội Phật giáo của Nhà nước năm 1981. Ai chê nhận định này sai, xin giải thích, bình luận hay trưng bằng cớ.

Nhận định thứ 6 ám chỉ hiện tình Phật giáo ở hải ngoại với quá trình lũng đoạn 3 năm vừa qua. Nhận định này chỉ nêu lên hiện tượng "một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế". Không hề có chữ "nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội”. Viết sai thành "nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp" với hậu ý gì ? Hoặc chức sắc, hoặc giáo phẩm, đâu cần thiết "chức sắc giáo phẩm" chỉ nói trên mặt dùng từ, hành văn ?

Thực tế của câu viết "một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế" là một thực tại. Chỉ những ai trong cuộc, có tham dự các Đại hội đồng Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ suốt ba năm qua mới chân nhận sự thật phũ phàng ấy. Các biên bản những Đại hội Thường niên còn lưu trữ tại Văn phòng Giáo hội làm bằng cho thực tại hiểm nguy này. Đặc biệt, người ngoài Giáo hội cũng có thể kiểm chứng nhận định thứ 6 ấy qua các bài viết đánh phá, mạ lỵ, vu khống trắng trợn trên hai Trang nhà Giao Điểm, Đông Dương Thời báo, qua các bài viết thường kỳ trên các báo An Ninh Thế giới, Công An Nhân Dân, Nhân Dân, Quân Đội Nhân dân, v.v... hoặc thông qua "Nhóm Phật giáo vì Dân tộc (Xô viết)", "Nhóm Tăng Ni Hải ngoại", v.v... hí lộng trên Internet.

Về hai chữ "giải tán" được một số người giải thích theo mục tiêu phản chống Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhóm người này tách 2 chữ ra khỏi toàn bộ tinh thần của một Giáo chỉ 2771 chữ, thì họ vo tròn bóp méo cách nào lại chẳng được ?!

Điều 3 trong Thông bạch nói trên hàm ý "giải tán" cơ cấu hình thành từ Quyết định số 27 do Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tức Hòa thượng Thích Huyền Quang, ban hành ngày 10.12.1992, để chỉnh đốn theo Giáo chỉ số 9 do Đức Đệ tứ Tăng thống, tức Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, ban hành ngày 8.9.2007.

Như vậy thì giải tán không có nghĩa là dẹp bỏ, đình chỉ, giải thể, mà là chỉnh đốn nhân sự theo lập trường cố hữu của GHPGVNTN và thích ứng theo tình hình mới. Vì vậy nên mới có Điều 4 tiếp theo, giải thích cung cách chỉnh đốn : "Chủ tịch và các thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo cấp tốc triệu tập đại hội trong thời gian sớm nhất để thành lập Hội đồng Giáo phẩm và Hội đồng Điều hành GHPGVNTN-HN tại Hoa Kỳ theo tinh thần Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 và theo nội dung Thông bạch hướng dẫn thi hành Giáo Chỉ số 09 của Đức Tăng Thống mang số 09/VHÐ/TB/VT do Viện trưởng Viện Hóa Đạo ký ngày 25.9.2007".

Điều 5 trong Giáo chỉ số 9 viết rằng : "Văn phòng II Viện Hóa Đạo và các thành viên được thỉnh cử hoạt động vô thời hạn". Thế là có số người nhao nhao phản đối, nại cớ để chống đối sự "vô lý" của một tập thể hoạt động "vô thời hạn". Nại cớ để lấy cớ chống đối mà phá hoại. Không có cớ để nại, bọn họ cũng cứ tạo cớ ra. Tiên quyết là phải chống đối, phải vu khống. Thế nhưng gian mà không ngoan, do không chịu đọc hết văn kiện. Có đọc cũng không hiểu, vì ngọn lửa phá hoại thôi thúc bên trong. Sự thật như thế này :

Điều 5 ấn định như trên, song Điều 3 đã xác định : "Văn phòng II Viện Hóa Đạo trực thuộc sự chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện Hóa Đạo trong nước. Thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo do Viện trưởng Viện Hóa Đạo thỉnh tuyển và chỉ định; tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hay thay đổi". Rõ quá : "tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hay thay đổi".

Rõ hơn nữa, khi Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 viết ở Điều 9 : "Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành các GHPGVNTN-HN có nhiệm vụ thỉnh cử, bổ sung hay hoán chuyển nhân sự cho đầy đủ theo quy định của Hiến Chương Giáo Hội và trình về Viện Hóa Đạo duyệt xét và chuẩn nhận. Nếu Pháp nạn còn kéo dài, thì cứ 2 năm một lần cần xem xét lại toàn bộ nhân sự để bổ sung, hoán chuyển hoặc thay đổi theo đúng điều 3 Giáo Chỉ qui định".

Cái vô thời hạn nằm trong một giới hạn : Điều 11 xác định tính thời gian Giáo chỉ số 9 áp dụng : "Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 để đối phó tình hình khẩn cấp, Giáo hội bị đàn áp khốc liệt, có hiệu lực cho đến khi hết Pháp nạn". Vậy cần hiểu "vô thời hạn" trong nghĩa trung kiên theo lập trường dân tộc của Giáo hội. Còn cái giới hạn là tính tùy duyên linh động theo hoàn cảnh và khả năng. Tùy duyên nhưng bất biến.

Thành ra Văn phòng II Viện Hóa Đạo và thành viên Văn phòng này tuy "hoạt động vô thời hạn". Nhưng nó không vĩnh viễn mà có giới hạn. Giới hạn gì ? - Giới hạn trong thời gian có Pháp nạn. Ngay trong thời gian này, nó cũng bị giới hạn thêm một lần nữa, như Điều 9 quy định : "Nếu Pháp nạn còn kéo dài, thì cứ 2 năm một lần cần xem xét lại toàn bộ nhân sự để bổ sung, hoán chuyển hoặc thay đổi theo đúng điều 3 Giáo Chỉ qui định".

Cho nên giải thích một văn kiện, cần tôn trọng nội dung và tinh thần văn bản của người viết quy chiếu theo chủ đích và hoàn cảnh văn kiện ấy ra đời. Chứ không thể dựa theo chủ kiến để bóp méo sự thật, hay hư truyền (disinformation) để phá hoại.

Các thắc mắc gửi về còn yêu cầu chúng tôi cho biết ý kiến về ba văn thư công bố trên các kênh truyền thông đại chúng gần đây liên quan đến Giáo chỉ số 9 do Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Hòa thượng Thích Tín nghĩa và Hòa thượng Thượng thủ Thích Tâm Châu viết.

Chúng tôi không có ý kiến. Vì đây là ý kiến riêng của ba vị. Tuy nhiên điều chúng tôi có thể góp ý là :

Theo nguyên tắc hành chính, và kỷ cương của bất cứ tổ chức hay quốc gia nào, thì một văn thư của cấp dưới gửi lên cấp trên không được công bố. Một lịch sự tối thiểu, nếu không là lễ thức có văn hóa. Ngoại trừ văn thư ấy mang tính chất Thư Ngỏ. Mặt khác, Giáo chỉ trong một tôn giáo tương đương với một Đạo luật, Sắc luật trong một quốc gia. Khi đạo luật ban ra, người công dân phải tuân thủ. Như đạo luật thiết quân luật trong thời chiến, dù người dân không ưa cũng phải tuân hành. Không tuân hành quân đội sẽ bắn chết. Giáo chỉ trong một tôn giáo khi ban hành, ở đây là Phật giáo, thì chư Tăng Ni, Phật tử phải khâm tuân. Ngoại trừ những ai tự thấy mình không đứng trong Giáo hội ấy, tự xem mình không phải là thành viên. Đó là nói về hai bức thư của hai Hòa thượng Thích Thắng Hoan và Thích Tín Nghĩa.

Còn Tâm thư của Hòa thượng Thượng thủ Thích Tâm Châu. Ngài là Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế giới, đồng thời ngài cũng giữ chức Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi tri ân ngài đã quan tâm tới Giáo hội chúng tôi khi viết Tâm Thư góp ý. Chúng tôi cần lắng nghe mọi ý kiến. Tuy nhiên vấn đề chính yếu của mọi thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong và ngoài nước, là phải chí thành KHÂM TUÂN và THỰC HIỆN Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Không thể làm ngược lại Giáo chỉ và Thông bạch. Vỉ Giáo chỉ số 9 và Thông bạch Hướng dẫn đặt sự tồn vong, sinh tử của GHPGVNTN trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng hôm nay. Như người bị nước lũ cuốn chìm phải tự bơi mà sống. Tiếng kêu ơi ới bên bờ chỉ có tính cách động viên hơn là khả lực cứu nguy.

Có một số vị hỏi chúng tôi về nhóm Thân hữu Già Lam. Vậy chúng tôi xin cho đăng tải dưới đây Bản Phúc trình Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Đại diện GHPGHVNTN tỉnh Thừa thiên - Huế. Bản Phúc trình này Hòa thượng viết từ chùa Bảo Quốc ở Huế ngày 8.9.2007 gửi Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo. Nội dung có đề cập đến nhóm Thân hữu Già Lam. Toàn văn như sau :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

Phật Lịch:2551 Số:8907/VTT/CTK

Huế, ngày 08/09/2007

BẢN PHÚC TRÌNH PHẬT SỰ

Kính gửi: Hòa Thượng Viện Trưởng

và Ban Chỉ Đạo VHĐ/GHPGVNTN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,

Chúng tôi trân trọng kính trình Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, một số sự việc đặc biệt quan tâm như sau:

1- Từ hôm 14/7/Đinh Hợi (26/8/2007), suốt tuần Lễ Hội Vu Lan đến nay là ngày 08/9/2007, đã hai tuần lễ. Công an chìm, nổi một lực lượng hùng hậu, bao vây chặt chẽ các Chùa thuộc GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, ở Chùa Báo Quốc càng đông đảo hơn từ đó đến nay; đã làm cản trở tín đồ đi Chùa Lễ hội Vu lan. Chư tăng các Tổ đình, các Chùa không ai đi đâu được. Việc đi lễ Tổ sau mùa An cư thọ tuế, thăm viếng mừng tuổi cho nhau, cũng như việc đi bái kiến đảnh lễ Đức Tăng Thống như mọi năm cũng không thực hiện được. Hành động xâm phạm tín ngưỡng tôn giáo, như trên của nhà cầm quyền Việt Nam, Ban Đại Diện GHPGVNTN/TT - Huế, đã có thư phản ảnh với Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ hôm 01/9/2007.

2- Một số Phật tử ở Úc và Hoa kỳ, có gọi điện về thăm và nhân tiện, bày tỏ sự bất bằng về một số Thượng tọa, Đại đức và Cư sĩ tu xuất, đang là Thành viên Hội đồng Điều hành GHPGVNTN/HN tại Úc và Hoa kỳ, lại đi vận động tách khỏi GHPGVNTN là vì sao? Chúng tôi chỉ trả lời vắn tắt trên điện thoại rằng, chắc vì các vị có một vài mâu thuẫn cá nhân nào đó, trong phương pháp hành đạo. Có dịp sẽ trò chuyện sau. Bây giờ không tiện.

Điều mà Phật tử thắc mắc, chúng tôi thấy, đã được cụ thể qua quan điểm của anh Trần Quang Thuận và Bùi Ngọc Đường. Hai anh hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2007; anh Trần Quang Thuận chê trách Hòa Thượng Quảng Độ. Bùi Ngọc Đường ngoài những lời lẽ như anh Thuận; Bùi Ngọc Đường còn thêm chê bai Giáo hội. Sau hết Bùi Ngọc Đường khuyên chúng tôi từ chức Chánh thư ký VTT để nghỉ ngơi, giống hệt như lời Thượng tướng CA Nguyễn Văn Hưởng đã khuyên Đức Tăng Thống thôi việc, nghỉ ngơi. Giọng điệu hai anh có vẻ như muốn thỏa hiệp, để được sinh hoạt, ý tưởng nầy còn được thấy rõ qua nhóm Thân Hữu Già Lam.

3- Chúng tôi được biết, ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam; cách đây một năm, đã hình thành một nhóm, có tên gọi “Thân Hữu Già Lam”. Thành viên khoảng trên dưới 40 vị gồm các thành phần Tu sĩ, Cư sĩ, Cư sĩ tu xuất. Các vị có mặt trong nước, ngoài nước khắp các châu lục. Các vị sinh hoạt dưới dạng Tăng già, chưa dám đứng hẳn vào Gíao hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Các vị quyên góp tiền gây quĩ xây dựng Đại Học, Thư Viện, Hội Trường, làm Văn Hóa Giáo Dục Phật Giáo. Đứng đầu nhóm có GS TS Lê Mạnh Thát, và học giả Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Cả hai vị đều đã có một quá khứ hào quang sáng chói, được người dân miền nam Việt Nam vinh danh “người về từ cõi chết”. Có điều lạ là, hồi cuối tháng 7/2007, Hòa Thượng Thích Đức Chơn, về Qui Lai dự lễ Húy nhật Thân mẫu. Hòa Thượng có ghé chùa Báo Quốc thăm, chúng tôi có hỏi Hòa thượng về nhóm “Thân Hữu Già Lam”. Hòa thượng có vẻ ngạc nhiên và bảo, tôi thực sự không hay biết gì về việc này, làm vậy sao được.

Nhóm “Thân Hữu Già Lam” phần đông, đang là thành viên chủ chốt của GHPGVNTN trong nước và hải ngoại. Nay vì một vài ý kiến bất đồng nào đó mà xây lưng lại với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội thì chẳng hay ho gì! Mà ai lại làm vậy bao giờ. Những mâu thuẫn nội bộ trong sinh hoạt là chuyện bình thường. Cái gì còn có đó, vai trò phục vụ đạo pháp dân tộc của các vị còn kia, đã mất mát gì đâu mà vội vàng, đôi khi bất đạt, còn gây tổn thương lớn cho tập thể, tổ chức Giáo hội.

Chúng tôi có đọc nội dung biên bản cuộc họp của các vị “Thân Hữu Già Lam” ngày 23/8/2006, qua hệ thống điện thoại có nhiều người tham dự, từ Việt nam, Úc, Canada, Mỹ, .... Họ tổ chức cuộc họp nầy đã hơn một năm nay, và hiện nay đang hoạt động tích cực. Phật đản PL: 2551 vừa qua, vùng nam California, những vị thuộc nhóm “Thân Hữu Già Lam” đã không tuyên đọc Thông điệp của Đức Tăng Thống Đệ Tứ GHPGVNTN khi cử hành lễ Phật Đản.

Kính bạch Hòa thượng!

Chúng tôi nghĩ và hết sức ngạc nhiên, nếu các vị thấy sự nghiệp vận động để GHPGVNTN được phục hoạt, còn nhiều khó khăn nguy nan, không muốn hợp tác nữa, thì các vị cứ tự nhiên rút lui khỏi Giáo hội. Có ai ngăn cản gì đâu. Nhưng đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ Giáo hội, cùng chung lý tưởng phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, mà nay trở lại chống phá Giáo hội, rủ rê xui khiến người khác cùng nghỉ để cô lập hai vị Hòa thượng lãnh đạo tối cao của Giáo hội; đó là việc làm mà tự vấn lương tâm, kẻ đạo người đời, không ai chấp nhận, một điều xúc phạm!

Thử hỏi, giữa thập niên 90, nếu không có hai vị Hòa thượng mạnh dạn cất cao tiếng nói minh oan cho GHPGVNTN, đòi lại pháp lí sinh hoạt tôn giáo, để rồi phải chịu hơn một nửa đời người tù đày, lao lý; thì có lẽ Phật giáo Việt Nam chỉ còn lại như một cái xác không hồn, vất vưởng lang thang, còn đâu nữa mà lập Đại học, Xây Thư viện, Tổ chức Phật đản Tam hợp theo lệnh Nhà cầm quyền Cộng sản trong năm tới 2008 để phục vụ tuyên truyền chính trị ?!..

4- Lại nữa GHPGVN của Nhà nước, sắp tiến hành Đại hội VI tại Hà nội vào tháng 11 năm 2007. Cho đến nay, vấn đề nhân sự vẫn chưa ổn định. Nhất là ngôi vị Pháp chủ. Ngài Pháp chủ viên tịch đã hai năm nay, nhưng vẫn chưa có ai lên kế vị thay Ngài. Có dư luận bàn tán trong giới thông thạo tin tức rằng, nhà nước đang có toan tính sẽ áp tải Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ra Hà nội dự Đại hội VI và thỉnh ngài lên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN của Nhà nước. Điều nầy, đã được Thiếu tướng CA Trần Tư, Cục trưởng Cục A41, đã đi bước tiền trạm hôm 29/8/2007, đến Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, thăm Đức Tăng Thống, và sau đó ông Thiếu tướng CA đã ngỏ ý kiến nầy lên Đức Tăng Thống.

Cứ như tình trạng đang diễn ra từ 26.8.2007 đến nay, huy động lực lượng Công an hùng hậu bao vây Hòa thượng Viện Trưởng, ở Thanh Minh Thiền tại Sài Gon, giữ chặt chân chúng tôi, Chánh thư ký Viện Tăng thống, ở chùa Báo Quốc - Huế, và cô lập Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ở Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Thì Việc nhà nước áp tải Đức Đệ Tứ Tăng Thống đi Hà nội như ý đồ, là chuyện có thể xẩy ra. Bấy giờ, chúng ta sẽ phải hành xử như thế nào.

Kính xin Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo chia sẻ cùng Viện Tăng thống mối quan tâm nầy.

Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,

Từ những dữ kiện dẫn thượng, chúng tôi, với tư cách là Chánh Thư Ký Viện Tăng thống, xin đề nghị Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, các ý kiến sau đây:

1- Có biện pháp nhằm chấn chỉnh lại Nội bộ, nhất là đối với Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN các châu lục, lập lại kỷ cương sinh hoạt tổ chức Giáo hội, lấy lại niềm tin cho Tăng ni Phật tử trong nước và ngoài nước, đang vọng hướng về Giáo hội.

2- Những thành viên trung kiên với Giáo hội lâu nay, hãy bảo vệ các vị với bất cứ giá nào, trước những mưu mô xuyên tạc hạ uy tín, mà Cộng sản Việt nam đang cài người vào nội bộ chúng ta để quấy phá, tạo điều kiện tốt để các vị tiếp tục phục vụ Giáo hội và Dân tộc.

3- Những cá nhân hoặc nhân danh tập thể, không còn giữ được lòng trung kiên với Giáo hội, cũng nên tạo điều kiện để các vị được rút lui, không nên cầm giữ làm gì. Ít cũng được, ít mà lòng trung thành, chí kiên hậu còn hơn nhiều mà bất trung, bất nghĩa. Thập niên 90 chỉ có hai vị Hòa Thượng đơn độc. Ai bảo là nhiều ? Một thập niên sau, chung quanh hai vị Hòa Thượng đã có Hội Đồng Lưỡng Viện, đã có thêm 22 Ban Đại Diện các quận huyện, tỉnh thành. Ai bảo là ít ? Chỉ cần lòng trung kiên, chỉ cần có ý thức tập thể, biết đặt quyền lợi tổ chức lên trên quyền lợi cá nhân vị kỷ, thì khó khăn nào rồi cũng sẽ thành công, mà không thành công thì cũng thành nhân, thành phong cách hành xử của một người xuất gia, lấy giải thoát làm đầu. Danh ngôn có câu: “Ngậm cay đắng, trong cay đắng mới làm con người trên loài người.”

4- Đối với các vị Hòa thượng có tuổi cao sức yếu, có ý định xin nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Giáo hội rất thông cảm và hết lòng tán dương công đức của chư Hòa thượng, đã có những cúng hiến tích cực cho Giáo hội trong thời gian qua, và xin cung thỉnh chư vị lưu lại cùng Giáo hội, trong lúc Giáo hội đang lâm nguy bởi nội ma, ngoại chướng.

5- Trong trường hợp bất khả khán, không thể hội họp, không được đi lại gặp nhau bàn bạc, thảo luận như Hiến chương và Nội qui sinh hoạt qui định, thì có thể cũng phải tính tới giải pháp dùng Giáo chỉ, thay vì Hiến chương, để điều hành Phật sự lúc nguy biến.

Trân trọng kính chào và cầu chúc Hòa Thượng Viện Trưởng cùng Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo dồi dào sức khỏe, nhiều nghị lực để điều hành Phật sự.

Chúng tôi tin tưởng chư Phật Tổ sẽ phù hộ cho chúng ta.

Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện
Viện Tăng thống, GHPGVNTN

Chánh Thư Ký Viện Tăng thống

(ấn ký)


Tỳ Kheo. Thích Thiện Hạnh

Saturday, December 26, 2009

Tuan Phan- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là Giáo Hội xấu xa nhất thế giới.

Đúng 100%! Phật Giáo là tôn giáo tốt nhất thế giới. NHƯNG, lại chữ nhưng quái ác:

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là Giáo Hội xấu xa nhất thế giới.

Vì Giáo Hội nầy là sào huyệt của bọn Giặc Thầy Chùa từ khi Hồ tặc rời hang...Pác Bó, thâu nhận tên Diệp Trương Thuần làm đồ đệ với nickname là thích Đôn Hậu! Vì Giáo Hội nầy là "CON THUYỀN DANH LỢI", chuyên cung cấp danh lợi và luôn cả...tình cho các đồng chí ngồi đồng thuyền như lời thú nhận của đương kim thuyền trưởng Quảng Độ!

Sau nầy, tên cán bộ CS mặc áo CS Diệp Trương Thuần aka thích Đôn Hậu lên tới chức Đệ 3 Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN. Hắn tịt, giao Giáo Hội lại cho đồng chí đàn em là Lê Đình Nhàn aka thích Huyền Quang. Tên nầy tịt, giao Giáo Hội PGVNTN cho đồng chí rậm râu thưa tóc là Đặng Phúc Tuệ, aka thích Quảng Độ....

Có cần chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại là Giáo Hội tồi tệ nhất thế giới ? Nội quyển “Biến động Miền Trung” của Liên Thành thôi cũng là bản án thế kỷ dành cho bọn Giặc Thầy Chùa này rồi!

Nội nhìn ảnh Quảng Độ râu tóc, nhìn hai thùng phước sương to kền trứơc chánh điện tiệm nhang Thanh Minh ở Phú Nhuận Saigon, nhìn Pháp sư Niên Trưởng Giác Đức có vợ 3 con....

Nhìn dâm tăng Chánh Lạc bóp vú sờ mông tín nữ, nhìn Nhất Hạnh làng môn, nhìn ĐLHT Phước Huệ ngộ ái nị.... cũng đủ no con mắt rồi!

TP