xin bấm PLAY để nghe âm thanh
Cuộc Bạo Loạn Miền Trung : Mùa Hè 1966
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Như đứng trước Thượng Đế trong giờ phán xét sau cùng, tôi xin ghi lại tất cả những thảm cảnh tang tóc, đau thương mà lũ giặc thù cộng sản cùng các lực lượng « tranh đấu » và « Hòa hợp Hòa giải » Ấn Quang đã từng gieo rắc trên mãnh đất thân yêu là thành phố Đà Nẵng đầy lưu dấu của tôi.
Hôm nay, noi theo lời dạy của nhà học giả Nguyễn Trường Tộ : « Biết mà không nói là bất lương ». Nên, bằng tất cả tâm thành từ bài này trở đi, tôi sẽ tuần tự viết với đầy đủ những chi tiết trong mọi biến cố mà tôi đã từng mắt thấy tai nghe, vì tôi muốn viết khi các nạn nhân và cả chứng nhân tất cả các vị ấy hiện còn đang sống đa số tại hải ngoại, để minh chứng cho tiếng nói trung thực của tôi, mục đích là để cho lớp trẻ sau này biết đường mà lánh xa lũ sát nhân tàn bạo ấy.
Trong những bài trước tôi có nói đến « công lao » của « Lực lượng Hòa hợp Hòa giải » của Ấn Quang mà không nêu cụ thể chứng minh. Vậy để biết rõ hơn xin mời quý độc giả hãy cùng đọc lại báo Quê mẹ số 108 tháng 3 năm 1990, trang 21, đã đăng ( nguyên văn ) một trong « Năm yêu sách của Phật giáo do Thượng Tọa Thích Thanh Từ, Đại biểu giáo quyền Phật giáo đương kim Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào tháng 02 năm 1990 đã đưa ra Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản tại Hà Nội :
« Yêu sách thứ năm : Phải nhớ ơn các nhà tu hành, các tín đồ Phật giáo đã góp công lao vào công cuộc tranh đấu thống nhất đất nước trước đây. »
Không những thế, mà « Thượng tọa » còn lo lắng :
« … làm cho niềm tin của quần chúng đối với đảng và nhà nước bị xói mòn… và để lấy lại niềm tin của quần chúng. »
Nghĩa là « Thượng tọa » sợ cộng sản sụp đổ. Theo tôi, « Thượng tọa » đừng nên quá lo xa, bởi dân tộc Việt Nam từ thưở vua Hùng lập quốc đã có truyền thống kính sợ Trời tức Thượng Đế, vì thế những người Việt Nam đứng về phía dân tộc họ đều có thừa lòng nhân ái, không ai có những hành động như các lực lượng « tranh đấu » của Ấn Quang đã đối với các nạn nhân tại Đà Nẵng đâu. Bởi họ có nhân tính, họ tin có Ông Trời, họ sợ Ông Trời « sẽ đổ cơn thịnh nộ xuống ». Chỉ có lũ vô thần, phi nhân, tàn bạo chúng mới không tin có Trời nên đã đặt Trời xuống ngang bằng với quỷ vật nên chẳng ai biết sợ ai cả.
Hiện nay bạo quyển Hà Nội đã thỏa mãn « Năm yêu sách của Phật giáo » nên « Thượng tọa » Thích Thanh Từ đương nắm giữ giáo quyền và cả thế quyền nữa.
Thích Thanh Từ
Nguyên do và mục đích của Ấn Quang trong cuộc bạo loạn tại Miền Trung :
Mục đích chính của Phật giáo Ấn Quang là chiếm giữ miền Trung, để thành lập Chính phủ Miền Trung, liên minh với Việt cộng để đánh Việt Nam Cộng Hòa. Ấn Quang đã chuẩn bị từ lâu, chỉ chờ cơ hội để nỗi loạn. Vì vậy, nhân việc tướng Nguyễn Chánh Thi bị cách chức vào ngày 10-3-1966. Phật giáo đã lấy cớ đó biểu tình đòi chính phủ phải trả tướng Thi trở lại vùng 1. Khi chính phủ trả tướng Thi trở lại vùng 1 nhưng không có chức vụ gì cả. Thì Ấn Quang lại đòi chính phủ phải phục hồi cho tướng Thi với các chức : Tư lệnh Quân Đoàn 1, Vùng 1, kiêm đại biểu chính phủ tại Vùng 1 Chiến Thuật. Việc làm này của Phật giáo Ấn Quang đã khiến một tín đồ thuần thành của Phật giáo là ông Bùi Quang Sạn, chỉ huy trưởng Đơn vị Tình báo tác chiến tại Quảng Nam (sau đó ông là dân biểu ) đã nói :
« Chuyện ông Thi bị cách chức là chuyện của quân đội mắc mớ gì đến Phật giáo. Chỉ có muốn nỗi loạn cướp chính quyền để hợp tác với Việt cộng mà thôi. »
Sau đó, ông Bùi Quang Sạn đã bị bắt giam tại « chùa » Phổ Đà tức Phật Học Viện Trung Phần và trong cuộc nỗi loạn mùa hè 1966, Phổ Đà- Phật Học Viện đã trở thành « Tổng Hành Dinh Quân Đoàn Vạn Hạnh. » Khi bị bắt, Phật giáo đã bắn bể bàn chân trái của ông Bùi Quang Sạn, nhưng « Quân Đoàn Vạn Hạnh » đã không cho ai băng bó cả. Chẳng những thế, mà Quân Đoàn Vạn Hạnh còn trói thúc ké hai tay ông ra sau lưng và buộc ông phải đi bộ cùng với nhiều người bị bắt. Vì thế, trong số tù nhân Phật giáo này có hai ông Ngô Hải Quảng và ông Nguyễn Kim Thành phải dìu ông Bùi Quang Sạn đi trên đường phố đến chùa Phổ Đà. Trước mắt đồng bào, nhiều người đã thấy ông Bùi Quang Sạn đi chân đất, bàn chân trái bê bết máu, mặt mày trông rất đau đớn. Nên biết, khác hơn cả tù thời Pháp và Việt cộng. Tất cả tù nhân Phật giáo đều bị Quân Đoàn Vạn Hạnh buộc phải cởi bỏ áo quần ngoài chỉ được mặc quần áo lót, phải cởi bỏ luôn giày, dép, vớ, phải đi chân đất trên các đường phố, khi vào nhà tù Phổ Đà các vị tù này cũng không được mặc áo quần dài chỉ được mặc đồ lót và phải đi chân đất. Và họ đã ở trong nhà tù Phổ Đà, bị đánh đập bốn mươi ngày mới được giải cứu.
chùa Phổ Đà
332 Phan Châu Trinh Đà Nẳng
Vì thế, Giáo sư Trịnh Thể, Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Công Trứ và ông Phan Thuyết, Chủ sự phòng hành chánh Bệnh viện Toàn khoa ĐN, bởi quá thương các vị tù không tội này nên ông đã đến chùa xin được thăm nuôi, các « thầy » đồng ý, nhưng không được gặp mặt, chỉ được gửi vào chùa những chiếc chiếu ( nhưng không được gửi chăn, màn…) và quần áo lót qua người cai tù là Trung sĩ quân cảnh Nguyễn Văn Sự, ngoài ra tù nhân không được nhận một vật dụng hay bất cứ thực phẩm nào cả . Vì số tù quá đông nên các nhân sĩ và đồng bào đã giúp đỡ mua những chiếc chiếu và đồ lót, nhưng chỉ có hai vị không thể mang vào chùa được, nên hai vị đã nghĩ ra một cách là dắt tôi đến chùa « xin các thầy cho con nhỏ này nó phụ anh em tôi mang chiếu và đồ lót vào chùa, các thầy hãy an tâm vì nó hiền như cục đất à. »
Tôi không biết mấy ông trong chùa thấy tôi hiền, hay chỉ là con gái vô hại, hay ý Trời cho tôi được chứng kiến những điều ấy, nên khiến cho họ bằng lòng cho tôi được cùng giáo sư Trịnh Thể và ông Phan Thuyết đi thăm tù nhân tại chùa Phổ Đà.
Sau đó, hai vị bảo tôi cùng đi tìm người, tìm xe để chở số chiếu và đồ lót đó đem đến trước cổng chùa giao cho Nguyễn Văn Sự, rồi những người đi thăm nuôi và tài xế tất cả đều phải đi ngay. Một điều ít khó khăn hơn những thân nhân của quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tù cải tạo của công sản, là khi vào thăm nuôi mỗi người có người thân khác nhau, phải qua kiểm sóat thăm nuôi, phải chờ đợi, còn các vị tù nhân Phật giáo này không được phép nhận bất cứ cái gì của ai kể cả cha, mẹ, vợ, con. Vì vậy, sau khi giao số chiếu và đồ lót cho cai tù Nguyễn Văn Sự, y cứ cho đem vào chùa rồi hàng trăm vị tù tự chia xẻ với nhau để dùng. Sau 30-04-1975, khi gặp tôi trong trại cải tạo T.154, giáo sư Trịnh Thể bảo :
« Hồi xưa mấy ổng mà biết rõ em hiền như vậy thì đừng hòng mà đến gần được cái cổng chùa, chứ đừng có nói đến chuyện thăm nuôi.
Những diễn tiến của cuộc bạo loạn :
Như tôi đã nói về nguyên do và mục đích của cuộc bạo loạn. Bây giờ tôi xin trở lại từ những ngày đầu :
Sau khi tướng Nguyễn Chánh Thi trở về Đà Nẵng, nhưng chính phủ cương quyết không phục chức theo yêu sách của Phật giáo Ấn Quang. Thấy vậy, Phật giáo lại đòi phải thành lập chính phủ dân sự. Mặc dù biết những đòi hỏi của Phật giáo là quá đáng, nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đã triệu tập Quốc dân đại hội và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến trong vòng sáu tháng. Song, vì chưa đạt được mục đích nên Phật giáo lại tiếp tục biểu tình. Lần này với những biểu ngữ và dùng loa phóng thanh hô to những khẩu hiệu :
« Đả đảo Thiệu-Kỳ, Thiệu-Kỳ phải từ chức. »
Khi nhắc lại điều này, tôi muốn hỏi Phật giáo là tại sao từ sau ngày 30-4-1975, cho đến nay, Ấn Quang vẫn luôn kêu gào nào là từng bị Việt cộng bỏ tù, áp bức, pháp nạn… Như vậy, tại sao Phật giáo không tổ chức biểu tình đả đảo cộng sản, không làm như mùa hè 1966, không đòi bạo quyền Hà Nội phải từ chức, trong khi vẫn ca rằng Việt Nam có tới 90% là Phật tử ?
Trở lại cuộc nỗi loạn, khi chính phủ không từ chức, vì từ chức rồi giao chính quyền cho ai ? Chẳng lẽ giao cho Thầy chùa ? Vì vậy, Phật giáo bắt đầu cuộc bạo loạn bằng việc công khai tuyên bố đã thành lập « Quân đoàn Cách mạng Vạn Hạnh », Thích Minh Chiếu là Tư lệnh Quân đoàn. Tổng hành dinh được đặt tại chùa Phổ Đà ở số 340 đường Phan Châu Trinh Đà Nẵng như tôi đã viết ở bài trước.
“Chùa Phật GiáoViệt Nam” tại 1651 S. King St. Seattle, WA. 98144, USA. Điện thoại số: (206) 323-2269. ( Địa chỉ và số điện thoại này cho đến nay vẫn không thay đổi).
Nguyễn Đắc Xuân
Lúc này, Thích Đôn Hậu đã kéo một đám đệ tử từ Huế vào Đà Nẵng. Trong số này, có những tên cũng đã từng chỉ huy « Đoàn Thanh niên Phật tử Cứu quốc » trong cuộc tấn công hai phường Thanh Bồ và Đức Lợi vào ngày 24-8-1964, như các tên sau đây :
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Tuyên …và hơn hai ngàn thanh niên, hợp lại cùng với đám đệ tử tại Đà Nẵng cũng đã từng sát cánh với nhau trong cuộc thảm sát Thanh Bồ như : Phan Xuân Huy, Phan Chánh Dinh, Vĩnh Kha, Hồ Công Lộ, Hà Xuân Kỳ …
Sau khi vào Đà Nẵng, Thích Đôn Hậu và đám đệ tử tập hợp tại chùa Pháp Lâm, tức chùa tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam-Đà Nẵng, là cơ quan chỉ đạo chính trị ở số 500 đường Ông Ích Khiêm. Chính tại chùa Pháp Lâm, Thích Đôn Hậu đã nhân danh Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Miền Vạn Hạnh ( tức miền Trung ) dùng truyền đơn và loa phóng thanh phát lời kêu gọi :
Chùa Pháp Lâm , Đà Nẳng
« …Các quân nhân Phật tử hãy mau mau quay về gia nhập Quân đoàn Cách mạng Vạn Hạnh, các Phật tử trong mọi nghành cảnh sát, công tư chức, sinh viên học sinh, thanh niên và đồng bào Phật tử hãy gia nhập lực lượng đấu tranh để lật đổ chính phủ Thiệu-Kỳ. »
Cho đến nay, đã bốn mươi hai năm qua rồi. Nhưng khi nhắc lại lời kêu gọi này của Thích Đôn Hậu chắc những ai đã từng chứng kiến cuộc nỗi loạn này cũng thấy rằng : Quả thật, lời kêu gọi ấy có hiệu quả, bởi lúc ấy đã có không ít một số sĩ quan, binh lính, công tư chức rời bỏ hàng ngũ và nhiệm sở đế gia nhập « Quân Đoàn Vạn Hạnh » Riêng sinh viên, học sinh, thanh niên Phật tử đã được « Thượng tọa » Thích Minh Chiếu, Thiếu tá Trưởng phòng Tuyên úy Phật giáo vùng 1 chiến thuật trang bị súng đạn đủ loại, một số em học sinh nhỏ tuổi thì được trang bị bằng gậy gộc, gạch, đá để gia nhập « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » Thích Minh Chiếu hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ như tôi đã viết ở bài trước.
Lực lượng biểu tình từ đâu ra ?
Trong suốt thời gian nỗi loạn, tại thành phố Đà Nẵng ai cũng thấy con số người đi biểu tình rất đông đảo, nhưng chỉ có người dân Đà Nẵng mới biết rõ trong đoàn người đó có phải họ đều tự nguyện đi biểu tình hay không ?
Và đây là sự thật : Quý vị đã đọc qua bài 30-4-1975 : Máu và nước mắt, ở số báo trước, quý vị đã biết về số người đi « diễn hành » vào ngày 19-5-1975, để « mừng » sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Pháp Lâm, thì quý vị ắt đã biết có một số đông đồng bào đi biểu tình trong cuộc bạo loạn này không phải là tự nguyện.
Để biết rõ hơn, tôi xin ghi lại những sự gì mà chính tôi đã chứng kiến. Tôi vẫn nhớ như in, vào thời gian đầu của cuộc nỗi loạn chỉ có một số ít phật tử đi theo tiếng gọi của…thầy chùa. Vì vậy, « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » tay cầm gậy gộc đến từng khu chợ, tay vung gậy, mồm la hét, đe dọa, bắt buộc đồng bào phải bãi thị để đi biểu tình, ai phản đối thì bị đánh đập, và ĐTNPTQT đã đạp đổ những sạp hàng, những gánh bún… Cuối cùng, đồng bào phải nuốt nước mắt để đi biểu tình. Điều này, nhà văn Nguyễn Mộng Giác chắc có biết, nên đã viết qua trong « Mùa Biển Động » nhưng có thể vì để bán sách nên ông không viết đầy đủ.
3000 Bàn Phật xuống đường.
Trước khi nói đến chuyện bàn Phật xuống đường. Tôi phải nói rõ xuất xứ từ hơn ba ngàn cái bàn Phật đã nằm la liệt trên khắp đường phố Đà Nẵng. Nên biết, trong hơn ba ngàn cái bàn Phật đó, có rất nhiều cái bàn Phật dã chiến. Vì không có đủ bàn Phật, nên chỉ ở các cổng chùa mới có những bàn Phật trang nghiêm, còn ở các nơi khác thì các « thầy » ra lệnh cho « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » ( từ đây xin tôi xin viết tắt là ĐTNPTQT) tay cầm búa, gậy ngang nhiên vào nhà Phật tử khiêng bàn Phật của họ ra đường, cũng nên biết trong nhà của đồng bào Đà Nẵng chỉ có một cái bàn thờ, họ thường để tượng, ảnh Phật ở trên và thờ chung với Tổ tiên, ông bà, có gia đình nghèo họ để bàn thờ trên mặt tủ. Khi ĐTNPTQT, đến khiêng bàn thờ họ nhất định không cho, vì biết đem bàn thờ, đem tủ ra đường phơi nắng, dầm mưa thì chắc chắn sẽ bị hư, bị gãy. Nhưng rồi họ cũng không ngăn cản được, bởi trên tay ĐTNPTQT, toàn là búa, gậy, gạch, đá. Nhưng thấy cũng chưa đủ, ĐTNPTQT đã đi vào các chợ khiêng những chiếc bàn vốn là của bà bán hàng xén, ông bán thịt, cô bán bún, chị bán tôm, tép, cá khô …đã bị bắt buộc phải bãi thị. Vì thế, khi đem ra đường trên mặt bàn còn dính đủ loại mặt hàng như : Đường, bột,tiêu, ớt, dầu, muối, mắm, thịt, vãy cá nhầy nhụa. Nhưng đã được ĐTNPTQT phủ lên một tấm nylon có in hình hoa lá đủ mầu sắc ( loại dùng để trải bàn) Rồi đem tượng Phật, có cái chỉ là một tấm ảnh Phật được lồng vào khung gỗ. Tiếp theo, ĐTNPTQT dùng những chiếc lon sữa bò hoặc những cái hộp đựng thịt, nhặt ở những nơi mà các xe thầu rác của sở Mỹ đổ ra, đem rửa sạch, đổ gạo và cắm nhang (hương) vào. Bên cạnh cũng là những chiếc lon như đã nói, nhưng khác hơn là nó được úp xuống, gắn đèn sáp đỏ lên. Tất cả được thượng lên bàn dưới chân tượng, ảnh Phật. Sau cùng là đốt nhang đèn.
Như thế, từ cái bàn bán hàng, bán thịt, bán bún …ngoài chợ, tất cả chúng đều nghiễm nhiên trở thành những cái bàn Phật, nhang, đèn, khói hương nghi ngút.
Có người nói, quân chính phủ đã đạp, đổ bàn Phật, nhang, đèn. Nên tôi cũng xin nói rõ là điều đó không hề có. Các chiến sĩ dẹp loạn chỉ khiêng các bàn Phật để lên trên lề đường cho xe cộ lưu thông mà thôi.
Nhưng vì hơn bốn tháng bị bắt buộc bãi thị, không ai bán gạo hay thức ãn, nên những người hành khất và các em thiếu thi hè phố cũng phải chịu đói theo đồng bào. Bởi thế, nên cứ chờ khi các chiến sĩ dẹp loạn quay lưng, thì các vị khất sĩ này liền tới ngay các bàn Phật, tay này rút nhang vứt xuống đất, tay kia bưng những lon gạo trút vào các túi cái bang. Cùng lúc các chủ nhân của những chiếc bàn cũng nhanh chân đi thu hồi lại những chiếc bàn, để còn đem ra chợ buôn bán sau một thời gian dài chịu đói khát. Và tất nhiên, những người này họ phải đem nhang đèn để xuống đất, vì họ chỉ lấy lại những chiếc bàn của họ mà thôi.
Trở lại chuyện bàn Phật xuống đường.
Người dân Đà Nẵng đã chứng kiến và gánh chịu những khốn khổ vì hơn bốn tháng Trời bàn Phật nằm đầy đường, Đà Nẵng trở thành thành phố chết, xe cộ không thể lưu thông, người phải đi bộ, các chợ vắng hoe, dân chúng không làm ăn buôn bán gì được, quân nhân, công chức, lao công không có lương, nhiều gia đình bị đói vì họ là những người dân từ các quận xa xôi như : Trà Mi, Tiên Phước, Hậu Đức, Khâm Đức, Quế Sơn …chạy về Đà Nẵng để lánh nạn cộng sản.
Hành quân Đinh Bộ Lĩnh :
Giữa lúc Phật giáo đã cướp chính quyền toàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có Đài phát thanh. Chỉ trừ phi trường, mặc dù có dự tính nhưng không dám tấn công vì sợ Hoa Kỳ. Người dân Đà Nẵng đang khốn khổ và giữa lúc sinh mạng của các vị quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa là những tù nhân Phật giáo trong chùa Phổ Đà đang như sợi chỉ mành treo chuông. Như ông Lê Nguyên Long Trưởng ty Thông tin Quảng Nam đã kể :
« Tui không biết con số chính xác là tại chùa có bao nhiêu người, nhưng tui biết chúng tui mỗi phòng có bảy mươi người, mà các phòng của nhà tăng tại chùa Phổ Đà thì nhiều, vì chùa này là Phật Học Viện Trung Phần mà, nên nó lớn lắm mà đều kín chỗ hết, chúng tui nằm sát nhau rất chật chội, vì mùa hè nên nóng lắm, ai cũng đều phải trải chiếu nằm trên nền xi măng, lại bị muỗi đốt kinh khủng vì không có mùng, không được mặc áo quần dài, không có dép, không có khăn tắm, khăn mặt, không có xà phòng, không có kem và bàn chải đánh răng, không có cái gì cả ngoài bộ đồ lót trên người và chiếc chiếu, nghĩa là chúng tui đã sống như người ở thời tiền sử. Còn cách hỏi cung của mấy ổng thì ghê gớm lắm, vì mỗi lần hỏi cung là mỗi lần chúng tui đều bị tụi nó oánh, mà tụi nó có hỏi cung chi mô, nó kêu từng người ra phòng khác để nó oánh cho đã thôi, khi về phòng người nào cũng giống như cái mền rách. Trời ôi ! tụi nó tàn ác lắm, nó oánh, nó oánh tụi tui, nó oánh ( nó đánh) từ trái sang phải, chúng tui tưởng đã bỏ xác trong chùa Phổ Đà rồi chớ. Nhưng chưa hết mô còn thêm một nỗi kinh hoàng hơn nữa là trước các cửa sổ các phòng đều có treo lựu đạn với lời tuyên bố của Quân Đoàn Vạn Hạnh : Đ.M, nếu Thiệu-Kỳ mà đưa quân vào đây là chúng tao bung lựu đạn cho chúng mầy chết tan xác hết. »
Tưởng cũng nên nhắc lại ông Lê Nguyên Long bị bắt trong lúc đang lái chiếc Vespa chở giáo sư Nguyễn Hữu Chi, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, trên đường từ Quảng Nam về Đà Nẵng vừa đi đến ngã ba Duy Tân ĐN, thì bị Phật giáo chặn bắt cả hai vị. Sau đó Giáo sư Nguyễn Hữu Chi và ông Lê Nguyên Long bị đưa vào nhà tù Phổ Đà là nơi giam giữ nhiều tù nhân nhất, ngoài ra cũng có nhiều chùa cũng đã trở thành nhà tù như chùa Tam Bảo Tự ở số 323 đường Phan Châu Trinh ĐN.
Lập lễ đài chào đón Đại lễ Phật đản Vesak 2008 tại chùa Tam Bảo Tự (Đà Nẵng). số 323 đường Phan Châu Trinh
Ngày 16-4-1966, « Phật giáo » đã vây bắt Thiếu tá Mai Xuân Hậu, quận trưởng quận Hòa Vang, và đồng loạt tấn công các trụ sở đảng phái, bắt hàng trăm viên chức chính quyền và các cán bộ của VNQDĐ do cụ Vũ Hồng Khanh lãnh đạo (ông Lê Nguyên Long cũng là VNQDĐ) đồng thời Phật giáo cũng tấn công Trụ sở Liên hiệp Nghiệp đoàn Lao công ở số 15 B đường Thống Nhất bắt ông Trần Hòa Tổng thư ký Liên hiệp Nghiệp đoàn và các nhân viên đem giam vào chùa Phổ Đà và còn quá nhiều người mà tôi không làm sao kể hết.
Cũng trong thời gian ấy, Phật giáo đã tấn công quân nhân và đốt các xe của quân đội Hoa Kỳ. Một trường hợp đã có rất nhiều biết đó là tại đầu đường Bạch Đằng, trước Cổ viện Chàm nhìn sang Trường Trung Học Sao Mai, khi đó một chiếc xe Jeep nhà binh trên xe có hai Sĩ quan, một Hoa Kỳ và một Đại Hàn vừa chạy trờ đến, thì « Đòan Thanh niên Phật tử Quyết tử » xông ra chặn đường và lôi hai Sĩ quan này xuống đất, hai Sĩ quan này hốt hoảng kêu cứu thì liền bị đám này túm cổ áo và đánh hội đồng, cùng lúc tưới xăng vào xe và châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bốc cháy thì có nhiều người từ khách sạn Moderne do Phu nhân Trung tá Trần Nguyên An làm chủ đã chạy ra giải vây, lợi dụng lúc lúc đó Phu nhân Trung tá Trần Nguyên An đã kéo cả hai Sĩ quan chạy vào khách sạn che giấu. Sau đó bà đã tìm cách đưa họ trở về đơn vị.
Trong hoàn cảnh đó, ở dưới đất thì diễn ra cảnh đốt phá, vây bắt, đánh người thì trên không máy bay của quân đội đồng minh lượn quanh không phận Đà Nẵng không ngớt phát lời kêu gọi :
« Chúng tôi quân đội đồng minh, chỉ giúp đỡ và bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi không có đụng chạm đến Phật giáo cũng như chính phủ. Vậy chúng tôi thiết tha kêu gọi quý vị hãy chấm dứt việc hành hung và đốt xe của các quân sĩ đang thi hành công vụ. »
Nhưng « Lực lượng Tranh đấu Phật giáo » chẳng ai thèm nghe cả. Chính vì thế, tại Quảng Nam Việt cộng đã lợi dụng cảnh hỗn loạn ở thành phố để tấn công, nên các đoàn xe của quân đội Việt –Mỹ phải lên đường tiếp viện. Nhưng khi đoàn xe chạy qua khỏi ngã ba Huế thì trong chùa Phổ Quang do « Thượng tọa »Thích Từ Mẫn trụ trì đã ra lệnh cho « Phật tử » đông đảo sẵn có ra nằm la liệt trên mặt đường, ngăn cản đoàn quân viện không cho tiến vào Quảng Nam để cùng các đơn vị bạn chiến đấu với cộng quân.( Thích Từ Mẫn là chủ nhà sách Văn Nghệ tại Cali, Hoa Kỳ).
Chùa Phổ Quang , Đà Nẳng
HOÀ THƯỢNG THÍCH TỪ MẪN (1932-2007)
Mặt khác, các thầy đã ra lệnh cho « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » đến nhà ông Nguyễn Bá Sáu, ông Sáu là người Bắc di cư ở số 19 đường Lý Thái Tổ, là nơi cung cấp củi cho toàn thành phố và nói với ông Nguyễn Bá Sáu là cho mượn hết số củi đó chở về các chùa để các thầy tự thiêu. Ông Nguyễn Bá Sáu không cho mượn, ông nói : « Tự thiêu củi cháy hết rồi lấy cái gì trả cho tôi. » Nhưng ĐTNPTQT cứ xông vào khiêng hết số củi bỏ lên xe đem về chất trước các sân chùa, chùa nào cũng có một đống củi, rồi các « thầy » tuyên bố :
« Nếu Thiệu-Kỳ đem quân vào chùa sẽ có người tự thiêu. »
Song, quân chính phủ không hề động đến một cái chùa nào cả, chẳng phải quân đội sợ các « thầy » tự thiêu, vì biết các « thầy » sợ chết lắm, mà vì sinh mạng của hàng trăm con tin là quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong chùa.
Đến lúc quân chính phủ đã kiểm soát gần hết thành phố ; ông Nguyễn Bá Sáu đem xe đến các chùa đòi củi lại, ông nói :
« Các thầy nói mượn củi của tôi để tự thiêu, nhưng đến giờ này cũng không thấy ai tự thiêu cả, thì trả củi lại cho tôi, để tôi bán lấy tiền nuôi vợ con tôi. Còn nếu thầy nào muốn tự thiêu thì cho tôi biết, tôi sẽ cúng dường bằng xăng và nếu cần thuốc mê, thuốc tê, thuôc ngủ thì tôi cũng xin cúng dường luôn (ông Nguyễn Bá Sáu còn có tiệm thuốc tây nữa) vì tự thiêu bằng xăng sạch sẽ hơn. »
Song, đó là màn cuối cùng của các « thầy », bởi thấy quân của chính phủ không nhượng bộ thì « Quân đoàn Vạn Hạnh » một số đã « đào ngũ » khi biết rõ các thầy là cộng sản, một số không trốn được nhưng cũng xuống tinh thần, nên các thầy còn cần đến những đống củi chất trước chùa để hù dọa chính phủ. Vì thế, các thầy không cho ông Sáu chở củi về . Nhưng ông Sáu thì cương quyết thu hồi số củi của ông, ông liền cho người khiêng hết củi bỏ lên xe chở về chất trước nhà. Lúc này, « Quân đoàn Vạn Hạnh » đang rầu thúi ruột vì quân chính phủ đã kiểm soát gần hết thành phố nên chẳng có ai ngăn cản.
Nhưng sau khi ông Sáu chở hết củi về rồi, các « thầy » mới thấy lo, vì không có củi lấy cái gì để hù tự thiêu với quân chính phủ. Vì thế, các thầy lại ra lệnh cho « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » tay cầm gậy gộc đến nhà ông Nguyễn Bá Sáu đánh ông một trận cho đỡ tức.
Phần ông Sáu, khi thấy đám côn đồ này xông vào nhà ông sợ quá liền chui vào đống củi, đám này bảo ông phải ra cho chúng đánh, ông không dám chui ra. Chúng biết ông trốn trong đống củi, nhưng củi nhiều quá chúng không biết ông trốn ở chổ nào. Tức quá,chúng liền tưới xăng vào đống củi và châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bốc cháy, vợ con ông kêu cứu, đồng bào trong xóm nhiều người la lớn kêu cứu. Trong đó có ông Trương Quang Bông, lúc đó đương ở trên lầu bốn của Khách sạn Tao Nhã do vợ ông làm chủ ở số 172, đường Lý Thái Tổ. Vì ở gần nhà ông Nguyễn Bá Sáu, nên khi thấy ngọn lữa bốc cháy và nghe những tiếng kêu cứu của đồng bào,nên ông Trương Quang Bông đã gọi điên thoại cho sở cứu hỏa. Vì thế, lính cứu hỏa đã kịp thời dập tắt ngọn lửa, cứu ông Sáu ra khỏi đống củi và đưa ông đến bệnh viện. Ông chỉ bị bỏng nhẹ nên thoát chết, nhưng chưa thoát được bàn tay của các « thầy », nên sau ngày 30-4-1975, ông Sáu lại bị các « thầy » đem ra « Tòa án nhân dân » đấu tố đủ thứ « tội » cuối cùng tôi lại gặp ông tại Trại cải tạo T.154, và ông cũng ở gần mười năm mới được trở về.
Qua những hành động như đã kể. Chúng ta ai chũng thấy rằng các « thầy » quả thật quá ngang ngược, đã lấy củi của ông Sáu trong lúc ông không đồng ý, đến khi muốn thu hồi củi ông Sáu phải tự thuê xe chở về, rồi cũng không yên thân, các thầy lại cho lũ côn đồ tới nhà đánh ông, lại còn chuẩn bị cả xăng mang theo để đốt sống ông Sáu nữa. Nhưng, nếu sở cứu hỏa không cấp cứu kịp thời thì chẳng phải một mình ông Sáu và gia đình ông chịu chết, mà nhà cửa và sinh mạng của đồng bào ở lân cận nhà ông Sáu tại đường Lý Thái Tổ cũng phải cùng chung số phận !!!.
Quân chính phủ có gây thương vong cho nhân mạng hay không ?
Vừa qua, trên mạng lưới toàn cầu tôi thấy cả hai ông tướng Tôn Thất Đính và Nguyễn Chánh Thi đã phát biểu hoàn toàn bịa đặt, như nói là « …trong cuộc tranh đấu của Phật giáo quân chính phủ đã làm thiệt mạng cho 240 người tại Đà Nẵng »
Cựu Tướng Tôn Thất Đính B | ||
Nên biết, suốt thời gian ấy ông Thi đã trốn ngoài Huế nên không biết hay thấy những gì đã xãy ra tại Đà Nẵng. Bây giờ ông Thi đã chết, nhưng cách đây mười năm, sau khi đọc cuốn hồi ký của ông tôi có một bài viết trên Văn Nghệ Tiền Phong số 556, trong đó có một đoạn, nay tôi xin viết lại đoạn đó như sau : Tôi đã đọc cuốn hồi ký ấy, ngay từ trang đầu tiên ông đã viết : « Vì lòng yêu nước tôi đã gia nhâp quân đội 1940… ». Tôi muốn hỏi tướng Thi : Vào thời điểm đó Trung tướng nói yêu nước là yêu nước nào ? Gia nhập quân đội nào ? Cầm súng của ai và để bắn giết ai ?
Và những câu hỏi trên cho đến chết tướng Thi vẫn không trả lời được.
Riêng tướng Tôn Thất Đính. Trong cuộc bạo loạn của Phật giáo tại Đà Nẵng. Sau bốn mươi ngày « Phật giáo bắt giam nhiều vị quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ đưa ông ra Miền Trung để điều đình với phe nỗi loạn để giải cứu số tù nhân Phật giáo
Ngày 26-5-1966, khi tướng Đính đến chùa Phổ Đà gặp các tù nhân Phật giáo chính ông đã nói với các vị tù nhân câu này tôi xin nhắc lại nguyên văn :
« Tôi đến để trả tự do cho các anh, để các anh trở về chiến đấu với cộng sản. »
Với câu nói này tướng Đính đã bị hai ông Lê Nguyên Long và ông Ngô Hải Quảng phản đối đến rất nặng lời. Riêng ông Lê Nguyên Long vì ức quá ông đã vung cả hai tay chỉ ngay sát vào ngực áo cà sa của từng ông Sư la lớn tôi xin ghi lại nguyên văn như sau đây :
« Trung tướng bảo chúng tôi đi đánh cộng sản hả ? Đánh cộng sản đâu cần phải đi xa. Cộng sản đây nì, cộng sản đây nì.( cộng sản đây này). »
Tôi không muốn nhắc lại dài dòng, tôi chỉ nói thêm là khi đó có nhiều người không chịu ra khỏi chùa, họ đòi phải đưa Thích Đôn Hậu, Thích Minh Chiếu và các thầy chùa cùng nội vụ ra tòa, đòi thầy chùa phải trả lời tại sao bắt họ ? Họ có tội gì ? Thầy chùa lấy tư cách gì để bắt giam, đánh đập họ bốn mươi ngày ? Nhưng họ đã không đòi được công đạo, vì chính quyền lúc ấy khiếp nhược, cầu an.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tướng Đính lại nói : « Tôi đến để trả tự do cho các anh … » Phải chăng chính tướng Đính đã ra lệnh cho « Quân đoàn Vạn Hạnh » bắt giam các vị ấy ? Vì chỉ có người ra lệnh và người bắt giam mới có tư cách « để trả tự do ». Còn một điều nữa là cả hai ông tướng đều nói đến hàng trăm người đã thiệt mạng, nhưng tại sao không đưa ra được một bằng chứng cụ thể ? Còn tôi, tôi có đủ bằng chứng và nhân chứng sống cũng như tên, họ, chánh, trú quán của những nạn nhân còn sống cũng như thân nhân của người đã chết.
Còn một điều khác nữa là không ai biết được những diễn biến bên trong giữa Phật giáo và tướng Đính, vì sau đó Tôn Thất Đính chẳng những không giúp chính phủ mà còn đứng về phe nỗi loạn. Vì vậy, chính phủ phải gấp rút đưa quân ra Trung để dẹp loạn, khi thấy sự quyết liệt của chính phủ thì những người cầm đầu của loạn quân trong cái gọi là « Quân đoàn Vạn Hạnh » đã rút vào sào huyệt cuối cùng là « chùa » Pháp Lâm ở số 500 đường Ông Ích Khiêm ĐN.
Khi quân chính phủ đã kiểm soát toàn thành phố ĐN trừ chùa Pháp Lâm. Vì để hoàn tất kế hoạch hành quân mà không gây đổ máu, quân đội đã bao vây chùa Pháp Lâm, dùng loa phóng thanh kêu gọi tất cả hãy ra đầu hàng. Lúc này mọi người đều thấy những người này tuần tự bước ra khỏi chùa, hai tay đều giơ cao khỏi đầu và xin đầu hàng quân chính phủ, trong những người ra đầu hàng này người ta đã thấy những tên quen thuộc như sau đây :
1- Trung tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh quân đoàn 1, Vùng 1 chiến thuât, kiêm Đại biểu chính phủ tại vùng 1.
2- Đại tá Nguyễn Văn Mô, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1
3- Đại tá Đàm Quang Yêu, Tư lệnh Biệt khu Quảng-Đà
4- Bác sĩ Nguyễn Vãn Mẫn, Thị trưởng Đà Nẵng
5- Lưu Văn Ngộ, Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia ĐN
6- Âu Quang Minh, Trưởng ty cảnh sát Quốc gia Quảng Nam.
Tiếp theo sau là những thuộc hạ của những người này, trong « Quân đoàn Vạn Hạnh »
Sau đó, Quân chính phủ đã ra lệnh buộc sáu ông Đính-Mô-Yêu-Mẫn-Ngộ- Minh và thuộc hạ phải leo lên xe bít bùng và chở lên phi trường đưa về Sài Gòn tống giam.
Nhưng tiếc rằng, chính phủ lúc ấy đã không làm hết việc. Tại sao chỉ bắt tướng Đính và năm người cầm đầu cùng loạn quân còn lại trong « chùa » mà không bắt thầy chùa. Nên nhớ, là chính phủ có quyền bắt tất cả những kẻ đã gây ra cuộc bạo loạn để đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận và bỏ tù, cũng như buộc hoàn tục, vì họ có tu thật đâu, họ chỉ núp dưới chiếc áo cà sa để làm giặc. Vì các « thầy » đều có mang lon sĩ quan Tuyên úy, như Thích Minh Chiếu, Thiếu tá trưởng phòng Tuyên úy Phật giáo Vùng 1 Chiến thuật, Thích Như Huệ mang lon Đại úy Biệt động quân đi dụ dỗ trẻ em vị thành niên đến có bầu, bị gia đình các bé gái ở Hội An kiện ra tòa, và còn rất nhiều nữa.
1) Thích Như Huệ:
- Tổng Uỷ Viên liên lạc GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL
- Hội Chủ Điều Hành Giáo Hội
CHÙA PHÁP QUANG,
Tiểu Bang Queensland, ÚC CHÂU
Chính vì việc làm nữa vời này của chính phủ nên mới di họa cho đến 30-4-1974, và không biết sẽ còn đến bao lâu nữa ???!!!
Để trả lời tướng Tôn Thất Đính và trên hết là tôi muốn trân trọng gửi đến quý độc giả những sự kiện đã xãy ra thật chính xác như sau đây :
Trước hết, tướng Tôn Thất Đinh vì đã trốn trong các chùa. Sau cùng là Chùa Pháp Lâm nên không bao giờ thấy hay biết những gì xãy ra ở bên ngoài. Vì vậy, tôi khẳng định lại một lần nữa là những gì tướng Đính nói là hoàn toàn bịa đặt.
Thảm cảnh của đồng bào tại Thành Phố Đà Nẵng :
Sau hơn bốn tháng, người dân thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với tử thần, thì Chiến dịch Hành quân Đinh Bộ Lĩnh được ban hành. Khi bộ chỉ huy lực lượng hành quân ĐBL đã chiếm được Đài phát thanh Đà Nẵng thì đã phát lời kêu gọi của Đại tá Nguyễn Thanh Yên, Chỉ huy trưởng Thủy quân Lục chiến kiêm Quân Trấn Trưởng Đà Nẵng như sau :
« … Nghiêm cấm quân sĩ không được xâm phạm chốn tôn nghiêm, tuyệt đối không được nổ súng bắn trả lại quân phản loạn cho dù có bị thương vong. Đồng thời kêu gọi đồng bào hãy tiếp tay quân đội chính phủ, khiêng các bàn thờ Phật tổ để tạm yên trên lề đường cho xe cộ lưu thông, vãn hồi an ninh trên lãnh thổ Quãng Nam-Đà Nẵng. Nhưng nhớ phải cẩn thận không được làm ngã đổ tắt nhang đèn. »
Vì bị đói khổ nhiều ngày tháng, nên đồng bào ĐN rất vui mừng hưởng ứng lời kêu gọi và đã hăng hái tiếp tay với các chiến sĩ dẹp loạn, trong đó có em Lê Quang San 16 tuổi, học sinh lớp Đệ tứ trường Trung học An Hải quận 3, con của ông bà Lê Quang Khâm, chánh quán thôn Bát Nhị, xã Kỳ Ngọc, quận Điện Bàn, Quảng Nam, lánh nạn cộng sản tại An Cư1, phường An Hải Đông, quân 3 ĐN.
Lúc đó, những kẻ cầm đầu của cuộc bạo loạn miền Trung đã rút vào sào huyệt cuối cùng là chùa Pháp Lâm tức chùa Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam-Đà Nẵng, tại số 500 đường Ông Ích Khiêm ĐN, để phòng thủ.
Nhưng họ vẫn không chịu ngưng tiếng súng, mà từ trong chùa « Quân đoàn Vạn Hạnh » cứ bắn xả từng loạt đạn ra đường, những người khiêng dọn bỏ chạy, riêng em Lê Quang San vì sợ quá không chạy được nên đã chui xuống bàn Phật để tránh đạn thì bị lính của Quân đoànVạn Hạnh lôi vào cổng chùa Pháp Lâm, rồi giáng cho em những trận đòn thừa sống thiếu chết, sau đó nổ súng bắn em San chết gục tại phía trong cổng chùa Pháp Lâm.
Nghe điện báo của quân sĩ trấn thủ vùng này, Đại tá Nguyễn Thanh Yên đích thân đến tận nơi chứng kiến xác chết của em San. Rồi Đại tá Nguyễn Thanh Yên ra lệnh đưa thi thể em lên Quân y viện Duy Tân chờ tìm thân nhân nhận xác.
Sau đó, qua tường trình của các viên chức an ninh, biết được gia đình em nghèo, cha làm nghề đạp xích lô, mẹ làm công việc nội trợ, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, đã gửi đến gia đình em 20.000 đồng để giúp đỡ việc an táng cho em San.
Mặc dù chính phủ đưa quân ra Trung vào ngày 27-6-1966, nhưng cho đến hết tháng bảy các binh sĩ và đồng bào mới thu dọn sạch sẽ trên đường phố, đầu tháng tám các chợ mới đông, thành phố Đà Nẵng mới hồi sinh.
Về con số thương vong, ai cũng biết có người chết và rất nhiều người bị thương do đạn của « Quân đoàn Vạn Hạnh » từ trong các chùa bắn ra để giết chết đồng bào và quân chính phủ làm công việc dọn dẹp trên đường phố. Một số người bị thương vì bị « Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử » đánh đập và dùng gậy gộc, gạch, đá tấn công, bởi họ không chịu bãi thị, không chịu đi biểu tình, không cho khiêng bàn thờ Phật của họ ra đường. Còn quân chính phủ không dám nỗ súng vì trong các chùa còn có hàng trăm con tin là quân cán chsinh Việt Nam Cộng Hòa. Nên biết, nếu đúng như lời của hai ông Thi-Đính thì còn loạn hơn như thế nữa. Bởi, chỉ cần có một người của loạn quân mà chết, dù là trúng gió chết hay bị chó cắn mà chết , thì chắc chắn quân bạo loạn sẽ khiêng cái xác ấy đi biểu tình và nói là quân chính phủ giết họ. Nhưng may mắn là trong suốt thời gian bạo loạn gió cũng hiền, chó cũng biết sợ nên « lực lượng tranh đấu » chẳng có ai trầy sướt gì cả.
Khi tình hình Đà Nẵng đã ổn định ông bà Lê Quang Khâm đến Đặc khu quân trấn gặp Đại tá Nguyễn Thanh Yên, yêu cầu đưa ra pháp lý để làm sáng tỏ cái chết của em Lê Quang San thì được Đại tá trả lời :
« Tôi cũng là người Đà Nẵng, xin thành thật chia xẻ nỗi đau thương của ông bà, nếu cần gì tôi sẽ đề nghị ông Thị trưởng giúp đỡ. Còn điều ông bà yêu cầu, tôi xin lỗi không làm được, vì như mọi người đều biết các trụ sở đảng phái, nghiệp đoàn cũng bị tấn công, hàng trăm quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã bị bắt giam trong chùa Phổ Đà. Vì thế, trước mắt mọi người Phật giáo đã không còn tính chất của tôn giáo nữa. Song, không có cách nào khác hơn vì vũ khí của quân đội thì mang bên ngoài bộ quân phục, nhưng vũ khí của các thầy lại nằm bên trong chiếc áo cà sa ! Không phải một mình cháu San mà còn rất nhiều nạn nhân, trong đó có rất nhiều binh sĩ đã mất mạng ! Nếu tôi có làm điều gì hơn nữa thì chỉ tạo nhân tố cho họ dùng biển người trấn áp, mà không biết chừng lại nỗi loạn lên nữa, bởi dù là cọp trên rừng mà đã lạc xuống đồng cũng đành chịu vậy !
Vì hưởng ứng lời kêu gọi của quân đội mà ra nông nỗi, vậy tôi thành thật xin lỗi ông bà cũng như tất cả các gia đình của những nạn nhân xin hãy thấy được nỗi khó khãn của tôi mà dành cho tôi một sự cảm thông. »
Trước những lời chí tình của Đại tá Nguyễn Thanh Yên, ông Lê Quang Khâm đã nói :
« Chúng tôi xin cám ơn Đại tá, nhưng ngoài việc muốn làm sáng tỏ về cái chết oan uổng của con tôi, chúng tôi không cần gì khác hơn nữa cả. »
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, ngoài số người đã bị bắt còn có một số cán bộ đảng phái đã chạy thoát, bị Phật giáo truy đuổi, một số chạy lên được phi trường, một số chạy xuống khu Nội Hà, phường Thanh Bình thì được đồng bào miền Bắc di cư nuôi giấu trong nhà. Đặc biệt một số đông cùng đường đã chạy vào nhà thờ nhờ Cha Bề trên Nguyễn Văn Phương che chở, nhưng Cha Nguyễn Văn Phương không thể để « quý vị » ấy trong nhà thờ được, vì như thế nhà thờ sẽ bị tấn công.
Bởi vậy, Cha Phương đã cho người gọi ông Trần Văn Tuyên đến đón « quý vị » ấy về nhà nuôi giấu, và vợ con ông Tuyên đã cơm bưng, nước rót hầu « quý vị » ấy hơn hai tháng.
Ai cũng biết hơn bốn tháng trời Đà Nẵng là thành phố chết, có tiền không mua gạo được, mà số người ẩn trốn lại quá đông. Vì thế, Cha Phương đã kêu gọi đồng bào di cư BV đóng góp để nuôi họ. Riêng ông Trần Văn Tuyên vì nhà ông nuôi giấu người đông nhất, nên « quý vị » ấy đã chứng kiến hàng ngày cảnh ông Tuyên đã mang bị đi xin từng lon gạo, từng tí mắm « của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng » để đem về nuôi họ.
Đến khi sóng lặng, gió êm « quý vị » này ai cũng có chức cả, nào là Chủ tịch, bí thư, nghị sĩ, dân biểu, nghị viên …Lúc này « vị » nào cũng đi đứng hiên ngang nên tuyệt đối không một ai còn nhớ đến cái lúc cùng đường xông đại vào nhà người ta cầu cứu, cũng như lúc từ nhà thờ Thanh Bình đến nhà ông bà Trần Văn Tuyên « quý vị » đã vừa lết vừa bò vì sợ « Phật giáo » phát giác. Hơn ai hết, là đồng bào miền Bắc di cư họ thừa hiểu nếu « Phật giáo » biết được họ đã nuôi giấu « quý vị » trong nhà thì cả phường Thanh Bình cũng cùng số phận như Thanh Bồ trước đó, song họ bất chấp mọi thứ bởi thấy nguy là phải cứu, thế nhưng, làm người cái lịch sự tối thiểu là phải biết nói lời cám ơn khi được người khác cứu giúp. Nhưng « quý vị » ấy kể từ lúc rời khỏi Thanh Bình, trước 1975, « quý vị » ai cũng có quyền, có chức vậy mà không hề có một ai ghé lại nhà ông bà Trần Văn Tuyên nói lời cám ơn. Ngày ông Trần Văn Tuyên mất cũng không có nữa lời chia buồn cùng gia đình.
Hiện nay, bà Trần Văn Tuyên và các con vẫn còn ở nguyên căn nhà cũ ở đường Cao Thắng, nơi ngày xưa « quý vị » từng ăn trốn ngủ lén hơn hai tháng ở đó.
Trước ngày vượt biển, tôi có đến nhà bà Tuyên nhiều lần, bà cười rất vui vẻ khi nhắc lại những ngày nuôi giấu « quý vị » trong nhà. Lúc ấy, các con của ông bà cũng như tất cả thiếu nhi phường Thanh Bình, theo sự hướng dẫn của bố mẹ, chúng đã trở thành đội canh phòng quanh phường để giữ an ninh cho « quý vị ». Tôi nhớ tên từng « vị » đấy.
Tôi không sánh « quý vị » với Hàn Tín xưa. Tôi chỉ nhớ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có đoạn nàng Kiều của lầu xanh, khi thoát cơn bĩ cục đã mượn oai của Từ Hải để ân đền, oán trả. Trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, có nói đến tên tiểu đồng hàng ngày đi xin cơm về cúng mộ Lục Vân Tiên :
« … Sáng đi khuyên giáo tối về cúng đơm,
Dốc lòng trả nợ áo cơm,
Sống mà trọn nghĩa, thác thơm danh hiền. »
Lúc thi ân, ông bà Trần Văn Tuyên không hề mong « quý vị » đền đáp, nhưng là những kẻ đã thọ ân mà suốt mấy chục năm qua « quý vị » đã thực sự quên đi những ngày tháng ấy thì rõ ràng là « quý vị » đã không xứng danh là quân tử.
Trên đây, là những lời tôi muốn nhắc lại cái tình người với các « vị chính khách ». Còn nói đến cuôc bạo loạn bàn Phật xuống đường vào mùa hè 1966, thì còn quá nhiều nhưng bài viết đã dài. Tôi xin tạm dừng lại ở nơi đây. Hẹn tái ngộ quý độc giả trên trang báo này về Cuộc Thảm Sát Thanh Bồ-Đức Lợi, Đà Nẵng 24-8-1964.
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Nguyễn Đắc Xuân
Người cầm bút xứ Huế
LTS: Trong một bức thư tâm tình gửi trang sachhiem.net ngày 17-7-2008, tác giả Nguyễn Đắc Xuân thố lộ: "Trong túi tôi có 3 cái thẻ: Nhà văn, nhà sử học và nhà báo Việt Nam. Nhưng không có nhà nào thích hợp với tôi cả. Từ xưa đến nay tôi luôn nhận mình chỉ là một cây bút (a pen) ở Huế thôi. Xin các anh chị từ nay cứ gọi tên tôi là đủ rồi."
Đôi hàng về tác giả
Cha: Người Thừa Thiên Huế. Mẹ: Người Thanh Hoá.
Sinh ngày 15-7-1937 tại Huế.
Ba tuổi theo mẹ lên Đà Lạt cho đến năm 17 tuổi mới về lại Huế.
Tuổi nhỏ được linh mục Nguyễn Văn Bình khai tâm tại nhà thờ Cầu Đất. Nhưng sau đó chiến tranh, ở trong rừng không được đi học. Mãi đến năm 15 tuổi mới đến trường Trại Mát học và hai năm sau đậu Tiểu học (1954). Từ năm 1954 đến năm 1966 học qua các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế.
Từ năm mới vào Trung học đã bắt đầu làm thơ, có thơ in từ năm 1959. Năm 1963 vào Đoàn Sinh viên Phật tử Huế và từ đó tham gia các Phong trào đầu tranh ở các đô thị miền Nam.
Hình tác giả thời sinh viên Đại Học Sư Phạm (1962-1966)
Năm 1966 vừa học xong Ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế, tham gia tranh đấu và được bầu làm Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế, vũ trang tự vệ, chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ. Bị lùng bắt phải ẩn náu trong các chùa Phật và sau đó thoát ly theo kháng chiến ở vùng chiến khu Thừa Thiên Huế. Trong kháng chiến làm thơ, viết báo, vận động thanh niên đô thị tham gia kháng chiến. Năm 1974 được cử đi dự Đại hội Sinh viên Quốc tế (IUS) tại Budapest.
Hình tác giả thời kháng chiến trong rừng (1966-1974)
Sau 30-4-1975 hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, làm Tuyên huấn Thành ủy Huế, tiếp tục làm thơ, viết văn và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1989, được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Huế. Sau năm 1990 làm Phó TBT kiêm thư ký Toà soạn tạp chí Sông Hương. Năm 1993 chuyển qua làm báo Lao Động, từ 1994 làm Trưởng VPĐD báo Lao Động tại miền Trung và Tây nguyên.
Ngày 15-7-1998, đúng 61 tuổi được hưu trí.
Ngoài việc làm cán bộ, làm báo để kiếm sống, tác giả Nguyễn Đắc Xuân còn có đam mê nghiên cứu văn hoá lịch sử triều Nguyễn và Huế Xưa. Đã nhiều lần đi nghiên cứu sưu tập tư liệu lịch sử văn hoá Huế ở Pháp và ở Mỹ.
TIỂU SỬ
HOÀ THƯỢNG THÍCH TỪ MẪN
(1932-2007)
A/ Thân thế:
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Hữu Độ, sinh ngày 01 tháng 11 năm Nhâm Thân (nhằm ngày 28/11/1932) tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Oai, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Kiếm. Hòa Thượng là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh em. Sớm bộc lộ bản tánh thông minh hiếu học, lại là một người con hiếu thuận, nên Hòa Thượng rất được song thân yêu mến. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc học hành sau này của Hòa thượng, song thân đã cho Ngài vào Đà Nẵng ở nhà người bạn thân là cụ ông Trần Văn Thuần và cụ bà Nguyễn Thị Đắc (pháp danh Tâm Kế, tự Từ Lưu). Sau một thời gian ở với 2 ông bà, với bản tánh thuần lương hiếu đạo và ý chí ham học hỏi, Hòa thượng được 2 ông bà yêu mến, nên đã xin với Song thân của Hòa thượng cho Hòa thượng làm con nuôi của mình. Cũng từ đó Hòa thượng được song thân nuôi dưỡng đặt lại tên là Trần Văn Độ. Hòa thượng thường cùng song thân nuôi dưỡng đến chùa, theo tháng năm căn duyên Phật Pháp được huân tập. Đến năm 10 tuổi Hòa Thượng phát đại tâm xuất gia và được song thân nuôi dưỡng chấp thuận cho làm đệ tử của Hòa thượng Bổn sư là Ngài cố đại lão Thích Tôn Thắng trú trì sắc tứ Phổ Thiên. Song thân nuôi dưỡng của Hòa thượng đã phát tâm cúng dường đất cho Hòa thượng Bổn Sư xây dựng một ngôi chùa nay là chùa Diệu Pháp ở phường Bình Thuận.
......................
Năm 1963 trước chính sách kỳ thị Tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, Hòa Thượng đã tham gia với các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng, tích cực hướng dẫn Tăng Ni bảo vệ Chánh Pháp. Mặc dầu bị bắt bớ, giam cầm, hành hạ... Hòa Thượng vẫn thường răn dạy tín đồ: “Đã hiến thân cho Đạo thì không ngại gian khổ, hiểm nguy, vì sống chết là lẽ thường, chỉ có Chánh Pháp mới là lẽ sống đích thực”.
Năm 1964 , cuộc tranh đấu bảo vệ Chánh pháp thành công, Giáo hội trở lại sinh họat bình thường, Hòa Thượng được cử làm đặc ủy Pháp sự, kiêm Giám đốc trung tâm văn hóa Phật giáo Đà Nẵng.
Năm 1965, Hòa thượng làm Phó đại diện GHPGVNTN, kiêm trưởng ban quản trì trường Trung học tư thục Bồ Đề Đà Nẵng và giảng dạy Giáo lý cho cấp Trung học.
Năm 1967, Hòa Thượng được cử làm Phó giám viện Phật học viện Phổ Đà kiêm giám học. Với phương pháp giảng dạy đầy tính Sư phạm nên phần lớn học Tăng Phật học viện và học sinh trường Bồ Đề tiếp thu Giáo lý một cách dễ dàng.
Năm 1970 GHPGVNTN tổ chức Đại giới đàn tại Phật học viện Phổ Đà do Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tôn Thắng làm Chánh chủ đàn. Giới đàn được đặt tên là “Giới Đàn Vĩnh Gia” và được Hòa Thượng Thích Mật Nguyện chánh đại diện miền Vạn hạnh hổ trợ. Đại giới đàn được tổ chức một cách trọng thể, trên hai ngàn giới tử kể cả giới tử tại gia thọ Thập thiện tại chùa Pháp Lâm. Tại giới đàn này, Hòa Thượng được cử vào Hội đồng Giám khảo kiêm tri sự Đại giới đàn.
Năm 1971, Cao đẳng Phật học viện Hải Đức Nha Trang khai mở Đại giới đàn Phước Huệ, Hòa Thượng được cung thỉnh vào Ban giám khảo.
Năm 1972 Hòa Thượng trùng tu Tổ đình Diệu Pháp là ngôi chùa mà Hòa Thượng Bổn Sư đang trú trì để ngôi chùa được khang trang và tín đồ có nơi tụng kinh lễ bái.
Năm 1975, trong buổi giao thời khó khăn này, Hòa Thượng vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một tu sĩ và được suy cử làm Phó đại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
Năm 1976 Hòa Thượng được viện hóa đạo suy cử trú trì chùa Phổ Đà. Trong giai đọan này Hòa Thượng tổ chức tu học để ổn định đời sống hành trì cho chư Tăng Đà Nẵng, bằng cách tổ chức an cư kiết hạ, tự tứ và Bố Tát tại trú xứ Phổ Đà. Cũng trong năm này Hòa Thượng được UBMTTQVNTPĐN mời làm ủy viên mặt trận nhiệm kỳ 1976 và đắc cử làm thành viên HĐND Tỉnh QNĐN khóa 2. Việc đời, việc Đạo gánh nặng hai vai, nhưng Hòa Thượng vẫn tổ chức lớp Giáo lý cho Tín đồ có thiện duyên học Phật pháp vào các tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần.
Năm 1979, Hòa Thượng đã cùng sư huynh là Hòa Thượng Chơn Ngộ cùng nhau trùng tu chùa Tịnh Độ do Hòa Thượng Bổn Sư kiến tạo năm 1956 tại thị xã Tam Kỳ - Quảng Nam.
Năm 1981 Phật giáo cả nước đã ngồi lại trong ngôi nhà chung có tên là GHPGVN. Trong tổ chức mới này, Hòa Thượng được cử làm Phó ban tri sự Tỉnh hội GHPG Đà Nẵng cho đến ngày hôm nay.
Năm 1995, sau cơn bạo bệnh, Hòa Thượng bị tai biến và bị liệt một bên mình, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn sáng suốt, thân bệnh mà tâm không bệnh, cho nên trong các nhiệm kỳ của giáo hội, Hòa Thượng vẫn được suy cử làm Phó ban trị sự Tỉnh kiêm Trưởng ban giáo dục Tăng ni và là Hiệu trưởng trường Trung cấp phật học Đà Nẵng.
Năm 2001, mặc dù tật bệnh, lại thêm tuổi cao sức yếu, nhưng với nhu cầu tu học của Tăng tín đồ PGTPĐN, Hòa Thượng cùng với Chư huynh đệ phát tâm trùng tu chánh điện chùa Phổ Đà. Nhờ đó mà ngôi chùa Phổ Đà trở thành một ngôi phạm vũ huy hoàng như hiện nay.
Năm 2007, hóa duyên đã mãn, Phật sự độ sanh đã viên thành, Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch lúc 20 giờ 25 phút, ngày 28 tháng 05 (nhằm ngày 12 tháng tư năm Định Hợi).
No comments:
Post a Comment