Saturday, February 5, 2011

Hồng Châu -Qua Trường Thiên Hựu(huế)

Qua Trường Thiên Hựu

Hồng Châu

Một lát sau, dẫy tường cao cổ kính ảm đạm dưới trời mây của ngôi trường Thiên Hựu đã hiện ra trước mắt tôi. Những khung cửa lớn màu nâu mở toang hoang trống trải cho thấy nhiều bóng người đi lại bên trong. Nhưng không phải hình ảnh thường thấy của những linh mục người Pháp cao lênh khênh trong bộ áo chùng đen thậm thượt hay những học sinh nội trú hiền lành, mà là sự chuyển động đen tối của bóng dáng yêu ma lấy mái học đường làm nơi tụ ác.

Bước qua những mảnh cửa kính vỡ dọc hành lang ngôi trường và xác những con lợn lai to lớn không hiểu tại sao nam chết ở đó, tôi bị dẫn vào một phòng học bỏ trống, cửa ngõ mở banh, không khí rùng rợn như một trạm hành quyết. Góc tường, nhiều vết đạn lỗ chỗ và một vũng máu lớn lan đọng trên nền, chỗ còn đỏ tươi, chỗ đã đen thẫm, bốc lên một mùi tanh khó tả của máu người. Cổ họng tôi nghẹn đắng một cảm giác căm hận.

Không nghi ngờ gì nữa, đây là chỗ Việt cộng thủ tiêu người. Bao nhiêu người đã bị xô vào góc tường này để hứng lấy những phát đạn bắn gần. Máu họ còn đó, nhưng thân xác bị vùi dập nơi đâu?

Lúc đó, thật tình tôi không biết ở khu vực quanh tôi nhiều người cũng bị bắt đến đây như tôi và càng không thể ngờ rằng trong số những người không may đó, có rất nhiều gương mặt, quen cũng như không quen, đến nay vẫn tuyệt mù tăm tích, để lại mình sống chết ra sao. Trường học là nơi đóng quân trong thành phố của Cộng sản, cũng là bãi giết người tập thể. Hầu như ít ai đã lọt vào đây mà được trở về.

Tôi bị bắt khi Cộng quân đang chuẩn bị rút. Chúng bận rộn lo di tản thương binh và chống đỡ với phi pháo nên hoạt động khủng bố phần nào bị hạn chế. Suốt hôm đó tôi không thấy có ai thêm bị đưa vào trường ngoại trừ anh Luận. Nhưng những xác chết trong đêm mà tôi thấy nằm rải rác trên đường đi từ ngã tư Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt cho đến phía bên kia cầu Kho Rèn khi Cộng sản bắt đầu đưa tôi lên núi, thì rất có thể họ là nạn nhân của những vụ hành quyết tại chỗ.

Càng gần thất bại, Cộng sản càng trở nên dã man. Diễn tiến tình hình tại Huế đã cho thấy như vậy. Chỉ tiếc màn đêm và sự canh chừng của Cộng sản đã không cho phép tôi nhận diện được họ rõ hơn. Chỉ biết đấy là xác những thường dân, trên người còn mặc bộ áo quần ngủ. Tôi thông cảm sâu sắc niềm đau miên viễn của gia đình những người bất hạnh. Mười mấy năm qua vẫn chưa thôi truy tìm dấu vết người thân, dầu là một chứng tích bi thảm cũng đành lòng hơn chút ảo tưởng sống còn ngày càng mơ hồ vô vọng.

Bản thân tôi, gia đình không chỉ hết nước mắt nhớ thương mà hết luôn cả hy vọng nhặt xác con về. Có hầm chôn tập thể, khe suối vùi người nào được khai quật mà gia đình tôi không đến lật tìm từng mảnh vải còn vương đến hàm răng, chiếc sọ bầy nhầy để xem có di thể tôi trong đó không. Những người thân yêu nhất trong đời tôi, mẹ tôi, chị tôi - khi nhắm mắt vẫn còn yên trí tôi đã là một hồn ma không còn trên cõi thế. Trở về sau 13 năm trôi dạt ngục tù, tôi xem ra thành kẻ chứng nhân cho một chuỗi ngày khổ tận.

Không phải tất cả những người mất tích đều đã chết. Nhưng sự sống sót chỉ là hạt cát trong biển máu khổng lồ. Mỗi trại giam lụp xụp giữa Trường Sơn là một khu mồ dựng sẵn. Nhưng bản năng sinh tồn cũng có những sức đề kháng kỳ lạ. Có những lời nhắn gởi bị dìm đi, nhưng cũng có những lá thư nhà đầy khí khái của kẻ sĩ sa cơ coi nước đã mất thì nhà không còn...

Nhìn chúng đi lại tôi ước lượng khoảng hơn một đại đội Việt cộng đang chiếm đóng khu trường. Nhiều tên ghé lại đứng nhìn ngắm chúng tôi rồi chỉ trỏ bàn tán với nhau.

Có vẻ chúng đang chuẩn bị đem chúng tôi ra bắn. Một tên du kích mặt non choẹt, toàn thân vàng bủng nhưng điệu bộ cực kỳ hung ác được giao canh giữ chúng tôi. Bằng một giọng Thừa Thiên quê đặc hắn vừa phun ra những lời chửi rủa độc địa, vừa dí mũi súng carbine vào người tôi, ngón tay cong lại như sắp bóp cò. Vừa khi đó hai chiếc trực thăng vũ trang bỗng từ đâu sà đến, nhả liền mấy quả rốc két vào bọn Việt cộng trên đâu. Khói bụi bốc mù mịt, vôi rữa rơi đổ ào ào.

Mấy tên du kích hốt hoảng tìm chỗ ẩn núp, quên khuấy chúng tôi. Ngồi trên chiếc bục giảng bài của thầy giáo tôi ngẫu nhiên được chứng kiến cảnh chiến đấu đang diên ra. Tôi thầm cảm phục sự can đảm của hai viên phi công trực thăng. Từ các cửa sổ tầng trên ngôi trường, các họng súng đại liên, trung liên, cọng với hang trăm cây súng cá nhân cộng sản thi nhau nhả đạn vào hai chiếc máy bay, tưởng như thế nào cũng bị thiêu cháy đến nơi.

Nhìn từ phía trận địa địch, rõ ràng trong chiến đấu, trực thăng là một đối tượng rất dễ bị tổn thương. Thế mà cái khối chậm chạp lắc lư đó như không biết sợ là gì, vẫn bình tĩnh lượn gần quan sát, thỉnh thoảng nghiêng mình bắn trả những đường đạn chính xác. Tôi nghe rõ nhiều tiếng kêu la trên lầu vọng xuống.

Bọn Cộng sản đã bị trùng trị. Trong tiếng la thất thanh tôi nghe cả giọng đàn bà. Chúng điên cuồng hò nhau bắn trả, nhưng hai chiếc trực thăng chỉ dạt ra rồi lại sà xuống tiếp tục bắn phá. ở những vòng lượn thấp, tôi nhìn thấy viên xạ thủ người Mỹ phơi mình bên khẩu đại liên, giữa lúc lao vào ổ địch mặt vẫn lạnh băng như không biết sợ là gì. Cũng những người lính viễn chinh ấy tôi thường gặp trong những phi vụ đưa đón phái đoàn, từ sân bay Thành Nội, bãi đáp Macv đến không trạm quân đoàn, trông họ rất đỗi bình thường, lặng lẽ và lễ độ.

Thế mà giờ đây trong mắt tôi họ bỗng trở thành một thứ hiệp sĩ thần kỳ, phù nguy diệt bạo. Tôi hoàn toàn không nghĩ là mình sẽ được giải cứu, nhưng vẫn cảm thấy một cái gì như hả dạ khi biết rằng bọn sát nhân đang bị những đòn gián trả đích đáng. Có thể chúng sẽ giận dữ hơn, tàn bạo hơn đối với những người rơi vào tay chúng, nhưng ít ra chúng cũng hiểu không kẻ nào gieo gió mà không gặt bão. Nhưng tiếc thay sự hiện diện của lực lượng đồng minh hôm đó chỉ có thế.

Sau khi hai chiếc trực thăng bỏ đi, bầu trời im ắng trở lại, trả cho bọn Cộng sản cái quyền thao túng mặt đất mà chúng đang nắm giữ bằng sắt và máu. Cũng như tất cả những người bị cô lập với bên ngoài, tôi có cảm tưởng lực lượng ta đã rã hết rồi. Và chiếc máy bay chợt đến rồi lại chợt đi như đóm lửa chưa kịp bùng cháy mà đã vội tắt.

Thấy tạm yên, mấy tên du kích đanh ác lại ngóc đầu lên. Nhưng lần này chúng có vẻ hơi gờm, chỉ gườm gườm nhìn chúng tòi chứ không chửi rủa và đòi doạ bắn.

Đến tối, hình như có lệnh mới, chúng tôi được dẫn tới một phòng khác có vẻ là nơi để chuẩn bị di chuyển. Đi qua những hành lang dài vun vút nhưng tuyệt không một ánh đèn, chúng tôi bước mò mẫm trên những mảnh kính vỡ và nhiều chướng ngại không tên để cuối cùng dừng lại trước mỗi cánh cửa tối om. Chúng đẩy tôi vào và bảo ngồi đấy đợi.

Quơ tay tôi sờ thấy một chiếc mền dạ không hiểu của ai vứt lại trên thềm. Tối quá tôi không biết ngoài tôi và anh Luận còn có ai trong phòng nữa không. Nhưng chắc chắn là có người vừa từ ở đây bị dẫn đi và vì vội quá nên không kịp đem theo chăn mền của mình.

Chiếc khăn dạ tết, loại nhà binh Pháp để lại, nhất định không phải thứ mà Cộng sản có được. Đêm tháng giêng trời lạnh, trên mình lại chỉ phong phanh một bộ đồ mỏng, không dày dép, tôi và anh Luận quấn luôn chiếc chăn vào người và cũng không có ý định giao nó lại cho những tên Việt cộng tham lam. Sau này, khi chuyển trại, chiếc chăn được xé làm đôi, tôi một nửa anh Luận một nửa. Chính nhờ mảnh chăn đó mà tôi đã có thể cầm cự nổi với cái rét cắt da thịt của Trường Sơn, và đã không sớm ngã xuống như nhiều anh em khác. Khi đưa ra giam ở miền Bắc, tuy có được phát mền sợi Trung Cộng, nhưng tôi vẫn giữ mảnh chăn bên người với ý định sau này nếu có cơ hội sẽ tìm gia đình người có tấm chăn trả lại như một dấu tích của người thân để lại

Càng về đêm, bọn Cộng sản lại càng đi rộn rịp. Như một loài ma ăn đêm, chúng có vẻ quen thuộc với bóng tối. Mọi sự chuyển vận, hoạt động đều không cần tới ánh sáng. Tiếng dép lốp nghiến xào xạc trên mảnh chai, tiếng súng khua lách cách. Thỉnh thoảng có ánh diêm chớp loé đỏ soi lên tường những bóng đen qua lại. Bỗng trong sâu thẳm của tối tăm nổi lên nhiều tiếng rên rỉ đau đớn. Tiếng rên đau phát ra từ đẫy phòng phía hữu gần cổng chính ngòi trường. Ở đó các thương binh của chúng nằm dài trên nền xi măng chờ được cáng đi.

Qua thoáng nhìn vội, tôi thấy được cảnh tượng mà Cộng sản ít khi để lộ ra ngoài. Những thân người xấp lớp từ phòng này qua phòng khác, cái đã bất động, cái còn cựa quậy rên la chứng tỏ khi đi gây tội ác, chúng đã tổn thất nặng nề. Dấu điếm là sở trường của Cộng sản. Sợ dân chúng biết, chúng đã đã dồn hết những đồng bọn không may vào đây, chờ đêm tối mới bắt đầu chuyển về sào huyệt. Những chiếc chăn màu xám dơ bẩn buộc túm hai đầu luồn dưới một thanh tre dùng làm đòn khiêng là cái tải thương đường dài của chúng. Trong khi những tên bị thương khóc lóc, kêu khát đòi xin nước thì những tên khác vẫn thản nhiên bước qua, không buồn dừng lại hỏi han một tiếng.

Mùi xú uế tanh tưởi của máu mủ lan khắp mọi nơi....

No comments:

Post a Comment