Tuesday, December 25, 2012

Liên Thành-HUẾ NỢ AI ! VÀ AI NỢ HUẾ !


HUẾ NỢ AI! VÀ AI NỢ HUẾ! (Trích tác phẩm "Biến Động Miền Trung" (Tác Gia? Liên Thành))
luatp 
Send EmailSend Email
· HUẾ NỢ AI ! VÀ AI NỢ HUẾ !

Với tôi, thường thì nợ tiền, nợ bạc dễ trả, nhưng mà nợ tình, nợ nghĩa, nợ ân tình thì làm sao trả được ?
Trong Tết Mậu Thân 1968, Huế đã nợ ai ? Và ai đã nợ Huế ?
- Huế Nợ Ai ?
Hai mươi sáu ngày điêu linh đầy khỏi lửa, đầy máu và nước mắt, Huế đau thương, Huế quằn quại, Huế sống trong hãi hùng ghê rợn, Huế đang bị tàn sát man rợ không nương tay bởi những những người cộng sản Việt Nam, bởi những kẻ lợi dụng tôn giáo, dùng Phật giáo làm bình phong che đậy cho bộ mặt cộng sản thứ thiệt như Đôn Hậu, Trí Quang, Thiện Siêu, Chánh Trực, Như Ý, Như Tường, Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê văn Hảo, Nguyễn thị Đoan Trinh v.v…Huế kêu Trời, Trời ngoảnh mặt, Huế kêu đất, đất lặng yên, Huế kêu gọi thần linh, Huế cầu khẩn Phật, Chúa … Các đấng đều quay lưng.
Dân Huế chết oan, dân Huế chết ức, dân Huế chết mà chẳng biết đã làm gì nên tội mà phải chết. Huế kêu cứu khấn lạy mười phương tám hướng, bỗng dưng có một người rất bình thường xuất hiện, người đó là Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ là người lính Nhảy Dù, họ là Thủy Quân Lục Chiến, họ là Biệt Động Quân, Họ là Sư Đoàn I Bộ Binh, họ là Đại Đội Trinh Sát của Đại Úy Nguyễn Tri Tấn, họ là Đại Đội Hắc Báo của sư đoàn I bộ Binh tinh nhuệ, họ là Không quân, họ là Hải quân, họ là Lực Lượng Đặc Biệt, trong đêm khuya đã được nhảy từng toán một vào vùng địch tại Kim Long, Liễu Cốc, họ là Địa Phương Quân, họ là Nghĩa Quân, họ là những đoàn Xây Dựng Nông Thôn, họ là Cảnh Sát Quốc Gia, tất cả họ là người Lính Việt Nam Cộng Hòa, từ chính quy đến bán chính quy, tất cả đã lăn xả vào trận chiến, đem xương trắng máu đào bảo vệ đồng bào, bảo vệ Huế, phản công đẩy lui cộng quân ra khỏi thành phố Huế, cho dù máu đổ, xương rơi. Họ đã làm tròn nhiệm vụ mà Tổ Quốc, và Dân Tộc đã giao phó cho họ, và họ đã hãnh diện hy sinh mạng sống cho Tổ quốc đang điêu linh, và đồng bào đang khốn khổ bởi hành động tàn bạo của cộng quân.
Hỡi những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mạng sống của chính mình, cho dân chúng Huế được sống trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế ! Với sự kinh trọng muôn đời của đồng bào Huế với các anh, những Anh Hùng, Liệt Sĩ, những người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã Vị Quốc Vong Thân :
Xin nhận cho ba lạy ơn nghĩa, ơn tình của đồng bào Huế để tạ ơn các anh : Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
Đặc biệt tri ơn những ân nhân đã khuất bóng :
1- Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
- Tư lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh.
- Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I.
Đã 3 lần trong đời binh nghiệp của ông xả thân cứu Huế.
- Năm 1966, miền Trung nổi loạn, Sư đoàn I Bộ binh gần như rã ngũ, Đại Tá Ngô Quang Trưởng đã cùng lực lượng Chánh phủ Trung Ương đến Huế ổn định tình, tái tổ chức lại Sư đoàn I BB.
- Mậu Thân 1968, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng là Tư lệnh chiến trường Trị Thiên, phản công đành tan gần 10 ngàn quân cộng sản đẩy bọn chúng ra khỏi thành phố Huế.
- Mùa hè đỏ lửa tháng 5/1972, cộng quân xua 10 ngàn quân, lần này có cả xe tăng tấn công Trị Thiên-Huế, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh chiến trường Trị Thiên-Huế, phản công tái chiếm Quảng Trị, và một lần nữa cứu Huế khỏi rơi vào tay cộng sản.
2- Cố Thiếu Tướng Phạm văn Phú
- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I Bộ Binh.
- Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh.
Tháng 5/1972, sau khi chiếm xong thị xã Đồng Hà và tỉnh Quảng Trị, cộng quân xua 10 ngàn quân, mưu toan tấn công và chiếm Huế. Là Tư lệnh Sư đoàn I BB, một trong những Sư đoàn thiện chiến nhất của quân lực VNCH, Thiếu Tướng Phạm văn Phú thật đã không hổ danh là Tư lệnh của một sư đoàn tinh nhuệ và thiện chiến trấn giữ vùng giới tuyến.
Còn nhớ trong những ngày mùa hè đỏ lửa tại Huế, cộng quân pháo hằng loạt, hằng giờ, loại hỏa tiễn 122 ly, 130 ly, vào các mục tiêu trong thành phố Huế có phần chính xác, vì bọn chúng đã chiếm cao điểm Baston, một cao điểm chỉến lược nằm về phía tây thành phố Huế và tại cao điểm này, bọn chúng có thể quan sát thành phố Huế, mục tiêu mà bọn chúng pháo kích.
Cao điểm này nếu Sư đoàn I không chế ngự được thì Huế sẽ còn bị cộng quân pháo kích và số thiệt hại về nhân mạng và tài sản của đồng bào Huế sẽ lên rất cao. Trong nhiều ngày, Thiếu Tướng Phạm văn Phú đã tung nhiều đợt tấn công, nhưng vẫn không chiếm được cao điểm Baston, địch vẫn tiếp tục pháo kích vào thành phố Huế, cuối cùng ông đã đưa ra một quyết định mà theo tôi chỉ có Thiếu Tướng Phạm văn Phú, Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB mới có quyết định táo bạo này, đó là cho lực lượng nhảy ngay trên đầu địch và đánh bật ra, hay nói theo danh từ quân sự là “Nở hoa trong lòng địch”.
Và một đơn vị tinh nhuệ của Sư Đoàn I/BB đã được Thiếu Tướng Phạm văn Phú giao phó trách nhiệm lịch sử này, đó là Đại đội Hắc Báo, và chỉ một trung đội của đại đội Hắc báo sau đợt oanh kích yểm trợ của Không quân VNCH vào mục tiêu Baston, trung đội Hắc Báo do Thiếu úy Tuấn chỉ huy đã từ trực thăng vận nhảy xuống, đánh bật cộng quân ra khỏi cao điểm Baston. Kể từ ngày giờ đó Huế không còn bị pháo của cộng quân nữa.
Thiếu Úy Tuấn và trung đội Hắc Báo của anh đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử mà Thiếu Tướng Phạm văn Phú đã giao phó, không phụ lòng tin của đồng bào Trị Thiên- Huế vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
3- Cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan
Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, Cục Trưởng An Ninh Quân Đội, Giám Đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
(Xin đọc giả đọc bài Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế)
4- Cố Đại Tá Phan văn Khoa
Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng Thị xã Huế 1965-1968 .
Tháng 2/1966, khi Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu lợi dụng Phật Giáo và Phật tử phát động cuộc phản loạn tại miền Trung, trong tình thế hỗn loạn nhiễu nhương tại miền Trung và đặc biệt là Thừa Thiên-Huế từ tháng 3/1966 trở đi, Tỉnh trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị xã Huế, Trung Tá Phan Văn Khoa là vị Tỉnh Trưởng duy nhất, dám đứng ra chống đối phong trào làm loạn của ông Trí Quang và Đôn Hậu.
Tư gia ông bị nhóm phản loạn đốt cháy, văn phòng và Tòa Hành Chánh Tỉnh bị đám phản loạn chiếm, đài phát thanh Huế và các công ốc của chính phủ trong thành phố cũng bị bọn chúng chiếm cứ, Trung tá Tỉnh trưởng Phan Văn Khoa phải di tản toàn Bộ Chỉ huy của ông ra khỏi thành phố Huế về trú đóng tại Bộ Chỉ Huy Chi Khu Hương Thủy, đợi viện binh của chính phủ trung ương từ Saigon ra tiếp ứng.
Phải nói rằng sự thành công của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan trong vụ dẹp đám phản loạn miền Trung Trí Quang, Đôn Hậu tại Huế đã có một phần lớn sự tiếp tay tích cực của Trung Tá Phan văn Khoa, Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng thị xã Huế.
Những ngày đầu trong biến cố Mậu Thân 1968, Trung Tá Tỉnh Trưởng đã mắc phải lỗi lầm chủ quan, nên đã không có mặt tại Bộ chỉ huy, thế nhưng sau đó kể từ ngày mùng bảy Tết cho đến ngày 26 tháng 2/1968, ông đã chu toàn trách nhiệm của mình đối với đồng bào Huế, vậy mà cái giá mà ông phải trả cho sự chủ quan của ông là bị cách chức trở về lại quân đội.
Đối với cá nhân tôi, ông là một cấp chỉ huy đáng kính trọng, một sĩ quan có tài, đức.
Đại Tá Lê văn Thân từ Bộ Tổng Tham Mưu ra thay thế trung tá Phan văn Khoa.
5- Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Thân
Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Thị trưởng Thị xã Huế 1968-1971.
Xin đặc biệt cảm tạ Đại Tá Lê văn Thân, vì ròng rã suốt 3 tháng trời, từ sáng đến chiều, ông đã ra lệnh cho tôi dẫn tên Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm, Huyện ủy viên Huyện ủy Hương Thủy, đặc trách an ninh, mà chúng tôi đã bắt được y sau Mậu Thân. Ông cùng chúng tôi dùng phương tiện máy bay trực thăng bay liên tục để hắn chỉ những vùng có mồ chôn tập thể mà hắn biết được, vì hắn là người đã từng hoặc thi hành lệnh, hoặc tự ý đã ra lệnh cho thuộc cấp của hắn, chôn sống hằng trăm đồng bào tại các quận Phú Vang, Phú Thứ, Hương Thủy.
Ngoài việc truy tầm các mồ chôn tập thể, Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê văn Thân còn dùng mọi phương tiện của chính quyền Tỉnh, Thị, lo lắng chu toàn trong việc cải táng cho các đồng bào bất hạnh có nơi yên nghỉ tại nghĩa trang tập thể Ba Đồn.
Xin muôn vàn cảm tạ Chuẩn Tướng Lê văn Thân.
6- Đại Tá Tôn Thất Khiên
Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng Thị xã Huế, tháng 10/1971- 11/1974 .
Xuất thân và đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong sư đoàn I Bộ binh, sau đó ông trở thành chuyên viên “hành nghề” Tỉnh Trưởng, như Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Ngãi, rồi thì Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị, trước khi đảm nhận chức Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng thị xã Huế, thay thế Đại Tá Lê Văn Thân bị thuyên chuyển vì không chu toàn nhiệm vụ trong vụ bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ II vào ngày 1 tháng 10 năm 1971.
Là một người Huế, lại còn là chính gốc Hoàng Tộc, ông có những tình cảm thiết tha ràng buộc với Huế.
Tháng 5/1972, mùa hè đỏ lửa, khi mà cộng quân tung 10 ngàn quân tấn công và mưu toan chiếm Huế, tôi mở cuộc hành quân mang tên Bình Minh, ngăn chận cuộc tổng nổi dậy do cơ quan Thành Ủy Việt Cộng khởi xướng, trong cương vị Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị xã Huế, ông đã hổ trợ tối đa cho lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế thi hành luật pháp hoàn tất nhiệm vụ, và Huế đã thoát được cuộc tổng nổi dậy lần thứ II của quân cộng sản, cũng chính ông đã đứng ra đỡ đòn cho tôi từ phía đối lập và cộng sản nhắm vào tôi, vì những hành động rất mạnh tay của tôi trong chiến dịch Bình Minh 5/1972.
Nhiều năm tù tội trong các trại tù cộng sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giờ đây Đại Tá Tôn Thất Khiên và gia đình đang định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài tình thầy trò, giữa tôi và ông còn có tình gia đình trong Hoàng Tộc.
Trong cả hai tình nghĩa đó, Liên Thành và lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế, xin gởi đến Đại Tá lời cám ơn chân thành…
7- Thiếu tá Nguyễn văn Tố.
Mậu Thân 1968, Thiếu tá Nguyễn văn Tố là Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên. Trong suốt thời gian 26 ngày cộng quân chiếm Huế, tại khu vực quận III, danh từ của VNCH, và chính là khu vực cánh Nam của mặt trận Huế, danh từ của cộng quân. Thiếu tá Nguyễn văn Tố là địch thủ của Tư Lệnh cánh Nam mặt trận Huế, Đại Tá Việt cộng Thân Trọng Một, bởi lẽ tại khu vực mặt trận cánh Nam ngay giờ phút đầu của cuộc tấn công, vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Trung Tá Phan văn Khoa bị kẹt tại tư thất, không có mặt tại nhiệm sở để chỉ huy, điều động cuộc phản công, vị Tiểu Khu Phó kiêm Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Huế, Thiếu Tá Bào bị thương trầm trọng, Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Thừa Thiên còn lại một giới chức độc nhất là Thiếu Tá Nguyễn văn Tố, Tham Mưu Trưởng.
Ông đã chỉ huy lực lượng bố phòng đẩy lui mọi cuộc tấn công của cộng quân vào BCH/Tiểu Khu, và sau đó ròng rã suốt 26 ngày phối hợp điều động lực lượng cơ hữu của Tiểu Khu và lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, hành quân phối hợp với quân đội Hoa Kỳ đẩy lui cộng quân ra khỏi quận III, gây tổn thất nặng nề cho bọn chúng.
Ngoài ra cũng phải cần nói đến tấm lòng của ông đối với đồng bào Huế : Trong cảnh khốn cùng của những ngày ly loạn Tết Mậu Thân, tại các trại tỵ nạn ngay trong quận III thành phố Huế, đồng bào đã quá cơ cực vì cộng quân pháo kích, tấn công vào các trại tỵ nạn, họ còn phải chịu cơn lạnh cắt da của mùa đông xứ Huế, và đói run người. Tôi đã trình với ông và quyết định của ông đã cứu được hằng ngàn đồng bào tỵ nạn khỏi cơn đói lạnh, đó là :
- “Liên Thành, phong tỏa, lập biên bản tịch thu một kho gạo, cấp phát cho đồng bào. Chính quyền Tỉnh sẽ trả tiền lại cho chủ nhân sau khi tình hình Huế ổn định.”
Tôi đã gặp bác Võ văn Quế, chủ đại bài gạo tại ngã ba Lê Lợi- Đội Cung, bác Quế rất vui vẻ mở cửa kho gạo để lực lượng Cảnh sát chúng tôi phân phối gạo cứu giúp đồng bào bị đói tại các trại tỵ nạn và tư gia.
Giờ đây là thời điểm năm 2011, những người đói lạnh năm xưa trong các trại tỵ nạn tại Huế vào Mậu Thân 1968, có kẻ vẫn còn trên cõi đời, nhưng cũng đã có người khuất bóng, có người lưu lạc tha phương, có kẻ còn lại quê nhà, không cách nào hơn, tôi xin được đại diện cho họ, gởi lời chân thành đến hai ân nhân :
Miếng khi đói bằng gói khi no.
Của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn trùng.
Xin muôn vàn cảm tạ Thiếu Tá Nguyễn văn Tố và cố Trung Úy Cảnh Sát Võ văn Quế.
Chiến cuộc chấm dứt vào ngày 26 tháng 2 năm 1968, Thiếu Tá Nguyễn văn Tố đã được vinh thăng Trung tá tại mặt trận, cùng với Bảo Quốc Huân Chương đệ tứ đẳng, kèm anh dũng bội tinh ngành dương liễu.
Trước ngày 30 tháng 4 /1975, Đại Tá Nguyễn văn Tố là Tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên.
Trong thời gian bị cộng sản cầm tù sau ngày 30/4/1975, đã có lần bọn chúng đem ông và một người bạn của ông xử bắn, nhưng chẳng hiểu tại sao bọn chúng lại ngưng.
Hiện tại ông và gia đình đang định cư tại Nam California, USA.
8- Trung Tá Nguyễn văn Tăng.
Quận Trưởng, Chi Khu trưởng Chi Khu Hương Thủy.
Nếu tin vào mạng số thì có lẽ mạng số của ông đã phải gắn liền với số mạng của Huế. Trong những lần Huế bị nạn, Thiếu Tá Nguyễn văn Tăng đều có mặt, kê vai vào chống đỡ nỗi khổ đau, điêu linh, thăng trầm của Huế.
Năm 1966, quận Hương Thủy của Thiếu tá Tăng, và chính ông, cùng một ít sĩ quan đứng ra chống lại cuộc bạo loạn miền Trung của nhóm cộng sản khoác áo tăng lữ trong Phật Giáo Ấn Quang, như Trí Quang, Đôn Hậu v.v…Quận đường Hương Thủy và Chi Khu Hương Thủy của ông là căn cứ địa an toàn cho lực lương địa phương và Chính phủ trung ương, làm đầu cầu và tuyến xuất phát để tái chiếm Huế trong tay bọn tranh đấu.
Ngày mùng 6 Tết Mậu Thân 1968, Thiếu tá Nguyễn văn Tăng chỉ huy hai đại đội Địa phương quân cơ hữu, vượt đoạn đường gian truân trắc trở và đầy hiểm nguy, từ Dạ Lê đem quân vào Quận III tiếp cứu Huế, tiếp cứu Tiểu Khu Thừa Thiên, nơi mà người bạn thân của Ông, Thiếu tá Nguyễn văn Tố đang là người hùng cô đơn chống trả các đợt tấn công của cộng quân với lực lượng chênh lệch 1 chống 30.
Có thể nói đơn vị đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp cứu Quận III thị xã Huế, là hai đại đội Địa phương quân của Thiếu Tá Nguyễn văn Tăng do chính ông chỉ huy.
Mùa Hè đỏ lửa tháng 5/1972, Trung Tá Nguyễn văn Tăng, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Quảng Trị lui binh vào Huế, ông đến Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát thăm tôi, tuy gian lao, mệt nhọc, nhưng dáng dấp vẫn như xưa, khoan thai, chậm rãi, đầy nghị lực.
Sau nhiều năm trong tù cộng sản, hiện ông và gia đình đang định cư tại Nam California, USA.
9- Nghị Viên Võ văn Bằng
Ông là Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, và cũng là một trong những đệ tử ruột của Ông Thích Trí Quang, nhưng ông khác người ở chỗ là đã “ngộ” rất sớm, khi thấy những việc làm sai trái của một số tăng lữ lợi dụng Phật Giáo Ấn Quang, hoạt động cho cộng sản. Là một Phật Tử chân chính, phân biệt rõ ràng giữa Phật và Thầy, đạo và đời, thật hiếm có trong giới Phật tử tại Thừa Thiên Huế.
Sau Mậu Thân 1968, ông được Đại Tá Lê Văn Thân Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Huế mời làm Trưởng Ban Truy Tầm và Cải Táng Nạn Nhân Tết Mậu Thân. Với sự hổ trợ giúp đỡ tích cực của đồng bào, của chính quyền Thừa Thiên-Huế và Đại Tá Tỉnh Trường Lê Văn Thân, Nghị viên Võ văn Bằng cùng với thân nhân của 5327 nạn nhân đã lo liệu đem thi hài các nạn nhân chôn cất tươm tất, an nghỉ tại nghĩa trang tập thể Ba Đồn.
Tôi nghĩ, đại đức, tăng, ni tu trọn kiếp người chưa chắc đã đạt được đạo đức, nhân hậu như Nghị viên Võ văn Bằng, và nếu rằng cõi đời sau có Niết bàn thì nơi đó chính là nơi dành đời đời cho Nghị Viên Võ văn Bằng.
Bản chất của dân tộc Việt Nam nhất là những người miền Nam Việt Nam, luôn nghĩ đến mang ơn phải trả, mang nghĩa phải đền. Mậu Thân 1968 là một tai ương, một thảm họa của dân tộc, của Huế và của đồng bào Huế.
Đồng bào Huế, những ai còn được sống sót trong thảm họa này, đều mang ân nghĩa quá nặng với những vị đã xả thân cứu Huế, cứu đồng bào Huế, món nợ này trọn kiếp không trả nổi, chỉ xin nói nhiều lần trong đời người :
Xin Cám ơn…Xin cám ơn….Xin cám ơn quý anh hùng Liệt Sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia và các Lực Lượng Bán Quân Sự… Quý ân nhân đã xả thân cứu Huế, cứu đồng bào Huế. Chúng tôi mãi mãi không quên ơn nghĩa này !
***
SƯ ĐOÀN KỴ BINH KHÔNG VẬN HOA KỲ
Và BCH/CSQG/THỪA THIÊN-HUẾ.
Như tôi đã trình bày ở phần trước, những ngày cận Tết Mậu Thân 1968, tình hình an ninh mỗi ngày mỗi nguy ngập, lực lượng Hoa Kỳ trú đóng tại căn cứ Phú Bài là 2/3 sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến(USMC) thuộc Quân Đoàn 24, Tướng 4 sao Westmoreland, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam tăng cường cho Thừa Thiên-Huế Sư Đoàn 101 Nhảy Dù, và Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ.
Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ đến Thừa Thiên-Huế, trước Tết Mậu Thân 1968 và họ đã bố trí theo một tuyến dài phía tây bắc thành phố Huế, dọc vùng núi tỉnh Thừa Thiên. Trận chiến phản công tái chiếm thành phố Huế, ngoài quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị đồng minh chiến đấu sát cạnh quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), tôi không nhớ rỏ có đơn vị 101 Nhảy Dù tham dự hay không, nhưng chắc chắn là Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ họ đã dàn quân bố trí dọc phía tây bắc thành phố Huế, vùng núi thuộc tỉnh Thừa Thiên. Vào đêm 24, 25/2/1968, cộng quân tháo chạy khỏi thành phố Huế về phía vùng núi tây bắc, bọn chúng đã đụng đầu ngay với Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ và kết quả là Cộng quân đã thiệt hại về nhân mạng vũ khi đến hơn 90%.
Còn nhớ vào khoảng đầu năm 1969, ThừaThiên-Huế có một trận lụt khá lớn,BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế khám phá Tiểu Đoàn K-4 thuộc công Trường 4 Việt cộng đang ẩn trốn tại vùng quận Vinh Lộc, vì lụt lớn bọn chúng không thể vượt Đầm Cầu Hai để trở lại mật khu. Sau khi họp bàn với viên Cố vấn CSĐB, hai chúng tôi đi gặp và yêu cầu Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ mở cuộc hành quân phối hợp truy lùng Tiểu Đoàn K-4 cộng sản tại quận Vinh Lộc, Tỉnh Thừa Thiên.
Sau phần trình bày tin tức của tôi, Tướng Tư lệnh Sư đoàn Kỵ Binh chấp nhận và đề nghị phối hợp hành quân như sau :
Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ làm lực lượng bao vây và lục soát. Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế phối hợp lục soát và nhiệm vụ chính là thanh lọc đồng bào trong vùng. Lực Lượng CSQG/Thừa Thiên đã xử dụng khoảng hơn 1 ngàn nhân viên Cảnh Sát vào cuộc hành quân phối hợp này, gồm CSDC, CSĐB, Cảnh Sát Sắc Phục, và toàn bộ Ủy ban Phượng Hoàng Tỉnh.
Ngày N, giờ G, Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ bao vây 3 mặt quận Vinh Lộc, phía mặt biển và phá Tam Giang, Đầm Cầu Hai do Hải quân Hoa Kỳ đảm trách. Cán binh VC thuộc tiểu đoàn K-4 biết đã bị quân đội Hoa Kỳ bao vây, nên bọn chúng chôn dấu vũ khí trà trộn vào dân chúng, mong tìm đường tẩu thóat. Nhưng bọn chúng không thể tẩu thóat vì chúng tôi đã thành lập trung tâm Thanh lọc, Phòng Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn Kỵ Binh đã đưa một toán y tế gồm các Bác sĩ, y tá đến vùng hành quân ngay tại Trung tâm thanh lọc mà BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế thiết lập. Toán y tế của Sư Đoan Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ khám bệnh, phát thuốc, và phát thực phẩm cho đồng bào. Chúng tôi, dùng các hồi chánh viên của Tiểu đoàn K-4 chỉ điểm. Kết quả có khoảng hơn 100 cán binh của K-4 bị bắt giữ.
Sau cuộc hành quân này, tôi, viên Cố Vấn Trưởng của Bộ Chỉ Huy CSQG/Thừa Thiên-Huế, và viên cố vấn trưởng tình báo, chúng tôi đi thăm và cám ơn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, về việc hai đơn đã phối hợp hành quân tại Quận Vinh Lộc. Vị Tư lệnh Sư đoàn Kỵ Binh đã nhã nhặn hỏi chúng tôi đơn vị Kỵ Binh Không Vận cùa ông ta có thể giúp gì cho Bộ Chỉ Huy CSQG/Thừa Thiên-Huế. Tôi và viên cố vấn trưởng của tôi trình bày với tướng Tư Lệnh Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ rằng, theo kế hoạch của Chính Phủ VNCH và Bộ Tư Lệnh CSQG tại Saigòn, chúng tôi đã thành lập 73 đơn vị Cảnh Sát Xã, gọi là “Cuộc Cảnh Sát”, chúng tôi đang lúng túng vì họ chưa có văn phòng làm việc.
Nghe chúng tôi trình bày xong, Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ đã có nhã ý giúp đỡ các vật dụng như : tôn, ci-ment, ván ép, gỗ, cho BCH/CSQG/Thừa Thiên Huế xây cất 73 trụ sở cuộc (Xã) Cảnh Sát tại 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Chúng tôi đã xây xong 73 cuộc Cảnh sát Xã trong thời gian kỷ lục, và mỗi lần khánh thành trụ sở nào chúng tôi lại mời tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh tham dự. Chúng tôi đã tiết kiệm được một số ngân khoản khá lớn cho BTL/CSQG, vì nếu BTL/CSQG bỏ tiền ra xây cất 73 trụ sở Cảnh Sát xã cho chúng tôi, tôi nghĩ số ngân khoản xây cất không phải là nhỏ.
Lẽ dĩ nhiên, so với ngân sách của một quốc gia hay một đại đơn vị, thì số tiền này chẳng đáng gì, nhưng nó đã nói lên “tình đồng minh”, giữa hai đất nước, mà đã được thể hiện qua hành động trực tiếp của vị chỉ huy một đơn vị trực tiếp hoạt động chung với chúng tôi.
Trong niềm cảm xúc riêng tư, không liên quan gì đến chính sách “rút chạy” của chính phủ Hoa Kỳ, tôi và dân chúng Huế vô cùng cảm kích tấm chân tình của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, vì những giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất mà ông và đơn vị dưới quyền đã giành cho dân chúng Thừa Thiên - Huế .
***
- Ai Nợ Huế !
Đồng bào Huế biểu tình, đòi Hồ Chí Minh, đảng cộng sản Việt Nam và đám Việt gian, trả lại chồng, con, thân nhân bị thảm sát, mất tích, trong biến cố Mậu Thân 1968, qua Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Việt cộng đóng tại Bãi Dâu, thuộc Quận II thành phố Huế, vào tháng 2/1973, sau ngày Hòa Đàm Paris được ký kết (Ngày 27/1/1973).
Hơn bốn mươi hai năm đã trôi qua, nói đến vụ tàn sát đẫm máu tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968, do chính Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Đảng Cộng Sản Việt Nam, và những kẻ tội phạm như :
Trung Tướng Trần văn Quang, Tư Lệnh mặt trận Trị Thiên-Huế, Đại Tá Lê Tư Minh, Tư lệnh mặt trận Huế, Đại Tá Thân Trọng Một, Chỉ huy mặt trận cánh Nam (Vùng Quận III và phụ cận), Trung Tá Lê Trọng Đấu, Chỉ huy mặt trận cánh Bắc (Quận I, II), Đại Tá Nguyễn Đình Bảy, Trưởng Ty Công An, Tống Hoàng Nguyên Trưởng ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên. Hoàng Lanh, Hoàng Kim Loan, Phan Nam, Thành ủy viên và…quá nhiều.
Cùng bè lũ đám Việt gian nằm vùng, lợi dụng núp bóng trong Phật Giáo như:
Trí Quang, Đôn Hậu, Thiện Siêu, Chánh Trực, Như Ý.
Trong giới trí thức, sinh viên tại Huế như :
Giáo sư Lê văn Hảo, giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Kỵ.
Và trong đám sinh viên như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Lê Hữu Dũng, Lê Xuân Trường, Nguyễn Thiết, Nguyễn Hữu Vấn và nhiều… nhiều lắm… những tên cơ sở nằm vùng của Việt cộng tham gia trong vụ tàn sát đồng bào Huế.
Những kẻ tội phạm đó hiện có kẻ đã chết, có người vẫn còn sống, thế nhưng, dù đã chết hay còn sống họ vẫn là những kẻ đã mắc nợ dân Huế, mà người cộng sản hung bạo thường gọi những loại nợ đó là “Nợ máu nhân dân”, thế nhưng người quốc gia miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi với bản chất nhân đạo, hiền hòa chúng tôi không gọi như vậy mà chỉ gọi là nợ “Công bằng và Công Lý.”
Sau Mậu Thân 1968, vào ngày 26 tháng 6 năm 1968, lần đầu tiên Hoa Kỳ và Cộng sản Bắc Việt gặp nhau để thăm dò cho cuộc hòa đàm trong tương lai chấm dứt cuộc chiến.
Địa điểm gặp nhau là một ngôi nhà riêng của phía cộng sản Bắc việt tại Vertry-sur-Seine, tại Pháp.
- Phái đoàn Việt Nam cộng sản có Hà Văn Lâu và Nguyễn Minh Vỹ.
- Phái đoàn Mỹ có Cycrus Vance và Philippe Habib.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 1968, phái đoàn Mỹ có Harriman, Vance, và Philippe Habib. Phía cộng sản Bắc Việt có Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hà văn Lâu và thông dịch viên Nguyễn Đình Phương, chính thức gặp gỡ và bắt đầu bàn thảo cũng tại Vertry-Sur-Seine, Pháp.
Sau đó Hoa Kỳ mời Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa vào tham dự hòa đàm, phía cộng sản Hà Nội đưa phái đoàn Mặt trận Giải Phóng Miền Nam vào phái đoàn của họ, kể từ đó hòa đàm Tại Paris có bốn phái đoàn tất cả :
- Việt Nam Cộng Hòa.
- Hoa Kỳ.
- Cộng sản Bắc Việt.
- Mặt trận Giải Phóng Miền Nam.
Cuộc thương lượng kéo dài từ tháng 9 năm 1968 mãi đến ngày 27 tháng 1 năm 1973 mới kết thúc với bản thỏa hiệp được ký kết bởi đại diện 4 bên nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam gọi là :
“Hiệp Định Paris Nhằm Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình Tại Việt Nam.”
Ngày ký Hiệp Định là ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Ngày có hiệu lực và ngưng bắn là :
Đúng 7 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973.
Đại diện bốn phe ký vào nghị định thư gồm có:
1- Việt Nam Cộng Hòa: Tổng Trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm.
2- Chính phủ Hoa Kỳ : Bộ trưởng Ngoại Giao William P. Roger.
3- Chính phủ cộng sản Bắc Việt : Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Duy Trinh.
4- Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam : Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thị Bình.
Hai cơ cấu quan trọng nhất trong nghị định thư Hòa Đàm Paris là:
1- Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên.
Các thành viên của ủy ban này gồm có:
- Việt Nam Cộng Hòa.
- Hoa Kỳ.
- Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
- Bắc Việt.
Nhiệm vụ của Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự
Theo điều 16 của Hiệp Định thư thì :
- Thực hiện việc ngưng bắn trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Bao gồm tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam.
- Phối hợp, theo dõi kiểm tra 4 bên, trong việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định.
- Ngăn ngừa vi phạm và phát hiện vi phạm hiệp định ngưng bắn….v….v….
- Ban Liên hợp quân sự bốn bên sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi ký hiệp định này, và sẽ chấm dứt hoạt động trong thời hạn sáu mươi ngày.
Mỗi bên chỉ định một đoàn đại biểu quân sự là 16 người tại khu vực địa phương… và do một sĩ quan cấp bậc Trung Tá chỉ huy.
Ủy ban Liên Hợp Quân Sự tại trung ương (Đóng tại Camp David, Phi Trường Tân Sơn Nhất), mỗi bên có 56 người và do một sĩ quan cấp tướng chỉ huy.
2- Ủy ban Quốc Tế kiểm soát và giám sát đình chiến.
Ủy ban này gồm các thành viên đại diện của 4 nước:
- Ba Lan
- Canada
- Hunggary
- Indonesia.
Các thành viên của ủy ban quốc tế này sẽ luân phiên làm chủ tịch trong từng thời gian do ủy ban quốc tế quy định.
Điều 11 của Hiệp Định Paris quy định sẽ có 7 ủy ban Liên Hợp quân sự khu vực, đóng tại vùng ghi trong bản đồ kèm theo và đóng tại các địa điểm sau :
Khu vực I : Huế
Khu Vực II : Đà Nẵng
Khu vực III : Pleiku
Khu vực IV : Phan Thiết
Khu vực V : Biên Hòa
Khu vực VI : Mỹ Tho
Khu vực VII : Cần Thơ
Như vậy sẽ có một phái đoàn quân sự của cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, gồm khoảng 32 người lính và sĩ quan của bọn chúng, đến trú đóng tại thành phố Huế, ngay sau khi Hiệp định thư được 4 phe ký kết tại Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, và ngày có hiệu lực ngưng bắn là 7 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973.
Chúng tôi đã nhận được lệnh của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sàigòn là chuẩn bị đón phái đoàn Việt cộng và Bắc Việt, sẽ từ Hà Nội đến Huế bằng máy bay (Phi Trường Phú Bài), ngày, giờ, số phi vụ v…v…Chúng tôi sẽ phải hộ tống họ lên căn cứ của họ tại Bãi Dâu, thuộc Quận II, thị Xã Huế. Chúng tôi phải lo an ninh và hộ tống bọn chúng trong suốt thời gian 60 ngày bọn chúng đóng tại Huế, theo đúng thời gian Nghị định thư ấn định, ngoài ra Bộ Tư Lệnh cũng lưu ý chúng tôi rằng bọn họ được hưởng quy chế của một ngoại giao đoàn.
Cộng quân mưu toan chiếm vùng đất
phía tây bắc Huế trước giờ ngưng chiến.
Ngày đình chiến có hiệu lực là 7 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, thế nhưng vào khuya ngày 27/1/1973 rạng ngày 28/1/1973, cộng quân bất chấp Nghị định thư tái lập hòa bình mà bọn chúng vừa ký chưa ráo mực vào ngày 27/1/1973, bọn chúng xua quân tràn ngập vùng tây bắc thành phố Huế, chỉ cách thành phố Huế chưa đầy 20Km, đó là vùng xã Phong An thuộc quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên nằm phía trên quốc lộ I.
Ý định của địch là chiếm xã này trước giờ ngưng bắn có hiệu lực, tức 7 giờ sáng ngày 28/1/1973, như vậy đặt chính phủ VNCH vào chuyện đã rồi, không thể xua quân tái chiếm được nữa, vì nếu xua quân tái chiếm là vi phạm lệnh ngưng chiến. Thế nhưng bọn chúng đã lầm, lầm lớn…
Tôi còn nhớ vào khoảng hơn 12 giờ khuya ngày 27/1/1973, Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, hớt hải chạy sang phòng làm việc của tôi :
- Thiếu tá, Trung Úy Cuộc Trưởng cuộc Phong An xin gặp Thiếu tá trên hệ thống gấp lắm.
Tôi theo chân Đại úy Trinh sang Phòng Hành Quân . Nắm ống liên hợp của máy truyền tin Motorola tôi nói ngay:
- Tôi thẩm quyền Tango đây, anh nói đi.
Tôi nghe tiếng phát âm trong loa khuếch đại rất nhỏ:
- Em Trung úy…Trưởng cuộc Phong An đây thẩm quyền, Thẩm quyền cứu bọn em. Việt Cộng đã tràn ngập, trụ sở xã và cuộc cảnh sát bị bọn chúng vây rồi.
- Tôi đây, anh bình tĩnh, thiệt hại anh em như thế nào rồi ? Có ai bị thương, tử thương không ? Bọn chúng đông không ?
- Trình thẩm quyền có 2 anh em bị thương nặng, máu ra nhiều quá. Không có ai tử thương. Bọn chúng đông lắm thẩm quyền.
- Cố gắng kiếm cách cầm máu cho 2 anh em bị thương, có băng cá nhân không ?
- Có thẩm quyền.
- Hiện tại anh em có bao nhiêu người và cán bộ xã có bao nhiêu ?
- Anh em hiện diện 14 người, xã có 6 và một trung đội Nghĩa Quân.
- Tôi sẽ cố gắng ra với các anh càng nhanh càng tốt. Bằng mọi cách giữ vững tinh thần, giữ liên lạc với Trung Tâm Hành Quân và tôi.
- Cám ơn thẩm quyền, ông ra gấp với chúng tôi.
- Bắt buộc, tôi sẽ ra với các anh, rất sớm.
- Tôi dứt, các anh đợi tôi.
Tôi xoay qua nói với Đại Úy Trinh :
- Anh gọi Đại úy Tý, nói Tý lệnh của tôi, cho Đại Đội Phó Bác Sĩ Chung Châu Hồ sang ngay Trung Tâm Hành quân hướng dẫn cho anh em ngoài đó, săn sóc cho hai anh em bị thương. Nhớ cứ năm mười phút liên lạc với họ cho họ lên tinh thần.
Tôi dùng điện thoại tại trung tâm hành quân liên lạc trình Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu khu Thừa Thiên, Đại Tá Tôn Thất Khiên :
- Trình Đại Tá, Cuộc Trưởng Cảnh Sát xã Phong An vừa báo cho biết cộng quân đã tràn ngập xã Phong An, và hiện trụ sở xã và cuộc Cảnh sát đang bị chúng bao vây. Họ xin tiếp cứu giải vây, trình Đại tá.
Đầu dây bên kia Đại Tá Khiên trả lời tôi:
- Hiện tại Tiểu khu không còn lực lượng trừ bị nữa, lệnh ngưng bắn có hiệu lực đúng 7 giờ sáng ngày mai, mọi đơn vị Địa Phương Quân đã bố trí đâu ở đó giữ đất giữ dân, không còn lực lượng nào nữa. Cảnh Sát Dã Chiến cùa anh hiện tại có bao nhiêu ?
- Trình Đại tá hiện tại tôi có 500, vì ngày mai ngưng bắn, tôi sợ thành phố có biến động chính trị, nên tôi đã rút nguyên Đại đội CSDC về thành phố ứng trực trấn áp bạo động.
- Tốt, anh để lại 200 trừ bị giữ thành phố, số còn lại sáng sớm ngày mai anh đích thân chỉ huy giải tỏa xã Phong An.
- Dạ Đại tá, Đại tá còn chỉ thị gì nữa không?
- Không .
- Vậy tôi sửa soạn vì cũng đã gần sáng rồi.
- Tôi dứt, Đại Tá.
- Liên Thành, cẩn thận, nhớ vào tần số với Trung tâm hành quân Tiểu khu có gì xin họ yểm trợ.
- Dạ, cám ơn Đại Tá.
Tôi gác điện thoại, nhìn đồng hồ cũng đã gần 2 giờ sáng,
Đại Úy Trinh đang đứng cạnh tôi, tôi nói với Trinh :
- Trinh ơi, cận giờ quá rồi, mình không còn nhiều giờ đâu, anh gọi Vinh, Ân, Tý, Hồ 10 phút sau họp tại phòng hội.
Vì ngày mai ngưng bắn, nên đơn vị trong tình trạng cấm trại 100%, chỉ 10 phút sau chúng tôi đã có mặt tại phòng hội.
Mọi người đã đông đủ trong phòng hội, tôi cho anh em biết ngay tình hình xấu tại xã Phong An, địch đã tràn ngập và bao vây trụ sở xã, và cuộc Cảnh Sát Phong An, tôi đã trình Đại Tá Tỉnh Trưởng, ông không còn đơn vị Địa Phương Quân nào nữa để giải tỏa, vì vậy ông giao chuyện này cho anh em mình, mặc dầu nhiệm vụ này quá nặng đối với CSQG, nhưng lệnh thì phải thi hành, chúng ta cố gắng.
Theo lệnh Đại Tá Tỉnh trưởng mình sẽ giải tỏa áp lực địch tại xã Phong An, và cứu anh em mình ra khỏi vòng vây của bọn chúng.
Chúng ta hiện có 500 Cảnh Sát Dã Chiến đang ứng trực, tôi sẽ lấy 300, cùng với Đại Úy Tý đi tiếp cứu anh em và giải tỏa Xã Phong An. Số còn lại để lại thành phố làm lực lượng trừ bị, sẵn sàng trấn áp bạo động nếu xảy ra mọi biến động chính trị ngày mai.
Phân chia trách nhiệm chỉ huy như sau :
Thiếu tá Trương văn Vinh chịu trách nhiệm chỉ huy điều động, phản ứng cấp thời, mọi tình huống vào sáng mai tại thành phố Huế - Phụ Tá là Thiếu Tá Trương Công Ân phụ tá ngành CSĐB.
- Đại Úy Chung Châu Hồ, Đại đội phó CSDC với 200 CSDC, sẵn sàng hành động theo lệnh Thiếu Tá Chỉ Huy Phó.
- Đại úy Trần Văn Trinh, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, theo sát tình hình ngưng bắn tại 13 quận và 73 xã, báo cáo tức thời với Đại Tá Tỉnh Trưởng, Bộ Chỉ Huy CSQG/Vùng I và Bộ Tư Lệnh Tại Sàigòn.
- Làm lệnh Hành quân trình đại Tá Tỉnh Trưởng ký với tư cách là chủ Tịch Ủy ban Phượng Hoàng tỉnh để hợp thức hóa cuộc hành quân của lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế vào ngày mai tại Phong An.
Anh em có gì thắc mắc xin hỏi, còn bằng không chúng ta giải tán, tôi nói với Đại úy Tý :
Anh về chuẩn bị, lần này đi đánh giặc chứ không phải đi giải tán biểu tình, lựa những trung đội trưởng cứng cựa và có kinh nghiệm tác chiến, đúng 5giờ 30 sáng, tôi sang anh và chúng ta xuất phát .
Đúng 5:30 sáng ngày 28/1/1973 chúng tôi xuất phát từ doanh trại Đại đội CSDC 102, ra khỏi thành phố đi về hướng bắc, trực chỉ xã Phong An, quận Phong Điền.
Trời chưa sáng, lại có sương mù, ngồi trên xe mà lòng ngổn ngang trăm mối lo lắng. Lực luợng địch là thành phần nào mình cũng chưa biết, Chính quy ? Du kích địa phương ? Chúng nó bao nhiêu ?
Nào là anh em bị địch vây hãm, chỉ nghe câu nói của Trung Úy Cuộc Trưởng xã Phong An “Thẩm quyền cứu bọn em” mà lòng dạ xót xa, cho dù có chết cũng phải liều mạng sống để cứu anh em. Rồi thì trách nhiệm quá nặng trong vụ này, lực lượng CSDC không chuyên nghiệp trong nhiệm vụ tác chiến với địch, mang đi 300 anh em CSDC tức là mang theo 300 gia đình vợ con của họ, lỡ mà đụng nặng với địch bị tổn thất thì ăn làm sao nói làm sao với vợ con họ. Trời vẫn còn tối, đoàn xe chạy trong sương mù, tôi đã thức suốt đêm rồi mà sao chẳng thấy buồn ngủ mà chỉ thấy lòng lo lắng vì trách nhiệm quá nặng đang đè trên vai. Bỗng Trung Sĩ Trương văn Diệp ngồi sau cất tiếng:
- Ôn ơi, uống tí café cho tỉnh đi, miệng nói anh ta đưa cho tôi ly café. Tôi bỗng nhớ chuyện hết sức quan trọng vội chụp máy gọi Trung Tâm Hành Quân Cảnh lực, Đại Úy Trinh:
- Trinh Tango gọi.
- Tôi nghe thẩm quyền.
- Anh đã liên lạc với Chi khu Phong Điền chưa ?
- Rồi Tango, có tần số của Chi khu rồi, tôi chuyển cho ông , ông liên lạc ngang với họ đi.
- Nhận rõ.
Khoảng hơn 6 giờ sáng chúng tôi đã tiếp cận mục tiêu. Sương mù chưa tan, cảnh vật chưa rõ ràng, tầm quan sát rất hạn chế. Đoàn xe dừng lại ngay trên quốc lộ I. Tôi cho lệnh Tý đổ quân và bố trí hàng ngang dọc theo bên trên quốc lộ I. Các trung đội đã vào vị trí sẵn sàng và đợi lệnh, Đại úy Tý đã đến sát gần tôi :
- Xong rồi anh, chúng tôi đợi lệnh anh.
- Anh đợi, tôi liên lạc với Trưởng Cuộc.
Trung sĩ Nguyễn Đình Ánh đã liên lạc được với Trung Úy Trưởng Cuộc Phong An, Ánh giao ống liên hợp cho tôi:
- Tango đây, tôi và đơn vị đã đến gần với anh rồi đó, yên tâm đi. Hai anh em bị thương ra sao rồi ? Từ khuya đến giờ có bị thêm ai nữa không ? Chúng tôi đang bố trí ngay quốc lộ, cách anh khoảng 300 mét mà thôi. Anh có thể cho tôi biết tình hình địch chung quanh như thế nào trước khi chúng tôi xông vào đưa các anh ra.
- Trình thẩm quyền, không hiểu sao từ khuya đến giờ bọn chúng không tấn công vào xã nữa, mà án binh bất động. Bọn chúng bố trí một tổ trong căn nhà trước mặt xã. Xa hơn nữa không quan sát được nên không biết bọn chúng đông hay ít. Ngay trên đưởng mòn từ quốc lộ đi vào xã, bọn chúng đã bố trí một chốt ở đó. Thẩm quyền và anh em cẩn thận.
- Tôi nhận anh rõ, lệnh cho mọi người sẵn sàng chúng tôi ào vào là rút ra ngay, hai anh em bị thương chúng tôi đã có đem theo hai băng- ca rồi, mình sẽ di chuyển họ ra trước.
- Anh đợi tôi, tôi dứt.
Đại úy Tý nghe rất rõ cuộc diện đàm của tôi và Trung úy Truởng cuộc. Tý hỏi tôi:
- Minh bắt đầu ?
- Đợi tí, để tôi chỉ rõ ràng cho anh đã.
Miệng nói tay chỉ phía trước:
Sương mù chưa tan, tầm quan sát rất hạn chế, chúng ta có thể lợi dụng lúc này, đang lúc tranh tối tranh sáng, chúng khó phát giác, anh đồng ý không ?
- Đồng ý.
Minh đã đến trụ sở xã này nhiều lần rồi, anh nhớ không ? Sau bờ làng chỉ khoảng một, hai trăm thước là trụ sở xã.
- Anh thấy đó, địa thế và mục tiêu rất khó để tấn công, vì từ một khoảng trống, đến bìa làng và mục tiêu nằm sau bìa làng. Bây giờ minh chia đôi lực lượng, anh 4 trung đội, tôi 4 trung đội. Mình áp dụng đội hình hàng ngang tấn công chiếm mục tiêu. Tuyến xuất phát tại đây, 4 trung đội của tôi dàn hàng ngang chạy thật nhanh chiếm bìa làng, tôi chiếm được bìa làng rồi, làm đầu cầu an ninh, đến phiên 4 trung đội của anh nhập vào với tôi tại bìa làng, và rồi từ đó anh cánh trái, tôi cánh mặt xông thẳng vào trụ sở xã, anh bảo vệ cạnh sườn phía trái cho tôi. Sau đó, bốn trung đội của tôi giữ mặt trước, anh mặt sau đưa anh em bị thương, và cán bộ xã, nghĩa quân rút ra quốc lộ ngay. Chúng tôi rút sau, bắn chận cho anh rút lui nếu bọn chúng nổ súng.
Mục đích của chúng ta là cứu anh em ra, chiếm lại đất, giữ dân là trách nhiệm của quân đội trong giờ phút đình chiến này chứ không phải của chúng ta.
- Anh hiểu rõ ý định điều quân của tôi chưa ?
- Hiểu rõ.
- Còn một điều nữa, lỡ tôi có bị thương, hay tử thương thì đừng quan tâm, tính sau. Anh thay tôi chỉ huy và phải cố gắng cứu anh em mình ra ngay. Ngược lại nếu anh có bị thương hay tử thương thì cũng vậy. Hành động dứt khoát, lưỡng lự chậm trễ là chết cả đám. Hy vọng là với sương mù như thế này bọn chúng không thấy mình.
- Tôi nhận rõ.
- OK anh giao cho tôi 4 trung đội.
Bốn trung đội hàng ngang ở tuyến xuất phát, sau khi đã nói rõ ý định của tôi và dặn dò anh em kỹ lưỡng, tôi nói với Thiếu Úy Sắc, anh là một trong những trung đội trưởng rất giỏi của Đại đội :
- Tôi bị gì anh thay tôi.
- Dạ
Xoay qua bốn trung đội tôi nói :
- Anh em thấy đó, từ đây đến bìa làng chỉ khoảng tối đa là 200 mét, khi tôi đếm một hai ba, chạy…là chúng ta chạy thật nhanh đến bìa làng, nếu bọn chúng phát giác, chúng nổ súng thì chúng ta nổ súng bắn trả ngay, đồng loạt và xông thẳng vào bọn chúng, còn nếu chạy lui là chết hết không còn một ai. Anh em nghe rõ chưa?
- Nghe rõ.
- Chiếm được bìa làng, chúng ta nằm lại, giữ chặt bìa làng làm đầu cầu an ninh cho 4 trung đội của đại úy Tý nhập vào với chúng ta.
- Tất cả sẵn sàng …một, hai, ba, chạy…
Chỉ một hai phút sau chúng tôi đã chiếm được bìa làng, mà địch không biết. Bốn trung đội của Tý khoảng ba phút sau cũng đã đến bìa làng nhập chung với chúng tôi.
Giai đoạn I đã xong, bây giờ đến giai đọan II. Từ bìa làng đến mặt sau của trụ sở xã cũng chỉ khoảng dưới 200 mét. Để tránh ngộ nhận, tôi nói Tý đợi, để tôi liên lạc với Cuộc trưởng trước khi xông vào xã, bằng không họ bắn mình tan xác vì tưởng mình là Việt cộng.
Trung sĩ Nguyễn Đình Ánh giữ máy truyền tin đã liên lạc được với Cuộc trưởng và Ánh giao ống liên hợp cho tôi:
- Tango đây, chúng tôi đã đến gần anh rồi, ngay bìa làng, một vài phút nữa chúng tôi sẽ đến bằng hướng sau của trụ sở xã, dặn anh em đừng bắn. Chúng tôi sẽ thanh toán mấy thằng Việt cộng nơi ngôi nhà tranh trước mặt anh, và sau đó mình bắt tay nhau, anh nhận rõ chưa?
- Tôi nhận rõ
- Tốt, tôi dứt.
Tôi nói nhỏ với Tý:
Khi 4 trung đội của tôi bắt đầu chạy chiếm phía mặt của trụ sở xã anh cho lệnh bắn tập trung M-79 và đại liên vào toán Việt cộng đang chiếm ngôi nhà tranh trước mặt xã, mấy trung đội kia, trách nhiệm đưa mọi người trong xã rút ở hướng sau ra quốc lộ.
Hai ba phút sau Tý bắt đầu cho lệnh bắn tập trung vào ngôi nhà tranh trước mặt xã.
Trong cảnh sương mù mờ ảo, trong không gian im lặng và tĩnh mịch tại vùng xã Phong An vào buổi ban mai, tiếng nổ của M-79, đại liên M-60, và súng M-16 rền trời, vang dội, của lực lượng Cảnh sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế. Địch đã bắn trả, bên phía của Tý có 1 Cảnh Sát Dã chiến bị tử thương và 2 bị thương.
Tôi yểm trợ cho Tý, và anh cùng 4 trung đội đã bắt tay được với anh em Cảnh Sát xã và cán bộ xã Phong An, đã đưa họ ra vùng an toàn ngoài quốc lộ I.
Tôi gọi máy về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực :
- Trinh, Tango gọi
- Tôi nghe thẩm quyền, ông và anh em ra sao rồi.
- Chúng tôi đã vào được Xã Phong An, đưa hết anh em mình và cán bộ xã ra vùng an toàn rồi. Chúng tôi có 1 CSDC tử thương và 2 CSDC bị thương. Anh gọi trình BCH/Khu I và Bộ Tư Lệnh.
- Gọi Bác sĩ Chung Châu Hồ và ông Bảo, Trưởng ban Y tế ra gấp đưa anh em bị thương vào bệnh Viện. Hiện chúng tôi đang bố trí dọc Quốc lộ I đợi lệnh Đại Tá Tỉnh Trưởng.
- Nhận rõ thẩm quyền.
Tôi xoay qua hệ thống C-25 liên lạc với Đại Tá Tỉnh trưởng, Tiểu khu Trưởng :
- Trình thẩm quyền lực lượng chúng tôi đã vào được trụ sở xã Phong An và đã đưa hết anh em Cảnh Sát và cán bộ xã ra vùng an toàn rồi.
- Chúng tôi 1 CSDC tử thương, 2 CSDC bị thương cộng với 2 Cảnh sát xã hồi đêm, tổng cộng 4 bị thương.
- Địch phản ứng rất yếu, không hiểu tại sao. Theo tin tức của dân chúng trong vùng và của Cảnh Sát Đặc biệt thì bọn chúng có khoảng 3 tiểu đoàn, nhưng đóng sâu vào trong, cách trụ sở xã khoảng hai, ba cây số.
- Tôi và 300 Cảnh Sát Dã Chiến hiện đang bố trí dọc quốc lộ I, đợi lệnh Đại Tá.
Trong loa khuếch đại tiếng nói của Đại Tá Tỉnh Trưởng Tôn Thất Khiên nghe rất rõ :
- Liên Thành, anh làm tốt lắm, cố gắng giữ đừng cho bọn chúng tràn qua quốc lộ I, tôi sẽ điểu động lực lượng Địa Phương Quân đến thay anh. Tôi sẽ ra gặp anh bây giờ.
- Nhận rõ thẩm quyền.
Nhìn đồng hồ đã gần 9 giờ sáng, như vậy thời gian ngưng bắn đã qua gần 2 giờ rồi, và thế nào rồi bọn Việt cộng cũng tố cáo ngược chúng tôi, Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên trong lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên “vi phạm” lệnh ngưng bắn của “Hiệp định Hòa bình Paris”. Tôi phải nghĩ câu trả lời, nếu báo chí hỏi đến, tôi phải chứng minh rằng chúng tôi, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế phải hành động như vậy vì bọn lưu manh cộng sản đã xua quân chiếm dân, chiếm đất xã Phong An trước giờ hưu chiến, đặt chính phủ VNCH và chính quyền Thừa Thiên Huế vào chuyện đã rồi, là không thể đưa quân đội phản công, dành lại dân và lãnh thổ Xã Phong An, vì như vậy là vi phạm lệnh ngưng bắn.
Nhưng bọn chúng đã lầm, Đại Tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên Huế Tôn Thất Khiên đã cương quyết không để mất dân, mất đất trong lãnh thổ trách nhiệm của ông, nên ông đã ra lệnh cho lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế với 300 Cảnh Sát Dã Chiến giải tỏa, áp lực địch, giữ dân và giữ đất Xã Phong An của VNCH.
Bọn ăn cướp cộng sản Bắc Việt xông vào nhà cuớp tài sản, cướp con cái của chủ nhà, vậy chủ nhà để yên cho chúng nó sao ? Phải lấy súng bắn vào đầu chúng và đuổi chúng ra khỏi nhà, đó là lẽ công bằng.
Khoảng 9 giờ 45 sáng, Đại Tá Tỉnh trưởng Tôn Thất Khiên có mặt ngay vị trí chúng tôi đang bố trí ở quốc lộ I, cách trụ sở xã Phong An không xa. Ông vừa bắt tay tôi vừa khen:
- Làm được lắm.
Tôi trình bày tình hình hiện tại và nêu thắc mắc của tôi, cộng quân phản ứng rất yếu không hiểu tại sao ? Có điều quan trọng nữa là Cảnh Sát Đặc Biệt vừa báo cho tôi biết, phái đoàn báo chí quốc tế tại Khách sạn Hương Giang đang trên đường ra đây, thế nào bọn chúng cũng đề cập đến vấn đề chúng ta vi phạm lệnh ngưng bắn, Đại tá muốn chận họ lại không, hay để cho họ tự do đi vào vùng hành quân ?
- Chận làm chi Liên Thành, cứ để cho tụi hắn vào, Việt cộng mưu toan chiếm đất, chiếm dân của mình, mình phải phản ứng đánh trả, bọn nó không tôn trọng lệnh ngưng bắn thì tại sao phải bắt mình tôn trọng.
Hai Đai đội Địa Phương Quân đang trên đường đến để thay cho anh, anh về lo việc trong thành phố.
- Mình đi vào trụ sở Xã.
Miệng nói chân bước, tôi hoảng hồn nói to:
- Đại Tá, chậm một tí, để tôi cho đơn vị mở đường, phía trước chưa an ninh.
Ông và tôi đi chậm lại, Tý đưa một trung đội đi mở đường phía trước, Trung đội đi mở đường vừa đi vừa bắn hằng loạt vào các bụi cây rậm bên đường và vừa la lớn :
“ Đầu hàng đi… đầu hàng đi… dơ tay lên… đôi súng xuống…”
Có lẽ chỉ là tiếng la bâng quơ của anh em CSDC đi mở đường la cho vui, nhưng bỗng có tiếng trả lời rất lớn, giọng Bắc:
“ Đừng bắn… Đừng bắn… các anh đừng bắn… cho chúng em đầu hàng…”
Từ trong bụi rậm bên đường, phía bên trái cạnh bờ sông, ló ra 6 Ôn lính cộng sản con, mặt mày non choẹt, tuổi khoảng 13, 14. hai tay họ dơ cao :
- Các anh đừng bắn, cho chúng em hàng.
Cảnh Sát Dã Chiến xông đến vây quanh còng tay từng người một.
Một cán binh trong đám họ có lẽ là tổ trưởng, hốt hoảng lên tiếng:
- Sao các anh lại trói chúng em ? Chúng em được lệnh vào Nam tiếp thu mà, sao lạ nhỉ…
Tôi nghe người lính nhỏ Bắc Việt chỉ khoảng 13 tuổi hỏi câu đó mà lòng xúc động, thấy thương họ quá. Ở tuổi này, những trẻ thơ của miền Nam đang quây quần bên cha, bên mẹ, bên chị, bên em, bên học đường bạn bè, thì những trẻ thơ miền Bắc lại bị bọn đầu sỏ cộng sản Việt Nam phỉnh gạt, lùa những trẻ nhỏ vào chiến trường miền Nam hy sinh mạng sống, đem xương trắng máu đào của tuổi trẻ thơ dại, xây đắp cho mộng tranh bá đồ vương của bọn chúng, cho chủ thuyết cộng sản vô luân vô đạo.
Tôi hỏi 6 người lính trẻ Bắc Việt :
- Các anh thuộc đơn vị nào ?
- Chúng em thuộc Công trường 6 chính quy.
- Các anh đến vùng này bao lâu rồi ?
- Chúng em mới xâm nhập vào tối hôm qua, khoảng 8 giờ tối.
- Với mục đích gì ?
- Chúng em được lệnh đến tiếp thu.
- Tại sao hồi đêm chúng tôi tấn công vào xã, nhổ chốt của các anh trước mặt xã mà các anh không đánh trả ?
- Chúng em chưa có lệnh, hơn nữa Chúng em rất sợ lính Dù Ngụy. Các anh là Lính Dù Ngụy ?
- Không phải, chúng tôi là Cảnh Sát Dã Chiến.
- Cảnh Sát Dã Chiến là gì cơ ?
- Đại khái là lực lượng Công An Xung Phong, đặc công.
- À ra thế, sao lại mặc dồ Dù Ngụy nhỉ ?
Thì ra bọn binh lính Việt cộng ngay cả đám chính quy, cũng phải nể sợ Chiến sĩ Nhảy Dù của quân lực VNCH vì thế mà bọn chúng chưa dám nổ súng.
A Di Đà Phật… cứu khổ cứu nạn… Cám ơn Chúa…
Cũng nhờ oai phong của “lính Dù Ngụy” mà chúng tôi thoát được một tai ương lớn, nếu không, với sức lực của CSDC làm sao chúng tôi đương đầu nổi với Công Truờng 6, chính quy Bắc Việt.
Đại Tá Tỉnh Trưởng hỏi một Cán binh cộng sản đang dứng gần Ông:
- Em bao nhiêu tuổi?
- Dạ em 15 tuổi .
- Gia đình ở đâu ?
- Chúng em ở ngoài Bắc.
- Các em có đói không ?
- Dạ đói lắm.
Đại Tá Tỉnh trưởng xay qua nói với tôi :
- Liên Thành, có chi cho họ ăn đi.
- Có bánh mì và nước ngọt trong Bộ Chỉ Huy mới tiếp tế ra. Và tôi đề nghị với Đại Tá :
- Sáu người này là lính Bắc Việt, là tù binh, tôi xin chuyển giao cho Phòng 2 Tiểu khu khai thác.
- Anh liên lạc với Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu, nói với họ lệnh của tôi, cho người ra nhận 6 tù binh.
Tôi nói với anh em CSDC :
- Mở còng cho họ, đem họ ra ngoài quốc lộ cho họ ăn uống đàng hoàng.
Toán lục soát tịch thu một súng B- 41, và 5 AK-47 của 6 cán binh Bắc Việt. Đó là chiến lợi phẩm của CSDC/Thừa Thiên Huế.
Tôi gọi trung tâm Hành Quân Cảnh Lực :
- Trinh, Tango gọi
- Tôi nghe thẩm quyền.
- Mình bắt được 6 tù binh, tịch thu 1 súng B-41, 5 AK-47. Theo lời khai, bọn họ thuộc đơn vị Công Trường 6, chính quy Bắc Việt. Tôi đã hỏi xong, anh liên lạc với Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu, nói với họ liên lạc với Phòng 2, cho người ra nhận 6 tù binh này vào khai thác thêm tin tức, đó là lệnh đại tá Tiểu Khu Trưởng.
- Nhận rõ thẩm quyền , tôi báo Khu I, Bộ Tư Lệnh và liên lạc Tiểu Khu ngay.
Gần 11giờ trưa, hai Đại Đội Địa Phương Quân đổ quân. Cấp chỉ huy của hai đại đội đó gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng nhận lệnh, và họ dàn quân xông thẳng vào khu vực xã Phong An.
Chỉ 15 phút sau, súng nổ rền trời, súng nhỏ súng lớn, tiếng lựu đạn, tiếng B-40, tiếng nổ của M-72, M-79 trộn lẫn nhau. Trên hệ thống truyền tin C-25, tôi nghe cấp chỉ huy của hai đại đội đang ra lệnh, họ đang đụng lớn, họ đang đụng với Công trưởng 6 chính quy Bắc Việt. Công Trường 6 phản ứng mạnh, hai đại đội Địa Phương quân bị bật ngược trở lại, họ bố trí tại bìa làng đợi lệnh chứ không thể tiến sâu vào bên trong.
Khoảng gần 12 giờ trưa, một máy bay trực thăng bay vòng sát trên đầu chúng tôi và đáp ngay giữa đường nhựa. Chuẩn Tướng Lê văn Thân, Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB (Cựu Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên) đến quan sát trận địa. Tại tá Tôn Thất Khiên và tôi đón Chuẩn Tướng Thân. Đại Tá Khiên thuyết tình tình hình với Chuẩn tướng Thân, và sau đó là lúc Sư Đoàn I/BB ra tay.
Khoảng 1:30 chiều, một đơn vị Sư Đoàn I/BB đổ quân. Súng nồ liên hồi, pháo binh từ cây số 17 bắn yểm trợ hằng lọat. Công Trường 6 Chính quy Bắc Việt phản ứng mạnh, đơn vị của Sư Đoàn I lùi dần, bố trí tại bìa làng.
Khoảng gần 3 giờ chiều, Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, cùng với Chiến Đoàn Trưởng Chiến đoàn Nhảy Dù và ban tham mưu hành quân của ông ta có mặt tại mặt trận Phong An. Họ bàn thảo cùng với Chuẩn Tướng Lê Văn Thân và Đại Tá Tôn Thất Khiên.
Gần 4 giờ chiều, 2 tiểu đoàn của Chiến đoàn Dù đổ quân. Có thể nói đây là một màn trong một phim chiến tranh, tuyệt đẹp và hào hùng.
Lính Nhày Dù VNCH dăng hàng ngang, chạy từ tuyến xuất phát vào làng, không một ai cúi đầu, không một ai khom lưng, họ vừa chạy vừa bắn. Công Trường 6 Chính quy Bắc Việt phản công mạnh, nhưng gặp sức tấn công như vũ bão của 2 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH, bọn lính Bắc Việt đuối sức dần, tiếng súng nổ mỗi lúc mỗi nghe xa dần quốc lộ I.
Đến hơn 6 giờ chiều thì tiếng súng đã im. Hai tiểu đoàn Nhảy Dù của Quân Lực VNCH đã đánh tan Công Trưởng 6 chính quy Bắc Việt, đẩy bọn chúng vào tận chân núi xa, bọn chúng tháo chạy, mang theo mộng không thành chiếm đất dành dân trong giờ ngưng bắn.
Xin ngàn lần cám ơn người lính Việt Nam Cộng Hòa hào hùng.
Cũng cần nói thêm trong thời gian chiến trận Phong An đang diễn tiến, thì số ký giả ngoại quốc thuộc nhóm phản chiến tràn đến xã Phong An, chụp hình, quay phim, ghi nhận những sự việc mà bọn họ cho là VNCH vi phạm ngưng bắn, đề cung cấp cho cộng sản dùng làm lý cớ khiếu nại, truyên truyền xuyên tạc VNCH.
Tôi cho ngăn chận đám ký giả đó, không cho bọn họ chụp hình, tịch thu hết các phim trong máy ảnh và máy quay phim của bọn họ. Thế nhưng khoảng 2 tuần sau, cũng trong thời gian tháng 2/1973, có một hôm viên cố vấn đặc biệt của tôi gọi điện thoại mời tôi lên văn phòng của ông ta có chuyện cần bàn.
Tại văn phòng, ông ta rút trong hộc bàn ra tờ tuần báo Mỹ, số đặc biệt về ngày ngưng bắn tại Việt Nam, thì than ôi… Hình bìa của tờ tuần báo này là hình của tôi đang rút phim trong máy ảnh của ký giả tờ báo. Viên cố vấn nhìn tôi vừa cười, vừa nói :
- Tôi tặng anh tờ báo này làm kỷ niệm, cũng may người chụp hình và viết bài là phe ta.
Tôi ngạc nhiên và hỏi viên cố vấn :
- Làm sao hắn chụp được tấm hình này, vì hắn có hai cái máy ảnh đeo lủng lẳng, tòn ten nơi ngực, bị tôi lấy, mở cả hai máy ảnh đó hủy cả 2 cuốn phim rồi mà.
- Hắn chụp ảnh anh bằng chiếc máy ảnh là cái búp nịt to truớc bụng, hắn bấm lia lịa mà anh không hay.
Tôi cười và nói với viên cố vấn :
- Ông ơi tôi chịu thua.
Bây giờ ở xứ sở văn minh này, nhớ lại viết ra đây để thấy mình thiếu văn minh và tự hổ thẹn vì hành động đó.
Huế Đòi Nợ
Chuyện khó tin nhưng có thật .
Phái Đoàn quân sự Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam đến Huế ngày 30-1-1973, Chỉ Huy Trưởng CSQG/Thừa Thiên-Huế, Thiếu Tá Liên Thành và Lực lượng CSQG/ Thừa Thiên -Huế, hộ tống và giữ an ninh cho Việt cộng !
***
Trở lại câu chuyện Huế đòi nợ, nếu tôi nhớ không lầm, theo lịch trình do phái đoàn quân sự của VNCH cung cấp và của viên đại tá Mỹ giao cho tôi, thì đúng vào 12 giờ khuya ngày 30 tháng 1 năm 1973 một máy bay C-130 của Không quân Hoa Kỳ, sẽ từ Hà Nội chở 45 thành viên quân sự của cộng sản Bắc Việt và Giải Phóng Miền Nam đáp xuống Phi Trường Phú Bài-Huế.
Bổn phận của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế là tiếp nhận phái đoàn, đóng dấu nhập cảnh vào thông hành của bọn chúng, bảo vệ an ninh, và hộ tống bọn chúng lên căn cứ tại Bãi Dâu.
Tôi nhận lệnh thượng cấp đương nhiên là phải thi hành, nhưng trong lòng cay đắng, uất hận, và quá buồn cho nghịch cảnh trớ trêu. Bao nhiêu anh hùng liệt sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hy sinh mạng sống của họ cho ai ? Trên 5 ngàn dân Huế bị bọn này tàn sát, cỏ chưa kịp xanh trên những ngôi mộ oan khiên tại Ba Đồn. Tôi và chiến hữu Cảnh Sát Quốc Gia của tôi, chúng tôi trực diện chiến đấu chống quân cộng sản hằng bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ chúng tôi lùi bước, thì tại sao ngày hôm nay chúng tôi phải hộ tống bọn chúng vào giữa lòng thành phố Huế, nơi mà 4 năm về trước, Tết Mậu Thân 1968, lũ quỷ đỏ này đã tàn sát đồng bào Huế không nương tay.
Theo lịch trình, đúng 12 giờ đêm máy bay quân sự Mỹ chở bọn chúng hạ cánh tại phi trường Phú Bài, lực lượng chúng tôi đã có mặt tại phi trường Phú Bài vào khoảng 11 giờ khuya, trước bọn chúng một giờ. Lực lượng tôi mang theo để hộ tống đám này gồm có:
- Thiếu Tá Trương văn Vinh, Chỉ Huy Phó BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.
- Thiếu Tá Trương Công Ân, Phụ Tá ngành Cảnh Sát Đặc Biệt.
- Thiếu úy Dương văn Sỏ, Trưởng cơ quan G-2
- Trung Úy Nam (Tôi xin lỗi đã quên họ) Trưởng ban ngoại kiều.
- 10 anh em Cảnh Sát Đặc Biệt.
- 2 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến.
- 1 xe Tuần Cảnh dẫn đầu.
Trách nhiệm chính của Thiếu tá Chỉ Huy Phó Trương văn Vinh và Trung Úy Nam Trưởng ban Ngoại Kiều là kiểm soát thông hành bọn chúng, đóng dấu và ký vào thông hành của bọn chúng cho phép bọn chúng nhập cảnh vào Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian 60 ngày (thi hành lệnh của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Tại Sàigòn) sau đó cho phép bọn chúng đặt chân vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam-Huế.
Khoảng 11:30 khuya thì phái đoàn Liên hợp quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đến. Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là một viên Đại Tá, nếu tôi nhớ không lầm thì ông chính là Đại tá Cố Vấn cho Đại Tá Tỉnh Trưởng Tôn Thât Khiên. Về phía Việt Nam Cộng Hòa là Trung tá….(tôi xin lỗi đã cố gắng hết sức nhưng không còn nhớ nổi tên họ của ông).
Chúng tôi chờ đợi chưa quá 30 phút thì từ hướng đông của phi trường Phú Bài, phi cơ đã xuất hiện với ánh đèn chớp đỏ, phi cơ đang ở độ thấp dần và sửa soạn đáp xuống phi đạo. Phải thành thật nói rằng, cá nhân tôi có một chút hồi hộp và cay đắng trong lòng, bao nhiêu năm chinh chiến đã trải dài qua ba thế hệ ông, cha, và anh em chúng tôi dân, quân, cán, chính, bao nhiêu người đã nằm xuống, bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân, để ngày hôm nay đất quê hương đã phải gánh chịu một loại hòa bình bệnh hoạn, què quặt do ngoại bang ép đặt, rồi quê hương đất nước sẽ đi về đâu hỡi trời!
Đau thương Mậu Thân 1968 còn in vết sâu đậm đau buồn trong lòng dân Huế đã phôi pha đâu, Mậu Thân 1968, Hòa bình 1973, thời gian mới chỉ là 4 năm, vết thương còn chảy máu, thì giờ đây, chính chúng tôi phải đón tiếp, bảo vệ những tên sát nhân, những kẻ đã giết hại dân Huế không nương tay, nay bọn chúng chính thức đi vào Huế bằng tư cách ngoại giao. Và bọn chúng lại trú ngụ ngay tại Bãi Dâu nơi mà người bạn “Đồng minh thân thiềt Hoa Kỳ của VNCH” vừa mới xây cất xong cho những kẻ sát nhân một căn cứ để bọn chúng trú ngụ, mỉa may thay, lại ngay trên vùng đất mồ chôn tập thể những nạn nhân do bọn chúng sát hại vào Tết Mậu Thân 1968.
Rất nhanh trong đầu tôi có một ý nghĩ chợt đến…. và tôi sẽ thi hành hành động sau này…
Đang suy nghĩ mông lung, đúng là :
“Ngổn ngang trăm mối tơ vò” thì Thiếu Tá Trương văn Vinh Chỉ huy Phó nói lớn :
- Tango, máy bay ngừng rồi, mình đến đi .
- Ừ thì đi.
Chỉ khoảng 3 phút sau chúng tôi đã đến đứng sát cạnh máy bay phía sau đuôi, vì bọn chúng sẽ xuống máy bay bằng cửa “há mồm” phía sau. Khoảng gần 10 người đứng trước cửa sau đón bọn họ, phía phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng Hòa có Trung tá trưởng phái đoàn và 2 Sĩ quan cấp úy. Phía quân sự Hoa Kỳ ngoài Đại Tá Cố Vấn Trưởng của Tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn 2 sĩ cấp úy. Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế lực lượng nòng cốt lo an ninh cho bọn chúng và an ninh lộ trình gồm có tôi, Thiếu tá Vinh, Thiếu tá Ân, Thiếu úy Sỏ và Trung Úy Nam, Trưởng Ban Ngoại Kiều.
Cửa sau của máy bay vừa mở hạ thấp đụng đất, thì đã thấy xuất hiện một tên Việt Cộng mặc đồ đại lễ (?) của quân đội bọn chúng, miệng vừa nói chân vừa bước xuống đất :
- “Tôi là Thượng Tá Hoàng Anh Tuấn Trưởng Phái Đoàn Quân sự của chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thân ái chào đồng bào Cố Đô Huế.”
Tên này bước thêm một bước, định tiến về phía chúng tôi. Nếu độc giả cho tôi là kẻ nóng nảy, vũ phu, thậm chí là thiếu văn hóa thì tôi xin nhận chịu, nhưng thật tình chỉ vừa thấy nó ở cửa phi cơ thì máu nóng đã chạy dội lên đầu, tôi phản ứng rất nhanh, tôi thét lớn :
- Đứng lại, đồ mọi rợ. Chẳng có đồng bào Huế nào hiện diện tại đây để cho đám sát nhân Mậu Thân chào mừng cả.
Tôi là Thiếu Tá Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên Huế, ông chỉ được phép rời khỏi máy bay khi nào chúng tôi kiểm soát xong giấy thông hành, cấp chiếu khán cho các ông nhập cảnh, chừng đó các ông mới được ra khỏi máy bay. Đây là lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, hiểu rõ chưa ?
Tôi xoay qua Vinh nói thật lớn:
- Thiếu Tá Vinh, đẩy thằng đó lên lại máy bay .
Vinh xấn tới và tôi cũng xấn tới, đẩy ngược tên thượng tá Việt Cộng này lên lại máy bay. Viên Đại Tá Mỹ tiến đến can thiệp, nhưng đã muộn, tên Thượng tá Việt cộng Hoàng Anh Tuấn đã trở lại và đứng vào nơi cửa máy bay. Dưới ánh đèn nơi cửa máy bay, tôi thấy da mặt y màu xanh, không hiểu vì giận hay vì sợ, nào ai biết!
Sau đó Thiếu tá Trương văn Vinh, Chỉ huy Phó lấy bản danh sách đã có sẵn gọi tên từng người, họ lần lượt ra khỏi phi cơ xuất trình thông hành, và Trung Úy Nam, Trưởng ban Ngoại Kiều làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam Cộng Hòa-Huế cho bọn họ.
Mọi người đã lên xe, và tôi sắp xếp đoàn xe như sau :
Xe Jeep Tuần Cảnh dẫn đầu.
Kế tiếp là xe của Thiếu Tá Trương Văn Vinh.
Xe của 1 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến.
Đoàn xe của phái đoàn quân sự Bắc Việt và Giải phóng Miền Nam.
Xe của Phái Đoàn Quân sự Hoa Kỳ.
Xe của của Phái đoàn quân sự VNCH.
Xe của 1 Trung đội Cảnh Sát Dã Chiến.
Và cuối cùng xe tôi bít đường phía sau.
Tôi sắp sửa cho lệnh khởi hành thì viên Đại tá trưởng phái đoàn Quân sự Hoa Kỳ đến gặp tôi và nói:
- Chief Thành, trưởng phái đoàn quân sự Bắc Việt Trung Tá Hoàng Anh Tuấn muốn trên đường về căn cứ Bãi Dâu, ông vui lòng cho đoàn xe chạy vào thành phố Huế cho họ “tham quan” được không ?
Tôi biết ngay là tên Thượng Tá Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn này muốn nhân cơ hội tuyên truyền, phô trương, rất nhã nhặn tôi nói với viên Đại Tá trưởng Phái Đoàn Quân sự Hoa Kỳ :
- Xin lỗi Đại Tá, tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của Trưởng Phái đoàn Quân sự Bắc Việt được, vì lý do an ninh :
1- Lộ trình di chuyển đã được sắp đặt kỹ rồi, không thể thay đổi.
2- Dân chúng Huế hoàn toàn không vui gì khi thấy đám Việt cộng này xuất hiện tại thành phố Huế, Mậu Thân 1968, bọn chúng và đám Việt gian đã sát hại dã man đồng bào Huế quá nhiều. Mặc dầu đã khuya, nhưng lỡ mà đồng bào họ thấy được, họ ùa ra chận đoàn xe lại, tôi e rằng không còn một tên Việt cộng nào trong phái đoàn quân sự Bắc Việt và Giải Phóng Miền Nam về đến căn cứ Bãi Dâu.
Viên Đại Tá Mỹ ngây thơ ngẩn ngơ gật đầu :
- Ok Chief Thành, tôi hiểu rồi, chúng ta đi.
Đoàn xe rời Phi Trường Phú Bài, di chuyển theo vòng đai thành phố Huế để về Bãi Dâu chứ không đi vào thành phố Huế.
Mặc dầu tin tức đã được giữ kín tại Huế, nhưng cũng bị lộ ra ngoài dân chúng vì báo chí đài phát thanh, đài truyền hình tại Sàigòn loan tin Phái đoàn Việt cộng trong ủy Ban Liên hợp quân sự 4 phe, đã có mặt tại Huế. Dân chúng Huế xôn xao, bàn tán, nhiều tin thất thiệt lan tràn trong thành phố, gây hoang mang không ít trong dân chúng Huế, vì thế mà ngay phiên họp sáng ngày hôm sau của Ủy ban Liên Hợp quân sự 4 bên, vào 10 giờ sáng tại Khách sạn Hương Giang thuộc Quận III thị xã Huế, để xét trường hợp vi phạm lệnh ngưng bắn đầu tiên tại Xã Phong An, Quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, bởi Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế, sau đó là Sư Đoàn I Bộ Binh và Lữ đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa, vào 7giờ 40 phút sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973.
Có khoảng 30 đồng bào đã đứng biểu tình tại khuôn viên khách sạn Hương Giang chống đối sự hiện diện của bọn chúng. Một sự việc xảy ra là khi tên Thượng Tá Hoàng Anh Tuấn vừa từ trong xe bước ra định tiến vào Khách sạn, thì một thường dân kéo mũ xuống mang tai, có ý dấu mặt, đã xông đến hất vào người Thượng Tá Hoàng Anh Tuấn một ly dầu diesel. Phái đoàn quân sự Việt cộng hỗn loạn, phái đoàn Mỹ bọc bọn Việt cộng chạy vào trong khách sạn. Lực lượng an ninh của chúng tôi can thiệp bắt giữ người đàn ông đó ngay, lấy chiếc mũ trên đầu của y ra, thì than ôi!... Hắn là Trung Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Trương Văn Diệp, một cận vệ của tôi. Tôi đắng họng, điếng người nói nhỏ với Thiếu Tá Trương Công Ân :
- Dộng hắn lên xe, chở hắn chạy đi cho mau. Bọn Mỹ và Việt cộng biết được thì mình gặp rắc rối to.
Chiều đến, tôi gọi Trương Văn Diệp trình diện tôi, vừa thấy mặt anh ta tôi to tiếng ngay :
- Đm ! (Xin lỗi độc giả), Anh ngu vừa thôi, cái mặt lì lợm của anh ai mà không biết anh là cận vệ của tôi. Từ từ, tôi đang tính kế, làm như anh chỉ gãi ngứa bọn chúng mà thôi. Không chơi trò ni nữa nghe chưa, nghe rõ chưa!
Trương văn Diệp nói với tôi:
- Thưa ôn, gia đình tui ở dưới làng bị tụi hắn giết hết, thấy bọn chúng là tui muốn nổ súng ngay, ly dầu tui tạt vào thằng đó là mới cảnh cáo thôi.
(Anh Trương văn Diệp và gia đình hiện đang định cư tại thành phố Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ).
Ngay tối hôm đó, tôi gọi :
Thiếu Tá Trương văn Vinh, Chỉ huy Phó
Thiếu Tá Trương Công Ân, Phụ tá Ngành Đặc Biệt
Đại Úy Trần văn Tý, Đại Đội Trưởng Đại đội 102 CSDC.
Đại Úy Lê Khắc Vấn, Chỉ Huy Trưởng Quận I,
Đại Úy Ngô Trọng Thành, Chỉ Huy Trưởng Quận II,
Trung úy Phạm Cần, Chỉ huy Trưởng Quận III
Đại Úy Trần văn Trinh, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực
Tất cả gặp tôi tại phòng hội của Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, và tôi đưa ý kiến của tôi như sau:
- Tôi nghĩ rằng đồng bào Huế, khi biết tin có bọn cộng sản ngụ tại căn cứ Bãi Dâu, họ sẽ kéo đến để đòi nợ, cho nên tôi có ý định là mình sẽ bí mật tổ chức một cuộc biểu tình thật lớn, huy động đồng bào Huế và thân nhân nạn nhân Mậu Thân với khăn tang áo chế, kéo đến căn cứ Bãi Dâu gặp bọn Việt cộng đòi nợ chồng con, thân nhân bị giết, bị mất tích trong Tết Mậu Thân, và nhân cơ hội này tràn vào cho bọn chúng một trận nên thân, phá tan căn cứ này luôn.
Chúng ta và dân chúng Huế chẳng một ai chấp nhận bọn chúng hiện diện tại Huế cả, chúng ta không bí mật làm chuyện này thì ai dám làm, anh em nghĩ sao ? Nếu anh em đồng ý thì chúng ta bàn kế hoạch chi tiết.
Không một ai phản đối, tất cả biểu đồng tình ý kiến của tôi, Thiếu Tá Trương văn Vinh vừa nói, vừa cười:
- Tango lúc nào cũng bạo, cẩn thận kẻo Bộ Tư lệnh biết được đi tù cả đám.
- Sợ chi rứa Vinh ? Từ từ mà run. Mình có trên năm ngàn vong linh đồng bào Huế chết oan, chết ức, phù hộ cho anh em mình, đừng lo.
Anh em chúng tôi bàn thảo kế hoạch gần ba tiếng đồng hồ, tóm tắt như sau:
1- Mục tiêu :
Phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Giải Phóng Miền Nam, trong Phái Đoàn Liên Hợp Quân Sự bốn bên đóng tại Bãi Dâu, thuộc Quận II thành phố Huế.
2- Mục đích :
Huy động đồng bào Huế và thân nhân các nạn nhân trong Mậu thân 1968, kéo đến gặp phái đoàn cộng sản đòi nợ : nợ chồng, nợ con, nợ thân nhân mà bọn chúng đã giết, đã bắt đi mất tích từ năm Mậu Thân 1968.
3- Nhân cơ hội đó hướng dẫn đồng bào tràn ngập căn cứ Bãi Dâu, để đồng bào phá tan căn cứ của bọn chúng và “bề hội đồng” bọn chúng một trận nên thân.
4- Đuổi bọn chúng ra khỏi căn cứ, ra khỏi thành phố Huế.
5- Lực lượng biểu tham dự biểu tình :
- Chủ lực là quần chúng Huế, Tiểu thương chợ Đông Ba, Chợ An Cựu, Chợ Bến Ngự, những thành phần có chồng, con, thân nhân bị Việt cộng sát hại. Thành phần học sinh, sinh viên cô nhi tử sĩ.
- Xử dụng Biệt Đội Thiên Nga, nữ nhân viên CSQG thuộc BCH, ngụy trang với khăn tang áo chế làm nòng cốt của cuộc biểu tình.
- 100 nhân viên Cảnh Sát Dã Chiến mặc thường phục.
- 100 nhân viên Cảnh sát Đặc Biệt.
200 trăm người này là lực lượng xung kích bạo động khi có lệnh.
- Chỉ Huy Trưởng ba quận Cảnh Sát I, II, III chịu trách nhiệm kêu gọi, hướng dẫn dân chúng trong quận đến địa điểm biểu tình.
- Thiếu Tá Trương Công Ân, chỉ định một nữ sĩ quan trong biệt đội Thiên Nga ngụy trang khăn tang áo chế, hướng dẫn đoàn biểu tình đến Bãi Dâu đưa kiến nghị đòi chồng, đòi con, đòi thân nhân.
- Thiếu tá Chỉ Huy Phó chỉ thị cho Trung Úy Tiến, Trưởng Ban Tâm Lý Chiến, thảo một bức thư gởi cho đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Chính Trị đảng cộng sản, đòi chồng con, thân nhân nạn nhân Mậu Thân 1968, gởi qua tên Thượng Tá Hoàng Anh Tuấn. Nhớ cho tôi xem trước khi giao cho nữ Sĩ quan Biệt Đội Thiên Nga.
6- Ngày giờ biểu tình :
Ngày N và giờ G là 2 giờ chiều. Đoàn biểu tình sẽ xuất phát đúng 2 giờ chiều, trực chỉ Bãi Dâu. Ba Chỉ huy trưởng quận bắt đầu cho nhân viên truyên truyền rỉ tai kêu gọi đồng bào tham gia biểu tình.
7- Chỉ huy tổng quát cuộc biểu tình :
- Giai đoạn I
Thiếu tá Liên Thành, Chỉ huy trưởng.
Phụ Tá, Thiếu tá Trương văn Vinh, Chỉ huy Phó.
Sau mười phút đòi gặp Thượng tá Hoàng Anh Tuấn giao thư đòi nợ chồng con, thân nhân bị mất tích, dù tên đó có ra tiếp nhận thư hay không, tôi vẫn cho lệnh đoàn biểu tình tràn ngâp căn cứ Bãi Dâu. Tôi trực tiếp chỉ huy 200 anh em mặc thường phục hành động trong giai đọan I.
- Giai Đoạn II
Thiếu tá Trương văn Vinh thay tôi chỉ huy đoàn biểu tình, Thiếu Tá Trương công Ân Phụ tá cho Thiếu tá Vinh.
Phần tôi sẽ lẻn ra ngoài, thay lại đồ sắc phục cùng với Đại úy Trần Văn Tý, Đại đội Trưởng đại đội 102 CSDC, chỉ huy 3 trung đội xông vào tung lựu đạn cay giải tán đoàn biểu tình, cứu nguy và bảo vệ an ninh cho phái đoàn quân sự Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đang bị dân chúng Huế bao vây, tấn công, đập phá, và hành hung bọn chúng.
Theo điều khoản quy định của hiệp định thư Paris, phái đoàn Quân sự Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được hưởng quy chế ngoại giao, vì vậy lực lượng Cảnh sát Quốc Gia Thừa Thiên- Huế phải tung quân trấn áp bạo động, bảo vệ an ninh cho phái đoàn quân sự Việt cộng, như vậy là quá đẹp không ai chê trách Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế vào đâu được !
8- Huấn thị đặc biệt :
- Không một ai trong đoàn biểu tình được mang vũ khí, nếu phát giác ai mang vũ khí trong đoàn biểu tình phải bắt giữ ngay.
- Hành động không được quá đà. Khi có lệnh ngưng là phải ngưng ngay.
- Phái đoàn quân Sự Hoa kỳ không còn là “ người bạn đồng minh thân thiết” của chúng ta nữa, bây giờ họ là “người bạn thắm thiết của bác và đảng” chúng ta không còn trông cậy gì vào họ được nữa, coi chừng họ sẽ công khai ra mặt bênh vực cho phái đoàn quân sự Bắc Việt và MTGPMN tạo khó khăn cho mình.
DIỄN TIẾN ĐÒI NỢ :
Hai ngày sau, Ngày N và giờ G đã đến, nếu tôi nhớ không lầm đó là ngày 2 tháng 2 năm 1973.
- Từ 12 giờ trưa, trong thành phố Huế đã có tin tức loan truyền, rỉ tai 2 giờ chiều ngày này, đồng bào sẽ biểu tình tại Bãi Dâu, gặp đoàn quân sự Việt Cộng để đòi chồng, đòi con, đòi thân nhân bị giết, bị bắt mất tích trong Tết Mậu Thân 1968.
- 1 giờ trưa có lời truyên truyền rỉ tai, kêu gọi đồng bào đình công bãi thị đi biểu tình tại Bãi Dâu. Tin tức loan truyền rất nhanh, khu chợ Đông Ba, khu bến xe đò ngay cầu Gia Hội, khu Thượng Tứ, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Chi Lăng, đâu đâu cũng nghe người ta gọi nhau: “Đóng cửa dẹp tiệm đi bà con ơi, về Bãi Dâu biểu tình đòi nợ Việt cộng bà con ơi”.
Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau về Bãi Dâu, khoảng gần 2 giờ trưa có khoảng trên 5 ngàn đồng bào đã tràn ngập khu cổng chính của căn cứ Bãi Dâu. Một rừng người khăn tang áo chế, cùng một rừng cờ và biểu ngữ với nội dung yêu cầu Việt cộng trả lại chồng con, yêu cầu Việt cộng cho biết chồng con họ bị bắt trong Tết Mậu Thân hiện nay ở đâu ? v.v…
Vào khoảng gần 2 giờ 30, cuộc biểu tình bắt đầu, qua loa phóng thanh, lời của một quả phụ có chồng bị Việt cộng bắt trong Tết Mậu Thân, yêu cầu được gặp Thượng Tá Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn, trao thỉnh nguyện thư của thân nhân nạn nhân Tết Mậu Thân.
Bên trong căn cứ vẫn im lìm không một bóng người xuất hiện. Qua chiếc máy truyền tin nhỏ của hệ thống Cố vấn đặc Biệt Hoa Kỳ, họ bắt đầu gọi tôi khẩn cấp. Tôi biết ngay là bọn Việt cộng trong căn cứ Bãi Dâu đã cầu cứu phái đoàn quân sự Mỹ, Phái đoàn này lại liên lạc với Phái bộ Cố Đặc Biệt của BCH/ CSQG Thừa Thiên, để yêu cầu lực lượng chúng tôi can thiệp bảo vệ an ninh cho phái đoàn quân sự Bắc Việt và GPMN trong căn cứ.
Tiếng viên cố vấn của tôi trong máy truyền tin nhỏ :
- Tango...Tango …Nancy gọi !
- Nancy ! tôi nghe anh rõ, nói đi.
- Anh đang ở đâu ? Phái đoàn quân sự Bắc Việt và MTGPMN tại căn cứ Bãi Dâu đang gặp nguy hiểm, vì có vài ngàn đồng bào đang biểu tình ngoài cổng căn cứ Bãi Dâu, chúng tôi sợ rằng đoàn biểu tình sẽ tràn vào căn cứ. Chúng tôi yêu cầu anh can thiệp ngay đừng cho đồng bào vào bên trong, và cũng nhắc anh rõ, trách nhiệm bảo vệ an ninh cho phải đoàn là của Lực lượng CSQG các anh.
- Tôi đã biết và hiện trên đường đến đó, tôi sẽ can thiệp chận đứng ngay, nếu đồng bào bạo động. (xạo)!
Tôi hiểu rằng đã đến lúc không còn chậm trễ được nữa vì phái bộ quân sự Hoa kỳ sẽ can thiệp.
Tôi nói với Thiếu Tá Vinh và Thiếu Tá Ân đang đứng gần tôi:
- Chúng ta phải hành động ngay, bằng không bọn Mỹ sẽ can thiêp. Vinh, Ân, cho lệnh người của mình bắt đầu.
Vinh và Ân lũi vào đám đông. Chỉ khoảng 5 phút sau giọng nói của người quả phụ hướng dẫn đoàn biểu tình đã oang oang trên máy phóng thanh :
- Đả đảo Cộng sản! trả lại chồng con, thân nhân của chúng tôi cho chúng tôi!
Tiếng la to của đoàn biểu tình vang vọng cả khu vực Bãi Dâu:
“Đả đảo cộng sản, đả đảo cộng sản tham tàn khát máu”
Lại có tiếng của người quả phụ hướng dẫn đoàn biểu tình :
- Thưa đồng bào, chúng ta đến đây xin gặp ông trưởng phái đoàn Việt cộng để trao thỉnh nguyện thư đòi chồng con, thân nhân mất tích trong Tết Mậu Thân, chúng ta đã đợi ông ta gần cả tiếng đồng hồ, vậy mà ông ta không chịu ra gặp chúng ta. Vậy thì thưa đồng bào, chúng ta phải đi vào gặp ông ta, chúng ta không đợi nữa. Đồng bào đồng ý không ?
Tiếng đáp lại của đoàn biểu tình vang dậy cả một góc trời :
“ Đồng ý, đồng ý, đả đảo cộng sản. Chúng ta vào đi”
Cánh cửa bằng kẽm gai nơi cổng chính bị đạp tung, một rừng người cùng cờ và biểu ngữ tràn vào căn cứ Bãi Dâu, họ nhắm hướng các ngôi nhà tiền chế mà phái đoàn cộng sản đang trú ngụ chạy đến. Cảnh tượng thật đẹp mắt nhưng cảnh hỗn loạn cũng bắt đầu.
Lực lượng chủ lực bạo động gồm 200 nhân viên của chúng tôi, cùng với đồng bào xông vào từng ngôi nhà tiền chế của bọn chúng hành hung, và phá nát đồ đạc, bàn ghế, giường ngủ của bọn chúng. Tiếng la hét của đồng bào hòa lẫn với tiếng la hét của đám Việt cộng đang bị hành hung hòa lẫn với tiếng máy bay trực thăng của Phái bộ Hoa Kỳ đang bay thật thấp sửa soạn đáp xuống tạo thành cảnh tượng giống như một đoạn phim chiến tranh ở một vùng nào đó.
Bốn chiếc trực thăng của phái bộ Quân sự Hoa Kỳ đang tìm cách đáp xuống căn cứ Bãi Dâu, tôi biết đã đến lúc tôi phải trao quyền chỉ huy vụ đánh phá này cho Thiếu tá Vinh Chỉ Huy Phó, lẻn ra ngoài thay đồ và trở vào với Đại uý Trần Văn Tý, Đại đội Trưởng cùng với 3 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến đóng vai “người hùng Cảnh Sát dẹp loạn”.
Tôi nói rất nhanh với Thiếu Tá Vinh:
- Giao lại cho anh, nhắc nhở anh em đừng quá đà. Khi tôi và 3 trung đội Cảnh Sát Dã chiến dàn đội hình, bắt đầu tung lưu đạn cay đàn áp đám biểu tình, anh cho lệnh anh em và đồng bào rút lui ngay, tôi chừa cửa chính cho đồng bào chạy, khéo khéo một tí kẻo bọn Mỹ phát giác ra được là nguy lắm đó nghe. Giao Lại cho anh tôi đi đây. Vinh trả lời:
- Anh đi đi, để chỗ này cho tôi
Chỉ khoảng gần 10 phút sau tôi trở lại, xe tôi dẫn đầu theo sau là Đại Úy Tý, và đoàn xe chở 3 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến. Đoàn xe vừa lọt vào trong căn cứ, tôi cho lệnh đổ quân và Đại Úy Tý dàn đội hình, bắn phi tiễn tung lựu đạn cay về phía đồng bào ngay.
Hơi cay bay mù mịt đồng bào chạy toán loạn, anh em hướng dẫn đồng bào chạy ra cửa chính thoát thân.
Phái đoàn quân sự Hoa Kỳ vừa trực thăng vận xuống giải cứu cho bọn Việt cộng cũng bị hít hơi cay.
Viên Đại Tá Trưởng Phái Đoàn quân sự Hoa Kỳ cám ơn tôi rối rít, lại còn khen lực lượng CSQG/Thừa Thiên Huế là number # 1 vì đã phản ứng rất nhanh, can thiệp và giải cứu phái đoàn cộng sản kịp thời.
A Di Đà Phật, đồng chí đạo hữu Hoa Kỳ chưa “ngộ” không thì chúng em gặp rắc rối to.
Thế nhưng “đồng chí” Thượng Tá Hoàng Anh Tuấn chiều hôm đó đã mở cuộc họp báo và tuyên bố :
“Vụ biểu tình và đập phá căn cứ Bãi Dâu chiều hôm nay là do tên Trưởng Ty Công An du đãng Liên Thành tổ chức, hắn quy tụ một số du đãng làm chuyện đó, chứ không phải “đồng bào ruột thịt” Thừa Thiên Huế”.
A Di Đà Phật, Thiện tai…Thiện tai…Đồng chí Thượng Tá việt cộng Hoàng Anh Tuấn đã “ngộ”.
Sáng hôm sau, tại Camp David, nơi phái đoàn quân sự 4 bên trung ương trú đóng, Phái đoàn Bắc Việt và GPMN qua Võ Đông Giang và tên Tướng Việt cộng Trần Văn Trà, đưa ra bản kháng thư phản đối và tuyên bố rằng:
1- Vụ đánh phá tại căn cứ Bãi Dâu là do VNCH chủ mưu qua tên Trưởng Ty du đãng Liên Thành thi hành, hắn ta đã dùng một số du đãng làm chuyện đó, chứ chẳng phài đổng bào ruột thịt Huế.
2- 45 Đoàn viên của chúng tôi đều bị chấn thương sọ não. Có giấy chứng nhận của Y sĩ.
3- Chúng tôi sẽ rút đoàn quân sự của chúng tôi tại Huế về Saigòn, vì mạng sống của các đoàn viên của chúng tôi tại đó bị đe dọa.
Chiều hôm đó tôi bị một trận lôi đình từ Đại Tá Tỉnh Trưởng Tôn Thất Khiên, và Bộ Tư Lệnh CSQG tại Sài Gòn, vì Trung Tướng Phạm văn Thuần Trưởng phái đoàn Quận Sự Việt Nam Cộng Hòa tại trung ương, Camp David đã nổi giận vì hành động của tôi.
Thế nhưng, A di Đà Phật… Lạy Chúa…tôi tai qua nạn khỏi cũng nhờ phúc đức Ôn, mệ. và vong linh của 5327 thường dân vô tội bị Việt cộng thảm sát phù hộ.
Và ngay chiều hôm đó, tôi lên đài truyền hình số 9 tại Huế trả đòn với Thượng Tá Vc Hoàng Anh Tuấn :
Ông Thượng Tá Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn đã nói : “Sự việc xảy ra ngày hôm qua tại căn cứ Bãi Dâu là do tôi, tên trưởng ty du đãng Liên Thành chủ mưu, và hắn đã dùng một số du đãng làm chuyện đó, chứ không phải đồng bào ruột thịt Thừa Thiên- Huế.”
- Thưa ông Thượng Tá Việt cộng Hoàng Anh Tuấn, ông kết tội tôi là thủ phạm mà không đưa ra nổi bằng chứng nào đề chứng minh. Ngược lại nhân viên công lực của chúng tôi vì thi hành luật pháp quốc gia, thi hành các điều khoản trong Nghị Định Thư của Hòa Đàm Paris, đã xả thân bảo vệ các ông, và chính tôi, cũng bị đồng bào hành hung đánh trọng thương ở cánh tay mặt. Tôi vừa nói vừa đưa cánh tay mặt đang băng to tổ bố (xạo) cho đài truyền hình quay.
Sáng ngày 5 tháng 2 năm 1973, phái đoàn quân sự của Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam rút khỏi căn cứ Bãi Dâu về Saigon, lý do Huế không bảo đảm an ninh cho họ, căn cứ Bãi Dâu đóng cửa.
Phái đoàn Quân sự Mỹ hộ tống bọn chúng, có cả trực thăng hộ tống, và phi cơ L-19 quan sát bao vùng vì sợ bị “đồng bào” phục kích chận xe.
Họ không yêu cầu lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế hộ tống, vì có lẽ họ đã phát giác vụ Bãi Dâu thủ phạm là chúng tôi và đồng bào.
OK ông bạn “đồng minh thắm thiết Hoa Kỳ”, như vậy khỏi thấy bọn chúng, đỡ chướng tai gai mắt.
Nếu đúng theo tinh thần của nghị định thư Hòa Đàm Paris thì phái đoàn quân sự của Bắc Việt và Giải Phóng Miền Nam trong Ủy ban Quân sự 4 bên phải đóng ở Huế 60 ngày, kể từ ngày 28 tháng 1 năm 1973, nhưng mới chỉ được có 6 ngày, tức là ngày 3 tháng 2 năm 1973, bọn chúng đã phải bỏ chạy và căn cứ Bãi Dâu phải đóng cửa, đó cũng là vì phản ứng mạnh mẽ của đồng bào Huế trước sự hiện diện của bọn cộng sản sát nhân.

No comments:

Post a Comment