Friday, August 24, 2012

Trần Gia Phụng-TÀN SÁT TẾT MẬU THÂN TẠI HUẾ (1968)



TÀN SÁT TẾT MẬU THÂN
TẠI HUẾ (1968)
                                                                                                            Trần Gia Phụng                  

I.-   TÌNH HÌNH CHUNG

Biến cố Tết Mậu Thân (1968) được Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gọi là "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa" (General Offensive and General Uprising).  "Tổng công kích" là một từ ngữ trong lý thuyết cách mạng cộng sản Trung Hoa, còn "tổng khởi nghĩa" là từ ngữ Việt Nam chỉ những cuộc nổi dậy chống ngoại xâm trong lịch sử, và đã được Việt Minh sử dụng để gọi việc chiếm chính quyền của họ vào năm 1945.

Dầu chịu ảnh hưởng lý thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị của Mao Trạch Đông (1893-1976), nhưng trước tình hình biến chuyển mau lẹ vào giữa thập niên 60 ở Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Nam Việt, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt muốn đốt giai đoạn, thay đổi chiến thuật, quyết tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các thành phố miền Nam, để thực hiện những tính toán chiến lược trong công cuộc xâm lăng miền Nam..

Việc Nikita Khrushchev (1894-1971) bị đảo chánh ở Liên Xô ngày 15-10-1964 là một biến cố rất thuận lợi cho VNDCCH.  Khrushchev chủ trương hòa dịu với các nước tây phương và sống chung hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau.  Chính phủ Liên Xô dưới thời Khrushchev, vào đầu năm 1957, đã đưa ra đề nghị hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt, nhưng bị nhà cầm quyền VNDCCH quyết liệt phản đối. 

Trong khi đó, VNDCCH quyết dùng võ lực để xâm chiếm VNCH.  Khi biến cố Maddox xảy ra trong vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964, Hoa Kỳ leo thang chiến tranh, oanh tạc Bắc Việt.(1)  Ban lãnh đạo mới của Liên Xô gồm tam đầu chế Leonid Brezhnev (1906-1982), Alexei Kosygin (1904-1980) và Nicolay Podgorny (1903-1983) muốn lôi kéo Bắc Việt về phía mình trong cuộc tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Hoa, liền tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Bắc Việt trong trường hợp Bắc Việt bị Hoa Kỳ tấn công.  Tháng 2-1965, thủ tướng Liên Xô Kosygin viếng thăm Hà Nội. 

Để đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thảo, tháng 4-1965, Lê Duẩn (1907-1986), bí thư thứ nhất đảng Lao Động Việt Nam (LĐVN) cầm đầu phái đoàn sang Moscow.  Trong dịp nầy, một thỏa ước viện trợ đã được ký kết; đồng thời Liên Xô đồng ý cho một tổ chức do đảng LĐVN lập ra để điều khiển chiến tranh ở miền Nam là Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đặt văn phòng liên lạc tại Moscow.(2)

Tuy chưa chính thức thừa nhận về mặt ngoại giao theo công pháp quốc tế, nhưng việc Liên Xô chấp thuận cho MTDTGPMNVN đặt văn phòng liên lạc tại Moscow, có nghĩa là Liên Xô xác nhận sự hiện diện của mặt trận nầy tại miền Nam Việt Nam, khởi đầu cho việc tăng cường viện trợ quân sự cho Bắc Việt cũng như MTDTGPMNVN theo chủ trương can thiệp mới của Liên Xô, mà sau nầy các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev.  Từ đó, vũ khí Liên Xô được đưa vào chiến trường miền Nam để trang bị cho lực lượng cộng sản.  Nhiều quan sát viên ghi nhận rằng các loại vũ khí nầy tối tân hơn các loại vũ khí còn sót lại sau thế chiến thứ hai (1939-1945), mà Hoa Kỳ trang bị cho quân lực VNCH cho đến năm 1968.

Về phía VNCH, từ cuối năm 1963, tình hình chính trị xáo trộn mạnh sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) bị sát hại ngày 2-11-1963, cùng với sự hủy bỏ luôn hiến pháp ngày 26-10-1956 do tổng thống Diệm ban hành.  Điều nầy gây ảnh hưởng chính trị tai hại là chấm dứt tính cách hợp hiến hợp pháp liên tục của chính quyền dân sự, tức nền Đệ nhất Cộng Hòa, ở miền Nam Việt Nam từ khi đất nước bị chia hai sau 1954, và gây khoảng trống hiến pháp, đưa đến nhiều rối loạn về chính trị do sự cầm quyền của giới quân sự, vì giới nầy không phải do dân chúng bầu ra, nên không thể đại diện cho dân chúng được. 

Các tướng lãnh lật đổ ông Diệm lại không đủ khả năng quản lý đất nước, làm cho chính sự càng ngày càng rối ren.  Trung tướng Dương Văn Minh (1916-2001) cầm quyền chẳng được bao lâu thì bị trung tướng Nguyễn Khánh thay thế ngày 29-1-1964.  Ông Khánh gặp nhiều chống đối, nhất là từ sau khi ông tuyên bố Hiến chương ngày 16-8-1964, thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu.  Những cuộc biểu tình dữ dội, nhất là của giới Phật giáo, khiến ông Khánh phải hủy bỏ hiến chương nầy ngày 25-8-1964.  Những âm mưu đảo chánh liên tiếp diễn ra, trong đó quan trọng nhất là ngày 13-9-1964, tướng Lâm Văn Phát và tướng Dương Văn Đức đem quân về thủ đô Sài Gòn "biểu dương lực lượng" rồi rút lui, và ngày 19-2-1965, tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo (?-1965) đảo chánh, nhưng bị dẹp yên ngay.

Trong thời gian nầy, biểu tình xảy ra liên tục trên toàn quốc do các phe phái chính trị, các phong trào đòi hỏi hòa bình, và nhất là các giáo phái tổ chức.  Bàn thờ Phật cũng được đưa "xuống đường" tại các thành phố lớn ở miền Trung như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn vào tháng 6-1966. 

Tình hình chính trị ổn định lại dần dần với việc bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966.  Bản hiến pháp mới được ban hành ngày 1-4-1967, hình thành nền Đệ nhị Cộng Hòa.  Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày 3-9-1967 đưa đến việc liên danh các tướng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử tổng thống và phó tổng thống, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài từ sau ngày tổng thống Diệm bị sát hại, nhưng lại đưa đến sự chuyên chính của giới quân nhân.

Điều làm cho Bắc Việt bất ngờ nhất là sau biến cố chiến hạm Maddox bị tấn công ở vịnh Bắc Việt hai ngày 2 và 4-8-1964, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra "Quyết nghị vịnh Bắc Việt" (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon Johnson (1908-1973) trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. 

Từ đó, Hoa Kỳ đưa quân tham chiến trực tiếp vào Việt Nam, và quân số Hoa Kỳ tăng gia nhanh chóng, từ khoảng trên 20,000 cố vấn và chuyên viên cuối năm 1964, lên đến 486,000 quân cuối năm 1967.(3)  Đó là chưa kể quân số của các nước Đồng minh như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Úc Đại Lợi lên đến vài chục ngàn người.  Về phía VNCH, quân số cũng gia tăng nhanh chóng để đáp ứng tình hình chiến sự càng ngày càng gia tăng.(4) Chiến tranh lan rộng ra Bắc với những phi vụ oanh tạc các cơ sở quân sự, những trục lộ giao thông quan trọng, kể cả những thành phố lớn.  Nhà cầm quyền Bắc Việt rất lo ngại quân đội Hoa Kỳ và VNCH đổ bộ vùng bờ biển hoặc tấn công Hà Nội.  Một thủ đô bí mật được thiết lập đâu đó trong vùng rừng núi Bắc Việt để sử dụng trong trường hợp Hà Nội và những trọng điểm Bắc Việt bị không quân tấn công hoặc tiêu hủy.(5)

Ở trong Nam, lợi dụng sự bất ổn chính trị của VNCH kéo dài từ sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963 cho đến 1966, MTDTGPMNVN đã phát triển mạnh mẽ được một thời gian.  Khi VNCH trên đường ổn định trở lại dần dần từ khi Hoa Kỳ đưa quân tham gia trực tiếp chiến tranh Việt Nam, nhất là từ khi bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966, MTDTGPMNVN bị suy thoái trở lại.

Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh càng ngày càng gia tăng cường độ, vùng nông thôn xôi đậu bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền VNCH (Don Oberdorfer, sđd.53).  Điều nầy về lâu về dài gây nhiều thiệt hại cho du kích cộng sản. Cộng sản không có dân chúng để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân chúng để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính, và một số cán binh cộng sản bỏ về thành theo gia đình hoặc quy thuận chính phủ Quốc gia theo chính sách chiêu hồi, làm cho bộ đội du kích cộng sản càng ngày càng hao hụt.

Lúc đó, giới lãnh đạo Bắc Việt nhận định rằng sau ba năm xáo trộn, với nhiều cuộc biểu tình khắp các thành phố miền Nam, tình hình đủ chín mùi để có thể kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa như tháng 8-1945 ở Hà Nội.  Nếu để chính quyền VNCH ổn cố trở lại, thì càng ngày càng bất lợi cho MTDTGPMNVN, cho nên Bắc Việt quyết định tổ chức tổng công kích, bất ngờ đánh chiếm các thành thị miền Nam, rồi kêu gọi dân chúng nổi lên tổng khởi nghĩa. 

Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa do cộng sản Hà Nội chủ trương nhắm các mục đích sau:

*    Chiếm chính quyền, phá huỷ hệ thống chính quyền VNCH, tạo bất ổn khó khăn cho VNCH.
*   Trực diện đối đầu với Hoa Kỳ, CSVN ước tính khó có thể thắng được quân đội Hoa Kỳ, trang bị vũ khí tối tân và hùng hậu hơn quân đội Pháp trước đây rất nhiều.  Do đó, CSVN cần gây tiếng vang lớn trên thế giới và tại Hoa Kỳ, để lung lạc và làm chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ.  Năm 1968 là năm tranh cử  tổng thống Hoa Kỳ, tình hình chính trị Hoa Kỳ rất nhạy cảm.  Dân chúng Hoa Kỳ bị kích động vì cuộc tổng công kích, sẽ đẩy mạnh phong trào hòa bình và phản chiến tại Hoa Kỳ.  Một khi hậu phương Hoa Kỳ bất ổn thì quân sĩ Hoa Kỳ ở tiền tuyến sẽ giảm ý chí chiến đấu.  Chỉ có thế mới mong Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.
*   Sửa soạn một thế mạnh để nói chuyện trên bàn hội nghị, vì lúc đó các dàn xếp quốc tế đã sẵn sàng cho cuộc hòa đàm giữa các bên lâm chiến.  (Trên thực tế, cuộc hòa đàm bắt đầu vào tháng 5-1968.)
*   Đưa chiến tranh vào thành phố sẽ làm cho dân nông thôn chạy ra thành thị quay trở về nông thôn, vì từ nay thành thị cũng bị tấn công mất an ninh như nông thôn, đồng thời chận đứng làn sóng dân chúng di chuyển từ nông thôn ra thành thị, gỡ rối cho hạ tầng cơ sở ở nông thôn của MTDTGPMNVN;
* Chận đứng việc hồi chánh của một số phần tử trong MTDTGPMNVN, vốn không phải là đảng viên cộng sản, mà chỉ là những người bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm, muốn quay trở lại với VNCH khi ông Diệm bị lật đổ.  Ngay sau biến cố ngày 2-11-1963, đáng lẽ những người nầy tìm về phía VNCH, nhưng vì Sài Gòn bị xáo trộn liên tục, làm gián đoạn các đường liên lạc, khiến họ chưa hồi chánh kịp.
Nếu cuộc tổng công kích thất bại, và chủ lực của MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, đối với đảng LĐ ở Hà Nội cũng là điều rất có lợi, vì lý do sau đây:  Khi mới thành lập, MTDTGPMNVN gồm đa số là đảng viên cộng sản miền Nam và những người bất mãn chế độ miền Nam bỏ theo Mặt trận.  Đảng LĐ ngoài Bắc không mấy tin tưởng va không kiểm soát được cả hai thành phần nầy.  Nếu chủ lực MTDTGPMNVN bị VNCH tiêu diệt, thì đây sẽ là cơ hội tốt để đảng LĐ gởi người từ miền Bắc vào thay thế, nắm gọn và điều khiển hẳn toàn bộ MTDTGPMNVN, mà không bị tranh chấp nội bộ gay go.(6) 

Với những tính toán trên, dầu cuộc tổng công kích thắng hay bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ đã không ngần ngại hy sinh lá bài MTDTGPMNVN trong mưu đồ thôn tính VNCH. (Về sau, ngay khi cưỡng chiếm được miền Nam năm 1975, Hà Nội liền loại bỏ ngay nhóm lãnh đạo MTDTGPMNVN và giải thể Mặt trận nầy một năm sau đó.)

II.-   NHỮNG BIẾN CHUYỂN TRƯỚC TẾT MẬU THÂN

Vào đầu tháng 7-1967, tại Hà Nội, các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương đảng LĐ, đã duyệt y kế hoạch phát động cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân (1968) (Don Oberdorfer, sđd.54).  Trong thời gian nầy, tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) chết ngày 6-7-1967, Võ Nguyên Giáp thay Nguyễn Chí Thanh tiếp tục thảo kế hoạch tấn công.  Phạm Hùng (1912-1988) được gởi vào Nam để thay thế Nguyễn Chí Thanh, giữ chức bí thư Trung ương cục miền Nam, điều khiển cuộc chiến.(7)

Tại Bắc Việt, giữa năm 1967, đảng LĐ ra tay lần chót, lần lượt bắt giam tất cả những thành phần theo chủ trương hòa dịu giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau của Khrushchev, tức những thành phần không đồng ý với cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam.  Lãnh đạo đảng LĐ lúc đó gán cho họ tội danh là thành phần "xét lại", âm mưu "chống đảng".  Đó là các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, và khoảng 40 nhân vật khác, trong đó có cả trí thức, văn nghệ sĩ.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, cùng hai uỷ viên Bộ chính trị là Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng và Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại giao lên đường vào cuối tháng 10-1967 qua Moscow dự lễ.   Trên đường đi, phái đoàn nầy đã ghé qua Bắc Kinh xin quân viện, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị VNDCCH vào tháng 7, đã được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hứa gởi qua Bắc Việt 300,000 lính phòng không và công binh,(Chính Đạo, Mậu Thân,sđd. tr. 32.) cung cấp hoả tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men.  Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho Bắc Việt thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại vũ khí nặng khác.(8) Cũng trong dịp nầy, để chứng tỏ một lần nữa tình thân thiện Xô Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng Hồ Chí Minh huân chương Lenin.(9)

Từ khi chiến tranh Việt Nam mở rộng, Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, dùng không quân tấn công Bắc Việt, nhiều chiến dịch ngoại giao khắp nơi trên thế giới tìm cách chấm dứt tranh chấp.  Vào năm 1967, Bắc Việt cho biết chỉ thương thuyết khi Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện Bắc Việt.  Hoa Kỳ trả lời sẵn sàng ngưng ném bom với điều kiện Bắc Việt không được lợi dụng thời gian ngưng ném bom để xâm nhập quân đội vào miền Nam Việt Nam.

Trong khi việc ngoại giao còn là quả bóng thăm dò qua lại giữa các bên, thì ngày 17-11-1967, nhâ n dịp năm hết Tết đến, MTDTGPMNVN đưa ra đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, 3 ngày lễ Tết dương lịch năm 1968 và 7 ngày Tết âm lịch Mậu Thân (Don Oberdorfer, sđd.70).  Chính phủ VNCH ra thông báo ngày 15-12-1967 sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch, hưu chiến 48 giờ trong dịp Tết âm lịch (Chính Đạo, Mậu Thânsđd.342).

Để làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, cộng sản dịu giọng vào đầu năm 1968.  Vào dịp Tết dương lịch 1968, bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố muốn mở các cuộc hòa đàm và tiếp xúc mật với Hoa Kỳ.  Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng (1906-2000) cũng ngỏ ý sẵn sàng hòa đàm nếu Mỹ ngưng ném bom, và ông Đồng còn nhờ một viên đại diện Romania làm trung gian dàn xếp giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt.(10) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam (Chính Đạo, Mậu Thânsđd. tr. 17).

Tại Bắc Việt, chính phủ VNDCCH ra Quyết định số 121/ CP ngày 8-8-1967 thay đổi âm lịch để Bắc Việt ăn Tết trước Nam Việt một ngày, và thông báo khuyên dân chúng nên ăn Tết "vui tươi nhưng tiết kiệm, bình thường, không rườm rà, lành mạnh phù hợp với hoàn cảnh thời chiến." (Don Oberdorfer, sđd.72.)  Việc định thay đổi âm lịch vào thời điểm nầy có những tính toán chính trị và quân sự riêng của Bắc Việt.

Tại Nam Việt, từ ngày 1-11-1967 diễn ra trận đánh đẵm máu kéo dài nhiều ngày tại Lộc Ninh, thuộc tỉnh Phước Long.  Đến gần Tết âm lịch, Việt Cộng tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần, và đưa ba sư đoàn chính quy là 325C, 304 và 308 bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 20-1-1968.  Các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, rất quan tâm đến tình hình Khe Sanh, và lo lắng một cuộc đọ sức lớn lao sắp bùng nổ tại đây giữa hai bên như một Điện Biên Phủ mới.(11)

Trong khi đó, Việt Cộng âm thầm tiếp tục chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố.  Ngày 2-1-1968, tại Cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch cộng sản tấn công Pleiku và Kontum.  Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan cộng sản hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến. 

Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho phía VNCH biết, đồng thời yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán, nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) và đại tướng Cao Văn Viên (1921-2008), tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng 1 chiến thuật, và rút bớt 24 tiếng đồng hồ hưu chiến trên toàn quốc.(12)  

Một dấu hiệu nữa về việc Việt Cộng sẽ tổng tấn công trong dịp Tết là tại Bình Định (thuộc Quân đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật VNCH), nhà cầm quyền bắt được trước sau 10 cán bộ cộng sản với những tài liệu quan trọng ngày 29-1-1968 (30 Tết), trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa.  Tỉnh trưởng Bình Định đã báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng 2 không mấy quan tâm.  Vị tướng tư lệnh vùng nầy là Vĩnh Lộc lại bỏ về Sài Gòn ăn Tết. 

Lúc đó, dư luận chung ở trong cũng như ngoài nước tin tưởng sự hiện diện của gần 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH.  Hơn nữa, do cộng sản vừa tuyên truyền vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh, nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở đây, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết. 

Về phía Hà Nội, sau sáu tháng điều nghiên, chuẩn bị, ngày 21-1-1968, Bộ chính trị đảng LĐ họp lần chót quyết định tổng công kích đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại miền Nam (đêm 29 rạng 30-1-1968).  Họ đã dùng đài phát thanh Hà Nội ra lệnh tổng công kích bằng bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh đọc vào tối Giao thừa ở ngoài Bắc, tức tối 28-1-1968.  Hà Nội đã sửa lại âm lịch, nên Tết Mậu Thân Bắc Việt trước Nam Việt 24 giờ đồng hồ.  Nhờ vậy, lệnh tổng công kích của Hồ Chí Minh đến khắp các đơn vị du kích CS vào ngày 30 tháng Chạp ở miềnNam, đủ thời gian cho các đơn vị du kích CS xuất quân vào ngày Mồng Một Tết.  Sự việc nầy cho thấy quyết định đổi âm lịch ở ngoài Bắc của CSVN nhắm mục đích rõ ràng cho cuộc tổng công kích  ở miền Nam.  Nguyên văn bài thơ làm hiệu lệnh tấn công của Hồ Chí Minh như sau:

"Mừng xuân 1968
            Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua,
                Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
                Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
                Tiến lên!  Toàn thắng ắt về ta. "(13) 

Lúc đó, dù tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh giảm hưu chiến còn 24 giờ trên toàn quốc, và bãi bỏ hưu chiến ở vùng Vùng 1 Chiến thuật, nhưng nói chung, mọi nơi đều nô nức đón Tết, nên việc canh phòng có phần lơ là và quả thật cuộc tổng công kích của Việt Cộng là một trận đánh hoàn toàn bất ngờ với dân chúng miền Nam.  Theo tác giả James J. Wirtz trong sách The Tet Offensive, Nxb. Cornell University Press, New York, 1991, tr. 28, thì cuộc "Tổng công kích" Tết Mậu Thân là một trong ba biến cố bất ngờ nhất trong cuộc chiến Việt Nam từ 1954 đến 1975.  

TRẦN GIA PHỤNG
(TorontoCanada)

CHÚ THÍCH:

1.      Theo tài liệu Hoa Kỳ, nguyên chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ, trong khi đi tuần tra, bị chiến hạm cộng sản tấn công hai lần vào hai ngày 2 và 4-8-1964, trong hải phận quốc tế ở Vịnh Bắc Việt.  Bắc Việt và Hoa Kỳ đổ lỗi cho nhau đã gây hấn trước.  Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra "Quyết nghị vịnh Bắc Việt" (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973) trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam.  Ngày 1-12-1964, tổng thống Johnson công bố kế hoạch dội bom Bắc Việt.  Như thế là không tuyên chiến, Hoa Kỳ đưa quân tham dự hẳn vào chiến tranh Việt Nam chứ không còn chỉ giữ vai trò cố vấn cho Quân đội VNCH như trước nữa.
2.      Robin Edmonds, Soviet Foreign Policy, The Brezhnev YearsNew YorkNxb. Oxford University, 1983, tr. 45.
3.      Đoàn Thêm, 1967 (việc từng ngày), Sài Gòn: Cơ sở xb. Phạm Quang Khai, 1968, tr. 322. 
4.      Theo Nguyễn Đình Tuyến, Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975, Houston: Nxb. Đại Học Đông Nam, 1995, tr. 122, thì cuối năm 1964, quân đội VNCH có 265,000  quân chính quy và 290, 000 địa phương quân.  Theo Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bạiHouston: Nxb. Văn Hóa [tái bản lần thứ hai], 1998 (viết tắt: CĐ, MT, sđd.số tr.), thì quân số VNCH tháng 9-1967 là 622,000 quân kể cả địa phương quân, nghĩa quân (tr. 340).
5.      Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 54. (Viết tắt: Don Oberdorfer, sđd.tr.)
6.      Sau nầy, một số nhân vật trong MTDTGPMNVN công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng LĐ, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một trí thức miền Nam trong Mặt trận.(Chính Đạo, Mặt Thậtsđd. tr. 165.)
7.      James J. Wirtz, The Tet OffensiveNew YorkCornell University Press, 1994, tr. 52.
8.      Hoàng Lạc, Hà Mai ViệtNam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tớiTexas: 1990, tr. 77.
9.      Ralph Smith, "Thập niên cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh", Lê Đình Thông dịch, đăng trong tuyển tập nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệpParis: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 125.
10.  Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, sđd. tt. 77-78.
11.  Johm S. Bowman, The Vietnam War: Day by DayNew York: Mallard Press, 1989, tr. 118.
12.  Chính Đạo, MT. sđd. tt. 31-32, 344.  Trước năm 1975, VNCH được chia thành 4 vùng chiến thuật: Vùng 1 CT: từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi; Vùng 2 CT: từ Bình Định đến Bình Thuận và Cao nguyên từ Kontum xuống tới Di Linh; Vùng 3 CT: từ Biên Hòa tới phiá Bắc sông Tiền; Vùng 4 CT: từ Mỹ Tho tới Cà Mau.
13.  Cảnh Nguyên và Hồ Văn Sơn tuyển chọn, Thơ Hồ Chí Minh, Nxb. Nghệ An, 1995, tr. 170.

(bài 2)
                                                                                                Trần Gia Phụng                  

III.- CUỘC TÀN SÁT MẬU THÂN TẠI HUẾ

1.  TOÀN CẢNH

Trên toàn lãnh thổ VNCH, trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, chỉ trừ vụ tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn để gây tiếng vang trên thế giới, du kích CS hầu như tránh tấn công các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên toàn quốc, mà chỉ nhắm vào các thành phố và các căn cứ quân sự VNCH.

Cuộc tấn công diễn ra sớm nhất tại Quảng Nam khi họ pháo kích trại định cư Trà Kiệu, ở phía Nam thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số, vào đêm Giao thừa tức đêm 29 rạng 30-1-1968, và rút lui trễ nhất tại Huế vào ngày 25-2-1968.  Như vậy cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân diễn ra trong gần một tháng.  Trong suốt tháng nầy, cộng sản tấn công 44 địa điểm tại các thị trấn, tỉnh lỵ và thành phố trên toàn quốc:

* Vùng 1 Chiến thuật:  Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín (Tam Kỳ), Quảng Ngãi.
* Vùng 2 Chiến thuật:  Bình Định, Bình Thuận, Tuyên Đức (Đà Lạt).
* Vùng 3 Chiến thuật:  Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Biên Hòa, Long Bình, Bình Dương, Bà Rịa.
*  Vùng 4 Chiến thuật:  Phong Dinh (Cần Thơ), Vĩnh Long, Kiến Hòa, Định Tường, Kiên Giang, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Gò Công, Bạc Liêu.

Trong số những nơi bị tấn công, hai địa điểm quan trọng nhất mà cộng sản nhắm tới là hai thành phố Sài Gòn và Huế.  

Sài Gòn là thủ đô của VNCH.  Bộ máy chính quyền trung ương đóng tại đây.  Sài Gòn còn là nơi tập trung trụ sở các tòa đại sứ, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.  Cộng sản quyết tấn công Sài Gòn mạnh mẽ để gây tiếng vang lớn trên thế giới.  Vì tầm quan trọng của mặt trận Sài Gòn, cộng sản tung vào đây bộ chỉ huy cao cấp nhất của MTDTGPMNVN như Nguyễn Văn Linh (bí thư mặt trận Sài Gòn), Võ Văn Kiệt (phó bí thư), Trần Văn Trà (chỉ huy phó Lực lượng Võ trang MTDTGPMNVN), Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh...(Chính Đạo, Mậu Thânsđd.173). 

Cộng sản mở cuộc tấn công Sài Gòn vào lúc 2 giờ sáng mồng 2 Tết, tức rạng ngày 31-1-1968, đánh vào Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Hoa Kỳ, đài Phát thanh Quốc gia, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, và nhiều vị trí vùng phụ cận.  Lúc đó, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về Mỹ Tho nghỉ Tết tại quê vợ.  Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã nhạy bén chỉ huy chận đứng được mũi đánh chiếm đài Phát thanh Quốc gia của Việt Cộng (Chính Đạo, Mậu Thânsđd.183), vì nếu cộng sản chiếm được đài nầy, phát thanh trên toàn quốc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, thì tai hại về ngoại giao và nội trị không thể nào lường được. 

Tuy bị bối rối lúc đầu, nhưng quân đội VNCH phản ứng kịp thời, làm chủ tình hình ngay trong ngày mồng 3 Tết.  Các đơn vị cộng sản thất bại, phải lần lượt rút ra khỏi vòng đai thành phố Sài Gòn trong vòng một tuần lễ.  Một việc đáng tiếc xảy ra trong cuộc phản công là vì quá nóng ruột do đồng đội bị sát hại, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, đã tự tay bắn chết một trung uý cộng sản giả dạng thường dân bị bắt tại trận khi đang giết hại một hạ sĩ quan cảnh sát gần chùa Ấn Quang, Sài Gòn.  Tấm hình do ký giả Eddie Adams thuộc Associated Press (AP, Hoa Kỳ) chụp lại cảnh nầy, được giải thưởng Pulitzer (ngành báo chí Hoa Kỳ) và đăng tải khắp hoàn cầu, gây tai tiếng rất lớn cho tướng Loan, và nhất là gây bất lợi cho VNCH về phương diện ngoại giao.

2.   HUẾ TRƯỚC MẬU THÂN

Thành phố bị Việt Cộng chiếm lâu nhất và bị thiệt hại nặng nhất về nhân mạng cũng như tài sản là thành phố Huế.  Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên, cách sông Bến Hải, ranh giới Bắc và Nam Việt, khoảng 80 cây số về phía nam.  Các khuynh hướng chính trị của dân chúng Huế lúc đó có thể sơ lược như sau:

* Huế là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945).  Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, vua Bảo Đại (1913-1997, trị vì 1925-1945), bị truất phế hai lần: Lần thứ nhất vào năm 1945, nhà vua bị Việt Minh áp lực và phải thoái vị.  Lần thứ hai vào năm 1954, ông bị cuộc trưng cầu dân ý do ông Ngô Đình Diệm tổ chức ngày 23-10-1955, loại khỏi chức Quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam. Tuy vậy, ảnh hưởng của triều Nguyễn ở Huế vẫn còn khá mạnh, do con cháu của hoàng gia cũng như con cháu của những quan lại triều đình cũ còn sống ở Huế khá đông.  Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, hậu thân của Tôn nhơn phủ, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Đoan Huy hoàng thái hậu (Đức bà Từ Cung), thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại, vẫn tiếp tục sinh hoạt.  Vào thời điểm năm 1968 (mậu thân) những người nầy hy vọng cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó cư ngụ ở Pháp, có thể đóng một vai trò quan trọng đáp ứng giải pháp hòa giải giữa các bên lâm chiến ở Việt Nam.
*  Huế là trung tâm lâu đời của Phật giáo với những ngôi chùa danh tiếng như Báo Quốc, Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu, Tường Vân... Chùa Báo Quốc còn là một Phật học viện lớn nhất và lâu đời nhất miền Trung, nơi đào tạo nhiều tu sĩ Phật giáo sau nầy đi hoằng pháp và trụ trì các chùa trên toàn cõi VNCH.  Các tăng sĩ Phật giáo xuất thân từ các chùa ở Huế như hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1899-1977), thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh (1921-1978), Thích Trí Thủ (1909-1984), giữ những chức vụ cao cấp trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, được thành lập theo Hiến chương ngày 4-1-1964, và được chính phủ thừa nhận bằng sắc luật số 14/5 ký ngày 14-3-1964.  Một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu thường khuyến khích sinh viên học sinh biểu tình chống chính phủ, đòi hỏi hòa bình, trung lập. 
* Huế cũng là nơi có Tòa Tổng giám mục, một địa phận Thiên Chúa giáo được thành lập vào năm 1850.  Đại chủng viện Kim Long, thường được gọi là chủng viện Xuân Bích, do các tu sĩ dòng Sulpice (phiên âm là Xuân Bích) giảng dạy, chuyên đào tạo các linh mục.  Tổng thống Ngô Đình Diệm, gốc người Quảng Bình nhưng sinh sống từ nhỏ tại làng Phú Cam, một khu vực Thiên Chúa giáo nổi tiếng ngoan đạo ở cố đô. 
*  Huế là địa bàn hoạt động khá mạnh của các đảng Việt Quốc và Đại Việt.  Đại Việt đã từng tổ chức chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), gần Huế để chống chế độ Diệm vào các năm 1954-1955.
* Tại Huế, tổng thống Ngô Đình Diệm đã thành lập viện đại học năm 1957.  Viện đại học nầy là trung tâm văn hóa thu hút sinh viên khắp các tỉnh miền Trung về đây theo học.  Sinh viên càng ngày càng đông, và thường tham gia cũng như tổ chức các cuộc biểu tình tại Huế chống chính phủ từ 1963 đến 1967.  Huế là chốn cựu đô, nên hệ thống giáo dục ở đây lâu đời và rộng rãi.  Ngoài trường Quốc Học được thành lập từ năm 1898, các trường khác cũng khá lâu đời và đông học sinh, kể cả các tư thục.  Hơn nữa, phải kể thêm các trường do các tu sĩ đảm trách như hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo, và các trường Thiên Chúa giáo như trường Thiên Hựu (Providence), trường Bình Linh (Pellerin), và trường Thánh Tâm (Jeanne d'Arc).
*  Cũng tại Huế, "Hội đồng Nhân dân Cứu quốc" ra đời năm 1964 trong đó có một số giáo sư và giảng viên Viện đại học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu...  Báo Lập Trường của nhóm nầy ủng hộ những quan điểm hòa bình và trung lập của một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu miền Trung.  Hội đồng nầy được xem là đã góp tay vào việc kích động các cuộc biểu tình dữ dội tại Huế chống Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh năm 1964.

Những cuộc biểu tình ở Huế thường do Tổng hội sinh viên Huế tổ chức.  Sinh viên luôn luôn hăng hái và bồng bột.  Trong giới sinh viên, có thể có sự trà trộn các phần tử thân cộng, hay cộng sản trá hình, mà sinh viên lúc đó không nhận chân được.  Cao độ của các cuộc biểu tình nầy là cuộc đốt phá Phòng Thông tin Hoa Kỳ (U.S.I.S. = United States Information Services) tại Huế ngày 1-6-1966 trên đường Lý Thường Kiệt. 

Khi chính quyền địa phương ra lệnh cấm biểu tình và cấm hô hào chống Mỹ, đồng thời đàn áp những cuộc xuống đường, thì một số nhà lãnh đạo Phật giáo ở Huế chống đối bằng cách kêu gọi Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường để cản trở lưu thông trong thành phố vào đầu tháng 6-1966.  Trật tự tại Huế và các tỉnh miền Trung được vãn hồi vào cuối tháng đó khi chính phủ trung ương gởi Thủy quân lục chiến và Cảnh sát dã chiến tăng viện, và thẳng tay dẹp tan các cuộc rối loạn.  Sau sự kiện nầy, một số trí thức, thanh niên, sinh viên sợ bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, đã bỏ trốn lên rừng chạy theo cộng sản.

Do tình hình Huế phức tạp như trên, phía cộng sản hy vọng Huế đủ chín mùi cho một cuộc tổng khởi nghĩa nếu cuộc tổng công kích xảy ra.  Từ đó, cộng sản chuẩn bị khá kỹ lưỡng mặt trận Huế không khác gì mặt trận Sài Gòn.

3.   CUỘC TỔNG CÔNG KÍCH

Trước Tết Mậu Thân, chỉ huy đặc khu Trị-Thiên-Huế (tức Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế) của Việt Cộng là thiếu tướng Trần Văn Quang.  Trần Văn Quang cử Lê Minh, bí thư tỉnh uỷ đảng Lao Động (Cộng Sản) tỉnh Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Trị-Thiên.  Minh chia mặt trận Trị-Thiên thành 3 khu vực: mặt trận Quảng Trị giao cho Hồ Tú Nam phụ trách; mặt trận Phú Lộc (phía nam Thừa Thiên) giao cho một cán bộ tên Chi chỉ huy; còn mặt trận Huế, quan trọng nhất, do Lê Minh đích thân đảm nhận.  Minh lại chia Huế thành hai điểm để tấn công:  phía bắc Huế (tả ngạn sông Hương), và phía nam Huế (hữu ngạn sông Hương Huế)

Cánh quân phía bắc Huế do một người tên Thu chỉ huy, Trần Anh Liên làm chính uỷ.  Lực lượng gồm có trung đoàn 6 (gọi là E-6, gồm có 3 tiểu đoàn), thêm 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội pháo và du kích hai quận Hương Trà và Hương Điền.  Cánh quân nầy xuất phát đúng vào tối Giao thừa (29-1-1968) từ rừng núi tây Huế, chia làm 4 mũi đánh vào cửa Chính Tây (nằm về tay trái hoàng thành từ Kỳ đài nhìn vào), cửa An Hòa (cửa Tây Bắc), Kỳ đài (cột cờ trước Ngọ môn), sân bay Tây Lộc và đồn Mang Cá.  Cộng quân làm chủ ngay được cửa Chính Tây, cửa An Hòa và Kỳ đài, nhưng thất bại ở sân bay Tây Lộc và đồn Mang Cá.  Đồn Mang Cá lúc đó là nơi đặt bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng đứng đầu.  Chính đồn Mang Cá là điểm tựa vững vàng để  quân đội VNCH cũng như Đồng minh tổ chức phản công trở lại.

Qua cửa Chính Tây, Việt cộng tiến chiếm Đại nội.  Việt cộng dùng bờ thành Đại nội để bảo vệ Kỳ đài, nơi đó, ngày 31-1 (mồng 2 Tết), Việt cộng treo một lá cờ lớn của MTDTGPMNVN.(14)  Từ Kỳ đài, Việt cộng tiến quân theo mé bờ tả ngạn sông Hương (tức bờ phía bắc), chiếm đồn Cảnh sát chợ Đông Ba, bắt tay với một cánh cộng quân khác cũng của E-6, làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Ba, Gia Hội.

Cánh quân phía nam Huế do Thân Trọng Một chỉ huy, Nguyễn Vạn làm chính uỷ.  Lực lượng gồm có trung đoàn E-9 của sư đoàn 309, trung đoàn 5 (4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, và 4 đội đặc công.(15)  Cánh quân nầy dự định xuất phát tối Giao thừa (29-1), nhưng vừa xuất phát thì bị phi cơ thám thính Mỹ phát hiện và bị pháo kích, phải lẩn tránh nên tiến chậm.  Sáng mồng 1 Tết (30-1) cánh quân nầy mới tiếp tục tiến về phía thị xã Huế. 

Sau 4 ngày giao tranh, cộng quân chiếm gần hết vùng hữu ngạn thành phố Huế cho đến lao xá Thừa Phủ  (gần sát tỉnh đường Thừa Thiên).  Cộng sản thả khoảng 2, 000 tù nhân đang bị giam trong lao xá.  Những người nầy liền được cộng sản võ trang để tiếp tay cho họ.  Quân đội VNCH chỉ còn giữ đài Phát thanh, Tiểu khu Thừa Thiên, Bản doanh MACV (Military Assistance Command, Vietnam) đặt ở khách sạn Thuận Hóa, và Bến tàu Hải Quân.(16)

4.   TỔNG KHỞI NGHĨA THẤT BẠI

Về phương diện chính trị, ngay sau khi chiếm vùng tả ngạn (phiá bắc Huế, vùng chợ Đông Ba, Thành nội...), ngày mồng 2 Tết (31-1) cộng sản tiến hành tổ chức cầm quyền.  Uỷ Ban Nhân Dân (danh xưng của cộng sản) trong Thành nội gồm hai quận, do Nguyễn Hữu Vấn (giáo sư âm nhạc), làm chủ tịch quận 1, và Nguyễn Thiết (sinh viên Đại học Luật khoa), làm chủ tịch quận 2.  Phía hữu ngạn, cộng sản không thành lập kịp các uỷ ban nhân dân, chỉ chú tâm vào việc lùng bắt và kiểm soát tù hàng binh.

Ngày mồng 3 Tết (1-2-1968), đài phát thanh Hà Nội loan báo thành lập tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do Lê Văn Hảo, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, làm chủ tịch, và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký.(17)  Đài phát thanh Hà Nội cũng thông báo ngày 14-2-1968, Lê Văn Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế, với hai phó chủ tịch là bà Đào Thị Xuân Yến (còn gọi là bà Tuần Chi), và Hoàng Phương Thảo (Thường vụ Thành uỷ cộng sản) (Chính Đạo, Mậu Thân, sđd.131).

Nguyễn Đắc Xuân, khi còn là sinh viên sống tại Huế, đã từng tổ chức đoàn "Phật Tử Quyết Tử" vào năm 1966 để chống chế độ "Thiệu Kỳ", rồi bỏ trốn theo cộng sản, nay trở lại Huế, phụ trách đội "Công tác Thanh niên".  Xuân được cộng sản giao nhiệm vụ tổ chức "đoàn Nghĩa binh", gồm những quân nhân Cộng Hòa bị kẹt trong vùng cộng sản tạm chiếm, gọi là "Quân nhân Sư đoàn 1 ly khai".  Ngày 4-2-1968 (mồng 6 Tết), đoàn nầy ra thông cáo đả kích chế độ "Thiệu Kỳ", nhưng sau đó đoàn bị cộng sản phân tán ngay, vì sợ các quân nhân trong đoàn nầy quay lại chống cộng sản.  Nguyễn Đắc Xuân còn tổ chức đội "Nghĩa binh Cảnh Sát", giữ nhiệm vụ ngăn chận không cho dân di tản khi quân đội VNCH và Đồng minh phản công.

Những đơn vị an ninh của cộng sản hoạt động mạnh sau khi cộng quân tạm chiếm Huế.  Những đơn vị nầy do một người tên Lê (Tư) điều khiển chung, còn Tống Hoàng Nguyên phụ trách tả ngạn, và Nguyễn Đình Bảy (Bảy Khiêm) lo phía hữu ngạn.  Những đơn vị nầy truy lùng và bắt giết tất cả những nhân viên chính quyền VNCH và nhân viên làm việc tại các cơ quan Hoa Kỳ, hoặc những người cộng tác với Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA: Central Intelligence Agency).  Chính những đơn vị an ninh nầy là tác giả của những cái chết thê thảm tại Huế, nhất là lúc cộng sản chuẩn bị rút lui.

Trái với dự đoán của cộng sản, đôi khi bị ép buộc phải dự những cuộc hội họp, mít tinh do cộng sản tổ chức, nhưng dân chúng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa do công sản đề ra.  Rõ nét nhất là dân chúng không đi theo du kích CS, mà bỏ chạy qua các vùng do quân đội VNCH kiểm soát ở khu vực Mang Cá, hay trường Kiểu Mẫu gần trường Đại Học Sư Phạm, nằm giữa Tiểu khu Thừa Thiên và Bến tàu Hải quân, hoặc khu vực phi trường Phú Bài, cách Huế khoảng trên 10 cây số về phía nam.  Đặc biệt, chỉ trừ những quân nhân về thăm nhà bất ngờ bị du kích CS bắt được, có thể nói hầu hết các quân nhân đều kiếm cách liên lạc hay gia nhập các đơn vị tác chiến gần nhất để cầm súng chống CS, chứ không gia nhập hay chạy theo du kích CS.  Các đơn vị hành chánh nhỏ cũng kiếm cách phòng thủ để chận đứng sự thâm nhập của du kích CS.

Không tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa, Việt cộng còn bị quân đội VNCH và Đồng minh phản công, đẩy lui ra khỏi Huế.  Cuộc phản công bắt đầu vào ngày mồng 3 Tết (1-2-1968). Ngày mồng 5 Tết (3-2), các chiến sĩ binh chủng Nhảy Dù tái chiếm cửa An Hòa.  Cũng trong ngày nầy, Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ ở Bến tàu Hải quân, đến đóng tại Bộ Chỉ huy MACV.  Lo ngại cánh quân Hoa Kỳ từ hữu ngạn kéo sang tả ngạn, cộng quân đánh sập cầu Trường Tiền tối mồng 9 Tết (7-2-1968). 



















Quân đội VNCH đã cùng quân đội Hoa Kỳ phản công mạnh mẽ.  Ngày 14-2-, tình hình hữu ngạn được xem là yên ổn, chỉ còn bộ chỉ huy của Thân Trọng Một trốn tránh tại vùng lăng Tự Đức cho đến ngày 25-2.  Khi tình hình hữu ngạn được ổn định, lực lượng Dù Việt Nam rút vào Nam, và các chiến sĩ TQLC Việt Nam đến thay thế. 

Ngày 12-2, TQLC của cả quân Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đổ bộ lên bến Bao Vinh, nằm trên bờ sông Gia Hội, gần đồn Mang Cá.  Hai bên phối hợp mở "chiến dịch Sóng Thần 739/ 68" ngày 14-2, tảo thanh quân cộng sản còn lại trong Thành nội.  Trận chiến càng ngày càng ác liệt, có khi hai bên chỉ cách nhau vài chục thước.  Ngày 18-2, TQLC Hoa Kỳ chiếm được cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan).  Cộng quân đóng trong Thành nội chỉ còn liên lạc với cánh quân Gia Hội của họ bằng cửa Thượng Tứ.

Trước nguy cơ thất bại, cộng quân tính chuyện rút lui.  Ngày mồng 8 Tết (6-2), cộng sản bắt đầu di chuyển thương binh, tù binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế.  Lúc đó, tại miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, cộng quân đã chiếm được Làng Vei, một vị trí chiến lược ở tiền đồn Khe Sanh ngày 7-2.  Sau đó phi cơ Hoa Kỳ tái oanh tạc vùng phụ cận Hà Nội ngày 14-2, nên ngày 15-2, Quân uỷ Trung ương ở Hà Nội, gởi vào đảng uỷ cộng sản Thừa Thiên Huế một công điện nội dung như sau: "Phải giữ Thành nội, không được rút ra ngoài để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cả nước."(Chính Đạo, Mậu Thânsđd.146). 

Tình hình càng lúc càng bất lợi cho cộng sản.  Lê Minh, bí thư Thừa Thiên Huế, giữ trách nhiệm trực tiếp mặt trận Huế, tỏ ý muốn rút lui trong cuộc họp ngày 19-2, nhưng còn phải chờ lệnh trên.  Quân đội VNCH và Đồng minh Hoa Kỳ đẩy dần quân cộng sản ra khỏi Thành nội.  Sáng sớm 23-2, lá cờ VNCH tung bay trên kỳ đài thay thế cờ của MTDTGPMNVN. Quân đội VNCH và Đồng minh có thể nói đã làm chủ được tình hình Thành nội từ đây. 



















Phía cộng sản, "về sau có lệnh: chuẩn bị rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, cố bảo toàn lực lượng, mang theo đủ vũ khí chưa sử dụng đến.  Khi lệnh rút lui ban bố vào đêm 25 tháng 2, một không khí có phần hoảng loạn diễn ra..."(18)

Gia Hội là khu vực hoàn toàn dân sự, không có cơ sở quân sự, cơ sở hành chánh hay kinh tế gì quan trọng.  Những nhà chỉ huy hành quân VNCH cũng như Đồng minh nghĩ rằng cần phải thanh toán trước những cứ điểm đầu não của cộng sản đang chiếm đóng Thành nội, thì tức khắc cộng quân ở vùng Gia Hội sẽ tự tan hàng rút lui.  Mãi đến ngày 22-2, hai tiểu đoàn Biệt Động Quân của Quân lực VNCH mới được tung vào Gia Hội để đẩy lui cộng quân.  Chính vì quân đội VNCH đến giải tỏa trễ, và cộng sản vùng Gia Hội đóng lại tại đây lâu, nên cộng sản có cơ hội tàn sát đồng bào nơi đây nhiều nhất trong thành phố Huế.

5.   CỘNG SẢN TÀN SÁT ĐỒNG BÀO

Trong lúc hai bên đánh nhau, thống kê ước lượng cho thấy tại mặt trận Huế, quân đội VNCH có 384 tử trận, 1, 830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng khoảng 5, 000 tử trận, số bị thương không tính được.(19) 

Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị cộng quân giết hại thảm khốc trong thời gian cộng sản tạm chiếm Huế, nhiều nhất là các nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu, và một số khá lớn thường dân không cầm súng chống lại họ, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh. 

Cho đến nay, không ai có thể kiểm kê đích xác số thường dân cũng như số người không ở vị trí chiến đấu (đang nghỉ Tết) bị phía cộng sản giết hại.  Theo sự phân tích của ông Nguyễn Trân, một nhà hoạt động chính trị thời VNCH, đưa ra trong quyển hồi ký của ông ta thì:

"Về phía dân chúng, có 5, 800 người chết, trong đó có 2, 800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân."(20) 

Những con số trên đây có thể sai biệt chút ít, nhưng chắc chắn số thường dân cũng như số người nghỉ phép nhân dịp Tết tại Huế, bị giết chôn trong các hầm tập thể rất nhiều.  Sau đây là thống kê tóm tắt số hài cốt tìm được trong các mồ chôn tập thể sau khi cộng quân rút lui do một bác sĩ người nước ngoài ghi lại: (21)

Tên địa điểm                                Số nạn nhân

Trường Gia Hội                                    203                        
Chùa Theravada [Gia Hội]                                 43
Bãi Dâu [Gia Hội]                                 26
Cồn Hến [Gia Hội]                              101
Tiểu Chủng Viện [Gia Hội]                    6
Quận Tả ngạn                                         21
Phía đông Huế                                        25
Lăng Tự Đức, Đồng Khánh               203
Cầu An Ninh                                          20
Cửa Đông Ba                                           7
Trường An Ninh Hạ                                4
Trường Văn Chí                                       8
Chợ Thông                                            102
Lăng Gia Long                                 < 200
Chùa Từ Quang                                       4
Đồng Di                                                 110
Vinh Thái                                              135
Phù Lương                                              22
Phú Xuân                                              587
Thượng Hòa                                            11
Thủy Thanh - Vinh Hưng                     70
Khe Đá Mài                                         428  
                                                           --------
                                Cộng:             < 2, 326 


TRẦN GIA PHỤNG
(TorontoCanada)


CHÚ THÍCH:

14.    Don Oberdorfer, sđd. tr. 230.  Theo tài liệu của BNCLSĐ/H thì đây là cờ của Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam (Chính Đạo Mậu Thân, sđd. tr. 126).  Trong bài tham luận mới nhất trình bày tại Huế ngày 15-12-2007, tác giả Nguyễn Đắc Xuân, theo tài liệu cũ của đảng bộ Huế, cũng cho rằng đây là cờ Liên minh. [Không ai lạ gì việc những người trong nước đều phải nói theo đảng CSVN.]  Tuy nhiên, cần chú ý rằng ngày 31-1, tức là ngày treo cờ, Liên minh nầy chưa được thành lập, làm sao có cờ ? (xin xem thêm chú thích số 17.)  Ở những nơi khác, Sài Gòn hay bất cứ thành phố nào ở miền Nam, không ai thấy hay biết gì về lá cờ Liên minh.  Liên minh nầy chỉ là một mặt trận chính trị, giống như Mặt trận Tổ Quốc của Hà Nội, không thể được quân đội cộng sản treo cờ lên.  Dò hỏi nhiều người sống trong thành nội Huế, chứng kiến tận mắt tại chỗ năm 1968, họ đều xác nhận là thấy cờ của MTDTGPMNVN.
15.    Dựa vào tài liệu của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng, Thành uỷ Huế (BNCLSĐ/H), Huế, Xuân 1968, Huế 1988, do Chính Đạo trích dẫn, Mậu Thân, sđd. tr. 108-110.
16.    Bên hữu ngạn sông Hương (bờ nam), từ cầu Trường Tiền đi xuống, phía tay mặt là đài Phát thanh, phía tay trái, cách khoảng trên 500 thước là bến Hải quân (gần khách sạn Hương Giang).  Đi thẳng từ cầu Trường Tiền về An Cựu, dọc theo đường Duy Tân (trước 1975) phía bên trái, cách cầu khoảng 500 thước là Tiểu khu Thừa Thiên và khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của MACV (Military Assistance Command, Vietnam = Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự tại Việt Nam).
17.    *  Chính Đạo, MT. sđd. tr. 131. *  Thụy Khê, "Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế”, phỏng vấn trên đài RFI, 12-7-1997, đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu, California, số 36, tháng 8-9-1997, tt. 197-200.[Có một điểm cần phân biệt, Lê Văn Hảo làm chủ tịch Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế.  Còn trên toàn miền Nam, ban chấp hành Liên Minh nầy do cộng sản đưa ra ngày 10-4-1968 gồm thành phần sau đây: Chủ tịch:  Luật sư Trịnh Đình Thảo; Phó chủ tịch:  Lâm Văn Tết (Nam phần), hòa thượng Thích Đôn Hậu (Trung phần); Tổng thư ký: giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ; Phó tổng thư ký: bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Lê Hiếu Đằng;  Uỷ viên: Nguyễn Văn Kiết, Huỳnh Văn Nghi, Thanh Nghị (nhà soạn từ điển), Trần Triệu Luật (sinh viên).(Theo tài liệu CĐ, MT, sđd. tr. 353)].
18.    Thành Tín [Bùi Tín], Mặt thật, hồi ký chính trịCalifornia: Nxb. Saigon Press, 1993, tr. 184.
19.    David T. Zabecki, "Huê, Battle of (1968)", đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a political, Social, and Military HistoryCalifornia: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.
20.    Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642. [Trong sách Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập - tài liệu, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), California, in lần thứ 2, 1999, tt. 85-86, 94-99, 135-136 thì:  Hai linh mục Pháp là: Urbain, 52 tuổi và Guy 48 tuổi bị bắt ở tu viện Thiên An và bị dẫn đi ngày 25-2; sau xác tìm được ở gần lăng Đồng Khánh.  Bốn người Đức bị giết là: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster.  Ba bác sĩ Tây Đức nầy tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả 4 người nầy đều bị bắt ngày 5-2-1968.]
21.    PTGDVNHN, sđd. tr. 222.  Số liệu nầy rút ra từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema, New York: Nxb. Vintage Press, 1976.  Bác sĩ Elje Vannema, sinh năm 1932 tại Hòa Lan, nhập tịch Canada, dạy Đại học Y khoa New York.  Lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, ông có mặt tại Huế, và viết lại những điều tai nghe mắt thấy. (Thông tin của tác giả Phạm Hồng Lam, gởi cho người viết bài nầy ngày 11-11-2000.  Xin cảm ơn ông Phạm Hồng Lam)

(bài 3)
                                                                                                Trần Gia Phụng                  

IV.-   TẠI SAO TÀN SÁT?

Cho đến nay, chưa ai trả lời được câu hỏi vì sao xảy ra cảnh tàn sát ở Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân (1968) của quân đội cộng sản?  Ngay cả đảng CSVN hiện nay vẫn tránh né vấn đề nầy.  Để giải mã câu hỏi trên, có lẽ nên phân tách các loại tàn sát theo từng nguyên nhân khác nhau.

1.   TÀN SÁT VÌ TƯ THÙ

Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, ngoài chuyện chết chóc vì súng đạn, luôn luôn có những cuộc trả thù qua lại giữa những cá nhân trong các phe lâm chiến.  Chắc chắn vụ Tết Mậu Thân ở Huế cũng không ra ngoài quy luật nầy.

Huế là một nơi trải qua nhiều biến chuyển chính trị, "đổi đời" từ năm 1945 trở đi, đương nhiên có nhiều cọ xát, mâu thuẫn, tranh chấp, thù hận.  Sau năm 1954, nhiều gia đình ở Huế có thân nhân tập kết ra Bắc, bị chính quyền miền Nam truy xét, nay những người nầy trở về tìm cách trả thù những kẻ đã đi tố cáo hay truy hỏi trước đây.  Cần chú ý Thừa Thiên và Huế là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Việt như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh…

Ngoài ra còn có nhiều hình thức tư thù nhỏ nhặt khác, như những người giúp việc đi tố cáo chủ nhà; những công nhân chỉ điểm các ông giám đốc; những người trước đây phạm pháp, bị bắt, bị phạt nay nhân cơ hội trả thù những nhân viên hành chánh, cảnh sát...
Đặc biệt nhiều nhất là những sinh viên học sinh tranh đấu, trước đây tham dự những cuộc biểu tình chống chính phủ bị đàn áp, phải thoát ly bỏ lên núi theo cộng sản, nay trở về cầm súng thanh toán lại những người khác lập trường chính trị mà các sinh viên thoát ly gán "tội" cho họ là tay sai "Mỹ, Ngụy". 

2.   TÀN SÁT THEO KẾ HOẠCH, CHÍNH SÁCH:

*  Phá hủy và làm rối loạn bộ máy chính quyền VNCH:  Ngày 26-1-1968, ba ngày trước Tết, đảng uỷ cộng sản Thừa Thiên đưa ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa phía hữu ngạn Huế.  Trong kế hoặch nầy, cộng sản dự liệu rằng khó có thể giữ Huế lâu ngày, nên đã chỉ đạo các uỷ viên phụ trách phải phá hoại tối đa các cơ chế vừa mới được ổn cố của chính quyền Sài Gòn (DO, sđd.206).  Nói cách khác, chỉ thị trên ra lệnh tiêu diệt quân đội và nhân viên VNCH để bộ máy chính quyền VNCH khủng hoảng nhân sự, thiếu người làm việc, mất hiệu năng.  Thành phần tử vong trong Tết Mậu Thân tại Huế do ông Nguyễn Trân đưa ra phản ảnh đúng chủ trương nầy, theo đó đã có "790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1,892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát" bị giết.

Sau đây là tài liệu do Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ bắt được ngày 12-6-1968 tại Thừa Thiên của một cán bộ quân sự cộng sản, nghĩa là sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân khoảng hơn ba tháng.  Viên cán bộ nầy ghi lại trong sổ tay: "Toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy từ xã tới tỉnh đã bị tiêu diệt hoặc gẫy đổ.  Hơn 3,000 tên đã bị giết.  Địch sẽ chẳng bao giờ tái lập lại được hệ thống cũ hoặc xoay chuyển được thất bại của chúng.  Dù chúng có thể thay thế ngay bằng những nhân sự thiếu kinh nghiệm, bọn nầy cũng sẽ chẳng làm được gì."(22)

Tàn sát để khủng bố, cảnh cáo:  Cộng sản giết quân nhân, công chức và thường dân vô tội (mà họ tình nghi tiếp tay, làm tình báo, hay cộng tác với chính quyền VNCH), cộng sản nhắm đe dọa dân chúng để từ đây đừng tòng quân cho quân lực VNCH, hoặc không được tham gia hay cộng tác với chính quyền VNCH, dưới bất cứ hình thức nào. 

Trong quá trình chính trị VNCH, Huế là nơi phát khởi nhiều xáo trộn, nhất là từ năm 1963 trở đi.  Việc tàn sát của cộng sản còn nhắm cảnh cáo dân chúng cố đô, từ đó cảnh cáo dân chúng toàn quốc, để dân chúng không dám lên tiếng tố cộng, dầu vẫn còn sống dưới chế độ Cộng Hòa; đồng thời cộng sản chuẩn bị áp đặt một chế độ độc tài trong tương lai một khi họ đánh chiếm được toàn miền Nam.  Đó là thông điệp đỏ mà cộng sản muốn báo cho dân chúng Huế nói riêng và các thành phố miền Nam nói chung: với cộng sản, biểu tình, chống đối là tử hình, chứ không dễ dãi như dưới chế độ Cộng Hòa.

Thông điệp đỏ nầy quả nhiên có hiệu quả trong việc áp chế dân chúng, vì sau năm 1975, chế độ cộng sản Hà Nội độc tài tàn bạo, mà hầu như rất ít vụ đối kháng xảy ra, và dân chúng hoàn toàn không có biểu tình, tuyệt thực dễ dàng như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

*  Tàn sát tín đồ Thiên Chúa giáo:   Cộng sản luôn luôn kiếm cách tiêu diệt có hệ thống và có kế hoạch các tôn giáo, nhất là những tôn giáo có thế lực chính trị mạnh mẽ, có tổ chức quần chúng quy mô và kỷ luật, hoặc thân chính quyền.  Tại Huế, từ khi Ngô Đình Diệm, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo gốc Quảng Bình, lớn lên tại làng Phú Cam, cầm quyền năm 1954, tín đồ Thiên Chúa giáo tại đây yểm trợ chính quyền mạnh mẽ.  Ngô Đình Cẩn, em ông Diệm, là người có sáng kiến tổ chức đoàn phản gián "Đặc vụ miền Trung" năm 1960 do ông Dương Văn Hiếu cầm đầu, đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo cộng sản từ Bến Hải vào tới trong Nam. 

Do đó, trong kế hoạch đưa ra ngày 26-1 kể trên, đảng uỷ cộng sản Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: "Bao vây và cô lập những tên phản động lợi dụng tín đồ Thiên Chúa giáo; phải chú ý đến khu vực Phú Cam, các trường Thiên Hựu và Bình Linh..."(Don Oberdorfer, sđd. 206).  Kế hoạch nầy còn được triển khai hết sức mưu mẹo kín đáo:

Khi mới vào Gia Hội, cộng quân ra lệnh mọi nhà phải hạ cờ Quốc gia (đã được các nhà treo trong dịp Tết), treo cờ MTDTGPMNVN.  Dân chúng không có cờ MTDTGP, nên cộng quân ra lệnh treo cờ Phật giáo (Don Oberdorfer, sđd.225).  Đây là một âm mưu của cộng sản: (1) Cộng quân dư biết dân chúng sống dưới chế độ miền Nam không thể có cờ MTDTGP mà vẫn ra lệnh treo cờ mặt trận nầy, rồi lấy lý do không có cờ MTDTGP mới đổi qua cờ Phật giáo. (2)  Treo cờ Phật giáo, cộng quân sẽ biết nhà nào theo Thiên Chúa giáo, vì những gia đình theo đạo Thiên Chúa làm gì có cờ Phật giáo mà treo? (3) Cộng quân muốn tỏ ra thân thiện với Phật giáo, để gieo tiếng oan cho Phật giáo là thân cộng và gây chia rẽ giữa hai tôn giáo lớn trong nước.

Một nhân chứng có mặt tại vùng Phú Cam (Huế) cho biết khoảng mồng 7 hay mồng 8 Tết, cộng quân bắt trên 300 thanh niên ẩn núp trong nhà thờ Phú Cam, đem đi biệt tích.(23)  Tại Huế, cộng quân còn giết hai linh mục người Việt là Hoàng Ngọc Bang và Lê Văn Hộ, và hai linh mục người Pháp dòng Benedicto Thiên An là Urbain và Guy, đồng thời đốt luôn nhà thờ Thiên An.(24)

*  Tàn sát để gây tiếng vang trên thế giới và tại Hoa Kỳ:  Trong cuộc tổng công kích tết Mậu Thân, cộng quân đã thẳng tay tiêu diệt quân đội Đồng minh như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, và giết luôn cả những thành phần dân sự ngoại quốc như các linh mục người Pháp kể trên, nhất là bốn người Đức ở Viện Đại học Huế (bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster).  Ba vị bác sĩ Tây Đức đều tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế.  Cả bốn người nầy bị bắt ngày 5-2-1968.  Về sau xác họ được tìm thấy ở gần khu vực chùa Tường Vân.

Huế là thành phố mang nhiều đặc tính di sản lịch sử, văn hóa và chính trị Việt Nam, nên rất được quốc tế chú ý.  Chiếm đóng và tàn sát ở Huế dễ gây tiếng vang trên thế giới, để giành ưu thế trong hòa đàm, và nhất là để đe dọa dân chúng Hoa Kỳ, làm cho họ lo ngại cho số phận thân nhân họ đang ở Việt Nam.  Vì vậy họ sẵn sàng tham gia các phong trào phản chiến, thúc giục chính phủ Hoa Kỳ sớm rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, để đưa chồng con về nước.

*  Tàn sát để nhuộm đỏ tay chân:  Sau thời gian tham gia tranh đấu năm 1966, khi bị chính phủ Sài Gòn gởi quân ra dẹp yên, một số lãnh tụ sinh viên và trí thức Huế thoát ly, bỏ chạy lên chiến khu theo cộng sản như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư trường Quốc Học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên, em của Tường), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên), Lê Văn Hảo (giáo sư Đại học Văn khoa), Nguyễn Đóa (cựu giám thị trường Quốc Học)... Ngoài nhóm thoát ly, còn có những người lừng khừng, gió chiều nào theo chiều đó.  Sử dụng những người thoát ly cũng như lừng khừng, nhưng cộng sản không tin cậy họ.  Cộng sản dư biết rằng họ thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành phố, thích biểu tình tranh đấu theo kiểu dân chủ Tây phương, đã từng sống dưới chế độ Quốc gia, ít nhiều thụ hưởng không khí tự do và ân huệ chính quyền Quốc gia để ăn học thành tài, mà còn phản bội Quốc gia, thì không biết lúc nào họ sẽ phản bội cộng sản, vì cộng sản chẳng có công đào tạo họ, và cộng sản lại độc tài đảng trị tuyệt đối, không thích chuyện biểu tình phản đối. 

Dư luận Huế và báo chí sách vở thường kết án Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân là thủ phạm của những cuộc tàn sát.  Cho đến nay, vẫn chưa biết thật sự nhóm nầy đóng vai trò gì, đã làm những gì, nhưng giả thiết như họ đã hành động tàn bạo đối với đồng bào, (chỉ giả thiết mà thôi), thì chẳng qua họ cũng chỉ là những con rối phải thi hành mệnh lệnh và kế hoạch của đảng Cộng Sản.   Nếu những Tường, Phan, Xuân không thi hành mệnh lệnh của đảng CS, họ sẽ bị cộng quân loại bỏ dễ dàng.  Những nguòi nầy chỉ là những con chốt thí trong cuộc cờ của cộng sản. 

Ai cũng biết rằng trong tổ chức cộng sản, chỉ có đảng viên và nhất là đảng uỷ mới có quyền quyết định những chuyện hệ trọng.  Còn những hạng tân tòng như Tường, Phan, Xuân chẳng có quyền hành gì để quyết định mạng sống của một tập thể qun chúng lớn lao, trừ vài chuyện trả thù cá nhân mà thôi.  Bằng chứng cụ thể là sau năm 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân chẳng được trọng dụng nữa. 

Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cơ hội để cộng quân nhuộm đỏ những người thoát ly và những người lừng khừng, làm cho họ không còn con đường nào quay về phía VNCH, dù họ có mặt hay không có mặt ở Huế, và dù họ giết người hay không giết người trong thời gian nầy.

3.   TÀN SÁT KHI RÚT QUÂN 

Nhìn vào bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể, một điểm nổi bật là tại thành phố Huế, khu phố Gia Hội và vùng phụ cận như Bãi Dâu là nơi duy nhất có nhiều mồ chôn tập thể.  Điều nầy cho thấy do cộng quân chiếm giữ Gia Hội được lâu, nên có điều kiện bắt giết nhiều người tại chỗ.  Ngoài Gia Hội, những nấm mộ tập thể khác nằm ở các vùng phụ cận chung quanh thành phố Huế.  Khi rút lui, cộng quân đem theo những người bị bắt giữ, vừa làm phu khuân vác, vừa khỏi bị lộ bí mật, vừa làm con tin và bia đỡ đạn để tránh bị quân đội VNCH và Đồng minh pháo kích hay chận đánh.  Số người bị cộng quân đem theo lên đến vài ngàn người.  Đến khi cộng quân cần biến vào rừng, cộng quân giết tất cả những người nầy để khỏi lộ tung tích.  Cộng sản giải thích rằng như thế là "giết để tự vệ"(?).  Họ không cần phân loại, vì làm như thế sẽ mất nhiều thời giờ, và vì nguyên tắc của cộng sản là "giết lầm hơn bỏ sót".  Ngoài ra, sau một thời gian ngắn cùng sống với nhau, những con tin bị bắt đi theo biết rõ gốc gác, gia đình của các cán binh cộng sản, kể cả cộng sản nằm vùng, và nhất là những tội ác do cộng sản gây ra.  Cộng sản sợ rằng nếu để những người nầy sống sót, họ sẽ làm vỡ tất cả những tổ chức bí mật của cộng sản, nhất là tố cáo tội ác của cộng sản trước dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, cộng sản giết những con tin nầy để thủ tiêu nhân chứng, diệt hậu hoạn.

Cách giết người của cộng quân cũng đặc biệt.  Cộng quân ra lệnh cho những người bị bắt phải đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy.  Sau khi đào xong, cộng quân trói thúc ké tay chân những người nầy, quăng xuống hố, rồi lấp đất lại.  Cộng quân chôn sống người, chứ không dùng súng bắn vì sợ gây tiếng động và lộ mục tiêu, dễ bị quân đội VNCH và Đồng minh phát hiện.(25) 

Bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể cho thấy cộng quân rút lui theo hai hướng: (1) Hướng nam, qua đường Nam Giao, đến lăng các vua Nguyễn, lên vùng núi.  Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Khe Đá Mài (428 xác), thuộc quận Nam Hòa, cách thành phố Huế khoảng 40 cây số.(2)  Hướng đông, qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê.  Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Vinh Thái (135 xác), thuộc quận Phú Thứ, cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông nam.  Theo bác sĩ Elje Vannema, người gốc Hòa Lan, quốc tịch Canada, có mặt ở Huế nhân dịp Tết Mậu Thân, Huế có tất cả 19 khu vực chôn người tập thể được tìm thấy, và mỗi khu vực có nhiều nấm mộ tập thể khác nhau.(25)  Có thể còn nhiều ngôi mộ tập thể khác vĩnh viễn bị khuất lấp mà không ai tìm ra được.






















V.-   THỬ SO SÁNH

Trong lịch sử Việt Nam, cuộc tàn sát tập thể đầu tiên được ghi nhận là vụ Trần Thủ Độ tiêu diệt tông thất nhà Lý năm 1232 (nhâm thìn).  Sau khi tổ chức đảo chánh nhà Lý (1010-1225), lập ra nhà Trần (1225-1400), Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt con cháu dòng họ nầy.  Năm 1232, Trần Thủ Độ tổ chức lễ trai đàn đại tế tổ tiên họ Lý tại Bắc Ninh.  Khi con cháu nhà Lý đến dự lễ, theo sử sách ghi lại, Trần Thủ Độ cho giựt sập nhà trai đàn, chôn vùi tất cả con cháu nhà Lý xuống đó.  Lúc đó, Trần Thủ Độ giết nhiều lắm là vài chục người hoặc tối đa là khoảng một trăm người.  Đã trên 700 năm, thế mà hành vi tàn ác của Trần Thủ Độ vẫn còn là một vết nhơ trên chiếc chiến bào đầy hào quang kháng Nguyên của dòng họ nhà Trần.

Năm 1884, khi người Pháp áp đặt hòa ước Giáp Thân, đô hộ Việt Nam, vua Hàm Nghi (trị vì 1884-1885) và triều đình do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đã mở cuộc tấn công chống Pháp tại Huế đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm ất dậu (đêm mồng 4 rạng mồng 5-7-1885).  Thất bại, nhà vua phải bỏ kinh thành chạy ra phía Bắc.  Tối hôm đó, quân đội triều đình và dân chúng Huế chết khá nhiều nên sau nầy, hằng năm, tại Huế có tục "cúng cô hồn" vào tối 23-5 âm lịch

Dầu đã xảy ra nhiều trận đánh ác liệt khi quân đội nước ngoài tiến chiếm cựu đô Thăng Long hay Huế, sử sách hầu như không ghi lại dấu vết những hành động độc ác tàn bạo giết hại tập thể tàn ác dã man lộ liễu nào của người nước ngoài đối với thường dân tại các thành phố đang có chiến tranh, kể cả trong ngày 19-12-1946 là ngày mà Hồ Chí Minh ra lệnh bất ngờ tấn công người Pháp tại Hà Nội, người Pháp phản công, nhưng cũng không trả thù thường dân.  Việt Minh cộng sản đả kích thậm tệ thực dân Pháp, nhưng trong việc đối xử với thường dân trong chiến tranh, so sánh những biến cố ở Huế năm 1885 và Hà Nội năm 1946 với cuộc tấn công của cộng sản năm Mậu Thân (1968) tại Huế, binh sĩ thực dân Pháp xâm lăng xem ra còn văn minh và nhân đạo hơn người cộng sản Bắc Việt, những kẻ luôn luôn tự hào thuộc "loài người tiến bộ".

Trong lịch sử thế giới hiện đại, có bốn cuộc tàn sát lớn: Thứ nhất  khi chiếm được Nam Kinh (Nanking, Trung Hoa) ngày 13-12-1937, quân đội Nhật Bản đã tàn sát khoảng 300, 000 người Hoa tại thành phố nầy.  Cuộc tàn sát diễn ra khủng khiếp, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết, dùng kiếm chặt đầu mổ bụng, kể cả trẻ em.(26) Thứ nhì Đức Quốc Xã giết tập thể hàng triệu người Do Thái trong thế chiến thứ nhì (1939-1945).  Thứ ba  Cộng sản Liên Xô đã giết gần 15, 000 tù binh gồm sĩ quan và binh sĩ quốc gia Ba Lan từ 3-4 đến 13-5-1940.(27)  Thứ tư  Khờ-me Đỏ giết khoảng trên 1 triệu dân Cam Bốt.

Quân phiệt viễn chinh Nhật giết người Hoa vì tức giận dân chúng Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa từ khi Quốc Dân Đảng cầm quyền năm 1927, đã kháng cự mãnh liệt cuộc tiến quân của Nhật Bản.  Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái để bảo vệ sự thuần chủng của giống Nhật Nhĩ Man (Aryan) theo chủ thuyết của Hitler.  Cộng sản Liên Xô giết sĩ quan và binh sĩ  Ba Lan để triệt tiêu quân đội yêu nước của quốc gia nầy, và thành lập quân đội mới dưới quyền chỉ huy của Liên Xô.  Tất cả những cuộc tàn sát trên đây đều tàn bạo, vi phạm tội ác nhân loại, giữa người với người.  Tuy nhiên, họ là những người khác nước, khác chủng tộc, và hành động vì quyền lợi quốc gia họ. 

Chỉ có Khờ-me Đỏ giết đồng bào hay đồng chủng Cam Bốt và Việt Cộng giết đồng bào hay đồng chủngViệt Nam.  Ai cũng biết là Khờ-me Đỏ một thời nằm dưới quyền của cộng sản Việt Nam, và Khờ-me Đỏ cũng như cộng sản Việt Nam đều được CHNDTH huấn luyện cũng như viện trợ.  Chính Hồ Chí Minh và đảng LĐ đã từng nhận lý thuyết Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam hành động của cộng sản Việt Nam.(28)  

Số lượng người bị Việt Cộng giết tại Huế ít hơn rất nhiều so với những nạn nhân người Trung Hoa, Do Thái, Ba Lan, hay Cam Bốt.  Điều nầy dễ hiểu vì khung cảnh không gian xảy ra cuộc tàn sát, tức thành phố  Huế, quá nhỏ bé  so với các khu vực tàn sát trên thế giới, thời gian Việt cộng chiếm đóng ngắn ngày, và dân số địa phương Huế lúc đó cũng quá ít oi, chỉ có 130, 000 dân (CĐ, MT, sđd.303).   

Đặt các cuộc tàn sát trong các điều kiện và hoàn cảnh trong từng vụ cá biệt, mới thấy rõ cuộc tàn sát của Việt cộng năm 1968 ở Huế, một thành phố hiền hòa nhỏ bé với một dân số ít oi, thật dã man không kém gì những cuộc tàn sát khác trên thế giới trong thế chiến thứ nhì.  Tính chất độc ác dã man còn biểu lộ trong phương pháp và đối tượng bị giết: giết cả trẻ em và phụ nữ,(29) tùng xẻo người,(30) chôn sống người.(31) 

Việc giết hại phụ nữ và trẻ em, cũng như việc tùng xẻo người như thời Trung cổ, do thân nhân các nạn nhân hoặc những người chứng kiến kể lại.  Người ta biết được việc cộng sản chôn sống các nạn nhân nhờ hai nguồn tin:  Thứ nhất là lời kể cuả những nạn nhân trốn thoát bàn tay cộng quân đã chứng kiến việc chôn sống.  Thứ hai là trong các nấm mồ tập thể, lẫn lộn với xác chết những người bị đánh đập, trên thân thể có vết thương và vết máu, người ta tìm được những tử thi chỉ bị trói ké tay chân, thân thể toàn vẹn, không có vết trầy truộc gì cả.  Điều nầy có nghĩa là những người đó đã bị quăng xuống hố sau khi bị trói tay để không có cách gì moi đất mà lên được. 

Nên lưu ý, đất thịt không phải là nước hay cát.  Nước và cát có thể bít kín ngay các khoảng trống, không có không khí, nên người bị trấn nước hoặc bị vùi trong cát, sau vài chục giây, nếu ai mạnh khỏe thì sau một vài phút rồi chết vì ngạt thở.  Ngược lại, đất thịt với sạn đá còn nhiều lỗ rỗng, và đất thịt không thể bít hết lên thân thể của nạn nhân, nên dưới những mồ chôn tập thể đó, lúc đầu vẫn còn không khí, và nạn nhân vẫn còn thoi thóp sống, có thể cả vài ngày, sau đó mới kiệt sức mà chết.

Ngày nay, khi đưa một con vật vào lò sát sinh, người ta cố gắng làm sao cho con vật chết liền tức khắc, để tránh việc hành hạ thân xác làm kéo dài sự đau đớn của con vật. Trong khi đó, những nạn nhân bị cộng sản chôn sống nằm bất động, vẫn còn sống, ý thức vẫn làm việc.  Thật không thể biết nạn nhân kéo dài sự đau đớn đến độ nào trong cảnh tối mù của địa ngục sống trong nhiều ngày?  Không ai biết được vì không ai còn sống để kể lại, nhưng chắc chắn khủng khiếp và đau khổ cùng độ.  Biết đâu họ chết ngất vì khủng khiếp trước khi chết vì thiếu dưỡng khí?

Vào đầu thế kỷ 20, một vụ án tử hình được sách vở cho là tàn bạo nhất của lịch sử nước ta là việc người Pháp đã xử yêu trảm chí sĩ Trần Quý Cáp tại Khánh Hòa năm 1908.  Yêu trảm là chém ngang lưng, nạn nhân còn đau đớn thoi thóp đôi chút trước khi chết, nhưng thời gian kéo dài không lâu bằng người bị chôn sống dưới đất thịt.  Việc chôn sống kéo dài sự đau đớn của nạn nhân, nhất là đau đớn về tinh thần.  Chính đó là sự tàn nhẫn của việc chôn sống, và chỉ có người cộng sản mới đủ nhẫ n tâm làm điều đó với đồng bào của mình. 

Sau những cuộc tấn công bất ngờ vào đầu năm 1968, du kích cộng sản tiếp tục tấn công nhiều đợt khác nữa ở khắp nơi trên toàn cõi miền Nam.  Trong khi đó, một cuộc tàn sát xảy ra ngay sau vụ Mậu Thân, nhưng mãi đến một năm sau mới bị phát hiện, cũng làm cho dư luận rất chú ý.  Đó là cuộc thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) ngày 16-3-1968.  Vào ngày nầy, trung đội Charlie, thuộc tiểu đoàn 1, sư đoàn 20 Bộ binh Hoa Kỳ do trung úy William Calley chỉ huy, đã thảm sát từ 200 đến 500 dân làng trong ấp Mỹ Lai 4, làng Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.  Đây là một vết đen trong lịch sử chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, giữa vụ Mậu Thân và vụ Mỹ Lai, có những điểm khác nhau căn bản:

* Vụ Mậu Thân là một chủ trương có kế hoạch, có hệ thống, do cấp lãnh đạo của đảng Lao Đông và nhà cầm quyền Hà Nội cân nhắc, soạn thảo trong một thời gian dài.  Nhà cầm quyền Hà Nội và đảng Lao Động đã vận động cả một bộ máy quân sự lớn mạnh để thi hành vụ Mậu Thân trên toàn cõi miền Nam Việt Nam, lúc dân chúng miền Nam đang sửa soạn đón mừng năm mới theo truyền thống dân tộc.  Trong khi đó, vụ Mỹ Lai bắt nguồn từ sự nóng giận nhất thời của một sĩ quan và một nhóm binh sĩ đang hành quân ngoài mặt trận, tại một quận hẻo lánh ở miền nông thôn Quảng Ngãi.  Đó là chưa kể các sĩ quan và binh sĩ Hoa Kỳ nghi ngờ chính dân chúng Mỹ Lai đã tiếp tay cho quân du kích tấn công quân đội Hoa Kỳ. 

* Khi phát hiện vụ Mỹ Lai một năm sau, quân đội Hoa Kỳ nhận trách nhiệm về vụ Mỹ Lai, đã đưa trung úy Calley ra xét xử trước pháp luật.  Ngược lại, cho đến nay, bốn mươi năm sau, CSVN chưa hề lên tiếng chịu trách nhiệm và xin lỗi nhân dân Việt Nam về vụ Mậu Thân, hay xét xử các sĩ quan chỉ huy các vụ thảm sát ở Huế. 

*  Vụ Mỹ Lai được báo chí Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ tự do đưa tin, tường thuật, bình luận, kết án... Trong khi nhà cầm quyền cộng sản hoàn toàn bưng bít tin tức thảm sát Mậu Thân.  Các báo chỉ được quyền ca tụng rằng cuộc tổng công kích Mậu Thân là một “chiến thắng” to lớn của quân cách mạng.  Không phải riêng vụ Mậu Thân năm 1968, mà cho đến nay, tất cả báo chí trong nước đều do cơ quan nhà nước quản lý, nên tất cả báo chí trong nước đều chỉ là những cái loa truyền thanh phát đi một điệp khúc duy nhất do nhà cầm quyền cộng sản soạn sẵn mà thôi.

TRẦN GIA PHỤNG
(TorontoCanada)

CHÚ THÍCH:

22.    Stephen Hosmer, "Tổng tấn công Tết và Huế", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr.217.[Không đề tên người dịch].  Phần nầy trích trong sách của Stephen Hosmer, Vietcong Repression and its Implications for the Future, Massachusetts: Nxb. Heath Lexington Books, 1970.
23.    Nguyễn Thế, "Nhớ về Mậu Thân", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr. 199.  Theo Don Orberdorfer, con số nầy lên đến 400 người (DO, sđd.214).
24.    PTGDVNHN, sđd. tt. 135, 143.
25.    Elje Vannema, "Cố đô kinh hoàng", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tt. 124-142.  Bài nầy trích dịch từ Elje Vannema, sđd. [Không đề tên người dịch.]
26.    Iris Chang, The rape of NankingNew York: Nxb. BasicBooks, 1997, tt. 100-103.  Tác giả Iris Chang đưa ra nhiều số liệu khác nhau từ nhiều nguồn tài liệu, và cho rằng con số tương đối là 300.000.  (Iris Chang là một ký giả Hoa Kỳ gốc Trung Hoa, sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Illinois ở Urbana.)
27.     Stéphane Courtois và một số tác giả, Le livre noir du communisme: Crimes, terreur, répressionParis: Nxb. Robert Laffont, 1997, bản dịch  Anh ngữ của Jonathan Murphy và Mark Kramer, The Black Book of Communism, Crimes, Terror, RepressionMassachusetts: Nxb. Harvard University Press, in lần thứ nhì, 1999, tt. 368-369.  Theo sách nầy: năm 1939, Liên Xô bắt cầm tù khoảng từ 240.000 đến 250.000 tù binh quốc gia Ba Lan, kể cả 10.000 sĩ quan.  Liên Xô phân tán lực lượng trên đi làm đường hoặc lao động nặng nhọc ở các công trường và nông trường xa, và giam giữ khoảng gần 15.000 sĩ quan và cảnh sát Ba Lan tại các trại Starobielsk và Kozielsk (giam sĩ quan) và Ostaszkow (giam cảnh sát).  Số nầy bị giết như sau:  4.404 tù binh trại giam Kozielsk, đem đến bắn và chôn ở Katyn; 3.896 tù binh trại giam Starobielsk bị giết sở tại chỉ huy mật vụ ở Kharkiv và chôn ở vùng ngoại vi thành phố nầy tại Pyatishatki; 6.287 tù binh trại giam Ostaszkow bị sát hại tại sở chỉ huy mật vụ Kalinin, và chôn ở khu Mednoe của thành phố nầy.
28.    Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, California: Nxb. Văn Nghệ, tái bản năm 1996, tr. 150.
29.    PTGDVNHN, sđd. tr. 205 (tin của Washington Post, ngày 9-3-1968), và tt. 250-254 (bài “Crescendo of Terror – Hue” của M. W. J. M. Broekmeijer.)
30.    Sau đây là một cảnh tùng xẻo người của Việt Cộng: "Thiếu tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba) Huế, trốn trong nhà đã ba bốn ngày.  VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Kháng không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà.  Vì thế ông phải ra nộp mạng.  VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng." (Nguyễn Lý Tưởng, "Mậu Thân ở Huế", PTGDVNHN, sđd. tr. 89.)
31.    Theo tác giả Nguyễn Lý Tưởng, lúc đó là dân biểu và có mặt ở Huế, thì thượng nghị sĩ Trần Điền, chủ tịch Uỷ ban Canh nông Thượng viện VNCH, một trong những nhà lãnh đạo Hướng đạo Việt Nam, bị bắt và bị chôn sống (bài đã dẫn, sđd., tr. 89).  Theo ông Võ Ngọc Tụng, quận trưởng và chi khu trưởng quận Phú Thứ sau năm 1968, người trực tiếp trông coi vụ cải táng tại Phú Thứ, cho biết: khi lo cải táng nạn nhân Mậu Thân, người ta đã tìm thấy một hố 4 xác bị chôn sống của hai linh mục và hai thầy đại chủng viện (Võ Ngọc Tụng, "Cải táng đồng bào bị thảm sát", PTGDHNVM, sđd. tr. 195.)  Theo ước tính cuả M. W. J. M. Broekmeijer trong bài “Crescendo of Terror – Hue”, sđd. tr. 252, thì số bị chôn sống lên đến khoảng 600 người.

(bài 4)
                                                                                                Trần Gia Phụng

TỔNG KẾT

Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH, cho đến cuối tháng 3-1968, số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên trong cuộc tổng công kích tết Mậu thân (1968) là: 4, 954 sĩ quan và binh sĩ VNCH; 14, 300 thường dân VNCH; 58, 373 sĩ quan và binh sĩ trong lực luọng MTDTGPMNVN và Bắc Việt; 3, 895 sĩ quan và nhân viên Hoa Kỳ (gồm Bộ binh, Không quân, Hải quân, và TQLC), 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH.  Trong số 14, 300 thường dân, Huế mất khoảng 2, 000 người.(32)

Riêng tại Huế, theo thống kê của tác giả Douglas Pike, ước lượng tổng số thiệt hại tại Huế sau biến cố Mậu Thân như sau:
Tổng số thường dân thương vong: 7, 500 người.
Số bị thương vì chiến tranh: 1, 900 người.
Số thường dân bị tử nạn: 844 người.
Số người mất tích: 1, 946.(33)

Theo thống kê của tác giả David T. Zabecki qua một bài viết đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người và hàng ngàn người mất tích.  Trong khi đó,  Quân đội VNCH có 384 tử trận, 1,830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng 5, 000 tử trận, số bị thương không tính được.(34)

Các con số nầy chắc chắn chưa đầy đủ, vì còn nhiều người mất tích chưa được kê khai.  Riêng tại Huế, nếu số tử thi tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2, 810 xác, thì số người thật sự chết phải cao hơn rất nhiều, vì chắc chắn còn có những nấm mồ chưa được phát hiện, và có thể không bao giờ được phát hiện, mà vùi dập mãi với thời gian; hoặc những người bị cộng sản đem đi các địa phương khác rồi thủ tiêu.  Ngoài ra còn có những người chết được gia đình tự lo liệu việc chôn cất.  Dầu có tác giả cho rằng tối thiểu số thường dân bỏ mạng trong dịp Tết tại Huế phải khoảng trên 3, 000 người,(35) nhưng thực tế con số nầy phải cao hơn nhiều.

Một điều cần ghi nhận là trong khi giết hại cả hàng chục ngàn thường dân vô tội trên toàn quốc, và nhất là chôn sống đồng bào tại Huế, một tội ác "đất không dung, trời không tha", cộng sản địa phương Huế cũng như tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phủi tay trốn trách nhiệm, hoàn toàn không đả động gì đến ai đã chủ mưu và giết chóc như vậy.  Đó là lý do chính khiến cộng sản không công bố hồ sơ biến cố Mậu Thân, mặc dầu sự kiện nầy đã xảy ra cách đây bốn mươi năm. 

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, ông bộ trưởng Bộ quốc phòng Bắc Việt lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng công kích Tết Mậu Thân: "Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó.  Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện."(36) 

Tài liệu hiện nay cho thấy vụ Tết Mậu Thân do chính Nguyễn Chí Thanh soạn thảo kế hoạch, rồi Võ Nguyên Giáp tiếp tục khi Nguyễn Chí Thanh chết bất ngờ, chính Bộ chính trị thông qua kế hoạch nầy, chính Hồ Chí Minh ra lệnh thi hành bằng bài thơ giết người trên đài phát thanh Hà Nội, và chính Trung ương cục miền Nam do Phạm Hùng, uỷ viên Bộ chính trị đảng LĐ đứng đầu, chỉ đạo mọi diễn tiến của tình hình.  Ngày nay nhà cầm quyền Hà Nội công khai thừa nhận và ăn mừng "chiến thắng" Mậu Thân, có khi nào Võ Nguyên Giáp nghĩ đến lời nói dối "hào nhoáng" sống sượng của một đại tướng không?

Còn về việc giết người tập thể, ông Bùi Tín, nguyên là đại tá quân đội cộng sản Bắc Việt, nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân Hà Nội trước năm 1990, đã viết rằng: "Cho nên những vụ tàn sát có tính chất tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui.  Giữa cảnh hỗn loạn khi có lệnh rút lui...Một số đơn vị nảy ra hành động thủ tiêu tù binh để bảo đảm không lộ bí mật, không bị nguy hiểm, "nhẹ gánh", "khỏi vướng chân", "sẽ chết cả nút"...Cuối cùng cũng còn một số ít tù binh giải về căn cứ, được dùng để đào hầm hố, khuân vác...một số về sau được thả về."(37) Nếu biện minh như ông Bùi Tín, thì ông giải thích làm sao về việc cộng quân đã tàn sát và chôn hàng ngàn người tại Gia Hội (Huế) trong thời gian họ tạm chiếm vùng nầy? 

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng: "Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.  Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải chính sách toàn cục của cách mạng.  Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy."(Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khê, bđd.)

Chưa đặt vấn đề lương tâm dân tộc ở đây, nhất là với những người cộng sản và những người chạy theo cộng sản như Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước hết, phải xác định rõ ràng cuộc chiến do cộng sản gây ra không phải là "chiến tranh cách mạng", mà là một cuộc chiến tranh ý thức hệ do tham vọng quyền lực và tham vọng bành trướng của cộng sản Bắc Việt. 

Thứ nhì, cách thức đổ lỗi "cục bộ", "địa phương" là bài bản sách vở của cộng sản.  Trong tất cả các chương trình kế hoạch hành động, cộng sản luôn luôn cho rằng thành công là nhờ đảng lãnh đạo, thất bại là tại địa phương làm sai.  Thậm chí nông dân Việt hiện nay có câu ca dao mỉa mai: "Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta." 

Thứ ba, "tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở địa phương khác trong Mậu Thân" vì không có nơi nào trên toàn quốc mà cộng sản chiếm được lâu ngày để có thể hoành hành, giết chóc như ở Huế.  Trong khi đó, suốt từ 1945 đến 1975, đã nhiều lần cộng sản giết hại tập thể một cách tàn bạo, chôn sống biết bao nhiêu người, như những cuộc thủ tiêu khắp nước những nhà ái quốc không cộng sản,(38) vụ giết hại những tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi,(39) vụ chôn sống nhóm Đệ tứ Quốc tế ở vùng sông Lòng Sông thuộc tỉnh Bình Thuận,(40) vụ tàn sát các tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo ở trong Nam.(41)  Có nhiều trường hợp người ta không có tội vẫn giết, vì người đó là một nhân tài, có thể có hại cho cộng sản trong tương lai, nên cần phải giết trước để trừ hậu hoạn.  Giết như thế cộng sản gọi là “giết tiềm lực”.

Người trong cuộc là ông Lê Minh, bí thư Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đã thú nhận rằng việc tàn sát tù binh và thường dân ở Huế là có thật.  Ông ta tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát nầy, nhưng lại chống chế rằng cộng quân "đã ở trong một hoàn cảnh quá khó khăn, đến không thể nào kiểm soát nổi những hành động thô bạo."(lời của ông Lê Minh, Chính Đạo trích dẫn, Mậu Thânsđd.137.) 

Như đã trình bày ở trên, đây không phải là lần đầu tiên cộng sản "hành động thô bạo".  Hơn nữa, từ đâu phát sinh hành động thô bạo?  Thông thường, đó là do xuất thân từ một tập thể thô bạo, được giáo dục dưới chủ trương và chính sách thô bạo, và được khuyến khích bằng những hành động thô bạo, không bị pháp luật chế tài.  Do đó, chẳng cần phải hoàn cảnh khó khăn thì cộng quân mới "hành động thô bạo". 

Tuy nhiên, ít nhất ông Lê Minh cũng đã can đảm công khai thú nhận quân đội cộng sản đã "hành động thô bạo", một lời thú nhận hiếm thấy nơi những nhà lãnh đạo cộng sản.  Lời thú nhận của ông Lê Minh được đưa ra năm 1988, trong thời gian đảng CSVN bắt đầu cởi mở, đã đuợc đăng trên tạp chí Sông Hương, và được dịch đăng trên báo Newsweek ở Hoa Kỳ (Theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời bà Thụy Khê). 

Sau đó những biến động ở Đông Âu dồn dập xảy ra, và Liên Xô sụp đổ năm 1991, đã làm cho phái bảo thủ trong đảng CSVN cứng rắn trở lại.  Hồ sơ Mậu Thân bị  khép kín lần nữa. Quyển hồi ký của Lê Minh liền bị thu hồi và bản thân đương sự bị thất sủng, cô lập.  Hiện nay, hàng năm vào dịp Tết, CSVN ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, trên sự đau khổ của đồng bào cả nước, vì ngày đó cũng chính là ngày kỵ giỗ của khoảng gần 80, 000 người Việt cả Bắc lẫn Nam, cả dân sự lẫn quân sự, đã bỏ mình trong cuộc tổng công kích nầy. 

Dầu Võ Nguyên Giáp có chối tội, Bùi Tín, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Lê Minh có biện minh thế nào cho cộng quân, bất cứ ai đã từng sống với cộng sản đều biết rằng:

*  Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và sắt máu của cộng sản, không có một người nào dưới quyền đảng Cộng Sản mà không bị kiểm soát, không có một người nào dưới quyền cộng sản mà có thể tự ý làm bất cứ điều gì họ nghĩ.  Nhất nhất họ đều phải theo chỉ thị của đảng bộ và của cấp trên.  Do đó, việc tàn sát trong cuộc chiến Tết Mậu Thân hoàn toàn là chủ trương chính sách của đảng LĐ tức đảng CSVN.

*  Đảng Cộng Sản là một đảng chính trị tổ chức chặt chẽ, rất có kỷ luật.  Bất cứ đơn vị quân đội cộng sản nào cũng có một chính uỷ (uỷ viên chính trị) để điều khiển công việc, đứng trên và quyền hành hơn cả đơn vị trưởng.  Do đó, không thể đổ lỗi cho các cán binh cộng quân rút lui nên mới tàn sát bừa bãi, và cũng không thể đổ lỗi cho các đơn vị địa phương hay tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã phạm sai lầm hoặc giết người để tự vệ. 

Chắc chắn phải có kế hoạch chính sách do trung ương hoặc do các đảng uỷ cộng sản quyết định, khi tiến thì làm gì, khi rút lui thì làm gì, các đơn vị thừa hành hoặc các cán binh mới dám tàn sát dân chúng một cách vô nhân đạo, tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới.   Hiếu sát, giết người bừa bãi là một đặc tính căn bản của cán bộ cộng sản học được từ các lãnh tụ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh.  Như thế, đảng LĐ tức đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về việc tàn sát trong cuộc chiến tết Mậu Thân năm 1968.

Đặc tính khát máu tàn bạo nầy của cộng sản thể hiện xuyên suốt từ những vụ thủ tiêu chính trị năm 1945 (vài trăm ngàn người bị giết), đến cuộc tàn sát trong Cuộc cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc (200,000 nông dân bị tàn sát), rồi Nhân Văn-Giai Phẩm (bắt tất cả trí thức, văn nghệ sĩ phản đối sự chỉ huy văn nghệ cuả cộng sản), vụ án "chống đảng" (bắt giam dài hạn sĩ quan, trí thức không đồng chánh kiến).  Cộng sản Việt Nam học theo đúng bài bản Liên Xô trong thế chiến thứ nhì (tiêu diệt tập thể những người yêu nước Ba Lan để thay thế bằng những đảng viện cộng sản Ba Lan), ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, tiêu diệt ngay chính đồng bào mình.

Vụ tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế là một dấu mốc trong tiến trình xâm lăng VNCH, nhắm đặt toàn thể nước Việt Nam dưới sự cai trị của cộng sản.  Sau năm 1954, khi người Pháp rút lui, đất nước bị chia hai.  Đáng lẽ cả hai miền Nam và Bắc thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đất nước sau cuộc chiến 1946-1954, và chuẩn bị thống nhất đất nước một cách hòa bình trong tình anh em ruột thịt một nhà, các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt quyết tâm thôn tính miền Nam bằng võ lực.(42)

Các cấp lãnh đạo cộng sản không thể bằng những phương thức hỏa mù chính trị, đổ tội cho những nhân vật cấp thấp hay rất thấp.  Ví dụ ở Huế, cộng sản tuyên truyền đổ tội cho Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, trong khi ai cũng biết những người nầy chỉ là những kẻ ăn theo chạy dọi, những người theo phong trào.  Những người nầy, nhất là Hoàng Phủ Ngọc Phan (em của Hoàng Phủ Ngọc Tường), Nguyễn Đắc Xuân đã xuất đầu lộ diện, hăng hái chỉ huy cuộc lùng bắt, tấn công, trước sự chứng kiến của dân chúng Huế, nên đành phải chịu tai tiếng suốt đời.  Cộng Sản dùng họ làm những con cờ thí.  Các cấp lãnh đạo của cộng sản hy vọng lớp bụi thời gian sẽ lần lần che phủ những dấu vết tội lỗi của cộng sản.

Về các lực lượng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân:

1) Rõ ràng du kích cộng sản miền Nam đã hoàn toàn thất bại.  Đại bộ phận lực lượng MTDTGPMNVN bị tiêu diệt.  Nhiều tài liệu của phía CSVN cho thấy MTDTGPMNVN hầu như kiệt quệ sau vụ Mậu Thân.  Cuộc tổng công kích không được dân chúng hưởng ứng.  Dưới lằn đạn của du kích CS, dân chúng hướng về phía quân đội VNCH hay quân đội Hoa Kỳ để tìm đường sống, chứ không ai chạy theo CS cả.

2) Quân lực VNCH bị tấn công bất ngờ, nhưng đã phản ứng kịp thời, nhanh chóng và mạnh mẽ. Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, đã viết: "Quân độiNam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968."(43)  Sau  Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington, đã nhấn mạnh: "Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.”(44) 

3) Quân du kích CSVN tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn nhắm mục đích gây tiếng vang chính trị, nhưng trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Việt Cộng tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng Hoa Kỳ, mà chỉ nhắm tấn công vào quân lực VNCH.  Vì vậy, quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh chỉ hoạt động để giúp đỡ quân dội VNCH.  Do đó có người cho rằng quân đội Hoa Kỳ phản ứng chậm.  Lực lượng Hoa Kỳ và Đồng minh thiệt hại tương đối nhẹ. 

Tuy nhiên việc CSVN tấn công vào các thành phố đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ hoang mang về tình hình an ninh ở Việt Nam, khiến họ tránh đến Việt Nam đầu tư, làm ăn buôn bán. Quan trọng hơn nữa, dân chúng Hoa Kỳ ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, chỉ theo dõi tình hình qua truyền hình và báo chí.  Lúc đó truyền hình và báo chí thiên tả hoạt động mạnh, tô đậm chiến tranh Việt Nam, khiến cho dân chúng Hoa Kỳ lo ngại cho thân nhân của họ đang thi hành quân dịch ở Việt Nam.  Việc nầy tạo cơ hội cho các phong trào phản chiến đòi rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam hoạt động mạnh hơn nữa.  Chỉ khi nào quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, Bắc Việt cộng sản mới hy vọng chiến thắng ở miền Nam.  Dầu thế nào, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cũng ảnh hưởng sâu rộng đến chính trường Hoa Kỳ. 

Ngày 23-2-1968, tổng thống Lyndon Johnson cử tướng Earle G. Wheeler sang Việt Nam tìm hiểu tình hình tại chỗ.  Tướng Wesmoreland, tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị tăng 206, 000 quân Hoa Kỳ vào Việt Nam.  Ngày 1-3-1968, quyết định cử Clark Clifford giữ chức bộ trưởng Quốc phòng thay Robert Mc Namara.  Ngày  22-3-1968, Lyndon Johnson cử tướng Abrams, tư lệnh phó MACV thay tướng Westmoreland.  Ngày 30-3-1968, tổng thống tuyên bố không tái ứng cử và xúc tiến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị trên bàn hội nghị. Từ năm 1969, Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh, mở đầu cho việc rút quân Hoa Kỳ sau nầy... 

4)  Như đã trình bày ở trên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cộng sản Bắc Việt.  Sau năm 1975, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên quan trọng trong MTDTGPMNVN cho rằng “Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam.”(45) Thật ra, Hà Nội không sai lầm, mà Hà Nội tính toán trước việc nầy, dầu thắng hay bại, CS Hà Nội đều hưởng lợi (đã trình bày ở trên).  Khi quân đội MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, cộng sản Hà Nội liền ào ạt gởi quân vào Nam để tăng viện, điền trám chỗ trống, giữ vững quân đội du kích cộng sản khỏi bị suy sụp.  Từ đó, CS Bắc Việt hoàn toàn điều khiển MTGPDTMNVN, và loại bỏ những thành phần miền Namvốn không tuân phục quyền lực Hà Nội trong MTDTGPMNVN.  Ngoài ra, Hà Nội khá lợi thế trên chính trường quốc tế trong việc thương lượng để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho chiến tranh Việt Nam.

Cuối cùng, dầu bên nào thành công, bên nào thất bại, thiệt thòi nhất vẫn là dân chúng Việt Nam.  Người Việt Nam ở cả Bắc lẫn Nam Việt Nam đã mất mát nặng nề trong vụ Mậu Thân.  “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một vị tướng thành công thì có cả hàng vạn người chết).  Xin chú ý thêm rằng Mậu Thân mới chỉ là một trận đánh, trong nhiều trận đánh của cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa kéo dài trong 30 năm trên quê hương Việt Nam, do Hồ Chí Minh và đảng CSVN gây ra, khiến khoảng 3 triệu người đã bỏ mạng. 

Theo tin các báo, ngày 22-1-2008, tổng thống Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn hay Nam Triều Tiên) Roh Moo-hyun đã xin lỗi dân chúng Đại Hàn vì cảnh sát và quân đội đã xử tử không thông qua xét xử 870 người ở thành phố Ulsan trong tháng 7 và tháng 8-1950 do dính líu đến hoạt động của cộng sản trong thời gian đầu của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. 

Trong khi đó, cũng theo tin các báo, từ ngày 18-6-2008 đến ngày 27-6-2008, Viện Nghiên cứu Vùng và Quốc tế của Đại học Princeton đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội về đề tài “Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam: nguồn gốc, hệ lụy và hậu quả”.  Trong khóa hội thảo nầy, giáo sư Nguyễn Đình Lê, phó tiến sĩ khoa Lịch sử, hiện giảng dạy tại Đai học Quốc gia Hà Nội, đã chối tội cho chế độ Hà Nội bằng cách lập luận rằng vụ thảm sát Tết Mậu Thân là do Mỹ ngụy tạo để đổ lỗi cho CSVN (?). 

Cộng Sản Việt Nam đã không nhận lỗi mà còn cho một giáo sư chối tội hết sức ấu trĩ, vì lối bào chữa của ông Nguyễn Đình Lê thật đúng là “Lấy vải thưa che mắt thánh” (tục ngữ).  Nếu quả thật quân nhân Mỹ phạm một trọng tội như vậy, chắc chắn CSVN đã la làng từ 40 năm nay, chứ không phải đợi đến bây giờ ông giáo sư đại học Hà Nội mới lên tiếng.  Và nếu quả thật quân đội Mỹ phạm trọng tội như vậy thì chẳng những CSVN la làng, mà truyền thông Tây phương (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, sách vở) cũng đã làm rùm ben, khai thác triệt để, chắc chắn còn hơn cả vụ Mỹ Lai.  Ngoài ra, những nhân chứng người Việt hay người ngoại quốc về vụ Mậu Thân hiện nay còn sống ở Huế hay ở khắp nơi trên thế giới.  Những hình ảnh rùng rợn về Tết Mậu Than vẫn còn đó, hàng ngày xuất hiện trên báo chí hay trên các website khắp toàn cầu.

Mới đây, ngày 1-2-2008, CSVN tổ chức các cuộc diễn hành của lực lượng võ trang, kể cả cựu chiến binh tại Sài Gòn để ăn mừng “chiến thắng” Mậu Thân, trong khi hàng vạn gia đình Việt Nam âm thầm tổ chức lễ kỵ giỗ để tưởng nhớ thân nhân của mình đã từ trần trong vụ Mậu Thân..

"Trăm năm bia đá thì mòn,/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ ".  Vụ án Trần Thủ Độ giết con cháu nhà Lý năm 1232, dù tối đa chỉ vài trăm người, đã trên bảy trăm năm, ngày nay sử sách vẫn còn nhắc nhở, và sẽ mãi mãi nhắc nhở.  Sự dã man của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội qua biến cố Tết Mậu Thân, đậm nét không kém gì những vụ án dã man khác của đảng Cộng Sản, chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của người Việt.

TRẦN GIA PHỤNG
(TorontoCanada)

CHÚ THÍCH:

32.    *  Phạm Văn Sơn (chủ biên), sđd. tr. 35. *  Don Oberdorfer, sđd. trang đầu sách: "Tặng những người đã hy sinh (từ 29-1 đến 31-3-1968)", không ghi số trang.
33.    Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm
34.    David T. Zabecki, "Huê, Battle of (1968)", bđd., sđd. tr. 304.
35.    Stéphane Courtois và một số tác giả, sđđ. tr. 572.
36.    Don Oberdorfer, sđd. tr. 45.  Nguyên văn: "We had nothing to do with it.  The [National Liberation] Front put it on."
37.    Thành Tín [Bùi Tín], sđd.  tt. 185-186.
38.    Sau biến cố năm 1945, trên toàn cõi Việt Nam, rất nhiều người bị thủ tiêu.  Sau đây là ví dụ vài nhân vật có tiếng: ở Bắc: Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Chu Khải, Trương Tử Anh, Khái Hưng...; ở Trung: Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, Tạ Thu Thâu...; ở nam: Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ ... Tổng số người bị thủ tiêu trong thời gian nầy trên toàn cõi Việt Nam từ thượng tầng đến hạ tầng ở thôn xã lên đến khoảng vài trăm ngàn người.
39.    Trong "Bạch thư Cao Đài giáo", viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, do vị đại diện đạo Cao Đài là Ngọc Sách Thanh đưa ra ngày 9-4-1999 tại San Bernardino, California, gởi cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Uỷ ban Quốc tế Nhân quyền, thì chỉ trong ba tuần lễ kể từ 19-8-1945, tại Quảng Ngãi, VM cộng sản đã giết bằng nhiều cách 2.791 người, vừa chức sắc, chức việc, vừa tín hữu Cao Đài giáo, kể cả phụ nữ và trẻ em," như chém đầu, chôn sống, thả biển, và cả hình thức "tùng xẻo" thời trung cổ." [nguyên văn] 
40.    Nguyễn Long Thành NamPhật giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộcCalifornia: Nxb. Đuốc Từ Bi, 1991, tr. 359.
41.    Theo tài liệu của Nguyễn Long Thành Nam trong sách đã dẫn và của Huỳnh Tâm, Cao Đài dưới chế độ cộng sản Việt Nam, Paris: Ban Đạo Sử Đạo Cao Đài, 1994.
42.    Ngày nay, ai cũng thấy rõ ràng: Đông Đức và Tây Đức thống nhất không đổ máu;  Bắc Hàn và Nam Hàn hiện bắt tay bàn chuyện giúp đỡ và thống nhất; Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Đài Loan tuy tranh chấp về chính trị và quân sự nhưng vẫn giữ nguyên tình trạng cũ.
43.    Yves Gras [tướng lãnh Pháp], "L'autre armée Vietnamienne, L'engagement des Vietnamiens dans la guerre d'Indochine (1945-1975)", đăng trong sách Indochine: Alerte à l'histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d'Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l'Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d'Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279. Nguyên bản Pháp văn câu nầy là: "L'armée sud-vietnamienne joue un rôle capital dans les combats qui brisent l'offensive nordiste du Têt Mau Than en février 1968..."
44.    Tường trình của tướng Earle G. Wheeler (1908-1975) được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài viết của Yves Gras đã trích dẫn ở trên.  Nguyên bản Pháp văn Yves Gras dịch của Wheeler: "Les forces armées de la République du Vietnam ont résisté à l'assaut initial avec une force surprenante."
45.    Peter Macdonald, Giap, the Victor in VietnamNew York: W.W. Norton & Company, 1993, p. 268.  Nguyễn Đức Cung trích dẫn, “Từ ấp chiến lược đến biến cố Tết Mậu Thân”, tập san Định Hướng, Paris: số 51, Mùa Xuân 2008.



No comments:

Post a Comment