Saturday, February 5, 2011

Trọng Ðạt-TẾT MẬU THÂN 1968 1-2

TẾT MẬU THÂN 1968 (1)
Trọng Ðạt

Trước hết chúng tôi xin sơ lược về:

Tình hình quân sự miền Nam thập niên 60 trước khi sẩy ra cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân.

medium_TQLC-My-MauThan-Hue.jpg

Một đơn vị Hoa Kỳ trong trận đánh ở thành phố Huế.

Sau khi thất bại trong việc đề nghị hiệp thương năm 1957 với chính phủ VNCH, bị ông Ngô Ðình Diệm từ chối, chính quyền CSBV quyết thôn tính miền Nam bằng bạo lực, sống chết cũng phải chiếm cho được cái vựa lúa miền Nam. Từ những năm cuối thập niên 50, họ bắt đầu chuyển quân xâm nhập, đưa những cán binh tập kết trở về quê quán để thiết lập hạ tầng cơ sở rồi phát động “chiến tranh giải phóng”.

Từ 1960, các hoạt động của CS chỉ xử dụng những đơn vị nhỏ du kích tấn công đánh đổ mọi nỗ lực xây dựng Quốc gia của ta, địch nhắm vào khủng bố, ám sát bắt cóc, phá hoại… Lần đầu tiên cấp tiểu đoàn đuợc VC xử dụng tại trận Ấp Bắc, trong năm 1961 được leo thang bằng nhiều tiểu đoàn, chính phủ VNCH bèn thành lập thêm nhiều đơn vị chiến đấu, tăng cường các lực lượng địa phương để bắt đầu công cuộc bình định và xây dựng nông thôn. Trong khi đó người Mỹ gia tăng yểm trợ về quân viện và gửi nhiều cố vấn sang huấn luyện các đơn vị VNCH, dần dần các kế hoạch của miền Nam đã làm chậm và giảm các hoạt động của CS cho đến cuối 1962. Từ những năm 1963, 1964 tình hình chính trị xáo trộn vì biểu tình, đảo chính… khiến VC chớp thời cơ để phá hoại kế hoạch an ninh của miền Nam, gia tăng xâm nhập các ấp chiến lược, nhiều đơn vị Ðịa phương quân bị thiệt hại. Cuối năm 1964 các tiểu đoàn VC được tập hợp lại thành Trung đoàn, các Trung đoàn thành Sư đoàn.

Cuối năm 1964 trận Bình Giả do Công trường 9 (tương đương một sư đoàn) tấn công vào làng Công giáo Bình Giả phía Ðông Sài Gòn là nổi tiếng. Trong trận này VC phục kích tiêu diệt một tiểu đoàn BÐQ, một tiểu đoàn TQLC và gây thiệt hại cho lực lượng thiết giáp tăng cường, đây là thử thách quân sự khởi đầu cho miền Nam VN. Tình hình chiến sự ngày càng mở rộng leo thang, cuộc chiến tranh Ðông Dương đã được quốc tế hoá từ 1950 khi Trung Cộng bắt đầu viện trợ vũ khí ồ ạt cho Việt Minh, tháng 10 năm ấy người Mỹ vội nhẩy vào vòng chiến, họ viện trợ cho Pháp 300 triệu đô la quân viện. Nay cuộc chiến lại càng được Quốc tế hoá hơn nữa. Nga sô Trung Cộng mặc dù chia rẽ nhưng vẫn hiệp lực yểm trợ vũ khí, kinh tế tối đa cho BV và xúi dục BV tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ để làm suy yếu Ðế quốc, BV đã trở thành quân tốt lợi hại cho CS quốc tế.

Ðầu năm 1965 quân đội chính qui CSBV bắt đầu hoạt động tại miền Nam, Trung đoàn đầu tiên là 95 đã vào sát Kontum từ tháng 12-1965, họ dự định cắt VNCH làm hai phần theo Quốc lộ 19. Giữa năm 1965 miền Nam bị thiệt hại nhiều, trung bình trong một tuần mất một tiểu đoàn và mất một quận, tình hình nguy ngập đến mức báo động, người Mỹ phải đổ quân đến cứu nguy VNCH đang có nguy cơ sụp đổ, sau đó từ tháng 8 các đơn vị Mỹ đi tìm và diệt địch. Quân đội VNCH lại bị tổn thất nặng cuối năm 1965 tại trận Ðồng Xoài khi Công trường 9 đánh tan nát Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5 tại vùng đồn điền Michelin phía Bắc Sài Gòn.

Nhờ can thiệp của Hoa Kỳ, VNCH đã lấy được thăng bằng, những năm 1965,1966, 1967 nhiều đơn vị chính qui BV được đưa vào Nam, họ đụng độ nhiều trận lớn với Mỹ và bị thương vong rất nhiều vì hoả lực Mỹ mạnh chính xác, Cộng quân bị kiệt lực, bổ sung không kịp. Hoả lực Mỹ quá mạnh nên CSBV không dám đánh trực diện, không quân, pháo binh Mỹ bắn ồ ạt gây tàn phá mạnh, các nơi sẩy ra đụng độ thường là miền duyên hải, cao nguyên, giới tuyến và vùng biên giới Việt Miên, Lào.. Trong khoảng thời gian này Mỹ cùng vớiø Ðồng Minh và VNCH gia tăng hành quân tấn công để phá hủy các mật khu CS như chiến khu C, D tại phía bắc Sàigòn, tại Pleiku, Komtum, Bắc Quảng Trị tạo thuận lợi cho chương trình bình định phát triển. CSBV mất thế chủ động bị đẩy lui khỏi các vùng đông dân cư và các vùng tranh chấp, Cộng quân suy yếu rõ rệt. Năm 1967 CSBV tiếp tục chủ động tại khu phi quân sự và các vùng hẻo lánh, sâu về hướng Nam không còn hoạt động nào đáng kể nữa.

BV lên kế hoạch tổ chức những cuộc tấn công qui mô để hòng soay ngược thế cờ, cuối năm 1967 tin tình báo ghi nhận CSBV xân nhập nhiều người và tiếp liệu qua đường mòn Hồ Chí Minh và theo các trục giao liên. Giới chức quân sự VNCH không coi đó là một sự báo động.

Sài Gòn và các tỉnh miền Nam tưng bừng đón xuân, các vũ trường đầy ắp nhữøng cặp trai thanh gái lịch lả lướt bên điệu nhạc du dương. Năm 1968 dân Sài Gòn ăn Tết lớn hơn mọi năm, nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh, đỏ đen cờ bạc khắp phố phường … Trong khi ấy Tướng Wesmoreland họp báo ở Mỹ nói tình hình Việt Nam đã khả quan, Hoa Kỳ có thể rút quân từ 1969.

Diễn tiến quân sự trong phần này chúng tôi dựa theo cuốn Mậu Thân 68 Thắng Hay Bại của Chánh Ðạo và có tham khảo thêm trong các sách của Nguyễn Ðức Phương, của Tướng Hoàng Lạc.

Giao Thừa Mậu Thân tối 29-1, các gia đình nhang đèn, hoa quả cúng giao thừa, đời sống sung túc khiến cho ngày xuân 1968 tưng bừng náo nhiệt hơn những năm trước. Bất ngờ đặc công VC tấn công Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Ðộc Lập, Bộ Tư Lệnh Hải quân, Phi trường Tân sơn nhất.. VC tấn công đồng loạt 28 tỉnh và thị trấn. Hà Nội ra lệnh hoãn cuộc tấn công 24 giờ đồng hồ, các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Bình Ðịnh, Pleiku.. khai hoả trước nên miền Nam kịp thời cảnh giác. Hà Nội đã cho điều động khoảng 100 tiểu đoàn vào cuộc Tổng công kích đại qui mô này. Lực lượng được chia ra như sau:

- 35 tiểu đoàn và 18 đại đội tại Vùng 1,

- 28 tiểu đoàn tại Vùng 2,

- 15 tiểu đoàn tại Vùng 3,

- 19 tiểu đoàn tại Vùng 4,

Tổng cộng 84 ngàn người, hầu hết thuộc Mặt Trận Giải Phóng, ngày 21-1-1968 Hà Nội chọn Giao thừa là giờ tấn công .

Bắc Việt vờ pháo kích Khe Sanh dữ dội để đánh lạc hướng VNCH và Ðồng minh. Thời điểm này, mặc dù VC không có vũ khí nặng như xe tăng đại bác, chúng chỉ có vũ khí cá nhân nhưng đã được CS quốc tế trang bị súng ống tối tân như AK, B-40, B-41. Bắc Việt chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích y như quân Nhật đảo chính Pháp năm 1945, mặc dù họ bảo mật rất kỹ nhưng một cuộc hành quân lớn như vậy cũng không thể giữ bí mật hoàn toàn được. Năm 1967 Bắc Việt vờ hoà hoãn với Mỹ để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, năm 1967 Quân đội BV bị thất bại nhiều, tử vong lên cao. Trong cuộc hành quân tại Dakto người Mỹ đã bắt được một số tài liệu cho biết Cộng quân sẽ đánh lớn nhưng chưa biết vào thời điểm nào. Trước Tết Tướng Wesmoreland đã tìm gặp Nguyễn Văn Thiệu để báo cáo âm mưu của địch và yêu cầu chỉ hưu chiến 24 giờ nhưng ông Thiệu không tin và vẫn cho hưu chiến 36 giờ. Năm nay Liên danh Thiệu Kỳ đắc cử 35% số phiếu ngày 3-9-1967, ông Thiệu muốn nhân dân phải ăn Tết cho thật to, cảnh sát làm ngơ cho dân chúng đốt pháo thả dàn đêm Giao thừa.


Thiếu tá Cảnh Sát Liên Thành, cựu Phó ty cảnh sát Thừa thiên 1968, cho biết trước Tết ta đã nhận đượïc nhiều dấu hiệu cho thấy VC sẽ tấn công, tiểu đoàn đặc công K1 của VC đã đột nhập Huế, ông bèn trình lên Tỉnh trưởng rồi cả ông và Tỉnh trưởng cùng đến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 1 trình bầy với Tướng Trưởng nhưng tin tức không được chú ý. Tại Quân khu 1, sáng mồng 1 Tết (30-1) Ðại Tá Nguyễn Duy Hinh, Xử lý thường vụ tham mưu trưởng Quân đoàn 1 đã nhấc điện thoại báo cáo Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Vùng 1 khi VC pháo kích gần tư thất ông nhưng Tướng Lãm không tin cắt ngang cuộc điện đàm. Ngoài ta Trung Tướng Stone Tư lệnh Sư đoàn 4 BB Mỹ ở Cao Nguyên thu được tài liệu của VC nói về kế hoạch tấn công Pleiku, ông vội thông báo cho Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng 2 nhưng ông này không tin và bỏ về Sài Gòn ăn Tết.

Trận Tổng công kích do Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Hà Nội. Giao Thừa 29-1 rạng ngày 30-1-1968 Việt Cộng đồng loạt pháo kích tấn công 6 tỉnh và thị xã Vùng 1 và 2.

- Tại Vùng 1, VC pháo kích phi trường Ðà nẵng, đặc công đột nhập Bộ Tư Lệnh QÐ1 và thị xã Hội An.

- Tại Vùng 2, thị xã Nha Trang bị tấn công nửa đêm mồng 1 Tết ( 30-1), Ban Mê Thuột bị đánh lúc 1giờ 30, Tân Cảnh lúc 2 giờ, Kontum lúc 2 giờ, Pleiku, Tuy Hoà lúc 4 giờ 30, Qui Nhơn lúc 4 giờ 10. VC pháo kích các căn cứ Mỹ tại Ðà Nẵng, Pleiku phá hủy 20 máy bay, tại Bồng Sơn nhiều máy bay thuộc Sư đoàn 1 không kỵ Mỹ bị hư hại.


Các thị trấn lớn và Sài Gòn vẫn chưa thức tỉnh , đài Sài Gòn lúc 9 giờ 30 sáng 30-1-1968 cho phát thanh bản tin hủy bỏ hưu chiến vì CS bội ước tại Vùng 1 và 2. Ðịch bảo mật kỹ lưỡng nên khi cuộc Tổng công kích nổ ra đã khiến các viên chức Việt Mỹ bối rối và lúng túng. Khi VC tấn công các tỉnh Cao nguyên, duyên hải, Quân khu 1 đã ban hành lệnh hủy bỏ hưu chiến từ sáng 1 Tết nhưng vẫn không ngăn được bộ đội CS tiến vào Huế.

Vùng 1 và Vùng 2 là chiến trường gay go nhất miền Nam vì tiếp giáp với vùng Hoả tuyến, nơi diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu giữa BV và Ðồng minh từ 1965. Tại Vùng 2 VNCH có 2 sư đoàn, 1 sư đoàn Mỹ (SÐ4), 2 sư đoàn Ðại Hàn trách nhiệm từ Bình Ðịnh tới Phan Rang, Tư Lệnh QÐ-2, Trung tướng Vĩnh Lộc. Trong trận Tổng công kích 1968 này, Vùng 2 bị tấn công sớm nhất, đúng Giao Thừa. Theo Tướng Hoàng Lạc, Hà Nội đổi giờ tấn công trễ hơn 24 giờ nhưng tại Vùng 2, VC chưa được nghe lệnh, khai hỏa sớm nên các tỉnh miền Nam kịp thời ứng chiến.

Trong năm tỉnh duyên hải Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận… Tiểu khu Khánh Hoà bị tấn công trước nhất trong dịp Mậu Thân sau Giao Thừa, Qui Nhơn tờ mờ sáng mồng 1 Tết, Tuy Hoà, Phan Thiết bị tấn công đêm 1 rạng mồng 2 Tết, Phan Rang yên tĩnh. Các cuộc hành quân tại Vùng 2 của Mỹ và VNCH đã bắt được các tài liệu về kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột, Qui Nhơn. Lực lương an ninh bắt được 11 cán bộ VC tại Qui Nhơn cuối tháng 1-1968 đang hội họp, tù binh VC khai họ sẽ tấn công Qui nhơn và các thành phố khác trong dịp Tết, nhóm này cũng có một cuộn băng ghi âm lời kêu gọi quần chúng nổi dậy. Cuộn băng được đưa về Bộ TTM ngày 29-1 (ba mươi Tết), từ đó lệnh phòng thủ được ban ra nhưng cũng không được quan tâm mấy.


Dân số Nha Trang nếu kể cả ngoại ô là 200 ngàn người, tại đây có nhiều cơ sở quân sự quan trọng, Nha Trang cũng là một thành phố du lịch. Trước Tết tiểu khu Khánh Hoà có tin CS chuẩn bị tấn công thị xã bằng một trung đoàn và 4 đại đội đặc công, Sư đoàn Ðại Hàn bèn mở cuộc truy lùng nhưng không có kết quả. Kế hoạch VC chia làm 3 toán:

- Toán 1 có 800 người, đột nhập vòng đai thị xã tấn công phía Tây thành phố;

- Toán 2 có 130 người tấn công tiểu khu, toà tỉnh;

- Toán 3 có 111 người tấn công các trại truyền tin, ngăn chận viện binh từ Bình Long.

Khu uỷ dự định tổ chức các cuộc biểu tình kéo về Ty thông tin để hỗ trợ sự thành lập chính phủ Liên Hiệp và đòi Mỹ rút quân. Ðài phát thanh chỉ có một trung đội 20 người bảo vệ, bị VC tấn công nhưng không bị thiệt hại, địch bị đẩy lui trong đêm. Quân đội VNCH tấn công bộ chỉ huy tiền phương Cộng quân tại đồi trại Thuỷ khiến địch phải rút lui. Hơn một đại đội VC và đặc công tấn công tiểu đoàn Truyền tin 651 bị đẩy lui. Tiểu khu, Toà hành chánh bị hai đại đội đặc công 56 tên tiến đánh nhưng thất bại, địch để lại gần 40 xác chết.


Một tiểu đội đặc công đột nhập Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận giết 11 người của ta, 2 đại đội Biệt cách dù được đưa tới giải toả, phía VNCH bi thương khá nhiều. Sáng ngày mồng một Tết các đơn vị ta nỗ lực giải toả đồi trại Thuỷ, Toà hành chánh, Tiểu khu và Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận. Từ 4 giờ chiều mồng 1 ta đã làm chủ tình hình thị xã. Ðêm 2 Tết VC tấn công trở lại, VNCH chết 46 người, địch khoảng 100 người, đêm mồng 2 địch chiếm đồi trại Thủy, một đại đội biệt kích tới giải toả, tổn thất hai bên đều cao.

Cộng quân không biết đường đi lạc lung tung trong thị xã bị bắt gần hết, dân chúng giúp chính quyền bắt giặc, trên ngực các cán binh đều mang khẩu hiệu quyết chiến. Bộ đội CS toàn là lính trẻ từ 16 tới 20, quần áo không thống nhất, tổng cộng 77 tên bị bắt, ngoài ra ta bắt thêm 53 tên nằm vùng nhờ tù binh khai báo. Tổng kết VNCH chết gần 90 người, CS chết 377 tên, 80 bị bắt, 600 gia đình tại đây bị tan nát nhà cửa phải vào trại tiếp cư.


Tại Qui Nhơn lực lượng địch có 200 người gồm hai tiểu đoàn đặc công và bộ binh. Từ 4 giờ sáng mồng một Tết địch tràn vào khu 22 ANQÐ để giải thoát các tù binh CS, mũi thứ hai đánh nhà ga, tràn vào khu đông dân để lùa họ đi biểu tình. Cộng quân chiếm đài phát thanh. Các đơn vị VNCH và Ðại Hàn tới giải toả vùng lân cận đài phát thanh, VC chết 50 tên. Sáng 2 Tết ta phản công đài phát thanh bắt sống 12 tên, giết 24 tên tại nhà ga. Chiều 24 Tết, một tiểu đoàn BB đến giải toả nhà ga. Lực lượng VNCH và Ðại Hàn tiếp tục hành quân lục soát đến ngày mồng 5 Tết giết 110 VC, bắt sống 175 tên.

Tại Cao nguyên vùng 2 có độ cao trung bình 1000 m, toàn cao nguyên có 4 thị trấn lớn Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Ðà Lạt. Trước năm 1968 tình hình ở đây lắng dịu.

CS đưa 3500 quân vào mặt trận Ban Mê Thuột làm 3 mũi dùi: họ tấn công toà hành chánh và tiểu khu; tấn công khu quân sự phía tây BMT; địa phương quân và du kích chiếm các khu đông dân cư. Sư đoàn 23 BB hành quân thám sát chạm súng VC nhưng địch đã vào vòng đai thành phố tấn công đúng kế hoạch.
Mặc dù đánh bất ngờ VC cũng không chiếm được một căn cứ quân sự nào, VNCH mất 4 thiết giáp, sáng mồng một Tết ta đã chiếm được những đường phố chính trong khi nhiều đơn vị được đưa về giải vây Ban Mê Thuột, trong ngày mồng một có 100 cán binh bị bắn hạ, ngày thứ hai ta tiếp tục giải toả, giết 60 VC, bắt sống 10 tên khác cho tới mồng 6 Tết coi như cuộc tấn công bị hoàn toàn bẻ gẫy. Tới đêm 3-1 Trung đoàn 33 Cộng quân lại tấn công vào tỉnh lỵ nhưng đã bị đẩy lui. Tổng cộng có tới 924 VC bị tử thương và 143 tên bị bắt, phía VNCH có 148 người thiệt mạng, hơn 300 bị thương, 176 thường dân chết oan , 4,000 nhà bị đốt cháy, hư hại, trên 18 ngàn người phải vào các trại tạm cư. Phía VNCH thắng lớn tại Ban Mê Thuột do đề cao cảnh giác nhờ Mỹ cho biết trước địch sắp đánh lớn.


KonTum là thị trấn địa đầu của vùng Cao Nguyên dân cư 100 ngàn người. Ðầu năm 1968 có nhiều dấu hiệu cho thấy VC chuẩn bị tấn công Kontum. Lực lượng CS tại đây gồm 2 trung đoàn, VNCH có trung đoàn 42, 2 đại đội trinh sát, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một chi đội chiến xa M-41, 25 đại đội Ðịa phương quân gồm 2600 người, gần 3000 nghĩa quân, Lực lượng Mỹ tại tân Cảnh có Lữ đoàn Dù 173.


Cộng quân chia làm 2 cánh : cánh thứ nhất gồm 2 tiểu đoàn chủ lực và tiểu đoàn đặc công để đột nhập tỉnh lỵ, chiếm đóng các trụ sở. Cánh thứ hai là trung đoàn 24 có nhiệm vụ đánh chận quân tiếp viện của VNCH. Giờ giao thừa địch tấn công toà hành chánh, ấp tân sinh phía đông thị xã, đột nhập khu cư xá sĩ quan. Khi trời rạng sáng ta phản công giải toả khu vực toà hành chánh, chiều mồng một Tết VC mở cuộc tấn công lần thứ hai nhưng phía VNCH vẫn giữ vững phòng tuyến . Khi trời sáng địch bị thiệt hại rút lui, khuya mồng hai Tết họ tấn công đợt ba vào toà hành chánh, trụ sở MACV… pháo binh, trực thăng của VNCH và Mỹ hoạt động không ngừng, VC rút lui lúc sáng để lại trên 100 xác chết sau đó phía ta giành quyền chủ động.


Tại Tân Cảnh phía Bắc Kontum, địch tấn công đêm giao thừa, VNCH giải tỏa ngày mồng 1, toàn bộ trận Kontum phía ta chết 54 người, bị thương 135 người, Việt Cộng chết khoảng 500 , 38 tên bị bắt, chỉ có 12 thường dân tử thương, nhiều nhà cửa bị tàn phá.


Tại Pleiku Cộng quân tấn công đêm giao thừa, Phan Thiết, Tuy Hoà đêm 1 rạng mồng 2, Ðà Lạt nửa đêm mồng 3.

Pleiku là thủ phủ của Vùng 2, dân số 50 ngàn người đa số là đồng bào Thượng , đây là một vùng đất đỏ mầu mỡ. Một tiểu đoàn địa phương và một trung đoàn CS tấn công Pleiku sáng mồng một Tết, vì tấn công ban ngày trên những sườn đồi trọc địch đã trở thành mục tiêu ngon lành cho thiết giáp của VNCH, cuộc tấn công chấm dứt trong ngày, ta chết 7, bị thương 22 người, 103 cán binh CS bị giết, sáng mồng 4 Tết khoảng 2 trung đoàn CS mở cuộc tấn công đợt hai bị máy bay bắn phá dữ dội, trên 600 VC bỏ xác tại trận với gần 200 vũ khí các loại, 180 tên bị bắt làm tù binh.


Tại Phan Thiết, dân số độ 50 ngàn người, Cộng quân tấn công làm 4 đợt: Ðợt 1- Từ 1 tới 7 Tết ba đại đội tấn công đồn Trinh Tường , Tiểu khu tới giải vây, địch tản ra gần đó nhưng vẫn bám trụ, đêm 3 Tết VC được tăng cường thêm hơn một tiểu đoàn, phía VNCH cũng đưa một tiểu đoàn từ Ninh Thuận tới giải vây càn quét địch ra khỏi khu đông dân, quân đội Mỹ cũng tham gia cuộc tảo thanh , ngày 7 Tết Phan Thiết đã bình thường trở lại.


12 ngày sau, tối 17-2, hai tiểu đoàn VC lại tấn công tiểu khu, Ty cảnh sát, nhà lao và dẫn đi hơn 700 phạm nhân. Suốt hai ngày 18 và 19 các lực lượng Việt-Mỹ tiếp tục bắn phá địch dữ dội, hai ngày sau tương đối tạm yên. Ngày 12-3 địch tấn công lần chót vào Phan Thiết nhưng thất bại, toàn bộ trận đánh phía VNCH và Mỹ chết 170 người, bị thương 650 người, thiệt hại vật chất gồm vũ khí, nhiên liệu, đạn dược bị nổ.. 20% nhà cửa bị hư hại. Cộng quân thiệt hại nặng, bị bắn hạ 800 tên , mất 360 súng ống các loại.


Tại Tuy Hoà cuộc tấn công bị bẻ gẫy, VC chết 11 tên.


Ðà Lạt trong dịp này có lệnh xả trại 50% nên quân số chỉ còn hơn 1,000 người. Ðêm mồng 3 khoảng 200 VC tấn công Ðà Lạt, mấy ngày sau địch tăng cường thêm một tiểu đoàn, toàn bộ lực lượng khoảng 1500 tên. Cho tới mồng 6 Tết VNCH mới tăng cường tiểu đoàn Biệt động quân để giải toả thị xã, ngày 9-2 VC chiếm được một ngôi chùa, mấy ngày sau ta đưa thêm BÐQ vào trận địa mới giải toả xong. Thiệt hại vật chất tại thành phố khoảng gần 30%.


Vùng 1 kéo dài từ sông Bến hải cho tới Quảng Ngãi do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh gồm 2 sư đoàn 1 và 2, các lực lượng Ðồng Minh tại đây gồm Sư đoàn 3 TQLC Mỹ cùng nhiều xe tăng đại bác. Tháng 1-1968, Tướng Wesmoreland tăng viện 1 Sư đoàn không kỵ Mỹ, 1 lữ đoàn TQLC Mỹ, 1 lữ đoàn TQLC Ðại Hàn.


Ðà Nẵng nhờ vị trí thiên nhiên đã trở thành vị trí chiến lược hàng đầu của Vùng 1, hầu hết các cơ sở đầu não của Vùng giới tuyến đặt tại đây như Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Không quân, Hải quân Vùng 1. Dân số khoảng 400 ngàn, Ðà Nẵng là thành phố lớn thứ nhì tại miền Nam sau Sài gòn, thành phố có hai phi trường là Ðà Nẵng và Non Nước. VC đã cho một trung đoàn tấn công tối 29-1. Bộ Tổng Tham Mưu đã điện thoại cho Quân đoàn cảnh giác phòng thủ địch, 3 giờ sáng mồng 1 tết, địch tấn công Hội An, đột nhập hàng rào Bộ TL quân đoàn nhưng bị đẩy lui, sáng mồng Một quân đội VNCH tảo thanh, 5 tên bị bắt, âm mưu địch bị bẻ gẫy. Ðêm mồng một Tết Cộng quân tấn công đèo Hải Vân , một tiểu đoàn Dù tăng cường từ Huế tảo thanh vòng đai thị xã giết 150 VC, địch pháo kích vào phi trường Ðà Nẵng Hội An dữ dội bằng hoả tiễn 122 ly.

Huế được coi như trọng điểm thứ 2 sau Sài Gòn, lệnh giới nghiêm được ban hành sáng mồng một Tết nhưng VC vẫn đột

nhập được vào cố đô đêm ấy. Trận đánh kéo dài 25 ngày đêm từ tờ mờ sáng 31-1 cho tới 25-2 tức 27 tháng giêng Mậu Thân. Cả hai bên đều tổn thất nặng, thường dân bị thiệt hại nhiều nhất: 3 quận nội thành gần 1,000 người chết, 784 người bị thương, 4, 450 căn nhà bị phá hủy 100%, 3,300 căn bị hư hại trên 50%, gần 5,000 nhà hư hại dưới 50%.


Tại Vùng Một rừng núi chiếm tới 3/4, tổng số quân VC dự trù để tấn công Huế là 4,200 người mặt trận do Lê Minh chỉ huy, theo Phạm Huấn mới đầu địch tấn công Huế bằng 2 trung đoàn và đặc công, sau tăng cường 2 trung đoàn nữa khiến quân số lên gần 10,000 người, tài liệu khác nói lực lượng địch vào khoảng 5,000 người. Phía VNCH kể cả chính qui, địa phương quân, cảnh sát, nghĩa quân, cán bộ xây dựng nông thôn .. khoảng 25 ngàn người. CS nghi binh pháo kích Khe Sanh đánh lạc hướng VNCH và Mỹ để chuẩn bị Tổng tấn công. Trước Tết vài ngày an ninh lỏng lẻo, nhiều thanh niên lạ mặt xanh xao đi dép râu vào thành phố mà không thấy cảnh sát hỏi han gì. Lê Minh mở thêm mặt trận Phú Lộc và Quảng Trị để phân tán lực lượng VNCH.


Ngày 29-12 Âm lịch
(28-1) Tướng Hoàng Xuân Lãm bay ra Quảng Trị thị sát phòng thủ, lực lượng Cộng sản là một trung đoàn từ Lào qua. Bộ chỉ huy tiểu đoàn 9 Dù bị tấn công, một số đặc công lọt vào thị xã, trận đánh kéo dài suốt ngày 2 Tết (31-1), VC bị tử thương hằng trăm tên, tiểu đoàn 9 Dù phải rút lui. Chiều mồng 2 Tết liên quân Việt Mỹ phản công, trận đánh kéo dài suốt đêm mồng 2 Tết, sáng mồng 3 CS huy động dân chúng vào thị xã biểu tình nhưng bị giải tán , cuộc tấn công bị bẻ gẫy, địch phải rút lui.


Một trung đoàn Cộng quân tấn công Phú Lộc đêm mồng 1 Tết chiếm một số làng, bốn ngày sau một đơn vị TQLC Mỹ từ Bình Ðịnh ra đẩy lui cuộc tấn công của địch.


Tại mặt trận Huế VC thành công hơn các tỉnh khác, địch chiếm được ưu thế về quân sự trong 4, 5 ngày đầu nhưng từ ngày mồng 8 trở đi cường độ trận chiến giảm, Cộng quân di tản thương binh và tù binh đi, lấy chiến lợi phẩm mang theo.
Mặt trận Bắc Huế: Ðặc công phá cổng cửa Chính tây cho một tiểu đoàn chính qui CS vào thành nội đêm mồng một Tết. Tại khu vực An Hoà phía Tây Nam, một tiểu đoàn địch tấn công chiếm làng An Hoà. Tại đồn Mang cá quân đội VNCH phản ứng mãnh liệt, Chuẩn tướng Trưởng đóng ở Mang Cá, mồng 2 Tết một tiểu đoàn Dù được điều động từ Tử Hạ về giải toả. Thiết đoàn 7 được đưa tới giải toả thành nội, trưa mồng 2 có thêm xe tăng của Mỹ nên đã vào được thành phố. Tại sân bay Tây Lộc, đặc công đột nhập phi trường đốt kho xăng, kho đạn… giao tranh suốt ngày mồng 2 , sáng hôm sau ta tái chiếm phi trường. Khu Ðại Nội bị chiếm, VC treo cờ trên kỳ đài cho tới 24-2-1968. Khu Ðông Nam, một cánh quân VC chiếm khu Ðông Nam và chợ Ðông Ba. Ty Chiêu Hồi, Ty Thông Tin, Toà Án … bị chiếm, cơ sở bị phá hủy.


Mặt trận phía Nam
(Hữu ngạn) do Thân Trọng Một chỉ huy, lực lượng gồm toàn bộ hai Trung đoàn BB và 4 đại đội đặc công. Mặt trận Tam Thai, đặc công đột nhập vào căn cứ thiết giáp ở Tam Thai, ngày mồng 2 Tết lực lượng phản kích VN tái chiếm, có hai phi cơ lên yểm trợ, đặc công bị bắn chết gần hết trên núi.
Cộng quân xâm nhập thành phố phía hữu ngạn Huế, lực lượng phòng thủ chống cự mãnh liệt, bốn ngày sau VC chiếm đại đội quân cụ, Ty ngân khố, Toà Ðại biểu, Toà Hành chánh, nhà tù… chúng thả 2,000 tù nhân ra gây rối dữ dội, phía VNCH chỉ còn giữ được Tiểu khu, đài phát thanh, bản doanh MACV, bến tầu Hải quân.

Ðồng thời VC cũng mở Mặt trận chính trị, họ thành lập các Ủy ban Cách mạng nhân dân, ngày 14-2-1968 đài Hà Nội tuyên bố đã thành lập một chính quyền cách mạng do Lê Văn Hảo làm chủ tịch, phó chủ tịch Ðào Thị Xuân Yến, Hoàng Phương Thảo. CSBV nặn ra tổ chức Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ và Hoà Bình…, Chủ tịch là Lê Văn Hảo, giáo sư Ðại học Huế và Sài Gòn, họ cũng nặn ra Lực Lượng Nghĩa binh lấy các quân nhân VNCH bị kẹt lại Huế thành lập lực lượng ly khai đả đảo Thiệu Kỳ, nhưng dần dần họ bị hãm hại gần hết.


Ngoài các toán tuyên truyền, Cộng quân còn tổ chức những đơn vị an ninh do Lê Tư, Bẩy Khiêm hai cán bộ an ninh cấp khu chỉ huy, hai tên này đặc trách việc thủ tiêu, bắt bớ các viên chức, sĩ quan VNCH ở hai khu tả và hữu ngạn. Tả Ngạn, Tống Hoàng Nguyên phụ trách an ninh lùng bắt các sĩ quan và viên chức cao cấp Huế và bảo vệ các nhân vật chính trị như Lê Văn Hảo, Thích Ðôn Hậu, Nguyễn Ðoá…Khu hữu ngạn Bẩy Khiêm cho săn bắt các viên chức chính quyền, giết phó tỉnh trưởng Thừa Thiên, bắt sống ông Ðại diện chính phủ, các đảng viên Ðại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng… thường dân bị chết vì bom đạn và bị VC tàn sát rất nhiều.

QÐVNCH đã bắt đầu phản công từ mồng 3 Tết, tại Tả ngạn, chiến đoàn Dù gồm 2 tiểu đoàn và chi đoàn thiết giáp tăng cường tiến về Huế, địch rút vào thành nội, mồng 5 Tết Dù giải toả phi trường Tây Lộc, tái chiếm cửa An Hoà. Trận chiến kéo dài 3, 4 ngày không tiến triển, Cộng quân phá cầu Trường Tiền, ngày 9 Tết địch tăng cường phản công ở khu vực cửa Chánh Ðông. Cả hai bên đều mệt mỏi, VC bắt đầu hết đạn dược, thương vong tại nội thành lên tới 300 người mà không di tản đi được. Ngày mồng 5 Tết Lê Minh họp các cấp chỉ huy CS quyết định rút khỏi Huế, địch tấn công đồn Mang Cá 3 giờ đồng hồ nhưng thất bại. Minh xin Hà Nội tăng viện, được tăng cường một trung đoàn nhưng khi vào Huế bị Lữ đoàn 3 TQLC Mỹ chận đánh tan nát.


Tại mặt trận Hữu ngạn, chiến đoàn Dù giải vây đồn Mang cá, thành nội 3-2, từ ngày mồng 5 Tết quân đội Mỹ cũng tiến vào tham chiến tại thành nội Huế, tiểu đoàn TQLC Mỹ và thiết giáp đổ bộ bến tầu Hải quân, chiến xa Mỹ có hoả lực mạnh. Một tuần sau TQLC Mỹ đã tiêu diệt được gần 1,000 VC, phía Mỹ chỉ có 31 người chết. TQLC Mỹ cũng được đưa vào hữu ngạn, tình hình dã tạm yên.

Sau khi ổn định mặt trận hữu ngạn, Việt Mỹ mở cuộc phản công mới để thanh toán những chốt cảm tử, lực lượng Dù chuyển về Sài Gòn, TQLC ta hành quân cùng với Mỹ. Các đơn vị Mỹ đổ bộ bến Bao Vinh, ngày rằm bắt đầu nắng. Chiến dịch Sóng Thần gồm 6 khu:

A - Ðông Bắc;

B - Chính Ðông gồm chợ Ðông Ba;

C - Tây Bắc gồm phường Tây Lộc;

Ð - Ðông Ðại Nội;

E - Kỳ Ðài, Ngọ Môn;

F - Tây Nam Thành nội.

Các cuộc hành quân tiến chậm vì thời tiết xấu, máy bay không oanh tạc được, ngày 19-2 hai tiểu đoàn VC tấn công một tiểu đoàn TQLC của ta, từ Mang Cá ta bắn 2000 quả pháo để yểm trợ. Tại khu Ðông Ðại Nội, Mỹ và VC tranh nhau từng cao điểm, trận đánh rất khốc liệt. Ngày 19-2 Lê Minh họp các đảng viên và quyết định rút, chúng bắt tù binh đem theo. Từ 22-2 các cấp chỉ huy CS bắt đầu rời thành nội.


Quân đoàn 1 cho lệnh Tổng phản công tái chiếm, hai tiểu đoàn BÐQ được tăng cường, ngày 23-2 Mỹ chiếm một phần thành ở phía Ðông Nam. TQLC ta chiếm cửa hữu, tiến đánh Nam Ðài, Nhà Ðồ. Bốn giờ sáng hôm 22-2 một đại đội thuộc Sư đoàn 1 chiếm kỳ đài. Từ mồng 8 Tết VC đã chuyển tù nhân và thương binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế, ngày 22-2 các đơn vị chủ lực địch bắt đầu rút kéo dài 5 ngày cho đến 26-2 những cán binh cuối cùng rời Huế.

Số cán binh CS bị giết tại Huế được ước lượng trên 2,000 người, phía VNCH có 384 người chết, 1800 bị thương, Mỹ 147 người chết, 857 người bị thương, trận chiến Huế thê thảm và tàn khốc nhất trong cuộc Tổng công kích, tổn thất tại đây cao nhất vì bị địch chiếm gần một tháng . VC tàn sát, chôn sống rất nhiều tù binh gồm quân nhân công chức và tình nghi trên đường rút lui. Từ khi CSBV rút đi các hố chôn người tập thể đã được khai quật, chính quyền đã tìm được khoảng 5,000 xác nạn nhân, khoảng 2,000 người mất tích. Thiếu tá Cảnh Sát Liên Thành, cựu phó ty cảnh sát Thừa Thiên cho biết hồi đó ông điều tra bắt được huyện uỷ Phú Vang tên Hồ Ty, bí danh Sơn Lâm, hắn là người chủ chốt thi hành lệnh của Quân uỷ Trị Thiên thanh toán tất cả những người chúng đã bắt đem theo:

“Tên Sơn Lâm cho biết rằng khi chúng rút lui thì bị quân đội VNCH và Mỹ truy đuổi quá gắt gao, lo cho đơn vị cũng không nổi làm sao lo được cho tù binh. Vả lại số người bị chúng bắt theo quá nhiều đã làm vướng bận không thể rút lui nhanh được, lệnh của quân khu Trị Thiên là giết hết tất cả tù binh. Vụ thảm sát tết Mậu thân tại Huế đến giờ này chúng ta cũng không biết đây là lệnh của quân khu Trị Thiên hay là chính sách của Trung Ương Ðảng Cộng Sản VN, về phía nhà cầm quyền CS thì chúng luôn luôn chối bỏ không có vụ giết trên 5,000 người tại Huế”

Cuộc đối thoại dưới đây giữa Thiếu tá Liên Thành và Sơn Lâm, huyện uỷ Phú Vang cho thấy rõ bộ mặt thật của cái gọi là Giải Phóng:

“Khi dẫn tên Sơn Lâm đi chỉ những hầm chúng chôn xác nạn nhân, tôi hỏi nó:
-Tại sao các anh dã man tàn ác vậy, cũng là người với nhau, không thù oán gì cả mà các anh dùng cuốc đánh vào đầu người ta cho đến chết thì tôi không thể nào tưởng tượng nổi, đối với con vật chúng ta cũng không thể nào làm như vậy.
Nó bảo.
-Các anh phải biết rằng, chúng tôi không có đạn, đạn phải để dành để đánh nhau với các anh chứ đạn đâu mà bắn tù, lệnh trên bảo dùng phương tiện cuốc sẻng, dao búa để thanh toán. Chúng tôi không thể đem theo tù binh được nên phải giết hết, thà giết lầm còn hơn bỏ sót vì biết đâu trong số tù binh đó có người làm tình báo hoặc làm cho CIA, cho nên chúng tôi đâu có tha được”


Trong bài Mậu Thân Ở Huế, ông Nguyễn Lý Tưởng cho biết tại Phú Cam có hơn 300 người đàn ông bị bắt trong nhà thờ,

Những nấm mồ tập thể nạn nhân CS tại Huế

VC đem họ đi giết tập thể tại khe Ðá Mài thuộc quận Nam Hoà Thừa Thiên. Gần hai năm sau người ta mới tìm ra được chỗ này, một số học sinh cũng bị địch giết, Cộng quân chôn sống nghị sĩ Trần Ðiền, Thiếu tá Từ Tôn Kháng. Tỉnh đoàn trưởng xây dựng nông thôn bị trói ngoài sân, bị sẻo tai, sẻo mũi, tra tấn cho đến chết, VC tra tấn, tàn sát các đảng viên Ðại Việt cách mạng tổng cộng khoảng 300 người. Những mồ chôn tập thể tại chùa Áo Vàng, sân trường Gia Hội phường Phú Cát hoặc Phú Cam…có hằng trăm nạn nhân bị chôn sống trong những nấm mồ tập thể. Nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, đánh vỡ sọ bằng cán cuốc, bị bắn hay chôn sống. Ba ông bác sĩ người Ðức, giáo sư Ðại học y khoa Huế bị giết vì nghi là CIA. Tại quân Hoài Nhơn, VC tàn sát 300 người, trong đó có cả trẻ em, bà già. Tại Phú Vang, Phú Thứ có nhiều hầm chôn tập thể, tại những nơi mà VC tàn sát người ta có lập bia kỷ niệm nhưng sau 1975, chính quyền CS cho đập phá hết.


Sau 1975 chúng tôi có hỏi một bộ đội người cùng làng về vụ tàn sát Huế Mậu Thân 68, anh ta nói bọn Mỹ Ngụy giết dân rồi đổ cho cách mạng. Một Trung tá CS tâm sự với thân nhân của mình sau 1975 rằng vụ tàn sát là do ức quá, VC bị phía VNCH, Mỹ bắn hạ quá nhiều mà không chiếm được đất nên đã tàn sát tù binh để trả thù. Nay chính quyền CS tuyên truyền giáo dục cho học sinh tại Huế về tội ác Mỹ Ngụy đã giết hại và chôn tập thể mấy nghìn người trong trận Mậu Thân, một cô gái Huế mới sang định cư tại Mỹ theo diện lấy Việt kiều đã than với những người Việt tại đây như sau:

“Tết Mậu Thân 1968, Mỹ Nguỵ giết và chôn sống mấy nghìn người, sao ác quá vậy?”

Mặc dù nay chính quyền CS có thể tuyên truyền xuyên tạc với một số người lớp trẻ nhưng không thể nào che dấu được tội ác tầy trời cũa họ trước lịch sử. CS sợ người ta nói tới Tết Mậu Thân Huế y như “cú sợ mặt trời” vì nó nhắc lại cuộc tàn sát đẫm máu nhất, lớn lao nhất của họ trong cuộc chiến tranh giữa người Việt Quốc gia và CS. Mặc dù cuộc tàn sát ấy là một tội ác lớn lao của nhân loại nhưng nó lại không được báo chí cũng như truyền hình trên thế giới nhắc tới mấy, họ chỉ đưa ra hình ảnh một ông Tướng Cảnh sát VN cầm súng lục bắn vào đầu một cán binh CS tại Sài gòn 1968 để tuyên truyền chống chiến tranh.


TẾT MẬU THÂN 1968 (2)
Trọng Ðạt

Nay mặc dù người ta đã công bố chính thức số nạn nhân của chế độ CS trên thế giới là 100 triệu người, gấp 7, 8 lần số nạn nhân của Ðức Quốc Xã và Phát xít Nhật nhưng giới truyền thông quốc tế chỉ chú ý tới những người Do Thái bị tàn sát trong các trại diệt chủng mà không thấy nhắc tới những nạn nhân CS chết thảm khốc khắp nơi như tại cố đô Huế hồi Mậu Thân chẳng hạn.

Cộng quân tấn công Quảng Tín, Quảng Ngãi trễ vào ngày mồng hai Tết nên bị thảm bại. Tại Quảng Tín 4 mục tiêu là Tiểu khu, Bộ chỉ huy trung đoàn 6 VNCH, Bộ chỉ huy tiểu đoàn 22 pháo binh, cổng 4 ga xe lửa. VC dùng 2 tiểu đoàn tấn công bộ chỉ huy Trung đoàn 6 nhưng bị đẩy lui ngay, sau đó tấn công toà hành chánh tiểu khu, hai bên giao tranh đến sáng thì địch bỏ chạy, trực thăng yểm trợ cùng bộ binh tăng viện, VC bị bắn hạ hằng 100 tên.

Tại Quảng Ngãi dân cư thưa thớt, một tỉnh nhỏ nhưng tinh thần chống Cộng rất cao. VC pháo kích dữ dội rồi đưa hai trung đoàn tấn công nhiều vị trí của ta như Trung tâm huấn luyện Ðịa phương quân, Phi trường, Ty cảnh sát, Toà hành chánh, Bộ tư lệnh Sư đoàn 2… địch bỏ lại 80 xác chết. Tại tiểu khu, phi trường , 4 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn bộ binh VC tấn công nhưng bị chận đứng, khi trời sáng, trực thăng lên yểm trợ đẩy lui địch, gần 100 tên bỏ xác tại trận.

Ðêm mồng 2 một tiểu đoàn VC tấn công Trung tâm huấn luyện Ðịa phương quân, hôm sau ta phản công tái chiếm, 118 tên bỏ xác tại trận. Cuộc tấn công của CS vào Quảng Tín và Quảng Ngãi thất bại, thường dân có khoảng hơn 300 người chết.
Ngày 16-3 trong chiến dịch tảo thanh, đơn vị của trung uý Willam Calley đã tàn sát khoảng 100 người dân vô tội tại Ấp Mỹ Lai, xã Song Mỹ, Quảng Ngãi khiến cho phong trào phản chiến tại Mỹ nhân cơ hội thổi phồng lên, biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh.


Tại Vùng 3 chiến thuật là lãnh thổ quan trọng nhất gồm 11 tỉnh: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Biên Hoà, Long An, Gia Ðịnh, Phước Tuy, Bà Rịa. Sài Gòn được địch chọn làm mục tiêu, hầu hết lực lượng thuộc Mặt trận giải phóng, trước 1968 tại đây VC có 3 sư đoàn
(Công trường 5, 7, 9), 3 Trung đoàn biệt lập, một Trung đoàn pháo và gần 30 tiểu đoàn Ðịa phương quân. Tại đây QÐVNCH có 3 sư đoàn BB, một liên đoàn BÐQ, tổng cộng 46 tiểu đoàn. Phía Mỹ có 3 sư đoàn đóng tại Hậu Nghĩa, Phước Tuy, Bình Dương. Từ năm 1967 các đơn vị Việt Mỹ đi hành quân đã bắt được nhiều tài liệu và tới gần Tết đã có nhiều dấu hiệu cho thấy VC chuẩn bị đánh Sài Gòn nhưng chính quyền miền Nam chuẩn bị lỏng lẻo.


Mặt trận Sài Gòn bắt đầu lúc 2 giờ sáng mồng 2 Tết tức 31-1-1968, thứ tư và chấm dứt đầu tháng 2 Âm lịch 28-2-1968 gồm 2 giai đoạn:

-Từ mồng 2 tết đến 9 Tết ( 31-1 tới 7-2) đặc công đánh dinh Ðộc Lập, Toà Ðại sứ Mỹ, đài phát thanh, Bộ TTM, phi trường Tân sơn nhất, các lực lượng chủ lực không kết hợp được với đặc công .


-Giai đoàn hai từ 7-2 tới 28-2 VC đưa các đơn vị chủ lực vào trận chiến, nhưng lúc này ta đã chuẩn bị kỹ càng đánh trả ác liệt. Lực lượng VC chỉ độ một nửa so với VNCH và Ðồng minh, hỏa lực thua kém, chúng không có vũ khí nặng như xe tăng đại bác, tuy nhiên VC được trang bị vũ khí cá nhân tối tân như AK, B-40. Ðịch có ưu thế chủ động tấn công, mặt trận SàiGòn là trọng điểm, Phạm Hùng bí thư Trung Ương Cục miền Nam chỉ định Nguyễn Văn Linh, tức Mười Cúc làm bí thư toàn vùng, Võ Văn Kiệt phó bí thư. Những đơn vị CS tham gia gồm Công trường 9 có 3 Trung đoàn, Công trường 7, 3 Trung đoàn, Công Trường 5 có 2 Trung đoàn.


Phía QÐVNCH khá đông: hai chiến đoàn Dù và TQLC bảo vệ vòng đai, ngoài ra Sư đoàn 25 BB đóng tại Củ chi, Sư đoàn 5 BB tại Lái Thiêu, Sư đoàn 18 BB tại Xuân Lộc, cộng thêm các lực lượng Ðịa phương quân Gia Ðịnh, Cảnh sát, Hải quân với các giang thuyền, giang đĩnh ở Cát Lái, Tân An, Không quân với các máy bay chiến đấu ở Tân Sơn Nhất và Biên Hoà. Ở vòng ngoài thủ đô còn 3 sư đoàn Mỹ: sư đoàn 1, 9 và 25.

Tiệm phở Bình số 7 đường Yên Ðổ Tân Ðịnh là trụ sở Biệt động thành. CS mở màn bằng trận đánh đặc công:

- 17 tên tấn công Toà đại sứ Mỹ bằng xe Traction, địch bắn thủng tường tràn vào, giết 2 quân cảnh, chiếm một phần cao ốc. Các binh sĩ quân cảnh Mỹ liều tấn công tràn vào qua cửa chính , họ bắn hạ gần hết số đặc công bên trong, một tên bị bắt làm tù binh, phía Mỹ có 5 người chết.

- 18 tên chiếm cao ốc ở góc Nguyễn Du Thủ khoa Huân sát dinh Ðộc Lập, địch dùng B-40 đánh sập cổng tràn vào sân bị Cảnh sát, an ninh bắn hạ, 7 chết, 8 bị bắt, 13 tên chạy thoát.

- Tại đài phát thanh, 12 tên tấn công đài bị Cảnh sát và sau cùng lính Dù bắn hạ gần hết.

- Tại Bô TL Hải quân, 16 đặc công tiến sát vào hàng rào nhưng bị binh sĩ hải quân tràn ra bắn hạ 10, bắt sống hai, bốn tên chạy thoát.

- Tại Bộ TTM, 27 đặc công tấn công cổng số 5 đường Võ Tánh bị đẩy lui, một xe tuần tiễu Mỹ đi ngang bắn trả lại VC, chúng lẩn vào chùa Long Hoa bị tiêu diệt hết, cuộc tấn công của CS vào Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát .. đều đã thất bại, không tới được mục tiêu. Từ đợt tấn công đầu Cộng quân đã bị tiêu diệt ngay, dư luận báo chí ngoại quốc đã thổi phồng cuộc tấn công dinh Ðộc Lập và toà Ðại sứ Mỹ.


Một tiểu đoàn VC tấn công Bộ TTM, chiếm Trường Sinh ngữ quân đội, địch bố trí trên những cao ốc đường Võ Di Nguy nối dài bị Dù đánh bật ra khỏi trận địa.

- Hai tiểu đoàn địch tấn công Trung tâm huấn luyện Quang Trung lúc 2 giờ sáng mồng 2 Tết để ngăn chận tân binh về cứu viện Sài Gòn sau đó chiếm đài phát tuyến Quán tre để ra lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Vì đã được báo động từ đêm mồng một, các binh sĩ phòng vệ tại Quang Trung với hoả lực đại liên đã đẩy lui địch ngay từ đợt tấn công đầu, 40 VC bỏ xác tại trận.

- Tại Gò Vấp, Trung đoàn Quyết thắng CS tấn công trại Phù Ðổng ( thiết giáp), trại Cổ Loa (pháo binh), trại Phù Ðổng chỉ có 40 người bị chiếm dễ dàng , địch bắt một số quân nhân và vợ con làm con tin, trước khi rút địch giết hết con tin, cả trẻ nít. Tại trại Cổ Loa, VC bị cầm chân không chiếm được mục tiêu, ngày mồng 3 Tết TQLC vào giải toả khu vực .


Tại mặt trận phía Ðông VC tấn công trường bộ binh Thủ Ðức, Hàng Xanh. Một tiểu đoàn địch lọt vào Hàng Xanh, tấn công bót cảnh sát giết một số người và thiêu hủy hồ sơ, một tiểu đoàn BÐQ từ Thủ đức về giải toả, VC chận dân lại không cho di tản để bắt họ làm bia đỡ đạn. Chiều mồng 3 Tết có thiết giáp tăng cường , địch rút chạy, bỏ lại 85 xác chết, 5,000 người dân trở thành vô gia cư vì nhà cửa cháy tiêu tan hết. Trung đoàn Ðồng Nai bị chận đánh ở Bình Triệu, 2 tiểu đoàn TQLC đã giữ được phòng tuyến gây thiệt hại nặng nề cho đối phương, 300 tên bỏ xác tại trận.

Tại mặt trận phía tây, phi trường Tân sơn Nhất, 2 tiểu đoàn VC tới bà Quẹo đặt Bộ chỉ huy trên nóc hãng dệt VINATEXCO, hãng dệt nằm cách hàng rào phi trường chừng 100 thước. Một tiểu đoàn VC tràn qua bãi đất trống đầu phi đạo, một đại đội Dù và một số sĩ quan Không quân cùng hai chiến xa M-48 được đưa tới đầu phi đạo ngăn chận địch, 162 tên bị bắn hạ, số còn lại rút về hướng xưởng dệt.
Khi trời sáng không quân oanh tạc dữ dội, những vị trí đóng quân của CS trong hãng dệt và vùng lân cận bị tiêu diệt hết.

Tại trường đua Phú Thọ VC và cảnh sát dã chiến giao tranh dữ dội, địch phân tán mỏng vào khu cư xã Lữ Gia, chợ Thiếc, tại khu Bà Hạt, Trần Quốc Toản, Lý Thái Tổ trận đánh diễn ra dữ dội, tại khu trường đua Phú Thọ VC để lại gần 100 xác chết, địch hoàn toàn thất bại trong mưu toan chiếm Biệt Khu Thủ Ðô. Cộng quân bị săn đuổi ẩn nấp trong dân chúng, những trận oanh kích tạo thành những đám cháy lớn, thiệt hại vật chất rất cao khiến cho số nạn nhân chiến tranh ngày càng gia tăng.

Tại phía Nam 2 tiểu đoàn VC tiến vào ngoại vi quận 7, quận 8, dân chúng lánh nạn ồ ạt, nhà cửa bị phá hủy rất nhiều. Khi tiếng súng bắt đầu nổ, phía VNCH bị bất ngờ, chỉ có 50% hay 30% ứng chiến, cả Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và Tướng Cao Văn Viên đều bác bỏ yêu cầu của Tướng Wesmoreland đề nghị rút hưu chiến từ 36 xuống còn 24 giờ. Các Tướng lãnh đã quá tự tin và thiếu cảnh giác, Tổng Thống Thiệu mới đắc cử về Mỹ Tho quê vợ ăn Tết, Tướng Vĩnh Lộc cũng bỏ về Sài Gòn ăn Tết. Sáng 30 tết, 29-1 sau khi có tin địch sẽ tấn công Vùng 1 và 2, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu vẫn không chú ý tới việc loan báo rút ngắn giờ hưu chiến.

Tại Thủ đô, các đơn vị Dù, TQLC, các lực lượng cơ hữu của Thủ đô, cảnh sát dã chiến, Thiết giáp, Bộ TTM, Bộ TL Hải quân.. đã chiến đấu dũng cảm bẻ gẫy mũi tấn công của biệt động thành và đặc công cho tới khi các lực lượng tăng viện của VNCH kéo về kịp thời. TQLC ở Cai Lậy kéo về khiến VC thảm bại, Quân đội và Cảnh sát đã chận đứng các cuộc tấn công tự sát của địch. Không quân đã yểm trợ hữu hiệu, từ mồng 3 Tết VC bắt đầu nao núng, đặc công bị tiêu diệt gần hết , các đơn vị của Trần Văn Trà không thể vào nội thành được, địch thiếu đạn, sang ngày mồng 4 Tết VC càng yếu thế và bắt đầu rút, tính đến 7-2 đã có tới 86,000 dân tị nạn trong các trại.

Tại khu Bắc, thành Cổ Loa CS bị bắn hạ 180 tên, VNCH có 16 người tử thương, tại đường Minh Phụng, Chợ lớn ngày 8-2 VC đốt nhà dân để rút lui từ 17, 18, địch chỉ nhằm phá hủy cầu cống, đồn bót nhỏ. Trong tháng 2 và 3 VNCH bị tử thương 323 người, VC có 5,290 người chết, 415 người bị bắt, gần 2000 vũ khí đủ loại bị tịch thu.


Về mặt chính trị CS hoàn toàn thất bại, dân chúng không hề tham gia nổi dậy như họ hằng mơ ước, như đài Hà Nội đã rêu rao. Dân chúng đã không hưởng ứng biểu tình do CS tổ chức mà còn chỉ điểm cho chính quyền VNCH biết những nơi có cơ sở VC, những nơi địch lẩn trốn. Các cơ sở nằm vùng bị bại lộ tan rã gần hết, chính phủ VNCH có cơ hội gần gũi với nhân dân hơn, người dân thù ghét CS qua các hành động tàn ác đốt nhà, bắn giết, tàn sát tù binh… Thiệt hại vật chất của ta lên rất cao, Ðô thành phải tiếp nhận khoảng 200 ngàn người tỵ nạn. Ngày 23-2 Bộ trưởng Quốc Phòng Mc Namara từ chối đơn xin tăng viện của Tướng Wesmoreland, gần một tháng sau, ngày 22-3 Johnson tuyên bố thay thế Wesmoreland Ðô đốc Grant Sharp, Tư lệnh Thái Bình Dương, ngày 31-3-1968, ông cũng tuyên bố không ra tái tranh cử, hạn chế oanh tạc BV, công khai nhờ Nga và Anh tìm cách hoà giải cuộc chiến tranh VN.


Công trường 9 VC được lệnh tấn công Trung Tâm huấn luyện Quang Trung, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Mỹ để chận đứng sự tiếp cứu Sài Gòn, một Trung đoàn khác tấn công Thủ Ðức. Công trường 7 VC có 2 trung đoàn, một tấn công Sư đoàn 1 BB Mỹ ở Lai Khê, đánh Bình Dương, Bộ TL Sư đoàn 5 VNCH.


Công trường 5 cho 2 trung đoàn 274 và 275 tấn công BTL dã chiến Mỹ ở Long Bình, BTL Quân đoàn 3 VNCH ở Biên Hòa. Các lực lượng quanh Thủ đô gồm vài tiểu đoàn hỗ trợ cho cuộc tấn công Sài Gòn. 3 giờ sáng ngày mồng 2 Tết 29-1, Trung đoàn 274 VC đánh phi trường Biên Hoà tràn vào hàng rào phía Tây, máy bay trực thăng tới cứu, dùng hoả châu soi sáng mục tiêu và hạ được 114 tên, Trung đoàn VC tấn công BTLQÐ 3 thất bại và bỏ chạy, ngày hôm sau Trung đoàn này rút về Trảng bom bị bắn hạ khoảng 100 tên, toàn bộ trận đánh địch bị tử thương hơn 500 , 40 tên bị bắt.


Tại Cần Thơ, VC đưa 2 tiểu đoàn U Minh và Tây Ðô tham dự cuộc tấn công này. Cần Thơ canh phòng lỏng lẻo, trực gác chỉ có 30%, 3 giờ sáng ngày 2 Tết tiểu đoàn Tây Ðô khởi sự tấn công Bộ TLQÐ 4 nhưng bị đẩy lui, tiểu đoàn U Minh tràn vào khu Ðại học, đài phát thanh, hai bên tranh nhau từng căn nhà, đêm mồng 2 Tết địch âm thầm rút ra khỏi thành phố.


Tại Vĩnh Long VC tập trung 3 tiểu đoàn 306, 308, 857 tấn công thị xã, chúng cải trang xâm nhập thành phố từ trước Tết, địch không chiếm được khám đường tỉnh nơi giam giữ trên 800 tù nhân CS, sang ngày mồng 2 chúng phải rút. VC tấn công toà hành chánh, phi trường nhưng không chiếm được mục tiêu và đã bị trực thăng tiêu diệt hết, ngày mồng 6 Cộng quân bị đánh bật ra khỏi thành phố. Một người nhân chứng tại đây trong ngày Tết cho biết lính VC tác chiến rất dở. Mười ngày sau, tối 15-2 địch lại tấn công đợt hai nhưng cũng thất bại, 300 tên bị tử thương, thường dân chết và bị thuơng khoảng 200 người, 4,500 nhà cửa hư hại 50%.


Kiến Hoà có hai hòn đảo Bền Tre và Mỏ Cầy nằm giữa ba chi lớn của sông Tiền giang: đảo Bến Tre gồm 2 phần Bình Ðại ở phía Bắc và Giồng Trôm ở phía Nam. VC đột nhập tỉnh đêm mồng 2 Tết, chúng bao vây các khu quân sự chiếm các khu phố. Tỉnh trưởng Kiến Hoà tử trận, sáng mồng 3 Tết Trung đoàn trưởng trung đoàn 10 điều động 2 tiểu đoàn về giải toả, 2 tiểu đoàn Mỹ cũng được đưa vào trận địa. Không quân VN và Ðồng Minh oanh kích dữ dội các chốt tử thủ của VC khiến cho nhà cửa tại Bến tre bị hư hại đến 50%, khoảng gần 100 người thường dân tử thương.

Tướng Westmoreland với chiến lược lùng diệt địch đã tảo thanh những mật khu lớn của VC như Tam giác sắt, Chiến Khu C, D, song song với chương trình Bình định và xây dựng nông thôn. Chương trình cũng đã giúp cho miền Nam thêm vững mạnh. Nguyễn Chí Thanh định tung một cuộc tấn công vào các thành phố ngắn hạn rồi triệt thoái, Thanh chết mùa thu 1967, Võ Nguyên Giáp bèn biến kế hoạch ấy thành Tổng công kích. Từ sau 1965, Cộng quân đụng với hoả lực hùng hậu của Mỹ đã bị thương vong rất nhiều, CSBV đã phải bắt lính cả những thanh niên 17, 18 tuổi để phục vụ cho nhu cầu chiến trường.
Hà Nội lại áp dụng chiến lược cũ kỹ có từ thời chống Pháp, cố đấm ăn xôi lỳ lợm để hỗ trợ cho phong trào phản chiến tại Mỹ. Thập niên 50 Việt Minh đã làm cho người Pháp phải ghê sợ, chán ghét cuộc chiến tranh Ðông Dương, 19 chính phủ đã bị đánh đổ vì không giải quyết được cuộc chiến, nay Mỹ lại đi đúng vào vết xe đổ của Pháp. Ðầu năm 1968 Tướng Wesmoreland đã đề nghị với Tướng Wheeler, Tổng tham mưu trưởng gửi thêm tăng viện 200 ngàn quân trước cuối năm 1968 để mở rộng chiến tranh qua Miên, Lào hoặc đánh qua vĩ tuyến 17 để tiêu diệt hậu cần VC. Kế hoạch rất hợp lý về phương diện quân sự nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara không chấp nhận, Tổng Thống Johnson không quyết định dứt khoát, người Mỹ không thống nhất hành động. Tại Mỹ các Tướng lãnh không có thẩm quyền về chiến lược, họ là những nhà chuyên môn quân sự nhưng lại bị các nhà chính trị lãnh đạo. Các nhà chính trị Mỹ dường như không muốn chiến thắng mà họ muốn cù cưa kéo dài chiến tranh, có giả thuyết cho rằng Hành pháp Mỹ đã bị tài phiệt, tư bản giựt dây kéo dài chiến tranh để họ bán vũ khí hoặc tiêu thụ số súng đạn tồn kho từ Thế chiến Thứ hai.


Nói về mặt quân sự VNCH thắng VC ngay trong tuần lễ đầu, mặc dù Hà Nội tung vào mặt trận tới 84 ngàn quân nhưng từ ngày mồng 5 trở đi Cộng quân đã bị dồn vào thế bị động, chúng phải rút lui và chịu nhiều rất thiệt hạivề nhân mạng.
Theo tài liệu của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH trong tháng 2 -1968:

- VC bị giết 41,180 người, tháng 3-68 bị bắn hạ 17,192 người tổng cộng 58,372 người, bị bắt làm tù binh toàn bộ 9,461 người. Trong số 84,000 cán binh được đưa vào trận Tổng công kích chỉ còn 16,168 tên chạy thoát, chưa tới 20%, vũ khí bị ta và Ðồng minh tịch thu là 17,439 khẩu súng đủ các loại.

- Phía VNCH có 4,950 người tử trận, 926 người bị mất tích, 15,097 người bị thương.

- Phía Ðồng minh có 4,120 người tử trận, 19,265 người bị thương, 600 người mất tích, về vũ khí ta mất hơn 2,000 khẩu súng, 63 máy bay bị tiêu hủy, 154 cái bị hư hại nặng, 99 chiếc bị hư hại nhẹ. Ðồng minh có 60 máy bay bị tiêu hủy, 60 cái hư hại nặng, 116 cái hư hại nhẹ.

- Thường dân chết trên toàn quốc có tới 14,300 người, bị thương 24 ngàn, tị nạn 627 ngàn người.


Thiệt hại vật chất của VNCH rất cao:

- Tại Huế 2/3 tổng số nhà cửa bị phá hủy,

- Vùng 2 có 12 ngàn căn nhà bị phá hủy,

- Vùng 3 có 10 ngàn căn bị phá hủy,

- Sài Gòn có 19 ngàn căn bị hủy,

- Vùng 4 có 19 ngàn căn bị tiêu hủy.

Những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Ðốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Huế và Phan Thiết. Vùng Cao nguyên và Vùng 2 tương đối khả quan hơn. Kinh tế cũng bị ảnh hưởng tai hại, ngoài các thành phố thị trấn bị tàn phá, có tới 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát vì bom đạn, 20 hãng xưởng khác bị hư hại, thiệt hại lên tới 25 triệu Mỹ kim. Nạn nhân chiến tranh lên cao gần 700 ngàn người, ngân quĩ cứu trợ ước lượng 100 tỷ đồng, tại Sài Gòn đã thiết lập hơn 100 trung tâm tạm cư để tiếp đón khoảng 200 ngàn người chạy loạn, 130 ngàn người không còn nhà cửa.

Một số nạn nhân bi VC giết tại Huế dịp Tết Mậu Thân

được tìm thấy trong các mồ tập thể

Chánh Ðạo trong cuốn Mậu Thân 68 Thắng Hay Bại? cho biết VNCH có khuyết điểm lớn.

“Về phía Việt Nam Cộng Hoà, chỉ nguyên việc để quân Cộng Sản bí mật chuyển khí giới vào thành phố, hay âm thầm chuyển quân tới tuyến tấn công là một khuyết điểm rất lớn.
Các cơ quan an ninh quân sự cũng như dân sự chịu một phần trách nhiệm. Hoặc vì tư lợi, hoặc vì cầu nhàn họ đã không kiểm soát được những đường dây đưa chất nổ và vũ khí tới các cơ sở Cộng Sản trong thành phố…..
……Ðó là chưa kể tệ nạn tham nhũng, móc ngoặc đã thành cố tật trong hàng ngũ các đơn vị Cảnh sát, an ninh kiểm soát giao thông ….
….khiến CS an toàn đưa vào các thành phố và thị xã hàng tấn thuốc nổ, đạn dược, và vũ khí”


Ngoài ra giới chức cao cấp như Tổng thống, Tướng Vùng đã quá tự tin cho rằng VC sẽ không vị phạm hưu chiến trong nhưng ngày thiêng liêng của dân tộc, mặc dù bị tấn công bất ngờ và không đầy đủ quân số ứng trực nhưng binh sĩ VNCH đã làm chủ tình hình sau mấy ngày giao chiến.

Người Mỹ cho rằng VNCH và đồng minh yếu kém về tình báo y như trận Pearl Harbour hồi Thế chiến Thứ hai, VC bảo mật tốt, hoàn toàn bất ngờ, cuộc Tổng Công Kích làm ngạc nhiên cấp lãnh đạo và quần chúng Mỹ. Tuy nhiên VC cũng đã phạm vào nhiều sai lầm trầm trọng đưa tới thảm bại trong cuộc tấn công tự sát này.
Hà Nội đánh giá sai hoàn toàn tâm lý quần chúng miền Nam, thấy dân chúng biểu tình, tuyệt thực chống chính phủ liên miên như vụ Phật Giáo miền Trung năm 1966 thì tưởng rằng hễ phát động tổng công kích là nhân dân sẽ ùa theo ngay để cùng cách mạng lật đổ chính quyền Mỹ Ngụy. Hà Nội hy vọng cuộc Tổng công kích sẽ tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận ngụy quân ngụy quyền, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ và đập tan ý chí xâm lược buộc Ðế quốc phải chịu thua để tiến tới thống nhất đất nước.

Lê Duẫn nói dùng binh lực đánh quị các đơn vị chủ lực của địch, tổng tấn công các thành phố lớn và phát động hàng triệu quần chúng tại các tỉnh và miền quê nổi dậy tổng khởi nghĩa. Nhưng thực tế cho thấy quần chúng không nổi dậy hưởng ứng Tổng khởi nghĩa mà họ còn chỉ điểm cho cảnh sát, quân đội bắt VC, họ bồng bế nhau chạy trốn CS về vùng Quốc gia, chính vì thất bại nên VC đã đốt nhà dân, tàn sát tù binh, dân lành vô tội để trả thù. CSBV đánh giá quá thấp lực lượng Mỹ nguỵ, họ tưởng rằng đánh vào đầu não bộ máy quân sự là địch chạy như vịt ngay nhưng thực tế cho thấy mặc dù có yếu tố bất ngờ VC đã bị đánh bật ra khỏi các thành phố sau mấy ngày giao chiến.

Hậu quả của sự thất bại là 100 tiểu đoàn bị tan rã gần hết, có tới 70 % bị tử thương 11% bị bắt làm tù binh, các cơ sở nằm vùng bị bại lộ, tiêu diệt. Một bộ trưởng của Mặt Trận Giải Phóng nói cuộc Tổng công kích đã mang lại nhiều hậu quả tai hại không ngờ cho Mặt Trận và CSBV. Hoàng Văn Hoan, cựu bộ trưởng công an BV trốn sang Tầu 1979 nói CS đã bị tổn thất nặng nề trong trận Tết Mậu Thân.


Nhiều người đã đặt nghi vấn tại sao CSBV lại mở cuộc tấn công tự sát như vậy. Toàn bộ lực lượng địch là 84 ngàn người, hầu hết thuộc Mặt Trận Giải Phóng, mặc dù có vũ khí tối tấn như AK, B-40 nhưng không có vũ khí nặng, xe tăng đại bác, phòng không… làm sao địch lại lực lượng trên 800 ngàn người của VNCH, trên 500 ngàn quân Ðông Minh Mỹ, Ðại Hàn, Úc… trang bị tối tân, có thể nói đó là trứng chọi đá.

Theo Sir R.Thompson, một chuyên viên về du kích chiến cho rằng Hà Nội muốn “nướng” hết lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng để BV có cớ đưa quân vào. Tướng Weyand phân tích cuộc Tổng công kích nói “ Việt Cộng dẫn đầu cuộc tấn công và bị tiêu diệt để bảo đảm thống nhất do BV thống trị. Ngoài ra một Thượng tá VC cũng có nói “Nó cho nướng sạch VC để sau này Bắc Kỳ vào thay thế hết”.

Trong cuốn hồi ký Cuộc Chiến Dang Dở trang 260, 26, Tướng Trần Văn Nhật cho biết:

“Tướng Wesmoreland vào cuối năm 1995, trong buổi tiếp tân và phỏng vấn tại nhà tôi ông nói “ông đã biết trước các âm mưu của CSBV sẽ tấn công VNCH vào dịp Tếùt Mậu Thân 1968, nhưng ông không thể “bật mí” vì có ý định nhử Cộng quân tập trung vào các thành phố để tiêu diệt dễ hơn là tìm đánh chúng trong rừng núi”. Theo ông nhờ chiến thuật nay nên sau Tết Mậu Thân, toàn bộ các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền nam đều bị loại khỏi vòng chiến”


Nhưng theo các tài liệu khác như của Tướng Hoàng Lạc thì trước Tết mấy ngày Tướng Wesmoreland đã cho ông Thiệu biết VC sẽ tổng tấn công, ông đề nghị rút giờ hưu chiến từ 36 tiếng còn 24 tiếng nhưng ông Thiệu không tin và không chịu nghe theo.


Cuộc tấn công của CS vào dịp Tết Mậu Thân nhằm vào lúc cuộc tranh cử đợt đầu giữa các ứng cử viên trong đảng bắt đầu. Cuộc Tổng tấn công để gây tiếng vang đã được bộ máy tuyên truyền của Liên sô giúp sức “đổ dầu vào lửa” cho phong trào phản chiến tại Mỹ cháy to hơn . Giới truyền thông phản chiến Mỹ đã thổi phồng cuộc tấn công lên thành chiến thắng lớn lao của Cộng quân khiến cho người dân nghi ngờ những lời tuyên bố lạc quan của chính phủ Mỹ. Tướng Wesmoreland phúc trình cuối năm1967, trước Tết mấy ngày cho rằng Cộng quân đã bị đẩy lui khỏi những vùng đông dân, VC đã bị hoàn toàn yếu thế, nhưng mấy ngày sau địch tung ra trận Tổng công kích tàn khốc gây ảnh hưởng lớn lao đến báo chí truyền hình Mỹ tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc Tổng công kích đã khiến cho nhóm nghiên cứu của Bộ trưởng quốc phòng đề nghị Mỹ hạn chế can thiệp vào VN để thay thế bằng Việt Nam hoá chiến tranh
(Vietnamization). Tướng Green, cựu tư lệnh TQLC lại bi quan nói dù có giết hết VC ta cũng vẫn có thể thất trận.


Ngoài việc tiếp tay cho các phong trào phản chiến Mỹ, bộ máy tuyên truyền của Nga Sô còn phát động phong trào chống Mỹ tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Âu châu để tạo dư luận áp lực Mỹ phải rút quân bỏ VN.


Có nhiều nhà bình luận phía Mỹ cũng như VN đã nhìn nhận trận Mậu Thân là một khúc quanh đối với tinh thần ủng hộ của người dân Mỹ cho cuộc chiến tranh VN, nó khởi đầu một khúc quành bi đát cho số phận miền Nam. Phong trào phản chiến càng lên cao dữ dội hơn, hành pháp đã nghĩ tới hoà giải, Việt Nam hóa chiến tranh , rút quân về nước.

Dư luận chung cho rằng trận Tổng công kích Mậu thân kéo dài mấy tuần là một thảm bại về quân sự của Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng, nhưng sự thắng lợi về tuyên truyền của họ đã tạo một khúc quành của tinh thần ủng hộ của người Mỹ cho cuộc chiến (Commonly referred to as the Têt offensive, this period of several weeks is generally regarded as a military disaster, but a psychological and propaganda victory for the NFL and North Forces, as this marked a sharp turning point in American sentiment and support for the war effort.

- Massacre at Hue, from wikipedia, the free encyclopedia)


Cuộc Tổng công kích đã khiến cho các lực lượng CS bị thiệt hại nặng nề cả về quân số cũng như tinh thần. Tuy nhiên nó lại tạo hậu quả bất lợi trên dư luận quần chúng Mỹ và đẩy mạnh phong trào phản chiến lên cao hơn
(The large scale offensive resulted in drastic human and morale losses of the Communist forces. However, the offensive cause an extreme negative effect in the American public opinion and boost the more bitter protest against the war

– From “my war”, unpublished by L.T, More about the 1968 Tet offensive)


Cho tới gần đây, bộ máy tuyên truyền của Hà Nội đã luôn ca ngợi trận Mậu Thân là một chiến thắng lớn lao về quân sự và không hề thấy họ nói đến thắng lợi của nó trên tinh thần nhân dân Mỹ … hiển nhiên giới lãnh đạo Hà Nội đã đạt được một chiến thắng vô giá mà họ không dự định
(Until lately,The Hanoi propaganda and political indoctrination system has always claimed the Tet offensive their military victory, and never insisted on their victory over the morale of the American public… Obviously, Hanoi leaders won a priceless victory at an unintended objective -

From “my war”…)


Khi Huế vừa được các đơn vị Việt Mỹ tái chiếm, đài VOA có nói:
“Hôm nay ngày 26-2-1968, cố đô Huế đã được hoàn toàn giải toả, chấm dứt một cuộc chiến tranh bẩn thỉu nhất kéo dài từ gần một tháng qua….”

Người Mỹ gọi cuộc chiến VN là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, một kẻ thù bẩn thỉu không từ một chiến thuật, chiến lược bẩn thỉu nào để giành thắng lợi. Họ tỏ ra khinh bỉ một kẻ thù tiểu nhân dùng toàn những thủ đoạn đê hèn đánh cả trong ngày Tết một ngày thiêng liêng nhất của dân tộc, lợi dụng ngưng bắn, lợi dụng hưu chiến để tấn công, miệng nói hoà bình tay rình đánh trộm. CS đã tỏ ra quá hèn khi mở chiến dịch tấn công ngày Tết lợi dụng lúc nhân dân đang vui mừng xuân mới. Cuộc tổng công kích đã khiến cho Mặt trận Giải Phóng bị tổn thất gần hết lực lượng cơ hữu, bị dân chúng tại các thành phố cũng như thị trấn căm thù oán ghét vì địch đã tỏ ra quá tàn ác nhẫn tâm sát hại hàng nghìn hằng vạn lương dân vô tội, đốt nhà dân để tháo chạy, chôn sống, tàn sát tù binh… Sau Tết Mậu thân nhiều thanh niên hăng hái tình nguyện nhập ngũ tại các trung tâm huấn luyện quân sự để tòng quân giết giặc.


Mặc dù CS bị thất bại về quân sự và thất nhân tâm, nhưng cuộc Tổng công kích mặc nhiên lại mang nhiều bất lợi cho miền Nam, như đã nói ở trên nó trở thành một khúc quành bi thảm trong cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai. Người Mỹ đã bắt đầu ghê tởm kẻ thù cố đấm ăn xôi, lì lợm, họ nghĩ rằng không thể thắng nổi thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi, một kẻ thù thí quân sẵn sàng đẩy thanh niên vào chỗ chết. CSBV đã thành công trong chiến lược cố đấm ăn xôi từ cuộc chiến tranh chống Pháp 1946-1954, họ đã tỏ ra lì lợm, dai như đỉa đói khiến cho người Pháp đã phải quá chán ghét, ghê sợ cuộc chiến tranh Ðông Dương đòi rút quân càng sớm càng tốt, 19 chính phủ đã bị đánh đổ trong suốt 8 năm khói lửa. CSVN được Nga sô tiếp tay đã ra sức mở mặt trận chính trị tại Pháp, đẩy mạnh phong trào chống chiến tranh, nay BV một lần nữa lại áp dụng cái chiến lược cũ rích ấy, họ đã ra lệnh cho các cán binh phải giết cho nhiều người Mỹ để thúc đẩy phong trào phản chiến tại hậu phương Ðế quốc. CS đã làm cho Ðế Quốc phải ghê tởm mình tức là họ đã thành công, đã khiến cho Ðế quốc phải rút quân bỏ lại chiến trường bẩn thỉu.


Cuộc Tổng công kích đã khiến cho phong trào phản chiến bùng nổ dữ dội hơn lên, người dân Mỹ cho rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh dai dẳng này, chính phủ cũng bắt đầu thấm mệt vì vừa phải đương đầu với kẻ địch, lại phải đương đầu với phong trào chống chiến tranh ngay trong nước. Tổng thống Johnson không tái tranh cử nhiệm kỳ 2 từ 1969-1973 để tìm cách rút chân ra khỏi VN. Ngày 10-5-1968 phiên họp đầu tiên của Hoà đàm Ba Lê bắt đầu. Tháng 1 năm 1969 Nixon nhậm chức Tổng thống, thực hiện Việt Nam Hóa chiến tranh, rút quân về nước. Khi chuyển sang giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh người Mỹ đã nghĩ đến việc rút quân bỏ Việt Nam. Từ 1970 họ bắt đầu đi đêm với Trung Cộng, ngày 9-7-1971 Kissinger bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh … Việt Nam đã bắt đầu trở thành món hàng mua bán đổi chác giữa các thế lực siêu cường.

Trích trong Tấn Thảm Kịch Việt Nam 1975, xuất bản 2007

Trọng Ðạt



Tài Liệu Tham Khảo.

- Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
- Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam, 2000.
- Chánh Ðạo: Mậu Thân 68 Thắng Hay bại? Văn Hoá 1998.
- Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc
(Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt nam 1945-1975) Tiếng Quê Hương 2006.
- Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003.
- Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản, 2005.
- Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
- Ðoàn Thêm: 1965 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989.
- Ðoàn Thêm: 1966 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989
- Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989.
- Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
- The World Almanac Of The VietNam War: John S.Bowman, General editor, A Bison book.
- Stanley Karnov: Vietnam - A History, Penguin books 1991.
- Marilyn B Young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents, Oxford University press 2002.
- Thiên Nga: Chứng Nhân Thầm Lặng, Mậu Thân Huế, trang web, Internet.
- Nguyễn Lý Tưởng : Mậu Thân Ở Huế, trang web, Internet.
- From Wikipedia, the free encyclopedia: Massacre At Hue, trang web, Internet.
- From My War, Unpublished By L.T: More About The 1968 Tet Offensive, trang web, Internet.
- Elje Vannema: Thảm Sát Huế Tết Mậu Thân
(The Vietcong Massacre At Hue, Vintage press, New york – 1976)
- Việt Nguyên: 32 Năm Lật Trang Sử Cũ, Người Việt Dallas 25-4-2007.
- Minh Võ: Tại Sao Thua, Người Việt Dallas 26-4-2006.
- Lữ Lan: Cuộc Chiến 30 Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn Nhỏ Dallas 28-4-2006.
- Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas 7-10-2005.
- Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2006.
- Lâm Lễ Trinh: Mạn Ðàm Với Ðại Tướng Cao Văn Viên, Về Nguồn, Thuỷ Hoa Trang 2006.
- Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.

No comments:

Post a Comment