Tuesday, December 7, 2010

Nguyễn Văn Lục-Hãy đọc để nhận dạng Hoàng Phủ Ngọc Tường là ai.

Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nguyễn Văn Lục

“Không hiểu sao đến giờ vẫn có kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào vụ Mậu Thân Huế. Đúng, Mậu Thân Huế đã trở thành một bi kịch đời tôi. Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu thế thôi.”
Hoàng Phủ Ngọc Tường, (Trích trả lời phỏng vấn với Thụy Khuê)


Mậu Thân Huế trở thành bi kịch đời Hoàng Phủ Ngọc Tường? Hay ngược lại, Mậu Thân Huế là bi kịch của những gia đình có anh em, chồng con, cha mẹ đã bị thảm sát trong dịp ấy? Bài viết sau đây – dựa trên những gì Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời trong một cuộc phỏng vấn “Interview with Vietnamese Museum Guide 1981”. WGBH, Open Vault – 1982 cho thấy ai là nạn nhân của ai?

Trước tiên, nhân dịp Hoàng Phủ Ngọc Tường được sang Pháp vào tháng 7, 1997, phóng viên Thụy Khuê đài RFI đã dành cho Hoàng Phủ Ngọc Tường một cơ hội để trình bày quan điểm liên quan đến tết Mậu Thân và nhất là để biện minh cho việc Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không có mặt ở Huế. Đồng thời, ông Tường cho hay những người tố cáo

“ông là một tên đồ tể Mậu Thân ở Huế thì đó là một sự bịa đặt mang ý định vu khống hoàn toàn. Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966 và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975.

Như thế nghĩa là trong thời điểm Mậu thân 1968, tôi không có mặt ở Huế.


“Điều quan trọng còn lại, tôi xin tỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và đã trở về; ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải chịu cho hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế vào năm Mậu Thân.
Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc và nhìn từ quan điểm chiến tranh cách mạng.”

Được hỏi về những lời tuyên bố trên truyền hình Mỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chối,

“Hồi đó, ông Burchett và đoàn làm phim Lịch sử Truyền hình tới Huế, chọn tôi để chất vấn về chuyện tang tóc ở đây. Lâu rồi, trả lời ứng khẩu thôi. Tôi không nhớ thật cụ thể những điều đã nói và càng không có dịp xem lại chuyện phim như nó được chiếu ở ngoại quốc.”

(Trích Thụy Khuê, “Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố mậu thân ở Huế”, RFI, 12 tháng 7, 1997.)

Giọng điệu năm 1997 của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi được chị Thụy Khuê phỏng vấn thật khác xa với giọng điệu “khát máu” trong con người Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1982. Điều này tạo thành một vấn nạn, có ai tin được những điều Hoàng Phủ Ngọc Tường nói không?

Nếu quả thực Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quên thì đây là dịp để ông nhớ lại từng câu, từng chữ một qua cuộc phỏng vấn của Burchett.

Lên tiếng kết án nặng nề nhất Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể là tác giả Liên Thành.

Bên cạnh đó, còn có những người cảm tình viên như Đặng Tiến, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô Minh tìm cách lái câu chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường sang chuyện văn học và đặt nhẹ vấn đề trách nhiệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vụ thảm sát dân Huế dịp tết Mậu Thân.

Nhưng mọi chuyện bao che, dối trá của Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành sự trơ trẽn đáng xấu hổ khi chúng ta cùng nhau nghe lại cuộc phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bộ phim tài liệu 13 tập nhan đề “Viet Nam: A television History”. (Published as a companion volume to “Vietnam: A Television History.” a 13–part documentary film series for the PBS network produce by WGBH Boston, in cooperation with Central Independent Television/ United Kingdom and Antenne–2/France, and in association with LRE Production).

Trong bộ film này, Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện như một tên đao phủ sắt máu, ngôn ngữ hận thù, thái độ của một người cộng sản chính hiệu, hơn cả người cộng sản có thẻ đảng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường lộ nguyên hình là một kẻ dối trá khi kể rằng chính anh ta chứng kiến cảnh dội bom của Mỹ vào một bệnh viện gần chợ Đông Ba làm chết và bị thương 200 người mà đêm tối anh ta đã dẫm lên đám đất bùn hòa lẫn máu người chết.

Hoàng Phủ Ngọc Tường lộ nguyên hình đương nhiên xác nhận ông có mặt ở Huế. Như một nhân chứng?
Thế là đủ rồi. Còn có mặt ở Huế để làm gì lại là chuyện khác. Nhưng vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân cũng như bà bác sĩ Phạm thị Xuân Quế (xem thêm phần trích dẫn tóm tắt hoạt động của bà bác sĩ Quế) phải chăng là dẫn đường và làm điểm chỉ viên trong việc giết hại những giáo sư đại học, tu sĩ, sĩ quan, sinh viên và công chức VNCH?

Ai đã cung cấp danh sách những nạn nhân có thể bị giết hại như trong nhận xét của John Prados sau đây?

Nguyễn Đắc Xuân (t) và Hoàng Phủ Ngọc Tường (p)
Nguồn: OntheNet
“At Hue, too, the uprising failed, the populace horrified by the massacre of betwen 2,500 and 3500 persons, mostly civilian or families of Saigon government officials. The VPA and its NLF cadrers systematicallly took away people named on lists that had been prepared by local networks. (Both sides could play at that game: The CIA‘s chief for Hue escaped with a radioman, exphiltrating through ennemy lines in James Bond style, dressed in black and carrying exotic gear. He went immediately the the command post of the Marine general leading the response force and handed him a list that, according to a witness, contained thousands of names of NLF sympathizers in the Hue area.)”
(Trích John Prados, Viet Nam, The History of an Unwinnable war, 19445–1975, trang 240.

Đoạn văn này một cách công bằng bắt buộc phải xếp Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Thị Xuân Quế vào những thành phần tay sai chỉ điểm cho cộng sản Bắc Việt xâm nhập vào Huế dễ dàng.
Chú Thích: Khi nghe lại đoạn băng phỏng vấn, có thể có một đôi chỗ, người viết bài này nghe không rõ, ghi không kịp, mặc dầu phải ghi đi ghi lại nhiều lần. Người viết cũng không thể căn cứ trên bản dịch tiếng Anh của Ngô Vĩnh Long vì ngôn ngữ tiếng Anh không tương đồng với nọi dung tiếng Việt. Xin ghi lại chính những điều mà Hoàng Phủ Ngọc Tường trực tiếp trả lời phỏng vấn. Vì thế, có thể có đôi chỗ có ghi thiếu sót nhỏ nhặt, xin độc giả hiểu cho.

Hỏi: Ông có thể mô tả biến cố nổi dậy ở Huế, đặc biệt liên quan đến vụ thảm sát. Ở đây. Xin đề nghị ông trả lời cho biết những gì xảy ra bấy giờ ở Huế, có những vụ trả thù, đàn áp?

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ông muốn nói đến vụ thảm sát Mâu thân ở Huế? Đó là một chiến công vĩ đại của nhân dân Huế. Nhưng nhân dân Huế đã phải trả một giá đắt đắt cho chiến thắng này. Đó là là một sự trả thù chưa từng thấy của Mỹ và ngụy sau đó. Vì thế nhân dân Huế đã phải trả giá đắt nhất so với các thành phố khác của chúng tôi. Cũng chỉ vì ở đây người Mỹ đã chịu sự tổn thất nặng nề về sinh mạng, về vật chất và chính trị tại Huế.

Sự trả đũa đã vô cùng khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi là một người đã từng sống qua các thời kỳ chiến đấu chống lại người Pháp và thời chiến tranh chống lại người Mỹ, Tôi nghĩ rằng bọn chủ nghĩa thực dân mới thì khôn hơn bọn thuộc địa cũ. Bọn thuộc địa cũ nó chơi franc jeu hơn là thực dân mới. Nói cách khác, bọn chủ nghĩa thực dân mới thường bạo tàn hơn thực dân cũ. Và điều đó là chắc chắn đúng như vậy trong suốt cuộc tổng công kích tết MậuThân vừa qua.

Bởi vì tội ác do Mỹ tạo ra được toàn thể thế giới bên ngoài quan tâm, chúng chuyển tất cả tội ác của chúng và đổ lỗi cho những người làm cách mạng chống lại nhân dân của họ. Tôi ám chỉ việc chúng đã dùng vụ thảm sát như một bửu bối đặc biệt để bôi nhọ cách mạng Việt Nam trong cuộc hòa đàm Pari.
Đây là điều tôi muốn nêu rõ vì tôi biết như là một chứng nhân.

Tôi sẽ nói cho ông mọi sự cho ông một cách khách quan nhất.

Thứ nhất riêng những người bị giết, có nhiều người đã bị giết chắc chắn là do chúng tôi phải thi hành bản án tử hình. Bởi vì khi chúng tôi đến nhà họ, họ đã bắn đến cùng vào những chiến sĩ của chúng tôi làm bị thương khi chúng tôi kêu gọi họ đầu hàng.Vì thế những người này đã bị chúng tôi bắn chết tại chỗ. Trong đám những người này có tên phó tỉnh trưởng, lúc đó hắn đang sống ở Huế.

Trong một ít trường hợp, một số bị giết vì đã từng tra tấn các cư dân, gây cho toàn thể gia đình phải tù tội và đầy ra Côn Đảo. Chính nhân dân căm thù quá lâu, họ bị tra tấn, gia đình họ phải trả thù. Vì thế, khi cách mạng bùng lên và lấy lại được thế kẻ mạnh, nhân dân bùng lên đi lục soát tìm cho ra những tên bạo ngược này để trừ khử chúng như trừ khử những con rắn độc mà nếu như để chúng sống sót, chúng sẽ tiếp tục gây ra tội ác hơn nữa trong chiến tranh.

Mặc dầu chính sách của chúng tôi chỉ là nhằm cải tạo và không bao giờ giết bất cứ ai đã đầu hàng chúng tôi, song khi dân của thành phố đã nắm công lý trong tay của chính họ, thì các cấp lãnh đạo cách mạng của chúng tôi không còn có thể kiểm soát dân chúng trong suốt thời kỳ đang diễn ra. Nhưng tôi phải nói cho ông biết rằng mỗi một tên bị giết thì chúng đã giết ít nhất mười người khác trong các gia đình bị nạn.
Chúng giết mười người bây giờ giết một người bọn chúng, cái giá đó là rất nhẹ. Giết một người là công bằng. Nợ máu đó, căm thù và thi hành bản án như vậy là rất là nhẹ và công bằng.

Theo tôi nghĩ, bất cứ ai từng theo dõi hoàn cảnh chiến tranh, sự thể có thể chỉ là một sự trả thù nhỏ nhoi. Sự căm thù và sự thi hành bản án như vậy là nhẹ. Và theo tôi, mọi cuộc cách mạng đều giống nhau. Bởi vì đó là một cuộc chiến tranh mà sức mạnh quân sự và trang bị cực kỳ chênh lệch. Nhân dân chúng tôi không sở hữu được những thứ vũ khí như đế quốc Mỹ có. Song điều ấy cũng chẳng sao cả.

Còn đa số đã đầu hàng do chúng tôi giữ lại thì được đưa lên rừng ở trại cải tạo. Hầu hết đã được trở về. Vài người tôi biết chịu đựng không nổi vì khí hậu. Nhưng họ đã trở về với gia đình cả. Nhưng có một số bị giết.Thật không đáng kể, còn lại sau ngày giải phóng đã được trở về.

Phần lớn sự chết chóc đã xảy ra. Một khối lớn những xác chết đó là ai? Chính nhân dân bị bọn Mỹ làm chết không biết bao nhiêu trong các đợt phản kích này. Những người này bị giết và được chôn trong thành phố rồi sau đó được khai quật bởi Mỹ và quay phim tuyên truyền cho Mỹ.

Chẳng hạn, nó đã bỏ bom rơi vào một bệnh viện nhỏ, gần chợ Đông Ba. Nó thả bom làm 200 người vừa chết vừa bị thương. Tôi đã đi trên con đường hẻm vào ban đêm, và tôi tưởng rằng tôi đang dẫm trên đống bùn. Thế mà khi tôi bật cái đèn pile lên, máu khắp mọi nơi. Cả một khu vực bị bỏ bom bởi bom đạn Mỹ bắn phá. Và thế rôi, những ngày cuối cùng khi chúng tôi triệt thoái ra khỏi thành phố, kẻ thù của chúng tôi đã thâu lại và đem đi chôn.

Lý do thứ hai, những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra thì có nhiều người đã tham gia cách mạng. Những người này theo lực lượng cách mạng, vào rừng sau cuộc tấn công tết ậu Thân. Và khi kẻ thù trở về vào thành phố, chúng đã giết những người thân của các gia đình này rồi đem chôn trong các hầm tập thể. Những xác chết của lính giải phóng, những người mà chúng tôi không thể thu nhặt được xác cũng bị chúng đem bỏ vào những hố chôn tập thể.

Cộng thêm vào những tù nhân đi theo chúng tôi vào rừng cũng bị giết hại bởi máy bay Mỹ chết chung với các đồng chí của chúng tôi. Máy bay Mỹ cũng tập kích và giết chết các đồng chí của chúng tôi. Những giải phóng quân của chúng tôi cũng bị hy sinh.

Trong những năm 1975 đến 1977, trong khi đào các đường mương và kênh dẫn thủy, chúng tôi khám phá ra ra được rất nhiều hố chôn tập thể, cái được gọi là nạn nhân bị thảm sát thì chỉ toàn là những người mang đồng phục quân Giải phóng và nón tai bèo của lực lượng giải phóng.

Điều này nói lên mưu mô quanh co, sảo quyệt của bọn tân thực dân. Cuộc chiến này là ranh mãnh của chủ nghĩa thực dân mới. Chúng giết hai con chim bằng một hòn đá. Trước hết là vì chúng muốn tìm cách che dấu tội ác của chúng.

Hơn nữa là chúng muốn đổ lên đâu bộ đội cách mạng những tội ác của chúng. Đây là điều mà tôi đã chứng kiến. Và một sử gia người Mỹ sau đó viếng thăm Huế đã nói cách công khai rằng đây là kế hoạch tuyên truyền vĩ đại của Mỹ, một chiến dịch tuyên truyền chiến thuật đã làm hao tổn tiền bạc của Hoa Kỳ cho cân xứng với cái giá về tiền bạc mà tên Kissinger nhằm bôi nhọ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam về tết Mậu thân.

Tôi muốn nhấn mạnh là cả một bộ máy tuyên truyền của Mỹ với thế giới đã cố dùng tất cả bộ máy tuyên truyền để đổi trắng thành đen để lừa bịp nhân loại.

Sự thực là có một số xác chết nạn nhân bị giết là do sự giận dữ của dân chúng.

Những con số này quá nhỏ so với con số quá lớn kẻ thù còn sống sót và chúng nó đã chạy ra nước ngoài, chúng tiếp tục nói xấu Việt Nam. Giờ đây họ đã vu khống có tổ chức nhằm chống lại cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, ông phải nhìn nhận rằng mặc dù chúng tôi được sự ủng hộ của khắp thế giới khi chúng tôi chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng tôi, mà chỉ có dân chúng tôi bị bịt mồm và chịu đổ máu trước họng súng của kẻ thù. Chúng tôi đã phải đổi máu của chúng tôi một cách đơn độc.

Trong suốt cuộc chiến đấu, chúng tôi đã phải đem lại công lý chống lại kẻ thù không đội trời chung của nhân dân – những kẻ mà thế giới đã nhìn nhận như những tội phạm chiến tranh. Dân chúng thế giới đã có một phiên tòa của Bertrand Russell là một thí dụ cho rằng nếu đã có tòa án kiểu Nuremberg, thì đã có hàng ngàn người đã được tha chết trong trận Tết Mậu Thân là những kẻ đáng bị treo cổ sau khi chiến tranh chấm dứt.

Theo như Bertrand Russsell đã dẫn chứng, công lý chẳng bao giờ được thi hành. Vì vậy mà một sĩ quan Mỹ như trung úy William Calley đã giết nhiều người ở Sơn Mai mà nó không bị lên án treo cổ.
Và để nhằm mục đích gây chú ý trong trường hợp tội phạnm này, chúng đã ngụy tạo một cuộc thảm sát tết Mậu Thân để bôi bẩn cách mạng. Điều này chứng tỏ Mỹ không quan tâm đến vấn đề danh dự của nước lớn đi đánh một nước nhỏ bé. Chính quyền Mỹ đã nói láo về trận tấn công Tết Mậu thân.

Tiếp tục phỏng vấn liên quan đến ông Ngô Đình Diệm

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ngô Đình Diệm là một tên Phát Xít rất đúng nghĩa. Tôi sống ở đấy dưới thời Ngô Đình Diệm. Tôi đã thấy được Diệm muốn trở thành một ông vua. Trước đó Diệm đã là một ông quan lớn. Thí dụ về gia đình của Diệm sống gần cầu Phủ Cam ở Huế, nó đã bắt ép các nhà trí thức, các công chức, giáo sư đại học ăn bận theo kiểu xưa để đến quỳ trước sân nhà Ngô Đình Diệm và tung hô chúc tụng Diệm và cả gia đình trường thọ vào mỗi năm nhân dịp tết đến.

Diệm ngồi trên ngai vàng (golden throne) để quan sát buổi lễ. Chỉ chuyện này thôi cho ông thấy chế độ dân chủ của Diệm là gì. Thực sự mà nói, dân chủ thì không có những điều như thế. Đấy là một tổng thống phát xít và phong kiến. Đấy là gia đình của Diệm. Và chính sách của Diệm, nó muốn triệt tiêu mọi tự do dân chủ của người dân bình thường. Thí dụ như ông ta đã đã ban hành một đạo luật gọi là ...

Mục đích của Diệm là triệt hạ hết người cộng sản. Và đấy là những gì người Mỹ muốn ông ta làm. Vì thế nó đã diệt trừ mọi ảnh hưởng của cách mạng tháng tám trong thành phố này, một thành phố đã lật đổ chế độ vua chúa và trương ngọn cờ cách mạng tháng 8.

Trên hết tất cả, các gia đình có con em tập kết ra Bắc, sau hiệp ước Giơ neo, từng người một bị tù, lưu đầy và tra tấn cho đến bao giờ họ quên được đứa con và họ phải tố cáo người thân của mình.

Có rất nhiều gia đình cố gắng che dấu tung tích là họ có con em và người thân tập kết ra Bắc. Đấy là thứ chống Cộng áp bức người dân quên đi hẳn màu cờ của cách mạng tháng 8. Và thế rồi sự đàn áp gia tăng với bất cứ phương cách nào có thể áp dụng được. Một trong những biện pháp là dùng các gia đình lao động có chồng tập kết ra Bắc đang có bầu, dẫm lên bụng cho đến lúc cái thai phải vọt văng ra ngoài, vì chúng nói rằng dù chỉ một giọt máu cộng sản cũng không thể để lại trong bụng những phụ nữ miền Nam.

Mọi phương tiện khác được thực thi đã làm tràn lan như vậy với cái luật tên là đạo luật 10/59 mà Diệm đã ban bố. Ở Huế trong thời gian này là một nơi thật bỉ ổi giam cầm người dân gọi là “Chín hầm”. Nó đã nhốt những người yêu nước giam giữ ở đó. Khi chế độ Diệm bị lật đổ, chúng tôi đến coi những tù nhân bị nhốt trong các hầm đó và thấy họ như những người rừng rú. Tóc và râu họ mọc dài chỉ còn xương với da.

Những tù nhân này bị bắt đứng suốt khi những nước mưa nhỏ xuống khe hở thì chân của họ ngập trong nước năm này qua nằm khác. Phần hậu môn, đàng lưng hoàn toàn bị nhiễm trùng. Họ không còn là con người và họ bị giam giữ cho tới khi chết. “Chín Hầm” là phương tiện đàn áp bỉ ổi chưa từng có được áp dụng cho những người bị coi là cộng sản.

Không biết chế độ Hít Le tàn bạo như thế nào, nhưng tôi có thể nói chắc rằng chưa có một tội ác chống nhân loại nào mà có thể so sánh với chế độ Diệm sau thời Hít Le. Càng lúc, sự tự do tôn giáo càng được quan tâm, Ngô Đình Thục, anh của Diệm và là Tổng giám mục ở vùng này đã bắt tất cả các phật tử và không tôn giáo phải xử sự và sống như người công giáo. Họ phải thờ tự như người công giáo. Vào dịp lễ Phật Đản chúng quyết phải hạ cờ quạt, biểu ngữ Phật giáo xuống. Điều đó dẫn tới sự nổi dậy của Phật tử và sự chống đối khắp các thành phố dẫn tới sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Phần phụ thêm chứng từ trả lời phỏng vấn của bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế

Rất ít người được biết bà Phạm Thị Xuân Quế là ai? Tôi được biết bà Quế và một số nhân vật nằm vùng khác qua Thái Thị Kim Lan. Bà Quế sống ẩn tích từ trước 1975 và cả sau 1975.

Hiện nay bà Quế làm công tác từ thiện trông nom các người già yếu. Nhưng đọc những lời bà trả lời phỏng vấn trong “Interview with Viet Nam Museum Guide”, 1981, WGBH, Open Vault thì thật sự ngỡ ngàng đến không hiểu được. Bà có thể viết bịa đặt nhiều điều như thế về chế độ Đệ nhất Cộng hòa được chăng? 40 phụ nữ có chồng tập kết bị Diệm cho vào rọ, rồi thả trôi sông? Ai cho phép lương tri của một phụ nữ viết về thân phận những người đàn bà có chồng đi tập kết bị phóng chiếu, cường điệu một cách tàn bạo như vậy?

Kỹ thuật cho vào rọ, rồi thả trôi sông là kỹ thuật sáng chế “độc quyền từ thời Cách mạng tháng 8”; ông Diệm e rằng học chưa tới kỹ thuật đó!

Tuy nhiên qua bà Quế, người ta có thể hiểu được phần nào những hoạt động của những người nằm vùng, của một sinh viên, trí thức Huế. Những kẻ được goị là Huế giết Huế. Nay chạy tội và sẵn sàng nói rằng trong vụ Tết Mâu Thân, 99% các nạn nhân đều do bom đạn Mỹ. Căn cứ vào đâu, bà Phạm Thị Xuân Quế có thể xác quyết như thế? Nếu tin rằng có oan hồn, có kiếp sau, có nhân quả, Bà bác sĩ Quế sẽ ăn nói làm sao với các vong linh những người đã chết?

Những lời vu cáo trắng trợn và ác độc như thế thì có làm bao nhiêu công đức, có ăn chay nằm đất, có không quan hệ tình dục cũng không cứu vãn nổi.

Hóa cho nên cả bọn chỉ học được một sách của cộng sản là: Sẵn sàng nói láo, sẵn sàng vu cáo, dối trá bất kể sự thật ra sao. Trong khi đó có những chuyện bịa đặt trắng trợn của những người “đồng chí” của bà thì bà lại che dấu? Bà đã nợ tôi, ngươi viết, một món nợ khi tôi hỏi về câu chuyện phái đoàn sinh viên Huế vào thăm dinh “ngụy” sau 1963, có thấy phòng bà Ngô Đình Nhu kế cận phòng ông Diệm không, có thấy bốn bức tường phòng bà Nhu đều gắn gương soi không, có thấy cái “ghế khoái lạc” của bà Nhu thường nằm không? Bà và người bạn gái của bà đã thử nằm chưa và cảm giác thế nào? như Nguyễn Đắc Xuân mô tả không? Cả hai chị em, Thái Thị Kim Lan và Phạm Thị Xuân Quế đều đồng loạt tránh né, bao che cho Nguyễn Đắc Xuân nói không nhớ gì cả.

Thật chán cho các bà.


Mưa ở Huế
Nguồn: OntheNet
Trong bài viết này, chỉ xin tóm lược vài ý nghĩ rời về những điều bà đã trả lời phỏng vấn trên.

– Bọn chó săn, mật vụ nó bắt đổ bàn thờ và đi theo họ. Nó tra tấn dã man. Nó bắt con phải tố giác cha mẹ.
– Nhất là các chị có chồng đi bộ đội. Nó đánh đập, tra tấn, bắt ly dị chồng, xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ. Nó bắt phải lấy bọn chó săn, bọn mật vụ. Tôi cho là vô nhân đạo. Điển hình là ở Quảng Nam, những người phụ nữ có chồng đi tập kết. Nó lấy bao bố, cột lại, thả xuống sông. Chúng cột 40 người, rồi trôi sông ở đập Vĩnh Trinh.
– Và chính mắt tôi trông thấy.
Về tết Mậu thân, bà cho biết:
– 1960, phong trào bắt đầu gây dựng, phát triển năm 1963. 1968, phong trào rất phát triển rất mạnh. 90% thành viên của phong trào hướng về cách mạng. (Huế tang tóc vì những tổ chức và những thành phần nội tuyến như bà Quế này.)
– Được tin ở trên cho biết sẽ tấn công ở Huế. Mạng lưới nội thành – mạng lưới của chúng tôi – đã bí mật hoạt động hợp pháp từ 1961. Có rất nhiều cơ sở.
– Từ 23 tháng 12 đến 29/1968 các cơ sở đã đi ra ngoài vùng và gánh vũ khi dấu trong những gánh rau. Do địch chủ quan, chị em qua mặt chúng và đã đưa được vũ khí vào thành phố. (Ở Sàigon, Việt Cộng tổ chức nhiều đám ma, trong quan tài chứa vũ khí - NVL).
– Phần tôi đang ở trường trung cấp y tá, đã in một số truyền đơn. Nội dung đưa ra chính sách khoan hồng đối xử thế nào với địch.
– Mặt khác lo chuẩn bị bánh tét cho thật nhiều. Chuẩn bị cứu thương. Và may rất nhiều cờ. Trong số cán bộ 1/3 vẫn không ra mặt, tôi ở trong số đó nên chúng không biết tôi là Việt Cộng.
– Không khí những ngày đầu tết Mậu thân: Dân chúng có bàng hoàng. Nhưng không thiếu niềm vui phấn khởi, họ đóng góp nào bánh chưng, bánh tét, yêu cầu ngụy quân, ngụy quyền ra hàng. Tôi đi xem văn nghệ.
– Đặc điểm là bộ đội giải phóng dễ thương quá, thân tình khác hẳn thái độ hách dịch của lính ngụy.
– Đến ngày mồng 7, một số đông ngụy quân, ngụy quyền ra hàng. Nhờ các anh bộ đội đã đào hộ các hầm trú ẩn nên ngụy bắn đại bác, dội bom đã có chỗ núp.
– Tôi cũng lo bảo vệ các giáo sư ngoại quốc người Đức, đang ở số 2 Lê Lợi. Nhờ đó, bộ chỉ huy đã mời các ông ấy đến ở chỗ quân đội trú đóng để bảo vệ họ. Nhưng địch đã dội bom làm chết các giáo sư ấy cũng như cả bộ đội. Địch phản tuyên truyền, bao nhiêu người chết đều là do Việt cộng tàn sát. Nhưng có thể nói 99% là do bom đạn Mỹ sát hại.

Xin hết ý. Hãy đọc để nhận dạng Hoàng Phủ Ngọc Tường là ai.


No comments:

Post a Comment