Wednesday, June 23, 2010

Nguyễn Văn Minh-Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt 2

Nguyễn Văn Minh-Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt 2


Chương 2.1


BIẾN CỐ "CỜ PHẬT GIÁO"


TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VỚI CÁC TÔN GIÁO


Ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa chủ trương vô thần xuất hiện tại Việt Nam (1930), không chỉ riêng ông Ngô Đình Diệm, mà tất cả các anh em ông đều đã chú tâm đến việc nghiên cứu tìm một sách lược đối phó với chủ nghĩa vô cùng tai hại này. Họ quan niệm rõ ràng rằng. Niềm tin tôn giáo là sức mạnh vô địch trong cuộc chiến chống lại chủ thuyết vô thần nguy hiểm ấy.

Vì thế, khi nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong tình hình cuộc chiến Quốc-Cộng đang có nhiều bất lợi cho phía Quốc Gia, nhất là khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneva, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tiên kiến một cuộc chiến tranh khó khăn và tàn khốc hơn do cộng sản bắc việt điều khiển sẽ xảy ra tại miền Nam sau khi hiệp định này được thi hành. Để đối phó với cuộc chiến do một chủ nghĩa mang tính giáo điều hướng dẫn, ông đã chuẩn bị "sức mạnh vô địch" bằng chính sách đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ, cũng cố, phát triển niềm tin tôn giáo, tạo sự hòa đồng giữa các tôn giáo, hậu xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong toàn miền Nam.


BẢO VỆ, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN NIỀM TIN


Cụ thể, đối với đồng bào Thượng, mặc dầu niềm tin của họ mang nhiều sắc thái mê tín, dị đoan, vẫn được Chính Phủ tôn trọng. Vì vậy trong chương trình Thăng Tiến đồng bào Thượng tại các địa phương cũng như chương trình giáo dục văn hóa và huấn nghệ cho thanh niên Thượng của Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng, vẫn đề niềm tin của họ không hề bao giờ được đề cập tới. Với hai tôn giáo mới được thiết lập tại miền Nam: Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo, Thủ Tướng Diệm đã có quyết định và hành động quyết liệt đối với tổ chức võ trang của họ vì mục đích thống nhất Quân Đội, tập trung sức mạnh Quốc Gia, như quan niệm được ông xác định ngay từ khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu dành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Quan niệm này được ông xác định lại trước Quốc Trưởng Bảo Đại khi ông nhận trách nhiệm đứng thành lập Chính Phủ, tháng 6. 1954 "Một nước mạnh, có uy tín, cần phải có một đạo quân mạnh và kỷ luật". (Con Rồng Việt Nam. Trang 526) Nhưng với tổ chức và các sinh hoạt thuần thúy tôn giáo của họ, vẫn được Chính Phủ triệt để tôn trọng và khuyến khích. Đoạn viết của ông Lâm Thành Nĩ, cháu nội một vị Khai Đạo của Cao Đài Giáo, tác giả cuốn Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, được trích dẫn trong phần này là một bằng chứng.


CÔNG BẰNG ĐỐI XỬ, TẠO SỰ HÒA ĐỒNG VỚI CÔNG GIÁO


a. - Dưới thời Pháp thuộc và qua các Chính Phủ dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại, Giáo Hội Công Giáo vẫn được hưởng quyền tự do mở các Chủng Viện để đào tạo Linh Mục, Tu Sĩ. Chương trình giảng dạy không phải chịu sự kiểm soát của Chính Phủ.

Đến thời Đệ I Cộng Hòa, cuối tháng 11. 1956, Tổng Thống Diệm đã ban hành Đạo Dụ 57/4, xóa bỏ quy chế này. Đạo Dụ ấn định: "Không ai được mở trường tư mà không có giấy phép của Chính Phủ. Các trường được phép mở phải chịu sự kiểm soát của Chính Phủ về nhân viên, chương trình giảng huấn".

Việc ban hành Đạo Dụ này đã gây nên một làn sóng phản đối dữ dội trong giới Công Giáo. Đầu năm 1957 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong đó có Giám Mục Ngô Đình Thục, họp ra thông báo dẫn chiếu điều 17 Hiến Pháp, lên án Đạo Dụ 57/4 là vi phạm tự do tín ngưỡng và yêu cầu xóa bỏ tất cả những điều khoản liên quan đến các Chủng Viện.

Nhưng khi được giải thích và nhìn ra mục đích của Đạo Dụ là tạo sự hòa đồng giữa các tôn giáo, gây tình đoàn kết toàn dân, nhằm bảo vệ quyền lợi tối thượng của đất nước. Đạo Dụ đã được giới Công Giáo nghiêm chỉnh thi hành.

b. - Cựu Trung Tá Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân, một thi văn sĩ lão thành có nhiều uy tín và rất được nể trọng trong giới văn nghệ sĩ cũng như trong chính giới tại miền Nam thời xưa, cũng như tại hải ngoại ngày nay, một tín đồ Phật Giáo, Tổng Giám Đốc hệ thống Truyền Thanh Quốc Gia thời Đệ I Cộng Hòa. Trong một dịp lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông đã viết mấy bài đăng trong Đặc San ngày lễ nói về một số đức tính của Tổng Thống. Trong đó có bài viết về vấn đề "k ỳ thị tôn giáo"như sau:

"Một hôm, một vị Linh Mục đến Đài Phát Thanh đề nghị với tôi cho chuyển mục "Tiếng nói Công Giáo" sang tầng số A, tức là tầng số Quốc Gia. Tôi trả lời rằng, làm như thế bắt buộc phải cho tiếng nói của các tôn giáo khác cũng được hưởng một quy chế tương tự. Điều đó không thể thực hiện được. Ít hôm sau tôi được giây nói của ông Nguyễn Đình Thuần bảo: Tổng Thống đã chấp thuận cho "Tiếng nói Công Giáo" được phát thanh trên tầng số A. Tôi thưa là việc đó rất quan trọng, phải có công văn minh xác, chứ tôi không thể thi hành theo khẩu lệnh. Ông Thuần gửi văn thư tới. Vị Linh Mục hôm trước cũng tới. Tôi nói: Để tôi xin trình diện Tổng Thống rồi mới quyết định. Ông Thuần gọi tôi vào tỏ ý bất bình vì tôi ngoan cố bất tuân thượng lệnh. Tôi trình bày lý do và xin phép ông cho tôi trình thẳng Tổng Thống. Ông gắt lên: "Anh muốn làm gì đó thì làm".

Ngay khi tôi gặp Tổng Thống đã hỏi: "Tại răng các Cha làm việc đạo đức mà lại cấm?"

Tôi thưa rằng: Trong nước có nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu nay lại để cho Công Giáo được đãi ngộ đặc biệt thì lòng dân sẽ bất bình, nghĩ là Tổng Thống là Công Giáo nên quá thiên về đạo giáo của mình. Chúng tôi thiết nghĩ Đạo Chúa là Đạo Tình Thương, vậy thì dùng mục "Tiếng Vọng Tình Thương" rồi muốn nói gì thì nói. Tổng Thống ngồi lặng một lúc rồi gật đầu:

"Anh về bàn lại với các Cha. Đừng quá sốt sắng về việc đạo mà xảy ra chuyện kỳ thị tôn giáo".

Tôi ra về trình lại với ông Thuần. Ông Thuần ngạc nhiên hỏi: "Anh nói gì mà Tổng Thống lại đổi ý như vậy?" Tôi nói: Thưa việc này mới nhìn có vẻ tầm thường, nhưng suy nghĩ kỹ thì là cực kỳ nghiêm trọng. Vấn đề tôn giáo là một vấn đề vô cùng phức tạp. Rất nhiều vị tu hành vì quá sốt sắng với việc đạo, mà làm hại đến uy tín của chế độ.

Ông Thuần tỏ ý khen ngợi tôi đã dám thẳng thắn nói lên sự thật, nói lên ý kiến đúng đắn của mình.

Tôi nghĩ, chỉ vì nhiều người muốn cho xong chuyện, nên tìm cách bưng bít sự thật, chứ Tổng Thống Diệm là người lúc nào cũng muốn nghe lẽ phải và sự thật.

Bọn người bưng bít sự thật chính là bọn phản bội. Nước mất phần lớn là vì bọn người ấy. "


VỚI CAO ĐÀI GIÁO


Tại chương nói về "Kỳ thị tôn giáo" trong tác phẩm nhan đề Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tác giả Lâm Thành Nĩ, đã viết một đoạn như sau:

"Riêng vấn đề Pháp nạn của Phật Giáo hồi năm 1963. Theo ý nghĩ thô thiển của chúng tôi thì có lẽ mọi người trong chúng ta, ai cũng đồng ý rằng. Nếu thật sự nó chỉ có đơn giản, và nếu đúng là ông Ngô Đình Cẩn lạm dụng quyền hành ra lệnh cấm không cho treo cờ Phật Giáo. Rồi kế đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chịu nhìn nhận sự sai sót để hòa giải về vấn đề này, thì thật là một chuyện đáng tiếc. Và Phật Giáo đứng lên tranh đấu thì rõ là một việc làm thật chánh đáng, một hành động can đảm mà chắc ai cũng khâm phục. Nhưng khi tình hình đã rối ren rồi, cộng sản xen vào xúi bẩy, gây rối, chế thêm dầu vào lửa để hưởng cái "lộc" trước cảnh "cò nghiêu tranh nhau ngư ông đắc lợi" là điều không thể nào tránh khỏi. Hơn thế nữa có dư luận cho rằng một số lãnh tụ tranh đấu lại là cộng sản?! Một số khác thì vô tình làm theo kế hoạch của cộng sản?!

Còn cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm có chủ trương kỳ thị tôn giáo hay không? Xin mời quý vị xem vài giai thoại dưới đây, để rồi tự mình trả lời cho cái thắc mắc của mình một phần nào.

Vào tháng 10 năm 1963. Tôi có dịp đọc một cột báo của một nhật báo xuất bản vào thời điểm ấy. Tờ báo viết, vì lâu quá tôi không nhớ rõ từng chi tiết nên xin lập lại với xự dè dặt.

"Bất thần Tổng Thống lên xe đi, cũng bất thần Tổng Thống ra lệnh cho xe ngừng lại. . . ông bước vào một tiệm may ở vùng Phú Nhuận, tay chỉ xấp vải để trong tủ kiếng, miệng hỏi chủ tiệm:

- Hiện nay, một bộ đồ Veston bằng vải đó giá bao nhiêu tiền?. . .

Xe đang chạy ngang qua một Chùa Phật thấy treo cả hai lá cờ, cờ Quốc Gia và cờ Phật. . . Ông bước xuống xe vào Chùa thăm, thấy các vị tu sĩ vui vẻ đón tiếp ông. . . Về Dinh, trưa hôm ấy Tổng Thống ăn một bữa cơm thật ngon miệng".

"Đến chuyện trong nhà, ông nội của chúng tôi là một chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài mà chắc một số chính khách. Kể cả các vị Đại Sứ Hoa Kỳ của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1963 có lẽ cũng không xa lạ gì ông. . . (đoạn này ghi tên các nhà lãnh đạo đất nước, một số chính khách, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị Đại Sứ v. v. . . ông nội tác giả đã từng hội kiến, xin được miễn trích dẫn)

Sở dĩ tôi nêu lên một danh sách dài dằng dặc như thế, là nhằm mục đích nói lên rằng: Nếu ông là người hay ăn nói sằn bậy, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Thì ông không thể nào được quý vị lãnh đạo có tầm cỡ trên tiếp kiến, đàm đạo.

Đó là ông Khai Đạo Phạm Tấn Đãi của Đạo Cao Đài. Trong những lúc trò chuyện với con cháu ở gia đình, có lần ông nói với tôi về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm:

Trong một lần tiếp phái đoàn Cao Đài đến thăm xã giao tại Dinh Độc Lập. Ông Ngô Đình Diệm nói trước phái đoàn rằng:

"Tôi kính trọng quý Ngài. Một số Linh Mục Công Giáo hãy gặp tôi thì xin phép được xổ số Tombola để có tiền xây dựng Nhà Thờ. Tôi nói Cao Đài người ta đâu có Tombola, mà tôi thấy họ cất thêm Thánh Thất mới đều đều".

Với thái độ đượm vẻ thoải mái hiện rõ trên gương mặt một cách khác thường ông nói tiếp:

"Rồi với nụ cười ngộ nghĩnh, vừa hóm hỉnh và vừa chua chát, ông Ngô Đình Diệm kết luận:

"Cứ Tombola! Tombola mới xây dựng được Nhà Thờ"

Xuyên qua việc làm và vài câu nói trên. Xin quý vị thử nghĩ xem đức độ lãnh đạo cũng như lập trường đối với Tôn Giáo của cố Tổng Thống Đệ I Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm ra sao? Có kỳ thị hay không? Hay là những khuyết điểm phần lớn là do những người chung quanh hoặc bên lề những sai lầm, cố Tổng Thống cũng còn là một người có những đức tính cao quý của một con người trung thực trước những thực tế. Thực tế này được cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xác nhận lại bằng lời nói với một người cố vấn của ông và ông này thuận lại với ông của chúng tôi:

"Mình giúp gì cho Cao Đài họ cũng không chịu nhận. Nhìn kỹ cũng không thấy họ lấy gì của phía bên kia. (cộng sản) Thế mà mỗi lần lên thăm, thấy họ lại hoàn tất hoặc đang xây dựng một công trình đồ sộ mới", "Người của họ thật là có tinh thần".

Ngoài ra việc cố Tổng Thống dùng Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Ông này đã từng chống một số Linh Mục người Pháp, giữ một chức vụ quan trọng ở bên cạnh mình. Điều này cũng cho thấy một phần nào, có lẽ ông không phải là người sùng đạo đến mù quáng mà chỉ là con chiên ngoan đạo, một người tín ngưỡng. (Thực Trạng Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Trang 263)


VỚI PHẬT GIÁO


Phật Giáo là một tôn giáo du nhập Việt Nam lâu đời, đã đi sâu vào tâm thức và đời sống người dân, có một khối tín đồ quan trọng. Nhưng ông Diệm nhìn thấy Phật Giáo tổ chức quá lỏng lẻo, có thể là một môi trường thuận lợi cho đối phương xâm nhập, lợi dụng làm bình phong thực hiện cuộc chiến tranh khuynh đảo và nổi dậy dưới danh nghĩa "nhân dân". Nếu để địch lợi dụng được môi trường này, nó sẽ tạo nên mối nguy hiểm lớn lao cho cuộc chiến chống cộng sản tại miền Nam. Thêm vào đó, vốn có nhiều thiện cảm với các tăng sĩ qua những liên hệ trong thời kỳ hoạt động bí mật sau khi treo ấn từ quan, Tổng Thống Diệm đã dành cho Phật Giáo rất nhiều quan tâm và ưu đãi.

Ngay từ những năm đầu của chế độ, Tổng Thống Diệm đã áp dụng một chính sách đặc biệt đối với Phật Giáo nhằm giúp họ phát triển và kiện toàn tổ chức.

Thực hiện chính sách này, tại Sài Gòn, Tổng Thống Diệm đã giúp đỡ một phần tài chánh khích lệ Hội Phật Học Nam Phần do ông Mai Thọ Truyền, một cư sĩ, làm Hội Trưởng, xây cất Chùa Xá Lợi dùng làm nơi nghiên cứu, học hỏi giáo lý, mở rộng kiến thức, củng cố niềm tin nơi tín đồ Phật Giáo. (Chùa Xá Lợi được xây cất giữa năm 1958). Theo ông Phạm Minh Chiểu, cựu Phó Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội Phủ Tổng Thống, hiện cư ngụ tại Thành Phố Orange County, California, thì số tiền giúp xây Chùa Xá Lợi là hai triệu đồng (2. 000. 000), được trích từ ngân quỹ của Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Phủ Tổng Thống (Theo giá sinh hoạt tại Việt Nam khi ấy, 1 mỹ kim bằng 35 đồng bạc Việt Nam). Tôi cũng được ông Hoàng Quang Chính, Chánh Văn Phòng Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Phủ Tổng Thống, hiện cư ngụ tại Thành Phố Orange County, California, cho biết, chính ông là người đã đem số tiền trên đây trao cho ông Mai Thọ Truyền, người chủ trì việc xây cất Chùa Xá Lợi.

Ông Huỳnh Văn Lang nguyên Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái Quốc Gia, trong hồi ký Nhân Chứng Một Chế Độ kể lại rằng, về thời gian ông không còn nhớ chính xác nhưng sự việc thì rõ ràng. Khoảng năm 1959-1960 Thượng Tọa Thích Tâm Giác đứng tên chúng với bà Đức Âm, nhạc mẫu của ông Lang, xin mua khu đất của Nha Thương Cảng thuộc Bộ Tài Chánh, bên bờ lạch sát đầu Cầu Công Lý để xây Chùa. Lô đất rộng trên dưới một mẫu tây đang được dân chúng xung quanh trồng rau muống. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh không dám quyết định, đưa ra trình trước Hội Đồng Tối Cao Tiền Tệ do Tổng Thống chủ tọa. Trong buổi họp, ông Huỳnh Văn Lang, Tổng Thư Ký Hội Đồng, đề nghị xin Tổng Thống Diệm chấp thuận để họ xây Chùa. Và ông ghi lại:

"Không ngần ngại một chút, ông Diệm cho chỉ thị ngay:

- Làm Chùa thì cho ngay đi.

Và ngay sau buổi họp, Bộ Tài Chánh đã làm giấy bán lô đất cho Thượng Tọa Thích Tâm Giác và bà Đức Âm với tượng trưng một đồng bạc". (Nhân Chứng Một Chế Độ. Tập 1. Trang 463)

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, Chùa Vĩnh Nghiêm đã được xây cất trên lô đất này.

Tại Huế, qua cơ sở Phật Giáo Chùa Từ Đàm mà người đại diện là Thượng Tọa Thích Trí Quang tại Chùa này, ông Ngô Đình Cẩn đã tích cựu giúp đỡ Phật Giáo phát triển bằng cách cung cấp tài chánh, vật liệu, dụng cụ, góp thêm vào việc xây cất nơi thờ tự tại một số cơ sở mới thành lập, trùng tu những Chùa miếu bị hư hại đổ nát, thực hiện đồ thờ cúng. Vấn đề tài chánh thường được cung cấp trực tiếp từ ông Cẩn và qua các ông Đại Biểu Chính Phủ hoặc Tỉnh Trưởng sở tại. Ông Nguyễn Đình Long chủ tiệm Thăng Long trên đường Phan Bội Châu Huế, đã được trúng thầu khai thác củi trong kế hoạch khai quang mật khu Hòa Mỹ của Việt Cộng, thuộc Quận Phong Điền Tỉnh Thừa Thiên, với điều kiện mỗi tháng cung cấp cho Thượng Tọa Trí Quang ba mươi ngàn đồng (30. 000). Quận Trưởng Quận Phong Điền khi ấy là ông Hoàng Ngọc Trợ, người cho đấu thầu công tác khai quang này, hiện ở San José, California.

Một điều rất đặc biệt, để có vật liệu đúc chuông cho một số Chùa mới xây cất, ông Cẩn đã yêu cầu Đại Đội Quân Cụ Quân Khu II bằng mọi cách, cung cấp vỏ đạn đồng cho Thượng Tọa Trí Quang. Công việc này thật khó khăn, vì thời kỳ ấy người Mỹ chỉ cung cấp súng đạn cho Quân Đội Việt Nam sử dụng trong công tác huấn luyện, nên việc cấp phát đạn dược rất hạn chế, kèm theo nhiều thể thức kiểm soát hết sức chặt chẽ. Tuy vậy, anh em Quân Nhân thuộc Đại Đội Quân Cụ cũng đã tìm cách thực hiện được lời yêu cầu của ông Cẩn. Hai người phụ trách công việc này là Trung Úy Ngô Văn Điều, cấp bậc sau cùng là Trung Tá, hiện cư ngụ tại Thành Phố Garden Grove, Orange County, California và Thượng Sĩ Nguyễn Hiệp, không rõ cấp bậc sau cùng, hiện ở Úc Châu. Cả hai người cùng là tín đồ Công Giáo.

Được chính quyền tích cực giúp đỡ, Phật Giáo miền Trung phát triển mạnh, có thêm nhiều cơ sở, Chùa miếu mới. Từ đó, uy tín của các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm, đặc biệt là Thượng Tọa Trí Quang, mỗi ngày một lớn thêm trong giới Phật Giáo. Riêng Thượng Tọa Trí Quang được mặc nhiên coi là đại diện chính thức cho cả khối Phật Giáo Miền Trung đối với chánh quyền, Thượng Tọa đã từng đến nhà ông Cẩn gặp ông nhiều lần. Ngược lại, một đôi lần ông Cẩn cũng đã lui tới thăm hỏi, dùng trai với ông và các tăng sĩ tại Chùa Từ Đàm. Vì vậy Thượng Tọa Thích Trí Quang đã được các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa khác đặc biệt tin tưởng, kính nể. Uy tín của ông vượt trội hẳn trên các vị tăng sĩ khác.

Cuối năm 1956, hai Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh của Chùa Từ Đàm, xin phép đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới tổ chức tại Tích Lan. Đơn xin xuất ngoại của hai vị bị cơ quan an ninh đề nghị bác với lý do: Hồ sơ an ninh ghi hai vị có nhiều hoạt động thiên cộng.

Hai vị đã chạy đến nhờ cậy ông Ngô Đình Cẩn và ông Cẩn đã phải viết thơ riêng can thiệp với Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Cuối cùng hai vị đã được xuất ngoại với thông hành Công Vụ để thoát qua cửa ải "thủ tục an ninh", theo sáng kiến của ông Cao Xuân Vỹ.


GIÚP XÂY DỰNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO


Ngoài những giúp đỡ vật chất có tính cách nhất thời kể trên. Tổng Thống Diệm còn có kế hoạch lâu dài, giúp Phật Giáo Việt Nam tổ chức thành một Giáo Hội Thống Nhất. Ông khuyến khích, yểm trợ việc đào tạo cán bộ, để có nhân sự đủ khả năng xây dựng Giáo Hội Phật Giáo thành một tổ chức chặt chẽ và vững mạnh từ căn bản.

Cuối năm 1957 đầu năm 1958, các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm, chủ chốt là hai Thượng Tọa Trí Quang và Thiện Minh, đã nhờ ông Ưng Thuyên, soạn một bản Điều Lệ xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất" toàn quốc. Nội dung điều lệ hoàn toàn như điều lệ của một hội đoàn thường.

Bản Điều Lệ có kèm theo đơn xin thành lập hội, được gửi lên Bộ Nội Vụ đã quá sáu tháng mà không nhận được kết quả gì. Hai Thượng Tọa Thích Trí Thủ và Thích Thiện Minh được các vị tăng sĩ Chùa Từ Đàm cử vào Sài Gòn đem theo phó bản đơn xin lập hội và điều lệ đến Quốc Hội nhờ ông Võ Như Nguyện, Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ can thiệp. (Ông Nguyện hiện cư ngụ tại Thành Phố Lons, Pháp Quốc).

Tiếp hai tăng sĩ và sau khi coi qua Bản Điều Lệ, ông Võ Như Nguyện hỏi Bộ Nội Vụ thì được trả lời: Việc này còn đang cứu xét. Thấy thời gian xét đơn đã quá thời hạn luật định, ông Nguyện liền xin Tổng Thống Diệm cho hai tăng sĩ được yến kiến để đạo đạt thỉnh nguyện. Tổng Thống chấp nhận ngay và ông Nguyện đã đích thân đưa hai tăng sĩ vào Dinh Độc Lập trình diện Tổng Thống ngay sau đó.

Sau khi nghe hai tăng sĩ trình bày sự việc và nguyện vọng, Tổng Thống bảo ông Nguyện:

- Ông Nguyện qua Bộ Nội Vụ lấy hồ sơ về đây cho tôi.

Trong khi Tổng Thống còn chuyện vãn với hai tăng sĩ, ông Nguyện đem hồ sơ về trình, Tổng Thống cầm lật coi qua mấy trang rồi hỏi ông Nguyện:

- Ông Nguyện đọc chưa?

- Dạ thưa Tổng Thống tôi đọc rồi.

Không hỏi gì thêm, Tổng Thống phê Thuận ngay trước mặt hai Thượng Tọa Trí Thủ, Thiện Minh và ông Võ Như Nguyện, Hồ sơ được giao trả lại cho Bộ Nội Vụ, để làm thủ tục, rồi sau đó chuyển đạt cho Hội Phật Giáo.

Rất tiếc là hai vị nhân chứng là hai Thượng Tọa kể trên đều đã viên tịch rồi. (Lời ông Võ Như Nguyện)

Thiết tưởng cần nói thêm ở đây về việc nhóm Tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang đòi hủy bỏ Đạo Dụ số 10.

Đạo Dụ số 10 được Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành tháng 8 năm 1950, ấn định các thể thức phải thực hiện khi muốn thành lập một hội đoàn và các điều lệ phải tuân thủ khi hội đã được phép thành lập. Toàn văn Đạo Dụ không một chữ nào đề cập đến vấn đề tôn giáo. Ngoại trừ và duy nhất Điều 44 trong chương Tổng Tắc của Đạo Dụ ghi:

"Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa Kiều Lý Sự Hội sẽ ấn định sau"

Nếu hiểu Chế Độ Đặc Biệt nói trong Điều Khoản này là dành cho một Tôn Giáo, thì không lẽ Hoa Kiều Lý Sự Hội cũng là một tôn giáo?

Ngoài ra, các hội truyền giáo tại Việt Nam đã chấm dứt nhiệm vụ từ năm 1960, khi hệ thống giáo quyền Việt Nam được thiết lập.

Người ta không khỏi thắc mắc: Thượng Tọa Trí Quang người chủ chốt trong việc xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất", nếu thấy Đạo Dụ 10 là cách đối xử bất công với Phật Giáo, sao Thượng Tọa không xin hủy bỏ Đạo Dụ này khi Đạo Dụ mới được ban hành, hoặc khi xin thành lập "Hội Phật Giáo Thống Nhất"?

Cụ Tôn Thất Thiết, một Phật Tử thuần hành mà thân phụ là Phò Quan Quận Vương Tôn Thất Hân, người đã từng can thiệp cho Hội Chấn Hưng Phật Giáo tại miền Trung được hoạt động đầu thập niên 30, nói với tôi:

"Việc đưa ra đòi hỏi hủy bỏ Đạo Dụ 10, chỉ là kỹ thuật gây cho đồng bào Phật Giáo ấn tượng bị phân biệt đối xử để lôi cuốn họ vào cuộc tranh đấu. Đạo Dụ do Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành từ năm 1950, nếu thấy bất công đối với Phật Giáo sao hồi đó các Thầy không phản đối xin hủy bỏ? Rồi đến thời ông Diệm, từ năm 1954 đến 1962 cũng không xin hủy bỏ, mà phải đợi đến khi tranh đấu mới đòi"?

Sau khi Hội Phật Giáo Thống Nhất được phép thành lập, theo ông Phạm Minh Chiểu, việc tổ chức Đại Hội bầu Ban Trị Sự Trung Ương đã gặp nhiều khó khăn vì sự bất hợp tác của khối Phật Giáo miền Nam. Chính quyền đã phải vất vả hòa giải, dàn xếp, Đại Hội mới thành hình và đưa đến kết quả, Hòa Thượng Thích Thịnh Khiết được bầu vào chức vụ Hội Chủ và Thượng Tọa Thích Trí Quang được giao nhiệm vụ Tổng Thư Ký. Cả hai vị đều thuộc Hội Phật Giáo Thống Nhất Thừa Thiên.

Sau khi Phật Giáo đã có tổ chức thống nhất, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại khuyến khích, cung cấp tài chánh cho các tăng ni ra ngoại quốc du học để mở mang kiến thức, giúp họ có khả năng và nâng cao trình độ cho hàng ngũ quý vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam. Sau đây là một vài trường hợp.

Trong thời gian xảy ra biến động được gọi là "Cuộc tranh đấu của Phật Giáo", sau vụ kiểm soát một số Chùa, một hôm Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến thăm Chùa Sư Nữ tại Phú Lâm, do Sư Bà Diệu Huệ, thân mẫu nhà bác học Bửu Hội chủ trì. Sau khi được hướng dẫn đi thăm các cơ sở trong Chùa. Tổng Thống nói chuyện với các Sư Nữ về tình hình đất nước, về những rắc rối đang xảy ra giữa Phật Giáo và Chính Phủ. . . .

Tổng Thống Diệm nhắc lại những liên hệ cá nhân giữa ông với Phật Giáo, với các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, từ khi ông còn đang âm thầm hoạt động đấu tranh cho nền độc lập của đất nước. Thái độ đối xử và những giúp đỡ đặc biệt của ông đối với Phật Giáo từ khi về chấp chánh. . .

Các vị Sư Nữ đã bật khóc trước thái độ và những lời nói chân tình của Tổng Thống.

Cuộc nói chuyện vừa dứt thì một vị tăng sĩ tiến tới chào Tổng Thống. Và sau đây là mẫu đối thoại giữa Tổng Thống và vị tăng sĩ:

- Thầy đi học về khi mô vậy?

- Thưa Tổng Thống, con về gần ba tháng nay. Anh em chúng con (không nói rõ bao nhiêu người) hôm về đã có đến trình diện Tổng Thống.

- Học có được không?

- Dạ thưa, được Tổng Thống ưu ái cho đi du học, nên chúng con đã cố gắng để theo kịp bạn bè cùng khóa.

- Tiền bạc có đủ không?

- Dạ thưa cám ơn Tổng Thống, được Tổng Thống thương cho quá đầy đủ. Ăn uống chẳng tốn bao nhiêu, chỉ tốn tiền sách vở thôi, nên số tiền Tổng Thống cho rất đầy đủ.

- Học về rồi phải đem những gì đã học được, áp dụng vô trong tổ chức của mình, từ tổ chức đến việc đào tạo cán bộ. Tôi nghĩ bên Phật Giáo nên chủ trương như bên Công Giáo, nghĩa là phải đi tu từ 9, 10 tuổi đến 30 tuổi mới thành một Linh Mục. Có như thế mới chọn lựa được kỹ càng cả về đạo đức và học vấn. Bên Công Giáo lúc sau ni có thâu nhận thanh niên vào học lên Linh Mục sau khi đã đậu tú tài. Nhưng cách đó xem ra chọn lựa không được kỹ càng bằng lớp bắt đầu đi tu từ nhỏ.

Nói đến đây, Tổng Thống bảo vị tăng sĩ:

- Thôi cố gắng làm việc tử tế.

Thiếu Tá Phạm Tường, Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát Cao Nguyên Trung Phần, định cư tại Thành Phố Boston, Tiểu Bang Massachusetts, Hoa Kỳ (mới mất hồi trung tuần tháng 12. 2002) và Đại Úy Lê Châu Lộc, Sĩ Quan Tùy Viên, là những người đã có mặt trong cuộc thăm viếng trên đây của Tổng Thống Diệm.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm không những chỉ nâng đỡ Phật Giáo trong nước, mà bất cứ ai, bất kỳ ở đâu, khi niềm tin tôn giáo của họ bị chà đạp, ông đều tự thấy có bổn phận phải nâng đỡ họ.

Tôi được Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Diệm, hiện định cư tại Hoa Kỳ, kể lại:

"Năm 1959, sau khi đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ hai. Ba ngày sau khi có kết quả bầu cử, Tổng Thống gọi tôi (Đại Úy Lộc) và Đại Úy Nguyễn Bằng (Sĩ Quan Cận Vệ), đi theo. Tổng Thống đến các Chùa trong khu vực nội và ngoại thành Sài Gòn để cám ơn khối Phật Giáo đã ủng hộ ông. Tại một ngôi Chùa nọ, khi tiếp đón Tổng Thống, Thượng Tọa trụ trì đã trách ông rằng:

- Tổng Thống có chuyện vui mà không cho anh em chúng tôi biết để chúng tôi được cùng chung vui với Tổng Thống.

Tổng Thống trả lời:

- Có chuyện chi vui mà tôi giấu các Thày mô?

- Dạ, thưa Tổng Thống, qua Tăng Đoàn Tích Lan, chúng tôi được biết, Tổng Thống đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma một số tiền lớn.

Nghe vậy, Tổng Thống hơi đỏ mặt, ngồi lặng thinh một lúc, rồi nói:

- Vì là một việc tế nhị, tôi không muốn cho ai biết, chứ không phải có ý giấu các Thầy. Tôi có nhận được giải thưởng Leadership Magsaysay 10.000 đô la. Tôi thì không có nhu cầu chi. Gặp lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ và là biểu tượng của tinh thần tranh đấu bất khuất để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tôn giáo, bảo vệ dân tộc ngài, đang gặp hoạn nạn, phải sống lưu vong, cần nhiều sự giúp đỡ. Tôi thấy mình có bổn phận phải giúp ngài. Tôi có nhờ Thủ Tướng Nerhu chuyển số tiền này cho ngài, nhưng ông khước từ, có lẽ ông ngại mất lòng Trung cộng, nên tôi đã phải tìm đường khác chuyển số tiền cho ngài.

Các Thầy cũng biết, mình đang phải chiến đấu chống lại một chủ nghĩa vô thần rất tàn bạo. Chỉ có niềm tin tôn giáo mới có đủ sức mạnh chống lại được với chủ nghĩa tai hại này. Vì thế, đối với việc phát huy, củng cố, bảo vệ niềm tin tôn giáo, bất câu là tôn giáo nào, mình cũng có bổn phận phải khuyến khích và giúp đỡ.

Chuyện trên đây, Thượng Tọa, nay là Hòa Thượng Thích Quảng Liên biết rõ. Vì khi Tổng Thống đến, các vị tăng sĩ đứng sắp hàng hai bên đường vào Chùa đón Tổng Thống. Khi đi ngang qua Thượng Tọa Thích Quảng Liên, Tổng Thống dừng lại hỏi:

- Thầy về khi mô?

- Dạ, con mới về, chưa kịp vào chào Tổng Thống.

- Không sao. Khi mô Thầy muốn vô, nói Sĩ Quan này (Đại Úy Lộc) sắp xếp cho vô.

Mấy ngày sau Thầy Quảng Liên đã đến nhờ tôi (Đại Úy Lộc) hướng dẫn vào yết kiến Tổng Thống.

Sự việc trên đây cũng được ông Huỳnh Văn Lang ghi lại trong Nhân Chứng Một Chế Độ, tập ba, nơi trang 151 như sau:

"Chế độ Ngô Đình Diệm theo như tôi biết không bao giờ có kỳ thị tôn giáo, không bao giờ bắt ép người vô đạo, không bao giờ chủ trương giết hại Phật Tử. Sau đây là một tỷ dụ mà các Thầy Thích Thiện Minh, Thích Thiện Hòa, Thích Quảng Liên có biết. Năm 1959, Tổng Thống Diệm có được giải thưởng Leadership Magsaysay, một ngân phiếu là 15.000 US, vì là có vấn đề hối đoái, nên đã hỏi tôi phải làm sao? Tôi đề nghị: Đặc biệt Viện Hối Đoái cho phép Tổng Thống mở một trương mục gọi là Compte Etranger ở Việt Nam Thương Tín hay Ngân Hàng nào khác cũng được, để khi nào Tổng Thống dùng hay chuyển cho ai cũng được, khỏi phải chuyển qua chuyển lại mất công giấy tờ lâu lắc và vô ích. Và sau đó Tổng Thống Diệm có cho tôi biết là đã gửi qua New Delhi, bảo ông Đỗ Vạn Lý đang làm Tổng Lãnh Sự, tìm thế gửi tặng Đức DaLai Lama Tây Tạng, đang tỵ nạn ở Ấn Độ. Cái nghĩa cử đó có chứng minh rằng ông Diệm không có kỳ thị tôn giáo chăng? Ngoài ra ông Diệm cũng đã có trợ giúp một hai Đại Đức đi tu học qua Gia Nã Đại, có thể Thầy Thích Quảng Liên biết rõ điều đó, tôi cũng biết, vì có vấn đề hối đoái hay là chuyển ngân".

Chương 2.2



TẠI SAO CÓ QUI ĐỊNH THỂ THỨC
TREO GIÁO KỲ VÀ CỜ HỘI ĐOÀN?


Ngay từ những năm đầu của chế độ, mỗi lần đến thăm các khu định cư của đồng bào theo đạo Công Giáo, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đều thấy họ dùng cờ Vatican để trang trí dọc những con đường ông đi qua và nơi ông đến. Tổng Thống đã chỉ thị Bộ Nội Vụ ra Nghị Định và sau đó, chính ông ban hành Sắc Lệnh ấn định thể thức treo Quốc Kỳ và các cờ Hội Đoàn, nhằm biểu lộ sự tôn kính đối với Quốc Kỳ.

Trong tác phẩm Ngô Đình Diệm và Nỗ Lực Hòa Bình Dang Dở viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Vy Khanh chuyển ngữ, tác giả cựu Trung Tá Nguyễn Văn Châu, Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng từ 1956 đến 1962 viết:

"Nghị định do Phủ Tổng Thống ban hành vào ngày 6 tháng 5. 1963 nhắc nhở lại những biện pháp đã được quy định vào năm 1957 và 1958 về việc treo cờ của Giáo Hội"

Phần chú thích ghi:

‘’Các Nghị Định của Bộ Nội Vụ số 78/NV/NA/85, tháng 9 năm 1957 và số 189/BNV/NA/PS ngày 12 tháng 5 năm 1958"(sđd. Trang 216)

Khi tiếp kiến Phái Đoàn Tìm Hiểu Sự Việc của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã xác minh:

". . . trong một Sắc Lệnh năm trước đã ấn định thể thức treo cờ của tất cả các tôn giáo trong những buổi lễ lược ngoài trời" (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 50)

Sắc Lệnh ấn định thể thức treo Quốc Kỳ và Giáo Kỳ trong những ngày lễ lớn của các tôn giáo được Tổng Thống Diệm đề cập trên đây, nếu tôi nhớ không lầm, được ban hành vào đầu năm 1962, hơn một năm trước ngày Lễ Phật Đản năm 1963.

Như vậy, rõ ràng là thể thức treo Giáo Kỳ và cờ các Hội Đoàn đối với Quốc Kỳ, trước tiên được quy định bởi Nghị Định của Bộ Nội Vụ, sau đó, bởi Sắc Lệnh do chính Tổng Thống ký ban hành.

Nói cách khác, cờ các tôn giáo, cờ các hội đoàn, được treo trong các ngày lễ của những tổ chức này. Nhưng phải treo theo thể thức đã được quy định để biểu thị sự tôn trọng Quốc Kỳ là biểu tượng của Quốc Gia.

Một vấn đề được nêu lên: Thể thức treo cờ các tôn giáo và hội đoàn đối với Quốc Kỳ đã được quy định từ năm 1957 và được nhắc lại năm 1958 bằng Nghị Định của Bộ Nội Vụ. Vậy tại sao đến đầu năm 1962 Tổng Thống Diệm còn đích thân ban hành Sắc Lệnh về vấn đề này?

Sau đây là nguyên nhân việc ban hành Sắc Lệnh nói trên:

Tại vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuột có một khu đồi rất đẹp được gọi là Đồi Mai, vì đây là khu mọc toàn mai rừng. Mỗi độ Tết đến, mai vàng nở rực cả một vùng trời. Khu đồi lại có độ cao có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn của Cao Nguyên Ban Mê Thuột đến tận hồ Lark, một thắng cảnh nổi danh của vùng Cao Nguyên Trung Phần. Dưới chân đồi là hai xứ đạo di cư. Xứ Giang Sơn do Linh Mục Phạm Hữu Nghị trông coi, (Cha Nghị bị chính quyền cộng sản xử bắn năm 1978 trong vụ Nhà Thờ Vinh Sơn) và Xứ Kim Long do Linh Mục Võ Quốc Ngữ cai quản. Hai Giáo Xứ hiệp lực kiến thiết khu đồi này thành một địa điểm hành hương với tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn cao gần 5 thước và 14 chặng đàng Thánh Giá.

Tôi được cựu Thiếu Tá Phạm Tường, Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát Cao Nguyên Trung Phần kể lại: Tháng 5. 1961, công trình xây dựng địa điểm hành hương trên đây hoàn tất. Muốn cho cuộc lễ khánh thành được thêm phần long trọng, Cha Nghị đã nhờ Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và ông (Tường), về Sài Gòn mời Tổng Thống lên chủ tọa.

Vì bận công vụ, Tổng Thống cử ông Bộ Trưởng Canh Nông đại diện, và dặn đem theo chuyên viên quay phim cuộc lễ đem về cho Tổng Thống coi.

Một buổi tối coi phim cuộc lễ khánh thành cùng với số viên chức thân cận, Bí Thư, Chánh Văn Phòng, Tùy viên. . . thấy cờ Vatican được treo quá nhiều trong khi Quốc Kỳ thì hầu như không có, Tổng Thống liền chỉ thị: Viết ngay một văn thư ấn định rõ ràng thể thức treo Giáo Kỳ. . . Nhưng có lẽ sau một ngày mệt nhọc, dịp này viên chức trách nhiệm đã quên thi hành khẩu lệnh của Tổng Thống Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống có mặt trong buổi coi phim này là Đại Úy Lê Châu Lộc hiện định cư tại Hoa Kỳ. (Thời Đệ II Cộng Hòa Đại Úy Lộc là Thượng Nghị Sĩ)

Tháng 8 năm 1961 ra dự lễ cung hiến Vương Cung Thánh Đường La Vang, Tổng Thống Diệm thấy cảnh cờ Vatican vẫn treo quá nhiều trong khi chỉ có một lá Quốc Kỳ treo trước cửa Nhà Thờ. Trở về Sài Gòn, ông đã chỉ thị soạn tháo ngay một Sắc Lệnh quy định đầy đủ, chi tiết hơn, về cách thức treo Quốc Kỳ và cờ tôn giáo, hội đoàn trong các ngày lễ, hội của tôn giáo, hội đoàn, khích thước phải dùng cho Quốc Kỳ, Giáo Kỳ, cờ các hội đoàn v. v. . . Sắc Lệnh được ban hành vào đầu năm 1962.

Mặc dầu việc phải tôn trọng Quốc Kỳ trong các cuộc lễ tôn giáo đã được nhắc nhở ngay từ những năm đầu của chế độ Đệ I Cộng Hòa (1957, 1958) bằng Nghị Định của Bộ Nội Vụ, và đến năm 1962 bằng chính Sắc Lệnh của Tổng Thống. Nhưng điều đáng buồn là, dân tộc Việt Nam sau cả ngàn năm bị ngoại bang thống trị, không những chỉ dân chúng, mà ngay cả đến trong hàng ngũ giới trí thức, giới lãnh đạo các tôn giáo, đoàn thể, không còn mấy ai ý thức được lòng tự trọng dân tộc, niềm kiêu hãnh của một đất nước thực sự Độc Lập và có chủ quyền qua biểu tượng lá Quốc Kỳ. Bởi thế, các viên chức cũng như cơ quan hữu trách đã không ý thức được tầm quan trọng của các Nghị Định và Sắc Lệnh nói trên. Việc phổ biến, học tập về những quy định này đã không được thực hiện đúng mức, nên ý thức tôn trọng Quốc Kỳ vẫn chưa có được trong đầu óc người dân.

Ngược lại, quan niệm số lượng cờ được găng mắc trong các dịp lễ lược, kỷ niệm, là biểu tượng sức mạnh của tôn giáo, của đoàn thể mình vẫn còn in sâu trong tâm khảm họ. Vì vậy mà trong các dịp này họ vẫn hành động theo thói quen từ lâu đời, chỉ treo cờ tôn giáo hặc hội đoàn mình.

Một trường hợp điển hình:

Tháng 6 năm 1962, Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế tổ chức cuộc rước kiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất trọng thể. Đoàn kiệu xuất phát từ Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế được rước đi ngang qua các Đường: Khải Định, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Duy Tân về tập trung tại sân vận động của Nhà Dòng trên Đường Khải Định. Theo thói quen như từ trước, khắp nơi quanh Nhà Thờ, trong khuôn viên, tại lễ đài, nhà giáo dân, suốt dọc lộ trình đoàn rước đi qua, chỗ nào cũng treo cờ Vatican, mặc dù Sắc Lệnh quy định thể thức treo Quốc và Giáo Kỳ mới được ban hành cách đó mấy tháng.

Được biết tình trạng này, Đức Giám Mục Ngô Đình Thục đã yêu cầu chính quyền và Nhà Dòng phải cho hạ ngay mọi lá cờ Vatican treo không đúng quy định. Ty Cảnh Sát Huế đã phái nhân viên phối hợp với Ban Tổ Chức cuộc kiện đi hạ cờ theo yêu cầu của Đức Cha Thục.

Một số người đã tham gia việc hạ cờ Vatican treo sai quy định trên đây hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông Hoàng Ngọc Trợ ở San José, California, ông Hồ Đắc Trọng ở Thành Phố Gradena, California.

Đến cuối năm, tháng 9 hay tháng 10, tôi không nhớ chính xác, Họ Đạo Dòng Chúa Cứu Thế làm lễ khánh thành ngôi Nhà Thờ mới. Qua kinh nghiệm trong cuộc rước kiệu kể trên, nhà giáo dân trong Họ Đạo không treo cờ Vatican, nhưng trong khuôn viên và chung quanh Nhà Thờ vẫn còn treo nhiều cờ sai quy định. Một lần nữa Đức Cha Thục lại can thiệp và Ngài cho biết chỉ đến làm phép Nhà Thờ khi việc hạ cờ treo sai quy định hoàn tất. Một Thày Dòng từ Sài Gòn ra dự lễ khánh thành Nhà Thờ đã tham gia việc hạ cờ Vatican treo sai quy định lần này là Thày Edmond, hiện ở Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Long beach.

Tiếc rằng khi "Biến cố cờ Phật Giáo" bùng nổ, Đức Cha Thục đã có phản ứng quá nóng nảy trong lời nói khi phát biểu về một vài vị lãnh đạo phong trào tranh đấu, cũng như đã có một số hành động đối kháng phong trào này. Mặc dầu một số Linh Mục uy tín trong Giáo Phận Huế thời bấy giờ, trong đó có cố Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và ông Ngô Đình Cẩn cố gắng can ngăn.

Hành động quá nóng nảy của Đức Cha Thục đã làm lu mờ tinh thần thượng tôn pháp luật của Đức Cha trong quyết định bắt hạ cờ Vatican tại Họ Đạo Dòng Chúa Cứu thế Huế. Hành động này làm cho người bàng quan dễ tin vào những người xuyên tạc, cố tình diễn giải sai lạc chỉ thị của Tổng Thống Diệm nhắc phải treo cờ tôn giáo theo quy định mà vì lý do bí ẩn nào đó, viên chức thừa hành đã để đến sát ngày Lễ Phật Đản mới phổ biến. Trong khi chỉ thị này đã được Tổng Thống ban ra trước đó hơn hai tháng. Tệ hại hơn, hành động của Đức Cha Thục còn đáp ứng đúng điều ước mong thầm kín, nếu không muốn nói là mưu độc của Thượng Tọa Trí Quang và nhóm tranh đấu quá khích. Họ đang cố tìm kiếm dữ kiện khả dĩ chứng minh tính cách chính đáng cho hành động của họ và khơi nguồn cho sự đố kỵ Công Giáo-Phật Giáo. Vì vậy họ đã nắm bắt ngay những sự việc do Đức Cha Thục tạo ra, diễn dịch theo cung cách của họ để làm bằng chứng cho một tinh thần kỳ thị, khích động lòng tự ái tôn giáo để lôi cuốn giới lãnh đạo và đồng bào Phật Giáo nhập cuộc. Đồng thời, với sự hỗ trợ của một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, họ triệt để khai thác những dữ kiện ấy để che đậy kín đáo hơn các thế lực đứng sau lưng họ, và mục đích thật của cuộc đấu tranh được họ phát động dưới "danh nghĩa Phật Giáo". Mục đích này, sau khi đã huy động được một khối tín đồ đáng kể tham gia phong trào và tranh thủ được dư luận bên ngoài ủng hộ cuộc tranh đấu, Thượng Tọa Trí Quang đã không ngần ngại nói thẳng với nữ phóng viên Marguerite Higgins: "Chúng tôi không thể dàn xếp được với Bắc Việt cho đến khi trừ khử được Diệm và Nhu". (Our Vietnam Nightmare. Trang 28)

Quyết định bắt hạ cờ Vatican trong cuộc kiệu của Họ Đạo Dòng Chúa Cứu Thế Huế và dịp lễ khánh thành ngôi Nhà Thờ mới cũng tại Họ Đạo này, có thể chứng minh rằng những phản ứng nóng nảy của Đức Cha Thục trong biến cố cờ Phật Giáo, cũng tại Huế, không phải do tinh thần kỳ thị tôn giáo. Vậy thì do đâu Đức Cha Thục lại có những phản ứng tai hại như thế?

Theo tôi, những yếu tố: Tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau của anh em chị em Tổng Thống Diệm trong công cuộc tranh đấu cho nền độc lập và quyền lợi đất nước theo lời trăn trối của thân phụ, như tôi đã kể trong mục "Con Người" ông Ngô Đình Cẩn. Lòng tự ái gia tộc trong một con người từng được bạn bè Năm Châu nhìn nhận là thông minh xuất chúng và từ thời thơ ấu đã quen sống trong một khuôn khổ kỷ luật chặt chẽ. Tính nóng nảy, ngay thật đến ngây thơ, cư xử vụng về. Đó là những động lực đã thúc đẩy Đức Cha Thục hành động một cách thiếu suy nghĩ và vô chính trị như vậy.
Chương 2.3


LÝ DO CÓ CÔNG ĐIỆN NHẮC TREO CỜ THEO QUY ĐỊNH
DỊP LỄ PHẬT ĐẢN NĂM 1963


Ông Dương Văn Hiếu, Phụ Tá Cảnh Sát Đặc Biệt Tổng Nha Công An Cảnh Sát thời Đệ Nhị Công Hòa, nguyên Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung kể lại với tôi:

"Khoảng mười ngày sau khi xảy ra tai nạn tại Đài Phát Thanh Huế, tôi vào trình Tổng Thống một số công việc liên quan đến tình hình lúc ấy. Tổng Thống với vẻ mặt hết sức buồn phiền kể lại rằng:

Tháng 3 mới rồi tôi đi thăm Khu Dinh Điền Vị Thanh, khi đi ngang một ngôi Chùa, cờ Phật Giáo treo trên cột cao giữa sân chùa, còn cờ Quốc gia bằng giấy, chỉ bằng chừng ni (vừa nói Tổng Thống vừa xòe bàn tay ra), dán trên trụ cột ngoài cổng chùa. Như rứa thì còn chi là thể thống Quốc Gia.

Khi về, tôi cho mời Đức Khâm Mạng Tòa Thánh và ông Mai Thọ Truyền (một trong hai vị Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam) vô cho biết tình trạng như rứa, và yêu cầu lưu ý các giáo dân phải tôn trọng cờ Quốc Gia. Mỗi khi có lễ lược phải treo cờ tôn giáo của mình theo thể thức đã được quy định để biểu lộ sự tôn trọng đối với cờ Quốc Gia. Đức Khâm Sứ có thưa lại, Ngài nhận thấy bên Công Giáo thiếu hướng dẫn cho các giáo dân, nên lầm tưởng cờ của Quốc Gia Vatican là cờ của Tòa Thánh. Giáo Hội Công Giáo không có cờ riêng. Ngài hứa sẽ lưu ý Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vấn đề nớ, yêu cầu giải thích cho giáo dân biết, phải tôn trọng các quy định của Chính Phủ đối với Quốc Kỳ của nước Việt Nam trong các ngày lễ, khi muốn treo cờ Vatican. Ông Mai Thọ Truyền cũng thưa rằng, sẽ làm như bên Công Giáo.

Sau đó tôi mới bảo Quách Tòng Đức gửi công điện nhắc các Tỉnh, chứ tôi có cấm cản chi mô! Không hiểu tại răng hắn để ngày chót mới gởi công điện. Khi xảy ra chuyện tôi kêu vô hỏi, hắn xin thôi. Công chuyện đổ bể như ri rồi, xin thôi thì ích chi?"

Trên đây là lý do đưa đến việc một lần nữa, Tổng Thống Diệm chỉ thị nhắc lại việc áp dụng thể thức treo cờ tôn giáo, hội đoàn đối với Quốc Kỳ trong các ngày lễ.

Và dưới đây là nguyên văn Công Điện số 9159 đề ngày 6. 5. 1963 nhắc việc phải treo cờ Quốc Kỳ tại các nơi thờ tự:

Văn Phòng Phủ Tổng Thống trân trọng chuyển đến Quý Ông chỉ thị sau đây của Tổng Thống.

Ra chỉ thị cho các cơ quan phụng tự bất câu tôn giáo nào trên các cơ sở phụng tự (Nhà Thờ, Chùa chiền. . . ) chỉ treo cờ Quốc Gia mà thôi. Chính Phủ đã hỏi các tổ chức tôn giáo đều đồng ý là con dân trong một nước chỉ treo cờ Quốc gia. Sự treo cờ, ảnh ở phía trong thì tùy nghi. (thường thì treo ảnh, có khi dán ảnh trên bức vải như lá cờ cũng có, ở các nước, dẫu phía trong nơi phụng tự, người ta cũng treo cờ Quốc Gia) Lúc trước có khi vì muốn tránh treo cờ hiệu gì khác. Nước nhà độc lập nên chỉ treo cờ Quốc gia. Các nhà tự cũng vậy. Trân Trọng.

Còn tại sao ông Quách Tòng Đức để đến trước ngày Lễ Phật Đản mới gửi công điện thì, theo nhận xét của Tướng Tôn Thất Đính:

"Tổng Thống chỉ ra khẩu lệnh. Có nghĩa là không có tính cách gấp rút, thượng khẩn hay hỏa tốc gì cả. Tự tay Tổng Thống không viết, không ký một bản văn nào. . . Theo tôi biết, ông rất cẩn thận ngay trong từng lời phê trong các văn kiện và rất chậm, đôi khi quá chậm vì suy nghĩ trước khi ban hành bất cứ một lệnh nào". Và "việc làm hết sức bất thường mà từ trước chưa bao giờ xảy ra là, ông Đức đã gởi đi một Công Điện quan trọng như vậy mà không tham khảo ý kiến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu".

Và ông Đính nêu lên nghi vấn: Lẽ nào lại tự tiện đánh đi một Công Điện như vậy nếu không được tình báo Mỹ tổ chức? (20 Năm Binh Nghiệp. Trang 307)

Chương 2.4


LỆNH CẤM TREO CỜ PHẬT GIÁO?



Biến động được gọi là "Cuộc tranh đấu của Phật Giáo", chống lại "Chính sách kỳ thị tôn giáo" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được khởi động ngày 7 tháng 5 năm 1963 từ Huế, trước Lễ Phật Đản một ngày. Với lý do: Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày Lễ Phật Đản, ngày 8 tháng 5 năm ấy.

Trước khi thuận lại diễn biến của biến động này, tôi thấy cần phải nói về những lý do được nhóm Tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang nêu lên để phát động vụ nổi lên chống cái mà họ gọi là "lệnh cấm treo cờ Phật Giáo". Vì những lý do này đã được một số báo chí, tài liệu ngoại quốc và hồi ký của mấy giới chức Việt Nam tường thuật lại, khi đề cập đến "vụ Phật Giáo"năm 1963:

Thứ Nhất: Vì Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tham vọng lên chức Hồng Y đã bắt Tổng Thống Diệm ra lệnh này.

Thứ Hai: Vì chỉ trước đó 2 ngày, tức ngày 5 tháng 5 Lễ Ngân Khánh Giám Mục của Đức Cha Thục được tổ chức trọng thể, cờ Vatican được treo khắp Thành Phố Huế xuống đến tận vùng Vỹ Dạ, ngoại ô Thành Phố.

Các tài liệu, sách báo, hồi ký kể trên nói rằng, những điều đó làm cho các nhà lãnh đạo Phật Giáo bất bình và coi đó là sự đối xử bất công của Tổng Thống Diệm đối với Phật Giáo.

Về lý do thứ nhất. Không ai có thể quyết đoán một điều mà nếu có, cũng chỉ có trong thâm tâm của Đức Cha Thục. Đó là điều Đức Cha Thục tham vọng lên chức Hồng Y. Hơn nữa, với Giáo Hội Công Giáo, số lượng giáo dân trong tổng số dân sinh sống trong địa hạt của Giáo Phận, không phải là điều kiện bắt buộc phải có để vị Giám Mục của Giáo Phận ấy được nâng lên hàng Hồng Y.

Vì lý do thứ hai: Lý do này hoàn toàn không đúng sự thật. Vì đúng ngày Đức Cha Thục thụ phong Giám Mục được 25 năm, ngày 4 (không phải ngày 5) tháng 5 năm 1963, Lễ Ngân Khánh của Ngài được tổ chức tại Trường Đại Học Đà Lạt chứ không phải tại Huế. Lễ này được tổ chức tại Huế vào ngày Lễ kính Thánh Phêrô, Thánh bổn mạng của Ngài, ngày 24 tháng 6. Vì tình hình lúc ấy, Ngài đã không cho Giáo Phận Huế đứng ra tổ chức lễ. Cuộc lễ được số Linh Mục giáo dân phục vụ trong Tòa Tổng Giám Mục tổ chức và chỉ dành cho các Linh Mục, Tu Sĩ trong Giáo Phận tham dự lễ mừng Đức Cha. Một trong số những giáo dân phục vụ tại Tòa Giám Mục, ở trong Ban Tổ Chức lễ ngày 24. 6 là ông Hoàng Ngọc Trợ, hiện định cư tại San Jose, California.

Thượng Tọa Trí Quang đã đưa ra hai lý do nêu trên để phát động cuộc tranh đấu. Nhưng Giáo Sư Nguyễn Văn Trung Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, trong bài viết về ông Ngô Đình Cẩn đã tiết lộ phát biểu của Thượng Tọa Trí Quang về "vụ Phật Giáo" như sau:

". . . bài Hòa Thượng Thích Trí Quang ký thác tâm sự với tôi (Giáo Sư Trung) khẳng định các ông Diệm, Nhu, nhất là ông Cẩn, trừ ông Thục, không trách nhiệm gì trong việc gây ra vụ Phật Giáo".

Nhưng trong Tiểu thuyết tự ghi nói về vụ Phật Giáo, tập san giao điểm số 26. 4. 1997, Hòa Thượng Trí Quang lại ghi:

" Ông Ngô Đình Diệm muốn thiên chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Ngô Đình Thục là hồng y giáo chủ nên ông kỳ thị đàn áp phật giáo".

DIỄN BIẾN CUỘC TRANH ĐẤU CHỐNG "LỆNH CẤM TREO CỜ"

Như mọi năm trước dưới thời Đệ I Cộng Hòa, đồng bào Phật Giáo trong Thành Phố Huế cũng như mọi nơi, chuẩn bị mừng Lễ Phật Đản thứ 2507 (ngày 8. 5. 1963) rất náo nhiệt. Cờ Phật Giáo tung bay khắp nơi từ cả tuần lễ trước một cách rất yên ổn. Không có triệu chứng gì báo hiệu lá cờ này sẽ là nguyên nhân gây ra một biến cố làm rung động dư luận trong, ngoài nước, tạo ra hàng chuỗi biến động khác kéo dài ròng rã suốt ba năm trời. Và từ đó, lịch sử đất nước đã lật qua một trang được viết bằng không biết bao nhiêu là máu và nước mắt cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.


NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 1963

Sáng ngày 7. 5. 1963, tôi đang sử soạn đến văn phòng làm việc thì vợ tôi từ dưới nhà bếp lên hỏi:

- Sao lại có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày mai hả anh?

- Làm gì có chuyện kỳ cục như vậy!

- O (tiếng miền Trung có nghĩa là cô, bà cô) vừa đi chợ về nói, ngoài chợ họ đang rỉ tai rủ nhau chiều nay đi biểu tình, phản đối lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày mai đấy!

Tôi hết sức ngạc nhiên tự nghĩ, làm sao lại có thể có chuyện kỳ cục như vậy được. Tôi nói với vợ tôi:

- Không có đâu, làm sao lại có chuyện kỳ cục như vậy được.

Tuy nói thế, nhưng trong đầu tôi vẫn thắc mắc: Nếu không có, thì tại sao lại có người dám đi rỉ tai kêu gọi biểu tình như vậy?

Trên đường đến văn phòng, tôi vào thẳng nhà ông Cẩn và hỏi ông:

- Thưa Cậu, có phải có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo ngày Phật Đản không?

Ông tỏ vẻ ngạc nhiên nói:

- Chỉ có điện nhắc phải treo cờ theo quy định chứ mần chi có chuyện cấm!

- Thưa Cậu, mới tức thì, bà giúp việc ở nhà con đi chợ về nói, ngoài chợ có người đi rỉ tai kêu gọi chiều nay đi biểu tình chống "Lệnh Cấm Treo Cờ Phật Giáo".

Ông Cẩn nói lầm rầm như chỉ để cho một mình ông nghe:

- Răng kỳ vậy?

Và ông kêu Đại Úy Tôn Thất Độ, Trưởng Toán An Ninh, bảo mời ông Tỉnh Trưởng vào gặp ông gấp.

Chừng mười lăm phút sau, ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đảng bước vào, ông Cẩn hỏi:

- Ngoài chợ có người đang đi phao tin có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản, và kêu gọi dân chúng chiều nay đi biểu tình chống chuyện nớ, chú có nghe chi không?

- Dạ thưa Cố Vấn tôi không nghe chi hết.

- Chú về cho xe Thông Tin đi loan báo ngay, yêu cầu đồng bào Phật Tử treo cờ mừng ngày Phật Đản như mọi năm, không có cấm cản chi hết. Rồi chú lên nói với ông Khương, (ông Hồ Đắc Khương Đại Biểu Chính Phủ) hai anh em gặp các Thầy trên Chùa Từ Đàm, tìm cách giải tỏa nguồn tin thất thiệt này ngay đi, kẻo sinh chuyện lớn đấy.

Và như thấy trước chuyện gì, ông nói tiếp:

- Chú cùng với ông Khương nên thảo luận trước với Thượng Tọa Trí Quang về bài diễn văn ông ấy đọc trong buổi lễ sáng mai.

Lời yêu cầu của ông Cẩn đã được nhanh chóng thực hiện. Ngay buổi sáng hôm ấy, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đi vòng khắp Thành Phố, loan báo cho dân chúng biết không có lệnh cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản, và yêu cầu đồng bào Phật Tử cứ treo cờ như những năm trước. Hai ông, Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng, đã thảo luận với Thượng Tọa Trí Quang về bài diễn văn Thượng Tọa sẽ đọc khai mạc buổi lễ sáng hôm sau. Đồng thời cho Đài Phát Thanh Huế ghi âm sẵn để phát lại trong chương trình phóng sự sẽ được truyền thanh vào tối ngày lễ.

Đến khoảng 10 giờ sáng, ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương từ Sài Gòn ra gặp các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa tại Chùa Từ Đàm, giải thích về công điện nhắc việc treo cờ theo quy định. Và chỉ thị cho chính quyền địa phương không phải thi hành lệnh này trong dịp Lễ Phật Đản năm nay vì đã quá cận ngày lễ, mà cờ đã được dân chúng theo thói quen, treo trước cả tuần rồi.

Đến hkoảng 5 giờ chiều, một tin gây xúc động cho đồng bào Phật Tử được loan truyền rất nhanh. Phía bên Thành Nội (Tả ngạn sông Hương) thì nghe: Cảnh Sát đang đi hạ cờ Phật Giáo bên Hữu ngạn. Phía bên Chùa Từ Đàm (Hữu ngạn sông Hương) thì nghe: Cảnh Sát đã giựt bỏ cờ Phật Giáo tại một ngôi Chùa trong Thành Nội.

Tuy vậy, lúc ấy tin này cũng không gây nên sự náo động nào trong dân chúng. Ngoại trừ một nhóm khoảng gần một trăm công chức và sinh viên Viện Đại Học Huế, sau giờ làm việc buổi chiều, tập trung trước Tòa Hành Chánh Tỉnh, yêu cầu thu hồi "lệnh cấm treo cờ Phật Giáo".

Nhưng sau khi được ông Tỉnh Trưởng ra tiếp xúc, nhắc lại thông cáo đã được xe Thông Tin loan báo nhiều lần trong ngày hôm ấy. Và cho biết không hề có lệnh cho Cảnh Sát hạ cờ Phật Giáo, số công chức và sinh viên này đã tự động giải tán ra về yên ổn.

NGÀY 8 THÁNG 5

Ngày 8 tháng năm 1963 (15. 4 năm Quý Mão), Lễ Phật Đản lần thứ 2507 được cử hành một cách rất trọng thể tại Chùa Từ Đàm. Các khuôn hội trong Thành Phố Huế đều tập trung về đây dự lễ một cách êm thắm. Ngoại trừ một đám rước kiệu Phật xuất phát từ Chùa Diệu Đế, nằm trên Đường Nguyễn Văn Sâm, bên khu Gia Hội.

Để đến Chùa Từ Đàm, đoàn rước từ Chùa Diệu Đế đi qua các Đường Nguyễn Văn Sâm, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nam Giao. (Chùa Từ Đàm nằm trên Đường này) Suốt lộ trình từ điểm xuất phát đến ngã ba Lý Thường Kiệt-Nam Giao, đoàn rước đi rất trật tự và trang nghiêm. Nhưng khi đến ngã ba Nam Giao, thay vì rẽ bên trái qua Đường Nam Giao để đến Chùa Từ Đàm cách chừng 300 thước, đoàn rước đi thẳng theo Đường Lý Thường Kiệt đến trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ cách đó chừng 50 thước, dừng lại, quay qua Tòa Đại Biểu phía bên phải. Lập tức, các biểu ngữ mang nội dung: "yêu cầu Chính Phủ thi hành chính sách tôn gioá bình đẳng", "Chúng tôi không từ chối một sụ hy sinh nào", "Cờ Phật Giáo quốc tế không thể bị triệt hạ". v. v. . . được một số người trong đoàn rước giấu sẵn trong mình, rút ra và gương lên, hô to cho đoàn rước lặp lại nhiều lần. Có vài người ngoại quốc đi theo đoàn rước đưa máy ảnh lên chụp lia lịa. Trong số người ngoại quốc này có Bác Sĩ Wulff.

Xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói qua về Bác Sĩ Wulff và một số đồng nghiệp của ông, Bác Sĩ Holterscheidt. Hai ông này ở trong đoàn ba Bác Sĩ được Chính Phủ Tây Đức đưa qua giúp giảng dạy tại Trường Đại Học Y Khoa Huế. Nếu tôi nhớ không lầm thì, một thời gian sau cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, báo chí Sài Gòn có đăng tin: Trong một cuộc hành quân của Quân Đoàn I, một đơn vị hành quân đã bắt được tài liệu chứng minh hai ông này làm việc cho Đông Đức, và cả hai bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Theo Phúc Trình của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc thì nhân chứng số 42, đã khai trước Phái Đoàn rằng: "Hai Bác Sĩ luôn luôn đi sau sinh viên để thúc đẩy họ biểu tình". (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 223)

Trong lúc đoàn rước dừng lại biểu tình trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ, thì bên trong Tòa Đại Biểu, các viên chức cao cấp địa phương: Đại Biểu Chính Phủ, Tướng Tư Lệnh Vùng, Tỉnh Trưởng, Giám Đốc Công An Cảnh Sát đều có mặt, sẵn sàng để cùng đến dự lễ với tư cách Đại Diện Chính Quyền. Ông Đại Biểu Chính Phủ đã phải ra giải thích, dàn xếp hồi lâu đoàn rước mới trở lui đi đến Chùa Từ Đàm. Các khẩu hiệu, biểu ngữ họ cầm theo, được đem trương quanh lễ đài và sân chùa.

Khi đoàn rước di chuyển đến Chùa Từ Đàm, người ta thấy một số truyền đơn có nội dung chống Chính Phủ khích động lòng tự ái tôn giáo v. v. . . đã rơi rới trên mặt đường nơi họ đứng trước Tòa Đại Biểu Chính Phủ.

Tại Chùa Từ Đàm, khi mọi thành phần dự lễ đã an vị, sau một vài nghi thức mở đầu thông thường, Thượng Tọa Thích Trí Quang đọc diễn văn khai mạc buổi lễ. Nội dung bài diễn văn này hoàn toàn khác với bài đã được hai ông Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng thỏa thuận với Thượng Tọa. Phần lớn nội dung bài diễn văn đã được Thượng Tọa dùng để chỉ trích nặng nề điều mà ông gọi là "Chính sách độc tài kỳ thị tôn giáo" của Chính Phủ, qua việc được ông diễn giải là mưu định triệt hạ cờ Phật Giáo. Mặc dầu vậy, Phái Đoàn Đại Diện Chính Quyền vẫn tham dự buổi lễ cho đến phút chót, không tỏ thái độ gì đối với bài diễn văn của Thượng Tọa Trí Quang. Ngoại trừ Trung Tá Giám Độc Nha Công an Cảnh Sát Trần Văn Thưởng, đã bỏ ra về.

Cuối cùng, Thượng Tọa Trí Quang đưa ra 5 yêu cầu được gọi là 5 nguyện vọng:

1. - Yêu cầu Chánh Phủ thu hồi lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo.

2. - Phật Giáo phải được hưởng chế độ đặc biệt như các đoàn truyền giáo Thiên Chúa Giáo.

3. - Yêu cầu Chánh Phủ chấm dứt các cuộc bắt bớ và đàn áp Phật Giáo đồ.

4. - Tăng ni và Phật Tử phải được tự do hành giáo và truyền giáo.

5. - Yêu cầu Chánh Phủ bồi thường xứng đáng cho gia đình những nạn nhân trong các vụ lộn xộn vừa qua, và trừng trị nghiêm khắc kẻ chủ mưu giết hại Phật Giáo đồ.

Sau khi cuộc lễ chấm dứt, ông Đại Biểu Chính Phủ, Tướng Tư Lệnh Vùng và ông Tỉnh Trưởng vào tường trình sự việc với ông Ngô Đình Cẩn.

Tôi được biết, trong ngày hôm ấy, khi gặp ông Cẩn, Thượng Tọa Trí Quang đã giải thích rằng, bài diễn văn ông đọc buổi sáng là điều bất đắc dĩ ông phải làm, để tránh những lộn xộn có thể xảy ra trong cuộc lễ. Và ông cam kết với ông Cẩn sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa.

CUỘC RƯỚC XE HOA

Theo chương trình ngày lễ thì buổi tối có rước xe hoa và thả đèn trên sông Hương. Đoàn xe hoa tập trung tại Chùa Từ Đàm, phát xuất từ đây diễn qua các đường phố chính trong Thành Phố.

Tối hôm ấy, tôi được ông Mullen, Phó Lãnh Sự Mỹ mời dự bữa cơm tại tư thất, nhân dịp ông khoản đãi ba học sinh sắp lên đường qua Mỹ du học theo chương trình trao đổi sinh viên học sinh giữa hai Chính Phủ Việt-Mỹ. Trong ba học sinh này có một người là con trai ông Đại Biểu Chính Phủ Hồ Đắc Khương. Tham dự bữa cơm, ngoài ông Phó Lãnh Sự, chủ nhà, khách được mời có ba học sinh và tôi.

Nhà ông Phó Lãnh Sự tọa lạc trên bờ Tả ngạn sông Bến Ngự, gần Cầu Nam Giao, cách Chùa Từ Đàm chừng 200 thước đường chim bay.

Khi chúng tôi vừa khởi sự bữa ăn, khoảng 8 giờ tối, thì nghe loa phóng thanh từ Chùa Từ Đàm loan báo nhiều lần, có đoàn xe hoa từ Đà Nẵng ra diễn hành. Và yêu cầu đồng bào đang có mặt tại Chùa cũng như tại các nơi xung quanh, thay vì tập trung tại đầu Cầu Tràng Tiền trước Đài Phát Thanh đón đoàn xe từ Đà Nẵng ra.

Nghe thông báo, tôi hết sức ngạc nhiên vì không hề biết gì về chuyện có xe hoa từ Đà Nẵng ra.

Chúng tôi tiếp tục bữa ăn, nhưng trong bụng tôi cứ thắc mắc tại sao xe hoa từ Đà Nẵng lại ra cách đột ngột thế này? Trong khi tại Huế, như mọi năm, xe hoa đều do các đơn vị Quân Đội thực hiện. Năm nay có lẽ vì tình hình xảy ra ngày hôm trước và nhất là trong buổi sáng, nên cho đến chiều tối không thấy xe nào tập trung tại Chùa Từ Đàm.

Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, dùng cơm xong, tôi vội cáo từ ông Phó lãnh Sự ra về vì cảm thấy bồn chồn trong bụng.

Ra khỏi tư thất ông Phó Lãnh Sự, tôi đi thẳng đến Đài Phát Thanh có ý xem tình hình ra sao. Nhưng khi còn cách đài chừng 100 thước thì tất cả các ngã đường đều kẹt cứng, không sao lái xe đến gần Đài được. Tôi quay xe trở về văn phòng, tại đây đã có mặt các ông Hoàng Trọng Bá Chủ Tịch Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên, Nguyễn Văn Hà Phó Tỉnh Trưởng và Hồ Đắc Trọng. Chúng tôi được bộ phận an ninh khu vực Đài Phát Thanh báo về cho biết, có mấy nhà sư đem tới đài cuộn băng ghi âm bài diễn văn Thượng Tọa Trí Quang đọc khai mạc cuộc lễ buổi sáng, yêu cầu Đài cho phát trong chương trình phóng sự ngày lễ. Quản Đốc Đài, Nhạc Sĩ Ngô Ganh, không chấp thuận vì không phải là cuộn băng đã được Đài thâu âm. Bị từ chối, họ liền hô hào đám đông tiến vào chiếm Đài. Trước thái độ hung hăng của số người này và đám đông, ông Quản Đốc vội cho đóng chặt các cửa, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp giải quyết tình trạng hỗn loạn phía trước. Đám đông được khích động, mỗi lúc mỗi ồn ào hơn, nhóm nhào tới cửa chính, nhóm leo lên cửa sổ, nhóm tràn lên hành lang hai bên Đài đập phá cửa sổ và hai cửa hông thông vào văn phòng đài. Có mấy người leo lên nóc Đài phất cờ kêu gọi đám đông tiến tới.

Trước lời kêu cứu của Quản Đốc Đài Phát Thanh, chính quyền địa phương phía Hánh chánh, ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đảng có một số giới chức an ninh địa phương cùng đi, đến tiếp xúc với mấy nhà sư đang điều động đám đông trước Đài Phát Thanh. Đồng thời cho mời Thượng tọa Trí Quang đến giúp cùng giải quyết. Phía quân sự, vì đã gần đến giờ giới nghiêm, Thiếu Tá Đặng Sỹ Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An, người chịu trách nhiệm an ninh tại địa phương, sau khi thảo luận với Đại Úy Nguyễn Phu (cấp bậc sau cùng là Trung Tá, hiện địch cư tại Thành Phố Oakland, California), Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Huế kiêm Tiểu Khu Phó, đã báo cáo cho Tướng Lê Văn Nghiêm Tư Lệnh Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật ở Đà Nẵng biết về tình hình hỗn loạn đang xảy ra quanh Đài Phát Thanh. Tướng Nghiêm ra lệnh cho ông đến giờ giới nghiêm phải giải tán đám đông, và cho phép ông dùng một Trung Đội binh sĩ và Chi Đội Tuần Thám, loại Amtrack nhẹ không phải thiết giáp, của Tỉnh Đoàn Bảo An trong công tác này.

Qua sự việc xảy ra ngày hôm trước và trong cuộc lễ buổi sáng tại Chùa Từ Đàm, là một tín đồ Công Giáo, Thiếu Tá Sỹ nhận thấy việc chỉ huy một lực lượng vũ trang, mặc dầu là lực lượng bán quân sự để giải tán đám đông này quá tế nhị và nguy hiểm. Ông đã đến gặp ông Cẩn xin cho biết nên xử trí cách nào. Ông Cẩn bảo ông:

- Chú phải tuyệt đối thận trọng.

Cựu Trung Tá Nguyễn Phu, một tín đồ Phật Giáo, kể lại:

"Sau khi nhận lệnh của Tướng Nghiêm qua điện thoại tại văn phòng của tôi ở Quân Trấn, Thiếu Tá Sỹ đã tỏ ra thật sự lo ngại đối với nhiệm vụ quá tế nhị này. Ông nói với tôi, mình phải làm sao thi hành được lệnh trên mà đừng để xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Ông đã thảo luận hết sức kỹ lưỡng với tôi, và chúng tôi đồng ý với nhau là phải làm sao tránh dùng lực lượng võ trang trong việc giải tán đám đông, dù là lực lượng bán quân sự. Để thực hiện được điều này, việc giải tán đám đông phải được thực hiện từng bước:

- Dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng tự động giải tán.

- Nếu sự kêu gọi không kết quả sẽ dùng xe vòi rồng xịt nước.

- Cuối cùng nếu cả hai biện pháp trên không đem lại kết quả, mới dùng đến Trung Đội Tuần Thám của Bảo An. Và Thiếu Tá Sỹ đã phân công cho chúng tôi:

Tôi (cựu Trung Tá Phu) vừa coi Quân Trấn vừa trách nhiệm về hậu cứ của Tiểu Khu, ở lại tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, tập họp các đơn vị chính quy của Quân Trấn kiểm tra vũ khí cẩn thận. Ông đã thận trọng dặn tôi không được dùng lực lượng này trong việc đối phó với đám biểu tình. Chỉ tự vệ trường hợp Doanh Trại Tiểu Khu bị tấn công.

- Trung Úy Nguyễn Kỳ, (một Phật Tử) Chi Đội Trưởng Chi Đội Tuần Thám đem hai xe bọc sắt và xe vòi rồng sẽ đến Đài Phát Thanh cùng với ông".

Một điều cần ghi nhận ở đây là, sau cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, Thiếu Tá Đặng Sỹ bị đưa ra Tòa Án xét xử và bị kết án tù chung thân. Tại Tòa, Thiếu Tá Sỹ đã khai rõ ràng, ông được Tướng Lê Văn Nghiêm Tư Lệnh Quân Đoàn cung cấp xe bọc sắt, lính Bảo An, và ra lệnh cho ông giải tán đám biểu tình. Ông yêu cầu Tòa cho Tướng Nghiêm ra đối chất với ông, nhưng lời yêu cầu của ông đã không được chấp nhận.

DIỄN BIẾN TRƯỚC ĐÀI PHÁT THANH

Các sự việc xảy ra trước Đài Phát Thanh, tôi được cựu Đại Úy Phạm Văn Vệ, khi ấy là Thượng Sĩ, nhân viên Khu 11 An Ninh Quân Đội (Huế), phụ trách an ninh tại khu vực này tối hôm ấy thuận lại như sau:

"Lúc bấy giờ tôi là Trưởng Ban Công Tác Khu 11 An Ninh Quân Đội do Đại Úy Phạm Bá Thích chỉ huy, có nhiêm vụ sưu tầm tin tức các diễn biến thời sự, chính trị, về nội tình địa phương song song với các hoạt động chống cộng sản xâm lược.

Nói riêng về buổi chiều ngày 8. 5. 1963 xảy ra vụ nổ tại Đài Phát Thanh. Theo tin tức tôi và các nhân viên thuộc quyền ghi nhận qua sự chứng kiến hoặc thu thập qua cộng tác viên, tổng hợp lại thì: Buổi sáng ngày 8. 5. 1963 có cuộc thuyết phát của Thượng Tọa Thích Trí Quang tại Chùa Từ Đàm. Các Thầy muốn cho phát thanh cuộc băng ghi âm nội dung buổi thuyết pháp. Đã có sự tiếp xúc và thỏa thuận giữa các Thầy và chính quyền địa phương về việc phổ biến. Dù nội dung bài thuyết pháp có lời lẽ chỉ trích chính quyền song không mạnh mẽ quá đáng và đã được đôi bên xét duyệt qua và đồng ý. Nếu mọi việc diễn tiến như đã thỏa thuận thì chắc chắn sẽ không có sự kiện gì đáng tiếc xảy ra. Đàng này, một mặt các Thầy đồng ý sẽ phát nội dung buổi thuyết pháp như đôi bên đã thỏa thuận, song mặt khác lại thực hiện một cuộn băng ghi âm khác mà nội dung đại diện chính quyền không được biến đến. Trong ngày này, khi chưa đến giờ phát thanh buổi chiều (Đài chỉ phát Sáng, Trưa và Chiều tối chứ không hoạt động suốt ngày) thì tại các chợ, phường, xóm trong Thành Phố đã có tin loan truyền kêu gọi đồng bào Phật Giáo tụ tập tại Đài Phát Thanh vào chiều tối để nghe thuyết pháp và đón xe hoa từ Đà Nẵng ra. Càng về chiều, đồng bào từ các nơi kéo về Đài Phát Thanh càng đông, trong khi đó tại Chùa Từ Đàm đã có sẵn một số đồng bào cũng kéo về đài. Khi đồng bào đã tập trung đông đảo chật cả khuôn viên Đài Phát Thanh thì có mấy Phật Tử đòi ông Quản Đốc Đài cho phát cuộn băng. Ông Quản Đốc Đài đã cảnh giác nên muốn kiểm duyệt trước nội dung xem có đúng là cuộn băng đã được thỏa thuận trước hay không thì phía mấy Phật Tử này nhất quyết không cho kiểm duyệt và dùng đám đông la hét làm áp lực buộc ông Quản Đốc phải cho phát cuốn băng họ đưa. Thế là huyên náo xảy ra. Các Phật Tử la ó chống đối kịch liệt, một số định trèo lên nóc nhà treo cờ, một số khác xô đẩy định phá cửa đài (đã đóng kín).

Ngay lúc hỗn độn, Thiếu Tá Đặng Sỹ Phó Tỉnh Trưởng Nội An đi trên một xe bọc sắt với một Trung Úy và binh sĩ tiến vào can thiệp. Xe vừa xuất hiện, Thiếu Tá Sỹ vừa cho phát loa kêu gọi đánh đông giải tán thì một số thanh niên bu lại chận đường, người tìm cách trèo lên xe, người la hét. Bị bao vây, Thiếu Tá Sỹ đứng trên xe bắn mấy phát súng lục chỉ thiên, đồng thời cho nổ mấy trái lựu đạn loại OF, gọi là lựu đạn hơi, để dọa trong khi loa kêu gọi giải tán. Một quả đã nổ cách chỗ tôi đứng chừng hơn một thước mà tôi không hề hấn gì, chỉ bị sức mạnh của hơi tạt vào người làm cho lắc lư. Đang khi một số đồng bào giao động vì tiếng súng, tiếng nổ của lựu đạn hơi, đang tản thoát lui và trên cửa Đài Phát Thanh vẫn la ó, xô đẩy cửa thì một tiếng nổ rất dữ dội lửa chớp sáng lóe lên xảy ra ngay trên thềm đài nơi cửa ra hành lang làm cho một số chết tại chỗ. Liền sau đó xe vòi rồng được điều động đến xịt nước giải tán đám người còn ở giữa sân. Hơn phân nửa số người bởi hoảng sợ đã bỏ chạy tản mác ra các khu vực chung quanh. Cuối cùng đám người biểu tình cũng đã giải tán.

Các Bác Sĩ giảo nghiệm các tử thi trong biên bản ghi là người chết vì sức ép của chất nổ cực mạnh chứ không hề có ghi vì xe tăng cán chết hoặc do súng bắn.

Những điểm tôi cần nhấn mạnh ở đây là:

* Thiếu Tá Sỹ chỉ bắn mấy phát súng lục chỉ thiên chứ ông cũng như binh sĩ dưới quyền không bắn thẳng vào đồng bào Phật Tử.

* Lựu đạn sử dụng là loại hơi (OF), chứ không phải loại sát thương, vì không có ai bị thương tích gì. Lựu đạn chỉ được liệng vào khoảng trống chứ không vào đám đông.

* Xe bọc sắt của Thiếu Tá Sỹ chỉ tiến được vào giữa sân rất khó khăn, chứ không tiến sát vào được gần thềm đài vì kẹt đám đông.

* Sau khi đám đông giải tán, ở giữa sân không hề có dấu vết gì chứng tỏ xe đã cán chết người như một vài luận điệu hàm hồ cho rằng ông Sỹ đã dùng xe tăng cán người.

Tiếng nổ làm cho 8 em bé từ tuổi 12 đến 14 chết, trong đó có một em là con của Trung Sĩ Dương Viết Tây, phục vụ tại Khu 11 An Ninh Quân Đội Huế, một em là người Công Giáo, và một số bị thương. Ngoại trừ em bé người Công Giáo, 7 em còn lại đều thuộc Đoàn Thiếu Nhi Phật Tử. Các em đứng phía trước, bị đám đông ở phía sau đẩy tới, dồn ép quá chen chúc nên đã bị chết vì sức ép quá mạnh của chất nổ. Lúc ấy khoảng 10 giờ 30 khuya.

Các nạn nhân, người chết cũng như bị thương, đều được đưa vào bệnh viện Trung Ương Huế khám nghiệm và chữa trị".

Đến khoảng 0 giờ 30 sáng hôm sau, mấy anh em chúng tôi còn ngồi ở văn phòng thì, Thiếu Tá Sỹ từ Đài Phát Thanh gọi điện thoại về cho biết dân chúng đã giải tán hết, tình hình đã yên tĩnh trở lại. Tôi vội lái xe ra ngay hiện trường, được Thiếu Tá Sỹ dẫn đến cho coi nơi phát ra tiếng nổ. Đó là vị trí ngay góc cửa văn phòng Đài đi ra hành lang phía Đông, tức là phía Cầu Tràng Tiền. Chất nổ tạo một lỗ hõm tròn trên nền gạch bông, sâu chừng 1cm, rộng chừng 15cm. Cánh cửa mở ra hành lang, phía trên có hai lớp, bên ngoài là lá sách, bên trong là kính, tất cả kính đều vỡ bay đi hết, trên tường và cánh cửa không có vết thủng nào.

NGÀY 9 THÁNG 5

Sáng ngày 9 tháng 5 Thượng Tọa Trí Quang xin được đưa tất cả số người chết về Chùa Từ Đàm để tổ chức lễ cầu siêu và làm đám táng tập thể. Nhưng vì những việc thất tín ông đã làm trong mấy ngày trước nên chính quyền đề nghị để cho gia đình các nạn nhân tự lo liệu. Những người chết được đưa về gia đình. Đại diện chính quyền và đoàn thể đã đến phân ưu, ủy lạo và giúp đỡ mai táng. Việc chôn cất diễn tiến êm xuôi tốt đẹp.

Cũng trong buổi sáng này, một dư luận được tung ra: Số người chết vì bị xe tăng cán. Bác Sĩ Lê Khắc Quyến Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương, Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Huế, nơi có hai Bác Sĩ Wulf và Holterscheidt giảng dạy, đã cho một người bà con của ông là cựu Giám Đốc Công An Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần Lê Khắc Duyệt, coi những tấm hình xe tăng cán lên xác người.

Nhưng kết quả khám nghiệm các tử thi xác định các nạn nhân bị chết vì sức ép quá mạnh của một loại chất nổ. Mặt khác, các nạn nhân bị chết đều nằm trên thềm hành lang Đài Phát Thanh. Muốn đến được địa điểm này, xe phải băng ngang qua Đường Lý Thường Kiệt, qua khoảng sân trước Đài và đi xuống phía bờ sông chừng 10 thước nữa. Tất cả chiều dài đoạn đường này không dưới 40 thước, khi ấy dân chúng đứng chật như nêm cối, chen chân vào không nổi, làm sao một xe bọc sắt kềnh càng lại có thể vượt qua quãng đường này không đụng vào ai để đến cán chết mấy em bé đứng trên hành lang. Một điểm khác nữa là, mặt nền Đài Phát Thanh cao hơn mặt đất khoảng 0, 80 mét có lan can chạy suốt chiều dài hành lang. Loại xe bọc sắt với bánh cao su không thể leo lên một độ cao có thành thẳng đứng như vậy. Hơn nữa nếu xe leo lên được thì làm sao dãy lan can không bị ủi sập?

Có lẽ vì những yếu tố quá rõ ràng trên đây, làm cho tấm ảnh xe tăng cán người dễ dàng bị lật tẩy, nên người ta đã không thấy nó được sử dụng.

Tôi thấy cần nói qua về Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, một nhân vật luôn sát cánh với Thượng Tọa Thích Trí Quang trong phong trào tranh đấu mang danh Phật Giáo. Từ khi phong trào này được phát động cho đến khi bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan.

Ông Quyến từng là thành viên của phong trào bảo vệ hòa bình hoạt động theo lập trường hòa bình của cộng sản Bắc Việt, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử v. v. . . sau khi Hiệp định Geneva được thi hành. (Mười Hương, người chỉ huy màng lưới tình báo chiến lược của Bắc Việt tại miền Nam và hai nước Miên, Lào, cũng ở trong phong trào này). Nhóm này bị Chính Phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm quyết định tống xuất ra Bắc Việt. Một số thành viên của phong trào tại Huế, trong đó có Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, đã quy thuận và xin Chính Phủ cho họ được ở lại miền Nam. Ông là một Bác Sĩ Việt Nam có uy tín về nghề nghiệp ở Huế, được bổ nhiệm làm Giám Đốc Bệnh Viện Huế khoảng năm 1956. Ông được ông Cẩn tin cậy quý mến nhờ săn sóc riêng cho Bà Cụ Ngô Đình Khả. Khi Viện Đại Học Y Khoa Huế được thành lập ông đã dễ dàng nắm chức Khoa Trưởng. Hai Bác Sĩ người Đức Wulf và Holtescheidt gặp và làm việc với ông tại cả hai nơi Trường Y Khoa và Bệnh Viện Huế. Họ đã nhanh chóng trở nên thân thiết vì cùng có lập trường thân cộng. Vì vậy họ là những người rất hăng say trong phong trào tranh đấu mang danh Phật Giáo chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau khi anh em Tổng Thống Diệm bị giết, ông cùng với một nhóm nhỏ Giáo Sư của Viện Đại Học Huế, dùng phương tiện của Viện Đại Học xuất bản tờ báo Lập Trường tích cực khích động tinh thần chia rẽ, đố kỵ Công Giáo-Phật Giáo. Khi phong trào tranh đấu của Thượng Tọa Thích Trí Quang hoạt động chống Chính Phủ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, nhóm này thành lập phong trào nhân dân cứu quốc, đòi đuổi người Mỹ, tách miền Trung khỏi Chính Phủ Trung Ương Sài Gòn thì ông là chủ tịch của phong trào này.

Những ngày kế tiếp, mặc dầu bầu không khí trong Thành Phố vẫn còn vương vấn mầu u ám của tai nạn thảm khốc tại Đài Phát Thanh tối hôm 8. 5, nhưng không xảy ra cuộc xáo trộn nào, tuy có tin nhóm Thượng Tọa Trí Quang đang có nhiều mưu tính.

Một tuần lễ sau, Thượng Tọa Thích Trí Quang viết thơ trình bày với ông Cẩn rằng, việc đưa ra 5 nguyện vọng là do bị áp lực và ông lại cam đoan không có tranh đấu gì nữa. (Trong Bạch thư phổ biến ngày 31. 12. 1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu có nói đến việc Thượng Tọa Trí Quang gửi là thơ này).

Tình hình lắng dịu, chỉ còn những buổi thuyết pháp, tụng kinh, được truyền qua loa phóng thanh mỗi buổi chiều tại hai Chùa Từ Đàm và Diệu Đế kéo dài chừng mười ngày. Đến cuối tháng 5 thì đột phát trở lại với những cuộc tụ họp tại một vài Chùa của một số thanh niên gồm sinh viên Viện Đại Học Huế và học sinh Trung Học. Đặc biệt là tại Chùa Từ Đàm, nhóm này công khai hoạt động chống Chính Phủ, gây nhiều xáo trộn, làm trở ngại cho sinh hoạt thường ngày của dân chúng không ít.

Để vãn hồi trật tự, chính quyền địa phương phải nhờ Quân Đội can thiệp, giải tán những toán biểu tình ngồi lì ngoài đường gần Chùa. Tướng Đỗ Cao Trí cho áp dụng biện pháp cứng rắn như cắt điện, cắt nước, đối với hai Chùa Từ Đàm và Diệu Đế, nhằm chấm dứt những cuộc tụ họp bất hợp pháp tại các nơi này.

Trong thời gian này, các hoạt động chống Chính Phủ đã lan vào đến các Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Chùa Xá Lợi tại Sài Gòn.
Chương 2.5



TẠI SAO BIẾN ĐỘNG "CỜ PHẬT GIÁO" ĐƯỢC KHỞI ĐỘNG TỪ HUẾ?


Công điện nhắc nhở việc treo giáo kỳ theo quy định năm 1963 được Chính Phủ Sài Gòn gửi đến cho tất cả các Tỉnh, Thành trong toàn quốc. Không phải chỉ riêng Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế nhận được Công Điện này. Nếu tôi nhớ không lầm thì, dưới thời Đệ I Cộng Hòa, toàn miền Nam có 44 Tỉnh Thành. Vậy tại sao việc phản đối đưa đến biến động chỉ xảy ra tại Thừa Thiên-Huế? Chính xác hơn, là xảy ra trong Thành Phố Huế?

Tôi đã được nghe nhiều người nêu lên thắc mắc trên đây, và hầu như tất cả mọi câu trả lời đều là: Vì Huế là Trung Tâm, là cái nôi của Phật Giáo.

Câu trả lời trên đây, theo tôi, không hoàn toàn đúng vì Huế chỉ là Trung Tâm Phật Giáo của miền Trung. Còn tại miền Nam, khối Phật Giáo đồ nhiều hơn và các hoạt động Phật sự cũng không kém sầm uất so với Huế. Nhưng tại tất cả mọi nơi, kể cả tại miền Trung, ngoại trừ tại Thành Phố Huế, đều yên tĩnh, không có phản ứng gì đối với việc nhắc nhở phải treo giáo kỳ theo quy định, đối với Quốc Kỳ.

Để có thể tìm được một câu trả lời chính xác hơn, đề nghị quý độc giả xét qua lý lịch của những giới chức có trách nhiệm và thẩm quyền, trong việc khởi động cũng như hòa giải biến động này, tại Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế.

1. - Phía Khởi Động: Người đứng đầu là Thượng Tọa Thích Trí Quang.

Thượng Tọa Trí Quang sinh năm Giáp Tý (1924), tại làng Diêm Điền Tỉnh Quảng Bình. Thân mẫu ông là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo (hội những người chuyên lên đồng bóng). Khi nhỏ, ông tu học tại Chùa Bảo Quốc, Huế với các Thượng Tọa Thích Trí Độ, Thích Mật Thể v. v. . . là những vị sáng lập Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo tại miền Trung.

Người ta biết rằng, Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo được thành lập tại Huế vào đầu thập niên 30, với Bác Sĩ Lê Đình Thám là Hội Trưởng, các sư bà Diệu Không, Thượng Tọa Thích Trí Độ, Thích Mật Thể v. v. . . là hội viên. Chính quyền Bảo Hộ khi ấy không chịu cấp giấy phép cho Phong Trào hoạt động, vì có nghi vấn sao đó. Nhờ có sư bà Diệu Không, một người bà con với Cụ Phò Quan Quận Vương Phụ Chánh Thân Thần Tôn Thất Hân xin Cụ can thiệp, Phong trào mới được cấp giấy phép. Sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, các vị kể trên, ngoại trừ sư bà Diệu Không, đều ra Hà Nội hợp tác, hoạt động với chính quyền Việt Minh. Thượng Tọa Thích Trí Quang được đi theo các vị này, và hoạt động trong hội phật giáo cứu quốc do Thượng Tọa Thích Mật Thể làm chủ tịch. Năm 1947, Thượng Tọa Trí Quang về quê tại Quảng Bình một thời gian ngắn, sau đó vào Huế, trong khi gia đình Thượng Tọa vẫn ở làng quê Diêm Điền trong vùng kiểm soát của Việt Cộng. Vào Huế, Thượng Tọa tiếp tục hoạt động trong hội phật giáo cứu quốc, bị chính quyền Pháp thời ấy bắt giam và bị quản thúc sau khi được trả tự do.

Ông Phạm Tường cựu Giám Đốc Nha Công An Cảnh Sát Cao Nguyên Trung Phần, cựu viên chức công an Tỉnh Quảng Bình cho biết, cuối năm 1953, Thượng Tọa Trí Quang đã bị Đại Úy Le Blaze Trưởng Phòng 5 Secteur Đồng Hới, (bộ phận sở công an Pháp đặt tại các Tỉnh) phối hợp với Ty công an Quảng Bình bắt hụt, khi Thượng Tọa ra gặp Thượng Tọa Thích Trí Độ từ Hà Nội vào tại làng Diêm Điền. Vì đội xung kích của hai cơ quan trên đã đụng phải lực lượng bảo vệ an ninh cho cuộc gặp gỡ này, trước khi đến được địa điểm hai vị Thượng Tọa gặp nhau.

Khi Hiệp định Geneva được ký kết, tháng 7 năm 1954, tại vùng đất sẽ được đặt thuộc quyền quản trị của chính quyền Quốc Gia (phía Nam vĩ tuyến thứ 17), nổi lên một tổ chức mang tên "Phong trào bảo vệ hòa bình". Lập trường của phong trào này tôi đã đề cập sơ qua trong đoạn nói về Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, chủ tịch mặt trận cứu quốc chống Chính Phủ Thiệu-Kỳ ở một phần trên. Phong trào này hoạt động đòi hỏi Chính Phủ miền Nam phải tôn trọng Hiệp định Geneva, phải hiệp thương với cộng sản Bắc Việt, không trả thù những người kháng chiến, tổ chức tổng tuyển cử v. v. . . đúng theo lập trường của cộng sản Bắc Việt. Vì vậy cuối năm 1954, chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã bắt giữ các thành viên của phong trào này và quyết định tống xuất ra Bắc. Một số thành viên của phong trào này sinh sống tại Huế, trong đó có Thượng Tọa Thích Trí Quang, Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Thầu Khoán Nguyễn Ngọc Bang, Nhà Buôn Vĩnh Cơ. Những người này đã xin Chính Phủ khoan hồng để được ở lại miền Nam. Thời Đệ I Cộng Hòa Bác Sĩ Quyến và tất cả những người kể trên đều được trọng dụng. Thời Quân Đội nắm quyền dưới cơ chế Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Bác Sĩ Quyến là mặt trận cứu quốc của miền Trung, chống lại Chính Phủ Trung Ương.

Được ở lại miền Nam, Thượng Tọa Trí Quang đã tìm mọi cách khai thác triệt để tình đồng hương với ông Ngô Đình Cẩn, để tranh thủ lòng tin của ông.

2. - Phía Hòa giải:

a/. Người có trách nhiệm đầu tiên về cả hai mặt Hành Chánh và Quân Sự là Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng Thành Phố Huế Nguyễn Văn Đảng.

Ông Nguyễn Văn Đảng nguyên là một nhân viên hành chánh ngạch Thừa Phái. Giữa năm 1951 ông được ông Lê Văn Đạm Giám Đốc Nha Quản Lý Viện Trợ Kinh Tế Mỹ-Trung Việt, nhận vào cho tạm coi về nhân viên của Nha này. Tại đây ông gặp một nữ Thư Ký tên là Lê Thị Trung, nhà ở Đường Âm Hồn, trong khu Thành Nội Huế, ông đã bỏ người vợ cũ để lấy cô này. Người vợ mới này của ông cũng là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo như thân mẫu của Thượng Tọa Trí Quang. Đến khi Chính Phủ Mỹ viện trợ trực tiếp cho Chính Phủ Việt Nam, Nha Quản Lý Viện Trợ Kinh Tế Mỹ giải tán, cô Trung được chuyển về Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên, nơi sau này chồng cô, ông Nguyễn Văn Đảng về giữ chức Tỉnh Trưởng.

Ông Nguyễn Văn Đảng với dáng điệu, cử chỉ, cách ăn nói có vẻ hiền hòa, nhỏ nhẹ, đã được ông Ngô Đình Cẩn đặc biệt nâng đỡ. Từ một Thừa Phái ông được cân nhắc lên dần đến Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị, rồi Tỉnh Trưởng Bình Định, và cuối cùng là Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng Thành Phố Huế.

Được ưu đãi như thế, nhưng bị ảnh hưởng của người vợ hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo, nên ông Đảng đã bị Hội Trưởng của hội này, ông Phạm Ngọc Đạm, một thuộc cấp của ông, điều khiển. Vì thế trước khi Tướng Trần Văn Đôn dời Quân Đoàn I vào Sài Gòn nhậm chức Tư Lệnh Lục Quân, ông Đảng đã mời Tướng Đôn đến nhà, dẫn vào một phòng có bày bàn thờ Phật. Tại đây ông Hội Trưởng Hội Tiên Thiên Thánh Giáo Phạm Ngọc Đảm đứng chờ sẵn. Khi Tướng Đôn bước vào phòng, ông Hội Trưởng mời cùng lễ Phật với ông và ông Đảng. Cuộc lễ Phật được kết thúc bằng màn ông Hội Trưởng đốt một nắm nhang đưa vào miệng nhai, trong khi nắm nhang đang cháy thành lửa ngọn. Sau khi đã nuốt nắm tàn nhang, ông Hội Trưởng quay qua phán rằng:

"Thánh Giáo có chỉ định Trung Tướng Trần Văn Đôn cầm quân đảo chánh"

Việc này chính Tướng Đôn đã thú nhận trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của ông. (Trang 165)

Có thể tư tưởng đảo chánh chế độ Đệ I Cộng Hòa ám ảnh đầu óc Tướng Đôn từ đó. Mặc dầu ông đã xin được gia nhập đảng Cần Lao đầu năm 1961, sau khi được ông Cẩn cứu cho khỏi bị nghi ngờ có dính líu trong cuộc binh biến ngày 11. 11. 1960. Ngoài ra, chắc chắn Tướng Đôn còn bị thúc đẩy tham gia đảo chánh bởi một nữ gián điệp của Việt Cộng mà ông rất si mê. Tôi sẽ đề cập tới vấn đề này trong phần viết về ông.

b/. Sau Tỉnh Trưởng sở tại, người có thẩm quyền cao nhất, có khả năng giải hóa vụ này về mặt quân sự, là vị Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật, Tướng Lê Văn Nghiêm.

Theo một số sĩ quan cao cấp xuất thân từ Huế thì, thời Đệ Nhị Thế Chiến, Tướng Nghiêm ở trong đoàn lính thợ do chính phủ bảo hộ Pháp bắt Chính Phủ Nam Triều cung cấp để đưa sang phục vụ chiến trường tại Pháp. Ông hồi hương năm 1946 với cấp bậc Thượng Sĩ. Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau khi quân đội Anh hoàn tất nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật, ông Nghiêm đã được ông Trần Văn Lý giới thiệu cho vào quân đội Pháp và được mang cấp bậc Thiếu Úy. Giáo Sư Học Giả Võ Long Tê cho biết: Thiếu Úy Lê Văn Nghiêm từng là Trung Đội Trưởng Trung Đội An Ninh Phủ Tổng Đốc Trung Phần thời kỳ chưa có chế độ Thủ Hiến. Khi ấy vị đứng đầu mỗi Phần được gọi là Quốc Vụ Khanh Thống Đốc và vị Phó là Thứ Ủy Khanh. Ông Nghiêm đã để xảy ra vụ một tên lính lê dương người Áo theo Việt Cộng, lái xe vào thẳng Dinh Thống Đốc, bắn chết Thứ Ủy Khanh Hà Văn Lan ngay tại văn phòng tại Huế. Mặc dù vậy, trong thời còn quân đội viễn chinh Pháp là Trung Tá. chỉ huy Lữ Đoàn Lưu Động 21. Thời Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, khi quân đội Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam, ông là vị Tư Lệnh thứ hai tại Quân Khu II (Sau đổi thành Quân Khu I) sau Đại Tá Nguyễn Quang Hoàng và vinh thăng Thiếu Tướng khi đang ở chức vụ này. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Tư Lệnh Quân Đoàn III Chiến Thuật, và trở về lại Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật tại Huế cuối năm 1962. Là một đảng viên kỳ cựu của đảng Cần Lao, năm 1955 ông đã được bầu làm Bí Thư Quân Ủy đảng Cần Lao đầu tiên và cũng là sau hết.

Ông là một Tướng lãnh trong đời binh nghiệp đã từng lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh chống cộng sản, được chế độ tín nhiệm. Và nếu như người ta nói, đảng Cần Lao gồm những thành phần tuyệt đối trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được Tổng Thống tuyệt đối tin tưởng và dùng để khống chế Quân Đội, kiểm soát chính quyền, thì Tướng Nghiêm phải là người được coi là trung thành với chế độ và được chế độ tin tưởng hơn ai hết.

Nhưng tôi được ông Hoàng Ngọc Trợ kể lại sự kiện dưới đây về ông Nghiêm mà tôi và có lẽ rất nhiều người không bao giờ nghĩ tới với vị Tướng này.

Ông Trợ kể rằng: Một cựu nhân viên phòng tình báo liên khu 5 Việt Cộng, vì lý do riêng xin được dấu tên, hồi chánh năm 1956, hiện định cư tại California. Khi được biết sau ngày 30. 4. 1975 Tướng Nghiêm không phải đi cải tạo, ông này mới tiết lộ, rằng khi ông làm trong phòng tình báo của liên khu 5 Việt Cộng, ông vẫn thường nhận được tin tức về các kế hoạch hoạt động của quân đội viễn chinh Pháp và Quân Đội Quốc Gia do ông Nghiêm báo cáo. Khi về hồi chánh phục vụ trong ngành hành chánh, thấy Tướng Nghiêm được chế độ tín nhiệm và trọng dụng, ông nghĩ rằng ông ta đã thục sự dứt bỏ quá khứ nên làm thinh.

Nhân chứng từ một nước trong vùng Âu Châu mới được tái định cư tại Hoa Kỳ 3, 4 năm nay. Mới đây, qua một cuộc điện đàm, ông và ông Hoàng Ngọc Trợ đều xác nhận với tôi về sự đúng đắn của sự việc kể trên.

Cựu Trung Tá Nguyễn Duy Nghệ, hiện định cư tại Thành Phố Anaheim, Orage County, nguyên là Sĩ Quan Tùy Viên phụ trách hành quân của Tướng Tôn Thất Đính cũng cho biết: Khi Tướng Tôn Thất Đính được đưa từ Quân Đoàn II về thay thế Tướng Nghiêm làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, ông Ngô Đình Nhu đã đặc biệt lưu ý Tướng Đính về sự kiện thời gian Tướng Nghiêm làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, mọi cuộc hành quân quan trọng đều bị tiết lộ. Vì vậy khi chỉ huy Quân Đoàn III, mỗi lần mở hành quân, Tướng Đính đều đem Sĩ Quan Trưởng Phòng 3 và Tùy Viên phụ trách hành quân về làm lệnh hành quân tại nhà. Bộ Tham Mưu, kể cả Tham Mưu Trưởng của ông, đều không được biết gì trước cuộc hành quân khai mở.

Sau khi bàn giao Quân Đoàn III cho Tướng Đính, Tướng Nghiêm lại được trở về miền Trung, giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật. Và khi Thượng Tọa Trí Quang mở màn cuộc "tranh đấu" bằng chiến dịch "chống lệnh cấm treo cờ Phật Giáo", thì các chỉ huy cao cấp nhất về quân sự và hành chánh tại địa phương, đều là người đứng đằng sau ông.

Tuy vậy, mãi cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, có lẽ không ai nghi ngờ gì Tướng Nghiêm. Nhưng sau này, những người được biết Tướng Nghiêm vẫn thong dong an dưỡng tuổi già tại ngôi biệt thự tọa lạc ở góc Đường Hai Bà Trưng-Phan Đình Phùng, trong khi tất cả Quân Cán Chính lớn nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại, đều bị vào tù cải tạo, thì họ đều nghĩ rằng Tướng Nghiêm phải là một cán bộ hoặc đã lập được công lao với cộng sản nên mới được họ dành cho một chế độ đặc biệt như thế.

Ông Nguyễn Ngọc Bang một nhà thầu khoán tên tuổi ở Huế, một trong số những thành viên của phong trào "Bảo vệ hòa bình" đã quy thuận để được ở lại miền Nam, người trực tiếp nhận báo cáo từ Tướng Nghiêm chuyển lên mật khu cho Việt Cộng, đã xác nhận với cố Đại Tá Phan Văn Khoa:"Ông Nghiêm là người của cách mạng, có công lớn nên không phải học tập". Cố Đại Tá Khoa nguyên là Cảnh Sát Viên trong Đội Cảnh Sát gác Dinh Thống Đốc Trung Phần ngày Thứ Ủy Hà Văn Lan bị sát hại. Thời Đệ II Cộng Hòa ông Khoa đã giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thành Phố Huế. Sau ngày 30.4.1975 ông bị tù cải tạo gần 13 năm, khi được trả tự do, thấy Tướng Nghiêm không phải đi cải tạo, trong một dịp gặp ông Nguyễn Ngọc Bang đề cập tới trường hợp này, ông đã được ông Bang xác nhận như trên. Ông Khoa qua Hoa Kỳ theo diện HO, định cư tại Thành Phố Gardena, Los Angeles County, đã qua đời cách nay 5, 6 năm vì bệnh ung thư gan.

Về phần ông Nguyễn Ngọc Bang khi hoạt động cộng sản của ông này bị cơ quan An Ninh phát giác, ông đã được ông Bửu Vu, Chủ Tịch Hội Nguyễn Phước Tộc đứng ra bảo đảm nên đã được yên ổn làm ăn.

Qua lý lịch của ba nhân vật then chốt có thẩm quyền và trách nhiệm trong "Biến Động Cờ Phật Giáo" tại Huế kỳ Lễ Phật Đản năm 1963, được lược thuật trên đây, người ta có thể thấy được tại sao Biến Động này đã xảy ra tại Thành Phố Huế. Trong khi tại 43 Tỉnh, Thành khác trong toàn miền Nam, lệnh nhắc phải treo cờ Quốc Gia tại các nơi thờ tự đã không gây nên một giao động, thắc mắc nào trong giới Phật Tử.

Chương 2.6



KIỂM SOÁT MỘT SỐ CHÙA


Sau khi tiếp nhận 5 nguyện vọng do nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang, với danh nghĩa Phật Giáo đạo đạt, Tổng Thống Diệm đã chỉ thị Chính Phủ thành lập một Ủy Ban Liên Bộ đại diện cho chính quyền. Đồng thời yêu cầu Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập một Ủy Ban Liên Phái đại diện cho Phật Giáo toàn quốc. Hai bên cùng thương thảo giải quyết toàn bộ vấn đề.
Được biết quyết định của Chính Phủ, Thượng Tọa Trí Quang sợ một Ủy Ban Liên Phái mà thành phần sẽ do Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ định, sẽ không đi đúng đường lối của mình. Nại cớ vụ rắc rối đã xảy ra giữa chính quyền và Phật Giáo tại Huế, Thượng Tọa xin ông Ngô Đình Cẩn giúp đề nghị với Tổng Thống Diệm cho Ủy Ban Liên Bộ thương thảo với Phật Giáo miền Trung chỉ đại diện cho một Miền, nên đề nghị của Thượng Tọa Trí Quang không được Tổng Thống Diệm chấp thuận, Phật Giáo miền Trung được yêu cầu cử đại biểu tham gia phái đoàn Liên Phái Phật Giáo, để cùng giải quyết những nguyện vọng của Phật Giáo toàn quốc.
Khi buộc phải tham gia vào Ủy Ban Liên Phái, nhóm Thượng Tọa Trí Quang đã khôn khéo dùng danh nghĩa Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, chỉ định Thượng Tọa Thích Thiện Minh của Chùa Từ Đàm thay mặt, làm Chủ Tịch Ủy Ban. Còn hai vị Phó Hội Chủ, Thượng Tọa Thích Tâm Châu và ông Mai Thọ Truyền chỉ là thành viên.
Trong khi Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo đang chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên, thì ngày 11. 6. 1963 xảy ra sự kiện Thượng Tọa Thích Quảng Đức được một xe hơi chở đến ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt, được dìu ra ngồi giữa ngã tư và tự thiêu.
Cuộc tự thiêu này được Giáo Sư Bùi Hữu Sủng, người tình cờ được chứng kiến từ những giây phút đầu, thuận lại với ông Nguyễn Trân tác giả hồi ký lịch sử "Công và Tội" như sau:
"Lúc bấy giờ, lời Cụ Sủng, tôi làm Hiệu Trưởng Trường Nguyễn Khuyến, số 68 Đường Lê Văn Duyệt và 181 Đường Phan Đình Phùng Sài Gòn, đối diện với Sứ Quán Cam Bốt. Sáng hôm 11. 6. 1963, tôi thấy Thầy Thích Tâm Châu và Thích Tâm Giác từ phía Trường Học Pháp Colette đi xe hơi tới rồi vòng quanh trước Trường Nguyễn Khuyến và Sứ Quán để dò đường. Một lát sau, độ mười chú Tiểu tới đứng thành vòng tròn giữa ngã tư. Kế tiếp một xe hơi đen hiệu Austin chạy tới rồi dừng lại. Người lái xe là ông Trần Quang Thuận mở cửa xe, dìu một vị Sư già bước xuống rồi đưa tới để ngồi giữa vòng tròn của chú Tiểu, đoạn xe chạy đi. Vị Sư ấy mà tôi biết là Thích Quảng Đức bật quẹt lửa, nhưng không cháy. Thầy Tâm Giác liền tới quẹt diêm và châm lửa. Lửa phừng lên cao phủ cả người Thầy Quảng Đức. Trông thật là kinh khủng và thê thảm. Tôi run cả người lên và thấy một Cảnh Sát Viên đứng gác gần đó chụp mũ vào ngực khóc sướt mướt".
Hỏi sao Cụ biết vị Sư đó là Thích Quảng Đức, Cụ Sủng trả lời:
"Vợ tôi thường đi Chùa Phước Hòa trên Đường Phan Đình Phùng nên nhiều lần thấy Thầy Quảng Đức ở đó. Mỗi ngày hai bữa Thầy Tâm Giác đem thức ăn tới cho Thầy".
Tôi (Nguyễn Trân) hỏi Cụ Sủng có phải là Thầy Quảng Đức say thuốc như người ta nói không? Cụ Sủng trả lời:
"Không biết, chỉ thấy Thầy đi lảo đảo và lúc ở Chùa thì được biết là Thầy có bệnh". (Công Và Tội. Trang 420)
Những người trong chính quyền Kennedy thuộc nhóm chủ trương phải thay Tổng Thống Diệm, đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội này thực hiện một kế hoạch thâm độc. Bề ngoài họ công khai yêu cầu Chính Phủ Việt Nam phải nhượng bộ những đòi hỏi của các nhà lãnh đạo Phật Giáo. Nhưng bên trong họ lại nói với nhau:
"Chúng ta hiểu rõ rằng thỏa mãn những yêu sách của Phật Giáo. . . là khuyến khích họ yêu sách hơn nữa. . . nhưng chúng ta vẫn đòi hỏi Chính Phủ Việt Nam phải thỏa mãn những yêu sách ấy". (The Year Of The Hare. Trang 34)
Và ngay sau khi Tổng Thống Kennedy cử ông Henri Cabot Lodge giữ chức Đại Sứ tại Việt Nam thay Đại Sứ Frederick Nolthing, thì một nguồn tin được loan truyền rất nhanh trong dân chúng Sài Gòn và các Thành Phố lớn. Ông Lodge qua với sứ mạng tổ chức đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Đặc biệt, vị Tân Đại Sứ của Đồng Minh Hoa Kỳ, ông Henri Cabot Lodge, khi vừa đặt chân đến Sài Gòn đã gửi ngay cho nhóm chống đối một thông điệp ủng hộ bằng một hành động đầy tính chất "thực dân, ngạo mạn". Ông ta đến Sài Gòn, chưa trình Ủy Nhiệm Thư lên Chính Phủ Việt Nam, đã đến thăm Thượng Tọa Trí Quang đang ẩn nấp trong cơ quan USOM của Mỹ, chụp hình với Thượng Tọa, và ngày hôm sau tấm hình này đã được phổ biến đi khắp nơi.
Dựa vào những sự tán trợ ngấm ngầm và công khai ấy, các hoạt động của phong trào tranh đấu và những thành phần chống đối chế độ Đệ I Cộng Hòa ngày càng trở nên ồn ào và hung hãn hơn. Một số Chùa đã công khai biến thành Trung Tâm phổ biến tin tức khích động, chỉ huy các cuộc biểu tình và các hoạt động chống Chính Phủ. Tập hợp nhiều thành phần không rõ lý lịch, tạo nên tình trạng vô luật pháp, gây rối loạn an ninh xã hội tại Sài Gòn và một số Thành Phố khác.
Việc biến số Chùa này thành những trung tâm công khai sách động quần chúng chống lại Chính Phủ, là một âm mưu thâm độc được nhóm tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang đưa ra để sập bẫy Chính Phủ. Họ cố tình dựng lên những trung tâm ấy để, vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh chung, bắt buộc chính quyền phải dẹp bỏ, họ trông mong trong cuộc dẹp bỏ những nơi này.
"Họ (lực lượng An Ninh của Chính Phủ) sẽ giết một hai người của chúng tôi". (Our Vietnam Nightmare. Trang 181). Lời Thượng Tọa Trí Quang nói với ông Denis Warner, một nhà báo người Úc.
Âm mưu thâm độc này của họ Chính Phủ cũng đã biết rất rõ, như ông Ngô Đình Nhu nói trong lễ bế giảng khóa XIII Ấp Chiến Lược ngày 23. 7. 1963:
"Đó là lối đấu tranh cố tạo ra tình trạng bất ổn bắt buộc lực lượng bảo vệ an ninh phải đối phó, càng bất ổn càng phải đối phó mạnh, càng đối phó mạnh càng làm cho quần chúng bất mãn và đi đến một cuộc đảo chánh".
Nhưng vì bổn phận bảo vệ an ninh chung, lực lượng giữ gìn an ninh của Chính Phủ không thể không hành động.
Về quyết định kiểm soát một số Chùa, tôi được ông Cao Xuân Vỹ và Trung Tá Phạm Thứ Đường, những người đã được đọc bản thỉnh nguyện của một số Tướng lãnh trình lên Tổng Thống Diệm, kể lại: Một số Tướng lãnh do Tướng Trần Văn Đôn dẫn đầu, đã đến gặp ông Ngô Đình Nhu nhờ ông chuyển trình Tổng Thống một thỉnh nguyện thư. Trong thỉnh nguyện thư các Tướng lãnh yêu cầu Tổng Thống phải hành động trước khi tình hình trở nên quá tồi tệ, làm phương hại đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Họ yêu cầu Tổng Thống tuyên bố tình trạng thiết quân luật, giao cho Quân Đội hành động để trả Chùa chiền lại cho việc thờ phụng.
Việc số Tướng lãnh này gặp ông Ngô Đình Nhu cũng được Tướng Trần Thiện Khiêm, khi ấy là Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thuật lại với bà Marguerite Higgins như sau:
"Ngày 20 tháng 8, số Tướng lãnh chủ chốt được mời vào Dinh Tổng Thống thảo luận về tình hình do các cuộc biểu tình gây nên tại các Thành Phố. Ông Ngô Đình Nhu hỏi các Tướng lãnh bây giờ phải làm gì để giải quyết tình trạng này? Người đầu tiên phát biểu ý kiến là Tướng Trần Văn Đôn. Ông Đôn nói rằng, không thể để cho những xáo trộn cứ liên tục tiếp diễn. Tình trạng hỗn loạn này làm sói mòn nghiêm trọng lòng tin của dân chúng vào uy quyền của Chính Phủ trong tin của dân chúng vào uy quyền của Chính Phủ trong khả năng kiểm soát tình hình. Phải tập trung những người điều khiển các cuộc xáo trộn này lại. . . Chùa chiền không thể dành đặc quyền của nơi tôn nghiêm cho hành động khuynh đảo. Việt Cộng đang lợi dụng tình hình. Không thể để một nhóm được đặc quyền đòi hỏi phải có một mức độ kỷ luật nào đó ở hậu phương. . . " Sau khi Tướng Đôn phát biểu, các Tướng lãnh đã thảo luận kỹ lưỡng về kế hoạch bắt giữ những Phật Tử khuynh đảo quá khích, trả Chùa lại cho các sinh hoạt tôn giáo, hơn là để nó trở thành các trung tâm hoạt động chính trị.
Sau cuộc thảo luận, các Tướng lãnh đã quyết định đồng loạt ký tên vào bản thỉnh nguyện trình Tổng Thống Diệm cho phép họ tiến hành thực hiện kế hoạch. Bản thỉnh nguyện được trình Tổng Thống Diệm tối hôm đó, qua ông Ngô Đình Nhu. . . (Our Vietnam Nightmare Trang 191)
Và chính Tướng Đôn, ba hôm sau, ngày 23. 8, đã mời ông Conein đến Bộ Tổng Tham Mưu cho ông này biết rằng:
"Lệnh thiết quân luật ông Diệm tuyên bố trước đây, trong tháng tám là do yêu cầu của mười Tướng lãnh. Quân Đội tìm cách buộc các tăng sĩ từ các Chùa ngoài Thủ Đô vào Sài Gòn phải trở về Tỉnh hoặc Làng của họ. Khi chấp nhận yêu cầu của Quân Đội, ông Diệm đòi phải bảo đảm an toàn cho các tăng sĩ. Ông (Tổng Thống Diệm) cũng chống lại việc đóng cửa các Trường Học, vì giới trẻ cần có cơ hội tự bày tỏ ý kiến của họ. Ông Đôn cũng nhấn mạnh rằng không thể tách ông Nhu ra khỏi ông Diệm được và rằng ông Diệm không thể được thay thế bằng một Tướng lãnh hoặc một người dân sự trong vai trò Quốc Trưởng". (The Year Of The Hare. Trang 55)
Tiếp nhận thỉnh nguyện của Tướng lãnh, sợ Quân Đội hành động quá mạnh, Tổng Thống Diệm đã đưa ra hai điều kiện trước khi chấp thuận lời yêu cầu của họ:
1. - Chính Phủ không thay đổi đường lối hòa giải với Phật Giáo.
2. - Quân Đội phải dàn xếp thế nào để tránh khỏi đổ máu.
Được Tổng Thống chấp thuận, tối ngày 20 tháng 8 các Tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Trần Thiện Khiêm, hai Đại Tá Nguyễn Văn Y Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát, Lê Quang Tung Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt đã họp với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu quyết định việc kiểm soát một số Chùa. Khi ông Nhu nhắc lại việc phải tuân thủ hai điều kiện Tổng Thống đưa ra trong khi thực hiện việc kiểm soát Chùa, các Tướng lãnh đã tỏ ra bất bằng nói: "Tổng Thống đưa ra một vấn đề nan giải". (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 56)
Cuộc kiểm soát một số Chùa đã được thực hiện đồng loạt vào những giờ đầu ngày 21. 8. 1963 do Cảnh Sát Dã Chiến, phối hợp với Lực Lượng Đặc Biệt tại Sài Gòn, Cảnh Sát Dã Chiến với Quân Đội tại các nơi khác. Trong toàn miền Nam có tất cả 14 ngôi Chùa bị kiểm soát.
Khi tiến vào các Chùa, Lực Lượng An Ninh đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt. Tại Chùa Từ Đàm họ đã không thể tiến vào khuôn viên Chùa được. Vì không có nón sắt, họ không làm sao vượt qua được những trận mưa gạch, đá từ trong Chùa ném ra. Trước tình hình ấy, Tướng Đỗ Cao Trí đã điều động Quân Đội tới, và ông mặc thường phục, đích thân đến gần Chùa Từ Đàm chỉ huy cuộc hành quân.
Mục đích của cuộc kiểm soát một số Chùa là vãn hồi trật tự công cộng, và thanh lọc số người đang cư trú bất hợp phát tại các nơi ấy.
Mấy vị chân tu như Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Tường Vân. . . được đưa đến Bệnh Viện Cộng Hòa, chăm sóc. Tổng Thống Diệm đã cử ông Tôn Thất Thiết, Chánh Sở Nội Dịch Phủ Tổng Thống đại diện lui tới thăm hỏi và chỉ thị Tổng Y Viện Cộng Hòa phải đặc biệt săn sóc các vị ấy.
Các tăng sĩ khác thuộc Chùa nào đều được trả về Chùa ấy. Nhưng đặc biệt, cho đến ngày cuộc đảo chánh bùng nổ, 1. 11. 1963, nghĩa là hơn hai tháng sau ngày kiểm soát một số Chùa, vẫn còn đến gần 300 người cạo đầu, mặc áo nhà tu, nhưng không được Chùa nào cũng như Ủy Ban Liên Phật Giáo nhận lãnh, vì không nơi nào có lý lịch của họ. Số người này, sau ngày 1. 11. 1963, đã được Hội Đồng Tướng Lãnh trả tự do và được coi như bằng chứng Chính Phủ Ngô Đình Diệm bắt bớ giam giữ các tăng sĩ Phật Giáo.
Phần Thượng Tọa Trí Quang, ông đã thoát không bị bắt giữ trong cuộc lục soát Chùa Xá Lợi, nhờ một nhân vật trong văn phòng Tổng Thống báo cho biết trước. Và tôi được Đại Tá Lê Quang Tung cho biết, Thượng Tọa Trí Quang đã trốn được qua cơ quan USOM nhờ chui qua một lỗ hổng đục sẵn từ trước trên bức tường ngăn Chùa Xá Lợi với cơ quan USOM. Lỗ hổng này được che khuất bằng một cái kệ. Thoát được qua trụ sở cơ quan USOM, Thượng Tọa được Tòa Đại Sứ Mỹ bảo vệ. Họ đã từ chối lời Chính Phủ Việt Nam yêu cầu trao Thượng Tọa lại cho cơ quan hữu trách của Chính Phủ.
Những tin tức liên quan đến các hoạt động chống Chính Phủ cũng như sự kiện Thượng Tọa Quảng Đức tự thiêu và việc kiểm soát một số Chùa, đã được các phóng viên ngoại quốc có mặt tại Sài Gòn, đặc biệt là số phóng viên Mỹ, nhanh chóng truyền đi những hình ảnh, tin tức, với những diễn giải hoàn toàn bất lợi cho Chính Phủ. Điều này đã làm cho dư luận tại một số nước trên thế giới, vốn không hiểu biết gì về tình hình an ninh tại Việt Nam, một nước mà tại đó, cuộc chiến tranh ý thức hệ đang diễn ra gay gắt giữa những người dân cùng một tiếng nói, một mầu da. Họ không có chút hiểu biết nào về chiến thuật, chiến lược của loại chiến tranh khuynh đảo và nổi dậy do cộng sản chủ trương và điều khiển. Vì thế, họ đã dễ dàng tin rằng tại đấy đang thực sự có một cuộc đàn áp những người theo một tôn giáo khác với tôn giáo của các Nhà Lãnh Đạo Chính Phủ.
Thêm vào đó, sau vụ kiểm soát một số Chùa, ngay trong thành phần Chính Phủ cũng có những phản ứng vô cùng bất lợi cho Tổng Thống Diệm, như việc ông Vũ Văn Mẫu từ chức Bộ Ngoại Giao, ông Trần Văn Chương từ chức Đại Sứ tại Hoa Kỳ. . . để phản đối quyết định của Chính Phủ.
Đến nay, qua những tài liệu mật của Chính Phủ Hoa Kỳ liên quan đến việc tổ chức cuộc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm được bạch hóa, người ta được biết các ông trên đây đã được hứa hẹn những chức vụ quan trọng trong chính quyền mới sau khi Tổng Thống Diệm bị loại.
Một điều đáng suy nghĩ đó là, mặc dù chính Tướng Trần Văn Đôn, Quyền Tham Mưu Trưởng và Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, hai nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chánh ngày 1. 11. 1963 đã cho Lucien O’Conein, sĩ quan CIA đại diện Đại Sứ Lodge bên cạnh các Tướng lãnh biết, việc kiểm soát một số Chùa là do thỉnh nguyện của các Tướng lãnh. Nhưng tin tức về vụ này, được phóng viên các hãng thông tấn của Hoa Kỳ gởi ra ngoài, thì lại chỉ nói đến cuộc kiểm soát Chùa tại Sài Gòn, và được nhấn mạnh điểm: Do Lực Lượng Đặc Biệt, một Lực Lượng trung thành với Tổng Thống Diệm thực hiện theo lệnh của ông Ngô Đình Nhu, còn Quân Đội không can dự vào vụ này. Trong khi, ngoại trừ mấy Chùa tại Sài Gòn, ở tất cả các nơi khác, cuộc kiểm soát này đều do Quân Đội thực hiện. Ngoài ra, họ cũng đã không hề nói đến những yếu tố:
- Chỉ có 14 trong 4766 ngôi Chùa lớn nhỏ trong toàn miền Nam bị kiểm soát.
- Tình hình sinh hoạt khi ấy tại 14 ngôi Chùa này thực sự là những hoạt động công khai khích động, kêu gọi dân chúng nổi lên chống lại Chính Phủ, không còn là những Chùa để dùng cho việc thờ phụng đích thực nữa.

Chương 2.7



MỘT SỐ SỰ KIỆN CẦN ĐƯỢC GHI LẠI


Để quý độc giả có thêm yếu tố nhận xét về biến động được gọi là "Cuộc Tranh Đấu của Phật Giáo Chống Lại Chính Sách Kỳ Thị Tôn Giáo" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, do một nhóm Phật Tử quá khích được Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo xướng xuất, tôi thấy cần ghi lại một số sự kiện sau đây:
1. - Dịp Tết năm 1961, tôi đến chúc tuổi Cụ Ưng Trạo, đang nói chuyện với Cụ thì bé con nuôi của Cụ, cháu Vĩnh Thao, đi ngang qua, chỉ vào nó Cụ nói:
"Bữa qua bố nó, ông Hoàng Hữu Khác, (Ông Khác Chánh Án Tòa Án Huế, Thư Ký Hội Phật Giáo Thống Nhất Thừa Thiên) đến thăm tôi cho biết, ông mới đọc được thơ của Thượng Tọa Thích Trí Độ từ Hà Nội gửi cho Thượng Tọa Thích Trí Quang, Tổng Thư Ký Hội Phật Giáo Thống Nhất Thừa Thiên, chỉ thị phải tìm cách tổ chức một phong trào Phật Giáo chống Tổng Thống Diệm. Sợ bị liên lụy khi chuyện xảy ra, ông ta đã xin từ chức Thư Ký và ra khỏi Ban Trị Sự".
2. - Báo La Pravda xuất bản tại Moscow, số ra ngày 25. 10. 1963, loan tin về một Hội Nghị Quốc Tế Phật Giáo Thế Giới họp tại Bắc Kinh để hỗ trợ cuộc tranh đấu của Phật Giáo Miền Nam Việt Nam như sau:
"Hội Nghị Quốc Tế Phật Giáo Thế Giới họp trong ba ngày tại Bắc Kinh, dưới sự bảo trợ của: Ủy ban quốc gia vì hòa bình của Cộng hòa nhân dân Trung quốc. Ủy ban liên đới Phi-Á Châu. Ủy ban hợp tác văn hóa và ủy ban thống nhất Phật Giáo (Trung cộng), để hỗ trợ cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam, với sự tham dự của các phái đoàn đến từ mười nước: Trung cộng, Cam Bốt, Indonesia, Nhật, Bắc riều Tiên, Lào, Nepal, Pakistan, Thái lan, Bắc và Nam Việt Nam, được coi là một biến cố lớn nhằm đưa ra đầy đủ những tội ác của ông Ngô Đình Diệm và người em, ông Nhu, đã gây nên. Và nhà Sư Thích Thiện Hào, đại diện miền Nam Việt Nam trong Hội Nghị này tuyên bố rằng, ông Diệm và người em, ông Nhu, đã giết 159.000 người, tra tấn thành tàn tật suốt đời 672.000 người, biệt giam 370.000 Phật Giáo đồ, đốt Chùa Từ Đàm và Chùa Xá Lợi, và đích thân đến kiểm soát Chùa Xá Lợi, nơi được coi là địa điểm chống lại sự đàn áp của chế độ Diệm mạnh nhất". (Les Relations Americano-Vietnamienes. Tập I . Trang 113)
3. - Trong cuộc tiếp kiến Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc, ông Ngô Đình Nhu đã trình bày với Phái Đoàn:
". . . Cộng sản tổ chức đưa cả toàn xã vào Thiên Chúa Giáo rồi dùng cái lối ấy xâm nhập vào trong xứ. Tín đồ Phật Giáo khi thấy nhiều xã vào Thiên Chúa Giáo thì lại tưởng là áp bức của Chính Phủ. Nhưng khi đọc các tài liệu người ta mới thấy như thế, và Chính Phủ không khi nào khuyến khích điều ấy, vì đó là cộng sản trá hình. Sự kiện này gây cho chúng tôi thiệt hại nhiều vào năm 1960 khi chiến tranh phá hoại phát khởi. Những xã nói trên đứng lên chống lại chúng tôi. Chính Phủ Diệm xích mích với Hàng Giáo Phẩm Gia Tô về phong trào rửa tội toàn khối ấy. Lực lượng an ninh phải canh chừng những xã ấy nhiều hơn xã khác". (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 54)
4. - Trong cuộc hội kiến với Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc, ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương đã trình bày:
". . . Bây giờ tôi muốn nói rõ một vài điểm. Thông Tư đề ngày 6 tháng 5 đã đến Huế ngày 7 tháng 5. Tôi cũng đến Huế lúc 10 giờ sáng ngày hôm ấy, và nửa giờ sau, các nhà sư lãnh đạo Phật Giáo yêu cầu được gặp tôi để nghe giải thích về nội dung và lý do của Bản Thông Tư ấy. Tôi đã giải thích đầy đủ, và tôi cũng đã chỉ thị cho chính quyền địa phương khoan thi hành, trong hiện tại, Thông Tư ấy. Khi từ sân bay đến Thị Xã Huế, tôi đã nhận thấy cờ xí đã treo lên theo quy định (thông lệ) từ trước khi bản Thông Tư ra đời, cho nên không thể bắt hạ cờ xuống ngay trong một hôm. Các nhà lãnh đạo rất sung sướng nghe tôi nói, và bảo rằng tôi đã làm cho họ hoàn toàn thỏa mãn. Cờ Phật Giáo và Quốc Kỳ đã treo lên trước ngày lễ ba hôm rồi, cho nên không có một biện pháp nào có thể bắt buộc người ta phải theo những thể thức mà chính tôi, với tư cách Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ đã Thông Tư.
Sau khi trở về Sài Gòn, ngày 8 tháng 5, tôi được tin những vụ lộn xộn đẫm máu xảy ra ở Huế. Tôi vô cùng ngạc nhiên và tôi lại trở ra huế. Tôi tự hỏi tại sao lại có những vụ lộn xộn như thế, trong khi các vị Thượng Tọa đã đoan chắc với tôi là họ đã thỏa mãn. Lúc ấy tôi không thể hiểu được, nhưng về sau khi bắt giữ vài ba người, tôi nhận được tờ tự khai tay của ông Đặng Ngọc Lựu, cộng tác viên thân cận của nhà sư Thích Trí Quang viết ra, tôi đọc tờ khai ấy và tôi đã hiểu. . . trong tờ khai ông ta nói rõ rằng cuộc âm mưu (do đó mới có chữ "âm mưu" dùng trong bản tài liệu) do Việt Cộng dựt giây này, đã được chuẩn bị và thỏa thuận từ năm 1960". (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 71)
5. - Ngay sau khi xảy ra những biến cố, trước và trong ngày Lễ Phật Đản tại Huế năm 1963, một luồng dư luận được loan truyền rất nhanh trong Thành Phố Huế và các Tỉnh lân cận nói rằng: Đức Cha Ngô Đình Thục và kỳ thị tôn giáo và tham vọng lên chức Hồng Y, không muốn thấy cờ Phật Giáo được treo quá nhiều, đã bắt Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh triệt hạ và cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản.
Trong khi đó tại miền Nam, dư luận lại nói: Ngoài miền Trung, ông Ngô Đình Cẩn cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Lễ Phật Đản.
Tôi đã được nhiều người hỏi như vậy. Và trong Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam, nơi trang 263, vừa được trích dẫn ở một đoạn trên, tác giả Lâm Thành Nĩ cũng ghi như thế.
6. - Trước khi cuộc đảo chánh 1. 11. 1963 bùng nổ chừng một tháng, một nguồn tin rất giá trị cho biết:
Khi tiếng súng đảo chánh nổ, nhóm "Phật Giáo Tranh Đấu" sẽ giết Đức Cha Ngô Đình Thục.
Để tránh hậu quả không thể lường được khi xảy ra việc một vị Tổng Giám Mục Công Giáo bị giết bởi một nhóm người "mang danh Phật Giáo" Đức Cha Thục được khuyến cáo và Ngài đã rời Việt Nam khoảng 10 ngày trước khi cuộc đảo chánh xảy ra.
Người được biết rõ về nguồn tin này là Linh Mục Trần Đức Huynh, hiện cư ngụ tại Thành Phố Graden Grove, Orange County, California.
7. - Thiếu Tá Đặng Sỹ, trong thời gian bị giam tại lao xá Thừa Thiên (Huế), hai ông Tướng Đỗ Mậu và Nguyễn Chánh Thi đã từng vào nhà giam bảo ông: "Anh cứ khai là Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho anh giết Phật Tử thì anh sẽ được tha ngay".
8. - Một hôm Linh Mục Hoàng Quỳnh đến dưỡng đường của Bác Sĩ Tài trên Đường Công Lý Sài Gòn, thăm Thượng Tọa Trí Quang đang bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ quản thúc tại đây. Sau khi thăm hỏi chừng 10 phút tại phòng Thượng Tọa Trí Quang nằm, hai vị cùng qua thăm Thượng Tọa Thiện Minh bên Trung Tâm Thanh Niên Phật Giáo gần đó. Ngồi trong xe trên đường đến Trung Tâm Thanh Niên, khi hai vị thảo luận về tình hình đất nước và các phong trào đấu tranh, Linh Mục Hoàng Quỳnh hỏi Thượng Tọa Trí Quang:
- Thượng Tọa này, sao trong phong trào của Thượng Tọa có vẻ có nhiều Việt Cộng trà trộn quá vậy?
Thượng Tọa Trí Quang trả lời:
- Tôi cũng biết vậy mà không mần chi được. Lúc đầu mình chỉ tính lợi dụng họ, nhưng khi họ vô đông quá rồi mình chịu, không xoay trở chi được nữa.
Người tháp tùng và lái xe đưa Linh Mục Hoàng Quỳnh và Thượng Tọa Trí Quang đi hôm ấy, đã được nghe rõ câu đối đáp trên đây là Cụ Nguyễn Văn Bách, hiện cư ngụ tại Thành Phố Wesminster, Orange Couty, California.
Sự kiện này cũng được Đại Đức Thích Đức Nghiệp, phát ngôn viên chính thức của phong trào "tranh đấu mang danh Phật Giáo" năm 1963 xác nhận với ông Đặng Đức Khôi, nguyên Thứ Trưởng Bộ Thông Tin thời Đệ II Cộng Hòa, tại Trường Đại Học Columbia năm 1965:
"Một số người tranh đấu như Thích Trí Quang đã nhờ sự trợ lực của cộng sản để mau đạt được mục đích cuối cùng của họ". (Vietnam our Nightmare. Trang 184)
9. - Một vị Phật Tử lão thành, định cư tại Hoa Kỳ năm 1981, hiện cư ngụ tại Thành Phố Irvine, Orange, California cho biết:
Thời gian còn ở lại Việt Nam sau năm 1975, Cụ được gặp lại người em họ tập kết ra Bắc khi thi hành Hiệp định Geneva. Sau này xâm nhập miền Nam anh là một cán bộ cao cấp đã từng giữ chức vụ quan trọng của cộng sản trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Khi chính quyền cộng sản bắt đầu áp dụng chính sách kiểm soát gắt gao gây nhiều khó khăn cho các tôn giáo, một hôm anh đến thăm Cụ, Cụ hỏi:
- Cậu nè, Phật Giáo trong Nam này đã có công nhiều với các anh. Theo tôi, cuộc tranh đấu của họ đã đem lại cho các anh nhiều thuận lợi để dành chiến thắng. Răng bây giờ các anh lại đối xử với họ tệ như rứa?
Và Cụ được anh trả lời:
- Phật Giáo trong ni mà tranh đấu cái chi! Anh có biết không, trước đó 2 năm chúng tôi đã cho 200 công an cạo đầu, vào Chùa Quán Sứ học kinh, học cách sống của các nhà Sư, rồi đưa vô Nam phục sẵn trong một số Chùa.
Sau ngày 30.4.1975, số công an này đã được tập trung ăn mừng liên hoan tại Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn.
Vì vấn đề an ninh của nguồn tin còn ở Việt Nam, theo lời yêu cầu của Cụ, chúng tôi rất tiếc chưa thể tiết lộ danh tánh của nguồn tin.
Một điều đáng lưu ý là con số 200 công an được tiết lộ trên đây phù hợp với số hơn 200 người cạo đầu mặc áo tăng sĩ, bị bắt trong cuộc kiểm soát một số Chùa đêm 20. 8. 1963, mà cho đến khi cuộc đảo chánh 1. 11 bùng nổ, Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo cũng như các Chùa không nơi nào nhận lãnh, vì không có lý lịch của họ.
10. - Nhân chứng số 8, một học tăng 19 tuổi, được Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc tiếp xúc, khi được ông Trưởng Phái Đoàn hỏi, xuất gia năm nào, vị học tăng này đã khai:
"Vào tháng 3 năm 1962. Đến tháng 7 năm ấy tôi đến Sài Gòn và Thượng Tọa Thích Trí Quang đã quyết định gửi tôi đến Chùa Long Phước ở Bến Tre, Tỉnh Bình Định (trong tiếng Anh ghi là Bến Tra, có lẽ là Bến Đá), để tu học. Vào tháng 5. 1963 tôi được về trụ sở Tổng Hội ở Sài Gòn. Tôi ở Chùa Xá Lợi để hầu hạ chư tăng. Chính ở đây tôi được nghe đến 5 nguyện vọng của Phật Giáo đồ. Ngày 30 tháng 5, tôi tham dự trong một cuộc biểu tình của Phật Giáo tại Sài Gòn và sau đó tôi về Chùa Xá Lợi. Trong đêm 20. 8 tôi đến Chùa Ấn Quang và bị bắt vào lúc 1 giờ sáng. Tôi bị giam giữ tại một nơi mà tôi không được biết. Nhiều vị Thượng Tọa ở Chùa Ấn Quang đến thăm tôi và điều đình với các giới chính quyền. Ngày hôm sau, tôi được trả lại tự do cùng với một số tăng ni khác. Tôi trở về Chùa Ấn Quang và gặp được nhiều vị tăng ni. Chính ở đây tôi gặp Thượng Tọa Thích Thiện Hoa và Thượng Tọa Thích Nhật Minh lúc bấy giờ là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo thuần túy. Hai nhà Sư ấy đã tuyên bố là tất cả chư tăng phải trở về Chùa của mình, vì không thể nào nuôi ăn một số đông các tăng ni như thế trong một ngôi Chùa được. Chùa tôi ở xa, tôi xin ở lại Sài Gòn và tá túc tại Ni Cô Diệu Thanh, gần Chùa Ấn Quang. Trong thời gian ấy tôi được nghe nói đến những sự tàn bạo mà Chính Phủ đã khủng bố Phật Giáo đồ. Chẳng hạn tôi được nghe kể lại người ta đánh đập tàn nhẫn tăng ni, đập nát những bàn tay, ngâm dưới nước hay mổ bụng những người này. Tôi còn được biết là một số tăng ni bị bắt trở lại và một số khác bị bắt buộc phải ngưng hành đạo hay tự thiêu sống. Tin tức ấy khiến tôi phẫn uất.
Một ngày kia, trong lúc tôi đang ở Phạm gian (Đường Gia Long) một thanh niên tự xưng là hội viên Tổng Hội Sinh Viên đến nói chuyện và yêu cầu tôi gia nhập vào phong trào Phật Tử. Tôi bằng lòng vì cho đó là một dịp để phụng sự chánh pháp. Người sinh viên ấy hỏi địa chỉ của tôi. Tôi trả lời rằng tôi ở nhà một Ni Cô gần Chùa Ấn Quang. Ngày hôm ấy, người sinh viên ấy lại đến tìm tôi ở địa chỉ ấy và giao cho tôi một gói gồm 2 bộ quần áo. Anh ta bảo tôi Chính Phủ đang lùng bắt tăng ni. Anh ta lại thêm rằng nếu ra đường thì phải mặc một trong hai bộ quần áo ấy để người ta khỏi nhận ra mình là tu sĩ. Anh ta còn khuyên tôi nên đổi chỗ ở, tôi nên đến Chùa Từ Vân Đường Thái Lập Thành ở Gia Định để tránh sự dòm ngó của chính quyền. Vì thế tôi đến ở Chùa Từ Vân vào ngày 20 tháng 10. Đến ngày 22. 10, người sinh viên lại đến tìm tôi và tự giới thiệu là Linh. Anh ta cho biết Tổng Hội Phật Giáo đã thay đổi danh hiệu và các chi nhánh. Tổng Hội mới này làm việc cho cộng sản. Ngày 23.10 người ta đưa tôi đi Taxi lên Đường Chi Lăng ở Phú Nhuận vào trong một hồ tắm để gặp hai người. Một trong hai người này tên là Thanh và người kia là một nhà Sư cải trang và đội một chiếc nón bằng ni lông. Họ rất vui sướng được biết tôi và cho tôi biết tin một Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc nay mai sẽ đến Việt Nam để điều tra về mối giao thiệp giữa Chính Phủ và Phật Giáo đồ. Vì thế họ cần 10 người tình nguyện và hỏi tôi có muốn tham gia không. Quá phẫn uất về cách đối xử của chính quyền với tăng ni, tôi đã nhận lời vì nếu không số phận tôi cũng chẳng khác gì số phận của các tăng ni ấy. Họ nói tôi sẽ được chết vì chánh pháp. Họ rất vui sướng khi nghe tôi nhận lời. Họ còn cho biết một Sư tên là Thiện Mỹ sẽ tự thiêu trước Nhà Thờ Tân Định trên Đường Hai Bà Trưng, Họ yêu cầu tôi tự thiêu ngay trong ngày Lễ Quốc Khánh vì hôm ấy có đông đủ mọi người ngay cả các đại diện của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc. Tôi hỏi làm thế nào có thể vào khu vực cấm ấy được. Họ bảo tôi đừng lo sợ, một nhóm người phụ trách ủng hộ sự tự thiêu đã có những bố trí thích đáng cho tôi. Tôi hỏi bố trí như thế nào thì họ trả lời đến ngày 16. 10, tôi sẽ nhận được một bộ đồ trắng và một chiếc áo cà sa vàng có tẩm xăng. Họ sẽ giao tôi một chiếc xe hơi có treo cờ để vào khu vực cấm. Đến nơi, tôi sẽ tự nhiên bước xuống xe do một người tài xế lái. Đoạn tôi ngồi xuống tự nhiên, mặc chiếc áo cà sa vào, quẹt diêm và châm lửa đốt quần áo. Trước khi ấy, người ta sẽ cho tôi một vài viên thuốc không sợ đau đớn. Xong xuôi, họ bảo tôi về và cho tôi 100 đồng để trả tiền xe. Ngày 24. 10, người sinh viên lại đến Chùa Từ Vân giao cho tôi ba bức thư, một gởi cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Bức thư ấy yêu cầu Chính Phủ thực hiện sự tự do tín ngưỡng và phóng thích những tăng ni đã bị giam giữ. Bức thư thứ hai gửi Thượng Tọa Thích Thiện Hòa, trụ trì Chùa Ấn Quang, kết tội Thượng Tọa đã phản bội tăng ni và tín đồ Phật Giáo. Bức thứ ba gửi Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc cho họ biết lý do tôi tự thiêu. Những bức thư ấy đã được viết trước và họ yêu cầu tôi ký vào. Tôi không ngần ngại và ký vào trong tất cả ba bức thư. Người ta lại còn cho biết đến ngày 25.10 vào buổi sáng, lực lượng Cảnh Sát đến bắt tôi trước khi người sinh viên đến dẫn tôi đi. Trong xe Cảnh Sát, tôi thấy tên Hải người mà tôi đã quen trước kia ở Chùa Xá Lợi. Vào ngày 23 tôi có gặp hắn tại Đường Chi Lăng. Lúc ấy, chúng tôi có chuyện trò với nhau và tôi có nói là sau ngày 26 tôi sẽ không còn gặp hắn nữa. Đến lúc xe đến Đồn Cảnh Sát, tôi mới hiểu rằng chính hắn đã tố cáo tôi với Cảnh Sát. Họ giam tôi trong một căn phòng, xong đem tôi ra và giải thích là chính quyền không giết một vị Sư nào, không có một sự tàn bạo nào đã xảy ra và tất cả những câu chuyện trước kia đều là bịa đặt. Tôi biết bị lầm đường, và bây giờ tôi hiểu rõ tình thế. Về những âm mưu vừa qua, tôi có gửi cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa xin lỗi ông và giải thích về bức thư tôi gửi đến cho ông, Tôi cũng gửi một bức thư đến Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc. Bây giờ tôi đã nhận thấy rõ ràng tình thế, nên không còn ý định tự thiêu nữa. (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 127)
11. - Mấy ngày sau khi cuộc đảo chánh 1. 11. 1963 thành công, một số sinh viên bị giữ trong các cuộc biểu tình bạo động trong những ngày trước đó được trả tự do. Họ được triệu tập đến Bộ Tổng Tham Mưu để được Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Tướng Lãnh tiếp kiến, dưới sự hướng dẫn của một sĩ quan thuộc Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu. Trong khi Tướng Minh đang tiếp số sinh viên trên đây thì ông nhận được báo cáo khẩn cấp:
Có một đám đông kéo đến bao vây đòi tràn vào phá Nha Tuyên Úy Công Giáo, tọa lạc trên Đường Phan Thanh Giản, giáp Đường Hai Bà Trưng. Tướng Minh nhận được báo cáo vẫn thảm nhiên, không có phản ứng gì. Thấy vậy một sinh viên đứng lên nói:
"Đề nghị Trung Tướng bằng mọi cách phải ngăn chận ngay việc này, nếu không, nó sẽ gây nên hậu quả vô cùng nguy hiểm có thể đưa đến một cuộc chiến tranh tôn giáo".
Tướng Minh ngập ngừng một lúc, nhưng sau đó đã ra lệnh cho lực lượng an ninh phải bảo vệ Nha Tuyên Úy Công Giáo và giải tán đám đông.
12. - Tháng 6 năm 1964, Tòa soạn Nhật Báo Xây Dựng do Linh Mục Nguyễn Quang Lãm làm Chủ Nhiệm, khi ấy còn tọa lạc tại góc Đường Bùi Chu-Bùi Thị Xuân, và Trường Nguyễn Bá Tòng bên cạnh, bị một đoàn khoảng hơn 200 thanh niên hầu hết chỉ mặc một quần xà lỏn kéo tới bao vây. Nhiều lần chúng định xông vào đập phá nhưng không vượt qua được dãy tường bao xung quanh hai cơ sở này. Trước thái độ bất can thiệp của Cảnh Sát trước hành động bạo loạn của nhóm người này, đồng bào Công Giáo di cư tại khu vực Hố Nai và Ông Tạ phải đến can thiệp giải vây. Hai bên xô xát, một thanh niên bên phe "tranh đấu" bị tử thương vì trúng một mũi lao của phe giải vây. (lối đánh các băng cướp của dân quê miền Bắc) Xác thanh niên này được đưa về quàn tại Viện Hóa Đạo Đường Trần Quốc Toản. Đám táng được tổ chức rất long trọng, có cả vòng hoa và lời phân ưu rất trân trọng của Thủ Tướng Nguyễn Khánh.
Cụ Nguyễn Văn Bách là một trong những người ở trong Tòa Báo Xây Dựng để đối phó với nhóm "tranh đấu" suốt thời gian bị nhóm này vây hãm.
13. - Thời gian này, tại một số Thành Phố như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và tại các Tỉnh được chính quyền Quốc Gia tiếp thu sau khi Hiệp định Geneva được thi hành như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tình trạng hỗn loạn ngày càng thêm trầm trọng. Những tin thất thiệt được tung ra nhằm khích động đám quần chúng của hai tôn giáo Công Giáo và Phật Giáo, lan tràn khắp nơi.
Ở khu này người ta nghe: Tối nay dân Công Giáo sẽ đến phá Chùa này, đánh Chùa kia.
Qua khu khác người ta lại nghe: Nhóm "Phật Giáo Tranh Đấu" đang chuẩn bị tối mai sẽ kéo đến phá Nhà Thờ nọ, đốt xóm Đạo kia.
Và thế là tín đồ hai bên đều vội vàng chuẩn bị khí giới, gậy gộc, dao búa sẵn sàng nghênh chiến, đối phó bảo vệ Nhà Thờ, canh giữ Chùa chiền.
14. - Tôi được cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ứng, Chánh Sở I An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng sau ngày 1. 11. 1963 kể lại: Tháng 6. 1964, Trung Úy Quận Trưởng Quận Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam, khám phá được một tổ chức Việt Cộng, bắt được một số cán bộ. Trong số cán bộ này có hai tên là Khuôn Hội Trưởng Hội Phật Giáo tại địa phương, với đầy đủ tài liệu và vũ khí.
Nhận được báo cáo, Đại Tá Ngô Dzu, (sau này là Trung Tướng), Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh và Khu 12 Chiến Thuật, đến khen thưởng gắn huy chương cho các Quân Nhân đã lập được công trạng.
Một sự ngẫu nhiên không may đối với tình hình lúc ấy là, cả Đại Tá Ngô Dzu và Trung Úy Quận Trưởng đều là tín đồ Công Giáo. Dựa vào yếu tố này, phe mang danh "Phật Giáo Tranh Đấu" tại Đà Nẵng do Phạm Xuân Huy và Hoàng Văn Giàu điều khiển la ầm lên:
Bọn Cần Lao Công Giáo tàn dư chế độ cũ "trả thù Phật Giáo". Mặc dầu cả hai đều do chính quyền "cách mạng" của các Tướng đảo chánh bổ nhiệm. (Huy sau này là Dân Biểu Quốc Hội. Giàu bị động viên, được biệt phái về Cục An Ninh Quân Đội)
Và trong một cuộc biểu tình rầm rộ sau đó, họ đã cho một nhóm vào tận Quận Duy Xuyên bắt Trung Úy Quận Trưởng, đem về giam tại Hội Trường Thành Phố Đà Nẵng.
Điều may mắn là mặc dầu bị nhiều sách động, nhưng đại đa số cá nhân cũng như đơn vị Quân Đội vẫn còn duy trì được tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và bảo vệ danh dự chung. Nhờ vậy, Trung Tá Đỗ Ngọc Nhận, có cấp bậc sau cùng là Đại Tá, hiện cư ngụ tại Tiểu Bang Texas, Hoa Kỳ, Tư Lệnh Phó của Đại Tá Ngô Dzu, khi đấy đang chỉ huy hai Trung Đoàn hành quân tại Tỉnh Quảng Tín. Khi được tin về sự lộng hành của nhóm "tranh đấu" đối với một sĩ quan, Trung Tá Nhận liền gửi một Công Điện cho Tướng Tôn Thất Xứng, Tư Lệnh Quân Đoàn I nội dung đại ý:
"Vì màu cờ sắc áo, vì danh dự Quân Đội, thỉnh cầu Thiếu Tướng Tư Lệnh giải quyết gấp vụ nhóm "tranh đấu" bắt giữ Trung Úy Quận Trưởng Duy Xuyên. Nếu sau 48 tiếng đồng hồ vụ này không được giải quyết, chúng tôi, hai Trung Đoàn hiện đang hành quân sẽ rút về Đà Nẵng tự giải quyết".
Nhận được Công Điện, Tướng Xứng đã cho mời một số nhân sĩ tại Đà Nẵng và đại diện nhóm "tranh đấu" đến dàn xếp. Tướng Xứng cũng cho họ biết thái độ cứng rắn và đoàn kết của hai Trung Đoàn dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nhận.
Kết quả là Trung Úy Quận Trưởng Duy Xuyên được trả tự do và trở về nhiệm sở trước thời hạn 48 tiếng đồng hồ.
15. - Tiếp đến là vụ đánh phá và thiêu rụi hai làng của dân Công Giáo di cư từ Tỉnh Quảng Bình vào định cư tại Đà Nẵng, hai Làng Thanh Bồ và Đức Lợi, xảy ra vào tháng 8 năm 1964. Vụ tàn phá hai làng trên đây đã gây chấn động trong toàn quốc. Những người thường lưu tâm đến thời cuộc lúc ấy, đã thực sự lo ngại và nghĩ rằng, nhân dân miền Nam khó lòng tránh khỏi bị sập vào cái bẫy "chiến tranh tôn giáo" Và nếu tình trạng ấy xảy ra thì chỉ một sớm một chiều, miền Nam sẽ lọt vào tay cộng sản Bắc Việt.
Để được biết rõ sự thật về vụ này, tôi đã tìm gặp cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ứng, người đã được, nói đúng hơn, đã bị Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng (hiện cư ngụ tại Canada) Tư Lệnh Quân Đoàn I khi ấy, bắt bằng mọi cách phải vào Thanh Bồ, Đức Lợi, lấy ra cho được 5 học sinh bị dân làng bắt giữ. Để giải quyết vụ tranh chấp giữa nhóm "tranh đấu" và dân hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi, cách ôn hòa.
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ứng là sĩ quan Ngành An Ninh Quân Đội, từng làm việc dưới quyền Tướng Đỗ Mậu được ông rất tin dùng và quý mến. (Cựu Trung Tá Ứng mất năm 2000 tại Orange County, Carlifornia)
Khi xảy ra vụ Thanh Bồ, Đức Lợi, cựu Trung Tá Ứng đang giữ chức vụ Chánh Sở I An Ninh Quân Đội tại Đà Nẵng, cấp bậc Thiếu Tá. Tôi đã được ông cho ghi âm lời tường thuật chi tiết về vụ này như dưới đây:
"Hôm ấy là ngày thi của các học sinh Trung Học. Đoàn biểu tình của nhóm "tranh đấu" phát xuất từ Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, kéo qua Trường Trung Học Phan Chu Trinh bắt các học sinh đang thi tham gia. Họ kéo đi trên đường bờ sông Đà Nẵng. Khi đi ngang qua một Câu Lạc Bộ của Quân Đội Mỹ đối diện với hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi, một số người trong đoàn biểu tình đã ném đá vào Câu Lạc Bộ. Thấy vậy, một lính Mỹ đứng trên lan can bắn mấy phát súng chỉ thiên. Đoàn biểu tình chạy nhào qua phía hai làng đối diện. Một số đông đã vào sâu trong làng.
Dân hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi sống bằng nghề chài lưới. Vì thế, ban ngày đàn ông, trai tráng đều đi đánh cá ngoài biển hoặc trên sông. Ở nhà chỉ còn hầu hết là đàn bà và trẻ con. Nghe súng nổ, lại thấy đoàn biểu tình ồ ạt kéo vào làng, họ kéo nhau chạy xuống hầm trú ẩn mà nhà nào cũng có sẵn để tránh pháo kích của Việt Cộng. Đồng thời họ nổi hiệu báo động gọi những người đang đánh cá trở về.
Khi đoàn biểu tình ào vào làng đã làm sập hầm của một gia đình, gây thương tích cho mấy em bé nấp ở bên dưới.
Trong số dân có mặt ở trong làng lúc đó có Chuẩn Úy Phú, nhân viên Sở I An Ninh Quân Đội. Vì cảnh hỗn loạn thường xảy ra ở Thành Phố Đà Nẵng trong thời gian ấy, Chuẩn Úy Phú đã đem về nhà mấy trái lựu đạn và một khẩu súng lục P. 38 cốt để phòng thân. (ông Phú hiện ở Thành Phố Graden Grove) Nghe tiếng la hét có người bị thương, lại thấy đoàn biểu tình kéo vào làng càng lúc càng đông, Chuẩn Úy Phú bắn mấy phát súng chỉ thiên để chận lại. Vừa lúc ấy, đám đàn ông con trai tráng từ ngoài sông, biển trở về, thấy cảnh hỗn loạn, lại có người bị thương, họ liền phản ứng. Đoàn biểu tình rút ra, nhưng có 5 em học sinh bị dân làng bắt giam làm con tin.
Trở về điểm xuất phát, đoàn biểu tình mới biết thiếu mất 5 em học sinh. Họ liền huy động đám đông trở lại vây Tòa Thị Chính và hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi. Đồng thời Phan Xuân Huy và Hoàng Văn Giàu, hai người chỉ huy đoàn biểu tình, đến gặp Tướng Tôn Thất Xứng Tư Lệnh Quân Đoàn, yêu cầu giải quyết trả 5 học sinh về cho họ.
Gần 12 giờ trưa, Tướng Xứng gọi tôi (Trung Tá Ứng) đến văn phòng ra lệnh bắt tôi bằng mọi cách phải vào Thanh Bồ, Đức Lợi can thiệp lãnh 5 em học sinh về trả cho đoàn biểu tình. Tôi thấy trong văn phòng Tướng Xứng lúc ấy có hai Đại Tá, Nguyễn Văn Thiện, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn và Hải Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ, Thị Trưởng, là những người trực tiếp có trách nhiệm về vấn đề an ninh tại địa phương. Tôi xin được miễn thi hành lệnh này đồng thời yêu cầu Tướng Xứng giao nhiệm vụ ấy cho các vị có trách nhiệm. Nhưng Tướng Xứng nói với tôi: "Toa là người duy nhất có thể giải quyết được vụ này. Nếu toa từ chối thì 4 giờ chiều hôm nay chúng nó sẽ thánh chiến".
Lúc này tôi chưa hiểu câu nói của Tướng Xứng. Không từ chối được, tôi đã yêu cầu ông: Nếu Thiếu Tướng bắt buộc tôi phải làm việc này thì, xin cho hai Đại Tá Thiện và Mỹ cùng đi với tôi, để mọi quyết định của tôi tức là quyết định của Thiếu Tướng. Tránh những sự xuyên tạc, gây hiểu lầm có thể đưa đến hậu quả tai hại sau này.
Lời yêu cầu của tôi được Tướng Xứng chấp thuận. Nhưng trước khí thế quyết ăn thua của hai phía, đoàn biểu tình và dân hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi, tôi cần phải được một chức sắc của Phật Giáo và một vị của Công Giáo cùng đi, mới có thể đi qua được đoàn biểu tình và vào được hai làng này. Tôi đến mời Đại Đức Thích Minh Chiếu Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo Quân Đoàn và Linh Mục Lê Văn Ấn, Cha Sở Nhà Thờ Chánh Tòa Đà Nẵng, sau này là Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, và được hai vị vui vẻ nhận lời cùng đi với chúng tôi.
Trên đường đi đến Thanh Bồ, Đức Lợi, tôi lái xe, Cha Ấn ngồi ở giữa, nhường ghế phía ngoài cho Đại Đức Tuyên Úy Phật Giáo, hai Đại Tá ngồi phía sau. Khi xe đi qua được nửa đoàn biểu tình, thình lình có mấy người nhào tới nói với Đại Đức Tuyên Úy: "Thầy không được vào trong đó. Thầy vào chúng nó sẽ giết Thầy" và họ bồng ông chạy đi mất. Mọi người trong xe còn chưa hết ngỡ ngàng và Cha Ấn vừa ngồi xích ra ghế mới bỏ trống thì từ trong đoàn biểu tình đánh vào trong xe một tảng đá mỗi bề chừng 30 cm, trúng ngay hộp số xe (xe jeep) chỗ Cha Ấn để chân lúc còn ngồi ở giữa. Thấy tình hình quá gay cấn và nguy hiểm, hai vị Đại Tá và Cha Ấn yêu cầu tôi trở lui.
Khoảng 5 giờ chiều, có lẽ vì mệt mỏi, nhóm biểu tình vây hai làng chỉ còn lại lưa thưa ít người. Tôi liền đi mời các vị đã cùng đi buổi trưa tiếp tục trở lại Thanh Bồ, Đức Lợi, nhằm giải quyết cho xong vấn đề. Nhưng tất cả đều vắng mặt, ngoại trừ Cha Ấn.
Khi tôi và Cha Ấn đến gần Thanh Bồ, Đức Lợi thì thấy Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh đem Tiểu Đoàn Nhảy Dù của Thiếu Tá Nguyễn Thế Quang từ Huế vào, đang dàn quân bao vây hai làng. Ông cho bắc máy phóng thanh ra lệnh cho dân trong làng phải mở cổng làng, và bỏ hết súng ống đạn dược xuống, nếu không đơn vị Dù sẽ vào bắt hết. Tôi vội báo cáo về cho Tướng Xứng biết tình hình lạ lùng và bất thường này. Ông chỉ thị cho tôi mời Đại Tá Thi về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn gặp ông. Khi tôi tới gặp Đại Tá Thi chuyển lệnh của Tướng Xứng, ông liền văng tục trước mặt tôi và không đếm xỉa gì đến lệnh của Tư Lệnh Quân Đoàn.
Lúc đó lính Dù chỉ bao vây bên ngoài hai làng, không có hành động gì. Tôi và Cha Ấn tiếp tục đi vào trong làng. Sau khi dân làng nghe chúng tôi giải thích điều hơn lẽ thiệt, họ đã vui vẻ trao 5 em học sinh cho chúng tôi. Họ còn nấu cháo gà đãi các em trước khi trao cho chúng tôi đem các em về.
Ra khỏi Thanh Bồ, Đức Lợi, tôi lái xe đưa các em tới thẳng Tòa Thị Chính, đang bị khoảng vài chục ngàn người biểu tình vây quanh, đợi tin tức chuyến đi của chúng tôi. Đưa các em ra lan can trên lầu Tòa Thị Chính đã bố trí máy phóng thanh, tôi thông báo cho đám biểu tình: "Thay mặt cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, tôi đã vào Thanh Bồ, Đức Lợi đem 5 em học sinh về đây. Để đồng bào được biết dân chúng hai làng đã đối xử với các em thế nào trong thời gian họ giữ các em, yêu cầu các em cử một người ra kể lại cho đồng bào rõ".
Một trong 5 em đã đứng ra kể lại: Suốt thời gian bị dân làng giữ, các em được đối đãi rất tử tế, ăn uống đầy đủ, trước khi về dân làng còn đãi cháo gà v. v. . . Nghe em nói, đoàn biểu tình tỏ ra hài lòng, họ hô lớn: Hoan hô Thiếu Tá. Nhưng tiếng hoan hô vừa dứt thì có tiếng la lên: Đả đảo học sinh giả! Vừa lúc ấy trời đổ mưa lớn, đám biểu tình tự động giải tán.
Tôi cũng như các giới chức có mặt tại Tòa Thị Chính lúc ấy cảm thấy như vừa trút bỏ được một vật gì quá nặng, đè trên ngực chúng tôi suốt ngày hôm ấy cho đến giờ này. Mọi người ra về với cảm giác nhẹ nhõm và tất cả đều nghĩ rằng ngày hôm sau sẽ được rảnh rang hơn. . . .
Đêm hôm ấy, Tiểu Đoàn Dù của Thiếu Tá Vũ Thế Quang theo lệnh của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, án binh bất động bên ngoài hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi. Sáng hôm sau, được sự hỗ trợ của Đại Tá Thi, nhóm "tranh đấu" huy động được mười ngàn người, kéo đến đi theo Đại Tá Thi vào trong làng. Đại Tá Thi đi trước, họ theo sau, phá tan hoang nhà cửa rồi nổi lửa đốt cháy rụi hết. Điều may mắn là trong đêm hôm đó, thấy lính Dù vây làng như linh cảm trước sẽ xảy ra điều chẳng lành. Lợi dụng đêm tối họ đã lặng lẽ di tản sang khu Sơn Trà phía bên kia sông. Nhờ vậy mà không có thiệt hại nhân mạng.
16. - Cựu Trung Tá Ứng kể tiếp: "Sau vụ hai Làng Thanh Bồ, Đức Lợi bị tàn phá, người dân Công Giáo tại Đà Nẵng lo sợ không biết ngày giờ nào tai họa tương tự sẽ xảy ra với họ. Vì vậy họ cũng vội thành lập một "Ủy Ban Tranh Đấu Công Giáo" gồm bảy người, nhằm phối hợp hành động của các Họ Đạo trong khu vực, để có thể đối phó với tình hình đầy bất trắc lúc bấy giờ. Khi hay tin khối Công Giáo đã thành lập Ủy Ban Tranh Đấu, nhóm "tranh đấu mang danh Phật Giáo" sau khi tìm biết được tên tuổi của bảy người trong Ủy Ban, họ liền huy động một đoàn biểu tình đi lùng bắt bảy người này.
Vì mới được thành lập, chưa kịp phối hợp tổ chức gì ở các Họ Đạo, bảy người trong Ủy Ban Tranh Đấu Công Giáo đã phải vào xin ẩn tránh trong Tòa Giám Mục Đà Nẵng. Nhóm "tranh đấu mang danh Phật Giáo" biết đích xác được tên một trong bảy người đang ẩn tránh trong Tòa Giám Mục là anh Hoàng, chủ một tiệm may. Họ kéo tới bao vây đòi Tòa Giám Mục phải trao anh Hoàng cho họ, nếu không họ sẽ phá Tòa Giám Mục.
Thấy tình hình quá gay cấn trước thái độ hung hãm của nhóm "tranh đầu" và để tránh một cuộc đụng độ giữa khối Công Giáo và nhóm tranh đấu, Tòa Giám Mục cho Linh Mục Thư Ký ra dàn xếp. Được bảo đảm sẽ không làm gì nguy hại cho anh Hoàng, Linh Mục Thư Ký trở vào dẫn anh Hoàng ra trao cho họ. Nhưng vừa nắm được tay anh Hoàng, tức thì nhóm "tranh đấu" xúm lại dùng gạch đá, đánh anh chết ngay bên ngoài cổng Tòa Giám Mục".
17. - Dưới thời Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền Thủ Tướng, khối Ấn Quang, qua mấy Bộ Trưởng trong khối của họ, đã đưa ra trước Hội Đồng Bộ Trưởng một dự thảo Sắc Lệnh đặt " Đảng Cần Lao" ngoài vòng pháp luật, yêu cầu thông qua để trình Thủ Tướng ký ban hành.
Mấy vị Bộ Trưởng không bị ảnh hưởng của Ấn Quang, thấy được sự nguy hiểm và những hậu quả không thể lường trước được sẽ xảy ra, nếu dự thảo được Tướng Khánh chấp thuận. Các vị này vội tin cho ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Bộ Trưởng Lao Động thời Đệ I Cộng Hòa biết. Ông Nghĩa đến trình bày sự việc với Bác Sĩ Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên. Bác Sĩ Viên cũng có cùng quan điểm với các vị Bộ Trưởng trên đây, nên ông đã thuyết phục Tướng Khánh không ký ban hành Sắc Lệnh này.
18. - Thời gian nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I. Tướng Nguyễn Chánh Thi đã làm văn thư xin Bộ Tổng Tham Mưu cho thành lập một "Đoàn Quân Phật Giáo".
Các sĩ quan có trách nhiệm nghiên cứu đề nghị của Tướng Thi, nhận thấy sự phi lý, phi nguyên tắc của việc thành lập một "quân đội" trong một "quân đội" nên họ đã đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu bác bỏ ý kiến của Tướng Thi.
Một sĩ quan trong Ban Nghiên Cứu này, là cựu Đại Tá Hồ Ngọc Tâm, khi ấy là Đại Úy Trưởng Ban Tư Pháp Phòng I Bộ Tổng Tham Mưu.
19. - Khi phong trào tranh đấu "mang danh Phật Giáo" tại miền Trung bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định dẹp. Có lẽ cảm thấy yếu thế, các vị lãnh đạo phong trào lại đến với khối Công Giáo để tìm hậu thuẫn. Tại Sài Gòn, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đến gặp Linh Mục Hoàng Quỳnh và Linh Mục Nguyễn Đức Nhuận. Tại Huế Thượng Tọa Trí Quang tìm gặp Linh Mục Tổng Giáo Phận Nguyễn Văn Thuận, tức Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đề nghị khối Công Giáo hợp tác chống Thiệu-Kỳ.
Ông Võ Như Nguyện khi ấy ở Huế và Linh Mục Trần Đức Huynh ở Sài Gòn đều biết rõ về những cuộc gặp gỡ và đề nghị này.
20. - Nữ phóng viên Marguerite Higgins, trong tác phẩm "Our Vietnam Nightmare", Trang 271, kể lại chuyến đến thăm Việt Nam lần thứ hai của bà, kể từ khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tháng 11. 1964, Bà thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ tư thế của Thượng Tọa Trí Quang đang bị sói mòn. Nhưng bà lấy làm có ý nghĩa nhất, là việc Chùa Xá Lợi ly khai khỏi phong trào tranh đấu của nhóm Thượng Tọa Trí Quang. Các vị lãnh đạo Phật Giáo tại Chùa này cho bà biết, họ cực lực phản đối sự bạo động và âm mưu của nhóm quá khích và Ban Trị Sự Hội Phật Giáo đã quyết định trục xuất hai Thượng Tọa Trí Quang và Tâm Châu ra khỏi Chùa. Bà kể lại lời một vị cao tăng tại Chùa Xá Lợi nói với bà về sự lộng hành của Thượng Tọa Trí Quang như sau:
Chúng tôi cảm thấy ông ta (Thượng Tọa Trí Quang) đã phản bội Phật Giáo. Nếu người Mỹ biết chút ít về Phật Giáo, thì họ đã không bị lừa gạt mà nghĩ rằng, con người ấy không dùng tôn giáo của chúng tôi để làm một việc gì đó. Số người trẻ ca tụng Thích Trí Quang là anh hùng, là những người ngây thơ một cách tội nghiệp, họ không biết họ đang làm gì. Họ đang bị lợi dụng.
- Cái gì, tôi (Higgins) hỏi, có phải chắc chắn ngài muốn nói "phản bội Phật Giáo"?
- Có nhiều lý do để nói như vậy, vị cao tăng đáp lại. Đức Phật dạy chống lại hận thù. Đức Phật nói: "Hận thù phải giải hóa được hận thù. Hận thù phải giải hóa bằng yêu thương". Đó là giới luật vĩnh cửu. Cho dù những người khác không hiểu sự điên rồ của tranh đấu đi nữa, chúng tôi cũng phải tránh điều đó. Nhưng Thích Trí Quang đang làm công việc khơi động hận thù lên, vào lúc chúng tôi cần hàn gắn mọi vết thương thay vì tạo ra những vết thương mới. Thích Trí Quang đã khơi động hận thù bằng chiến dịch chống người Công Giáo và người chế độ Diệm. Nhưng người Phật Tử luôn hòa hảo với các tôn giáo khác. Chính Đức Thích Ca luôn coi mọi người khác niềm tin là anh em. Đức Thích Ca không đòi hỏi phải chấp nhận cách mù quáng giáo huấn của ngài và cũng không bao giờ lên án giáo huấn của người khác. Đức Thích Ca nói: "Hỡi tăng sĩ, ngay chính những lời của ta, các ngươi cũng đừng chấp nhận chỉ vì kính trọng ta. Các người phải khảo sát nó bằng những lý luận thật cứng rắn của các ngươi, như người thợ kim hoàn thử vàng bằng cách nung nó trong lửa". Chiến dịch hận thù của Thích Trí Quang chống lại giới luật của Đức Thích Ca. Về những người thuộc chế độ Diệm, bằng cách này hay cách khác, mọi người trí thức Việt Nam đều đã phục vụ Tổng Thống Diệm. Chính Thích Trí Quang cũng từng nhận những ân huệ từ Ngô Đình Cẩn, (em Tổng Thống Diệm) người đã cung cấp tiền bạc cho Chùa Từ Đàm. Đúng là ngụy thiện, khi gọi người khác là người của ông Diệm mà lại miễn trừ ông ta.
Đức Thích Ca cũng dạy rằng:"Sự thật là đức tính cao quý nhất". Nhưng Thích Trí Quang truyền bá sự phỉ báng, cũng rộng rãi như truyền bá sự hận thù. Nếu ông ta là một đạo hữu dốt nát, điều đó lại khác. Thích Trí Quang có trí thông minh. Ông ta biết mình hành động ngược với giới luật của Đức Thích Ca. Vì vậy chúng tôi rất nghi ngờ.
- Tại sao không đưa ra ánh sáng tất cả những điều này? Tôi (M. Higgins) hỏi, ngài có muốn tôi nêu rõ hoặc dùng tên ngài không? Có phải mọi người thuộc Chùa Xá Lợi mong muốn cho công chúng Hoa Kỳ biết sự thật không?
- Có nhiều lý do để sợ Thích Trí Quang, vị tăng sĩ trả lời. Ông ta đã sai những Phật Tử trẻ của ông ta đi đây đó, đánh đập nhiều người của chúng tôi chống đối ông. Và vì thế bề trên của chúng tôi đã cấm chúng tôi liều lĩnh gánh chịu sự giận dữ của ông ta. Nhưng một ngày nào đó mọi người sẽ nhận ra sự thật. Ông ta đã làm cho nhiều Phật Tử xa lánh rồi.
21. - Trong Bạch Thư được Hòa Thượng Thích Tâm Châu ký tại Chùa Phật Quang, Úc Châu, phổ biến ngày 31 tháng 12 năm 1993 dưới số 729-VP-TT, nói "VỀ VẤN ĐỀ CHIA RẼ CỦA ẤN QUANG VỚI VIỆT NAM QUỐC TỰ". Sau khi nói về công lao Hòa Thượng đã lãnh đạo khối Phật Giáo tranh đấu chống lại chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong mục 6, dưới tiêu đề "ĐẠI NẠN CỦA PHẬT GIÁO VÀ ĐẤT NƯỚC", Hòa Thượng kể lại tình trạng Phật Giáo, sau một tháng Hòa Thượng tham dự Hội nghị thành lập Giáo Hội Tăng Già Thế Giới tại Tích Lan trở về như sau:
Khoảng tháng 7. 1966, tôi đã về tới Sài Gòn, được tin đang có biểu tình trong Thành Phố Sài Gòn và một số nơi khác tại miền Trung. Tôi không hiểu, khi tôi đi vắng, ở nhà có Thượng Tọa Trí Quang, Thượng Tọa Thiện Minh, do đâu lại phát động lại phong trào tranh đấu?
Tôi về tới Việt Nam Quốc Tự, bước chân vào cửa văn phòng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của tôi thì, có một biểu ngữ nền vàng chữ đổ ghi: "MUỐN QUẦN CHÚNG TUÂN THEO KỶ LUẬT THÌ PHẢI THEO QUẦN CHÚNG". Tôi vào tới bàn giấy của tôi thì có một đĩa máu, một con dao và một huyết thư: "YÊU CẦU THƯỢNG TỌA TRONG VIỆN HÓA ĐẠO KHÔNG ĐƯỢC THEO THƯỢNG TỌA TÂM CHÂU".
Tôi định lên chánh điện Việt Nam Quốc Tự lễ Phật, tại đây có mấy vị Tăng thanh niên không cho tôi vào chánh điện Việt Nam Quốc Tự và hăm dọa, ai muốn vào Chùa hãy bước qua xác chết của họ.
Tôi vô cùng chán nản không biết cách nào vãn hồi trật tự được. Tôi trở về Chùa Từ Quang. Về Chùa Từ Quang cũng có một đĩa máu, một con dao và một huyết thư "CẤM TÔI KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG NỮA". Và, người trong Chùa cho biết là họ hăm dọa sẽ đốt xe, ám sát. Và chính các tăng thanh niên đang tụ tập tại Niệm Phật Đường Quảng Đức (Chợ Vườn Chuối) định sang Chùa Từ Quang giết tôi. May có Sư Cô Vân biết được, cấp báo cho tôi biết. Tôi trốn thoát.
Từ đó, tôi phải đi nghỉ, nay tại nhà này, mai tại nhà khác, nay tại Viện Nhu Đạo Quang Trung, mai tại Nha Tuyên Úy Phật Giáo.
Từ đó, Việt Nam Quốc Tự bị Tăng Ni và quần chúng theo cộng sản nắm giữ, thao túng, liên tục ngày này qua ngày khác, ra Đường Trần Quốc Toản, ngã 6 Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình, đả đảo và đốt hình nộm Tổng Thống Mỹ, Tướng Thiệu, Tướng Kỳ.
Phần cuối mục này Hòa Thượng Tâm Châu viết:
"Sự việc rõ ràng như thanh thiên bạch nhật, mà nhóm tranh đấu của Ấn Quang, được sự hỗ trợ ngầm của cộng sản nằm vùng, lải nhải vu không cho Việt Nam Quốc Tự chia rẽ Giáo Hội, Thích Tâm Châu phá hoại và lũng đoạn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thực như câu phương ngôn của Việt Nam thường nói: "Vừa đánh trống vừa ăn cướp, vừa ăn cướp vừa la làng" Cậy đông, lấy thịt đè người, mặc sức vu khống, thao túng không coi nhân quả là chi cả.
Cho đến nỗi những vị Tăng không biết chút gì về việc tranh đấu, việc xây dựng Giáo Hội, cũng như các vị Tăng, Ni, Phật Tử ở xa, hay sau này, cũng a dua, hùa theo sự tuyên truyền nhồi sọ của nhóm tranh đấu Ấn Quang và cộng sản nằm vùng trong suốt hơn 30 năm nay. Thực tội nghiệp".
Nói thẳng thắn, cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam, không có một tôn giáo, một đoàn thể nào, không bị cộng sản nằm vùng gây chia rẽ phá hoại. Thiên Chúa Giáo có những cán bộ gộc nằm vùng như Vũ ngọc Nhạ, Huỳnh văn Trọng v. v. . . Phật Giáo cũng vậy, cộng sản nằm vùng từ thượng tầng, tới hạ tầng, càng dễ dàng hơn.
Và sau khi nhắc lại lời Hòa Thượng Thích Huyền Quang thường nói đi nói lại:
"Cộng sản từng tuyên bố: Phật Giáo Ấn Quang hai lần có công với cách mạng"
Hòa Thượng Tâm Châu viết tiếp:
". . . Ngày 30.4.1975 là ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng bộ mặt thân cộng sản đã lộ rõ nguyên hình, không ai mà không rõ.
- Khi quân cộng sản từ rừng về Sài Gòn, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn quang ra đón chào.
- Ngày 19. 5. 1975 phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức mừng sinh nhật Hồ chí Minh tại Chùa Ấn Quang.
Một đoạn trong phần kết của Bạch Thư, Hòa Thượng Tâm Châu viết:
"Gần một thế kỷ nay, nhân loại bị đau khổ đến cùng cực bởi nạn "tập quyền" của cộng sản. Ba mươi năm nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chủ trương "tập quyền", chưa thấy đem lại tia hy vọng hòa hợp và an lạc cho đại chúng. Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ triền miên trong sự chia rẽ, đã có hai, ba tổ chức thống nhất. Phật Giáo tại Úc, "tập quyền"thống nhất trong tay một nhân vật tham độc, thiếu tài đức, gây bè phái, kỳ thị Trung, Bắc, hãm hại huynh đệ, đồng đạo, mặc cho gần trăm ngàn Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Úc không nơi nương tựa, mặc cho danh dự Phật Giáo Việt Nam bị tổn thương nặng nề.
Ôi! Phật Giáo Việt Nam. Ôi! Phật Giáo Việt Nam.
Ai gây chi lắm điều đau khổ
Vũ trụ nài van đến nghẹn lời.
22. - Một người thân của gia đình Bác sĩ Thân Trọng Phước (xin được dấu tên) cho biết: Đầu tháng 5. 1963 một toán 5 người Mỹ từ Sài Gòn ra trú tại Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng. Mấy ngày sau, một trong số 5 người này cùng với người thông dịch viên tên Thân Trọng Huế, con Bác Sĩ Thân Trọng Phước, người Huế, ra Chùa Từ Đàm gặp Thượng Tọa Thích Trí Quang. Một tuần sau xảy ra biến cố "cờ Phật Giáo" và vụ nổ tại Đài Phát Thanh Huế. Sau đó 5 người Mỹ cùng với thông dịch viên Thân Trọng Huế trở về Sài Gòn.
Về vụ nổ này, trong hồi ký "Công và Tội", tác giả Nguyễn Trân quả quyết khi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ giữa năm 1975, ông đã được đọc bài báo do James Scott viết, đang trên một Tập san. Qua bài báo này James Scott thú nhận chính anh là người đã ném chất nổ tại Đài Phát Thanh Huế tối ngày 8. 5. 1963. Lúc ấy vì tinh thần còn đang quá giao động, ông chưa nghĩ gì đến việc viết lách. Khi viết hồi ký "Công và Tội", ông đã đi tìm Tập san này trong nhiều Thư Viện nhưng không thấy. Ông viết thơ hỏi Bộ Quốc Phòng xin được liên lạc với Đại Úy James Scott thì được trả lời: Có hai James Scott và cả hai đều không còn hiện dịch, không có sổ hưu bổng nên không có địa chỉ.
Phải chăng Đại Úy James Scott không phải là một sĩ quan thuần túy của Quân Đội Mỹ?
Và trong Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống xuất bản từ cuối thập niên 60, Cao Thế Dung và Lương Vị Hoàng cũng đã phát giác thủ phạm vụ ném chất nổ tại Đài Phát Thanh Huế, là một Đại Úy người Mỹ tên là James Scott.
Nhưng người ta biết rằng, lúc ấy Quân Đội Mỹ ở Việt Nam qua vị Tư Lệnh của họ, Tướng Paul D. Harkins, luôn mạnh mẽ chống lại âm mưu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm của chính quyền Kennedy, cách riêng của Đại Sứ Herry Cabot Lodge. Vậy thì làm sao một sĩ quan của ông lại có thể làm nhiệm vụ "bắn phát súng lệnh" để khai mào việc thực hiện âm mưu này?
Đi tìm dấu vết Đại Úy James Scott, may mắn tôi được cựu Trung Tá Lê Thiện Phước, kể lại câu chuyện sau đây:
"Trước cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, tôi (Lê Thiện Phước) là Phó Tỉnh Trưởng Nội An Biên Hòa. Sau đảo chánh được tuyên chuyển về Sư Đoàn I Bộ Binh làm Sĩ Quan Thanh Tra. Trong nghiệm vụ này tôi đã quen biết tất cả các sĩ quan trong Sư Đoàn từ cấp Tiểu Đoàn Trưởng trở lên, trong đó Đại Úy Hồng Dũ Long Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1/3. Đầu năm 1965, một buổi chiều, Đại Úy Long đến thăm tôi tại Phòng Thanh Tra Sư Đoàn. Sau giờ làm việc chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm Âm Phủ. Khi qua Cầu Tràng Tiền ngang Đài Phát Thanh, Đại Úy Long buộc miệng nói:
- Mỗi lần qua chỗ này tôi lại nhớ đến và thương cho ông thầy cũ của tôi (Đại Úy Long trước kia là thuộc cấp của Thiếu Tá Đặng Sĩ). Tội nghiệp ông, phải mang cái án chung thân một cách oan uổng và âm mưu thâm độc của kẻ khác.
Và anh hỏi tôi:
- Anh có biết ai là thủ phạm vụ ném chất nổ tại đêm 8. 5. 1963 không?
- Khi nớ tôi đang ở Biên Hòa. Nay nghe mỗi người nói một ngã, mần răng mà biết được.
- Anh Đại Úy Cố Vấn của tôi đấy.
- Răng? Anh nói răng? Đại Úy Cố Vấn của anh là thủ phạm?
- Thì chính đương sự đã nói một cách úp mở cho tôi hiểu, anh ta là người đã ném chất nổ đêm 8. 5. 1963.
- Răng! Anh ta nói với anh ra răng?
- Cách nay chừng hai tháng, tôi mời Đại Úy Scott đi ăn cơm bên Câu Lạc Bộ Thể Thao. (trên bờ Hữu ngạn Sông hương)
Khi đi ngang đây tự nhiên tôi cũng nhớ tới ông Sỹ và nói với Scott như vừa nói với anh. Scott xoay qua hỏi tôi:
- Anh có biết ông Sỹ nhiều không?
- Trước kia tôi làm việc dưới quyền ông mà.
- Tôi rất ân hận về trường hợp của ông Sỹ. Khi ấy tôi chưa vào Quân Đội. Tôi làm việc trong Tòa Tổng Lãnh Sự ở Đà Nẵng. Nhưng đêm 8. 5. 1963 tôi có mặt ở đây.
- Vậy anh có biết ai là thủ phạm vụ ném chất nổ đêm bữa ấy không?
Anh ta cười, không trả lời đúng câu hỏi của tôi, mà nói tiếp:
- Ai mà cho rằng Việt Cộng gây nên vụ nổ này thì thật là ngây thơ. Loại thuốc nổ ấy chỉ có CIA Mỹ mới có".
Qua câu chuyện trên, quý độc giả đã thấy rõ sự liên hệ giữa James Scott, nhân viên Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng với 5 người Mỹ từ Sài Gòn ra ở lại đây. Và một người trong 5 người ấy đã ra gặp Thượng Tọa Trí Quang trước khi xảy ra biến cố đẫm máu trẻ thơ vô tội tại Đài Phát Thanh Huế đêm 8. 5. 1963. Và tại sao sau này James Scott tuy mang cấp bậc Đại Úy, nhưng không phải là sĩ quan hiện dịch, không có tên trong sổ hưu bổng của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Và từ đó cũng thấy rõ ai là thủ phạm vụ gây ra cảnh chết chóc tang thương đêm 8. 5. 1963.
Khi Thượng Tọa Trí Quang vào Sài Gòn tuyệt thực chống hai Tướng Thiệu, Kỳ. Một người trong nhóm 5 người Mỹ này lại cùng với thông dịch viên Thân Trọng Huế đến gặp Thượng Tọa Trí Quang trao cho Thượng Tọa 4 triệu đồng. Mấy hôm sau Thượng Tọa Trí Quang ra lại Huế. Chừng 10 ngày sau đó, Huế và Đà Nẵng thành lập Mặt Trận Cứu Quốc, với lực lượng võ trang là Quân Đoàn Thủ Đô do Đại Tá Đàm Quang Yêu chỉ huy, tuyên bố ly khai chống lại chính phủ Trung Ương Sài Gòn.
Sau khi phong trào đấu tranh mang danh Phật Giáo của Thượng Tọa Trí Quang và đoàn quân của Đại Tá Yêu bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp, số người Mỹ này và cả thông dịch viên Thân Trọng Huế đã di chuyển qua Thái Lan. Trước khi qua Thái Lan, anh Huế đã giới thiệu ông Trần Văn Thưởng hiện ở Tiểu Bang New Mexico thay anh, nhưng chỉ phụ trách phần quân sự. Qua Thái Lan một thời gian, anh Thân Trọng Huế bị tai nạn, khi được đưa về đến Việt Nam thì đã hôn mê và mất tại Sài Gòn.
23. - Những ai chú tâm theo dõi cuộc đối đầu giữa chính phủ Nguyễn Cao Kỳ và nhóm "Tranh Đấu" miền Trung hẳn đều biết, lần đầu Tướng Kỳ đưa quân ra dẹp nhóm "Tranh Đấu", đã không được người Mỹ tán đồng, không thỏa mãn những nhu cầu cần được yểm trợ. Lại gặp thêm khó khăn vì một đơn vị Quân Đội, Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân ly khai tham gia phong trào tranh đấu. Rút cuộc, mới đưa được vài đơn vị ra đến Đà Nẵng, Tướng Kỳ lại phải cho lệnh trở về.
Nhưng lần thứ hai, vào trung tuần tháng 5. 1966, sau khi Thượng Tọa Trí Quang phát động chiến dịch đưa bàn thờ Phật xuống đường thì tất cả đều quay ngược hẳn một trăm tám mươi độ, phi cơ, tàu thủy v. v. . . được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu. Việc chuyển quân, vũ khí, quân dụng. . . của Trung Ương được hoàn tất nhanh chóng.
Khi ấy, lực lượng "Tranh Đấu" tại miền Trung, (Huế, Đà Nẵng, Quảng Tín. . . ) gồm có Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân ly khai với Trung Ương, vào đóng quân trong Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, và các thanh niên "tranh đấu" được trang bị vũ khí lấy ra từ các kho địa phương. Lực lượng này đã thành lập một Quân Đoàn với danh xưng Quân Đoàn Trần Hưng Đạo, quyết chống lại Quân Đội từ Sài Gòn ra với khí thế lên cao ngút ngàn, tưởng chừng như không lực lượng nào có thể vượt qua nổi.
Nhưng điều làm ngạc nhiên mọi người là, khi quân của Trung Ương tới nơi thì gần như không phải giao chiến. Lực lượng "Tranh Đấu" tan rã nhanh đến độ không ai ngờ.
Người có công đầu trong việc tạo ra điều "không ai ngờ" này là cựu Trung Tá Nguyễn Thừa Dzu, hiện cư ngụ tại Thành Phố Wesminster, Orange County, California.
Cựu Trung Tá Dzu kể lại với tôi:
"Khi ấy, với cấp bậy Đại Úy, tôi là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân đồn trú tại Quận Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Tín. Khi Tướng Nguyễn Chánh Thi bị chính phủ Trung Ương giữ lại tại Sài Gòn sau một cuộc họp, nhóm tranh đấu liền hướng ngay mục tiêu xuống đường của họ vào sự kiện này, nhằm khích động dân chúng chống lại chính phủ Trung Ương. Là người khi ấy rất ngưỡng mộ Tướng Thi, tôi cho rằng mục đích của nhóm tranh đấu là chính đáng. Tôi đã đem cả đơn vị tham gia nhóm này một cách rất nhiệt tình, quyết liệt chống lại chính phủ Trung Ương. Lần đầu, Trung Ương không vận Chiến Đoàn M. 48 do Trung Tá Phan Hòa Hiệp chỉ huy và một Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra Đà Nẵng để dẹp nhóm tranh đấu. Để giúp "phong trào tranh đấu" chống lại Trung Ương, tôi điều động Tiểu Đoàn của tôi, một Chi Đoàn M. 113, một Pháo Đội 105, từ Tam Kỳ ra bao vây hai đơn vị này tại Phi Trường Đà Nẵng. Tướng Wall Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng tại Đà Nẵng mới tôi đến, lấy lý do kéo dài tình hình bất ổn sẽ có lợi cho đối phương, khuyên tôi đừng chống chính phủ Trung Ương, tôi không chịu. Trước quyết định chống trả của tôi, Chiến Đoàn M. 48 và Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến phải rút về. Trung Ương cho hai sĩ quan bạn tôi, Đại Úy Trần Thụy Ly và Trần Văn Duệ ra tiếp xúc thuyết phục tôi hợp tác, tôi cũng không chấp nhận.
Sau vụ này, Đại Tá Đàm Quang Yêu Tư Lệnh Biệt Khu Quảng Đà, người tích cực ủng hộ "nhóm tranh đấu" đưa đơn vị của tôi về Đà Nẵng. Thời gian này, với vũ khí lấy ra từ các kho của Quân Đội, tôi đã thành lập thêm một Tiểu Đoàn gồm các thanh niên của nhóm tranh đấu, và cùng với Đại Tá Yêu thành lập Quân Đoàn Trần Hưng Đạo. Đại Tá Yêu nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn này.
Nhằm gây thêm thanh thế với Trung Ương, uy tín với dân chúng, nhóm tranh đấu đã mời tôi đem Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn vào đóng trong Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, trụ sở đầu não của nhóm "Phật Giáo tranh đấu". Thời gian đóng ở trong Chùa, đi sát với các vị Sư, nhất là Thượng Tọa Thích Minh Chiếu, Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo Quân Đoàn I, thấy nhiều người đi ra đi vào, cạo trọc đầu, đều phải gọi là Đại Đức. . . mà không biết xuất thân từ đâu. Ban đêm, phía sau Chùa có nhiều người vào, đều ăn mặn. Một lần, đêm khuya cùng với sĩ quan Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn đi kiểm soát quanh Chùa, tình cờ tôi thấy dưới bàn thờ Phật chứa quá nhiều thuốc tây và truyền đơn. Tìm hiểu, tôi được biết số lượng thuốc lớn lao này là để tiếp tế vào bưng. Qua cung cách của những người lãnh đạo "nhóm tranh đấu", các hoạt động trong Chùa, cộng với tình hình an ninh chung suy sụp quá nhanh, tôi nhận thấy rõ ràng "nhóm tranh đấu", là do Việt Cộng điều khiển, tôi quyết định rút khỏi nhóm này. Quyết định của tôi bị một sĩ quan Đại Đội Trưởng, Trung Úy Tôn Thất Trực, người vẫn còn quyết liệt ủng hộ "nhóm tranh đấu", chống đối. Viện lý do nếu đóng toàn bộ Tiểu Đoàn trong khuôn viên chùa, khi quân của Trung Ương ra bao vây, sẽ không yểm trợ được cho nhau và không có đường thoát. Tôi cho Trung Úy Trực và Đại Đội của ông này ở lại trong Chùa, còn tôi, tôi đem toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu Đoàn ra đóng quân ở sân vận động Đà Nẵng.
Biết được tình hình này, Trung Ương lại phái hai Đại Úy Trần Thụy Ly và Trần Văn Duệ ra thuyết phục tôi hợp tác. Vì đã thấy rõ thực chất của "phong trào tanh đấu", lần này tôi nhận lời hợp tác với Trung Ương để giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài quá lâu, đã gây nhiều hậu quả tai hại cho tình hình an ninh Quốc Gia.
Chúng tôi cùng nhau thảo ngay một kế hoạch hành quân. Đề phòng sự chống đối của Trung Úy Tôn Thất Trực có thể gây trở ngại cho cuộc hành quân. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Tiểu Đoàn, tôi đề nghị thăng cấp Đại Úy giả định cho Trung Úy Trực, đưa ông này vào làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đóng tại Hội An. Đồng thời tôi biệt phái cả Đại Đội 2 của Tiểu Đoàn cho đi theo Đại Úy Trực, với lý do giúp ông một thời gian trong nhiệm vụ mới.
Sau khi đã dẹp bỏ được trở ngại, đúng ngày giờ quy định, từ 1 đến 5 giờ sáng ngày N, tôi điều động lực lượng của Tiểu Đoàn chiếm đóng tất cả các cơ quan đầu não quân sự và hành chánh, chận các ngã ra vào thành Phố, vây hãm tư thất các Tư Lệnh, với lý do có lực lượng Việt Cộng đột nhập Thành Phố. Trong khi đó, lực lượng của Trung Ương được chuyển vận bằng mọi phương tiện, kể cả hàng không dân sự, đổ xuống Phi Trường. Và khi trời vừa hừng sáng, họ tiến ra nhận bàn giao, thay thế Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân của tôi kiểm soát toàn bộ các đơn vị Quân Đội, cơ quan hành chánh tại Đà Nẵng.
Khi đến giải tỏa Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, lực lượng hành quân của Trung Ương đã gặp phải sự chống cự khá mạnh từ bên trong Chùa. Nhưng tuân hành lệnh của chính phủ, họ không tấn công vào Chùa. Mặc dù vậy, vì lực lượng còn lại trong Chùa chỉ gồm một ít thanh niên tranh đấu, và một số Quân Nhân lẻ tẻ thuộc các đơn vị chuyên môn, không có kinh nghiệm tác chiến và tinh thần chiến đấu. Vì thế nên cuộc giải tỏa Chùa, giải giới toán thanh niên võ trang của "nhóm tranh đấu" không gặp khó khăn nào đáng kể.
24. - Trong bản phúc trình về tình trạng tự do tín ngưỡng trên thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1999, được công bố đầu tháng 9. 1999. Trong phần nói về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam dài 8 trang có đoạn viết:
"Giữa các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có mối quan hệ thân hữu tốt đẹp. Một số những va chạm của Phật Giáo với Công Giáo như trong thập niên 1960, chỉ là những sự kiện giới hạn ở tầm mức địa phương, và bị thúc đẩy bởi những ý đồ chính trị nhất thời".
"CẦN LAO CÔNG GIÁO GIẾT PHẬT TỬ?"
1. - Sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, tình hình hỗn loạn xảy ra khắp nơi, nhiều cơ quan chính quyền từ địa phương lên đến Trung Ương, người ta nhận được hàng loạt đơn tố cáo: "Cần Lao Công Giáo tiếp tục trả thù đàn áp, giết hại Phật Tử". Hầu hết số đơn này cũng như những đơn tố cáo chính quyền đàn áp Phật Giáo thời còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đều được gửi đi từ các khuôn Hội Phật Giáo tại các Tỉnh được chính quyền Quốc Gia tiếp thu sau khi Hiệp Định Geneva được thi hành (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Sau đây là một trường hợp điển hình.
Ngay sau khi nền Đệ I Cộng Hòa bị lật đổ, Thiếu Tá H. N. (còn ở Việt Nam) Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Khu Trưởng kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An một Tỉnh phía Nam Đà Nẵng bị bắt giam. Ông bị Tỉnh Hội Phật Giáo địa phương thưa: "Sĩ quan Công Giáo, đảng viên đảng Cần Lao, đã giết một Đại Đức của Tỉnh Hội".
Khi nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I Quân Khu I kiêm Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên Trung Phần, một hôm Tướng Nguyễn Chánh Thi đến thăm Quân Lao trong Thành Mang Cá nhỏ, ông cho kêu Thiếu Tá N. lên trình diện. Ông hỏi Thiếu Tá N:
- Anh đã giết một Đại Đức Phật Giáo phải không?
- Thưa Trung Tướng, tôi giết một tên cán bộ cộng sản đội lốt tu sĩ, chứ tôi không giết Đại Đức Phật Giáo.
- Tại sao anh nói người ta là cộng sản?
- Thưa Trung Tướng, xin Trung Tướng bình tĩnh coi lại hồ sơ của ông này. Nếu Trung Tướng không tin thời Đệ I Cộng Hòa, xin đừng coi hồ sơ thời kỳ ấy. Trung Tướng cứ coi hồ sơ từ thời Pháp đến thời các chính phủ trước Đệ I Cộng Hòa để lại, Trung Tướng sẽ thấy tôi nói đúng hay sai.
Sau khi nghe Thiếu Tá H. N. trình bày, Tướng Thi ôm vai ông nói:
- Đúng, toa nói đúng. Trước khi ra đây, moa đã coi kỹ hồ sơ của tên này, y đúng là một cán bộ cộng sản quan trọng, phải giết, dù y đội lốt tu sĩ Phật Giáo. Thôi được, toa yên chí, vụ này để moa thu xếp cho.
Một tháng sau, vụ án Thiếu Tá H. N. đăng đường với tội danh: "Cần Lao Công Giáo giết Đại Đức Phật Giáo". Trong lúc Chánh Án và Bồi Thẩm Đoàn đang ngồi đợi giờ xử thì Đại Tá Khoan, một sĩ quan trong thành phần Bồi Thẩm Đoàn từ Đà Nẵng ra mang theo một văn thư của Tướng Thi gửi ông Chánh Án. Nhận văn thư, ông Chánh Án mở ra đọc cho Bồi Thẩm Đoàn nghe. Tướng Thi yêu cầu Tòa ngưng viên xử, vì nội vụ cần được điều tra bổ túc. Văn thư được đóng dấu ấn Đại Biểu Chính Phủ. Ông Chánh Án tỏ ra rất lo ngại trước quyết định của Tướng Thi. Vì ông thấy đó là một điều quá nguy hiểm trước khí thế của "phong trào đấu tranh mang danh Phật Giáo" lúc bấy giờ. Thấy vậy, Đại Tá Khoan đề nghị ông Chánh Án lấy ý kiến Bồi Thẩm Đoàn bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả, tất cả Bồi Thẩm Đoàn đều đồng ý với quyết định của Tướng Thi. Và cuối cùng, Thiếu Tá H. N. được trả tự do.
Cựu Trung Tá Lê Thiện Phước, khi ấy là Sĩ Quan Thanh Tra Sư Đoàn I Bộ Binh đã tháp tùng Tướng Thi trong cuộc thăm Quân Lao Mang Cá nhỏ và cũng là thành viên trong Bồi Thẩm Đoàn của vụ án kể trên.
2. - Tháng 4 năm 1965, Sở I An Ninh Quân Đội khám phá ra tổ chức Liên Hiệp Sinh Viên-Học Sinh của Việt Cộng trong đó có vài Phật Tử, với tài liệu đầy đủ. Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng can thiệp yêu cầu thả những người này. Thiếu Tá Nguyễn Văn Ứng Chánh Sở không thỏa mãn với lý do: Nội Vụ đã được trình lên Tướng Thi Tư Lệnh Quân Đoàn. Mấy ngày sau, một truyền đơn được rải khắp Thành Phố Đà Nẵng. Truyền đơn mang nội dung: "Yêu cầu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi phải đuổi tên Thiếu Tá Ứng ra khỏi Thành Phố. Tên Thiếu Tá Cần Lao ác ôn, tay sai Nhu-Diệm đàn áp Phật Giáo. Nếu sau 48 tiếng đồng hồ, tên Ứng còn có mặt ở Đà Nẵng, chúng tôi sẽ xin y tý huyết".
Cùng thời gian này, Cảnh Sát Quốc Gia Đà Nẵng bắt một tên đặc công Việt Cộng vào đặt chất nổ tại Khách Sạn Morin, nơi Quân Nhân Mỹ thường xuyên vào ăn uống. Khai thác không tìm ra được manh mối gì. Nội vụ được giao qua cho Sở An Ninh Quân Đội. Tại đây, Thiếu Tá Ứng khai thác tên đặc công, đã khám phá ra một tổ đặc công quan trọng. Nhờ khai thác kịp thời, khối chất nổ lớn đặt trong một vỏ radio đựng trong một cái túi xách có nhãn hiệu Air Việt Nam đã được vô hiệu hóa kịp thời, tránh được một vụ phá hoại có thể gây nhiều chết chóc.
Đến 10 giờ tối ngày 29. 4 Tướng Thi đích thân đến Sở An Ninh Quân Đội ra lệnh cho Thiếu Tá Ứng chuẩn bị hồ sơ, đưa tổ đặc công này ra trình diện phái đoàn báo chí từ Sài Gòn sẽ ra vào ngày hôm sau.
Chiều 30. 4, trong cuộc họp báo do Tướng Thi chủ tọa, Thiếu Tá Ứng dẫn toán đặc công ra mắt các phóng viên. Tướng Thi đã hết sức hài lòng về những thú nhận của toán Việt Cộng này trước các ký giả.
Sáng hôm sau 1. 5, ngày Quốc Tế Lao Động, Tướng Thi với tư cách Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Đại Biểu Chính Phủ, tập họp các đơn vị Quân Đội và Hành Chánh tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, khen thưởng và gắn huy chương cho các nhân viên hữu công trong vụ khám phá tổ đặc công trên đây. Thiếu Tá Ứng được tuyên dương công trạng trước Quân Đoàn, được tưởng thưởng một Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng.
Nhưng chỉ ngày hôm sau, ngày 2. 5, Tướng Thi lại có một quyết định hoàn toàn trái ngược với việc ông làm hôm trước. Ông ký lệnh tuyên chuyển Thiếu Tá Ứng qua Sư Đoàn 2 Bộ Binh, cho ra khỏi Ngành An Ninh Quân Đội, mà không cho biết lý do tuyên chuyển và việc phải ra khỏi ngành chuyên môn của anh.
***
Để kết thúc chương này, tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả lời một nữ trí thức và một vị Bác Sĩ trình bày trước Phái Đoàn Đại Diện Liên Hiệp Quốc, về thái độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đối với Phật Giáo và bài "Một Thời Vang Bóng" của Đại Sứ Hà Vĩnh Phương. Cả ba vị trên đây đều là Phật Tử thuần thành.
Riêng về Đại Sứ Hà Vĩnh Phương, khi chấp thuận đề nghị của Giáo Sư Bửu Hội, yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử Phái Đoàn qua tìm hiểu tại chỗ về lời cáo buộc Chính Phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, Tổng Thống Diệm đã cử Giáo Sư Bửu Hội làm Đặc Phái Viên của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa cạnh Liên Hiệp Quốc. Ông Hà Vĩnh Phương khi ấy đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Tây Đức, Đam Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đồng thời là Đại Diện Việt Nam Cộng Hòa trong Hội Đồng Thống Đốc Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế, được cử Phụ Tá cho Giáo Sư Bửu Hội. Bài viết liên quan đến biến động Phật Giáo năm 1963 của ông, được đăng trong Đặc San Tiếng Sông Hương do Hội Ái Hữu cựu Học Sinh Trường Quốc Học Huế xuất bản năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường này.
1. - Nhân chứng số 38: Một nữ trí thức mà lý lịch của bà và những sự kiện bà viết về cuộc Biến Động, đã được bà khai trước Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc như dưới đây:
"Với tuổi tác, kinh nghiệm và sự nghiệp của tôi, tôi biết rõ xứ này. Tôi thuộc một dòng họ đông đảo nhất của nước Việt Nam. Đó là một vọng tộc gồm những người trí thức. Chúng tôi theo Phật Giáo và Khổng Giáo, chúng tôi thờ phụng tổ tiên và thờ Phật. . . Tôi muốn đem những điều hiểu biết của tôi giúp đỡ quý vị và do đó giúp đỡ thế giới và xứ sở của tôi. . . "
Khi được Phái Đoàn hỏi bà đã chứng kiến những biến cố nào trong tháng 5 tại Huế? Bà trả lời:
- Tôi dự lễ tại Chùa Từ Đàm.
- Có gì xảy ra tại đấy?
- Thầy Thích Trí Quang đã giải thích các biểu ngữ, các biểu ngữ chống Chính Phủ.
- Nói cách khác, có người đã lợi dụng buổi lễ để tuyên truyền chống Chính Phủ?
- Vâng, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu.
Khi được hỏi về các nhà Sư tự thiêu bà đáp:
- Nói về các vụ tự thiêu tôi muốn đề cập đến vấn đề chính trị. Trước kia, tôi là một cố vấn và ngay cả trong thời gian ấy Việt Cộng phỉnh phờ được đủ hạng người. Các lời đồn do Việt Cộng phao ra, lan tràn khắp nơi.
Ngoài ra ai cũng có thể làm nhà Sư cả. Có những Sư thật và sư giả, Phật Tử thật và phật tử giả. Vì không có sự kiểm soát nào trong các Nhà Chùa (Chính Phủ cũng không thể kiểm soát Chùa chiền) nên không có cách gì để phân biệt thật hay giả. Vậy có thể có những trá hình. Tôi dám nói rằng các nhà sư quá khích nhất chính là những người cộng sản. Những nhà Sư thật là những người thực hành theo các đức hạnh Phật Giáo như bất bạo động, không ganh tị, từ bi.
Ở đây chúng tôi rất khoan hòa về tôn giáo. Ai cũng có thể xây Chùa không cần xin phép trước. Do đó, không thể kiểm soát xem họ có cộng sản hay không. Tôi biết hiện giờ Việt Minh đang tìm cách gây một cuộc chiến tranh tôn giáo.
- Có phải một trong những lý do của các cuộc biểu tình là sự ưu đãi đối với người Thiên Chúa Giáo và sự ngược đãi người theo Phật Giáo không?
- Tôi rất ngạc nhiên nếu có như vậy. Trong các cơ quan và trong mọi ngành hoạt động, Phật Tử đông hơn người theo các tôn giáo khác.
- Bà giải thích thế nào về sự kiện, năm nầy, Chính Phủ cấm treo cờ Phật Giáo nhân ngày Khánh Đản của Đức Phật.
- Chính Phủ quyết định về các ngày vía Phật và vía Khổng Tử. Trước Chính Phủ này, các ngày ấy không phải là ngày lễ.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một người theo Thiên Chúa Giáo, nhưng Tổng Thống có thái độ khoan dung với các tôn giáo khác. Trong các trại lính, có những Chùa bên cạnh Nhà Thờ. Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ ký sắc lệnh ấn định cờ Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo có khích thước bằng nhau nhưng không được quá 2/3 cờ Quốc Gia.
Các biến cố đã xảy ra ngay trong Thành Phố. Ngày ấy, trong im trời nóng 34 độ. Dân chúng kéo cờ, và cờ Quốc gia thường thường nhỏ hơn cờ Phật Giáo. Điều ấy xảy ra nhiều Tỉnh khác, nhưng các Tỉnh Trưởng tự mình kiểm soát để Sắc Lịnh được áp dụng. Ở đây, Tỉnh Trưởng ra lịnh cho Cảnh Sát phụ trách. Trong vài trường hợp lẻ tẻ, Cảnh Sát không đối xử tử tế với quần chúng. (Báo Cáo Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc. Trang 204)
2. - Nhân chứng số 39. Một vị Bác Sĩ mà lý lịch của ông và một vài sự kiện, nhận xét, liên quan đến lời cáo buộc Tổng Thống Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật Giáo được ông khai trước Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc như sau:
" Đầu tiên, tôi muốn tự giới thiệu, không phải vì khoe khoang, nhưng để làm sáng tỏ vài phương diện của vấn đề. Tôi là Bác Sĩ. Tôi học ở Pháp. Tôi theo Phật Giáo, gia đình tôi theo Phật Giáo từ nhiều đời, em gái tôi là Ni Cô từ 1950 và từ khi ở Pháp về, tôi là Bác Sĩ chính thức của hầu hết tất cả Ni Cô và nhà Sư ở Sài Gòn, đặc biệt, các nhà Sư trong Giáo Hội Tăng Già Việt Nam cột trụ của phong trào Phật Giáo. Quý vị có thể hỏi các nhà Sư kiểm chứng điều tôi nói. Tôi đã chữa bệnh cho tất cả: Ngài Hội Chủ ở Huế, Chủ Tịch Ủy Ban, mọi hội viên khác, dù được tự do hay bị giam giữ và những năm sau này, thỉnh thoảng tôi chữa bệnh cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi đã làm trung gian giữa Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các Phật Tử khi cần thiết. Bắt đầu phong trào tháng 5. 1963, theo sự yêu cầu của các nhà lãnh đạo Phật Giáo, tôi đã đứng ra làm trung gian giữa Tổng Thống Diệm và các Phật Tử. Vâng, tôi tiếp xúc trực tiếp với chính Tổng Thống, chứ không phải với Chính Phủ. . . .
Tôi đã tham dự nhiều cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Ngô Đình Diệm và vài nhà lãnh đạo Phật Giáo trước biến cố 8. 5. Các cuộc hội kiến được tổ chức đặc biệt, để ban cho các nhà lãnh đạo Phật Giáo vài đặc ân như cho đất, rừng hay tiền bạc để xây Chùa. Tôi gặp Tổng Thống hai ba ngày sau ngày 8. 5 và tôi có thể làm chứng rằng Tổng Thống xem các biến cố ấy như là một tai họa lớn nhất cho xứ sở chúng tôi. Tổng Thống đã yêu cầu tôi can thiệp, một mình hay với tất cả gia đình và bạn hữu của tôi, để hết sức giảm thiểu các hậu quả khốc hại có thể xảy ra.
Khi được hỏi: Ông bảo rằng với tư cách là Bác Sĩ, ông đã chữa bệnh cho nhiều nhà Sư, nhất là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Hòa Thượng hiện nay gần 90 tuổi, có còn đầy đủ khả năng không?
- Vâng, tôi muốn nói rằng Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết vẫn còn sáng suốt, nhưng vì giáo lý của đạo ngài, Hòa Thượng từ khước mọi hoạt động trong phạm vi chính trị quốc tế. Từ khi giữ chức vụ hiện tại, Hòa Thượng không thể kiểm soát được phong trào và tôi nghĩ rằng, xem Hòa Thượng như Giáo Hoàng của Phật Giáo là một sự lầm lẫn, bởi về chính Thượng Tọa Thích Thiện Hòa, Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già mới là nhân vật cao nhất của Phật Giáo xứ này. Ở đây, có một điều cần cắt nghĩa. Thượng Tọa Thích Thiện Hòa trước kia là người ủng hộ Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và những người hầu Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đã đầu cơ về việc đó và làm cho những người ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, tưởng rằng Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết là nhân vật quan trọng nhất.
Và cuối cùng vị Bác Sĩ này đã trình bầy trước Phái Đoàn nhận xét của ông về con người Tổng Thống Diệm đối với vấn đề tôn giáo như sau:
Vì tôi có những tiếp xúc trực tiếp với Tổng Thống, tôi có thể nói dù rằng Tổng Thống theo Thiên Chúa Giáo, Tổng Thống đã nghiên cứu các triết lý Phật Giáo và Khổng Giáo. Tổng Thống cũng không gần Thiên Chúa Giáo hơn Phật Giáo. Tổng Thống hiểu rõ các Phật Tử.
Một vài xu hướng tinh thần của Tổng Thống lại đượm màu sắc Phật Giáo hơn Thiên Chúa Giáo. Nếu các kết luận của một cuộc điều tra là có sự kỳ thị về phía Chính Phủ đối với Phật Giáo, ý kiến của tôi là Tổng Thống không theo đuổi một đường lối chính trị kỳ thị đối với Phật Giáo". (Phúc Trình Liên Hiệp Quốc. Trang 207)
Một điều thiết tưởng quý vị độc giả cũng cần biết, đó là: Các nhân chứng đến khai trước Phái Đoàn Tìm Hiểu Sự Việc (Facht-Finding Mission) của Liên Hiệp Quốc đều là những người tự đến xin gặp Phái Đoàn, hoặc được Phái Đoàn trực tiếp mời, theo tin tức họ nhận được về sự liên hệ cũng như hiểu biết của những người này, đối với cuộc tranh đấu được gọi là "của Phật Giáo". Chính quyền không được biết và cũng không được giới thiệu bất cứ người nào đến gặp Phái Đoàn. Vì vậy mà trong phúc trình, Phái Đoàn không ghi rõ tên các nhân chứng mà chỉ ghi số.
Nhờ được Chính Phủ dành cho quyền hoạt động rộng rãi và hoàn toàn tự do như vậy, Phái Đoàn đã gặp được một số Tăng sĩ, một vài sinh viên mà theo báo cáo Phái Đoàn nhận được, họ đã bị mất tích, bị thủ tiêu v. v. . .
Bản phúc trình Phái Đoàn báo cáo lên Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã bị áp lực từ phía Mỹ, đặc biệt là từ Đại Sứ Cabot Lodge, đã không được phổ biến cho báo chí. Vì sự thật của sự việc đã hoàn toàn trái ngược với những gì Đại Sứ Lodge và một số báo chí Hoa Kỳ đã báo cáo với Chính Phủ và nhân dân nước họ.
Và như nhiều người đã biết, những biến động được mang danh "Cuộc tranh đấu của Phật Giáo", được khởi sự từ tháng 5. 1963, chỉ được chấm dứt vào cuối năm 1966. Sau khi cuộc tranh đấu đã đi tới tột đỉnh của sự "phạm thượng" bằng hành động đưa bàn thờ Phật ra bày la liệt ngoài đường phố, đặt ảnh Đức Phật ở nhiều nơi hoàn toàn bất xứng, các tăng sĩ ra ngồi giữa đường chận xe tăng, chận đường tiến quân của Quân Đội miền Nam và bị Chính Phủ Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan không nương tay.
Và rõ ràng hơn, mục đích cuộc tranh đấu của nhóm quá khích do Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo, cũng đã được ông tiết lộ với nữ phóng viên Marguerite Higgins tại Chùa Xá Lợi hồi trung tuần tháng 7. 1963.
"Chúng tôi không thể dàn xếp được với Bắc Việt cho đến khi trừ khử được Diệm và Nhu". (Our Vietnam Nightmare. Trang 28)
Ngoài ra, trong phong trào tranh đấu "mang danh Phật Giáo" do Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo chống lại điều được gọi là "Chính sách kỳ thị tôn giáo" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có hai nhân vật mà việc họ tham gia và rút khỏi phong trào này đã gây ra nhiều thắc mắc. Đó là ông Mai Thọ Truyền và Đại Đức Thích Đức Nghiệp.
1. - Ông Mai Thọ Truyền là Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, người đã trực tiếp nhận số tiền 2. 000. 000 đồng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm giúp cho công việc xây cất Chùa Xá Lợi do ông chủ xướng. Và hai tháng trước khi xảy ra biến cố "cờ Phật Giáo", với tư cách là Phó Hội Chủ Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, ông cũng đã được Tổng Thống Diệm mời vào gặp cùng với Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican, để yêu cầu lưu ý tín hữu về việc phải tôn trọng cờ Quốc Gia trong các cuộc lễ lược của mỗi tôn giáo.
Khi phong trào tranh đấu của nhóm Thượng Tọa Trí Quang nổi lên, không những ông đã làm thinh về những cử chỉ vừa kể trên đây của Tổng Thống Diệm, ông còn để cho nhóm Thượng Tọa Trí Quang dùng Chùa Xá Lợi làm Tổng hành dinh điều khiển cuộc đấu tranh.
Nhưng sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông đã trục xuất Thượng Tọa Trí Quang và nhóm tranh đấu ra khỏi Chùa Xá Lợi, khi cuộc tranh đấu của nhóm này được tiếp tục.
2. - Đại Đức Thích Đức Nghiệp là "Phát ngôn viên chính thức" của Phong trào tranh đấu của nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang trong giai đoạn chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Sau khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ, người ta thấy ông không còn giữ vai trò "phát ngôn viên" của phong trào này. Và một thời gian sau ông được qua Mỹ du học.

No comments:

Post a Comment