Friday, February 5, 2010

Sơ lược lịch sử giáo xứ Cồn Dầu

Sơ lược lịch sử giáo xứ Cồn Dầu
VietCatholic News (01 Feb 2010 10:58)
ĐÀ NẴNG - Sáng nay Chủ Nhật 31-01-2010 được tin Đức Giám Mục Đà Nẵng là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri cùng với các Cha thuộc GP Đà Nẵng đã về Dâng Lễ cầu nguyện cho Giáo xứ Cồn Dầu và động viên giáo dân hãy bĩnh tĩnh trong việc đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng của mình.

Sự có mặt của Người chủ chăn đứng đầu Giáo Phận, là nguồn khích lệ vô cùng lớn lao cho toàn thể Giáo dân GX Cồn Dầu.

Ở nơi xa chúng tôi rất vui mừng và cảm đồng vì biết được Giáo dân Cồn Dầu không bị lẻ loi… Họ sẽ được các Đấng, Bậc quan tâm và cộng đồng dân Chúa khắp nơi luôn hiệp thông và hướng về Họ.

Tôi cũng vừa tìm ra trong tập “Tri Ân Kỷ Niệm Lễ giỗ Cha Cố Tađêô” của GX Cồn Dầu có ghi lại: Sơ Lược Lai Lịch, Hoàn Cảnh Lịch Sử Giáo Xứ Cồn Dầu. Chúng tôi photocopy lại sơ lược lịch sử Giáo Xứ Cồn Dầu để chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho Giáo dân Cồn Dầu. Chúng ta cùng góp lời cầu nguyện cho Giáo Xứ Cồn Dầu luôn đoàn kết, kiên cường, và đoàn kết trong sứ mạng bảo vệ và xây dựng giáo xứ của mình.



Vài suy tư về ''Thông cáo của TGM Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến Giáo xứ Cồn Dầu''
VietCatholic News (03 Feb 2010 21:37)
Trước hết tôi rất buồn và thất vọng vì Thông Cáo nêu trên, nó đã không nói lên được sự quan tâm đích thực của Vị Chủ Chăn đối với đoàn chiên mà còn như đang cùng với những kẻ bách hại để mau chóng xóa sổ giáo dân giáo xứ nhỏ bé Cồn Dầu này mà chính người viết là một thành phần.

Phải nói ngay rằng Lá đơn Kêu cứu của giáo dân Cồn Dầu mà Tòa Giám Mục Đà Nẵng đã muốn tìm hiểu tác giả là ai! Điều đó nên dành cho Công An thì tốt hơn. Đừng điều tra giùm lực lượng an ninh nhân dân. Lá đơn ra đời trong hoàn cảnh dầu sôi, lửa bỏng. Tỉnh ủy Nguyễn bá Thanh cùng với hai trăm công an đày đủ súng ống, bao vây làng Cồn Dầu, nội bất xuất, ngoại bất nhập, đàn áp, khủng bố người dân. Giáo dân hốt hoảng kêu cứu. Rất tiếc là dân quê nghèo, không có đủ hình ảnh, phương tiện thông tin nên không thể trình làng để mọi người cùng thấu hiểu, cảm thông chia sẻ. Nhưng có một bằng chứng đáng tin cậy hơn đó là những nhân chứng sống còn đó: những giáo dân Cồn Dầu khốn khổ vẫn còn tiếp tục can đảm đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của mình trước bạo quyền.

Hiện nay chính quyền vẫn còn tiếp tục dọa nạt, răn đe và tìm cách đủ mọi cách buộc dân chúng phải ký chấp nhận việc cướp đất của chính quyền. Một điều rất ngây thơ của tờ Thông cáo là tìm những chữ ký trên tờ đơn kêu cứu. Ai cũng biết rằng, một tờ đơn kêu cứu mà có chữ ký, trong lúc chính quyền đang tìm cách cướp đất thì khác nào tự còng mình vào. Công An lập tức điều tra và hốt trọn ổ ngay và sau đó vu cáo cho bao thứ tội, nào là âm mưu chống chủ trương, chính sách của nhà nước, nào là xúi giục dân chúng nổi loạn chống chính quyền, và còn hàng trăm thứ tội khác có trời mà biết... đủ để ở tù trọn kiếp. Lá đơn này là Lá Đơn Kêu Cứu. SOS.

Đặt vấn đề chia rẽ tôn giáo là một cái nhìn sai lệch:

Khi Thông báo của Tòa Giám Mục Đà Nẵng nhận định về sự kiện này là hãy "cẩn thận tránh việc chia rẽ lương giáo". Đây là một điều mà chẳng liên quan gì trong việc chia rẽ lương giáo cả! Người giáo dân Cồn Dầu chẳng làm gì dính dáng đến chuyện này. Xưa nay giáo dân Cồn Dầu chẳng hề làm gì mà lỗi phạm đến người lân cận Trung Lương - Lỗ Giáng - Cẩm Chánh sao lại có chuyện gây chia rẽ ở đây. Chỉ có một điều mà bản thông cáo muốn ám chỉ là: Tại sao các dân khác bằng lòng chấp nhận việc di dời mà giáo dân Cồn Dầu lại phản đối, gây khó khăn cho chính quyền và phiền toái cho giáo quyền.

Một điều đơn giản dễ hiểu là giáo dân Cồn Dầu nhận ra sự bất công trong việc cướp đất cũng như là đất này là đất đã thấm máu, mồ hôi, nước mắt và niềm tin của cha ông bao đời xây dựng và bồi đắp, do vậy, giáo dân Cồn Dầu không thể di dời. Trong số 2000 người giáo dân Cồn Dầu chỉ vỏn vẹn có 5 gia đình kí giấy đồng ý di dời mà thôi! Hơn nữa việc cướp đất đuổi dân nghèo để trục lợi cho bao kẻ có tiền, có quyền thế là việc làm tàn nhẫn, ác đức, thất nhân tâm.

Những người dân các xã thôn khác họ có chỗ đi vì họ là những người đã từng gắn bó với "cách mạng" và từng nuôi bao chiến sĩ cách mạng. Số phận của họ khác giáo dân Cồng Dầu nhiều lắm. Giáo dân Cồn Dầu chỉ có một chỗ đẻ đi và về. Đó là đi đến nhà thờ và về với ông bà tổ tiên trên mảnh đất thân yêu này thôi. Đừng lấy cái chuyện những người khác đồng ý để di dời mà ép buộc giáo dân Cồn Dầu phải phục tùng sự bất công.

Chuyện này đã được ông Nguyễn bá Thanh gài vào để chẹn họng giáo dân Cồn Dầu khi ông nói rằng, tại sao các dân khác đồng ý ký, còn chúng tôi thì không. Câu trả lời xin thưa là những anh em lương dân chỉ dời nhà, dời nơi ở đơn thuần. Còn giáo dân Cồn Dầu khi dời là mất đi cả cuộc sống. Bao năm, bao thế hệ sống chết có nhau, đùm bọc nhau, sáng chiều lễ kinh, biết nhau qua từng nhịp thở, bây giờ mà đi thì giống như bị phân sáp thời Tân Văn Thân! Khi giáo dân Cồn Dầu bị bắt buộc phải di dời là họ mất luôn những gì đã gắn bó với niềm tin của họ cả từ 100 năm nay. Cộng đoàn Đức Tin của họ bị phân thây, bị dẹp tan, bị đầy vào chỗ chết! Không biết Đức Giám Mục giáo phận có hiểu thấu cho nỗi lòng khổ đau mất mát của những người con nghèo đói này không?!

Coi sự tranh chấp tại Cồn Dầu là vì vấn đề "đất" là hoàn toàn sai:

Thông cáo cũng nhắc qua chuyện tranh chấp đất tại Cồn Dầu nên nhà nước ra lệnh thu hồi đất. Đây mới thực sự là thông tin sai lệch. Ở Cồn Dầu không có chuyện tranh cháp đất đai, chỉ có chuyện nhà nước cướp đất của dân mà thôi. Tranh chấp nghĩa là hai người hay nhiều người cùng tranh chấp một miếng đất hay một tài sản nào đó mà ai cũng muốn là mình có quyền trên đó. Đàng này đất đai của giáo dân xứ Cồn Dầu từ lâu đời trước khi có Đảng CS nữa và chính họ đã cấp giấy chủ quyền cho giáo dân để xác nhận trên vấn đề pháp lý. Đất này không phải là cho mướn, cho thuê, thì làm sao mà thu hồi. Nói như vậy là vi phạm quyền sở hữu của người khác.

So sánh đời sống dân nghèo ở Cồn Dầu với các nơi khác là thiếu sự quan tâm mục vụ:

Khi nói đến chuyện các giáo xứ khác ở thành phố Đà Nẵng trong chuyện di dời trong chính sách của chính quyền, rõ ràng là Toà Giám Mục không hiểu rõ khi so sánh một cách khập khiễng giữa giáo xứ Cồn Dầu và các giáo xứ hay các làng khác. Giáo dân Cồn Dầu 90 phần trăm sống bằng nông nghiệp, đời sống gắn bó với ruộng đồng quê hương rất là thắm thiết. Bắt họ di dời và cướp đất của họ rồi thì họ đi đâu, sống bằng gì, hay là bắt họ ca bài "Lâu rồi đời mình cũng quen". Những phấn son, bụi thành phố, sự chật chội không quen thở, quen sống. Như vậy bắt họ phải chết mòn, chết dần trong nỗi đau, nỗi nhớ, bao hệ lụy sau khi bị buộc phải xa nơi chôn nhau cắt rún, ai chịu trách nhiệm đây! Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Xong việc là phủi tay. Hãy đọc bài của LM Trường Thăng thì hiểu rõ nỗi đau của người dân không quen sống nơi phố thị.

Một điểm nữa cần phải nói ở đây, như tờ thông cáo viết Giáo hội luôn đứng về phía người nghèo, nhưng chỉ một Tờ đơn Kêu cứu của kẻ thấp cổ, bé miệng thì lại lại cho là gây áp lực làm khó dễ Đấng bản quyền sở tại, nên buộc Ngài phải lên tiếng để minh oan! Là một giáo dân gốc Cồn Dầu, thú thiệt là không hiểu nổi Bề trên thương con chiên đến mức nào!Với chính sách bất công trong lĩnh vực giải tỏa, đền bù cách bất công và vô lý đã làm cho nước mắt của người dân chảy thành sông, tiếng kêu oan đứt ruột vọng tới trời xanh đã từ cả vài năm qua... thế mà Chủ chăn đã nghe mà không hiểu lòng dân lòng con cái mình. Dù Chủ chăn có nói là đã xuống với dân cả nhiều lần, nhưng thực tế đâu có phải là đứng về phía con cái của mình. Ngài chỉ dàn xếp để nhà thờ và cơ sơ nhà thờ không bị di dời để khỏi bị mang tiếng bỏ nhà thờ, nhưng còn nhà con chiên thì sao? Một điều khó hiểu nữa là Tòa giám mục không muốn có thái độ đối đầu với chính quyền mà chỉ muốn mọi sự trong ôn hòa, nghĩa là chính quyền bảo sao thì nghe vậy! Có lẽ Tòa giám mục không hiểu rằng tất cả mọi ý kiến phản biện đều là phản động. Có nghĩa là khi Đấng bản quyền sở tại mà nói ủng hộ dân nghèo Cồn Dầu là đã đối đầu với nhà nước rồi đó, vì nhà nước muốn cướp đất của dân. Muốn khỏi đối đầu với nhà nước thì cứ từ từ dàn xếp hòa hoãn theo kế sách của Nhà Nước?!

Tình ủy Nguyễn Bá Thanh đã hứa cuội rằng sẽ không đụng đến nhà thờ, nhưng mà chỉ đuổi dân đi mà thôi! Điều này đã được nhắc trong tờ Thông cáo như một bảo chứng của nhà nước cho việc tôn trọng tự do tôn giáo và đã được Chủ chăn đồng tình. Bảo chứng hay là miệng ngậm bồ hòn mắc ngẹn! Gương của Tòa khâm sứ Thái hà còn đó! Không ai có thể nghĩ là ngay cả Thông báo chính thức của Giáo hội địa phương cũng phải thông tin của lề bên phải mà thôi. Giáo hội cần giáo dân hay cần nhà thờ? Đuổi giáo dân đi mà giữ lại nhà thờ thì nhà thờ biến thành nhà trang trí cho chế độ mà thôi. Rốt cuộc có thể cũng biến thành công viên như ở Tam Tòa không hơn không kém.

Rồi sau đó làm sao mà người ta lại không nghĩ tới việc "mượn tạm", cách mượn đểu cáng để từ từ láy luôn, vì từ trước đến nay có nhà thờ nào trống mà không bị mượn tạm, rồi mượn luôn. Bao nhiêu cơ sở tôn giáo ở Đà nẵng giờ thuộc về nhà nước, có đòi được chăng?

Dù cố mà tin rằng ông Nguyễn bá Thanh có giao du tốt với Tỏa giám mục nhưng Đảng muốn ông ta làm theo chỉ thị thì với "ấn triện và quốc huy" trên giấy... đã từng là những mảnh giấy lộn. Câu hỏi của ĐGM là "sao lại có thể biến thành một “trò lừa bịp”? thì xin đi hỏi Đức TGM Hà Nội xem chính ngài Thủ tướng tới viếng thăm hứa thế nọ thế kia, và hứa cả với Tòa Thánh, cả thế giới đều chứng kiến thế mà kết quả ra sao chúng ta lại không thấy được hay sao? Hay là đúng như Vị Chủ chăn Đà Nẵng đã nhấn mạnh trong thông báo là: "công khai trước thiện chí của một tổ chức công dân tôn giáo muốn góp phần xây dựng đất nước theo đúng chính sách hiện hành". Nếu đây là lập trường và đường lối của một giáo hội địa phương Đà nẵng thì người Công giáo khắp nơi phải xét lại và đánh giá đúng mức cái chủ trương kì cục này!

Từ hai năm qua nguyên cái chuyện là hứa giải quyết êm đẹp chuyện đất đai của dân theo như lời hứa có thấy đâu, mà chỉ thấy công an với súng ống đi hăm dọa từng nhà, người cầm đầu lại là người đã hứa những lời trên. Vậy có ai còn có thể tin vào những lời "hứa cuội" của người đứng đầu đời lẫn đạo nữa hay thôi?

Chính quyền Đà Nẵng xem ra được sự ủng hộ đồng tình tối đa của giáo quyền địa phương:

Trong tờ thông cáo TGM đã giành nhiều ưu đãi cho chính quyền khi khen ngợi việc giải tỏa 85 ngàn hộ dân để làm cho thành phố hiện đại hơn, nhưng không xét đến có cần thiết làm vậy hay không? Cứ nhìn những chiếc cầu bắc ngang sông Hàn, non 1 cây số là có chiếc cầu. Riêng tại Cồn Dầu 1 chiếc cầu sắp hoàn thành và 1 chiếc cầu nữa đang sắp sửa thi công. Người dân Đà Nẵng đã từng nói một cách mỉa mai rằng "Cầu thì nhiều mà cầu tiêu công cộng thì không thấy"!

Một chi tiết khá thú vị trong tờ thông cáo cho biết rằng: Đã có 20 cuộc họp giữa chính quyền và giáo dân Cồn Dầu và cho đó là nổ lực không nhỏ của phía chính quyền. Con số cuộc họp mà chính người dân Công giáo Cồn Dầu không nhớ nổi là đã có bao nhiêu cuộc họp như thế vì lần nào cũng là tuồng cũ lặp lại. Đó là chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đề ra, đề nghị mọi người chấp hành. Nếu không thì là chống lệnh, chống Đảng chống nhà nước. Sẽ có biện pháp mạnh để trừng trị đích đáng những kẻ chống đối. Nghĩa là mỗi lần họp chỉ có phía "chính quyền nói dân phải nghe", chớ có bàn luận gì đâu mà nhà nước nhân dân cùng bàn, cùng làm như mỹ từ trong tờ thông cáo đâu! Trong những cuộc họp chỉ nguyên việc phát biểu ý kiến cũng không được nói thì có đâu mà cùng làm mà thi hành được? Dân công giáo bị bắt buộc nghe, bắt buộc làm thì có.

Rồi cũng trong bản thông cáo này khi nói đến "chính quyền thay đổi thái độ làm mạnh tay hơn đối với người dân" thì chỉ lướt qua, không nêu cụ thể công an đã dàn trận ra sao, bao nhiêu người hết thảy, trang bị vũ khí đầy đủ đàn áp, khủng bố tinh thần giáo dân ra sao thì không thấy nói đến. Đã có hai phụ nữ phải đưa đi cấp cứu vì quá sợ hãi, dân chúng không thể làm ăn gì được, Một số phụ nữ gánh rau lên chợ Cẩm Lệ bị công an cấm không cho bán. TGM cần kiểm chứng thì cứ về hỏi giáo dân thì rõ. Tờ thông cáo mà giống như tờ báo lề bên phải vì dùng toàn những mỹ từ làm "đẹp đời" thì thấy Chủ Chăn đứng về phía nào rồi.

Thông báo nhấn mạnh "Hơn ai hết, những người có trách nhiệm mục vụ tại địa phương biết phải nói gì và không nên nói gì, nói như thế nào, lúc nào và trong giới hạn nào, để đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động quản trị và mục vụ truyền giáo tại địa phương mình, trong tinh thần tôn trọng sự thật, xây dựng tình hiệp thông, đối thoại và hợp tác lành mạnh". Sự hiệp thông, đối thoại và hợp tác lành mạnh không biết có nghĩa là tích cực ủng hộ người có quyền có thế mà bỏ rơi dân nghèo hay không? Thực ra hiều khi chỉ cần âm thầm hành động mà không cần phải nói năng gì, nhất là khi tự cho mình "biết phải nói gì và không nên nói gì, nói như thế nào, lúc nào và trong giới hạn nào, để đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động quản trị và mục vụ truyền giáo tại địa phương mình" mà thiếu đi cái tình nghĩa cha con và tinh thần mục vụ thì chưa chắc đã hành xử đúng tư cách mục tử của mình hay chưa?

Đi xin một ai tức là chấp nhận người đó có khả năng ban cho mình những điều mình muốn... Xưa nay xin ai một cái gì thường phải uốn mình, hạ giọng chớ có bao giờ đứng thẳng, lớn tiếng mà xin đâu. Cái cơ chế Xin-Cho này đã hành dân là chính nhiều lắm rồi! Đức Tổng Ngô quang Kiệt đã can đảm lên tiếng phản đối mạnh mẽ cái cơ chế tước quyền làm người này lâu rồi. Chắc chắn rồi đây mọi người sẽ nhớ câu nói bất hủ của Đức Giám Mục Đà Nẵng: "Chúng tôi chỉ đứng thẳng mà xin, chứ không bao giờ quỳ gối”, và chắc chắn người ta sẽ xem quả đề biết cây và tri hành có hợo nhất hay không.

Còn nhiều điều nữa cần được phân tích và thẩm định thực hư những vụ việc và nhận định trong tờ thông cáo của TGM Đà Nẵng, nhưng chúng tôi tạm đình lại và sợ rằng nói hết ra thì "người hưởng lợi là ngư ông nhà nước mà thôi". Nên người viết rất đau lòng khi thấy anh em đồng bào, đồng quê, đồng đạo ở Cồn Dầu của chúng tôi đang còn chịu nhiều oan ức.

Mới hôm Chúa Nhật được hân hoan được thấy Đức GM Đà Nẵng về ủy lạo giáo dân trong cảnh dầu sôi, lửa bỏng... Niềm vui chưa kịp rấy lên thì nay lại thấy tá hỏa vì bản Thông cáo lạ lùng. Té ra nói vậy mà không phải vậy. Đau đớn thay!

Nếu không có tờ đơn kêu cứu thì chắc chắn tình trạng hiện nay ở Cồn Dầu càng tệ hại hơn và Tòa Giám Mục địa phương đỡ phải gánh trách nhiệm bất đắc dĩ. Lời cuối cho người dân quê nghèo của chúng tôi là: hãy đặt hết niềm tin vào Chúa và Ngài sẽ cứu dân thoát khỏi áp bức, bạo tàn. Chỉ có Ngài là Đấng Cứu Tinh duy nhất, đừng kỳ vọng vào con người. Và Lạy Chúa, xin hãy đứng lên cứu dân Người đang nguy khốn. Lời Thánh vịnh của bài đọc hôm nay sao thấm thía quá, làm rơi lệ những con người đang khốn khổ.

Người giáo dân quê nghèo Cồn Dầu
Thiên Giang

Sự thật về Lá đơn kêu cứu của người giáo dân Cồn Dầu
VietCatholic News (04 Feb 2010 00:24)
Nói sự thật về lá đơn và nhiều lá đơn kêu cứu của người dân thôn Cồn Dầu, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Người dân thôn Cồn Dầu và đặc biệt là Ban Đại Diện Giáo Xứ Cồn Dầu, được chính quyền mời họp rất nhiều lần như đơn kêu cứu khẩn cấp đã viết. Khi họp giữa dân ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nhiều lần răn đe với chúng tôi không được đứng đơn tập thể kêu cứu với Chính Quyền các cấp từ địa phương đến Trung Ương. Nếu có gửi đơn thì gửi đơn và ký tên một mình.

Người dân thôn Cồn Dầu không đồng tình lời phát biểu của ông Bí Thư. Không lẽ có một sự bất công với người dân, không cho người dân nói lên sự thật về sự công bằng đối với người dân. Câu nói: “Khó ngàn lần không dân cũng chịu, dễ vạn lần dân liệu cũng xong” phải “lấy dân làm gốc” chúng tôi rất đau khổ và rất lo sợ cho tính mạng của chúng tôi vì sự răn đe kiểm soát của công an, an ninh hàng ngày họ theo dõi người dân liên tục.

Dầu vậy người dân Cồn Dầu vẫn kiên cường đứng lên nói về sự thật đòi công bằng trong các cuộc họp giữa ông Nguyễn Bá Thanh, lãnh đạo thành phố, quận, phường về một sự công bằng và công lý cho người dân thôn Cồn Dầu cho dù họ phải trả giá cho một quê hương mà cả thế hệ cha ông của người dân Cồn Dầu đã bỏ rất nhiều công sức thậm chí cả máu để xây dựng làng Cồn Dầu giàu đẹp và cuộc sông đầy bình an cho một số người lấy quyền lực đè ép người dân bán đất của làng Cồn Dầu cho người đầy thế lực và tiền của, không cho người dân ở lại nơi mảnh đất của người dân làng Cồn Dầu.

Trước đây, vào tháng 7 năm 2008, người dân Cồn Dầu đã họp với lãnh đạo thành phố, quận, phường Hòa Xuân về dự án khu du lịch sinh thái ven sông Hòa Xuân. Thấy lãnh đạo thành phố một mực khăng khăng đòi giải tỏa cho được làng Cồn Dầu. Kiểm định cho được ruộng vườn nhà ở của người dân. Ban Đại Diện Giáo Xứ và bốn tổ dân phố cùng người dân Cồn Dầu họp lại với nhau nhiều lần lập biên bản, đồng ký tên gửi lên các cấp chính quyền đơn kêu cứu.

Sau khi nghe tin chúng tôi gởi đơn kêu cứu vào tháng 7 năm 2008 cho chính quyền thì công an và an ninh đã điều tra tìm hiểu ai viết đơn. Nhưng tất cả người Cồn Dầu xác nhận đứng lên đòi công lý và cho đời sống của người dân không còn đất ruộng để sản xuất, không còn đất vườn ở, giá đền bù rất rẻ mạt mua không đủ một kílô thịt. Và rồi, đơn và tiếng kêu của người dân vẫn là tiếng kêu giữa sa mạc và giữa biển khơi.

Vào ngày 25 tháng 1 năm 2010 ông Bí thư Nguyễn Bá Thanh dẫn chính quyền các cấp thành phố, quận, phường cùng công an, an ninh rất đông người trên 150 người và người dân Cồn Dầu thấy thế họ khiếp sợ, nhiều người sống từ 50-80 tuổi chưa từng thấy thế lực và quyền lực nào đến nhà người dân chưa được sự đồng ý, tự động vào nhà đòi kiểm định. Kiểm định không được phạt hành chính một triệu đồng cho các gia đình không đồng ý kiểm định, đọc trên loa phát thanh ngày đêm liên tục.

Nhiều gia đình quá sợ hãi họ phải đóng cửa, kéo gai tre rào cổng ngõ thầm nói với chính quyền là họ không đồng tình với dự án này, nhưng đoàn quân an ninh vẫn săn, lùng sục tìm đủ mọi cách kiểm định cho được nhà của người dân từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 2010. Có nhiều nhà họ quá sợ hãi vì phải đối chất với chính quyền thế lực hùng mạnh, và có người quá sợ nên đến ngất đi và phải đi cấp cứu như bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cô giáo Tống Thị Mai. Những người phải kêu la than khóc như cô giáo Thương, bà cụ Vững, ông Sinh, cô Nhẫn, ông Liêm, v.v…

Về việc giải tỏa, chính quyền còn răn đe các doanh nghiệp tư nhân trong giáoxcứ và các giáo viên rằng: "nếu không đồng ý kiểm định, sẽ không cho doanh nghiệp hoạt động và các giáo viên kiểm điểm, có thể không cho dạy học". Nhưng họ vẫn kiên cường từ chối không đồng ý kiểm định, dù biết rằng không biết mai sau số phận và cuộc sống họ sẽ ra sao?

Khi viết đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cấp chính quyền, tập thể người dân Cồn Dầu cũng đã nhờ chuyển lên mạng lưới toàn cầu và mong muốn tiếng nói kêu cứu được lan rộng hầu có người nghe mà tiếp cứu, chứ không phải là vô danh hay là mơ hồ xuyên tạc. Lúc đầu, chúng tôi không đưa ra bảng tên và chữ ký lý do là muốn bảo đảm an toàn là khi đơn chưa ra đến trung ương thì muốn tránh đi sự chú ý và theo dõi của công an của chính quyền.

Mong rằng quý vị các cấp tôn giáo địa phương phải hiểu điều này mà thông cảm chứ không thể dựa vào đó mà bắt bẻ, nhất nữa làm xứt mẻ tình cha con và lý ra thì "cha phải hiểu con mình hơn ai hết" chứ chả lẽ cố tình làm ngơ sao đừng! Và cũng xin bạn đọc hiểu rõ khi đơn đến các cấp nhà lãnh đạo, thì nay người dân Cồn Dầu sẽ không ngại mà đăng lên chữ kí của mình.

No comments:

Post a Comment