Tuesday, November 24, 2009

Trần Minh Công -Đọc “Biến Động Miền Trung” Của Tác Giả Liên Thành

Đọc “Biến Động Miền Trung” Của Tác Giả Liên Thành




Tác Giả : Trần Minh Công


“Biến Động Miền Trung” là một cuốn sách...

hay nói đúng hơn là một tập tài liệu dày trên 430 trang, được tác giả Liên Thành cho ra mắt lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 5/2008 tại thành phố Westminster, Nam California. Cuốn sách được đồng hương Nam Cali nồng nhiệt đón nhận, trong một hội trường thành phố đông nghẹt người. Liên tiếp sau đó cuốn sách được ra mắt tại các thành phố San Jose, Dallas, Houston và Phoenix, Arizona. Riêng tại Houston số đồng hương tham dự lên tới gần 700 người. Điều này phần nào đã nói lên giá trị của cuốn sách. Điều gì đã làm cho đồng hương chú ý tới cuốn sách? Có lẽ câu trả lời đơn giản nhất là vì đây là lần đầu tiên những bí mật trong vụ “Biến Động Miền Trung” được chính người trong cuộc kể ra, có liên hệ tới một số tu sĩ tên tuổi được VC móc nối trong một mạng lưới tình báo quy mô do Cục Tình Báo Trung Ương tại Hà Nội điều khiển mà những âm mưu xách động và gây rối tại Miền Trung vào những năm 1964-65-66-67 mới chỉ là giai đoạn khởi đầu.

http://saigonecho.com/main/images/stories/biendongmientrung.jpg http://saigonecho.com/main/images/stories/biendongmientrung1.jpg

Tác giả Liên Thành là ai?

Ông là một Trung Úy quân đội được biệt phái sang phục vụ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia tại tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế. Cấp bậc và chức vụ sau cùng của ông là Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên-Huế. Ông từng là Trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt rồi Phó Ty và sau cùng là Trưởng Ty. Vì nhiều năm làm việc tại cùng một nhiệm sở nên ông có cơ hội liên tục theo dõi và nắm giữ hồ sơ hoạt động của mạng lưới tình báo VC trong vùng. Kỳ công của ông và các đồng nghiệp tại Ty CSQG Thừa Thiên-Huế không chỉ là thành công trong việc giữ vững được Huế trong vụ biến động 1966 mà là đã dày công theo dõi và cuối cùng phá vỡ được một mạng lưới điệp báo quan trọng của Hà Nội tại Miền Trung.

Tác giả Liên Thành cho thấy ngay sau cuộc chính biến 1/11/1963 tên Trung Tá điệp báo VC Hoàng Kim Loan đã cài người vào các đoàn thể “tranh đấu”, xâm nhập và lũng đoạn các tôn giáo, đặc biệt là các tổ chức Phật Giáo Miền Trung. Hoàng Kim Loan đã xử dụng những cơ sở này để phá nát nhiều tổ chức tình báo của VNCH ngay sau cuộc chính biến 1963. Nhừng tu sĩ nào bị VC móc nối. Những khuôn mặt trí thức nào đã chạy theo VC. Những ai đã theo VC ra bưng để rồi trở lại Huế tàn sát hàng ngàn người năm Mậu Thân 1968 đều được tác giả kê rõ danh tánh. Tác giả kể lại tình hình sôi động tại Huế năm 1966 ra sao. CSQG dẹp
bạo loạn bị vu cáo như thế nào. Ai là người dứng đàng sau tất cả những vụ này. Ai chỉ đạo, ai bị lợi dụng? Ai đã ra lệnh mang bàn thờ Phật xuống đường, ai đã chủ mưu trong vụ đốt phá Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Huế.

Trong phần thứ hai của cuốn sách tác giả ghi lại khá chi tiết những hoạt động của tình báo cộng sản và vụ tàn sát trên 5,000 đồng bào tại Huế. Ông cũng cho biết ngoài hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan-Hoàng Phủ Ngọc Tường, những khuôn mặt trí thức nào đã lộ diện theo VC. Chương này là một tài liệu lịch sử mà tất cả chúng ta và nhất là mọi người dân Huế cần đọc để biết.

Nhân đây tôi cũng muốn phản bác lời tuyên bố của ông Bùi Tín, một cựu Đại Tá CS hiện đang sống lưu vong tại Pháp. Ngày 24 tháng 1/2008 khi được đài BBC phỏng vấn về vấn đề CS thảm sát dân chúng trong vụ Tết Mậu Thân tại Huế. Ông Bùi Tín lúc đó (1968) là Phó Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội cho biết ông không ngờ cuộc thảm sát quy mô lớn như vậy. Ông viện lý do rằng: “Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội nên phần lớn do tự động các cấp chỉ huy Trung đội tới Trung đoàn đồng loã với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết. Theo ông thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và
giết tù binh” (theo bài viết của tác giả Trần Thanh về cuộc thảm sát Mậu Thân).

Liên Thành trong cuốn sách của ông có thuật rõ VC đã thảm sát người ta như thế nào, bắn hay đập bể sọ. Giết xong họ còn có thì giờ vùi thây trong các nấm mộ tập thể chứ không phải vì bị truy kích mà họ phải vội vàng giết và phần lớn số người bị giết là thường dân vô tội chứ không phải là “tù binh” như ông Búi Tín nói. Lời khai của tên Trung tá điệp báo Hoàng Kim Loan khi bị Ty CSQG Thừa Thiên-Huế bắt giữ cho biết việc thảm sát dân chúng Huế năm Mậu Thân là do chỉ thị của Khu Ủy VC chứ không phải do “chỉ huy cấp nhỏ tự tiện quyết định mà không cho cấp trên biết” như ông Bùi Tín nói. Không biết ông cựu Đại Tá Bùi Tín đang
biện minh và chạy tội cho ai đây?

Có lẽ phần gây cấn và hấp dẫn nhất của cuốn sách là phần đặt kế hoạch theo dõi, vây bắt và quan trọng hơn cả là lời cung khai của tên Trung Tá điệp báo Hoàng Kim Loan. Cung từ của y đã tiết lộ cho thấy y đã móc nối được những ai và xử dụng những người được móc nối như thế nào. Người đọc không khỏi ngỡ ngàng về những tiết lộ động trời của viên sĩ quan điệp báo này.

Theo Thiếu Tá Liên Thành ghi lại thì ngay vào giữa năm 1965 Huế đã trở nên sôi động khác thường, với những cuộc biểu tình dữ dội, chiếm đài phát thanh quốc gia, đốt phá phòng Thông Tin Hoa Kỳ, tổ chức xách động đình công bãi khoá liên miên. Nhìn chung thì có vẻ như đây là những phong trào quần chúng tự phát nhưng thực sự lại là những hành động được sắp đặt và chỉ đạo rõ ràng. Ai chỉ đạo? Ai sắp đạt? Ai là kẻ chủ động gây rối? Ai là người bị lợi dung? Nếu đọc hết tác phẩm “Biến Động Miền Trung” của tác giả Liên Thành người ta sẽ dễ dàng thấy câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Thiếu Tá Liên Thành cũng cho biết ông và các cộng sự viên xuất sắc của ông, mà hầu hết là các sĩ quan trẻ tốt nghiệp Học Viện CSQG, đã dày công theo dõi một mạng lưới tình báo do Hà Nội trực tiếp chỉ huy qua viên Trung Tá điệp báo Hoàng Kim Loan. Khi tên điệp báo này bị bắt vào năm 1972 y đã khai ra các cơ sở nội tuyến được y móc nối mà chúng ta ít ai ngờ tới: 2 Trưởng Ty cảnh Sát, một Thiếu Tướng, một Trung Tướng, hai Thiếu Tá quân đội và khá nhiều tu sĩ trong phong trào đấu tranh tại Huế. Thì ra phần lớn các tổ chức tôn giáo và quần chúng đấu tranh tại Miền Trung và nhất là tại Huế đã do cán bộ điệp báo cộng sản chỉ
đạo và điều khiển. Chúng đã thành công phần nào trong năm 1966 khi tạo ra những rối loạn tại Huế và Đà Nẵng đưa đến cuộc biến động tại Miền Trung.

Nên nhớ rằng vào những năm sau chính biến 1963, thế lực của phong trào Phật giáo đấu tranh lên rất mạnh. Chính trường miền Nam lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng rất nhiều của “các Thầy”. Các tướng lãnh cầm quyền đều phải vị nể các Thầy. Việc bổ nhiệm nhân sự vào các chức vụ quan trọng đôi khi phải có sự thoả thuận ngầm của các nhóm áp lực trong phong trào đấu tranh Phật giáo. Việc này dần dà đưa đến những tranh chấp quyền lực giữa các tôn giáo, nhất là giữa Phật giáo và Công giáo. Những cuộc biểu tình đụng độ giữa hai tôn giáo này tại nhiều nơi là những điều chúng ta vẫn chưa quên.

Cũng vì vậy mà Thiếu Tá Liên Thành khi thi hành nhiệm vụ đã dễ dàng bị phe tranh đấu Miền Trung khép tội chống Phật Giáo mặc dù gia đình ông vốn là một gia đình Phật tử thuần thành. Mẹ ông quy y và trách cứ ông khi ông dẹp bàn thờ xuống đường và chống lại các Thầy biểu tình. Ông là cháu Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, anh bà con ông là một Thượng Tọa, ông còn là cháu nội Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, vậy mà vẫn bị khép tội chống phá Phật giáo. Ông đứng vững được trong vụ Biến Động Miền Trung,
lại còn theo dõi và khám phá ra một ổ điệp báo quan trọng liên quan đến nhiều thế lực đương thời thì quả là một điều kỳ lạ.

Trước 1975 và ngay cả cho tới ngày tác giả Liên Thành cho ra mắt cuốn sách vào tháng 5 năm nay (2008) có lẽ ít tai trong chúng ta ngờ được là Trung Tá điệp báo VC Hoàng Kim Loan đã móc nối được một cựu Thiếu Tướng, một Trung Tướng, hai Thiếu Tá quân đội quốc gia trong đó có một vị từng nắm giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng CSQG Quảng Trị, một Quận Trưởng cảnh Sát và một nguyên Trưởng Ty CSQG thị Xã Huế, một cựu Trưởng Ty An Ninh tỉnh Thừa Thiên, Chủ tịch và một Nghị viên Hội Đồng Tỉnh, một số giáo sư và sinh viên tại Huế.

Danh sách được móc nối còn gồm nhiều vị cao tăng được tác giả Liên Thành nêu rõ tên tuổi trong cuốn sách của ông. Từ xưa đến nay và nhất là ở VN trước 1975 việc nêu danh tánh các tu sĩ có liên hệ đến VC ít ai dám làm vì sợ đụng chạm và người làm việc đó có thể dễ dàng bị chụp mũ là phá hoại tôn giáo. Việt Cộng biết rõ yếu điểm này của phe quốc gia nên đã tận tình khai thác kế hoạch tôn giáo vận của chúng. Cũng chính vì vậy mà các chính quyền quân nhân sau 1963 đều kiêng nể không dám đụng chạm đến các chức sắc tôn giáo. Do đó mới có những vụ xuống đường bừa bãi phá nát hậu phương mà cảnh sát không dám thẳng tay đàn áp, trong khi chúng ta đang rất cần một hậu phương ổn định để yểm trợ tiền tuyến. Hình ảnh những binh sĩ nhẩy dù, đáng lý phải có mặt tại các chiến trường đang sôi động, nay phải phụ lực cảnh sát ngăn chặn biểu tình trên đường Trần Quốc Toản trước Viện Hoá Đạo ngày nào giờ đây làm chúng ta thấm thía vì thua mưu cộng sản.

Cuốn sách “Biến Động Miền Trung của tác giả Liên Thành như tôi vừa sơ lược là một tập tài liệu mà mọi người nên đọc. Đọc để biết rõ chúng ta đã thắng CS ở điểm nào và người dân Miền Nam thuần hậu dễ tin đôi khi đã bị VC và bọn người nhiều tham vọng chính trị lợi dụng và lừa bịp ra sao.

Trong cuốn sách của ông, tác giả Liên Thành ghi lại những gì xẩy ra tại Huế vào giai đoạn Miền Trung biến động. Nhưng cuộc biến động lớn năm 1966 tại Miền Trung không phải chỉ giới hạn trong phạm vi Thừa Thiên-Huế. Thị xã Đà Nẵng nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng chứng kiến những xáo trộn hãi hùng khi đám dân quân tranh đấu đụng độ với lực lượng quân đội do chính quyền trung ương đưa ra Đà Nẵng dẹp loạn. Là người cùng theo cánh quân trung ương ra dẹp loạn tại Đà Nẵng, tôi
xin được tiếp tay với tác giả Liên Thành làm sáng tỏ thêm về tầm mức và quy mô của vụ Biến Động Miền Trung năm 1966:

Lịch sử còn ghi nhớ cuộc chính biến 1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa Miền Nam VN vào một khúc quanh mới đầy xáo trộn và biến loạn. Ngay sau cuộc chính biến, các tướng lãnh cầm quyền liên tiếp đảo chánh nhau. Các cuộc xuống đường biểu tình xẩy ra như cơm bữa tại Saigon và các đô thị lớn.

Nơi phát động và được coi là trung tâm chống đối chính quyền trung ương là Huế và Đà Nẵng tiếp tục sôi động sau 1963. Phong trào tranh đấu Miền Trung vẫn tạo áp lực nặng nề lên các chính quyền Saigon. Sau 1963, ảnh hưởng và tiếng nói của Thưọng Toạ Trí Quang và một số các nhà lãnh đạo đấu tranh khác là điều mà không tướng lãnh cầm quyền nào có thể coi thường. Áp lực chính trị và bất ổn liên tiếp trong hai năm 1963-64 đã buộc các chính phủ quân nhân kế tiếp nhau phải ít nhiều nhượng bộ phe tranh đấu. Quân đội được xử dụng để lo đảo chánh và chống đảo chánh đã phần nào lơ là trong công tác diệt Cộng, tạo cơ hội
thuận tiện cho Việt Cộng dễ dàng bành trướng và gia tăng các hoạt động phá hoại tại nông thôn.

Tổng Nha CSQG thời bấy giờ dưới quyền của các Đại Tá Trần Thanh Bền và Phạm Văn Liễu, phối hợp với tình báo Hoa Kỳ, liên tiếp ghi nhận những âm mưu phá hoại của VC không những chỉ ở nông thôn mà còn ngay tại thủ đô. Những vụ đặc công VC đặt chất nổ tại cư xá Brink góc đường Catinat ngay trung tâm Saigon và tại toà Đai Sứ Hoa Kỳ trên đường Hàm Nghi đã làm cho dư luận hoang mang. Phía Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm về khả năng bảo vệ Miền Nam của các chính phủ quân nhân sau 1963.

Năm 1965 Hoa Kỳ quyết định mang quân vào tham chiến tại VN. Quyết định này của Hoa Kỳ đã buộc Hà Nội phải có một đối sách mới. Một mặt họ gia tăng các cuộc tấn công ngày càng công khai mạnh mẽ tại khắp nơi, mặt khác họ gia tăng các hoạt động phá rối gây bất ổn tại các dô tỉnh thị chuẩn bị cho một kế hoạch tổng nổi dậy tiến chiếm Miền Nam. Việc xâm nhập, gây chia rẽ và đố kỵ giữa các tôn giáo, giữa các tổ chức đấu tranh và các nhóm chống đối nhiều tham vọng chính trị đều nằm trong sách lựơc phá hoại này của VC.

Những cuộc xuống đường nhằm gây áp lực chính trị đã dần dà biến thành các cuộc bạo động quy mô. Tại Saigon phe biểu tình chiếm giữ khu đường Trần Quốc Toản quanh Viện Hoá Đạo, khu chùa Ấn Quang. Cảnh sát và quân đội dẹp biểu tình là chuyện thường ngày, không còn làm ai ngạc nhiên. Nhưng ít người nghĩ rằng VC đang có mặt để điều động và giật giây tạo nên những rối ren hỗn loạn, cầm chân những người lính chiến đáng lý ra phải có mặt tại các mặt trận đang cần họ.

Cũng nằm trong kế hoạch gây rối loạn này, tại Miền Trung VC đã xúc tiến một kế hoạch quy mô nhằm biến Miền Trung thành một vùng tự trị, dĩ nhiên dưới sự điều động ngầm của chúng. Như đã trình bầy ở đoạn trên, tác giả Liên Thành có ghi rõ lời khai của Trung tá tình báo VC Hoàng Kim Loan. Theo đó tổ điệp báo của y đã xâm nhập vào các phong trào đấu tranh trong vụ Biến Động Miền Trung, gây náo loạn tại Huế và Đà Nẵng như thế nào.

Tầm vóc của cuộc “Biến Động tại Miền Trung” năm 1966.

Nếu không có mặt tại Huế và Đà Nẵng trong thời điểm này người ta sẽ dễ dàng nghĩ rằng đây chỉ là những cuộc xuống đường thường thấy tại Saigon trong những năm sau 1963. Thực ra, tầm vóc của cuộc Biến Động Miền Trung lớn hơn nhiều. Đây không phải chỉ là những cuộc xuống đường gây náo loạn như tại Saigon. Cũng không phải chỉ là những màn cảnh sát tung lựu đạn cay dẹp biểu tỉnh, mà thực sự là một cuộc chiến nhỏ, một thách thức đối đầu giữa phe tranh đấu Miền Trung và chính quyền trung
ương, có tình báo VC tham gia lũng đoạn, giật giây và chỉ đạo. Tại Đà Nẵng, cuộc biến động này có bắn nhau, có đổ máu, có người chết và buồn thay lại là giữa quân đội của chính quyền trung ương và vài đơn vị quân đội ly khai theo phe tranh đấu.

Nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ, không bao lâu sau khi Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I, ông đã ngả theo Thượng Toạ Thích Trí Quang và phe tranh đấu Miền Trung chống lại chính quyền trung ương. Vào cuối năm 1965 một phong trào mới xuất hiện tại Huế và Đà Nẵng, với danh xưng Phong Trào Tranh Thủ đòi “thực thi Dân Chủ và bầu cử Quốc Hội Lập Hiến”. Đây là một phong trào tranh đấu do Thượng Tọa Thích Trí Quang và một số giáo sư, sinh viên đại học Huế chủ xướng nhằm tạo áp lực và làm khó chính quyền trung ương. Đặc biệt nhắm vào hai Tướng Thiệu Kỳ là hai nhân vật lãnh đạo trong Hội Đồng Quân Lực. Lúc này trong cương vị Tư Lệnh Quân Đoàn I, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi đã công khai đứng hẳn về phe tranh đấu.

Sau nhiều lần thương thảo bất thành, Hội Đồng Quân Lực quyết đinh cất chức Tư Lệnh Quân Đoàn I của Tướng Thi. Phong trào chống đối liền nhân cơ hội này xuống đường, với danh nghĩa bênh vực Tướng Thi, khởi đầu cho một mặt trận mới được mở ra tại Đà Nẵng. Người ta thấy xuất hiện nhiều đoàn thể mới với những danh xưng tưởng như của VC: Nào là Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, Phong Trào Tranh Thủ Dân Chủ và Hoà Bình, Thanh Niên Sinh Viên quyết tử, Đoàn Thanh Niên Phật Tử quyết tử, Quân
Nhân quyết tử, Công Chức quyết tử, đoàn thể nào cùng thề quyết tử với chính quyền trung ương.

Biểu tình và mít tinh lên án Thiệu-Kỳ được tổ chức khắp nơi. Đình công bãi khoá liên tiếp xẩy ra, làm ngưng trệ mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng. Nhiều toán thanh niên sinh viên quyết tử đi từng nhà hô hào và ép buộc mọi người xuống đường. Họ ngăn chặn họp chợ, kêu gọi học sinh sinh viên bãi khoá, hăm dọa những ai chống đối.

Đại tá Đàm Quang Yêu, Đặc Khu Trưởng đặc khu Quảng-Đà ngả theo phe tranh đấu, Thị Trưởng Đà Nẵng là BS Nguyễn Văn Mẫn cũng tham gia phe tranh đấu, từ đó phát sinh ra đoàn Công Chức tranh đấu. Cảnh sát là cơ quan bảo vệ và duy trì trật tự cũng phải theo phe tranh đấu.

Phải nói rằng, ngoại trừ những người dân bình thường sợ tham gia chính trị tìm cách tránh né, còn những ai có chút máu mặt đều phải đi theo phe tranh đấu. Thậm chí ngay cả một vài đơn vị quân đội cũng ly khai theo phe tranh đấu làm cho tình hình thêm căng thẳng và khó xử cho chính quyền trung ương. Gần phân nửa sư đoàn I do chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận chỉ huy ngả theo phe tranh đấu. Một phần của một Trung đoàn thuộc sư đoàn 2 cũng theo phe tranh đấu. Tiểu đoàn 11-Biệt Động Quân của Đại Úy Nguyễn Thừa Dzu (sau này là Trung Tá) đang đóng quân tại ngoại ô Đà Nẵng cũng ngả theo và trở thành đơn vị nồng cốt bảo vệ phe tranh đấu. Ngoài ra một số quân nhân ở các đơn vị khác quanh Đà Nẵng tự động mang theo vũ khí gia nhập phe tranh đấu.

Đã có những xung đột bạo động xẩy ra giữa phe tranh đấu và một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Đụng độ cũng xẩy ra giữa phe tranh đấu giáo dân Công giáo tại hai làng Thanh Bồ-Đức Lợi. Kết quả là phe tranh đấu thuộc Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc đã tấn công và đốt cháy hai làng Thanh Bồ Đức Lợi gần khu bãi biển Thanh Bình. Đà Nẵng nằm trong tình trạng gần như vô chính phủ.

Trước tình trạng này, trung ương cử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân ra thay thế tướng Thi với hy vọng Tướng Chuân sẽ vãn hồi được an ninh trật tự. Phong trào tranh đấu đón chào Tướng Chuân bằng những cuộc xuống đường rầm rộ đả đảo Mỹ-Thiệu-Kỳ. Thượng Toạ Trí Quang và nhóm đầu não tranh đấu không nhương bộ và không hợp tác với tướng Chuân. Rút cục trung ương đành cử một vị tướng khác ra thay thế.

Trung tướng Tôn Thất Đính là người kế nhiệm cũng không ổn định được tình hình. Đình công bãi thị vẫn tiếp tục. Nhóm quân nhân ly khai không chịu buông sung trở về đơn vị. Tướng Đính bị bao vây tứ phiá và tính mạng còn bị hăm dọa. Sau đó ông đã phải chạy vào căn cứ TQLC Hoa Kỳ ở Đà Nẵng để xin được Trung Tướng Lewis Walt bảo vệ.

Trung ương lại phải bổ nhiệm thêm một tướng lãnh khác ra thay thế. Cũng như hai tướng lãnh tiền nhiệm của ông, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao cũng bị cô lập và chống đối. Khó khăn của ông còn có phần rắc rối hơn khi phe tranh đấu tố cáo ông là dân Công giáo thuộc thành phần được Tổng Thống Diệm ưu đãi trước đây. Một hôm khi trực thăng của ông đang cất cánh từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đi thị sát mặt trận thì một viên Trung Úy theo phe tranh đấu đã rút súng bắn theo ông. Ngay lập tức Trung Uý Nguyễn Đại Thức đã bị xạ thủ đại liên người Mỹ trên phi cơ bắn trả thiệt mạng.

Ngay sau biến cố này phe tranh đấu liền rầm rộ phát động việc chống đối Tướng Cao và lấy tên viên Trung Úy đặt cho một đơn vị võ trang gồm một số sinh viên và binh sĩ ly khai. Và người ta thấy có “chiến đoàn Nguyễn Đại Thức” ra đời với nhiều quân nhân và sinh viên có võ trang chia nhau đi bảo vệ các chùa và canh chừng tại các ngả đường đi vào thành phố. Đà Nẵng lúc này trở nên căng thẳng và nghiêm trọng khác thường. Trong vòng 5 tháng, phải thay đổi 4 vị Tư Lệnh Quân Đoàn mà vẫn không vãn hồi được an ninh trật tự. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ tại. Tinh thần quân dân cán chính tại Vùng I hoang mang và sa sút rõ rệt.

Đến mức này chính quyền trung ương không còn một lựa chọn nào khác hơn là thẳng tay đối đầu với phe ly khai Miền Trung do Thượng Toạ Thích Trí Quang lãnh đạo với sự tham gia công khai của một số đơn vị trưởng quân đội và nhóm trí thức nhiều tham vọng chính trị.

Để chuẩn bị cho chiến dịch bình định Miền Trung, Đại Tá KQ Nguyễn Ngọc Loan đưọc bổ nhiệm thay thế Đại Tá Phạm Văn Liễu trong chức vụ chỉ huy ngành Cảnh Sát. Việc thay thế Đại tá Phạm Văn Liễu là chuyện đã được nhiều người tiên đoán ngay sau khi Tướng Thi bay chức Tư Lệnh Quân Đoàn I. Đại Tá Liễu vẫn được coi là người thân thiết của Trung Tướng Thi khi ông cùng tướng Thi tham gia đảo chánh Tổng Thống Diệm vào năm 1960 và sau đó cả hai phải sống lưu vong tại Cao Miên. Năm 1965 sau
khi đưa “quân đoàn giải phóng thủ đô” về Saigon dẹp đảo chánh, Tướng Thi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Đại Tá Liễu đươc bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc CSQG.

Cần nói rõ ở đây là quyền hành của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan không chỉ thu gọn trong ngành Cảnh Sát. Ông còn được kiêm nhiệm luôn chức Giám Đốc An Ninh Quân Đội và Đặc Uỷ Trưởng Trung Ương Tình Báo. Với quyền hành như vậy, Đại Tá Loan được chỉ định giải quyết vấn đề Biến Động Miền Trung đang làm điên đầu chính quyền trung ương và có cơ tạo ra một cuộc đảo chánh mới lật đổ chính phủ.

Trong khi tại Huế biểu tình bãi thị tràn lan thì nguy cơ đổ máu đang đe doạ mỗi ngày tại Đà Nẵng, với khí thế lên cao của phe tranh đấu và các đơn vị quân đội ly khai nhập cuộc. Với ba cơ quan tình báo trong tay, Đại Tá Loan hơn ai hết biết được khả năng gây loạn của phe tranh đấu và ai là người chủ động, thành phần yểm trợ phe chủ động là những đơn vị nào.

Trong một kế hoạch vân dụng tình báo vừa công phu vừa táo bạo, ông đã bí mật đưa Đại Úy Trần Thụy Ly (sau này là Thiếu Tá Trưỏng Ty CSQG Quận Nhì Saigon) và Đại Úy Nguyễn Văn Duệ (nguyên thuộc binh chủng Biệt Động Quân thời trước 1963) ra Đà Nẵng. Ly và Duệ vốn là hai người bạn quen biết lâu năm với Đại Úy Nguyễn Thừa Dzu, Tiểu Đoàn trưởng TĐ-11 Biệt Động Quân. Cả hai có nhiệm vụ móc nối Đại Úy Dzu từ bỏ phe tranh đấu. Tiểu đoàn 11-BĐQ được coi là một đơn vị thiện chiến và là
đơn vị ly khai nồng cốt của phe tranh đấu. Cũng trong thời gian này, do sự móc nối ngầm của trung ương, Tướng Phan Xuân Nhuận Tư Lệnh Sư Đoàn I tuyên bố tách ra khỏi phe tranh đấu và kêu gọi quân nhân dưới quyền ông trở về đơn vị.

Chỉ sau khi đã móc nối được Đại Úy Dzu để tiểu đoàn 11-BĐQ án binh bất động, và sau khi Tướng Phan Xuân Nhuận vì sợ bị truất binh quyền và ra toà án quân sự, đã lên đài phát thanh tố cáo Thượng Tọa Trí Quang theo cộng sản, Đại Tá Loan mới quyết định dứt khoát đem quân ra dẹp phe tranh đấu và tái chiếm Đà Nẵng.

Tôi được chỉ thị mang Biệt Đoàn 222-Cảnh Sát Dã Chiến do Đại Úy nhảy dù Nguyễn Duy Am chỉ huy đi theo Lữ Đoàn TQLC do Đại Tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy và một tiểu đoàn nhảy dù do Đại Úy Nguyễn Hữu Bào làm Tiểu Đoàn Trưởng, ra tái chiếm Đà Nẵng.

Lực luợng vừa quân đội vừa Cảnh Sát dã chiến gần 3000 người được đổ xuống phi trường Đà Nẵng vào sáng ngày mùng 3 tháng 6/1966. Lúc đó phi trường Đà Nẵng vẫn còn bị quân đội ly khai bao vây, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tạm thời Đại Tá Loan đành thúc thủ vì không muốn chạm súng để quân ta lại bắn quân mình. Các đơn vị trung ương vừa kể đành phải nằm chờ trong phi trường Đà Nẵng. ĐT Nguyễn Ngọc Loan phải mượn văn phòng của Thiếu Tá KQ Dương Thiệu Hùng để tạm thời đặt bộ chỉ huy. Các tướng Cao Văn Viên và Nguyễn Cao Kỳ (lúc này đã là Thủ Tướng chính phủ) bay ra Đà Nẵng để tìm cách giải quyết. Vì phe tranh đấu và nhóm quân đội ly khai vẫn không chịu nhượng bộ, Tướng Kỳ dọa ngày mai sẽ ra lệnh tấn công vô Đà Nẵng và cho phi cơ khu trục của KQ-VN bắn xuống bộ chỉ huy phe ly khai nếu họ không chịu đầu hàng.

Không hiểu do đâu lời đe dọa này đến tai viên Tư Lệnh TQLC Hoa Kỳ tại Đà nẵng là Trung Tướng Lewis Walt. Tướng Walt liền thông báo cho tướng Kỳ là nếu phi cơ VN bắn xuống phe ly khai và nhóm tranh đấu tại Đà Nẵng, ông ta sẽ cho phi cơ phản lực Hoa Kỳ lên nghênh chiến. Lúc này tình hình trở nên thật căng thẳng.

Tướng Kỳ và ĐT Loan yêu cầu được gặp tướng Lewis Walt. Tôi không rõ ba vị này thương thảo và tranh luận những gì. Sau đó Tướng Kỳ bay về Saigon gặp Đại Sứ Hoa Kỳ và hôm sau ĐT Loan được lệnh tấn công vào Đà Nẵng. Tướng Kỳ và Tướng Thiệu gặp các giới chức Hoa kỳ và đã phải chấp nhận những điều kiện gì để Tướng Lewis Walt không can thiệp vào chiến dịch tái chiếm Đà Nẵng là điều mà chỉ có Tướng Kỳ và Tướng Thiệu biết và còn giữ kín.

Chỉ biết là ĐT Loan lúc đó rất bực bội. Ông cho rằng người Mỹ đã can thiệp quá nhiều vào chuyện nội bộ của VN. Sau này có dịp nhắc lại chuyện đem quân theo ông ra Đà Nẵng, ông cho biết ngày đó nếu Mỹ không quyết định bỏ rơi Thượng Tọa Thích Trí Quang thì chưa chắc việc tái chiếm Đà Nẵng đã có thể xẩy ra tương đối mau chóng như vậy. Đây có lẽ là một bài học khó quên cho những ai làm thích chính trị núp bóng người Mỹ. Khi mà sự cần thiết không còn nữa thì ngay cả “người làm rung chuyển nước Mỹ” (tựa đề trên tuần báo Time năm 1964) như Thượng Toạ Trí Quang cũng dễ dàng bị bỏ rơi. Chúng ta chưa quên, năm 1975 số phận của tiền đồn chống Cộng VNCH cũng đã kết thúc không khác. Trở lại việc tái chiếm Đà Nẵng, Lữ Đoàn TQLC của ĐT Nguyễn Thành Yên ra khỏi phi trường Đà Nẵng và đụng độ với quân ly khai, gây tử thương cho gần 20 quân nhân và thành phần có võ trang theo phe tranh đấu. Biệt đoàn 222-CSDC bám sát TQLC để lục soát và bắt giữ những thành phần gây loạn. Chỉ sau khi những người lãnh đạo phong trào đấu tranh như Thượng Toạ Trí Quang, Đại Tá Đàm Quang Yêu, BS Nguyễn Văn Mẫn và một số nhân vật chủ chốt khác bị bắt giữ và giải giao vào cục An Ninh Quân Đội các nhóm đấu tranh và các đơn vị ly khai mới thực sự buông súng đầu hàng. Việc tái chiếm Đà Nẵng bằng quân sự được hoàn tất trong vòng hai ngày nhưng trật tự chỉ thực sự được vãn hồi sau gần 3 tháng biểu tình tiếp tục liên miên.

Cái nghiệp Tình Báo-Cảnh Sát.

Đến đây hẳn bạn đọc đã thấy vụ Biến Động Miền Trung không chỉ đơn thuần là những cuộc biểu tình xuống đường như ta thường thấy tại Saigon trong những năm nhiễu loạn sau 1963. Nếu Thiếu Tá Liên Thành và các cộng sự viên ưu tú của ông không kịp thời khám phá và bắt giữ ổ điệp báo quan trọng Hoàng Kim Loan thì chắc tình trạng rối loạn tại Huế sẽ còn tiếp diễn và chưa biết hậu quả sẽ ra sao. Nhưng có lẽ công trạng lớn nhất trong vụ Biến Động Miền Trung phải được dành cho cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.

Nên nhớ là sau khi 4 vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I đều thất bại không vãn hồi được an ninh trật tự vì bị phong trào tranh đấu của Thượng Tọa Trí Quang bao vây thì ít có vị Tướng lãnh nào muốn nghĩ tới việc ra thay thế chức vị Tư Lệnh Quân Đoàn I chứ đừng nói đến một sĩ quan cấp thấp hơn như Đại Tá Loan. Đối đầu với thế lực đang lên của Thượng Tọa Trí Quang lúc bấy giờ không phải là một quyết định dễ dàng. Vậy mà Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã chấp nhận công tác may ít rủi nhiều này.

Nếu không khôn khéo và cương quyết trong vụ dẹp loạn Miền Trung và nếu tình hình đổi ngược lại thì với cấp bậc Đại Tá khiêm tốn của ông có thể số phận của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cũng đã không khác gì số phận của Thiếu Tá Đặng Sĩ sau đảo chánh 1963. Và nếu vụ biến động không được kịp thời dẹp tắt thì Miền Trung chắc đã trở thành một vùng tự trị, một thứ trái độn cần thiết mà Hà Nội mong muốn trong kế hoạch lấn chiếm Miền Nam. Và như vậy, rất có thể người dân Miền Trung đã không được sống trong tự do yên ổn cho đến tận tháng 4/1975.

Sẽ có bạn đọc thắc mắc tại sao những bí ẩn trong vụ Biến Động Miền Trung giờ này mới được tác giả Liên Thành đưa ra ánh sáng. Có nhiều lý do để giải thích việc này nhưng có lẽ lý do căn bản vẫn là lý do nghề nghiệp. Nghề tình báo (trong tổ chức Cảnh Sát có ngành Cảnh Sát Đặc Biệt phụ trách về tình báo và phản tình báo) vốn là nghề “sống để bụng, chết mang đi”. Rất nhiều trường hợp công tác đã xong nhưng các tình báo viên hoặc các cộng tác viên còn nằm lại. Việc tiết lộ kết quả công tác sẽ mang lại nhiều rủi ro cho những người đó. Chính vì vậy mà những thành quả tình báo không được vinh danh, không có vòng hoa chiến
thắng và khao quân. Cảnh Sát làm tình báo chẳng khác gì người “mặc áo gấm đi đêm”. Có áo quý nhưng không dám khoe!

Không những không được khoe mà đôi khi còn bị hiểu lầm. Như chuyện năm 1967 một sĩ quan tình báo của Cảnh Sát được gài trong mật khu VC. Có lẽ để thử thách lòng trung thành của sĩ quan này, VC giao cho đương sự đặt chất nổ phá hoại trong Bộ Tư Lệnh CSQG. Vì tầm quan trọng của công tác và để gây uy tín cho tình báo viên của mình, Bộ TL Cảnh Sát đã phải ngụy trang một vụ nổ giữa sân Bộ TL Báo chí thời đó loan tin với khá nhiều mỉa mai. Một số dân biểu đối lập được dịp chỉ trích chính phủ và chĩa mũi dùi vào Tư Lệnh CSQG. Bộ TL-CSQG vẫn phải âm thầm gánh chịu, không hề biện bạch cải chính. Cái nghiệp tình báo là như vậy! Trở lại vụ cuốn sách của tác giả Liên Thành, tôi nghĩ ông và các cộng sự viên của ông cũng bị các nguyên tắc nghề nghiệp ràng buộc. Trong dịp ra mắt cuốn sách của ông tại Houston vào tháng 9/1975 mới đây, ông cũng bị một vài thành viên trong Ban Đại Diện cộng đồng phản đối. Họ hô hào chống đối buổi ra mắt sách, buộc ông tội gây chia rẽ giữa giữa các tôn giáo chỉ vì cuốn sách của ông tiết lộ tên tuổi một số tu sĩ Phật giáo bị điệp báo cộng sản móc nối trong vụ Biến Động Miền Trung. Họ cho rằng bây giờ chưa phải là lúc đề cập tới những chuyện như vậy, trong khi số đồng hương đến tham dự không dưới 700 người. Điều này làm tôi nhớ lại thái độ tương tự của những người có trọng trách trong chính quyền thời bấy giờ, coi chuyện tôn giáo và tu sĩ như
những lãnh vực bất khả xâm phạm. Phải chăng những tránh né như vậy đã phần nào nuôi dưỡng tình trạng “kiêu binh” gây sóng gió trong chính trường Miền Nam nhiều năm trước ngày sụp đổ? Thái độ thờ ơ cả nể đã di hại cho công cuộc bảo vệ Miền Nam không ít. Bây giờ 33 năm sau, chúng ta vẫn còn cả nể như vậy sao? Không lẽ ta không học được những bài học của quá khứ để truyền lại cho con cháu sau này?

Câu nói của sử gia Santanaya đã được nhiều người nhắc lại và đáng cho chúng ta suy nghĩ:

“Those who do not learn from the lessons of history will be condemned to repeat history”

(xin dịch thoáng như sau: Kẻ nào không chịu học những bài học của lịch sử thì sẽ phải gặp lại những bất hạnh tương tự khi lịch sử tái diễn).

Cám ơn Thiếu Tá Liên Thành đã làm sáng tỏ một số bí ẩn trong vụ Biến Động Miền Trung và xin cám ơn Tập San Biệt Động Quân đã cho xuất bản tập sách này.

No comments:

Post a Comment