Tuesday, October 27, 2009

Lê Tấn Lộc-TU ĐÂU CHO BẰNG TU… “CHÙA”

TU ĐÂU CHO BNG TU… “CHÙA”

Lê Tấn Lộc

Tâm tức Phật, lòng thành có Phật

Sau vụ ‘đấng’ cao tăng ‘Thích… Diệu Nữ gây sóng gió rầm rộ tại Xứ Chuột Túi, (rồi cũng đâu vào đó, vũ-như-cẫn-vẫn-như-cũ,‘đấng’ nầy tiếp tục ngất ngưởng trên ngai vàng… “chùa”, không rụng tới một sợi lông…chưn, trái lại càng lúc càng tăng cao ‘thu nhập’), khá lâu rồi tôi không có dịp phiếm ‘loạn’ thêm về các ‘đấng’ được bà con mộ đạo, không câu nệ tuổi tác -đôi khi quá chênh lệch giữa bên được ‘tôn vinh’ và bên ‘suy tôn’- một lòng sùng kính như bậc ‘mẫu nghi thiên hạ’, luôn xá lạy xưng ‘con … bạch thầy’ khi thưa chuyện với các ‘đấng’! Lắm lúc quá trớ trêu, quá tréo cẳng ngỗng, vì ‘đấng’ chỉ vừa mới ra khỏi tuổi…vị thành niên! Như câu chuyện có thật 100% diễn ra tại quận Chợ Lách, trước đây thuộc tỉnh Vĩnh long, theo lời kể của một người bạn:

Sau 1975, trong một chuyến về thăm ‘quê hương là chùm khế ngộp’, bạn tôi ‘được’ gia đình yêu cầu đứng ra làm ‘Trần văn CHI’ đài thọ kinh phí để thỉnh một ông sư về tụng kinh cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc…Sư đến bằng xe Toyota bóng lộn, tối tân, dĩ nhiên có gắn máy lạnh, do gia (thí) chủ thuê bao. Quí vị có thể tưởng tượng, trời nắng chang chang, bên nầy cầu cả gia tộc, từ các vị bô lão ‘gần đất xa trời’ tới đám trẻ con đầu còn để chõm xếp hàng quì gối, chắp tay cung kính vái lạy nhà sư vừa tròn 21 tuổi, dù lộng che đầu, bên kia cầu ‘thư giãn’ đếm từng bước tiến về phía bên nầy cầu, thong dong đi giữa hai hàng ‘thí chủ’ đang rạp mình cúi lạy… chăng?

Tôi chạnh nhớ tới hình ảnh vị hòa thượng “đem thân nương chốn thiền môn trót ba mươi năm có lẽ” -trong vở Hoa Rơi Cửa Phật của cố soạn giả Năm Châu- vội vã đỡ Điệp đứng lên khi Điệp xin quì lạy tạ ơn nhà sư đã “xúc động mối từ tâm” đề nghị Điệp mặc áo cà sa giả dạng hòa thượng đến gặp Lan (cải trang thành chú tiểu Huệ Minh) trong giờ Lan hấp hối:

-Ngài chớ quá nhọc công mà làm cho bần tăng thêm tổn đức. Ngài hãy dành lạy nầy để ngài vào lạy Phật…

Vị chân tu động lòng trắc ẩn nầy chẳng bao giờ dám phạm thượng tự coi mình là Đấng Chí Tôn. Ngược hẳn với thái độ cao ngạo -mập mờ đánh lận con đen- của một số ‘cao tăng’ tăng cao bản ngã đến độ tự phong mình là Phật trước cái nhìn đánh bóng, chạm trổ quá cường điệu của một số sai nha-đệ tử ruột xả thân ‘cúc cung tận tụy’ họ, muốn đồng hóa họ với Đức Phật, muốn bá tánh tôn sùng họ như thánh thần bất khả xâm phạm! Cho nên…mới ra cớ sự ‘chuyện lạ bốn phương’, hầu như chưa bao giờ xảy ra trong giới tu hành người Việt, trong cũng như ngoài nước: Hai ‘đấng’ đạo sĩ ‘lôi một nhà báo và một nhà văn…ra tòa đòi bồi thường thiệt hại -không phải bồi thường Danh Dự lẩm ca lẩm cẩm đâu, nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ vô bổ đó!- mà là chính thức mướn một ‘quan luật sư’ -tiếng tăm lẫy lừng trong giới thầy cãi- đòi bồi thường cụ thể “MỘT SỐ… TIỀN ($$$) TƯƠNG XỨNG”!!!

Hỡi ôi! Chẳng thể nào tôi hình dung nổi cảnh hai vị ‘cao tăng’ trên đây ‘mặc sắc phục tăng ni’ lẫm liệt bước tới pháp đình -hầu như hai vị quên cổ nhân thường khuyến nhủ ‘vô phúc đáo tụng đình’- kề tai chỉ thị luật sư của mình mặc cả với ba tòa quan lớn về số tiền bồi thường, càng lúc càng tăng cao, cho Bán tuần báo Việt Luận và cây bút Phùng Nhân viết sách’-vốn đã chật vật trong cuộc sống thường nhựt- tiêu tan sự nghiệp luôn!

Nhị vị đạo sĩ nhứt định ‘lấy thịt đè người’ với hai phật tử cô thế, chỉ có tấm lòng ưu tư thành khẩn muốn củng cố niềm tin của họ và của đại đa số phật tử làm lợi khí truyền thông trung thực -vì không thể thụ động điềm nhiên tọa thị trước cảnh vàng thau lẫn lộn trong hàng ngũ tăng lữ- ngõ hầu độc giả không chê họ hèn nhát bẻ cong ngòi bút để được an toàn vinh thân phì gia.

Lẽ nào nhị vị không nhận ra mình đã đi quá đà trong việc trong vị thế ‘mặc áo nhà tu’ thoát tục, quyết tâm ‘ăn thua đủ’ với hai phật tử trần tục? Nếu không quá lố bịch thì cũng xốn mắt, khó coi, đúng không? Chắc gì nhị vị thắng kiện? Nếu nhị vị thắng, họ sẽ sạt nghiệp. Nhưng trên bình diện tâm linh, coi như họ đã được giải nghiệp. Trái lại nhị vị sẽ “mang lấy nghiệp vào thân”, bởi đã xem thường BI-TRÍ-DŨNG của con Nhà Phật!

Trường hợp nhị vị thua kiện thì… còn chi nữa danh giá của người tự cho là tu hành! Bởi vì, nếu thế nhị vị phạm tội cáo gian, vướng mắc tội vọng ngữ! Thắng hay thua gì nhị vị cũng chẳng bảo toàn được phẩm cách và sự thanh khiết của người mặc áo nâu sòng mà tôn chỉ thiêng liêng là cứu nhân độ thế…

Quả tình, trước đây khi các đồ đệ suy tôn quí ‘đấng’ như thần thánh, họ đã thiêng liêng hóa con người trần tục của nhị vị. Giờ đây, ra tòa tranh cãi với người phàm trần, nhị vị đã đằng đằng sát khí trần tục hóa con người thiêng liêng mà các Phật tử đã đặt hết niềm tin và hoài bão vào sự thanh thoát của con người xuất gia đầu Phật, luôn lấy THIỆN TÂM làm trọng điểm cho việc dưỡng tánh tu tâm, từ bi hỉ xả, trong tinh thần “Đại Hùng-Đại Lực”, dĩ nhiên, nhưng “ĐẠI TỪ BI”!

Hai người bị cáo buộc tội ‘mạ lỵ’ cũng là con Nhà Phật như nhị vị. Trên lý thuyết, họ kém xa nhị vị về mặt tu đạo. Và dĩ nhiên họ không lão thông tư tưởng Phật giáo hơn nhị vị. Nếu vô tình hay cố ý họ xúc phạm đến thanh danh của nhị vị thì, tại sao với phương vị lãnh đạo tinh thần thiện nam tín nữ -bởi mọi Phật tử đều được khai tâm ‘kính Phật, trọng Tăng’- nhị vị không mời họ đến Phật đường (thay vì đâm đơn kiện họ nơi tụng đình); hoặc giản dị và nhanh chóng hơn điện đàm với họ, để thuyết pháp cho tâm trí họ được khai thông, hầu nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là sai trái. Hành xử như thế nhị vị mới xứng đáng là bậc cao tăng, lấy tình sư đệ đối đãi với nhau vì đôi bên đều là Con Nhà Phật.

Trường hợp nhị vị cảm thấy hai nhà báo, nhà văn phổ biến nhiều chuyện sai sự thật, bán tuần báo Việt Luận xưa nay vẫn mở rộng diễn đàn cho nhị vị phản bác, cớ chi phải ‘lôi’ họ ra toà cho hả dạ?

Mà sao lại truy tố họ? Họ chỉ lập lại những gì báo chí trong nước phanh phui và học sĩ Đặng Văn Nhâm phổ biến rộng khắp. Chẳng lẽ phải ngầm hiểu Việt Luận và Phùng Nhân ‘ngon xơi’ hơn nhà báo trong nước và cây cổ thụ họ Đặng, họ đã công khai vạch trần những điều không được ‘đẹp’ lắm về nhị vị? Lẽ nào ‘kẻ sĩ’ như nhị vị lại thiếu dũng khí đối phó với các tác giả thực sự đã hiên ngang múa bút phơi bày những gì mờ ám lâu nay được che đậy quá tinh vi, đến độ nhị vị phải luồn lách chơi trò ‘giận cá chém thớt’?

Tôi lại chạnh nhớ lời khuyên giải của vị chân tu trụ trì ngôi chùa mà tín nữ Thị Kính cải trang nam nhi đến xin thí phát qui y, sau khi bị nghi oan muốn giết chồng. Sau đó lại còn bị Thị Mầu vu oan dóa họa đã ‘gian díu’ với cô nàng đến có con hoang, trong vở cải lương Quan Âm Thị Kính, thập niên 40:

-Thiền môn là chốn dưỡng tánh tu tâm, có lý nào dung dưỡng những điều tà dâm! Nếu như con có lỡ lầm nhứt phen thì kể từ nay con hãy nên ăn năn hối ngộ. Bằng như ai kia có đem lòng quá ác gian, đành phao vu những điều quá ác tâm thì con cũng nên làm ngơ cho giải khuây trong dạ, mà lo thủ phận tu hành, rồi sau thiện ác đáo đầu sẽ phân minh...

Nếu quả thật quí ‘đấng’ cao tăng chịu hàm oan bị ‘mạ lỵ’ thì…tôi thầm ước nhị vị noi gương Phật Bà Quan Âm đã kiên cường im lặng chịu Nỗi Oan Thị Kính, luôn vững tin thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Bởi vì…

“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”

(Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt)

Trời Cao có mắt đấy, nhị vị ạ!

***

Bài viết có thể chấm dứt nơi đây. Tuy nhiên, tôi vừa lượt đọc muộn màng tờ Việt Luận, Số 2396-Năm thứ 26-Thứ sáu 18.09.2009, các trang 36, 37, 39 và 55…với ‘Ý kiến độc giả’ của quí bạn đọc Diệu Nhã, Gia Tâm, S.N., Robert Trần, Vi Thương, Lê Văn Tám, N.H. (đa phần là Phật tử) và hai bài viết của hai cây bút, cũng là Phật tử, Phan Văn Song (“Sư ông đáo tụng đình”) và Nguyễn Khắp Nơi (“Thư gửi bạn Phùng Nhân”) khiến tôi bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh các vị tu hành đơn sơ, chơn chất, khổ hạnh và một ngôi chùa còn lưu giữ trong tôi nhiều kỷ niệm thuở niên thiếu khó phai mờ. Tôi muốn nhắc lại đây để đối chiếu với chuyện hai nhà tu hành hiện đang kiện cáo tín hữu của mình tại Úc.

Thuở mười lăm, tôi thường theo má tôi lui tới một ngôi chùa ở Vĩnh Long, được người bản xứ biết dưới danh hiệu Chùa Bà Đội. Ngôi chùa nguyên là một căn nhà vách ván, lợp ngói, tọa lạc trên một thửa đất khá lớn, với vườn tượt có cây ăn trái, cây kiểng bao quanh, do một góa phụ tục gọi là Bà Đội tự mình gầy dựng nên với phương tiện cơ hữu. Chùa có một nhà sư lo Phật sự. Ông còn trẻ, khoảng trên dưới 30. Tôi không rõ phẩm trật của ông, nhưng mọi người đến lễ Phật đều gọi ông là…Ông Giáo.

Tôi rất thích nghe ông tụng kinh và thuyết pháp khi cùng với má và em tôi qua đêm tại chùa. Giọng ông trầm ấm, hòa quyện trong tiếng mõ chuông đều nhịp, nghe vô cùng ‘siêu thoát’ trong đêm tĩnh mịch…Thỉnh thoảng tiếng đại hồng chung ngân nga khiến hồn tôi như chực bay bổng! Sắc diện ông trông rất hiền từ. Ông thường dùng xe đạp hoặc đi bộ ra phố khi cần.

Không một ai đến chùa mà không tôn kính, mến trọng Ông Giáo và Bà Đội hầu như biết hết và để tâm chăm sóc, trợ giúp tất cả thành viên trong gia quyến của những bà con cô bác trong tỉnh đến chùa lễ Phật. Khách thập phương đến tham gia sinh hoạt của chùa như thân bằng quyến thuộc trong một đại gia đình…con Nhà Phật!

Có lần em tôi kể thấy một nhà sư chạy mô-by-lết trong tỉnh, má tôi rầy la em tôi ăn nói bừa bãi. Người tu hành ai lại lái xe gắn máy bao giờ, coi chừng mang vạ ác khẩu!..

Mười mấy năm sau, khi tôi kể thấy mấy ông sư ngồi xe Méc-xê-đéc có tài xế riêng lái đi trên các đường phố Sàigòn, má tôi lại la rầy tôi dữ dội chớ có bày chuyện “nói xấu quí thầy”. Là một Phật tử thuần thành, má tôi rất mực quí trọng giới tăng ni… Tôi không dám cho má tôi biết rằng lúc đó một số thượng tọa, đại đức đã có mặt trong quân đội qua Nha Tuyên Úy Phật Giáo, với quân phục, lon lá hẵn hòi, hai bên khăn choàng màu nâu quàng qua vai để làm lễ có gắn quân hàm, hoặc bông mai vàng hoặc bông mai bạc. Và tùy theo cấp bậc, chức vụ, “quí thầy” di chuyển bằng Mercedès hoặc Jeep. Điều nầy vượt quá tầm hiểu biết và niềm tin của một tín nữ mộc mạc, chỉ quen nhìn các đấng tu hành mặc áo nâu sòng, đi bộ, quá lắm là đạp xe đạp như “Ông Giáo Chùa Bà Đội”!

Rất may, lúc biến động “đem Phật xuống đường” xảy ra ở miền Trung má tôi ngã bịnh nặng phải nằm bệnh viện và sau đó bị lãng trí. Nếu không chẳng thể nào má tôi tin có việc đem Phật trên bàn thờ nơi cửa thiền tôn nghiêm bày ra đường lộ! Chắc chắn bà sẽ nổi giận cho rằng có ai đó ác ý phao đồn tin thất thiệt nhằm triệt hạ uy tín của “quí thầy”!

Và có lẽ cũng là một ân phước của Bồ Tát, một tháng sau khi Sàigòn mất tên má tôi nhắm mắt lìa trần, khỏi phải xốn mắt, đau lòng cùng đồng bào miền Nam chứng kiến một số khá đông “quí thầy” vỗ tay hoan hô “giặc từ miền Bắc vô đây bàn tay nhuốm máu anh em” reo hò Kách Mệnh thành kông, ‘tiến về Sàigòn’ lập “Ủy Ban…Khuân sảng” tài vật của người dân ‘Nam bộ’!

***

Tôi không thể không đau lòng nghĩ tới người mẹ cả đời một lòng nhiệt thành ‘kính Phật, trọng tăng’ khi phải chứng kiến hai bậc xuất gia đầu Phật, mà tâm nguyện lẽ ra phải là “sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy(…), lòng thanh thản hồn nhiên trước cửa từ bi, bao nỗi thi phi tai chẳng buồn nghe, mắt chẳng buồn trông thấy nữa…” lại đành đoạn xúc tiến thủ tục trần thế ép buộc hai Phật tử trong ngành truyền thông phải vác chiếu ra toà!

Trước khi đặt bút viết bài nầy, tôi có đọc qua bài viết của nhà văn Phùng Nhân mà tôi chưa có dịp quen biết cá nhân. Tôi đặc biệt ghi nhận lời trần tình sau đây của tác giả: “Những gì tôi trích đăng trong bài viết ‘Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Úc Châu. Nên nhìn lại chặng đường đã qua’chỉ là một phần rất nhỏ và rất nhẹ so với những gì ông Nhâm đã viết về HT Thích Như Huệ”…

Sau khi quyết định góp ý về vụ kiện tụng hi hữu nầy, tôi tìm hiểu quan điểm của nhà văn Phan Văn Song mà tôi cũng chưa được dịp làm quen. Và tôi bắt gặp, cùng chia sẻ đoạn kết của tác giả: “Ngày xưa, tôi đã học được cái giáo lý của Phật giáo đầy tình thương, đầy thông cảm. Ngày nay qua việc kiện tụng nầy tôi cảm thấy lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo. Phán, phán, quyết và Phạt. Còn đâu là Bồ Tát?”.

Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ cảm tình của nhà văn Nguyễn Khắp Nơi -mà tôi cũng chưa được quen biết- dành cho bạn Phùng Nhân của mình, cũng như đồng cảm với mối ưu tư của tác giả: “Tối nay, tôi sẽ thắp ba nén nhang lạy Đức Phật Thích Ca, lạy Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, xin chỉ cho con: Đi chùa nào? Đọc kinh loại nào? Để…không bị Thượng Tọa thưa ra tòa?”…

Gần đây, ‘siêu’ thiền sư ‘vĩ đại’ Thích Nhất (hay Bất, Vô) Hạnh, với vụ ‘quang vinh’ về nước lập thiền viện Bát Nhã -ít lâu sau bị đập phá tan tành và vĩ đại sư nhanh chóng ‘di tản’, coi như mặc nhiên ‘đem con bỏ chợ’- cộng với sự lộ mặt của tập đoàn sư quốc doanh không thể không tác động bất lợi cho tiền đồ Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Giờ lại thêm vụ hai vị tu sĩ đạo Phật ‘xuống đường’ toan ‘làm thịt’ hai Phật tử!

Không phải khi không mà bài viết sử dụng nhóm chữ tu “chùa” trên tựa đề. Xin hiểu chữ chùa trong dấu ngoặt kép theo nghĩa khỏi tốn tiền (gratuit, free). Tiền bá tánh dựng nên chùa, nhị vị tu chùa kể trên lâu nay ăn “chùa”, ở “chùa”, mọi tiện ích vật chất cho bản thân đều “chùa”. Bây giờ nhị vị tu “chùa” đáo tụng đình với tư cách ‘nguyên cáo’, kinh phí ứng ra cũng là tiền “chùa” -tiền của bá tánh! Trường hợp thất kiện, bá tánh lãnh đủ. Nếu thắng kiện, cho dù số tiền bồi thường ‘tương xứng’ có được sung vào quỹ của chùa đi nữa, bá tánh cũng không hoan hỉ vì nó được trả giá bằng sự ‘trấn lột’ hai Phật tử Nhân-Dũng ‘ách giữa đàng (nhà báo ở VN và Đặng Văn Nhâm) mang vào cổ’! Quả thật: Kiện tụng là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!

Đó là chưa kể khi mọi sự đã ngã ngũ, từ nay trở đi đôi bên sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn ân oán giang hồ không thể một sớm một chiều tuyệt dứt! Nhị vị để đâu rồi giáo lý Nhà Phật: Oán thù nên cởi không nên buộc?

Ngày xưa tôi được Ông Giáo chùa Bà Đội kể cho nghe chuyện hai nhà sư rất ư đạo hạnh đến diện kiến Đức Phật để được vào cõi Niết Bàn. Nhưng Đức Phật bảo hai ông phải trở về cõi trần tu đức lại vì hai ông đã trót quăng bộ đồ lòng mà một tay đồ tể đã gởi hai ông mang đến trình Phật chứng tỏ lòng ăn năn hối ngộ của mình. Hình như Ông Giáo kết luận: đồ tể quăng dao có thể thành Phật. Xin hỏi nhị vị, đôi bên kiện và bị kiện ai là người đang cầm dao trên tay đây?

Một Phật tử vừa gọi điện thoại bày tỏ sự bất mãn trước vụ kiện tụng nầy với tôi:

-Đại lão cái quái gì mấy cha nội nầy!

Riêng tôi thì tôi nghĩ nhị vị chịu hạ mình làm người trần tục để đôi co trước tòa án trần thế là vì danh xưng “đại lão” đã biến thể thành “Đạo Lãi”: nhị vị theo đạo sanh lời!

Thương thay Nhân Dũng có thừa.

Gặp phường tu đạo chẳng chừa thứ chi!

****

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê…

Phàm trần mắt tục như kẻ hèn mọn viết bài nầy mà còn nhận thức được thân phận mõng giòn của kiếp phù sinh: Phù du trong những phù du, Phù du tất cả chỉ là phù du! (Vanitas vanitatum et omnia vanitas), và tất cả đều VÔ THƯỜNG…huống chi nhị vị đạo sĩ!

Đặt trường hợp luật sư của nhị vị sử dụng thành công ngón nghề cho các ‘đấng’được dịp hả hê ăn mừng đã đánh gục hai Phật tử làm báo, viết văn, bịt miệng luôn giới truyền thông, nhị vị có chắc công luận sẽ đứng về phía mình chăng? Hay một ngày trời mây u ám nào đó, sinh, lão, bịnh rồi sắp tử tới nơi, nhị vị lại chẳng nhớ tới chuyện đáo tụng đình trước đây mà sanh ra lòng thống hối đã làm cho quỷ giận, thần hờn, nay nghĩ lại càng thêm đau đớn?

Sau rốt, tôi thành tâm cầu nguyện sẽ có một vị chân tu thực sự cao kiến xuất hiện lay tỉnh nhị vị cao tăng-tăng cao của chúng ta trở về đúng vị trí tu hành của mình, với tư tưởng sau đây trong Cảnh Sách:

“Người xuất gia là cất bước đi thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối rạng rỡ giòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma cũng phải khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hành dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.

Mong thay!

Thôn trang Rêu-Phong, vào Thu 2009

-Lê Tấn Lộc-


No comments:

Post a Comment