Saturday, August 15, 2009

Gm FX Nguyễn Văn Sang trả lời phỏng vấn của Văn phòng HĐGMVN

Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang

Nguyên Giám Mục Giáo Phận Thái Bình

Khẩu Hiệu : "Chân Lý Trong Tình Thương"



Gm FX Nguyễn Văn Sang trả lời phỏng vấn của Văn phòng HĐGMVN

BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA ĐỨC CHA F.X. NGUYỄN VĂN SANG
CHO VĂN PHÒNG THƯ KÝ HĐGMVN

WHĐ (08.08.2009) - Như tin đã đưa, ngày 25-07-2009, Tòa Thánh chấp thuận đơn từ chức của Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục Chính tòa Gp Thái Bình, theo khoản 1 điều 401 của giáo luật.

Đức cha Phanxicô đã hết lòng coi sóc giáo phận Thái Bình trong suốt 19 năm (1990-2009), ghi dấu ấn sâu đậm trên một giai đoạn lịch sử của giáo phận. Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, thay mặt Tòa Thánh, trong điện văn thông báo đơn từ chức của Đức cha được chấp thuận, đã đánh giá cao thành quả lãnh đạo giáo phận của ngài: “Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc chân thành cảm ơn Đức Cha về sự lãnh đạo trong cương vị mục tử mà Đức Cha đã thi hành một cách tận tâm trong suốt 19 năm qua”.

Nhân dịp này, WHĐ thực hiện cuộc phỏng vấn Đức cha Phanxicô, với mong ước nhận được những chia sẻ quý báu của ngài, một bậc trưởng thượng trong hàng mục tử của Giáo Hội tại Việt Nam: 78 tuổi đời, 51 năm linh mục, 28 năm giám mục.

Xin chân thành cảm ơn Đức cha Phanxicô đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ.

* * *

1. - WHĐ: Cuộc đời của Đức cha gắn liền với hai giáo phận Hà Nội và Thái Bình. Đức cha có những cảm nhận gì về cuộc sống và con người ở hai giáo phận này?

+ Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang (ĐC): Tôi sinh ngày mừng 8 tháng Giêng năm 1931 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là ngày tháng theo các hồ sơ xã hội để lại như Chứng Minh Nhân Dân, Sổ Hộ Khẩu, Hộ Chiếu...v.v.

Còn về phần đạo, thường lấy ngày 8 tháng Giêng năm 1932 là năm sinh, cho nên theo tuổi tôi tính tuổi mụ thì cũng được 79 tuổi, suýt soát 80. Vì thế, trong bài thơ từ nhiệm của tôi được kết luận bằng hai câu.

Tám mươi cao niên, nay từ nhiệm.
Cuộc sống lạc quan ngẩng cao đầu.

Tôi lớn lên, từ lúc còn ở tuổi niên thiếu giữa các phố phường Hà Nội, nên một phần nào mang tính chất lãng du của một thanh niên thị thành. May mắn thay, tôi được học tại trường nhà xứ Hà Nội có tên là Gendreau, và được Cha giám đốc là Cha già Hạnh tuyển vào đội ngũ các em giúp lễ. Được tiếp xúc với bàn thờ, nên đã nảy sinh trong tôi ơn gọi làm Linh mục và được theo học tại tiểu chủng viện Hoàng Nguyên trong thời gian 5 năm. Sau đó lên Đại chủng viện Xuân Bích (di cư vào miền Nam). Cuối cùng, tôi được Đức cha Trịnh Như Khuê kêu gọi trở về Hà Nội vừa tự học và làm công nhân nhà in Thánh Tê-rê-sa ở Hà Nội 2 năm. Tiếp đó, tôi được 6 giáo sư giảng dạy trong 2 năm nữa ở một Đại chủng viện có một mình tôi là Chủng sinh. Được thụ phong Linh mục ngày 18 tháng 04 năm 1958, tôi được sai đi coi giáo xứ Hàm Long, hiến dâng một cuộc đời thanh xuân phục vụ cho giáo dân xứ Hàm Long. Đây là nơi đã từng nuôi trồng 3 Hồng Y và 2 Giám Mục. Giáo dân xứ Hàm long có thể nói là tượng trưng cho mẫu người và dân Hà Nội, mọi thành phần dân Chúa ở đây đều đạo đức sốt sáng và chân thành. Qua 6 năm phục vụ, tôi được gọi về làm thư ký cho Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Như Khuê, và giảng dạy tại Đại chủng viện cho đến khi Ngài qua đời, rồi làm Cha sở Nhà thờ lớn Hà Nội, làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, làm Giám mục phụ tá cho Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn.

Ngày 18 tháng 05 năm 1990, Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn từ trần. Ngày 03 tháng 12 năm 1990, tôi được bổ nhiệm làm Giám mục Chính toà Giáo phận Thái Bình. Tôi đã phục vụ trên 30 năm trong Giáo phận Hà Nội, đặc biệt là tại thủ đô. Hầu hết các Linh mục miền Bắc học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội là học trò cũ của tôi, trong số đó có 5 vị Giám mục. Với một cuộc sống tiếp xúc len lỏi vào các thành phần trong Giáo phận Hà Nội, cho nên tôi hiểu rõ con người và giáo hữu Hà Nội. Với tất cả những biến cố trước cho đến nay, những câu chuyện vui buồn, nhất là những chuyện về thủ đô Hà Nội, Toà Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà... mà tôi được hiểu và biết rất nhiều. Vì thế, chính Đức Tổng Giám mục TGP Hà Nội - Giuse Ngô Quang Kiệt đã nói với tôi rằng “Bố già biết mọi chuyện dĩ vãng và hiện tại thì nên viết lại, kể lại cho chúng con biết với”. Thực ra kho tàng giấu kín đó vẫn ở trong tôi chưa được đào bới đúng mức. Mong rằng khi được về hưu có nhiều thời gian, dịp thuận tiện tôi sẽ làm được niềm mong ước đó của Đức Tổng Giám mục Hà Nội và những người khác cùng mong muốn. Phần nào tôi đã viết về những chuyến công du nước ngoài của tôi trong 2 tập sách của tôi là (Hành Hương và Thăm Viếng) xuất bản năm 2006, và một số những sách trong những hành trình du lịch các nước Á Châu tôi đã viết xong và sẽ ra mắt trong mấy tháng tới). Kết quả cho biết, sự gắn bó giữa tôi và người Hà Nội rất tâm tình thắm thiết, nên dù tôi đi xa nhưng vẫn gần gũi với họ. Có dịp tôi thường về dâng lễ, giảng day, hội thảo và được sự đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Cũng thế, khi ở Thái Bình có cuộc lễ nghi, thánh lễ trọng thể vui vẻ nào, thì những người Hà Nội lại rủ nhau đông đúc về tham dự. Kể cả những ngày lễ tết hàng năm. Một vị có trách nhiệm nói đùa với tôi rằng:

Tâm hồn Đức Cha để ở Hà Nội, còn thể xác thì ở Thái Bình, có đúng không?

Sở dĩ có lời nói như vậy, vì thỉnh thoảng tôi muốn lánh ở Thái Bình lên Hà Nội, tìm căn phòng tĩnh lặng để đọc kinh cầu nguyện riêng tư thoải mái, hoặc viết những thư chung và bài phát biểu trong đạo cũng như ngoài đời, để đỡ bị quấy nhiễu, đôi khi cũng tổ chức bữa ăn thân thiện với những người thân hữu ở trong hoặc ngoài nước,trong hoặc ngoài giáo phận.

Ngày đầu tiên tôi về Thái Bình có hàng trăm xe đưa tiễn, và mọi người đều chứng kiến cảnh tôi quỳ xuống tại bến phà Tân Đệ hôn mảnh đất thân thương Chúa đã trao phó. Sau đó tôi tiến vào nhà thờ Chính toà Thái Bình, trước mặt toàn dân đạo và đời, tôi tuyên hứa với Giáo phận như bạn trăm năm mà tôi đã phục vụ gần 20 năm nay. Nên biết Giáo phận cũng như con người Thái Bình trong đạo ngoài đời những năm đầu tiên rất khác xa với Hà Nội, nơi tôi chôn rau cắt rốn và đã từng sống làm trẻ em bụi đời trèo me, trèo sấu... Giáo dân được thụ hưởng nền giáo huấn của các Cha dòng Đaminh rất sốt sáng nhưng lại bảo thủ, chưa được mở ra với giáo huấn của Công Đồng Vatican II nên vẫn đóng khung, nề nếp (kể cả trong đạo ngoài đời) nếu không gọi cổ hủ thì cũng cứng nhắc, khó đổi mới.

Khi tôi lần đầu tiên tiến vào ngôi nhà thờ Chính Toà xem xét những hư hại về cuộc ném bom trước đó, có một số người (kể cả Linh mục) nhìn tôi như một thanh niên thủ đô Hà Nội, nét mặt tuy đã gần tuổi 60 nhưng vẫn bảnh trai lịch sự ngơ ngác nhìn lên gian thánh và trần nhà thờ, đã thốt lên rằng: “ông kia không đeo tràng hạt ở cổ và con mắt nhìn đi đâu thì coi sóc giáo phận thế nào được?” Tất nhiên không phải là hầu hết, nhưng bầu không khí đó cũng vương vấn trong lòng Chúa Chiên cũng như Con Chiên trong thời ban đầu. Đàng khác ngay cả về phía chính quyền, một số vị có vai trò quan trọng cũng mang nặng thành kiến, khi họ phát biểu rằng: “ông này đang làm to trong Giáo Hội ở trên thủ đô Hà Nội, làm phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, Giám mục phụ tá Giáo phận Hà Nội, rồi đi Tây, đi Tàu như đi chợ... Ông được sai về đây để làm gì? Có thể là gián điệp của Toà Thánh Vatican, do thám ở vùng này chăng?” Như vậy, suốt 2 năm trời, tôi không xin được Hộ Khẩu để được trú ngụ tại Giáo phận Thái Bình. Mấy lần xin đi nước ngoài họp hành đều bị từ chối. Có lần họ gửi thư lên tố cáo tôi những 10 tội trạng khác nhau. Tuy nhiên tôi không dám oán trách ai, vì thời thế lúc đó con người chỉ nhận thức được bấy nhiêu. Có một vị có thẩm quyền ở trên thủ đô Hà Nội nói rằng:

“Thái Bình của cụ như là một hòn đảo bị bưng bít, giao thông toàn là phà và đò để giao lưu và di chuyển tới các tỉnh khác, đầu óc hạn hẹp là phải thôi”. Nhưng nhờ sự hiểu biết, cởi mở của các cấp Trung ương tới địa phương và nhất là nhờ ơn Chúa giúp, cùng với sự cầu nguyện của những người thân quen cả 2 giáo phận Hà Nội và Thái Bình, nhờ sự kiên nhẫn tìm hiểu, nhờ sự đổi mới trong đạo, ngoài đời. Nên giờ đây những cây cầu bắc qua những dòng sông đã kết nối các địa phương, liên kết được những con người trong đạo cũng như ngoài đời, để cùng nhau phát triển và làm cho đời sống tươi đẹp hơn.

Tôi đã chọn con đường đối thoại đi đến tất cả mọi người, đi đến các xứ đạo, đến với các gia đình, với các Linh mục, các nam nữ Tu sỹ và Chủng sinh. Gặp gỡ và tìm hiểu, an ủi nâng đỡ và dần dần tạo tình thân thiện trong cương vị Mục tử, cha con, bạn bè. Tôi cũng cố gắng hết mình làm việc Mục vụ (khi nào có thể tôi đến bất kỳ nhà Thờ nào trong giáo phận để dâng lễ, và nhất là giảng dạy cho cộng đoàn tín hữu, giáo dân rất hứng khởi và rất thích nghe để qua đó thu lượm được nhiều bổ ích như họ đã chia sẻ với tôi.

Người Thái Bình thuộc mọi thành phần, trong đạo ngoài đời, qua một vài năm dè giữ, tìm hiểu đã có tình thân yêu càng ngày càng thắm thiết. Tất nhiên một vị giám mục công việc đầu tiên phải lo cho giáo phận là nâng cao lòng đạo đức, mở rộng Nước Chúa, đem Tin Mừng đến cho mọi người. Về điểm này, người Thái Bình rất tự hào vì đã trải qua nhiều Năm Thánh kỷ lục trong Giáo Hội, có lần 3 Năm Thánh liên tiếp, có lần mang danh Năm Thánh lạ hoắc như Năm Thánh Hồng Đào để nói lên sự lớn mạnh của giáo phận.

Biết bao ơn lành Chúa đã ban trong Năm Thánh, qua đó đã làm cho giáo dân trưởng thành vượt bậc cả tinh thần cũng như vật chất. Con số Linh mục trong 60 năm qua được nhân lên gấp 4 lần. Các xứ được nâng lên tới con số 95 đã gây lên sự phấn khởi hiếm có trong Giáo Hội. Người Công giáo Thái Bình dưới sự dẫn dắt của Đức Giám mục, Linh mục đã trở nên tốt đời đẹp đạo, trở nên thánh thiện. Nhờ sự hoan lạc tươi mới của ánh sáng Phúc Âm mà trong các kỳ thi giáo lý, các thanh thiếu niên luôn chiếm được các giải có giá trị cao. Ví dụ như trong cuộc thi giáo lý giới trẻ tại giáo phận Hải Phòng cuối năm 2007, các em trong giáo phận Thái Bình - nơi đồng chua nước mặn, khó nghèo đã chiếm giải nhất.

Về công tác xã hội, đã có 800 giếng nước được khoan, được đào để phục vụ mọi người, không phân biệt tôn giáo. Hàng trăm ngàn đôla cho vay không lấy lãi, mà thường mất cả vốn như lời chính họ đã nói vui rằng “của Cha cũng như của con”, và như thế họ xù nợ luôn. Nhất là trong những tháng năm cuối của Đức giám mục đảm nhiệm giáo phận, đã có các Dòng tu nam nữ phát triển mạnh mẽ và nở rộ. Các phong trào xã hội, bác ái, nhân đạo cũng có nhiều tiến triển. Người dân giáo phậnThái Bình ngày nay nhìn rõ Đức giám mục của họ không phải chỉ là con người có xác ở Thái Bình và linh hồn ở Hà Nội, nhưng tôi muốn là một con người có tâm hồn và trái tim rộng mở để bao quát rỗng rãi, ôm ấp mọi người làm con cái Chúa và đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Mới đây nhân vụ đất cát toà Khâm Sứ và Thái Hà, tôi đã sử dụng sự hiểu biết dĩ vãng và hiện tại của tôi để viết những bài bênh vực cho công lý và sự thật. Nhưng trong sự trung dung hoà giải tế nhị, tuy có làm phật lòng cả đôi bên, song cũng được đánh giá tốt, có phần tích cực xây dựng như lời phát biểu của một số nhân vật chính quyền. Nhất là gần đây như tiến sĩ Huy Thông đã viết trong bài “Trở Lại Thái Bình”:

“Cũng có người không thích các cuộc gặp gỡ của ngài với nhà chức trách vì coi đó là công việc của các “Giám mục đỏ”. Một bạn đọc ở Hoa Kỳ đã viết trên VietCatholic rằng : nếu giám mục đỏ mà đ¬ược như¬ Đức cha Thái Bình thì cũng nên có nhiều Giám mục đỏ. Tôi cũng đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ của ngài ở Ban tôn giáo Chính phủ, ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những dịp tết cổ truyền. Sau những lời thăm chúc xã giao là ngài kiến nghị việc nọ việc kia. Nào là tại sao chỉ cho các linh mục “chui” ở các giáo phận khác đi học hợp thức ở Sao Biển, vậy Thái Bình không phong “chui’ thì chịu thiệt sao? Tại sao Nhà nước vẫn tự hào tổ chức đư¬ợc các hội nghị quốc tế lớn ở Việt Nam an toàn mà không dám cho phía giáo hội thuê sân vận động Mỹ Đình để đón Đức Hồng y Sepe hay tổ chức gặp gỡ giới trẻ?...Chắc chắn Đại chủng viện Thánh Tâm đư¬ợc mở ra ở Thái Bình cho hơn 30 thày cao tuổi theo đuổi con đ¬ường tu trì, dòng Đaminh nữ đư¬ợc tái lập, nhiều dòng tu mới đang tìm Thái Bình làm nơi “đất lành”…là có sự tác động của những cuộc đối thoại thẳng thắn đó.”

Sau khi vận động mọi người trong giáo phận Thái Bình đi viếng đền thờ Đức Mẹ ở Đền thờ giáo xứ Thái Hà để lĩnh ơn toàn xá trong Năm Thánh, tôi đã viết thư kính gửi chính quyền để phản đối việc ngăn cản giáo dân tới địa điểm Năm Thánh đó. Đã có nhiều cán bộ đến với các Cha xứ cho biết kỳ này cho ông Sang về nghỉ hưu vì đã có tội liên kết với Thái Hà... Sau đó, có nhân viên của một trường học phát biểu trong một cuộc họp đã vu khống cho Giám mục Thái Bình là tên phản động, tụ tập các đầu gấu tại nhà thờ Thái Hà, và còn kích động giáo dân lên trên xứ đó tham gia... Cũng may các vị thẩm quyền đều chối bỏ tin đó và vẫn tỏ ra tín nhiệm bản thân tôi. Thế nên, cụ Huỳnh Đảm - chủ tịch MTTQ Trung ương vẫn có lời mời tôi tham dự Ban chấp hành, tôi từ chối vì lý do sức khoẻ và tuổi cao, đến ngay Hội Đồng Giám Mục hàng năm tôi cũng không thể tham dự được.

2. - WHĐ: Đức Cha đã bước qua tuổi “cổ lai hy”, đã chứng kiến và trải nghiệm rất nhiều biến cố của Giáo Hội và xã hội. Đức cha có thể chia sẻ cho độc giả những ưu tư và hy vọng nổi bật nhất ?

+ ĐC: Trong suốt gần 80 năm cuộc đời, hơn 50 Linh mục và 30 năm Giám mục, có biết bao sự kiện, biến cố đã xảy ra với tôi. Thật khó chọn lựa, song tôi cũng cố gắng khẳng định rằng, có hai biến cố gây ưu tư và hy vọng nhất đã xảy ra ở hai thời kỳ và địa điểm khác nhau, một ở Hà Nội và một ở Thái Bình.

Biến cố thứ nhất xảy ra vào dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, làm thỉnh nguyện thư xin phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam.

Nhân vật nổi bật và có công nhất chính là Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn. Có lẽ ngài cùng với một số một các Đức cha Việt Nam và ngoại quốc đã âm thầm chuẩn bị tiến tới việc phong hiển thánh. Đức Hồng Y Giuse-Maria thường được đánh giá trong cuộc sống là “người hiền lành đến mức dễ dàng”. Song, trong việc phong thánh, ngài tỏ ra hết sức kiên cường, gan dạ vô cùng. Chúng tôi nhớ, trong cuộc họp dưới sự điều hành của ông Bộ trưởng Bộ Công An là ông Mai Chí Ngọ, ông này đã lớn tiếng thoá mạ một số các thánh tử đạo, nhưng lập tức bị Đức Hồng Y phản ứng bằng cách khóc lớn tiếng trong cuộc họp và mạnh mẽ nói rằng: “ông không được thoá mạ tổ tiên cha ông chúng tôi”, và cuộc họp vì thế đã bị chấm dứt. Sau này, có tin cho biết rằng, ông Ngọ bị trách cứ là “suýt nữa cụ Trịnh Văn Căn ngã xuống thì lúc đó con số phong hiển thánh sẽ là 118 vị chứ không phải là 117 vị.”

Ngài cũng tỏ ra không khoan nhượng với bất kỳ sự chống đối nào trong việc xin phong hiển thánh. Tôi rất xúc động khi thấy Đức Hồng Y vái lạy các Đức giám mục trong hội nghị và xin các Đức cha đừng làm như vậy. Ngài cử tôi đứng đầu phái đoàn, lúc đó là tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (có thêm Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm và Cha Phaolô Huỳnh Đông Các tham gia phái đoàn) định sang Rôma giải thích và dự lễ phong thánh, nhưng phái đoàn không đi được vì không được phép của Chính phủ.

Công trạng của Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn như vậy, và tôi là tổng thư ký phục vụ cho ngài mà cũng bị một vài nhân vật cho là yếu đuối trong việc phong thánh. Ví dụ việc Đức Hông Y nhượng bộ chọn bản văn trong thánh lễ: Chính quyền đề nghị không nên dùng bản văn anh em nhà Ma-ca-bê, mà nên chọn các bản văn khác. Ngài đã nói riêng với tôi rằng, “họ đã để cho mình phong thánh là tốt lắm rồi, mình nhượng bộ đôi chút không sao. Vả lại, chính trong sách lễ cho phép chọn trong 4 bản văn khác nhau.” Sự nhượng bộ đó của ngài đã đem lại nhiều cơ hội được tổ chức thánh lễ rất trọng thể kính các thánh Tử đạo, nhất là được in và sáng tác các bài thánh ca về các thánh Tử đạo Việt Nam.

Còn tôi, vì ra một thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước lễ phong thánh 3 tháng, yêu cầu mọi người vẫn kính các thánh Tử đạo như cũ ở bậc Á Thánh (chưa được phong) đã bị coi là “chống phong thánh”. Một năm sau, nhân dịp nhà nước cho đi chữa bệnh ở Rôma, tôi cùng hàng trăm người Công giáo Việt Nam, gồm có các Linh mục, nam nữ tu sĩ từ Âu Châu, Mỹ Châu được Đức Thánh Cha cho phép dâng thánh lễ trọng thể tại đền thánh Phêrô và Phaolô. Nhân dịp này, Đài phát thanh Vatican đã phỏng vấn tôi cả tiếng đồng hồ về sự kiện phong thánh Tử đạo Việt Nam. Một cuộc phỏng vấn mà nghe nói rằng, Đức Hồng Y Giuse- Maria Trịnh Văn Căn được báo trước, nên sau khi dâng lễ ngài vội vàng chạy “đứt cả dép” để nghe qua đài Vatican “mà thoả lòng thoả chí” (sau đó ngài thú nhận với tôi).

Ngày 03 tháng 12 năm đó, nhân lễ thánh Phanxicô Xavie - Bổn mạng của tôi, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chiếu cố cho phép tôi cùng với Linh mục, nam nữ tu sĩ với ngài dâng thánh lễ trọng thể tại nguyện đường riêng của ngài ở trong Vatican.

Vậy các bạn xem có biến cố nào vĩ đại gây cho tôi nhiều ưu tư nhưng hy vọng và nổi bật như vậy không?

Biến cố thứ hai đã xảy ra trong Giáo phận cách đây 2 năm (tức ngày 13 tháng 10 năm 2007), ngày Lễ Cung Hiến Nhà thờ Chính toà Thái Bình. Những nghi lễ trọng thể với những nội dung và ý nghĩa của một lễ Cung Hiến đã được diễn ra với sự có mặt đông đủ của hầu hết các Đức Giám mục Việt Nam trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và hàng chục vạn giáo dân trong và ngoài nước đã gây nên một ấn tượng đẹp đẽ không thể phai mờ. Chính Đức giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm - Giám mục giáo phận Bùi Chu, là giáo phận mẹ của giáo phận Thái Bình, trong bài giảng đã phải thốt lên rằng “đây là một thánh đường đẹp nhất Việt Nam.”

Việc xây dựng “Từ khởi sự cho đến hoàn thành” đã trải qua nhiều gay go trở ngại. Ngôi nhà thờ trải qua nhiều giông tố bão táp, kể cả hai lần bị bom địch phá hoại (không thấy được kể làm di tích chiến tranh như nhà thờ Tam Toà ở giáo phận Vinh mà có dịp tôi sẽ nói tới). Nhưng khi được đề nghị phá bỏ đi để xây dựng nhà thờ mới, lúc đầu không phải là không khó khăn trở ngại về tài chính, kỹ thuật, đất đai... Chắc chắn các vị đã đọc trong tài liệu được nhiều lần biên soạn và công bố. Chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại hai điểm ưu tư và hy vọng như sau:

1. Về sự đoàn kết thống nhất của toàn giáo phận: trên dưới một lòng. Qua các Thông cáo, Thư chung, qua các diễn biến của Năm Thánh tạo nên trạng thái hy vọng trên, đưa tới sự thành công của việc xây dựng.

2. Về kinh tế: bảo đảm các nguồn thu trong nước nhiều hơn do các phong trào ăn chay, tiết kiệm. Số tiền đóng góp của “các bà goá” kể cả “các ông goá”, các tổ chức, các hội đoàn trong và ngoài giáo phận tự nguyện đóng góp, như các Cha gốc Thái Bình, các Dòng tu, Dòng ba... chứ không phải dựa vào bên ngoài như có nhiều người hiểu lầm, hoặc ác ý gán cho Đức cha Sang đứng đầu phong trào “mục vụ thu tiền” ở Mỹ. Thực sự tôi rất ít đi rao giảng để quyên góp giúp đỡ các nhà thờ nói chung và nhà thờ Chính toà nói riêng, nhưng có biết bao nhiêu câu truyện dí dỏm phi thường hoặc những đồng tiền đến từ những tấm lòng yêu thương, bác ái kể cả những người không cùng Tôn Giáo...

Chắc các bạn đã được nghe hoặc đọc tin trên các bài viết, nhất là bài viết mới đây của tiến sĩ Huy Thông “Trở Lại Thái Bình” đã viết: “Ngôi nhà thờ chính toà Thái Bình to đẹp nhất nhì Việt Nam này chắc chắn kinh phí không nhỏ. Tiền ở đâu ra? Tôi đã không ít lần phản bác lại ý kiến của một số ngời nói rằng Vatican cho tiền các Giám mục để lôi kéo dân chúng! Xin th¬a, tiền của giáo dân tất. Dĩ nhiên giáo dân phải hiểu rộng hơn vì giáo hội là hoàn vũ nên người hảo tâm không chỉ là những ai hiện đang sống ở Thái Bình mà khắp thế giới. Trong bảng đá ghi công ở cuối nhà thờ thấy ân nhân ở mọi châu lục. Song cũng còn nhiều ân nhân chưa kịp khắc tên hoặc không muốn kể tên. Đức cha Thái Bình có kể cho tôi một gia đình buôn bán ở ngay thành phố Thái Bình khi nhà thờ đã khánh thành, ông mới vào xin gặp và muốn đóng góp tí chút vào công trình vì thấy Đức cha “làm được”. Và số tiền “tí chút” đó cũng vượt con số hàng tỷ. Sản phẩm của tấm lòng đó, hôm nay đã thấy hiện diện một pho tượng đá trắng “Trái tim Chúa Giê su”, cao tới 3m ở phía cuối cổng nhà thờ vẫn còn đang bọc trong túi nilon, chắc vừa vận chuyển từ xa mới về”.

Ngày khánh thành và Cung Hiến với các lễ nghi trọng thể hoành tráng đã được kể lại trong các hình ảnh tươi đẹp như chưa từng có trong giáo phận, không chừng ngay trong cả nước như rất nhiều sách báo, tin tức trong nước, ngoài nước đã bình luận.

Trong suốt thời gian kể từ đó tới nay, ngôi nhà thờ Chính toà Thái Bình vẫn là nơi thu hút nhiều khách hành hương. Ngay chính quyền sở tại cũng vui mừng tự hào và có kế hoạch mời tất cả Đại sứ các nước có mặt tại Việt Nam tới thăm quan, nhưng vì tổ chức quá vội vàng nên không thành công.

Đó là 2 kỷ niệm, biến cố gây ưu tư và hy vọng nổi bật trong cuộc đời của tôi, mà có thể cho nhiều người trong Giáo Hội Việt Nam, nhất là biến cố phong thánh Tử đạo Việt Nam. Giờ đây, khi từ nhiệm bước vào cuộc đời thầm lặng, tôi trân trọng các kỷ niệm đó và thấy mình còn vinh dự, nối tiếp sứ mệnh của Đấng Cứu Thế, Người Thầy vĩ đại của chúng ta, Đấng yêu thương đến tận cùng, cho nên tôi muốn kết thúc bằng mấy câu thơ của thi sĩ Bạch Lạp:

“Xin cho con một bàn tay nhân ái,
Đã đau nhiều, biết nương nhẹ vuốt ve.
Xin cho con một Trái tim vĩ đại,
Sứt sẹo nhiều, biết yêu mến say mê.
Đau thương nào, cũng cảm thấy riêng con,
Khổ đau là vàng son
Tô đời con rực rỡ.
Hái hạnh phúc, mọc lên từ tan vỡ,
Cắm Bông hoa vào Trái tim sứt sẹo
Đốt Lửa cháy trong cõi lòng lạnh lẽo”.

3. - WHĐ: Vào lúc này, khi chuẩn bị về nghỉ ngơi sau một chặng đường dài phục vụ Giáo Hội, Đức cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam?

+ ĐC: Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội có đầy đủ cơ cấu để hoạt động hiệu quả trong mọi trường hợp của xã hội. Giáo Hội có đường lối rõ rệt như thư chung năm 1980, nhất là những thư chung mỗi năm đến nay đều đề ra và cố gắng thực hiện một Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống càng ngày càng chuẩn bị tiến tới một Vương Quốc công bằng, yêu thương như sách Khải Huyền đã tả vẽ trong ngày Tận thế. Nhưng một Giáo Hội sống giữa cuộc đời trần thế thì ít nhiều cũng mang giáng dấp của một đất nước và xã hội chung quanh. Chúng ta thường hay nghĩ, có lẽ thường quan niệm và phần nào đi tới thực hiện theo đúng danh từ “Giáo Hội Công Giáo Rôma (Vatican)”, nhưng có lẽ làm lu mờ hoặc thiếu thực tế của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nữa. Chúng tôi muốn dùng chữ Việt Nam để không nói tới một chế độ hay chính quyền nào, mà một Giáo Hội ở bất cứ thời nào đều phải là một Giáo Hội mang giáng dấp Việt Nam từ lễ nghi, kinh nghiệm, cách sống, cách cư xử, giải quyết những vấn đề mang tính chất Việt Nam hơn là ngoại quốc, dù ngoại quốc đó có phải là Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, kể cả Vatican... Mà xét về bản chất con người, “Errare-humanum-est” – “sai lầm là thuộc nhân loại tính”. Chúng ta tự hỏi: có một nền Phụng vụ thuần tuý Việt Nam hay chưa? Các kinh nguyện sớm tối vẫn còn lai căng khó hiểu. Cuộc sống đạo mang tính chất thâm trầm của Tin Mừng hay còn lệ thuộc vào những hình thức náo động bên ngoài mang tính lễ hội...vv.

Tôi mạnh bạo, chứ không phải vì một ước muốn hay phản ứng chủ quan nào khác mà dám hỏi: Ngay việc đào tạo các vị lãnh đạo trong Giáo Hội theo đường lối nào? Có sát với môi trường sống đạo của Việt Nam hay không? Ngay việc chọn lựa các vị lãnh đạo như Hồng Y, Giám Mục...? Đành rằng, đã được Toà Thánh Vatican chọn lựa cẩn thận nhưng có được mấy phần trăm mang giáng dấp Việt Nam, từ sự tìm hiểu, đánh giá và các liên hệ nhạy cảm khác nữa. Chúng ta không tán thành đường lối thụ động của Giáo Hội Trung Quốc trong phong trào “tam tự”, nhưng nên nhìn xa trông rộng để thấy phần nào mục đích của họ, để đóng góp vào một Giáo Hội địa phương ích lợi cho mọi người, làm giảm bớt đi những khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng trong xã hội và thời đại ngày nay. Xem gương cha Matheo De Ricci. Tôi rất đồng tình với lối giải thích của một số Giám mục trong đó có Đức cha Aloysius Lin Luxian - Tổng Giám mục thành phố Thượng Hải. Qua đó các ngài phân biệt việc các giám mục được nhà nước chọn và được phong chức không qua sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng và Vatican, mà về phương diện thần học không có gì sai sót, nhưng sai phạm về Giáo luật (có nghĩa là thành phép – valinde, nhưng không hợp pháp – illicite, vì do một giám mục có chức tấn phong). Vậy nên, sau này có thể sửa chữa được, và như vậy cho đến ngày nay hầu hết các Giám mục ở trong tình trạng lỗi luật trước kia đã được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 công nhận. Điều này cứu vãn đạo Chúa Kitô và duy trì sự có mặt của Giáo Hội Công Giáo sống còn tại Trung Quốc ngày nay. Hiện đã có cuộc tiếp xúc giữa Toà Thánh Vatican và chính quyền Trung Quốc để giải quyết các khó khăn trong vấn đề chọn lựa giám mục. Kết quả giám mục phó Thượng Hải đã được chọn lựa và tấn phong với sự đồng thuận của cả chính phủ Trung Quốc lẫn Toà Thánh Vatican. Chúng ta cũng nên nhớ ảnh hưởng lớn lao của bức thư gửi Giáo Hội Trung Quốc do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Bức thư nhấn mạnh tới việc chỉ có một Giáo Hội duy nhất, và đề ra một số biện pháp để duy trì sự hiệp nhất đó. Chúng ta có thể xem bài phỏng vấn của báo “Ba Mươi Ngày” với Đức Cha Aloysius nói trên:

“Đối với chúng tôi, bức thư đã và đang là một niềm an ủi rất lớn và cũng là sự khích lệ vĩ đại. Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ với chúng ta tình yêu thương của ngài làm cho chúng ta rất xúc động. Các nhà thờ “công khai” đón nhận bức thư đó với sự phấn khởi, nhất là vì Đức Giáo Hoàng đã nói “ở Trung Quốc chỉ có một Giáo Hội chứ không có hai.” Vẫn chưa có những phản ứng về những cộng đoàn âm thầm, nhưng có một số trong các ngài đã đón nhận sự hoà giải với nhau. Có một số nghĩ rằng nếu họ chấp nhận hoà giải với nhau và đi lễ các nhà thờ “công khai” được mở ra, thì y như mất đi một cái gì. Ví dụ: Đức Giáo Hoàng đã nói trong thư của Ngài rằng “Tất cả các linh mục phải ở trong giáo phận”. Vậy mà các linh mục thuộc các cộng đoàn không đăng ký (âm thầm) đi bừa bãi khắp đất nước Trung Hoa. Ngày nay đã có nhiều tiến bộ vì giám mục chưa được nhà nước công nhận ở Thượng Hải đã cho phép các tín hữu đi tới các nhà thờ công khai. Đó cũng là một thay đổi tích cực.”

Ước mong nóng bỏng nhất của tôi hiện nay là Giáo Hội Việt Nam đừng để cho các biến cố đang xảy ra trong và ngoài nước, gây nên sự chia rẽ trầm trọng, mà phải bảo đảm là một Giáo Hội đoàn kết yêu thương như chính Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã khuyên nhủ: “là một Giáo Hội biết đối thoại lành mạnh và không có ước mơ gì để phô trương thay thế về mặt chính trị.”

Đây có thể là một số tư kiến nhưng xuất phát từ một lòng yêu mến Giáo Hội và Tổ quốc Việt Nam, có thể còn được tranh cãi, nhưng xin được lượng thứ về sự chân thành của nó.

Ngày nay cũng có nhiều ý kiến phát biểu thường nhấn mạnh tới ưu tiên của Giáo Hội Việt Nam là xây cất các thánh đường, trụ sở... là to lớn, đẹp đẽ mà quên rằng Giáo Hội Việt Nam ngày nay rất cần phải xây dựng cuộc sống tâm hồn được kết quả hơn.

Về mặt lý thuyết, điều đó không ai phản đối, nhưng về thực tế hiện nay cũng cần phải được xem xét, vì chính những đấng tuyên bố như vậy cũng đầu tư vào những công trình xây dựng lớn lao không kém ai. Vả lại, trong hoàn cảnh Giáo Hội Công giáo hiện nay, các nhà thờ, cơ sở nhiều năm không được tu sửa đã xuống cấp trầm trọng, có thể sinh ra nhiều nguy hiểm cho những người sử dụng, nên việc tu sửa đã trở nên cấp thiết. Cũng vì hoàn cảnh cuộc sống hiện nay, tuỳ theo quan niệm chủ quan, cho là việc xây dựng cần phải bảo đảm sự văn minh trọng thể, xứng đáng với Thiên Chúa và cộng đoàn tôn giáo. Trong khi người ta dành để những tiêu xài quá lớn cho những công việc trần thế, các hội nghị, các tổ chức ăn chơi lãng phí, nhất là sắm sửa các phương tiện chiến tranh giết người... (ví dụ: một chiếc máy bay phản lực hàng triệu đôla; một tên lửa xuyên lục địa hàng trăm nghìn đôla...). Tệ nhất là ở Châu Phi vừa qua, khi Đức Giáo Hoàng đi thăm, thấy dân chúng nghèo đói mà chỉ thấy các tổ chức quốc tế viện trợ cho họ bao cao su và thuốc phá thai. Thật là mỉa mai và nực cười! Những tiêu xài to lớn như thế so sánh thế nào với những đóng góp nhỏ bé xây dựng thánh đường mà chúng ta tự hào rằng đó là cho Chúa tất cả! Các cộng đoàn tôn giáo khác trên thế giới đều tiến hành các cuộc xây dựng quy mô tân thời. Đàng khác đi song song với việc xây dựng bên ngoài, chúng ta không nên bỏ quên hoặc chú trọng nhiều hơn nữa việc xây dựng đời sống tôn giáo phong phú, sốt sáng nếu không hơn hẳn thì cũng bằng sự xây dựng bên ngoài. Đó chẳng phải là điều chúng ta mong mỏi sao? Do đó, không nên chủ quan để đoán xét những người khác được.

Thái Bình, ngày 15 tháng 08 năm 2009
+F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám mục Gp Thái Bình

No comments:

Post a Comment