Saturday, February 5, 2011

Võ Ngọc Tụng -Mậu Thân 1968: Cải Táng Đồng Bào Bị Thảm Sát

Mậu Thân 1968: Cải Táng Đồng Bào Bị Thảm Sát

Võ Ngọc Tụng

Ai cũng biết dịp Tết 1968, hai bên lâm chiến, Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản Bắc Việt đã ký kết đình chiến để đồng bào ăn Tết. Thành phố Huế chỉ có các đơn vị hậu cần như Công binh, Vận tải, Tạo tác, Quân y, Quân nhu, Quân cụ v.v...Tại Bộ chỉ huy Tiểu khu Thừa Thiên Huế và Bộ Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh cũng như các đơn vị tiếp vận, một phần ba (l/3) binh sĩ được về nhà ăn Tết với gia đình 24 tiếng, và luân phiên.

Vào lúc 1 giờ 30 đêm mồng 1 Tết cộng quân (CQ) khởi sự đánh chiếm thành phố. Sau chừng 1 giờ đồng hồ, thành phố Huế gồm 3 quận hành chánh, doanh trại các đơn vị hậu cần, các cơ sở hành chánh tỉnh Thừa thiên và thành phố, Bộ chỉ huy Tiểu khu, sân bay Thành nội cũng như Nội thành đều bị chiếm. Ngoại trừ Bộ tư lệnh Sư đoàn I đóng tại Mang Cá. Cộng quân phá sập cầu Trường Tiền, đốt chợ Đông Ba, thượng cờ tại Phú Văn Lâu. Tất cả các cao ốc có sân thượng đều bị chiếm và bố trí súng ống, phòng không, đặc biệt là trên thượng thành Thành nội và các cửa ra vào Thành nội.

Khi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra, tôi là một sĩ quan thuộc Phòng 3 Bộ tham mưu Sư đoàn I Bộ binh đóng tại Mang cá, Thành nội Huế, nơi duy nhất không bị Cộng sản (CS) chiếm trong đêm đầu, tức đêm mồng 1 Tết.

Sau đó tôi được biệt phái qua Tiểu khu Thừa Thiên đi làm Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Phú Thứ - một trong ba quận có nhiều mồ chọn tập thể dân Huế. Đó là các quận Phú Vang, Phú Thứ và Nam Hoà tỉnh Thừa Thiên.

Trong 24 ngày chiếm cứ thành phố Huế (gồm 3 quận hành chánh là quận 1 Thành nội, quận 2 phía tả ngạn sông Hương và quận 3 hữu ngạn), Cộng sản - chủ chốt là thành phần nằm vùng và đám địa phương chẳng hạn như anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan, Ngọc Tường, tên coi tướng số Diệu Linh v.v... - đã bắt, giết và chôn sống hàng ngàn đồng bào Huế.

Họ đi lục soát từng nhà bắt đi, lập toà án nhân dân để giết như tại chùa Gia Hội; có nơi đồng bào đến lánh nạn bị họ bắt đi hàng trăm người như tại nhà thờ Chúa Cứu thế, nhà thờ Phú Cam. Tôi không biết con số đích xác dân Huế bị giết trong Tết Mậu Thân là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ không dưới 4.000 người.

Có những hố chôn tập thể là những rãnh cát dài hàng trăm thước được đào sơ sài. Nạn nhân từ 100 đến 200 người bị trói dài với nhau bằng đủ loại giây, kể cả giây kẽm gai, bắt đứng sát nhau thành hàng ngang dưới hố. Trước khi dập cát lên họ, nạn nhân bị bắn hoặc đánh bằng cán cuốc vào đầu Có người không bị thương tích gì cũng ngã theo với các người khác và bị chôn sống. Khi xác được bới lên, nhiều người thịt hãy còn tươi, nhiều người còn đủ giấy tờ tùy thân.

Vùng có nhiều hố chôn tập thể hơn cả là vùng cát gần các thôn Xuân ô, Xuân Đợi, Ba Lăng, Quảng Xuyên, Lương Viện, Viễn Trình. Nạn nhân bị bắt được CS dẫn đi theo hai lộ trình chính. Một lên hướng Nam Hoà đi vào khe Đá Mài (nhiều trăm xác được tìm thấy tại đây). Hai qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê gót về các vùng ĐÔng Đổ, Ba Lăng, Lương Viện, Trường Hà, Mộc Tụ quận Phú Thứ.

Việc tìm kiếm các hố chôn tập thể có nhiều cách. Một trong những cách đó là dân theo hướng những tiếng rú hãi hùng trong đêm. Bởi khi bị dồn thành hàng dưới các hố rãnh, biết rằng mình sẽ bị hành hình nên các nạn nhân đã rú lên kinh hoàng. Dân các làng chung quanh tùy theo chiều gió đã nghe rất rõ những tiếng rú ấy trong đêm khuya. Mỗi cuộc cải táng phải có sự phối hợp chu đáo giữa xã, quận và tỉnh.

Trước hết phải thành lập các toán nhận dạng nạn nhân. Họ là những người chuyên môn và tình nguyện, thường là một nhóm 6 người gồm 3 người đặc trách nhận dạng. Khi lấy xác lên, họ tìm kiếm giấy tờ nếu có, kiểu và màu sắc áo quần, giới tính, tóc, răng hay những điểm nổi bật khác. Một người có nhiệm vụ ghi vào phiếu của thi hài và đánh số. Hai người khác bỏ toàn bộ xác nạn nhân còn lượm được vào túi ny-lông và gắn phiếu cẩn thận. (Thật đáng khâm phục các toán nhận dạng; hàng ngày họ làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều không mệt mỏi, trong lúc tôi chỉ đứng quan sát mới 20 phút mà đã muôn té xỉu vì không chịu nổi mùi hôi).

Các túi ny-lông được chuyển ngay về quận. Tại đây đã thiết lập một rạp lớn che bằng tôn có sẵn các "tiểu" bằng gỗ để lươm các túi ny-lông xác rồi kê thành hàng ngang dọc tùy theo số lượng các "tiểu" Bên trên rạp có thiết lập hai bàn thờ Phật và Chúa. Có các sư luân phiên đến tụng niệm. Các phiếu nhận dạng được chuyển gấp về đài phát thanh Huế và phòng thông tin để loan báo cho thân nhân. Chẳng hạn: thi hài số... có những điểm đặc biệt gì...

Sau ba, bốn ngày hoặc ngắn hơn tùy theo số lượng xác đã tìm được đã vượt quá số từ 500 - 600, một lễ cải táng được tổ chức trang nghiêm để đưa lên nghĩa trang Ba Đồn, Ba Tầng gần Nam Giao. Rất nhiều xe GMC được trưng dụng, mỗi xe chở 10 "tiểu" có gắn biểu ngữ, cờ tang và có ban nhạc đi theo. lần tổ chức cải táng sau cùng ở Phú Thứ để dời lên nghĩa trang Ba Đồn và Ba Tầng, người ta đã tìm được 454 xác

Trong đó có một hố với 4 xác (chọn sống, của 2 linh mục và 2 thầy đại chủng viện. Đó đó là xác linh mục Bửu Đồng và linh mục Đẳng, còn lại hai thầy tôi không nhớ tên). Vì có cảm tình riêng với linh mục Bửu Đồng, tôi đã dò theo dấu vết ngài từ họ Sư Lỡ qua các thôn ấp, gia đình ngài trú ngụ và cuối cùng dân ra chỗ chôn ngài. Trên người ngài còn đủ cả giấy tờ và hình ảnh với 1 lá thư do chính tay ngài viết gởi cho mẹ. Lần đào xác nầy có một số ký giả ngoại quốc đến Bộ chỉ huy tại quận Phú Thứ. Tôi có ý định mời họ đến tận nơi quan sát nhưng vì mỗi lần tổ chức, CS tăng gia hoạt động để phá hoại an ninh và việc cải táng nên các ký giả không thể đến nơi để thấy tận mắt được

Một ký giả hỏi tôi, tại sao CS phải giết những người nầy? Tôi trả lời vì hai lý do. Thứ nhất là vì bản chất ác độc thà giết lầm hơn là bỏ sót của CS. Thứ đến là vì CS bực tức vì thái độ bất hợp tác của dân Huế. Thật vậy, CS đã mong chờ một cuộc nổi dậy của dân Huế. Họ muốn tổ chức một cuộc biểu tình với hàng trăm người tại Phú Văn Lâu nhưng không ai hưởng ứng. Trong số các nạn nhân có nhiều người là thương binh cụt chân - tay, là thường dân vô tội, tu sĩ các tôn giáo, các giáo sư ngoại quốc đang giảng dạy tại đại học Huế.

No comments: